Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Trưởng Giả Cấp Cô Độc Ra Đi

19/03/201407:52(Xem: 25742)
23. Trưởng Giả Cấp Cô Độc Ra Đi
blank

Trưởng Giả
Cấp Cô Độc Ra Đi


Đức Phật cùng với chư đại trưởng lão trở lại Sāvatthi cho kịp trước mùa mưa. Năm nay tại đây thời tiết có vẻ bất thường, nhưng chư tăng các nơi cũng không quản ngại lộ trình vất vả về an cư tại Kỳ Viên nhiều hơn mấy năm trước. Ai cũng muốn nghe những biến cố động trời về thái tử Ajātasattu và Devadatta.

Như vậy là việc thái tử Ajātasattu định giết cha cướp ngôi, tình cảnh đức vua Bimbisāra bị chết đói trong ngục, chuyện ba lần Devadatta âm mưu giết Phật là những đề tài nóng hổi được chư tăng và hai hàng cư sĩ vây quanh chư đại trưởng lão để thăm hỏi tin tức. Sau khi biết rõ, ai cũng ngao ngán, ai cũng thở dài cho tâm địa của con người. Bi cảm, thương xót thay cho đức vua Bimbisāra hiền thiện! Khốn nạn, đáng nguyền rủa thay là thằng con Ajātasattu bất hiếu! Gian độc và điên cuồng thay là tên Devadatta ác tăng!

Đức vua Pāsenadi cũng là người tìm đến đảnh lễ đức Phật sớm nhất. Khi tôn giả Mahā Moggallāna vận thần thông lực đến gặp vua trước vị quan sứ giả mười mấy hôm, kể lại việc làm bất hiếu của thái tử Ajātasattu khi cấm cố vua cha của mình, đức vua đã cố kềm chế cơn giận dữ theo lời dặn bảo của đức Phật, nếu không ông đã xua quân trừng trị đứa cháu vô đạo.

Sau khi nghe đức Phật kể lại tự sự, bây giờ đức vua mới biết thêm là đức vua Bimbisāra bị bỏ chết đói trong ngục tối và một số các vị lão thần bị thủ tiêu, ông lặng người đi.

Đức Phật cũng kể lại những vắt thức ăn giấu trong mái tóc, thức ăn quết nhuyễn phết lên người của hoàng hậu Videhi (Kosaladevī) cũng chỉ cứu đức vua sống được mấy hôm. Tuy nhiên, đức Phật khen ngợi tinh thần vững mạnh, xem nhẹ cái đói, cái chết và cái tâm từ bi của đức vua đối với kẻ đã hãm hại mình. Việc tẩy chay lễ đăng quang của Ajātasattu đức Phật cũng kể lại. Hôm dự lễ trà-tỳ đức Phật tự đến với hơn bốn ngàn tăng ni đã tạo vinh quang cho hương linh quá cố, ngài cũng kể lại chi tiết.

Rồi đức Phật trấn an:

- Thôi được rồi, bệ hạ! Sự việc xảy ra thường đúng với nhân, duyên, quả của nó. Đức vua hiện đã hóa sanh lên cõi trời của Tỳ-sa-môn thiên vương, không còn chịu cảnh nhiều gian truân như thế gian này nữa.

Lâu lắm, đức vua Pāsenadi mới nói:

- Đời người quả thật là bi khổ! Đến lúc này thì đệ tử mới thật sự hiểu thấm thía lời dạy của đức Tôn Sư về “ khổ đế” trần gian! Quả thật, không ai có thể thoát khỏi định luật của nhân, duyên, quả, báo và nghiệp! Đức vua Bimbisāra một đời hiền đức cũng không tránh khỏi! Hoàng muội của đệ tử, Kosaladevī (tức là hoàng hậu Videhi) một đời mẫu mực, đức hạnh cũng không tránh khỏi! Không biết sau biến cố thảm nạn vừa rồi, tinh thần hiền muội của đệ tử có sa sút lắm không, bạch đức Tôn Sư?

- Bà vẫn còn khá lắm đấy, tâu bệ hạ!

- Không gục ngã, không đột quỵ mà còn đứng vững được như vậy, quả thật là nhờ thần dược của giáo pháp, phải vậy không, bạch đức Tôn Sư?

- Ừ, có lẽ vậy! Và còn nữa - đức Phật nói tiếp - Hoàng hậu Videhi ở bên cạnh đức vua Bimbisāra như thế nào thì hoàng hậu Mallikā ở bên bệ hạ như thế đó. Họ đều là những nữ nhân cao quý, nhân ái; là chiếc bóng an vui cho chư đại vương, đồng thời là người hộ trì cho tăng ni và giáo pháp nữa đó, tâu bệ hạ!

Đức vua Pāsenadi cảm thấy nhẹ lòng.

Đức Phật vừa tiễn đức vua ra về được một lúc thì tôn giả Ānanda vào thưa trình:

- Bạch đức Thế Tôn! Người quản gia của trưởng giả Cấp Cô Độc vừa đến báo tin là ông ấy bệnh rất nặng, sợ rằng không qua khỏi...

- Ừ, người quản gia có nói gì nữa không?

- Bạch, có ạ! Người quản gia nói là trưởng giả khẩn cầu tôn giả Sāriputta đến thăm ông ta lần cuối cùng.

Đức Phật hướng tâm một lát rồi nói:

- Vậy thì cả ông và Sāriputta hãy đến thăm trưởng giả ấy. Cả hai vị đều có duyên với ông ta.

Tôn giả Sāriputta và Ānanda vâng mệnh đi ngay. Đến nơi, bên giường bệnh, tôn giả Sāriputta ân cần nắm tay Cấp Cô Độc rồi cất tiếng hỏi:

- Ông có kham nhẫn cơn đau được không, Sudatta?

Trưởng giả mở mắt ra, định gượng ngồi dậy. Tôn giả Ānanda mỉm cười, ngăn lại:

- Ông cứ nằm yên vậy! Có chịu đựng nổi cơn đau không kìa, tôn giả Sāriputta hỏi đó!

- Dạ thưa! Ông thều thào! Nó đau đớn lắm! Đôi khi như lửa đốt từ trong xương. Đôi khi nó xoay, nó vặn, nó đâm, nó chích khắp lục phủ ngũ tạng. Có lẽ đệ tử không chịu đựng được nữa rồi.

- Nó cứ đau mãi thế, không có chút nào thuyên giảm à?

- Thưa, nó cứ tăng chứ không giảm, càng lúc càng thêm khốc liệt.

Nói xong, trán ông trưởng giả lấm tấm mồ hôi, như cố chịu đựng cơn đau.

Tôn giả Sāriputta kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh, dịu dàng đặt tay lên trán ông rồi nói:

- Già, rồi bệnh, rồi chết là định luật tất yếu, không ai thoát khỏi được, này Sudatta! Bây giờ ông đau đớn khốc liệt là do đất đang tan rã dần, do lửa đang nguội lạnh dần, do nước đang cạn khô dần; rồi đến khi gió ngưng hoạt động nữa, tức là hơi thở chấm dứt chính là lúc thần chết đang đứng một bên rồi đó! Ông có sợ không?

- Không, không có sợ thần chết, tôn giả! Bây giờ đệ tử đang sợ cái đau đây!

- Vậy thì cái đau ấy cũng không đáng sợ!

- Đau kinh khủng thế này làm sao mà không đáng sợ được, thưa tôn giả?

- Có chứ! Có một bài kinh của đức Tôn Sư. Nghe bài kinh này, nhập tâm vào kinh này, theo dõi từng lời, từng câu, từng đoạn bài kinh này, rồi an trú vào đó thì cái gọi là đau đớn kia tiêu tan tức thì!

- Kỳ lạ vậy kia à? Vậy thì xin cho đệ tử được thọ trì.

- Vậy thì ông hãy nhiếp tâm lắng nghe!

Sau đó, tôn giả Sāriputta liền thuyết cho ông nghe một bài pháp cao siêu, nói về lục căn, lục trần; và những cảm thọ vô thường, trống không của nó như thế nào; rồi kết luận:

- Này trưởng giả kính mến! Hãy ghi nhận theo lời ta mà niệm như thế này:

“Này hỡi người thợ sinh diệt! Ta không còn dính mắc với đôi mắt, với lỗ tai, với cái lưỡi, với lỗ mũi và cả với làn da xúc cảm nữa! Ngươi cứ không ngưng nghỉ tạo ra những cảm thọ trống không vô vị, vô tích sự vậy hay sao? Ngươi không làm gì được ta đâu!

Này hỡi người thợ sinh diệt! Những ảo ảnh, mộng mị do ngươi tạo ra, ta đã nhìn thấy rõ rồi, đừng có mất công mê hoặc, ta không thấy lầm, trông lầm nữa đâu! Những cái gọi là vừa lòng, êm ái, khoái lạc, ngon ngọt, thỏa thích, khả hỷ, khả ý từ lâu đã quyến dụ ta, thật nguy hiểm; bây giờ ta không còn dính mồi câu của ngươi nữa đâu! Tất cả, đến một lúc nào đó, chúng đều phân ly, tan rã dẫu thân này hay thân khác, dẫu thế giới này hay thế giới khác, không bao giờ có việc thường còn và bất hoại đâu. Tất cả đều là đau khổ và phiền não.

Này hỡi người thợ sinh diệt! Ta đã tu tập như vậy, ta đang tu tập như vậy, ta đã an trú như vậy thì ngươi làm gì nổi ta?”

Nghe xong thời pháp, trưởng giả Cấp Cô Độc ràn rụa nước mắt. Tôn giả Ānanda thấy vậy bèn hỏi:

- Có phải trưởng giả lo sợ tử thần nên tinh thần trở nên suy nhược không?

- Thật không phải vậy, tôn giả kính mến! Nghe xong bài kinh ấy, đệ tử không còn sợ đau, không còn sợ chết nữa. Nói rõ là, khi an trú tâm vào kinh ấy thì tinh thần đệ tử không chút giảm suy, mà ngược lại, đang phấn chấn, đang hoan hỷ là khác. Ấy chỉ vì mặc dầu đã nghe rất nhiều bài pháp do đức Tôn Sư giảng dạy, đệ tử chưa hề được nghe một thời pháp nào cao siêu như thế này!

Tôn giả Sāriputta giải thích:

- Trưởng giả quả thật là đặc biệt, ta mới thuyết cho nghe bài pháp cao siêu ấy. Ngay chính trong Tăng chúng, đức Thế Tôn cũng chỉ thuyết đến cho những tỳ-khưu tiến bộ mà thôi. Thuyết cho hàng cư sĩ, họ sẽ không thấu hiểu.

Trưởng giả Cấp Cô Độc cảm xúc rơi nước mắt, tri ân xiết bao về sự đối xử đặc biệt đó. Nhưng nhân cơ hội ấy, ông cũng thỉnh cầu tôn giả Sāriputta cứ truyền bá giáo pháp cao siêu kia cho hàng tại gia. Vì cũng có những cư sĩ có ít bụi cát trong mắt, có tư duy chơn chánh, có căn trí sâu dày sẽ lãnh hội được.

Tôn giả Sāriputta gật đầu hứa khả thỉnh nguyện ấy. Tôn giả Ānanda kéo lại tấm chăn đắp cho ông, nói nhỏ bên tai ông như cơn gió thoảng:

“- Không còn gì hết, không còn Sudatta, không còn cơn đau mà chỉ còn là hơi thở thôi, này ông bạn già! Nhớ nhé”

Khi hai vị đệ tử của đức Phật ra về chừng nửa khắc, ông Cấp Cô Độc nghe lời tôn giả Ānanda, trú tâm miên mật vào hơi thở, chỉ còn là hơi thở thôi, rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Và tức khắc, tái sanh vào cung trời Tusita.

Đêm ấy, vị trời Cấp Cô Độctừ cung trời Tusita trở về tịnh xá Kỳ Viên, hào quang của ông chiếu ngời, sáng cả khu vườn. Vị trời ấy đảnh lễ đức Phật, tán dương phẩm hạnh và tuệ đức của tôn giả Sāriputta, tấm lòng nhân ái dịu dàng của tôn giả Ānanda. Sau đó, vị trời Cấp Cô Độc bày tỏ niềm hân hoan được gặp lại đức Phật và chư tăng trong tịnh xá do ông ta kiến tạo.

Cũng trong dịp này, vị trời Cấp Cô Độc xác nhận sự thực chứng của mình:

“- Thiện ý và trí tuệ, cùng với tâm được rèn luyện đúng đắn, có phương pháp làm ta trở nên cao thượng, trong sạch chớ không phải do giai cấp hay tài sản”.

Hôm sau, thông tin trưởng giả Cấp Cô Độc ra đi đã được mọi người loan báo khắp các tu viện, tịnh xá trong và ngoài kinh thành. Cả chư tăng và hai hàng cận sự ai cũng quý kính và tiếc thương một nhân cách lớn, một nhà đại thí vĩ đại. Là một mất mát lớn lao, một thiếu hụt trống vắng trong hàng cư sĩ, không ai có thể thay thế được.

Ông tiểu Cấp Cô Độc và toàn thể đại gia cung thỉnh đức Phật và chư tăng hai ngàn vị đặt bát cúng dường bảy ngày vô cùng trọng thể, trang trọng và thiêng liêng không thua gì sự ra đi của hoàng hậu Mallikā tại kinh đô này.

Sau lễ hỏa táng, chư tăng và nam nữ cận sự tụ hội đầy đặc đại giảng đường Kỳ Viên, ai cũng tò mò muốn biết sanh thú của bậc vĩ nhân hiền thiện ấy, giờ đã lạc cư phương nào?

Nhân dịp này, đức Phật cũng muốn tuyên dương công đức của vị đại thí chủ ấy, nên ngài cho biết sanh thú của ông là cảnh trời Tusita. Và vị trời Cấp Cô Độc kia với hào quang sáng rực cả Kỳ Viên xuống đảnh lễ thăm ngài và câu chuyện hôm đó ra sao! Đức Phật cũng kể lại cho đại chúng nghe một số hành trạng của vị ấy trong khoảng thời gian gần bốn mươi năm phục vụ Tam Bảo không mệt mỏi, không thối thất, với đức tin kiên cố bất động tâm như thế nào.

“- Tại tịnh xá do trưởng giả Cấp Cô Độc lập nên này! Đức Phật kể - Ông hết lòng hộ trì Như Lai và tăng chúng. Sự bố thí, cúng dường của ông là vô giới hạn vậy. Cấp Cô Độc nếu không có gì bận việc thì mỗi ngày ông đến Kỳ Viênvới ba lần cúng dường lớn: Một vào buổi sáng, một sau buổi sáng và một vào buổi chiều. Còn những lần bố thí và cúng dường vào các cuộc hội lớn hoặc những trường hợp bất thường thì không kể. Chưa bao giờ trưởng giả đến Kỳ Viên bằng tay không. Buổi sáng đem theo cháo; sau buổi ăn sáng đem theo thục tô, sanh tô, mật, đường mật; buổi chiều mang theo hương, vòng hoa, vải vóc các loại... Còn ở nhà, bao giờ cũng có phần vật thực sẵn cho năm trăm vị tỳ-khưu để đặt bát cúng dường. Quả thật, tất cả gia tài, ông đều muốn chi dùng cho giáo pháp. Cái ngôi nhà hữu phước đó, chư tăng thường gọi là “giống như cái hồ đào lên ở ngã tư đường cho chúng tỳ-khưu, giống như là nhà cha mẹ của tất cả tỳ-khưu”. Ngoài Như Lai và hằng chục vị đại trưởng lão đều đi đến ngôi nhà ấy; còn chư tăng thập phương thì đông không kể xiết.

Do bố thí không dừng nghỉ, do nguội lạnh việc kinh doanh làm ăn, cả gia tài năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng của ông đều đã chi dùng cho việc mua đất, chi phí kiến tạo tịnh xá và hộ trì, hộ độ tứ sự cho Tăng chúng. Dần dần ông rơi vào khánh tận và nghèo thiếu. Mặc dầu vậy, ông vẫn không ngừng bố thí, cúng dường. Và đức tin đối với Tam Bảo vẫn không hề suy giảm, mà trái lại, càng được cũng cố vững bền thêm.

Chuyện kể này sẽ xác minh điều đó.

Một hôm, Cấp Cô Độc đến hầu thăm Như Lai, và vì Như Lai đã biết rõ ông đã khánh kiệt, bèn hỏi:

- Này gia chủ! Hôm nay, tại nhà ông, ông còn có vật gì để cúng dường nữa không?

- Con còn có vật để bố thí, cúng dường, bạch Thế Tôn!

- Ông còn, này gia chủ, vậy là những vật gì?

- Bạch Thế Tôn! Ở nhà, con còn “cháo tấm với bột chua để lại từ ngày hôm trước”.

Nghe vậy, Như Lai dạy như sau:

- Này gia chủ! Đừng bao giờ nghĩ rằng, cháo tấm và bột chua kia là ít công đức, ít phước báu. Vật bố thí, cúng dường dẫu tầm thường, thô xấu thế nào, nhưng trạng thái tâm tốt đẹp thì quả sẽ tốt đẹp. Ai có thể giữ cho trạng thái tâm tốt đẹp thì bố thí, cúng dường bất kỳ vật tầm thường, thô xấu thế nào cũng được kết quả tốt đẹp, được quả dị thục to lớn!

Nghe lời Như Lai, khuôn mặt trưởng giả Cấp Cô Độc rạng rỡ hẳn lên, ông thốt to lên rằng:

- Tâm đệ tử không bao giờ là thô xấu cả, bạch Thế Tôn!

Đại chúng biết không? Nhà đại triệu phú có bảy tầng lầu, bảy cửa gác. Tại cửa gác thứ tư có vị thiên nữ ngụ ở đấy. Từ trước đến nay vị thiên nữ ấy không được an lạc. Vì khi Như Lai vào nhà thì vị thiên nữ kia phải di chuyển chỗ ở xuống tầng trệt cuối cùng. Không những chỉ có mình Như Lai mà chư vị đại trưởng lão, chư tỳ-khưu có uy đức, khi các ngài đến, nếu thiên nữ vẫn ngự yên ở trên cửa tầng lầu thứ tư, sẽ bị lửa nung đốt.

Hôm kia, thấy tình cảnh gia đình ông Cấp Cô Độc đã sa sút, nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để làm cho Như Lai và tăng chúng không còn đến ngôi nhà này nữa; vị thiên nữ chói sáng hào quang đến gặp viên quản lý, đứng giữa hư không.

Viên quản lý ngạc nhiên hỏi:

- Ai đó? Ngươi là ai?

- Ta là thiên nữ ở nơi cửa gác căn lầu thứ tư. Ta đến đây vì lợi ích của ngươi, của gia chủ ngươi.

- Vậy thì cứ nói đi, tôi nghe! Viên quản lý nói.

Thiên nữ tiếp:

- Ngươi làm quản lý mà ngươi không biết quản lý tài sản. Ngươi không biết việc nào lợi ích và việc nào không lợi ích. Ngươi lại càng không thấy được mối nguy cơ phát xuất từ việc làm của ông triệu phú. Ông quản lý có rõ không? Năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng đã được chi dùng vào việc vô ích. Các kho đụn tài sản, châu báu và lương thực, thực phẩm của ngôi nhà này, bây giờ chỉ còn là cháo tấm và bột chua. Vậy thì ngươi hãy khuyên gia chủ của ngươi lo làm ăn, kinh doanh buôn bán để gia tài được phát sanh, tăng bội, chứ đừng để sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ấy đến ăn hại tại ngôi nhà này nữa. Hãy đuổi cổ chúng đi!

Viên quản lý nghe những lời phỉ báng kia, đùng đùng nổi giận, hét toáng lên:

- Này, này! Bà thiên nữ ngu si kia! Ông triệu phú, chủ của ta, là người hiền thiện, là bậc có lòng từ quảng đại, vô song. Trọn vẹn cả gia tài này ông ta đã chi dùng đầy công đức và trí tuệ cho giáo pháp của đức Thế Tôn. Một sự chi dùng đúng đắn đem đến lợi lạc tối thượng cho nhân, thiên ba cõi. Đừng nói đến chuyện khánh tận gia sản, chỉ còn cháo tấm và bột chua; nếu ông triệu phú, chủ của ta, nắm búi tóc của ta lôi đi, đem ra giữa chợ bán như một tên nô lệ, để lấy tiền bố thí cúng dường, thì ta cũng sẵn lòng hoan hỷ! Đã nghe rõ chưa, vị thiên nữ đầy tà kiến, tối tăm và ngu ngốc! Hãy bước đi!

Thấy không lay động được viên quản lý, thiên nữ hiện thân gặp người con trai cả, cũng nói như trên, nhưng cũng bị người con trưởng nam mắng cho xối xả. Tuy thế, vẫn không thối chí, vì thiên nữ nửa đêm hiện ra trong phòng ông Cấp Cô Độc với hào quang chiếu sáng.

- Này, đại triệu phú! Ta là thiên nữ ở cửa tầng lầu thứ tư, ta đến đây vì lợi ích của ông và gia đình ông.

- Hãy nói đi, ta nghe đây.

- Từ lâu, thiên nữ nói - ngươi đã không nghĩ đến tương lai, không nghĩ đến con cái, bỏ bê công nghiệp, phung phí tài sản cho sa-môn Gotama và tăng chúng của ông ta. Cho đến hôm nay, gia sản ngươi đã khánh tận mà các sa-môn ấy vẫn đi vào nhà. Những gì chúng lấy đi từ ngươi thì không bao giờ có thể đem về lại được. Hãy nắm chắc, biết chắc là như vậy. Bắt đầu từ nay trở đi, ngươi chớ tự mình đi đến sa-môn Gotama! Chớ cho phép những đệ tử của ông ta đi vào ngôi nhà này nữa. Hãy xoay lưng, không có nhìn sa-môn Gotama. Hãy lo kinh doanh buôn bán và xây dựng lại sản nghiệp.

Triệu phú Cấp Cô Độc nghe những lời không hợp với lỗ tai chánh giáo của mình, nhưng vẫn trầm tĩnh, hỏi:

- Vậy ra đấy là những lời khuyến giáo thiện ý của ngươi đối với ta?

- Phải như vậy!

Ông đại triệu phú cất giọng cứng rắn, đanh thép:

- Bậc Mười Lực đã làm cho ta không bị dao động bởi trăm, bởi ngàn, bởi trăm ngàn lời nói của thiên nữ ngươi. Lòng tin của ta đối với đức Phật và tăng chúng như núi Tu Di vững chắc, kiên định. Đức tin ấy ta đã khéo an trú lâu rồi. Thật uổng thay cho công sức và miệng lưỡi của ngươi. Tài sản được ta tiêu dùng cho chánh pháp, đem đến lợi lạc cho nhân thiên và đưa đến giác ngộ, giải thoát cho người hữu trí. Như vậy, những lời ngươi nói thật là không thích hợp, phi pháp, phản động, là đòn đánh mạnh vào giáo pháp của đức Tôn Sư.

Nói đến đây, ông triệu phú chợt xúc động chánh pháp, nói như lưỡi búa phủ xuống đầu thiên nữ:

- Hãy bước đi, này con quỷ đen (kāla-kaṇṇī), kẻ thiếu lễ độ và đầy ác giới kia! Không có vấn đề ngươi sống chung ở đây nữa. Hãy ra khỏi ngôi nhà này mau. Hãy cút đi! Hãy xéo đi!

Lời nói của vị thánh đệ tử đã chứng quả Dự Lưu, không phải là không có oai lực nên thiên nữ không thể ở chỗ cũ được nữa, phải ra đi. Nhưng thiên nữ nghĩ rằng: ‘Nếu không tìm được chỗ ở khác, ta trở về xin lỗi ông là xong. Có lẽ nào một kẻ tu hành lại thiếu lòng từ, để tâm hờn giận dài lâu!’

Trước tiên, thiên nữ đến vị thiên tử hộ trì thành phố, đảnh lễ vị này, đứng một bên rồi trình bày tự sự trước sau. Lại còn nói rằng đấy chỉ là lời vô ý (anupadhāretvā), không có chủ tâm, xin ngài, với oai đức của mình, dẫn tôi về nhà đại triệu phú, xin lỗi ông ta cho tôi được ở lại.

Vị thiên tử hộ trì thành phố phất tay đứng dậy, quát như sấm nổ:

- Ngươi cũng bước đi khỏi đây, bước ra khỏi đây cùng với những lời nói dơ uế lỗ tai và ngu si ấy! Những lời ấy là gì? Là lời không thích đáng, phi pháp, phản động; là đòn đánh mạnh vào giáo pháp của đức Tôn Sư. Ở đây không có chỗ cho ngươi!

Không nản chí, thiên nữ tìm đến các vị thiên có oai lực lớn hơn, tức là bốn vị Đại thiên vương. Các vị này sau khi nghe xong, không quát mắng, không xua đuổi, chỉ nói về lý, tình cho vị thiên nữ tội nghiệp kia hiểu.

- Ta cũng thương ngươi ngược xuôi vất vả mà không có chỗ an cư. Nhưng biết làm thế nào được. Khi mà oai lực của ta không bằng oai lực của ông đại triệu phú. Bằng sao được khi đấy là lời nói của một thánh thiện nam, kẻ thành tựu khá hoàn hảo về tín, giới, văn, thí, tuệ? Vậy ta khuyên ngươi lên tìm gặp đức Đế Thích thiên chủ, may ra ngài ấy có biện pháp giúp đỡ ngươi.

Chẳng biết sao hơn, vì thiên nữ thất tha thất thểu đến cõi trời Đao Lợi, quỳ lạy Đế Thích và khẩn thiết yêu cầu sự giúp đỡ.

Sau khi nghe xong, ái ngại và xót thương nhìn người thiên nữ dại dột, thiên chủ nói:

- Đáng lý ra ta cũng phất tay mà đuổi ngươi đi như các vị thiên kia. Và nếu vậy, ngươi sẽ lang thang suốt đời mà không có chỗ an cư. Ta do nhờ nghe pháp của đức Đạo Sư mà thấy rõ đâu tội, đâu phước, đâu nhân, đâu quả. Ta tri ân ngài quá lớn. Thế mà ngươi, một hạt bụi, một mảy lông mà dám đánh đổ núi Tu Di? Ân đức của bậc Tôn Sư, của giáo pháp, của chư tăng thật vô lượng cho chúng sanh ba cõi vậy. Ngươi vì vô minh, vì si mê nên không thấy, không biết ân đức ấy, mới dại dột đụng chạm đến giáo pháp của bậc đại chiến thắng. Tội của ngươi quá lớn. Nhưng cũng vì sự hỷ xả, vì lòng từ mẫn, ta sẽ chỉ cho ngươi một phương pháp, trước là để chuộc tội với ông đại triệu phú, sau nữa là sám hối với đức Phật.

- Lành thay, thưa thiên chủ! Thiên nữ mừng rỡ nói - xin người từ bi chỉ dạy cho con. Ôi! Con mong được tha thứ xiết bao!

Rồi thiên chủ Đế Thích chậm rãi trình bày như sau:

- Ông đại triệu phú có một gia sản kim ngân lớn bị thất thoát. Thất thoát do người ta vay nợ, do nước trôi và do chôn của để dành bị mất dấu. Hiện giờ, ở khắp nơi trong thành Sāvatthi, các gia chủ lớn, các thương gia, do nhờ vay tiền của ông đại triệu phú mà trở thành giàu có cả. Những giấy nợ, những biên nhận kia hiện nằm trong tủ phía đầu giường của ông. Từ khi gặp Phật và thấy được giáo pháp, con đường đi của giáo pháp, ông không hề để tâm đến những món nợ ấy nữa. Bây giờ ông đại triệu phú đang lúc nghèo túng. Ngươi hãy lấy tất cả giấy nợ và biên nhận kia, với oai lực của ngươi cùng với oai lực của một số Dạ Xoa trẻ ta cho đi theo để tháp tùng; đến các con nợ mà hăm doạ, nạt nộ thế nào đó để người ta phải trả lại. Số tiền này có thể lên đến một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng; ngươi đem đến đổ vào kho bạc trống không của ông ta. Đấy là món kim ngân thứ nhất. Ngươi có nghe rõ không?

- Dạ, con nghe rõ!

- Còn món kim ngân thứ hai, trị giá cũng chừng khoảng một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng, bỏ trong những cái ghè bằng đất nung, chôn giấu ở bờ sông Aciravatī. Khi lũ lụt đến, đất lở, nước đã cuốn trôi tất thảy về đại dương. Với oai lực của ngươi, và của một số Dạ Xoa tháp tùng, ngươi có thể tìm thấy tài sản ấy và mang về một cách dễ dàng. Ngươi có làm được thế không?

- Dạ, con làm được!

- Còn tài sản khác, chính ông đại triệu phú cũng không nhớ là đã chôn giấu ở đâu. Ngươi có thể nhờ bằng hữu, các vị thiên quản nhiệm các ngôi rừng, làng mạc, nghĩa địa, vườn tược, thung lũng, khe suối, gò đống, ao hồ... quanh kinh thành Sāvatthi tìm hộ giúp. Số kim ngân này cũng không ít hơn hai loại tài sản kia đâu.

Và như vậy, với chừng năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng, ngươi làm đầy lại kho gia sản của ông triệu phú để đền tội, để chuộc tội, để sám hối. Ông triệu phú thấy ngươi có lòng thành, biết ăn năn hối lỗi, sẽ tha thứ cho ngươi. Và ngươi lại có chỗ tịnh cư an lạc, khỏi phải lang thang nữa!

Với phương pháp chỉ bày của thiên chủ Đế Thích, trong thời gian ngắn, thiên nữ đã tìm ra đủ ba loại tài sản. Nửa đêm, rực rỡ với hào quang, đứng giữa hư không, thiên nữ nói:

- Thưa ông trưởng giả! Tôi vì ngu si, lầm lạc, mù quáng, không biết đến công đức của Phật, của giáo pháp, của tăng chúng đã có những lời nói lỗi lầm ngày trước. Ông hãy vì lòng từ ái mà tha thứ cho tôi. Theo lời chỉ giáo của thiên chủ Đế Thích, tôi đã đòi lại số nợ một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng ở rải rác trong thành phố cho ngài; đã lấy lại số tài sản một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng bị nước trôi ra biển; và tôi cũng đã tìm ra tài sản một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng chôn giấu giữa những bãi đất vô chủ. Với năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng, tôi đã đổ đầy kho kim ngân trống không của trưởng giả để chuộc tội. Như vậy, số kim ngân ngài tiêu dùng cho việc kiến tạo tịnh xá cùng hộ trì đức Phật và tăng chúng trong gần bốn mươi năm qua, tất cả đã thâu lại đủ. Từ khi mất chỗ trú xứ, tôi phải lang thang, buồn phiền và mệt mỏi. Tôi rất hối hận. Xin ngài miễn chấp cho việc làm vô trí của tôi. Hãy tha thứ cho tôi vì lòng bi mẫn, thưa trưởng giả!

Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe vậy, suy nghĩ như sau:

“- Thiên nữ này bảo là đã lấy công chuộc tội, nghĩa là đã thấy tội của mình. Muốn cho nó thấy rõ công đức của ta cùng việc làm trước sau của nó, ta nên dẫn nó đến gặp bậc Đạo Sư. Chỉ có ngài mới biết rõ là nên giáo giới vì thiên nữ này như thế nào”.

Rồi nói:

- Này thiên nữ! Sự hối lỗi của ngươi là rất tốt. Nếu muốn xin lỗi ta thì hãy xin lỗi trước mặt bậc Đạo Sư!

Sáng ngày, khi đêm đã tàn, trưởng giả Cấp Cô Độc không cần phải xem lại số tài sản đem về hư thực thế nào, dẫn thiên nữ đến hầu đức Thế Tôn.

Và đoạn cuối đã được đây đó kể lại.

Đức Phật sau khi nghe xong câu chuyện, nói cho thiên nữ nghe với ý rằng: Một người làm việc xấu ác, khi việc xấu ác ấy chưa trả quả thì nghĩ rằng, việc xấu ác ấy là lành tốt. Nhưng đến khi quả báo xảy ra, người ấy mới thật sự biết đấy là xấu ác. Ngược lại, một người làm việc lành tốt, khi việc lành tốt ấy chưa trả quả thì nghĩ rằng, việc lành tốt ấy là xấu ác. Đến khi quả báo xảy ra, người ấy mới thật sự biết đấy là lành tốt.

Rồi đức Phật cô đọng ý ấy trong mấy bài kệ sau đây: 

“- Ác hạnh như mật, như đường!

Người ngu nghĩ vậy, quả thường chưa sanh

Đến khi ác báo rành rành

Than trời, trách Phật, khổ thành khổ hơn!”(1)

“- Ác nghiệp là nghiệp chẳng lành

Ăn năn, hối quá phát sanh lòng người

Đến khi quả dữ chín muồi

Lệ tuôn đầy mặt, lạy trời khóc mưa!”(2)

“- Thiện nghiệp là nghiệp tốt lành

Thỏa thích, mát mẻ phát sanh lòng người

Đến khi lạc báo chín muồi

Thọ hưởng phước quả, nói cười hân hoan!”(3)

Sau mấy bài kệ, thiên nữ chứng Dự-lưu quả. Nàng sung sướng đảnh lễ đôi bàn chân có tô điểm bánh xe ngàn căm của đức Chánh Đẳng Giác rồi nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Vì bị tham ái nhiễm, bị sân kích động, bị si mờ ám, bị vô minh che phủ, con không biết những công đức của Thế Tôn, đã nói những lới ác ngữ, hãy tha thứ cho con.

Vì thiên nữ lại quay sang xin hối lỗi với trưởng giả Cấp Cô Độc. Trước mặt đức Phật, ông trưởng giả hoan hỷ công đức của mình:

- Mặc dầu bị thiên nữ này ngăn chặn, bạch Thế Tôn! Ngăn chặn chớ có phục vụ đức Phật, ngăn chặn chớ có bố thí, cúng dường. Nhưng giống như những ngọn gió đông gió tây không lay chuyển đỉnh núi Sineru như thế nào, tâm của đệ tử vẫn kiên trì, vững chắc vào đức Thế Tôn, giáo pháp cùng tăng chúng cũng y như thế đó! Đệ tử đã an trú ở đấy với đức tin bất thối chuyển.

Mỉm nụ cười hoa sen tựa vàng ròng và hào quang sáu vòng từng đôi một, đức Phật tán thán công đức của trưởng giả và nói rằng, đấy là do nhờ sự thấy biết thanh tịnh của một thánh đệ tử, trạng thái tâm đã ổn định, đã xuôi vào dòng đưa đến cõi bất tử.

Sau đó, đức Phật kể cho trưởng giả Cấp Cô Độc và thiên nữ nghe một tiền thân của ngài trong quá khứ, vào cái thời chưa có vị Phật Chánh Đẳng. Vì muốn ngăn chặn sự bố thí của ngài đến một vị Độc Giác Phật, nên Ác Ma vương đã hóa hiện một hố sâu than hồng hừng hực lửa; tuy nhiên, ngài vẫn bước qua và chiến thắng. Rồi đức Phật tóm tắt như sau:

“- Ta bước vào địa ngục an toàn như bước vào ngôi nhà của chư thiên. Ta bước trên hố than hừng, đóa hoa sen bừng nở, nhuỵ vàng và phấn hương trải gót chân ta... Ôi! Hy hữu thay là sự bố thí bất động tâm! Ôi bất diệt thay là đức tin bất động tâm với thiện pháp”.

Quả thật, trưởng giả Cấp Cô Độc cũng xứng đáng được tán thán như vậy trong suốt cuộc đời làm công đức không mệt mỏi của ông. Như ngôi sao Bắc Đẩu rỡ rỡ chiếu sáng hằng đêm với một phương hướng nhất định, cũng vậy, ông nêu gương cho hàng cư sĩ tại gia trên con đường phước sự lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người vậy.

Cả gia đình của ông: Bà vợ, người em út, con trai, ba con gái và con dâu đều thâm tín Tam Bảo. Chuyện kể về lời nói của vị thiên nữ không lay động được tâm của người con trai và viên quản lý chứng tỏ điều đó. Có rất nhiều bài pháp đã được đức Phật đặc biệt thuyết riêng cho từng người một trong gia đình hiền thiện này.

Ngoài ra, ông còn có công dẫn rất nhiều bà con quyến thuộc, kẻ quen biết thân, sơ đến quy y với đức Phật rồi sống an lạc trong giáo pháp này. Một lần, ông đã dẫn đến năm trăm người bạn, đặt họ trên tam quy và hướng dẫn họ sống đúng với chánh pháp. Khi đức Phật rời Sāvatthi, năm trăm người này lại phá vỡ tam quy, quy y theo ngoại đạo. Lâu sau, đức Phật trở lại Kỳ Viên, ông mời năm trăm người bạn trở lại nghe pháp. Cuối bài giảng, cả năm trăm nam cư sĩ đều chứng quả Dự Lưu.

Cây Bồ Đề được tôn giả Mahā Moggallāna lấy hạt từ cây mẹ bên sông Nerañjarā, được ươm trồng giữa lối vào tịnh xá, mười mấy năm về trước, bây giờ đã cao lớn, xanh um chính là do công đức của ông bạch với tôn giả Ānanda xin đức Phật cho phép - để cho hai hàng cận sự nam nữ có nơi để đảnh lễ, cúng dường những khi ngài đi hoằng hóa phương xa.

Trưởng giả Cấp Cô Độc thường được đức Phật, tăng chúng và hàng cư sĩ tin cậy nên ông thường tỏ ra làm đại diện cư sĩ một cách xứng đáng, góp ý xây dựng giáo hội và giải quyết những vẫn đề thuộc lãnh vực cư sĩ. Ông và đại nữ thí chủ Visākhā là hai cánh tay đắc lực, trọng yếu trong việc làm cho toàn hảo căn nhà giáo pháp của đức Phật vậy.



(1)Pháp cú 69: “Madhu’vā maññati bālo, yāva pāpaṃ na paccati, yadā ca paccati pāpaṃ, bālo dukkhaṃ Nigacchati”.

(2) Pháp cú 67: Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu, yaṃ katvā anutappati, yassa assumukho rodaṃ, vipākaṃ paṭisevati.

(3) Tañca kammaṃ kataṃ sādhu, yaṃ katvā nānutappati, yassa patīto sumano, vipākaṃ paṭisevati.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/06/2024(Xem: 1388)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 1887)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
06/06/2024(Xem: 1163)
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
04/06/2024(Xem: 2723)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
23/05/2024(Xem: 498)
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, đã thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con phật cũng khát khao được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy!
04/05/2024(Xem: 878)
Sen vàng tháp cổ quyện trầm hương Thị hiện Như Lai giữa nẻo thường Cõi mộng nhân gian Thầy xua lối (*) Cơ duyên chánh đạo pháp soi đường Triêm ân chỉ hướng nguyền xin tỏ Rõ lý qui nguồn xả hết vương Bát Nhã đèn thiền luôn sáng rạng Mê lầm hóa giải thoát tai ương.
16/04/2024(Xem: 526)
Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạo rất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…
14/04/2024(Xem: 417)
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: -Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật? Sư đáp: -Nếu tu để ngộ được tâm Phật, an nhiên tự tại như chư Tổ và các thánh tăng thì khác. Còn muốn trở thành một vị Phật lại khác. Về hình dáng: Phải cao. dung mạo phải đẹp đẽ, oai nghi, không khiếm khuyết bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể. Về thân thế: Phải là vua, hoặc thái tử, hoàng tử của một vương quốc. Nếu là các nước cộng hòa thì phải là tổng thống, thủ tướng. Phải có chức vụ cao tột đỉnh như vậy để sau này không còn ham mê danh vọng nữa. Phải là con của một tỷ phú thừa kế một tài sản khổng lồ để sau này không còn ham mê tiền bạc. Một vị Phật không thể xuất thân từ một gia đình thấp kém, bần hàn, là con mồ côi hay con của một gia đ
24/03/2024(Xem: 2348)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
23/03/2024(Xem: 1721)
Đêm mùng tám tháng hai, thái tử nhìn vợ con lần cuối rồi cùng Sa Nặc và ngựa Kiền Trắc vượt thành ra đi, sau đó vượt sông Anoma để hướng về phương trời cao rộng. Đây là một cuộc vượt thoát vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Ngài từ địa vị một ông hoàng với đầy đủ ngũ dục lục trần, có tất cả những gì mà con người mong cầu nhưng ngài buông bỏ tất cả. Ngài vượt thành và trở thành bậc xuất trần vĩ đại. Vượt thành, vượt sông đã khó nhưng thiên hạ cũng làm được, duy vượt qua ngũ dục lục trần, vượt thoát luân hồi sanh tử thì cho đến lúc này cũng chỉ có ngài mà thôi. Cuộc vượt thành của ngài đã mở ra một chương mới trong lịch sử loài người. Ngài đã khai phá con đường sáng, con đường giải thoát, giác ngộ đi đến niết bàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com