Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giá trị Một Bài Thơ: Hoa Nhân Quả

09/03/201418:19(Xem: 4629)
Giá trị Một Bài Thơ: Hoa Nhân Quả
minh_hoa_quang_duc (163)

HÃY CHỌN VÀ PHÂN TÍCH, BÌNH GIẢNG MÔT BÀI THƠ MÀ EM THÍCH NHẤT

ĐỂ THẤY GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA NÓ ?.

Từ vô thỉ đến nay, giác tánh nơi tạng thức con người thường thanh tịnh trong sáng hoàn toàn, vốn không có sự cấu uế tạp nhiễm, cũng không có những huyễn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Trong giác tánh ấy, không có gì được gọi là sinh hay diệt, vì sanh hay diệt chỉ là giả danh. Vả lại, sanh là tướng huyễn sanh, diệt là tướng huyễn diệt. Nghiệt vì con người chưa từng tĩnh thức, cho nên không thấy được tánh giác nơi tạng thức này. Vì vậy, khi đối trước ngoại cảnh, khởi tướng chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả là thật có, hoặc khởi niệm sai khác chấp thủ về thân ngũ uẩn, đối với các pháp lại chấp là thật. Tất cả đều từ vọng tưởng và tưởng thủ của thức từ ba độc sanh ra. Kể từ đó, nghiệp thức có mặt, dòng sanh diệt và tái sanh không dứt. Nào có am tường rằng, việc làm Phật, Thánh hay phàm phu, việc sanh lên cõi trời hay đọa địa ngục đều do ở nơi hành động, tác ý của mình. Đó chính là luật nhân quả. Nhân quả là một định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan và vũ trụ quan qua sự liên hệ duyên khởi của cuộc sống con người. Vạn pháp làm nhân, làm duyên cho nhau và tương quan phụ thuộc lẫn nhau. Điều đó được thể hiện rõ qua bài thơ :"Hoa nhân quả" của thi sĩ Mặc Giang. Vậy thì, trong một kiếp người, tại sao chúng ta không đào sâu, nghiên cứu, tu tập?.

Thế giới không hoa, thân người mộng huyễn, hết thảy các pháp đều thuộc vô thường không thể cậy trông. Mặc Giang thương xót, thao thức trở trăn, người đã đem đến cho chúng ta hơn một nghìn năm trăm bài thơ có ý nghĩa và giá trị chân thật khiến tắt lửa phiền, cạn lòng ái dục, thoát ly sanh tử. Và "hoa nhân quả" là một trong những bài thơ đó, nó như một ngọn hải đăng dẫn đường cho những ai tìm về bến đỗ, giải thoát, hạnh phúc và an lạc.

Hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng, Héraclite, một triết gia Hy Lạp cổ đại bảo rằng: "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông''. Điều đó nói lên sự chuyển biến liên tục của con người và thế giới, sự vật hiện tượng. Tất cả hiện hữu ấy đều là hiện hữu của tương duyên, chúng luôn diễn ra trong vòng nhân quả. Và cũng trong mối tương quan nhân quả này, vấn đề luân lý đạo đức được đặt ra dưới tên gọi của nghiệp thiện và nghiệp ác. Vì vậy, nói đến nhân quả là nói đến tiến trình tạo tác của con người, từ đó, hình thành đời sống an lạc hoặc khổ đau. Trong đó, mỗi tư duy và hành động cụ thể là một động lực kiến tạo nên trạng thái bất an hay an lạc, cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh mà con người làm vai trò trung tâm và chủ động, chứ không một đấng quyền năng hay một đấng tạo hóa, thần thánh nào trong tiến trình tạo tác ấy. Nhân quả là một định luật tất yếu không thể sai chạy được, hễ đã gây nhân gì thì tất nhiên phải có quả báo ấy để đền đáp lại. Chính vì vậy mà mở đầu bài thơ "Hoa nhân quả", Mặc Giangviết:

'' Đã gieo nhân thì làm sao không có quả

Đã có quả thì làm sao không có nhân

Hỡi nhân sinh trong cuộc sống hồng trần

Đừng lẫn thẫn buông lung mà đọa lạc."

Vậy, thế nào là nhân? Thế nào là quả? Nhân quả là gì? Tại sao nhà thơ lại nói :"Đã gieo nhân thì làm sao không có quả và đã có quả thì làm sao không có nhân"?.

Nhân là nguyên nhân. Qủa là kết quả. Nhân là mầm, là hạt. Qủa là cây, là trái. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực ấy. Trong mối tương quan nhân quả này, mỗi hiện tượng vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân. Từ nhân đi đến quả có nhiều duyên. Chính vì lẽ đó nên nhân quả còn được gọi đầy đủ là nhân duyên quả. Một nhân không thể đưa đến một quả và một quả không thể đưa đến một nhân.

Chúng ta thường nghe :"gieo nhân nào gặt quả nấy", hay là: "gieo gió gặt bão". Thật vậy, khi trồng cây cam ra trái cam ngọt, trồng cây chanh chua thì hái được quả chanh chua. Vì trồng cây cam nên hái được quả cam, ngược lại, hái được quả cam là nhờ ta đã trồng cây cam, chính vì thế mà nhà thơ nói "đã gieo nhân thì có quả, mà đã có quả thì phải có nhân". Nhân quả ấy tuy đẳng loại, tức cùng một giống nhưng nó còn tùy thuộc vào các duyên trung gian tác động vào mạnh hay yếu, thuận hay nghịch mà quả có thể hình thành sớm, muộn, hay có thể không hình thành và quả có thể cùng loại với nhân nhưng vẫn khác với nhân. Mặc Giang phân tích nhân quả một cách rõ ràng như thế để rồi nhẹ nhàng nhắc nhở mọi người: "đừng lẫn thẫn buông lung mà đọa lạc".

Tại sao như vậy? Vì khi đã gieo nhân rồi thì: "giả sử bách thiên kiếp , sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ" (Quy Sơn Cảnh Sách văn). Gỉa sử trải qua trăm ngàn đời kiếp đi nữa, cái nghiệp mình đã tạo ra vẫn không tiêu mất, một khi nhân duyên gặp nhau đủ mặt thì quả báo của nó mình phải tự chịu lấy. Hoặc như kinh pháp cú từng dạy:

"Không trên trời dưới biển

Không lánh vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả ác nghiệp".

Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận chớ buông lung, phóng dật và tạo nghiệp nhân không tốt rồi phải lang thang mãi trong vòng luân hồi sanh tử. Để làm được điều đó, khổ thơ thứ hai nhà thơ viết:

"Mỗi hành động trong hành vi tạo tác

Mỗi ý niệm vừa phát khởi trong tâm

Tất cả đều đã gieo một hạt nhân

Mới băng qua là trở thành quá khứ".

Xưa kia tạo nên bao ác nghiệp, đều do thân, miệng, ý gây ra. Tâm là đất gieo hạt. cũng giống như một người gieo hạt trong lúc trời sẫm tối, một nắm tay đưa lên thì ngàn vạn hạt được gieo xuống. Người đứng bên không thấy được hình dáng của những hạt giống ấy và chính người gieo cũng không sao biết được số lượng của những hạt kia. Chúng ta hằng ngày cứ an nhiên tạo nghiệp mà không hề hay biết. Vì thế mà bốn câu thơ trên, tác giả đã cho chúng ta thấy rõ tiến trình tạo tác của con người trên lý nhân quả. Tác giả nhấn mạnh hai từ "hành động" và "ý niệm". Vì sao như vậy? Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta là những lữ khách quên mất chơn tâm, lang thang trên nẻo đường ba cõi, từng ý niệm say mê đắm chìm trong dục lạc, để rồi chấp thủ, đuổi bắt, bám víu. Đó chính là nỗi bất hạnh trầm kha muôn thuở của con người. Duy Thức nói:

" Động thân phát ngữ độc vi tối

Dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiên".

Pháp Cú Kinh dạy, trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý thức chính là chủ nhân ông của nghiệp, bởi lẽ:

"Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo”.

Ngược lại:

“Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình".

Và trong Kinh Di Giáo lúc Đức Phật sắp Niết Bàn, ngài có dạy rằng: "Trong năm căn, tâm là chủ, do đó các ông phải dứt tâm phân biệt, phóng túng, buông lung".

Sống trong cuộc đời vô thường này, thế giới mờ ảo hay rõ ràng đều có cái hay của nó. Thực tướng không phải ở cảnh, ở sắc, cũng chẳng phải ở nhãn căn, mà chính là ở nơi cái nhìn giác ngộ, từ đó biết sống như thế nào, làm gì, gieo gì hôm nay để chuyển hóa nhân quả, nghiệp báo của chính mình. Nếu xét cho kỹ thì trong thế giới này, chúng sanh nghiệp lực lành, dữ không đều, thân tướng và cảnh giới chúng sanh cũng tốt, xấu sai biệt. Nhưng điểm sinh khởi chẳng rời sát na tâm sinh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát na tâm sinh diệt. Vì vậy, muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sinh diệt ấy thì chính là điều mà nhà thơ đã nói ở trên.

Thật vậy, khi Đức Phật đạt toàn giác, Ngài đã quán chiếu chúng sanh rồi xót thương: "Lạ thay, hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì tham ái, vô minh, vọng tưởng che lấp nên không giác ngộ. Phàm chúng sanh hễ động chân cất bước thì toàn là tội lỗi". Chính vì lẽ đó, thi sĩ đã nhắc chúng ta rằng, mỗi hành động hay ý niệm khởi lên trong tâm thì xem như chúng ta đã gieo nhân, tạo nghiệp. Mà đã gây nhân rồi thì tất nhiên phải nhận quả như khổ thơ đầu tác giả đã nói, và quả ấy tốt hay xấu thì do ở nơi nhân duyên mình đã gây.Khổ thơ cho chúng ta thấy rằng nhà thơ có một lối nhìn nhân quả đồng thời rất sống động và thiện xảo. Nghĩa là các pháp dù lớn hay nhỏ khi chúng hiện hữu thì các nhân duyên cũng có mặt trong từng sát na, tác giả đã dùng từ "băng qua" để chỉ cái sát na ấy. Do đó, vượn còn biết mến trăng trong thì người sa vào đám bụi hồng làm chi?.

Thơ Mặc Giang thực sự là một kho tàng trí huệ đạo đức, nó bao hàm những bài học thực tiễn mang chân lý sâu xa cho chúng ta áp dụng vào cuộc sống với hạnh phúc an lạc chân thật từ những việc mình làm. Từ đó, ai ai cũng chớ thấy thiện nhỏ mà lơ, chớ thấy ác nhỏ mà tơ tưởng làm. Trong thơ ông, lý thuyết phải đi đôi với thực hành, tức lý sự viên dung, hay nói cách khác là nhờ thực hành mà chứng được lý lẽ là đúng, và nhờ lý lẽ soi sáng cho việc làm tốt đẹp tròn đầy.

Và chúng ta biết rằng, nhân quả nó chi phối qua nhiều kiếp sống, từ vô lượng kiếp quá khứ đến đời sống hiện tại và còn kéo dài mãi đến đời sống vị lai, cho nên còn nhiều vấn đề trong tầng lớp không gian sâu thẳm hơn thì các nhà khoa học và các triết gia chưa đủ khả năng khám phá. Chỉ có người lắng sâu trong thiền định như nhà thơ mới thấy được điều này. Tác giả đã nêu lên mối liên hệ nhân quả trong ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai:

"Có quá khứ thì phải có hiện tại

Có hiện tại thì phải có tương lai

Một là ba, ba là một nối dài

Móc thời gian ba thì treo bất tận."

Thực tế trong cuộc sống, một số người đã thắc mắc rằng: "tu có chuyển được nhân quả hay không?", thì như chúng ta biết, lý nhân quả được nhìn dưới ánh sáng của duyên khởi, tức là:

"Do cái này có nên cái kia có

Cái này không nên cái kia không

Cái này sanh nên cái kia sanh

Cái này diệt nên cái kia diệt"

Lý nhân quả ở đây không cố định là tác nhân nào thọ quả nấy, cũng phải là tác nhân mà không thọ quả, mà từ nhân đến quả có nhiều duyên. Vì vậy, ở đây, nhà thơ đã nêu ra "móc thời gian treo ba thì bất tận" chính là nhân quả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai liên hệ với duyên khởi pháp, hay còn gọi là "tam thế lưỡng trùng nhân quả". Vì sao tác giả lại nói "một là ba, ba là một nối dài?". Bởi lẽ với cách giải thích trên thì chúng ta hiểu rằng, đối với tầng thứ nhất: vô minh và hành thuộc nhân quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thuộc về quả hiện tại. Còn ái, thủ, hữu thuộc về nhân hiện tại; sanh, lão tử thuộc về quả vị lai. Đối với tầng thứ hai thì ái, thủ, hữu thuộc về nhân quả quá khứ; sanh, lão tử thuộc về quả hiện tại; vô minh và hành thuộc nhân hiện tại và thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ thuộc về quả vị lai. Qua đó chúng ta thấy rằng, vạn pháp làm nhân, làm duyên cho nhau và tương quan phụ thuộc lẫn nhau, cho nên nhà thơ nói rằng "một là ba, ba là một nối dài. Móc thời gian ba thì treo bất tận". Thế mới biết, nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh, nhân duyên biệt ly hư vọng hữu diệt. Nghĩa là khi các nhân duyên nhóm họp thì giả dối có sanh ra, các nhân duyên chia rẽ thì giả dối gọi là chết. Như thế thì các pháp làm nhân làm duyên cho nhau nối dài không dứt từ đời này qua đời khác. Các pháp đó in tuồng là có chứ thực ra nó không có tự tướng, không có tự tướng tức là vô ngã. Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta biết gieo nhân lành, trồng thiện căn,có như vậy thì bên ngoài chúng ta không bị hoàn cảnh kích thích, trong không bị phiền não lay động quay cuồng theo huyễn cảnh. Nhà thơ đã cho ta thấy ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai với sự vận hành của nó theo quy luật duyên sinh để cuối cùng chúng ta chuyển đổi nhân quả và thong dong bước đi, bước vào, bước ra trên dòng luân hồi sinh tử.

Lại nữa, nhà thơ hiểu rất rõ tâm lý của con người, ai ai cũng vui thích và tham đắm dục lạc của thế gian nên cứ gây nhân tạo nghiệp không tốt, mà không biết đó là nỗi đau của cuộc đời, bởi vạn pháp vốn vô thường, khổ, vô ngã. Cho nên, kẻ không minh đạt chánh pháp thì lặn hụp trong đó, còn người trí thì không đắm say. Bậc thánh biết mình nên làm những gì để hái gặt quả tốt, còn chúng sanh thì không biết nhân mình làm mà chỉ nhìn đến quả, đó chính là lối sống bỏ gốc cầu ngọn, thi sĩ viết:

"Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả

Nên Thánh, Phàm từ nơi đó mà ra

Đâu phải riêng chỉ một cõi Ta Bà

Mà tám hướng mười phương đều như thế".

Cuộc đời là một huyễn mộng trong đêm trường sinh tử thống thiết khổ đau. Khổ đau bắt nguồn từ nơi ý niệm, hành vi tạo tác của con người. Và chúng ta biết rằng, dù con người xuất hiện hay không thì nhân quả vẫn là định luật hiển nhiên như vậy. Nó có từ vô thỉ, vô chung. Do đó mà nhà thơ viết:

"Hoa Nhân Qủa phát sinh từ vô thỉ

Kết phan duyên hiện hữu đến vô chung

Chúng sanh ơi cẩn thận chớ lao lung

Đã tạo tác thì trước sau phải gánh".

Chúng ta biết rằng có loại nhân quả đồng thời mà từ nhân chúng ta gieo đến quả rất là nhanh, ví dụ như khi đói ăn thì no liền. Nhưng cũng có loại từ nhân đến quả nó có một khoảng thời gian gọi là hiện báo, tức nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo trong đời này. Thứ hai, gọi là sinh báo, tức tạo nhân đời này nhưng đời sau mới nhận quả. Loại thứ ba gọi là hậu báo, nghĩa là tạo nhân đời này nhưng đến các đời sau nữa mới thọ báo. Vì lẽ đó mà nhà thơ nói rằng nhân quả phát sinh từ vô thỉ và kéo dài cho đến vô chung.

Những câu thơ của Mặc Giang giúp chúng ta "phản quan tự kỷ", luôn xem xét sự biến chuyển của tâm thức trong tất cả mọi hành động cử chỉ, ngăn chặn và đẩy lùi tất cả phiền não kiết lậu, gây tai hại cho mình và người khác. Mặt khác, nó giúp ta thấy được cội rễ của sinh tử luân hồi để liễu tri rằng thao tác của tam bất thiện nghiệp đều do tâm lý, tác ý làm chủ, làm người dẫn dắt. Vì thế, khi đã tạo nghiệp rồi thì "trước sau phải gánh". Từng lời thơ trong "hoa nhân quả" đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của con người, vì con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc dẫn dắt chúng ta đi vào mọi cảnh giới. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. Chính vì vậy, chúng ta không nên tham, sân, si, tạo nghiệp nhân không tốt để rồi sau này phải nhận lấy khổ đau, luân hồi mãi trong đêm trường tăm tối của sinh tử.

Bài thơ kết thúc thật có hậu và thấm đẫm chan chứa tình người. Ai ai cũng biết bỏ ác làm lành, vun trồng cội phước.

"Hoa nhân quả biết rồi thì phải tránh

Tặng cho em mang nét đẹp thanh lương

Tặng cho anh mang sắc thắm lên đường

Tặng cho đời vun trồng chân thiện mỹ".

Bản chất của thơ Mặc Giang là an nhiên, tự tại, tinh thần trong sáng, thanh cao, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, hệ lụy của thế gian. Tâm thong dong và thảnh thơi trên khắp mọi nẻo đường như nước chảy xuôi dòng không cố ý, mây ra khỏi núi vốn vô tâm. Lời thơ thâm trầm của một phen đáo bỉ ngạn rồi cũng mất hút như nhiên, còn lại giữa thế cuộc khúc tâm ca, triết lý bình dị sâu xa tự nó đi vào lòng người nhịp điệu nay mai không đổi, ý thơ trôi chảy vô ngã tính. Từ trong sâu thẳm tâm linh, qua bài thơ "hoa nhân quả", thi sĩ đã gửi gắm lẽ sống muôn đời của pháp bất sanh, bất diệt. Mai đây, lá vẫn cứ rụng, hoa vẫn cứ rơi, cuộc đơm bông kết trái sẽ tự giải bày với ta tất cả.

Dõi Bóng Trường Giang,

Đầu năm Giáp Ngọ 2014

Tâm Như

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2024(Xem: 522)
Khi thức dậy, điều gì là điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến? Một ngày ngổn ngang công việc với hằng trăm thứ lo âu, bắt đầu những giờ phút chạy đua trong cuộc sống vốn dĩ gắn liền với cơm áo, gạo tiền, xa hơn một chút là đời sống trưởng giả, danh vọng và quyền lực. Một bữa ăn sáng vội vã, một ai đó tranh thủ vượt đèn vàng để kịp giờ vào công sở cũng bởi nhịp sống hối hả khiến chúng ta trôi theo không lúc nào ngơi nghỉ, thế nhưng với nhiều người, sự tất bật trong công việc không phải là điều làm người ta mệt mỏi mà điều làm người ta mệt mỏi lại đến từ những điều khác, nó không phải là mớ công việc lao động tay chân, lao động trí óc, không phải là xấp văn bản dày cộm trên bàn làm việc, không phải là lời hối thúc của cấp trên mà nó đến từ lòng người.
02/10/2024(Xem: 486)
Nguyễn Bá Chung cùng quê hương đại thi hào Nguyễn Trãi. Một sớm tinh mơ nào, vào cuối thu 1949, nhà thơ mở mắt chào đời nơi vùng quê Định Giàng, Đại Đức, cách chân núi Chí Linh, Hải Dương một đường chim bay. Khoảng giữa năm 1954, mới vừa 6 tuổi đã vội vã chạy theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Bản chất thông minh, học hành quá xuất sắc, nên được Đại học Brandeis cấp học bổng du học tự túc Hoa Kỳ (1971) và sống định cư luôn bên Mỹ, từ đó cho đến bây giờ.
28/09/2024(Xem: 446)
Lần đầu tiên y gặp tôi, y chắp hai tay và cúi đầu chào. Tôi rất ngạc nhiên, trong đầu xuất hịện câu hỏi:" Sao y laị biết lễ tiết chào trong nhà Phật?". Tôi cũng chắp tay chào đáp lễ. Mọi người xung quanh cười rần rần vì họ thấy lạ mắt quá. Họ hỏi ý nghĩa của việc đó có nghĩa là gì? Tôi vận dụng cái mớ tiếng Anh ba rọi giải thích cho họ hiểu. Họ có vẻ thích thú lắm. Tôi nghĩ y chào như vậy chắc tuỳ hứng bất chợt nhưng tôi đã lầm. Mọi ngày đều như thế cả, suốt một thời gian dài . Mỗi buổi sáng là y chắp tay chào tôi với nụ cười rạng rỡ... Dần dần có thêm vài người nữa cũng chắp tay chào tôi như thế vào mỗi buổi sáng.
25/09/2024(Xem: 1563)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
23/09/2024(Xem: 1203)
Chuyến đi về Việt Nam lần này có thể nói ngoài sự dự tính của chúng tôi. Mặc dù, tôi cũng có ý muốn đến viếng thăm Hà Nội một lần nữa. Vì năm 2003, tôi có dịp đến trung tâm thành Phố Hà Nội và viếng thăm một vài nơi khác chung quanh Hà thành. Nhưng lần này, là do các Phật tử Bảo Khánh, Hiếu Hoa, Từ Nhẫn và Liên Thu có nhã ý mời chúng tôi về Hà Nội và rồi cùng đoàn đi hành hương Trung Quốc, đặc biệt là chỉ hành hương tham quan trong phạm vi tỉnh Vân Nam thôi. Nói đúng
22/09/2024(Xem: 268)
Thu sang rồi em ơi! Hôm qua còn nắng nóng lắm vậy mà sáng nay khí trời se se lành lạnh, cái lạnh dìu dịu mơn man trên da thịt, thấm nhẹ vào từng tế bào khiến mình khoan khoái vô cùng. Bước chân ra vườn như thể ướp mình trong không khí địa đàng. Trời đất vừa chớm thu! Em ơi, anh không biết đề hồ là gì, sự khoan khoái của đề hồ như thế nào nhưng anh nghĩ cái sự khoan khoái của thân tâm trong cái phút giây hiện tại này như chính uống đề hồ vậy.
17/09/2024(Xem: 552)
Khi chúng ta nghe một người ví von “cuộc đời như một ván cờ” điều này chứng tỏ cuộc sống họ đã nhiều lần cần phải đáp ứng từ sự tính toán, chiến lược và khéo léo trong mỗi bước đi để đối phó với mọi hoàn cảnh thăng trầm, hầu tìm ra một định hướng cho tương lai ngày sau. Hy vọng với những sưu tầm này mình có thể tạm đưa ra một số lý do tại sao người ấy lại so sánh cuộc đời với một ván cờ, và thử tìm hiểu vì sao họ có thể suy nghĩ theo hướng này, bạn nhé !
27/08/2024(Xem: 674)
Hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng con người sinh ra, sống và phải già đi, đó là lẽ thường trong cuộc sống con người, nhưng tuổi già phải có một cái gì để lại, Vì thế George Granville nói: “Tuổi trẻ là mùa của yêu thương, Tuổi già là mùa của ĐẠO ĐỨC. Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn qúi nhất của cuộc đời, “
24/08/2024(Xem: 306)
Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu áng văn tuyệt tác, bao nhiêu bài thơ trữ tình, bao nhiêu ca khúc vinh danh người Mẹ, trong đó bài hát “Lòng Mẹ“ của Y-Vân đã trở thành bất hủ, mỗi lần nghe là mỗi lần cảm thấy xúc động cả tâm can! Riêng tôi, tôi lại muốn viết để ca ngợi người Cô ruột của tôi, cô là hình ảnh của người mẹ thứ hai, dù đã không sinh ra tôi.
10/08/2024(Xem: 638)
Làm sao diễn tả …. những khắc khoải day dứt của nửa đời phiêu bạt Giữa muôn trùng sóng vỗ xuyên suốt những lo toan Những hy vọng đổi đời, pha lẫn hài kịch ngập tràn Lại mặc cảm về thân phận của người chưa tu tập đủ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com