Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 1: Thiền nhà Tống đặt bàn đạp lên Nhật (giai đoạn nửa trước thời Kamakura)

14/04/201114:17(Xem: 3094)
Tiết 1: Thiền nhà Tống đặt bàn đạp lên Nhật (giai đoạn nửa trước thời Kamakura)

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 2 
Giai đoạn Thiền nhà Tống xác định được vị trí ở Nhật 

(thời Kamakura) 

Tiết 1- Thiền nhà Tống đặt bàn đạp lên Nhật 
(giai đoạn nửa trước thời Kamakura) 

Thời của samurai. Tân Phật giáo ra đời 

Sự bất mãn của tầng lớp quí tộc và giới lãnh đạo các chùa chiền thần xã đối với sự thống trị của tập đoàn Taira càng ngày càng lớn, cuối cùng đã dẫn tới cuộc sống mái giữa hai họ Minamoto (Genji) và Taira (Heiji). Sự tranh chấp giữa hai bên chấm dứt khi họ Minamoto dứt tuyệt họ Taira và thắng cuộc. Minamoto no Yoritomo (Nguyên Lại Triều, 1147-99) được phong chức Chinh Di Đại Tướng Quân (tại chức 1192-99), nói gọn là shôgun. Ông khai sáng ra chính quyền quân sự (tức Bakufu) ở Kamakura, mở màn cho thời đại Kamakura (1192-1333). 

Yoritomo đặt các chức shugo (thủ hộ) và jitô (địa đầu) coi về trị an và quản lý hành chính ở các địa phương cũng như phụ trách thu thuế. Sau khi ông mất, con là Yoriie (Lại Gia, tại chức 1202-03) lên thay nhưng để giảm bớt sự chuyên chế của ông, các cận thần có thế lực tổ chức một hội đồng chấp chính nhằm cai trị tập thể. Những người giữ vị trí chủ yếu trong đó đều thuộc họ Hôjô, gia đình mẹ ruột của Yoriie là Hôjô Masako (1157-1225). Hôjô Tokimasa (1138-1215, giữ chức shikken 1203-05), cha của bà, lần lượt thanh toán các đối thủ rồi đến năm 1204, giết cả cháu ngoại là Yoriie để cùng với con gái nắm trọn thực quyền. 

Địa vị shikken (chấp quyền) của ông truyền cho Yoshitoki (tại chức 1205-24). Năm 1219, nhân shôgun đời thứ 3 là Sanetomo (Thực Triều, tại chức 1203-19) bị con trai Yoriie là Kugyô (1200-19) ám sát, Yoshitoki bèn mời người trong quí tộc Fujiwara về làm shôgun với mục đích duy trì sự tồn tại của mạc phủ. Những nhân vật này gọi là sekke shôgun (nhiếp gia tướng quân). Trước việc đó cựu hoàng Go Toba (Hậu Điểu Vũ, thứ 82, trị vì 1183-1198) mới âm mưu đảo chính để trung hưng tôn thất. Sử gọi đó là Jôkyuu no ran (cuộc loạn năm Thừa Cửu, 1221). Sau khi trấn áp xong, mạc phủ cho đặt cả các chức shugo và jitô ở vùng quanh kinh thành cũng như miền Tây và như thế, mạng lưới cai trị đã trùm lên khắp nước. Về sau, chức shikken là Hôjô Yasutoki (tại chức 1224-1242) đặt ra Go seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục), văn bản luật pháp cơ sở gồm 51 điều nhằm kiểm soát hành động của giới samurai. Pháp điển này còn truyền mãi đến đời Edo. Với nó, "chính trị chấp quyền" đã thành hình. Thế rồi, đến đời shikken Tokiyori (tại chức 1246-56), họ Hôjô dứt được kẻ đối đầu là họ Miura, và thành công trong việc thay đổi sekke shôgun (tướng quân "mượn" từ người thuộc gia đình Fujiwara) thành shinnô shôgun (tức thân vương tướng quân nghĩa là shôgun "mượn" từ người trong hoàng tộc). 

Vào thời này, giới võ sĩ nắm hết quyền lực trên danh nghĩa cũng như thực chất cho nên văn hóa cũng đáp ứng theo tình thế mà thay đổi để có một khuôn mặt mới. Ví dụ như thơ waka, như thể muốn đánh dấu sự suy vi của xã hội quí tộc, có khuynh hướng duy mỹ và tượng trưng nhiều hơn.Những nhà biên tập và thi nhân lỗi lạc mang lý tưởng đi tìm cái đẹp sâu lắng và u tịch như hai cha con họ Fujiwara, tức Shunzei (1114-1204) và Teika (1162-1241), đã xuất hiện. Tuyển tập mới về thơ waka xưa nay" (Shin Kokin Waka-shuu = Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập, 1205) là tuyển tập thơ tiêu biểu ca phong của thời đại ấy. Lại nữa, đó cũng là một thời đại mà chiến tranh xảy ra liên tiếp cho nên giới trí thức đâm ra bi quan yếm thế. Thái độ muốn lánh đời của nhà ẩn sĩ Kamo no Chômei (Áp, Trường Minh, 1155?-1216), người viết tập tùy bút "Cảm Nghĩ Trong Am" hay Hôjôki (Phương Trượng Ký, 1212) là một thí dụ cụ thể. 

Mặt khác, thể loại gunki (quân ký) tức ký sự chiến tranh thuật lại sinh hoạt và chiến đấu của từng lớp võ sĩ tân hưng cũng bắt đầu xuất hiện. Đại diện cho thể loại này là Truyện họ Heike (Heike Monogatari = Bình Gia Vật Ngữ ) của tác giả khuyết danh, có lẽ là một nhà sư. Lại nữa, trong việc trùng tu chùa Tôdaiji bị chính tập đoàn Heike đốt phá, đã có bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Unkei (Vận Khánh, ? -1223) [1] và những người thuộc trường phái tên Kei-ha của ông (Khánh phái) [2] . Trong những bức họa truyền thần (gọi là tự hội = nise.e; tự = giống) của thời kỳ này, người ta nhận thấy có một phong cách tả chân chưa hề có từ trước đến giờ. 

Thời đại mới cũng đem lại sinh khí mới cho hoạt động của giới trí thức. Nhờ các tăng sĩ như Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) và Eisai (còn đọc là Yôsai, Vinh Tây, 1141-1215), Shinran (Thân Loan, 1173-1262), Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253), Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) mà một tân Phật Giáo thành hình. Như để phản ứng lại tư trào đó, từ phía cựu Phật Giáo cũng thấy xuất hiện những nhà hoạt động như Jôkei (Trinh Khánh, thuộc tông Pháp Tướng, 1155-1213), Kôben (Cao Biện tức Minh Huệ Thượng Nhân, tông Hoa Nghiêm, 1173-1232), Eison (Duệ Tôn, thuộc Luật Tông, 1201-1290). 

Tuy vào thời này, bang giao với Trung Quốc chưa khôi phục được như cũ nhưng các hoạt động mậu dịch với Nam Tống (1127-1279) vẫn được duy trì. Tiền bạc nhà Tống do đó vẫn tràn ngập và nền kinh tế hóa tệ phát triển mạnh. Tăng lữ hãy thường xuyên lui tới. Hai cao tăng Eisai và Dôgen nhờ đó lại một lần nữa có cơ hội chuyển về Nhật Bản tư tưởng của Thiền Tông Trung Quốc, lúc đó đang ở trong giai đoạn sung mãn và hưng thịnh nhất. 

Hai cao tăng Eisai (Vinh Tây) và Nô.nin (Năng Nhẫn) 

Những người sớm biết lập chùa để có cơ sở bố giáo cũng như đào tạo học trò tiếp tục sự nghiệp của mình, để lại ảnh hưởng lớn đến xã hội thời đó là hai thiền tăng: Myôan Eisai (còn được đọc là Yôsai, Minh Am Vinh Tây, 1141-1215) và Dainichi Nô.nin (Đại Nhật Năng Nhẫn, năm sinh năm mất không rõ). 

Trong cuộc đời của Eisai, hai lần ông đã đến Trung Quốc. Trong lần thứ hai, ông đã nhận được pháp của cao tăng tông Lâm Tế phái Hoàng Long là Hư Am Hoài Sưởng (năm sinh năm mất không rõ) rồi về nước (1191). Sau đó, ông bị các tăng lữ trên núi Hieizan hãm hại vì cho là đề xướng tà thuyết nhưng nhờ thế lực của Hôjô Masako và Minamoto no Yoriie (mẹ con Shôgun đời thứ hai của mạc phủ Kamakura), hai người này đã qui y với ông, nên ông đã mở được chùa Jufuji (Thọ Phúc Tự) ở Kamakura (vào năm 1200) và Kenninji (Kiến Nhân Tự) ở Kyôto (1202) sau đó ra sức truyền bá Thiền Tông. Môn hạ ông có những người ưu tú như Myôzen (Minh Toàn, 1184-1225), Taikô Gyôyuu (Thoái Canh Hành Dũng, ? - 1241), Eichô (Vinh Triều, ? - 1247) (họ lập được môn phái gọi là Thiên Quang Phái). Từ cửa các cao đồ ấy đã đào tạo được Dôgen (Đạo Nguyên), Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm, tức Hotto Kokushi = Pháp Đăng Quốc Sư, 1207-1298, từng theo học Eichô), Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ, còn gọi là Shôichi Kokushi = Thánh Nhất Quốc Sư, 1202-80). Như ai cũng biết là ba ông Dôgen, Kakushin, Enni đều nhập Tống và truyền Thiền về Nhật, mở ra được môn phái riêng. 

lichsuthientong-nhatban-02-01
Myôan Eisai (Minh Am, Vinh Tây, 1141-1215), ông tổ của trà đạo?

Thiền sư Myôan Eisai (Minh Am Vinh Tây) 

Ông người đất Bichuu (nay là Okayama), năm 11 tuổi vào tu ở chùa Anyôji (An Dưỡng Tự) nơi quê nhà. Đến năm 13 tuổi, lên núi Hieizan theo phái Tendai rồi đến núi Ôyama ở Tottori học Mật Giáo. Năm 1168 vào đất Tống lần thứ nhất, đi hết các núi Thiên Thai và A Dục Vương tham học, đem về nhiều sách vở chú thích của phái Thiên Thai. Năm 1187, lại vào đất Tống với mục đích sang Ấn Độ chiêm bái các di tích của Phật tổ nhưng mộng không thành đành lên chùa Vạn Niên núi Thiên Thai học đạo với Hư Am Hoài Sưởng. Ông được Hoài Sưởng truyền pháp tự phái Hoàng Long tông Lâm Tế. Về nước năm 1191, ông đi bố giáo trên đảo Kyuushuu. Thế nhưng chùa Hieizan đã thành công trong việc vận động để chính quyền cấm ông truyền bá Thiền Tông. Do đó, năm 1194, ông phải lên Kyôto phân giải. Về sau ông qua miền Đông, đóng vai trò chủ trì ngày giỗ lần thứ nhất của Shôgun Yoritomo. Với tư cách là tăng lữ Mật Giáo, ông đã qui y người của mạc phủ, trong đó có vợ con Yoritomo. Năm 1200, ông khai sơn chùa Jufuku, năm 1202 lại dựng được chùa Kennin. Chùa này được xem như một biệt viện của Hieizan. Ở đó ông phối hợp 3 lối tu (kiêm tu) của Thiên Thai, Mật Giáo và Thiền. Năm 1206, thái thượng hoàng Go Toba bổ nhiệm ông việc xây cất chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự). Ông tận lực xây dựng chùa này. Sang đến năm 1213, ông được bổ chức Gon Sôjô (Quyền Tăng Chính), một giáo phẩm cao thứ hai. Ông mất năm 1215, thọ 75 tuổi. Còn để lại các trứ tác như Kôzen Gokokuron (Hưng Thiền Hộ Quốc Luận, 1198), Nihon Buppô Chuukô Ganbun (Nhật Bản Phật Pháp Trung Hưng Nguyện Văn, 1204), Kissa Yôjôki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký, 1211) (hai quyển Kozen Gokokuron và Nippon Buppô Chuukô Ganbun bị nghi là sách giả). Ông được biết là một người tinh thông về Mật Giáo, về sau đã mở một môn phái gọi là Yôjôryuu (Diệp Thượng Lưu). Lại nữa, vì có công giới thiệu trà cho người Nhật nên thường được tôn vinh là "ông tổ của trà đạo" (trà tổ=chaso). 

Riêng về Nônin thì ông là người "vô sư độc ngộ" nghĩa là tự học mà hiểu được lẽ đạo. Ông nỗ lực truyền giáo ở chùa Sanbôji (Tam Bảo Tự) vùng Settsu (thuộc Ôsaka). Tông phái tên là Đạt Ma Tông. Chính vì bị người đời chê là không học thầy nào, ông mới gửi đệ tử sang nhà Tống cầu đạo. Qua trao đổi thư tín, ông được Chuyết Am Đức Quang (1121-1203) nhìn nhận và truyền pháp tự. Tương truyền Nônin là người có sức cảm hóa rất lớn.Hai cha con thi hào Fujiwara no Shunzei và Teika đều muốn nhắm tới những lý tưởng thi ca có phong vị Thiền Tông như yuugen (u huyền) là vì chịu ảnh hưởng của tông phái ông. Thơ của hai người bị chê là tối nghĩa, gọi là "thơ ca kiểu Đạt Ma (Đạt Ma Ca) cũng vì lẽ ấy. Thế nhưng sau khi Nônin đột ngột qua đời, đa số môn đệ của ông chuyển qua học với Dôgen, sự kiện này sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành Sôtô-shuu (Tào Động Tông) do Dôgen đứng đầu. 

Đạt Ma Tông 

Tông này là một phái Thiền do Dainichi Nô.nin xây dựng nên. Chính ra lúc đầu, Nônin theo học phái Tendai (Thiên Thai) nhưng nhờ đọc các kinh sách từ xưa đã truyền đến Nhật Bản mà một mình ngộ đạo. Ông trụ trì ở Sanbôji (Tam Bảo Tự) trong vùng Settsu (nay là một khu trong thành phố Ôsaka) và bắt đầu truyền bá giáo lý nhưng các môn đồ của chùa Hieizan (phái Tendai) dâng biểu tâu lên xin cấm ông giảng dạy. Sau đó ông bị tai nạn qua đời, đệ tử là Tôzan Kakuan (Đông Sơn Giác Án, năm sinh năm mất không rõ) mới thừa kế tông môn. Tôzan cùng đám môn đệ của tông này như Ejô (Hoài Trang, 1198-1280) lấy ngọn núi Tô no Mine (Đa Vũ Phong) vùng Yamato (thuộc Nara) làm cứ điểm tiếp tục hoạt động. Thế nhưng chùa của họ bị nhóm tăng nhân của Kôkuji (Hưng Phúc Tự, tông Pháp Tướng) đốt phá nên phải bỏ chạy về vùng Echizen (tỉnh Fukui bây giờ). Họ mới lấy Hajaji (Ba Trước Tự), một cứ điểm của giáo đoàn Tendai chi phái Hakuzan, làm chỗ dung thân. Sau khi Tôzan Kakuan mất (1241), các đệ tử trong nhóm như Ekan (Hoài Giám, ? -1251), Giin (Nghĩa Doãn, 1217-1300), Gien (Nghĩa Diễn, ? -1314) mới đi theo Dôgen (Đạo Nguyên) lúc ấy hoạt động ở Kôjôji (Hưng Thánh Tự) vùng Fukakusa gần Kyôto (Về phần Ejô (Hoài Trang) thì ông đã nhập bọn với các đệ tử của Dôgen từ năm 1234 rồi). Kể từ đấy, Đạt Ma Tông hầu như biến mất. Tuy vậy, cuối thời trung cổ đến mãi gần đây, hãy còn chứng cứ rằng ở chùa Sanbôji vẫn còn một chi lưu giữ gìn được truyền thống Đạt Ma Tông. Họ xem mình mới là dòng chính và môn phái của Tôzan Kakuan chỉ là bàng hệ. 

Thiền của Eisai là lối tu ghép 3 thứ (tam tông kiêm tu: Thiên Thai & Mật Giáo & Thiền). Ông dùng chùa Kennin - một biệt viện của Hieizan - làm đạo trường (từ lúc đầu đã có Chỉ Quán Viện và Chân Ngôn Viện) cho nên không thể nói là ông hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của cựu Phật Giáo. Rõ ràng lý do của việc "tu ghép" đó là ông ngại sự chống đối của thế lực truyền thống, chủ yếu đến từ các chùa trên ngọn Hieizan. Mặt khác, bản thân ông vốn mang tư tưởng Mật Giáo, có kiến thức sâu sắc về nó, lại liên hệ gần gũi với giáo phái ấy. Do đó ta có thể suy ra rằng ông đã truyền bá Thiền Tông trong khuôn khổ lý luận "tứ chủng tương thừa" của phái Tendai (Thiên Thai Nhật Bản). Lối suy nghĩ dung hợp ấy ông sau sẽ được tiếp nối bởi hai đệ tử là Gyôyuu (Hành Dũng) và Eichô (Vinh Triều) cũng như môn hạ của họ là Kakushin (Giác Tâm) và Enni (Viên Nhĩ). 

Sự phát triển của Thiền theo lối "tu ghép" (kiêm tu) 

Về phần tăng Kakushin, ông nhập Tống vào năm 1249, nhận pháp tự của Vô Môn Huệ Khai (1183-1260), khi về nước, khai sơn chùa Saihôji (Tây Phương Tự, sau đổi tên thành Kôkokuji = Hưng Quốc Tự). Ông định cư ở vùng Yura (tức Kii nay thuộc tỉnh Wakayama) và ra sức truyền đạo, đào tạo được nhiều nhân tài (phái Hottô = Pháp Đăng) trong đó có Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác Minh, 1271-1361). 

Enni thì khi ở Tống nhận pháp tự của Vô Chuẩn Sư Phạm (1177-1249). Về nước, được đại thần Kujô Michiie [3] qui y và mời khai sơn chùa Tôfuku (Đông Phúc Tự, đại bản sơn của tông Lâm Tế phái Đông Phúc). Michiie rất kính trọng Enni cho nên cấm tất cả những người nào không thuộc pháp hệ Shôichi-ha (Thánh Nhất phái) của ông được phép trụ trì ở đấy. Do đó chùa Tôfuku trở thành chùa của riêng một phái Shôichi, như là một "nhất lưu tương thừa sát" (hay Tsuchien = Đồ đệ viện). 

Enni tự mình mang giáo lý trong Phật Pháp Đại Minh Lục giảng thuyết "tam giáo nhất trí" cho Hôjô Tokiyori (Bắc Điều Thì Lại, 1227-1268) [4] . Ông lại dùng Tông Kính Lục để trình bày tư tưởng "Giáo Thiền nhất trí" cho Thiên hoàng Go-Saga (Hậu Tha Nga, thứ 88, trị vì 1242-46). Nghe nói ông còn tự mình trước tác Dainichikyô Kenbun (Đại Nhật Kinh Kiến Văn), một quyển sách có liên quan đến Mật Giáo. Tư tưởng muốn dung hợp các giáo lý khác nhau của Enni đã được người đương thời chấp nhận một cách rộng rãi. Ông đã dạy dỗ được nhiều nhân tài như Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam Chiếu, 1231-91), Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn, 1212-91), Hakuun Egyô (Bạch Vân Huệ Hiểu, 1228-1297), Chigotsu Daie (Si Ngột Đại Huệ, tức Phật Thông Thiền Sư, 1229-1312)...Họ đều là những nhà truyền bá Thiền Tông có tiếng, riêng Chigotsu Daie đã khai sơn Anyôji (An Dưỡng Tự) và Daifukuji (Đại Phúc Tự), đưa Thiền tiến về vùng Ise (tỉnh Mie ngày nay). 

Kakushin (Giác Tâm) và Enni (Viên Nhĩ) 

Thiền sư Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm) quê vùng Shinano (tỉnh Nagano bây giờ), tên thế tục là Tsuneuji (Hằng Thị), hiệu Muhon (Vô Bản). Năm 29 tuổi mới xuất gia thụ giới, học Mật Giáo trên núi Kôyasan. Thờ Taikô Gyôyuu (Thái Canh Hành Dũng) lúc đó ở Kim Cương Tam Muội Viện làm thầy, rồi theo ông đến Jufukuji (Thọ Phúc Tự). Sau khi tham học với Dôgen và Eichô, năm 1249 nhập Tống cầu đạo. Ông nhận pháp tự của Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) xong về nước, lại lên núi Kôyasan tu hành. Lúc về, ông có mang theo tác phẩm Vô Môn Quan của Huệ Khai. Năm 1258, ông khai sơn Saihôji (Tây Phương Tự, sau đổi tên thành Kôkokuji = Hưng Quốc Tự), định trú ở vùng Yura xứ Kii và ra sức truyền đạo. Thái thượng hoàng Kameyama (Qui Sơn, thứ 90, sống 1248 -1305, trị vì 1260-74) đến qui y với ông, nghe nói có mời ông đến trụ trì thiền viện mới mở (tức Nanzenji = Nam Thiền Tự về sau) nhưng ông không nhận. Được Thái thượng hoàng Kameyama và Thiên hoàng Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, thứ 96, trị vì 1318-1339) ban cho thụy hiệu Pháp Đăng Thiền Sư, Pháp Đăng Viên Minh Quốc Sư. Ông giao lưu rộng rãi với người thuộc tông Sôtô (Tào Động) như Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn, 1268-1325) nên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phái này tiếp nhận ảnh hưởng Mật Giáo. Đời sau, nhân biết ông thích thổi nhạc khí làm bằng ống tre gọi là shakuhachi (xích bát), nên tôn làm tổ của Fukeshuu (Phổ Hóa Tông) [5] . 

Còn về Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ) thì ông người Suruga (vùng Shizuoka bây giờ), tên thế tục là Heiji (Bình Thị).Xuất gia hồi mới lên 5, học phái Tendai, năm 18 tuổi thụ giới ở Tôdaiji (Đông Đại Tự), có đến tham học với Eichô (Vinh Triều) ở Chôrakuji (Trường Lạc Tự) ở Ueno (tỉnh Gunma). Ông qua bên nhà Tống năm 1235, nhận pháp tự của Vô Chuẩn Sư Phạm. Đến năm 1241, về nước, được đại thần Kujô Michiie xin qui y. Năm 1255, đại thần lại mời ông về trụ trì ở Tôfukuji, chùa của dòng họ mình, lúc ấy mới mở. Kể từ đó, chùa này chỉ tiếp nhận những trụ trì xuất thân từ môn phái của ông nghĩa là chùa ấy trở thành "Thánh Nhất Tông Nhất Lưu Tương Thừa Sát" (Đồ Đệ Viện). Chức shikken là Hôjô Tokiyori và Thiên hoàng Go Saga (Hậu Tha Nga, thứ 88, trị vì 1242-46) đều tôn kính ông. Ông còn trụ trì ở các chùa lớn như Jufukuji và Kenninji. Ông để lại những trước tác như Thánh Nhất Quốc Sư Ngữ Lục, Thánh Nhất Quốc Sư Pháp Ngữ vv...Nhân vì ban đầu Tôfukuji là một đạo trường để "kiêm tu" Thiền, Thiên Thai, Chân Ngôn và Luật cho nên ở đấy có thiết lập những Quán Đính Đường và A Di Đà Đường, những điện đường xưa nay hầu như chẳng dính líu đến Thiền Tông. Trong hành lang chùa, không chỉ thấy vẽ hình các thiền tăng mà còn có cả hình ảnh của bát tổ phái Chân Ngôn cũng như Lục Tổ phái Thiên Thai nữa. Tuy nhiên, về sau, chùa này đã hoàn toàn trở thành một thiền tự. 

Cần nhắc thêm rằng chỉ sau Eisai (Vinh Tây) ít lâu, có một nhân vật đóng vai trò quan trọng không kém trong việc truyền bá Thiền ở Nhật Bản. Đó là Shunjô (Tuấn Nhưng, 1166-1227). Ông này, sau khi đã theo học Thiên Thai, Chân Ngôn và Luật, đã sang Trung Quốc, tham Thiền ở các chùa trên Đậu Sơn và Kính Sơn. Về nước năm 1211, lúc đầu Shunjô (Tuấn Nhưng) đến tu với Eisai ở Kenninji thế nhưng sau dời ra Sennyuuji (Tuyền Dũng Tự, 1224), mở đạo trường "tứ tông kiêm học" Thiên Thai, Chân Ngôn, Luật và Thiền. 

Ngày nay, lối tu này thường được gọi là "kiêm tu Thiền" hay Thiền tu ghép với các giáo lý khác, phân biệt với "thuần Thiền" tức Thiền thuần túy. Thế nhưng, nếu ta để ý rằng ở vùng Kyôto, nơi mà thế lực của các nhà tu núi Hieizan rất mạnh, mãi về sau vẫn còn có những lúc họ bài xích Thiền Tông, mới thấy lối "kiêm tu" đương thời đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là phương tiện để có thể du nhập Thiền vào đất Nhật dễ dàng hơn. 

Trên thực tế, hai tăng Shinkuu (Chân Không, 1204-68) và Enshô (Viên Chiếu, 1221-1277) của Tam Luận Tông ở Tôdaiji, cũng như tăng Jômyô (Tịnh Minh, năm sinh năm mất không rõ) của Thiên Thai Tông đã đến học Thiền với Tôfuku Enni. Ta cũng có thể thấy ảnh hưởng của tư tưởng Thiền Tông trong các trước tác như Shinjin Yôketsu (Chân Tâm Yếu Quyết) của tăng Ryôhen (Lương Biến, 1194-1252), người có quen biết với Enni, hoặc trong Kankôruijuu (Hán Quang Loại Tụ), sách nghị luận tiêu biểu của "tư tưởng Thiên Thai bản giác" [6] . Ngoài ra, cũng nên chú ý đến một điều là trong hệ tư tưởng tông Kegon (Hoa Nghiêm), lập luận "Giáo Thiền nhất trí" của Khuê Phong Tông Mật (780-841) và Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) cũng được đem vào. Ví dụ như đệ tử của Kôben (Cao Biện, tức Minh Huệ = Myôe, 1173-1232) là Shôjô (Chứng Định, 1194-1255?) đã viết Zenshuu Kômoku (Thiền Chủng Cương Mục) để cổ xúy rầm rộ cho tư tưởng này. Qua đó, ta có thể hiểu rằng có một khuynh hướng của những người thuộc phái Kegon (Hoa Nghiêm) [7] muốn dung hợp tư tưởng của họ với tư tưởng Thiền Tông (đời Tống) mới đến. 

Sau khi "thuần Thiền" tức Thiền thuần túy được du nhập vào, ở các tự viện, màu sắc "kiêm tu Thiền" tức Thiền "tu ghép", "tu song đôi", dần dần phai nhạt đi cho dù không vì thế mà hoàn toàn biến mất.Đặc biệt yếu tố Mật Giáo (thần bí, bùa chú) hãy còn tồn tại mạnh mẻ mãi đến về sau.Một lý do về sự kéo dài của yếu tố Mật Giáo là việc Thiền đời Tống tự nó đã bao hàm tính chất cúng tế cầu đảo để khuông phò xã tắc. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng sự duy trì tính chất ấy giúp ích cho việc phổ biến Thiền trong quần chúng. Điều này được chứng minh qua sự giao lưu mật thiết giữa nhóm Kakushin (tăng Giác Tâm, phái Hottô =Pháp Đăng) và Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn, 1268-1325) của tông Sôtô (Tào Động). 

Sự thành lập Sôtô-shuu (Tào Động Tông Nhật Bản). 
Vai trò của thiền sư Dôgen (Đạo Nguyên) 

Người tiếp nối được hoạt động của Eisai và lần đầu tiên đưa được lối tu "thuần Thiền" đi lên là Dôgen (Đạo Nguyên). Ông từ Tống về nước năm 1227, sau khi nhận pháp tự của Thiên Đồng Như Tịnh (1162-1227). Đến nơi, ông vào tu ở Kenninji, tức khắc soạn tác phẩm Fuken Zazengi (Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi,1228) nói về phương pháp thực hành tọa thiền để minh định ngay lập trường của mình. Thế nhưng bị áp lực của tăng nhân núi Hieizan, ông phải dời về Fukakusa vùng Yamashiro (thuộc Kyôto), và trụ trì ở chùa Kôshôji (Hưng Thánh Tự) mới lập. Trong khoảng thời gian này, nhờ tiếp nhận một số đệ tử cũ của Dainichi Nônin như Ekan (Hoài Giám, ? -1251) và Ejô (Hoài Trang, 1198-1280) nhập môn cho nên giáo đoàn của ông trở nên hưng thịnh. Chùa Kôshôji thiết lập tăng đường và áp dụng đúng nguyên phương pháp tu hành có ở Trung Quốc. Để giúp cho việc đó được qui củ hơn, Dôgen soạn thêm sách Tenza Kyôkun (Điển Tọa Giáo Huấn) và Gakudô Yôjin-shuu (Học Đạo Dụng Tâm Tập). 

Tuy vậy, ông chịu sự uy hiếp từ cánh theo "kiêm tu" tức chùa Tôfukuji của Enni, vốn được sự bảo trợ của giới quan liêu quí tộc. Phía chùa trên Hieizan cũng chưa bỏ qua việc khuấy phá, đàn áp. Để tránh hai hiểm họa đó, ông lìa xa trung tâm, dời về địa phương (1243) tức vùng Echizen (tỉnh Fukui) bây giờ. Ông nhận được sự bảo trợ của họ Hatano, vào tu ở chùa Daibutsuji (Đại Phật Tự, 1244) do gia đình ấy mới dựng lên. Daibutsuji sau được đổi tên là Eiheiji (Vĩnh Bình Tự, 1246), ngôi chùa nổi tiếng và là trung tâm bố giáo của tông Tào Động trên đất Nhật. 

Nhân vì Dôgen chủ trương tuyển chọn môn đồ một cách gắt gao (tinh thần "nhất cá bán cá" nghĩa là chỉ lấy "một hay phân nửa" thôi) để có một lực lượng tinh nhuệ cho nên lúc đầu giáo đoàn ở Eiheiji chỉ vỏn vẹn một nhúm người. Thế nhưng sau khi Dôgen mất đi rồi, đệ tử thừa kế ông ở Eiheiji là Koun Ejô (Cô Vân Hoài Trang) đã nỗ lực bành trướng cho nên thể chế của giáo đoàn mới lần hồi hoàn chỉnh. 

lichsuthientong-nhatban-02-02
Eihei Dôgen (Vĩnh Bình Đạo Nguyên, 1200-1253), tông tổ Tào Động.

Nói thêm về Dôgen (Đạo Nguyên) 

Eihei Dôgen (Vĩnh Bình Đạo Nguyên) còn gọi là Dôgen Kigen (Đạo Nguyên Hy Huyền). Con trai của Nội Đại Thần Kuga no Michichika (Cửu Ngã Thông Thân) (có thuyết cho cha ông là quan Dainagon tên là Kuga no Michitomo, Cửu Ngã Thông Cụ, con của Michichika). Mẹ ông là con gái nhà quí tộc Fujiwara no Tomofusa. Ông ra đời ở Kyôto. Năm 3 tuổi, bố mất, 8 tuổi, mẹ lại mất. Mới lên núi Hieizan tu học và năm 14 tuổi thì xuống tóc và thụ giới với tọa chủ Kôen (Công Viên, năm sinh năm mất không rõ). Trước tiên theo học Thiên Thai và Mật Giáo, sau hạ sơn đi vân du nhiều nơi. Năm 1217, vào chùa Kenninji, theo học Myôzen (Minh Toàn). Năm 1223, ông cùng Myôzen nhập Tống.Ông đến Thiên Đồng Sơn hỏi đạo Vô Tế Liễu Phái (1149-1224) thuộc phái Đại Huệ tông Lâm Tế. Sau khi du hành nhiều nơi, ông trở lại tu học ở Thiên Đồng Sơn, giác ngộ và nhận được ấn khả (1225) của vị trụ trì đến sau là tăng Như Tịnh (Tào Động Tông, 1162-1227). Năm 1227, về lại Nhật và tu ở Kenninji. Năm 1230, dời đến Anyôji (An Dưỡng Tự) ở Fukakusa (thuộc Yamashiro). Năm 1233, ông xây lên Quan Âm Đạo Lợi Viện (sau là Kôshôji =Hưng Thánh Tự) ở đó nhưng sang năm 1243 lại được người hào tộc địa phương vùng Echizen mời về tu. Năm sau, lập chùa Daibutsuji (Đại Phật Tự, sau là Eiheiji = Vĩnh Bình Tự) ở Echizen. Kể từ năm 1247, ông đi Kamakura, hội kiến với quan shikken Hôjô Tokiyori rồi trở về Eiheiji. Sang năm 1252, mắc bệnh và để nghĩ dưỡng sức, chữa chạy, ông lên Kyôto nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông mất lúc mới 54 tuổi. Trước tác rất nhiều. Trong số đó, phải kể đến Jôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng), Eihei Kôku (Vĩnh Bình Quảng Lục), Eihei Genzenji Goroku (Vĩnh Bình Nguyên Thiền Sư Ngữ Lục), Eihei Shingi (Vĩnh Bình Thanh Quy), Fuken Zazengi (Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi), Tenza Kyôkun (Điển Tọa Giáo Huấn), Gakudô Yôjin-shuu (Học Đạo Dụng Tâm Tập), Hôkyôki (Bảo Khánh Ký), Sanshô Soshi Dôei (Tán Tùng Tổ Sư Đạo Vịnh) vv...Ngoài ra, cũng nên chú ý là Ejô (Hoài Trang), đệ tử của ông, cũng có viết Shôbô Genzô Zuimonki (Chính Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký), qua đó, chân dung của Dôgen được miêu tả một cách sống thực. 

Tông môn của Dôgen truyền đến đời thứ ba thì ở Eiheiji xảy ra cuộc tranh chấp giữa Gikai (Nghĩa Giới, 1219-1283) và Gi.en (Nghĩa Diễn, ? - 1314). Kết cuộc, Gikai phải bỏ chùa ra đi, nhận được sự ngoại viện của họ Togashi ở Kaga (nay là tỉnh Ishikawa) và tu ở chùa Daijôji (Đại Thừa Tự, 1293) vùng ấy. Năm 1314, kể từ đời đồ đệ đời thứ 5 là Gi.un (Nghĩa Vân) về sau, Eiheiji duy trì được tổ thống là nhờ sự ủng hộ của chi phái của Jakuen (Tịch Viên, 1207-1299) chùa Hôkyôji (Bảo Khánh Tự) ở vùng Echizen (nay là tỉnh Fukui). Người trụ trì Eiheiji cho đến đời thứ 38 (cận đại) là Ryuugan Ganryuu (Lục Nham Nghiêm Liễu, ? -1716) đều là người đến từ chi phái Jakuen. 

Sự tranh chấp giữa hai đồ đệ đã làm cho từ trong giáo đoàn của Eiheiji có một sự đối lập rõ rệt.Trong khi Gi.en và Jakuen chủ trương giữ nguyên truyền thồng của Dôgen thì Gikai lại cho rằng việc mở rộng giáo đoàn phải là ưu tiên số một. 

Ngoài những nhân vật vừa nhắc đến bên trên, trong đám đệ tử của Dôgen có Sen.e (Thuyên Huệ, năm sinh năm mất không rõ) đã dựng ngôi chùa Yôkôji (Vĩnh Hưng Tự) ở núi Higashiyama (Đông Sơn) thuộc Kyôto trên mảnh đất có trà tì của Dôgen. Ông cùng với đệ tử của mình là Gyôgô (Kinh Hào, năm sinh và mất không rõ) ra sức nghiên cứu Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) của tôn sư. Kết quả là ông đã hoàn thành bộ Shôbô Genzô Okikigaki-shô (Chính Pháp Nhãn Tạng Ngự Văn Thư Sao, 1303-1308), tác phẩm tham khảo mà cho đến ngày nay vẫn là kinh điển không thể nào thiếu được cho những ai muốn nghiên cứu Shôbô Genzô. 

Lan Khê Đạo Long và Ngột Am Phổ Ninh đến Nhật.
Việc xây Kenchôji 

Nhờ có những học tăng ra nước ngoài trở về truyền bá, chức shikken là Hôjô Tokiyori đã được Thiền Tông cảm hóa. Cùng lúc, vì muốn nâng cao uy tín của Mạc phủ Kamakura trong cuộc chạy đua với thế lực của triều đình Kyôto, ông hạ lệnh cho xây dựng chùa thiền một cách đại qui mô. Nhân đó mà Kenchôji (Kiến Trường Tự) đã xây xong ở Kamakura vào năm 1253. Người được mời khai sơn là Lan Khê Đạo Long (Rankei Dôryuu, tức Đại Giác thiền sư, 1213-1278), cao tăng phái Đại Giác, từ nhà Tống sang Nhật năm 1246. Có thể nói Kenchôji là ngôi chùa thiền qui củ nhất đầu tiên có trên đất Nhật, mô phỏng theo dạng thức kiến trúc của chùa thiền Trung Quốc (gọi là zenshuuyô - Thiền Tông dạng). Ở chùa này, người ta cũng quản lý theo phương pháp lưỡng ban và mọi sinh hoạt đều rập khuôn tùng lâm Trung Quốc. Hình như họ đã áp dụng những qui tắc tu hành chép trong Thiền Uyển Thanh Qui. 

Lan Khê Đạo Long sau khi theo học Vô Chuẩn Sư Phạm và Bắc Giản Cư Giản (1164-1246), lại nhận pháp tự của Vô Minh Huệ Tính (1162-1237), một cao đồ của Tùng Nguyên Sùng Nhạc (1132-1202). Năm 1246, ông dẫn dắt một số đệ tử, cùng nhau sang Nhật. Lý do của chuyến đi này là vì ông có quen biết và nghe thuật chuyện về nước Nhật từ một học tăng bên nhà Tống, vốn xuất thân ở Senyuuji (Tuyền Dũng Tự), là Gettô Chikyô (Nguyệt Ông Trí Kính, năm sinh năm mất không rõ). Vì thế ông có mối quan tâm đối với tình hình đạo pháp ở nước này nên khi Gettô về Nhật, ông mới bắt liên lạc và đi sang. Lúc đầu ông trú tại Jôrakuji (Thường Lạc Tự) ở Kamakura, Hôjô Tokiyori mới đón về Kenchôji để khai sơn. Sau đó, ông trụ trì ở Kenninji (Kyôto) nhưng cũng có khi bị người đời dèm pha và không được tin dùng. Tuy vậy, trước sau 3 lần, ông đã trụ trì ở Kenchôji, bố giáo rộng rãi, xây dựng được cơ sở cho Thiền Tông ở Kamakura. 

Người đến Nhật sau Lan Khê Đạo Long một ít lâu và cũng được họ Hôjô ở Kamakura trọng vọng là Ngột Am Phổ Ninh (Gottan Funei, 1197-1276, sang Nhật năm 1260, về lại Trung Quốc năm 1265, thuộc phái Ngột Am). Hình như ông đến Nhật do lời mời của cựu đồng môn là Tôfuku Enni.Khi Phổ Ninh đến nơi, Tokiyori bèn giao ngay cho ông việc cai quản Kenchôji (trụ trì đời thứ 2) cho nên các đệ tử của Đạo Long có vẻ không bằng lòng. Vì vậy, khi người tín đồ nhiệt thành là Tokiyori mất đi chẳng bao lâu, Phổ Ninh bỏ về Trung Quốc. Cũng có thuyết cho là Phổ Ninh vì bất mãn với vây cánh của Đạo Long nên mới rút ngắn thời gian ở lại Nhật. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567