“Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh thế gian danh lợi khách
Kinh thanh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng trung nhơn”.
Một làn khói trầm vương nhẹ, một lời kinh khuya sớm, một tiếng chuông rơi… đều làm cho tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thoát, hướng thượng và quay về với nội tâm.
Mỗi tôn giáo đều có những nghi thức và pháp khí hành lễ đặc thù, phù hợp với truyền thống và văn hóa của tôn giáo mình. Đạo Phật, gần hai ngàn năm gắn liền với Dân tộc chúng ta, cho nên những pháp khí, tiếng trống, tiếng chuông chùa… trở thành thân thương, gần gũi, quen thuộc với văn hóa Dân tộc và lắng đọng trong tâm hồn người Việt
Mỗi khi đến chùa, chúng ta thường thấy những pháp khí như:
- BẢNG: làm bằng miếng gỗ lớn, thường dùng để báo giờ quá đường, thọ trai, tọa thiền, chỉ tịnh.
- KHÁNH: còn được gọi là Kiềng chùy, đúc bằng đồng, dẹp, hình giống đầu lá phướn, lúc thỉnh tiếng không ngân như tiếng chuông, dùng để báo giờ hành lễ, công phu khuya. Vị sư phụ trách về thời khóa, giờ giấc trong chùa (Tri chung) thường dùng khánh để điều khiển tăng chúng.
- MÕ: dùng để điều khiển đại chúng tụng kinh cho nhịp nhàng và có chánh niệm trong các khóa lễ.
- TRỐNG LỚN: còn được gọi là Cổ lôi âm hay Đại cổ (có địa phương còn gọi là trống sấm), được đặt cố định trên giá gỗ lớn và để ở lầu trống, chỉ dùng để thỉnh chuông trống Bát Nhã.
- TRỐNG CÔNG PHU: (bằng cỡ 1/4 Cổ lôi âm) cũng được đặt trên giá gỗ và để trong chánh điện. Trống nầy chỉ sử dụng trong các thời công phu chúc tán mà thôi.
- TRỐNG NHỎ: (còn gọi là Tiểu cổ hay Trống chiến), một nhạc cụ quan trọng trong lễ nhạc Phật giáo, thường được di chuyển, đem đi cúng trong các buổi trai đàn chẩn tế.
- CHUÔNG LỚN: Đại hồng chung, gọi tắt Đại chung, hay Hồng chung (như trong bài kệ Hồng chung sơ khấu, thinh chấn càn khôn, thượng thông thiên đình, hạ triệt địa phủ…), cũng gọi là Bá bát chung, Phạn chung, Hoa chung, Cự chung hay Thần hôn đại chung.
- BẢO CHÚNG: (bằng cỡ 1/4 và hình thức cũng giống như Đại hồng chung), được treo trên giá gỗ, dùng để báo giờ chấp tác, thức chúng, chỉ tịnh, công phu.
- CHUÔNG GIA TRÌ: hay chuông công phu, đặt trước bàn Phật đối diện với mõ, chuông bên phải, mõ bên trái (nếu đứng từ ngoài nhìn vào). Nếu có hai bộ chuông mõ thì Đại gia trì được để bên trong, sát bàn Phật dành riêng cho chư Tăng sử dụng, còn Tiểu gia trì thì đặt bên ngoài cho khách thập phương sử dụng.
Ý NGHĨA CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ
Lệ thường vào những ngày rằm, mùng một, các ngày vía Phật hay có lễ lớn tại chùa, chúng ta thường được nghe những hồi âm thanh chuông trống Bát- nhã vang dội, rung chuyển, giục giã như hối thúc chúng ta lên đường, tạo cho người nghe có cảm giác trong một niệm trí tuệ được phần nào giải thoát.
Trong các cuộc lễ, chuông trống Bát-nhã được thỉnh lên 2 lần, mỗi lần 3 hồi tiếp theo 4 tiếng.
- Lần thứ nhất, trước khi cử hành buổi lễ, để:
- Cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát, chư Hộ Pháp thượng bảo điện chứng minh cho buổi lễ, chứng tri công việc Phật sự đã thành tựu viên mãn.
- Cung thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni quang lâm Phật điện hay vào lễ đài (vào những buổi lễ lược quan trọng, khi có đông đảo đại chúng tham dự).
- Lần thứ hai, khi cuộc lễ vừa chấm dứt, để cung tiễn chư Phật, chư vị Bồ Tát, Hộ Pháp, chư Tăng trở về trụ xứ cũ.
Người thỉnh trống thỉnh theo bài kệ sau đây:
Bát-nhã hội
Bát-nhã hội
Bát-nhã hội
Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát-nhã âm
Phổ nguyện pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập Bát-nhã
Ba-la-mật môn
Xin lược dịch bài kệ:
Câu Bát-nhã hội mang ý nghĩa Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát (câu nầy được thỉnh 3 lần giống như chúng ta niệm Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát 3 lần vậy).
Chúng con kính xin thỉnh Phật thăng bảo tòa thuyết pháp, đại chúng đều được nghe âm thanh của trí tuệ siêu việt từ kim khẩu Đức Như Lai tuyên thuyết. Phổ nguyện cho tất cả loài hữu tình chúng sanh trong pháp giới khi nghe âm thanh vi diệu nầy đều được nhập vào biển trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát.
Sao gọi là Bát Nhã?
Bát Nhã (còn được gọi là Bát-lại-nhã, Bát-la-nhã, Bát-thích-nhã, Bát-thận-nang, Bát-la-nang…) tiếng Sanscrit là Prajnà, tiếng Pali là Panna, chữ Hán dịch là Trí tuệ hay Tuệ minh, là thứ trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, ly dục, không còn bị chi phối bởi phiền não, ô nhiễm, là thứ trí tuệ đệ nhất, không thứ gì cao hơn, rộng hơn, không thứ gì có thể so sánh cho bằng (thậm thâm, vi diệu, vô thượng, vô tỉ, vô đẳng).
Trong Phật pháp, Trí tuệ có ba thứ hỗ trợ và bổ túc cho nhau, đó là:
- Văn tuệ: bởi được nghe, được thấy, được học hỏi từ Tam tạng giáo điển của đức Phật hay từ Thiện tri thức mà có trí tuệ (Văn tự Bát Nhã).
- Tư tuệ: sau khi đã được nghe, được học rồi, do bởi suy nghĩ, thẩm cứu, quán chiếu, tư duy thấu đáo mà có trí tuệ (Quán chiếu Bát Nhã).
- Tu tuệ: sau khi đã được nghe, học và đã suy nghĩ, quán chiếu tường tận, do bởi tu tập, thực hành, soi tỏ, thấu triệt thực tướng các pháp mà có trí tuệ (Thực tướng Bát Nhã).
Ba-la-mật (nói cho đủ là Ba-la-mật-đa) theo tiếng Sanscrit là Paramita, dịch nghĩa là Độ hay Đáo bỉ ngạn, có nghĩa là vượt qua bên kia bờ. Ta thường hình dung: bờ bên nầy là sanh tử, phiền não; bờ bên kia là bờ giác hay niết bàn. Đó vẫn còn là ý niệm nhị biên (bên nầy, bên kia). Hành giả, một khi đã chứng nhập Bát nhã ba la mật, thì không còn bờ bên nầy, bờ bên kia (không còn ý niệm nhị biên) vì ngay đó đã là cứu cánh Niết-bàn.
Ba-la-mật gồm có sáu pháp (còn gọi là Lục độ), đó là:
- Bố thí Ba-la-mật (Đàn Ba-la-mật).
- Trì giới Ba-la-mật (Thi Ba-la-mật).
- Nhẫn nhục Ba-la-mật (Sàn-đề Ba-la-mật).
- Tinh tấn Ba-la-mật (Tỳ-lê-da Ba-la-mật).
- Thiền định Ba-la-mật (Thiền Ba-la-mật).
- Trí tuệ Ba-la-mật (Bát-nhã Ba-la-mật).
Đó là sáu Đại hạnh của chư Bồ Tát để tự độ (chứng đắc Niết-bàn) và thực hành thêm hạnh Phương tiện để độ tha (độ thoát cho tất cả chúng sanh). Trong sáu Đại hạnh nầy, Bát-nhã Ba-la-mật là thứ cao tột, đệ nhất, vô thượng.
Bát-nhã Ba-la-mật là mầm mống trí tuệ siêu việt, cao tột, thậm thâm vi diệu, vốn sẵn có nơi tất cả chúng sanh. Nhưng vì bị vô minh, ái dục che mờ nên chúng sanh không tự biết. Đức Phật dạy các pháp môn thực hành để khai mở cái vốn trí tuệ sẵn có nơi tự tánh của mỗi người, dùng trí tuệ như con thuyền pháp thân đưa mình và các chúng sanh khác vượt biển sinh tử đến bờ Niết bàn, do vậy mà gọi là Trí tuệ đáo bỉ ngạn.
Hiểu một cách khác, Bát-nhã Ba-la-mật là đức hạnh rốt ráo của người quyết tu thành Phật và để cứu độ cho tất cả chúng sanh được đắc quả như mình.
Đại chúng đồng văn – Bát nhã âm: Tất cả đại chúng đều nghe – Âm thanh Bát nhã.
Phổ nguyện pháp giới
Nhập Bát-nhã Ba-la-mật môn: Nhập vào biển Trí tuệ siêu việt của chư Phật và chư Bồ Tát, trở về với bản lai diện mục, chân như, thường hằng, vắng lặng, thanh tịnh, thậm thâm vi diệu, chứng thành đạo quả.
Với ý nghĩa như được trình bày ở trên, tiếng chuông trống Bát
Tiếng chuông trống Bát-nhã khai sáng tiềm lực, khả năng trí tuệ siêu việt, trí tuệ giải thoát thường trực, hiện hữu, không gián đoạn. Tiếng chuông trống Bát-nhã đang giục giã chúng ta sớm thức tỉnh, thôi thúc chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ mà “lên đường” ngay, bắt nhịp theo dòng tuệ giác của chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền… xuất thế, giải thoát.
HƯỚNG DẪN CÁCH THỈNH CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ
Lúc đến giờ hành lễ, vị Tri chung thỉnh lên ba hồi khánh. Khi khánh được thỉnh đến hồi thứ ba thì chuông và trống cùng câu 7 tiếng. (Câu nghĩa là thừa thượng tiếp hạ, chuông 1 tiếng trống 1 tiếng). Bảy tiếng nầy (lôi thất sơ thứ) có ý nghĩa là Thất bồ đề phần hay Thất giác chi. Trong Trường A Hàm thì gọi là Thất giác ý, gồm Trạch pháp, Tinh tấn, Khinh an, Hỷ, Niệm, Định, Xả. Sau đó chuông trống cùng theo khánh “dứt tứ”. Bốn tiếng nầy mang ý nghĩa dứt tứ tướng sanh, lão, bệnh, tử để chứng tứ phần pháp thân là thường, lạc, ngã, tịnh.
Tiếp theo, trống thỉnh lơi mười tiếng (hai tiếng sau cùng đánh liền nhau để báo hiệu). Mười tiếng trống lơi mang ý nghĩa vạn loại hữu tình đăng Thập địa. Nguyện cho tất cả chúng sanh hữu tình cùng lên Thập địa, tinh tấn tu tập để vào mười cảnh giới của hàng Bồ Tát (trước khi thành Phật) đó là: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Diễm huệ địa, Phát quang địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.
Từ đây bắt đầu thỉnh trống vào hồi thứ nhất theo bài kệ đã được nói ở trên. Sau khi hết hồi thứ nhất thì tiếp liền theo thỉnh lơi mười tiếng trống trước khi chuyển sang hồi thứ hai.
Hết hồi thứ hai cũng thỉnh lơi mười tiếng trống trước khi chuyển sang hồi thứ ba. Sau khi hết hồi thứ ba, trống cũng thỉnh lơi mười tiếng.
Thỉnh 3 hồi chuông trống mang ý nghĩa Tam chuyển pháp luân (gồm Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển).
Sau cùng chuông trống cùng câu bốn tiếng để kết thúc (chung quy diệt tứ).
Theo như cách thỉnh chuông trống Bát-nhã trên đây, chúng ta thấy giống hệt như cách thỉnh trong bài kệ khai chung bảng bên dưới:
KỆ KHAI CHUNG BẢNG
Phù diệu âm bất khấu
Huyền đạo tùng hà xứ nhi sanh
Pháp ngữ bất tuyên
Nãi đăng tảo vô do quang tục
Ngô khai chung bảng văn:
Lôi thất sơ thứ
Đả thập nhi trung
Hàm tiếp tam lôi
Chung quy diệt tứ
Nhất cá viên hề nhất cá phương
Cửu châu sa giới tuyệt tư lương
Kim thanh mộc vận tùng tư chấn
Vạn cổ sum nhiên tuyển Phật trường
Dịch:
Phàm diệu âm không gõ
Đạo mầu do đâu mà phát sinh
Lời pháp không nói
Lẽ huyền vi làm sao mà quang tục
Tôi khai chung bảng rằng:
(Trước tiên) thỉnh bảy tiếng
Thỉnh ở giữa mười tiếng
Tiếp theo đó là ba hồi
Sau cùng, thỉnh bốn tiếng để chấm dứt
Một chiếc thì tròn một chiếc vuông
Chín châu sa giới dứt suy lường
Hồng âm liêu lượng vang cùng khắp
Muôn thuở còn đây tuyển Phật trường
KỆ CHUYỂN TRỐNG
Sau đây là phần kệ chuyển trống. Phần nầy được trì niệm trước khi thỉnh chuông trống Bát-nhã. Ở phần giải thích, chúng tôi chỉ xin được nói khái lược chứ không đủ khả năng để dịch hay đi sâu vào ý nghĩa thâm thúy của bài kệ.
Đoạn 1: “
Pháp cổ minh thời ngọc kệ tuyên
Hạ thông địa phủ thượng chư thiên
Văn thinh đồng niệm Di Đà hiệu
Trực vãng Tây phương thoát não phiền
(Trống pháp đánh cùng ngọc kệ tuyên
Suốt thông địa phủ đến chư thiên
Nghe thanh cùng niệm Di Đà hiệu
Tịnh độ sinh về thoát não phiền).
(
Con xin trì tụng, niệm kệ nhiệm mầu, chứa đựng lời vàng ngọc.
Xin chuyển tiếng trống thành âm thanh xa vời vợi… lên tận thiên đình… xuống tận địa ngục cho tất cả ai ai đều nghe rõ.
Nghe âm thanh trống nầy, người người đều niệm
Cúi xin Phật A Di Đà với lòng từ bi vô lượng, tiếp dẫn chúng con vãng sanh về cõi Tịnh độ để được an vui, thoát vòng sinh tử.
Đoạn 2: “Cổ thanh hướng xứ biến hà sa
Thiên long bát bộ tiếu ha ha
Tam luân cửu chuyển sinh tử đoạn
Khổ hải chi trung xuất ái hà
Án kim cang yết đế yết đế tóa ha”.
(Tiếng trống rền vang tận cõi xa
Trời rồng tám bộ hỷ hoan ca
Ba vòng chín chuyển lìa sinh tử
Chúng khổ hân hoan thoát ái hà).
(Con xin cho tiếng trống nầy vang dội khắp mười phương.
Cõi dục giới đầy ái nhiễm, khổ hải như lao tù, nguyện ra khỏi.
Cầu xin cho không còn ai phải chịu đọa kiếp luân hồi, thoát vòng sinh tử, đến được cảnh giới an vui.
Án kim cang yết đế yết đế tóa ha).
Đoạn 3: “Cổ nhạc huyên thuyên chuyển pháp luân
Ngũ âm vi diệu hướng thinh thuần
Kinh diên lễ tụng hà sa Phật
Cữu hữu phàm lưu xuất ố trần.
(Trống nhạc tưng bừng chuyển pháp luân
Thanh âm mầu nhiệm tiếng trong ngần
Diên kinh kính lễ hằng sa Phật
Chín loại phàm lưu chứng pháp thân).
(Con xin dùng tiếng trống nầy điểm từng hồi… từng hồi, lực âm thanh mầu nhiệm chuyển quay bánh xe chánh pháp.
Tiếng trống có năng lực tẩy sạch cấu trần khiến cho thân tâm chúng sanh đều được thuần khiết, thanh tịnh.
Cầu xin giáo pháp của Đức Phật được truyền bá sâu rộng đến khắp mọi nơi mọi chốn, để mọi người mọi loài được thấm nhuần uyên thúy.
Tâm thành đảnh lễ, kính cẩn tri ân:
- Hòa Thượng thượng NHƯ hạ HUỆ, Viện Chủ chùa Pháp Hoa, Úc Đại Lợi đã chỉ dạy cặn kẽ phần lễ nhạc nầy.
- Hòa Thượng thượng HẠNH hạ NIỆM, Viện Chủ chùa Pháp Bảo, Hội An đã hướng dẫn, giúp hiệu đính, sửa chữa phần chuyển dịch các bài kệ ra văn vần.
- Huynh Trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, nguyên Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đã khuyến khích, góp ý, bổ túc các bài kệ thành văn xuôi, để bài viết thêm phần phong phú và hoàn chỉnh.
Nguyện cầu âm thanh chuông trống Bát-nhã được thuần túy, không còn xen tạp một âm thanh nào khác. Tiếng vang giải thoát không còn xen tạp, lẫn với tiếng kêu than rên xiết, thương đau ai oán, khổ lụy.
Con xin được cùng mọi loài chúng sanh đồng hành trên con đường giác ngộ, từ bỏ cõi lãng quên, chí quyết theo con đường Giới, Định, Huệ, chóng quay về trong tỉnh thức.
Con xin nguyện cầu trong khắp pháp giới, mọi loài chúng sinh được thoát sanh phàm trần, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát phát bồ đề tâm, đầy đủ phước trí để đạt được Trí tuệ Ba-la-mật, chứng thành Phật đạo.
Khể thủ.
Tâm Lễ Vương Học
Ngày vía Phật Xuất Gia, Phật lịch 2549
BẢNG HƯỚNG DẪN
CÁCH THỈNH KHÁNH VÀ CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ
Thứ tự |
KHÁNH |
CHUÔNG |
TRỐNG |
PHỤ CHÚ |
1 |
Hồi thứ 1 |
|
|
|
2 |
Hồi thứ 2 |
|
|
|
3 |
Hồi thứ 3 |
7 tiếng |
7 tiếng |
(Lôi thất sơ thứ) |
4 |
1 tiếng |
|
|
Chuông Trống theo Khánh cùng dứt tứ |
5 |
|
1 tiếng |
|
|
6 |
|
|
1 tiếng |
|
7 |
2 tiếng |
|
|
|
8 |
|
2 tiếng |
|
|
9 |
|
|
2 tiếng |
|
10 |
1 tiếng |
|
|
|
11 |
|
1 tiếng |
|
|
12 |
|
|
1 tiếng |
|
13 |
|
|
Đánh lơi 10 tiếng |
(Đả thập nhi trung)
Ba hồi chuông trống Bát Nhã (Hàm tiếp tam lôi) |
14 |
|
|
Bắt đầu thỉnh hồi thứ 1 theo bài kệ |
|
15 |
|
|
Đánh lơi 10 tiếng |
|
16 |
|
|
Thỉnh hồi thứ 2 theo bài kệ |
|
17 |
|
|
Đánh lơi 10 tiếng |
|
18 |
|
|
Thỉnh hồi thứ 3 theo bài kệ |
|
19 |
|
|
Đánh lơi 10 tiếng |
|
20 |
|
1 tiếng |
|
(Chung quy diệt tứ) |
21 |
|
|
1 tiếng |
|
22 |
|
2 tiếng |
|
|
23 |
|
|
2 tiếng |
|
24 |
|
1 tiếng |
|
|
25 |
|
|
1 tiếng |