- Chương 1: Giai đoạn du nhập và tiếp nhận (thời Nara và Heian)
- Chương 2: Giai đoạn Thiền nhà Tống xác định được vị trí ở Nhật (thời Kamakura)
- Chương 3: Thiền mở rộng và thẩm thấu (thời Muromachi và Azuchi Momoyama)
- Chương 4: Phát triển của Thiền thời tiền cận đại (thời Edo)
- Chương 5: Thiền Nhật Bản cận đại và hiện đại (từ thời Meiji đến ngày nay)
- Tạm Kết
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009
Giai đoạn Thiền nhà Tống xác định được vị trí ở Nhật
(thời Kamakura)
Tiết
2 - Thiền nhà Tống xác định vị trí
(giai
đoạn nửa sau thời Kamakura)
Giặc Nguyên Mông. Sự suy vi của Mạc phủ Kamakura
Nhà Nguyên (1237-1260-1367) sau khi diệt Tống xong, đòi Nhật Bản phải triều cống. Shikken thời đó, Hôjô Tokimune (Bắc Điều Thì Tông, 1251-84, tại chức 1268-84) [[8] cự tuyệt, hai lần (1274 và 1281) nghênh chiến và chặn được quân Mông Cổ (sử gọi là chiến dịch năm Bun.ei và Kôan). Tuy nhiên, sau khi đuổi được giặc Nguyên, không ban thưởng đủ cho bầy tôi và còn tập trung quyền lực vào mỗi một dòng họ Hôjô, mạc phủ đã gây nên bất mãn trong giới quân nhân. Mặt khác, việc cắt vụn đất đai thừa kế và sự phát triển của nền kinh tế hóa tệ đã làm cho đám bầy tôi (gọi là gokenin [9] nghèo đi. Đến đời shikken Hôjô Sadatoki (Bắc Điều, Trinh Thì, 1271-1311, tại chức 1284-1301), để cứu giúp họ, mạc phủ phải ban bố "Lệnh năm Einin về việc thi hành đức chính" (1297) [10]. Tuy nhiên hiệu quả chỉ nhất thời. Đến đời shikken Takatoki (Cao Thì, 1303-33, tại chức 1316-26) thì lại có việc chức naikanrei (quản lý việc nhà cho họ Hôjô) là Nagasaki Takasuke (?-1333) chuyên quyền, khiến cho uy tín của mạc phủ Kamakura lại càng suy sụp.
Tuy có cuộc chiến tranh với Nguyên Mông nhưng giao lưu Nhật-Nguyên không vì thế mà bị cắt đứt. Năm 1325, mạc phủ lại cho phép thuyền mậu dịch sang buôn bên Trung Quốc để gây quĩ xây dựng lại Kenchôji bị hỏa tai (loại thuyền ấy gọi là Kenchôji-bune) cho nên sự tiếp xúc giữa hai bên càng được nới rộng. Các tăng sĩ thường xuyên qua lại, họ đem về Nhật đủ loại sách vở, từ kinh điển cho đến tác phẩm văn học. Nhờ đó mà các luồng tư tưởng như Chu Tử Học mới được người Nhật tiếp thu.
Dười thời Takatoki chấp chánh, đã có sự xung đột trong hoàng tộc giữa hệ Jimyô.in (Trì Minh Viện, của con cháu Thiên hoàng Go-Fukakusa) và hệ Daikakuji (Đại Giác Tự, cánh Thiên hoàng Kameyama) [11] để xem ai là chính thống. Mạc phủ mới can thiệp bằng cách khuyên họ thay phiên nhau lên ngôi. Nhân người lên nối ngôi Thiên hoàng Hanazono (Hoa Sơn, thứ 95, 1297-1348, trị vì 1308-18) là Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, thứ 96, 1288-1339, trị vì 1318-39) theo Chu Tử Học, tiếp nhận ảnh hưởng Nho Giáo nên mới muốn tự mình nắm chính quyền. Mưu ấy bị lộ (sử gọi là loạn năm Genkô, 1331), ông bị đày ra ngoài hoang đảo Oki nhưng chẳng bao lâu đã trốn thoát Thế rồi nhờ có sự hiệp lực của Kusunoki Masashige (Nam Mộc [12] Chính Thành, 1294-1336) và một danh tướng phản mạc phủ là Ashikaga Takauji (Túc Lợi, Cao Thị, 1305-1358), cuối cùng đã tiêu diệt được Mạc phủ Kamakura (1333).
Danh sách các thiền tăng vãng lai
Trong số những thiền tăng Trung Quốc đến Nhật thời này, tiêu biểu hơn cả là các vị sau đây:
- Đại Hưu Chính Niệm (Daikyuu Shônen, còn được goi là Phật Nguyên Thiền Sư, 1215-89, đến Nhật năm 1269, thuộc phái Phật Nguyên).
- Vô Học Tổ Nguyên (Mugaku Sogen, còn có tên Phật Quang Quốc Sư. 1226-1286, đến Nhật năm 1279, phái Phật Quang).
- Nhất Sơn Nhất Ninh (Issan Ichi.nei, 1247-1317, đến Nhật năm 1299, phái Nhất Sơn).
- Đông Minh Huệ Nhật (Tômei E.nichi, tông Tào Động phái Hoằng Trí, 1272-1340, đến Nhật khoảng năm 1308, phái Đông Minh).
- Thanh Chuyết Chính Trừng (Seisetsu Shôchô, tức Đại Giám Thiền Sư, 1274-1339, đến Nhật năm 1326, phái Thanh Chuyết, phái Đại Giám).
- Minh Cực Sở Tuấn (Minki Soshun, 1262-1336, đến Nhật năm 1329, phái Minh Cực).
- Trúc Tiên Phạm Tiên (Jikusen Bonsen, 1292-1348, đến Nhật năm 1229, phái Trúc Tiên).
Còn về những thiền tăng Nhật Bản đi du học thì có những vị như sau:
- Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn, 1212-91, về nước năm 1262).
- Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh, tức Đại Ứng Quốc Sư, 1235-1308, về nước năm 1267, phái Đại Ứng).
- Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác Minh, 1271-1361, nhập Nguyên năm 1311).
- Gida Daichi (Kỳ Đà Đại Trí, tông Tào Động, 1290-1366, nhập Nguyên năm 1314).
- Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, 1286-1344, về nước năm 1316, phái Huyễn Trú).
- Kaô Sônen (Khả Ông Tông Nhiên, ? -1345, về nước năm 1326).
- Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang, 1290-1367, về nước năm 1326).
- Sesson Yuubai (Tuyết Thôn Hữu Mai, 1290-1346, về nước năm 1329).
- Tengan Ekô (Thiên Ngạn Huệ Quảng, 1273-1335, về nước năm 1329).
- Getsurin Dôkô (Nguyệt Lâm, Đạo Hạo, 1293-1351, về nước năm 1330).
- Betsugen Enshi (Biệt Nguyên Viên Chỉ, 1294-1364, về nước năm 1330).
- Chuugan Engetsu (Trung Nham Viên Nguyệt, 1300-1375, về nước năm 1332).
Nhiều người sau đó đã mở môn phái riêng của mình.
Trong bọn họ, không ít người đã chịu ảnh hưởng của chi lưu Mật Am Hàm Kiệt (1118-86) phái Dương Kỳ tông Lâm Tế cũng như đi theo hai phái Tùng Nguyên và Phá Am nghĩa là những môn phái quan trọng phản ánh được tình hình của tùng lâm Trung Quốc thời bấy giờ [13] . Đặc biệt Ngột Am Phổ Ninh, Vô Học Tổ Nguyên, thầy của Tôfuku Enni (Nhật) là Vô Chuẩn Sư Phạm , thầy của Nanpo Jômin (Nhật) là Hư Đường Trí Ngu (1185-1269), thầy của Gida Daichi (Nhật), Trúc Tiên Phạm Tiên (Trung), Jakushitsu Genkô (Nhật), Getsurin Dôkô (Nhật), Kaô Sônen (Nhật), Betsugen Enshi (Nhật), Chuugan Engetsu (Nhật) là Cổ Lâm Thanh Mậu (1262-1329), cũng như thầy của Kohô Kakumyô (Nhật), Enkei Soô (Nhật), Kaô Sônen (Nhật), Jakushitsu Genkô (Nhật) là Trung Phong Minh Bản (1263-1323) ...đều là những bậc danh sư trong thiền giới Trung Quốc giai đoạn Nam Tống-Nguyên. Tuy vì cá tính nên sự suy nghĩ của họ có khác nhau chút ít, chứ thực ra tư tưởng căn bản mà họ chia sẻ vẫn nằm trong phạm trù của "thiền công án" (kôanzen) đã được khẳng định và củng cố với Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) và Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163).
Giao
lưu Trung Nhật thời Kamakura và Muromachi.
Chuyện
về các thiền tăng hai bên qua lại
Sau khi nhà Tống tái thống nhất Trung Quốc, sự giao thương Trung Nhật ngày càng phát triển mạnh. Người để ý đến chuyện đó là quyền thần Taira no Kiyomori (Bình, Thanh Thịnh, 1118-1181) đã trang bị bến Ôwada no Tomari (nay là cảng Kobe) dùng vào việc khuếch trương mậu dịch với Nam Tống. Do việc buôn bán với Tống càng ngày càng phồn thịnh, thuyền Trung Quốc chở vật dụng, thư tịch, đồ mỹ nghệ cũng như đem hóa tệ nhà Tống qua... ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người Nhật. Thêm vào đó, con số thiền tăng vãng lai càng đông đảo: số tăng Nhật nhập Tống có hơn 80 vị, tăng Tống sang Nhật có trên 20 vị. Đến đời nhà Nguyên thì tuy có hai cuộc đụng độ quân sự nhưng việc mậu dịch không vì thế mà bị cấm đoán cho nên cũng phồn thịnh không kém trước. Mạc phủ Kamakura từng chống trả nhà Nguyên về mặt quân sự nhưng đến khi cần tiền để trang trải kinh phí trùng tu Kenchôji, đã cho phép thuyền mậu dịch Kenchôji-bune sang Tống (1325). Chức Shôgun đầu tiên của Mạc phủ Ashikaga là Ashikaga Takauji (1305-1358, tại chức 1338-58) [14]nghe thời lời khuyên của tăng phái Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) là Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch, 1275-1351) gửi thuyền mậu dịch gọi là Tenryuuji-bune (1342) đi qua Tống kiếm ngân quĩ xây dựng lại Tenryuuji (Thiên Long Tự). Tăng nhà Nguyên sang Nhật rất nhiều đến nỗi thời đó, Mạc phủ Kamakura nhiều khi muốn hạn chế. Còn tăng Nhật Bản nhập Nguyên có đến hơn 200 người, nhiều hơn cả con số tăng nhập Tống lúc trước. Đến đời Minh, để đối kháng với cướp biển Wakô (Nụy khấu) [15], việc mậu dịch bị giới hạn. Kể từ năm 1404 trở đi, việc mậu dịch giữa nhà Minh và Mạc phủ Muromachi đổi sang hình thức kangô bôeki (khám hợp mậu dịch) nghĩa là buôn bán chính thức có kiểm tra sổ sách và ghép hai mảnh ấn tín (warifu = cát phù) cho ăn khớp giữa hai cơ quan kiểm soát của nhà nước (nhằm ngăn chận buôn lậu, cướp biển và mậu dịch tư nhân). Vì lý do đó, việc đi lại của các tăng lữ trở nên gian nan hơn. Tuy nhiên, mậu dịch Nhật Minh vẫn phải dựa vào sự trợ giúp của các thiền tăng vì họ giỏi ngôn ngữ, biết soạn thảo văn bản ngoại giao (quốc thư). Các sứ bộ do Nhật gửi đi đều có tục lệ sung các thiền tăng vào chức chính sứ hay phó sứ. Việc viên chính sứ sang nhà Minh (khiển Minh sứ) là thiền sư Liễu Am Quế Ngộ (1425-1514) khi về nước rồi có chơi thân với Vương Thủ Nhân (Dương Minh, 1472-1528) và từng được ông này tặng thơ là một giai thoại khá nổi tiếng. Qua việc họa tăng Sesshuu Tôyô (Tuyết Chu Đẳng Dương, 1420-1526) vào đất Minh (1467-69), ta thấy việc các thiền tăng nhập Minh vẫn được tiếp nối lâu dài. Trong đó có những người như Musho Tokushi (Vô Sơ Đức Thủy, ? - 1429) đã đến Trung Quốc, nhận pháp tự của Quý Đàm Tông Lặc (1318-91), hoạt động trong chốn thiền lâm Tứ Xuyên và Hà Bắc trước khi mất ở Bắc Kinh. Dù vậy, kangô bôeki (khám hợp mậu dịch) cũng chỉ tổ chức được có 17 lần. Sau khi kẻ nắm thực quyền chỉ huy những chuyến đi này là họ Ôuchi (Đại Nội) bị diệt vong thì chuyến đi năm 1547 trở thành chuyến chót.
Sở dĩ có nhiều danh tăng Trung Quốc đến Nhật Bản là vì chính quyền Hôjô ở Kamakura và tầng lớp võ sĩ cao cấp rất nhiệt tình trong việc đón tiếp họ. Sau khi Lan Khê Đạo Long chết rồi, Hôjô Tokimune muốn mời danh sư Trung Quốc khác đến để dạy Thiền. Vô Học Tổ Nguyên đã đáp lời mời của ông đến Kamakura, sau đó Đông Minh Huệ Nhật và Thanh Chuyết Chính Trừng cũng nhận lời mời của hai shikken kế tiếp là Hôjô Sadatoki và Hôjô Takatoki, lên đường qua Nhật. Lại nữa Minh Cực Sở Tuấn và Trúc Tiên Phạm Tiên cũng nhận lời mời của các võ tướng Adachi Takekage (An Đạt Cao Cảnh, năm sinh năm mất không rõ) và Ôtomo Sadamune (Đại Hữu, Trinh Tông, ? - 1333) mà sang Nhật truyền đạo.
Thế nhưng việc các ông ra nước người cũng còn có động cơ khác, đó là tình hình quốc nội. Đương thời, triều đình nhà Nguyên của tộc Mông Cổ đã đặt xong nền móng cai trị Trung Quốc. Các thiền tăng không thể nào thích thú được trước cảnh tượng làm bầy tôi cho ngoại tộc như vậy nên tìm đường ra nước ngoài hoạt động. Chẳng hạn Nhất Sơn Nhất Ninh, được gửi theo sứ bộ nhà Nguyên sang Nhật, đã xin ở lại, ra sức truyền bá Thiền Tông dưới sự bảo trợ của shikken Hôjô Sadamune.
Thiền bám rễ ở Nhật
Như thế, Thiền đã bắt đầu có tiếng nói ở Nhật. Nói chung, dù được bình yên để truyền đạo nhưng các thiền sư không phải không gặp sự chống đối nào. Rokujô Arifusa (Lục Điều, Hữu Phòng, 1251-1319), tác giả Nomori no Kagami [16] (Dã Thú Kính, 1295) là một trong những người chống đối. Thế nhưng, chính ông Rokujô này sau lại qui y với Nhất Sơn Nhất Ninh, đủ thấy sức mạnh của Thiền đã thấm sâu vào giai cấp lãnh đạo thời ấy đến mức nào.
Nhất Sơn Nhất Ninh (Issan Ichi.nei)
Sư người châu Thai (tỉnh Chiết Giang), họ Hồ. Xuất gia từ thưở nhỏ,trước đeo đuổi giáo lý Luật và Thiên Thai, sau đổi qua Thiền. Đã tham học nhiều chùa danh tiếng như Thiên Đồng Sơn, A Dục Vương Sơn, Tịnh Từ Tự và nhận pháp tự của Ngoan Cực Hành Di (người hậu bán thế kỷ 13). Sau đó lại tiếp tục theo học Hoàn Khê Duy Nhất (1202-81). Xong mới đi truyền đạo ở nhiều nơi, được Temul (Nguyên Thành Tông, trị vì 1294-1307) ban tặng danh hiệu Diệu Từ Hoằng Tế Đại Sư. Nhận lệnh triều đình cùng với Tây Giản Tử Đàm (1249-1306) theo sứ bộ sang Nhật. Lúc đầu tình nghi là gián điệp nên bị bắt giam ở chùa Shuzenji (Tu Thiền Tự) ở vùng Ise (tỉnh Shizuoka) nhưng sau được thả ra, đến trụ trì ở các chùa nổi tiếng Kenchôji (Kiến Trường Tự), Engakuji (Viên Giác Tự) cũng như Nanzenji (Nam Thiền Tự). Ông mất ở Nanzenji, được Thiên hoàng Go-Uda (Hậu Vũ Đa, thứ 91, trị vì 1274-87) ban thụy hiệu (tên hèm) là Nhất Sơn Quốc Sư. Đệ tử nhận pháp tự của ông là Sesson Yuubai (Tuyết Thôn Hữu Mai). Ông còn để lại tập Nhất Sơn Quốc Sư Ngữ Lục. Nhất Sơn học vấn uyên thâm, thông hiểu văn học và các chế độ, lại giỏi thư đạo. Chính ông là người đã gây dựng cơ sở cho văn học Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản). Những người như Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, trong khoảng 1299-1312) và Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch) đều có một thời theo học ông.
Những thiền tăng tiêu biểu thời này, cho dù là người Nhật, đều đã hấp thụ tư tưởng Thiền Tông trên đất Trung Quốc. Điều này đã trở thành một điều kiện không thể thiếu được cho những ai muốn có một địa vị trong chốn tùng lâm. Thế nhưng không thể nói là những người chỉ học trong nước không có ai giỏi. Có nhiều bằng chứng như trường hợp các danh tăng Chigotsu Daie (Si Ngột Đại Huệ), pháp tự của Tôfuku Enni và là người đã khai sơn Anyôji (An Dưỡng Tự) ở Ise, Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật (Phật Quốc Quốc Sư, 1241-1316), vốn là hoàng tử của Thiên Hoàng Go-Saga (Hậu Tha Nga, thứ 88, trị vì 1242-46) và là pháp tự của Vô Học Tổ Nguyên, Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1229-1312), pháp tự của Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam (Trạm) Nhiên, có lúc theo học Nhất Sơn Nhất Ninh.
Chigotsu Daie (Si Ngột) đã viết Juugyuuketsu (Thập Ngưu Quyết) để giải thích ý nghĩa thâm sâu (quyết) trong Thập Ngưu Đồ, trước tác của Khuếch Am Sư Viễn, thiền sư Bắc Tống. Ông cũng có tác phẩm bằng quốc ngữ kana là cuốn pháp ngữ Koboku-shuu (Khô Mộc Tập, 1283). Còn Kokan Shiren (Hổ Quan) có thể xem như là người đầu tiên đã viết đăng sử khi ông thu thập truyện ký các danh tăng trong Genkô Shakusho (Nguyên Hưởng Thích Thư, 1322). Với Butsugo Shinron (Phật Ngữ Tâm Luận, 1326), Kokan Shiren đã chú thích kinh Lăng Già, so sánh Thiền Tông với các tông phái khác và trình bày tính ưu việt của nó trong Shuumon Jisshô-ron (Tông Môn Thập Thắng Luận), còn để lại tập thi văn Saihoku-shuu (Tế Bắc Tập) và biên tu Zengi Gaibun-shuu (Thiền Nghi Ngoại Văn Tập), một cuốn sách gồm các loại văn như giải nghĩa, thông báo và cáo tế (sớ, bảng, tế văn) đời Tống (cuốn sách này được xem như khuôn mẫu cho lối hành văn của Gozan). Ngoài ra, cuốn Bukkoku Kokushi Goroku (Phật Quốc Quốc Sư Ngữ Lục, 1326) của Kôhô Kennichi (Cao Phong) chép lại đối thoại giữa ông và Vô Học Tổ Nguyên, là một tác phẩm ghi được những cuộc vấn đáp có chất lượng cao. Lại nữa, học trò của Enni là Mujuu Dôgyô (Vô Trú Đạo Hiểu, tức Ichien-bô hay Nhất Viên Phòng, 1226-1312) đã thông báo cho chúng ta về đường hướng hoạt động tôn giáo đương thời trong Shaseki-shuu (Sa Thạch Tập, "Góp Nhặt Đá Cát" , 1283), một văn kiện quí báu.
Sau những người nói trên một ít lâu, ba nhân vật khác lại xuất hiện: Shuuhyô Myôchô
(Tông Phong Diệu Siêu, tức Hottô Kokushi = Đại Đăng Quốc Sư, 1282-1325), Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch tức Musô Kokushi =Mộng Song Quốc Sư, 1275-1351) và Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn, 1268-1325). Mỗi người đều có cá tính riêng nhưng đã góp phần cống hiến của mình trong việc xây dựng một hệ thống tư tưởng Thiền độc đáo của người Nhật. Việc các vị ấy chưa từng ra nước ngoài du học cũng là một yếu tố đáng chú ý.
Việc xây dựng ba ngôi chùa Engakuji, Nanzenji và Daitokuji
Một khi đã mời các tăng lữ Trung Quốc sang (gọi là toraisô = độ lai tăng) cũng như chào đón các du học tăng từ bên ấy trở về (gọi là qui triều tăng = kichôsô), mạc phủ có bổn phận tìm ra nơi ăn chốn ở để họ có thể chuyên tâm tu hành và truyền đạo. Do đó mới có việc xây dựng thêm chùa chiền. Ở Kamakura, nơi đã có Kenchôji (Kiến Trường Tự, 1249), nay cho xây tiếp Engakuji (Viên Giác Tự, 1282), một ngôi chùa lớn. Người được mời đến khai sơn là Vô Học Tổ Nguyên. Tổ Nguyên dùng hai chùa này làm địa bàn hoạt động, đào tạo được nhiều học trò giỏi như Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật), Ittô Ingô (Nhất Ông Viện Hào, 1210-81) vv...
Vô Học Tổ Nguyên (Mugaku Sogen)
Sư người phủ Khánh Nguyên tỉnh Chiết Giang, họ Hứa. Năm 13 tuổi xuất gia dưới trướng Bắc Giản Cư Giản (1164-1246). Sau đó tham học với Vô Chuẩn Sư Phạm, Thạch Khê Tâm Nguyệt ( ?-1254), Hư Đường Trí Ngu...Sau đó theo Vật Sơ Đại Quan (1201-68) và Hoàn Khê Duy Nhất (1202-81) tu hành. Năm 1278 khi Lan Khê Đạo Long mất, Hôjô Tokimune mới gửi học trò của Đạo Long sang Trung Quốc để tìm thầy dạy thiền thế vào chỗ khuyết Lúc đầu định mời học trò của Vô Chuẩn Sư Phạm là Hoàn Khê Duy Nhất nhưng Duy Nhất lại tiến cử đồng môn của mình là Tổ Nguyên. Đó là cái cơ duyên đưa đẩy Tổ Nguyên đến Nhật.
Tới nơi, sư được mời trụ trì ở Kenchôji (vào năm 1279), chỉ dạy môn đệ trong 5 năm trời. Năm 1282, chính quyền Hôjô xây thêm Engakuji (Viên Giác Tự) và mời ông đến khai sơn. Được ban thụy hiệu Phật Quang Quốc Sư. Tác phẩm có Phật Quang Quốc Sư Ngữ Lục.
Về Tổ Nguyên, có một giai thoại nhiều người biết. Đó là câu chuyện xảy ra năm 1275, lúc ông 50 tuổi và còn ở Trung Quốc. Ông có lần bị quân Nguyên bắt và sắp sửa đem chém, có đọc một bài "Lâm kiếm tụng" (Bài tụng lúc đối mặt với lưỡi kiếm) như sau:
乾坤無地卓弧筇
喜得人空法亦空
珍重大元三尺剣
電光影裏斬春風
Càn
khôn vô địa trác cô cung,
Hỉ
đắc [17] nhân không pháp diệc không.
Trân
trọng Đại Nguyên tam xích kiếm,
Điện
quang ảnh lý trảm xuân phong.
Ý nói giữa cõi trời đất không một chỗ cắm dùi (cung = cây gậy để chống). Rằng mình mừng vì đạt đến chỗ không có thân cũng không có pháp. Ba thước kiếm oai phong của nước Đại Nguyên kia nếu có chém ta đi nữa thì cũng vô ích như chém vào ngọn gió xuân ở đằng sau một tia chớp. Nghe nói rằng, tướng nhà Nguyên kinh sợ đạo lực của ông mà bỏ đi. Qua câu chuyện, người ta có thể nghĩ rằng mạc phủ đã thêm thắt để nâng cao uy tín của một thiền sư mà họ đã mời từ nước ngoài về.
Như thế, mạc phủ đã hết sức gắn bó và qui phục Thiền Tông, và điều này cũng kích thích hoàng tộc. Năm 1291, Thiên hoàng Kameyama (Qui Sơn, thứ 90, 1249-1305, trị vì 1260-74) dã lập nên Nanzenji (Nam Thiền Tự) và mời thiền sư Nhật Bản Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn) khai sơn. Vì Mukan Fumon qua đời ít lâu sau đó, đáng lý ra đệ tử bổn tự của ông là Kian Soen (Quy Am Tổ Viên, tức Nam Viện Quốc Sư, 1261-1313) sẽ nối nghiệp thầy mà tu ở đó. Nhưng Soen lại tôn trọng ý chỉ của Thiên hoàng Kameyama chỉ muốn mời trụ trì là người thập phương đến nên mới "bái tháp tự pháp" (xin làm học trò một vị sư đã chết), trở thành đệ tử của Tổ Nguyên. Nhiều người không bằng lòng sự dàn xếp như vậy nhưng Thái thượng hoàng Go-Uda (Hậu Vũ Đa, thứ 91, 1267-1324, trị vì 1274-87) - một đàn việt thế lực - ra tuyên cáo (gọi là "viện tuyên" vì là chiếu chỉ của viện sảnh) chấp nhận điều đó. Từ ấy, Nanzenji vừa là chùa của hoàng gia, vừa giữ được đặc tính của hệ phái (và đứng vượt lên trên) Gozan tức 5 chùa của Ngũ Sơn Nhật Bản. Tiền lệ đó sẽ làm cho các chùa Thiền không những được sự ngoại viện, bảo hộ của mạc phủ mà của cả hoàng gia nữa. Cùng lúc, địa vị của Thiền trong giới Phật Giáo được xác định và đấy là một sự kiện hết sức quan trọng.
Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn)
Sư người Shinano (thuộc tỉnh Nagano bây giờ), mới 7 tuổi đã xuất gia. Năm 19 vào chùa Chôrakuji (Trường Lạc Tự) ở Ueno (tỉnh Gunma bây giờ) theo Eichô (Vinh Triều) học cả Mật Giáo lẫn Hiển Giáo. Sau đó ông lại tham thiền với Tôfuku Enni và nhận pháp tự. Năm 1251 nhập Tống, đi khắp nơi cầu đạo suốt 12 năm. Khi về nước, tiếp tục tu hành ở các chùa Tôfukuji (Đông Phúc Tự) và Jufukuji (Thọ Phúc Tự). Năm 1291, Thiên hoàng Kameyama sau khi quy y Thiền bèn lấy ly cung Ryuuzan (Long Sơn) của mình để dựng một ngôi chùa tiếng tăm. Đó là Nanzenji (Nam Thiền Tự). Mukan Fumon được vinh dự khai sơn những chẳng bao lâu ông qua đời. Được truy tặng danh hiệu Phật Tâm Thiền Sư và Đại Minh Quốc Sư.
Đất Kyôto sau đó còn mọc thêm một ngôi chùa mới cũng rất tiếng tăm: Daitokuji (Đại Đức Tự, 1326). Người khai sơn là Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu, tức Daitô Kokushi (Đại Đăng Quốc Sư, 1282-1336). Chùa tuy được xây dựng bằng tiền tiến cúng của những người quy y nhưng về sau, khi Thái thượng hoàng Hanozono (thứ 95, trị vì 1308-18) và Thiên hoàng Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, thứ 96, trị vì 1318-39) cũng quy y, thì đến năm 1325, nhận được sắc lệnh đổi chùa thành đạo tràng của hoàng gia. Đặc biệt Thiên hoàng Go-Daigo gọi nơi ấy là "bản triều vô song thiền uyển". Ông đặt Daitokuji ngang với vị trí của Nanzenji. Từ đó, nó trở thành chùa "nhất phái tương thừa", độc quyền ấy dành cho hệ phái Shuuhô Myôchô tức phái Đại Đăng (Daitô-ha). Sau khi Myôchô mất, học trò nhận pháp tự của ông là Tettô Gikô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng, 1295- 1369) tiếp tục trụ trì và sau đó là các đồ tôn trực hệ (nhưng lúc đó gọi là phái Tettô = Triệt Ông).
Tuy lịch sử thành lập của nó là như thế nhưng Daitokuji chỉ có một qui mô nhỏ bé nếu đem so sánh với các danh sát trong Ngũ Sơn (Gozan). Trên thực tế, cho đến cuối đời trung cổ, Daitokuji vẫn chưa có nổi một cái hattô (pháp đường = chỗ giảng kinh), phải dùng điện Phật kiêm luôn việc đó. Già lam của chùa có hình dáng trông được mắt như ngày nay cũng chỉ là chuyện từ đầu thời cận đại về sau mà thôi.
Shuuhô
Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu, 1262-1337)
vị
quốc sư 7 năm sống đời khất thực
Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu)
Ông người vùng Harima (tỉnh Hyogô), tên thế tục là Uragami. Năm 11 tuổi xuất gia, theo học Thiên Thai và giới luật, sau mới chuyển qua Thiền. Tham học với Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật) tại chùa Jufukuji (ở Kamakura) và nhận được pháp tự. Nhưng vẫn không thơa mãn, ông tìm đến Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh), người đã từ Kyushuu thượng kinh theo lời mời của Thái thượng hoàng Go-Uda (Hậu Vũ Đa, thứ 91, 1267-1324, trị vì 1274-87). Ông lại cùng Jômin dời về Kenchôji (Kamakura) tu hành và sau nối được pháp tự của thầy. Khi Jômin chết, ông về Kyôto, theo di mệnh tôn sư, sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm rồi ra ở ngoài am vùng Murasakino. Thượng hoàng Hanazono biết được vời ông làm thầy. Năm 1325, theo lời yêu cầu của nhóm Cựu Phật Giáo, ông tham gia với tư cách thiền gia trong cuộc tranh luận với họ ở điện Thanh Lương (Seiryôden) gọi là "cuộc tranh luận về tông phái năm Seichuu" (Chính Trung tông luận). Qua cuộc đấu lý, ông tỏ rõ kiến thức sâu xa làm cho Thiên hoàng Go-Daigo phải kính nễ. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều đàn việt hâm mộ đạo đức của ông đã tiến cúng tiền xây chùa, và nhờ thế mà Daitokuji đã thành hình (1326). Thiên hoàng Go-Daigo đánh giá cao Daitokuji chẳng khác Nanzenji và liệt nó vào 5 chùa Gozan. Thái thượng hoàng Hanozono ban tặng ông danh hiệu Hưng Thiền Đại Đăng Quốc Sư. Trong đám đồ đệ của ông, ngoài Tettô Gikô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng) đã nhắc đến bên trên, còn có Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, 1277-1360), người đã khai sơn Myôshinji (Diệu Tâm Tự) [18] vv...Trước tác Shuuhô Myôchô để lại có Đại Đăng Quốc Sư Ngữ Lục, Đại Đăng Quốc Sư Giả Danh (kana) Pháp Ngữ.
Những ngôi chùa danh tiếng Nhật Bản như Kenchôji, Engakuji và Nanzenji đều được kiến tạo theo kiểu mẫu Trung Quốc, nghi thức thì rập đúng khuôn mẫu cung cách của Thiền Tông Nam Tống và Nguyên. Các tăng Trung Quốc "độ lai" và Nhật Bản "quy triều" đã lập ra các qui tắc theo Thiền Uyển Thanh Qui và Tùng Lâm Hiệu Định Thanh Qui Tổng Yếu họ đã học được ở đại lục. Họ còn tổ chức những nghi lễ tôn giáo kiểu "cúng cô hồn" (segaki = thí ngạ quỷ) vốn rất phổ biến trong dân gian bên Trung Quốc từ dưới triều Tống. Vào thời điểm này, Lan Khê Đạo Long (1213-78) đã trước tác Zazengi (Tọa Thiền Nghi, 1246) và Thanh Chuyết Chính Trừng tức Đại Giám Thiền Sư soạn Taikan Shingi (Đại Giám Thanh Quy) (1332). Những tác phẩm đó dù sao cũng rất cần thiết cho cuộc sống ở chốn tùng lâm. Lại nữa, ở Nhật người ta cũng bắt chước các "quan tự" tức chùa nhà nước ở Trung Quốc mời người trụ trì từ trong vòng các tăng sĩ thập phương. Chế độ này nhằm tuyển dụng những tăng sĩ có khả năng thực sự mà không nề hà đến pháp hệ của họ. Về mặt đào tạo các thiền tăng, chế độ này đóng một vai trò rất quan trọng.
Nhờ có sự qua lại thường xuyên của các thiền tăng mà những tư tưởng mới mẻ trong chốn tùng lâm Trung Quốc được truyền ngay sang Nhật. Ví dụ như tu tưởng "tam giáo nhất trí" có từ đời Tống trở về sau đã đến Nhật. Phong trào nghiên cứu Chu Tử Học trong tùng lâm thời Nam Tống cũng gây ảnh hưởng như vậy. Thiền sư Nhật Bản Chuugan Engetsu (Trung Nham Viên Nguyệt) đã được biết đến như một đại gia về Chu Tử Học. Không những thế, tư trào văn học nhuốm màu Thiền của Cổ Lâm Thanh Mậu, tư tưởng "Thiền Tịnh song tu" đặc sắc và khuynh hướng ẩn dật của Trung Phong Minh Bản đều được các thầy ấy trực tiếp truyền sang trò và sau đó họ đem về nước thực hành. Đặc biệt tư tưởng "Thiền Tịnh song tu" tuy ít khi thấy nhưng vẫn hiện diện ở Nhật nếu ta để mắt vào hành trạng của các thiền tăng như Minh Cực Sở Tuấn, Trúc Tiên Phạm Tiên và Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang). .
Sự phát triển của Sôtô-shuu (Tào Động Tông)
Tuy rằng sau cuộc tranh chấp về đường lối phát triển với đồng đạo là Gi.en (Nghĩa Diễn), đồ tôn của Dôgen là Tettsuu Gikai (Triệt Thông Nghĩa Giới) bắt buộc rời khỏi Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) thế nhưng từ cửa đó đã xuất hiện Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn), một nhân vật có tầm cỡ, người tạo ra được một cuộc thay đổi lớn cho tông Sôtô. Ông bắt đầu công việc đó tại Daijôji (Đại Thừa Tự) ở Kaga (tỉnh Ishikawa bây giờ) mà ông thừa kế từ thầy mình, sau lan ra đến hai trung tâm khác là những ngôi chùa do ông lập ra như Yôkôji (Vĩnh Quang Tự) và Sôjiji (Tổng Trì Tự) ở Noto (cũng thuộc Ishikawa). Ông soạn Keizan Shingi (Oánh Sơn Thanh Quy (còn gọi là Động Cốc Thanh Quy, 1324) chỉnh đốn qui củ cho tăng chúng và ra sức đào tạo đệ tử. Không những ông đã dạy dỗ được nhiều học trò giỏi như Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết, 1277-1350) và Gazan Jôseki (Nga Sơn Thiều Thạc, 1276-1366) mà còn soạn được Denkôku (Truyền Quang Lục, 1300) ghi lại thành tích truyền pháp của tông môn Sôtô.
Tuy nhiên, một mặt ông lại coi trọng thuyết ngũ vị và đưa khán thoại thiền (thiền công án) vào trong giáo lý của mình nghĩa là cổ xúy cho một tư tưởng khác lạ đối với Dôgen. Mặt khác, để có dịp thẩm thấu vào các tầng lớp dân chúng, ông tom góp luôn vào đó những yếu tố Mật Giáo và tín ngưỡng dân gian nữa. Như thế, lập trường của ông còn đi xa hơn, triệt để hơn lối suy nghĩ của Gikai (Nghĩa Giới), thầy ông. Có thể xem sự việc này đã bắt nguồn từ truyền thống của ngôi chùa mà Keizan dùng làm căn cứ (trước kia nơi đây là tự viện của tông Thiên Thai hệ phái Bạch Sơn), cũng như ảnh hưởng khuynh hướng "kiêm tu" của phái Hottô (Pháp Đăng) ông vốn đi lại thân thiết.
Điều đó có thể thấy qua việc Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác Minh), người thuộc phái Pháp Đăng nhưng nhận được ấn khả từ Keizan (Oánh Sơn) và là một trong số vài đệ tử thân tín vì Kohô được Keizan kể vào nhóm "tứ môn nhân lục huynh đệ" mà ông đặt ra để hợp lực duy trì Yôkôji (Vĩnh Quang Tự) về sau. Do đó, ngay lúc Keizan đã qua đời rồi, Kohô vẫn ngầm vận động để thầy mình được ban tặng đạo hiệu thiền sư. Còn đối với Gazan Jôseki thì ông xin cho mình được đổi qua Sôtô-shuu (Tào Động Tông). Lại nữa, Kyôô Unryô (Cung Ông Vận Lương, 1267-1341) tuy là người phái Pháp Đăng nhưng vẫn thờ Keizan làm thầy. Hai bên giữ được sự thân thiết bền vững đến nỗi sau ông nhận mệnh của Keizan làm trụ trì chùa Daijôji (Đại Thừa Tự). Mối liên hệ giữa môn đệ của Keizan và phái Pháp Đăng vẫn còn tiếp tục mãi về sau. Như thế, ảnh hưởng của phái Pháp Đăng đến tư tưởng Tào Động có thể nói là cực kỳ to lớn.
Muốn nói gì thì nói, nhờ có cơ sở hoạt động do Keizan (Oánh Sơn) tạo ra mà Sôtô-shuu (tức Tào Động Nhật Bản) mới phát triển để thành được một đại giáo đoàn hùng hậu như ngày nay. Chúng ta không nên quên rằng vì muốn làm được điều đó, đồ đệ đồ tôn của Dôgen đã bắt buộc phủ nhận tài sản tinh thần của ông.
Ngoài ra cũng nằm trong giáo đoàn Sôtô-shuu và đã phát triển rộng rãi, ngang ngữa với hệ thống của Gikai (Nghĩa Giới) là môn phái của Kangan Giin (Hàn Nham Nghĩa Doãn, 1217-1300). Phái này đã rạch một ranh giới ảnh hưởng với hệ thống của Gikai ở Kyuushuu. Họ đóng chốt ở chùa Daijiji (Đại Từ Tự) vùng Higo (tỉnh Kumamoto), dùng nó làm bàn đạp để lan tỏa khắp hòn đảo miền nam nước Nhật. Đến đời Muromachi (1333-1568), môn phái này đã trở thành một lực lượng đáng kể, lấn mãi lên tận vùng Tôkai (ven biển phía nam Tôkyô).
Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn)
Ông sinh năm 1268 ở vùng Fuchuu xứ Echizen. Năm lên 8 đã vào Eiheiji, xuất gia với Tettsuu Gikai (Triệt Thông Nghĩa Giới). Năm 13 tuổi thì đắc độ với Ejô (Hoài Trang). Từ 1285, lên đường tu học với nhiều danh sư như Jakuen (Tịch Viên) của tông Sôtô (Tào Động Nhật Bản), Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam (Trạm) Chiếu), Hakuun Egyô (Bạch Vân Huệ Hiểu) và Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm)...của tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản). Năm 1295, lúc 28 tuổi, được mời đến Jômanji (Thành Mãn Tự) ở Anami (thuộc Fukushima) để khai sơn. Năm 1299, lúc 32 tuổi, nhận pháp tự của Gikai (Nghĩa Giới) và trở thành thủ tòa của Daijôji (Đại Thừa Tự) ở Kaga (tỉnh Ishikawa). Năm 1302, giữ chức trụ trì đời thứ hai của chùa này. Đến năm 1317, khai sơn Yôkôji (Vĩnh Quang Tự), năm 1321, Sôjiji (Tổng Từ Tự). Năm 1325, viên tịch ở Yôkôji lúc mới 58 tuổi. Ngoài những trước tác đã nói đến bên trên, còn có Tôkokuki (Động Cốc Ký, 1318-25), Zazen Yôjinki (Tọa Thiền Dụng Tâm Ký), Shinjinmei Nentei (Tín Tâm Minh Niêm Đề). Ông còn được biết đến như người đã xây thiền viện Tào Động đầu tiên dành cho nữ tu.