Các cảm xúc chính trị:
Tại sao lòng từ ái là cần thiết cho công lý?
Đỗ Kim Thêm
Giới thiệu sách: Martha C. Nussbaum, Political Emotions: Why Love Matters for Justice?, The Bellknap Press of Harvard University Press, 2013
Vấn đề
Yêu thương hay thù oán không chỉ là tình riêng cuả mỗi con người mà còn là một cảm xúc chính trị. Đã có nhiều thí dụ cho thấy là các hiệu ứng của cảm xúc này lan toả đến hệ thống pháp luật, mà đòi công lý hay tự thiêu của dân oan tại Việt Nam là trường hợp phổ biến. Thực ra, trong bất cứ một nền tảng công lý nào thì điểm chính yếu cũng là phải tìm ra một hệ thống luật pháp công minh và tinh thần trọng pháp của người dân và chính quyền để áp dụng trong thực tế.
Ngược lại, có một lập luận mới về cảm xúc chính trị cho là công lý không chỉ là một giải pháp cuả lý trí khách quan mà còn cần đến lòng từ ái của mọi người. Dù tiềm tàng trong cá nhân, nhưng khi có một sự gắn bó từ nội tâm vào một giá trị chung cao đẹp thì nó sẽ thúc đẩy làm cho công lý xã hội hình thành và duy trì.
Lòng từ ái là một cảm xúc chính trị rất cần thiết để phát huy công lý, đó là kết luận của Martha C. Nussbaum trình bày trong tác phẩm Political Emotions: Why Love Matters for Justice?, The Bellknap Press of Harvard University Press, 2013 mà bài viết này sẽ giới thiệu.
Tác giả
Martha C. Nussbaum sinh năm 1947 tại New York. Bà đã dạy tại nhiều đại học nổi tiếng ở Bắc Mỹ và châu Âu, hiện là giáo sư Luật học và Đạo đức học tại Đại học Chicago. Với các trước tác nổi danh, bà trở thành một triết gia tên tuổi và có sách bán chạy. Bà nhận được 30 bằng Tiến sĩ Danh dự và nhiều giải thưởng cao quý khắp thế giới.
Nội dung
Nội dung cũng là tiền đề mà tác giả muốn minh định để tránh mọi hiểu lầm khác trong cuộc thảo luận.
Cảm xúc phải nằm trong khuôn khổ pháp luật có sẳn. Ta không cần tìm hiểu thêm về nguyên uỷ của hệ thống pháp luật mà nên mô tả và phân tích tại sao cảm xúc có tác động làm hình thành, phát huy và duy trì công lý.
Lòng từ tâm không cần dựa trên một thế giới quan toàn diện, nhưng có thể hình thành và phát huy trong một xã hội có tự do chính trị, trọng pháp mà cơ sở của nó là mọi người đều bình quyền và được tôn trọng. Lòng từ tâm làm con người gắn bó nhau để giải quyết các vấn đề công bình xã hội, thay thế cho vai trò của tôn giáo siêu hình hay tôn giáo dân sự theo khái niệm của Jean-Jacques Rousseau hay tính nhân bản của Auguste Comte và John Stuart Mill.
Cảm xúc có giá trị trong điều kiện tổng quát và chuyên biệt. Thương yêu, sợ hải, ganh tị và xấu hổ là cảm xúc của con người, nhưng thể hiện khác nhau tùy theo khuôn khổ chính trị, luật pháp, không gian, thời gian và cá tính.
Công lý và từ ái là hai lý tưởng, nhưng nhận ra giá trị của hai lý tưởng này và tìm cách áp dụng trong xã hội là một thách thức trong thực tế. Kiên trì cải thiện những thành quả này để chuyển hoá thể chế xã hội và tính tình con người là nỗ lực của chúng ta.
Bố cục
Sách có ba phần chính gồm 11 chương. Phần I có ba chương trình bày lịch sử các loại cảm xúc có tác động đến sinh hoạt chính trị mà hiệu ứng lan toả của cảm xúc trong chính trường tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và các nước dân chủ phương Tây là chủ điểm nghiên cứu.
Chương 1 đề cập về các ý nghĩa của tự do, bình đẳng và tình huynh đệ trong tinh thần cách mạng Pháp. Trước đây, sự thuần phục nhà vua trong chế độ hoàng gia là một biểu tượng cao đẹp để thống nhất đất nước và liên kết mọi dị biệt xã hội, nhưng sau khi cách mạng thành công, nó không còn là một giá trị chung cho tương lai. Do đó, lòng ái quốc trong bối cảnh mới theo tư tưởng của J. J. Rousseau và J. G. Herder là giải pháp thay thế.
Chương 2 trình bày vấn đề thay đổi thể chế chính trị là một chuyển biến về cảm xúc. Cảm xúc mới cho một trào lưu mới không thuần là một chuyện cá nhân mà là một loại hình của một không gian văn hoá chung, có yếu tố tâm lý xã hội.
Chấp nhận sự thay đổi là phá vỡ các giá trị xưa củ, mà cũng có nghĩa là nêu cao tinh thần trọng pháp và bình quyền giữa nam và nữ giới. Nếu có kiến thức mới thì sẽ có ý thức mới. Nếu có sự đồng thuận của toàn thể về nhận thức và cảm xúc mới thì sẽ có một sự thay đổi. Các nhạc kịch của W. A. Mozart và Lorenzo da Ponte tạo nên cảm xúc tiềm tàng cho chuyển hoá là thí dụ. Các phương tiện truyền thông xã hội trong các nước dân chủ trở nên đa dạng, nên các tác động của nhạc kịch để chuyển hoá chính trị sẽ còn chịu nhiều hạn chế hơn trong thời kỳ mới.
Các đề tài thảo luận về chính trị vào thế kỷ XIX thường bị giới hạn, mà tư tưởng của Auguste Comte và John Stuart Mill về tình nhân ái là được đề cao nhất. Cả hai cổ vũ cho tinh thần vị tha, nguyên tắc ổn định xã hội, giá trị phổ quát hơn là tính siêu việt của tôn giáo. Ý tuởng nhân bản này có ảnh hưởng đến các sáng tác của Rabindranath Tagore.
Chương 3 và 4 giới thiệu tư tưởng của Rabindranath Tagore và John Stuart Mill. Quan điểm của Mill về tinh thần tiến bộ của con người không thuyết phục cao, vì Mill dựa trên về tư lợi con người và thiếu kiến thức về tâm lý xã hội hiện đại. Dù không toàn diện, nhưng các luận điểm của Mill vẫn còn có giá trị tương đối.
Dù sống trong hai bối cảnh văn hoá khác nhau, nhưng Mill và Tagore xem lòng từ tâm cao đẹp là cơ sở phát triển cho những cảm xúc tích cực, đặc biệt nhất là đề cao việc tôn trọng những ý kiến dị biệt có ảnh hưởng đến các sinh hoạt chính trị và kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
Rousseau và Comte là hai trí thức tiêu biểu cho trường phái cảm xúc tập thể. Tinh thần đoàn kết là một cảm xúc chỉ thành hình và phát triển bền vững khi có tính đồng dạng. Lòng từ ái là cảm xúc nhằm ngăn chặn những ích kỷ và ganh trị, vì nó cản trở việc chia sẽ các phúc lợi chung. Cảm xúc nào cũng là riêng tư, và có thể huy động để lan toả trong một tập thể rộng hơn, nhưng khi các phản biện không được giải quyết, thì sự đồng thuận sẽ không đạt.
Nhạc kịch của Mozart hay thi ca của Tagore gây cảm xúc trong từng cá nhân, nhưng cần thiết làm cho tình cảm cộng đồng gắn bó hơn. Ngày nay, chúng ta cần tìm hiểu hiệu ứng lan toả các cảm xúc qua việc áp dụng khoa học tâm lý học đại chúng.
Phần II có ba chương đặt vấn đề mục tiêu của cảm xúc và tìm cách đưa các nguồn lực này để giải quyết các vấn đề chính trị. Nguồn lực cảm xúc này có nơi con người mà còn trong thú vật.
Chương 5 đề ra những mục tiêu xã hội là Bình đẳng, Hội nhập và Phân phối phúc lợi. Khảo hướng chính để giải quyết vấn đề là tạo công bình trong cơ hội và tìm cách phát huy khả năng chuyên môn trong hoàn cảnh dị biệt. Điều kiện tiên quyết phải có là mọi người được sống trong một chế độ tự do, trọng pháp và có tinh thần phản biện. Nhờ được phát huy trong một thể chế tự do, mà cảm xúc sẽ huy động các khả năng riêng biệt của cá nhân. Do hiệu ứng lan toả này mà mục tiêu công bình cho toàn thể xã hội có thể đạt được.
Chương 6 giới thiệu những kiến thức hiện đại về các cảm xúc của thú vật, từ các loài thú có lông cho đến cả chó và voi. Phân biệt các kiến thức giữa thế giới con người và thú vật giúp chúng ta ứng xử thích hợp hơn với cả trẻ con.
Chương 7 tìm hiểu về nguồn gốc và hướng phát triển của cảm xúc để hoàn thiện mối quan hệ xã hội. Ngoài cảm xúc, chúng ta còn cần đến một trí tưởng tượng, một sự đồng cảm để hoà nhập vào một tâm tình chung và niềm tin chung trong việc giải quyết vấn đề công bình xã hội. Tôn kính, nếu cách biệt lạnh lùng, sẽ không hẳn là một cảm xúc hữu ích và không giúp chúng ta vượt qua các dị biệt về chính kiến. Dù trong thực tế, nó là khởi điểm cần thiết cho mọi giao tiếp, đem đến sự bình đẳng đối xử trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Phần III có ba chương phân tích tác động của cảm xúc cá nhân trong các lĩnh vực công, mà Hoa Ký và Ấn Độ là hai trọng điểm nghiên cứu.
Chương 8 trình bày những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của lòng ái quốc, mà ảnh hưởng của nó tùy vào mục tiêu và cách thực hiện. Lời kêu gọi về lòng yêu nước của các danh nhân như Abraham Lincoln, Martin Luther King, Mahatma Gandhi và Jawaharal Nehru cũng như của các thi nhân Whitman và Tagore là các thí dụ chính. Khi triển khai khái niệm về lòng yêu nước một cách nhân bản và toàn vẹn, thì có thể tránh những lầm lạc cực đoan gây tác hại.
Chuơng 9 đề cao vai trò của từ ái trong việc hình thành và duy trì các hành vi vị tha và thể chế bình đẳng. Trong tiến trình trưởng thành tư duy của dân chúng, mỗi người phải tìm cách học hỏi để nhận ra các hoàn cảnh sống trong bi hài. Vì bi quan dễ tạo cảm xúc thương tổn, nên chúng ta cần có cái nhìn toàn diện trước những thăng trầm của cuộc đời và có nhiều thương cảm hơn. Khi tự ghét mình, ghét người, các tình cảm này chỉ gây thương tổn, nên đánh giá chính xác cảm xúc trước khi hành động là quan trọng hơn.
Chương 10 phân tích ba loại cảm xúc tiêu cực cho công lý, đó là sợ hải, ganh tị và xấu hổ. Con người sống trong xã hội hiện đại cần nhận ra ba đặc điểm bất lợi này và tìm các phuơng cách để tránh gặp phải, hoặc làm tránh cho hậu quả trầm trọng xãy ra.
Chương 11 nêu lên ba kết luận. Một là cảm xúc có tác động trong công luận, nhưng phải thích hợp và tùy thuộc vào không gian, thời gian nhận thức và cá tính. Ảnh hưởng của Gandhi và Luther King trong chính trị là hai thí dụ. King biết sử dụng cảm xúc trong lúc diễn thuyết để gây thu hút công luận. Nhờ học tập kinh nghiệm của Gandhi mà King không hề đề cao cá nhân. Dù Gandhi sống lâu ở hải ngoại, nhưng ông biết gìn giử truyền thống văn hóa Ấn Độ và gây tác động trong phong trào đấu tranh. Hình ảnh dung dị của Gandhi gây thiện cảm trong chính giới và dân chúng khắp nơi.
Hai là vấn đề đạo đức giả trong chính trị mà nhiều nền văn hoá khá nhạy cảm truớc vấn đề này. Cả một thế hệ người Mỹ sẽ phải kinh hoàng khi nghe nhắc lại tinh thần yêu nước cuồng nhiệt trong chiến tranh Việt Nam, một thí dụ về một sai lầm trong lịch sử mà nhiều người Mỹ và ở các nơi khác trên thế giới muốn tránh tái diển.
Ba là lòng từ ái trong sinh hoạt xã hội có quá nhiều hình thái, từ cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tất cả tạo thành một văn hóa từ tâm chung, nhưng có tác dộng dị biệt. Do đó mà một bài diễn văn kêu gọi sẽ gây nhiều phản ứng tâm lý khác nhau trong các tầng lớp dân chúng khác nhau.
Nhận xét
Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là tinh thần lạc quan của tác giả khi đề cao lòng từ ái và tin rằng nền dân chủ phương Tây có những đặc điểm tốt đẹp giúp cho từ tâm sẽ có điều kiện phát huy. Bằng một giọng văn ấm áp và trong sáng, bà kể những thí dụ về Washington, Lincoln, Roosewelt, Churchill, Luther King và Gandhi. Những dẫn chứng về tư tưởng của Rousseau, Comte, Mill, đặc biệt về thi ca của Tagore và âm nhạc của Mozart, cho thấy sự uyên bác cùa bà. Do các ảnh hưởng này mà bà xem trọng các giá trị tinh thần hơn vật chất và tin là cảm xúc tích cực (từ tâm và hy sinh) cần phát huy để chuyển hoá và tiêu cực (sợ hải, xấu hổ và ganh tị) cần loại trừ.
Thực ra, không phải chỉ có thái độ vị kỷ của con người là nguyên nhân chính mà cạnh tranh lành mạnh là động lực cho sự thăng tiến xã hội và Bernard Mandevilles đã minh chứng. Phong trào chống đối bất công cũng không thể khởi đầu bằng lòng từ ái, mà là một sư phản kháng để gây tỉnh thức và Occucpy Wall Street là thí dụ.
Nhìn trong toàn cảnh hiện nay thì nối kết mối quan hệ từ ái và công lý này càng khó khăn hơn. Dù tại các nước phương Tây, phương Đông hay các nước đang phát triển thì lòng từ ái cũng không thể phát huy vì có quá nhiều trở lực.
Các nước phương Tây có bốn trụ cột nền tảng là dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự, nhưng hiện nay không còn đứng vững. Dân chủ không còn bảo đảm ổn định xã hội trong hiện tại và công bình cho thế hệ tương lai. Quy luật kinh tế thị trường chuyển biến phức tạp và không thể kiểm soát nên gây xáo trộn cơ chế vận hành. Dù thể chế pháp quyền là để bảo vệ công bình xã hội, nhưng luật pháp trở nên khó hiểu, các luật sư càng thao túng tiền bạc, làm cho tranh tụng tốn kém và công lý là món hàng đắt giá. Xã hội dân sự không còn năng động cải cách, vì con người thờ ơ trước các biến chuyển thời cuộc và các nhóm lơị ích áp lực nặng nề hơn.
Các nước phương Tây đã ý thức rõ là phải cải cách toàn diện, nhưng suy trầm kinh tế kéo dài, nợ công chồng chất, khí hậu biến đổi khắc nghiệt, khủng bố lan tràn khắp nơi, làn sóng di dân ồ ạt và mức độ lão hoá dân số đáng ngại, tất cả biến động dổn dập này làm cho tình hình chung trầm trọng hơn, khi mà Pháp bị tổn thương nặng nề, Liên Âu trên đà tan rã và giá trị văn minh phuơng Tây tàn lụn. Lòng từ tâm chỉ là một trong các yếu tố tâm lý chung đóng góp trong tiến trình chuyển hoá xã hội, mà giới hạn của nó đã thể hiện quan các phong trào cực đoan bài ngoại ngày càng nhiều và việc đóng cửa biên giới tại châu Âu.
Tác giả đề cao tính nhân bản và không cổ vũ riêng cho một tôn giáo nào, nhưng nội dung lý giải rất gần với giáo lý của Phật giáo. Bà không đề cập đến tình trạng khủng hoảng về giá trị tâm linh ở các nước phương Tây và giáo lý Phật giáo đã lan toả những giá trị mới đầy thu hút.
Cụ thể là khi đặt mối tương thuộc của con người với thiên nhiên, thú vật, xã hội và thế giới, Phật giáo đề cao tự do cá nhân trong tư duy độc lập và nỗ lực hành động để thay cho giáo điều, từ bi trong một thế giới vị kỷ, bất bạo động trước một trào lưu quốc tế cuồng tín với sử dụng bạo lực. Đặc biệt nhất là với lòng khoan dung những dị biệt, Phật giáo còn có khả năng hoá giải xung đột chính trị. Với một nội dung hiếu hoà và phương cách khả thi nên đạo đức Phật giáo sẽ là một tiềm năng to lớn để đóng góp thiết thực cho việc xây dựng hoà bình và công lý.
Ở các nước phương Đông, tinh thần Phật pháp tiềm tàng trong lòng văn hoá dân tộc nên các luận giải cuả tác giả không mới lạ. Các Phật tử đều biết rõ về giá trị của lòng từ bi hỷ xả, lấy ân báo oán của Phật giáo, nhưng thực hiện lòng từ ái còn cần các yếu tố khác hỗ trợ. Khó khăn hơn có lẽ là do các nỗ lực hoằng pháp của các Tăng Đoàn bị hạn chế và các sinh hoạt này ngày càng cách biệt với xã hội đang chuyển mình, thậm chí còn thoả hiệp với bạo quyền để hưởng những đặc lợi vật chất. Dù tâm mộ đạo, nhưng Phật tử còn theo nghi lễ xa xưa và kinh điển cổ ngữ, nên việc tu tập không còn phù hợp với nhu cầu tâm linh của thời đại mới.
Ở các nước nghèo, tinh thần vị tha của con người là những đáp ứng cần thiết trước những bất công xã hội, nhưng việc thể hiện này còn tùy thuộc vào nỗ lực của chính quyền trong đấu tranh chống nghèo đói. Trong khi xã hội ngày càng phân hoá, thì chính quyền lại không đủ khả năng để cải cách triệt để, mà tình hình này sẽ còn kéo dài, nên ít tạo ra ý thức cho công lý.
Thực ra, không ai có thể đề ra một chương trình khởi động lòng từ tâm để phát huy công lý trên quy mô toàn cầu trong thế kỷ XXI. Trong việc khám phá ra tiềm năng chuyển hoá cho toàn xã hội, nổ lực tự thực hiện từ tâm của từng cá nhân vẫn là khởi điểm chính yếu. Chúng ta đồng ý với Martha C. Nussbaum là yêu thương là một căn bản đạo đức cần thiết để phát huy công lý nhưng nó chỉ lan toả trong một chừng mực giới hạn.
Lạm bàn chuyện nước non
Dù không bàn trực tiếp đến các vấn đề của Việt Nam, nhưng tác giả không làm thất vọng cho độc giả người Việt vì cũng đã gián tiếp đem lại một lý giải cho thảm trạng hiện nay của đất nước.
Bản chất thù hận của chế độ toàn trị và tình trạng vô cảm trước chính sự của dân chúng là hai cảm xúc chính trị gây ra nguyên nhân. Chính sách giáo dục ngu dân của chính quyền, tinh thần nô lệ tự nguyện của đa số dân chúng làm cho trình độ dân trí không thể nâng cao và dân khí chưa được chấn hưng. Vì chịu ảnh hưởng của một hệ thống giáo dục Đảng trị, nên thế hệ tham chiến chỉ biết thù hận và chiến đấu mà lời thơ của Tố Hữu là một bằng chứng:
Nuôi đi em cho đến… muôn đời
Mầm hận này trong lồng xương ống máu…???
Thế hệ hậu chiến lại không có điều kiện tiếp thu kiến thức, ý thức, kinh nghiệm và động lực khích lệ để xây dựng giá trị tinh thần mới. Dĩ nhiên, tất cả các yếu tố nội tại này cùng tác động nhau làm cho chính thể sống lâu hơn và bất hạnh của dân tộc kéo dài hơn. Do đó, ước mơ dân chủ hoá cho đất nước còn xa vời và suy vong của dân tộc là hiện thực.
Muốn canh tân đất nước, Việt Nam cần có con người tỉnh thức, tìm hiểu và yêu mến các giá trị tinh thần mới và thiết tha xây dựng thể chế mới. Nếu suy luận theo tác giả, thì tình yêu thương sẽ là một cảm xúc chính trị mới cần thiết để làm thành một nguồn lực xây dựng lại con người, gia đình, xã hội và đất nước. Đã đến lúc mọi người cùng tĩnh thức lòng từ ái và giúp nhau khai sáng để tìm hiểu và mến yêu các giá trị tinh thần mới.
Nhờ thế, hy vọng là chính quyền sẽ không còn ác với dân, hèn với giặc, nghi ngờ mọi người là thù địch, lo sợ mất độc quyền lãnh đạo bất nhân và mất của bất chánh. Cũng tương tự, người dân sẽ không còn dùng bạo lực để tự ban phát công lý và giải quyết các tranh chấp trong gia đình, học đường và xã hội.
Tác giả đã cảnh tỉnh cho chúng ta nên khơi động tình yêu thương đất nước và con người trong hoàn cảnh hiện nay. Người viết cám ơn tác giả về nguồn cảm hứng này.
Dear Prof. Nussbaum,
Thank you for the inspiration and encouragement you have provided.
***
Bài liên quan:
Kim Them Do: Why Compassion Matters for Reform in Vietnam?
http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2701155