Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tác phẩm 6: Chánh Giác Tông

30/07/201613:47(Xem: 7378)
Tác phẩm 6: Chánh Giác Tông
CHÁNH GIÁC TÔNG
(BUDDHA VAṂSA)
 
 
Tỳ khưu Bửu Chơn
(Bhikkhu Nāga Thera)
---
 
Tác phẩm 6 trong quyển
Toàn tập
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG BỬU CHƠN
(NĀGA MAHĀ THERA)
 
Xuất bản năm Dl. 2016 – Pl.2559
------------

Tiểu Tựa

            Người tu Phật ai ai cũng có đức tin, nhưng nếu không rõ được rành mạch những lịch sử hoặc những hành vi của các vị Bồ tát phải hành thế nào để thành được một bậc Chánh đẳng Chánh giác và do nhờ pháp ba-la-mật (pāramita) nào đưa các Ngài qua tới bờ giác ngạn là Niết-bàn, thì đức tin ấy có khi cũng mơ hồ và có khi cũng lầm lạc.

 vậy nên tôi không nệ tài hèn học kém, ráng sao lục tóm tắt theo Tam Tạng Pāli (Tipiṭaka) bộ kinh Chánh Giác Tông (Buddhavaṃsa) và quyển Chư Bồ Tát Vị Lai (Anāgatavaṃsa) để đem lại một vài tia sáng cho các nhà tu Phật. Ai là người có chí muốn thành một bậc Chánh Biến Tri, hãy noi theo gương lành của các Ngài và thực hành theo mới mong chứng quả vị được.

Trong quyển kinh này có nhiều đoạn hơi khó hiểu hoặc không thể tin được vì oai lực và pháp ba-la-mật của một vị Phật Tổ khác thường xuất chúng và thời đại cũng khác nhau vượt qua khỏi trình độ suy nghĩ hoặc hiểu biết của phàm nhơn.

Nên khi độc giả xem quyển kinh này nên dùng đức tin mà hiểu biết rằng: “Muốn thành một vị Phật Tổ không phải dễ, không phải ai muốn cũng được, và không phải chuyện bịa đặt ra, mà trái lại phải thực hành cho đúng theo thời hạn và điều kiện nhất định và tròn đủ pháp ba-la-mật mới thành một vị Phật Tổ được.”

Với lòng bác ái,

Bhikkhu Nāga Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn

 

 ---

Namatthu ratana tayassa

Xin nghiêm thân, khẩu, ý trong sạch để làm lễ Tam bảo tóm tắt.

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Tôi xin thành kính làm lễ Đức Thế Tôn, ngài là bậc A-la-hán vô thượng, đã đắc quả Chánh Biến Tri, tam diệu tam bồ đề.

Phật ngôn:

Dhammo have rakkhati dhamacāriṃ, dhammo suciṇṇo sukhamā vahati esānisasṃo dhamme suciṇṇe na suggatiṃ gacchati dhammacārī

Người thực hành theo Pháp bảo, thì Pháp bảo hộ trì. Người hằng tích trữ pháp lành thì được sự an vui và lợi ích. Người thực hành theo Pháp bảo, thì không sanh vào cảnh khổ.

---

 

I. Mở Đầu

1. Thập độ ba-la-mật.

Trước khi giải về pháp Chánh Giác Tông, tôi xin giải tóm tắt về pháp thập độ (dasapāramī) là pháp của chư Bồ tát (chúng sanh mà giác ngộ hơn chúng sanh) (Bodhisatta) quá khứ, vị lai và hiện tại nguyện thành một bậc Chánh Biến Tri (Sammāsambuddha) đều phải thực hành theo cho tròn đủ và cho đúng thời kỳ nhất định mới chứng quả vị được.

Dasaparāmī: Mười pháp ba-la-mật hay thập độ là: dāna pāramī: bố thí ba-la-mật (đáo bỉ ngạn tới bờ bên kia là Niết-bàn); sīla pāramī: trì giới ba-la-mật; nekkhamma pāramīxuất gia ba-la-mật;paññā pāramī: trí tuệ ba-la-mật; khantī pāramīnhẫn nhục ba-la-mật; viriya pāramī: tinh tấn ba-la-mật; sacca pāramī: chân chánh ba-la-mật; adhitthāna pāramīnguyện vọng ba-la-mật; mettā pāramībác ái ba-la-mật; upekkhā pāramīxả ba-la-mật.

Trong mỗi pháp ba-la-mật trên đều chia làm ba bậc là: hạ, trung, thượng thành ra 30 pháp.

Dāna: bố thí có ba bậc:

− Dāna pāramī: bố thí bậc hạ. Karunopāya kosalla paritahitā putta dārassa paricāgo dāna pāramī nāma – Người rành mạch trong lúc tâm mình phát sanh vì lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí của cải, vợ, con, gọi là bố thí ba-la-mật bậc hạ.

– Dāna upapāramī: bố thí bậc trung. Karuṇopaya kosalla paritahitā aṅga paricāgo dāna upapāramī nāma – Người rành mạch trong lúc tâm mình phát sanh vì lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí tay, chân, thịt, mắt, mũi, mình gọi là bố thí ba-la-mật bậc trung.

− Dāna paramattha pāramī: bố thí bậc thượng. Karuṇopāya kosalla paritahitā jivita pāricāgo dāna paramattha pāramī nāma – Người rành mạch trong lúc tâm mình phát sanh vì lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí mạng sống (là cắt đầu hoặc mổ lấy tim mình mà cho kẻ khác) gọi là bố thí ba-la-mật bậc thượng.

Còn chín pháp kia khi thực hành cũng mường tượng như trên.

Chỗ nói đúng thời kỳ nhất định là: phải biết chư Bồ tát (là chúng sanh mà giác ngộ hơn chúng sanh khác, chớ không ai gọi là Phật Bồ tát bao giờ), chia ra làm ba bậc: paññādhika bodhisatta: chư Bồ tát thuộc về hạnh tuệ lực, phải tu trong bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu;saddhādhika bodhisatta: chư Bồ tát thuộc về hạnh tín lực là có nhiều đức tin, phải tu trong tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu; viriyādhika bodhisatta: chư Bồ tát thuộc về hạnh tấn lực và nhiều sự tinh tấn, phải tu trong mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu.

Trong kho tàng Pháp học – Khlaṃ Pariyati (quyển 1 trang 82) nói về sự nguyện vọng của mỗi vị Bồ tát chia ra làm ba thời kỳ:

– Chư Bồ tát thuộc về tuệ lực: thời kỳ nguyện trong tâm không nói ra lời là bảy a-tăng-kỳ, thời kỳ phát nguyện ra lời mà chưa gặp Phật nào thọ ký là chín a-tăng-kỳ, thời kỳ gặp một vị Phật thọ ký cho tới khi hành tròn đủ ba mươi pháp ba-la-mật và thành đạo là bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

– Chư Bồ tát thuộc về tín lực: thời kỳ nguyện trong tâm là mười bốn a-tăng-kỳ, thời kỳ phát nguyện bằng lời nói mà chưa gặp Đức Phật thọ ký là mười tám a-tăng-kỳ, thời kỳ gặp một vị Phật tổ thọ ký cho tới ngày thành đạo quả là tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

– Chư Bồ tát thuộc về tấn lực: thời kỳ nguyện trong tâm là hai mươi tám a-tăng-kỳ, thời kỳ phát nguyện bằng lời nói mà chưa gặp một vị Phật thọ ký là ba mươi sáu a-tăng-kỳ, thời kỳ gặp một vị Phật tổ thọ ký cho tới ngày thành đạo quả là mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

Tất cả chư Bồ tát trên đây nếu nói tóm lại thì chỉ còn có hai bậc là:

– Aniyata Bodhisatta - Bất định Bồ tát: là chư Bồ tát chưa thành tựu được nguyện vọng, là chư Bồ tát nào đã nguyện trong tâm hoặc nói ra nhưng mà chưa gặp được một vị Phật tổ nào thọ ký cho thì chưa chắc sẽ thành một bậc Chánh giác được.

– Niyata Bodhisatta - Nhất định Bồ tát: là chư Bồ tát đã thành tựu được nguyện vọng là Bồ tát đã được nhiều hoặc một vị Phật tổ thọ ký, chắc chắn sẽ thành Chánh giác trong ngày vị lai.

           

            2. Samodhāna dhamma - tám pháp tròn đủ.

            Chư Bồ tát phải có tròn đủ tám pháp như sau: manussattaṃ: phải là loài người chớ không phải trời hay thú; liṅga sampatti: phải là nam nhân chớ không phải là phụ nữ hay là bán nam bán nữ; hetu: có đủ duyên lành có thể đắc quả A-la-hán trong kiếp ấy (ví dụ như đạo sĩ Sumedha là Bồ tát tiền thân Phật tổ Thích Ca); satthāra dassanaṃ: gặp được Đức Phật ra đời và được làm một điều phước thiện nào tới Đức Phật ấy; pabbajjā: phải  người xuất gia; guṇa sampatti: phải đầy đủ những pháp của bậc cao nhơn là có ngũ thông và bát thiền; adhikāro: đã được làm phước báu cao thượng là bố thí mạng sống mình và vợ con mình do tâm nguyện cho thành Chánh giác; chandatā: phải có ý nguyện đầy đủ quyết cho thành được một bậc Chánh giác dầu cho khó khăn, khổ sở thế nào cũng không nao núng và thối chuyển.

Chư Bồ tát nào có tròn đủ tám pháp trên đây, thì mới được chư Phật thọ ký cho và từ ấy mới gọi là Niyata Bodhisatta, là Bồ tát chắc chắn sẽ thành Chánh giác không sai.

 

3. Buddha bhūmi – bốn pháp căn cứ của chư Bồ tát đã được thọ ký.

Bốn pháp căn cứ của chư Bồ tát đã được thọ ký: ussāha: rất siêng năng dõng mãnh trong sự làm điều thiện; ummagga: có trí tuệ phân biệt thiện ác, để xa lánh điều dữ và hành theo điều lành;avatthāna: có chí quả quyết và cứng rắn là khi đã làm một điều thiện nào thì không hề thối chuyển và ráng làm cho tới thành tựu; hitacariyā: khi làm một việc nào thì toàn là việc hữu ích cho mình và cho kẻ khác.

Chư Bồ tát đã được thọ ký mỗi khi làm một việc chi đều lấy 4 pháp trên để làm căn cứ cho tâm mình.

 

            4. Ajjhāsaya - sáu khuynh huớng của Bồ tát.

            Chư Bồ tát đã được thọ ký đều có sáu khuynh hướng: alobhajjhāsaya: có khuynh hướng không tham, và luôn luôn có tác ý muốn dứt bỏ của cải mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác;adosajjhāsaya: có khuynh hướng không sân, và luôn luôn có tâm từ bi đối với kẻ khác;amohajjhāsaya: có khuynh hướng không si, là có trí tuệ suy xét rõ rệt rồi mới tin;nekkhammajjhāsaya: có khuynh hướng muốn xuất gia, và có ý dứt bỏ các sự thương mến;pavivekajjhāsaya: có khuynh hướng ở nơi thanh vắng, và có ý muốn xa lánh các bè bạn và nơi hội họp đông đảo; nissaranajjhāsaya: có khuynh hướng muốn giải thoát khỏi ái dục, phiền não và sự khổ não của cõi thế gian.

Chư Bồ tát đã được thọ ký rồi thì luôn luôn có những tư cách và nết hạnh đã kể trên.

 

            5. Acchariya dhamma – bảy pháp xuất chúng của chư Bồ tát đã được thọ ký[1]

– Pāppatikutha citto: có tâm gớm ghê điều xấu xa tội lỗi, là tâm của Bồ tát đã được thọ ký rồi thì hổ thẹn và ghê sợ điều tội lỗi cũng như người bị phỏng lửa, thấy lửa ghê sợ vậy.

– Pasārana citto: có tâm vui thích theo điều thiện, là tâm của Bồ tát lúc nào cũng vui tươi thỏa thích đến điều lành việc phải, một khi đã làm điều thiện nào thì sốt sắng vui vẻ làm cho đến khi được thành tựu không bao giờ bỏ dở.

– Adhimutta kālakiriyā: tâm nguyện ngưng tuổi thọ đã nhứt định, là khi Bồ tát sanh về cõi trời thấy tuổi thọ sống lâu theo các cõi trời làm cho ngưng trệ sự tạo pháp ba-la-mật để độ chúng sanh ở thế gian, Ngài bèn nguyện cho tuổi thọ ở cõi trời ấy cho giảm đi để sanh xuống trần gian độ đời, liền khi ấy tuổi thọ giảm bớt và sanh liền xuống cõi thế gian.

– Visesajanattaṃ: là một bậc khác thường hơn tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ, vì tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ thì ngồi chồm hổm, hai tay nắm lại đỡ cằm, mặt day vào lưng mẹ, đầu đội đồ mẹ mới ăn vào, mình ngồi trên vật thực cũ dơ dáy gớm ghê, còn Bồ tát thì ở trong bụng mẹ rất sạch sẽ, mặt day ra phía trước, ngồi xếp bằng như vị pháp sư.

– Tikālaññū: có sự ghi nhớ và biết rõ ba thời kỳ, khi kiếp chót sẽ thành đạo thì: khi đầu thai vào lòng mẹ, biết rõ ta đầu thai vào lòng mẹ, khi ở trong bụng mẹ cũng biết rõ đương ở trong bụng mẹ, lúc sanh ra khỏi lòng mẹ cũng biết rõ đương sanh ra khỏi lòng. Còn chư Phật Độc giác và hai Thượng Thinh văn thì chỉ biết trong hai thời kỳ, trừ lúc ra khỏi lòng mẹ thì không biết, còn 80 vị đại A-la-hán thì chỉ biết có một thời kỳ là lúc vào thai bào mà thôi.

– Pasūtikālo: khi sanh ra thì Phật mẫu đứng sanh. Lúc ấy Bồ tát xuôi hai tay xuống và tuột ra, cũng như vị pháp sư từ trên pháp tọa đi xuống vậy.

– Massuna jatiyo: sanh ra trong loài người là tất cả chư Bồ tát khi kiếp cuối cùng sẽ thành Chánh Giác thì sanh ra làm người, chớ không phải trời hoặc là súc sanh. Nếu sanh làm trời mà thành đạo thì loài người lại thối thác kiếm cớ cho là trời mới tu thành Phật được, còn nếu sanh làm súc sanh thì loài người cho thấp hèn hơn mình cũng không chịu tu theo, nên chư Bồ tát mới sanh ra làm người để độ Chư Thiên, loài người và súc sanh cũng được. Hơn nữa khi làm người lúc nhập Niết-bàn mới có xá lợi lại cho Chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường.

Bảy pháp trên đây là xuất chúng (lạ thường) của chư Bồ tát đã được thọ ký.

            Tất cả chư Bồ tát đã giải trên đây đều phải thực hành theo mười pháp ba-la-mật đúng theo khuôn khổ nhất định của thời kỳ và đã được một vị Phật tổ thọ ký, tiên tri cho biết trước rằng còn bao nhiêu năm, tháng, ngày .v.v... sẽ thành môt vị Phật tổ, chừng ấy mới gọi là “Bồ tát thật” và thế nào cũng đắc quả Chánh Biến Tri không sai vậy.

 

            6. Giải về a-tăng-kỳ (asaṅkhāya).

            Một hôm có vị tỳ-khưu bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, một a-tăng-kỳ là bao lâu? Phật giải rằng: không thể nói là bao nhiêu năm được, chỉ ví dụ cho hiểu thôi.

Theo trong Tam tạng (quyển 32 chương 86), ví dụ như có một khối đá vuông vức một do tuần (16 cây số) trong một trăm năm có một vị Thiên xuống, lấy tấm lụa thật mỏng quét khối đá ấy, rồi cách một trăm năm sau cũng quét như thế, cho tới khi nào khối đá ấy bằng mặt đất thì mới gọi là một a-tăng-kỳ.

Hoặc ví dụ như một cái thùng vuông vức một do tuần đầy hột cải, trong một trăm năm mới có một vị Chư Thiên tới lấy ra một hột, rồi cách một trăm năm sau lấy ra một hột nữa, lần lượt như thế cho đến khi lấy hết những hột cải trong thùng ấy mới gọi là a-tăng-kỳ.

Hay là viết một con số 1 rồi thêm một trăm bốn mươi con số 0 (zeros) nữa cũng gọi là một a-tăng-kỳ, đây là a-tăng-kỳ của kiếp trái đất chớ không phải là năm.

 

            7. Kiếp (kappa): một thời gian.

        Chỗ nói kiếp có bốn là thành, trụ, hoại, không.

Bắt đầu từ khi quả địa cầu cấu tạo lên đầu tiên như bọt nước rồi dần dần đặc lại như bột và cứng như đất thật lâu, không thể kể được là bao nhiêu năm tháng nhưng chưa có ai ở (sanh) trên mặt địa cầu gọi là kiếp thành.

Bắt đầu từ khi có một người đầu tiên sanh vào quả địa cầu cho tới khi người ta sanh ra vô số như hiện nay gọi là kiếp trụ.

Bắt đầu từ khi trên mặt địa cầu không còn ai ở (sanh) nữa cho tới khi nước bể cả khô khan vì sức nóng của ánh thái dương rồi cháy luôn quả địa cầu đi gọi là kiếp hoại.

Bắt đầu từ khi quả địa cầu đã tiêu hoại chỉ còn khí hư, u u, minh minh, không không vô cùng vô tận cho tới khi cấu tạo nên quả địa cầu khác gọi là kiếp không.

            Bốn kiếp kể trên đây nhập lại thành 1 đại kiếp, mà chư Bồ tát phải thực hành pháp ba-la-mật cho đúng thời kỳ nhất định của những đại kiếp ấy.

II. Chánh Giác Tông

Nguyên nhân của sự giải thích về Chánh Giác Tông.

            Một hôm Đại đức Xá-Lợi-Phất ở trên núi Gijjhakūṭa tại xứ Vương Xá (Rajāgaha) cùng năm trăm vị tỳ-khưu đều là bậc A-la-hán cả, thấy Đức Phật đang dùng phép thần thông hoá đường đi kinh hành bằng ngọc trên hư không gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavathu), trong người Phật phóng hào quang sáu màu sáng ngời rực rỡ, có cả Chư Thiên và Phạm Thiên trong mười ngàn thế giới ta bà đang chầu chực tại chỗ Đức Phật đi kinh hành.

Đại đức Xá-Lợi-Phất nghĩ rằng: Đức Phật vô cùng oai hùng và cao thượng hơn tất cả Chư Thiên và Phạm Thiên, không biết oai lực quý báu của chư Phật quá khứ ra sao? Ông bèn mời năm trăm vị A-la-hán cùng đi với ông đến xin Đức Phật giảng giải cho biết oai lực của chư Phật quá khứ, liền khi ấy năm trăm vị A-la-hán cùng ông dùng thần thông bay tới chỗ Đức Phật đi kinh hành và bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài mở lòng bác ái giảng giải về oai lực của chư Phật quá khứ để đem lại đức tin và sự lợi ích cho tất cả Chư Thiên và nhân loại... Tùy lời hỏi, Đức Thế Tôn bèn giảng như sau.

 

Hai mươi tám vị Phật quá khứ.[2]

            Đức Phật giảng rằng: Này Xá-Lợi-Phất! Trong một thời gian quá khứ, trải qua một a-tăng-kỳ kiếp không có Đức Phật nào ra đời tế độ sanh linh. Một hôm có một người lái thuyền tên Mātudāra māṇava bị thuyền đắm giữa bể khơi, y ráng sức cõng mẹ trên lưng lội dưới bể trong bảy ngày, mặc dầu mệt nhọc vô cùng, vẫn can đảm hy sinh vì mẹ, làm cảm động một vị Đại Phạm Thiên. Ngài bèn xui khiến cho người lái thuyền phát tâm trong sạch nguyện thành một bậc Chánh giác để độ chúng sanh thoát khỏi sông mê bể khổ. Từ đó người lái thuyền trở thành một vị Bồ tát, để tập sự nguyện trong tâm trọn bảy a-tăng-kỳ rồi phát nguyện bằng lời nói, tu tập thêm chín a-tăng-kỳ cho tới khi gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra) thọ ký và tiên tri cho biết rằng còn bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu nữa sẽ thành một vị Chánh đẳng Chánh giác tên Gotama. Đức Bồ tát trên đây là tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng ta đang học và hành theo giáo lý của Ngài vậy.

            Có một kiếp Bồ tát tu làm đạo sĩ, cùng năm trăm học trò ẩn tu nơi rừng núi. Một hôm ngài ra mé núi thấy dưới hố sâu có con cọp mẹ gầy ốm, đương dợm ăn cho con đỡ đói. Vị đạo sĩ thấy vậy động lòng thương xót, liền kiếm cớ biểu học trò về, rồi ngài gieo mình xuống hố, thí thân cho cọp mẹ ăn. Khi người học trò lớn trở lại kiếm, biết thầy mình đã bố thí thân mạng cho cọp ăn, cũng nhảy theo xuống hố làm mồi cho cọp. Người học trò ấy tức là Đức Phật Di Lặc trong ngày vị lai.

            Cách đây độ hai mươi a-tăng-kỳ, có một người em gái[3] của Đức Phật Purāṇa Dīpaṅkāra, có lòng trong sạch đem dầu cúng dường Phật, rồi nguyện thành một vị Chánh giác và xin Phật thọ ký cho. Phật giải rằng: vì em là phụ nữ nên không thể nguyện thành Phật được, chờ mười sáu a-tăng-kỳ nữa em sẽ thành đàn ông rồi chừng ấy sẽ có Phật thọ ký cho.

Nhân đó Đức Phật mới giảng cho các thầy Tỳ-khưu nghe bốn điều khó là: khó sanh được làm người, phụ nữ khó sanh làm nam nhân, làm nam nhân khó được xuất gia, khó gặp Phật ra đời.

Khó gặp Đức Phật ra đời, vì muốn nguyện thành một vị Phật phải có sự can đảm đại hùng đại lực, ví dụ như, những lưỡi gươm bén để dầy đặc trên mặt địa cầu, hoặc ví như mảnh sắt thật bén dựng chật cả địa cầu, hoặc như những khúc sắt cháy đỏ đầy trên địa cầu, người có đủ can đảm dấn mình hoặc chạy vào cho tới trung tâm quả địa cầu, hoặc dám lóc thịt bố thí cho dạ xoa để đầy những quả địa cầu, hoặc cắt đầu mình mà bố thí nhiều hơn những cục đá trong trái núi, hoặc khoét mắt mình bố thí nhiều hơn sao trên trời, và phải hành theo pháp thập độ cho đúng theo thời hạn nhất định thì mới mong thành một vị Phật Tổ được.

Còn phụ nữ khó sanh làm nam nhân, vì phải có nhiều duyên lành phước báu mới có thể sanh làm nam nhân được, phụ nữ không thể nào nguyện thành một vị Chánh đẳng Chánh giác, Độc giác Phật, hoặc là Chuyển luân vương Bồ tát được. Phụ nữ muốn sanh làm nam nhân phải ráng tu hành tinh tấn, thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới hoặc xuất gia trọn đời xa lánh tình dục, gìn vẹn trinh tiết.

Khó sanh làm người vì phải tạo nhiều phước báu cao thượng, mà chúng sanh lại ưa làm tội hơn làm phước, bởi tội dễ làm hơn phước. Trong kinh có câu: Vạn kiếp nan sanh đắc cá nhân - Muôn kiếp khó sanh được làm người.

Khi được phước lành cấu tạo sanh ra nam nhân thì lại quên căn lành, say đắm theo ngũ trần lục dục, quyến luyến theo vợ con gia đình nên khó mà ly gia cắt ái để xuất gia tu hành cho được.

 

Đức Thích Ca Mâu Ni giảng giải cho Đại đức Xá-Lợi-Phất rằng: cách đây bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp có bốn Đức Phật tổ nối tiếp ra đời trong quả địa cầu.

            1. Vị Phật thứ nhất tên Taṇhaṅkāra, Ngài tu mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, đắc đạo dưới gốc cây bông sứ, sau bảy ngày hành đạo, tuổi thọ mười muôn năm.

            2. Vị Phật tổ thứ hai tên Medhaṅkāra, tu tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, hành đạo trong nửa tháng đắc đạo quả, dưới cây vông đồng, tuổi thọ chín muôn năm.

            3. Vị Phật tổ thứ ba tên Saraṇaṅkāra, tu tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, hành đạo trong một tháng, đắc đạo quả, dưới cây cẩm lai (chrâneang). Tuổi thọ lúc Ngài còn ở thế gian là bảy ngàn năm, tuổi thiệt không rõ là bao nhiêu vì trong kinh không thấy nói tới.

Bồ tát tiền thân Phật tổ Thích Ca sanh ra đều có gặp ba vị Phật tổ trên đây, nhưng chưa được lời tiên tri của vị nào thọ ký cho.

            4. Vị Phật tổ thứ tư tên Dīpaṅkāra ra đời tại xứ Rammavatī, cha Ngài tên Atisarasudeva, mẹ tên Sumedhā, vợ tên Padumā, con trai tên Usabha-khandha, lúc còn ở thế có ba muôn cô hầu.Một hôm đi dạo ngoài thành thị thấy bốn điềm là: người bịnh, người già, người chết và người tu, rồi chán nản xuất gia hành đạo trong bảy ngày, đắc đạo dưới cây sơn, tuổi thọ mười muôn năm, bốn mươi muôn Thinh Văn đệ tử của Ngài đều đắc lục thông, luôn luôn theo hầu ngài. Đại đứcSumaṅgala là Thượng Thinh văn phía mặt, Đại đức Mahātissa là Thượng Thinh văn phía trái. Tỳ khưu ni Nandā là nữ Thượng Thinh văn bên mặt. Tỳ khưu ni Sunandā là nữ Thượng Thinh văn bên trái. Đại đức Sagata là đệ tử hầu hạ luôn theo Phật. Có hai đại thiện nam là Tapussa và Bhallika, và hai đại tín nữ là Sirimā và Sonā. Phật cao bốn mươi thước (tám mươi hắc tay), có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ.

Ngài độ Chư Thiên và nhân loại đắc đạo quả Niết-bàn vô số kể. Khi đúng tuổi thọ, Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Nandārāma. Người ta làm một bảo tháp cao ba mươi sáu do tuần để thờ xá lợi Ngài, và một bảo tháp nữa thờ tám món cần thiết của Ngài như: ba lá y, một bát, một sợi dây lưng, một bình lọc nước, một con dao nhỏ để cạo tóc hoặc cắt móng tay, và một ống đựng kim tại cây sơn chỗ Ngài thành đạo. Ngài thuộc dòng vua, tu mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất. Sau khi nhập diệt rồi, giáo pháp Ngài lưu truyền được một trăm ngàn năm.

Bảo tọa chỗ Ngài thành đạo bề cao hai mươi sáu thước (năm mươi ba hắc tay). Thuở ấy, đức Bồ tát Sumedha, tiền thân của Phật Thích Ca, sanh làm con của một đại phú bà-la-môn. Khi cha mẹ qua đời, Bồ tát thừa hưởng một gia tài tích trữ từ bảy đời. Thấy của cải vô số, Bồ tát bèn suy nghĩ: “Ông bà, cha mẹ ta dày công lập ra một sự nghiệp đồ sộ, mà khi lâm chung chẳng một ai đem theo một đồng một cắt nào, của thế đành để lại cho thế gian. Ta đây cũng vậy, một ngày kia rồi cũng chết để lại của cải này. Rất uổng công tìm kiếm miên trường, thà đem của cải này làm việc phước thiện gieo trồng âm đức cho kiếp vị lai”. Nghĩ xong, bèn vào tâu vua, xin đem hết tài sản ra bố thí cho người nghèo khó, rồi xuất gia vào non Tuyết lãnh cố công tu hành, không bao lâu đắc được các cõi thiền luôn cả các pháp thần thông. Bồ tát thấy những triệu chứng báo điềm Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra) ra đời, và thừa dịp dân chúng trong xứ Rammavatī sửa sang đường sá để thỉnh Đức Phật và bốn mươi muôn tăng chúng quang lâm đến chùa Sudassana Mahāvihāra dự lễ trai tăng. Đức Bồ tát bay đến xin lãnh một phần công việc. Biết Bồ tát có nhiều thần thong, dân chúng bèn lựa những chỗ khó khăn, hư hỏng đầy những bùn lầy. Đạo sĩ vẫn vui lòng lãnh lấy vì nghĩ rằng: “Nếu ta dùng thần thông mà làm công việc thì không mấy gì được phước nhiều, vậy ta nên dùng sức lực mới có công đức nhiều hơn”. Nghĩ xong, Bồ tát bèn ra công lấp đường, cặm cụi làm mãi, đến giờ Đức Phật và chư Tăng ngự tới thì còn một khoảng chưa xong. Trông thấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ, hào quang sáng rỡ của Đức Phật, Bồ tát bèn phát tâm trong sạch nghĩ rằng: lúc này là lúc ta nên bố thí mạng sống ta cho Đức Phật và chư Tăng. Nghĩ rồi liền nằm chỗ khoảng đường làm chưa xong và bạch với Đức Phật xin bố thí thân mạng cho Ngài và chư Tăng đi trên mình và nguyện thành một vị Phật tổ trong ngày vị lai để tế độ chúng sanh qua khỏi sông mê bể khổ. Lúc ấy Đức Phật Dīpaṅkāra ngự tới đứng trước đầu đạo sĩ Sumedha, thọ ký và tiên tri cho rằng, vị đạo sĩ nguyện bố thí thân cho Như Lai đây, sau này trong bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama, tại xứ Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavathu), cha tên Suddhodana, mẹ tên Māyā, v.v... sẽ hành đạo trong 6 năm mới thành Chánh quả dưới cội cây Bồ đề. Khi Bồ tát được nghe lời thọ ký của Đức Phật Nhiên Đăng, Ngài bèn lấy 8 cành hoa cúng dường cùng chư Tăng đi chung quanh mình Bồ tát, Chư Thiên và dân chúng cũng cúng dường Bồ tát rất long trọng.

Sau khi Đức Phật Dīpaṅkāra nhập diệt rồi, một thời gian một a-tăng-kỳ đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

           

5. Kế đó Đức Phật Koṇḍañña đã tu mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, giáng sanh tại xứ Rammavatī, cha tên Sunanda mẹ tên Sujātā, dòng vua, khi Ngài xuất gia đi bằng xe có cả trăm triệu người đồng xuất gia đi theo Ngài hành đạo trong mười tháng đắc đạo dưới gốc cây thị, bảo tọa bề cao hai mươi sáu thước, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Phật bốn mươi bốn thước. Đại đức Anuruddha là đệ tử hầu hạ bên cạnh Đức Phật, Đại đức Bhadda và Đại đức Subhadda là Thượng Thinh văn, tỳ khưu ni Tissā và Upatissā là Thượng Thinh văn phái nữ.

Trong thời kỳ ấy, đức Bồ tát, tiền thân Phật tổ Thích Ca sanh làm Chuyển luân vương tên là Virāja, xuất của cải ra thật nhiều cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng, Đức Phật bèn tiên tri cho biết rằng, còn ba a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, Bồ tát sẽ thành một vị Phật tên là Gotama. Khi đúng tuổi thọ Đức Phật Koṇḍañña nhập Niết-bàn, giáo pháp Ngài lưu truyền mười muôn năm mới mãn.

Sau khi Đức Phật Koṇḍañña nhập diệt rồi thì trong thời gian một a-tăng-kỳ kiếp không có Đức Phật nào ra đời cả.

           

Sau thời kỳ đó có bốn vị Phật tổ, lần lượt ra đời trên một quả địa cầu.

            6. Vị thứ nhất tên Sumaṅgala, Ngài tu mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, cha tên là Uttararāja, mẹ tên Uttarā. Khi từ cung trời Đâu Xuất đầu thai vào lòng mẹ thì hào quang chiếu sáng cả ngày và đêm lối 5 thước chung quanh mình Phật mẫu luôn luôn. Từ khi vào thai bào, thì Chư Thiên luôn luôn gìn giữ cho đúng mười tháng tới khi sanh. Lớn lên có chín ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Ngài ở thế làm vua chín ngàn năm rồi mới xuất gia, lúc ra đi cưỡi ngựa có cả 30 triệu người xuất gia theo. Ngài hành đạo trong tám tháng đắc quả dưới cây mù u, bảo tọa Ngài ngồi bề cao hai mươi chín thước. Hào quang trong mình Đức Phật phóng ra luôn luôn sáng cả ngày lẫn đêm tới mười ngàn thế giới Ta bà đều vàng ánh. Ngài bề cao bốn mươi thước, tuổi thọ chín muôn năm.

Đức Bồ tát kiếp ấy sanh làm bà-la-môn đại phú tên là Suruci phát tâm trong sạch thỉnh Đức Phật và một trăm ngàn triệu chư Tăng, trai tăng trong bảy ngày, cất rạp lớn mười sáu do tuần vuông vức. Sau bảy ngày rồi, Đức Phật Sumaṅgala tiên tri rằng còn hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa người sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi Bồ tát nghe được lời thọ ký của Đức Phật rất vui mừng, rồi xin xuất gia tu hành theo Phật. Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn, người ta thiêu xác Ngài rồi làm một bảo tháp cao ba mươi do tuần để thờ xá lợi Ngài, giáo pháp Ngài hưng thạnh đến chín muôn năm mới mãn.

            7. Phật tổ thứ nhì tên Sumana giáng sanh tại xứ Mekhata, cha tên Sudatta, mẹ tên Sirimā, Ngài xuất gia đi bằng tượng có ba trăm triệu người xuất gia theo, hành đạo trong mười tháng thì đắc quả, thành đạo dưới cây mù u, bảo tọa Ngài ngồi cao mười lăm thước, chư Tăng luôn luôn tám muôn triệu theo tùy tùng tuổi thọ chín muôn năm, bề cao bốn mươi lăm thước.

Lúc ấy Bồ tát sanh làm Long vương tên là Atulanāga có thần thông quảng đại, dẫn hết cả tùy tùng mình lên làm lễ Phật và chư Tăng xong rồi xin dâng y thần cho Phật và chư Tăng. Đức Phật tiên tri cho biết rằng còn hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ thì Đức Phật Sumana nhập Niết-bàn tại chùa Angārāma, người ta thiêu xác Ngài rồi làm một bảo tháp cao bốn do tuần để thờ xá lợi Ngài, sau khi nhập diệt rồi, giáo pháp Ngài được hưng thạnh đến chín muôn năm.

                8. Phật tổ thứ ba tên Revata giáng sanh tại xứ Sudhaññavatī, cha tên Vipula, mẹ tên Vipulaya. Lúc còn Bồ tát có tới ba mươi ba ngàn mỹ nữ hầu hạ, Ngài hưởng ngôi vua sáu ngàn năm. Thấy bốn điềm rồi xuất gia, lúc xuất gia đi bằng xe giá, có mười muôn triệu người đồng xuất gia theo Ngài, hành đạo bảy tháng, đắc đạo dưới cây mù u, bảo tọa Ngài ngồi bề cao hai mươi lăm thước, tuổi thọ sáu muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước.

Lúc ấy Bồ tát sanh vào dòng Bà-la-môn tên Atideva, khi vào nghe pháp, phát tâm trong sạch quy y và thọ trì ngũ giới rồi dâng y cho Phật.

Đức Phật tiên tri cho biết rằng, còn hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama. Khi đúng tuổi thọ Đức Phật Revata nhập Niết-bàn còn để lại giáo pháp tới sáu muôn năm mới mãn.

            9. Đức Phật thứ tư tên Sobhita giáng sanh tại xứ Sudhammā, cha tên Dhammajātā, mẹ tên Sudhammā, Ngài hành pháp ba-la-mật đã được bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Lúc còn thái tử có bảy muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi mới chán nản xuất gia, hành đạo trong bảy ngày rồi đắc đạo dưới cội cây Bồ đề.

Lúc Ngài xuất gia, nguyện cho đền đài đều bay theo Ngài, tới gốc cây Bồ đề rồi hạ xuống, Đức Phật khi đắc đạo cũng ở trong đền ấy. Hào quang trong mình Phật chiếu sáng rải ra khắp nơi tuổi thọ chín muôn năm, bề cao hai mươi chín thước.

Lúc ấy Bồ tát sanh ra trong dòng Bà-la-môn tên Sujāta, vào nghe pháp rồi quy y giữ giới và bố thí, trai tăng cho Đức Phật và chư Tăng bảy ngày, Đức Phật tiên tri cho biết rằng, còn hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp thì người sẽ thành một vị Phật tổ. Khi đúng tuổi thọ rồi Đức Phật Sobhita nhập Niết-bàn tại chùa Sihārāma giáo pháp Ngài không có để lại.

Sau khi Đức Phật Sobhita rồi cách một thời gian sau một a-tăng-kỳ đại kiếp không có vị Phật tổ nào giáng sanh độ thế.

           

Sau đó, trên một quả địa cầu khác có ba vị Phật ra đời là: Anomadassī, Paduma, Nārada.

            10. Vị thứ nhất tên Anomadassī, tu trong mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Ngài giáng sanh tại xứ Candavatī, cha tên Yasavā, mẹ tên Yasodharā. Trong lúc giáng sanh vào lòng mẹ thì hào quang phóng ra bốn mươi thước chung quanh mình hoàng hậu Yasodharā, lúc Bồ tát thoát khỏi lòng mẹ thì có bảy ngọc báu từ trên hư không rớt xuống chung quanh mình hoàng hậu vô số kể. Khi lớn lên làm vua có hai mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi đi dạo vườn hoa thấy bốn điềm rồi xuất gia, có ba mươi triệu người đồng lượt xuất gia theo Ngài, hành đạo trong mười tháng mới đắc đạo dưới gốc cây gòn rừng, bảo tọa cao mười chín thước, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Ngài hai mươi chín thước.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm chúa Dạ xoa (Yakkha) có mười ngàn dạ xoa khác tùy tùng hầu hạ. Nghe Đức Phật ra đời bèn trong sạch hoá thần thông thành ra đền đài bằng bảy thứ ngọc, rồi thỉnh Phật và chư Tăng cúng dường trong bảy ngày. Đức Phật tiên tri rằng còn một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa thì người sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Đức Phật Anomadassī hào quang luôn luôn phóng ra chung quanh mình Phật mười hai do tuần cả ngày và đêm. Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn, xá lợi Ngài không có bể nhỏ ra mà còn dính nguyên nhau như tượng hình Đức Phật bằng vàng vậy, người ta tạo một Bảo tháp cẩn bằng bảy thứ ngọc bề cao hai mươi lăm do tuần để thờ xá lợi Ngài tại Buddhārāma.

            11. Đức Phật thứ nhì tên Paduma, giáng sanh tại xứ Camapaka, cha tên Asama, mẹ tên Asamādevī. Khi lớn lên làm vua có ba mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi Ngài thấy bốn điềm rồi xuất gia, lúc đi bằng xe giá có mười triệu người xuất gia theo, hành đạo trong tám tháng thì đắc quả dưới gốc cây mã tiền, bề cao bảo tọa mười chín thước, hào quang của Phật luôn luôn phóng ra lối hai mươi chín thước sáng ngời như ngọc cho tới khi Ngài nhập diệt.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm chúa sư tử hầu gặp Đức Phật nhập đại định phát tâm trong sạch đứng hầu Phật trong bảy ngày đêm nhịn ăn uống. Khi xả định, Phật tiên tri với chư Tăng rằng con sư tử hầu này còn một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Khi đúng tuổi thọ rồi Ngài nhập Niết-bàn và nguyện cho xá lợi tiêu tan ra tro bụi hết nên không có tạo tháp để thờ và cũng không để giáo pháp lại.

            12. Đức Phật thứ ba tên Nārada, tu mười pháp ba-la-mật trong bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp giáng sanh tại xứ Dhaññavatī, cha tên Vījitavā làm Chuyển luân vương, mẹ tên Anomā. Khi chưa thành đạo Ngài làm vua chín ngàn năm, có một trăm hai mươi muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ, khi Ngài thấy bốn điềm rồi xuất gia, lúc ra đi có cả quân binh bốn hạng tuỳ tùng, Ngài hành đạo trong bảy ngày, đắc đạo dưới cây Gáo, bảo tọa cao hai mươi chín thước, tuổi thọ chín muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi bốn thước. Hào quang Ngài phóng ra luôn luôn một do tuần cả ngày đêm chung quanh Phật.

Thuở ấy, Bồ tát tu hạnh đạo sĩ nơi Tuyết Lãnh sơn (Hy Mã Lạp sơn), Đức Phật ngự đến, đạo sĩ bèn hoá thần thông cho tịnh xá rộng lớn đủ chỗ thỉnh Phật và chư Tăng làm phước trai tăng bảy ngày (Ngài hay qua xứ Bắc Cưu Lưu Châu đem vật thực về) khi đúng bảy ngày rồi, Bồ tát nghe pháp xong dâng trầm hương cho Đức Phật.

Đức Phật tiên tri cho biết rằng, còn một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa thì người sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ chín muôn năm Ngài nhập đại Niết-bàn tại chùa Sudassanārāma, người ta tạo một bảo tháp bề cao bằng bốn lằn chim bay để thờ xá lợi Ngài, giáo pháp Ngài lưu truyền đến chín muôn năm.

Khi Đức Phật Nārada nhập diệt rồi, cách một thời gian một a-tăng-kỳ kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

           

13. Kế sau đó một quả địa cầu chỉ có một vị Phật tổ tên Padumuttara giáng sanh tại xứ Haṃsavātī, cha tên Ānanda, mẹ tên Sujātā, khi lớn lên còn ở thế gian chín ngàn năm có mười muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ, khi thấy bốn điềm rồi thì chán nản, suy nghĩ để xuất gia. Lúc ấy đền đài Ngài đang ngự bỗng bay lên không trung, khi tới cây Bồ đề hạ xuống Ngài bèn xuất gia nơi ấy, Ngài hành đạo bốn mươi chín ngày, thành đạo dước gốc cây dương, bảo tọa cao mười chín thước, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao hai mươi chín thước. Mỗi khi Đức Phật ngự đi đâu đều có bông sen mọc lên đỡ bàn chân Ngài, nên người gọi Ngài là Đức Phật Hoa Sen (Bửu Liên Phật).

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm bá hộ Jatila, thỉnh Phật và chư Tăng thọ thực dâng y cho Phật và chư Tăng, nghe Đức Phật thuyết pháp, khi dứt thời pháp Đức Phật tiên tri cho biết rằng: còn một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật Padumuttara nhập Niết-bàn tại chùa Nandārāma, xá lợi Ngài không bể rời ra mà đóng lại thành khối như vàng ròng, người ta tạo một bảo tháp bằng bảy thứ báu cao mười hai do tuần để thờ xá lợi ngài.

Sau khi Đức Phật Padumuttara nhập Niết-bàn rồi thì một thời gian bảy muôn đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

           

Kế đó có một quả địa cầu có hai vị Phật tổ ra đời.

            14. Vị thứ nhất tên là Sumedha giáng sanh tại xứ Sudasana, cha tên Sudasarnāja, mẹ tên Sudattā, khi còn ở thế chín ngàn năm làm vua trị vì thiên hạ, có bốn muôn tám ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi Ngài thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, lúc ra đi bằng tượng (voi) có cả một ngàn triệu người đồng lòng xuất gia một lượt. Ngài hành đạo trong tám tháng, khi đúng rằm tháng tư Ngài thành đạo dưới gốc cây sầu đông, tuổi thọ chín muôn năm, bề cao bốn mươi bốn thước hào quang trong mình Phật phóng ra lối một do tuần luôn luôn cả ngày đêm như ngọc ma ni.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm người đại phú hộ tên là Uttara gặp Phật nghe pháp rồi phát tâm trong sạch bố thí của cải tám trăm triệu để làm phước trai tăng tới Đức Phật và chư Tăng. Phật thọ ký cho biết rằng còn ba muôn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Medhārāma, Ngài nguyện cho xá lợi tiêu tan hết, nên không có tạo bảo tháp để thờ.

            15. Vị Phật thứ nhì tên Sujāta, giáng sanh tại Sumangala. Cha tên Uggatta, mẹ tên Pabhāvatī. Khi còn ở thế gian chín ngàn năm, làm vua có cả hai mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ, khi Ngài thấy bốn điềm rồi xuất gia. Lúc đi ra bằng ngựa có cả mười triệu người xuất gia theo một lượt với Ngài, hành đạo trong chín tháng đắc đạo dưới bụi tre ngà, bảo tọa bề cao mười sáu thước, tuổi thọ chín muôn năm, bề cao Ngài hai mươi lăm thước.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm Chuyển luân vương có bảy báu, nghe Đức Phật ra đời trong sạch đến nghe Pháp, khi nghe xong liền dâng cả bảy báu và của cải để làm tứ vật dụng cho Đức Phật và chư Tăng, rồi xuất gia tu hành theo Phật. Đức Phật tiên tri cho biết rằng: còn ba muôn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn tại chùa Selārāma, người ta tạo một bảo tháp bề cao mười hai cây số để thờ xá lợi Ngài.

Sau khi Đức Phật Sujāta nhập diệt rồi, có một thời gian một muôn sáu ngàn đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

 

Sau đó có một quả địa cầu, có ba Đức Phật ra đời.

16. Vị thứ nhất tên Piyadassī giáng sanh tại xứ Sudhaña, cha tên Sudata, mẹ tên Candādevī. Lúc còn ở thế có ba mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ khi Ngài thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia. Lúc ra đi bằng xe, tất cả quan quân tùy tùng đều xuất gia theo Ngài, hành đạo trong sáu tháng, đắc đạo dưới cây cầy (brāyong) bảo tọa cao hai mươi sáu thước, tuổi thọ chín muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước. Thuở ấy, Bồ tát sanh ra dòng Bà-la-môn tên Kassapa đại phú gia, vào nghe pháp phát tâm trong sạch bỏ của cải ra một ngàn triệu để cất chùa dâng cho Đức Phật và chư Tăng rồi quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, Đức Phật tiên tri cho biết rằng: còn một muôn bốn ngàn đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama. Khi đúng tuổi thọ Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Assatthārāma.

Người ta tạo một bảo tháp bề cao ba do tuần để thờ xá lợi Ngài, không bể mà đóng khối thành một hình Phật đẹp như vàng ròng, giáo pháp Ngài còn lại chín muôn năm mới mãn.

17. Vị Phật thứ nhì tên là Atthadassī giáng sinh tại xứ Sobhana, cha tên Sāgara, mẹ tên Sudassanā khi còn ở thế một muôn năm lên làm vua có ba mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ, khi thấy bốn điềm phát sanh chán nản đi xuất gia. Lúc ra đi có bốn hạng quan binh cả thảy chín triệu đều xuất gia theo Ngài, hành đạo trong tám tháng, thành đạo dưới cây cầy, bề cao hai mươi sáu thước, tuổi thọ mười muôn năm, Phật bề cao bốn mươi thước, hào quang phóng ra luôn luôn một do tuần xung quanh Ngài.

Thuở ấy, Bồ tát sanh ra dòng Bà-la-môn đại phú gia Susīma, xuất của cải ra bố thí cho dân chúng hết rồi xuất gia tu đạo sĩ, khi hay Đức Phật ra đời bèn bay xuống nghe pháp xong trong sạch bay lên cõi trời hái bông rải xuống như mưa cúng dường chỗ Phật ngự, xong làm một căn phòng toàn bằng bông và một cây lọng bằng đủ thứ bông dâng Đức Phật, Ngài tiên tri cho biết rằng: còn một muôn bốn ngàn đại kiếp nữa người sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama. Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn tại chùa Anomārāma, Ngài nguyện cho xá lợi Ngài bể nhỏ và hóa thành Bảo tháp xá lợi khắp nơi cho quần chúng chiêm bái tới mãn thời kỳ Phật pháp.

18. Vị Phật thứ ba tên Dhammadassī giáng sanh tại xứ Sanara, cha tên Sabba Loka Saraṇa, mẹ tên Sunandā, khi còn ở thế đến tám ngàn năm lên làm vua có cả một trăm hai mươi ngàn cung phi hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, vừa lúc tâm Ngài tính xuất gia thì đền đài Ngài đương ngự liền bay bổng lên rồi bay tới chỗ cây (kram buk) bèn hạ xuống, thì tất cả cung phi mỹ nữ đều chạy ra khỏi đền. Ngài bèn xuất gia nơi ấy có cả một triệu người đều xuất gia theo Ngài, hành đạo trong bảy ngày khi đến ngày thứ tám thọ cơm trộn sữa đề hồ của cô Vicikoliyā dâng cho. Tối hôm ấy hành đạo dưới cây bimaba và đắc quả Phật. Bề cao bảo tọa hai mươi sáu thước, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước, lúc còn ở thế vợ tên Vicikotī, con trai tên Sunavadana.

Đại đức Paduma là Thượng Thinh văn bên hữu. Đại đức Pussadeva là Thượng Thinh văn bên tả. Tỳ khưu ni Khemā là Thượng Thinh văn bên hữu. Tỳ khưu ni Saccanamā là Thượng Thinh văn bên tả. Đại đức Sudatta là đệ tử hầu hạ Đức Phật. Hai ông Subhadda và Katissaha là đại thiện nam. Hai cô Sālisā và Kalisā là đại tín nữ.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm Ngọc hoàng Thượng đế (trời Đế Thích) Sakkadevarāja bay xuống luôn cả Chư Thiên tùy tùng đảnh lễ Đức Phật. Ngài thọ ký và tiên tri cho biết rằng: còn một muôn bốn ngàn đại kiếp nữa người mới thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Đúng tuổi thọ Đức Phật nhập đại Niết-bàn tại xứ Salāvatī. Khi người ta thiêu xác Ngài xong thì xá lợi Ngài dính nhau lại thành một tượng Phật như vàng ròng. Người ta làm một bảo tháp bề cao ba do tuần để thờ xá lợi Ngài. Giáo pháp Ngài lưu truyền đến mười muôn năm mới mãn.

Khi Đức Phật Dhammadassī nhập diệt rồi thì có một thời không gian một muôn ba ngàn chín trăm linh bảy đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời cả.

 

19. Mãi sau có một vị Phật tổ ra đời tên Siddhattha giáng sanh tại xứ Vebhāra, cha tên Udena, mẹ tên Suphassā, khi tuổi được một muôn năm, lên ngôi trị vì thiên hạ, có bốn mươi tám ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi Ngài thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, lúc ra đi bằng xe có một triệu người tùy tùng đồng xuất gia theo Ngài, hành đạo trong mười tháng, đắc quả dưới cây gòn rừng (kannika). Bảo tọa cao hai mươi thước, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Ngài ba mươi thước.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm bà-la-môn đại phú gia tên Maṅgala bố thí hết của cải cho dân chúng rồi xuất gia tu đạo sĩ nơi rừng núi, khi hay tin Đức Phật đã ra đời dạy đạo liền đến đảnh lễ Ngài và nghe pháp. Khi nghe Đức Phật thuyết Pháp xong, phát tâm trong sạch bay đi hái trái mận ở nơi ranh giới quả địa cầu thật nhiều rất thơm tho, ngon ngọt đem về dâng cho Đức Phật và chư Tăng. Khi độ xong Đức Phật thọ ký và cho biết rằng còn chín mươi hai đại kiếp nữa người sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật Sidattha nhập Niết-bàn tại chùa Anomārāna. Người ta tạo một bảo tháp để thờ xá lợi Ngài cho dân chúng chiêm ngưỡng đến khi mãn thời kỳ Phật pháp là mười muôn năm.

 

Kế đó có một quả địa cầu có hai vị Phật tổ giáng sanh tên là: Tissa và Pussa.

20. Đức Phật Tissa giáng sinh tại xứ Khema, cha tên Janasandha, mẹ tên Padumā, khi còn ở thế có đến ba muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ.

Khi Ngài thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia. Lúc ra đi có bốn vạn quân binh tùy tùng, có mười triệu người đồng xuất gia theo Ngài, hành đạo trong nửa tháng, đắc quả dưới cây cẩm lai (asana), bảo tọa bề cao hai mươi thước, tuổi thọ mười muôn năm. Bề cao Ngài ba mươi thước.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm vua tên Sujāta, sau chán nản sự ràng buộc vợ con của cải, danh lợi, Ngài bèn xuất gia tu đạo sĩ ở nơi Hy Mã Lạp sơn đắc được các pháp thần thông. Khi hay tin Đức Phật ra đời, bèn bay xuống nghe pháp rồi phát tâm trong sạch bay đi hái bông trên cung trời về kết thành cây lọng thật đẹp như ngọc mani dâng cho Đức Phật. Ngài thọ ký và tiên tri cho biết rằng còn chín mươi mốt đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn tại chùa Sunandārāma. Người ta thiêu xong làm một bảo tháp bề cao ba do tuần để thờ xá lợi Ngài cho đến khi mãn thời kỳ Phật pháp là mười muôn năm.

21. Vị Phật thứ hai tên Pussa, giáng sanh tại xứ Kāsika, cha tên Jayasena, mẹ tên Sirimā, khi ở thế tuổi được chín ngàn năm, lên làm vua có ba muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia. Lúc ra đi bằng xe giá có mười triệu quan quân tùy tùng đồng xuất gia theo Ngài hết. Ngài hành đạo trong sáu tháng bảy ngày, đắc đạo dưới cây tầm ruột rừng, bề cao bảo tọa chín thước, tuổi thọ Ngài chín muôn năm, bề cao Ngài hai mươi chín thước.

Thời kỳ ấy, Bồ tát sanh làm vua tên Vijitavi, khi vào nghe pháp phát tâm trong sạch thỉnh Phật và chư Tăng vào đền trai tăng, xong xin xuất gia đầu Phật. Phật thọ ký cho và tiên tri cho rằng: còn chín mươi mốt đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài nguyện xá lợi rải rác khắp nơi cho người chiêm ngưỡng.

 

22. Kế tiếp, quả địa cầu có một vị Phật ra đời tên là Vipassī, giáng sanh tại xứ Bandhumavatī, cha tên Bandhumā, mẹ tên Bandumatī. Khi sanh ra mọi người đều không bịnh hoạn và lo sợ tai hại chi cả, đến khi tuổi đúng tám ngàn năm lên làm vua có bốn mươi ba ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia. Lúc ra đi bằng xe giá, có đến tám mươi bốn ngàn người đồng xuất gia theo Ngài, hành đạo trong tám tháng, đắc đạo dưới cây cẩm lai, bề cao bảo tọa hai mươi lăm thước, tuổi thọ tám muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước. Hào quang trong người Phật túa ra luôn luôn một do tuần xung quanh.

Thuở ấy, Bồ tát sanh làm Long vương Nāga, có thần thông quảng đại biết hóa một căn phòng thật lớn bằng bảy thứ báu rồi thỉnh Phật và chư Tăng tới để trai tăng bố thí. Xong rồi dâng bảo tọa bằng bảy thứ ngọc báu cho Đức Phật Ngài thọ ký và tiên tri cho biết rằng còn chín mươi đại kiếp sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật nhập Niết-bàn tại chùa Sumittārama, xá lợi Ngài không bể nhỏ ra mà dính lại thành một tượng Phật thật đẹp, người ta làm một bảo tháp cao bảy do tuần để thờ xá lợi Ngài. Giáo pháp để lại tám muôn năm mới mãn.

Khi Đức Phật Vipassī nhập diệt rồi có một thời không gian là năm mươi chín đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

 

Kế đó quả địa cầu có hai vị Phật tổ ra đời.

23. Vị thứ nhất tên là Sikhī giáng sanh tại xứ Arunavatī, cha tên Arunavatta, mẹ tên Pabhavatī. Khi tuổi được bảu ngàn năm lên làm vua, có cả hai mươi bốn ngàn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản bỏ ngôi vua xuất gia. Lúc ra đi bằng tượng có bảy muôn người hầu hạ theo Ngài rồi xuất gia hết, hành đạo trong tám tháng, đắc quả dưới gốc cây xoài tượng, bảo tọa bề cao mười hai thước, tuổi thọ bảy muôn năm, bề cao Ngài ba mươi lăm thước. Hào quang Ngài luôn luôn túa ra ba do tuần, sáng ngời rực rỡ, che lấp ánh mặt trời, mặt trăng.

Thuở ấy, đức Bồ tát sanh làm vua tên là Arindama, tại xứ Paribhutta, khi Đức Phật ngự tới xứ ấy, đức vua hết sức trong sạch đến đảnh lễ dưới chân Ngài rồi thỉnh Phật và chư Tăng ngự trong thành làm phước trai tăng trong ba tháng. Khi đúng ba tháng rồi dâng cà sa và các món phụ tùng nhà sư. Đức Phật thọ ký và cho biết còn ba mươi đại kiếp nữa sẽ thành một vị Phật tổ tên là Gotama.

Khi đúng tuổi thọ Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Assārāna, người ta tạo một bảo tháp cao ba do tuần để thờ xá lợi Ngài, giáo pháp hưng thạnh đến bảy muôn năm.

24. Đức Phật thứ hai tên Vessabhū giáng sanh tại xứ Anupama, cha tên Suppatita, mẹ tên Yasavatī. Khi được sáu ngàn năm thì lên ngôi vua có ba muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản bỏ ngôi vua đi xuất gia, lúc ra đi có quan quân xe giá tùy tùng, bảy muôn người đều xuất gia theo Ngài, hành đạo trong sáu tháng đắc quả dưới cây long thọ (sālā) bảo tọa bề cao hai mươi thước. Có Đại đức Sona là Đại Thinh văn bên hữu, Đại đức Utara là Thượng Thinh văn bên tả, Đại đức Upasanta là đệ tử hầu cận, có tỳ khưu ni tên Ramā và Samālā là Thượng Thinh văn tả hữu về phái nữ, có ông Sottika và Rambha là đại thiện nam và cô Gotamī và Sirimā là đại tín nữ.

Thuở ấy, đức Bồ tát của chúng ta sanh làm vua tại xứ Sarabhavatī, Ngài tên là Sudassana, khi Đức Phật ngự tới xứ ấy, đức vua vào đảnh lễ Ngài và nghe pháp, khi nghe pháp xong phát tâm trong sạch thỉnh Phật và chư Tăng làm phước trai tăng xong, cất một tịnh thất bằng cây trầm hương dâng Đức Phật rồi xin xuất gia hành đạo theo Phật. Ngài rất sốt sắng hành cả mười pháp đầu đà, rất vui thích trong sự học hỏi Tam tạng, Đức Phật bèn thọ ký tiên tri cho biết rằng, còn ba mươi đại kiếp nữa sẽ thành Phật tổ Gotama.

Khi đúng tuổi thọ sáu muôn năm, Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Hemārāma, xá lợi Ngài bể nhỏ và chia rải rác khắp nơi cho người chiêm bái.

Sau khi Đức Phật Vessabhū nhập diệt rồi có một thời không gian hai mươi chín đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời dạy đạo cả.

 

Cho tới quả địa cầu chúng ta đương ở hiện tại đây, có năm vị Phật tổ giáng sanh (ba vị quá khứ, một vị hiện tại và một vị lai): vị quá khứ là Kakusandha, Konāgamana và Kassapa; vị hiện tại là Gotama; vị tương lai là Metteyya (Di Lặc).

25. Đức Phật Kakusandha giáng sanh tại xứ Khemavatī, cha tên Aggidatta dòng Bà-la-môn, làm thái sư cho đức vua Khemankara, mẹ tên Visākhā. Khi tuổi được bốn muôn năm, Ngài hưởng cả gia tài của cha là Bà-la-môn, làm quan thái sư cho đức vua mà có quyền hành hơn vua, vì làm thầy dạy dỗ vua. Lúc còn là Bồ tát có ba muôn mỹ nữ luôn luôn hầu hạ, và bốn muôn người trai trẻ tùy tùng. Khi Ngài thấy bốn điềm rồi phát tâm chán nản đi xuất gia, có bốn muôn người tùy tùng đưa người đi xuất gia theo Ngài, hành đạo trong tám tháng, khi thọ cơm sữa dê của cô Vajirindha, đi đến gốc cây sung (sirisa), lãnh tám bó tranh của Subhadda, rồi trải dưới gốc cây đắc quả, bảo tọa bề cao mười bảy thước. Ngài hành đạo nơi ấy tuổi thọ bốn muôn năm, bề cao Ngài hai mươi thước, hào quang Ngài luôn luôn tủa ra chung quanh Ngài mười do tuần. Bồ tát lúc ấy sanh làm vua tên Khema, trong sạch làm phước trai tăng tới Đức Phật và chư Tăng, lại yêu cầu hộ độ bốn món vật dụng là y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men, thật lâu, mãi sau lại bỏ ngôi xuất gia theo Phật, thọ trì Tam học rất siêng năng hành đạo. Đức Phật bèn thọ ký và tiên tri cho biết rằng: thầy Tỳ-khưu này sẽ thành một vị Phật tổ thứ tư tên là Gotama trong quả địa cầu này vậy.

Đức Phật Kakusandha có hai vị Đại đức là Vidhura và Sañjiva là Thượng Thinh văn hữu tả, có hai vị tỳ khưu ni tên là Sāmā và Campakā là hữu và tả Thượng Thinh văn phái nữ. Có Đại đức Buddhija là đệ tử hầu cận Phật, có hai đại thiện nam là Accuta và Sumana, có hai đại tín nữ là Nandā và Sunandā.

Khi đúng tuổi thọ, Đức Phật nhập Niết-bàn tại chùa Khemārāma. Người ta làm một bảo tháp bề cao bốn cây số để thờ xá lợi Ngài. Giáo pháp Ngài hưng thạnh tới bốn muôn năm mới mãn.

Sau khi ấy tuổi thọ chúng sanh dần dần giảm bớt xuống tới mười tuổi hoặc hơn chút ít, vì lòng hung dữ độc ác của chúng sanh, khi chán nản đến tội ác, lại quay về làm điều thiện thì tuổi thọ lần lần tăng lên đến tuổi một a-tăng-kỳ năm mới già chết.

Rồi lần lần hạ xuống cho tới thời gian tuổi thọ chúng sanh còn ba muôn năm.        

26. Khi ấy Đức Phật Konāgamana giáng sanh tại xứ Sobhavātī, cha tên là Yaññadatta dòng Bà-la-môn làm quan thái sư và thầy dạy dỗ đức vua Sobhavātī, mẹ tên Uttarā. Khi Bồ tát tuổi được ba ngàn năm, thì được lãnh trọn cả gia tài của cha mẹ, có ba tòa lâu đài và mười sáu ngàn mỹ nữ hầu hạ, vợ tên Rucigattā, con trai tên Sattavāha. Khi Bồ tát thấy bốn điềm rồi bỏ đi xuất gia, đi bằng tượng có ba muôn người tùy tùng theo Ngài đều xuất gia theo hết, hành đạo trong sáu tháng, đắc đạo dưới cây sung, bảo tọa cao mười thước, tuổi thọ ba muôn năm, bề cao Ngài mười thước. Bồ tát lúc ấy sanh làm vua tên Pabbata tại xứ Mithilā. Khi nghe Đức Phật đã ra đời bèn đến nơi đảnh lễ thỉnh Đức Phật và chư Tăng trai tăng bố thí trong bảy ngày và thỉnh Phật nhập hạ ba tháng. Ngài hết lòng hộ độ bốn món vật dụng đến khi ra hạ làm lễ dâng ca-sa cho Phật và chư Tăng. Đức Phật bèn thọ ký và tiên tri cho biết rằng, còn cách một vị Phật tổ cũng trong kiếp này thì người cũng thành một vị Phật tổ tên Gotama.

Đức Phật Konāgamana có hai vị Đại đức tên Bhiyyosa và Uttara là Thượng Thinh văn tả hữu, có hai vị tỳ khưu ni tên Samuddā và Uttara là Thượng Thinh văn tả hữu về phái nữ. Có Đại đức Sotthija là đệ tử hầu cận Đức Phật. Có hai đại thiện nam là Ugga và Sommadeva, có hai đại tín nữ là Sivalā và Sāmā, là người hộ trì Phật Pháp.

Khi đúng tuổi thọ ba muôn năm Ngài nhập Niết-bàn tại chùa Dhamma Sabhārāma, xá lợi Ngài nguyện cho bể nhỏ ra và bay khắp nơi cho mọi người chiêm bái.

27. Sau khi ấy tuổi thọ chúng sanh lần giảm xuống còn mười tuổi hoặc hơn, rồi lần lần trở lên cho tới tuổi một a-tăng-kỳ rồi hạ xuống lần lần tới thời đại chúng sanh tuổi thọ được hai muôn năm thì Đức Phật Kassapa giáng sanh tại xứ Bārānasī, cha tên là Brahmadatta, dòng Bà-la-môn làm quan thái sư và thầy chỉ dạy đức vua. Khi Bồ tát tuổi được hai ngàn năm thì gia tài cha mẹ, ba tòa lâu đài, có cả bốn mươi tám ngàn mỹ nữ hầu hạ. Khi dạo vườn thấy bốn điềm chán nản xuất gia. Lúc ấy cả đền đài Ngài đang ở, bay tới gốc cây da hạ xuống. Ngài bèn xuất gia nơi ấy, có cả mười triệu người đồng xuất gia theo Ngài hành đạo trong bảy ngày, thành đạo dưới gốc cây da, bảo tọa bề cao hai mươi thước, tuổi thọ Ngài hai muôn năm, bề cao Ngài mười thước.

Ngài có hai Đại đức tên Tissa và Bhāradvāja là Thượng Thinh văn tả hữu, và hai vị tỳ khưu ni tên Anulā và Uruvelā là Thượng Thinh văn tả hữu bên phái nữ. Có Đại đức Sabbāmitta là đệ tử hầu cận Đức Phật, có hai đại thiện nam hộ độ Ngài là Sumangala và Ghātikarā, có hai đại tín nữ là Vijitasenā và cô Bhaddā hộ độ Ngài.

Lúc ấy, Bồ tát sanh làm Jotipāla thông suốt ba bộ kinh Phệ đà. Khi vào nghe pháp trong sạch, xin xuất gia tỳ-khưu, rất siêng năng thọ trì tam học và thuộc nằm lòng Tam tạng. Đức Phật thọ ký và tiên tri cho biết rằng, người sẽ thành một vị Phật tổ kế Như Lai tên là Gotama vậy.

Khi đúng tuổi thọ Đức Phật Kassapa nhập Niết-bàn tại vườn Setapya, người ta làm một bảo tháp thờ xá lợi Ngài cho người chiêm bái, đến khi mãn thời kỳ Phật pháp là hai muôn năm.

 

28. Vị Phật hiện tại - Đức Phật Tổ Gotama

Rồi đức Thích Ca Mâu Ni liền thuyết pháp cho Đại đức Xá-Lợi-Phất nghe rằng: “Tất cả 28 vị Phật tổ đã qua Như Lai đều gặp Phật cả, nhưng chỉ có được 25 vị là từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra) thọ ký cho đến Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) là bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Như Lai đã thực hành theo mười điều ba-la-mật (parāmi) đã tròn đủ. Khi kiếp chót sanh lên cung trời Đâu Suất (Tusita), Chư Thiên mười ngàn thế giới tới thỉnh Như Lai giáng sanh để độ đời, Như Lai nhận lời bèn coi có đủ năm điều mà chư Phật quá khứ và vị lai cũng đều xem xét y nhau cả rồi mới giáng sanh. Năm điều ấy là:

–   Ngài xem coi xứ sẽ giáng sanh, không ngoài xứ trung Ấn Độ.

–   Ngài xem coi châu nào sẽ giáng sanh, không ngoài Nam Thiện Bộ châu (Jambūdipa).

–   Ngài xem coi dòng nào Ngài sẽ giáng sanh, không ngoài hai dòng Bà-la-môn và Vua.

–   Ngài xem coi tuổi thọ chúng sanh: là không quá mười muôn, không dưới một trăm tuổi, nếu chúng sanh tuổi sống dài hơn mười muôn thì không thấy cái khổ già đau chết, còn dưới một trăm tuổi thì nhiều ái dục phiền não lắm khó mà độ được.

–   Coi tuổi Phật mẫu, khi sanh Ngài ra rồi, trong bảy ngày phải thăng hà, về hưởng phước báu trên cung trời, vì một vị Phật mẫu khi sanh Bồ tát ra rồi thì không ai được làm lem lấm tình dục nữa.

Các vị Bồ tát xem đủ điều trọn vẹn rồi mới giáng sanh. Khi Bồ tát hứa với Chư Thiên rồi bèn giáng sanh xuống xứ Kapilavatthu, trung Ấn Độ (hiện nay tại xứ Nepal), tên là Sĩ-Đạt-Ta (Sidhattha), cha tên Sudhodana, mẹ tên Mahā Mayā. Lúc Ngài giáng sanh, thì có bảy điềm khác cũng sanh ra một lượt với Ngài là: Đại đức Ānanda, cô Yasodharā là vợ Ngài, Chanda là người giữ ngựa, kāludāyi là quan hầu, ngựa Kaṇṭhaka, cây bồ đề, những hầm của bảy báu.

Khi sanh ra đúng ngày Rằm tháng tư, Ngài đi bảy bước, tay chỉ thiên, tay chỉ địa và nói: “Trên trời dưới đất chỉ có mình ta là cao thượng đáng tôn kính, kiếp này là kiếp chót của ta vậy”.

Khi lớn lên, vua cha làm ba tòa lầu, có bốn muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Đúng mười sáu tuổi thì cưới công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodharā) và được nhường ngôi vua cho. Ngài hưởng ngôi vua mười ba năm, đúng hai mươi chín tuổi thì hoàng hậu trổ sanh thái tử tên Ra-Hầu-La (Rāhula). Khi Ngài đi dạo ngoài vườn thành thấy bốn điềm là: người già, người bịnh, người chết và một thầy tu, chán nản bỏ ngôi vua đi xuất gia. Lúc đi ra cưỡi ngựa, hành đạo trong sáu năm khổ hạnh còn da bọc xương.

Một hôm Ngài nghĩ rằng, con đường khổ hạnh không thể nào đắc quả được, Ngài bèn bỏ con đường ấy mà thực hành theo con đường trung đạo, đến ngày rằm tháng tư, Ngài thọ cơm trộn sữa dê của cô Sujātā, rồi thành đạo dưới cây bồ đề. Canh đầu, Ngài đắc túc mạng minh, biết rõ tiền kiếp của mình và chúng sanh. Canh giữa, Ngài đắc thiên nhãn minh, thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh tùy theo duyên nghiệp lôi cuốn mãi mãi. Canh chót, Ngài đắc Lậu tận minh, là thấy rõ các pháp trầm luân (āsava) và diệt tận cả ái dục phiền não. Đúng hừng sáng thì Ngài hoàn toàn thành một bậc Chánh đẳng Chánh giác.

Ngài hưởng đạo quả Niết-bàn bốn mươi chín ngày. Rồi trời Phạm Thiên xuống thỉnh Ngài đi thuyết pháp độ đời. Ngài nhậm lời bèn đi đến vườn lộc giả Isipatana Migadāyavana chuyển Pháp luân đầu tiên độ năm thầy Kiều Trần Như, và một trăm tám mươi triệu Chư Thiên và Phạm Thiên, đều đắc đạo quả. Pháp Ngài thuyết là phải lánh xa hai con đường là khổ hạnh và lợi dưỡng, là phải thực hành theo con đường bát chánh là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, và thấy rõ cái khổ, thấy rõ ái dục là nguyên nhân phát sanh cái khổ, thấy rõ Niết-bàn là nơi diệt khổ, thấy rõ Bát chánh đạo thực hành theo để diệt khổ.

Trong bốn mươi lăm năm trường vẫn thuyết Pháp độ đời, tuổi thọ Ngài chẵn đúng tám mươi, ngày Rằm tháng tư mới nhập Niết-bàn tại xứ Kusinārā dưới bóng hai cây song long thọ (sālā). Bề cao Ngài sáu thước, tuổi thọ chẵn tám mươi, bảo tọa bề cao hai mươi thước, hào quang túa lối một sải. Có hai vị Đại đức Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên là Thượng Thinh văn tả hữu, có Đại đức Ānanda là đệ tử hầu cận, có hai vị tỳ khưu ni là Khemā và Uppalavaṇṇā là Thượng Thinh văn tả hữu về phái nữ, có hai ông Cittaka và Hatthalavaka là đại thiện nam, có hai cô Nandāmada và Uttarā là đại tín nữ.

Sau khi Ngài nhập diệt, xá lợi Ngài chia ra tám phần cho người tại bảo tháp để thờ, giáo pháp Ngài còn hưng thạnh đến năm ngàn năm mới mãn.

 

Chư Phật vị Lai - có mười vị.

Nguyên nhân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết về mười vị Phật tổ giáng sanh trong ngày vị lai là: một hôm bà Gotamī là dưỡng mẫu của Đức Phật, chính là em ruột của hoàng hậu Mahā Mayā, tự tay bà quay chỉ dệt, may và nhuộm lấy hai tấm y ca-sa thật quý định đem dâng cho Đức Phật. Ngài chỉ lãnh lấy một lá y, còn một lá y Ngài bèn bảo đem dâng cho chư Tăng, bà đem dâng từ vị Đại đức cho tới chót không ai dám nhận vì nghĩ rằng: nếu không ai dám lãnh thì bà sẽ đem dâng lại cho Đức Phật, khi tới sau cùng có một vị tỳ-khưu mới tu, ông thọ lãnh tấm y và tính đem dâng lại cho Đức Phật, các vị còn phàm có ý khi dể cho rằng người không đức tin và không tôn kính. Bà Gotamī có ý buồn vì dâng cho vị mới tu, sợ mình ít phước.

Đức Phật hiểu ý bèn giảng giải rằng: “Ai có lòng trong sạch dâng cúng đến chư Tăng thập phương thì sẽ được nhiều phước báu hơn dâng đến Như Lai”.

Khi xong lễ, vị tỳ-khưu ấy tên là Āsajjī bèn đem tấm y ấy vào nơi Phật ngự mà dâng cho Ngài, và nguyện cho thành một vị Phật tổ trong ngày vị lai. Đức Phật cười chúm chím, lúc ấy hai cái răng nhọn hàm dưới túa hào quang thấu đến cung trời Phạm Thiên, hai cái ở hàm trên thấu xuống tới cõi địa ngục A-tỳ. Đại đức Ānanda thấy vậy bèn quỳ xuống bạch Phật rằng: “Có điều chi lạ mà Đức Thế Tôn cười rõ rệt ?” (vì chư Phật không bao giờ cười mà không có nguyên nhân), Phật bèn đáp rằng: “Này Ānanda. Tỳ-khưu Asajjī đây sau này sẽ thành một vị Chánh đẳng Chánh giác kế vị Như Lai tên là Di Lặc Phật (Mettayya)”. Đức Phật chỉ nói tóm tắt có bao nhiêu rồi vào tịnh thất yên nghỉ.

Lúc ấy chư Tăng đang tụ hội tại giảng đường bàn bàn luận luận với nhau, không biết chư Phật tổ vị lai oai lực và giáo pháp như thế nào. Những lời bàn luận ấy lọt vào nhĩ thông Đức Phật, Ngài bèn ra ngự nơi giảng đường, lúc ấy Đại đức Xá-Lợi-Phất bèn quỳ xuống bạch Phật rằng: xin Ngài mở lòng bác ái giảng giải cho biết oai lực và Giáo pháp của Phật vị lai. Nhân đó mà Đức Phật mới giảng giải về mười vị Phật vị lai.

Đức Phật bèn giảng rằng: Này Xá-Lợi-Phất, sau khi Như Lai nhập diệt rồi thì có năm điều tiêu hoại là:

–   Adhigāma antaradhāna: tiêu hoại đạo quả. Đúng một ngàn năm sau khi Như Lai nhập diệt thì không còn có ai đắc đạo quả A-la-hán, luôn cả lục thông và tuệ phân tích thuộc nằm lòng Tam tạng nữa.

–   Pariyatti antaradhāna: tiêu hoại về Pháp học, là khi đúng hai ngàn năm không có ai thuộc nằm lòng Tam tạng và mất lần lần và bắt đầu mất Tạng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), Sutta (Kinh) rồi mới tới Luật (Vinaya) (vì Luật mà mất thì đạo cũng không còn, vì Luật là nền tảng của Phật giáo - Vinayo sāsanamulam). Thật vậy, hiện nay ít có ai chú trọng mà học cho nằm lòng Tạng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) vì khó nhớ và lý luận sâu xa lắm.

–   Pātipatti antaradhāna: tiêu hoại về Pháp hành, vì khi đúng ba ngàn năm thì ít ai mến pháp hành, vì thực hành theo là một điều khó, mà thật vậy, hiện nay Phật pháp mới qua gần 2498 năm mà rất ít nhà sư ưa mến sự hành đạo giải thoát.

–   Liṅga antaradhāna: tiêu hoại Tăng tướng, khi đúng bốn ngàn năm thì chư Tăng lúc bấy giờ như người thế, vì hội nhau lại bàn rằng, mặc y xùng xình khó bề làm công việc rồi đồng lòng bỏ y ca-sa, chỉ mặc quần áo như kẻ thế mà lấy một miếng vải vàng (ca-sa) cột vào cổ tay hoặc vắt trên vai, hoặc dắt mép tai cho biết người tu thôi, vì bận việc làm ruộng rẫy bán buôn như người thế tục. Trong lúc ấy có ít người tu đi hóa trai (trì bình khuất thực), chỉ lấy hai cái quảu (thúng nhỏ lớn hơn cái ô) thoa dầu chai, đề lên hai cái giống, quảy đi khuất thực như người gánh đồ đi bán (Tam tạng, quyển 28 trang 226).

–   Dhātu antaradhāna: tiêu hoại xá lợi, hiện nay xá lợi rải rác khắp nơi cho Chư Thiên và nhân loại chiêm bái, khi đúng năm ngàn năm thì tất cả những xá lợi ấy bay về đóng thành khối, hoá thành một vị Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddhagāya) tại Trung Ấn Độ, thuyết pháp độ chúng sanh đắc thành đạo quả vô số kể trong bảy ngày rồi lửa tự nhiên trong kim thân phát cháy tiêu xá lợi. Kể từ ấy, giáo pháp Ngài hoàn toàn tiêu diệt.

Sau khi mãn thời kỳ Phật Pháp rồi, tâm chúng sanh không phân biệt tội phước chi cả, lần lần hung dữ độc ác, tuổi thọ lại giảm lần lần xuống cho đến khi mười tuổi hoặc ít hơn chút ít. Như hiện nay ai biết lo tu hành, đức hạnh hiền từ, thì người ta khen ngợi, trái lại lúc ấy chúng sanh ai hung dữ độc ác, bất lương thì người lại khen (mà ác thì dễ làm hơn thiện) nên con người càng ngày càng hung dữ, nhìn nhau như các loài thú dữ muốn cắn xé ăn thịt nhau. Lúc ấy sanh lên một trận tàn sát lẫn nhau (Satthantara Kappa - Tam tạng quyển 18, Chư Thiên, trang 148), thây chết dày đặc trên quả địa cầu, chỉ còn lại ít người lương thiện không ưa thích sự sát hại, chạy trốn vào rừng sâu núi thẳm, khi yên trận tàn sát ấy rồi, ra ngoài gặp ai còn sót lại, cũng đồng xin đừng sát hại lẫn nhau nữa (đã giữ được một giới sát sanh) nên con những người ấy tuổi lên được 20 hoặc 25 tuổi, rồi lại hứa không lấy của ai (lại giữ giới không trộm cắp) những người con cháu lại thêm tuổi lên đến 50 năm, cứ thế mãi lần lần giữ cả ngũ giới là không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, uống rượu thì tuổi thọ của những con cháu sau sau ngày càng thêm lên mãi cho đến tuổi một a-tăng-kỳ năm mới chết.

Sống mãi không chết cũng chán, mới có một hạng người nói rằng mình làm theo ông bà hoài nên không thấy ai chết hết, lại bắt đầu sát sanh nên con cháu lại hạ xuống còn nửa a-tăng-kỳ rồi lần lần bỏ bớt giới hạnh thì tuổi lại càng hạ xuống mãi mãi cho đến khi chúng sanh tuổi còn mười muôn năm.

1. Lúc ấy Đức Phật Di Lặc mới giáng sanh dạy đạo. Ngài giáng sanh tại xứ Ketu Mettī, cha tên Subrama, mẹ tên Bhramavatī, lúc ở thế có ba mươi muôn cung phi mỹ nữ hầu hạ. Khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, lúc xuất gia thì bay cả lâu đài có vô số vua, chư hầu và quan quân đồng xuất gia theo Ngài hành đạo, trong bảy ngày thì đắc quả dưới cây mù u, tuổi thọ tám muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi bốn thước. Ngài dòng Bà-la-môn, hào quang ở nơi ngực, hai bàn tay và đầu gối Ngài sáng ra cả ngày và đêm thấu đến mười thế giới ta-bà, người ta không thể phân biệt ngày đêm vì hào quang che lấp cả mặt trời và mặt trăng, người ta chỉ thấy bông nở hoặc tàn, hoặc là nghe tiếng gà gáy mà phân biệt ngày đêm luôn luôn cho đến khi Ngài nhập diệt. Ngài đã thực hành tu mười pháp ba-la-mật mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

Này Xá-Lợi-Phất, Như Lai chỉ kể về một pháp ba-la-mật của Ngài là: có một kiếp sanh làm Chuyển luân vương tên Saṅgha Cakka. Bồ tát có bảy báu trị vì thiên hạ 101 nước chư hầu trên thế giới, khi hay tin một vị sa-di cho hay rằng có Đức Phật, Pháp, Tăng đã ra đời, Ngài vui mừng đến ngất người ba lần, sau lại bố thí ngôi báu cho ông sa di ấy, bèn đi chân không đến nơi Phật ngự, đi một ngày đầu lỡ cả hai chân, máu chảy ròng ròng đi không được nữa, qua ngày sau Ngài bò bằng hai tay và hai đầu gối, được một ngày cũng chảy máu cả, qua ngày sau Ngài bò không được bèn trườn đi bằng ngực, lả ngực máu chảy ròng ròng, không thể trườn được nữa, nhưng chưa gặp Đức Phật, chỉ mới nửa đường.

Lúc ấy Đức Phật Sirimatti biết được bèn hóa ra người đánh xe chạy tới bảo tránh, Bồ tát nói tôi không thể nào tránh được vì mình mẩy lở hết. Đức Phật bèn hỏi người đi đâu. Bồ tát nói tôi muốn đi gặp Phật. Đức Phật nói: thôi để tôi đưa giùm cho. Rồi Ngài xuống xe bồng Bồ tát để lên xe giả. Đánh xe một chút thì nói đây tới cửa chùa, mời ông xuống, lúc ấy có vị trời Đế Thích biết được bèn mang một gói cơm và một bầu nước tới cho, phần thì bịnh và đói nên lãnh cơm nước, khi thọ thực xong thì tất cả vết thương đều lành lại hết và khỏe mạnh lại như thường. Bèn vào yết kiến Phật nhằm lúc đang thuyết Pháp người ta hằng vạn vạn, nhưng êm như tờ. Bồ tát vào đảnh lễ xong xin Đức Phật thuyết Pháp cho nghe, khi nghe được một câu kệ lại bạch Phật xin ngừng để Ngài bố thí Pháp. Ngài bèn lấy móng tay nguyện bén như gươm rồi cắt lấy đầu mình để trên hai bàn tay mà cúng dường cho Pháp bảo, sau khi Phật thuyết xong thì ngã xuống chân Ngài mà chết.

Này Xá-Lợi-Phất, vì Bồ tát không kể đến thân mình bò trườn đến lở hết, nên khi thành Chánh quả có hào quang túa ra nơi ngực, hai bàn tay và hai đầu gối luôn luôn thấu đến mười ngàn thế giới và không tiếc mạng sống, dám bố thí cho Pháp bảo nên khi thành Chánh quả tuổi thọ đến tám muôn năm.

Sau khi Đức Phật Di Lặc nhập diệt rồi thì tuổi thọ chúng sanh càng ngày càng giảm xuống cho tới khi tuổi chỉ còn mười năm là già rồi, lần lần không còn chúng sanh nào sanh lên quả địa cầu cả. Trước khi một trăm ngàn năm tới kiếp hoại thì Chư Thiên bay trên không trung kêu la báo tin cho biết còn mấy năm nữa thì sẽ tiêu hoại quả địa cầu. Khi ấy chúng sanh sợ sệt chán nản, ai ai cũng ráng lo tu hành lần lần sanh về cõi trời Dục giới, Chư Thiên ở cõi trời này cũng hãi hùng kinh khủng quả địa cầu cháy thì cũng cháy luôn cả sáu tầng trời Dục giới và hai cõi trời Sắc giới là: Pārisajjā và Porohitta nữa, nên kinh sợ rồi ráng tham thiền cho đắc các cõi thiền bậc trên, cho đến khi sanh về hết trên cõi trời Sắc giới. Khi quả địa cầu không còn ai ở nữa thì mặt trời lần lần mọc lên hai mặt trời, một thời gian thật lâu, lại mọc lên ba, bốn, năm, sáu, bảy mặt trời thì lúc bấy giờ nước biển khô khan không còn một giọt. Chừng ấy, lửa phát lên cháy cả quả địa cầu rồi tiêu hoại và cháy luôn cả sáu cung trời Dục giới và hai cõi trời Sắc giới tầng dưới chót. Kể từ đó chỉ còn khí hư u minh cho đến khi cấu tạo quả địa cầu mới khác. Từ đó một thời không gian là a-tăng-kỳ kiếp không có vị Phật tổ nào ra đời dạy đạo cả.

 

Kế sau đó có quả địa cầu có hai vị Phật tổ giáng sanh là: Rāmadeva và Dhammarājāmuni.

2. Vị thứ nhất tên Rāmadeva khi thấy bốn điềm rồi chán nản nên xuất gia, thành đạo dưới gốc cây thị, tuổi thọ chín muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước, hào quang túa ra sáng khắp cả thế giới luôn luôn ngày đêm chớp nhoáng tới lui trên hư không chẳng ngừng nghỉ. Do nhờ pháp ba-la-mật của Đức Phật mà có cây như ý thọ (kālabriksa) mọc lên rất nhiều để cho chúng sanh cần dùng. Cây như ý thọ này có mãnh lực phi thường, là bất cứ ai muốn điều chi, như y phục, vật thực, đồ trang điểm chi chi... lại tới cây ấy ước thì sẽ được theo như ý muốn. Đây là nhờ pháp nguyện lực ba-la-mật của Đức Phật. Cho nên, chúng sanh lúc ấy khỏi cực nhọc nên ai ai cũng đều tu hành, vì chúng sanh nào sanh ra kịp Phật thì Ngài độ tận chúng sanh, ít lắm cũng được sanh về cõi trời hết thảy.

Nói về một pháp ba-la-mật của ngài: có một kiếp sanh ra tên là Nārada gặp Đức Phật Kassapa (Ca-Diếp) ra đời, vào nghe Pháp thấy hào quang trong mình Đức Phật phóng ra sáng ngời rực rỡ bèn phát tâm trong sạch bố thí mạng sống mình, cúng dường cho Phật và nguyện cho thành một vị Chánh giác có nhiều hào quang như Ngài. Nguyện xong liền lấy miếng vải nhúng dầu quấn vào mình đốt lên cúng dường cho Đức Phật. Khi lửa cháy lên thì mùi bay lên thơm bát ngát. Khi cháy xong chỗ ấy mọc lên một bông sen bằng ngọc, mọi người đều cho là ông Nārada sẽ thành một vị Phật tổ như ý nguyện.

3. Kế sau đó, Đức Phật Dhammarājāmuni (chính  Đức vua Ba Tư Nặc, Pasenadi Kosala) khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, đắc đạo dưới cây dừng, tuổi thọ năm muôn năm, bề cao Ngài tám thước. Khi Ngài đi đâu mỗi bước đều có bông sen bằng bánh xe mọc lên đỡ bàn chân Ngài, khi ngồi thì có bông sen bằng bảy thứ ngọc mọc lên làm bảo tọa cho Ngài ngồi. Do nhờ pháp ba-la-mật của Đức Phật mà có cây như ý thọ mọc lên rất nhiều để cho bá tánh cần dùng có đủ thực phẩm và đồ trang sức.

Nói về một pháp ba-la-mật: có một kiếp Ngài sanh làm người nghèo khổ lắm, tên là Suddhā Māṇava, ở mướn coi giữ ao sen cho người. Họ cho phép mỗi bữa chỉ được hái hai bông sen đổi gạo mà chỉ độ thôi. Một hôm đang đem hai bông sen đi bán gặp Đức Phật Konāgamana, Đức Phật thấy bèn chúm chím cười. Y liền bạch Phật tại sao Ngài cười. Phật Đáp: Người là em ta, vì ta đã thành Chánh giác, còn người sẽ thành Chánh giác trong ngày vị lai vậy. Nghe xong hết sức vui mừng, tính nhịn đói bữa đó để đem hai bông sen dâng cho Phật và nguyện cho thành Chánh giác như Ngài. Đức Phật thọ lấy bông sen và trải ra ngồi lên trên. Thấy nắng lắm Ngài bèn nguyện cho đừng nắng Đức Phật. Liền khi ấy có bốn cây mọc lên và hai khổ vải kết thành một tấm trần che Đức Phật cho khỏi nắng. Đức Phật bèn cầu chúc và thọ ký cho. Khi ấy tất cả Chư Thiên và Phạm Thiên nghe Đức Phật cầu chúc thì đều đồng nhau hoan hô và cầu chúc theo, tiếng nghe rền vang inh ỏi cả trời. Do sự hy sinh nhịn đói ấy nên khi thành Chánh quả có cây như ý thọ mọc lên có đủ vật thực cho chúng sanh dùng và bố thí bông sen cho Phật, nên sau thành Chánh quả, đi mỗi bước đều có bông sen mọc lên đỡ bàn chân Ngài.

 

4. Kế tiếp, quả địa cầu sau có một vị Phật tổ ra đời tên là Dhammasāmi (chính là Ma vương thành Phật vậy) khi còn Bồ tát, thấy bốn điềm rồi chán nản nên xuất gia, đắc đạo dưới cây long thọ (sālā) tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước, hào quang trong mình Phật luôn luôn phóng ra sáng ngời như mặt trời mặt trăng, luôn luôn chớp nhoáng tới lui không ngớt. Do nhờ pháp ba-la-mật, khi Đức Phật đi, đứng nằm ngồi đều có cây lọng bề cao mười sáu do tuần che Ngài luôn, và có hầm vàng hầm bạc mọc lên để cho chúng sanh cần dùng.

Nói về một pháp ba-la-mật: khi ấy tiền kiếp Ngài sanh lên tên là Bodhināma làm quan đại thần. Một hôm Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) nhập đại định, đức vua trong xứ ấy hay bèn cho quan quân canh giữ không cho ai được phép làm phước tới Đức Phật khi Ngài xả định, nếu ai phi pháp thì bị xử trảm. Lúc ấy vị đại thần Bodhināma bèn biểu vợ con sửa soạn thực phẩm và một lá y định đem dâng cho Đức Phật. Sáng ra ông đem vật thực và lá y, tới trước chùa thấy quân lính bao vây dày đặc, thấy ông đem đồ lại thì hỏi ông và ông nói thật rằng đem đồ dâng cho Phật, quân lính liền bắt ông đem về cho vua, vua truyền lịnh xử trảm. Lúc ấy Đức Phật vừa xả định biết được liền phóng hòa quang ra cho vị ấy thấy Ngài ở trước mặt, ông rất mừng và đem vật thực và lá y dâng cho Phật, Đức Phật có vỗ đầu ông và nói xin cho nhà ngươi vô hại, rồi Ngài thọ thực. Vị quan ấy dâng xong nguyện cho thành được một bậc Chánh giác trong thời vị lai. Đức Phật thọ ký cho ông vừa xong thì quân lính đem ông ra xử trảm. Lúc chém ông thì mặt đất rung rinh làm cho đền đài nhà vua đều sụp đổ. Vua sợ hãi bèn truyền lệnh cho đóng mấy cửa thành. Lúc ấy chỗ chém Bồ tát liền mọc lên một tòa lâu đài bằng bảy thứ ngọc có một ngàn tiên nữ chầu chực và mười sáu hầm vàng bạc mọc lên bốn góc thành và cây như ý thọ cũng mọc lên do oai lực phước báu của Bồ tát. Còn vị quan ấy thì sống lại như thường, tuổi được năm trăm, có cả vợ con và quan quân hầu hạ. Do phước báu liều mạng sống dâng cơm cho Phật, khi sanh ra kiếp nào cũng có thứ lúa sali mọc lên hằng hà sa số cho bá tánh gặt, cần dùng bao nhiêu cũng không hết.

 

Sau khi ấy, có một quả địa cầu có hai vị Phật tổ ra đời.

5. Vị thứ nhất tên là Nārada (chính là Rāhula asurin là chúa của bọn Atula thành Phật). Khi ấy thấy bốn điềm rồi chán nản bỏ nhà xuất gia, đắc đạo dưới cây trầm hương, bề cao Ngài sáu mươi thước. Hào quang phóng ra luôn luôn như chớp nhoáng, có thứ hào quang hình như bông sen sáng ngời phóng ra quanh quẩn luôn chung quanh Đức Phật. Do phước ba-la-mật của Đức Phật mà mặt địa cầu trở thành thực phẩm, có bảy vị ngọt ngon chúng sanh móc lấy mặt đất mà dùng như vật thực.

Nói về một pháp ba-la-mật: có một kiếp Bồ tát sanh ra làm vua tên Sirigutta có tám vị bà-la-môn tới nghe về pháp nguyện thành một bà-la-môn cho vua nghe, rồi xin Ngài cho ngôi vua, đức Bồ tát cho hết rồi dẫn vợ và hai con đem ở trên núi và thọ trì sáu giới theo các đạo sĩ và ẩn tu nơi ấy. Lúc ấy, có một con dạ xoa bề cao sáu mươi thước, tới trước mặt Bồ tát xin hai đứa con để về ăn thịt. Bồ tát liền cho hai đứa con và nói tôi đã ăn bảy con tượng, mười bốn con ngựa, hai mươi con thú rừng mà còn đói lắm xin Ngài tội nghiệp cho hai đứa con để ăn thịt. Bồ tát liền cho hai đứa con cho chằng rồi nguyện cho thành một vị Phật tổ để độ tận chúng sanh. Lúc ấy mặt địa cầu rung rinh, rúng động, tất cả Chư Thiên và Phạm Thiên đều vỗ tay hoan nghênh sự toàn thắng của Bồ tát, tiếng nghe vang rền cả trời, lại dông mưa sấm chớp gầm thét nghe inh ỏi. Vừa lúc con dạ xoa đem hai đứa con ra sau sala Ngài mà ăn tươi nuốt sống, vừa cho Bồ tát ngó thấy, nhưng Ngài không buồn giận, lại vui thích với phước báu Ngài đã làm.

(Lời soạn giả, chúng ta phần đông đều nói từ bi, tội nghiệp mà chỉ từ bi với vợ con mình thôi, còn vợ con người có điều chi khổ sở, mình chỉ lấy con mắt ngó mà cười, chớ không tội nghiệp. Đừng nói chi tới bố thí vợ con cho người, mà dầu có ai rủ đi xuất gia tu hành, thì nói tôi vì lòng từ bi, tội nghiệp vợ con bỏ đi không đành, nói nghe cho cao thượng, chớ không lẽ nói mình vì quyến luyến hoặc vì ái tình mà dứt bỏ đi không được thì sợ thẹn. Còn trái lại các vị Bồ tát Ngài không vì từ bi, tội nghiệp vợ con mình, mà lại từ bi thương xót tất cả chúng sanh hơn là thương mình và vợ con mình. Vì thấy cái khổ chúng sanh chịu không được rồi không nghĩ tới mình hoặc vợ con mình mới dứt bỏ mà bố thí được).

6. Kế sau đó Đức Phật Raṃsi Muni (chính  Sonabrāhma), khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, đắc đạo dưới cây sơn, tuổi thọ năm ngàn năm, bề cao Ngài ba mươi thước. Hào quang trong mình Phật phóng ra luôn luôn, lúc ban ngày thì màu vàng, ban đêm thì màu xanh, sáng ngời như ngọc, nhờ hào quang của Đức Phật nên chúng sanh khi ấy màu da đẹp như vàng ròng, không dơ bẩn. Nhờ pháp ba-la-mật của Phật mà chúng sanh chỉ lấy hạt bông cải trồng xuống rồi mọc lên đủ thứ vật thực phẩm và đồ vật dụng đủ thứ không thiếu món chi.

Nói về một pháp ba-la-mật của Ngài: có một kiếp Bồ tát sanh làm người lái buôn tên Māgha Mānava rất thông thạo về nghề buôn bán một lời mười, nhưng bốn lần bị tai hại là bị chìm thuyền, nhà cháy, cướp giựt, sau lại bị nhà vua tịch thâu gia sản. Bồ tát chán nản, bỏ đi chỉ lấy được một lá y vàng và mười muôn lượng vàng đem theo để làm vốn. Gặp một vị tỳ-khưu thượng Thinh văn của Đức Phật Kakusandha nhập đại định bảy ngày, Māgha Mānava trong sạch đem y và của bố thí hiến cho Ngài và nguyện cho thành vị Phật tổ để độ tận chúng sanh. Vị A-la-hán cầu chúc xong chỗ ấy bèn mọc lên một cây như ý thọ có một cái đền bằng ngọc cho ông ở nơi ấy.

 

Kế quả địa cầu sau đó có hai vị Phật tổ ra đời.

7. Vị thứ nhất tên Devadepa (chính là Subha Brahma) khi thấy bốn điềm bèn chán nản xuất gia, đắc đạo dưới cây cầy, tuổi thọ tám muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước, hào quang trong mình Phật túa ra luôn luôn màu vàng rực rỡ do nhờ phước ba-la-mật của Phật mà bụi trần trên mặt đất biến thành gạo sali và cây như ý thọ mọc lên có đủ thực phẩm cho chúng sanh dùng.

Nói về một pháp ba-la-mật: có một kiếp Bồ tát sanh làm tượng (voi chúa) tên là Chadanta có sáu ngà, gặp xác một vị A-la-hán nhập Niết-bàn gần chỗ ở, bèn nguyện cưa trên hư không rớt xuống rồi cưa ngà làm chỗ để thiêu xác vị A-la-hán ấy và làm phước trong bảy ngày rồi nguyện cho thành Phật tổ, sau khi mãn kiếp ấy liền sanh về cung trời Đâu Suất.

8. Kế sau đó Đức Phật Narasi Muni (chính là Totī Brahma thành đạo), khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, thành đạo dưới cây cẩm lai, tuổi thọ tám mươi năm, bề cao Ngài ba mươi thước, hào quang trong kim thân Phật túa ra luôn ban ngày ánh sáng như ngọc mani trắng, ban đêm thì màu vàng rực rỡ. Do phước ba-la-mật của Ngài, có lúa sali và cây như ý thọ mọc lên để cho bá tánh cần dùng, người ta lúc ấy do hào quang của Phật mà màu da như vàng ròng. Khi Đức Phật ngự nơi nào đều có cây lọng bằng bảy thứ ngọc báu cao ba do tuần luôn luôn ở trên hư không, che Đức Phật.

Nói về một pháp ba-la-mật: có một kiếp Bồ tát sanh làm Nanda Mānava, gặp Đức Phật Độc giác bèn phát tâm trong sạch đem y ca-sa đáng giá một trăm ngàn đồng, dâng cho Ngài và nguyện cho thành một bậc Chánh giác để độ tận chúng sanh.

Sau khi Đức Phật Narasi Muni nhập diệt rồi có một thời không gian là một a-tăng-kỳ đại kiếp không có Đức Phật nào ra đời.

 

Kế sau đó có hai vị Phật tổ ra đời

9. Vị thứ nhất tên là Tissa (chính là voi Nālāgiri thành đạo), khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia, đắc đạo dưới cây da, tuổi thọ tám muôn năm, bề cao Ngài bốn mươi thước.

Hào quang trong mình Phật phóng ra đủ thứ, có thứ sáng rực như lửa cả ngày và đêm, có thứ trắng xóa nhìn giống như chiếc thuyền, có thứ như cây lọng, có thứ như cây phướn, có thứ túa ra theo một ngàn lông mày của Ngài, luôn luôn quay cuộn theo Ngài. Do phước ba-la-mật của Ngài có nhiều cây như ý thọ mọc lên có đủ thực phẩm và đồ trang sức cho chúng sanh dùng theo ý muốn.

Nói về một pháp ba-la-mật: có một kiếp Ngài sanh làm vua tên Dhamma Sena một hôm đi dạo vườn hoa với hai con và vợ, có hai con dạ xoa tới xin đứa con, khi về gần tới thành có một ông già lụm cụm tới xin hoàng hậu, đức vua cho luôn, ông than mình nghèo khổ không có chi nuôi bà, vua bèn cho cả ngôi báu cho ông già ấy. Khi tôn vương xong, đức Bồ tát bèn xuất gia theo đạo sĩ, đắc các pháp thần thông.

Một hôm nghe tin Phật Konāgamana ra đời bèn bay tới đảnh lễ nghe Pháp. Khi Đức Phật thuyết được một câu kệ thì ông xin Phật nghỉ, để ông bố thí đến Pháp bảo, bèn lấy móng tay, nguyện cho bén như gươm rồi cắt đầu bố thí pháp và nguyện cho thành một vị Phật tổ để độ chúng sanh thoát khỏi khổ, lúc ấy toàn thể địa cầu đều rúng động lạ lùng ghê gớm.

10. Kế sau đó, có một vị Phật tổ ra đời tên là Sumaṅgana (là voi tượng Pālilāya thành đạo) khi thấy bốn điềm rồi chán nản xuất gia dưới cây mù u, tuổi thọ mười muôn năm, bề cao Đức Phật ba mươi thước, hào quang Đức Phật phóng ra luôn luôn quanh quẩn theo Ngài, ban đêm thì màu trắng ngời như bạc, ban ngày thì màu sáng ánh như vàng ròng. Do phước ba-la-mật của Ngài có nhiều cây như ý thọ mọc lên, có đủ thực phẩm và đồ trang sức cho chúng sanh dùng không thiếu món chi, người ta lúc ấy sung sướng vô cùng, như cảnh trời vui mừng hát múa theo những tiếng nhạc du dương khi gió cuốn đưa chạm vào lá những cây như ý thọ ấy.

Nói về một pháp ba-la-mật: khi Ngài còn làm Bồ tát, có một kiếp sanh làm Chuyển luân vương, Bồ tát có bảy báu giàu sang trong bốn biển. Một hôm vua sai vị bá hộ bảo đi tìm vàng ngọc, ông đi tới một nước kia, khi hay tin Đức Phật Kakusandha, đã ra đời, ông bèn vẽ hình Phật và về tâu cho vua nghe tự sự, vua hết sức vui mừng đến chết giấc ba lần. Khi tỉnh lại Ngài bèn nhường ngôi cho vị bá hộ ấy vì có công cho Ngài hay tin Đức Phật ra đời, rồi Ngài đi chân không tới một cây đại thọ ngồi nghỉ, rồi thành tâm đảnh lễ Đức Phật từ phương xa và nguyện tám món đồ xuất gia bay tới cho ông. Đức Phật biết được tâm ông bèn sai tám món phụ tùng bay đi tới chỗ vua nghỉ, vua rất vui mừng và thọ lãnh xuất gia tại chỗ ấy. Đoạn ông lấy mão ngọc thảy lên không trung và sai đi bạch Phật rằng: ông đã xuất gia và đi đến đảnh lễ Phật. Mão ấy bay đến nơi Phật ngự và bạch y như lời vua sai, rồi đức vua lần vào xóm đi khất thực xin ăn, độ thực xong, tham thiền và đắc thiền, rồi bay tới nơi Phật ngự. Khi tới chùa gặp Phật, hết sức vui mừng đến chết giấc ba lần. Khi tỉnh lại xin Đức Phật thuyết pháp cho nghe được một câu kệ, bèn xin Đức Phật ngưng thuyết để cho ông bố thí Pháp bảo, vì Pháp bảo quý giá, vô giá, rồi ông lấy móng tay nguyện cho bén như gươm rồi cắt đầu mình để lên hai bàn tay mà bố thí Pháp cho Đức Phật và nguyện xin cho đắc thành chánh quả để độ tận chúng sanh, Đức Phật thọ ký cho.

 

Đức Phật Thích Ca bèn giảng giải thêm cho Xá-Lợi-Phất rằng:

- Này Xá-Lợi-Phất, nếu ai chưa đắc đạo quả trong giáo pháp của Như Lai thì nguyện cho đắc đạo quả trong thời kỳ của mười vị Phật tổ sau này sẽ được y như nguyện không sai vậy.

(Theo Chú giải, như ai tạo được phước lành là bố thí, trì giới, thì nên nguyện như vầy: Idaṃ vata me puññaṃ āsavakkhayavahaṃ hotu - do sự phước báu mà tôi đã làm đây xin kết được duyên để diệt tận các pháp trầm luân trong ngày vị lai. Khi đã nguyện như thế thì thế nào cũng gặp được một Đức Phật trong ngày vị lai chẳng sai vậy.)

- Này Xá-Lợi-Phất, chư Bồ tát đã được thọ ký mười vị còn năm trăm vị nữa do pháp ba-la-mật chưa tròn đủ nên chưa có Đức Phật nào thọ ký cho.

Tất cả chư Phật đều: có 10 tuệ lực như nhau, có 32 tướng lạ như nhau, có 3 ân đức như nhau, có 8 cái minh hay giác như nhau, có 15 cái hạnh như nhau.

Mười tuệ lực ấy: ṭhānāthāna ñāṇa: tuệ biết rõ cái nhân để đưa chúng sanh đến chỗ vui hoặc khổ đúng theo sự thật; vipāka jānana ñāṇa: tuệ biết rõ cái quả của chúng sanh trong quá khứ, vị lai và hiện tại đều do nghiệp lành hoặc dữ mà trả quả; sabbattha gāminī patipadā ñāṇa: tuệ biết  tất cả các pháp hành vi thế nào để đưa chúng sanh đến chỗ vui hoặc khổ trong tam giới; nānādhātu jānana ñāṇa: tuệ biết rõ tất cả nguyên chất khác nhau là: chất đất, nước, gió, lửa, hư không và chất thức v.v....; nānādhimutti ñāṇa: tuệ biết rõ tất cả chúng sanh có căn cơ thấp hèn hay cao thượng;paropariya ñāṇa: tuệ biết rõ tất cả chúng sanh đều có tư cách và trình độ khác nhau; jhāna vimokkha sampatti ñāṇa: tuệ biết rõ tất cả sự trong sạch hay dơ bẩn các sắc thiền và sự giải thoát;pubbenivāsānussati ñāṇa: tuệ biết rõ tất cả những tiền kiếp của mình và của chúng sanh tới vô lượng vô biên kiếp, khi sanh ra dòng giống thế nào, tên họ chi, hình dáng ra sao, vui khổ thế nào đều biết rõ không sai v.v...; cutūpapātan ñāṇa: có tuệ nhãn biết rõ tất cả sự sanh tử luân hồi của chúng sanh đều do theo duyên nguyện lành dữ cấu tạo; āsavakkhaya ñāṇa: tuệ biết rõ tất các các pháp trầm luân (là pháp làm cho chúng sanh chìm đắm mãi mãi không thoát khỏi khổ) và diệt tận các pháp ấy, không cho phát sanh lên nữa;

Ba mươi hai tướng : supatiṭṭhita pādā: hai lòng bàn chân bằng phẳng, phần đông lòng bàn chân đều hủng (trủng vô) người lòng bàn chân ít hủng là người ít phiền não; hetthā panassa pādatalesu cakkāni: hai lòng bàn chân đều có hai bánh xe có một ngàn cây căm; ayatapaṇhi: gót chân thật dàibằng ba lần của người bậc trung; dīghaṅguli: ngón tay và ngón chân thật dài và nhọn lần như dùi trống; mudutaluna hatthapādo: bàn tay và bàn chân thật mềm mại; jāla hatthapādo: hai bàn tay và bàn chân có chỉ lẫn lộn như lưới giăng thật đẹp; ussaṅkhapādo: cổ chân nổi lên rõ rệt trên lưng bàn chân; eṇijaṅgho: ống quyển dài và tròn như ống chân con nai; thitakova anomamanto: hai cánh tay thật dài, Ngài đứng không cúi xuống nhưng hai bày tay rờ tới đầu gối; kosohita vatthaguyho: ngọchành (dương vật) ẩn vào trong bọc da (như dương vật con bò); suvaṇṇa vaṇṇo: màu da Ngài sáng như vàng ròng (kim thân); sukhumacchavi: da thịt mịn, bụi rớt không dính được; ekekaloma: mỗi lỗchân lông chỉ mọc 1 sợi lông đều nhau mỗi lỗ; uddhagga lomo: tất cả sợi lông đều dựng đầu trở lên toàn màu xanh như bông biếc (người thường thì sợi lông đều thòng xuống); brahmujugatto: thânhình ngay thẳng giống như mình trời Phạm Thiên (đều đặn và ngay thẳng); suttussado: có bảy chỗ thịt đều bằng phẳng là: thịt cần cổ, thịt hai lưng bàn tay, hai lưng bàn chân, và hai chả vai đều bằng thẳng đầy đủ (chớ không hủng); sīhapubbaddhakāyo: có thân hình phía trước giống như thân hình sư tử hẩu; citantaraṃso: thịt giữa khoảng hai chả vai đều bằng phẳng; nigrodha parimaṇḍalo: thânhình Ngài giống như cây da (là sải tay dài bao nhiêu là thân hình cũng cao in như vậy);samavaṭṭakkhanho: cần cổ đều và tròn trịa; rasagga saggī: có 700 sợi gân thật nhỏ châu đầu lại cuống lưỡi ở cần cổ để lãnh lấy vị trần khi để vô lưỡi liền đem khắp châu thân; sīhahanu: có cằm tròn như cằm sư tử hoặc giống như trăng bữa 12; cattālīsadanto: có 40 cái răng (hàm trên 20, hàm dưới 20); samadanto: những cái răng ấy đều đặn và bằng nhau; aviraḷadanto: những răng ấy đều khít nhau cả; susukkadāṭho: 4 cái răng nhọn trắng và sạch; pahūtajivho: có lưỡi mềm thật dài và lớn, có thể le ra che đậy cả mặt, hay là xỏ vào lỗ mũi hoặc lỗ tai; brahmassaro: tiếng nói trong trẻo êm dịu như tiếng Đại Phạm Thiên hay là chim Kāravīka; gopakhumo: những lông nheo giống lông bò con; abhinīla netto hoti: tròng con mắt xanh đậm như mắt bò con; uṇṇā bhamukantare jātā:những lông mày màu trắng, nghi thức mềm mại như bông gòn; uṇhīsasīso: cái trán và cái đầu tròn trịa và tóc bao phủ đều khoanh lại phía mặt coi như là đội mão.

 

Các phép lạ tự nhiên trong lúc Bồ-tát giáng sanh.

Tất cả chư Bồ tát quá khứ, vị lai, hiện tại, khi giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót đều tự nhiên có những phép lạ xảy ra.

Khi Bồ tát từ trên cung trời Đâu Suất giáng sanh vào lòng Phật mẫu thì toàn cả quả địa cầu đều rung rinh chuyển động và hào quang sáng ngời chiếu cả mười ngàn thế giới ta-bà, làm cho tất cả chúng sanh thấy nhau rõ ràng.

Có chúng sanh khi vào lòng mẹ, biết ta đương vào lòng mẹ, nhưng khi ở trong bụng mẹ và khi lọt lòng mẹ thì không biết mình, có chúng sanh khi vào cũng biết, khi ở trong bụng mẹ cũng biết. Còn tất cả chư Bồ tát thì khi vào lòng mẹ, khi ở trong bụng và khi lọt ra khỏi lòng mẹ đều biết mình cả. Lúc ở trong lòng mẹ thì luôn có bốn vị Chư Thiên hộ trì gìn giữ.

Chúng sanh khi ở trong bụng mẹ thì hai tay nắm lại đỡ cằm, mặt day vào lưng mẹ, còn Bồ tát ở trong bụng mẹ thì day mặt ra phía trước, ngồi xếp bằng như vị pháp sư.

Khi Bồ tát giáng sanh vào lòng mẹ rồi thì từ ấy Phật mẫu không muốn người đàn ông nào gần gũi, chán nản tình dục và tự nhiên nguyện giữ ngũ giới và thân thể hằng được an vui mạnh khỏe. Khi Bồ tát ở trong lòng thì Phật mẫu thấy rõ ràng như ở ngoài, chúng sanh ở trong lòng mẹ khoảng 8, 9 tháng hoặc là 9 tháng 10 ngày, còn chư Bồ tát thì chẵn 10 tháng mới ra khỏi lòng.

Khi ra khỏi lòng thì cũng như vị pháp sư từ trên pháp tọa ngay hai chân ra rồi đi xuống (là khi sổ lòng hai chân ra trước). Đây là sự tự nhiên khi Bồ tát lọt ra khỏi lòng chưa rớt tới đất thì có bốn vị Phạm Thiên ở trên cung Suddhāvasa xuống đỡ lấy Bồ tát ẵm đem lại trước mặt Phật mẫu mà tâu rằng: Ngài đây là con cao thượng quý báu của Ngài đã trổ sanh, rồi mới để xuống đất. Bồ tát đứng vững xong rồi đi bảy bước đều có bông sen mọc đỡ lên bàn chân, day mặt về hướng bắc, nhìn khắp nơi, chỉ tay thiên, chỉ tay địa và nói: “Aggohamasmi, jetthohamasmi, seṭṭhohamasmi lokassa ayamantimā me jāti natthidāni punabbhavoti” - Trên trời dưới đất chỉ có ta đây là lớn, cao thượng và quý báu, kiếp này là kiếp chót của ta vậy. Rồi mới tới mấy cô hầu rửa ráy cho.

Phần đông phụ nữ khi sanh con, nằm nghi thức hoặc ngồi sanh cũng có, còn Phật mẫu thì vẫn đứng hái bông như thường rồi sanh Bồ tát ra, khi sanh ra thì có hai giọt nước nóng và mát từ trên hư không chảy xuống cho Phật mẫu và Bồ tát tắm rửa.

Chúng sanh khi sanh ra thì thân thể dơ bẩn, còn Bồ tát thì thân mình sạch sẽ như viên ngọc mani mà thợ đã trau dồi rồi để trên tấm lụa đỏ vậy. Khi lọt ra khỏi lòng thì toàn quả địa cầu đều rung rinh chuyển động cả núi sông và hào quang chiếu sáng khắp nơi, vô lượng vô biên thấu cả trong tam giới.

Tự nhiên sau khi Phật mẫu sanh được bảy ngày thì thăng hà (từ trần) đặng sanh về cõi trời Đâu Suất (Tusita) để hưởng sự thanh nhàn hơn trần gian, đây là các pháp tự nhiên khi chư Bồ tát giáng sanh đều in nhau hết thảy.

 

Ba ân đức của Phật.

Tất cả chư Phật đều có ân đức vô lượng vô biên không ai có thể nào kể cho hết được, nhưng nói tóm lại có 3 ân đức là: parisuddhi guṇa: có ân đức là hoàn toàn trong sạch cả thân, khẩu, ý, dầu trước mặt hay sau lưng người cũng vậy; karunā guṇa: có lòng bi mẫn thương xót tất cả chúng sanh như mẹ thương con (Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử, còn thường nhơn thì thương yêu tội nghiệp vợ hơn là thương xót đến chúng sanh khác); paññā guṇa: có ân đức là trí tuệ hoàn toàn sáng suốt không có vật chi che áng trí tuệ Ngài, thông cả tam giới thấu cả bốn loài, biết rõ ái dục phiền não, biết rõ nguyên nhân sanh ra ái dục phiền não, biết rõ nơi diệt tận ái dục phiền não, biết rõ phải thực hành thế nào để diệt tận ái dục phiền não.

Ngài có ba ân đức ấy mới có thể hóa độ chúng sanh luôn Chư Thiên và nhân loại một cách dễ dàng được.

 

Minh và hạnh của Đức Phật (vijjācarana).

Tất cả chư Phật đều có 8 minh hay là giác và 15 hạnh (sự hành vi) in nhau.

Tám minh hay là giác (vijjā): vipassanā ñāṇa: minh sát minh là tuệ biết rõ mười pháp minh sát;mano mayiddhi: hóa tâm minh là biết biến hóa tâm mình ra nhiều người hoặc nhiều người ra một người; iddhividhaññāṇa: thần thông minh là biết biến hóa các pháp thần thông; dibbasotaññāṇa: thiên nhĩ minh là có lỗ tai nghe được những tiếng nói xa hoặc gần của người và Chư Thiên;paropariyan ñāṇa: tha tâm thông là biết rõ tâm của kẻ khác hoặc là tham, sân, si v.v...; pubbe nivāsānusati ñāṇa: túc mạng minh là biết rõ những tiền kiếp mình và tất cả chúng sanh;cutopapātaññāṇa: sanh tử minh là có nhãn thông thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh đều do theo duyên nghiệp mà cấu tạo; āsavakkhaya ñāṇa: lậu tận minh là tuệ biết rõ các pháp trầm luân mà diệt tận.

Mười lăm hạnh (carana)sīla saṃvaro: thu thúc theo giới hạnh; indriya saṃvaro: thu thúc lục căn cho thanh tịnh là không cho tâm vui hay buồn, khi lục căn tiếp xúc với lục trần; bhojane mattaññutā: tư cách biết tiết độ trong vật thực (chỉ ăn một buổi ngọ thôi); jāgariyānuyogo: luôn luôn thức tỉnh, ít mê ngủ; saddhā: có đức tin chân chánh theo lý nhơn quả và bồ đề giác; sati sampajjaññā: luôn luôn có sự ghi nhớ và biết mình; hiri: hổ thẹn tội lỗi; ottappa: ghê sợ tội lỗi;bāhusacca: sự nghe nhiều học rộng; viriya: sự tinh tấn đúng theo pháp tứ chánh cần; paññā: trí tuệ thấy rõ lý tứ diệu đế; pathama jhāna: rành mạch trong sơ thiền; dutiya jhāna: rành mạch trong nhị thiền; tatiya jhāna: rành mạch trong tam thiền; cattutha jhāna: rành mạch trong tứ thiền.

 

Viết xong tại Tam bảo Tự, Đà Nẵng,  mùa thu 15-10-1954 ­̶ Phật lịch 2498

---

Viết xong quyển Chánh Giác Tông, có người hỏi sao không thấy nói tới Đức Phật A Di Đà? Tôi cũng có ý muốn tìm tòi cho thấy nhưng rất tiếc xem qua hết Kinh điển Pāli cũng không thấy chỗ nào nói tới Đức Phật A-Di-Đà cả.

 

 

 

 

– Dứt tác phẩm 6. Chánh giác tông –

 

 

 

 

[1] Pháp xuất chúng là pháp lạ thường làm cho chư Thiên và nhân loại đều tán thành là tốt đẹp, cao cả và quý báu.          

[2] Hai mươi bảy vị Phật quá khứ + Phật Gotama.

[3] Chính là tiền thân của đức Bồ tát Sĩ-Đạt-Ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/06/2024(Xem: 4021)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 2982)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3541)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3703)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 7427)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 2735)
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v... nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp. Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
20/01/2024(Xem: 2774)
Năm xưa khi Phật thuyết kinh, hoàn toàn dùng khẩu ngữ vì bấy giờ nhân loại chưa có chữ viết (xứ Ấn). Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật mới kết tập laị những gì Phật dạy để lưu truyền cho đời sau. Đạo Phật dần dần truyền sang các xứ khác, truyền đến đâu thì kinh điển cũng được phiên dịch sang ngôn ngữ của xứ ấy. Lúc ban đầu kinh Phật được ghi chép bằng tiếng Phạn ( Sancrit, Pali ) sau đó thì dịch sang tiếng: Sinhale, Pakistan, Afghanistan, tiếng Tàu, Thái, Nhật, Hàn, Việt… và sau nữa là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
20/12/2023(Xem: 3171)
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA. Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).
19/12/2023(Xem: 9246)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]