Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Triết Lý Đại Tạng Kinh

18/02/202509:28(Xem: 298)
Triết Lý Đại Tạng Kinh


dai tang kinh 2

TRIẾT LÝ ĐẠI TẠNG KINH


Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo Bắc truyền, văn phong khác xa với kinh tạng Nam truyền; mượt mà hơn, mang tính văn học triết lý hơn, hàm ẩn nhiều biểu tượng ngoài biểu tượng tín ngưỡng Tôn giáo.

Tín đồ đọc tụng bằng tâm tín thành như để đáp ứng sự hộ trì của Bổn Tôn, chính sự chuyên nhất và thành kính đó đã tạo một trường lực cảm ứng theo sở cầu sở nguyện!

Ngược lại, chỉ đọc tụng như thói quen trả lễ, khác nào chiếc máy ghi âm phát ra một cách vô thức.Các chú tiểu hai thời công phu được xem như trả nợ áo cơm Tam bảo hơn là tìm hiểu ý nghĩa dẫn lối đưa đến tu tập đúng nghĩa.

Trong bộ Đại tạng kinh Bắc truyền, mỗi bộ kinh văn đều mang một hàm ý biểu hiện sự diễn hóa tâm thức.Qua nhiều thế kỷ, hàm ý thâm sâu của các kinh bộ đã biến thành một bửu bối trong nghi thức Tôn giáo. Linh hồn triết học đã bị phủ một lớp bụi dày, ít được khai phá đề cao đúng nghĩa để thích nghi với những trình độ cao kiến hơn. Chính vì thế những bộ kinh thông dụng như, Địa Tạng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Vô lượng Thọ, Di Đà, Phổ Môn…đều được đáp ứng cho nghi lễ Tôn giáo trong quảng đại tín đồ hơn là những nấc thang tiến hóa tâm thức giúp cho hành giả tiến sâu vào cuộc hành trì giải thoát.

Trong thời đại phương tiện truyền thông phổ quát hiện nay, không khó cho những ai tìm hiểu, tiếp cận kinh điển Phật giáo, nhưng thật sự rất khó để hiểu thâm ý của kinh tạng, tìm cho mình một pháp hành.

“Thế gian pháp tức Phật pháp” “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu Thố giác”…chư Tổ đã cảnh báo, nhưng vẫn có những đam mê đắm sâu vào kinh văn, nghi lễ, bỏ quên nghĩa lý ẩn tàng trong văn kinh, cũng không thiếu những tìm tòi để khám phá tính vi diệu của kinh điển; Tất cả kinh pháp mục đích giúp chọn một pháp hành cho tâm thức chứ không phải để sùng phụng hay tán dương một triết lý nghệ thuật của kinh điển Bắc truyền.

Thử tìm hiểu tính uyên nguyên trong kinh Địa Tạng, cũng như  mỗi bộ kinh có một điều hướng khác nhau thích hợp cho căn cơ từng đối tượng.

Dĩ nhiên kinh điển Bắc truyền xuất hiện sau Phật nhập diệt nhiều thế kỷ. Một số nội hàm cũng xuất hiện từ Phật giáo nguyên thủy, mang dáng dấp giáo pháp sơ thời, được diễn dịch bằng lối văn chương của quốc độ nặng tính văn học;tuy diễn dịch như truyền tích nhưng thật súc tích một triết lý uyên áo.

Xin được lần lượt giới thiệu đến với những ai thích tìm hiểu về giáo lý Bắc truyền, tìm ra một pháp hành thích hợp với căn cơ cá biệt.

 

MINH MẪN

14/02/25

 

 Kinh Dia Tang giai nghia

ĐỊA TẠNG BỔN NGUYỆN  (1)

Trong cuộc sống, từ công việc đến ý tưởng, nhất là trong lãnh vực tín ngưỡng, Tôn giáo, để gắn kết đi đến hoàn thành sở nguyện như ý, cần có ý chí, quyết định, phát nguyện là bước căn bản ràng buộc để không bị thời gian xao lãng ý nguyện ban đầu.

Nội dung trong đây, chú trọng đến Phật giáo qua hành trạng và hạnh nguyện, nhất là sở nguyện của hàng bậc Thánh.

Người tại gia, phát nguyện là hướng đến sự thánh thiện, hoặc từ bỏ thói hư tật xấu, hoặc quyết tâm thành đạt đến cảnh giới tâm linh.Đó là nền tảng cho việc hành trì.Trong quá trình hành trì thể hiện những công hạnh hướng đến mục đích,thể hiện hành trạng thông qua hạnh nguyện đặc thù.

Lịch sử truyền thừa chư Tổ của Bắc truyền, 33 vị  đều có một nét cá biệt theo hạnh nguyện riêng.

TỔ MA HA CA DIẾP (MAHA KASYAKA) có một sứ mạng duy trì mạng mạch Phật giáo sau khi đức Phật nhập diệt. Trong giáo đoàn của Phật, ngài đã được cho là khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Ngài là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca:
1. Xá Lợi Phất              Trí huệ đệ nhất.
2. Mục Kiền Liên         Thần thông đệ nhất.
3. Phú Lâu Na              Thuyết pháp đệ nhất.
4. Tu Bồ Đề                 Giải không đệ nhất.
5. Ca Chiên Diên         Luận nghị đệ nhất.
6. Ma Ha Ca Diếp        Đầu đà đệ nhất.
7. A Na Luật                Thiên nhãn đệ nhất.
8. Ưu Ba Ly                 Trì giới đệ nhất.
9.  A Nan Đà                Đa văn đệ nhất.
10. La Hầu La              Mật hạnh đệ nhất.

Tiếp theo các Tổ truyền thừa Thiền tông được 33 đời. Ngài Huệ Năng là Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung hoa, nhưng là tổ thứ 33 theo dòng truyền thừa kể từ ngài Ca Diếp.Lục Tổ là đời cuối cùng chấm dứt truyền thừa y bát. Sơ Tổ Thiền tông Trung hoa là Bồ Đề Đạt Ma ( cũng là Vị Tổ thứ 28 của Ấn).

Mỗi vị mang một hạnh nguyện, điểm chung là “Truyền đăng tục diệm”để mạng mạch Phật giáo được trường cửu đến hôm nay.

Lần lượt điểm qua các đời Tổ Thiền tông để xuyên suốt các hạnh nguyện của chư Thánh thông qua kinh điển Bắc truyền, thể hiện tâm nguyện của các bậc xuất trần, đồng thời cũng thể hiện tâm đức của mỗi chúng sanh, đó là “Phật chúng sanh đồng bản thể đại bi”

 

MINH MẪN

 15/02/25

 
kinh-dia-tang-bon-nguyen

ĐỊA  TẠNG  BỔN  NGUYỆN  (2)

 https://quangduc.com/p22574a33193/kinh-dia-tang-bo-tat-bon-nguyen

Trước khi đi vào Bổn nguyện của Đức Địa Tạng Bồ Tát, ta hãy tìm hiểu sơ lược lịch sử của Ngài:

Theo kinh tạng Bắc truyền, Đức Phật bổn sư chúng ta thuyết giảng trên cung Trời Đao Lợi nói về nhân thân của Ngài Địa Tạng trước thời xa xưa vào kỷ nguyên hóa độ của Đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.

Vốn là con trai của một vị Trưởng giả, Ngài khởi tâm tán thán Đức Như Lai đương thời, và hỏi nguyên nhân nào Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai có được tướng hảo như vậy ?

Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai dạy rằng:
“Nếu con muốn chứng đắc thân tướng như thế này, con phải phát nguyện độ thoát hết thảy chúng sinh. Phải cứu giúp tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau và hoạn nạn.”

Khi ấy, Địa Tạng Vương Bồ Tát, với nhân duyên là con trai của trưởng giả, đã phát nguyện rằng:
“Con nguyện từ nay cho đến vô lượng kiếp về sau, dù trải qua thời gian không thể tính đếm, con sẽ cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đang chịu khổ đau vì tội nghiệp.”

Đó là phát nguyện thứ nhất của Ngài lúc bấy giờ đang ở thời đại giáo hóa của đức. Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Theo phát nguyện này, có nghĩa: : Độ tận chúng sinh được ghi lại trong phần Phẩm Phân Thân Tập Hội của Kinh Địa Tạng.

“Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ Đề”
(Chúng sinh độ hết mới chứng Bồ Đề)

Nội dung trên đây, có ba vấn đề cần lưu tâm: một là –cư địa, hai là  - Phật địa ba là đại nguyện. Nơi xuất hiện đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai chắc chắn không phải trên tinh cầu này. Kinh tạng từng đề cập tam thiên đại thên thế giới. Trong quyển Đạo Phật và Khoa Học cũng cùng quan điểm: “Một Thái dương hệ là Tiểu thế giới, một nghìn Tiểu thế giới là một Tiểu Thiên thế giới, một nghìn Tiểu Thiên thế giới là một Trung Thiên thế giới. Một nghìn Trung Thiên thế giới là một Đại Thiên thế giới, một nghìn Trung Thiên thế giới trải qua ba lần nhân với một nghìn, nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên thế giới”.

Như vậy trong Tam thiên đại thiên thế giới, tiền thân của ngài Địa Tạng vương  và  Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai thuộc thế giới nào, riêng cõi ta bà này thuộc địa giới của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni giáo hóa.?

Gần ba ngàn năm trước Đức Phật đã nói đến Tam thiên đại thiên thế giới mà khoa học ngày nay đã xác nhận vũ trụ bao la ngoài sự vận hành của thái dương hệ này

Aristotle (384 322 trước D lịch), (Đạo Phật và Khoa Học, trang 214) nhà khoa học kiêm triết học nổi tiếng người Hy Lạp (sau Phật 240 năm) nói: “Tất cả vạn vật đều được cấu tạo bởi Đất, Nước, Gió, Lửa; những chất này hoạt động nhờ hai lực:   Hấp lực khiến đất và nước chìm xuống. Tính nhẹ phiêu bồng khiến gió lửa lên cao.

Trong khi đó, Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Vạn vật, vũ trụ được cấu tạo bởi sáu thứ đại là Đất, Nước, Gió, Lửa, Thức đại, và Không đại”.Tức là đi trước Aristotle 240 năm.

Riêng Đại nguyện thứ nhất của Ngài, xét về sự, với đại nguyện đó có lẽ luôn chờ cho chúng sanh không còn ngài mới đắc thành đạo quả.Chúng sanh luôn luân lưu trong 6 cõi ba đường từ vô lượng kiếp trước đến vô tận kiếp sau; phải chăng -đó như là lời tuyên thệ sách tấn những sơ tâm cầu đạo, đức hy sinh gương mẫu vị tha sẵn có trong mỗi con người?

Mỗi lời phát nguyện là mỗi kiếp khác nhau vào thời giáo hóa mỗi Phật khác nhau, lần lượt sẽ trình bày bổn nguyện của Ngài

(còn tiếp)

MINH MẪN

 16/02/25

Bo_Tat_Dia_Tang_2

 

ĐỊA  TẠNG  BỔN  NGUYỆN 3  

(tiếp theo)

Bốn vị Như lai đem đến cho tiền thân Địa Tạng có bốn đại nguyện thể hiện bốn đức tính căn bản sau khi đắc quả vị.

1/ Sư Tử Phấn Tấn Như Lai;

Sau khi tiền thân Ngài Địa Tạng tán thán tướng hảo của đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài dạy rằng:

 “Nếu con muốn chứng đắc thân tướng như thế này, con phải phát nguyện độ thoát hết thảy chúng sinh. Phải cứu giúp tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau và hoạn nạn.”

Khi ấy, Địa Tạng Vương Bồ Tát, đã phát nguyện rằng:

“Con nguyện từ nay cho đến vô lượng kiếp về sau, dù trải qua thời gian không thể tính đếm, con sẽ cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đang chịu khổ đau vì tội nghiệp.”.

Xét về nguyện tướng là vậy, nhưng y cứ như  nguyện của Ngài thì mãi mãi vẫn không thể thành Phật, vì mãi mãi chúng sanh luân lưu trong sáu nẽo luân hồi. Chúng sanh không chỉ có nhân loại mà cả phi cầm  tẩu thú, trong tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, vô số như vi trần.

Xét theo nguyện tánh,Tướng tự tâm sanh, tướng đây không chỉ là tướng mạo mà là  tướng pháp, là mọi hiện tượng giới vô hình lẫn cả hữu hình;duy thức bảo – “nhất thiết duy tâm tạo”.Tất cả có, không, hữu vi vô vi đều do tâm khởi hiện ( phải có phần riêng về duy thức mới giải rõ mọi hiện tượng này).

Do vậy phải hiểu dụng ý của kinh văn“Con nguyện từ nay cho đến vô lượng kiếp về sau, dù trải qua thời gian không thể tính đếm, con sẽ cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đang chịu khổ đau vì tội nghiệp.”.

Một khi hành giả liên tục hoán cải (cứu độ) chúng sanh tánh trong vô lượng kiếp của mình để đưa đến bạch tịnh thức thì vô sư trí xuất hiện, đại viên cảnh trí sẽ không còn khổ đau, địa ngục hay luân hồi.

 

 

Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, là hiện thân của một bậc tinh tấn dũng mãnh đầy đủ các hạnh lành cấu thành tướng hảo quang minh của một vị Phật.

Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai là kết quả của một định lực nở hoa sau khi giác ngộ.

 Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, là một hành giả đạt đến tất cả trí giác của một vị Phật

 Liên Hoa Mục Như Lai là hành giả đạt đến nhãn tướng hoa sen, nghĩa là mắt thanh tú như  một hoa sen, một trong 80 vẻ đẹp.

Qua bốn trạng thái tượng trưng cho đấng toàn giác mà tiền thân ngài Địa –Tạng hướng đến khi khắc phục mọi tướng trạng chúng sanh tánh. Hạt giống chúng sanh độ sạch mới thành quả vị là đương nhiên. Đây là đại nguyện  ẩn tàng trong văn học bắc tạng.

Trong vũ trụ -nói chung và nhân thân mỗi người nói riêng đều có một tầng số năng lượng nhất định.Điện thoại, TV và tất cả máy thu phát sóng cũng có một tầng số.Khoa học khám phá và sử dụng các tầng số, khi bắt được tầng số với mật mã tương thích thì tầng số được kết nối.

Thần chú, mật tông là những khóa số kết nối khai mở với các tầng số năng lượng tạo ta năng lực như các tiện nghi khoa học vật lý ngày nay, nhưng vật lý chỉ ở tâng số thấp của tâm thức và Tôn giáo.

Năng lượng của các bước sóng từ thô đến tế trong không gian, được các bậc Thánh chứng đắc  thể hiện qua tư tưởng, do vậy các bậc Thánh liên lạc nhau, hiểu ý và cảm thức nhau dù cách xa nửa vòng trái đất mà không cần dùng điện thoai. Đầu thế kỷ 19 Alexander Graham Bell đã có công phát minh ra điện thoại nhưng so với bước tiến hóa tâm lịnh, đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Một khi khởi tâm dù tích cực hay tiêu cực đều phát ra một tầng sóng tương thích với ngoại biên. Một đại nguyện khởi lên làm rung động nguồn sáng thánh thiện, tâm nguyện được nâng cao, sanh tâm hoan hỷ, độ lượng tiến đến tầng sóng cao và thanh; ngược lại khởi tâm tiêu cực đen tối, tội lỗi sẽ tương ứng với nguồn năng lượng thấp vả ô trược khổ đau. (sơ tâm xuất gia thường khởi tâm trong sáng thánh thiện, cảm ứng chấn động tầng song năng lượng ngoại biên).

Để hướng dẫn chúng sanh thoát khỏi u đồ,ngoài việc giữ giới, tâm luôn thanh tịnh, lìa xa mọi tiêu cực.

Đời người quá ngắn so với vũ trụ, Tổ Quy Sơn đã dạy:

 Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô, ngạn thọ, tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát-na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá?

Vô thường già bệnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát-na đã qua đời khác. Giống như sương của mùa xuân, móc của ban mai, chốc lát liền không, như cây bên bờ vực, như những thực vật leo mọc trên vách giếng, làm sao có thể lâu bền được!? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát-na, chuyển hơi thở thì đã là đời sau. Làm sao có thể yên lòng để đời mình trôi qua vô ích như thế được?

 

MINH MẪN

 20/02/25   (còn tiếp)

  
Bo tat Dia Tang

ĐỊA  TẠNG  BỔN  NGUYỆN
(tiếp và hết)


Vừa qua những bài trước nói đến nguyên nhân phát đại nguyện của tiền thân Bồ Tát Địa Tạng, đồng thời nghĩa lý của 4 đức Như Lai đương thời để Bồ Tát hiểu rõ thể tánh  sanh ra hảo tướng, từ hảo tướng sanh ra hảo tâm hướng đến vô lượng bi tâm độ tận chúng sanh.

Địa Tạng Bổn nguyện kinh gồm ba quyển, nội dung  phân bố rất chặt chẽ theo từng phẩm.

Quyển thượng nói về Phật hiện thần thông, phân thân tập hội, quán nghiệp duyên của chúng sanh, nghiệp cảm của chúng sanh

Quyển trung nói về danh hiệu địa ngục,Như Lai tán thán,kẻ còn người mất, các vua Diêm La khen ngợi, xưng anh hiệu chư Phật

Quyển hạ so sanh nhân duyên công đức của sự bố thí,Địa thần hộ pháp,Thấy nghe đều được lợi ích,dăn dò cứu độ nhân Thiên.

Khởi duyên thuyết về công hạnh của đức Địa Tạng, Phật dụng thần thông, hóa vô số pháp thân để lập hội chúng, từ đó mới nói về duyên nghiệp của chúng sanh. Nghiệp cảm địa ngục khởi tâm bất thiện, do vậy hạnh nguyện cứu độ chúng sanh nơi địa ngục được các vua Diêm La khen ngợi, đồng thanh xưng danh hiệu Phật.Một trong những công hạnh giúp chúng sanh tạo phúc báu và công đức là bố thí, cúng dường, tức là hạnh xả ly.

Không những cứu độ phần âm đối với những sanh chúng đau khổ, ngài còn dặn dò cứu cả cõi người và cõi Trời.

Trong các kinh tạng Bắc truyền tuyên danh vô số chư Phật, chư Bồ tát, Thiên long bát bộ như số cát sông Hằng, nghĩa là vô số không thể đếm.

Đứng về hiện tướng là tượng trưng cho thể tánh chúng sanh qua mọi hình thức. Các chủng tử ô trược bất thiện kết quả là chịu nhiều khổ đau luân lưu trong sáu nẽo mà đời sống cảm nhận luôn khổ não bất an, nạn tai không dứt, đó là địa ngục.     

Các hạt giống thiện lành thanh cao sẽ cảm ứng oai dung tướng mạo, tâm tánh hiền hậu, vui tươi hạnh phúc, mức sống đầy đủ, luôn làm điều phước thiện. Y báo cao sang, gia nhân đông đủ, thân quyến đòan tụ hòa hợp ví như thiên đường xa lìa khổ đau phiền não.

Do tâm niệm mà hiện tướng Trời người, thiên Long bát bộ câu hội văn kinh thính pháp.Phật từ đó nói đến nghiệp duyên, nghiệp cảm của chúng sanh.Những danh hiệu địa ngục cũng từ nghiệp thức chúng sanh chiêu cảm.

Các danh hiệu chư Phật, chư Bồ tát do công hạnh mà có tên.Ví dụ Bồ tát luôn lắng nghe tiếng cầu cứu đau khổ của chúng sanh nên gọi là Quán Thế Âm, Bồ Tát chữa lành bệnh hoạn có tên Dược Sư…

Thế gian thường lấy tên một người có công trong xã hội, trong phát minh khoa học, đặt tên đường hoặc tên công trình nào  đó;

 ví dụ: Alexandre Émile Jean Yersin là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học hiện nay đặt tên đường tại Việt Nam.

Archimedes ,Các thành tựu toán học khác bao gồm việc suy ra một phép xấp xỉ tương đối chính xác số pi, định nghĩa một dạng đường xoáy ốc mang tên ông (xoắn ốc Archimedes)

Một tiểu hành tinh mang tên nhà khoa học nữ gốc Việt:Để ghi nhận công lao của bà Lưu Lệ Hằng trong việc tham gia khám phá 31 tiểu hành tinh mới, người ta lấy họ Lưu đặt cho một thiên thạch mới mà bà phát hiện: tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.

William Crookes  – bức xạ kế Crookes,mang tên ống Crookes

Alfred Bernhard Nobel là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí… Ông dùng toàn bộ tài sản của mình dành cho viện Giải thưởng Nobel, hàng năm công nhận những người "mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại".. Nguyên tố hóa học Nobelium được đặt theo tên của ông. Tên ông cũng được đặt cho 1 trường PTLC ở Hà Nội.

Thế gian đã vậy thì công hạnh của một vị Phật Bồ Tát đối với chúng sanh cũng không khác.

Nhưng tướng và tánh không hai, cũng như biển và sóng tuy hai mà một.Do tánh vọng chấp so bì, phán đoán thiên lệch nên dễ đi vào sai lầm,. Hiện tượng do bản thể mà có, xét hiện tượng mà bỏ bản thể là không hiểu thực chất của vấn đề. Ví dụ ăn cắp ổ bánh mỳ, luật xã hội là có tội, nhưng đứa trẻ quá đói, nghèo không tiền, xin chắc gì ai cho? Như vậy ăn cắp do đứa trẻ đói nghèo, đó là nguyên nhân, nguyên nhân chính do xã hội còn nhiều bất cập. Nhà Phật nhìn hiện tượng  do cái này có nên cái kia có; cái này sanh nên cái kia sanh; cái này diệt nên cái kia diệt; đó là luật hỗ tương, không thể tách rời một sự kiện để đánh giá, để quy kết.

Thế thì chư Phật, chư Bồ Tát nói chung, ngài Địa Tạng là một hiện tượng của chúng sanh, chứng kiến quá nhiều khổ đau so với các Thánh hiền an nhiên tự tại thoát khỏi luân hồi đau khổ, phát nguyện “Địa ngục không trống, thề không thành Phật“.đó là một quyết chí tẩy sạch mọi chúng sanh tánh của mình, chưa sạch nghiệp chướng  trong tâm làm sao thành Phật. Đức Phật từng nói, “ ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” có nghĩa Phật và chúng sanh khác nhau chỗ còn tập khí ô trược hay không!

Nếu y  đại nguyện của ngài Địa Tạng mà không thấu về lý tánh thì chắc chắn ngài sẽ không thể thành Phật vì chúng sanh trong tam giới muôn trùng, lớp này mất đi lớp khác sanh nở…

Nếu nghĩ rằng theo lý thì bổn nguyện Địa Tạng là người chuyển hóa chúng sanh tánh chứ không thật có một Địa Tạng lại càng sai lầm. Vì sao Thần tài Thổ địa, bình vôi ông Táo ở gôc cây…nhiều người tin tưởng? cục đá thắp nhang cúng vái bên vệ đường giúp cho tai nạn giao thông đừng xảy ra? Có kiên có lành, có tin có ứng, mới có câu nhất thiết duy tâm tạo!

Đối trước bảo tượng chư Phật Bồ Tát, La Hán, Thánh hiền chí thành là một hiện tượng tín ngưỡng bước đầu đi vào tâm linh để chuyển hóa mọi tạp niệm, mọi nghiệp thức. Một khi biết cách tu tâm sửa tánh chính mình để trở thành người tốt, bấy giờ muốn tiến lên con đường giải thoát, phải tránh những điều kiện hướng đén cõi Trời vì còn nằm trong luân hồi sanh tử, do đó Phật dạy Bồ Tát phát nguyện phải cưu độ cả người và Trời trong quyển ba của Địa Tạng Bổn nguyện.

Hàn quốc cũng có một truyền thuyết hóa thân một Địa Tạng tục danh Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), Ngài sanh vào thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, tại nước Tân La (Silla), hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn.Sau qua Trung Quốc có địa danh Cửu Hoa sơn, một trong các Thánh tích nổi tiếng.

Tóm lại, qua kinh sử, Ngài Địa Tạng biểu trưng cho một hiện tượng và bản thể, tục đế và thánh đế. Tuy hai mà một  nằm trong hiện tượng giới giúp cho chúng sanh thấy được ẩn dụ trong mỗi người. Triết lý nhân sanh của Phật giáo ẩn tàng trong tướng, vì tướng và tánh chỉ là một : “nhất đa tương dung”

MINH MẪN

28/02/25   (hết)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com