- Lời Giới Thiệu
- Chương 01: Thời niên thiếu - Cuộc tầm cầu - Giác ngộ (563-528 TCN)
- Chương 02: Thành lập Giáo hội và khởi đầu Hoằng pháp (528 TCN)
- Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
- Chương 04: Giáo lý, Tăng chúng, và giới cư sĩ
- Chương 05: Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
- Chương 06: Các năm sau
- Chương 07: Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
- Chương 08: Phần cuối - Thư mục Tham khảo
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản
Đức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
NHÂN DẠNG CỦA NGÀI
Kinh Điển Pàli có nhiều đoạn miêu tả đức Phật do Bà-la-môn Sonadanta phát họa. Quả thật, trước kia vị Bà-la-môn chưa gặp bậc Đạo Sư vào thời điểm miêu tả này, vị ấy chỉ lập lại những gì đã được nghe, nhưng sau đó vị ấy diện kiến ngài và nhận ra rằng điều này thật chính xác:
"Quả thật Sa-môn Gotama diện mạo tuấn tú, khả ái, gợi niềm tin tưởng, đặc biệt có làn da như màu hoa sen, màu da tương tự như Phạm thiên, rực rỡ như Phạm thiên. Diện mạo ngài thật cao sang. Giọng nói ngài thanh lịch, ngôn từ ngài diễn đạt cũng vậy, tao nhã, tế nhị, hùng hồn, trong sáng và chính xác". (DN 4.6)
Làn da tươi sáng của đức Phật được nhiều người đồng thời chú ý. Ngài thường được miêu tả "có màu da sáng như vàng"và sau cuộc tranh luận sôi nổi với vị cư sĩ Ni-kiền-tử Saccaka Aggivessana, vị ấy nhận xét rằng "màu da của Tôn giả Gotama vẫn giữ nguyên vẻ trong sáng"(MN 36. 49). Trong một xứ như Ấn Độ, nơi người ta chú trọng đến màu da và da có màu "lúa vàng" được xem là dấu hiệu của cả giai cấp thượng lưu (vanna: nghĩa đen: màu da) cùng với gia tộc cao sang, nhận xét này có ý nghĩa không chỉ là ca ngợi diện mạo đức Phật mà còn tán tụng các tổ tiên của ngài nữa.
Tuy nhiên không thể kết luận về nguồn gốc gia tộc của đức Phật do màu da của ngài. Dân chúng ở cộng hòa Sakiya một phần gốc Ấn, đa số gốc Indo-Ariyan. Họ nhập cư từ miền Tây và Nam, và một phần gốc Mông Cổ từ Bắc tràn xuống dọc theo các thung lũng bên bờ sông. Thời đức Phật có hai sắc tộc, dân Ấn màu nâu và dân Mông Cổ vàng nâu, đã đồng hóa với nhau trong lãnh thổ bộ tộc Sakiya này, vì thế có nhiều mẫu người tạp chủng và nhiều dân tộc có đủ màu da phối hợp.
Một dấu hiệu cho thấy đức Phật có lẽ thuộc về sắc tộc Ấn Độ hơn là sắc tộc Mông Cổ ở vùng Tuyết Sơn là chiều cao của ngài. Dân tộc Mông Cổ thường mập lùn, thô kệch, thấp hơn dân Ấn Độ, còn kinh sách ghi chép rằng đức Phật Gotama, ngay cả khi đang du hành giữa đám dân chúng Ấn Độ ở miền Nam sông Hằng, cũng vẫn hiện rõ dáng điệu oai nghi cao cả.