Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Nói Kinh Tân Tuế (1)

04/04/201320:25(Xem: 5995)
Phật Nói Kinh Tân Tuế (1)

Phật Nói Kinh Tân Tuế (1)

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Ngài Đàm-Vô-Lan

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong vườn, cây của ông Kỳ-Đà và ông Cấp-Cô-Độc, nước Xá-Vệ, cùng với chúng Đại-Tỳ-Khưu tám vạn bốn nghìn người, như ngài Xá-Lỵ-Phất, Ngài Mục-Kiền-Liên v.v...
Các vị vây quanh trước, sau Phật, nghe Phật thuyết kinh. Mà đức Phật ở trong đại-hội cũng như núi Tu-Di, là núi đứng đầu các núi, một mình cao vót và hiển- lộ; như mặt trăng tròn sáng, soi khắp mọi ngôi sao, nhưng, chỉ có ánh uy-quang của mặt trăng là hơn cả và cũng như tia sáng vàng tía ở nơi đạo-tràng, soi khắp đều thành sắc vàng; hơn hết, sắc ấy lạ-lùng đặc biệt, rực-rỡ chói-lọi không có gì sánh bằng.
Thời gian ấy, đức Thế-Tôn cùng chúng Tỳ-Khưu, thanh-tịnh vô-lượng; như mặt trời, như áng mây, trọn đủ ba tháng cho đến ngày của năm mới, các vị Tỳ- Khưu im lặng, nhẹ nhàng, nhất tâm tự tư-niệm đạo, an định, không tưởng gì khác. Khi ấy, Hiền-Giả A-Nan, liền từ tòa mình ngồi đứng dậy, chễ áo cánh tay hữu, gối hữu để xuống đất, quỳ dài, chắp tay và trước tiên tự quay về nơi Phật-túc, làm bài kệ tán-thán rằng:
Phật-Tôn sở dĩ lại,
Qua đây để tế-hộ;
Ba tháng ở nơi này,
Vườn Cô-Độc, Kỳ-thụ.
Sở-nguyện hầu đầy-đủ,
Nay, thực chính là thời;
Đạo-sư Vô-thượng-tôn,
Sẽ tuyên-bố "năm mới."
Bấy giờ đức Thế-Tôn nghe ngài A-Nan nói bài kệ tán-tụng rồi, đấng Chí-Chân ngồi im lặng một mặt, bảo Hiền-Giả Đại-Mục-Kiền-Liên: Ông nên đến những hang núi u-nhàn, nhà đá non cao trong ba nghìn đại thiên thế-giới, lên tiếng bảo tất cả các vị Tỳ-Khưu mới tiến, cựu học cùng những vị chưa giác-ngộ..., đều khiến các vị ấy lại hội-họp ở nơi Kỳ-thụ này. Tại sao? - Như-Lai đến lúc muốn tuyên-lập về năm mới. Lúc đó, Ngài Đại-Mục-Kiền-Liên, rướn mình lên hư- không, theo Thánh-chỉ của Phật, phát ra tiếng to lớn, bảo các vị Tỳ-Khưu trong ba nghìn đại-thiên thế-giới. Trong tiếng vang lớn ấy, tự nhiên diễn ra bài kệ tụng rằng:
Các Nhân-giả khắp nơi,
Rừng rú cùng núi đá;
Năm mới, thời đã đến,
Tâm sở-nguyện sẽ thành.
Bấy giờ, các vị Tỳ-Khưu đương ở nơi du-hóa trong ba nghìn đại-thiên thế-giới, nghe thấy bài kệ thông cáo ấy, ai nấy đều dùng phép Thần-túc trong mọi phương-tiện, biến-hiện thân mình, đến vườn Kỳ-thụ và đi đến chốn Phật, chịu sự tuyên-lập về năm mới của Phật. Tính ra, các đệ-tử hợp-tập bên Phật, đều từ phương thổ xa lạ lại, cùng nhau nhất thời đều họp cả lại gồm có tám mươi vạn bốn nghìn ức cai (2) người, muốn chịu tuổi năm mới.
Khi ấy đức Thế-Tôn bảo Hiền-Giả A-Nan: Ông đi đánh kiền-trùy, nay thời đã đến. Ngài A-Nan lĩnh thụ lời Phật dạy, liền từ tòa mình ngồi đứng dậy, đến chỗ đánh kiền-trùy. Đánh lên, tiếng kiền-trùy vang khắp cõi Phật; trong nước lớn của mỗi đức Phật, nơi địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh, nghe thấy tiếng kiền-trùy, nhờ uy- thần Phật, hết thảy mọi bệnh khổ-độc đều khỏi và đều được yên-ổn.
Bấy giờ, đức Phật dùng Tịnh-Phạm-âm, bảo các vị Tỳ-Khưu rằng: "Các vị nên đứng dậy, lấy thẻ điểm số xem được bao nhiêu (hành Xá-La trù). Các vị nên đối với nhau hối quá tự trách. Các vị nên cùng nhau tạ mọi lỗi phạm phi-pháp và đều nên nhẫn-nhục hòa đồng với nhau, cho sạch ba nghiệp: thân, khẩu, tâm, không còn nhơ-nhớp gì nữa!"
Lúc đó, các vị Tỳ-Khưu lĩnh thụ lời Phật dạy, liền đều cùng nhau từ tòa ngồi của mình đứng dậy, trước đức Thế-Tôn, đều cùng tạ nhau và sám-hối những điều lỗi-lầm. Xong rồi, lại trở về ngôi nơi bản-vị.
Đức Phật thấy chúng đều về bản-vị cả rồi, đức Phật rủ lòng thương-xót, nhân từ tòa ngồi của Ngài đứng dậy, tự mình chắp tay, hướng vào các vị Tỳ-Khưu mà nói rằng: "Các vị Tỳ-Khưu! Các vị nên hòa tâm hướng vào nhau, hướng vào các vị mà hối lỗi. Tại sao ? - Vì, nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý của ta thảng hoặc có lúc ngang-trái, lầm lẫn với nhau chăng? Như-Lai Vô-thượng-tôn Chí-chân, không còn có nghiệp lầm-lẫn, thiếu-sót, tâm không phóng-dật, không mất trí tuệ, không tham-mộ gì và không hủy giới cấm. Với, trong những vị Thanh-Văn, Duyên-Giác, là bực Tôn-đức rất lớn trong ba cõi, vượt trên chư Thiên, thế-gian, nhân-dân, không ai có thể sánh bằng được. Lại, các vị Tỳ-Khưu, như trong dòng họ xuất-gia, học đạo, tu pháp Sa-môn, tâm tính đều khác, chí-khí, tiết-tháo bất đồng, trong Phật nghiệp này, cần nên thi-hành và nên vâng lời dạy răn không được trái phạm. Tại sao? - Nếu có vị Tỳ Khưu nào ở trong Thánh-chúng, kiến-lập năm mới mà thân hạnh đều khác, tâm-niệm chẳng đồng, mang lòng nịnh hót, thời kể vị Tỳ-Khưu kia, không chịu đường chân-chính, không phải là Cụ-giới. Tại sao?- Vì, thân, khẩu, ý sạch, là thiện-chân-chính. Thụ-giới Cụ Túc của Phật, tâm hằng kính nhường, thuận thượng trung, hạ, không làm sự khinh-mạn, dông-dỡ; biết thẹn-hổ nhún lòng, mới hợp pháp-giới. Tại sao? - Vì người làm như thế, không có oán-ghét, không vì kết-hận, xét pháp xưa, nay, không có rối-loạn; kiến-lập năm mới cũng không có tâm giận tức, tự-đại. Tại sao? - Vì giới-cấm thanh-tịnh, tạo-lập ra năm mới, kiến-lập tối-đại-giới; không thanh-tịnh chẳng phải là đệ-tử Phật. Cũng như thây hình người chết để dưới đất, bỏ nơi mồ mả, chư Thiên, nhân-dân trong thiên thượng thế-gian, đều mang những thuốc tốt, hoặc Thần-chú, hảo-thuật lại, thương-xót chữa cho họ, cũng không thể làm cho họ sống lại được. Như thế, Tỳ-Khưu hủy-phạm giới-cấm, chính khiến họ vào trong chúng, được bao năm mới rồi, cũng không thể tự cứu, để kiến-thành năm mới được. Tại sao?- Vì người ấy hủy giới, hội quy tự nhiên, nhân ấy quay về chịu báo khổ-độc, chua xót, vất-vả vô lượng trong địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh. Các vị nên siêng-năng, cẩn-thận!"
Đức Phật nói pháp ấy rồi, liền từ tòa đứng dậy, ra ngoài nệm cỏ. Tức thì ba nghìn đại thiên thế-giới, sáu phen chấn-động, đàn không-hầu, đồ kỹ nhạc, không đánh tự-nhiên kêu; chư Thiên trên không, tung những thứ danh-hương, rải các thứ hoa sặc-sỡ xuống.
Khi đức Phật nói phẩm giới-pháp ấy, bảo các vị Tỳ-Khưu, thời các vị Tỳ-Khưu, đều ngồi nơi bản-vị, nhờ uy-thần Thánh-chỉ về sự giáo-hối của Phật, công-huân sáng-suốt, soi sáng khắp cả, đều tự lập lên, tâm không vui-thích ở nơi thường ngồi như ghềnh núi, gốc cây, chỉ là tham-dục; mà đều từ tòa mình ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật, miệng tự bạch rằng: "Hết thảy mọi pháp, đều từ nơi Phật mà lĩnh thụ; phép chính, gốc đạo, vì giúp hết thảy; con mắt từ-mẫn, tôn quý lạ-lùng; Thánh-đức vô thượng, siêu tuyệt chi bằng, nguy-nguy, đường- đường, tuyên-bố đạo-hóa." Bấy giờ Như-Lai, dời nơi Tôn-vị, sám-tạ Thánh- chúng, thương-xót thiên-hạ, lại về nệm cỏ Phật ngồi lại rồi, Thánh-chúng cũng thế, đều về ngôi cũ, như pháp ngồi lại.
Lúc đó, đức Thế-Tôn thấy thời của năm mới đã đến, mẫn-niệm đến mọi người trong hội, Ngài ở trước các vị Tỳ-Khưu, ba lần tuyên-bạch về năm mới xong. Sau khi kiến lập năm mới rồi, năm vị Tỳ-Khưu từ tòa mình ngồi đứng dậy, để kiến-lập năm mới. Vừa kiến-lập năm mới, một vạn vị Tỳ-Khưu, được thành đạo-tích, tám nghìn vị Tỳ-Khưu được quả A-La-Hán; tám vạn bốn nghìn chư Thiên nơi hư-không, đều thấy sự khai-hóa, đều phát đạo-ý vô thượng chính-chân, giảng-thuyết kinh-pháp, không kể số được, những loài chúng-sinh kiến lập Tam-thừa, nay đức Phật từ-bi thương-xót, tạm khuất ngôi Chí-tôn, ngồi ở trong chúng, độ thoát nguy-ách, mười phương nhờ ơn tế-độ.
Cùng khi ấy, Nan-Đầu-Hòa-Nan Long-Vương... đều xả nơi mình ở, mang theo trạch-hương, chiên-đàn tạp-hương... đến chốn đức Phật và đến nơi đạo-tràng kiến-lập năm mới, đỉnh lễ đức Phật, cùng chư Thánh-chúng. Long-Vương cúi đầu sát dưới chân, đem chiên-đàn tạp-hương, cúng-dường Phật cùng các Tỳ-Khưu Tăng và làm bài kệ thán tụng rằng:
Vị ngồi trên ghềnh núi,
Hoặc ngồi dưới bóng cây;
Hoặc qua trên biển cả,
Mang lòng ít sân-hận.
Lại, kiến lập năm mới,
Ức tải chúng-sinh họp
Đều cúng-dường lên Phật,
Được thành Cam-Lộ môn.
Và, cũng lúc ấy, Hải-Long-Vương mang ngọc Xích-trân châu, hóa làm lá chàng Giao-lộ-các rất đẹp, dài, rộng bốn trăm dậm, lấy ngọc Lưu-ly xanh tía, dát lại với nhau mà thành. Tay ông mang giữ, đi trong hư không. Từ Giao-Lộ-Các ra khỏi Long-cung, nước ao Bát-vị (tám mùi), tuôn chảy rưới đất, để cúng-dường Như-Lai cùng chúng Tỳ-Khưu. Đem lá chàng Giao-Lộ-Các cống hiến lên bậc Đại- Thánh cùng các vị Tỳ Khưu Tăng. Đem ngọc Anh-lạc rải cúng trên Phật cùng chư Thánh chúng. Cúng rồi liền nói bài kệ rằng:
Thanh tịnh như hư-không,
Như nhất, tự nhiên không;
Giới cấm rất thanh-tịnh,
Quý hơn Diệu-minh-châu.
Không biết bao nhiêu chúng,
Ngồi trong đại-hội này;
Đều cúng-dường an-trụ,
Cùng mọi Thanh-Văn chúng.
Bấy giờ, chư Bồ-Tát, Thiên, Long, Thần-vương ở mười phương, đều từ mười phương lại hội-họp, hóa làm không biết bao nhiêu những đồ cúng lạ-lùng, cúng- dường đức Thế-Tôn cùng chúng Tỳ-Khưu; cúi đầu quy-mệnh, lĩnh-thụ lời dạy trong kinh-điển. Tất cả đều như thế, bình-đẳng không khác, đều lại cúi đầu quy- mệnh, và đều phát ra đạo-ý Vô-thượng chính-chân. Khi ấy, Thiên, Nhân thảy đều phát tâm, cúng-dường Thế-Tôn cùng chư Thánh-Chúng, đọc bài kệ tán-thán rằng:
Tâm Ngài đã thanh-tịnh,
Đệ nhất không nghĩ, bàn;
Thánh-chúng tối tôn-trưởng,
Ngồi ngay trong hội này.
Bỏ lìa hết thảy tưởng,
Khéo trừ mọi cấu-uế;
Ngày nay dâng cúng-dường,
Nơi kính không thể bàn,
Khai-hóa, mọi nạn thường,
Hết thảy mọi trần-lao;
Giới cấm ấy thanh-tịnh,
Như ngọc báu Minh-nguyệt.
Tâm thường suy-nghĩ chính,
Dứt mọi buộc sân-hận;
Ngày nay Ly-cấu-tôn,
Hội-họp lập năm mới.
Răn tâm khó điều-hóa,
Tuân hành như Thái-sơn;
Tiêu ngại pháp thường làm,
Phật an-lập năm mới.
Sau khi chư Thiên-nhân nói bài kệ ấy rồi, cúi đầu lễ dưới chân Phật, bỗng nhiên không thấy hiện nữa, mọi người đều về cung mình ở và đều sung sướng lấy Phật pháp làm vui. Bấy giờ đức Thế-Tôn hiển-lộ làm không-khí mát-dịu lạ-lùng, cùng mọi báu xen bày, che rợp Thánh-chúng và Ngài liền nói bài kệ này:
Giới ấy rất thanh-tịnh,
Chỗ làm rất khó kịp;
Ngày nay vui mừng cúng.
Che khắp lập năm mới.
Dâng lên người an-trụ,
Hộ giới rất thanh-tịnh;
Như chim Hát mến lông,
Uy Phật giúp năm mới.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: "Nay, Phật, Thế-Tôn, tuy năm mới này một năm có một lần hội, song, các vị cần tu-hành theo đúng pháp-tắc, thanh-tịnh giúp đạo, nghiêm trì ba việc: thân, khẩu, ý không nhơ nhớp, vâng làm mười điều thiện (không sát sinh, không trộm-cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không tham, không sân, không si), bốn tâm bình-đẳng (từ, bi, hỷ, xả), sáu phép độ (bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tiến, thiền- định, trí-tuệ) và bỏ sạch sáu tình (tức 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý sinh ra tình-thức), ba độc (tham, sân, si), năm thứ ngăn che (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) mười hai mối khiên-liên (tức 12 nhân-duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.), làm sao trong sạch như mặt trời soi khắp thiên-hạ, ánh sáng chiếu-diệu, mọi tối tiêu tan, vào nẻo đạo-minh Vô-thượng chính-chân, hết thảy hòa-đồng, khổ, vui không hai, mới hợp đạo-pháp." Liền đó, đức Phật nói bài tụng rằng:
Chư Phật ra đời, vui,
Nói kinh-pháp cũng vui;
Thánh-chúng hòa đồng, vui,
Hòa, thường được an vui.
Đức Phật nói như thế, các chúng Tỳ-Khưu, chư Thiên, Long, Quỷ-thần, A-Tu- Luân, thế-gian nhân-dân, nghe đức Phật nói không ai là không hoan-hỷ, làm lễ mà lui.



Chú thích:


(1) Kinh này là cuốn kinh số 62 trong Đại-Tạng-kinh. Tân tuế là "năm mới".
(2) 10 triệu là một kinh, 10 kinh là một cai.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/05/2020(Xem: 4201)
Muốn tu học theo Đạo Phật, muốn trở thành Phật tử thời chính bản thân mình phải có chí muốn thành Phật và tự nguyện sẽ thành Phật, vì biết mình có sẵn Phật tánh nên tự tin là mình sẽ thành Phật. Ai tu cũng được cả, dù giàu sang hay nghèo hèn, dù thông minh hay dốt nát, dù già hay trẻ. Tu càng sớm càng hay. Tu chỉ có nghĩa là “sửa đổi”, sửa xấu thành đẹp, sửa ác thành hiền, sửa si mê thành giác ngộ… Tu ở nhà, tu ngoài xã hội, tu ở chùa, nơi đâu cũng được.
21/04/2020(Xem: 8137)
Đức Phật khuyên con người nên diệt trừ ái dục. “Ái” là thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái bám víu. “Dục” là ham muốn, tham dục, lạc dục. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham hưởng mọi sự sung sướng thường tình đối với người và đối với vật. Có ba loại ái dục: 1. Ái dục theo nhục dục “ngũ trần”: Năm cảnh trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Trần là bụi dơ. Ngũ trần là năm cái có thể thấm bụi dơ vào thân tâm ta, vào chân tính của ta. 2. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “đoạn kiến”, nghĩ rằng chết là hết, nên không cần quan tâm đến thiện ác, tội phước, quả báo gì cả, cứ lo hưởng thụ lạc thú vật chất và sự giàu sang hiện tại. 3. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “thường kiến”, nghĩ rằng những lạc thú và tài sản sẽ còn với mình mãi mãi, lâu dài vĩnh cửu, trường tồn.
24/08/2019(Xem: 10610)
Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn - một Niết bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui nhân thế. Quan niệm này đã mang lại một sức hấp dẫn, sức sống mới cho Phật giáo, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.
14/04/2019(Xem: 9429)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo… Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật. Ngài có đời sống dài vô hạn lượng nên còn có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật.
20/09/2018(Xem: 5374)
Trung Bộ Kinh Nikaya (Majjhima Nikaya) có bốn bài kinh: 1) Nhất Dạ Hiền Giả (Bhaddekaratta Sutta), 2) Ananda và kinh Nhất Dạ Hiền (Anandabhaddekaratta Sutta); 3) Đại-Ca Chiên-Diên và kinh Nhất Dạ Hiền (Mahakaccanabhaddekaratta Sutta); 4) Lomasakangiya và kinh Nhất Dạ Hiền (Lomasakangiyabhaddekaratta Sutta). Cả bốn bài kinh này đều xoáy trọng tâm vào một bài kệ do Đức Phật tổng thuyết và biệt thuyết nhằm khuyến tấn các đệ tử của Ngài hãy nỗ lực tu tập để phát huy tuệ quán nhận ra "cái đang là" của các pháp hiện tại và an trú trong bây giờ và ở đây.
28/04/2018(Xem: 9074)
Sự hiện hữu của nhân sinh bao giờ cũng mang theo những ước mong về một đời sống tốt đẹp. Nhưng có lẽ sự tốt đẹp cho cả cuộc đời này là khát khao lớn nhất và có giá trị cao cả nhất cho những ai luôn nuôi dưỡng những tâm nguyện của tình thương bao la cho cả vũ trụ này. Có những mơ ước về một đời sống lí tưởng cho riêng mình, nhưng cũng có nhữngước mong xây dựng cho cả cuộc đời này thành một cảnh giới thật sự chỉ có mặt của niềm hạnh phúc. Những tâm tư như thế được thể hiện từ rấtxưa ở Trung Quốc với lí tưởng “thế giới đại đồng” của Nho Giáo,
12/11/2017(Xem: 22868)
Có tu có học có hành Đêm ngày tự có phước lành phát sanh Không tu không học không thành Dù trăm tài sản cũng đành bỏ đi .
02/04/2017(Xem: 9250)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo…
28/04/2016(Xem: 19926)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
07/01/2015(Xem: 9785)
Trong mối liên hệ với thế giới của ta thì Cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở phương tây và ở phía trên thế giới của ta. Ta phải chấp nhận một vũ trụ quan và nhận ra rằng có nhiều hệ thống thế giới khắp không gian. Tôi đang nói tới một hệ thống hết sức bao la. Chúng ta hãy xác định vị trí của ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]