- 01. Phẩm Tựa
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Thí Dụ
- 04. Phẩm Tín Giải
- 05. Phẩm Dược Thảo Dụ
- 06. Phẩm Thọ Ký
- 07. Phẩm Hóa Thành Dụ
- 08. Phẩm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký
- 09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- 10. Phẩm Pháp Sư
- 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp
- 12. Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða
- 13. Phẩm Trì
- 14. Phẩm An Lạc Hạnh
- 15. Phẩm Tùng Ðịa Dũng Xuất
- 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phẩm Phân Biệt Công Ðức
- 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Ðức
- 19. Phẩm Pháp Sư Công Ðức
- 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Phẩm Như Lai Thần Lực
- 22. Phẩm Chúc Lụy
- 23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Phẩm Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Phẩm Ðà La Ni
- 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Phẩm Phân Biệt Công Đức Thứ Mười Bảy
Vì đã tin hiểu được “tự tánh nhiệm mầu” không sinh, không diệt. Nhận chân được “pháp thân Phật” nơi huyễn thân không đồng, không khác.
Tuy nhiên sự trực nhận như thế cũng tùy theo căn cớ của chúng sinh mà có cạn câu, nên sự lợi ích vi diệu cũng theo từng bậc giác ngộ mà so sánh. Do vậy mà Phẩm “Phân Biệt Công Đức” được thiết lập.
“Khi đó Đức Thế Tôn bảo Ngài Di Lặc Đại Bồ Tát : A Dật Đa! Lúc ta nói Đức Như Lai thọ mạng dài lâu như thế. Có sáu trăm tám muôn na do tha hằng hà sa chúng sinh đặng “vô sinh pháp nhẫn”.
Nghĩa là khi Đức Thế Tôn thuyết như thế có vô số chúng sinh đã trực nhận và an trụ nơi “thể tánh nhất như” không còn nhiễm trước bởi “các cảnh duyên nên gọi là đặng “vô sinh pháp nhân”.
Bởi vì không nhiễm trước nên niệm khởi không bị mê mờ phân biệt gọi là ‘vô sinh”. An trụ trong thể “vô sinh” ấy nên đặng “vô sinh pháp nhẫn”.
Và từ đó “mặt trời trí tuệ” đã bừng mở đặng pháp “tổng trì” giữ lấy trọn vẹn như thiện pháp. Như kinh đã viện dẫn:
“Lại có Đại Bồ Tát nghìn lần gấp bội đặng môn “văn trì Đà la ni” với “tự thể sáng soi” năng quay bánh xe pháp, biện tài vô ngại, mà kinh đã viện dẫn: Lại có một thế giới vi trần số Đại Bồ Tát đặng nhạo thuyết vô ngại biện tài”.
Ở nơi thể đại binh (toàn Đà la ni) rõ thông các pháp, tinh tấn, thanh tịnh hoàn toàn, nên kinh viện dẫn: “Nghìn muôn ức vô lượng môn toàn Đà la ni, lại có tam thiên đại thiên thế giới vi trần số Đại Bồ Tát chuyển pháp luân bất thối (tinh tấn). Vi trần số Đại Bồ Tát chuyển được pháp luân thanh tịnh”.
Sự tin hiểu được lời dạy của Đức Thế Tôn về “Như Lai thọ lượng” đã làm cho chúng hội phát khởi tâm hạnh Phật thừa. Nơi đạo tràng nhân hạnh đó đã biến thành những hoa hương tràng phan, bảo cái... vi diệu quý báu để tung lên cúng dường “Đức Thích Ca Mâu Ni cùng Đa Bảo Phật đang ngồi trên tòa sư tử trong tháp bảy báu giữa hư không”.
Khi ấy Ngài Di Lặc dùng kệ tuyên lại rằng:
Phật nói pháp ít có,
Từ xưa chưa từng nghe,
Thế Tôn có đại lực,
Thọ mạng chẳng thể lường,
Vô số các Phật tử,
Nghe Thế Tôn phân biệt,
Nói đặng pháp lợi ích,
Vui mừng trụ bất thối,
Hoặc đặng Đà la ni,
Hoặc vô ngại nhạo thuyết,
Muôn ức triệu tổng trì,
Hoặc có cõi đại thiên,
Số vi trần Bồ Tát,
Mỗi vị đều nói được,
Pháp luân bất thối chuyển,
Lại có trong thế giới,
Số vi trần Bồ Tát,
Mỗi vị đều có thể,
Chuyển pháp luân thanh tịnh”.
Cho đến những chúng sinh nào chỉ cần một niệm tín giải về “Như Lai thọ lượng” thì công đức của chúng sinh kia hơn kẻ nhiều kiếp lâu xa tu hành năm pháp Ba la mật như: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định. Ngoại trừ “trí tuệ” Ba la mật. Vì đã tu về Bát Nhã Ba la mật thì năm công đức kia tự nó cũng đến chỗ viên mãn vậy.
Nên đoạn kinh đã viện dẫn: “A Dật Đa ! Có chúng sinh nào nghe Đức Phật thọ mạng lâu dài như thế nhẫn đến có thể sinh một niệm tín giải, đặng công đức không thể hạn lượng được”.
Bởi vì “Như Lai thọ lượng” chính là “tự tánh nhiệm mầu”. Nếu tin có “tự tánh nhiệm mầu” nơi tự thể của chúng sinh thì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn xa nữa.
“Lại nữa! A Dật Đa! Nếu có người nghe nói Đức Phật thọ mạng dài lâu, hiểu ý thú lời nói đó, người này đặng công đức không có hạn lượng, huống là người rộng nói kinh này. Công đức của người này vô lượng vô biên, có thể sinh nhất thiết chủng trí”.
Như vậy chúng sinh nào hiểu được thâm ý của Đức Thế Tôn khi thuyết về “Như Lai thọ lượng” là chúng sinh ấy đã trực nhận “bản tâm”, Phật trí khai mở. Công đức ấy thật không thể nào kể xiết (kiến tánh là công, bình đẳng là đức, lời của Lục Tổ Huệ Năng).
Vì sao? Vì bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, các pháp hữu vi sinh diệt không ảnh hưởng gì đến sự tùy thuận ứng hiện của “bản tâm”. Các pháp hữuvi cũng không phải là pháp đối đãi của bản tâm. Sự thể nhập dung thông không ngằn mé, như thế chúng sinh ấy đã nhận rõ cõi Ta bà là Tịnh độ. Phiền não chướng, sở tri chướng trở thành các pháp diệu dụng đối với Như Lai tạng tâm.
“A Dật Đa! Nếu thiện nam, thiện nữ nhân nghe ta nói thọ mạng dài lâu sinh lòng tin hiểu bền chắc thời chính là thấy Đức Như Lai thường ở núi Kỳ Xà Quật cùng chúng Đại Bồ Tát và Thanh văn vây quanh nói Pháp. Lại thấy cõi Ta bà đất bằng lưu ly ngang liền bằng phẳng... cây báu bày hàng, các lâu đài nhà cửa thảy đều do các thứ báu hiệp thành, chúng Bồ Tát đều ở trong đó”.
Nghe và tin hiểu bền chắc về “Như Lai thọ lượng” là chúng sinh ấy đã nhận chân được mọi chúng sinh đều có “tự tánh nhiệm mầu”. Như thế mọi hành vi và ngôn ngữ không còn nằm trong phạm trù tương phân đối đãi.
Chúng sinh ấy sẽ nhận rõ cõi Ta bà cực kỳ thanh tịnh. Sự thanh tịnh này không phải dựa vào uế tịnh để so sánh, mà do trực nhận từ “bản thể nhất như” của mỗi chúng sinh mà có được.
Tin hiểu về “Như Lai thọ lượng” là “minh tâm kiến tánh”. Nhận ra “lý vô sinh” chứng nhập “thể vô sinh” mà đạt thành đạo cả.
Do vậy mà đoạn kinh đã nêu:
“Sau khi Như Lai diệt độ, nếu chúng sinh nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, diễn nói kinh này”. Nghĩa là có muôn hạnh, muôn đức viên dung tùy cơ nghi thuyết pháp thì “phải biết chúng sinh đó đã đến đạo tràng, gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngồi dưới cây đại thọ”.
”Chỗ của thiện nam, thiện nữ nhân ấy hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi trong đó bèn nên xây tháp, tất cả trời người đều phải cúng dường như tháp của Phật”.
Do vì năng trì kinh này mà chúng sinh ấy mọi hành vi tạo tác đều tương ưng với “lý tánh”. Bởi tin hiểu và sống tương ưng với “tự tánh nhiệm mầu” không sinh, không diệt, tùy thuận muôn pháp hoằng hóa độ sinh mà chẳng nhiễm trước pháp nào. Do vậy:
Nếu thấy Pháp sư này,
Trọn nên đức như thế,
Phải dùng hoa trời rải,
Áo trời trùm thân kia,
Đầu mặt tiếp chân lạy,
Sinh lòng tưởng như Phật,...
Chỗ trụ chỉ của kia,
Kinh hành hoặc ngồi nằm,
Nhẫn đến nói một kệ,
Trong đây nên xây tháp,
Trang nghiêm cho tốt đẹp,
Các món đem cúng dường,
Phật tử ở chỗ này,
Thời là Phật thọ dụng,
Thường ở nơi trong đó,
Kinh hành và ngồi nằm”.