- 1. Madras, 16 tháng mười hai 1972
- 2. Brockwood Park, 11 tháng mười một 1971
- 3. Cùng học sinh tại trường Rajghat, 19 tháng mười hai 1952
- 4. Bombay, 12 tháng hai 1950
- 5. Ojai, 28 tháng tám 1949
- 6. Bombay, 12 tháng ba 1950
- 7. New York, 18 tháng sáu 1950
- 8. Seattle, 6 tháng tám 1950
- 9. Madras, 3 tháng hai 1952
- 10. Sự cô độc: Từ quyển Bình phẩm về sống Tập 1
- 11. Bàn luận cùng Giáo sư Maurice Wilkins, Brockwood Park, 12 tháng hai 1982
- 12. Từ quyển Sự thức dậy của Thông minh
- 13. Brockwood Park, 30 tháng tám 1977
- 14. Saanen, 18 tháng bảy 1978
- 15. Bombay, 31 tháng giêng 1982
- 16. Cùng những người trẻ ở Ấn độ: Từ quyển Cuộc sống trước mặt
- 17. Saanen, 18 tháng bảy 1968: Từ Nói chuyện và Đối thoại ở Saanen 1968
- 18. Saanen, 5 tháng tám 1962
- 19. Bombay, 21 tháng hai 1965
- 20. London, 7 tháng tư 1953
- 21. Saanen, 26 tháng bảy 1973
- 22. Saanen, 23 tháng bảy 1974
- 23. Madras, 5 tháng hai 1950
BÀN VỀ TÌNH YÊU VÀ SỰ CÔ ĐỘC
[ON LOVE AND LONELINESS]
Lời dịch: Ông Không 2009
Người hỏi: Tôi cảm thấy rất cô độc, và ao ước có sự liên hệ thân mật với người nào đó. Bởi vì tôi không thể tìm được người bạn, tôi phải làm gì?
Krishnamurti: Chắc chắn, một trong những khó khăn của chúng ta là chúng ta muốn được hạnh phúc qua cái gì đó, qua một con người, qua một biểu tượng, qua một ý tưởng, qua đạo đức, qua hành động, qua bè bạn. Chúng ta nghĩ hạnh phúc, hay sự thật, bay bất kỳ điều gì bạn thích gọi nó, có thể tìm được qua cái gì đó. Vì vậy chúng ta cảm thấy rằng qua hành động, qua bè bạn, qua những ý tưởng nào đó, chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc.
Vậy là vì bị cô độc, tôi muốn tìm được người nào đó hay ý tưởng nào đó mà qua đó tôi có thể hạnh phúc. Nhưng trạng thái cô độc luôn luôn vẫn còn đó; nó luôn luôn vẫn còn đó, dưới lớp đậy. Nhưng bởi vì nó làm tôi sợ hãi, và bởi vì tôi không biết bản chất bên trong của trạng thái cô độc này là gì, thế là tôi muốn tìm được cái gì đó để bám vào. Vì vậy tôi nghĩ rằng qua cái gì đó, qua một con người, tôi sẽ được hạnh phúc. Vì vậy cái trí của tôi luôn luôn quan tâm tìm được cái gì đó. Qua đồ đạc, qua một ngôi nhà, qua sách báo, qua con người, qua những ý tưởng, qua những nghi lễ, qua những biểu tượng, chúng ta hy vọng nhận được cái gì đó, tìm được hạnh phúc. Và vì vậy những đồ vật, những con người, những ý tưởng, trở nên quan trọng cực kỳ, bởi vì qua chúng chúng ta hy vọng chúng ta sẽ tìm được nó. Thế là chúng ta bắt đầu lệ thuộc vào chúng.
Nhưng với tất cả nó vẫn còn có vấn đề không hiểu rõ được, không giải quyết được này; lo âu, sợ hãi, vẫn còn đó. Và thậm chí khi tôi thấy rằng nó vẫn còn đó, tôi vẫn còn muốn sử dụng nó, trải qua nó, tìm được cái gì vượt khỏi. Vì vậy cái trí của tôi sử dụng mọi thứ như một phương tiện để vượt khỏi, và thế là làm cho mọi thứ trở nên tầm thường. Nếu tôi sử dụng bạn cho sự thành tựu của tôi và cho hạnh phúc của tôi, bạn trở thành không quan trọng, bởi vì chính là hạnh phúc mà tôi quan tâm. Vì vậy khi cái trí quan tâm đến ý tưởng rằng nó có thể tìm được hạnh phúc qua người nào đó, qua một đồ vật hay qua một ý tưởng, tôi không làm cho tất cả những phương tiện này trở thành nhất thời hay sao? Bởi vì lúc đó quan tâm của chúng ta là cái gì khác nữa, đi xa hơn nữa, đuổi bắt cái gì đó vượt ngoài chúng.
Không quan trọng khi tôi phải hiểu rõ trạng thái cô độc này, đau đớn này, đau khổ của sự trống rỗng lạ thường này hay sao? Bởi vì nếu tôi hiểu rõ điều đó, tôi sẽ không sử dụng bất kỳ thứ gì để tìm hạnh phúc. Tôi sẽ không sử dụng Thượng đế như một phương tiện để có được an bình, hay một nghi lễ để có được nhiều cảm giác, nhiều hứng khởi hơn, nhiều xuất thần hơn. Cái vật đang làm héo hon tâm hồn của tôi là ý thức của sợ hãi này, cô độc của tôi, trống rỗng của tôi. Liệu tôi có thể hiểu rõ điều đó? Liệu tôi có thể giải quyết điều đó? Hầu hết chúng ta đều bị cô độc, phải không? Dù chúng ta có làm bất kỳ điều gì, máy thâu thanh, sách báo, chính trị, tôn giáo, không thứ nào có thể che đậy thực sự trạng thái cô độc đó. Tôi có lẽ hoạt động thật nhiều ngoài xã hội, tôi có lẽ đồng hóa mình với những triết lý được tổ chức nào đó, nhưng dù tôi có làm bất kỳ điều gì nó vẫn còn ở đó, sâu thẳm dưới tầng ý thức bên trong của tôi, hay trong những chiều sâu kín đáo của thân tâm tôi.
Làm thế nào tôi sẽ xử lý nó? Làm thế nào tôi sẽ mang nó ra và giải quyết dứt khoát nó? Lại nữa, toàn xu hướng của tôi là chỉ trích, phải không? Cái sự việc mà tôi không biết, tôi sợ hãi, và sợ hãi là kết quả của sự chỉ trích. Rốt cuộc, tôi không biết chất lượng của cô độc, nó thực sự là gì. Nhưng cái trí của tôi đã đánh giá nó bằng cách nói rằng nó gây sợ hãi. Cái trí có những quan điểm về sự kiện, nó có những ý tưởng về trạng thái cô độc. Và chính là những ý tưởng, những quan điểm, mới tạo ra sự sợ hãi và ngăn cản tôi không quan sát thực sự trạng thái cô độc đó.
Tôi hy vọng tôi đang giải thích rõ ràng? Tôi bị cô độc; và tôi sợ hãi nó. Điều gì gây ra sợ hãi? Không phải rằng tôi không biết những hàm ý được bao gồm trong trạng thái cô độc hay sao? Nếu tôi biết nội dung của cô độc, vậy thì tôi sẽ không sợ hãi nó. Nhưng bởi vì tôi có một ý tưởng về nó có lẽ là gì, tôi chạy trốn nó. Chính sự chạy trốn này tạo ra sự sợ hãi, không phải động thái đang nhìn ngắm nó. Nhìn ngắm nó, ở cùng nó, tôi không thể chỉ trích. Và khi tôi có thể đối diện nó, vậy thì tôi có thể thương yêu nó, tôi có thể thẩm thấu nó.
Vậy là, trạng thái cô độc đó mà tôi sợ hãi chỉ là một từ ngữ phải không? Thật ra nó không là một trạng thái cốt lõi, có lẽ cái cửa qua đó tôi sẽ tìm ra hay sao? Có lẽ cái cửa đó dẫn dắt tôi xa hơn, để cho cái trí hiểu rõ trạng thái đó mà trong đó nó phải cô đơn, không bị vấy bẩn. Bởi vì tất cả những tiến hành khác để tách khỏi trạng thái cô độc đó đều là những lệch hướng, những tẩu thoát, những quẩn trí. Nếu cái trí có thể sống cùng nó mà không chỉ trích nó, vậy thì có lẽ qua đó cái trí sẽ tìm được trạng thái đó mà là cô đơn, một cái trí không là cô độc nhưng hoàn toàn cô đơn, không lệ thuộc, không tìm kiếm để tìm được qua cái gì đó.
Thật cần thiết phải cô đơn, phải biết trạng thái cô đơn đó mà không bị kích động bởi những hoàn cảnh, trạng thái cô đơn đó mà không là cô lập, trạng thái cô đơn đó mà là trạng thái sáng tạo, khi cái trí không còn đang tìm kiếm hoặc là hạnh phúc, đạo đức, hoặc là đang tạo tác kháng cự. Chính cái trí cô đơn mới có thể tìm được – không phải cái trí mà đã bị vấy bẩn, bị làm hư hỏng, bởi những trải nghiệm riêng của nó. Vậy là có lẽ trạng thái cô độc, mà tất cả chúng ta đều ý thức được, nếu chúng ta biết cách nhìn ngắm nó, có lẽ mở cái cửa đến sự thật.
Người hỏi: Tôi bị lệ thuộc, chủ yếu thuộc tâm lý, vào những người khác. Tôi muốn được tự do khỏi sự lệ thuộc này. Làm ơn chỉ cho tôi phương cách để được tự do.
Krishnamurti: Thuộc tâm lý, phía bên trong, chúng ta bị lệ thuộc, đúng chứ, vào những lễ nghi, vào những ý tưởng, con người, sự vật, tài sản? Chúng ta bị lệ thuộc, và chúng ta muốn được tự do khỏi sự lệ thuộc đó bởi vì nó gây đau khổ cho chúng ta. Chừng nào sự lệ thuộc đó còn mang lại thỏa mãn, chừng nào tôi còn tìm được hạnh phúc trong nó, tôi không muốn được tự do. Nhưng khi sự lệ thuộc làm tổn thương tôi, khi nó làm cho tôi đau khổ, khi cái sự việc mà tôi đã lệ thuộc lẩn tránh tôi, chết, tàn tạ đi, hướng đến người khác, lúc đó tôi muốn được tự do.
Nhưng tôi muốn được tự do hoàn toàn khỏi tất cả những lệ thuộc tâm lý, hay chỉ khỏi những lệ thuộc đó mà gây đau khổ cho tôi? Chắc chắn, khỏi những lệ thuộc và những kỷ niệm đó mà gây đau khổ cho tôi. Tôi không muốn được tự do hoàn toàn khỏi tất cả những lệ thuộc, tôi chỉ muốn được tự do khỏi sự lệ thuộc đặc biệt. Vì vậy tôi tìm kiếm những phương cách và những phương tiện để làm tôi được tự do, và tôi hỏi những người khác, hay người nào đó, để giúp đỡ tôi được tự do khỏi một lệ thuộc đặc biệt mà gây ra đau khổ. Tôi không muốn được tự do khỏi toàn tiến hành của lệ thuộc.
Liệu một người khác có thể giúp đỡ tôi được tự do khỏi sự lệ thuộc, sự lệ thuộc đặc biệt hay tất cả lệ thuộc? Liệu tôi có thể chỉ cho bạn phương cách – phương cách là sự giải thích, từ ngữ, phương pháp kỹ thuật? Bằng sự chỉ bảo của tôi cho bạn phương cách, phương pháp kỹ thuật, cho bạn một giải thích, bạn sẽ được tự do hay sao? Bạn vẫn còn có vấn đề, phải không; bạn vẫn còn có đau khổ về nó. Dù tôi có chỉ bảo cho bạn bao nhiêu phương cách xử lý nó, dù bạn có bàn luận với tôi nhiều bao nhiêu, sẽ không làm tự do bạn khỏi sự lệ thuộc đó. Vì vậy người ta sẽ làm gì?
Làm ơn hãy thấy sự quan trọng của điều này. Bạn đang yêu cầu một phương pháp mà sẽ giúp đỡ bạn được tự do khỏi một lệ thuộc đặc biệt hay khỏi tất cả lệ thuộc. Phương pháp là một giải thích, đúng chứ, mà bạn sẽ thực hành và sống, với mục đích làm cho bạn được tự do? Vậy là phương pháp trở thành một lệ thuộc khác. Trong cố gắng làm tự do chính bạn khỏi một lệ thuộc đặc biệt, bạn đang giới thiệu một hình thức khác của lệ thuộc. Nhưng nếu bạn quan tâm đến sự tự do tổng thể khỏi tất cả lệ thuộc tâm lý, nếu bạn thực sự quan tâm đến điều đó, vậy thì bạn sẽ không yêu cầu một phương pháp, phương cách. Vậy thì bạn sẽ đưa ra một câu hỏi hoàn toàn khác hẳn, phải không? Bạn hỏi liệu bạn có thể xử lý nó, có thể giải quyết nó. Vì vậy câu hỏi không là làm thế nào để làm tự do chính tôi khỏi một lệ thuộc, nhưng, “Liệu tôi có thể có khả năng để xử lý toàn vấn đề?” Nếu tôi có khả năng, lúc đó tôi không lệ thuộc vào bất kỳ người nào. Chỉ khi nào tôi nói tôi không có khả năng thì tôi mới hỏi, “Làm ơn giúp đỡ tôi, chỉ cho tôi một phương cách”. Nhưng nếu tôi có khả năng xử lý một vấn đề của lệ thuộc, vậy thì tôi không yêu cầu bất kỳ người nào đó giúp đỡ tôi xóa tan nó.
Tôi hy vọng tôi đang giải thích rõ ràng. Tôi nghĩ rất quan trọng phải không được hỏi “Làm thế nào?” nhưng, “Liệu tôi có thể có khả năng để xử lý vấn đề?” Bởi vì nếu tôi biết làm thế nào để xử lý nó, vậy thì tôi được tự do khỏi vấn đề, vậy thì tôi không đang yêu cầu một phương pháp, phương cách. Liệu tôi có thể có khả năng để xử lý vấn đề của lệ thuộc?
Bây giờ, theo tâm lý, khi bạn tự đưa ra câu hỏi đó cho mình, điều gì xảy ra? Khi có ý thức, bạn đưa ra câu hỏi, “Liệu tôi có thể có khả năng để làm tự do chính tôi khỏi lệ thuộc đó?” Theo tâm lý điều gì đã xảy ra? Bạn không được tự do khỏi lệ thuộc đó rồi hay sao? Theo tâm lý, bạn đã lệ thuộc; và lúc này bạn nói: “Tôi có khả năng để tự làm tự do mình hay không?” Chắc chắn, khoảnh khắc bạn nghiêm túc tự đưa ra câu hỏi đó cho chính bạn, có sự tự do khỏi lệ thuộc đó rồi.
Tôi hy vọng bạn đang theo sát không chỉ bằng từ ngữ, nhưng thực sự đang trải nghiệm điều gì chúng ta đang bàn luận. Đó là nghệ thuật của lắng nghe – không chỉ lắng nghe những từ ngữ của tôi, nhưng lắng nghe điều gì đang thực sự xảy ra trong cái trí riêng của bạn.
Khi tôi biết rằng tôi có thể có khả năng đó, vậy thì vấn đề không còn hiện diện. Nhưng bởi vì tôi không có khả năng, tôi muốn được chỉ bảo. Thế là tôi sáng chế người Thầy, vị đạo sư, đấng Cứu rỗi, người nào đó mà sẽ cứu thoát tôi, mà sẽ giúp đỡ tôi. Thế là tôi trở thành lệ thuộc vào họ. Trái lại nếu tôi có thể có khả năng đó để giải quyết, hiểu rõ câu hỏi, vậy thì nó rất đơn giản, vậy thì tôi không còn lệ thuộc.
Điều này không có nghĩa tôi đầy tràn tự tin. Sự tự tin mà hiện diện qua cái ngã, cái “tôi”, không dẫn đến nơi nào cả bởi vì tự tin đó là tự-khép kín. Nhưng chính câu hỏi “Liệu tôi có thể có khả năng khám phá sự thật?” trao tặng người ta một sức mạnh và thấu triệt lạ thường. Câu hỏi không là tôi có khả năng – tôi không có khả năng – nhưng “Liệu tôi có thể có nó?” Vậy là tôi sẽ biết làm thế nào mở toang cái cửa mà cái trí luôn luôn đang đóng kín bởi những ngờ vực riêng của nó, bởi những lo âu riêng của nó, bởi những sợ hãi, những trải nghiệm, hiểu biết của nó.
Vậy là khi toàn tiến hành được thấy rõ, khả năng ở đó. Nhưng khả năng đó không thể được tìm ra qua bất kỳ khuôn mẫu riêng biệt nào của hành động. Tôi không thể hiểu rõ tổng thể qua cái riêng biệt. Qua một phân tích riêng biệt về một vấn đề riêng biệt, tôi sẽ không hiểu rõ tổng thể. Vì vậy liệu tôi có thể có khả năng thấy tổng thể – không phải hiểu rõ một sự kiện riêng biệt, một xảy ra riêng biệt – nhưng thấy toàn tiến hành tổng thể của sống của tôi, với những phiền muộn, những đau khổ, những vui vẻ của nó, sự tìm kiếm mãi mãi cho thanh thản? Nếu tôi có thể nghiêm túc đưa ra câu hỏi đó, vậy thì khả năng ở đó.
Với khả năng đó tôi có thể xử lý tất cả những vấn đề nảy sinh. Sẽ luôn luôn có những vấn đề, luôn luôn những biến cố, những phản ứng; đó là sống. Bởi vì tôi không biết làm thế nào để xử lý chúng, tôi đi tới những người khác để tìm ra, để yêu cầu phương cách xử lý chúng. Nhưng khi tôi đưa ra câu hỏi “Liệu tôi có thể có khả năng?” nó là sự khởi đầu của tự tin đó mà không là tự tin của cái “tôi”, của cái ngã, không phải tự tin mà hiện diện qua sự tích lũy, nhưng tự tin đó mà đang tự làm mới mẻ lại nó liên tục, không qua bất kỳ sự trải nghiệm riêng biệt nào hay bất kỳ biến cố nào, nhưng hiện diện qua hiểu rõ, qua tự do, để cho cái trí có thể tìm được cái là sự thật.