- 01. Cần một tấm lòng
- 02. Tâm Như Bất thối qua Viên Giác
- 03. Thầy ơi! Sáng giá chùa làng
- 04. Thử bàn về hình tượng tư duy trong thơ Mặc Giang
- 05. Một cái nhìn về thơ Mặc Giang
- 06. Giao cảm
- 07. Nào Có Ra Đi
- 08. Tiếp chuyện với nhà thơ Mặc Giang
- 09. Quê hương muôn thuở
- 10. Ngược gió hương bay
- 11. Tạ ơn người
- 12. Rộng mở nguồn tâm
- 13. Tình Dân Lạc Việt - Tấm Lòng Bậc Đại Thiền Sư
- 14. Hóa Thân
- 15. Hãy bước ra khỏi Vỏ Ốc Mặc Cảm
- 16. Quê Hương Nguồn Cội
- 17. Bến đỗ bình yên
- 18. Hoa song đường
- 19. Một nguồn thơ bất tuyệt
- 20. Lòng Thành
- 21. Mở cửa nguồn tâm
- 22. Sự dàn trải tài tình, nét tinh anh sáng tạo trong"Quê hương còn đó"
- 23. Không bán thơ
- 24. Đọc Nhịp bước đăng trình và Mở cửa nguồn tâm
- 25. Đọc Thơ Mặc Giang “Thấy tưởng Thường, nhưng Hay, Lạ và Đặc Biệt !”
- 26. Đôi Lời Tâm Sự
- 27. Duyên thơ kỳ ngộ
- 28. Thơ Mặc Giang như những dòng sông
- 29. Tìm hiểu bút hiệu Mặc Giang, thi sĩ Mặc Giang và "chất hoa" trong thơ Mặc Giang
- 30. Thấm đậm trong lòng dân gian
- 31. Vài cảm nghĩ về mẹ nhân đọc tập thơ "Hoa Song Đường"
- 32. Thơ Mặc Giang qua vài thành tựu nghệ thuật
- 33. Khơi dậy sóng tâm tư
- 34. Từ đó khai hoa
- 35. Hành Trình Quê Mẹ
- 36. Mặc Giang không bán thơ đâu
- 37. Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp
- 38. Gõ cửa giọt không
- 39. Cuộc thi viết online "Mùa hè quê tôi" năm 2008
SỰ DÀN TRẢI TÀI TÌNH, NÉT TINH ANH SÁNG TẠO
TRONG “QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ”
TK Thiện Hữu
(Những chữ in đậm nghiêng trong bài viết này là tựa đề
của những áng thơ trong
Thi tập)
Quê Hương Còn Đó, thi phẩm được trải dài trên dưới 200 trang, sẽ trở thành một trong những thi tập đầu giường, gắn bó với bạn đọc xa gần. Bởi vì, thơ của Mặc Giang xưa nay đã được minh chứng hùng hồn như những đoá hoa vừa toả hương thơm bát ngát, vừa mang dáng dấp kỳ bí, để dâng hiến cho vườn hoa thi ca nước Việt. Những dòng cảm xúc đậm đặc này lại được nhân lên, rung động gấp ngàn lần, để thi sĩ tự có một chỗ đứng cùng những thi nhân tên tuổi xưa nay. Cũng chính từ ‘phẩm-lượng’ thi ca của thi tập này, Mặc Giang được quyền chạm vào trái tim cuộc đời đầy u huyền và gõ cửa tâm thức mênh mông của những tâm hồn yêu thơ thâm sâu viên diệu.
Hơn nữa, chỉ 70 áng thơ, được tác giả trình bày tài tình dưới mọi thể loại, đủ các thể tài trong cuộc sống con người. Qua đó, độc giả như có cảm tưởng, chính Quê Hương Còn Đó là người đã và đang dẫn dắt bạn đọc đi trên cuộc hành trình đầy gian lao, nhưng vô cùng ý nghĩa và quyến rủ! Vì, chính những bài thơ trong Thi tập, có khi lôi kéo người đọc vào hải đảo hoang vu, không bóng người, không tất cả, nhưng, có lúc, lại đưa bạn đọc vào giữa chợ đời ồn náo, để nhận thêm những phẩm vật thi thiết của cuộc đời. Có những bài, tuy ngôn từ rất mạnh, nhưng lại mang âm hưởng êm ái, dịu dàng cuốn hút, dễ đưa người đọc vào thế giới của Phật, Thánh, Tiên, Hiền. Có những áng thơ, Mặc Giang như một hoạ sĩ, đã phóng bút phác hoạ một bức tranh đủ màu sắc, phủ đầy hiện thực của cuộc sống, đem trang trải vào thế giới hiện hữu nhiệm mầu, bằng những vần điệu bằng trắc, tạo thành những tiếng gõ thê lương trên mặt đất, đột ngột đi thẳng vào tâm hồn con người. Lại có những áng thơ, lời và tứ thơ thỉnh thoảng như một dòng sông trong veo êm ả, nhưng lắm lúc lại vẩn đục, để mang phù sa tưới tẩm ruộng đồng và lắm khi, chính dòng sông mầu nhiệm, thiêng liêng này, lại phát ra sức lan tỏa lạ kỳ, tạo thành những âm thanh trắc tận, những âm thanh lâng lâng trong tận cùng ngôn ngữ của thi ca. Chính những yếu tố quan trọng này, sẽ làm nền cho Thi Phẩm có tác dụng sâu xa hơn trong lòng người đọc, tạo một nhịp cầu giao cảm, giúp người đọc dấy lên nhiều tầng giao hưởng văn nghệ, kết thành sợi giây rung động chân thành, ấm áp, bao phủ tình người.
Mặt khác, đọc Quê Hương Còn Đó, người đọc không những được bàn tay nâng niu nhẹ nhàng, hướng về Quê Hương Địa Lý, nơi vừa có nỗi mệt mỏi chán chường, vừa có những kỷ niệm thiết tha, êm đẹp khó quên, mà chính tác giả còn cho người đọc thưởng thức một Quê Hương Tâm Thức bát ngát mênh mông, nhiều tầng sống động, gắn bó với đời sống thường nhật. Trong bài này, người viết chỉ đi vào hai nội dung tiêu biểu nhất trong thi tập. Đương nhiên, ngoài những nội dung trên, Quê Hương Còn Đó còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa đậm đà, thi vị và phong phú khác.
I. Quê hương tâm thức:
Nếu như hồn thiêng sông núi Việt Nam còn và vang vọng mãi trong lòng thi sĩ, thì, tiếng tâm thức yên bình, tĩnh lặng thiêng liêng luôn nằm sẵn, đợi chờ nhà thơ cho thêm hoa trái. Đây chính là phút giây tao ngộ kỳ bí của kiếp người, của áng mây bảng lảng trôi về cõi trời Hy Mã, hay của vũ trụ siêu cùng hoà nhập với thế giới vĩnh hằng trên lộ trình phát triển tâm linh, trở về quê hương tâm thức:
Tôi bước đi chưa hết một lộ trình
Chân chưa mỏi trên nẻo đường vạn dặm
Núi dốc, biển đồi, đưa tay bắt nắm
Cát bụi, gió sương một cõi trần gian
Nụ chớm ban mai, cánh lỡ chiều tàn
Trước mặt, còn bao nhiêu lối dọc đường ngang
Sau lưng, mờ dấu nét rong rêu bỏ lại….
(Bùng Vỡ)
Những bước đi của Mặc Giang đã làm Bùng Vỡ và khai phóng vạn nẻo dặm trường. Đi trong bụi cát mịt mù của phong trần dâu biển, đi đến tận nẻo luân hồi để tìm câu trả lời cho cuộc thế. Đi để tìm một đáp án, một minh triết an bình và hạnh phúc chân thật nhất trần gian, dẫu biết được, đường đời có vạn dặm hay tỉ dặm, nhưng, đôi chân của Thi sĩ chưa từng thấy mệt mỏi, chưa một lần chùn bước trong gió sương lạnh buốt, trên sa mạc hoang vu. Mạnh dạn bước tới, Bước Đi Rơi Rụng Mây Ngàn, nhưng không thấy bóng dáng của Ngã Nhân, không còn gì để bám víu vấn vương. Chính tâm hồn hướng thượng, nhìn về phía trước, nhìn vào đời sống thực tại nhiệm mầu này đã làm cho nhà thơ trở thành kẻ lang thang từ vô lượng kiếp, đã khiến cho Ta Cùng Em Hiện Hữu Vô Cùng, mạnh dạn mở ra một con đường chân chánh:
…
Từ vô lượng kiếp
Đến tận mai sau
Trên lộ trình sinh tử
Sáu nẻo xuống lên
Ta cùng em
Như bóng theo hình
Như vang theo tiếng
Như ánh Đạo vàng
Mở đường chân chánh….
Ta cùng em hiện hữu vô cùng!
(Ta Cùng Em Hiện Hữu Vô Cùng)
Tiếng thiết tha mời gọi trong không gian vô cùng đã tạo thành một âm thanh cao vút, thánh thoát, bay ra tận thời gian mênh mông, để rồi, chính sự hiện hữu nhiệm mầu này lại kết duyên trời đất, vang vọng lại chín tầng mây, đi vào mười phương ba cõi, để thẳng tay xô ngã những cuộc lữ oan nghiệt trong đời và nhẹ tay kết thêm hương hoa giải thoát, phụng hiến nhân loại.
Cuộc lữ vốn dĩ đã khắt khe, oan nghiệt, tưởng đâu trong muôn kiếp u hoài, trong trầm luân khắc khoải, trong tiếng gào thét của từng mảnh đời hoang lạc, sẽ không còn lối thoát, không còn gió mát trăng thanh, không còn những tâm hồn siêu thế, nào ngờ, cũng chính tại trần gian diễm kiều tuyệt đẹp này, chính trong lẽ sắc không tan biến đó, Một Cõi Phù Sinh Hiện Về, Mặc Giang đã đưa hai tay dâng đời một Nụ Hồng Cho Em và cho cả người thơ:
…
Hỡi mười phương ba cõi
Hỡi muôn kiếp u hoài
Bao trầm luân khắc khoải
Sao cứ mãi lạc loài…
Tôi sụp lạy cúi đầu
Xin kết một đài sen
Chấp tay dâng khắp cõi
Gởi cho em nụ hồng
Nụ hồng hai cõi sắc không
Sắc không hai cõi nụ hồng cho em
(Nụ Hồng Cho Em)
Trong cõi sắc sắc không không, Mặc Giang đã cho khai mở một Nụ Hồng. Nó là kết tinh của trái tim cảm xúc và trí tuệ siêu việt. Cũng trong cõi sắc không này, lại được nhà thơ vun đắp lên phần đất Việt Nam và phần đất tâm linh của mình để chăm phân tinh cần, tưới nước từ bi và cho hé nở Một Nụ Cười vi tiếu. Ở đây, rõ ràng, người đọc cảm nhận nơi tác giả một sức sống nội tâm dào dạt, một vũ trụ quan siêu thế tuyệt vời, để rồi, ở một đoạn khác trong Thi tập, Mặc Giang nhìn dòng sông tâm thức như chính Tất Đạt đã từng lặng hụp bên sông Ni Liên năm nào:
…
Đôi tay nâng một cành hoa
Ngàn sao lấp lánh ngân hà rụng rơi
Đôi chân một bước trong đời
Tử sinh nín thở, hết lời nỉ non
Sông xưa bến cũ vẫn còn!!!
(Dòng Sông, Tôi Gọi Tên Em)
Khi thấy tất cả như vẫn còn nguyên vẹn, Mặc Giang lại một mình cất bước rong chơi trong cuộc sanh tử. Nhưng, dù rong chơi trong cuộc tử sanh, lúc nào nhà thơ cũng hăng hái, cũng thoát kiếp, cũng phát sáng để phá tan những đêm tối vô minh, để xoá mờ chiếc bóng phù vân đang lập loè, thấp thoáng trong cuộc phong trần:
…
Tôi đi cho hết phong trần
Luân hồi chiếc bóng phù vân ngại gì
Tôi đi, còn đó tôi đi
Trần gian đứng lại, cớ chi ngại ngùng
Tôi đi vô thỉ vô chung
Thỉ chung đứng lại, đợi cùng tôi đi!!!
(Tôi Đi, Còn Đó Tôi Đi)
Đi cho hết nẻo trong quê hương tâm thức, đi để mỉm một nụ cười, để soi sáng cuộc đời trước bình mình chim hót, hay trong lúc tử sinh và vạn hữu vẫn còn nói tiếng chia tay, thì, cuộc lữ đó quả là tiếng đại hồng chung ngân trong đêm dài sâu thẳm, để, cùng lúc ngân vang trên ngọn đồi vô thỉ. Chính tại đây, tất cả nỗi đớn đau của kiếp người, những đắng cay của cuộc thế sẽ dần dà lịm tắt, để Xin Cho Em Một Đoá Nhiệm Mầu và để trên khuôn mặt rạng rỡ, dịu dàng của người thơ, đoá Sắc Không Mỉm Nụ:
….
Biển sông nào khác núi đồi
Tử sinh còn ngắn hơn hồi chuông ngân
Tay cầm hạt chuỗi chưa lần
Long Hoa đã hiện, Linh Sơn chưa tàn
Ngược dòng thời gian
Đứng trên đồi vô thỉ
Vạn hữu mênh mang
Lưu tận đáy vô chung
Sắc, Không mỉm nụ vô cùng !
(Sắc Không Mỉm Nụ Vô Cùng)
Khi nào sắc không mỉm một nụ cười thì khổ đau không còn hiện hữu. Phải chăng, đó chính là kết quả của những năm dài chồng chất bụi mờ huyễn tượng, đó là những đêm ngày lắng nghe tiếng gọi của thời gian, hay, đó là nét chấm phá ngoạn mục mênh mang trên đôi vai rắn chắc của nhà thơ. Để rồi, từ đó, Mặc Giang dứt khoát chấp nhận vui với Cái Đẹp Vô Thường, vui với kiếp sống lang thang và mạnh dạn lê bước nhiều lần để thấy được bến bờ sinh tử:
...
Tôi ra đi trên dòng nước lê thê
Nhìn dòng sông thấy đôi bờ sinh tử…..
Tôi khép chữ vô chung
Leo lên đồi vô thỉ
Thỉ chung chỉ là tiếng gọi của thời gian
Tôi vỗ bàn tay, một tiếng nổ vang
Vỡ tất cả bụi mờ huyễn tượng
Vô là không tướng
Hữu sao chẳng còn
Chấm một điểm son
Em tôi bất diệt
Em tôi còn đó
Tôi lại ra đi
(Chấm Một Điểm Son, Em Tôi Bất Diệt)
Chỉ một điểm son xuất hiện, thì vô thỉ, vô chung sẽ tan biến trong tiếng nổ vang của bàn tay, hay chỉ chấm một điểm son, thì tất cả vạn hữu vũ trụ hoà vào bụi mờ huyễn tượng để siêu thoát bất diệt, bất sanh. Và cũng chính nét huyễn tượng diễm kiều, diệt sanh, sanh diệt này, lại phát sanh, hoá sanh một điểm son bất diệt khác và sẽ còn mãi trong lòng nhân thế, để tạo ra những nét chấm phá đặc kỳ, tiếp tục trở về quê hương địa lý!
II. Quê hương địa lý:
Như bao người ly hương, Mặc Giang cũng đã Âm Thầm nhớ nhà, nhớ nước, nhớ bè bạn gần xa…, và tất cả những ân tình cao quý thiêng liêng đó đã hoà lẫn với vạn nỗi thống khổ của kẻ hoài vọng cố hương, đã dệt thành bức tranh sơn mài lóng lánh sắc màu.
Trong chiều hướng đó, người đọc dễ dàng cảm nhận rõ ràng từng hơi thở của tổ quốc, từng giọng nói nụ cười, từng giọt lệ đau thương của Mẹ Việt Nam Muôn Đời, để trong phút giây thiêng liêng tương ngộ này, người thơ đã cho trái tim trinh thành bật thành tiếng nức nở cõi lòng, tiếng thảng thốt quê hương:
Thời gian đếm mãi nào hay
Nghe không Mẹ gọi đêm rày đầy vơi
Hương hồn Tổ Quốc ai ơi
Hương hồn Tổ Quốc của người Việt Nam!
(Tiếng Lòng Nức Nở Quê Hương)
Chính tiếng thảng thốt nức nở kéo dài vô tận này, đã hun đúc cho nhà thơ thốt lên tiếng gọi Mẹ thống thiết bi thương, đã làm cho thi sĩ phải ngậm ngùi đốt nén tâm hương réo gọi Hương hồn Tổ quốc.
Rồi Từng Cuộc Hành Trình trong đời mình, thoáng nhìn về tương lai, về cuộc đời bắt đầu hé mở, Mặc Giang đủ hùng tâm, hùng lực lao vào cuộc sống, hoà nhập với môi trường mới trong tâm thái thiết tha mời gọi. Điều này, đã giúp cho thi sĩ phóng tầm mắt xuyên suốt từ con người và hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Để chính mình quyết định, bước chân qua những tảng san hô phủ đầy rong xanh của đại dương kinh hoàng, bước chân qua những khổ đau cùng cực của kiếp tha phương, để dấn thân tìm về thế giới tự do tinh khiết của ánh mặt trời chân lý:
…
Người đi thôi thế là xong
Người về thôi thế buồn không đêm dài
Đưa tay tìm bắt nhạt phai
Một tan hợp nữa cũng dài tháng năm !!!
(Một Chuyến Giã Từ)
Lẽ tan hợp của năm tháng ngắn dài là thường nhiên và minh nhiên của tạo vật. Nhưng, trải qua những phút giây tan hợp, chiêm nghiệm những mảnh phù du đáng nhớ này, nhà thơ để cho nhịp đập con tim hoà quyện vào đời sống, nở ra muôn vàn đoá hoa kỳ bí nhiệm mầu, tô thêm bức chân dung trác tuyệt mang nhiều nhiễm thể của cuộc đời.
Từ đó, chính cuộc sắc không tan hợp này, đã nuôi lớn nhà thơ, cũng như chính Mặc Giang đã được ươm mình, tắm mát trong đất nước Việt Nam, trong ‘tang điền thương hải’. Để rồi, hồn thơ của thi sĩ không những chứa chan những nỗi u hoài của nhung nhớ quê nhà, mà còn có sức mạnh tinh thần vững chãi, dung chứa cả một Non Nước Việt Nam. Chính sức mạnh tinh thần này đã giúp Mặc Giang vẽ lại bản dư đồ hình cong chữ “S” một cách tuyệt vời bằng chất nhựa của đau khổ, bằng trái tim trinh thành rung động, êm ả thiết tha nhung nhớ quê hương và để là nơi trú ẩn cho những ai tìm về nguồn cội:
Tôi xin mở bản dư đồ hình cong chữ “S”
Ngắm từng Tỉnh, từng Vùng
Của nước Việt dấu yêu
Của giang sơn cẩm tú mỹ miều
Cho dòng giống Lạc Hồng gìn giữ nâng niu….
Việt Nam sông núi Ba Miền
Bắc Nam Trung, quyện an nhiên muôn đời
Hình Cong Chữ “S” nơi nơi
Non non nước nước của Người Việt Nam.
(Non Nước Việt Nam)
Non Nước Việt Nam đã trở thành bài ca ngọt dịu, đằm thắm trải dài trong trái tim hạnh phúc của người dân Việt. Hai tiếng Việt Nam còn được cấu thành bởi nhiều bàn tay, con tim khối óc của lịch sử hào hùng và được viết thành Điệp Khúc Quê Hương:
Tôi hát khúc nhạc Trường Sơn
Cao vút núi non hùng vĩ
Tôi ca âm điệu Thái Bình
Rào rạt biển cả mênh mông
Nối liền tình biển nghĩa sông
Tình non nghĩa nước một dòng hùng ca
Bắc Nam Trung thật đậm đà
Ba miền đất nước một nhà Việt Nam…
Tôi hát tiếng kiêu sa, dựng cờ lịch sử
Tôi hát tiếng oai hùng, bảo vệ non sông
Năm ngàn năm, mãi khơi dòng
Kết tinh thành mảnh hình cong dư đồ
Giang sơn gấm vóc điểm tô
Non sông cẩm tú nên thơ diệu kỳ…
(Điệp Khúc Quê Hương)
Không phải chỉ có điệp khúc quê hương diệu kỳ mới kết tinh thành mảnh dư đồ hình cong chữ S. Không phải chỉ có sông núi nhấp nhô mới gọi hai tiếng quê hương. Không phải chỉ có con đò đong đưa sóng nước của miền thuỳ dương cát trắng, mà độc giả còn thấy cả một sự dàn trải sông biển nối liền, núi non hùng vĩ, từ khúc nhạc Trường Sơn đến âm điệu Thái Bình. Từ lịch sử hào hùng, dựng cờ mở nước, đến tiếng nói oai hùng bảo vệ non sông. Chất thơ vừa thơm dịu của lúa chín đầy đồng miền Nam, vừa ngọt bùi lịm ngất của đường lau xứ Quảng, hay cả sự thiết tha, hiền thục của phụ nữ Việt Nam, đã nhịp nhàng tạo thành những áng thơ trĩu nặng tình người, đang rụng rơi từ trái tim hạnh phúc của Mặc Giang.
Hơn thế nữa, Điệp Khúc Quê Hương còn là bản hoà âm tuyệt tác, tạo thành ca khúc oai hùng từ năm ngàn năm về trước và nhiều ngàn năm sau nữa. Nơi đây, nhà thơ đã biết cách trộn lẫn những nỗi niềm ray rứt của mình, của tha nhân thành nỗi niềm của dân tộc, từ đó, đã dễ dàng thấu thị tận căn lịch sử non sông và đã trân quý nét đẹp tuyệt vời của sơn hà cẩm tú Việt Nam.
Những nơi khác trong Thi Tập, xuất phát từ tấm lòng thiết tha, yêu quê cha đất tổ, bắt nguồn từ nỗi khổ của thân phận người Việt trong, ngoài, tác giả còn cho người đọc thấy được những đoạn phim sống thực, kết hợp với ngàn nỗi đoạn trường của một góc đời, một góc xã hội Việt Nam, để, trong những phút giây chạnh lòng thương nhớ quê nhà, Mặc Giang dựng lại bức tranh hiện thực qua nhiều hình ảnh đau thương của hậu quả chiến tranh, của một vết đen trong lịch sử Việt Nam. Để rồi, người thơ làm một cuộc chuyển mình, thật sự hoá thân thành Một Người Khùng, Một Người Câm, Một Người Công Nhân Viên, Một Người Đạp Xích Lô, Một Người Chinh Nhân, Một Người Lái Xe Đò, Một Người Khuyết Tật, hay thậm chí nhập vai vào kiếp sống, Thân Phận Người Mù, hoặc Em Bé Mồ Côi giữa chợ đời náo nhiệt.
Chính những vần thơ vừa bi thương, vừa xót xa, vừa thực tế này, lại là một minh chứng rõ ràng về đất nước Việt Nam, cũng như về phong cách thi ca của nhà thơ. Bởi lẽ, tác giả đã tài tình, khéo léo kết hợp những chủ đề sống thực, những hình ảnh sống động từ con người, từ cuộc sống, để phác hoạ một bức thuỷ mạc hoàn toàn đủ đầy màu sắc nhân sinh, vũ trụ, nội giới ngoại giới của một Việt Nam hiện nay.
Rồi những ray rứt lương tâm như đã nằm sẳn trong lòng Thi sĩ, nên chỉ trong một đêm dài sâu thẳm nhung nhớ quê hương, hay những buổi sáng tinh sương với chén trà độc ẩm, trong khoảnh khắc của thời gian, thoáng nhìn những hạt bụi mịt mờ bên bờ lau, Mặc Giang cũng thừa khả năng thi hoá thành một bài thơ tự do tuyệt tác:
…
Gió lộng Trường Sơn, núi rừng hùng vĩ!
Sóng bạc Thái Bình, biển cả mênh mênh!
Tiếng khóc quê hương tê tỉ ruộng đồng
Tóc mẹ trắng, xoã chiều dài lịch sử
Bàn tay mẹ, đưa con về tình tự
Mái lều tranh, ấp ủ những ngọt bùi
Con là gì, cũng là đứa con thôi!
Con của đất nước ngàn xưa để lại…..
Anh và tôi, đã biết nhau
Quãng đường dài, quá đủ!
Lăn lộn chi, cho tóc mẹ thêm màu
Anh hãy quay đầu, bóng tối chìm sâu
Tôi cuốn bờ lau, bụi mờ bỏ lại….
(Cuốn Một Bờ Lau, Bụi Mờ Bỏ Lại)
Tâm sự với Mẹ, với cuộc đời, như tâm sự với chính mình, Mặc Giang đã tự nhận mình là đứa con của đất nước ngàn xưa và Chỉ Là Một Người Việt Nam hôm nay. Đã quá đủ với chuỗi thời gian dài, bao nhiêu đoạ đày, trộn lẫn với nghìn muôn thống khổ, với vạn nỗi đau khi nhìn về quê hương. Những nỗi sầu vương vây kín, người thơ tiếp tục nhẫn chịu, tiếp tục lê bước và tự hứa sẽ trở về thăm dù chỉ một lần:
Mai mốt tôi về thăm quê cũ
Thăm lại nỗi niềm bóng dáng xưa
Thời gian đếm mãi làm chi nhẽ
Khung trời le lói bóng sao thưa…
Hẹn hò chuyến nữa sẽ về thăm
Cùng bao nhiêu chuyến rải lên thêm
Hương quê gởi gấm tình quê cũ
Trăng lặn dòng sông đêm mấy canh
(Mai Mốt Tôi Về Thăm Quê Cũ)
Trong cái hữu hạn của đời sống, trong cái buồn vô hạn của nhớ nhung, Mặc Giang đã nhiều lần đứng tần ngần, nhìn trời đất hiu quạnh, nhìn sóng biển rì rào, để cho những giọt khô vo tròn nơi khoé mắt, rồi tự mình gởi gấm tình quê trong nỗi lòng thương nhớ khôn nguôi. Chất thơ và tâm hồn Mặc Giang cùng lúc đang run rẩy, rạn nứt, tạo ra những âm ba rung động cao độ, vừa xót xa đau đớn khôn tả, nhưng lại thành tâm chấp đôi bàn tay cầu nguyện:
…
Xin đứng lại bên bờ
Dòng sông xưa lặng lẽ
Dù ngàn năm vẫn thế
Hai tiếng gọi Việt Nam
(Xin Chắp Đôi Bàn Tay)
Dẫu sao đi nữa, hai tiếng gọi Việt Nam vẫn luân lưu chảy trong dòng máu của người con Việt. Việt Nam Quê Hương Tôi, Việt Nam là cõi đi về, là nơi chốn để yên tâm nương náu. Cho dù những mảnh đời có tan nát đến đâu chăng nữa, cho dù những tâm sự của người thơ có kéo dài vượt thoát khỏi không gian chăng nữa, cho dù người thơ có thất vọng, chán chường, không chỗ suy lường toan tính đi nữa, cho dù tâm hồn thi sĩ có đơn côi, cô độc kéo dài bất tận chăng nữa, nhưng, cuối cùng, nỗi đồng cảm của kiếp nhân sinh và tâm hồn đồng hương cao thượng của Mặc Giang cứ hiện về trong giấc mộng, cứ hiện hữu trong suy tư. Đó là một hồi quang tuyệt diệu của truyền thống Hùng Vương, đây là điều bí ẩn của tấm lòng tha thiết nhung nhớ đất Mẹ Âu Cơ muôn đời. Tưởng rằng đã chết, nhưng Quê Hương Còn Đó Đợi Chờ, tưởng rằng hoại diệt, nhưng từ nay đất Mẹ vươn mình sống lại:
…
Mẹ đã chết, nhưng từ nay Mẹ sống
Ba mươi năm, chợt như tỉnh mộng
Bảy mươi năm, một cõi đi về
Anh chị em, tắm gội tình quê
Sông bến cũ, gừng cay muối mặn
Ba mươi năm, Tình Dài Hoá Ngắn
Bảy mươi năm, Một Cõi Đi Về !
(Tình Dài Hoá Ngắn, Một Cõi Đi Về)
Đời sống cứ nghiệt ngã trôi qua, hết ngày rồi lại đêm, hết đêm rồi đến ngày, cứ thế mà tiếp tục trôi lăn mãi. Ba mươi năm hay bảy mươi năm, thậm chí cả trăm ngàn năm, tất cả đều phủ lên đầu người thơ một không gian trắng xoá.
Từng sợi thương, sợi nhớ như bị nung nấu liên hồi. Chính sự nung nấu này, một lần nữa lại là điểm chiếu soi để Mặc Giang, từ một con người tràn đầy nhựa sống, nhiều mộng ước năm xưa, hôm nay đã trở thành người của quá khứ, bị bào mòn bỡi nắng cháy, mưa dầu. Trong cuộc hành hương bất định, tưởng rằng Từ Đó Xa Mờ với đời sống ly hương vô thời, tưởng như Từ Ly Ngày Tàn với cuộc sống bị hối thúc bỡi thời gian, nhưng, người thơ vẫn một lòng thênh thang cất bước Nối Một Nhịp Cầu và vẫn cứ dạo gót trên quê cha đất tổ của mình:
…
Ta đi trên nước non mình
Ta về lưu lại bóng hình quê hương
Ta đi một nhớ hai thương
Ta về ta nhớ vấn vương muôn đời
Tình quê, xin gởi nụ cười
Hồn quê, xin gởi con người Việt Nam
(Ta Đi Trên Nước Non Mình)
Hồn quê còn đó trong lòng thi sĩ, tình quê nồng cháy trong tâm Mặc Giang. Chính hai điều này, là chất keo kết tinh những giọt nước thương yêu và những dòng cảm xúc, để phần nào vun xén xuống mảnh đất thân yêu Việt Nam- nơi nhà thơ từng sinh sống, nơi trộn những kinh nghiệm khổ đau hạnh phúc và nơi tâm hồn thi sĩ đã từng thở những hơi thở tươi mát của hồn thiêng sông núi. Chính những chất liệu nhiệm mầu này, đã biến thành máu đỏ trong tim, để nuôi lớn nhà thơ và đã làm cho chất thơ của Mặc Giang có nét riêng tuyệt vời như non sông nối liền một dãy:
Tôi vẽ một người Việt Nam, máu đỏ da vàng
Tôi vẽ một nước Việt Nam, gấm vóc ba miền
Tôi vẽ một nước Việt Nam, sông núi hồn thiêng
Trao từng thế hệ ngàn sau gìn giữ
…
Còn sức sống, còn nhịp tim đang thở
Còn da vàng, còn máu đỏ trong tim
Là còn Việt Nam một dãy nối liền
Là còn Việt Nam, sông núi hồn thiêng
(Ta Còn Việt Nam, Sông Núi Hồn Thiêng)
Tóm lại, nếu đọc hết toàn bộ Thi Phẩm, đọc trong tâm thái tĩnh lặng hoàn toàn, người đọc sẽ bắt gặp Thi nhân ít nhiều đã ảnh hưởng và kế thừa những di sản tinh thần của nền thi ca nước Việt. Nhưng, với thiên tư vốn có, với hồn thơ dạt dào, với kinh nghiệm sống viên dung, Mặc Giang đã có những tiếng nói, những ngôn từ riêng, những thao thức cá biệt và những kinh nghiệm tư hữu của đời mình. Chính những kinh nghiệm này, không những sẽ bị rụng rơi, sẽ bị bào mòn theo luật đào thải của thời gian, mà còn được Thi sĩ sản sinh trở lại nhiều áng thơ bất hủ, cũng ngay tại trần gian vừa đau thương vừa dễ thương này, góp phần định vị, thi vị và bừng hoá những gía trị của kiếp người.
Mặt khác, Quê Hương Còn Đó không chỉ là một Thi Tập dung chứa cõi sầu vương chất ngất, hòa lẫn với những âm thanh hối thúc ngàn trùng, vừa bám víu, quyện chặt, vừa lan toả mù khơi, mà còn cho những áng thơ trác tuyệt, phóng đẩy người đọc vào không gian mênh mông bát ngát, để đánh thức lương tâm, lương tri loài người. Bởi vì, trong kiếp nhân sanh đa mang, đa đoan này, lắm lúc con người vì cuộc sống đã dễ đánh mất hay quên ý thức về sự hiện hữu của đất tổ quê cha, của hồn thiêng sông núi, nhưng không vì thế mà ánh sáng chân lý của quê hương tâm thức hay lời thiết tha mời gọi của quê hương địa lý không chiếu sáng, không lung linh, không réo gọi lòng mình. Chính điểm này sẽ giúp cho Quê Hương Còn Đó hiện hữu mãi, lung linh phát sáng mãi trong đêm dài vô tận của kiếp người hữu hạn.
Hơn nữa, khi đọc Quê Hương Còn Đó, người đọc còn nhận thấy những nền âm thanh của quê hương địa lý có lúc bi thương hùng tráng ì ầm trong ký ức, có khi lắng sâu dưới tầng vô thanh của quê hương tâm thức, để, vừa tạo thêm nét bi hài, vừa phát ra nét mỹ miều cho những áng thơ trở thành trác tuyệt. Chính tính chất tương phản này, đã làm cho thơ của Mặc Giang trở thành đặc biệt. Bởi lẽ, ngôn ngữ và nội dung của Thi Phẩm có công năng xoáy sâu vào vùng cảm xúc người đọc, sau đó, tạo thành lượn sóng phủ lấp, tuôn sâu vào những ngõ ngách của tâm hồn con người.
Ngoài ra, đọc Quê Hương Còn Đó, ta lại nhận ra trong hơi thở mênh mang ngút ngàn sâu thẳm của thời gian, chất thơ của Mặc Giang không những lại mang dáng dấp không gian buồn hiu hắt, vừa co se vừa dàn trãi ra được trong những đêm mưa sụt sùi. Nhưng, lời thơ, ý thơ, sức sống của thơ lại hoàn toàn mới mẻ tinh anh, vừa mang nét phóng khoáng của thời đại, vừa mang dáng dấp cổ phong ngun ngút, êm ái ngọt ngào. Vì thế, chắc chắn trong Thi Tập này, sẽ trổ ra cho cây đời một giống hoa thiêng hương diễm tuyệt.
Giống hoa thiêng hương này rồi cũng sẽ bị dòng thời gian bào mòn như những tảng đá thanh u cứng chắc kia, nhưng, trong sự bào mòn cần thiết này, thời gian sẽ tự động trao cho Quê Hương Còn Đó trách vụ lên đường khi Thi Phẩm chào đời. Để từ đây, với tính chất thơ ca bay bổng, chứa chan dòng máu miệt mài khát khao vươn tới, khát vọng quay về, Mặc Giang sẽ tự tạo ra một chất phát sáng âm thầm hay ngây ngất luân lưu bất tận chảy vào lòng người đọc. Vì vậy, Quê Hương Còn Đó sẽ trở thành một trong những Thi Phẩm độc đáo, riêng biệt của Mặc Giang. Bởi lẽ, nhà thơ đã biết kế thừa, kết hợp, chọn lọc một cách nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt Nam, để bày tỏ quan điểm, thái độ và những cảm xúc của mình. Những giao cách đặc biệt này, đã làm cho ngôn ngữ thơ của Mặc Giang trở nên kỳ lạ và kỳ diệu. Đây chính là thứ ngôn ngữ được nghiền ngẫm sâu sắc, được nung cất kỹ lưỡng, được tái tạo và hoá sanh một cách tuyệt vời.
Cuối
cùng và hơn hết, Quê Hương Còn Đó còn là một dấu chỉ đặc biệt, làm cho bạn đọc
gần xa thấy được bức chân dung của Mặc Giang. Đồng thời, qua Thi tập, Thi sĩ đã
cho người đọc cảm nhận được thế giới quan sống động của mình, và chính thế giới
mang dáng dấp vừa trần gian vừa siêu tục này, sẽ hiện hữu trong lòng người đọc
như một sinh thể bất phân ly!!!