Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý niệm về Mẹ

10/04/201320:01(Xem: 5150)
Ý niệm về Mẹ
me-con
Làm người ai cũng có đấng sinh thành là Cha Mẹ. Đặc biệt nhân mùa Vu Lan báo hiếu này, tôi xin được nói về Mẹ như một bó hoa tưởng niệm Mẹ tôi đã qua đời tại Việt Nam ngày 1-3-1996. Khi đề cập đến Mẹ trong ngôn từ tiếng Việt, ta thử so sánh với nhiều ngôn ngữ khác nhau gọi Mẹ như thế nào và tìm xem có từ nào mà toàn thể các dân tộc trên thế giới nầy có tiếng gọi chung về Mẹ hay không? 
Mẹ trong văn hóa và tập tục của Đông Phương và Tây Phương như thế nào?
Mẹ trong kinh điển Phật Giáo, và phương pháp báo hiếu ra sao?

I. DANH TỪ MẸ

Tiếng Việt gọi Mẹ là người đàn bà đã sinh ra ta. Trong đó bao gồm ý nghĩa mười tháng cưu mang chịu không biết bao nhiêu điều cực nhọc cho đến ngày khai hoa nở nhụy và nuôi nấng dạy dỗ cho đến khi khôn lớn nên người. Những thâm ân đó chỉ khi nào chúng ta nuôi con mới biết được công ơn của Cha Mẹ. Như Đức Khổng Tử đã nói: “dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân” (Khi nuôi con mới biết được công ơn Cha Mẹ).

Danh từ Mẹ ấy, tiếng Tây Ban Nha gọi là Madre, tiếng Ý cũng gọi là Madre. Tiếng La Tinh là Mater. Tiếng Anh là Mother. Tiếng Đức là Mutter. Tiếng Pháp là La Mère. Tiếng Hy Lạp là Mitera. Tiếng Nga là Matb (Moma). Tiếng Iran là Modar, Tiếng Trung Hoa là Mouchan (Ma, Mu). Tiếng Ấn Độ là Mata, Tiếng Nhật là Okaasan. Tiếng Ả Rập là Waldetak.

Kể cả tiếng Việt, tất cả 14 ngôn ngữ vừa nêu trên hầu như là đại đa số các dân tộc trên thế giới ngày nay đang dùng những ngôn ngữ đó. Trừ tiếng Nhật và tiếng Ả Rập có âm vận riêng, còn mười hai ngôn ngữ còn lại âm vận na ná giống nhau và đều bắt đầu bằng mẫu tự “M”.

Có điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tất cả các dân tộc trên thế giới đều có ngôn ngữ riêng, thế nhưng khi nói danh từ Mama tất cả đều biết đó là Mẹ. Làm sao tôi có thể cả quyết được điều đó. Bởi vì chính tôi đã tiếp xúc trực tiếp với mấy chục người nói những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau nhưng khi hỏi danh từ Mẹ trong ngôn ngữ của họ tất cả đều gọi là Mama. Tôi chưa thỏa mãn. Vì tôi biết từ đó không phải là ngôn ngữ chính gốc của họ nên lần lượt họ mới cho biết từ chính gốc trong ngôn ngữ riêng biệt của mỗi dân tộc. Thế nhưng tại sao lại có một từ cộng thông như thế. Theo tôi nghĩ, đó là tiếng nói bập bẹ đầu tiên của đứa bé vừa mới tập nói mà ra, rồi thành ra tiếng nói phổ thông bất thành văn trong dân gian của mỗi dân tộc mà thành. Trừ danh từ Mama là Mẹ vừa nói, ngoài ra không có một từ nào có tính phổ thông như thế cả. Như vậy đủ chứng tỏ Mẹ là thiêng liêng cao cả không có người nào hoặc vật gì khác có thể sánh bằng Mẹ. Khi nghĩ về công sinh thành dưỡng dục đứa con mà nói, ngay cả Cha cũng không bằng Mẹ. Vì chỉ có thân thể người Mẹ mới có thể thai nghén và sinh con được mà thôi.

II. MẸ TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM


Mẹ là mười tháng cưu mang, ba năm bồng bế, sau đó là giáo dục cho con nên người hữu ích trong xã hội như Chinh Phụ Ngâm đã nói:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam

Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân

Hai câu thơ trên còn nói lên bổn phận, công lao của người Mẹ đối với con với chồng trong gia đình Việt Nam.
Cha Mẹ là chỗ dựa về tinh thần và là cây đa cổ thụ để con nương nhờ về vật chất:
Gió đưa cây cửu lý hương

Con xa cha mẹ thất thường bữa ăn

(không rõ tác giả)

Hoặc là:
Có Cha có Mẹ thì hơn

Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây

(Ca dao)

Hay là những câu thơ sau đây đã nói lên được một phần công ơn của người Mẹ. Trong thời kỳ đầu của sự thai nghén, người Mẹ phải chịu:
...
Sự buồn nôn của thời kỳ đầu thai nghén
Mặt mày xanh choáng váng lúc về chiều
Mắt tối sầm dù nắng đẹp trưa hè
Những thú vui không màng mơ tưởng đến
(thơ Như Tạng)
Khi bào thai trong thời kỳ phát triển trong cơ thể người Mẹ:
... 
Mỗi ngày con mỗi lớn
Da căng theo ngày tháng bước nặng dần 
Cữ kiêng từng hành động lẫn thức ăn
Đêm trằn trọc dáng nằm ngồi khó nhọc
(thơ Như Tạng)
Nỗi lo lắng và đau đớn của người Mẹ trong lúc sinh nở:
... 
Nỗi lo của người gần sinh nở

Những cơn đau quằn quại vỡ người

Kịp đến khi nghe con khóc chào đời

Hồn nhẹ nhõm cơn đau dường đứng lại

(thơ Như Tạng)

Công lao của người Mẹ nuôi con và lo giáo dục, lo tương lai cho con mình:

Và con sẽ lớn lên Người dạy bảo
Nuôi nấng, nâng niu, ấp ủ, dỗ dành

Vì tương lai, Mẹ lo lắng tảo tần ...

(thơ Như Tạng)

Biết bao nhiêu là thơ, nhạc, văn chương nói về Mẹ. Nào là ví lòng Mẹ như biển rộng bao la như trời cao không cùng tột... Bài nào nói về Mẹ cũng hay, cũng réo rắt, cảm động dễ đi vào lòng người. Bởi vì nói về Mẹ là nói về tình thương, mà tình thương là bắt đầu từ cõi lòng chân thật và sâu lắng nhất của tâm hồn mình. Do đó nói về Mẹ là nói về những gì mình có kinh nghiệm sống thực, những xúc động chân thành, những suối nguồn êm dịu trong lành mát mẻ nhất. Vì thế cho nên những bài thơ, nhạc... viết về Mẹ đều hay và cảm động.

Vì ân trọng đối với Mẹ như thế nên ngày xưa trong xã hội Việt Nam không được làm đám cưới hoặc người vợ không được có thai trong lúc thọ tang Cha Mẹ. Trong sách “Hải Dương Phong Vật Chí” của Trần Đạm Trai có ghi: “Cổ thời trọng đạo hiếu đến nỗi luật pháp cấm vợ có thai trong khi tang chế, đến đời Lê Thánh Tông mới bỏ lệ ấy, nhân vì có người tỉnh Hải Dương huyện Đường An xã Thời Cử tên là Nguyễn Kim An, thuở nhỏ hàn vi, thời Hồng Đức (1470-1497) làm lính chầu trong cung. Vua thấy có tài nên cho về đi học. 22 tuổi đỗ Hương Cống, rồi thi Hội thi Đình đỗ Bảng Nhãn (học vị của người thi đỗ thứ hai, sau Trạng Nguyên, trong khoa thi Đình). Được bổ làm quan ít lâu sau, về cư tang, giữ trọn ba năm đạo hiếu thì mất, không có con trai, vua cảm thương, từ đó bỏ lệ kia.”

“Các triều vua thường khuyến miễn thuần phong mỹ tục vẫn nhắc nhở đạo hiếu, như lệnh vua Lê Huyền Tông ra năm Cảnh Trị thứ ba (1665) cho tinh biểu những người có hiếu hạnh (cho biển vàng biểu dương hiếu hạnh, trong biển ghi tên tuổi quán chỉ người được khen thưởng và nói rõ duyên do có hiếu hạnh như thế nào) (Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính). Lệnh vua Hàm Nghi năm đầu (1884) ban thưởng biển son khắc bốn chữ vàng “Hiếu Hạnh Khả Phong” cho những người có tiếng hiếu hạnh (Đại Nam Điển Lệ)". (theo sách Đất Lề Quê Thói, của Nhất Thanh, 1992).

Những gương hiếu thảo ngày xưa nhiều khi đã phải hy sinh thân mình để cứu mạng Cha Mẹ. Trong sách “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” của Hoàng Trọng Miên có ghi trường hợp: “Lãnh Tạo, người làng Tuần Lễ tỉnh Nghệ An, chống đối triều Minh Mạng. Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng Trấn Nghệ An để dẹp Lãnh Tạo, bị Tạo lừa, ngang nhiên đem quân lính tới dinh trấn giả làm đi thanh tra; Lê Văn Duyệt dụ hàng, tâu vua cho làm quan, Tạo không chịu, chỉ ưng nhận vàng bạc rồi đi. Sau đó Lê Văn Duyệt sai lính bắt giữ mẹ và vợ của Tạo. Vì thương Mẹ mà Tạo phải ra hàng...”

Năm 1962, Thầy Nhất Hạnh cho ra đời tác phẩm Bông Hồng Cài Áo rất nổi tiếng và rất thành công trong mục đích cổ võ cho Ngày Mẹ nhằm ngày Vu Lan rằm tháng bảy Âm Lịch. Hiện nay ngày rằm tháng bảy đã nghiễm nhiên trở thành Ngày Mẹ của người Việt Nam. Trong ngày ấy hoa hồng được cài cho người có diễm phúc còn Mẹ và hoa trắng cho những người mà Mẹ đã qua đời.

Theo truyền thống Đông Phương thì Hiếu đứng đầu trăm hạnh lành như trong Nhị Thập Tứ Hiếu Diễn Âm của Lý Văn Phức có câu:

Chữ hiếu hạnh niệm tròn một tiết
Thời suy ra trăm nết đều nên

Người bất hiếu nghĩa là đối xử không tốt với đấng sinh thành của mình thì khi ra đời không còn ai tin tưởng được người ấy nữa. Do đó mà trăm sự trăm việc sẽ đổ vỡ, không thể thành công trên đường đời dù là việc nhỏ hay việc lớn.

III. MẸ TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

A. Tấm Gương Hiếu Hạnh của Đức Phật

Trong bài kinh Ba Mẹ hồi các đời trước (trong sách “Một Trăm Bài Kinh Phật” của Đoàn Trung Còn, không ghi năm xuất bản) có ghi tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật như sau:

Lúc ấy Phật ngự với Giáo Hội chư đại tỳ kheo tại xứ Ca-căn-ga-la (Kacangala). Trong cánh rừng ở gần đó, có bà già tên là Ca-căn-ga-lác (Kâcangalâ), bà xách một cái bình đến giếng mà múc nước.

Lúc ấy Đức Thế Tôn gọi A-Nan và bảo rằng: “Nầy A-Nan hãy đi nói với bà ấy rằng: Đức Thế Tôn khát nước, bà cho Ngài uống với.”

A-Nan nói với bà mấy lời ấy, bà đáp rằng:

“Để tôi đem đến cho Ngài.”

Bà đổ nước vào đầy bình mang đến trước mặt Phật. Bà thấy Phật rất trang nghiêm với 32 tướng chánh, 80 tướng phụ, một vòng hào quang sáng ngời. Bà vừa thấy Phật, tình Mẹ thương con nảy sinh nơi lòng bà, bà vội đưa tay lên ôm hôn Đức Phật vứa nói rằng: “Con tôi! Con tôi!” Mấy vị tỳ kheo muốn cản bà lại nhưng Đức Phật liền phán rằng: “Nầy chư tỳ kheo! Chớ cản bà ấy!”
Tại sao vậy?

Bởi vì trong năm trăm đời liên tiếp bà đã làm Mẹ ta:

Vì tình mẫu tử sâu xa
Nên bà chạy đến ôm ta hôn nhầu

Ai mà ngăn cản đón đầu

Thì bà tức giận máu hầu tuôn ra

Ta đây nhớ Mẹ buổi qua

Cám ơn nghĩa nặng vì ta bao đời

Từ bi, thương xót lấy người

Nên ta chịu để ôm vùi mà hôn

Liền sau đó Đức Thế Tôn thuyết pháp Tứ Diệu Đế để độ bà. Bà liền chứng quả Tu-Đà-Hườn và đọc bài kệ như sau:

Làm con mà biết báo đền
Tác thành việc khó, đáp tình mẫu thân

Thế Tôn giữ trọn hiếu phần

Giúp ta đổi tánh thoát trần dứt mê

Độ ta ra khỏi bến mê

Đường Tiên, đưởng Phật đưa về đúng nơi

Con ta chuyển sức ra tài

Đặng làm việc tốt, đáng đời kính khen

Sau đó bà xin phép xuất gia và nhập vào hàng tỳ kheo ni. Bà tinh tấn tu hành và chứng quả A-La-Hán.

B. Kinh Tâm Địa Quán

Kinh Tâm Địa Quán, phẩm báo ân, Đức Phật nhân tán thán 500 vị trưởng giả thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đa đến cúng dường Phật và đại chúng. Đức Phật giảng cho họ nghe về công ơn sinh thành của Mẹ như sau:

"... Mẹ hiền thương con, thật không biết lấy vật gì để so sánh cho cân xứng vậy. Từ khi vào thai, trải qua 10 tháng, những lúc Mẹ đi, đứng, ngồi, nằm chịu trăm điều khổ não mà miệng mẹ không thể nói ra. Muốn những đồ uống ăn hay áo mặc, dù có được cũng chẳng mừng, vì lòng lo lắng không hề dứt, chỉ lo nghĩ cho đứa con sắp sanh sao cho hoàn hảo là hơn thôi. Nếu khi đẻ khó thì như trăm ngàn mũi dao đồng thời đâm khắp toàn thân. Nếu khi sanh đẻ an lành, bà mẹ cùng các thân thuộc cùng chung vui sướng y như kẻ nghèo được châu báu. Sự đau khổ của Mẹ trong mười tháng do một tiếng khóc đầu tiên của con khi mới lọt lòng, mà nỗi khổ ấy Mẹ liền quên mất và vui sướng như nghe âm nhạc. Con lấy nơi bụng ngực của Mẹ làm chỗ ngủ, lấy hai cổ vế làm chỗ dạo chơi, và do nước giếng cam lồ nơi ngực Mẹ chảy ra mà nuôi lớn. Ôi ơn đức của Mẹ, núi cao biển sâu cũng chẳng sánh kịp. Nếu đứa con nào biết tùy thuận nghe theo những lời dạy bảo của từ mẫu mà không trái nghịch thì được chư thiên hộ niệm, phước đức vô cùng...”
(Kinh Tâm Địa Quán, H.T. Thích Tâm Châu dịch) (tham khảo sách Cho Trọn Hiếu Ân của T.T. Thích Bảo Lạc, 1991).


C. Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân

Nhân khi Đức Phật dẫn đại chúng đi hành đạo hướng về Phương Nam, giữa đường Đức Phật đến lạy trước một đống xương khô đã lâu đời chất to như quả núi. Đại chúng thấy vậy không rõ nguyên do, A-Nan liền bạch Phật xin dạy cho biết tại sao Đức Thế Tôn lại làm như thế. Phật chỉ rõ rằng đống xương đã chồng chất đó rất lâu đời về trước nên biết đâu trong đó có xương của cha, mẹ, vợ, con, anh, em ta nhiều đời trước. Vì lòng hiếu kính nên ta lạy đống xương như vậy. Đức Phật đã dạy bảo đại chúng rất nhiều về công ơn sinh thành của Cha Mẹ, đặc biệt mười điều chúng ta nên ghi nhớ như sau:

Thế Tôn lại bảo A-Nan:
Ơn Cha nghĩa Mẹ mười phần phải tin

Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo

Mười tháng trường châu đáo mọi bề

Thứ hai sanh đẻ gớm ghê

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần

Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng

Cực đến đâu bền vững chẳng lay

Thứ tư ăn đắng nuốt cay

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con

Điều thứ năm lại còn khi ngủ

Ưót Mẹ năm khô ráo phần con

Thứ sáu sú nước nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm gớm ghê

Điều thứ bảy không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng

Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo

Điều thứ chín miễn con sung sướng

Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam

Tính sao có lợi thì làm

Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm

Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt

Dành cho con các cuộc thanh nhàn

Thương con như ngọc như vàng...

(“Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân” - không rõ dịch giả)

Ngoài mười điều ân trọng ghi trên toàn bài kinh Đức Phật còn chỉ rất ràng rẽ từng ly từng tý một về công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ cho con nên người. Đọc toàn bài kinh được chuyển ngữ thành thơ song thất lục bát khiến tôi bùi ngùi xúc động đến rơi nước mắt nhiều lần khi nghĩ đến người Mẹ qua đời. Tôi thấy mình bất hạnh vì đã xa Cha Mẹ rất lâu năm, và bây giờ nhìn đóa hoa trắng trên áo tôi mới thấm dần thấm dần và hiểu nghĩa rất sâu sắc của tâm trạng kẻ mồ côi.
Đây! bầu trời đen tối đã phủ kín tâm hồn tôi! Tôi trở thành kẻ mồ côi Mẹ, đau đớn quá! Cho dù tôi đã bao nhiêu tuổi trên đầu!...

IV. PHƯƠNG PHÁP BÁO HIẾU

Tôi nghĩ ai có khát nước đến cùng cực khi gặp nước mới thấy nước uống quý giá vô vàn. Vấn đề báo hiếu cũng vậy. Ai đã mất Cha Mẹ mới thấy phương pháp báo hiếu của Đức Phật dạy là quý báu.

Lấy kinh nghiệm bản thân mà nói, khi Mẹ tôi còn tại thế tôi vẫn thường xem kinh sách, vẫn tin lời Đức Phật dạy, vẫn cầu nguyện cho bảy đời Cha Mẹ đã qua trong quá khứ siêu sanh về miền cực lạc của Đức Phật A Di Đà, như trong kinh Vu Lan đã dạy. Vẫn luôn luôn học về gương hiếu hạnh của Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên. Vẫn biết ngày Mother's Day của các nước Tây Phương. Và truyền thống báo hiếu của Đông Phương. Thế nhưng việc làm đã qua của tôi là do lý trí chủ đạo. 
Còn việc báo hiếu của tôi nhân mùa Vu Lan năm nay được thúc bách bởi một sự mất mát to lớn nhất trong đời tôi. Đồng thời nó bắt nguồn từ lòng thương Mẹ mà ra. Tôi muốn tìm một cái gì đó, một hành động nào đó để may ra lấp bớt được một khoảng trống trong tâm hồn.

Ngược dòng thời gian về thời điểm trước khi Mẹ tôi qua đời, tôi thường tìm hiểu xem những người không phải là Phật tử họ nghĩ gì về tôn giáo của mình, để có thêm kiến thức. Tôi cũng tìm hiểu những giáo lý của Đức Phật dạy được các học giả khác tôn giáo với mình và các nhà khoa học, triết gia Tây Phương có những nhận xét gì về Phật Giáo để củng cố thêm niềm tin của mình về phương pháp báo hiếu của Đức Phật dạy.

Trong đó có Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận là rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo có cả các vị Linh Mục đã áp dụng phương pháp thiền quán để tu tập, trau dồi thân tâm của họ.

Một học giả đạo Hồi đã nói: Đức Phật là của cả nhân loại (Buddha is for whole mankind. The Buddha is not property of Buddhists only. He is the property of whole mankind. His teaching is common to everybody. Every religion, which came into existence after the Buddha, has borrowed many good ideas from the Buddha).
Triết gia Bertrant Russell ca ngợi Phật Giáo có triết lý hành động vĩ đại nhất và lâu đời nhất...

Có thể nói khoa học gia nổi tiếng nhất thế kỷ, Albert Einstein, đã nói là: “Phật Giáo đương đầu với khoa học” (Buddhism copes with Science), (If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism).
Theo tôi không phải Phật Giáo đương đầu với khoa học mà Đức Phật đã hướng dẫn cho khoa học tự nhiên tiến lên về mọi mặt mới đúng. Tôi không muốn dài dòng trìch dẫn lời Đức Phật để chứng minh ở đây vì bài báo đã quá dài. Xin mời bạn đọc đọc duy thức học ta sẽ thấy Đức Phật đã giải thích về nguồn gốc của con người và vũ trụ rất tinh tế, rất khoa học, khiến các nhà khoa học và các triết gia phải tìm tòi học hỏi.

Giáo sư Rhys Davids nói rằng: “không có tôn giáo nào vượt trội hơn Phật Giáo”. (Nothing to surpass Buddhist. Buddhist or not Buddhist, I have examines every one of the great religion systems of the world, and in none of them have I found anything to surpass, in beauty and comprehensiveness, the Noble Eightfold Path and the Four Noble Truths of the Buddha. I am content to shape my life according to that path). (tham khảo sách “BUDDHISM in the EYES of INTELLECTUALS” của K. Sri Dhammananda).

Trở lại lời Phật dạy về phương pháp báo hiếu trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân và Kinh Vu Lan: Phật đã dạy rằng vì công ơn của Cha Mẹ bao la như biển cả và cao vòi vọi như trời xanh vô hạn. Vì thế cho nên chúng ta không thể nào đền đáp công ơn ấy bằng phương pháp vật chất hữu hạn được. Hơn nữa trong cõi luân hồi kể từ vô thủy đến nay, chúng ta có biết bao nhiêu là Cha Mẹ thì làm sao chỉ dùng những phương tiện vật chất để phụng dưỡng Cha Mẹ hiện tiền mà có thể đền đáp thâm trọng ân ấy. Phật đã cho ví dụ là:

Ví có người gặp cơn đói rét
Nuôi song thân dâng hết thân này

Xương nghiền thịt nát phân thây

Trải trăm ngàn kiếp ân đâu chưa đồng...

(Kinh Báo Ân)

Như vậy phải làm thế nào để báo đáp được hiếu ân đó. Đức Phật đã dạy rất nhiều phương pháp trong rất nhiều kinh điển như Bố Thí Ba La Mật, Thân Cận Ba La Mật, Chân Thật Ba La Mật... Nhưng hôm nay xin theo các bộ kinh đã dẫn và đặc biệt về sự giới hạn của bài này nên chúng tôi xin tóm lược thành hai phương pháp đơn giản: Tự Lực và Tha Lực.

Thứ Nhất Là: Tự Lực

Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, cầu Phật Đạo giải thoát, tiến tu, thật học để đem khả năng của mình giảng giải cho mọi người chung quanh chúng ta cùng phát tâm ấy, hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và cuối cùng là cầu nhất thừa Phật Đạo.

Giai đoạn đầu là chúng ta học hỏi và hiểu thấu đáo về thâm ân sinh thành của Cha Mẹ. Ăn năn hối cải những lỗi lầm, nếu có, từ trước đã làm hại mình hại người vạ lây tiếng xấu đến song thân. Giai đoạn kế tiếp là phải siêng năng không ngừng nghỉ để đạt được những thành công lớn trong đời, khiến Cha Mẹ vui lòng toại nguyện, an tâm vì con... Và làm thế nào để cho Cha Mẹ cảm nhận được lòng hiếu kính, yêu thương của mình đối với Cha Mẹ. Đồng thời phải có tâm niệm sung sướng không gì bằng khi mình còn được Cha Mẹ trên đời. Bởi vì nếu Cha Mẹ biết được điều đó Cha Mẹ cũng sung sướng vô vàn. Những điều vừa kể rất đơn giản nhưng không kém phần khó khăn khi thực hiện được nó. Giai đoạn cuối cùng như trên đã nói là cầu nhất thừa Phật Đạo để giải thoát cho mình, và phổ độ giải thoát cho Cha Mẹ nhiều đời đã qua và hiện tiền Cha Mẹ sống lâu và tránh khỏi những ách nạn trong đời.

Thứ Hai là: Tha Lực

Như Đức Phật đã dạy trong Kinh Vu Lan, cho dù chứng được quả Bồ Tát và đã được thần thông quảng đại như Ngài Mục Kiền Liên, cộng với tiếng tăm lừng cả trời người đều nể phục đi chăng nữa, một mình Ngài không thể nào cứu được Mẹ Ngài trong điạ ngục và càng không thể cầu siêu độ cho Cha Mẹ bảy đời trước đó nữa. Như vậy chỉ có một cách là cầu Tha Lực. Hay nói đúng hơn là cầu Cộng Lực của chư Tăng trong mười phương tụ hội nhân ngày rằm tháng bảy, Trong hàng chư Tăng đó gồm có phàm Tăng, thánh Tăng, và những hàng Bồ Tát mười phương vì nguyện lực độ sinh nên các Ngài đã hiện hình làm Phàm Tăng thân cận chúng ta.

Nhân ngày ấy nhờ thần lực Chư Tăng chú nguyện cho sở cầu báo hiếu của chúng ta được viên thành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2024(Xem: 663)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
11/09/2024(Xem: 791)
Vào lúc 09:30 am ngày 08 tháng 9 năm 2024, chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tọa lạc tại số 2553 Darwin Street, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2024, Phật lịch 2568. Hòa thượng Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ (Hayward), thiền viện Phổ Thiên (Castro Valley) và trung tâm tu học Phổ Trí (Vacaville) quang lâm Chứng minh và ban Đạo từ.
09/09/2024(Xem: 656)
Lễ Vu Lan PL 2568 (8/9/24) tại Chùa Bảo Minh, Vic, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
07/09/2024(Xem: 898)
Sáng ngày 30 tháng 7 Giáp Thìn (02/9/2024), nhân ngày Khánh đản đức Bồ tát Địa Tạng, chùa Bửu Long ở thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế - Kỳ Siêu Bạt Độ, trên là để báo đáp Tứ Trọng Ân, dưới là để cứu vớt những âm linh bị đọa vào Tam Đồ Khổ (ba đường ác lụy: gươm đao, nước và lửa), đồng thời cũng cầu siêu hồi hướng cửu huyền thất tổ, cầu nguyện quốc thái dân an, thiên tai ôn dịch tiêu trừ
04/09/2024(Xem: 387)
Chùa Pháp Tạng là 1 trong 6 ngôi chùa thuộc Tổ chức Quốc tế Bồ Đề Quang - BLI (Bodhi Light International, Inc.) được Thầy Thích Vĩnh Hóa sáng lập, căn bản là Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và cảm nhận của thời đại mới.
02/09/2024(Xem: 590)
Lễ Vu Lan PL 2568 (1/9/24) tại Tu Viện Kim Cang, Victoria, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
01/09/2024(Xem: 526)
Lễ Vu Lan PL 2568 (31/8/24) tại Chùa Pháp Vân, Melbourne, Úc Châu (photo: Quảng Diệu Trí) | quangduc.com
28/08/2024(Xem: 472)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
26/08/2024(Xem: 428)
Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568 (25/8/24) tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com