BÀN VỀ RÁC
Tạ Thị Ngọc Thảo
“Không có gì là rác cả!”
(Đại sư Zuigan-Nhật Bản)
1/RÁC TỪ ĐÂU MÀ CÓ ?
Rác là các chất, các vật do con người trong quá trình sống, sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất thải ra. Rác được chia làm 3 loại: rác hữu cơ; rác vô cơ; rác tái chế. Trung bình mỗinăm, mỗi người Việt Nam thẩy vào môi trường khoảng 400kg rác. Trong 400kg rác đó chia nhỏ ra làm 6 loại:rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp; rác thải xây dựng; rác thải công nghiệp; rác thải y tế, rác thải văn phòng. Sáu loại rác này được giới chuyên môn chia làm 2 nhóm: rác thải vô hại, rác thải độc hại và có cách xử lý rác thải khác nhau.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ rác thải ra “chẳng đặng đừng” chiếm tỷ lệ nhỏ. Rác thải ra do vô ý thức, kém hiểu biết, thiếu văn hóa, vô trách nhiệm,kém đạo đứcchiếm tỷ lệ cao. Cụ thể như: Rải giấy tiền vàng mã khi đưa tang. Đốt giấy tiền vàng mã trong lúc viếng mộ, cúng bái. Thả hoa đăng trên sông. Tiếp thị bằng tờ rơi ở góc phố. Quăng tứ tungnhững tờ vé số đã dò. Vứt bỏ những vỏ chai nước suối và bao nylon đã sử dụng xuống phố. Ném rác và vật cứng từ cao tầng chung cư xuống đất. Tiêu, tiểu, khạc nhổ không đúng nơi quy định. Gom rác sinh hoạt đổ ra bờ sông, bờ biển, bìa rừng. Thản nhiên vứt rác xuống khe, suối, ao, hồ, núi cao, vực sâu…
Còn một loại rác nữa, ít người đề cập, đó là, rác từ thân-khẩu-ý. Một khi, “Ý” của chúng ta chứa rác thì “Thân” chúng ta thải rác vô trách nhiệm và “Khẩu” chúng ta văng ra toàn rác.
Phải chăng trong một môi trường sống đầy rác thì con người nơi đó chính là loại rác độc hại?.
2/HIỂM HỌA TỪ RÁC
Một vật gì đó “bay” từ tầng cao của chung cư xuống đã gây tử vong, chấn thương, tật nguyền cho người dưới đất. Tiện tay quăng rác có chất gây cháy vào hầm chứa rác chung cư tạo ra cảnh mất nhà, mất người thân cho nhiều hộ gia đình. Ai đó nhiều tình thương người chết nhưng thiếu tình thương với người sống cho nên nhiều con đường vừa được công nhân vệ sinh quét sạch bỗng chốc ngập rác dưới cơn mưa vàng mã. Khi đi viếng mộ, sự hiếu thảo với người chết càng cao thì xấp vàng mã được đốt càng lớn và đó là nguyên nhân cháy hàng trăm cánh rừng trong mùa khô gây rúng động cả nước.Thả hoa đăng trên sông là một tạo tác thơ mộng vào ban đêm, nhưng nhớp nhúa vào ban ngày khi những cái đèn giấy trôi dật dờ trên mặt nước. Tiêu, tiểu tiện thiếu ý thức gây hôi, thối; khiến người khác giẫm đạp kéo lê hôi thối khắp nơi. Hậu quả là khách du lịch tránh xa, người dân ta không bán được dịch vụ.
Không ít người nghĩ rằng, quăng rác ra bờ sông, bờ biển, xa tầm mắt của ta là môi trường sống được sạch sẽ, lương thực thực phẩm sẽ an toàn. Xả thẳng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ra sông, suối, rạch, biển là ta đã thoát trách nhiệm. Không phải như vậy. Nguồn nước ô nhiễm, sinh vật sống trong nước bị nhiễm bệnh sẽ quay lại chễm chệ trên mâm cơm hằng ngày của gia đình ta, hòa tan trong từng ly nước ta uống.
Cá Voi mẹ chưa kịp sinh con đã chết vì nuốt 22kg rác thải nhựa
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, dự tính năm 2050 có đến 99% các loài động, thực vật sẽ bị ảnh hưởng từ rác, trong đó thủ phạm chính là rác thải nhựa.
Điều đó giống như, “ta ký hợp đồng với thần chết có thời hạn rất ngắn vậy”.
3/PHONG TRÀO NHẶT RÁC
Thời gian gần đây khắp nước ta có “phong trào nhặt rác” mục đích là để khơi dậy trách nhiệm và ý thức cộng đồng với môi trường và môi sinh.
Lan tỏa rộng nhất là trào lưu “xắn tay dọn rác” của Byron Román trên Facebook cá nhân có hàng chục ngàn người bấm “thích” và 300.000 lượt chia sẻ. Nhiều bạn trẻ đã gởi cho Byron Román những bức ảnh họ đang nhặt rác để chung tay bảo vệ môi trường sống.
Ấn tượng nhất là anh Lekima Hùng, biệt danh là “người hùng săn rác” đã rong ruổi bằng xe gắn máy 43 ngày với 6879 km, đi qua 39 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh ven biển để quay và chụp ảnh hơn 3.000 tấm ảnh rác thải gây sốc cho nhiều người. Trong số 3.000 tấm ảnh, có tấm chụp ở ven biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Anh Hùng đặt tên bức ảnh là “Không có trong sự thật”. Cả một bãi biển dài hàng km toàn rác và rác. Bức ảnh đó đã “thách thức” chính quyền và dân địa phương, nay bãi rác đã “biến mất” dưới nhiều bàn tay nhặt rác.
Lay động lương tâm nhất là cộng đồng doanh nhân Nhật Bản làm việc ở Hà Nội cùng gia đình và người thân nhiều năm nay đã chung tay nhặt rác quanh Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật bất kể thời tiết nắng, mưa, giá, rét. Hành động này đã được người Hà Nội hưởng ứng thành một phong trào nhặt rác sâu rộng, thường xuyên.
“Nhặt một cọng rác, bạn đã góp phần làm cho Huế đẹp hơn” đó là thông điệp của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều cán bộ lãnh đạo, công nhân-viên chức và người dân đã hưởng ứngthông điệp trên bằng những phong trào cụ thể “Ngày chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” với mục đích gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường tỉnh nhà “Xanh-Sạch-Sáng”. Không chỉ thế, tỉnh TTH còn tổ chức thi sáng tác ca khúc ủng hộ các phong trào trên của tỉnh nhà.
Có thể nói, “Phong trào nhặt rác” đã gây hiệu ứng lan tỏa rộng khắp đất nước hình chữ S,đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm thải rác của nhiều người. Nhưng, mỗinăm mỗi người thải ra 400kg rác là một con số chắc nịch và thường xuyên, do vậy ngoài các phong trào mang tính thời điểm, chúng ta cần giải bài toán xử lý rác thải một cách lâu dài, bền vững!
4/KINH NGHIỆM XỬ LÝ RÁC
*Trung Quốc: Chính phủ đi trước, làng nước theo sau
Tình trạng vệ sinh môi trường ở nông thôn Trung Quốc kém so với các thành phố trung tâm đã được khắc phục khá ngoạn mục. Chính phủ Trung Quốc cam kết với thế giới năm 2020 sẽ đạt 80% điều kiện người dân nông thôn tiếp cận nhà vệ sinh, thu gom rác thải sinh hoạt và bao phủ nước sạch thuận tiện nhất. Nhiều thành phố vùng cực Bắc Trung Quốc đã được chính quyền địa phương trang bị thùng rác, nhà vệ sinh công cộng dọc theođường, phố. Kháchcòn thấy, nhiều công nhân vệ sinh Trung Quốc lớn tuổi đã quét dọn lồng lề đường, khu chợ, sân bay, công viên, nhà hát… không chỉ sạch mà còn lau cho bóng.
* Nhật Bản: Chung tay phân loại rác
Người Nhật đổ rác không có nghĩa là “cho tất cả vào một thùng”. Nếu ai, hộ nào làm như vậy sẽ bị phạt nặng,bị từ chối thu gom rác và nặng hơncảnh sát sẽ tìm tới nhà. Quy trình đổ rác của hộ cá nhân gồm 6 bước: 1/ Làm sạch rác trước khi đổ. 2/ Phân loại rác và bỏ vào túi theo quy định của chính phủ. 3/ Ghi rõ tên và địa chỉ hộ thải rác trên bao. 4/ Đổ rác phải đúng giờ. 5/ Phế liệu, rác ngoại cỡ phải trả thêm phí. 6/ Chấp hành thêm những quy định nghiêm của từng khu phố. Những quy trìnhtưởng chừng phức tạp với chúng ta nhưng nó là “một phần tất yếu của cuộc sống” người Nhật.
Trên bao bì đựng rác có ghi rõ ký hiệu để giúp người thải rác dễ dàng phân loại
* Singapore: Đánh thức thần kinh xấu hổvà tour du lịch đảo rác
Sau khi chính phủ đã đầu tư hạ tầng cho việc tiêu, tiểu và thu gom rác thải thuận tiện nhất cho người dân và khách du lịch. Nếu ai còn cố tình xả rác và tiêu tiểu không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ thấp đến cao và kèm theo lao động công ích. Người vi phạm sẽ được “diện” một bộ đồ màu sáng bắt mắt để gây sự chú ý và sẽ “được” lên truyền hình khi đang lao động công ích cho cả nước chiêm ngưỡng dung nhan!.
Khách tìm đến đảo Semakau để ngắm 66 loài chim, ngắm sao biển và các rặn san hô, tìm hiểu đời sống các động-thực vật. Trong một không gian bát ngát rặng dừa, thảm cỏ xanh mút mắt và nhiều bông hoa tươi thắm ít ai biết rằng đây là đảo chôn tro rác sau khi xử lý của Singapore. Rác Singapore thải ra mỗi ngày 38% đốt được, 60% tái chế, 2% không thể đốt cũng không tái chế được thì đem ra Semakau chôn. Ý tưởng “chuyển tro của rác sau khi xử lý ra chôn ở đảo” được Singapore sao chép từ kinh nghiệm Nhật Bản nhưng sáng tạo hơn là hình thành những tour du lịch để nâng cao nhận thức về môi trường của dân trong nước và khách quốc tế .
* Zero Waste Saigon: Rác và nghệ thuật sắp đặt
Michael và Julia quốc tịch Mỹ và Pháp nơi chính phủ nghiêm ngặt với chất thải nhựa. Trong một lần đến du lịch ở Hồ Tràm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chứng kiến chú khỉ con đang ăn bao nylon. Hai người không biết phải làm gì, vì ngăn con khỉ hôm nay ăn bao nylon thì ngày mai nhiều con khỉ khác lập lại; đó là nguyên nhân Zero Waste Saigon ra đời. Hiện nay nhóm này đã có hơn 1.000 thành viên. Từ việc rất nhỏ là “giảm đến mức thấp nhất thải rác của từng cá nhân”, nhất là rác thải nhựa; cho đến nhặt rác và sử dụng rác sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Hiệu ứng lan tỏa từ Zero Waste Saigon đã lay động nhiều người và nhiều nghệ sĩ trên thế giới tham gia.
Bức tranh từ ống hút nhựa do Zero Waste Saigon thu nhặt, rửa và sắp đặt
5/ZERO WASTE
Quỹ năng lượng sạch (BEV)do các tỷ phú Bill Gates, Jeff Bezos, Marc Benioff và Richard Branson thành lập, mới đây đã đầu tư 33 triệu USD vào dự án của “Công nghệ đốt rác thải tạo ra 100% sản phẩm có ích mà không sinh ra sản phẩm phụ hại” của công ty Sierra Energy- Mỹ.
Nhà máy công nghệ đốt rác thải của công ty Sierra Energy ở Davis, California - Mỹ (Ảnh: Sierra Energy)
Công nghệ mới này đã giúp giải quyết được 2 vấn đề cùng một lúc: giải pháp thay thế bền vững cho các bãi chôn lấp rác thải và sản xuất ra loại khí tổng hợp có giá trị, có thể dùng để chế tạo điện, khí hydro, dầu diesel (tinh khiết gấp 20 lần tiêu chuẩn của California), và amoniac. Khi còn là dự án, công ty Sierra Energy đã nhận được tài trợ từ Quân đội Mỹ. Bởi,công nghệ đốt rác đột phá này giúp giảm tối đa sức người và chi phí cho việc thu gom rác ở các mặt trận nước ngoài (Theo lệnh của Tổng thống,Quân đội Mỹ phải thu gom rác về Mỹ).
6/KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC CẢ!
Soko (Thiền sư danh tiếng Soko Morinaga - Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản) bắt đầu bài học nhập môn bằngquét vườn chùa,phân loại rác và xử lý rác. Quét vườn có chi là khó?không bao lâu Soko đã gom được đống rác đầy đất, sỏi, đá vụn là lá khô. Hăm hở, Soko vào bạch Thầy “Con bỏ đống rác này đi đâu ạ?”. Bất ngờ, đại sưGoto Zuigan (1879 - 1965)quát lên “Rác! Người nói gì? Không có gì là rác cả!”. Và đại sư dạy cho Soko phân loại rác: Lá khô đem vào bếp để dành đun nước, nấu ăn. Đống đá vụn đại sư sai Soko đem lắp vào chỗ máng xối bị nước mưa xoáy lồi lõm. Bây giờ đống rác to chỉ còn đất và rêu, Soko đinh ninh chắc là phải vất đi rồi. Nhưng đại sư lại thong thả lấy từng mảng rêu ủ cây làm phân và lấy đất trét vào những vết nứt trên tường của chùa. Soko đã học bài đầu tiên rằng: “Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích” (Theo “Novice to Master/There is no trash”, nguyên tác Soko Morinaga, Diệu Trân dịch).
Cuối cùng, nguyên nhân hình thành rác là do con người. Do vậy con người phải có ý thức giảm đến mức thấp nhất thải rác (nhất là rác từ Thân-Khẩu-Ý) và có trách nhiệm với rác đã thải. Có nhiều cách xử lý rác tùy theo sự tự giác,giáo dục, trình độ, năng lực, luật phápcủa chính phủ và người dân mỗi tỉnh, thành, quốc gia mà hiệu quả thu được khác nhau. Và ở thế kỷ 21, giải pháp xử lý rác bền vững, rốt ráo nhất là Zero Waste. Như đại sư Goto Zuigan đã dạy Soko: “Không-Có-Gì-Là-Rác-Cả!”