Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

20/04/201100:32(Xem: 3567)
Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 03
Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

CÔNG CUỘC GIÁO HÓA VUA BIMBISÀRA

Đức Phật nhận thức rất rõ rằng thái độ của vua chúa đối với ngài sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định trong việc truyền bá Đạo Pháp của ngài. Vì thế ngài chọn Ràjagaha (Vương Xá), kinh đô vừa là hoàng cung của vua Bimbisàra nước Magadha, nơi ngài vừa đến, làm mục tiêu kế tiếp của cuộc du hành.

Có một số vấn đề quan trọng trong việc tiếp xúc. Ngài không chỉ suy xét lại cuộc gặp gỡ đầu tiên chưa nồng nhiệt mấy với nhà vua ngay khi ngài mới khởi hành cuộc tầm cầu chân lý (năm 536 trước CN), ngài còn quan tâm đến sự kiện vua Bimbisàra sẽ xem vị lãnh đạo một giáo phái như một người sáng lập một số quan điểm và vì vậy đó là một người có tiềm năng gây ảnh hưởng đến việc trị quốc mà nhà vua biết được sẽ có nhiều lợi ích về sau.

Ràjagaha cách Patna 70km về phía tây nam gần một thị trấn nhỏ hiện nay ở Ràjgir, xưa kia là kinh đô hùng mạnh nhất ở bắc Ấn sau Sàvatthi, kinh đô của nước Kosala. Tầm quan trọng của nó chỉ mới nổi bật lên vào thời đó chính là nhờ vua Bimbisàra đã mở rộng cổ thành Giribbaja (Đa Sơn) và nâng nó lên vị trí kinh đô Ràjagaha (Vương Xá).

Hai điều đã là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm này làm thủ đô nước Magadha dù vị trí ấy không thuận lợi về phương diện giao thông. Ở phía nam Ràjagaha có một quặng sắt được khai thác theo dạng oxýt sắt nhờ cách đào bới gần mặt đất, mà phần lớn được làm thành vũ khí và dụng cụ trong thủ đô. Còn về hướng đông nam cũng có một mỏ đồng. Tất cả sự phú cường của đất nước Magadha đều tùy thuộc vào các nguồn lợi khoáng sản này cùng các tiểu công nghiệp liên quan đến việc chế tạo chúng.

Yếu tố thứ hai là về mặt chiến lược. Thủ đô này nằm giữa hai dãy núi dài tạo thành một thung lũng hình chữ Z có khả năng bảo vệ vững mạnh. Giá trị phòng thủ của địa thế này càng được tăng cường nhờ một bức thành khổng lồ chạy dọc theo các rặng núi, đang được xây dựng vào thời ấy và khi hoàn tất, bức thành dài đến 40km. Trung tâm kinh đô Ràjagaha là cổ thành Giribbaja lại được thêm một cổ lũy bao bọc. Các rặng núi bao quanh chắn gió từ mọi phía thành, nên mùa hạ khí trời bên trong thung lũng vô cùng oi bức. Có bốn đường giao thông dẫn ra ngoại thành, mỗi đường thuở ban đầu được một cổng phòng vệ, cổng này đóng về ban đêm.

Vùng trung tâm thủ đô Ràjagaha không chiếm toàn bộ thung lũng, mà chỉ nằm trên thanh ngang của hình chữ Z ấy, đây là khu cổ thành Giribbaja, ở bên trong cổ lũy ấy. Đây chính là hoàng cung vua Bimbisàra, và đây cũng là dinh cơ của giai cấp quý tộc võ tướng và đám thị dân giàu có cùng các tiệm tạp hóa và các xưởng rèn đúc của hoàng gia. Cung vua được xây trên các nền đá trần (các nền đá này đã được nhiều nhà khảo cổ phát hiện và trưng bày ngày nay), song chính tòa nhà lại được làm bằng gỗ.

Vùng thung lũng trải rộng giữa nội thành và ngoại thành gồm nhiều nhà bằng đất sét nằm rải rác giữa các đám ruộng lúa, vườn xoài, và đồng cỏ.

Ngay khi đức Phật và Tăng chúng của ngài, trong ấy có ba anh em tôn giả Kassapa cùng các vị khổ hạnh bện tóc trước kia là môn đồ chư vị, vừa đến Ràjagaha và nghỉ ngơi tại Latthivana (Trượng Lâm) ở phía tây nam kinh thành, vua Bimbisàra được trình tấu: "Sa-môn Gotama, nam tử của dòng Thích-ca"đã đến, liền lập tức khởi hành cùng đại chúng quần thần, Bà-la-môn, gia chủ, tùy tùng và vệ binh về phía khu rừng để chào mừng vị quốc khách. Ở cổ Ấn Độ, có phong tục là vua chúa cũng như thường dân thường đi tham kiến các bậc tu hành chứ không mời chư vị đến yết kiến. Bằng cách này vua chúa tỏ lòng kính trọng đối với chư vị đã giã từ thế tục và cố tránh xâm phạm tự do của chư vị ấy.

Đám quần thần của nhà vua không biết chắc ai là Đạo Sư của đoàn, Sa-môn Gotama hay Uruvela Kassapa, nên đức Phật đặt ra một cách vấn đáp với tôn giả Kassapa. Có lẽ cuộc đối thoại giữa hai vị đã được dự trù trước; song dẫu sao đi nữa, nó cũng gây ấn tượng mạnh đem lợi ích cho nhà vua và đã được đặt vào Kinh Tạng Pàli theo thể thi kệ:

Đức Phật:

Mới đây hiền giả Kassapa
Thờ lửa tại rừng Ưu-tần-loa,
Vì lý do gì từ bỏ lửa,
Xin hiền giả nói rõ cho ta?

Tôn giả Kassapa:

Phần thưởng được do các tế đàn
Đều là dục lạc với giai nhân,
Thế gian pháp thấy nào thanh tịnh,
Con bỏ lòng ham thích tế đàn.

Đức Phật:

Nếu tâm hiền giả chẳng còn ham
Tìm thú vui trong lễ tế đàn,
Giờ đây lạc thú tìm đâu tá
Hiền giả nói ra thật rõ ràng.

Tôn giả Kassapa:

Con đã đạt an lạc Niết-bàn,
Không gì chấp thủ giữa trần gian,
Mỗi người tự chứng trong tâm trí,
Vì thế con nay bỏ tế đàn.

(Mv 1.22.4-5)

Sau khi nói xong những lời này, tôn giả Uruvelà Kassapa liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật và tuyên bố: "Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con! Con là đệ tử của ngài! Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con! Con là đệ tử của ngài!".(Mv 1.22.6)

Sự đảnh lễ quy ngưỡng của đại trưởng lão Kassapa đối với vị trí lãnh đạo tinh thần của Sa-môn Gotama ở thời điểm ấy vẫn chưa được nổi danh mấy hẳn đã gây nhiều ấn tượng mạnh đối với nhà vua. AÂm hưởng của việc này càng tăng thêm vì tôn giả Kassapa đã công bố các lời ấy hai lần, làm cho chúng có hiệu lực của một lời tuyên thệ.

Đức Phật nắm ngay cơ hội thuận lợi để giáo hóa vì giờ đây mọi sự chú ý đều đổ dồn về phía ngài. Ngài thuyết bài Pháp thuận thứ cho cả hội chúng, sau đó tất cả những người hiện diện gồm luôn nhà vua đều tự nguyện làm đệ tử tại gia của ngài (Mv 1. 22. 8).

Bản văn còn ghi lại một đoạn khác nữa nói riêng về việc giáo hóa nhà vua. Chuyện kể rằng, khi Seniya Bimbisàra, vua nước Magadha, đã thông hiểu Giáo Pháp, thể nhập Giáo Pháp và có lòng tin đối với Giáo Pháp, nhà vua liền nói với đức Phật Gotama:

"Trước làm một vương tử, đệ tử có năm điều nguyện ước nay tất cả đều thành tựu. Đệ tử đã ước được lên làm vua, và được một bậc Chánh Đẳng Giác đến viếng thăm trong chính quốc độ mình. Đệ tử cũng nguyện cầu tự thân hành tiếp kiến bậc Chánh Đẳng Giác với tất cả lòng tôn kính quy ngưỡng, rồi bậc Chánh Giác ấy sẽ thuyết Pháp cho đệ tử và đệ tử có thể thông hiểu Giáo Pháp. Nay tất cả mọi nguyện ước kia đều thành tựu. Ví như một người dựng lên một vật đã bị quăng ngã xuống hay chỉ đường cho kẻ đã lạc lối, hay đem đèn vào nơi tối tăm để những ai có mắt có thể trông thấy hình sắc mọi vật; cũng vậy, đức Thế Tôn đã thuyết giảng Chánh Pháp với nhiều phương tiện, ảnh dụ. Bạch Thế Tôn, nay đệ tử xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Ước mong Thế Tôn nhận đệ tử làm cư sĩ tại gia từ nay cho đến trọn đời".(Mv 1. 22. 9-11, giản lược).

Sau đó nhà vua thỉnh cầu đức Phật cùng chúng Tăng thọ trai ngày hôm sau và bậc Đạo Sư chứng tỏ ngài nhận lời bằng cách im lặng.

Sáng hôm sau, vua Bimbisàra tự thân phục vụ đức Phật và Tăng chúng _một vinh dự lớn lao hiếm khi được dành cho ai. Song nhà vua còn để dành một ngạc nhiên đầy kỳ thú hơn nữa: nhà vua tuyên bố cúng dường một tặng vật lên "Tăng chúng với đức Phật là bậc thượng thủ", đó là ngự viên Veluvana (Trúc Lâm), nằm ngay trước Bắc môn thành Ràjagaha, để bậc Đạo Sư có thể an cư tại đó cũng gần kinh thành, nhưng lại ở trong một vùng yên tĩnh, dễ ra vào cho khách vãng lai, mà cũng tiện ẩn dật.

Sự cúng dường được công bố có hiệu lực pháp lý theo nghi lễ thông thường: thí chủ đổ nước trên tay người nhận vào trong một bình bát (dĩ nhiên trong trường hợp này là bát vàng). Đức Phật không phát biểu lời tạ ơn long trọng nào cả, vì việc này sẽ có giá trị ngang bằng việc cúng dường kia, như vậy sẽ tiêu hủy phước đức mà phần thí chủ đã nhận được cho mình. Thay vào đó, ngài bày tỏ niềm hoan hỷ bằng cách thuyết một bài Pháp cho vua Bimbisàra. (Mv 1.22.15-18)

Việc giáo hóa quốc vương Magadha có thể đã diễn ra vào tháng cuối năm 528 hay hai tháng đầu năm 527 trước CN. Niên đại sau có lẽ đúng hơn. Vua Bimbisàra trẻ hơn đức Phật năm tuổi và vào năm ba mươi mốt tuổi đã lên ngôi trị vì mười sáu năm rồi.

Thời ấy không có vấn đề vua Bimbisàra quy y Phật Pháp gây nên lòng ganh tỵ của những ngoại đạo sư. Ngày xưa cũng như nay, người Ấn đã giữ tinh thần khoan dung nhận làm tín đồ một trường phái mà vẫn không bài bác các trường phái khác. Không có một giáo lý Ấn Độ nào đòi hỏi địa vị độc tôn cả. Trước kia vẫn có tranh chấp giữa các giáo phái nhưng không có giao chiến và Phật Giáo cũng đặt nền tảng trên sự sống chung hòa bình. Nhiều lần chúng ta đã nghe cách đức Phật Gotama dạy các tân tín đồ tiếp tục cúng dường đạo sĩ các giáo phái mà chư vị ấy vừa rời bỏ. (Mv 6. 31. 10 f)

Có nhiều dấu hiệu và không kém phần quan trọng là lòng tín thành của nhà vua đối với đức Phật trong hàng chục năm cho đến ngày nhà vua bị mưu sát, chứng tỏ Đại Vương Bimbisàra đã được cảm hóa sâu sắc nhờ Giáo Pháp đức Thích-ca. Tính cách kỳ diệu của đức Phật, niềm tin vững chắc do sự diện kiến ngài đem lại, dáng quý tộc và tài hùng biện của ngài cũng như bản chất trung dung trong các quan điểm của ngài được biểu lộ qua "Trung Đạo", đức độ cao thượng và đặc biệt là sức hấp dẫn huyền bí của mục đích giải thoát ngài đề xướng _tất cả những điều này đã làm nhà vua nồng nhiệt mộ đạo: nhà vua cảm nhận một sức thiêng liêng khiến cho con người tràn đầy hỷ lạc và bên trong nhà vua bừng lên một tia sáng nội tâm rọi vào cuộc sống. Ở độ tuổi ba mươi mốt, vua Bimbisàra vẫn còn đủ trẻ trung để được đạo Phật gây niềm hứng thú, tuy nhiên cũng đủ già dặn để không mất tự chủ hợp lý đối với nhiệt tình.

Tầm quan trọng của việc cảm hóa vua Bimbisàra đối với sự nghiệp hoằng Pháp thành công của đức Phật không cần phải phóng đại chút nào. Hàng ngàn thị dân Magadha noi gương nhà vua và công nhận Phật Pháp làm thầy dẫn đường. Một số người thời ấy có lẽ đã làm thế để được vua Bimbisàra ân sủng, nhưng phần lớn là vì tín thành mộ đạo. Thật vậy, giáo lý mới xuất hiện này đem lại điều mới lạ cho mọi người ở mọi giai cấp. Đạo Pháp thu hút giới quý tộc võ tướng vì tính cách cao thượng và thích hợp với các phận sự phục vụ quốc gia; lại cũng thu hút giới Bà-la-môn vì tính cách hợp lý và minh bạch chính xác về nội dung tư tưởng triết học. Đạo Pháp cũng gây ảnh hưởng mạnh đối với giai cấp thương nhân (Vệ-xá) bằng cách bài bác những tế lễ tốn kém trước kia vẫn được cho là nhằm đem lại tài lợi trong thương mãi, và cũng bằng sự cảm thông cách suy tư của giới kinh doanh nữa. Đối với giai cấp thợ thuyền và vô loại cùng đinh, Đạo Pháp hấp dẫn họ vì sự đánh giá thấp mọi đặc quyền ưu đãi về huyết thống của các giai cấp trên.

Mặc dù có phần phán xét tiêu cực về cuộc đời thế gian, đạo Phật vẫn được cảm nhận là một tín ngưỡng của hy vọng, trình bày rõ cho mọi người biết cách sử dụng quy luật Nghiệp Báo (Nhân Quả) để nỗ lực tiến lên trong cái tôn ti trật tự của xã hội và sau cùng sẽ đạt giải thoát. Nhờ việc cải hóa Đại Vương Bimbisàra, đạo Phật đã được xã hội công nhận và trở thành đề tài bình luận trên cửa miệng mọi người. Con đường đã mở rộng dành cho đạo Phật truyền bá khắp nước Ấn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000