Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Tịnh Song Tu

14/05/201021:03(Xem: 6706)
Thiền Tịnh Song Tu


ngoi thien_2

Thiền Tịnh song tu



"Vừa tọa Thiền, vừa niệm Phật,
Triệu người tu, triệu người chứng Phật quả. 
Có tọa Thiền, không niệm Phật,
triệu người tu, hiếm người không lạc lối"

(Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư)

A Di Đà Phật,

thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại.

Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố quan trọng tác động và luân chuyển sinh tử.

Mới đây,tôi đã đọc quyển sách của Sư phụ tôi viết cho năm 2000. Cứ mỗi năm Người viết một quyển với một tựa đề khác nhau. Năm nay là "Có và Không". Sư phụ tôi đã viết "Có và Không" theo quan niệm: về tình yêu và ái nhiễm (Chương 1); về hạnh phúc và khổ đau (Chương 2); vũ trụ và nhân sinh (Chương 3); theo tinh thần Bát Nhã (Chương 4); theo tinh thần Trung Quán luận (Chương 5); vô thường (Chương 6) cuối cùng là phần kết (Chương 7).

Chương 5 là chương tôi nghiền ngẫm, đọc tới lui nhiều lần để học và hiểu "446 câu kệ về Trung Luận của Ngài Long Thọ" do chính Sư phụ chuyển từ chữ Hán sang Việt ngữ. 446 câu kệ này được chia ra làm 27 phẩm. Mỗi phẩm được bố cục rất chặt chẽ để trình bày cái có và không trong tinh thần trung đạo qua kiến giải của Ngài Long Thọ.

Tôi không biết nhiều về thơ văn và cú pháp. Chỉ biết rằng sự cấu kết trong mỗi câu kệ gồm có 2 vế, mỗi vế có 5 chữ và được tách ra bằng một dấu chấm phẩy. Dù đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng tôi cũng chưa thấm được. Thôi đành gác lại để có dịp nghiên cứu sau.

Tiếp sang Chương 6. Trong Chương này Sư phụ tôi viết về Vô Thường. Cái mà ai cũng có thể diễn tả được. Nhưng để chứng nghiệm nó thì ít có mấy ai. Chỉ khi chính bản thân mình trực diện với vô thường thì mới biết nó là ai ? Còn sự vô thường chúng ta thấy, nghe và hiểu cũng vẫn luôn còn là một nhận thức. Nó chưa hẳn và hoàn toàn là một chứng nghiệm tự bản thân. Câu nói người ta thường dẫn dụ cho ý này là chỉ khi mình tự uống nước nóng thì mới biết cái nóng của sự phỏng ra sao ! Nhưng tất cả sự vô thường không thể ngoài lý nhân duyên mà có được. Nếu cái nhân là sự huân tập chủng tử không có; thì dù cho có duyên đến cũng không thể khởi được.Cái nhân được học Pháp, gần Tăng, người Phật Tử chúng ta đã và đang có. Chỉ còn việc huân tập chủng tử A Di Đà Phật thì chúng ta được diện kiến Phật ngay trong hiện tại (kiến tánh). Vì sao? Vì Tây Phương Cực Lạc dựa theo bốn chữ A Di Đà Phật. Nên một niệm A Di Đà là chánh niệm, là Tịnh Độ, là Phật. Bởi không còn vọng tưởng điên đảo nữa ! Mới chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách được.

Trong trang 187 Sư phụ tôi viết như sau: Sau khi về lại chùa Viên Giác, Thầy (Thầy Thiện Thông: lời người viết) đã bảo với tôi rằng "Thầy Viên Giác ơi! Tôi đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình để giảng cho các Phật Tử ở Đức nghe về Pháp Môn Tịnh Độ rồi đó. Bây giờ (sang trang 188) chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa cả...".

Đọc đến đây, tôi gấp sách lại. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tôi là Thầy Thiện Thông. Sát na kế tiếp trong tâm thức tôi là hai chữ nhân và duyên. Thật vậy. Đây chính là cái nhân và duyên Thầy Thiện Thông đã có đối với Phật Tử tại Đức Quốc và ngược lại.

Vì sao ? Thứ nhất người ta thường nói Phật độ kẻ có duyên. Cũng như ánh sáng mặt trời không soi sáng được kẻ mù; lời hay ý đẹp không làm cho người điếc nghe được. Thật không sai! Người mù đâu có duyên để được nhìn ánh sáng mặt trời. Và người điếc cũng đâu có duyên để được nghe những lời hay ý đẹp. Pháp Phật nhiệm mầu như thế, đã có mấy ai có duyên để được nghe. Nhưng hễ nói đến duyên thì phải có nhân. Bằng không, hết chuyện! Vậy cái nhân ở đây là gì? Xin thưa chính là chủng tử Tịnh Độ, cái mà người Phật Tử ở trú xứ này đã gieo từ bao nhiêu kiếp rồi, cũng như của riêng Thầy Thiện Thông đối với Phật Tử ở Đức. Tại sao? Vì đã có bao nhiêu người đã có duyên để được nghe Thầy Thiện Thông thuyết giảng về pháp môn Tịnh Độ, cho dù họ cũng có nhân. Nhưng chắc cái nhân của họ đặt ở nơi khác!

Hai là cái duyên của Thầy Thiện Thôngcó với Phật Tử tại Đức phát xuất từ hạnh nguyện của Thầy. Khi duyên hết thì Thầy từ giã chúng ta. Điều này chứng minh rõ ràng qua câu nói của Thầy: "... Tôi đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình để giảng cho các Phật Tử ở Đức nghe về Pháp Môn Tịnh Độ rồi đó".

Tịnh Hữu thân mến, một người đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình ra rồi thì còn gì để mà hít vào thở ra nữa! Thầy Thiện Thông đã báo trước rõ ràng cho mọi người biết sự ra đi của Thầy rồi. Như trong các Kinh Tịnh Độ đã có nói đến. Như sự ra đi của các Tổ xưa. Cũng như của những người tu Tịnh Độ trong hiện tại. Những ai còn thắc mắc để tìm biết Thầy đi về đâu, theo thiển ý của tôi thì họ còn đem cái kiến chấp hạn hẹp để so với hạnh nguyện bao la của Thầy. Cho nên chúng ta đừng thắc mắc là Thầy sẽ đi về đâu cả. Tu Tịnh Độ thì về Tây Phương Cực Lạc, chứ còn đi đâu nữa. Chỉ có những ai tu Tịnh Độ mà tâm không chí thành, nguyện không sâu, hạnh chưa rốt ráo (ba la mật) nghĩa là niệm A Di Đà mà không biết ai niệm, tâm ý rong ruổi theo huyễn cảnh, vọng tưởng điên đảo (miệng thì Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, nhưng tâm ý thì như trái banh, mình không đá thì cũng bị người ta đá tới đá lui!); hoặc giả niệm A Di Đà Phật chỉ muốn về Tây Phương Cực Lạc hưởng lạc, thì ôi thôi, ai tai! Chính họ mới là những người khổ tâm, đáng thương nhất khi cơn vô thường bất chợt đến với họ. Tại sao? Vì họ đã lầm đường, lạc lối rồi. Uổng công, vô ích!

Các Tịnh Hữu thân mến.Trên cõi này, mấy ai biết trước được cơn vô thường đến lúc nào. Nếu có duyên lành thì được ở gần Chùa, hoặc ở những nơi có Tăng Ni trú ngụ. Lúc lâm chung sẽ được Chư Tôn Đức, Ban Hộ Niệm nhắc nhở cho niệm A Di Đà. Tro cốt còn đưa về Chùa để được Chư Tôn Đức hộ niệm, thân nhân cúng kiến thăm viếng! Nhưng đặt trường hợp, mình đang tha phương cầu thực ở đâu đó, hay trong bất kỳ một hoàn cảnh nào mà rủi ro bị một tai nạn và hết thở thì sao? Ai sẽ hộ niệm cho mình? Ai sẽ nhắc nhở cho mình nhớ đến bốn chữ A Di Đà Phật, chứ đừng nói tới lục tự? Ở đây tôi mong các bạn nhận ra được chữ Ai. Nếu được như vậy thì cái sống và sự chết là gì đối với các bạn? Nó chỉ là hai từ trống rỗng (vì hình thể và nội dung của nó do nhận thức của mình mà có!), là hai cái đối đãi của giai đoạn một và giai đoạn hai trong câu chuyện bên trên.

Riêng tôi chỉ biết có một điều là Thầy Thiện Thông đã về Tây Phương Cực Lạc để được Đức Phật A Di Đà thọ ký độ tiếp những loài chúng sanh ở một quốc độ nào đó có nhân và duyên với Pháp Môn Tịnh Độ. Đó là bản hoài của Thánh chúng ở Tây Phương Cực Lạc. Vì họ sẽ không trụ tại đó để hưởng lạc, mà tùy theo hạnh nguyện của mình, họ sẽ được Đức Phật A Di Đà thọ ký cho thị hiện trong vô lượng quốc độ để độ cho vô lượng những chúng sanh.

Đã có nhân và duyên nhưng chưa chắc đã khởi được. Còn phải cần thêm cái trợ duyên nữa. Nếu Đạo hữu Minh Tấn, là con rể của bào đệ của Thầy Thiện Thông, không phải là một Phật Tử thuần thành của Chùa Viên Giác, thì Thầy Thiện Thông đã đâu có về Chùa Viên Giác, thì làm sao Phật Tử tại Đức có duyên được nghe Thầy Thiện Thông giảng về pháp môn Tịnh Độ trong suốt thời gian gần nửa năm trong lần đầu Thầy đến Đức. Và nếu bào đệ của Thầy không ở Đức, thì Thầy sang Đức làm gì? Nếu như vậy thì cũng giống như bao nhiêu Chư Tôn Đức từ Việt Nam đã, đang và sẽ sang Đức thăm viếng mà thôi!

Nhưng câu nói sau của Thầy Thiện Thông mới là nhân duyên chính để có lá thư tịnh hữu này gửi đến các bạn. Thầy nói tiếp: "... Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa...".Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi. Nhưng tu như thế nào để khi cơn vô thường đến chúng ta còn nhất tâm niệm được bốn chữ A Di Đà Phật mà trực chỉ đến Tây Phương Cực Lạc, đảnh lễ Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng chứ ?

Câu chuyện như sau.Lần đầu tiên khi Thầy Thiện Thông đến Đức, tôi đã có duyên kể cho Thầy nghe biết về căn bệnh của tôi. Và nhờ biết niệm A Di Đà Phật mà tôi còn hít thở cho đến ngày hôm nay. Thầy cũng có kể sơ cho tôi biết về việc Thầy niệm A Di Đà Phật và trì chú Đại Bi sám hối để thoát khỏi một căn bệnh ngặt nghèo. Nhưng Thầy không kể chi tiết cho tôi nghe về chuyện đó như Sư phụ tôi đã viết trong quyển Có và Không.

Tôi chỉ còn nhớ là Thầy Thiện Thông đã dạy bảo tôi sau đó như sau: "Niệm A Di Đà Phật có 10 cách. Cách mà anh áp dụng để qua khỏi căn bệnh là 1 trong 10 cách đó. Lúc đang tu tập thì cách nào cũng được. Nhưng nó phải trải qua quá trình của nhân và duyên nên lúc hữu sự mới có thể chứng nghiệm được. Chứ không phải tự nhiên mình có thể niệm được đâu. Điều quan trọng là còn phải biết nhất tâm nữa. Anh sẽ là người sau này nói cho mọi người biết niệm như thế nào để được nhất tâm khi cơn vô thường đến. Tại sao? Vì ai đã ra đi thì đi luôn. Nếu có, thì họ cũng chỉ để lại một vài sự linh hiển nào đó, như cho biết trước ngày chết, một bài kệ, có xá lợi v.v... Điều này cũng để cho người đời biết được diệu dụng của pháp môn Tịnh Độ mà thôi. Cũng như để chứng minh rằng họ tu hành đã đắc đạo quả, làm gương cho hậu thế. Chứ điều này đối với họ không có ý nghĩa gì cả. Vì họ biết họ làm gì. Nhưng phương pháp nào để nhất tâm niệm được bốn chữ A Di Đà Phật trong khi vừa hít vào mà không thở ra được nữa, cũng như trong giai đoạn của cận tử nghiệp như thế nào thì cho đến nay họ chưa thể nói cho con người sống biết được. Trường hợp của anh thì khác, vì anh còn sống. Vậy anh nên kể lại cho mọi người biết. Đây cũng là một duyên lành cho những người tu Tịnh Độ. Lý thuyết thì nó như vậy đó. Lời Phật dạy, Kinh sách, các Tổ cũng chỉ bày và giảng dạy như vậy thôi. Còn trong thực tế thì đã có mấy ai chứng nghiệm được. Quan trọng ở chỗ là huân tập chủng tử A Di Đà Phật ngay lúc còn sống, nghĩa là biết nhất tâm niệm A Di Đà Phật ngay từ lúc này. Chứ không phải chờ đến lúc lâm chung để trông đợi người ta hộ niệm, nhắc nhở cho mình".

- "Bạch Thầy, theo lời Thầy chỉ dạy thì con phải làm sao?" Tôi hỏi Thầy Thiện Thông.

- "A Di Đà Phật. Anh tự biết phải làm gì rồi. Tuy nhiên mọi sự việc đều không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Từ từ rồi anh sẽ nhận ra?". Thầy Thiện Thông chỉ dạy tôi như vậy.

Tịnh Hữu mến, thật ra lúc đó tôi đâu có hiểu Thầy Thiện Thông nhắn nhủ tôi cái gì? Nên tôi chỉ biết ghi nhận và tạ ơn Thầy.

Đến lần thứ hai khi Thầy trở lại Đức, tôi cố gắng thu xếp thì giờ tìm mọi cách gặp Thầy để được học hỏi thêm. Nhưng mỗi lần như vậy thì Thầy cười (nhưng nụ cười không còn tươi như lần trước nữa; gương mặt có vẻ mệt mỏi!) và nói Thầy rất bận. Thầy luôn kết thúc bằng một câu: "Lần trước tôi đã nói với anh rồi mà. Anh tự biết phải làm gì. Tôi rất bận và không còn gì để nói với anh nữa!".

A Di Đà Phật, Tịnh Hữu mến, làm sao tôi có thể hiểu được ý của Thầy trong câu nói đó ? Nay khi đọc đến câu: ... Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa cả...". Thì Thầy ơi! cái duyên của Thầy đối với Phật Tử ở Đức dù đã hết nhưng đó đã là nhân để khởi cái duyên cho con biết làm gì rồi. Vì con còn sống trong cõi ta bà này! Còn Thầy thì đã đến quốc độ khác để độ cho những kẻ có duyên với Pháp Môn Tịnh Độ. Thầy tuy đã xa chúng con, nghĩa là không hiện hữu trong cõi ô trọc này nữa, nhưng Thầy lúc nào cũng ở bên chúng con trong bốn chữ A Di Đà Phật, phải không Thầy ?

Chữ tu trong câu nói của Thầy Thiện Thông đã nhắc nhở chúng ta là sự chuyên tu. Nhưng chuyên tu gì? Là huân tập chủng tử A Di Đà Phật trong vô ký a-lại-da thức của mình. Đây là nhân. Quả của nó là: khi mình không còn hít thở được nữa mà trong thức thứ 8 của mình vẫn có thể an nhiên nhất tâm niệm 10 lần A Di Đà Phật, thì Tịnh Độ hay Tây Phương Cực Lạc hiện hữu trong 4 chữ A Di Đà Phật ngay lúc đó.

Đó là nói trong trạng thái của cận tử nghiệp. Khi 7 thức kia không còn hoạt động được nữa. Nhưng khi mình còn hít thở được thì sao? Nó cũng không khác. Các bạn cứ thử đi! Nói thì dễ. Thực hành, tập luyện thì cũng chưa khó. Nhưng chứng nghiệm được mới thật là điều không đơn giản. Vì cái gì cũng không ra ngoài nhân và duyên mà thành hay hoại.

Chúng ta phải thấm thấu duy thức (thực nghiệm chứ không phải duy thức của trừu tượng, định nghĩa để lý giảng!) thì mới khám phá được A Di Đà Phật. Được như vậy thì Thiền là Tịnh, Tịnh là Thiền. Tất cả chỉ là một chuỗi nhân duyên trùng trùng điệp điệp tiếp nối nhau của sự luân hồi và giải thoát. Các Tịnh Hữu có biết tại sao khi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo đã giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nhưng tại sao trước khi Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, Ngài đã giảng bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn để nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Hai điều này trái ngược hẳn nhau? Các bạn cứ niệm A Di Đà Phật thật rốt ráo thì có ngày các bạn cũng sẽ nhận ra được. Không cần phải qua một kiến thức nào cả!

Cách đây không lâu. Tôi có đến thăm một Bác lớn tuổi tại thành phố này. Y khoa không còn giúp được gì cho Bác ấy nữa. Bác chỉ nằm ở nhà để được chồng, con và cháu săn sóc. Cơn vô thường đến lúc nào thì hay lúc đó. Gặp tôi, Bác ứa lệ và nói: 

- "Con trai. Diệp, tao cám ơn mày đến thăm tao. Chắc tao không còn sống được lâu nữa đâu, Diệp à!".

Tôi lấy khăn tay thấm nước mắt cho Bác và nói:

- "Bác à! Rồi thì con cũng sẽ giống như Bác vậy thôi. Cái gì có đến thì cũng phải đi. Chết đâu phải là hết. Nếu có hết chỉ là kết thúc cái xác phàm ngũ uẩn vay mượn tạm này mà thôi. Chứ lúc nào mình cũng còn sống, Bác ơi! Cái thần thức (a-lợi-da) của mình không bao giờ biết chết. Nó hết gá chỗ này, thì vịn vô chỗ khác. Nhớ năm xưa lúc con nằm trong nhà thương bị liệt và không cử động được. Chuyện đó cách nay đã 16 năm, Bác còn nhớ không? Bác và Bác trai đã có đến thăm con và nói: tội nghiệp cho thằng Diệp. Tuổi còn trẻ mà phải nằm liệt như vậy. Cũng tội cho Thầy (Sư phụ của tôi) nay mất đi một đệ tử thân thương rồi. Hai Bác thương mày quá, Diệp ơi! Bác biết, lúc đó con chỉ biết nhìn hai Bác. Con rất xúc động. Rồi những giọt nước mắt lăn từ trong khóe mắt ra để thầm cám ơn hai Bác. Vì lúc đó con nghe hết, nhìn thấy hết nhưng con có cử động được đâu. Bác còn nhớ không? Bác thấy đó. Rồi thì con cũng còn sống mà. Chết chỉ là một dấu hiệu cho mọi người biết mình không còn hiện hữu trong cõi này nữa. Chứ mình còn sống mà Bác. Bác còn sẽ sống mãi trong cõi an lạc khi Bác cùng con niệm A Di Đà Phật, Bác cứ niệm và đếm từ 1 đến 10 với con nghe."

Bác gật đầu. Tôi bắt đầu niệm và Bác cũng thầm niệm theo: 

"A Di Đà Phật (một), A Di Đà Phật (hai), A Di Đà Phật (ba), A Di Đà Phật (bốn), A Di Đà Phật (năm), A Di Đà Phật (sáu), A Di Đà Phật (bảy), A Di Đà Phật (tám), A Di Đà Phật (chín), A Di Đà Phật (mười). Bác niệm xong đến mười rồi Bác niệm trở lại từ đầu như vậy nghe Bác. Nếu Bác niệm được như vậy thì Bác có chết đâu. Vì Bác còn có con và những người thân thương nữa, khi mọi người cùng biết niệm như vậy. Mình còn cái thân trong cõi này hay không thì đâu có là gì phải không Bác? Bác thương chồng, thương con cháu và bè bạn, thì con mong Bác gắng niệm 10 lần A Di Đà Phật liên tục để Bác về cõi Phật A Di Đà mà độ cho chúng con và mọi người. Vậy mới gọi là Bác thương tụi con chứ! Còn nếu Bác cứ quyến luyến, than ngắn thở dài thì làm sao Bác về Tây Phương được để rồi độ cho tụi con. Nếu không được vậy thì làm sao Bác thương chồng, thương con, thương cháu được. Chính cái sự lưu luyến đó làm Bác phải luân hồi mãi mãi, thì làm sao tụi con biết sau này Bác là ai? Bác ơi! Nếu có ai đến thăm, thì Bác cũng nên nói cho mọi người đừng kể chuyện xưa tích cũ làm gì cho Bác bận tâm và lưu luyến nữa. Mà Bác hãy yêu cầu mọi người rằng: mấy người thương tôi thì niệm A Di Đà Phật với tôi đi, cứ từ 1 đến 10 là tui vui rồi. Như thằng Diệp, nó thương tui và nhắc cho tui như vâỵ đó. Bác ơi! nếu con có đến quan tài của Bác để hai Bác cháu mình chia tay nhau trong cõi này thì Bác biết rằng con cũng sẽ tụng cho Bác 4 chữ A Di Đà Phật để "Auf Wiedersehen" Bác (tiếng Đức nghĩa là hẹn gặp lại) mà thôi. Chứ con không có khóc đâu nghe!".

Bác mới hỏi tôi: "Mày hẹn gặp tao ở đâu vậy mậy?"

- "Bác ơi! con muốn nói là hẹn gặp Bác ở Tây Phương Cực Lạc, chứ có hẹn Bác ở đâu đâu?! Bác đi trước. Con thì còn nhiều việc làm ở cõi này lắm, chưa có xong. Khi xong rồi con sẽ về gặp Bác sau!", tôi trả lời Bác.

Ánh mắt Bác tươi hẳn lên. Tôi cầm tay Bác tụng lớn tiếng cho Bác nghe. Bác cũng niệm thầm A Di Đà Phật, 10 x 10 lần với tôi. Tôi nguyện lớn cho Bác nghe: "Con nguyện cho Bác sớm giải nghiệp chướng, hoan hỷ lìa khỏi xác phàm ô trược tạm bợ đầy khổ đau này trong sự an lạc của tâm thần với 4 chữ A Di Đà Phật. Bác cứ từ một đến mười mà niệm nghe Bác".

Vì đến giờ đi làm nên tôi tạm biệt Bác và hẹn gặp lại Bác ở Tây Phương Cực Lạc. Trên nét mặt, Bác không còn chút ưu tư, lo lắng gì cả. Miệng mỉm cười và những giọt lệ đã khô từ bao giờ trên khóe mắt. Tôi nắm chặt hai bàn tay của Bác. Buông ra, chắp tay xá và lui ra.

Con cà con kê trên mặt báo thật làm mất thì giờ của Tịnh Hữu. Cũng như làm tốn trang giấy của báo Viên Giác thân thương. Nhưng nếu không chi tiết thì làm sao chúng ta nhìn ra được những chuỗi nhân duyên đó. Sự ra đi của Thầy Thiện Thông đã là duyên để khởi cho tôi ghi lại những gì tôi đã trải qua trong cuộc sống Thiền, tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật suốt một thời gian dài học hỏi nơi Sư Phụ. Tôi luôn được người hướng dẫn, dìu dắt và nhắc nhở. Tất cả những điều đó tôi đã chứng nghiệm được trong lúc tôi bị liệt toàn thân. Vì tôi đã được uống nước nóng và đã biết phỏng! Lá Thư Tịnh Hữu chỉ là một việc làm tương ưng lời phó chúc của Thầy Thiện Thông: anh tự biết phải làm gì!

"Anh tự biết phải làm gì"
phải chăng đó chính là một
"công án của Tịnh Độ pháp môn"

Nam Mô A Di Đà Phật

(Tin cuối: Lá Thư này viết xong vào trưa ngày 18.5.2001. Tối hôm đó trong Chùa điện thoại báo cho biết là Sư Phụ, quý Thầy Cô Chú và Đạo Hữu công quả trong Chùa đã đến nhà thương tụng kinh hộ niệm cho Bác. Vì không biết phút giây nào Bác sẽ ra đi. Sáng hôm sau, tôi đi chợ Netto, phía bên kia đường đối diện Chùa, và gặp em Cẩm, con gái út của Bác. Em Cẩm cho biết là Bác đã từ giã chúng ta lúc 3 giờ sáng rồi.

Bác ơi! Con trai Diệp của Bác cầu nguyện tâm thức của Bác luôn an ổn để niệm được 10 câu A Di Đà Phật mà trực vãng Tây Phương Cực Lạc quốc. Và con sẽ hội ngộ với Bác tại đó khi con xong chuyện của con nghe Bác. A Di Đà Phật).

(Xin xem tiếp lá thư số 4)
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp
(19.05.2001)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/06/2015(Xem: 5914)
Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu học học và hướng đến giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là thấy rõ đạo lý duyên khởi của nhân sanh và vũ trụ. Giải thoát có nghĩa là dứt sự khổ đau luân hồi do tâm thức chấp thật ngã và thật pháp tạo vọng nghiệp. Chung quy tu tập theo Phật giáo nhận thức rõ giải thoát là từ tâm này, luân hồi sanh tử cũng do tâm này, vì tâm này là chủ nhân của muôn pháp. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh,
07/05/2015(Xem: 6742)
Các con ơi! Ta vô cùng hoan hỷ đón nhận tất cả các con về thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng mà ta đã thiết lập để cho các con trở về tịnh dưỡng. Ta thật yên tâm khi các con về mái nhà chung tình này để được nghe pháp, tu tập mà không bị quấy nhiễu bởi lục trần nhiễm ô của thế giới Ta Bà. Tuy nhiên, các con ạ! Các con thấy đó. Đa số các con đều được hóa sanh ở những phẩm vị thấp, Trung phẩm và Hạ phẩm.
28/04/2015(Xem: 5740)
Người phương Tây và dân trí thức trong thời mạt pháp hầu như không tin pháp môn niệm phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Họ không tin vì hai lý do. Thứ nhất họ cho rằng Phật A DI ĐÀ và Tịnh độ Cực Lạc là huyền thuyết. Thứ hai là Kinh sách Đại Thừa Phật Giáo không đáng tin cậy vì thường hiểu lầm là Đại thừa ra đời từ cuộc Tập Kết Kinh điển thứ thứ Tư, hơn 400 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, cách thời Phật Thích Ca quá xa khiến cho kinh sách đại thừa có phần sai lệch và khó có thể kiểm chứng. Sau đây là những chân lý chứng minh kinh điển đại thừa Phật giáo và Pháp môn niệm Phật nói riêng là hoàn toàn chân thực, không hư dối. Những chân lý này được kiến giải một cách khách quan dựa trên những sự kiện lịch sử Phật giáo và những lời thuyết giảng của Đức Phật ghi lại trong Kinh điển Đại thừa xảy ra đúng với những sự kiện lịch sử sau thời Đức Phật và phù hợp với những thành tựu khoa học ngày nay.
28/04/2015(Xem: 6422)
Một đời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca được khái quát hóa trong ngũ thời bát giáo mà theo ngài Trí Giả, Tổ sư sáng lập ra Tông Thiên Thai đã sử dụng ngũ thời để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Ngũ thời được chia trình tự như sau:
10/03/2015(Xem: 7789)
Trong diễn đàn này nhiều quý bạn hữu đã nói về niệm Phật A-Di-Đà bốn chữ hay sáu chữ. Theo tôi thì chúng ta đã học Mười hạnh Phổ-Hiền thì bình-đẳng kính chung không từ một ai, nhưng tin vào lời người ta nói thì phải có sự quán xét đúng hay sai. Đặc biệt với Phật pháp và giáo lý nhà Phật thì đòi hỏi phải thật nghiêm túc nếu không sai một ly đi vạn dặm, có khi mất hết cả công sức bao nhiêu năm tu hành bỏ ra mà không thành tựu, thậm chí còn sa hố là phỉ báng chính pháp, phát đi những điều không đúng về giáo lý của Phật.
23/01/2015(Xem: 6986)
Từ khi Phật giáo hòa nhập vào văn hóa nhân loại thì bắt đầu ý nghĩa đón xuân cổ truyền được mở rộng thành ý nghĩa đón Xuân Di Lặc. Từ đó, đón xuân trong quan niệm người Đông Á mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa nhân loại. Chúng ta vận dụng tính nhân bản đạo đức Phật giáo làm tô đẹp ý nghĩa mùa xuân cổ truyền và chuyển hóa những tập quán tiêu cực để quần chúng có thêm chánh kiến trong sinh hoạt đón xuân hằng năm.
23/01/2015(Xem: 6261)
Trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thường thể hiện và vận dụng trăm pháp rất thực tế, nó là tổng hợp nội dung của hiện tượng tâm lý, những yếu tố cơ bản nhất vốn có trong con người, cũng do đây mà chúng ta có thể biết điều này và biết được điều khác. Chúng ta vì người mà ứng xử, hay hóa độ chúng sanh mà không hiểu hiện tượng tâm lý con người thì rất chướng ngại. Một trăm pháp này bao gồm trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian, lộ trình tu học từ địa vị phàm phu đến quả vị thánh, là nền tảng cơ bản của người học Phật, cho nên mọi người cần phải học môn này.
23/01/2015(Xem: 7098)
Chúng ta nghiên cứu xuyên suốt tư tưởng Phật học nhận thức được rằng, có hai pháp môn cần phải tham cứu trước. Một là “Luật Tông” là căn bản nhất của tất cả các pháp môn. Các tông phái Phật học rất nhiều do giới luật mà tồn tại. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, đã từng phó chúc cho A Nan rằng: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy, nương vào giới luật mà tu hành để được giải thoát giác ngộ”. Đây là vấn đề Phật học thường đề cập, đó là điều chắc thật không cần biện giải nhiều lời. Hai là “Duy Thức”, thông đạt tất cả nguyên lý các pháp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ,
23/01/2015(Xem: 5974)
Bản văn này giới thiệu ý nghĩa căn bản của Thiền và niệm Phật, luận thuật quan niệm các học giả Phật giáo đối với sự phát triển tư tưởng Thiền tông và Niệm Phật. Từ trên khái niệm đến triển khai rõ ý nghĩa và nội dung vô cùng phong phú của Thiền và niệm Phật, đặc biệt chú trọng về phương diện lịch sử từ sau thời đại nhà Tùy để trình bày mối quan hệ về Thiền tông và niệm Phật. Ở đây tóm lược hệ thống ý nghĩa quá trình diễn biến về Thiền và niệm Phật trong mối quan hệ mang tính đặc trưng theo từng giai đoạn. Sau cùng, luận văn từ trong diễn biến lịch sử của Thiền và niệm Phật để đưa đến kết luận xu thế dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ theo hướng đi của Phật giáo Trung quốc. Căn cứ hiện thực của lịch sử Phật giáo và đưa đến nhận định rằng: Từ sau thời Tống thì Thiền Tịnh song tu là phương pháp mô phạm căn bản của sự tu trì Phật giáo Trung quốc. Tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Trung quốc vẫn duy trì năng lực truyền thống Phật pháp vốn có của chính mình.
23/01/2015(Xem: 6466)
Duy thức giảng về vấn đề gì? Tư tưởng trọng tâm của duy thức là cải tạo tâm địa. Kinh Hoa Nghiêm giảng: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ ra hết cả thế gian; năm ấm cũng từ tâm sanh, tâm tạo ra tất cả pháp”. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Tâm nhiễm thì thế giới nhiễm, tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Nếu tâm chúng ta tham, sân, si quá nặng thì hình thành hiện tượng nhiễm ô, tâm chúng ta thanh tịnh, nội tâm thanh tịnh; dùng tâm thanh tịnh, tâm hiền lành thì có thể hình thành hiện thực thế giới thanh tịnh hòa bình. Duy thức học chính là thuyết minh nguyên lý này: “Ba cõi do tâm tạo, vạn pháp do thức sanh”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567