Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân Ngày Đức Phật Thành Đạo, cùng nhau dâng lòng kính ngưỡng sâu xa đến Bậc Giác Ngộ

16/01/202120:21(Xem: 5035)
Nhân Ngày Đức Phật Thành Đạo, cùng nhau dâng lòng kính ngưỡng sâu xa đến Bậc Giác Ngộ
Phat_thanh_dao

NHÂN NGÀY ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO ....
Cùng nhau dâng lòng kính ngưỡng sâu xa đến Bậc Giác Ngộ
( đầy trí tuệ, vị tha nhân ái , một con người lịch sử nhưng siêu việt
và sáng ngời như một vầng Nhật Nguyệt !)

Kính xin mượn những vần thơ cuối trong lời cảm bạt của tác phẩm MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT do HT Giới Đức ( Minh Đức Triều Tâm Ảnh ) viết về cuộc đời của Đức Thế Tôn.....để diễn tả lại nỗi rạo rực dạt dào đang như bừng cháy trong lòng tôi và tôi chỉ biết rằng .... dường như Ngài đang hiện trên không và đang trao cho tôi một gia tài trân bảo như Ngài đã trao cho Tôn Giả La Hầu La khi Tôn giả thọ cụ túc giới lúc 20 tuổi .....và tôi đã quỳ sụp lạy và đảnh lễ Ngài mà nước mắt dâng trào ....



Kính lạy Phật....Tự ngàn xưa hiển hiện

Đang ở trong con ....vô tận phút giây này

Pháp huy hoàng ....Nhật nguyệt rạng trời mây

Soi bóng chữ, ...Qua sông.....Hy vọng

Vẫn còn nguyên chân diện mục!

Sri Lanka. 12/2013

( Minh Đức Triều Tâm Ảnh )

Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo ( mùng tám tháng 12 âm lịch ) nhớ lại 8 bó cỏ Kusa mà cậu bé chăn bò ngày xưa đã kết thành bồ đoàn dâng cho Đức Phật bắt đầu 49 ngày thiền định để rồi một sáng tinh sương sao mai vừa mọc ....Ngài đã giác ngộ với tuệ thế gian thông suốt và Tuệ xuất thế gian viên mãn ...Tôi đã vô tình giở lật ngay Tập 5 với năm phẩm đầu liên tiếp và đã nghẹn ngào khóc như mưa....

Kính xin thưa rõ 5 phẩm đầu tiên của Tập 5 đó là - CÁC LOẠI CỎ - NGƯỜI CHĂN BÒ KHÉO GIỎI. - ĐÀN BÒ SANG SÔNG - KHÚC GỖ TRÔI SÔNG - TRAO GIA TÀI .

Và để đi vào chi tiết năm phẩm đầu tiên trong Tập 5 ấy mời các bạn đọc hết toàn bài thơ Cảm bạt về MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT để có khái niệm nhé !

Thông thường lời bạt môt tác phẩm được tác giả tóm tất ngắn gọn hơn vừa khái quát, triết lí, vừa mang nội dung miêu tả, nhận xét, dùng từ thật sâu đề biểu hiện cảm xúc tình cảm của mình và thường viết bằng văn xuôi , nhưng có lẽ HT Giới Đức rất siêu xuất về thi phú và văn chương nên Ngài đã có bài thơ Cảm Bạt nầy mà ai ai khi đọc đến đều dâng lên cảm xúc khó tả được ...Vì lời cảm bạt này thật là tuyệt diệu trên mọi tuyệt diệu đấy các bạn !



Vâng, kính mời các bạn cùng chiêm ngoạn nhé ...

Nào mời các bạn đọc thật chậm để thốn thức từng giọt lệ trong sung sướng vì đã được sinh làm người, lại có đại duyên được nghe Chánh Pháp từ kim khẩu của bậc Đại Toàn Giác trao truyền suốt 45 năm và tiếp nhận qua kinh điển ghi chép lại cho mãi nhiều ngàn năm sau này ....Và bây giờ lại được đọc tuyệt tác phẩm này MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT để rồi được cùng tác giả âm thầm gọi tiếng thân thương ... Kính lạy Đức Từ Phụ !



Viết xong cuộc đời ngài
Tôi bần thần, dã dượi
Sinh lực tổn hao
Như thân cây không còn nhựa luyện
Như sức ngựa đường dài
Hoàn tất cuộc lữ trình lên đến đỉnh đồi cao
Ôi! Tôi đã chạy đuổi chiêm bao
Muốn vói bắt mảnh trăng trời nguyên thuỷ
Tôi đã gục khóc
Trên từng viên gạch vỡ
Nơi những dấu tích điêu tàn, hoang phế cổ xưa
Trên những di chỉ bia văn rêu phủ, gió lùa
Nơi điện đài còn trơ trầm hương tín mộ
Trên những trang kinh kiến sâu loang lổ
Lửa vô thường cháy xém chữ câu
Tôi đã đi theo từng đốm nắng không màu
Mong vẽ lại ánh triêu dương chánh pháp
Tôi bất lực đi qua nhiều hoang mạc
Khói bụi thời gian, phế tích tàn tro
Tôi đứng bên này sông hớt hãi gọi đò
Đồng vọng hai bờ, hư vô xào xạc
Bút mỏi
Tay run
Tứ cùn
Chữ nhạt
Cô liêu tháng ngày góc núi ánh trăng suông
Gió phủi qua song trăm chuyện vui buồn
Để từng hơi thở theo dấu chân Từ Phụ
Người đã như cánh chim thiêng tiêu dao du ngoài ba cõi
Rơi rớt nhụy vàng để lại thế gian hương
Vô tích, vô tăm sinh tử mộng thường
Vô khứ, vô lai – hiện thân tuyệt đối
Tôi cúi xuống
Nghe thức tri già cỗi
Chắp vá từng trang, thêu dệt một chân dung
Đất Ấn linh thiêng, lưu bóng đức Đại Hùng
Mỗi cọng cỏ vàng
Mỗi cành cây khô
Cũng trở nên thân thuộc
Dốc đá xám
Cổng rêu đen – dấu khói sương thuở trước
Cũng là hóa thân của sử lịch ngàn năm
Ôi từng đêm, từng đêm
Từng câu chữ âm thầm
Chợt hiện linh hồn biết vui, biết khổ
Biết hỷ hoan, biết suy tư, trăn trở
Biết lội ngược dòng tìm giọt nước nguồn xanh
Nó cũng biết chán chê dục vọng xây thành
Nhốt kín nhân tâm, bủa tròng nô lệ
Dấu lửng, dấu than hàng hàng kể lể
Nói với chúng sanh nguyên nhân khổ vì đâu
Tái hiện con sông, bắt những nhịp cầu
Bằng cọng lau mềm hôm qua sương đọng
Một thoáng tinh anh, một trời viễn mộng
Hiu hắt cõi miền cánh vạc vỗ tịch liêu
Tuyết đổ non cao, lạnh buốt chợ chiều
Nhân thế căm căm lối về vô định
Sống chết trầm kha, sinh luân lão bệnh
Ngơ ngác tầm cầu, bầy cú rúc thâu canh
Huyền sử đi đêm đội bóng lữ hành
Bên vực thẳm đốm lửa người leo lét
Tuyệt vọng
Gọi nhau
Hãi hùng
Bi thiết
Có ai nghe tiếng trống pháp còn vang
Bao lời kinh thiêng, ma quỷ bàng hoàng
Vọng ba cõi, xuyên sâu vào địa ngục
Địa ngục của lòng người
Địa ngục của thức tri tối tăm
Và của sân tham, ngu dốt
Đang đốt cháy bình nguyên, sông núi, ao hồ
Đốt cháy nương vườn, cổ tích, tuổi thơ
Nhân ái, nhân văn không còn ô-xy để thở
Đức lý tan hoang, phận người xiêu đổ
Lây lất đi về trong bóng vô minh
Vì đại bi mà đức Phật dặm trình
Suốt bốn mươi lăm năm đầu trần chân đất
Lộc Giả chuyển luân, tuyên ngôn sự thật
Độ năm thầy Kiều-trần-như, Thích tử đầu tiên
Rồi Yasa cùng năm mươi bốn thân hữu thiện hiền
Giáo hội ra đời gồm sáu mươi Như Lai sứ giả
Mỗi người hãy đi mỗi phương, đừng đi chung ngã
Vì an lạc, hạnh phúc cho nhân loại, chư thiên
Đập vỡ tín lý khắt khe, tín ngưỡng cổ truyền
Hạ bệ thượng đế, thần linh khói hương nghi ngút
Phá bỏ kỳ thị giai cấp, hàng rào tủi nhục
Mang thông điệp tự do, giải thoát cho đời
Tuệ quang minh chiếu tỏ trần khơi
Nguồn thánh thuỷ chảy tràn miền cỏ cây khô khát
Cái kiến, con sâu mừng vui rức hạt
Đất cỗi cằn nức nhựa uyên nguyên
Phố thị, làng quê, đền miếu, chợ triền
Quý tộc, nô tỳ uống chung bầu sữa pháp
Hoa nở
Chim reo
Rừng ca
Suối hát
Triệu triệu năm duyên phúc một lần
Triệu triệu tử sinh, đại ngộ sát-na tâm
Khoảnh khắc bất diệt
Vô lượng a-tăng-kỳ không bao giờ trở lại…
Lạy Phật
Bút của con cùng với văn chương ngu dại
Dám đặc tả đời ngài cùng với công hạnh trăng sao
Câu chữ phàm phu, cảm xúc tuôn trào
Theo dấu bụi mờ, nhặt sử kinh lưu lạc
Đốt trái tim làm đèn soi bờ giác
Khái niệm chất chồng, “đất thực” tuyết sương che
Hướng tâm sai là phiền não kết bè
Một niệm khởi trùng trùng duyên sanh khởi
Đã thấy rõ sự thật
Nhưng vẫn còn lầm lỗi
Bởi kiết sử sâu dày
Từ vô thức bước ra
Đã bao nhiêu năm
Lăng xăng đọc sách, uống trà
Làm chuyện thanh cao giảng kinh, dạy pháp
Viết truyện, làm thơ, triết văn uyên bác
Đại sự càng nhiều, bản ngã càng to
Vô tác, vô hành giảng nói hay ho
Vô cấu, vô vi cao ngôn thiện thuyết
Dao hai lưỡi ẩn sau “cái biết”
Đại dụng mơ hồ, chệch hướng vạn trùng mê
Chỉ hai nẻo thôi: Một phiền não, một bồ-đề
Đâu dám thõng tay mà ngao du giữa chợ
Nào khoác áo vị tha
Nào đóng trò cứu độ
Chốn ngũ trần đâu dễ gót thong dong
Tôi đã từng thấy
Viện lớn, tượng to bôi đỏ, phết hồng
Tín ngưỡng bán mua, thần linh đổi chác
Thiện tín chợ đông, trầm hương thơm ngát
Mặc cả thiệt hơn, lạy lục, cầu xin
Quán hàng bày ra, quảng cáo đức tin
Ma quỷ vỗ tay, ăn mừng mở tiệc
Chiêu phát triển, chiêu văn minh, hội nhập
Tiếp thị, tuyên truyền, kỷ lục thi đua
Bắc nam đông tây hí hửng tiền chùa
Xả rác bụi dục tham
Xả kiêu căng, hợm hĩnh
Ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm sử kinh
Đức Phật ngồi cao
Thương xót sinh linh
Tứ đế thắp đèn
Giữa đêm đen thảm nạn
“Sự sống đang là…”
Dành cho người mắt sáng
Tự thức, tự tri gậy chống lên đường
Tuệ giác tinh minh xóa lớp khói sương
Trả chân thực
Cho tự mình muôn thuở
Vọng tưởng, si mê
Không làm gì được nữa
Phiền não, khổ đau tự diệt, tự tan
“Thấy rõ” rồi mới biết sống đàng hoàng
Điều chỉnh đúng từng hành vi, cử chỉ
Mỗi niệm khởi không ở ngoài thiện mỹ
Mỗi tác duyên
Chân lý vận hành theo
Nặng nề vô cùng là bản ngã buộc đeo
Phải thấy chúng trong từng thức tri, cảm thọ
Mặt nạ “cái ta” đánh lừa bao độ
Giác ngộ thì “nguyên con” nhưng kiết sử phải đoạn dần
Thường trực lắng nghe như thực như chân
Thì phiền não không phan duyên dấy khởi
Niệm niệm bèo rong bập bềnh trôi nổi
Thả theo dòng
Nhìn ngắm đốm hoa xao
“Thấy pháp” rồi mới lên bến, chống sào
Mới tu tập nhẹ nhàng
Mới như thực kiến và tư duy chơn chánh
Nếu chưa thấy pháp
Dù nghiêm tu công hạnh
Cũng tựa như nấu sạn muốn thành cơm
Cũng tựa như dã tràng xe cát biển đông
Muốn nhặt bóng mình
Muốn lưu dấu huân tu
Giữa dòng cuồng lưu chảy xiết
Cát vỡ
Đá tan
Hư vô
Hủy diệt
Mộng trùng trùng
Ngộp chết giữa bờ mê
Quanh quẩn trả vay, nhân quả ê chề
Lượm phước báu nhân thiên
Ủi an đời bèo bọt
Thật sự giải thoát thì “không có ta-giải-thoát”
Tự không rỗng trong ngoài
Chẳng dính mắc tế vi
Gọi là người, là thánh, cứ tuỳ
Sát-na một, pháp thung dung tự tại
Đại dụng trong tay, nụ cười tiêu sái
Muôn việc như không, quyền biến như không
Và đến lúc này mới nói chuyện vào dòng
Pháp cứu độ cũng là duyên cứu độ
Tứ vô lượng tâm bèn tuỳ nghi dạo phố
Thăm xóm làng, bình bát xin ăn
Đến lúc này mới dám gọi sa-môn
Là Thích tử, là tỳ-khưu không thấy lòng hổ thẹn
Kính lạy Phật
Từ chân dung thánh điển
Nghĩa lý, chữ câu đã mã hóa không môn
Gần ba nghìn năm chẳng có lối mòn
Giác niệm là bước đi
Giác niệm là cõi về không khác
Trọn vẹn từng hơi thở
Trọn vẹn từng thức tri, buồn vui, khổ lạc
Cùng với bốn mùa mưa nắng, gió sương
Định luật tâm, định luật pháp thị thường
Nhật nguyệt, tinh hà cùng chung vận hoá
Li ti tế bào, diệt sinh vô ngã
Tất thảy đều chu toàn trong mỗi khắc phục sinh
Mỗi mỗi khí, thời, vận, số quân bình
Là vĩnh cửu đủ đầy trong từng vi trần dịch biến
Kính lạy Phật
Tự ngàn xưa hiển hiện
Đang ở trong con vô tận phút giây này
Pháp huy hoàng
Nhật nguyệt rạng trời mây
Soi bóng chữ
Qua sông
Hy vọng
Vẫn còn nguyên chân diện mục!

Colombo – Sri Lanka, 12/2013
( Minh Đức Triều Tâm Ảnh )


Như đã nói mỗi người có đại duyên khác biệt nhau khi đọc và học hỏi bất cứ phẩm nào trong 9 tập của tác phẩm MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT.


Riêng tôi .....không biết điều mầu nhiệm gì đã khiến cho tôi trước khi viết đã biết chuẩn bị thật trang nghiêm đến lễ Phật và thầm khấn nguyện với Đức Thế Tôn, kính xin Ngài linh ứng ban cho mình một tuệ giác vừa đủ để có thể bước sâu một chút vào biển Pháo mênh mông vi diệu .



Hơn thế nữa để làm tăng ích cho điều khấn nguyện thật buồn cười tôi mở clip nhạc về Kinh Châu Báu ( Rattana Sutta ) thật lớn và hát theo ...vì niềm bí mật trong tâm linh tôi cho rằng nhờ đó tôi có thể hiểu thêm thật rõ ràng, trọn vẹn về giáo pháp hơn



Cũng kính xin thú thật là ....từ lâu tôi tin tưởng tuyệt đối vào những sự kiện xảy ra trong tác phẩm này qua lời văn trác tuyệt của HT Giới Đức, thế nên tôi để mình rất vô tư khi giỡ lật ra một cách may rủi .....và cũng xin thú thật tôi chỉ mới đọc qua có một lần ... và bây giờ là cơ hội tuyệt vời ....được đọc thứ hai.

...Kính mời các bạn cùng tôi đi vào chi tiết của riêng năm phẩm ấy thôi ....theo thiển ý tôi với bấy nhiêu đó thôi nếu mình chịu thực hành và cho thấm vào tim vào óc thì cũng đủ để chúng mình thọ nhận được cái gia tài mà thuở xưa Tôn giả Rahula đã xin với Đức Thế Tôn ...(ngay lần đầu tiên gọi tiếng Cha trong đời ) khi Đấng Thế Tôn cùng giáo đoàn về thăm lại Vua Tịnh Phạn và trú ngụ tại rừng Ni Câu Đà bạn nhé



Đây là những trích đoạn mà tôi vắn tắt trong khuôn khổ bài viết và kính xin các bạn nếu có thể ngay sau khi đọc xong bài nầy hãy tìm đọc toàn bộ tác phẩm MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT gồm 9 tập và dày hơn 5000 trang nhưng ..chắc chắn các bạn sẽ không bỏ sót một trang nào vì tác phẩm giá trị thật thâm thuý và sâu sắc lại trình bày tất cả giáo lý Phật Pháp trong ấy ..đấy các bạn .



Trong mùa an cư thứ 14 ( Năm 574 trước TL) Đức Phật đã mượn hình ảnh 10 loại cỏ mà một đứa bé chăn bò đã có thể nhận ra được loaij nào là loại cỏ thơm Kusa có tính chất rất lâu hư mục ... để nói đến những pháp thế gian . Đó là ...có pháp hôi, có pháp đắng, có pháp, độc, có pháp thơm, có pháp nhuận trường, có pháp táo bón, có pháp có gai, có pháp không gai, có pháp mau thối rữa và có pháp lâu hư mục

Kính xin được định nghĩa ngắn gọn như sau:

1-Pháp có mùi hôi là những người không có giới đức, sống trước hạnh .

2- Pháp có vị đắng là những lời nói chơn chánh, ngay thật nhưng vì quá trực tính nên đụng đến bản ngã ta.

3- Pháp có vị độc do những người có trạng thái tâm độc ác hận thù ví như cọp beo, rắn rít .

4- Pháp có mùi thơm ...do một người giới, định, tuệ. nên lời nói của họ lúc nào cũng tỏa hương thơm.

5- Pháp nhuận trường chính là các pháp bố thí, xả, ly tham...

6- Pháp táo bón là những thứ keo kiệt bủn xỉn đã bám vào tâm.

7, 8- Pháp có gai và Pháp không có gai ám chỉ những người còn vướng mắc kiết sử và những người đã tháo gỡ được những gai kiết sử rồi .

9- Pháp hữu vi mau thối rữa chính là những ham muốn hạ liệt, ô uế.

10- Pháp lâu hư mục là những thỏa mãn ham muốn về tinh thần tuy vậy...vẫn còn đưa đến những ràng buộc



Và để kết luận cho bài pháp giản dị dễ hiểu vi diệu này Đức Thế Tôn đã dạy " Vì thấy ba cảnh giới Dục, Sắc, Vô Sắc Giới, ....là hệ lụy, là thống khổ , là hữu vi sanh diệt, là căn nhà lửa nên Như Lai công bố có một Pháp giải thoát ngay chính trong đời sống này !



Và đứa bé chăn bò đã dâng 8 bó cỏ Kusa ngày ấy nay đã trở thành Tỳ Khưu Sotthiya .



Sau đó Thế Tôn lại chọn thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu bài pháp thoại mới dựa trên căn bản về cách chăn bò khéo giỏi và đã được các vị chăn bò giải đáp rằng : Cần phải hội đủ 11 điều mà một người chăn bò tài giỏi phải biết để đàn bò mạnh khỏe, thịnh vượng tăng lợi ích ..

Và sau khi khen ngợi , Đức Thêm Tôn cũng nhân đó thuyết giảng dạy 11 pháp để một vị tỳ khưu có thể làm cho làm cho tự mình lớn mạnh và tăng lợi ích cho pháp và luật trong giáo đoàn của Như Lai ......Đó là

1- Phải biết phân biệt sắc do bốn đại tạo thành...phân biệt tướng chung, tướng riêng của người ngu và người trí.

2- Vị tỳ khưu phải biết trừ bỏ các bất thiện pháp khi chúng vừa khởi lên và không cho chúng được tồn tại.

3- Phải ráng giữ Thân,Khẩu, Ý được trong sạch bởi 10 nghiệp lành

4- Tỳ khưu phải biết nói, giảng pháp cho hàng cận sự để họ tránh xa những lỗi lầm

5- Tỳ khưu phải biết giữ gìn thu thúc sáu căn đừng để bị cào xước do sắc đẹp, danh tài....

6- Tỳ Khưu cũng phải đạt được nguồn pháp bảo như uống đươc vị ngọt

7- Tỳ Khưu phải biết rõ lộ trình đi đến giác ngộ giải thoát qua Bát Thánh Đạo

8- Tỳ Khưu cũng phải tham vấn những bậc đa văn , thiện trí thức để giải nghi điều thắc mắc trong Chánh Pháp

9- Cần tự mình trạch pháp để nếm thưởng hương vị dinh dưỡng cho Tuệ và Phạm Hạnh

10- Khi thọ dụng tứ sự cúng dường phái biết chừng mực ... đừng lạm dụng

11- Biết cung kính bậc trưởng lão, thượng thủ trong tăng đoàn và giáo hội trước và sau lung....



Rồi cứ tuần tự ngày trôi qua và khi di chuyển cùng giáo đoàn và Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất đã tuyên thuyết lại một bài pháp mà Đức Thế Tôn mượn hình ảnh đàn bò đang lần lượt vượt qua sông để ám chỉ phàm phu chúng sinh cũng đang lần lượt cố vượt dòng sông sinh tử, dòng sông phiền não, dòng sông của các loại Ma Vương chiếm ngự để đến bờ một cách an toàn



Và một ngày khác, Tôn giả Mục Kiền Liên cũng nhắc lại bài pháp về Khúc gỗ trôi sông khi Đức Phật cùng giáo đoàn trên hành trình đến địa phận nước Kosombi ngày nào ...

Và cũng chính những lời pháp này đã làm cho Tôn Giả Rahula nhận thức được, chiêm nghiệm được giáo pháp Như Lai thông tuệ hơn, quán triệt hơn ...ngấm vào xương vào tủy để cuối cùng được Đức Thế Tôn trao gia tài Pháp Bảo



Mời các bạn cùng nghe thời pháp Khúc Gỗ trôi sông để mình " sẽ không bị tấp vào bờ này, sẽ không bị tấp vào bờ kia , sẽ không bị chìm giữa dòng, sẽ không bị mắc cạn trên cồn đất, sẽ không bị người, phi nhân nhặt lấy, sẽ không bị lọt vào trong nước xoáy hoặc bị mục nát bên trong...."

Nhưng đó chỉ mới là một phần minh triết mà những phần cốt yếu còn lại để được trao gia tài như Tôn Giả Rahula là .....phải còn chuyên cần tu tập và chiêm nghiệm để liễu tri được nguyên nhân đưa đến cái Khổ vì một khi bị nó chi phối rồi và sẽ không bao giờ có được trong tay chìa khoá để mở cánh của giải thoát ...Và phải chăng bạn và tôi còn đang tiếp tục tháo gỡ ?


Đó là : Chấp thủ mắt, tai, mũi lưỡi , thân, ý, là Ta, là Của Ta hơn thế nữa các cảm thọ Các trạng thái tâm lý, những tưởng tri ?..nói chung cái ngũ uẩn ấy là VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ , LÀ KHÔNG PHẢI TA VÀ CỦA TA


Và một ý niệm về cái chìa khoá để mở cửa Niét Bàn cũng chỉ là một hình tượng chứ thật ra không có thật .Nó chính là Lưỡi kiếm của Tuệ hành xã ....để chặt đứt luôn ý niệm giải thoát cuối cùng để trở về ..... Ngã không , Vô Đắc, Vô Chứng ...



Lời kết

Kính đa tạ và tri ân HT Giới Đức, Bậc Trưỡng Lão Thượng Thủ trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada nhiều năm đã dành thì giờ nghiên cứu những sử liệu và cuối cùng đối chiếu, minh xác những sự kiện trân quý nhất về cuộc đời của Đức Thế Tôn , Đấng Siêu Việt Toàn Giác , Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi ...để tạo nên tuyệt tác phẩm này lưu truyền lại cho thế hệ mai sau



Hãy Cùng nhau dâng lòng kính ngưỡng sâu xa đến Bậc Giác Ngộ đầy trí tuệ và vị tha nhân ái , một con người lịch sử nhưng siêu việt và sáng ngời như một vầng Nhật Nguyệt ! ) đó là lời giới thiệu của Hoà Thương Viên Minh đến với tác phẩm này



Riêng tôi , một hậu bối rất sơ cơ chỉ kính xin được đảnh lễ quý Ngài vì dường như tôi đã được thọ ký sẽ tiếp nhận gia tài trân bảo từ Đức Thế Tôn khi đọc được những lời vàng ngọc đựoc truyền trao trong phẩm Trao Gia Tài " " Này Rahula ! Đây là gia tài trân bảo mà Như Lai không chỉ trao cho con mà còn trao cho tất cả những ai tinh cần, cầu tu tập giải thoát sinh tử khỏi vòng luân hồi ....là rốt ráo phạm hạnh, là viên mãn sang được bờ bên kia vậy !!!



Kính chúc HT Giới Đức pháp thể khinh an , nguyện hồng ân Tam Bảo và Chư Thiên luôn hộ trì Ngài và Chư Tăng tại Huyền Không Sơn Thượng được tịnh lạc, hoằng pháp viên mãn ...

Namo Tasa Bagawato Arahato Samma Sam Buddhadasa

Huệ Hương

Melbourne 16/1/2021







***

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/06/2024(Xem: 1448)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 2028)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
06/06/2024(Xem: 1176)
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
04/06/2024(Xem: 2810)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
23/05/2024(Xem: 504)
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, đã thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con phật cũng khát khao được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy!
04/05/2024(Xem: 893)
Sen vàng tháp cổ quyện trầm hương Thị hiện Như Lai giữa nẻo thường Cõi mộng nhân gian Thầy xua lối (*) Cơ duyên chánh đạo pháp soi đường Triêm ân chỉ hướng nguyền xin tỏ Rõ lý qui nguồn xả hết vương Bát Nhã đèn thiền luôn sáng rạng Mê lầm hóa giải thoát tai ương.
16/04/2024(Xem: 542)
Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạo rất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…
14/04/2024(Xem: 424)
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: -Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật? Sư đáp: -Nếu tu để ngộ được tâm Phật, an nhiên tự tại như chư Tổ và các thánh tăng thì khác. Còn muốn trở thành một vị Phật lại khác. Về hình dáng: Phải cao. dung mạo phải đẹp đẽ, oai nghi, không khiếm khuyết bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể. Về thân thế: Phải là vua, hoặc thái tử, hoàng tử của một vương quốc. Nếu là các nước cộng hòa thì phải là tổng thống, thủ tướng. Phải có chức vụ cao tột đỉnh như vậy để sau này không còn ham mê danh vọng nữa. Phải là con của một tỷ phú thừa kế một tài sản khổng lồ để sau này không còn ham mê tiền bạc. Một vị Phật không thể xuất thân từ một gia đình thấp kém, bần hàn, là con mồ côi hay con của một gia đ
24/03/2024(Xem: 2407)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
23/03/2024(Xem: 1752)
Đêm mùng tám tháng hai, thái tử nhìn vợ con lần cuối rồi cùng Sa Nặc và ngựa Kiền Trắc vượt thành ra đi, sau đó vượt sông Anoma để hướng về phương trời cao rộng. Đây là một cuộc vượt thoát vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Ngài từ địa vị một ông hoàng với đầy đủ ngũ dục lục trần, có tất cả những gì mà con người mong cầu nhưng ngài buông bỏ tất cả. Ngài vượt thành và trở thành bậc xuất trần vĩ đại. Vượt thành, vượt sông đã khó nhưng thiên hạ cũng làm được, duy vượt qua ngũ dục lục trần, vượt thoát luân hồi sanh tử thì cho đến lúc này cũng chỉ có ngài mà thôi. Cuộc vượt thành của ngài đã mở ra một chương mới trong lịch sử loài người. Ngài đã khai phá con đường sáng, con đường giải thoát, giác ngộ đi đến niết bàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com