Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Nguồn gốc thái tử Siddhattha và sự đản sanh của Ngài

20/04/201100:32(Xem: 4101)
2. Nguồn gốc thái tử Siddhattha và sự đản sanh của Ngài

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 01
563 - 528 trước CN
Thời Niên Thiếu - Cuộc Tầm Cầu - Giác Ngộ


NGUỒN GỐC THÁI TỬ SIDDHATTHA VÀ SỰ ĐẢN SANH CỦA NGÀI

Kapilavatthu, quê hương đức Phật, nơi ngài sống hai mươi chín năm đầu tiên trong đời, ở sát biên giới ngày nay ngăn chia nước Nepal và cộng hòa Ấn Độ. Phụ vương đức Phật mệnh danh Suddhodana (Tịnh Phạn)*thuộc bộ tộc Sakiya. Bộ tộc Sakiya gồm toàn các vị Sát-đế-lỵ quý tộc vào thời ấy là thành phần giai cấp cao sang, giai cấp võ tướng hay hơn nữa là đại thần lãnh trách nhiệm cai trị và xử án tại cộng hòa Sakiya. Từ các chức vụ này, vị tân vương thống trị nước cộng hòa và đại diện toàn dân được bầu lên khi có nhu cầu. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước CN, vua Tịnh Phạn giữ ngôi vị Quốc trưởng.

Vua Tịnh Phạn kết hôn với hai chị em ruột từ xứ Devadaha, bà chánh hậu Màyà (Ma-gia) sau này thành mẫu thân Thái tử Siddhattha. Thứ phi ngài là Pajàpati (hay Mahàpajàpati: Ma-ha ba-xà-ba-đề) sinh hai con: hoàng nam là vương tử Nanda, chỉ sinh sau thái tử Siddhattha, anh khác mẹ vài ngày, và công chúa Nandà hay Sundarìnandà. Cả hai bà Màyà và Pajàpati đều thuộc về bộ tộc Sakiya. Kết hôn trong cùng một bộ tộc phù hợp với quy luật hôn nhân nội tộc thịnh hành thời ấy, mặc dù việc này cũng có thể bị coi thường trong trường hợp có chuyện ái tình hay món hồi môn đủ sức lôi cuốn.

Đáng chú ý hơn, đặc biệt ở giai cấp Bà-la-môn là nguyên tắc kết hôn ngoại tộc chống việc kết hôn nội tộc, theo đó những người cùng một họ (tộc tánh) không được phép kết hôn. Tộc tánh của vua Tịnh Phạn là Gotama vì thế ngài không được phép kết hôn với một phụ nữ cùng họ. Hẳn ngài đã tuân theo tục lệ ấy và đã kết hôn với nhiều người ngoại tộc nhưng việc này không có gì chắc chắn vì tộc tánh Devadahasakka hoặc Anjana đều không được ghi trong sử. Tuy nhiên ta chỉ nhìn vào bản gia phả là thấy rõ mối liên hệ huyết thống mật thiết giữa vua Tịnh Phạn và hai bà hoàng hậu chị em này: Mẫu thân của Ngài và phụ thân của hai bà là anh em ruột, và phụ thân ngài cùng mẫu thân hai bà cũng vậy. Nói cách khác, hai hoàng hậu là hai em họ ngài.

Kapilavatthu là kinh thành quê hương của Thái tử Siddhattha, nhưng không phải nơi ngài ra đời.

Như trong Nidànakatthà (Duyên Khởi Luận), phần giới thiệu truyện Tiền Thân hay Bổn Sanh (Jàtakas) kể câu chuyện thần thoại về hoàng hậu Màyà đã bốn mươi tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ởDevadaha để sinh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini (Lâm-tỳ-ni, nay là Rumindai) giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây sàla (tên khoa học Shorea Robusta) và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, hoàng tử ấu nhi Siddhattha sinh ra đời khoảng tháng năm, năm 563 trước CN.

Lumbini được các nhà khảo cổ khai quật năm 1896. Di chỉ quan trọng nhất được tìm thấy nơi ấy là một thạch trụ cao 6m5 do hoàng đế Asoka (A-dục) dựng năm 245 trước CN với lời ghi:

“Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8”.

Hơn nữa, một phiến đá có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ hai sau CN được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại một ngôi chùa nhỏ địa .1pt"> phương. Phiến đá cho thấy hoàng hậu Màyà sinh hoàng tử trong lúc đang đứng vịn cành cây sàla. Hình như sinh con lúc đứng là một phong tục thời ấy.

Sau những cơn đau đớn của sản phụ, hoàng hậu Màyà không thể tiếp tục cuộc hành trình đến Devadaha nên đoàn tuỳ tùng ít ỏi của bà đưa bà trở về Kapilavatthu, cả người mệt lã. Niềm hân hoan vì hoàng tử ấu nhi của hoàng gia Gotama ra đời chẳng bao lâu lại bị lu mờ vì nỗi lo âu trước sức khỏe suy nhược dần của mẫu hậu. Bà trở nên yếu đuối vì cảm sốt đành phải nằm trên giường nhìn mọi việc chuẩn bị cho ngày lễ đặt tên thái tử.

Một vị hiền triết được triệu vào cung để tiên đoán vận mệnh của thái tử, đó là lão trượng Asita (A-tư-đà) một thân hữu rất được hoàng tộc Gotama quý trọng, tên vị này có nghĩa là “Bất Bạch” vừa chỉ làn da của vị ấy vừa nói lên nguồn gốc sinh trưởng từ đám dân cư ngụ ở Ấn Độ trước thời kỳ có dân chúng gốc Aryan. Vị hiền nhân Asita vốn là tế sư của hoàng tộc Gotama suốt bao năm qua. Trước tiên là dưới thời tiên vương Sìhahanu, phụ thân của vua Suddhodana, sau đó đến chính thời vua Suddhodana trước khi ngài lui về ẩn dật. Ngài xem xét vị hài nhi mới ra đời ba ngày và tiên đoán căn cứ vào một số thân tướng rằng đây quả là một vương tử phi thường sẽ trở thành một vị Phật và sẽ chuyển Pháp Luân (S. Nip 693). Ngài ứa nước mắt vì chính ngài sẽ không sống lâu nữa để nhìn thấy thái tử Siddhattha thành Phật, và ngài căn dặn cháu trai mình là Nàlaka nhớ rằng về sau phải làm đệ tử của đức Phật tương lai này.

Hai hôm sau, tám vị Bà-la-môn cử hành lễ đặt tên thái tử Siddhattha*. Các vị này cũng tiên đoán nhiều việc trọng đại trong đời thái tử, hoặc sẽ thành bậc Giác Ngộ trên đường đạo giáo, hoặc làm một đại vương trong đời thế tục đầy vinh quang danh vọng. Vị trẻ nhất trong các vị Bà-la-môn này là Kondañña( Kiều-trần-như), người mà chúng ta sẽ gặp lại ba mươi năm sau.

Còn đối với hoàng hậu Màyà, lễ đặt tên hoàng tử hài nhi là phần kết thúc của đời bà. Bảy ngày sau khi sinh con, cũng như nhiều sản phụ khác trong các xứ nhiệt đới, bà lặng lẽ qua đời không than vãn.

Tuy nhiên, hoàng tử ấu nhi Siddhattha không lớn lên trong cảnh thiếu mẹ. Bà di mẫu Pajàpati của thái tử, thứ phi của vua Suddhodana, là kế mẫu thương yêu chăm sóc thái tử trong lúc chính bà cũng vừa sinh hoàng tử Nanda, em khác mẹ của thái tử Siddhattha. Chuyện còn kể rằng bà giao con mình cho một nhũ mẫu và chính bà dành hết thì giờ tận tụy săn sóc hài nhi của cố hoàng hậu, chị ruột bà.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com