Trưa ngày 24/2/2025: TT Nguyên Tạng đã đến viếng thăm Bảo Tháp và Tu Viện Mendut, Java, Indonesia
Mendut là một ngôi Tháp Phật giáo được xây dựng vào thế kỷ thứ chín, tọa lạc tại làng Mendut, huyện Mungkid, Magelang Regency, Trung Java, Indonesia. Ngôi Tháp này nằm cách Đại Tháp Borobudur khoảng ba km về phía đông. Cả ba chùa Mendut, Borobudur và Pawon, đều nằm trên một con đường thẳng.
Cũng như Đại Tháp Borobudur, tiểu Tháp Mendut được tạo lập vào thế kỷ thứ 9. Theo dòng chữ Karangtengah, Tháp này được xây dựng và hoàn thành dưới thời trị vì của Vua Indra thuộc triều đại Sailendra. Dòng chữ có niên đại 824 sau Tây lịch ghi nhận rằng Vua Indra của Sailendra đã xây dựng một ngôi Tháp có tên là Venuvana có nghĩa là "Trúc Lâm". Nhà khảo cổ học người Hà Lan JG de Casparis đã kết nối ngôi chùa được đề cập trong dòng chữ Karangtengah với ngôi Tháp Mendut.
Năm 1836, người ta phát hiện ra ngôi Tháp là một tàn tích phủ đầy bụi rậm. Việc trùng tu ngôi Tháp này bắt đầu vào năm 1897 và hoàn thành vào năm 1925. Một số nhà khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu về ngôi Tháp này là JG de Casparis, Theodoor van Erp và Arisatya Yogaswara.
Mặt bằng của ngôi Tháp có hình vuông, mỗi cạnh dài 13,7 mét, với phần đế cao 3,7 mét so với mặt đất. Ngôi Tháp cao 26,4 mét hướng về phía tây bắc. Cầu thang nhô ra từ phía tây bắc, bệ cao hình vuông được trang trí bằng tượng Makara ở mỗi bên, bên tường cầu thang được chạm khắc phù điêu truyện tiền thân Đức Phật Thích Ca ( Jataka) kể lại nhiều câu chuyện ngụ ngôn về loài vật trong giáo lý nhà Phật. Nền sân thượng hình vuông bao quanh thân Tháp được dùng cho các nghi lễ pradakshina hoặc kinh hành nhiễu quanh Tháp theo chiều kim đồng hồ. Các bức tường bên ngoài được trang trí bằng phù điêu của các vị Bồ tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara), Vajrapani (Đại Thế Chí), Địa Tạng (Ksitigarbha), Di Lặc (Maitreya), Địa Tạng (Ksitigarbha), Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), Hư Không Tạng (Akasagarbha) cùng các bức tượng Phật giáo khác. Ban đầu, ngôi Tháp có hai gian, một gian nhỏ ở phía trước và gian chính lớn ở giữa. Mái nhà và một số phần của các bức tường của gian trước đã bị mất. Phần trên cùng của mái nhà đã mất, được cho là có đỉnh tháp với kích thước và kiểu dáng có lẽ giống như ở Tháp Sojiwan.
Bên trong Tháp có thờ 3 tôn tượng đá lớn lớn điêu khắc đạt đến độ tinh xảo, ở giữa là tượng Đại Nhật Như Lai cao 3m với đôi tay thủ ấn chuyển pháp luân (thuyết pháp ấn), tượng trưng cho ánh sáng và trí tuệ giúp chúng sanh giải trừ thân nghiệp, bên trái là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng sự đại từ đại bi, giúp giải trừ khẩu nghiệp và bên phải là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, giúp giải trừ ý nghiệp, đưa đến giải thoát. Ba tượng thờ này được lưu giữ nguyên vẹn, là một lý giải hoàn hảo nhất cho mục đích và ý nghĩa của nhà vua Indra trong mục đích xây dựng ngôi bảo tháp.
Ngày nay, vào dịp lễ Vesak, ngày trăng tròn vào tháng 5 hoặc tháng 6 hằng năm, Phật tử Indonesia thiết lễ đón mừng Phật Đản hàng năm bằng cách rước lễ và diễn hành từ Tháp Mendut đến tháp Pawon và kết thúc tại Đại Borobudur.
Bên cạnh Tháp Mendut là Tu Viện Mendut, Java, hiện có trên 10 vị Tăng theo truyền thống Theravada đang tu tập và hoằng Pháp, Tu Viện Mendut có mở lớp thiền lúc 7 giờ tối mỗi ngày để hướng dẫn cho mọi người. Tu Viện Mendut rộng rãi có chánh điện, giảng đường và Tăng phòng, đặt biệt du khách có cơ hội chiêm bái đầy đủ những tôn tượng, những tiểu cảnh mô tả chi tiết cuộc đời của Đức Phật từ đản sanh, thành đạo và niết bàn trong khuôn viên ngôi Tu Viện này.