- Lời Giới Thiệu
- Chương 01: Thời niên thiếu - Cuộc tầm cầu - Giác ngộ (563-528 TCN)
- Chương 02: Thành lập Giáo hội và khởi đầu Hoằng pháp (528 TCN)
- Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
- Chương 04: Giáo lý, Tăng chúng, và giới cư sĩ
- Chương 05: Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
- Chương 06: Các năm sau
- Chương 07: Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
- Chương 08: Phần cuối - Thư mục Tham khảo
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản
Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
KUSINÀRÀ - ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ
Theo Tôn giả Ànanda, thành Kusinàrà của người Malla là một "thị trấn nhỏ nghèo khổ toàn nhà tranh vách đất nằm lùi sâu vào phía trong rừng rậm"(DN 16. 517). Ngày nay không còn tìm thấy dấu vết nào của thành này nữa. Danh từ Kusinàrà chỉ xác định các đền đài kỷ niệm địa điểm Đại Diệt Độ, nơi ngày nay ta có thể đến rất thuận tiện từ Gorakhpur bằng xe hàng. Khoảng cách ấy độ chừng 55km đi về hướng đông.
Trước khi đến làng Kasia chừng 2km, ta rẽ về Nam và đến tận địa điểm đức Phật viên tịch, rừng Sàla song thọ sau 500 m nữa. Nỗ lực của chính phủ Ấn Độ cố trồng lại rừng cây Sàla ở vùng này hiện còn đang thời sơ khai, song hứa hẹn nhiều thành công tốt đẹp.
Nổi bật nhất ở địa điểm này là Tháp Niết-bàn (Nibbàna Stupa), cao chừng 20m, phần cốt nguyên thủy của tháp này được bọc trong nhiều lớp đất sét nung, có lẽ đã hiện diện từ thế kỷ thứ 3 sau CN. Tháp được phục chế lại hình bán cầu thẳng đứng vào năm 1927. Chiều cao ngày xưa của tháp được phỏng tính vào khoảng 45 m. Ngay trước tháp và trong cùng một khuôn viên hình chữ nhật là đền Niết-bàn, được trùng tu 1956, đó là một hội trường có mái hình lăng trụ theo kiểu các tinh xá (vihàra) có sườn tre vòng cung thời nguyên thủy. Đền thờ một bức tượng đức Phật Nhập Niết-bàn, nằm nghiêng về phía hữu, tượng điêu khắc bằng sa thạch dài 6,2m, xuất hiện từ thế kỷ thứ năm.
Về phía tây, bắc và đông bắc hai đền thờ này còn nhiều di tích các tinh xá, ngôi cổ nhất khoảng thế kỷ thứ ba sau CN và ngôi mới nhất vào thế kỷ mười hai. Các tường nhà còn được bảo tồn lại một phần cao đến bờ vai, đủ cho ta nhận ra khoảng sân đình bên trong và các am thất của chư Tăng xung quanh sân ấy. Sự kiên cố của phần công trình bằng gạch trong các tinh xá này đem lại cảm tưởng hình như ngày xưa chúng có nhiều tầng.
Ngành nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh rằng quần thể này bị hỏa hoạn thiêu hủy vào khoảng thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm sau CN. Nhà chiêm bái Pháp Hiển của Trung Quốc vẫn còn thấy có vài Tỳ-kheo cư trú tại đây vào thế kỷ thứ năm, nhưng Huyền Trang, một nhà du hành khác của Trung Quốc qua đây vào thế kỷ thứ bảy lại miêu tả vùng này bị phá hoại điêu tàn. Về sau nó hồi sinh, vào khoảng giữa thứ kỷ thứ chín và mười hai có vài tinh xá mới được dựng lên. Nhưng vào thế kỷ thứ mười ba, mọi hoạt động tôn giáo hình như đã chấm dứt.
Ngôi tháp đánh dấu địa điểm hành lễ trà-tỳ và phân chia xá-lợi Phật ở vào khoảng 1,5km phía đông Tháp Niết-bàn và ngày nay được dân địa phương gọi bằng tên Sanskrit là Angarastupa(Tháp Di Cốt) hoặc trong tiếng Hindì gọi là Ràmabhàr-tila(Đỉnh Ràmabhàr) theo tên Hồ Ràmabhàr ở phía đông. Tháp dựng trên một đế phẳng và có đường kính 34 m. Nay không thể đoán được chiều cao ngày xưa, bởi vì đám người săn lùng bảo vật và ăn trộm gạch đã lấy đi dần dần phần trên tháp qua bao thế kỷ nay. Về phương diện khảo cổ học, tháp không còn giá trị quan trọng nữa, song đối với bất kỳ một du khách hành hương chiêm bái nào quen thuộc với lịch sử cuộc đời đức Phật thì đây quả là một thánh tích đầy kỷ niệm thiêng liêng gây bao cảm xúc bồi hồi.