Ikkyu Sojun - Hakuin Ekaku - Ryokan Taigu
Nguyên tác Anh ngữ: Three Zen Masters: Ikkyu, Hakuin, and Ryukan
Tác giả John Stevens - NXB Kodansha International in năm 1993 tại Nhật
Việt dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác, 2003
(1394 – 1481)
Ikkyu ra đời vào lúc bình minh của ngày đầu của năm 1394. Mặc dù có lời đồn rằng Ikkyu là con trai của vị hoàng đế trẻ Go-Komatsu (1377—1433), vào lúc chào đời cậu bé được ghi vào sổ bộ thường dân. Mẹ của Ikkyu, một phụ nữ chờ việc trong cung đình và được Go-Komatsu yêu chuộng, đã bị sa thải bất công ra khỏi cung điện vì guồng máy của vị hoàng hậu ghen tuông và tay chân bà này. Do vậy, hoàn cảnh ra đời của Ikkyu thì khiêm tốn, mặc dù bản tiểu sử sớm nhất của sư viết rằng ngay cả khi sơ sinh, sư “mang dấu hiệu của một con rồng và dấu ấn của một phượng hoàng.”
Vào lúc 5 tuổi, Ikkyu được gửi vào làm chú tiểu tại Ankoku-ji, một ngôi chùa Thiền Tông ở Kyoto. Nơi đây, sư được bảo đảm có nền học vấn tốt, cũng như được bảo vệ trước các viên chức triều đình lắm mưu và các tướng quân đa nghi. Điều này quan trọng trong thời trung cổ Nhật Bản, vì ngay cả đứa con hoang của vị hoàng đế – với hoàn cảnh đúng thời và với những người ủng hộ có quyền lực – vẫn có thể ra giành ngôi vua. Tại chùa Ankoku-ji, Ikkyu được học kinh điển Phật Giáo và các sách giáo khoa tại Trung Hoa và Nhật Bản. Là một học trò sáng dạ mà thiên tài của mình được mọi người công nhận, Ikkyu cũng là một cậu bé quá quắt và nhanh trí. Nơi đây là vài mẩu chuyện từ những ngày sư còn là chú tiểu.
Không lâu sau khi vào chùa, thầy viện chủ ra lệnh cho Ikkyu tắt các đèn cầy trên bàn thờ trước khi vào ngủ. Khi Ikkyu trở lại để thưa rằng việc đã xong, thầy viện chủ hỏi, “Con tắt đèn cầy bằng cách nào?”
Ikkyu đáp, “Con thổi tắt.”
Thầy viện chủ mới la chú, “Đừng bao giờ làm thế chứ. Phật thì linh thánh, còn hơi thở chúng sinh thì nhơ bẩn. Phải tắt đèn cầy bằng cách phất tay hay là dùng quạt.”
Sáng hôm sau, khi thầy viện chủ vào chính điện cho khóa lễ sáng, thầy thấy Ikkyu tụng kinh trong khi ngồi quay lưng về bàn thờ.
Thầy la lớn, “Con làm gì vậy, thằng nhỏ ngốc này!”
“Thầy dạy con là hơi thở chúng sinh thì nhơ bẩn và đừng nên hướng thẳng về tôn tượng chư Phật. Làm sao con tụng kinh mà không thở được?”
“Cái này thì khác,” ông thầy chưng hửng nói, và ra lệnh cho Ikkyu quay mặt về bàn thờ.
Dù vậy, Ikkyu không dễ bị chế ngự. Thầy viện chủ rất thích một loại kẹo đặc biệt và cất kẹo trong một lọ trong phòng thầy, cảnh cáo Ikkyu và các cậu bé khác trong chùa, “Kẹo này đặc biệt cho người lớn, nhưng nếu một đứa nhỏ ăn vào thì sẽ chết liền.”
Ikkyu không mắc bẫy chút nào, và ngay khi viện chủ rời chùa, cậu trút hết lọ ra và chia kẹo này với các bạn. Ikkyu lúc đó còn đập bể một tách trà trong phòng thầy viện chủ. Khi thầy về, thì thấy Ikkyu nước mắt đầm đìa.
Ikkyu khóc nức nở, “Trong khi lau chùi phòng thầy, con vô ý làm bể tách trà quý. Để chịu phạt cho hành vi vô ý đó, con mới nuốt mất viên kẹo độc. Không thấy gì hết, con mới ăn hết kẹo luôn, vì tin là con sẽ chết để chịu phạt. Xui xẻo sao con không chết, nên bây giờ con xin thầy tha lỗi.”
Một lần khác, một chú tiểu khác vô ý đánh vỡ một tách trà quý của thầy viện chủ trong khi lau chùi nơi này. Sợ thầy nổi giận, chú này mới nhờ Ikkyu nghĩ kế giúp. “Để đó cho tớ,” Ikkyu nói với chú kia như thế. Khi thầy về chùa, Ikkyu đón thầy nơi cổng.
Chú Ikkyu nói dịu dàng, “Thưa thầy, thầy thường dạy tụi con là cái gì có sinh thì có diệt, và bất cứ cái gì đã có sắc rồi cũng trở về không.”
“Đúng vậy,” thầy đáp. “Đó là sự thật không tránh khỏi của đời sống.”
Ikkyu nói buồn bã, “Thưa thầy, con có một tin buồn trình thầy. Đã tới lúc tách trà thầy thích lìa đời rồi.”
Tiếng tăm chú tiểu thông minh này tới tai Tướng Quân Yoshimitsu (1358—1408), và Ikkyu được triệu tới lâu đài để gặp.
“Ta nghe nói sư nhỏ này thông minh lắm,” tướng quân nói với Ikkyu. “Sư có nghĩ là sư bắt được cọp?”
Ikkyu trả lời tự tin, “Thưa tướng quân, tôi tin tôi có thể.”
“Đây là sợi dây. Bắt lấy con cọp đó đi,” tướng quân thách thức, chỉ về con cọp được vẽ trên một tấm bình phong che lớn trong phòng.
Không do dự, Ikkyu tới đứng trước bình phong, sửa soạn sợi dây và hô lớn, “Bây giờ, thưa tướng quân, xin xua con cọp ra đi.”
Một Phật tử hộ pháp của chùa rất thích áo quần da thú, loại bị xem là trang phục không thích nghi cho Phật tử. Một hôm, khi tới chùa, ông được chào đón bằng một tấm bảng mang dòng chữ, “Các loại đồ da không được vào sân chùa. Ai phạm luật này sẽ bị đánh đòn nặng.” Nhận ra nét chữ của Ikkyu, thiện nam này mới xông vào, nổi giận với nhà sư nhỏ.
“Vậy còn cái trống lớn trong chính điện thì sao?” Phật tử này chất vấn. “Không phải mặt trống bằng da à?”
Ikkyu trả lời, “Đúng vậy. Nhưng chúng ta đánh trống mỗi sáng chiều. Nếu ngài muốn mặc đồ da, ngài sẽ bị đối xử cùng như vậy.”
Nhằm trả đũa Ikkyu, vị Phật tử hộ pháp này mời thầy viện chủ và Ikkyu dự một bữa tiệc chay. Tuy nhiên, trong tô của Ikkyu, lại có mấy miếng cá. Ikkyu liền nhai ngấu nghiến ngay.
“Khoan, chờ một chút,” vị Phật tử la cậu Ikkyu. “Chú điệu này không biết là tu sĩ Phật giáo không được phép ăn thịt cá?”
“Miệng tôi y hệt như Xa Lộ Kamakura,” Ikkyu đáp. “Những thứ cao và thấp, người bán thịt và người bán rau, tất cả đều chạy tuột xuống không ngại.”
Quyết chơi tay trên cậu bé lanh lợi, vị Phật tử vỗ mạnh vào thanh kiếm của ông.
“Làm sao thứ này sẽ trôi xuống được?” ông hỏi một cách đe dọa.
“Bạn hay thù?” Ikkyu hỏi.
“Thù!” vị Phật tử hét lên.
“Kẻ thù không qua nổi!” Ikkyu nói bướng bỉnh.
“Bạn, rồi sao!” vị Phật tử thốt lên.
Ikkyu ho sặc sụa như đang kẹt trong cổ. “Xin lỗi, cánh cổng mới đóng.”
Trong một chuyện kể tương tự, thầy viện chủ đau khổ từ lâu bị cậu Ikkyu bắt gặp đang ăn canh cá.
“Thưa thầy, thầy đã nói là thịt chúng sinh bị cấm tuyệt làm thức ăn trong chùa. Nhưng nếu bây giờ chuyện này không sao,” Ikkyu nói, mắt nhìn tô canh, “thì con cũng muốn ăn một chút.”
“Không, không,” thầy viện chủ nói. “Đây thực sự là một tội lớn cho các chú tiểu ăn thịt cá. Tuy nhiên, trong trường hợp của thầy, thầy thực sự đang thực hiện một tang lễ cho cá.”
“Sao thế?” Ikkyu muốn biết.
“Thầy nói với nó, ‘Cá ơi, ngươi bây giờ như một cành cây khô héo. Ngay cả nếu ta thả ngươi, ngươi không bao giờ có thể về lại nước. Tuy nhiên, nếu ta ăn ngươi như dùng thuốc, ngươi có thể đạt Phật quả sớm!”
Vào ngày kế tiếp, cậu Ikkyu tới ngay chợ cá và mua về một con cá chép sống. Vừa khi cậu sắp chặt cá, thầy viện chủ bước vào.
Thầy la lên, “Con làm gì vậy! Sát sanh còn tệ hại gấp 10 lần ăn chúng sanh!”
Ikkyu nói với thầy trong khi cậu nhấc lên con cá đang vùng vẫy, “Không, không, hãy nghe này. Cá ơi, ngươi như một cành cây sống. Nếu ta thả người, ngươi sẽ trốn mất và ta sẽ đói bụng. Hãy để ta thưởng thức ngươi cho bữa ăn tối, còn hơn là để ngươi bơi lội trong nước.”
Nói thế xong, cậu chặt lìa đầu cá và bỏ vào nồi canh.
Một lần nữa bị lộ tính giả hình, thầy viện chủ bực bội không nói gì được. Cách ứng phó khích động như thế đã trở thành kiểu riêng của Ikkyu.
Ikkyu đã viết bài thơ Đường – một thể thơ khó đặc biệt – lần đầu tiên khi cậu mới 12 tuổi.
Cỏ Úa Gần Thái Ấp
Trong cô quạnh mùa thu, người đẹp bị bỏ rơi cất tiếng hát.
Không có sứ giả nào tới để triệu nàng về lại thái ấp.
Vinh quang và thất sủng, niềm vui và nỗi buồn – nàng đã trải qua tất cả.
Ân sủng từ tướng quân của nàng thì cạn cợt, nhưng đồng cỏ thờ ơ thì sâu thẳm.
Khi còn trẻ thơ, Ikkyu có thể đầy tính nghịch ngợm, nhưng luôn luôn có một mặt nghiêm túc trong cá tính. Bài thơ này tỏa ra nỗi bi quan Phật giáo, một lời than thở về tính vô thường của các pháp, và nó phản ánh nỗi bất như ý sâu thẳm của Ikkyu về cách mẹ của cậu bị đối xử. Ikkyu như dường đặc biệt gần với mẹ, và cậu không bao giờ vượt qua nỗi cay đắng về việc mẹ bị sa thải bất công ra khỏi triều đình. Trong bài thơ khác, làm về sau đó trong đời, Ikkyu phiền muộn:
Một giai nhân tinh tế như thế, thoa phấn và tô son,
Ngay tới Đức Phật cũng không chống cự nổi nàng;
Nàng mang tâm hồn của Ngọc Quý Trung Hoa
Nhưng tại Nhật Bản, nàng bây giờ vẫn mỏi mòn.
Bên cạnh việc chỉ trích cách đối xử bất công đối với mẹ, hai bài thơ này hiển lộ nỗi bận tâm xa hơn của Ikkyu: quan hệ thường sóng gió giữa nam và nữ. Với sự thoái hóa của thời đại, Ikkyu rất có thể đã bị lôi cuốn sớm vào tình yêu đồng tính tại ngôi chùa này. Ikkyu đã mất hứng thú với kiểu ái tình này, nhưng cảm hứng của sư với người nữ vẫn còn cho tới ngày cuối của 77 năm trong đời. (LND: tác giả John Stevens viết dựa theo cả huyền thoại và lời đồn, nên nhiều chi tiết có thể không đúng với sự thật lịch sử.)
Năm 1410, kinh hoàng vì lòng tham và hư hỏng của các vị sư lớn, cậu Ikkyu 16 tuổi rời bỏ chùa Ankoku-ji. Sư loan báo chuyến đi với bài thơ:
Ngập đầy xấu hổ, tôi khó giữ được lời.
Thiền ngữ bị áp đảo và ma vương đã chiến thắng.
Các sư này lý ra phải thuyết về Thiền,
Nhưng họ chỉ khoe khoang về gia phả.
Ikkyu tới học đạo theo Ken’o (viên tịch năm 1414), một vị sư già kỳ dị sống trong một túp lều xiêu vẹo, hẻo lánh trên ngọn đồi bên ngoài Kyoto. Từ sớm trong đời ngài, Ken’o đã gây sóng gió khi ngài từ chối nhận một inka, giấy chứng nhận của giác ngộ, từ Muin, vị khi đó là viện chủ chùa Myushin-ji. Thời đó, các giấy chứng nhận này – thường là được mua hay gian lận kiếm được – rất cần thiết để kiếm một vị trí tại một ngôi chùa lớn. Do vậy, hành vi nổi loạn của Ken’o đã tự đưa sư ra khỏi nhóm thế lực của Thiền, điều này cũng thích nghi với sư và người học trò đơn độc của sư, chàng Ikkyu quyết tâm và bướng bỉnh.
Vào cùng lúc, Ikkyu cũng học văn chương với một nhà sư học giả tên Seiso. Một hôm, Tướng Quân Yoshimochi (1386--1428) xuất hiện nơi cổng chùa của Seiso và đòi khảo sát một bản văn nào đó thuộc về chùa. Trong khi các học trò khác co rúm vào góc, Ikkyu mạnh dạn ôm ra cuộn sách cổ, nhưng không chịu bước xuống cổng chào để trao cho tướng quân hay các hầu cận như phép nghi lễ đòi hỏi. Cuối cùng, vị tướng quân, người đã từng chạm trán với Ikkyu trước kia, phải bước tới để đón nhận cuộn sách cổ. Sau khi liếc mắt qua một chút, tướng quân hoàn trả bản văn, rồi ra đi không một lời nói. Cậu thiếu niên Ikkyu từ đó được ca ngợi vì đã can đảm đứng kình trước các thẩm quyền dân sự trấn áp.
Ikkyu ở với Ken’o cho tới khi nhà sư không thỏa hiệp này viên tịch năm 1414. Sau khi an táng thầy với cương vị người thương khóc đơn độc và là người đào mộ cho thầy, chàng Ikkyu lang thang quanh Kyoto, thương khóc nỗi mất mát của chàng và tìm cách xoa dịu nỗi đau bằng tụng kinh và thiền định. Sư viếng thăm mẹ nhiều lần trong suốt thời kỳ hoang vắng này, và bà mẹ lo ngại vì hình dung tiều tụy và tâm trí rối bời của sư tới nỗi bà bí mật cử một người hầu theo dõi con trai của bà khi nhà sư này lang thang.
Hoàn toàn nản lòng, Ikkyu quyết định tự trầm xuống Hồ Biwa, nói rằng, “Nếu tôi vô dụng trên cõi đất này, ít nhất hãy để tôi làm thức ăn tốt cho loài cá!” May mắn, người hầu của mẹ sư gần đó và mau chóng ngăn cản việc sư Ikkyu tự tử. Sau khi Ikkyu lắng dịu, người hầu trao cho sư một lá thư từ bà mẹ trong đó bà nài xin con duy trì thân mạng vì bà. Bà mẹ cũng viết: “Sự giác ngộ sẽ là của con một ngày nào đó; xin con hãy bền chí.” Ikkyu đồng ý về lại nhà của mẹ và suy tính thêm về số phận của sư.
Sư quyết định xin theo học Kaso (1352—1428), một vị thầy được xem như là nghiêm khắc hơn cả Ken’o. Hai vị thầy nghiêm túc này đại diện cho truyền thống Thiền Daito. Nhà sư Daito (Shuho Myocho, 1282—1337), sau khi đạt ngộ dưới hướng dẫn của Daio (Nanpo Jomyo, 1235—1308), đã bỏ ra vài năm đào sâu sự chứng ngộ của mình trong khi sống như một người ăn mày ở vùng bên Cầu Đại Lộ Số 5 của Kyoto. Bọn ngoài vòng pháp luật quanh cầu ưa thích thử nghiệm lưỡi gươm của chúng trên những người ăn mày tuyệt vọng nơi đó, nhưng khi bọn cướp này một đêm đe dọa Daito, sư đối diện với chúng với lòng bình an không lay động.
Những thử thách của ta tiếp diễn
Không ngưng nghỉ—
Bây giờ ta sẽ thấy
Bất động làm sao
Tâm ta thực sự là.
Bị tước vũ khí bởi tâm bất động của Daito, bọn du côn sau đó phải để yên cho thầy.
Ngay cả sau khi Hoàng Đế Hanazono đã tấn phong Daito là viện chủ đầu tiên của chùa Daito-ji năm 1324, nhà sư vẫn giữ một kỷ luật nghiêm khắc, cho cả các học trò và cho chính mình. Tới bây giờ, bản văn “Lời Cảnh Sách Cuối Cùng” của Daito vẫn còn được tụng đọc ở chùa Daitoku-ji.
Tất cả các ngươi đã vào ngôi chùa núi này, đừng quên rằng ngươi ở đây vì Đạo, không phải vì quần áo, lương thực... Hãy tự hướng mình suốt mọi thời để tìm biết cái bất khả tri. Từ khởi đầu tới chung cuộc, hãy khảo sát mọi pháp tận tường. Thời giờ bay như tên bắn, đừng phí năng lực trên chuyện nhảm. Hãy chú ý! Hãy chú ý!
Sau khi sư già này hoàn tất chuyến hành hương này, vài người trong các ngươi có thể sẽ trụ trì các chùa lớn với các điện đài lộng lẫy và những tàng kinh các to lớn, khảm vàng và bạc, và có nhiều đệ tử. Những người khác có thể tự hiến mình cho việc học kinh, trì chú, thiền định và nghiêm giữ giới luật. Dù làm bất cứ những gì, nếu tâm không hướng vào Đạo tối thượng của chư Phật và chư Tổ, thì nhân lành sẽ hủy diệt và giáo pháp sẽ suy mạt. Những người như thế chính là tà ma và không bao giờ có thể là kẻ nối pháp chân chính của ta. Những ai chỉ tự hướng về tâm mình và làm sáng tỏ được bổn tánh, ngay cả dù người này ở miền quê thật xa trong một túp lều, sống nhờ rau cỏ dại nấu trên chiếc nồi cũ sứt mẻ, thì người đó hàng ngày vẫn giữ được bản tông và thọ lãnh giáo pháp của ta với lòng biết ơn. Ai có thể xem điều này là nhẹ? Hãy tinh tấn hơn! Tinh tấn hơn lên!
Vào ngày viên tịch, Daito, người có một chân khập khiễng, mới nói về cái chân mang tật này: “Trọn đời ta đã theo ngươi, nhưng hôm nay ngươi phải theo ta!” Nói thế xong, ngài kéo chân này vào đúng tư thế thiền định, làm gãy xương, và đầu xương xuyên lủng da của ngài.
Trong một thời gian ngắn, Kaso cũng là viện chủ chùa Daitoku-ji, mặc dù sư thích ở tại một thất nhỏ gần Hồ Biwa. Trái ngược với sự giàu có và phù phiếm của Daitoku-ji, nếp sống tại thất của Kaso thử thách quyết tâm của các học trò nhiệt tâm nhất. Khi Ikkyu tới đó, sư bị từ chối không cho nhập chúng. Ikkyu kiên trì, đứng ở ngay cổng trong 5 ngày kế tiếp – và lúc đó thì người gác cổng lấy thùng nước dơ ra tạt và lấy chổi đánh vào người Ikkyu. Không nản, Ikkyu chịu đựng gần một tuần lễ bị trừng phạt sỉ nhục như thế, trước khi Kaso dịu xuống và cho Ikkyu vào. Trở thành một thành viên trong tăng đoàn của Kaso, Ikkyu tu học qua một chế độ nghiêm khắc: làm việc tay chân nặng nề, thức ăn đạm bạc, ngủ ít giờ, và ngồi thiền nhiều giờ.
Tuy nhiên, nhờ có tài về nghệ thuật, Ikkyu kiếm được ít giờ rãnh rỗi từ thời khóa biểu nghiêm khắc khi sư làm một vài việc cho các cửa tiệm tại Kyoto, như sơn các búp-bê với kiểu kimono do chính sư vẽ kiểu và làm các túi hương trầm. Tiền mà sư kiếm được đã giúp thêm cho căn thất của thầy Kaso.
Ikkyu tham nhiều công án theo Kaso hướng dẫn, nhưng đặc biệt hoang mang với công án thứ 15 trong Vô Môn Quan:
Khi Động Sơn (910-90) tới xin học với Vân Môn (tịch năm 949), vị thầy mới hỏi, “Ngươi từ đâu tới?”
“Từ Tra Độ,” Động Sơn đáp.
“Ngươi an cư kiết hạ ở đâu?” Vân Môn hỏi thêm.
“Tại Chùa Báo Từ, ở Hồ Nam.”
“Rời chùa khi nào?”
“Ngày hai mươi lăm, tháng tám.”
“Ngươi đáng ra lãnh 60 gậy của ta!” Vân Môn hét lên (mặc dù Ngài không thật sự đánh).
Hôm sau, Động Sơn lại lên hỏi Vân Môn, “Hôm qua, thầy nói con đáng lãnh 60 gậy. Không biết con lỗi gì?”
“Đồ túi cơm vô tích sự! Tại sao ngươi lại đang lang thang ở đây và ở đó?”
Động Sơn hốt nhiên giác ngộ.
(LND: Công án do John Stevens ghi lại như trên có chỗ khả vấn. Theo nguyên bản Trung Hoa, công án số 15 là “Động Sơn Tam Đốn” – Ba Hèo của Động Sơn – thì không phải 60 gậy, đúng ra phải là 3 gậy; thêm nữa, câu cuối cùng phải là “Cái túi cơm, cứ thế Giang Tây, Hồ Nam.” Có thể ông dựa trên một bản Nhật Ngữ và “cứ thế Giang Tây, Hồ Nam” đã bị đổi thành “sao lại đang lang thang đây đó.”)
Một hôm, khi Ikkyu đang trong phố, sư nghe một nghệ sĩ mù đi hát dạo đang kể chuyện Phu Nhân Gio, ái thiếp của Tướng Taira no Kiyomori (chết năm 1181) thuộc thời đại Heian, nhưng bị bỏ rơi khi viên tướng say mê một giai nhân khác, nàng Hotoke (chữ này có nghĩa “Phật”). Cuối cùng, hai phụ nữ đều chán cuộc thế và các nỗi đau khổ trần gian, nên trở thành ni cô. Vì các lý do chỉ sáng tỏ với Ikkyu, khi sư nghe bài hát này, sư hiểu ngay ý nghĩa của “Ngươi đáng lãnh 60 gậy của ta!”
Trước khi có sự kiện naỳ, Ikkyu được gọi là Shuken, vì Kaso quá sức ấn tượng về chuyện này nên ông liền đặt cho môn đồ pháp danh “Ikkyu,” tức là “Một [Sự] Ngừng Lại” (có thể dịch là Nhất Chỉ) cho thấy sự tự tại giữa sinh và tử, giữa mê và ngộ.
Bất kể tia chớp giác ngộ đã thấy, Ikkyu vẫn tiếp tục chiến đấu với các trở ngại thân xác và tinh thần. Sư đã tới ngồi Thiền suốt đêm trên Hồ Biwa trong một chiếc ghe mượn từ một ngư dân. Một đêm giữa mùa hè năm 1420, khi nhà sư Ikkyu 26 tuổi trôi lơ lửng trên mặt hồ vắng lặng, một con quạ kêu khàn khàn. Trong giây phút đó, Ikkyu đạt ngay một sự chứng ngộ thâm sâu.
Khi Ikkyu tới kể với Kaso, vị thầy mới chế giễu, “Ngươi có thể là một A La Hán, nhưng ngươi vẫn chưa là một tông sư!”
Ikkyu trả lời thờ ơ, “Làm một A La Hán cũng được với con. Ai cần làm một tông sư?”
Kaso mới hài lòng. “”Ngươi giờ mới thật là một bậc thầy!” sư nói.
Kaso cũng đòi một “bài thơ giác ngộ,” như phong tục nhà Thiền, và Ikkyu làm ngay mấy câu:
Trong 10 năm, ta trong hỗn mang,
Sôi sục và phẫn nộ, nhưng giờ của ta tới rồi!
Con quạ cười lên, một vị A La Hán trồi lên từ nhơ uế,
Và trong ánh mặt trời của Chao-yang, một giai nhân cất tiếng hát.
Dòng cuối bài thơ, nhắc tới một mỹ nhân bị bỏ rơi khác trong Trung Hoa cổ, như dường cho thấy rằng nhà sư giác ngộ Ikkyu cuối cùng đã tự làm hòa được với số phận của bà mẹ của sư.
Người ta kể rằng khi Kaso trao Ikkyu một inka (chứng nhận giác ngộ), thì Ikkyu ném nó xuống đất để phản đối và nhảy đạp lên nó. Thầy Kaso mới đưa inka này cho một trong các nữ đệ tử hàng đầu cất giữ, hy vọng rằng Ikkyu một hôm sẽ dịu lại và đón nhận nó. Lâu về sau, khi Ikkyu nghe tin vẫn còn tấm inka này, sư mới yêu cầu mang tới cho sư và xé văn bằng này ra nhiều mảnh. Khi Ikkyu khám phá ra rằng các môn đồ của sư đã ráp lại các mảnh đó lại, thì sư mới lấy tấm giấy đó và đốt đi. Bất kể như thế, Ikkyu vẫn ở lại với Kaso nhiều năm sau kinh nghiệm chứng ngộ đó. Sư hết lòng phục vụ Kaso tới nổi sư đã dùng tay trần để chùi phân cho thầy mình, khi Kaso bệnh tiêu chảy và vấy bẩn ra. Tuy nhiên, hai người có một sứt mẻ vào khoảng 1426, và Ikkyu đột nhiên rời tu viện.
Một lý do của bất đồng này là việc Ikkyu coi thường Yoso, một đệ tử chính yếu khác của Kaso. Yoso có nhiều năm tu hơn Ikkyu, nhưng họ không giống nhau chút nào, và hai người không bao giờ hòa hợp được với nhau. Có lẽ một lý do khác của việc Ikkyu ra đi còn là phong thái càng lúc càng bất thường và phi truyền thống của Ikkyu. Thí dụ, Kaso một lần quở trách Ikkyu vì đã tới dự lễ giỗ thầy của Kosa là Gongai trong bộ áo rách rưới và đôi dép rơm nát – ngay cả nhà sư khắc khổ Kaso cũng tin rằng người ta nên trang phục nghiêm chỉnh để tưởng niệm người quá cố – nhưng Ikkyu chỉ khịt mũi, “Con trang phục trong cách một nhà sư nên trang phục. Tất cả bọn giả danh khác chỉ tô điểm trong mấy tấm che phân thôi!”
Sau vụ này, người ta kể Kaso có nói, “Ikkyu là người nối pháp chân thực của ta, nhưng kiểu của nó là điên cuồng.” Vào lúc này, Ikkyu cũng tập thói quen “sáng lên núi, và đêm vào phố chợ” – tu Thiền kiểu tự viện vào ban ngày và tu Thiền kiểu chè chén say sưa khi đêm xuống. Thế là, Ikkyu bị buộc phải rời chùa của Thầy Kaso.
Sau khi tự ra riêng, người ta kể Ikkyu đã gặp vị Hoàng Đế hồi hưu Go-Komatsu năm 1427, điều có thể được diễn dịch như là sự hòa giải giữa người cha và đứa con rơi. Go-Komatsu đã hội ý và được Ikkyu cố vấn về nhiều vấn đề giaó pháp và thế tục quan trọng, và sau đó hai người gặp nhau thường xuyên. Ikkyu được triệu tới giường bệnh của Go-Komatsu năm 1433 và được trao tặng nhiều tác phẩm thư pháp và họa pháp từ bộ sưu tập triều đình. Ikkyu, người trước đó “chưa bao giờ sở hữu nhiều tới một cây kim,” đã trân quý các tác phẩm quý giá đó tới ngày cuối đời sư.
Kaso viên tịch năm 1428. Bài kệ thị tịch là:
Một giọt nước đóng băng giữa trời.
Bảy mươi bảy năm của ta
Tất cả đều xài xong!
Nước mùa xuân sủi bọt từ ngọn lửa.
Ikkyu dự tang lễ của thầy, sau đó tất cả môn đồ của Kaso đều có hướng đi riêng. Còn Ikkyu thì không bao giờ trụ lại, nhưng đã dùng hết phần còn lại đời sư để chơi rong vùng Kyoto, một kiểu sư tự mô tả là “Cuồng Vân.”
Một đám mây điên, giữa trời,
Trôi giạt điên dại, hoang dã như khi tới!
Ai biết rồi mây sẽ về đâu tụ, gió sẽ về đâu ngưng?
Mặt trời mọc từ biển Đông, và sáng trên đất.
Đầu thời kỳ này, một trong những bài thơ của Ikkyu ám chỉ sư có thể đã có một người vợ (và theo vài lời kể, đã có một con).
Mệt mỏi với những niềm vui đồng tính, ta kiếm một bà vợ.
Lối hẹp khổ hạnh không phải cho ta;
Tâm ta chạy đi hướng đối nghịch.
Thật dễ lém miệng về Thiền – còn ta chỉ ngậm miệng im
Và dựa vào yêu thương – vui chơi cả ngày.
Ikkyu đã bỏ ra nhiều thì giờ trong thành phố Sakai, nơi sư mau chóng được ngưỡng mộ bởi các thương gia giàu có, những người bị thu hút bởi phong thái kỳ dị của sư. Giữa những kỳ nhập thất dài hạn tại các căn thất xiêu vẹo hẻo lánh, tận hiến cho tu tập Thiền kiểu truyền thống, sư lại tới làm trò vui tại nhà của những người thế lực và giàu xụ.
Vì được yêu chuộng như thế, năm 1440, sư Ikkyu được thỉnh làm trụ trì Nyoi-an, một ngôi chùa phụ của chùa Daitoku-ji. Tuy nhiên, sư đã mau chóng chán ghét với cái ngụy tạo và giả hình về mình, và đột ngột loan báo từ chức với bài thơ sau:
Mười ngày trong chùa này và tâm ta quay cuồng!
Giữa chân là sợi chỉ đỏ trải ra
Nếu ngươi tới tìm ta vào ngày khác
Hãy tìm trong một tiệm súp cá, một quán rượu, hay một nhà thổ.
Sợi chỉ đỏ của đam mê ám chỉ tới một công án tính dục lần đầu đưa ra bởi Thiền Sư Trung Hoa Sung-yuan (Shogen, tịch 1202):
Để hiểu Đạo hoàn toàn sáng tỏ, có một điểm cốt tủy ngươi phải tham cứu và đừng tránh né: sợi chỉ đỏ đam mê giữa chân chúng ta mà không có thể cắt rời. Vài người gặp trở ngại, bởi vì nó không dễ dàng dịu lặng. Nhưng ngươi phải tấn công nó trực diện, không do dự hay bỏ lui, làm cách nào khác mà giải thoát tới được?
Trong một bản ngắn gọn hơn, công án này là, “Tại sao ngay cả người giác ngộ nhất không có thể cắt lìa sợi chỉ đỏ đam mê?”
Ikkyu là một trong vài Thiền Sư nhận lấy thách thức của Sung-yuan trực tiếp.
Giữ giới độc thân một cách mù quáng, và ngươi không hơn gì một con lừa.
Phá giới, và ngươi chỉ là con người.
Thiền phong là sự hiển lộ trong những cách nhiều như cát sông Hằng.
Mỗi bé sơ sinh là trái cây của khắng khít phu thê.
Bao nhiêu kiếp, các nụ hoa bí mật đang nở và tàn?
Với một thiếu nữ đẹp, ta mê mải trong tình yêu – vui chơi nồng thắm;
Chúng ta ngồi trong nhà lều, một gái dục lạc và Thiền sư này.
Ta vui thích với ôm và hôn
Và chắc chắn không cảm thấy như ta đang cháy trong địa ngục.
Bên cạnh “Sợi chỉ đỏ của đam mê,” còn có một công án tính dục khác mà hầu hết các Thiền Sư muốn tránh:
Một bà lão xây một căn lều cho một nhà sư và hỗ trợ sư trong hai mươi năm. Một hôm, để thử nghiệm mức độ giác ngộ của sư, bà cụ gửi một thiếu nữ tới lều với mệnh lệnh là phải quyến rũ sư. Khi thiếu nữ ôm nhà sư và hỏi, “Sao thế này?” thì sư trả lời cứng rắn, “Cây khô trên đá lạnh; không chút hơi ấm trong ba đông.” Nghe sư trả lời thế, bà lão đuổi sư đi và đốt rụi căn lều. Tại sao?
Phản ứng của sư Ikkyu với công án trên là, “Nếu một mỹ nữ tới ôm nhà sư này, thì cành khô của ta sẽ dựng thẳng dậy!”
Đối với Ikkyu, đam mê là cái đe mà trên đó sự giác ngộ chân thật được rèn luyện.
Một nhà sư mê tình dục, ngươi tội nghiệp!
Máu nóng và đam mê, hoàn toàn bị đánh thức.
Nhưng rồi dục lạc đã làm cạn mọi đam mê,
Biến gạch ngói thành vàng ròng.
Hoa sen
Không nhiễm bùn;
Thân giọt sương này,
Riêng nó, như nó là,
Hiển lộ cả chân thân.
Một hôm Ikkyu đang đi trong một vùng cô lập, khi sư bất ngờ thấy một phụ nữ trần truồng sửa soạn tắm trong một dòng sông. Ikkyu ngừng chân, cúi đầu tôn kính về hướng nàng, và tiếp tục đi. Nhiều người qua đường chứng kiến cảnh tượng dị thường đã chạy theo Ikkyu để xin giải thích về thái độ dị thường của sư.
“Một người đàn ông bình thường sẽ ngó chòng chọc cái nàng trần truồng đó. Tại sao sư lại cúi đầu tôn kính thân truồng bà ta?” Họ hỏi.
Ikkyu trả lời, “Phụ nữ là nguồn sinh khởi chúng hữu tình, kể cả Đức Phật và Bồ Đề Đạt Ma!”
Bên cạnh Sung-yuan, Ikkyu còn được xem là gần với hai Thiền sư Trung Hoa khác, Lin-chi (Nhật ngữ: Rinzai; Việt ngữ: Lâm Tế -- viên tịch năm 867) và đặc biệt, Hsu-t’ang (Nhật ngữ: Kido; Việt ngữ: Hư Đường, 1185—1269). Thiền Lâm Tế thì trần trụi: “Hãy đi cầu, đi tiểu và làm người thôi; khi đói thì ăn, mệt thì ngủ; tự ngươi phải là ông chủ trong mọi tình huống!” Mặc dù Lâm Tế không nói cụ thể về tình dục, sư quở trách các môn đồ là đừng “mê thánh mà ghét phàm”; nếu họ làm thế, họ sẽ không bao giờ thoát khỏi “vòng xoáy luân hồi.” Ikkyu đã giữ lấy lời khuyên của Lâm Tế: “Nếu ngươi khát,” sư nói, “ngươi mơ về nước; nếu ngươi lạnh, ngươi mơ một áo ấm; còn ta, ta mơ về những niềm vui của khuê phòng – đó là bản chất của ta.”
Khi vị thầy của Lâm Tế trao cho sư các vật tượng trưng cho truyền Pháp, Lâm Tế đã thoải mái đốt rụi chúng đi, vì sư coi thường thái độ mộ đạo và nghi thức. Ikkyu cũng tương tự và một lần đã làm bài thơ nhan đề “Ta Ghét Hương Trầm.” Sư tuyệt đối không dùng kiểu học lý thuyết xuông.
Một nhà sư học giả nói với Lâm Tế, “Nội dung Kinh Điển là hiển lộ Phật Tánh, thầy có đồng ý không?”
Lâm Tế đáp, “Ngươi vẫn chưa làm cỏ vườn nhà ngươi mà.”
Cùng một chủ đề, Ikkyu đã viết:
Mỗi ngày, các sư chi ly xem xét Giới Luật
Và tụng không ngừng các Kinh thâm sâu.
Dù vậy, trước đó, họ nên trước tiên hãy
Đọc các thư tình gửi tới bởi gió và mưa, tuyết và trăng.
Lâm Tế thô bạo và cộc cằn với các thiền sinh do dự, đưa tay bạt tai họ , và hét inh tai các môn đồ đó. Ngài thực sự là kẻ khủng bố, như Ikkyu mô tả trong bài thơ vẽ bên chân dung của vị thầy đáng sợ đó.
QUÁT, QUÁT, QUÁT, QUÁT!
Tùy hoàn cảnh, sư làm chết hay cho sống!
Một con quỷ dữ với cặp mắt sáng
Thấy tỏ tường như mặt trời và mặt trăng.
Ikkyu tự xem mình như một trong các người nối pháp chân thực của Lâm Tế và gọi nơi ẩn dật ưa thích của mình là Katsuro-an, “Am Con Lừa Mù,” gọi theo lời tiên tri của Lâm Tế rằng giáo pháp của ngài sẽ được truyền bởi “các con lừa mù” – những Thiền gia bướng bỉnh, không thỏa hiệp, những người không bị lóa mắt vì danh vọng và phú quý. Trong truyền thống đó, Ikkyu cảm thấy tự do lên án và tấn công tất cả các Thiền gia nửa mùa.
Ikkyu còn thấy mình gần hơn với Hư Đường, vị thầy Trung Hoa của Daio, người sau đó sẽ dạy cho Daito (Đại Đăng), vị sáng lập dòng thiền chùa Daitoku-ji. Là một người lang thang và là một nhà thơ, Hư Đường đòi một thứ Thiền chân thật thuần túy: “Phật Pháp là làm những gì đúng đắn và chính đáng, không phải xây chùa to và chức vị hào nhoáng.” Độc lập tới cùng và không sợ bất kỳ giới thẩm quyền tôn giáo hay thế tục nào, Hư Đường một lần bị giam vào tù vì chống một vương lệnh mà sư cho là bất công. Bài kệ thị tịch của Hư Đường đơn giản là:
Tám mươi lăm năm
Không biết gì Phật Pháp,
Chỉ đi đều thôi
Và không để dấu tích nào trong Không.
Sách Hư Đường Ngữ Lục (Anh: The Records of Hsu-t’ang; Nhật: Kido roku) là cuốn mà Ikkyu ưa đọc. Dưới đây là “Ba Câu Chính” của Hư Đường, kèm với lời bàn của Ikkyu:
(1) “Thiếu mắt sáng, làm sao ngươi lấy hư không làm quần vải được?”
Bánh vẽ, chuyện tiếu lâm thô, không bao giờ làm hết đói.
Sinh ra với mắt, nhưng trông như mù.
Trong nhà lạnh, khởi niệm áo quần,
Và áo choàng của các vị tiên sẽ hiện trong bóng tối.
(2) “Đứng giữa vòng, vẽ trên đất, làm sao ngươi vào mà không qua được?”
Ta không bao giờ chán các niềm vui lớn của mùa xuân
Nhưng mọi người khác lại sợ cạn chén.
Cõi trời đạt rồi, địa ngục biến mất.
Ta để cả ngày giữa hoa rơi và bông tơ gió thổi.
(3) “Ngươi có thể đếm cát bờ biển, nhưng làm sao ngươi có thể đứng trên đầu kim?”
Xé mặt đất, đếm cát, đó là chuyện lớn;
Với thần lực, ngươi có thể đứng trên kim.
Còn ta, không là gì cả, chỉ là một nhà sư bất tài, quê mùa
Nhưng ta vẫn là truyền nhân của Hư Đường ở Nhật Bản.
Chẳng bao lâu, Ikkyu bắt đầu ký tên lên các tác phẩm của mình là “Ikkyu, hiện thân đời thứ 7 của Hư Đường tại Nhật Bản.” Sư lại để tóc dài và chòm râu dơ bẩn y hệt Hư Đường, và rồi có bản vẽ chân dung “Ikkyu như Hư Đường” trong đó hai khuôn mặt kết hợp thành một. Ikkyu làm bài thơ sau để ca ngợi Hư Đường:
Viện chủ Hư Đường coi thường thế giới
Và cởi bỏ y áo hệt như chiếc dép vô dụng,
Không màng với “trao truyền trực tiếp” của Lâm Tế.
Khắp trời sáng rực, hát thành lời ngợi ca.
Sau khi Ikkyu rời bỏ am Nyoi-an năm 1440, sư quảng bá kiểu Thiền Lâm Tế – Hư Đường – Ikkyu năng động, lập dị tại Kyoto và vùng quê quanh đó. Vào một ngày Mồng Một Tết (cũng là sinh nhật của sư), Ikkyu gắn một đầu lâu vào gậy tre và đi vòng vòng thành phố le hét, “Coi chừng, coi chừng!” Khi dân chúng lễ hội quở trách sư là tìm cách làm hỏng ngày lễ, Ikkyu cãi lại, “Nhắc nhở tới cái chết sẽ không làm hỏng gì lễ hội,” lại thêm rằng, “Ta cũng đang ăn mừng lễ mà,” và sư đọc bài thơ này:
Trong vạn pháp
Không có gì
Thích nghi hơn
Cái đầu lâu cũ
Bị thời gian bào mòn này!
“Nếu ngươi hiểu và chấp nhận nó, thì ngươi có thể thật sự ăn mừng Năm Mới!” Ikkyu răn bảo thế.
Khi sư đang ở Sakai một năm, Ikkyu mang một thanh kiếm gỗ bên mình bất cứ khi nào.
“Tại sao sư làm thế?” dân chúng hỏi. “Thanh kiếm để giết người, và không thích hợp cho một vị sư mang theo.”
Ikkyu trả lời, “Khi nào lưỡi gươm này còn trong bao, nó trông như đồ thật và ai cũng bị ấn tượng, nhưng nếu rút ra khỏi bao và cho thấy chỉ là thanh kiếm gỗ, nó thành trò cười – cũng y hệt như Phật Giáo bây giờ, đẹp mặt ngoài, trống rỗng bên trong.”
Một lần, một thương gia giàu mời nhiều vị trụ trì và danh tăng tới dự bữa tiệc chay. Khi Ikkyu xuất hiện trong bộ y rách và đôi giày rơm nát, sư bị nhầm là gã ăn mày bình thường, nên được dẫn ra sau nhà, cho một quan tiền và bảo đi chỗ khác. Lần sau, vị thương gia lại mở tiệc, Ikkyu tới tham dự trong bộ phẩm phục màu mè. Ikkyu cởi bỏ bộ phẩm phục và đặt nó trước khay.
“Thầy làm gì thế?” vị gia chủ hỏi sư.
“Thức ăn thuộc vào bộ áo, không thuộc vào ta,” Ikkyu nói trong khi bước ra ngoài cửa.
Mỗi năm, các ngôi chùa trên Núi Tỉ Duệ (Nhật: Hiei) phơi các bộ sưu tập kinh điển, và nhiều Phật tử hành hương lên núi ngày đó để hưởng công đức. Một năm, Ikkyu có mặt nhưng sư lăn ra ngủ dưới một gốc cây gần ngôi chùa chính, và một vị sư tới la mắng sư:
“Hôm nay, chúng ta phơi các thánh điển! Không có chỗ để ngủ trưa, tên du côn phạm thánh này!”
Ikkyu trở mình và cãi, “Cái nào tốt hơn? Phật pháp trên giấy, hay Phật pháp trong thân xác? Bây giờ ta đang phơi ‘Phật pháp trong thân xác,’ nên làm ơn hãy để ta một mình!”
Cũng như với rượu và phụ nữ, Ikkyu yêu thích món ăn hải sản, đặc biệt là con bạch tuộc, và làm bài thơ sau để ca ngợi món này:
Nhiều tay, y hệt Quan Thế Aâm;
Linh thánh cho ta, vắt thêm chanh vào,
Hãy tôn kính như thế!
Vị ngon của biển, hệt như cõi trời!
Rất tiếc, thưa Phật, con không giữ được giới này.
Một dược sĩ Kyoto có phương thuốc hay để trị bệnh đau cổ, nhưng giữ bí mật công thức và bán thuốc này rất đắt. Ikkyu nghĩ thế là bủn xỉn, và tới gặp thầy lang này.
“Hàng ngàn người có thể hưởng lợi nhờ phương thuốc của ngươi,” Ikkyu nói với thầy lang. “Chỉ nghĩ tới mình thì không tốt đâu.”
Thầy lang vẫn từ chối tiết lộ công thức, nhưng khi Ikkyu một mực yêu cầu, ông cuối cùng đưa cho vị thiền sư với điều kiện là sư Ikkyu dùng công thức đó riêng cho sư, và đừng nói cho ai biết công thức. Ikkyu đồng ý như thế. Nhưng ngay khi sư về chùa, sư dựng tấm bảng viết dòng chữ:
Hỡi những ai đau khổ vì bệnh cổ! Hãy sắc thuốc theo công thức dưới đây, và ngươi sẽ tức khắc hết bệnh.
Khi thầy lang nghe chuyện đó, bèn nổi giận và chất vấn Ikkyu: “Sư đã hứa không nói cho ai mà!” thầy lang hét lên.
“Nhưng ta không hề nói gì với ai đâu,” sư Ikkyu phản đối. “Ta chỉ làm có mỗi việc là viết tấm bảng. Và ta đã làm cho ngươi một đại công đức – nếu ngươi cứ giữ công thức đó bí mật, ngươi sẽ xuống địa ngục. Ta đã cứu ngươi khỏi số phận đó.”
Thơì đại này đầy hỗn loạn, nhưng Ikkyu không chịu ngồi thụ động trong thất. Sư giao tiếp với xã hội ở mọi giai tầng và hiển lộ một phong thái Thiền dấn thân. Các nông dân bị bóc lột vì thuế cao và quan tham nhũng, và Ikkyu thường thay mặt họ, gửi các bản kháng thư bằng thơ lên các tướng quân địa phương.
Sao làm thế hoài,
Sao cứ lấy hoài
Từ ngôi làng này;
Làm họ đói
Và ngươi sẽ sống ra sao?
Có lúc, Ikkyu cũng đóng vai Robin Hood. Khi một thương gia giàu từ trần, tang gia tính làm một tang lễ lớn và đắt tiền, sư Ikkyu trích phần tiền tang lễ và chia cho dân nghèo. Khi gia đình phản đối, Ikkyu mới quở trách họ, nói, “Chỉ vài xu là đủ để trả cho người lái đò để vượt Sông Luân Hồi. Tiền đó nên xài cho người sống, đừng cho kẻ chết!”
Ikkyu đã làm bài thơ sau gửi lên các quan:
“Hãy Xóa Hết Nợ”
Bọn cướp không bao giờ cướp nhà dân nghèo;
Tài sản tư không làm lợi cho cả nước.
Tai họa sinh từ tài phú tích tập
Của những kẻ mất lương tri vì mười ngàn quan tiền.
Chính Ikkyu cũng quá quen với cảnh nghèo quá phổ biến.
“Đổi Thơ Lấy Gạo”
Một lần nữa, ta lang thang Higashiyama, bụng đói.
Khi đó, một chén cơm giá bằng ngàn vàng.
Người xưa từng đổi lời khôn ngoan lấy vài trái vải,
Nhưng ta không ghìm được lời hát ngợi ca trăng và gió.
“Biết Ơn Người Cúng Dường Nước Tương”
Buông thả và giải thoát, sống thế đã ba mươi năm
Mây Điên hành pháp Thiền riêng của mình.
Trăm hương vị làm đậm bữa ăn đơn giản của ta:
Cháo loãng và trà thô là một phần của Chơn Truyền.
Thay vì vàng bạc, Ikkyu kêu gọi Phật Tử hãy tìm đạt “Kho Tàng Hiền Nhân”:
Trân bảo của nhà thơ là chữ và câu;
Tháng ngày của học giả được ướp thơm bằng sách.
Hoa mận nở ngoài song: niềm vui tối thượng.
Bụng gầy, lạnh nhưng vui vì tuyết, vì trăng, vì sương mai.
Tấm lòng Ikkyu chăm sóc chúng sinh còn mở rộng cho cả loaì vật, và sư đôi khi làm tang lễ cho các con thú. Khi con chim sẻ của sư chết, Ikkyu viết bài văn thương tiếc:
“Tôn Quý của Rừng”
Ta đã nuôi một chim sẻ nhỏ mà ta rất thương yêu. Một hôm nó đột nhiên chết và, đau đớn vì mất mát, ta quyết định làm tang lễ cho bạn nhỏ của ta, y hệt như nó là người. Thoạt tiên, ta gọi nó là “Chim Sẻ Môn Đồ,” nhưng khi nó từ trần ta mới đổi tên nó là “Chim Sẻ Phật Đà.” Cuối cùng, ta cho nó một pháp danh hậu sự là “Tôn Quý của Rừng.” Ta làm bài thơ này để tưởng niệm:
Một thân Phật 16 bộ của tím và vàng
Nằm giữa hai cây song đôi của Niết Bàn.
Bây giờ thoát khỏi hư giả, vượt qua sinh và tử,
Nhưng hiện diện trong một ngàn núi, mười ngàn cây, và một trăm dòng suối.
Vị Thiền Sư gần với trần gian này có nhiều đụng chạm với các yamabushi (các thầy tu khổ hạnh trong núi để tìm thần thông). Một lần, một yamabushi to con, da ngăm tới nói với Ikkyu và hỏi, “Phật Giáo là gì?”
Ikkyu trả lời, “Sự thật trong nhân tâm.”
(LND. Tuy nhiên, theo tự điển Nhật-Anh Freedict.com thì chữ yamabushi có nghĩa “vị sư núi, vị sư du phương,” co’ hơi kha’c nghĩa với chú thích trong ngoặc trên của John Stevens. Theo văn mạch, chữ yamabushi này nhiều phần chỉ cho vị sư Mật Tông ẩn tu trong núi.)
Vị yamabushi rút ra một dao găm bén nhọn, và chĩa vào ngực Ikkyu. “Vậy thì, chúng ta hãy cắt ngực để lấy tâm sư ra mà xem.”
Không nao núng, Ikkyu đáp trả bằng bài thơ:
Chẻ ra
Các cây anh đào của Yoshino
Và nơi đâu ngươi sẽ tìm
Các chùm hoa
Nở ra hết xuân này rồi xuân kia?
Một lần khác, một yamabushi gặp Ikkyu trên một đường núi.
“Thầy đang đi đâu, vị Thiền sư khả kính này?” vị yamabushi dò hỏi.
“Bất cứ nơi nào gió mang ta tới,” Ikkyu nói với vị này.
“Chuyện gì xảy ra khi không có gió?”
“Thì ta tự làm gió,” Ikkyu nói với tiếng cười khi sư thổi vào ống sáo tre.
Ikkyu một lần trên chiếc đò, thì một thầy yamabushi thách thức.
“Trong Thiền Tông, các sư không có thần thông như chúng tôi bên các phái mật tông.”
“Ngược lại chứ,” Ikkyu đáp, “Trong Thiền, việc mỗi ngày đều là thần thông.”
“Vậy sao?” Vị yamabushi cười nhạo. “Sư làm hơn thế này được không?”
Sau khi thực hiện một nghi lễ rườm rà, vị yamabushi triệu lên một hình ảnh dữ tợn của Fudo Myo-o, vị thần bảo vệ dữ dằn, vào nơi mũi ghe. Sư Ikkyu lập tức vén quần đái vào linh ảnh kia và dập tắt đi.
“Đây mới là thần thông ra từ thân ta,” sư nói.
Vào lúc đó, chiếc đò đã tới bờ, nơi một con chó đang chạy tới lui và sủa hung bạo về các khách đi đò. Vị yamabushi, cầm xâu chuỗi và đọc câu thần chú, tìm cách ếm một câu chú vào con chó, nhưng con chó cứ sủa hoài. Sư Ikkyu rút từ tay áo ra mẩu bánh nếp, trao cho chó, và rồi vỗ vỗ vào đầu nó trong khi các hành khách khác xuống đò bình yên.
Mặc dù Ikkyu không bao giờ muốn có đệ tử, và thực sự đã xua đuổi những người tìm sư, nhưng chung quanh sư vẫn liên tục có các môn đồ mà họ lớn dậy nhờ vào sự đơn giản và tu tập thuần túy họ học từ sư. Như chính sư nói, “Tinh tấn tu học là cốt tủy của chư Phật và chư Tổ; Phật là tu thành, chứ không phải sinh là Phật.”
Tuy nhiên, một số người hiểu nhầm sư. Ikkyu có một đệ tử bắt chước y chang kiểu hoang dã của Ikkyu, ngủ trên bàn thờ giữa các ảnh tượng Phật, và lấy giấy xé từ kinh điển ra làm giấy cầu tiêu. Sư Ikkyu mới triệu người đó tới và hỏi, “Ngươi nghĩ rằng ngươi là Phật?”
“Vâng,” vị đệ tử đáp. “Chúng ta đều là Phật – thầy cũng đã nói thế.”
“Nếu ngươi là Phật, thì sao lại sử dụng mấy thứ bẩn như giấy kinh làm giấy nhà tiêu? Không phải vị Phật xứng đáng thứ gì tốt hơn, thí dụ như giấy trắng, sạch?” Ikkyu rồi hỏi. “Hãy cho ta nghe bài thơ chứng ngộ của ngươi.”
Vị đệ tử đáp:
Ngồi trong thiền tọa
Nơi Các Cây Cầu Đại Lộ Số Bốn
Và Số Năm;
Mọi người đi ngang qua,
Với ta, chỉ những cây trong rừng sâu.
“Chưa được!” Sư Ikkyu hét lên, và đọc liền bài sửa lại:
Ngồi trong thiền tọa
Nơi Các Cây Cầu Đại Lộ Số Bốn
Và Số Năm;
Mọi người đi ngang qua,
Với ta, chỉ như họ là!
Sau chuyện này, vị đệ tử đó ngưng bắt chước kiểu của thầy.
Năm 1444, có một hiểm họa nghiêm trọng đối với sự độc lập của chùa Daitoku-ji, và Ikkyu đã liên kết với Yoso, người mà Ikkyu không ưa, trong nỗ lực ngăn cản việc bổ nhiệm Nippo (1368-1448) vào chức trụ trì Daitoku-ji. Sư Nippo thuộc nhóm đối thủ bên chùa Myoshin-ji, nơi được hỗ trợ bởi vị Tướng Quân, trong khi chùa Daitoku-ji được hỗ trợ bởi Hoàng Đế. Ikkyu và Yoso còn diễn tập một kịch bản về mặt thể lý (sư Ikkyu sẽ đứng chận cổng) và về mặt tâm lý (họ sẽ đưa các câu hỏi chận lại) để ngăn Nippo không nắm chức trụ trì. Các nỗ lực đó vô ích, bởi vì Nippo được hỗ trợ bởi dòng tộc Hosokawa đầy thế lực, các tay chân của Tướng Quân, và người lấn chiếm từ chùa Myoshin-ji sau cùng đã lên nắm trụ trì. Tuy nhiên, các sư chùa Daitoku-ji vẫn tiếp tục kháng cự Nippo, và năm 1447, khi một trong các sư tự tử, nhiều vị sư bị bắt giam vào tù. Những chuyện này thì quá sức cho Ikkyu, nên sư rút về Núi Yuzuriha, phát nguyện nhịn đói tới chết để phản đối:
Ta xấu hổ vẫn còn sống –
Ta tu Thiền và học Đạo quá lâu nhưng vẫn còn thứ cặn này
Chánh Pháp của Phật đã bị quét đi và hủy diệt,
Để thay bằng các Ma Vương cao trăm thước.
Hoàng Đế Go-Hanazono (khoảng 1429-64) ra lệnh cho một sứ giả tới thuyết phục Ikkyu:
Nếu thầy khả kính tiếp tục nhịn đói, cả Phật Đạo và Vương Đạo sẽ hoại diệt. Sao thầy nỡ bỏ chúng ta? Sao thầy nỡ bỏ đất nước?
Có lẽ bởi vì trước đó sư đã thu hút được sự quan tâm của Hoàng Đế (và hoàn cảnh sau đó có cải thiện chút đỉnh ở chùa Daitoku-ji), Ikkyu được cung thỉnh rời bỏ cuộc tuyệt thực.
Khoảng năm 1450, thỏa hiệp tạm giữa Ikkyu và Yoso sụp đổ, và sự mâu thuẫn cũ lại về. Nhiều đệ tử của vị sư già Yoso đã rời bỏ thầy để xin nhập tăng đoàn của Ikkyu – điều này đổ thêm dầu vào lửa. Năm 1453, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi phần nhiều chùa Daitoku-ji và khi một trong các đệ tử của sư Yoso được bổ nhiệm làm trụ trì, thì Ikkyu lại thêm giận. Năm kế tiếp, Ikkyu và Yoso chạm mặt nhau, với Yoso tố giác Ikkyu là đã ném “nước bẩn” vào mặt vị thầy Kaso của họ bằng thái độ hoang dại và cứ chỉ trích hoài các người nối pháp hợp pháp của sư Kaso. Ikkyu đáp trả rằng các học trò của Yoso không bao giờ nhắc tới cơn đói và sự gian nan mà Daito và các vị tổ khác của chùa Daitoku-ji đã chịu đựng khi tìm tòi pháp Thiền chân thật, nhưng lại ẩn trú trong ảnh hưởng họ có nhờ các quý tộc và tướng quân, và các dinh phủ lớn đã xây lên nhân danh họ.
[Ikkyu] nói về trí tuệ tối thắng của Daito
Nhưng tiếng chuông xe ngựa hoàng gia đã đắm chìm sư
Và không ai còn nghe chuyện của chư Tổ
Nhiều năm đói và vô gia cư ở Cầu Đại Lộ Số Năm.
Sau cuộc chạm trán nảy lửa đó, không ai nói với ai nữa, mặc dù Ikkyu vẫn giữ kiểu tấn công trong các bài thơ châm chọc và các tuyên bố công khai. Ikkyu, của tất cả mọi người, còn lên án Yoso đã dính dáng với phụ nữ, và sư hài lòng khi Yoso viên tịch năm 1458 về điều mà Ikkyu nói có thể chỉ là bệnh cùi, sự đền đáp công bằng đối với bọn tà giáo và gian ác. Quá chán với cuộc tranh cãi với Yoso và đệ tử vị này, từ năm 1461 Ikkyu tạm thời rời bỏ Thiền Tông và có vài tháng gia nhập Tịnh Độ Tông.
Mây Điên là con quỷ trong dòng pháp của Daito,
Nhưng hắn ghét kiểu cãi cọ địa ngục này.
Công án cũ và truyện tích xưa để làm gì?
Than phiền vô ích. Ta chỉ dựa vào ngọc quý trong ta thôi.
Lý do nào mà Ikkyu ghét Yoso như thế? Hai sư đã kình nhau từ hồi cùng là đệ tử của Kaso, và Ikkyu chắc chắn đã cảm thấy rằng mình tài năng hơn Yoso, sư huynh hơn tuổi đạo. Nhưng Yoso là người được chính thức công nhận là đại đệ tử của Kaso và hai lần được bổ nhiệm làm trụ trì Daitoku-ji. Cũng chính Hoàng Đế đã trao tặng Yoso danh hiệu “The Wise One, Great Light Zen Master” (có thể dịch là: Trí Giả Phổ Quang Thiền Sư. LND). Sư Ikkyu đã chơi chữ để biến danh hiệu đó thành, “The Filthy One, Burning with Lust Zen Master” (tạm dịch: Thiền Sư Nhơ Bẩn, Bị Tham Dục Đốt Cháy).
Một nguồn mâu thuẫn khác còn là cá tính của họ, vốn trái nghịch nhau: Ikkyu thì lanh lợi, quyết liệt, không thỏa hiệp; còn Yoso thì hòa giải, dè dặt và bảo thủ. Đối với Ikkyu, sư Yoso, bất kể mọi vinh dự trần gian, thì không hơn gì một búp-bê thầy tu, vắng bặt hiểu biết và cảm hứng chân thật, và Yoso hiện thân cho mọi thứ mà Ikkyu ghét cay ghét đắng trong thế giới của Thiền. Tuy nhiên, sự thù nghịch của Ikkyu lại có vẻ quá độ và bộc lộ một khuyết điểm trong cá tính sư.
Bởi vì Ikkyu sống trong một trong những thời hỗn loạn nhất lịch sử Nhật Bản – một chu kỳ liên tục của đói kém, dịch bệnh, cướp gạo, và chiến tranh – có lẽ sự thiếu bao dung của sư có thể hiểu được. Bên cạnh cái chết và sự hủy diệt xảy ra quanh sư, Ikkyu liên tục có các xô xát với các sư đương thời, tố giác họ là đã làm hư hỏng Phật Giáo vì lợi dưỡng và danh vọng. Với môi trường u ám như thế, vào năm, nhà sư bi quan 63 tuổi này đã sáng tác bản văn Bộ Xương (Gaikotsu), và bài này trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của sư và vẫn còn được đọc và nghiên cứu bây giờ:
Những nét mực Ấn Độ này hiển lộ toàn bộ sự thật.
Các đệ tử, hãy ngồi tinh tấn tọa thiền, và ngươi sẽ chứng ngộ rằng vạn pháp sinh khởi trong thế giới này vốn thật rỗng lặng, kể cả chính ngươi và bản lai diện mục của các pháp. Vạn pháp thực sự xuất sinh từ tánh không. Cái vô tướng tối sơ là “Phật,” và mọi chữ gọi tương tự – Tánh Phật, Cõi Phật, Đấng Giác Ngộ, Tổ Sư, Thiên Đế – chỉ đơn giản là các tên gọi khác nhau của cùng tánh không đó. Hiểu sai điều này, và ngươi sẽ rơi vào địa ngục.
Lòng đầy những chán sợ và mong mỏi tự giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, ta đã xuất gia và lên đường. Một đêm, khi ta đang tìm một nơi để nghỉ, thì gặp một ngôi chùa nhỏ. Chùa này dưới chân nuiù, xa đường chính, như dường lạc trong Đồng Bằng An Nghỉ. Ngôi chùa nằm trong một cánh đồng những nấm mồ, và đột nhiên một bộ xương trông tội nghiệp xuất hiện và nói thế này:
Gió thu buồn thảm
Thổi xuyên thế giới;
Cỏ dại rạp mình,
Khi chúng ta dạt về đồng hoang,
Dạt về biển.
Có thể làm gì
Với tâm của người
Đáng lý ra phải tỏ sáng
Nhưng anh lại mặc vào chiếc áo nhà sư,
Và cứ để cuộc đời trôi qua sao?
Vạn pháp thành không bằng cách trở về tận gốc. Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền nhìn vách, nhưng không một niệm nào khởi trong tâm Tổ Sư có thực tướng tí nào. Tương tự cũng thế với 50 năm thuyết pháp của Phật. Tâm không buộc vào các pháp nhân duyên như thế.
Những trầm ngâm như thế làm ta không an, và không thể ngủ được. Rạng sáng, ta ngủ gà ngủ gật, và trong mơ thấy mình bao quanh bởi một bầy bộ xương, làm như thể chúng vẫn đang còn sống. Một bộ xương bước tới và nói:
Trí nhớ
Bỏ Chạy và
Không gì nữa.
Tất cả là mộng huyễn
Không nghĩa gì.
Làm trái tánh thực chư pháp
Và nói nhảm về
“Thiên Đế” và “Phật”
Và ngươi sẽ không bao giờ tìm ra
Đạo chân thật.
Vẫn đang thở,
Ngươi cảm thấy sinh động,
Nên một cái xác trong cánh đồng
Như dường đã
Xa lìa khỏi ngươi.
Ta thích bộ xương này -- hắn đã từ bỏ thế giới để tìm sự thật và đã trải qua từ các nông cạn tới các chiều sâu. Hắn nhìn thấy mọi chuyện rõ ràng, như chúng là. Ta nằm đó với gió trong rừng thông rì rào bên tai ta, và ánh trăng thu nhảy múa trên mặt ta.
Cái gì không phải là mơ? Ai sẽ không trở thành một bộ xương? Chúng ta xuất hiện như các bộ xương được bọc bằng da – nam và nữ – và ái dục theo lẫn nhau. Khi hơi thở ngừng, thì làn da hư nát đi, tính phái biến mất, và không có dấu hiệu cao thấp gì nữa. Dưới làn da của người mà chúng ta đã vuốt ve mơn trớn bây giờ không hơn gì một nắm xương trơ trụi. Hãy nghĩ về điều đó – cao và thấp, trẻ và già, nam và nữ, tất cả như nhau. Hãy tỉnh ngộ đối với chuyện lớn này, và ngươi sẽ tức khắc hiểu ý nghĩa của “không sanh và không diệt.”
Nếu những tảng đá
Có thể dùng làm đài tưởng niệm
Cho người chết,
Thì một bia mộ tốt hơn
Sẽ là một hũ đựng cốt đơn giản.
Con người thực sự là các sinh vật đáng sợ.
Mặt trăng đơn lẻ
Sáng, tỏ
Trong bầu trời không mây;
Nhưng chúng ta vẫn vấp té
Trong bóng tối của thế giới.
Hãy nhìn kỹ – hãy ngưng hơi thở, bóc ra làn da, và mọi người trông giống nhau thôi. Bất kể ngươi sống lâu bao nhiêu, kết quả vẫn thế [ngay cả với các hoàng đế]. Hãy dẹp bỏ cái kiến chấp rằng “Ta hiện hữu.” Hãy trao thân ngươi cho các đám mây gió thổi, và đừng mong cầu sống vĩnh cửu.
Thế giới này
Chỉ là
Một giấc mơ phù du
Thế tại sao lại đề phòng
Tính hoại diệt của nó?
Tuổi thọ của ngươi đã định, và mọi thứ nài nỉ chư thiên kéo dài [thọ mạng của mình] cũng vô ích. Hãy chú tâm ngươi vào một chuyện lớn này [của sinh tử]. Cuộc sống kết thúc ở cái chết, đó là cách mà vạn pháp vẫn thế.
Tính vô thường của đời sống
Dù đớn đau,
Dạy chúng ta
Đừng bám vào
Cái thế giới trôi nổi này.
Tại sao chúng sinh
Trang sức hoang phí
Trên nắm xương này,
Vốn sẽ biến mất
Không một dấu vết?
Thân nguyên thủy
Phải trở về
Nơi nguyên thuỷ.
Đừng tìm kiếm
Những gì không thể tìm được.
Không ai thực sự biết
Bản tánh của sự sinh
Cũng như trú xứ chân thực.
Chúng ta trở về nguồn
Và trở về cát bụi.
Nhiều đường từ
Chân núi,
Nhưng nơi đỉnh
Chúng ta đều nhìn thấy
Chỉ một mặt trăng sáng.
Nếu tận cùng chuyến đi chúng ta
Không có nơi
An nghỉ cuối cùng,
Thì chúng ta không cần sợ
Mất Đường (Đạo) của mình.
Không khởi đầu,
Không chấm dứt.
Tâm chúng ta
Thì sanh diệt:
Cái không của cái không!
Hãy thư giãn,
Và tâm
Chạy lung tung;
Hãy kiểm soát thế giới
Và ngươi có thể dẹp nó đi.
Mưa, mưa đá, tuyết, và băng:
Tất cả khác nhau,
Nhưng khi chúng rơi xuống
Chúng trở thành cùng thứ nước
Như dòng suối trong thung lũng.
Những pháp môn để hiển lộ
Tâm thì có nhiều,
Nhưng cùng sự thật linh diệu đó
Có thể được thấy
Trong tất cả và trong mỗi pháp.
Hãy che lối ngươi đi
Bằng các lá thông rơi
Để không ai có thể
Dò tìm ra
Nơi an trụ chân thật của ngươi.
Thật hư huyễn,
Những tang lễ vô tận ở
Các sân hỏa thiêu của Núi Toribe!
Không phải những người khóc
Nhận thức rằng họ sẽ ra đi kế tiếp?
“Đời sống vô thường!”
Chúng ta nghĩ thế khi nhìn thấy
Khói bay từ Núi Toribe,
Nhưng khi nào chúng ta sẽ thấy
Rằng chúng ta trên cùng ghe?
Tất cả đều hư huyễn!
Sáng nay,
Một người bạn khỏe mạnh;
Tối đó,
Đã thành một làn khói lò thiêu.
Thật tội nghiệp!
Khói đêm từ Núi Toribe
Thổi ào ạt
Tới và lui
Bởi làn gió.
Khi bị thiêu,
Chúng ta trở thành tro,
Và thành đất khi bị chôn.
Chỉ còn duy có tội chúng ta
Là vẫn còn theo sau?
Tất cả tội
Đã phạm
Trong Ba Cõi
Sẽ tan theo
Cùng với tôi.
Đó là kiểu cách của thế giới. Những ai không nắm được tính vô thường của thế giới thì ngạc nhiên và kinh hãi vì sự thay đổi như thế. Bây giờ ít người chịu tìm sự thật Phật Giáo, và các tự viện phần lớn trống vắng. Các sư bây giờ hầu hết dốt nát mê muội, và tránh tọa thiền vì cho đó là phiền phức; họ lạc lõng trong thiền định, thay vào đó là tập trung vào làm đẹp chùa chiền. Tọa thiền của họ chỉ là trò giả vờ, và họ chỉ đơn giản giả trang làm sư – bộ y họ mặc sẽ tới ngày biến thành bộ trang cụ tra tấn.
Trong cõi sinh và tử, sát sanh sẽ rơi vào địa ngục; tham lam sẽ dẫn đi tái sanh làm ma đói; si mê sẽ dẫn ngươi đi tái sanh làm thú vật; sân hận biến ngươi thành quỷ. Hãy giữ giới, và ngươi sẽ tái sanh làm người. Hãy làm thiện và ngươi sẽ lên cõi chư Thiên. Trên sáu cõi này là có bốn tầng Phật trí, cùng với mười phương cảnh giới. Tuy nhiên, một niệm giác ngộ sẽ hiển lộ chúng tất cả đều là vô tướng, với không có gì ở chặng giữa, và không có gì để bị khinh ghét, sợ hãi hay thèm muốn. Các pháp được thấy như không gì khác hơn đám mây rôí bời trong hư không rộng lớn, hay là bọt nước trên đại dương. Không niệm nào khởi trong tâm, sẽ không có pháp nào được dựng lập. Tâm và vật là một, nhưng vẫn tuyệt đối tánh không.
Sinh khởi của người như lửa – người cha là viên đá lửa, người mẹ là đá, và tia lửa sinh ra là đứa bé. Lửa được khởi lên với thành tố căn bản, và cháy cho tới khi cạn hết dầu. Cha và mẹ giao hoan sinh ra tia lửa đời sống. Bởi vì cha mẹ không có khởi đầu, họ cũng từ chớp lửa ra; vạn pháp sinh ra từ không – nguồn cội của tất cả hình tướng. Hãy tự giải thoát ngươi ra khỏi hình tướng, và trở về bản thể. Từ bản thể này, đời sống lưu xuất ra, nhưng cũng hãy xả bỏ chúng luôn.
Hãy chẻ ra
Một cây anh đào
Và không thấy hoa đâu,
Nhưng ngọn gió xuân
Thổi tới mưa hoa khắp trời!
Không một chiếc cầu
Mây trèo lên vô tâm
Tới trời;
Không cần gì dựa vào
Bất cứ gì Phật Thích Ca đã dạy.
Phật Thích Ca giảng Pháp trong 50 năm, và khi Ngaì Ca Diếp hỏi đâu là chìa khóa giáo pháp, Phật đáp, “Từ đầu tới cuối, ta chưa từng nói một lời,” và cầm lên một đóa hoa. Ngài Ca Diếp mỉm cười, và Phật trao ngài hoa, nói, “Ngươi đã được Chánh Pháp Diệu Tâm rồi.” Ca Diếp hỏi, “Như lai muốn nói gì?” Đức Phật nói với ngài, “Năm mươi năm giảng pháp của ta chỉ để triệu ngươi tới gần thôi, hệt như người ta thu hút một đứa trẻ vào tay họ với lời hứa tặng thưởng.”
Bông hoa này của Phật Pháp không có thể được mô tả trong những lời nói, thể chất hay tinh thần. Nó không phải vật chất hay tinh thần. Nó không phải kiến thức thông minh. Pháp của chúng ta là Bông Hoa của Nhất Thừa, chở tất cả chư Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Nó giữ 28 tổ sư Ấn Độ và 6 tổ sư Trung Hoa; nó là bản thể nguyên thủy – tất cả ở đó. Vạn pháp đều không có khởi đầu, và thế nên tất cả dung chứa nhau. Tám thức, bốn mùa, tứ đại (đất, nước, gió, lửa), tất cả xuất sinh từ không, nhưng chỉ vài người chứng ngộ nó. Gió là hơi thở, lửa là hoạt động, nước là máu; khi thân xác bị chôn hay thiêu, nó thành đất. Nhưng các yếu tố này cũng không có khởi đầu, và cũng không thật có.
Trong thế giới này,
Vạn pháp, không ngoại lệ,
Đều không thật.
Tự thân cái chết
Là một huyễn ảo.
Mê vọng làm cho nó trông như là thân xác chết đi, mà tâm thức còn lại – đây là sai lầm tai hại. Người giác ngộ nói rằng cả thân và tâm đều cùng hoại diệt. “Phật” chính là tánh không, và trời và đất đều trở về bản thể. Ta đã gác qua một bên 80,000 bộ kinh, và đã cho ngươi cốt tủy trong cuốn sách mỏng này. Điều này sẽ mang cho ngươi đại an lạc.
Viết lại gì
Để lại đời sau
Cũng là một loại giấc mơ.
Khi ta thức dậy, ta biết rằng
Sẽ không có ai để đọc nó.
Phật Giáo của Ikkyu không luôn luôn u tối và ảm đạm như thế; ngay cả vào các thời kỳ tệ hại nhất, vẫn có những giai đoạn tràn ngập ánh sáng và được rực sáng với vẻ đẹp siêu phàm. Sư một lần đã viết, “Niềm vui mừng hân hoan giữa khổ đau là dấu ấn của tông phái của Ikkyu.”
Sự trân trọng – sự hân thưởng – cái đẹp trong mọi hình thức của nó thì nằm ngay trung tâm thông điệp của Ikkyu, và trong nhiều cách thì chính sư là cha già của nghệ thuật Thiền.
Với ngoaị lệ của bài Bộ Xương, các tác phẩm văn xuôi của Ikkyu lại có tính mô phạm và truyền thống một cách đáng kinh ngạc, nhưng chính thơ Thiền dữ dội của sư mới là cái đẹp nhất của thể loại này. Ikkyu biết rõ rằng các thiền sư cổ thời đã lên án văn chương là trò chơi địa ngục:
Các sư bây giờ khổ công để tìm
Một câu thơ đẹp và lấy danh là thi sĩ tài ba.
Nơi lều của Mây Điên, không có tài năng,
nhưng có nhiều mùi vị
Khi sư nấu sôi một chén gạo trong chiếc nồi cũ móp méo.
Dù vậy, nỗi ám ảnh của Ikkyu với thi ca không biến mất:
Vui và buồn; thương và ghét; sáng và tối; nóng và lạnh;
Hạnh phúc và giận dữ; ta và người.
Sự hân thưởng vẻ đẹp thi ca có thể dẫn tới địa ngục.
Nhưng hãy nhìn cái chúng ta gặp dọc bên đường:
Hoa mận và hoa anh đào!
Những kiểu thơ khô khan, chữ xài khéo léo, và giả vờ như văn chương sẽ chỉ làm cho Thiền chết ngạt. Nhưng các bài thơ “điên” của Ikkyu lại là hiển lộng của Thiền. Sư đã tự hiển lộ mình hoàn toàn trong các dòng thơ lưu xuất tự nhiên, hoang dã, ghi lại cái ngây ngất và tuyệt vọng của sư; những thương và ghét của sư, cái cõi Phật và cái tính người của sư, với sự chân thật tự nhiên và phong thái trực tiếp cần có của Thiền chân thật.
Hầu hết các bài thơ của Ikkyu được viết trong thể thơ Trung Hoa (kanshi), nhưng sư cũng làm theo thể thơ Nhật Bản (waka) và đã ảnh hưởng lớn vào Sogi (1421—1502), một khuôn mặt chính trong lịch sử thi ca Nhật, người đã học Thiền với sư và đã đón nhận phong thái của Ikkyu: tinh tế nhưng quyết liệt, trực tiếp, và thâm sâu. Ikkyu cũng có thể được xem như vị thánh tổ của các thể thơ haiku, thể thơ senryu châm biếm, và thể thơ tự do kyuka, được thiết lập về sau. Loại thơ nối nhau – các bố cục ứng biến mà một nhà thơ sẽ bắt đầu bài thơ với hình thức 5 âm/ 7 âm / 5 âm để được ráp vào đoạn thơ 7 âm/ 7 âm làm bởi nhà thơ khác – kiểu đã khai sinh ra thơ haiku, loại lúc đầu có thơ 5/7/5 âm được đưa ra độc lập, như một hiển lộ ngọt ngào nhất và ngắn nhất của sự thật Phật Giáo, một hình thức quyết liệt của “tiếng hét Thiền” mà Ikkyu luôn luôn cổ vũ. Như trường hợp Ikkyu, trong đời sống và trong văn chương, đã cho thấy nhiều tiền lệ và cảm hứng cho kiểu châm biếm cay đắng của thể thơ senryu, và kiểu lập dị của kyoka, “thơ điên khùng.”
Tại miền Viễn Đông, thư pháp được xem là bộ môn nghệ thuật tối cao, và nét cọ của Ikkyu thì không ai ngang hàng về sự dữ dội và nét phóng túng hoang dại. Nó vạch xuống với năng lực mạnh mẽ, và lưu chảy như một loạt của những đột biến, sống động và quyến rũ. Thư pháp của Ikkyu đòi hỏi sự chú ý tận lực của người xem, và người ta có thể đón nhận một cảm xúc thật sự về chiều sâu Thiền của Mây Điên, khi nhìn vào nét cọ của sư.
Ikkyu cũng vẽ, và đã là người giúp hình thành trường phái Soga. Các tranh vẽ mực đơn giản và nghiêm túc của sư cũng thu hút người xem, mặc dù chúng thường ở khổ nhỏ hơn các bức thư pháp của sư. Ikkyu là vị đầu tiên vận dụng toàn bộ thư pháp và họa pháp để chuyên chở giáo lý Thiền. Từ Ikkyu về sau, thư pháp và họa pháp – những bài giảng qua nhãn thức – đã trở thành một hình thức chủ yếu của “phương tiện thiện xảo” dùng bởi tất cả các vị thầy lớn để gợi hứng và hướng dẫn các Thiền sinh.
Dưới đây là vài trường hợp về cách thư pháp có thể trở thành khí cụ cho Thiền. Một nông dân thật thà, chất phác một hôm tìm sư Ikkyu với câu hỏi: “Một số thầy nói với chúng con là khi chết, chúng con sẽ về cõi Tịnh Độ. Các thầy khác nói là chúng con sẽ tái sanh, thành người hay thú tùy theo việc thiện hay ác mà chúng con làm trong đời. Sự thật thế nào?” Ikkyu viết liền bài thơ sau trong kiểu chữ kana dễ đọc để nông dân này về treo trong phòng:
Nếu không có ai
Trước khi người
Ra đời,
Thì sẽ không có nơi nào
Để về khi chết.
Nông dân này về treo tấm thư pháp, và mỗi sáng ông tọa thiền trước tác phẩm này. Một hôm, ông hiểu được thông điệp: Hãy sống trong cái bây giờ và ở đây, và đừng lo gì khác nữa!
Một lần khác, một cửa tiệm bán quạt của một cặp vợ chồng già đột nhiên ế ẩm, và họ gặp cơ nguy thua lỗ toàn bộ, nên họ tới gặp Ikkyu để xin giúp đỡ. Sư nói với họ, “Hãy nhận ta làm con nuôi trong vài ngày đi.” Họ làm thế, và Ikkyu đặt một tấm bảng ra trước cửa tiệm của họ: “Ikkyu đã được làm con nuôi trong gia đình này, và để ăn mừng, ngày mai sư sẽ ký tên vào bất kỳ cái quạt nào bán ra nơi đây.” Tin này lan mau như cháy rừng, và hôm sau cửa tiệm tràn ngập người vào mua. Cặp vợ chồng già chỉ trong một ngày bán được tương đương thương vụ trọn năm, và cửa tiệm khỏi bị đóng cửa.
Vị trụ trì của Núi Hiei cũng đòi vài tấm thư pháp từ Ikkyu cho ngôi chùa, nhưng Ikkyu thấy vị trụ trì khá huênh hoang, nên sư đưa vị này một mảnh giấy với các nét nguệch ngoạc không đọc nổi. Khi vị trụ trì lễ phép xin sư gom hết tất cả giấy mà sư có thể và dùng nét cọ nào lớn nhất có được. Ikkyu mới đem giấy dán dính vào nhau thành một tờ giấy dài kinh khủng, nối từ bờ núi bên này sang bờ núi bên kia. Sư lấy cọ nhúng mực, vẽ vào giấy một lằn dài, rồi nhúng cọ tiếp vào mực, chạy trở lại từ bờ kia.
“Có nghĩa gì thế?” vị trụ trì hỏi lúng túng.
“Dĩ nhiên, chữ shi,” Ikkyu nói với nụ cười. (Đây có lẽ là mẫu tự đơn giản nhất trong bộ mẫu tự kana Nhật Bản.)
Aûnh hưởng của Ikkyu trên sado, tức Trà Đạo, thì sâu thẳm và bền vững. Ikkyu tin rằng hành vi sửa soạn và uống trà phải tự thân là Thiền trong hành động; và nghi lễ trà đã vượt qua một thú vui rãnh rỗi hay là một cơ hội trưng bày các cổ vật đắt giá nhập cảng từ Trung Quốc. Uống trà phải đặt vào trong mỹ học Thiền: furyu (ý thức sâu thẳm về bản tánh), wabi (vẻ đẹp mộc mạc, sự hân thưởng những gì tự nhiên và không trang điểm), sabi (hân thưởng những gì già dặn và tinh khiết, cô đơn và tịch tĩnh), và shibui (sự cô đọng và tự chủ). Ikkyu còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng nghi lễ trà nên hòa hài cái đẹp nhất của phong thái Trung Hoa và Nhật Bản.
Là người đầu tiên đặt làm các bộ đồ sứ thích nghi cho Trà Đạo từ các lò gốm địa phương, sư Ikkyu cũng đã đẩy xa thêm nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản. Ikkyu là thầy của Murata Shuko (1422-1502), vị Trà Sư chính thức đầu tiên của Nhật, và cuộn giấy mà Ikkyu trao tặng Shuko trong đó là thư bản của Thiền sư Trung Hoa Yuan-wu (Nhật: Engo; Việt: Viên Ngộ; 1063—1135) là tấm thư pháp treo trong buổi lễ uống trà đầu tiên của Shuko. Việc này đã mở đầu cho phong tục treo một tác phẩm của một Thiền sư trong phòng khi làm lễ Trà Đạo. (Bức thư pháp đó vẫn còn được trân quý như tổ sư của tất cả nghệ thuật về trà Thiền.) Shuko và nhà sư Jotei (có người đồn sư này là con trai của Ikkyu) đã truyền các lý tưởng này sang cho Takeno Joo (1502—55), vị này lại truyền tiếp cho Sen no Rikyu (1522—91), tổ sư của các trường phái hiện đại về trà đạo ở Nhật Bản.
Nhà nghệ sĩ lừng lẫy về môn kịch Noh là Konparu Zenchiku (1405—68) đã học Thiền với Ikkyu để cải thiện tâm hồn và cách trình diễn kịch. Từ đó, Thiền được gắn liền với kịch nghệ Noh: vị nghệ sĩ chính yếu phải chụp bắt sự vắng lặng tuyệt đối ngay giữa các chuyển động và phải hài hòa tâm và thân của mình với ban đồng ca và khán thính giả làm sao để tất cả trở thành một thể. Hai vở kịch Noh, Eguchi và Yamauba, cũng đã được ghi công sáng tác – mà không có chứng cớ cụ thể – cho sư Ikkyu.
Ikkyu cũng biết tới vẻ đẹp tinh tế của tình yêu. Mối tình kéo dài từ tháng Năm tới tháng Mười Hai giữa người nữ nhạc sĩ trẻ và mù tên là Mori Phu Nhânvới vị sư trụ trì già là một trong những chuyện được biết nhiều nhất trong lịch sử Nhật Bản. Khi sư lần đầu gặp cô, Ikkyu viết:
Người đẹp nhất và chân thật nhất trong các phụ nữ;
Các bài ca của nàng là tình khúc trong sáng, tươi tắn.
Giọng ca và nụ cười ngọt ngào làm xé tim ta:
Ta ở trong cánh rừng táo dại yêu thương giữa mùa xuân .
Say mê trong tuyệt vọng, hai người gắn bó không rời.
Mỗi đêm, Cô Mù Mori bên ta trong tiếng hát.
Dưới màn che, hai con vịt tàu thì thầm với nhau.
Chúng ta hứa bên nhau vĩnh viễn,
Nhưng bây giờ lão già này vui hưởng mùa xuân vĩnh cửu.
Bên sông hay biển, hay trong núi,
Một người của Đạo xa lánh tiếng tăm và tài sản.
Đêm này qua đêm kia, chúng ta cặp tình nhân sát vào nhau trên thiền sàng,
Lạc vào giỡn cợt, nói thương yêu, và vui khoái lạc.
Ikkyu sau đó có một đứa con với Mori, và sư làm bài thơ này cho con gái:
Ngay giữa những vẻ đẹp, cô bé đã là viên ngọc quý,
Một công chúa bé nhỏ trong thế giới tội nghiệp này.
Bé là kết quả tất nhiên của tình yêu chân thật,
Và một Thiền sư không ngang hàng nổi với cô bé!
Trong khi việc Ikkyu đóng góp cho các môn nghệ thuật mang Thiền tính đã có nhiều ảnh hưởng trong lứa tuổi 60s và 70s của sư, thì hoàn cảnh đen tối và tuyệt vọng tại Kyoto tệ hại thêm. Trong Cuộc Chiến Onin kéo dài mười năm vô nghĩa (1467—77), Kyoto bị phá hủy và bỏ hoang cho những thây người chết. Cả hai ngôi chùa Katsuro-an và Daitoku-ji đều bị hỏa thiêu trong năm đầu chiến cuộc, và Ikkyu lúc đầu phải di tản về Shuon-an, một ngôi chùa nhỏ mà sư đã thành lập, và rồi tản cư về các am thất khác trong khu vực. Ikkyu thường xuyên bệnh trong 2 thập niên cuối đời, bị lây cả dịch tiêu chảy tệ hại.
Trong một hướng chuyển hoàn toàn cho cả Ikkyu và hệ thống tự viện, nhà sư báng thần phạm thánh “Mây Điên” được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Daitoku-ji năm 1474, khi sư 80 tuổi. Bất kể việc sư căm ghét các nhà sư vờ vĩnh, cái Phật Giáo định chế và cái chủ nghĩa hình thức Thiền, Ikkyu vẫn trân quý các lý tưởng nguyên khởi của chùa Daitoku-ji, và sư không muốn sự hiện hữu vật lý của nó biến mất khỏi thế giới. Với toàn bộ khu vực chùa đã đổ nát, ngôi tự viện không còn nơi nào khác để xoay trở. Ikkyu ý thức về sự mâu thuẫn:
“Khi Trở Thành Trụ Trì Daitoku-ji”
Con cháu của Daito đã gần như làm tắt ngọn đèn của ngài;
Sau đêm lạnh, dài như thế, cơn giá buốt sẽ khóa tan vào với các bài tình ca của ta.
Trong 50 năm, một gã lang thang đội nón, mặc áo tơi rơm,
Bây giờ bị hành xác làm vị trụ trì mặc y tím.
Ikkyu nghiêm túc trong việc xây lại chùa Daitoku-ji, nhưng không có vẻ đổi lối sống. Sư tự cho phép trang phục tề chỉnh trong văn phòng của sư trang hoàng cho buổi vẽ chân dung chính thức, nhưng khi xong, sư viết thêm bài thơ này vào:
Tên điên ơi, quấy động một ngọn gió cuồng;
Lang thang nhiều năm trong quán rượu và lầu xanh.
Có ai nơi đây muốn ngang cơ với ta không?
Ngươi có thể vẽ ta ở nam, ở bắc, ở đông
[ -- và ta không đổi chút xíu nào]!
Nhưng Ikkyu đã có khả năng thành tựu điều bất khả. Nhờ quen rộng, và nhờ nhiều thí chủ, và với các chư tăng và cư sĩ cùng ra sức lao động, ngôi Daitoku-ji đã được xây lại trong bảy năm.
Và nỗ lực đó đã làm mệt nhọc nhà sư 80 tuổi này, và sư yếu dần đi. Gần cuối đời, sư nói với các học trò, “Sau khi ta chết, một số trong các ngươi sẽ tự lui vào núi rừng để thiền định, trong khi một số khác có thể sẽ uống rượu sake và cặp kè phụ nữ. Cả hai thứ Thiền này đều tốt, nhưng nếu có ai trong các ngươi trở thành sư chuyên nghiệp, nói nhảm về ‘Thiền như là Đạo,’ thì đó là kẻ thù của ta. Ta đã chưa bao giờ cấp ra một inka, và nếu bất kỳ ai nói là có nhận thứ gì như thế từ ta, thì bắt kẻ đó liền đi.”
Ikkyu cũng kỳ dị khi chết cũng hệt như khi sống, với nhiều bài kệ thị tịch được truyền thuyết là của sư cho thấy:
Ta sẽ không chết,
Ta sẽ không đi bất kỳ đâu,
Nhưng ta sẽ không ở đây.
Nên đừng hỏi ta gì cả –
Vì ta sẽ không đáp!
Mờ ảo, mờ ảo, ba mươi năm;
Mơ hồ, mơ hồ, ba mươi năm;
Mờ ảo, mơ hồ, sáu mươi năm.
Ta để lại phân và hiến cúng chúng lên Phạm Thiên.
Nhưng rồi có bài thơ vĩnh biệt cảm động cho Mori Phu Nhân:
Mười năm trước, dưới hoa, chúng ta kết tình đầy hương hoa
Mỗi sân khấu là một niềm vui, đầy đam mê bất tận.
Buồn ơi, không bao giờ lại gối đầu ta trên đùi nàng nữa.
Yêu thương ngọt ngào bên nhau, chúng ta nguyện bên nhau mãi mãi.
Bài kệ thị tịch thực sự của sư Ikkyu, được sư dùng cọ viết vài giờ trước khi sư qua đời vào ngày thứ hai mươi mốt của tháng thứ mười hai của năm 1481, khi sư đang ngồi trong tư thế hoa sen, là như sau:
Trong vũ trụ vô tận này,
Ai hiểu Thiền của ta?
Ngay cả nếu chính Hư Đường trở lại
Ngài sẽ không đáng giá nửa xu!
Bokusai, học trò lâu năm của Ikkyu và là người đầu tiên viết tiểu sử cho sư, đã ca ngợi thầy: “Đại sư Ikkyu đã không phân biệt kẻ thấp người cao trong xã hội, và thầy vui khi hòa với các nghệ sĩ, thương gia và trẻ em. Thiếu nhi chạy theo thầy, và chim sà xuống tay thầy để nhận thức ăn. Bất cứ thầy được cúng gì, thầy đều trao tặng cho người khác. Thầy nghiêm khắc và đòi hỏi tinh tấn, nhưng đối xử tất cả mà không thiên vị. Đại sư Ikkyu đã cười sảng khoái mỗi khi hạnh phúc, và la hét dữ dội mỗi khi nổi giận.”
(Lời Người Dịch: Khai sáng ra Trà Đạo, thơ haiku, và là vị đầu tiên dùng thư pháp, họa pháp, kịch Noh... để hiển lộ Thiền, Sư Ikkyu đã đưa Thiền vào làm một với văn hóa Nhật. Nhờ bộ áo giáp văn hóa rất phương tiện thiện xảo đó, nên gần cả ngàn năm sau, dân Nhật đã có thể đưa Thiền với các phương diện nghệ thuật đó đi xa toàn cầu. Làm được thế phải là bậc đại bồ tát, phước huệ vô lượng. Tuy nhiên, khi Sư la cà uống rượu với các nghệ sĩ, thì nhân quả không sai chạy, trên nguyên tắc Sư sẽ bị quả báo vì phạm giới, nhưng bù lại Sư đã vì lòng từ bi chịu quả ác đó để tạo nhân duyên độ cho nhiều người trong các bộ môn nghệ thuật này – đời này họ không giác ngộ, thì cũng sẽ có một kiếp nhờ duyên lành này mà về lại với Phật Pháp. Nhưng, tại sao Sư vướng vào nữ sắc? Chỗ này, nếu Sư phạm giới để độ cho nữ nhân này (và có thể qua đây tạo thiện duyên cho cả làng kỹ nữ, cả xóm kịch Noh) thì Sư cũng sẽ lãnh quả dữ. Còn nếu Sư nghiêm ngặt trì giới, để nữ nhân kia tuyệt vọng tới chỗ tự tử, hay để cả làng kỹ nữ ngụp lặn sâu thêm trong tội lỗi khó tìm cơ duyên nghe Phật pháp, thì Sư sẽ đánh mất Bồ Đề Tâm. Chỗ này rất hiểm trở, Sư sẽ cân nhắc: nên gieo nhân cứu độ cô này và cả làng Kịch Noh, cả xóm kỹ nữ... bất kể là mình kiếp sau sẽ đọa địa ngục?)