Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuông Trống Bát Nhã

31/03/201519:49(Xem: 24708)
Chuông Trống Bát Nhã

TVQD_Trong Bat Nha

 

“Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh thế gian danh lợi khách

Kinh thanh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng trung nhơn”.

 

Một làn khói trầm vương nhẹ, một lời kinh khuya sớm, một tiếng chuông rơi… đều làm cho tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thoát, hướng thượng và quay về với nội tâm.

 

Mỗi tôn giáo đều có những nghi thức và pháp khí hành lễ đặc thù, phù hợp với truyền thống và văn hóa của tôn giáo mình. Đạo Phật, gần hai ngàn năm gắn liền với Dân tộc chúng ta, cho nên những pháp khí, tiếng trống, tiếng chuông chùa… trở thành thân thương, gần gũi, quen thuộc với văn hóa Dân tộc và lắng đọng trong tâm hồn người Việt Nam.

 

Mỗi khi đến chùa, chúng ta thường thấy những pháp khí như:

 

  • BẢNG: làm bằng miếng gỗ lớn, thường dùng để báo giờ quá đường, thọ trai, tọa thiền, chỉ tịnh.
  • KHÁNH: còn được gọi là Kiềng chùy, đúc bằng đồng, dẹp, hình giống đầu lá phướn, lúc thỉnh tiếng không ngân như tiếng chuông, dùng để báo giờ hành lễ, công phu khuya. Vị sư phụ trách về thời khóa, giờ giấc trong chùa (Tri chung) thường dùng khánh để điều khiển tăng chúng.
  • MÕ: dùng để điều khiển đại chúng tụng kinh cho nhịp nhàng và có chánh niệm trong các khóa lễ.
  • TRỐNG LỚN: còn được gọi là Cổ lôi âm hay Đại cổ (có địa phương còn gọi là trống sấm), được đặt cố định trên giá gỗ lớn và để ở lầu trống, chỉ dùng để thỉnh chuông trống Bát Nhã.
  • TRỐNG CÔNG PHU: (bằng cỡ 1/4 Cổ lôi âm) cũng được đặt trên giá gỗ và để trong chánh điện. Trống nầy chỉ sử dụng trong các thời công phu chúc tán mà thôi.
  • TRỐNG NHỎ: (còn gọi là Tiểu cổ hay Trống chiến), một nhạc cụ quan trọng trong lễ nhạc Phật giáo, thường được di chuyển, đem đi cúng trong các buổi trai đàn chẩn tế.
  • CHUÔNG LỚN: Đại hồng chung, gọi tắt Đại chung, hay Hồng chung (như trong bài kệ Hồng chung sơ khấu, thinh chấn càn khôn, thượng thông thiên đình, hạ triệt địa phủ…), cũng gọi là Bá bát chung, Phạn chung, Hoa chung, Cự chung hay Thần hôn đại chung.
  • BẢO CHÚNG: (bằng cỡ 1/4 và hình thức cũng giống như Đại hồng chung), được treo trên giá gỗ, dùng để báo giờ chấp tác, thức chúng, chỉ tịnh, công phu.
  • CHUÔNG GIA TRÌ: hay chuông công phu, đặt trước bàn Phật đối diện với mõ, chuông bên phải, mõ bên trái (nếu đứng từ ngoài nhìn vào). Nếu có hai bộ chuông mõ thì Đại gia trì được để bên trong, sát bàn Phật dành riêng cho chư Tăng sử dụng, còn Tiểu gia trì thì đặt bên ngoài cho khách thập phương sử dụng.
chuathienphu-daihongchung

 

Ý NGHĨA CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ

 

Lệ thường vào những ngày rằm, mùng một, các ngày vía Phật hay có lễ lớn tại chùa, chúng ta thường được nghe những hồi âm thanh chuông trống Bát- nhã vang dội, rung chuyển, giục giã như hối thúc chúng ta lên đường, tạo cho người nghe có cảm giác trong một niệm trí tuệ được phần nào giải thoát.

Trong các cuộc lễ, chuông trống Bát-nhã được thỉnh lên 2 lần, mỗi lần 3 hồi tiếp theo 4 tiếng.

 

  • Lần thứ nhất, trước khi cử hành buổi lễ, để:

 

-         Cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát, chư Hộ Pháp thượng bảo điện chứng minh cho buổi lễ, chứng tri công việc Phật sự đã thành tựu viên mãn.

 

-         Cung thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni quang lâm Phật điện hay vào lễ đài (vào những buổi lễ lược quan trọng, khi có đông đảo đại chúng tham dự).

 

  • Lần thứ hai, khi cuộc lễ vừa chấm dứt, để cung tiễn chư Phật, chư vị Bồ Tát, Hộ Pháp, chư Tăng trở về trụ xứ cũ.

 

Người thỉnh trống thỉnh theo bài kệ sau đây:

 

                   Bát-nhã hội

                   Bát-nhã hội

                   Bát-nhã hội

                   Thỉnh Phật thượng đường

                   Đại chúng đồng văn

                   Bát-nhã âm

Phổ nguyện pháp giới

                   Đẳng hữu tình

                   Nhập Bát-nhã

Ba-la-mật môn

 





Xin lược dịch bài kệ:

 

Câu Bát-nhã hội mang ý nghĩa Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát (câu nầy được thỉnh 3 lần giống như chúng ta niệm Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát 3 lần vậy).

 

Chúng con kính xin thỉnh Phật thăng bảo tòa thuyết pháp, đại chúng đều được nghe âm thanh của trí tuệ siêu việt từ kim khẩu Đức Như Lai tuyên thuyết. Phổ nguyện cho tất cả loài hữu tình chúng sanh trong pháp giới khi nghe âm thanh vi diệu nầy đều được nhập vào biển trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát.

Sao gọi là Bát Nhã?

 

Bát Nhã (còn được gọi là Bát-lại-nhã, Bát-la-nhã, Bát-thích-nhã, Bát-thận-nang, Bát-la-nang…) tiếng Sanscrit là Prajnà, tiếng Pali là Panna, chữ Hán dịch là Trí tuệ hay Tuệ minh, là thứ trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, ly dục, không còn bị chi phối bởi phiền não, ô nhiễm, là thứ trí tuệ đệ nhất, không thứ gì cao hơn, rộng hơn, không thứ gì có thể so sánh cho bằng (thậm thâm, vi diệu, vô thượng, vô tỉ, vô đẳng).

 

Trong Phật pháp, Trí tuệ có ba thứ hỗ trợ và bổ túc cho nhau, đó là:

 

-         Văn tuệ: bởi được nghe, được thấy, được học hỏi từ Tam tạng giáo điển của đức Phật hay từ Thiện tri thức mà có trí tuệ (Văn tự Bát Nhã).

-         Tư tuệ: sau khi đã được nghe, được học rồi, do bởi suy nghĩ, thẩm cứu, quán chiếu, tư duy thấu đáo mà có trí tuệ (Quán chiếu Bát Nhã).

-         Tu tuệ: sau khi đã được nghe, học và đã suy nghĩ, quán chiếu tường tận, do bởi tu tập, thực hành, soi tỏ, thấu triệt thực tướng các pháp mà có trí tuệ (Thực tướng Bát Nhã).

 

Ba-la-mật (nói cho đủ là Ba-la-mật-đa) theo tiếng Sanscrit là Paramita, dịch nghĩa là Độ hay Đáo bỉ ngạn, có nghĩa là vượt qua bên kia bờ. Ta thường hình dung: bờ bên nầy là sanh tử, phiền não; bờ bên kia là bờ giác hay niết bàn. Đó vẫn còn là ý niệm nhị biên (bên nầy, bên kia). Hành giả, một khi đã chứng nhập Bát nhã ba la mật, thì không còn bờ bên nầy, bờ bên kia (không còn ý niệm nhị biên) vì ngay đó đã là cứu cánh Niết-bàn.  

 

Ba-la-mật gồm có sáu pháp (còn gọi là Lục độ), đó là:

 

- Bố thí Ba-la-mật (Đàn Ba-la-mật).

       - Trì giới Ba-la-mật (Thi Ba-la-mật).

- Nhẫn nhục Ba-la-mật (Sàn-đề Ba-la-mật).

- Tinh tấn Ba-la-mật (Tỳ-lê-da Ba-la-mật).

- Thiền định Ba-la-mật (Thiền Ba-la-mật).

- Trí tuệ Ba-la-mật (Bát-nhã Ba-la-mật).

 

Đó là sáu Đại hạnh của chư Bồ Tát để tự độ (chứng đắc Niết-bàn) và thực hành thêm hạnh Phương tiện để độ tha (độ thoát cho tất cả chúng sanh). Trong sáu Đại hạnh nầy, Bát-nhã Ba-la-mật là thứ cao tột, đệ nhất, vô thượng.

 

Bát-nhã Ba-la-mật là mầm mống trí tuệ siêu việt, cao tột, thậm thâm vi diệu, vốn sẵn có nơi tất cả chúng sanh. Nhưng vì bị vô minh, ái dục che mờ nên chúng sanh không tự biết. Đức Phật dạy các pháp môn thực hành để khai mở cái vốn trí tuệ sẵn có nơi tự tánh của mỗi người, dùng trí tuệ như con thuyền pháp thân đưa mình và các chúng sanh khác vượt biển sinh tử đến bờ Niết bàn, do vậy mà gọi là Trí tuệ đáo bỉ ngạn.

 

Hiểu một cách khác, Bát-nhã Ba-la-mật là đức hạnh rốt ráo của người quyết tu thành Phật và để cứu độ cho tất cả chúng sanh được đắc quả như mình.

Đại chúng đồng văn – Bát nhã âm: Tất cả đại chúng đều nghe – Âm thanh Bát nhã.

 

Phổ nguyện pháp giới - Đẳng hữu tình: Nguyện cho muôn loài chúng sanh hữu tình trong pháp giới.

 

Nhập Bát-nhã Ba-la-mật môn: Nhập vào biển Trí tuệ siêu việt của chư Phật và chư Bồ Tát, trở về với bản lai diện mục, chân như, thường hằng, vắng lặng, thanh tịnh, thậm thâm vi diệu, chứng thành đạo quả.

 

Với ý nghĩa như được trình bày ở trên, tiếng chuông trống Bát-nhã có công năng giúp cho Đại chúng trở về với chánh niệm, lắng tâm thanh tịnh cho trí tuệ hiển bày, hầu cung thỉnh chư Phật, chư Bồ Tát, Hộ Pháp, chư Đại đức Tăng quang lâm Phật điện. Vậy khi nghe ba hồi chuông trống Bát-nhã, chúng ta phải giữ cho tam nghiệp thanh tịnh để cho bao chướng duyên, vô minh trong đời sống thế tục hằng ngày bắt ta phải lo nghĩ, lăng xăng, bận rộn, giờ đây lắng đọng xuống. Trong sự thành tâm ấy, niềm thiết tha trong tâm hồn sẽ là nhịp cầu đưa chúng ta từ cuồng lưu thế tục bước sang một thế giới tự tại, an lạc, nguồn tuệ giác được hiển lộ tràn đầy tâm thức.

 

Tiếng chuông trống Bát-nhã khai sáng tiềm lực, khả năng trí tuệ siêu việt, trí tuệ giải thoát thường trực, hiện hữu, không gián đoạn. Tiếng chuông trống Bát-nhã đang giục giã chúng ta sớm thức tỉnh, thôi thúc chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ mà “lên đường” ngay, bắt nhịp theo dòng tuệ giác của chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền… xuất thế, giải thoát.

 

HƯỚNG DẪN CÁCH THỈNH CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ

 

Lúc đến giờ hành lễ, vị Tri chung thỉnh lên ba hồi khánh. Khi khánh được thỉnh đến hồi thứ ba thì chuông và trống cùng câu 7 tiếng. (Câu nghĩa là thừa thượng tiếp hạ, chuông 1 tiếng trống 1 tiếng). Bảy tiếng nầy (lôi thất sơ thứ) có ý nghĩa là Thất bồ đề phần hay Thất giác chi. Trong Trường A Hàm thì gọi là Thất giác ý, gồm Trạch pháp, Tinh tấn, Khinh an, Hỷ, Niệm, Định, Xả. Sau đó chuông trống cùng theo khánh “dứt tứ”. Bốn tiếng nầy mang ý nghĩa  dứt tứ tướng sanh, lão, bệnh, tử để chứng tứ phần pháp thân là thường, lạc, ngã, tịnh.

 

Tiếp theo, trống thỉnh lơi mười tiếng (hai tiếng sau cùng đánh liền nhau để báo hiệu). Mười tiếng trống lơi mang ý nghĩa vạn loại hữu tình đăng Thập địa. Nguyện cho tất cả chúng sanh hữu tình cùng lên Thập địa, tinh tấn tu tập để vào mười cảnh giới của hàng Bồ Tát (trước khi thành Phật) đó là: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Diễm huệ địa, Phát quang địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.

 

Từ đây bắt đầu thỉnh trống vào hồi thứ nhất theo bài kệ đã được nói ở trên. Sau khi hết hồi thứ nhất thì tiếp liền theo thỉnh lơi mười tiếng trống trước khi chuyển sang hồi thứ hai.

Hết hồi thứ hai cũng thỉnh lơi mười tiếng trống trước khi chuyển sang hồi thứ ba. Sau khi hết hồi thứ ba, trống cũng thỉnh lơi mười tiếng.

 

Thỉnh 3 hồi chuông trống mang ý nghĩa Tam chuyển pháp luân (gồm Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển).

 

Sau cùng chuông trống cùng câu bốn tiếng để kết thúc (chung quy diệt tứ).

 

Theo như cách thỉnh chuông trống Bát-nhã trên đây, chúng ta thấy giống hệt như cách thỉnh trong bài kệ khai chung bảng bên dưới:

 

                   KỆ KHAI CHUNG BẢNG

 

Phù diệu âm bất khấu

                   Huyền đạo tùng hà xứ nhi sanh

                   Pháp ngữ bất tuyên

                   Nãi đăng tảo vô do quang tục

                   Ngô khai chung bảng văn:

                   Lôi thất sơ thứ                          

Đả thập nhi trung                      

Hàm tiếp tam lôi                       

Chung quy diệt tứ  

                   Nhất cá viên hề nhất cá phương

                   Cửu châu sa giới tuyệt tư lương

                   Kim thanh mộc vận tùng tư chấn

                   Vạn cổ sum nhiên tuyển Phật trường

Dịch:

                   Phàm diệu âm không gõ

                   Đạo mầu do đâu mà phát sinh

                   Lời pháp không nói

                   Lẽ huyền vi làm sao mà quang tục

                   Tôi khai chung bảng rằng:

                   (Trước tiên) thỉnh bảy tiếng

                   Thỉnh ở giữa mười tiếng

                   Tiếp theo đó là ba hồi

                   Sau cùng, thỉnh bốn tiếng để chấm dứt

                   Một chiếc thì tròn một chiếc vuông

                   Chín châu sa giới dứt suy lường

                   Hồng âm liêu lượng vang cùng khắp

                   Muôn thuở còn đây tuyển Phật trường

                                                                  

                   KỆ CHUYỂN TRỐNG

 

Sau đây là phần kệ chuyển trống. Phần nầy được trì niệm trước khi thỉnh chuông trống Bát-nhã. Ở phần giải thích, chúng tôi chỉ xin được nói khái lược chứ  không đủ khả năng để dịch hay đi sâu vào ý nghĩa thâm thúy của bài kệ.

 

Đoạn 1:        “Nam mô Lạc Bang Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

                   Pháp cổ minh thời ngọc kệ tuyên

                   Hạ thông địa phủ thượng chư thiên

                   Văn thinh đồng niệm Di Đà hiệu

                   Trực vãng Tây phương thoát não phiền

                   Nam mô Thiên Tràng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát”.

 

                   (Trống pháp đánh cùng ngọc kệ tuyên

                   Suốt thông địa phủ đến chư thiên

                   Nghe thanh cùng niệm Di Đà hiệu

                   Tịnh độ sinh về thoát não phiền).           

 

                   (Nam mô Lạc Bang Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                   Con xin trì tụng, niệm kệ nhiệm mầu, chứa đựng lời vàng ngọc.

                   Xin chuyển tiếng trống thành âm thanh xa vời vợi… lên tận thiên              đình… xuống tận địa ngục cho tất cả ai ai đều nghe rõ.

                   Nghe âm thanh trống nầy, người người đều niệm Nam mô A Di                Đà Phật.

                   Cúi xin Phật A Di Đà với lòng từ bi vô lượng, tiếp dẫn chúng          con              vãng sanh về cõi Tịnh độ để được an vui, thoát vòng sinh tử.

                   Nam mô Thiên Tràng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát).

 

Đoạn 2:        “Cổ thanh hướng xứ biến hà sa

                   Thiên long bát bộ tiếu ha ha

                   Tam luân cửu chuyển sinh tử đoạn

                   Khổ hải chi trung xuất ái hà

                   Án kim cang yết đế yết đế tóa ha”.

 

                   (Tiếng trống rền vang tận cõi xa

                   Trời rồng tám bộ hỷ hoan ca

                   Ba vòng chín chuyển lìa sinh tử

                   Chúng khổ hân hoan thoát ái hà).           

 

                   (Con xin cho tiếng trống nầy vang dội khắp mười phương.

                   Chư long thiên hộ pháp đều an nhiên tự tại, khắp ba cõi đều                    được thông thấu, giác ngộ.

                   Cõi dục giới đầy ái nhiễm, khổ hải như lao tù, nguyện ra khỏi.

                   Cầu xin cho không còn ai phải chịu đọa kiếp luân hồi, thoát                      vòng sinh tử, đến được cảnh giới an vui.

                   Án kim cang yết đế yết đế tóa ha).

 

Đoạn 3:        “Cổ nhạc huyên thuyên chuyển pháp luân

                   Ngũ âm vi diệu hướng thinh thuần

                   Kinh diên lễ tụng hà sa Phật

                   Cữu hữu phàm lưu xuất ố trần.

                   Nam mô Cổ Lôi Âm Bồ Tát”.

 

                   (Trống nhạc tưng bừng chuyển pháp luân

                   Thanh âm mầu nhiệm tiếng trong ngần

                   Diên kinh kính lễ hằng sa Phật

                   Chín loại phàm lưu chứng pháp thân).       

 

                   (Con xin dùng tiếng trống nầy điểm từng hồi… từng hồi, lực âm              thanh mầu nhiệm chuyển quay bánh xe chánh pháp.

                   Tiếng trống có năng lực tẩy sạch cấu trần khiến cho thân tâm                  chúng sanh đều được thuần khiết, thanh tịnh.

                   Cầu xin giáo pháp của Đức Phật được truyền bá sâu rộng đến                   khắp mọi nơi mọi chốn, để mọi người mọi loài được thấm nhuần                    uyên thúy.

                   Nam mô Cổ Lôi Âm Bồ Tát).


 

 

Tâm thành đảnh lễ, kính cẩn tri ân:

 

  • Hòa Thượng thượng NHƯ hạ HUỆ, Viện Chủ chùa Pháp Hoa, Úc Đại Lợi đã chỉ dạy cặn kẽ phần lễ nhạc nầy.
  • Hòa Thượng thượng HẠNH hạ NIỆM, Viện Chủ chùa Pháp Bảo, Hội An đã hướng dẫn, giúp hiệu đính, sửa chữa phần chuyển dịch các bài kệ ra văn vần.
  • Huynh Trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, nguyên Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đã khuyến khích, góp ý, bổ túc các bài kệ thành văn xuôi, để bài viết thêm phần phong phú và hoàn chỉnh.

 

 

Nguyện cầu âm thanh chuông trống Bát-nhã được thuần túy, không còn xen tạp một âm thanh nào khác. Tiếng vang giải thoát không còn xen tạp, lẫn với tiếng kêu than rên xiết, thương đau ai oán, khổ lụy.

 

Con xin được cùng mọi loài chúng sanh đồng hành trên con đường giác ngộ, từ bỏ cõi lãng quên, chí quyết theo con đường Giới, Định, Huệ, chóng quay về trong tỉnh thức.

 

Con xin nguyện cầu trong khắp pháp giới, mọi loài chúng sinh được thoát sanh phàm trần, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát phát bồ đề tâm, đầy đủ phước trí để đạt được Trí tuệ Ba-la-mật, chứng thành Phật đạo.

 

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.


 



Khể thủ.

Tâm Lễ Vương Học

Ngày vía Phật Xuất Gia, Phật lịch 2549

BẢNG HƯỚNG DẪN

CÁCH THỈNH KHÁNH VÀ CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ

 

Thứ tự

KHÁNH

CHUÔNG

TRỐNG

PHỤ CHÚ

1

Hồi thứ 1

 

 

 

2

Hồi thứ 2

 

 

3

Hồi thứ 3

7 tiếng

7 tiếng

(Lôi thất sơ thứ)

4

1 tiếng

 

 

 

 

 

Chuông Trống theo Khánh cùng dứt tứ

5

 

1 tiếng

 

6

 

 

1 tiếng

7

2 tiếng

 

 

8

 

2 tiếng

 

9

 

 

2 tiếng

10

1 tiếng

 

 

11

 

1 tiếng

 

12

 

 

1 tiếng

13

 

 

Đánh lơi 10 tiếng

(Đả thập nhi trung)

 

 

 

Ba hồi chuông trống Bát Nhã

(Hàm tiếp tam lôi)

14

 

 

Bắt đầu thỉnh hồi thứ 1 theo bài kệ

15

 

 

Đánh lơi 10 tiếng

16

 

 

 Thỉnh hồi thứ 2 theo bài kệ

17

 

 

Đánh lơi 10 tiếng

18

 

 

Thỉnh hồi thứ 3 theo bài kệ

19

 

 

Đánh lơi 10 tiếng

20

 

1 tiếng

 

 

 

(Chung quy diệt tứ)

21

 

 

1 tiếng

22

 

2 tiếng

 

23

 

 

2 tiếng

24

 

1 tiếng

 

25

 

 

1 tiếng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2016(Xem: 5656)
Lễ Húy Nhật Đức Đệ Tứ Tăng Thống Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 12 Tại Tu Viện Quảng Đức Từ ngày 05/07/2011 đến ngày 15/07/2011 TT Thích Nguyên Tạng trả lời phỏng vấn anh Quốc Việt SBS Radio www.quangduc.com
10/06/2016(Xem: 6353)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ Khai Chung Bảng tại Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 12 Tại Tu Viện Quảng Đức Từ ngày 05/07/2011 đến ngày 15/07/2011 www.quangduc.com
19/03/2016(Xem: 6124)
Nghi thức này gồm có 3 phần. Phần một là cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát và chư thiên về chứng minh gia hộ, có mô tả ngắn gọn công hạnh của các ngài để chúng ta tán thán và noi gương; phần hai là mời các oan gia về dự lễ giải oan, thưa chuyện và xin lỗi; phần ba là chia sẻ các bài kệ tụng nhắc nhở việc tu tập để âm dương đều được lợi lạc. Trừ phần hai ra, phần một cung thỉnh chư Phật, và phần ba các bài kệ tụng, đều có thể dùng trong các thời kinh hàng ngày, hay trong các nghi lễ cầu an, cầu siêu, kị giỗ… đều thông dụng.
12/03/2016(Xem: 5486)
Mỗi lần, trước khi hành lễ ở các chùa, vị chủ lễ thường chắp tay cầm ba nén nhang dâng lên trên trán và đọc thầm bài kệ niệm hương: “Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo đám mây hương, phưởng phất khắp mười phương, cúng dường ngôi Tam bảo, thệ trọn đời giữ đạo, theo tự tánh làm lành, cùng pháp giới chúng sanh, cầu Phật từ gia hộ, tâm bồ đề kiên cố, xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác.” Và chúng ta cũng thường nghe những vần thơ như: “Lặng lẽ chiên đàn tỏa khói hương, đỉnh trầm xông ngát ý thiền môn, lung linh nến ngọc ngời sao điểm, xóa sạch trần gian hết tủi hờn…” Những vần thơ này đã giới thiệu về những nét đẹp văn hóa của sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt tâm linh và cho chúng ta thấy nghi thức dâng hương là nét văn hóa rất đẹp trong nghi lễ thiền môn.
07/03/2016(Xem: 7781)
Vào lúc 8g30 ngày thứ bảy 05 tháng 3 năm 2016, nhằm ngày 27 tháng giêng năm Bính Thân, tại hội trường Trường trung học Yerba Buena thành phố San Jose, tiểu bang California, gia đình Phật tử An Nguyệt đã tổ chức Pháp hội Dược Sư, dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Nhật Thiện, Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện cùng Ni chúng Tu viện Huyền Không ở thành phố San Jose. Nội dung chương trình như sau: - Ban tổ chức tác bạch thỉnh Sư - Lễ thượng phan - Khai kinh, trì tụng và lạy danh hiệu đức Phật Dược Sư - Trì chú Dược Sư 49 biến - Khất thực - Cúng dường Trai Tăng và Phạn thực kinh hành - Lễ hoa đăng - Pháp thoại: Pháp tu Dược Sư (Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện) - Tuyên sớ cầu an và cầu siêu (khoảng 280 gia đình) - Cúng thí thực cô hồn - Pháp đàm - Lời cảm tạ của Ban tổ chức - Chụp ảnh tập thể và tặng quà lưu niệm
26/01/2016(Xem: 7183)
LỄ TỐNG CHUNG SIÊU ĐỘ VONG LINH (Nghi thúc nầy tuỳ theo thời gian ít hay nhiều mà thay dổi Tại nhà quàn trước khi di quan hoặc đọc tại nghĩa trang)
13/11/2015(Xem: 6031)
Trước đây do phương tiện truyền thông còn nhiều hạn chế nên người ta ít khi nghe và thấy chữ "Tân Viên Tịch" trong các văn thư, cáo phó, phân ưu, điếu từ và điếu văn trên các phương tiện truyền thông, nhưng gần đây người ta thấy chữ "Tân Viên Tịch" nhiều hơn trước để chỉ sự kiện một vị Tôn Đức Tăng Ni Giáo Phẩm vừa viên tịch. Vậy trong thực tế có sự khác nhau giữa viên tịch và tân viên tịch không?
19/08/2015(Xem: 7397)
Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng, v.v…Xưa tại Ấn Độ dùng để báo thời gian, cảnh báo. Khi Đức Phật còn tại thế, dùng nó để tập họp chúng Tăng Bố tát, nghe pháp…Ngũ Phần Luật có ghi: “chư Tỳ kheo bố tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn: nhược đả kiền chuỳ, nhược đả cổ…”.
14/07/2015(Xem: 17901)
Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày Về Nguồn 8) sẽ được tổ chức tại chùa Pháp Bảo – Sydney, Úc Châu vào cuối tháng 9 năm 2014. Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày Về Nguồn 9) năm 2015 dự định sẽ được tổ chức tại chùa Khánh Anh - Evry, Pháp Quốc nhân lễ Khánh Thành chùa cũng như lễ Đại Tường của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Trong dịp này, chư Tăng Ni sẽ hội luận vào ngày thứ bảy 15.08.2015 như chương trình gửi kèm theo đây. Chư Tôn Đức cũng như quý Phật tử nào không tham dự được suốt chương trình các ngày Lễ thì xin mời chọn những ngày thích hợp để đến với Tăng đoàn nhằm nói lên tinh thần cộng trụ trong sinh hoạt Phật sự tại hải ngoại ngày nay. Kính mong chư Tôn Đức và quý vị Phật tử hồi báo cho Ban Tổ
06/06/2015(Xem: 12218)
Nhà để tro cốt Ruriden thuộc ngôi đền Koukoko-ji, Nhật Bản là nơi đang lưu giữ tro cốt của 2046 người đã mất theo một cách hết sức hiện đại và đầy công nghệ. Đây là những hình ảnh ghi lại tại nhà để tro cốt Ruriden thuộc ngôi đền Koukoko-ji, Nhật Bản. Nơi đây đang lưu giữ tro cốt của 2046 người đã mất theo một cách hết sức hiện đại và đầy công nghệ. Những bức tường được ngăn thành rất nhiều ngăn, mỗi ngăn có đặt một bức tượng Phật bằng pha lê và được chiếu sáng bằng đèn LED nhiều màu. Đằng sau mỗi bức tượng là hũ đựng tro cốt của người đã khuất. Như có thể thấy trong hình ảnh, màu sắc từ mỗi bức tượng được điều khiển một cách có chủ đích, tạo nên "bức tranh" đầy màu sắc trên tường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]