Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài Suy Nghĩ Nhân Đọc Tạng Kinh Nikaya Tiếng Việt

15/09/201100:30(Xem: 4436)
Vài Suy Nghĩ Nhân Đọc Tạng Kinh Nikaya Tiếng Việt

VÀI SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC TẠNG KINH NIKAYA TIẾNG VIỆT
Chúc Phú

Tự nhận rằng, là người của công việc, hay đi lại đó đây, ngay cả trong mùa an cư, do đó với riêng tôi, việc thực hiện đúng thời khóa công phu theo phương thức truyền thống là điều bất khả! Mặc dù vậy, tự trong sâu thẳm của lòng mình, mong mỏi được đọc tụng toàn bộ kinh tạng trong mùa an cư dường như là một sở nguyện đã manh nha từ lâu...

Với vốn ngoại ngữ không lấy gì làm phong phú, tôi đã chọn tạng kinh Nikaya qua bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Minh Châu, dành cho lần đầu tiếp cận kho tàng thánh điển đồ sộ của Đức Phật trong mùa an cư năm nay. Không tìm mua được Đại tạng kinh trên giấy, tôi phải tìm đọc Đại tạng kinh qua những trang mạng Phật học uy tín, với phương tiện máy tính cá nhân để dễ dàng ghi chép khi phải di chuyển. Đọc kinh trong tâm thế không có sự hỗ trợ của không gian, nghi lễ và các điều kiện thuận lợi khác, nên kết quả thu được của tôi sẽ bị giới hạn ở một chừng mực nhất định. Đó là điều cần phải nói, trước khi chia sẻ cùng bạn đọc những cảm nhận của riêng mình khi đọc Đại tạng kinh.

Sự hỗ trợ của các tài liệu hướng dẫn

Kinh điển thường được ví như rừng, đó cũng là điều được Đức Phật xác chứng trong nhiều kinh điển. Muốn khỏi lạc đường khi đi trong rừng và đạt được nhiều mục đích, phải có sự hướng dẫn, chỉ bày. Nói cách khác, phải có phương pháp khi đọc đại tạng kinh. Kết quả của việc đọc đại tạng kinh phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp tiếp cận, phương thức nghiên cứu của mỗi người.

Với hệ thống Nikaya, có nhiều tài liệu hướng dẫn. Chúng tôi chọn bản Hướng dẫn đọc Tam tạng kinh điểndo giáo sư người Miến Điện U Ko Lay qua bản dịch của Thích nữ Huyền Châu. Thực sự đây là bản hướng dẫn khá tổng quát về Kinh, Luật và Thắng pháp trong hệ thống Tam tạng kinh điển Nikaya. Do vì khá tổng quát nên sẽ bỏ quên những chi tiết, dù rất mực quan trọng. Cũng chính vì điều này nên chúng tôi cần sử dụng thêm các bản hướng dẫn khác như: Tìm hiểu Trung Bộ kinhcủa Hòa thượng Thích Chơn Thiện hoặc Toát yếu kinh Trung Bộdo Thích nữ Trí Hải tóm tắt và chú giải… cùng những bản chú giải về các bộ kinh tương ứng như Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng,… của các nhà luận giải Phật học. Việc đọc các bản chú giải này trước khi đọc trực tiếp vào văn kinh, giúp chúng tôi khám phá tính hệ thống cũng như dễ dàng định hình các mối liên hệ các vấn đề Phật học, các nhóm vấn đề… vốn dĩ được chuyển tải rời rạc trong kinh tạng Nikaya.

Vượt qua cảm thức nhàm chán

Mỗi giai đoạn lịch sử có những cách lưu giữ tri thức khác nhau. Trong điều kiện giới hạn về phương thức lưu giữ tri thức, nhân loại đã vận dụng năng lực lưu giữ riêng có của con người, đó chính là khả năng ghi nhớ. Một trong những đặc thù của tri thức ghi nhớ là sự lặp lại liên tục. Phương thức này ngày nay có thể bắt gặp ở một số khu vực miền quê tại nhiều nơi trên thế giới và thậm chí ngay cả Việt Nam. Trong một chuyến điền dã tại miền Trung Việt Nam, chúng tôi khám phá ra rằng, có thể người ta không biết chữ, nhưng vẫn thuộc rất nhiều câu hò và còn đọc rành rọt từng câu Kiều, thậm chí đọc toàn văn Lục Vân Tiên!

Ở đây, nhằm mục tiêu ghi nhớ và giữ gìn những lời dạy của Đức Phật một cách nguyên vẹn nhất, các thế hệ tiền nhân đã vận dụng cách thức ghi nhớ này đối với kinh điển mà Đức Phật đã chỉ dạy trong suốt cuộc đời hoằng hóa của mình. Đến khi kinh điển được lưu lại bằng văn bản, để đảm bảo tính chân thực của kinh văn, các nhà kiết tập thời ấy quyết định ghi vào văn bản đầy đủ những gì truyền miệng, dù có những đoạn bị lặp lại đến nhiều lần. Nói cách khác, kết cấu và thể loại của Tam tạng kinh điển Nikaya mang nặng dấu ấn của tri thức ghi nhớ. Do bởi dấu ấn đó, nên khi tiếp cận kinh điển, theo cảm quan người viết, chúng ta có thể lướt nhanh những đoạn lặp lại để đỡ tốn thời gian và phải biết dừng lại, đọc thật kỹ và thật chậm khi có những thông tin mới. Đồng thời, lúc đọc kinh, phải giữ tâm hồ hởi khi phát hiện điểm mới và biết dừng lại để chiêm nghiệm sâu thêm sự phát hiện này. Niềm vui mừng khi phát hiện điểm mới được xem như sự tưởng thưởng, giúp người đọc tăng thêm nhiệt huyết để tiếp tục đọc sâu vào kinh văn. Vận dụng kỹ thuật đọc nhanh, đọc chậm chiêm nghiệm sâuđúng lúc, sẽ giúp chúng ta vượt qua cảm thức nhàm chán khi lần đầu tiếp cận với tạng kinh Nikaya.

Tích cực ghi chép và phân loại tư liệu

Đức Phật thuyết giảng rất phù hợp với mọi căn cơ và trình độ của đối tượng. Tính đối cơ, tùy thời dường như là một đặc tính không thể thiếu trong các bài thuyết giảng của Đức Phật. Tuy nhiên, sự sắp xếp các bài thuyết giảng ấy trong kinh tạng Nikaya quả thực chưa hợp lý và chưa khoa học lắm. Từ thực tế cho thấy, lượng tri thức Phật học chứa đựng trong kinh điển phân bố không đồng đều và dàn trải ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là điều làm cho người đọc lần đầu dễ bị lúng túng trong việc nối kết các vấn đề, các dữ kiện, thậm chí dễ bị lẫn lộn các niên biểu lịch sử quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. Đôi khi, có những lý thuyết, những quan điểm mang tính then chốt, nền tảng trong giáo lý của Đức Phật, nhưng lại được sắp xếp ở một đoạn kinh rất ngắn, làm cho người đọc dễ bị bỏ qua. Dẫu biết rằng, Phật thuyết pháp là thuận thứ, nghĩa là từ thấp lên cao, tuy nhiên, do bị chi phối bởi cách thức sắp xếp kinh điển theo dung lượng dài, ngắn cũng như căn cứ vào mô típ, hình thức để phân loại kinh điển, chính vì vậy đã tạo nên một trật tự sắp xếp kinh điển nhằm mục đích chính là thuận lợi cho việc ghi nhớ, bảo lưu hơn là nhằm đáp ứng các yêu cầu khác.

Đọc và tích cực ghi chép khi phát hiện những vấn đề liên hệ, đó là việc cần làm khi bắt đầu đọc kinh tạng Nikaya. Càng đọc, tư liệu chép càng nhiều. Sau khi tích lũy tư liệu đến một lượng nhất định, cần phải chuyển sang phân loại tài liệu theo chủ kiến hoặc dự định của mình, nhằm sử dụng vào những mục đích tương ứng.

Các hình thức đọc kinh

Kinh điển là sự thể hiện của chân lý. Đã là chân lý thì luôn đúng trong mọi khoảng không gian và thời gian. Biết vận dụng kinh điển soi sáng những vấn đề tự thân của Phật giáo hoặc những vấn đề xã hội, đó cũng là trải nghiệm chân lý trong thực tại đời thường. Có thể bắt gặp trong kinh những vấn đề hết sức nóng bỏng trong xã hội hiện tại cũng như các cách lý giải rất mực thỏa đáng về các tồn nghi giới luật, các lý thuyết căn bản của Phật giáo… khi chúng ta đọc sâu vào kinh văn.

Từ lịch sử phát triển của Phật giáo cho thấy, có nhiều phương thức tiếp cận kinh điển. Tập trung đọc tụng một vài bộ kinh điển theo những thời khóa định kỳ cũng là một cách thức. Thậm chí ở một số truyền thống Phật giáo ngày nay, việc học thuộc lòng Tam tạng Thánh điển và trùng tuyên lại trong những dịp đại lễ, cũng là một trong những cách thức đọc kinh và giữ gìn Pháp bảo. Truyền thống này, tại một số tu viện ở Miến Điện ngày nay vẫn còn thực hiện. Được biết, ở Miến Điện hiện tại, có khá nhiều vị Tăng sĩ làu thông Tam tạng Kinh điển Pali. Cách thức đọc kinh đặc thù này có giá trị và ý nghĩa rất lớn trong công cuộc bảo tồn Chánh pháp. Tuy nhiên, cách thức đọc Tam tạng kinh điển vừa nêu không phải ai cũng thực hiện được, vì người đọc phải có một tâm lực phi phàm và phải có một sự chuẩn bị lâu dài về thời gian. Trong những năm gần đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, trong mùa lễ hội Đức Phật Thành đạo, đã có một số tổ chức Phật giáo đứng ra đã tổ chức trì tụng Đại tạng kinh qua một số kinh văn được chọn lọc. Pháp hội tụng Đại tạng kinh tại đây quả là một điểm nhấn sáng ngời trong không gian thiêng liêng nơi Đức Phật đã chứng ngộ Thánh quả. Người viết chợt nghĩ, không biết đến bao giờ ở Việt Nam có được một pháp hội tụng Đại tạng kinh tiếng Việt?

Trên một phương diện khác, đã có một số nhà nghiên cứu phương Đông và cả phương Tây đã táo bạo trong phương thức tiếp cận kinh điển. Chẳng hạn, cách thức tiếp cận kinh tạng Nikaya của Stephen Batchelor(1) hoặc của Hajime Nakamura(2) cũng như các nhà nghiên cứu phương Tây khác, mặc dù tạo nên một hiệu ứng khó chịu trong suy nghĩ truyền thống, nhưng ở một chừng mực nào đó đã gợi mở những cách suy nghĩ tích cực, phóng khoáng về Đức Phật cũng như giáo pháp của Ngài. Thiển nghĩ, cách thức tiếp cận giáo pháp của Đức Phật theo phương thức này có cảm giác như được đặt mình vào không gian sinh hoạt thời Đức Phật, cũng như dễ dàng thấu đạt sự rõ ràng, đơn nghĩa được thể hiện trong kinh. Đọc kinh tạng trong tâm thế vừa liên hệ thực tại và thậm chí đưa ra những nghi ngờ cần thiết, để cuối cùng hóa giải tồn nghi và từng bước nhận chân chân lý, là tiền đề dẫn đến cảm thức pháp hỷ sung mãn riêng có khi đọc kinh tạng.

Khám phá kho tàng thực sự

Tuy chỉ lần đầu tiếp cận, nhưng với những tư liệu góp nhặt bước đầu đã cho thấy có một kho tàng phong phú về chủng loại được chứa đựng trong kinh tạng. Trên phương diện tri thức nói chung, nếu như phân chia theo quy chuẩn hiện tại, người đọc dễ dàng bắt gặp nhiều lãnh vực tri thức được đề cập trong tạng kinh, với cách biểu đạt hơi cổ xưa. Đơn cử như các lãnh vực y tế, trị bệnh, kỹ thuật nông lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ… cũng đều có mặt sống động trên những trang kinh. Thậm chí ngay cả những lãnh vực hiếm hoi của khoa học tự nhiên như ngành phân kim, luyện kim… cũng rải rác có mặt trong một vài ngữ cảnh.

Đành rằng, như nhiều lần Đức Phật đã dạy: Ngài chỉ nói đến khổ và vấn đề diệt khổ. Tuy nhiên, do sự da dạng nghiệp cảm của chúng sanh nên Đức Phật cũng tùy duyên chuyển hóa. Sự vận dụng đến mức thuần thục tri thức về các ngành nghề chỉ là một minh chứng nhỏ về sự thông tuệ vô tận của Đức Thế Tôn. Đôi khi, ta dễ dàng ngập ngừng dừng lại giữa những trang kinh, vì tưởng rằng Đức Phật là một nhà kinh doanh, một bác sĩ giỏi, một bậc thầy trong nghệ thuật, khi Ngài viện dẫn một cách khéo léo những kiến thức của các lãnh vực vừa nêu, nhằm làm sáng tỏ chân lý.

Đặc biệt, không những chỉ bảo lưu giáo pháp, phương cách diệt khổ, chứng ngộ Niết bàn; kinh tạng còn là nơi lưu giữ những dấu ấn kinh văn của các tôn giáo khác, thể hiện qua những cuộc tranh luận, trao đổi giữa Đức Phật hoặc các đệ tử của Ngài và các vị lãnh đạo của các tôn giáo ở Ấn Độ cổ xưa. Nghiên cứu các tôn giáo, tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại thông qua hệ thống kinh tạng Phật giáo, phát hiện này đã được một số nhà nghiên cứu phương Tây tuyên bố gần đây.

Dù là hành giả đi theo con đường của Đức Phật, có rất nhiều người xuất gia thời nay vẫn đang loay hoay tìm kiếm cho mình một pháp hành tương ứng trong điều kiện xã hội hiện tại. Khát vọng chính đáng này sẽ được thỏa mãn nếu như khảo sát thật kỹ các pháp hành đã được Đức Phật tùy nghi chỉ bày trong kinh văn. Thỉnh thoảng đây đó, các giáo lý về Tịnh độ, về Thiền tập về Mật giáo… cũng được thể hiện một phần hoặc đầy đủ trong kho tàng kinh điển mang tính nguyên thủy này. Ở đây, ngoài việc nương tựa vào một pháp hành tu tập đã được định hình trong hiện tại, việc khảo sát các pháp hành đó thông qua kinh tạng, sẽ làm cho phương pháp tu tập vừa có hơi thở của thời đại vừa nối kết được truyền thống giải thoát. Nếu như đủ sức và đủ duyên, hành giả vẫn có thể tự mình xây dựng một pháp hành tu tập tương ứng, bằng cách tham chiếu điều kiện nghiệp lực của tự thân và những pháp hành đã được Đức Phật chỉ bày rất rõ ràng trong kinh tạng.

Vài đề nghị bước đầu

về tạng kinh tiếng Việt

Kinh tạng tiếng Việt là kho tàng văn hóa của người Việt nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Làm sao để mọi người tiếp cận kho tàng văn hóa đó là trách vụ không riêng gì của những nhà lãnh đạo Phật giáo. Được biết, hiện tại, ngoài hệ thống Tam tạng kinh điển Nikaya đã được phiên dịch gần như đầy đủ, các hệ thống kinh điển Bắc truyền cũng đã được các tổ chức và cá nhân, chính thức hoặc không chính thức của Phật giáo, tổ chức phiên dịch và ấn hành.

Cách đây vài năm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã lần lượt tổ chức ấn hành kinh tạng Nikaya gần như đầy đủ. Tuy nhiên, do số lượng ấn hành có hạn nên không đủ sức đáp ứng nhu cầu học và đọc của số đông Phật tử và không phải Phật tử. Trong công cuộc hoằng pháp nói chung và ấn hành Đại tạng kinh nói riêng, nếu như cho rằng việc phiên dịch Đại tạng kinh là trọng trách đầy khó khăn, và ở đây, nhiệm vụ khó khăn đó đã vượt qua, thì không lý nào việc xuất bản, phát hành lại khó hơn cả việc dịch kinh mà tiền nhân đã dày công thực hiện.

Kinh nghiệm phát triển văn hóa, cụ thể là văn hóa Đại tạng kinh ở một số nước trong khu vực cho thấy, các tổ chức nhà nước và cá nhân sẵn sàng chung tay hỗ trợ vào dự án phát triển Đại tạng kinh, nếu như có một kế hoạch đầy đủ, hợp lý và chi tiết. Thiển nghĩ, nếu như được sự chung tay của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Phật giáo, nếu như tất cả đồng lòng vì tương lai của Phật giáo Việt Nam, vì tương lai của văn hóa Việt Nam nói chung, và khi thực tế là giá thành của một bộ Đại tạng kinh không là vấn đề quan ngại, khi số lượng ấn hành không hạn chế, thì khả năng trang bị cho mỗi ngôi chùa, mỗi thư viện trên đất nước Việt Nam một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt là vấn đề nằm trong tầm tay.

Đọc kinh để thấy Phật và thấy mình. Đôi khi do nghiệp dĩ nặng nề, thấy đó rồi quên đó, cho nên cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần một bản kinh. Kinh Phật như lá trong rừng, mỗi lần đọc ta chỉ nắm được vài lá trong tay của Đức Thế Tôn. Xin hẹn mùa Hạ sang năm, con sẽ tiếp tục đọc lại tạng kinh để làm mới những gì đã cũ. n

(1) Nhà văn, nhà nghiên cứu đương đại, tu theo truyền thống Kim Cương thừa, người Scotland, tác giả của nhiều cuốn sách best seller viết về Phật giáo. Xem thêm: Sự kết tập kinh điển quên lãng niên đại lịch sử. Thư Viện Hoa Sen đăng tải tháng 8 năm 2011 tại địa chỉ: /D_1-2_2-83_4-13557_5-50_6-1_17-66_14-1_15-1/

(2) Giáo sư người Nhật Bản, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông phương. Xem thêm: Đức Phật Gotama - một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Bản dịch của Trần Phương Lan, NXB. Phương Đông, 2011.

(NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 186)
(Thư Viện Hoa Sen)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2017(Xem: 7748)
Cụm từ "Di Đà Tự tánh" hay "Duy tâm Tịnh độ" thường được dùng để chỉ đỉnh cao của pháp môn Tịnh độ, nhưng rất dễ gây hiều lầm. Về phương diện Lí tánh thì Phật A-di đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ là Tự tánh thường chiếu và vĩnh hằng của chúng ta. Khi ta niệm danh hiệu A-di-đà là trở về với Tự tánh, bản tâm. Chúng ta hãy xem đoạn văn sau đây của những người dùng lí thuyết "cao siêu" để bài bác pháp môn Tịnh độ: "Niệm danh hiệu Phật để cầu sanh Tịnh độ là còn chấp Tướng, tìm pháp ngoài Tâm - không hiểu rằng tất cả các pháp đều là tâm".
16/04/2017(Xem: 7384)
Phương pháp Thập Niệm do một vị Đại sư nổi tiếng giảng dạy dựa trên sự vãng sanh Hạ phẩm được diễn tả trong Quán Kinh. Phương pháp nầy đặc biệt dành cho những người quá bận bịu với cuộc sống nên hằng ngày không thể niệm Phật (nhiều lần) để cầu vãng sanh như người tu Tịnh độ bình thường. Do đó, cách nầy dạy niệm danh hiệu Phật A-di-đà khoảng mười lần mỗi khi hít vào và thở ra. Chủ đích của phương pháp nầy là dùng hơi thở để tập trung tâm ý. Tùy theo hơi thở dài hay ngắn mà hành giả có thể niệm được nhiều hơn hay ít hơn 10 danh hiệu. Sau mười lần hít vô--thở ra (tức là niệm được tổng cộng khoảng từ 50 đến 100 câu Phật hiệu), hành giả có thể bắt đầu tụng bài thơ hồi hướng công đức sau đây:
02/04/2017(Xem: 9398)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo…
27/03/2017(Xem: 4659)
Tịnh độ tông là tên gọi chung của tất cả những giáo lí dạy rằng chúng sanh có thể thành Phật nếu được vãng sanh về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Ở Ấn độ. giáo lí nầy được các ngài Mã Minh, Long Thọ và Thế Thân giảng dạy trên cơ sở nhiều kinh điển khác nhau, như hai bộ kinh A-di-đà. Lịch sử của Tịnh độ tông bắt đầu từ Ấn độ thời cổ đại, nhưng thời đó truyền thống đức tin chưa được nhấn mạnh. Mặc dầu Ấn-độ lúc đó đã có một môn phái thờ đức A-di-đà, sự kính ngưỡng Ngài chỉ là một trong các cách thực hành của Phật giáo Đại thừa lúc ban sơ.
07/09/2016(Xem: 6715)
Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Seuil, Paris, thì Jean Eracle nguyên là Quản Đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Á Châu, đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Do một nhân duyên vô cùng kỳ lạ, ông được sang Nhật-bản lưu trú suốt mấy mươi năm để học hỏi cùng thực hành Niệm Phật theo giáo pháp của “Đạo Phật Chân Chánh trong Pháp môn Tịnh-độ” tức Tịnh-độ Chân-tông do Ngài Thân Loan Thánh Nhân khai sáng cách đây gần 8 thế kỷ.
28/04/2016(Xem: 20489)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
15/02/2016(Xem: 12253)
Trong bổn hội các liên hữu đồng tu, đều tuân theo tu học Tịnh Độ Ngũ Kinh và Tịnh Độ Thập Yếu, đặc biệt là Kinh Vô Lương Thọ, bản hội tập của Hạ Liên Cư Đại Sĩ, Di Đà Yếu Giải, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nhất định phải y cứ ba bộ kinh này tu học, dốc hết toàn lực, nghiên cứu học tập kinh luận Đại Thừa mới có thể tương ứng với Tịnh Tông. Bổn hội đặc biệt chú trọng hành giải tương ứng, tâm khẩu nhất như, cho nên hành môn là mọi người phải phát nguyện, cho đến mức cùng đời vị lai. Tuân theo Quán Kinh tu Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương.
23/12/2015(Xem: 10770)
Hễ phát tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, chẳng được vãng sanh. Tại sao ? Vì tiểu nguyện chỉ phát nguyện cho một mình được vãng sanh, nếu không trở lại đầu thai thì làm sao có quả báo ? Bây giờ chẳng nói về kiếp trước, chỉ nói kiếp này : Từ nhỏ tới lớn có sát sanh không? Có giết chết con muỗi con kiến không ? Có ăn thịt chúng sanh không ? Theo nhân quả là một mạng phải đền một mạng, ăn một cục thịt trả một cục thịt, thế thì làm sao trả nợ mạng, nợ thịt? Nên phải phát đại nguyện.
24/07/2015(Xem: 16063)
Tập sách này không phải là một tiểu luận về tâm lý học nên không thể bao quát hết mọi vấn đề nhân sinh, mục đích của nó nói lên sự tương quan của Ý, Tình, Thân và tiến trình phiền não...
10/07/2015(Xem: 6644)
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đa số đều thuyết minh tổng quát về pháp môn niệm Phật. Trên thực tế hình thành pháp môn Tịnh Độ phổ biến từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như Kinh Bát Chu Tam Muội (Ban Châu Tam Muội), Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng mười tám thế kỷ qua (Tính từ khi Kinh Ban Châu Tam Muội được dịch tại Trung quốc năm 179 s.dl.), và pháp môn Tịnh Độ được hình thành và phát triển thời tổ sư Huệ Viễn (334-416 TL) cho đến ngày nay. Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn niệm Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan Pháp môn niệm Phật, trên căn bản thì thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời đại Tổ Liên Trì về sau
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]