Bài viết của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc
từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Chùa Thiên Mụ thường gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm ở bờ bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km.
Sách Ô Châu cận lụccủa Tiến sĩ Dương Văn An cho biết chùa Thiên Mụ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông.
Chùa được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa khang trang. Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm, người Trung Quốc, được chúa Nguyễn mời làm trụ trì chùa. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài đã truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.Hòa thượng Thạch Liêm đã tả cảnh chùa Thiên Mụ: “Đêm 15 trời mưa, ra đến chùa Thiên Mụ. Chùa này tức Vương phủ ngày xưa (?) chung quanh có trồng nhiều cây cổ thụ, day mặt ra bờ sông; trước chùa ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa cột kèo chạm trổ rất tinh xảo …” (1)
Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 3285 cân, tương đương 1.985,8 kg). Năm 1714, chúa cho sửa chùa khang trang, mỹ lệ;mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt tháng; cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng kinh điển hơn ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa. Năm 1715, công trình hoàn thành, chúa cho dựng bia để ghi nhớ. Tấm bia đá “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (cao 2,6m, rộng 1,25m) đặt trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch (dài 2,2m, rộng 1,6m). Tấm bia khắc chính lời văn của vị Quốc chúa là tư liệu lịch sử quý và có giá trị chính xác. Văn bia có đoạn: “Quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc vàng bạc, hễ luật nước đã truyền, công việc xây dựng lâu đài cung điện do quan lính đảm trách chẳng sợ lao nhọc, đến cùng lực có toàn dân giúp sức, chẳng sợ năm tháng kéo dài.” (2). Minh Vương đã miêu tả cảnh chùa Thiên Mụ bấy giờ: “Từ cửa núi đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng Bửu Điện, nhà thuyết pháp, lầu tàng Kinh. Hai bên là lầu chuông và lầu trống; rồi điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà ăn, nhà tọa Thiền; rồi điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà ở của chư Tăng, nhà trọ cho khách, không dưới vài mươi sở. Bên sau là vườn Tỳ Da, trong vườn có nhà Phương trượng và các chỗ, cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi, thật là một tòa quang minh trong thế giới toàn sắc vàng rực vậy”.(3)
và bài minh ca ngợi ngôi danh lam này:
“... Phía Nam nước Việt chừ, núi sông đẹp đẽ
Ngôi chùa hùng tráng chừ, cửa Thiền nắng chiếu
Tánh vốn trong sạch chừ, nước chảy róc rách
Đất nước an ổn chừ, bốn cảnh thanh nhàn”.
Sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng vương, ông đã truy tôn bảy đời chúa trước lên vương hiệu và chạm bài vị thờ ở chùa Thiên Mụ.
Năm 1776, chúa Nguyễn Phúc Thuần thất trận bỏ chạy khỏi kinh thành. Quân Trịnh chiếm Phú Xuân. Chùa Thiên Mụ không có vị trú trì chăm sóc trở thành nơi hoang liêu. 10 năm sau, năm 1786, quân Trịnh lại bị quân Tây Sơn đánh bại, chùa Thiên Mụ đi vào giai đoạn hoang tàn, đổ nát cho đến năm 1815.
Năm 1815, vua Gia Long đã cho trùng kiến chùa Thiên Mụ, xây Đại Hùng Bảo Điện, điện Di Lặc và điện Quan Âm. Đến đời vua Minh Mạng, vua đã năm lần cho mở đại trai đàn tại chùa vào các năm: 1820, 1825, 1835, 1837 và 1838. Vua đã ngự giá lên chùa dự lễ đại trai đàn năm 1835.
Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị đã cho kiến thiết chùa Thiên Mụ thành ngôi phạm vũ có giá trị về kiến trúc và mỹ thuật. Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là ngôi tháp hình bát giác, 7 tầng, cao 21m, được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844, mang tên tháp Từ Nhân. Năm sau, vua sắc chỉ đổi tên Phước Duyên bảo tháp. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật.
Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây bốn trụ biểu lớn trước ngôi tháp. Năm 1846, xây hai bi đình. Một bi đình dựng bia “Thiên Mụ chung thanh”khắc thơ của vua các dịp vua viếng chùa. Một bi đình dựng bia “Phước Duyên bảo tháp bi ký”nói ý nghĩa việc xây tháp Phước Duyên.Trước tháp, vua cho xây đình Hương Nguyện, ngôi nhà vuông tám mái, trên chóp đặt một pháp luân. Hai bên đình là lầu đặt tấm bia lớn trên lưng rùa năm 1715 và đại hồng chung đúc năm 1710 đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Đến đời vua Tự Đức, chùa đổi tên là chùa Linh Mụ. Vua cho khắc bức hoành có chữ “Linh MụTự” treo ở cổng tam quan.
Trận bão năm 1904 làm chùa bị sập đổ nhiều nơi. Năm 1907, đời vua Thành Thái, chùa được trùng tu, thay đổi một số công trình kiến trúc.Sách “Châu bản triều Nguyễn” cho biết vào năm 1908, tháp Phước Duyên bị sét đánh hỏng, triều đình đã xuất 132 đồng 3 hào 1 xu cho Bộ Công sửa chữa.
Chùa bị hư hỏng nặng năm 1943. Từ năm 1945, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã tổ chức công cuộc đại trùng tu kéo dài hơn 30 năm.
Chùa Thiên Mụ là một trong 16 công trình nằm trong danh mục Di sản văn hóa thế giới (1993) của quần thể di tích Huế. Ngày 28/8/2003, chùa đã khởi công trùng tu với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng do Nhà nước cấp.
Ngôi chùa ngày nay có hai phần. Phần sân ngoài mang tính kỷ niệm, xây dựng kiên cố. Đó là: trụ biểu, tháp, bia và chuông. Phần bên trong cổng tam quan là các công trình kiến trúc tôn trí tượng thờ như: ngôi Đại Hùng Bửu Điện, điện Địa Tạng, điện Quan Âm … Điện Đại Hùng xây dựng theo kiểu nhà “trùng thiềm điệp ốc”, nét riêngcủa chùa Huế. Bên cạnh điện Đại Hùng có hòn non bộ lớn của ông Đào Tấn và chiếc xe ô tô Austin - di vật: “Ngày 11/6/1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dùng chiếc xe này đi từ chùa Ấn Quang đến ngã tư đường Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Vừa bước xuống xe, Hòa thượng tĩnh tọa giữa lòng đường, rồi tẩm xăng và châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách bạo tàn kỳ thị Phật giáo và đàn áp tự do tín ngưỡng của chế độ Ngô Đình Diệm”. Cuối khu vườn là ngôi tháp mộ của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa còn bảo lưu nhiều tượng cổ, pháp khí, di vật các thế kỷ 17, 18 và 19 như: khánh đồng, đại hồng chung, bia đá, bốn chữ “Linh Thứu CaoPhong” thủ bút của chúa Nguyễn Phúc Chu. Các bộ tượng Tam Thế Phật, đức Phật Thích Ca, Bồ tát Di Lặc, Quan Âm Thủ Quyển, Kim Cang, Minh Vương, Hộ Pháp … ở chùa đều là những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc và lớn nhất trong các ngôi chùa xứ Huế.
Đại hồng chung chùa Thiên Mụ đúc năm 1710, trình độ mỹ thuật cao, có 4 con rồng quẫy mình, 4 con phượng bay đuôi, cành lá uốn như lượn sóng. Đại hồng chung được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 2 ngày 30/12/2013.
Tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” năm 1715 được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 8 ngày 15/01/2020.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập hai kỷ lục ở chùa là:
01. Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất (ngày 11/6/2006)
02. Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa có tấm bia thời Lê Trung Hưng lớn nhất (ngày 05/5/2008)
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Xương.
Chùa Thiên Mụ là ngôi cổ tự nổi tiếng. Câu ca dao từ bao đời đã để lại trong lòng người dân Huế và du khách đến Huế hình ảnh một cảnh chùa đẹp, thơ mộng bên bờ sông Hương.
Võ Văn Tường
(1), (2), (3): Hà Xuân Liêm, 2000, Những ngôi chùa Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Chú thích ảnh: