Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tính tình

20/04/201100:32(Xem: 4714)
4. Tính tình

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 05
Đức Phật Gotama và các phương diện tâm lý

TÍNH TÌNH

* ĐẶC TÍNH TÂM LÝ: Từ, Bi, Hỷ, Xả

Đức Phật bài bác niềm tin của giai cấp Sát-đế-lỵ (võ tướng) khi ngài dạy rằng các võ tướng chiến sĩ ngã xuống ngoài mặt trận sẽ phải chịu một tái sanh bất hạnh vì nghiệp lực. Do các hận sân của vị ấy tăng trưởng đối với kẻ thù, một chiến sĩ chết trận có thể tái sanh vào Địa ngục Saràjità, ngài tuyên bố như vậy (SN 42. 3). Mặc dù sự trận vong của người anh hùng có ích lợi cho tổ quốc, nó lại đem đến một tái sanh khổ đau cho người tử sĩ.

Chủ trương hòa bình vô điều kiện của đức Phật biểu lộ rõ ràng trong ba vần kệ của Pháp Cú, ở đó ngài diễn tả bất bạo động là phương tiện chấm dứt thù nghịch hận sân:

"Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!
Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!"
Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy,
Hận thù như vậy chẳng hề nguôi.
"Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!
Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!"
Không chứa trong lòng tư tưởng ấy,
Hận thù như vậy sẽ dần nguôi.
Các mối hận thù giữa thế gian
Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân,
Vô sân trừ khử niềm sân hận,
Định luật muôn đời của cổ nhân.
(Dhp 3-5)

Khi các tôn giáo của dân bản xứ Ấn Độ bị người Hồi giáo đàn áp vào thế kỷ thứ mười một và mười hai, hàng ngàn Tỳ-kheo chịu để cho họ giết mà không kháng cự. Các nguồn kinh điển Tây Tạng đã ghi nhận hành động tự điều phục bản thân anh dũng ấy.

Vô sân là một lý tưởng cao thượng nhưng lạnh lùng, nó cần được lòng từ (mettà) bổ sung. Dù cho các tên trộm cướp sát nhân có chặt tay chân của một Tỳ-kheo bằng cái cưa, các Tỳ-kheo cũng không được để cho thù hận khởi lên trong lòng. Thậm chí ở trong hoàn cảnh như vậy, chư vị cũng phải tự kiềm chế, và tự nhủ:

"Tâm ta sẽ không dao động, ô nhiễm và ta sẽ không thốt ra một ác ngôn nào. Chúng ta sẽ an trú với từ tâm, không sân hận. Sau khi đã làm thấm nhuần khắp người kia với từ tâm, chúng ta sẽ an trú trong trạng thái ấy biến mãn cùng khắp thế gian..."(MN 21. 1, giản lược).

Đức Phật chứa chan lòng từ hướng đến mọi cảnh giới có sự sống trên thế gian. Các nghề nghiệp tạo khổ đau cho người hay vật, những "nghề ác độc" như: đồ tể, bẫy chim, bắt thú, thợ săn, chài lưới, trộm cướp, đao phủ, cai ngục (MN 51), ngài xem là đáng bài bác và không phù hợp với chánh mạng. Ngài chán ngán tránh xa việc tế lễ bằng súc vật và còn cảm thấy thương xót luôn cả loài cây cỏ, như khi ngài phủ nhận việc phá hại hạt giống và cỏ cây (DN 1. 1).

Từ tâm là đặc điểm chính yếu trong tính cách của đức Phật, y sĩ Jìvaka tuyên bố như vậy với ngài trong một cuộc đàm thoại (MN 55), song chính điểm này đức Phật cũng chế ngự, không cho phép nó vượt quá một giới hạn nào đó: Ngài không để cho mình nhúng sâu vào lòng bi mẫn. Sự thăng bằng trong tâm trí và ổn định mọi tình cảm là điều quan trọng nhất đối với ngài, và đã trở thành một phần bản tánh của ngài do tu tập điều thân.

Vì thế, những cuộc tấn công tới tấp chĩa thẳng vào ngài mà vẫn không làm ngài nao núng. Ngay cả các triết gia đối thủ với ngài cũng công nhận Sa-môn Gotama không thể bị khiêu khích và cũng không dao động. Người cư sĩ Ni-kiền-tử như đã nói ở trên đây, Saccaka Aggivessana, tuyên bố khi cuộc thảo luận được chấm dứt (MN 36), rằng "màu da Tôn giả Gotama vẫn giữ nguyên vẻ trong sáng", nghĩa là ngài không đỏ bừng mặt; còn các đạo sư khác, trong những lúc tranh luận, thường tránh né các câu chất vấn bằng cách nói lạc hướng và nổi giận.

Tâm bình thản hay xả (upekkhà)phối hợp với trí thông minh lanh lợi biểu hiện trong cách đức Phật đối xử với Bà-la-môn Bhàravadja ở Ràjagaha. Bất mãn vì một người trong gia tộc quy y Phật Pháp, vị này phỉ báng đức Phật với các từ ngữ như "đồ ăn trộm, lạc đà, lừa...".Đức Phật bình thản để cho vị ấy nguyền rủa, rồi bỗng nhiên ngài hỏi vị ấy thỉnh thoảng có mời bạn bè về nhà ăn cơm không. Khi được trả lời là có, ngài hỏi tiếp vị ấy phải làm sao nếu khách không dùng các món ăn. Vị Bà-la-môn đáp các món ấy sẽ dành cho phần mình. Đức Phật tuyên bố:"Thế cũng giống hệt như lời phỉ báng kia, ta không nhận nó, vậy nó trở lại với ông!"(SN 7. 1. 2).

Trong một Pháp thoại với các Tỳ-kheo ở Jetavana tại Sàvatthi, bậc Đạo Sư diễn tả tính cách an nhiên tự tại của ngài và khích lệ chư Tăng nỗ lực tu tập tâm bình đẳng tương tự:

"Này các Tỳ-kheo, nếu người khác mạ lỵ, phỉ báng, phiền nhiễu Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không oán hận, phẫn nộ hay bất mãn... Và nếu người khác kính lễ, tôn trọng, sùng bái Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không hoan hỷ, thích thú hay phấn khởi". (MN 22)

Hằng chục mẫu chuyện ghi lại các sự kiện trong Kinh Tạng Pàli xác nhận cách biểu lộ đặc tính của ngài như trên.

Tuy nhiên có những trường hợp đức Phật không đơn giản chấp nhận những lời người khác nói, mà ngài bước ra khỏi thành trì kiên cố của tâm xả và chuyển sang thế công. Đó là trường hợp có vấn đề bảo vệ Giáo Pháp chống lại sự xuyên tạc và diễn dịch sai lạc do các đệ tử ngài đề xướng. Giáo Pháp là một khám phá vĩ đại của ngài, đó là công trình và tặng vật của ngài dành cho thế gian; ngài không chấp nhận sự có mặt của các Tỳ- kheo xuyên tạc Giáo lý do vô tình hoặc ác ý trong Giáo đoàn của ngài, mà phận sự Giáo đoàn là truyền đạt lời giáo huấn của ngài cho các thế hệ sau. Khi Tỳ-kheo Sàti diễn tả Giáo Pháp theo ý nghĩa rằng thức (viñ ñ ana)tồn tại mãi sau khi thân hoại và mang một hình thái sống mới, như vây là tạo nên một linh hồn bất tử, bậc Đạo Sư cho gọi vị ấy đến và hỏi xem có phải đấy là ý kiến của vị ấy không. Khi Tỳ-kheo Sàti xác nhận là phải, đức Phật cao giọng bảo:

"Này kẻ ngu si kia (moghapurisa), do ai mà ông nghe rằng ta đã thuyết giảng Giáo Pháp như vậy? Này kẻ ngu si kia, ta đã chẳng từng dùng nhiều pháp môn nói rằng thức do duyên khởi (và vì thế không thể tồn tại mãi sau khi chết) hay sao? Này kẻ ngu si kia, ông không chỉ xuyên tạc ta vì chấp thủ sai lạc, mà tự còn làm hại mình và tạo nhiều điều tổn đức đưa đến bất hạnh lâu dài!" (MN 38)

Sau đó ngài tiếp tục hỏi các Tỳ-kheo hiện diện để chư vị xác nhận rằng Tỳ-kheo Sàti, con người đánh cá, không có một chút ánh sáng kiến thức nào về Giáo Pháp cả. Chúng ta chỉ còn biết thương hại vị Tỳ-kheo tội nghiệp ấy, theo như bài kinh miêu tả, đã ngồi im lặng, hổ thẹn, lo âu, rụt vai lại, không nói nên lời.

Tỳ-kheo Arittha, trước kia là người huấn luyện chim ưng, cũng không tiến bộ gì hơn. Vị này hiểu Giáo Pháp theo ý nghĩa là các hành động được đức Phật xem là chướng ngại phápchẳng bao giờ đưa đến khổ ưu cả. Vị này cũng bị bậc Đạo Sư khiển trách là"kẻ ngu si"(MN 22). Điều đáng chú ý là trong cả hai trường hợp này Kinh Điển nhắc đến nguồn gốc hèn kém của các Tỳ-kheo bị quở mắng như vậy. Hình như là đức Phật chỉ mong những người thiếu học vấn cố rèn luyện các đức tính theo giới hạnh, chứ không mong có nhiều khả năng trí tuệ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com