Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ba cõi do Tâm, muôn pháp do Thức.

21/05/202220:13(Xem: 4288)
Ba cõi do Tâm, muôn pháp do Thức.

HT. Thich Tri Nghiem

thap on tri nghiem (12)
Đệ tử Nguyên Tạng về thăm Bảo Tháp Ôn Trí Nghiêm tại Nha Trang, Khánh Hòa (tháng 5/2022)



Ba cõi do Tâm, muôn pháp do Thức.

Con kính dâng Thầy bài viết tri ân HT Thích Trí Nghiêm đã dịch Kinh Lời Vàng từ năm 1962. Thắm thoát gần 60 năm rồi mà bây giờ con mới được chiêm nghiệm thấm sâu từng câu trong các bộ kinh lớn, vĩ đại này. Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu HT Thích Trí Nghiêm, một đại dịch giả, bậc thượng nhân trong thế kỷ hiện đại này


Những ai đã học về chữ Tâm (một đề tài quan trọng nhất trong giáo lý của Đức Phật) đều đã được nghe qua câu này,
Hoặc những ai đã học Tổ Sư Thiền đều nhớ lời dạy của Thiền Sư Mã Tổ; “ Mỗi người phải tin Tâm mình là Phật. Tâm này chính là Tâm Phật”
Hoặc trong Luận Trí Độ ta cũng được học rằng:

Trong cảnh chiêm bao, thật không có việc lành mà cho là lành, việc không đáng giận dữ mà giận dữ nổi lên, việc không đáng sợ mà run sợ. Chúng sanh ở trong ba cõi cũng như thế ấy. Vì cái mê vô minh nó còn ngủ trong lòng, cho nên chẳng đáng sân mà sân, chẳng đáng buồn mà buồn.
Phải biết rằng ngoài tâm chẳng có cảnh chi sai khác, chỉ có chút mê tĩnh mà vọng thấy nhiễm cảnh mà thôi. Cho đến ngoài tâm không có tướng địa ngục, khi mà ác nghiệp thành tựu thời mới thấy có chịu khổ vậy thôi” . 

Hoặc có lẽ được trích trong phẩm Thập Địa, thuộc Kinh Hoa Nghiêm từ “Tất cả ba cõi duy chỉ NHẤT TÂM”.
Và cuối cùng chúng ta cũng đọc trong Kinh Đại Pháp Cú Đà La Ni;
Đức Phật hỏi ngài Văn Thù rằng:
—-Nầy Văn Thù Sư Lợi! Địa ngục do tự mình phân biệt mà có hay tự nhiên mà sanh ra?
Ngài Văn Thù đáp: Bạch Thế Tôn! Địa ngục mà có là do nương theo sự luống dối phân biệt của kẻ phàm phu; súc sanh hay ngạ quỉ cũng thế. Chớ như trước mắt tôi đâu có địa ngục và khổ. Ví như có người chiêm bao thấy mình bị đọa địa ngục, thân đang chịu khổ trong chảo nước sôi, buồn rầu rất đỗi, hãi sợ la to rằng: " khổ thay". Bấy giờ người nhà chẳng hiểu vì việc chi mà người ấy la khổ.
Trong một bài pháp thoại khác Phật dạy “Chỉ cần thanh lọc tâm mình cho thật thanh tịnh thì đó chính là con đường đến Niết Bàn gần nhất”.
 
Kính thưa các đạo hữu…
Do một nhân duyên lớn khi học kinh Lời Vàng (tác giả Dương Tú Hạc, Dịch giả HT Thích Trí Nghiêm) trong Phần 3 nói về Muôn vật sinh khởi , người viết kính xin trích đoạn những lời dạy của Đức Phật về cái Tâm này đã được Ngài dạy cho quý Tỳ kheo thời bấy giờ trong Tam tạng kinh điển như sau:
—Tâm lấy địa ngục, lấy ngạ quỉ, tâm lấy súc sanh, và tâm lấy trời, người. Hễ có các hình mạo đều do tâm gây nên. Ai có thể uốn dẹp được tâm, kẻ ấy rất nhiều sức mạnh.
Ta đã phấn đấu với tâm, nhiều kiếp đến vô số, nay mới thành Phật, chỉ một mình ta ra khỏi ba cõi.
Kinh Ngã Khổ Chương Cú
—Trong Phật pháp của Ta lấy tâm làm chủ, tất cả các pháp đều do tâm sanh.
Kinh Tâm Địa Quán
 
Đối tất cả pháp, tâm là kẻ dẫn đường; nếu biết được tâm là đều biết các pháp. Các món thế pháp đều do tâm tạo.
Kinh Bát Nhã
 
 —Tâm, như kẻ họa sĩ, có thể họa các thế gian, năm món uẩn đều sanh. Nếu người tâm hành thời khắp biết tạo các thế gian, người ấy sẽ thấy Phật, vì hiểu rõ Phật chớn thật tính vậy. Tại sao thế? Vì tâm, Phật và chúng sanh ba pháp ấy không sai khác. Nếu ai muốn biết rõ các đức Phật ba đời nên quan sát pháp giới tánh, tất cả chỉ tâm tạo.
Kinh Hoa Nghiêm
—Tâm sanh diệt ấy, là vì nương Như Lai tạng nên có tâm sanh diệt; có chỗ nói: bất sanh bất diệt hòa hiệp với sanh diệt, chẳng phải một, chẳng phải khác, gọi đó là thức A lại da. Thức này có hai nghĩa hay thu nhạn tất cả các pháp, và hay sanh ra tất cả các pháp. Nhưng hai nghĩa gì? Một là nghĩa giác, hai là nghĩa bất giác. Nghĩa giác, nghĩa là bản thể của tâm xa lìa tưởng niệm; xa lìa tưởng niệm ấy, là như cõi hư không, không chỗ nào chẳng khắp, pháp giới nhất tướng tức là Như Lai bình đẳng pháp thân vậy. Còn nghĩa bất giác ấy, là vì chẳng như thật trí chơn như pháp nhất, nên sanh khởi tâm bất giác mà có ra niệm; niệm ấy không có tư tưởng, vì chẳng lìa bản giác; giống như người mê đương vì nương theo phương hướng nên mới có mê, nếu lìa phương hướng thời không có mê. Chúng sanh cũng thế, nương nơi "giác" nên mới có "mê", nêu lìa giác tính thời không có bất giác. Vì có tâm bất giác vọng tưởng, nên mới hay biết danh nghĩa, gọi là chơn giác. Nếu lìa tâm bất giác thời không có tư tưởng của chơn giác mà khá nói.
Luận Đại Thừa Khởi Tín
—-Rõ thấu ba cõi do tâm, 12 pháp nhơn duyên cũng như thế. Sanh tử đều do tâm gây nên, nếu dứt được tâm thời sanh tử liền hết.
Kinh Hoa Nghiêm
 
—Nước biển gió động, sóng mòi không dừng nghỉ; khi gió cảnh thổi đến, sóng thức liền sanh ngay. Như nước biển đổi gió, như đất không sai khác, vật ngăn che có khác, tạng thức cũng như thế. Nội tâm hiện cảnh giới, lại duyên lấy nội tâm.
Kinh Mật Nghiêm
 
—-Trên núi Tuyết sơn có con ác thú, mỗi khi nó thấy trâu thì hiện hình trâu mà hại trâu ăn thịt, hay thấy ngựa dê cũng thế. Những kẻ tà đạo cũng vậy, họ đối với thức A lại da sanh lòng chấp "ta" nương theo chỗ chấp đắm của mỗi người đều có sai khác.
Kẻ tà đạo chẳng biết đạo lý duy thức, rồi sanh ra chấp cái "ta", rồi gắng gượng phân biệt cho là có ta, hoặc cho không ta; hoặc cho là một cái ta, hay là nhiều cái ta. Còn những người tu quán hạnh đối với "thức" thanh trừ chấp ta. Hành giả tự tu tập và khuyên người khác cũng tu tập.
Kinh Mật Nghiêm
 
Cũng như trong Kinh Bát Nhã có đoạn:
 —-Ngài Thiện Hiện hỏi đức Phật rằng: Phật trước có nói: như chiêm bao, như hình tượng, như tiếng vang, như ánh sáng, như ánh nắng, như huyển thuật, như đô thành tầm hương, (giả hiện chẳng thiệt) như việc biến hóa. Những các pháp ấy không có thật sự, vì nó đều lấy vô tính làm tự tính. Nhưng làm sao lại được thành các pháp sai khác: nào là lành dữ, nào là hữu lậu vô lậu, nào là thế gian, xuất thế gian, nào la hữu vi vô vi?
Đức Phật đáp rằng: Này Thiện Hiện! Chúng sanh trong thế gian, chẳng biết như chiêm bao, như hình tượng, như tiếng vang, như ánh sáng, như ánh nắng, nó cũng chẳng biết như trò huyển, như đô thành tầm hương, và chẳng biết như việc biến hóa. Cho nên mới điên đảo chấp đăm, rồi do thân, ngữ, ý gây ra những hành nghiệp lành, chẳng lành, phước, chẳng phước và nghiệp bất động; cho nên mới có sai khác, chớ kỳ thật không có sai khác.
Đặc biệt trong chương nói về chúng sanh ta sẽ rất thích thú khi khám phá về Tâm của con người qua các kinh điển như sau:
——Các vị Bồ tát có đức tin tưởng phi thường: tin các pháp do nhơn duyên hòa hiệp mà sanh; tin không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng kẻ trường thọ; tin không có kẻ tạo tác, kẻ lãnh lấy; tin không có cái ta và những vật bị có của cái ta. Với thế gian chẳng sợ hãi, chăm tu tinh tiến chỉ mong cầu thấu rõ cái tâm.
Tâm là thế nào? Tham dục, sân nhuế, ngu si chăng? Hay hiện tại, quá khứ, vị lai chăng? Xét ra vị lai chưa đến, quá khứ đã khứ đã qua mất rồi, hiện tại chuyển biến luôn chẳng đứng yên.
Tâm này chẳng ở trong, chẳng ở ngoài và cũng chẳng ở chặn giữa. Nó không sắc không hình cho đến không thể thấy nghe được; nó chỉ là nương nhơn duyên điên đảo và vọng tưởng mà sanh ra các tướng sai biệt ấy thôi.
Nầy Thiên nam tử! Vọng tâm ấy như trò huyển, do nhớ tưởng phân biệt mà sanh khởi các món nghiệp nhơn; nó cũng giống như dòng nước chảy, sanh diệt chẳng chút ngừng; như lửa trên đèn có các duyên hòa hiệp mới phát hiện; như điện khí một sát na cũng chẳng dừng; như hư không chỉ vì bị khách trần phiền não làm ngăn ngại; như con vượn chuyền nhảy mọi cảnh giới; như họa sĩ tự do vẽ vời mà không nhất định; như kẻ oan gia gây mọi điều khổ não; như con voi cuồng phá hoại tất cả căn lành. Nó còn như cá tham mồi nuốt câu; với nguy mà tưởng là an; như trong cảnh chiêm bảo, với trong cảnh không "ta" mà sanh lòng tưởng có cái ta; như con ruồi xanh, với món nhơ nhớp mà cho là thơm ngon. 
Kinh Bảo Vũ
—-Bồ tát ngoài việc giác ngộ tự tâm thì chẳng còn ngộ gì nữa. Tại sao thế? Vì giác ngộ tự tâm tức là đã giác ngộ tâm của tất cả chúng sanh vậy. Nếu tâm mình được thanh tịnh thì tất cả tâm của chúng sanh cũng đều được thanh tịnh; vì thể tánh của tâm mình tức là thể tánh của tâm tất cả chúng sanh vậy. Cho nên tự tâm mình xa lìa nhơ bẩn: tham, sân, si thời tâm của tất cả chúng sanh cũng đều được xa lìa nhơ bẩn: tham, sân, si vậy. Được như thế mới gọi là kẻ nhất thế trí giác. 
Kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn
 
Thật ra Tâm và Tâm sở của chúng sanh….bản tính vắng lặng, chẳng thấy nghe gì được cả.
Tâm như trò huyển, do chúng sanh so đo chấp trước nên khởi ra vọng tưởng mà chịu mọi nỗi khổ vui.
Công dụng của tâm như nước chảy, sanh diệt từng niệm một mà chẳng chút dừng. Tâm như gió mạnh trong một giây lát rất ngắn, hoa khắp mọi nơi. Nó cũng như đèn đuốc khi các duyên hòa hợp thời phát ra công dụng; như chớp sáng diện khí, chẳng đúng giây lát; nó xáu láu như con khỉ đột chuyền trên cây ngũ dục. Lại cái tâm khéo léo như chàng họa sĩ, vẽ đủ màu sắc, đủ hình tượng. Và ngược lại nó vụng về mộc mạc như những kẻ đầy tớ, bị bọn phiền não sai sử như chong chóng. Rồi nó cũng hung dữ như kẻ giặc cướp mà cướp hết các của công đức. Nó nhơ nhớp như bầy heo nái, ưa ăn các thứ tạp uế thậm tệ; và nó say đăm cũng như bầy ong mật trít trát trên những đóa hoa có khí vị.
Nhưng bản tính nó vẫn là phi khứ phi lai, nó giống như hư không chẳng hạn. Và bản tánh nó tuyệt nhiên không có những tướng sai biệt như: lớn nhỏ, khổ, vui hay là thượng, trung, hạ gì cả. Nhưng nó là thường trụ bất biến rất là thù thắng vậy. 
Kinh Tâm Địa Quán
 
—-Tâm trôi theo cảnh giới, như đá nam châm hút sắt vậy. 
Kinh Lăng Nghiêm
Lời kết:
Trong phạm vi tán dương Kinh Lời Vàng từ lâu xa đến nay (1962-2022) gần 60 năm từ khi HT Thích Trí Nghiêm Việt dịch, người viết thật tâm đắc khi học được những trích đoạn từ các kinh Đại thừa lớn như Kinh Đại Niết Bàn, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Tâm Địa Quán, kinh Lăng Già và kinh Duy Ma để từ đó chiêm nghiệm thêm về cái Tâm Phật của mình hay Phật Tánh như sau:
—-Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được tâm Đại trí, cho nên Ta nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. 
Kinh Niết Bàn
—-Tâm mà xa lìa được những đục vẩn, thời ta nói tâm ấy là Phật đó. 
Kinh Nhập Lăng Già
 
—-Ta thấy chúng sanh đều ở trong cảnh phiền não tham dục, sân nhuế và ngu si v.v… đầy đủ Phật trí, Phật nhãn, Phật thân đồ sộ chẳng lay động. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy ở trong phiền não mà thường đâu có ô nhiễm Như Lai tạng, đức tướng đầy đủ như Ta không khác. Ví như Chơn kim sa vào trong bất tịnh, chìm ngấm chẳng nổi, trải qua nhiều năm chẳng ai hay biết mà chất chơn kim kia không hề hư hoại, duy người có thiên nhãn mới thấy biết nơi ấy có hòn chơn kim báu quý vô giá.
Chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh chứ chẳng phải từ nơi nào khác đem đến. Thí như có người trong chiếc áo đang mặc sẵn có viên ngọc như ý mà tự chẳng hay biết gì cả. Lại như bảo vật nă? sẵn trong kho tàng của mình mà chẳng tự biết để đến nổi phải bôn tẩu tìm cầu từng miếng ăn nuôi sống hằng ngày. 
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
—-Ngài Văn Thù Bồ tát thưa với đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, vì sao gọi là tâm địa? Xin Thế Tôn vì các chúng sanh diễn nói để: với kẻ chưa lìa khổ khiến lìa; chưa phát tâm Bồ đề khiến phát, và chưa chứng được quả Bồ đề khiến chứng.
Đức Phật khen: Văn Thù! Ngươi là mẹ đẻ trí huệ thật, vì muốn dắt dẫn những kẻ mới phát tâm Bồ đề mà hỏi nghĩa này, Ta sẽ vì chúng sanh mà nói: Tâm địa là Pháp rất thù thắng của mười phương Như Lai; là pháp đốn ngộ của tất cả phàm phu; là nơi điện ngọc để hưởng vui pháp lạc; là kho tàng bảo ngọc tặng vật lợi ích cho chúng sanh; là nguồn gốc sanh công đức của chư Phật. Và còn công năng tiêu trừ ác nghiệp cho tất cả chúng sanh; độ qua hiểm nạn sanh tử, làm im sóng mòi nơi biển khổ; làm cạn khô biển lão bệnh tử; đem đuốc đại trí soi sáng trên con đường dài sanh tử tối tăm. Mà nó cũng là pháp vô thượng, và ngọn cờ thù thắng nhất của chư Phật vậy; giống như bậc Đại thánh quốc vương tùy thời trị nước mới được đại thái bình an vui, tất nhiên kẻ nào trái lệnh là bị giết.
Ba cõi đều lấy tâm làm chủ. Kẻ nào hay quán sát tâm là có thể chứng được cứu cánh Niết bàn, mà chẳng quán được bị trầm luân khổ ải.
Tâm như chốn đại địa hay sanh trưởng ngũ cốc, nghĩa là hay sanh quả vị Bồ tát và Phật, cho nên gọi là tam giới duy tâm. Do đó nên gọi tâm là địa. Hễ ai gần gũi bạn lành nghe Pháp môn tâm địa, đúng như lý mà quán sát, đúng như pháp mà tu hành là có thể chứng được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác vậy. 
Kinh Tâm Địa Quán
—Đức Phật đã từng dạy đại chúng: Cảnh chẳng phải khổ mà cho là khổ, ngược lại cảnh khổ mà cho là vui. Lạc là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số một.
Trong vô thường mà cho là thường, ngược lại thường cho là vô thường. Thường là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số hai.
Trong chơn ngã mà cho là vô ngã, ngược lại trong vô ngã cho là ngã. Ngã là Phật tính mà kẻ nào hiểu trái lẽ là điên đảo số ba.
Trong bất tịnh mà cho là tịnh, ngược lại trong tịnh cho là bất tịnh. Tịnh cũng là Phật tính, vậy là điên đảo số bốn. 
Kinh Niết Bàn
—-Có một người mê, chỉ đông là tây, chỉ tây là đông, nam bắc cũng thế, người đời mê muội cũng giống như thế. Đời có ba hạng người: một cuồng, hai si, ba bị bệnh gió. Những người này, tay cầm chiếc gươm, ý muốn chém đông mà lại chém tây, muốn chém nam mà lại chém bắc.
Người bài báng chánh pháp cũng giống như vậy: cho chánh pháp là tà pháp, ngược lại cho tà pháp là chánh pháp; cho pháp thường trú là vô thường, mà cho pháp vô thường là thường trú; cho lạc pháp là khổ, mà cho khổ pháp là lạc; cho bất tịnh là tịnh, mà cho tịnh là bất tịnh. Cho bậy như thế là kẻ đã bị mất tánh bình thường. Cho nên ta dùng mọi phương tiện: với chỗ tối tăm soi ánh sáng rực rỡ; vì muốn đắt dẫn ra, nên mở thông cửa ngỏ; vì kẻ ngu si mở ánh sáng trí huệ; vì kẻ lạc đường, chỉ cho biết nẻo chánh đạo; vì muốn độ cho qua, ban cho cầu, thuyền.
Muốn khiến cho tất cả chúng sanh đem lòng từ bi mà đối đãi lẫn nhau, như cha mẹ anh em chị em vậy. 
Kinh Thập Trụ
Cuối cùng cái Tâm thanh tịnh uyên nguyên của chúng sanh có thể được tìm thấy trong những trích đoạn thật sâu sắc mà những kẻ sơ cơ như người viết khó mà nhận ra được để ghi vào tâm yếu cẩm nang mình.
Kính tán thán kinh Lời Vàng với tất cả sự trân quý chân thành nhất của người học Phật pháp.
 —-Tâm tánh của tất cả chúng sanh vốn thanh tịnh, các phiền não không thể làm ô uế được, in như hư không, không khi nào bị thứ gì làm nhơ bẩn. 
Kinh Đại Tập
 
—-Cái thanh tịnh của tâm tánh giống như mặt trăng nằm dưới đáy nước. 
Kinh Bảo Tích
—-Này Bảo Tích: "Vì Bồ tát muốn nhiêu ích chúng sanh nên mới nói tịnh pháp, vì nói tịnh pháp nên trí huệ tịnh, trí huệ tịnh nên tâm mới tịnh; vì tâm tịnh nên tất cả công đức được tịnh, vì công đức tịnh nên cõi nước mới được thanh tịnh vậy."
Cho nên muốn được cõi nước thanh tịnh, thời trước phải tịnh tâm; do tâm tịnh nên Phật độ cũng thanh tịnh theo.
Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất sanh lòng nghi thưa với Phật rằng:
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ tát tâm tịnh thời cõi Phật cũng tịnh như lời Thế Tôn vừa dạy.Thế thì khi Thế Tôn còn là địa vị Bồ tát tâm ý chẳng tịnh hay sao mà cõi Ta bà đây bất tịnh như thế này?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Kìa mặt trời mặt trăng có thanh tịnh sáng chói không? Mà sao những kẻ mù chẳng thấy; vậy thì lỗi do mặt trời trăng hay lỗi bởi kẻ mù?
Xá Lợi Phất thưa: Chẳng phải mặt trời trăng chẳng cho người thấy, mà lỗi do người mù không thể thấy được.
Phật kết: Thế thì cõi Ta bà này tuy là thanh tịnh mà bọn các ngươi chẳng thấy đó thôi, là vì con mắt trí tuệ của các ngươi chưa mở được. 
Kinh Duy Ma
 
Một khi đã nhận ra sự quan trọng của Tâm như thế nào, trộm nghĩ chúng ta mỗi người hãy tự cảm nhận chính mình, thân tâm mình đang từng giờ từng phút mách bảo cho mình biết cái gì làm mình hạnh phúc, cái gì làm mình đau khổ…. Xin lắng nghe tâm mình một cách sâu sắc, nó sẽ khơi nguồn trí tuệ và dẫn mình đến bến bờ hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ.
Vì sao vậy ?…Càng hiểu tâm mình chúng ta sẽ càng biết tin vào nó chứ không tin vào vô số những ảo tưởng đang dẫn mình đi vào con đường đau khổ lâu dài không lối thoát hiện nay (những ảo tưởng đó cũng ở trong tâm mình cả thôi, nó là một mặt khác của tâm: mặt vô minh, phiền não).
 
Vẫn thường nghe:
Ba cõi duy Tâm, muôn pháp duy Thức
Ngụ ý rằng:
Bao trùm vạn vật, nguồn gốc là Tâm
Kinh Di Giáo, Phật vẫn nhắc nhở rằng;
Khéo ngăn ngừa …Tâm đáng sợ hơn hết (1)
 
Gọi Duy Tâm cũng chính là gợi ý Duy Thức
Vì chỉ có A Lại Da mới thật mà thôi
Còn vạn pháp giả danh, mộng ảo …trong đời
Bồ tát mới biết rõ pháp tướng THIỆN, BẤT THIỆN.
 
Luôn khắc ghi thực hiện “Tuỳ duyên bất biến”
Do thắp sáng đèn trí tuệ trong tâm
Thông điệp Đức Thế Tôn siêu việt tỏa lan
Tâm bình, thế giới bình…vì Tâm là tất cả
 
Kính mời xem vài định nghĩa …diễn tả
Nào tâm hài hoà, minh tuệ, siêu nhiên(2)
Tâm bình an, vượt trở ngại …não phiền
Để có hạnh phúc ngay tại trần gian an lạc .
Nhưng mãi nhớ sơ tâm uyên nguyên…..
…đầu tiên đã khởi phát!!!!
 
Huệ Hương
 
——————-
(1)
Năm căn tâm làm chủ. Nên các ngươi phải khéo ngăn ngừa; tâm là đáng sợ hơn hết, sợ hơn rắn độc, ác thú, giặc cướp và lửa dữ.
Đức Phật dạy: Này các Tỳ kheo! Đã được an trụ giới pháp, phải ngăn ngừa năm căn, chớ cho buông lung vào nơi ngũ dục. Ví như người chăn trâu cầm gậy chăn giữ chẳng cho buông lung ăn hại mạ người; nếu thả năm căn chẳng những chỉ năm dục không bờ mé khôn ngăn. Cũng như ngựa dữ; chẳng dùng giây cương, nó sẽ lôi người sa vào hầm hố. Lại như bị cướp hại, khổ chỉ một đời, giặc hại năm căn, khổ lụy nhiều kiếp, bị hại rất nặng lẽ nào chẳng cẩn thận lắm thay. Vậy nên người trí ngăn mà chẳng theo, giữ như giữ giặc chẳng cho chạy rong. Nếu sẩy chạy rong trong chừng giây lát liền thấy tai hại. Trong năm căn này, tâm làm chủ, vậy nên các ngươi phải khéo chế phục. 
Kinh Di Giáo
(2) Tâm hài hoà, mỉm cười trước sóng gió cuộc đời
Tâm minh tuệ, ứng phó với những biến chuyển thời gian
Tâm siêu nhiên, đối mặt với SINH, LÃO,BỊNH, TỬ…
Tâm bình an vượt mọi khó khăn trong cuộc sống để có hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com