- Lời Giới Thiệu
- Chương 01: Thời niên thiếu - Cuộc tầm cầu - Giác ngộ (563-528 TCN)
- Chương 02: Thành lập Giáo hội và khởi đầu Hoằng pháp (528 TCN)
- Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
- Chương 04: Giáo lý, Tăng chúng, và giới cư sĩ
- Chương 05: Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
- Chương 06: Các năm sau
- Chương 07: Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
- Chương 08: Phần cuối - Thư mục Tham khảo
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản
Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
ĐẠI DIỆT ĐỘ
Tại Pàvà, (có lẽ là Fazilnagar hiện nay, khoảng 16 km ở về phía đông nam Kasia), bậc Đạo Sư và hội chúng của ngài được người thợ rèn Cunda (Thuần-đà) mời thọ thực ngày hôm sau. Để dành món đặc biệt dâng lên vị khách tôn quý, ngoài các món khác, thợ rèn Cunda đã dọn món Sùkaramaddava.Món này đích xác là thứ gì vẫn chưa chắc chắn. Một vài học giả nghĩ rằng đó là thịt heo, một số khác cho là măng tre mềm mọc gần các trại heo, số khác nữa lại cho là một loại nấm, có thể là nấm mèo. Nhưng dù đó là thứ gì đi nữa, đức Phật cũng đã nhìn món ăn này với vẻ nghi ngờ, và bảo thợ rèn Cunda đừng mời Tăng chúng món ấy. Tuy thế, chính ngài lại thọ dụng món kia với mục đích không làm buồn lòng người thợ rèn có thiện ý (DN 16. 4. 13).
Mối quan tâm này đối với vị thí chủ là một sự sai lầm. Đức Phật liền mắc bệnh huyết lỵ và chịu nhiều cơn đau bụng dằn vặt. Dù yếu đuối và kiệt sức như vậy, ngài vẫn rời Pàvà và tiến về Kusinàrà. Nhiều lần ngài bị bắt buộc phải rẽ sang một bên để tháo dạ và nghỉ ngơi ở vệ đường.
Chứng đau bụng và huyết lỵ làm mất nhiều nước ấy đi kèm với cơn khát. Khi ngài đòi uống nước, thị giả Ànanda chỉ tay về phía con suối đã bị đám xe bò đi qua làm vẩn đục nên chỉ có nước dơ bẩn không thể uống được - tốt hơn là nên tiếp tục đi đến sông Kakutthà (nay là Bàdhi hay Barhi) không xa đó mấy. Song bậc Đạo Sư cương quyết yêu cầu, rồi ngài uống nước từ dòng suối ấy mà ngay lúc này đã trở lại lắng yên và trong trẻo như cũ (DN 16. 4. 20).
Vừa lúc ấy có một nam tử từ bộ tộc Malla đi đến. Tên người ấy là Pukkusa. Ông nói chuyện với đức Phật thì hóa ra đó là Pukkusa, một đồ đệ của đạo sư Àlàra Kàlàma là người xưa kia đức Phật đã học tập trước thời Giác Ngộ. Khi thiện nam Pukkusa thấy các tấm y của bậc Đại Đạo Sư đang bệnh và thị giả ngài đều vấy bẩn, ông liền bảo người hầu đem lại hai tấm y vàng kim sắc dâng cúng đức Phật và tôn giả Ànanda. (DN 16. 4. 26)
Ngay khi thiện nam Pukkusa vừa khuất dạng, hội chúng lại tiếp tục lên đường và đến sông Kakutthà, nơi đó bậc Đạo Sư uống nước, tắm rửa cùng nghỉ ngơi ở bờ bên kia, rồi ngài dặn Sa-di Cundaka trải ngoại y lên mặt đất dưới các cây xoài. Sự hiện diện của Sa-di Cundaka khiến đức Phật nhớ lại người thợ rèn Cunda, tại nhà vị này ngài đã phải bị ngộ độc vì thức ăn kia, nên ngài nhấn mạnh cho tôn giả Ànanda hiểu là Tăng chúng không nên khiển trách người thợ rèn đã có thiện ý tối thượng (DN 16. 4. 37). Ngay khi ngài lấy lại sức khoẻ đôi chút, cuộc hành trình lại tiếp tục như trước.
Bậc Đạo Sư đã kiệt lực như vậy vẫn cùng Tăng chúng lội qua sông Hirañ ñ avati (nay là sông Bé Gandak), đến tận Kusinàrà, thủ đô thứ hai của bộ tộc Malla, nơi ngài đã biết vì nhiều lần du hành trước kia (MN 103; AN 10. 44).
Khi ngài bảo ngài mỏi mệt và muốn nằm xuống, tôn giả Ànanda sắp đặt chỗ nghỉ ngơi cho ngài dưới đôi Sàla trong rừng Upavattana ở ven phía nam thành phố. Các cây Sàla (Shorea robusta) đang nở rộ hoa, điều đó chỉ rõ các tháng ba và tư, trái với truyền thống ghi bậc Đạo Sư diệt độ vào tháng Vesakha (tư-năm). Ngài cố gắng nghỉ ngơi, nằm nghiêng về phía hữu, có lẽ hơi co lại vì đau nhức. Do mồ hôi tiết ra kèm với chứng đau bụng và xáo trộn đường ruột làm ngài cảm thấy lạnh, ngài bảo Tỳ-kheo Upavàna đang quạt hầu ngài, đi lui ra. (DN 16. 5. 1)
Nay ngài đã chắc chắn rằng từ nơi đây trong rừng Sàla song thọ gần Kusinàrà ngài sẽ không bao giờ trở dậy nữa. Tâm trí thanh thản, ngài dặn tôn giả Ànanda về những gì phải làm với thân ngài. Chư Tăng không cần phải quan tâm về việc tang lễ của ngài, mà chỉ nên tinh tấn nỗ lực để giải thoát. Có nhiều người đầy tín tâm đối với đức Như Lai sẽ làm mọi sự cần thiết. (DN 16. 5. 10)
Tôn giả Ànanda vừa khóc vừa bước ra ngoài bộc lộ nỗi ưu phiền: "Ôi, ta vẫn còn là kẻ hữu học, ta còn phải tu tập nhiều (về phần ta). Thế mà nay bậc Đạo Sư, người đã thương tưởng ta, lại sắp diệt độ!".
Khi đức Phật nhận thấy thị giả trung thành của ngài không ở đó, ngài cho gọi vị ấy vào và an ủi:
"Thôi đủ rồi, này Ànanda, đừng phiền muộn khóc than. Ta đã chẳng thường bảo ông rằng chúng ta phải chia lìa mọi vật thân thiết, khả ái đối với chúng ta, chúng ta phải từ giã chúng vì không có vật gì tồn tại mãi mãi hay sao? Phàm vật gì được sanh khởi, được thành hình, được tạo tác (do nghiệp (kamma) của các đời trước) tất phải chịu biến hoại. Không thể nào có một vật như vậy lại không tiêu diệt. Này Ànanda, từ lâu nay ông đã ở bên cạnh ta và chăm sóc ta với lòng nhẫn nại, từ ái, ân cần tận tụy đem lại vô lượng an lạc cho ta. Ông đã tạo được nhiều phước đức nhờ việc ấy. Hãy tinh tấn nỗ lực, chẳng bao lâu ông sẽ đoạn trừ các lậu hoặc". (DN 16. 5. 14, giản lược)
Có lẽ nhân chuyến khất thực sáng hôm sau, và chắc hẳn theo lời dặn của đức Phật, tôn giả Ànanda đã báo tin bậc Đạo Sư bị bệnh trong thành Kusinàra. Ngay sau đó, vô số thị dân đi đến rừng Sàla song thọ để hội kiến bậc thượng thủ tôn quý của Giáo đoàn, người mà họ đã từng nghe nhiều điều kỳ diệu trong vòng bốn mươi lăm năm qua. Tôn giả Ànanda cố hết sức ngăn ngừa cho bậc Đạo Sư đang quá mệt nhọc khỏi bị phiền nhiễu.
Subhaddha, một Sa-môn ngoại đạo, tối hôm ấy đến yết kiến bậc Đạo Sư liền bị đưa ra ngoài, song đức Phật nghe được câu chuyện, bèn bảo tôn giả Ànanda cho vị khách ấy vào. Khi kết thúc đàm đạo với đức Phật, du sĩ Subhaddha thỉnh cầu bậc Đạo Sư nhận vị ấy vào Tăng đoàn, và tôn giả Ànanda làm lễ xuất gia (pabbajjà) cho vị ấy. Du sĩ Subhaddha là người cuối cùng được nhận làm Sa-di trong Giáo hội lúc đức Phật vẫn còn tại thế. Về sau, khi mãn hạn kỳ thử thách dành cho các Sa-môn ngoại đạo, vị ấy cũng được thọ đại giới Tỳ-kheo (upasampadà) (DN 16. 5. 19).
Việc đề phòng bất cứ Tỳ-kheo nào đòi quyền lãnh đạo Giáo hội là chuyện quan trọng đối với đức Phật đến độ ngay trước khi viên tịch, ngài còn nhấn mạnh lần nữa chức năng hướng dẫn của Giáo Pháp đối với Tăng chúng:
"Này Ànanda, có thể một số trong chư vị suy nghĩ: lời dạy của bậc Đạo Sư đã mất, nay chúng ta không còn bậc Đạo Sư! Này Ànanda, không nên nghĩ như vậy. Pháp và Luật mà ta đã thuyết giảng cho chư vị, sau khi ta diệt độ, sẽ là Đạo Sư của chư vị". (DN 16. 6. 1)
Điều này giả định trước là không có điểm nào chưa sáng tỏ có thể đưa đến các kiến giải khác nhau về sau. Vì vậy, đức Phật cho các Tỳ-kheo cơ hội cuối cùng để chất vấn ngài:
"Này các Tỳ-kheo, có thể là một vài Tỳ-kheo nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, Tăng, hay (Bát Chánh) Đạo, hay phương pháp thực hành (để giải thoát). Vậy các Tỳ-kheo, hãy hỏi đi, kẻo ngày sau chư vị cảm thấy hối tiếc vì nghĩ: "Chúng ta đã diện kiến bậc Đạo Sư, tuy thế chúng ta đã không tự mình hỏi Ngài". (DN 16. 6. 5)
Song chư Tỳ-kheo giữ im lặng. Sau đó đức Phật lại cho chư vị một dịp may cuối cùng: nếu chư vị không dám hỏi vì kính trọng ngài, thì chư vị hãy hỏi qua một bạn đồng tu.Một lần nữa chư vị Tỳ-kheo lại giữ im lặng. Không có điểm gì không sáng tỏ ở bất cứ nơi nào cả.
Đêm đã khuya lắm rồi. Cảnh vật hoàn toàn tĩnh mịch trong rừng Sàla khi bậc Đạo Sư sắp mệnh chung nhắn nhủ chư Tỳ-kheo một lần nữa:
"Này các Tỳ-kheo, ta khuyên bảo chư vị: Các pháp hữu vi (các hành: sankhàra) đều vô thường, chịu biến hoại. Hãy nỗ lực tinh tấn (để đạt giải thoát)!".
(DN 16. 6. 7)
Đây là những lời cuối cùng của đức Phật. Sau đó ngài lịm dần vào trạng thái bất động mà tôn giả Anuruddha tuyên bố với các Tỳ-kheo là thiền định, và rồi không còn hồi tỉnh nữa, bậc Đạo Sư tám mươi tuổi đã đắc Niết-bàn vô dư y, một trạng thái giải thoát khổ đau sau khi xả báo thân (DN 16. 6. 8). Đa số sử gia ở Ấn Độ ghi sự kiện này vào năm 483 trước CN.