- 01. Phẩm Tựa
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Thí Dụ
- 04. Phẩm Tín Giải
- 05. Phẩm Dược Thảo Dụ
- 06. Phẩm Thọ Ký
- 07. Phẩm Hóa Thành Dụ
- 08. Phẩm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký
- 09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- 10. Phẩm Pháp Sư
- 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp
- 12. Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða
- 13. Phẩm Trì
- 14. Phẩm An Lạc Hạnh
- 15. Phẩm Tùng Ðịa Dũng Xuất
- 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phẩm Phân Biệt Công Ðức
- 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Ðức
- 19. Phẩm Pháp Sư Công Ðức
- 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Phẩm Như Lai Thần Lực
- 22. Phẩm Chúc Lụy
- 23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Phẩm Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Phẩm Ðà La Ni
- 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký Thứ Tám
Phẩm Hóa Thành Dụ được thuyết để đối trị những kẻ tăng thượng mạn hoặc do thiền định hoặc do tu pháp Tứ Đế chứng đặng quả vị Thanh văn cho là rốt ráo.
Nay để đối trị những kẻ tăng thượng mạn không được cho là được, không chứng cho là chứng, tâm thức vọng tưởng đảo điên mà kiêu mạn nên mới thuyết phẩm “Ngũ bá đệ tử lãnh ký” này.
Hơn nữa Ngài Mãn Từ Tử hay có danh xưng là Phú Lâu Na, là vị Bồ Tát hóa hiện Thanh văn. Đó là vì chúng thượng căn bậc hạ mà uốn chiều thị hiện. Để từ đó nói lên sở nguyện của chúng hội dù chưa đạt thành tri kiến Như Lai. Nhưng sau khi nghe Đức Thế Tôn dùng phương tiện, thí dụ khai mở lý đạo Nhất thừa, Ngài Mãn Từ Tử đại diện cho chúng hội thượng căn bậc hạ đã hưng phấn tự nhận ra lý đạo nhiệm mầu nên phẩm này được thuyết.
Lúc bấy giờ Ngài Mãn Từ Tử từ nơi Đức Phật nghe trí tuệ phương tiện tùy cơ nghi nói pháp như thế, lại nghe trao ký cho các vị đệ tử lớn sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại nghe việc nhân duyên đời trước, lại nghe các Đức Phật có sức tự tại thần thông, đặng điều chưa từng có, lòng thanh tịnh hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đầu mặt lễ chân Phật rồi đứng qua một bên, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không tạm rời mà nghĩ thế này: “Thế Tôn rất kỳ lạ, việc làm ít có, thuận theo bao nhiêu chủng tánh ở trong đời, dùng sức phương tiện tri kiến mà vì đó nói pháp, cứu vớt chúng sinh ra khỏi chỗ tham trước, chúng con đối với công đức của Phật không thể dùng lời nói mà tuyên dương được, chỉ có Đức Thế Tôn hay biết bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con”.
Điều đó đã nói lên rằng: “thể tánh viên minh” không đâu xa lạ. Chỉ rời bỏ tham trước mà đạt thành “diệu lý cao siêu”. Ngài Mãn Từ Tử thể nhập được “chân tánh nhiệm mầu” ấy mới thấy rõ rằng Đức Thế Tôn rất kỳ lạ, việc làm ít có, thuận theo bao nhiêu chủng tánh ở trong đời, mà dìu dắt uốn nắn để đưa chúng sinh từ mê đến giác, nhận chân được “bản lai diện mục” của mình.
Đến đây Đức Thế Tôn lại khen Ngài Mãn Từ Tử là kẻ thuyết pháp đệ nhất, biện tài vô ngại, viên chứng nhị không, đầy đủ hạnh thanh tịnh, ẩn tích nơi Thanh văn, giáo hóa kẻ khác, an lậpđạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tự lợi và lợi tha đầy đủ.
Do vậy, quá vô lượng vô số kiếp về sau ngươi sẽ ở cõi này thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là “Pháp Minh Như Lai”.
Ở quốc độ của Ngài, chúng sinh thường dùng hai thức ăn: pháp hỷ thực và thiền duyệt thực. Với hai món vô lậu thực ấy mới phá hủy được bốn món hữu lậu thực: đoạn thực, xúc thực, tư thực, thức thực, luôn luôn làm tăng trưởng cho vọng niệm dấy khởi.
Khen ngợi và thọ ký cho Mãn Từ Tử đã hàm chứa sự diệu dụng phi thường của Đức Thế Tôn là chỉ cho chúng sinh thấy rõ “chân trí viên minh” nơi tự thể vốn có đầy đủ công năng và oai đức tự tại.
Năm trăm vị A la hán đồng với Ngài Mãn Từ Tử thấy Ngài được thọ ký, ai cũng vui mừng, mong Đức Thế Tôn thọ ký cho mình. Kế đó Đức Thế Tôn đã thọ ký cho các Ngài.
“Bấy giờ 500 vị A La Hán ở trước Phật được trao ký xong, vui mừng nhảy nhót, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đầu mặt lạy chân Phật ăn năn lỗi mình mà tự trách: “Thế Tôn! Chúng con thường nghĩ như vậy, tự cho mình đã rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là người vô trí. Vì sao? Vì chúng con đáng được trí tuệ Như Lai mà bèn lấy trí nhỏ cho là đủ”.
Sự hưng phấn phát khởi từ nhân hạnh Phật thừa đã thể hiện rõ rệt về sự giác ngộ thấu triệt giáo nghĩa Đại thừa.
Thể tánh viên minh vốn tự bao giờ thường tịch thường chiếu vi diệu khôn lường. Bây giờ mới nhận ra, mới phá trừ tiểu pháp mà từ lâu tự cho đó là rốt ráo.
Điều đó chẳng khác gì kẻ si mê mờ tối không nhận chân được tự tánh, vốn hiện tại, hiện tiền, không sinh, không diệt, đầy đủ diệu dụng công đức bất tư nghì. Nhưng vì vô minh trói buộc nên dù gặp Phật pháp vẫn không hề hay biết, mà đoạn kinh đã viện dẫn lời của các vị A la hán trình bày với Đức Thế Tôn: “Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm. Lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi mới lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say cho đó rồi đi. Gã đó say nằm không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác, vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu tìm rất đỗi khó nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ. Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng: Ôi chao! Anh này, sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui đem châu báo vô giá cột vào áo anh, nay vẫn còn đó, mà anh không biết. Nay anh đem ngọc báu đó đổi lấy đồ cần dùng, thì thường được vừa ý, không bị thiếu thốn”.
Bản tâm vẫn đó, diệu dụng tùy duyên. Thể tính chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh, là ngọc báu vô giá ở nơi mình. Thế mà lang thang tìm cầu ăn mặc gắng sức rất đỗi nhọc nhằn, được chút ít bèn cho là đủ.
Như thế các Ngài đã nói lên rằng sự thọ dụng tiểu pháp bấy lâu nay cho là đủ đó, giờ đây nhờ Đức Thế Tôn khai ngộ mới nhận được “viên ngọc vô giá” vẫn hiện bên mình.
Đoạn kinh đã viện dẫn: “Đức Phật cũng lại như vậy, lúc làm Bồ Tát giáo hóa chúng con khiến phát lòng cầu nhất thiết trí mà chúng con không hay không biết. Đã được đạo A la hán tự nói là diệt độ, khổ nhọc nuôi sống được chút ít cho là đủ. Nay mới biết mình thật là Bồ Tát được lãnh ký sẽ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì nhân duyên đó lòng rất vui mừng đặng điều chưa từng có”.
Một khi đã sống đúng với chân lý giải thoát, liễu được bản tâm, thực hành lục độ. Trong thì sáng suốt an nhiên, ngoài thì tùy thuận hóa hiện, đó là Bồ Tát. Thế mà không hay không biết, tự an trụ nơi Thanh văn cho là đủ, nay mới liễu triệt được đạo mầu. Do vậy phẩm “Ngũ bá đệ tử lãnh ký” đã thể hiện rõ nét con đường tiến đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không đâu xa, mà chính tự thân phải nhận chân được “bản tánh viên giác” của mình.