Namo Buddhaya
Cách nào làm cho tâm hết ô nhiễm ?
Hỏi: Thế nào là tâm bị ô nhiễm ?
Đáp: Tâm gồm hai phần chính là tâm và sở hữu tâm (tâm sở).
Sự thấy biết cảnh thuần khiết gọi là tâm. Sự pha màu vào thấy biết cảnh thuần khiết làm nó
biến dạng gọi là tâm sở. Cả hai tâm này đồng sinh, đồng diệt, đồng cảnh, đồng trú căn. Cho nên
rất khó biết được tâm (thuần khiết) mà chỉ biết được tâm sở. (Tâm sở là tâm nhận diện cảnh theo
chức năng riêng của nó, như tâm sở Tham có chức năng là khao khát cảnh, tâm sở Sân có chức
năng huỷ diệt cảnh). Giống như đường hoà vào nước, người uống chỉ biết vị ngọt của đường mà
không thế biết sự không vị của nước tinh khiết trong nước đường. Nước bản chất là H2O, nếu lẫn cặn
thì gọi là nước đục, lọc cặn đi gọi là nước trong, nhưng bản chất nước là nước, không trong, không đục.
Tâm cũng như vậy. Vì lẫn vào sự khao khát, ham muốn cảnh của tâm sở Tham nên gọi là
Tâm Tham nên chẳng ai còn biết đến Tâm nữa, chỉ bị thu hút bởi Tham tâm sở mà thôi.
Hỏi: Tâm bị pha màu như vậy từ lúc nào ?
Đáp: Sự pha màu của tâm Sở vào Tâm đã có từ vô số kiếp trước.
Khi bạn được sinh ra là kết quả của Nhân đời trước. Sự pha màu ngay khi Thức (tâm) đi tái sinh
và đồng sinh với danh sắc (tâm sở và cảnh giới tái sinh). Khi sinh ra trong cung điện, sự pha màu
là lộng lẫy, huy hoàng vào các cảnh thấy biết. Khi sinh ra nơi bãi rác, sự pha màu là bẩn thỉu,
tối tăm vào các cảnh thấy biết.
Hỏi: Làm sao có thể thoát khỏi tâm ô nhiễm này ?
Đáp: Để thoát khỏi tâm ô nhiễm thì bạn cần nhận diện tâm ô nhiễm khi nó đang sinh
lên hoặc khi nó chưa sinh lên (tức là các điều kiện để sinh ra nó).
Hỏi: Xin cho ví dụ về việc này ?
Đáp: Ví dụ có một người đến vỗ vào vai bạn từ phía sau.
Cái vỗ vai chỉ có sức nặng là 0,2 kg. Nhưng khi bạn quay đầu lại. Nếu người vỗ vai là kẻ thù
thì bạn thấy cái sức nặng của cái vỗ vai như là 20 kg. Tức là tâm sở sân đã hòa vào tâm thấy biết
cảnh của bạn làm nó biến dạng lên 100 lần so với sự thật. Nếu người vỗ vai là người bạn quý mến thì
cái vỗ vai gần như không có gì, sức nặng là 0 kg. Tức là tâm sở tham ái đã hòa vào tâm thấy biết cảnh
và giảm nó xuống bằng 0 so với sự thật. Bạn phải thực hành thiền Tứ Niệm Xứ trong nhiều ngày,
nhiều tháng, nhiều năm để tập nhận ra các tâm tham, sân này ngày khi nó sinh lên. Đức Phật
gọi sự thực hành này là quán Tâm trong Tâm. Tâm có tham biết tâm có tham.
Tâm có sân biết có tâm sân. Tâm có si biết tâm có si. Đức Phật không bảo bạn là không có
những tâm này, mà Đức Phật dạy bạn cách quan sát khi nó sinh lên để nó không sinh lên nữa.
Hỏi: Khi nào thì tâm không còn bị ô nhiễm nữa ?
Đáp: Tâm ô nhiễm là do ba phiền não cơ bản là Tham, Sân, Si quấy động.
Tức là các tâm sở Tham, tâm sở Sân, tâm sở Si hoà vào Tâm thấy biết, làm nó trở nên ô nhiễm.
Bạn phải thực hành thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ trong nhiều năm thì mới có thể nhận diện và diệt trừ
các phiền não này. Khi đạt tới Đạo và Quả của bậc Thánh Dự Lưu, bạn sẽ diệt tận được các tâm Tham
đồng sinh với tâm sở Tà kiến. Bậc Thánh Nhất Lai thì bạn sẽ diệt tận thêm các tâm Tham không
đồng sinh với tâm sở Tà kiến. Đến bậc Thánh Bất Lai thì bạn sẽ diệt tận hoàn toàn tâm Tham và
tâm Sân. Bậc Thánh A La Hán thì mới đoạn tận thêm tâm Si, ở bậc Thánh này thì các phiền não
Tham, Sân, Si hoàn toàn bị diệt tận, nghĩa là tâm mới được
hoàn toàn trong sạch, không ô nhiễm.
Đó là lý do chỉ khi đạt tới bậc Thánh nào thì bạn mới biết được bậc Thánh đó
và bậc Thánh bậc cao hơn mới biết được bậc Thánh thấp hơn. Vì vậy nếu ai đó (trừ Đức Phật)
tự tuyên bố mình là bậc Thánh dù bất kể là bậc gì thì người đó là kẻ có tâm Tham đống sinh với tâm sở
Tà kiến, vì tuyên bố trái với trí tuệ thấy biết của một bậc Thánh. Nghĩa là tâm vị ấy vẫn bị ô nhiễm thô,
chưa đạt tới bậc Thánh đầu tiên (Thánh Dự Lưu). Đây là sự hoàn hảo, nhiệm màu của Pháp Bảo
ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối.
Namo Buddhaya
Thế nào là vị Tỳ Kheo được ái mộ?
Ngày này có rất nhiều nhà sư được ái mộ không phải bới những lý do rằng họ là bậc Thiện và Trí,
mà bởi những lý do rất ...kỳ lạ, như là giọng nói hay, giọng tụng kinh như hát hay, khéo xem bói toán,
nhập hồn đoán tương lai, thậm chí đơn giản vì thầy có chùa to, Phật lớn ... người Phật tử đã vội vàng
ái mộ mà không tìm hiểu tính cách họ có thực sự đáng ái mộ .
Như dưới đây Đức Phật đã chỉ dạy:
"Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ,
được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo.
Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa muốn lợi dưỡng,
không ưa muốn tôn kính,
không ưa muốn được tán thán,
có xấu hổ, có sợ hãi( tội lỗi),
ít dục và chánh kiến (hiểu biết đúng về chân lý tuyệt đối).
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng
Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo.
(Chương bảy pháp- phẩm Tài sản - Tăng Chi Bộ - HT Thích Minh Châu dịch)
Vọng bình yên
Ta chờ ròng rã một ngày
Đến đêm yên bình ngơi nghỉ
Xác thân dường đã hao gầy
Nỗi chờ dài như vạn kỷ.
Ta chờ mòn mỏi cả tuần
Mong sao tới ngày Chủ Nhật
Cuối tuần đã đến bao lần
Đời ta vẫn hoài tất bật.
Thôi thì chờ đến... cuối năm
Xa xăm.. nhưng lòng cố đợi.
Tết đến, xuân qua âm thầm
Bình yên còn xa vời vợi.
Đành hẹn lòng sang năm mới
Mọi điều chắc sẽ tốt hơn!
Hạnh phúc trốn xa tầm với
Ta chờ, chờ đến héo mòn…
Mắt sâu thẩn thờ, ngơ ngác
Bao giờ mới gặp bình yên?
Ơ hay, tóc chiều nay bạc!
Một đời… chờ trong ưu phiền.
Thôi thế kiếp này đã lỡ
Bình yên, hẹn đến đời sau!
Rồi hẹn cùng nghìn sau nữa
Ta hóa đá chờ… thiên thâu…
Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ
Gửi ý kiến của bạn