Từ Bi và Tỉnh Thức
trong Quán niệm của đạo Phật
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường bắt gặp và nghe đâu đó những câu nói như: “mấy người đến Chùa thường làm ác mới hay đi Chùa cho hết tội” hoặc như “ mấy người hay nói đạo lý, nói lời từ bi thường sống giả tạo”, “Mình tu tâm là được, cần gì phải tới Chùa Chiền”.
Thật ra trong cuộc đời này, dù chúng ta đến Chùa hay không đến Chùa, dù chúng ta chọn con đường lắng nghe Phật pháp hay nghe những Triết gia thì chung quy lại cũng là mong muốn hướng cuộc sống, tư tưởng mình đến điều lạc quan, tốt đẹp. Khi chúng ta bước đến bất kỳ nơi nào, là nơi công sở, một quán ăn, một khu vui chơi mà chỉ cần bắt gặp một người cư xử tốt, đối đãi với ta tốt là bản thân chúng ta cảm thấy dễ chịu rồi, chúng ta sẽ không hỏi: “Anh, Chị có đi tu không?” hay “Anh, Chị có thường nghe Triết gia thuyết luận không” nếu có thì mình mới cho là người tốt, còn không thì cho là người xấu. Xin thưa rằng! Chúng ta không làm như vậy bao giờ. Thế nên, bất kỳ ai làm được điều tốt, hướng cái tâm mình đến điều tốt dù trong hoàn cảnh nào cũng là điều đáng quý, sẽ không có bất kỳ sự cực đoan nào trong nhận định, đánh giá và phân biệt.
Có những người không đến Chùa vì họ là người Công giáo, vì họ là người buôn gánh bán bưng, họ chạy từng bữa ăn để lo cho con cái nhưng khi họ có ý thức sống tốt thì chúng ta cũng trân trọng điều đó ở họ, ngược lại, đối với người đến Chùa, người tu tập, họ dành khoảng thời gian quý báu trong cuộc sống để đến Chùa thì chúng ta cũng hoan hỷ chứ đừng dùng những lời mỉa mai, châm chọc để phá vỡ những ý niệm hướng thiện của người khác. Khi chúng ta nuôi dưỡng trong đầu suy nghĩ không thiện về người khác, chúng ta cố ném một hòn đá xuống mặt hồ đang phẳng lặng nghĩa là chúng ta đã và đang làm một điều không tốt, và như thế, chúng ta chưa biết người đến Chùa, người tu tập có xấu hay không, có ác hay không, có gây ra nhiều tội hay không thì bản thân chúng ta khi nói những lời mỉa mai, khích bác người khác là lòng chúng ta đã bất tịnh trước rồi!
Không ít lần, chúng ta bắt gặp ai đó thường đi Chùa, mặc áo lam, niệm Phật nhưng lại hay so đo, toan tính hơn thiệt, vẫn còn tham chấp nên người ta phán xét theo kiểu đại trà “Mấy người đi chùa thường sân si, đi Chùa chứ tham chấp còn hơn người ngoài”, nhưng ở đời, không có việc nào muốn thành công mà không có quá trình, nhất là việc tu tập, thực hành theo đúng giáo Pháp nhà Phật lại là điều đòi hỏi nhiều sự vận động nội tâm, quán chiếu ý niệm, đấu tranh, chuyển hóa tư tưởng vô cùng lớn, không ai tu tập một hai ngày mà thành chánh quả, đôi khi phải cần một khoảng thời gian dài để thay đổi và hướng được một người đến với sự giác ngộ, bén được một nhánh rễ của từ bi, trí huệ, thay đổi được một thói quen tiêu cực. Nhưng nếu người ta chưa đủ phước duyên để thực hành theo chánh giác, lời nói, việc làm còn nhiều vọng ngữ nhưng bên ngoài, về mặt hình thức, họ đã rải những hạt mầm của cái tốt, họ muốn gieo trồng và muốn làm một người thiện, vì mong muốn hướng thiện nên người ta mới đi Chùa, mới tụng Kinh niệm Phật, nhưng đôi khi cái nghiệp họ còn nặng nên họ chưa thoát được tham sân si, và họ vẫn còn phải đi trong vô ngã đó, nhưng ít ra, khi đến Chùa, đọc Kinh, niệm Phật thì mười phần, họ cũng thu nhận được hai phần phước hạnh.
Trong lao động, công việc hàng ngày cũng vậy, cơ quan công sở cũng lấy “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, và ai cũng đăng ký để làm theo, học theo để muốn hướng cho mọi người đến việc làm, hành động, tư tưởng tốt nhất, dù cũng có người làm tốt, người chưa tốt nhưng ai cũng phải đăng ký để thực hành, để rèn luyện bản thân mình, hôm nay chưa tốt thì ngày mai tốt hơn, không thể vì một vài việc làm chưa tốt mà chúng ta quơ đũa cả nắm để phán xét rằng: “Những người đăng ký học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn sai phạm, hơn thua, toan tính hơn cả những người không đăng ký”.
Chính vì trong mỗi con người luôn tồn tại cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác nên luôn cần có một hệ tư tưởng để định hướng cho chúng ta đi đúng đường, đúng lối, để con người sống có đạo đức, có phẩm hạnh, có trí tuệ và biết phân định, lên tiếng trước cái đúng cái sai, việc lành việc dữ. Dù là hệ tư tưởng của Phật giáo, Công giáo hay tư tưởng Hồ Chí Minh thì đều hướng đến mục tiêu chung là rèn luyện, giáo dục và giúp con người ta hình thành chuẩn mực đạo đức, nhân cách và hướng thiện.
Rồi cũng có không ít người quan niệm: “Sư, Thầy, những nhà Triết gia thuyết giảng toàn là những lời sáo rỗng, giáo điều, nói những điều mà bản thân đôi khi không làm được, vậy mà bày đặt đi rao giảng cho người khác”. Thật ra, chúng ta nghĩ vậy có nên không? Và có đúng như vậy hay không?
Trong lời nói và hành động hàng ngày, chỉ có hai phạm trù “Đúng hoặc sai”. Thay vì nhận định ở góc độ lưng chừng “nói đúng mà làm không được”, thay vì mình mỉa mai, cười khẩy khi nghe Sư Thầy, nghe những nhà hiền Triết thuyết giảng thì trước tiên, mình hãy suy nghĩ xem, người ta nói có đúng hay không, điều đó có cần thiết hay không? Trong đời chúng ta, ít nhất một lần chúng ta cũng từng là một nhà rao giảng những lời hay ý đẹp, những lời khuyên như một triết gia để vực dậy tinh thần cho ai đó, vậy thì lúc đó chúng ta có nghĩ rằng: “Tôi chưa làm được nên thôi, tôi không cần khuyên người khác” hay lúc đó chúng ta vẫn dốc lòng mình, khuyên người khác ráng vượt qua, ráng mạnh mẽ, ráng sống cho tốt khi thấy họ đang ngụp lặn trong bế tắc, họ sắp chết đuối trong những đau đớn, khốn cùng?
Từ đó để cho chúng ta thấy rằng, mọi lời thuyết luận, thuyết pháp đều là những lời xuất phát từ cái tâm tốt, là một việc làm tốt, chúng ta mai mỉa, nhìn thấy cái xấu vì trong tâm chúng ta còn sự tham chấp, chúng ta thường nhìn thấy cái tiêu cực mà ít khi nghĩ đến cái tích cực từ người khác. Thay vì nghĩ người ta sáo rỗng, tại sao chúng ta không nghĩ rằng, người ta thuyết giảng cho chúng ta điều tốt tức là người ta đã mang cái lòng tốt, lòng lương thiện đến cho chúng ta, mong muốn chúng ta sống lạc quan, hạnh phúc? Và nếu chúng ta tự thấy mình đã đủ lạc quan, đủ hạnh phúc, đủ an lạc để không cần phải nghe những lời “sáo rỗng” đó thì chúng ta cứ tĩnh tâm, bình yên tận hưởng những may mắn mà chúng ta đã có chứ chúng ta không nên dùng ngôn từ mỉa mai, đả kích những ai đang mang tâm nguyện tốt đến cho người khác, những ai đang mong muốn tìm đến con đường an lạc, bình yên khi họ chưa đủ may mắn như mình.
Con người là một thực thể với nhiều cảm xúc, cảm xúc sẽ thay đổi theo từng hoàn cảnh, theo tình hình sức khỏe, có thể hôm nay người ta hiền lành dễ chịu, ngày mai người ta lại bực bội cau có, hôm nay người ta hung dữ nhưng ngày mai người ta lại lương thiện. Đôi khi bản thân người thuyết giảng chưa hẳn làm hết được những điều lý tưởng như những gì họ nói, Thầy tu hành đôi khi cũng không nén được cảm giác khó chịu, người Triết gia có lúc cũng không vượt qua được áp lực cuộc sống cá nhân nhưng họ vẫn mang những điều tích cực, những giá trị an yên đến cho người khác thì họ đâu đáng để bị mỉa mai, cười nhạo? Khi họ thuyết giảng điều đạo hạnh, lý tưởng sống để chúng ta làm được điều thiện lành, tinh thần chúng ta an yên là chúng ta đang nhận cái tốt cho mình, lẽ ra chúng ta cần cảm ơn những ai tiếp cho chúng ta ngọn lửa, mang đến cho chúng ta dòng nước mát tưới tẩm thân tâm vốn nhàu nhĩ, lạc lõng, rối bù mà đôi khi mình mất phương hướng, không gượng dậy nổi, nếu không có những lời chỉ lối dẫn đường, có thể chúng ta sẽ rơi vào sự u mê. Chúng ta đừng yêu cầu người khác phải làm được 100 điều thiện lành mới được quyền chia sẻ, thuyết giảng cho chúng ta 100 điều đó, người ta có làm được hết những điều thiện mỹ đó không là sự vận động thân tâm của họ nhưng họ có lòng chia sẻ cái tốt, cái tích cực đến với mình thì đó là công đức đáng quý của họ rồi.
Một người sát sanh, giết mổ heo gà nhưng người đó khuyên chúng ta: “Con ơi, đừng giết mổ, đừng sát sanh vì sát sanh nghiệp nặng lắm”. Thế thì chúng ta có nên mỉa mai, phê phán họ: “ông/bà này sát sanh mà đi khuyên người ta đừng sát sanh, ông/bà này là loại nối dối, làm không được mà đi khuyên người khác” Liệu chúng ta có nên nói như vậy hay không?
Có thể người ta sát sinh vì đó là cái nghiệp của người ta kiếp trước nhưng người ta không muốn người khác sát sinh vì người ta biết cái đó là cái ác, vậy thì chúng ta phải cảm ơn, phải quý trọng cái tâm của người đó muốn hướng điều thiện cho mình, không muốn mình gặp nhân quả xấu thay vì mỉa mai đả kích họ, suy cho cùng, họ vẫn hơn những người đã sát sanh và muốn người khác phải sát sanh cùng, làm ác muốn người khác làm ác cùng, rơi xuống vực, muốn người khác rơi cùng với họ.
Rồi thì “Đi tu nhưng gặp chuyện gì không vừa ý là nói, đi Chùa nhưng cái tâm không tịnh”. Vậy thì đi tu, đi Chùa, gặp chuyện không vừa ý có nên nói hay không?
Thật ra, nhiều người thường đánh đồng khái niệm “Chuyện không vừa ý và những hành động sai trái, tội ác”. Đi tu, đi Chùa là để giữ cho lòng an tịnh, chuyển hóa được cảm xúc tiêu cực thành tích cực, buông bỏ những gì không nên chấp nhặt, biết xa rời những đố kỵ, ghen ghét hơn thua, biết thực hành theo ngôi Tam Bảo, những chuyện không vừa ý nếu nó chỉ xuất phát từ cảm xúc, thói quen, hành động không nguy hại thì người tu tập cần thiết bỏ qua, bỏ qua để tâm mình không nặng, lòng mình không mệt, người tu tập không nói chuyện đời tư người khác, không đem khuyết điểm thân thể người khác ra để bàn tán, không bè phái để nói xấu người này, tâng bốc người nọ, chuyện có nói không, chuyện không nói có, nhưng nếu đi tu, đi Chùa mà gặp cái xấu, cái ác ảnh hưởng đến đạo đức xã hội mà người Phật tử cũng bỏ qua, không có chính kiến thì cái đó không còn gọi là từ bi nữa mà là “bàng quan, vô cảm”. Người ta có câu: “từ bi với cái ác là ác với những người lương thiện”. Người đi tu, đi Chùa, nghe thuyết pháp là để vun bồi “Tâm, Trí, Đức” chứ đi tu, đi Chùa không phải để làm một người sống hời hợt, vô cảm, bàng quan trước thời cuộc, nếu người tốt cũng như kẻ xấu, cái đúng cũng như cái sai, tâm lý sợ người ta đánh giá “Học Phật mà hay nói” nên chỉ thu mình im lặng trước mọi hoàn cảnh, khi đó bản thân người học Phật sẽ không vận dụng được giáo pháp để bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu thì đó không còn là từ bi nữa!
Cho nên, khi theo giáo lý nhà Phật, bản thân mỗi người chúng ta phải biết phân định rõ khái niệm “Từ bi” để không nhầm lẫn giữa bàng quan, vô cảm hay mù quáng. “Từ bi một cách trí tuệ chứ không từ bi một cách vô minh”, từ bi thôi chưa đủ, phải cần có trí tuệ dẫn dắt, đạo Phật không đào tạo con người ta trở thành một con ốc tìm sự an toàn trong chiếc vỏ, không đào tạo người Phật tử trở thành máy móc, vô dụng mà đào tạo người ta thành những điểm sáng biết giúp đời, giúp người. Từ bi ở đây, không có nghĩa cam chịu trước mọi tình huống mà từ bi là biết dành cái tâm của mình để thương và giúp những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình, biết bố thí và chia sẻ những gì mình có để giúp người hoạn nạn, cho người ta những lời khuyên tinh thần để họ vượt qua được nghịch cảnh. Khi chúng ta mang cái tâm từ bi, chúng ta không dành phần hơn về mình và đẩy phần thiệt thòi về cho người khác, đó gọi là từ bi.
Ngày nay, những Phật tử theo Đạo vẫn làm việc ở nhiều nơi, ở mỗi nơi là một môi trường thu nhỏ với nhiều câu chuyện, nhiều diễn biến, sẽ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày khiến người ta cảm thấy ức chế và bức xúc. Tùy vào môi trường, tùy hoàn cảnh và tùy vào mỗi người mà người ta sẽ có cách đối xử khác nhau. Đôi khi, những bức xúc hoặc ý kiến nào đó của người Phật tử ở nơi công sở không hẳn vì tâm chưa tịnh mà vì một lý do nào đó buộc người ta phải lên tiếng, phải đấu tranh nhưng cái quan trọng là khi bước ra khỏi môi trường áp lực đó, lòng họ vẫn mong mỏi và hướng đến cái thiện, tâm họ vẫn mong tìm sự bình an, sâu bên trong nội tâm, cái tốt vẫn được tưới tẩm, vẫn cố vượt qua những trận đào xới khốc liệt của cuộc sống để bén một cội rễ thiện lành, vậy thì chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực của người đó, hiểu được ngọn nguồn về những hành động của họ là từ tác nhân nào để không nhận xét, đánh giá một chiều, phiến diện.
Đôi lúc, người ta vẫn lập trình và áp đặt người tu hành, người Phật tử phải giữ sự tịnh tâm theo lối suy nghĩ “Ai nói gì cũng phải im lặng bỏ qua, không phản ứng, không nên lý lẽ đúng sai, như vậy mới gọi là người tu hành, người Phật tử”, "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" là một câu triết lý rất hay nhưng chúng ta phải hiểu đúng và vận dụng đúng thì câu nói mới có ý nghĩa.
Im lặng vốn được xem là vàng, nhưng im lặng đúng hoàn cảnh mới là vàng còn im lặng không đúng hoàn cảnh, đôi khi lại là tội ác. Ở bất kỳ nơi nào cũng có sự đấu tranh vì đấu tranh là một trong những nguyên lý của sự phát triển nhưng tùy mỗi nơi mà sự đấu tranh đó sẽ có những phương pháp, hình thức khác nhau thôi!
“Một kẻ ác phạm tội giết người bằng hành vi man rợ” nếu một người im lặng, nhiều người im lặng không lên tiếng chống lại cái ác thì cái ác sẽ được đà sinh sôi nảy nở, cái ác sẽ rộng đường để phát triển bởi không gặp phải sự đối kháng, ngăn chặn nào. Một gã đàn ông đã có gia đình lại dùng lời cợt nhã để mồi chài người người khác nhằm thực hiện ý đồ ngoại tình, nếu im lặng nghĩa là thông đồng, là tạo điều kiện cho người xấu tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại. Như vậy sự im lặng đó có còn là vàng nữa không? Có tốt hay không? Có nên vận dụng câu nói “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” ở trường hợp này hay không? Chắc chắn là không!
Thế nên mặc định người tu hành là không nên lên tiếng bất luận điều gì mà chỉ nên Thiền tâm, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, tâm cũng phải bình yên phẳng lặng, thế nhưng phẳng lặng đến mức thản nhiên trước mọi diễn biến xã hội, đạo đức nhân loại là một hệ suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, một sự áp đặt vô lý và cứng nhắc bởi người tu hành, theo Chánh pháp càng phải là người tinh tấn, càng phải quán chiếu được sự "Tỉnh, Thức" trong muôn nghìn vọng tưởng, biết phân định rõ đúng sai, biết dùng “trí, dũng” để chuyển hóa và thuần phục người xấu, việc xấu. Để làm được điều đó, người học Phật pháp phải sáng suốt, bản lĩnh, bản lĩnh từ trong sự tĩnh lặng, nguyên tắc trong từ bi và đấu tranh bằng trí tuệ. Phẩm hạnh, đạo đức được xây dựng trên nền tảng Phật pháp không lệ thuộc vào quy định bắt buộc khiên cưỡng mà nó sinh ra từ ý thức chánh niệm, nhìn thấu rõ từ nội tâm. Hiểu được những điều này, người theo chánh pháp sẽ không còn lo sợ những tạp niệm bên ngoài, không bị chi phối bởi những gièm pha để mỗi lời nói, hành động đều thông suốt, từ đó bản thân không trở nên vô dụng và việc tu tập không còn là giáo điều, sáo rỗng mà người tu hành đã mang được “Đạo” vào “Đời” một cách thiết thực nhất.
Vì có những định kiến chưa đúng, vì sự chênh chao, nghiêng ngã và chưa đủ vững tâm trước những lời thị phi, mai mỉa từ nhiều thành tố xung quanh nên nhiều người không dám đi theo con đường tu tập, không dám đến Chùa, không dám quy y, không dám có những chính kiến đúng sai vì sợ rằng đến Chùa, tụng kinh niệm Phật sẽ bị người ta nói là “làm màu, giả tạo” và thế là cơ hội để được tiếp cận với những giáo lý tốt đẹp, thuần mỹ trong đời sống tinh thần, khai thị những điểm sáng nội tại sẽ bị mất đi, trong khi đó là sức mạnh, là cội rễ để giúp chúng ta có đủ niềm tin, đủ trí huệ để cảm nhận những biến chuyển, thay đổi thân tâm, mang lại cuộc sống thường minh, an lạc, nếu vì những gợn sóng nhỏ mà bỏ đi con đường quang minh rộng lớn thì đó là điều vô cùng đáng tiếc.
Ngày nay, việc đi Chùa, tu tập và hướng đạo, chọn cho mình con đường quy y, trở thành Phật tử để đến gần với bước chân của Phật không chỉ giới hạn ở người lớn tuổi mà đã tiếp cận, khai thông rộng rãi ở nhiều lứa tuổi, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều bạn trẻ độ tuổi Gen Z, những bạn sinh năm 2000 trở về sau, những em thiếu nhi…họ đều hoan hỷ, đều đặn đến tham gia những hoạt động, những khóa tu ở các Tu Viện, Chùa Chiền, họ ăn chay trường và hướng đến đời sống lành mạnh bằng những nghi thức sinh hoạt của nhà Phật, điều đó cho thấy rằng, giáo lý nhà Phật là con đường mang đến cho người ta sự an bình, thông tuệ, vì thế mà đạo Phật ngày càng trở nên phổ biến đến nhiều lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ và họ đến với Phật pháp bằng một sinh khí của sự hiện đại, năng động nhưng cũng đầy an lạc và hạnh phúc.
Phật pháp không giới hạn bởi không gian và thời gian, con đường đến với Phật là con đường duy nhất chỉ mang đến phước hạnh, yên bình chứ không làm cho con người ta phải trầy xước, đau khổ bởi những vết thương, rủi ro và nguy hiểm như những con đường khác. Thế nên dù chúng ta là ai, chúng ta có theo Phật giáo hay không thì chúng ta cũng hãy mở lòng hoan hỷ với những người chọn cho mình con đường tìm đến Phật, bởi đó là con đường để người ta có thể quán chiếu bản thân, hướng thiện và trở thành người lành. Hôm nay chúng ta chưa cần đến một ngôi Chùa, chưa cần ngồi trước Phật nhưng có thể ngày mai, ngày mai nữa, chúng ta lại thấy nơi này là nơi mà chúng ta cần đến bởi muôn nghìn năm sau nữa, con đường đến với đất Phật vẫn là con đường thiện lành, là mảnh đất bình yên, sẵn sàng gột rửa thân tâm cho chúng ta, sẵn sàng chữa lành mọi vết thương và nâng đỡ chúng ta đứng dậy khi bị cuộc đời xô ngã.
Ngôi nhà của Phật là nơi an yên mà ai cũng có lúc muốn trở về!
Phật tử Võ Đào Phương Trâm
Pháp danh An Tường Anh