Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 1: Tình trạng trước thời Nara

14/04/201114:17(Xem: 3669)
Tiết 1: Tình trạng trước thời Nara

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 1
Giai đoạn du nhập và tiếp nhận (thời Nara và Heian) 

Tiết 1 - Tình trạng trước thời Nara 

Thiền vào thời đại Asuka (cuối thế kỷ thứ 6 - tiền bán thế kỷ 7) 
và Hakuhô (hậu bán thế kỷ 7 - đầu thế kỷ 8) 

Phật giáo lần đầu tiên được truyền vào đất Nhật có lẽ vào khoảng thế kỷ thứ 6 khi Seongwang (Thánh Minh Vương, trị vì 523-554) nước Paekche (Bách Tế, tiếng Nhật là Kudara, nay thuộc miền Tây Nam bán đảo Triều Tiên) [1] đem tặng Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh, thiên hoàng thứ 29, trị vì 539-571) tượng Phật và kinh sách. Sau đó, giữa hai nhóm quí tộc Nhật Bản là Soga và Mononobe [2] xảy ra một cuộc tranh chấp chung quanh vấn đề có nên tiếp nhận Phật giáo hay không. Họ Mononobe cho rằng nếu thờ Phật thì các thần sở tại sẽ nổi giận và gây tai ách cho dân chúng.Thế nhưng lập luận ấy bị đánh đổ, họ Soga sùng Phật đã chiến thắng rồi nhân đó, Soga Umako (? - 626) và thái tử Shôtoku (Thánh Đức, 574-622, giữ chức nhiếp chính 593-622), đồng minh của ông, đã nắm trọn vẹn chính quyền trong triều đình của người cô thái tử là nữ Thiên Hoàng Suiko (Suy Cổ, thứ 33, trị vì 592-628). Năm 594, nữ thiên hoàng giáng chiếu "hưng long Tam Bảo", đề cao Phật, Pháp, Tăng, xem Phật giáo đồng nghĩa với thể chế nhà nước. Lại nữa, từ thời kỳ này (năm 600), Nhật Bản bắt đầu gửi sứ giả sang nhà Tùy, gọi là kenzuishi (khiển Tùy sứ). Các người như Sôbin (Tăng Mân) khi từ Trung Quốc trở về (năm 632) đã trực tiếp du nhập văn hóa Phật giáo từ đại lục. 

Thời đại này có tên là Asuka vì triều đình đóng đô ở Asuka, một vùng trong thung lũng Nara, suốt trên một trăm năm.Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho biết lúc đó Thiền đã vào đất Nhật. Bấy giờ, bên Trung Quốc nhằm buổi giao thời từ nhà Tùy (589-618) sang nhà Đường (618-907), nếu nhìn vào hệ phổ Thiền Tông thì đúng vào đời của Tam tổ Tăng Xán nghĩa là giai đoạn mà hoạt động của các thiền tăng được chép lại mù mờ nhất. 

Tiếp đến, hai nhân vật khác là Nakatomi no Katamari (614-669) và hoàng tử Nakanoôe (sẽ là Thiên hoàng Tenji, Thiên Trí, thứ 38, trị vì 668-671) lại đứng lên đánh đuổi họ Soga (sử xem họ Soga có gốc gác Triều Tiên) và làm lên cuộc cải cách năm Taika (Taika no kakushin, 645). Thế rồi, sau cuộc biến loạn năm Nhâm Thân (Jinshin no ran, 672-673) lại đến đời Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ, thứ 40, trị vì 673-686) và đời bà vợ góa của ông là nữ Thiên hoàng Jitô (Trì Thống, thứ 41,trị vì 690-697). Họ mô phỏng Trung Quốc, thiết lập một chính quyền trung ương dựa trên luật pháp và luật hành chánh (gọi là nhà nước luật-lệnh, ritsuryô kokka taisei), Phật giáo cũng phải đóng khung trong khuôn khổ pháp chế ấy. Phật giáo lẫn Thần đạo đều là bộ phận của một nguyên lý chung nhằm mục đích ủng hộ chính quyền. Sự có mặt của hai tôn giáo này được đánh giá cao, thế nhưng cùng lúc, họ phải tự đặt mình dưới sự chi phối của nhà nước. 

Có thể nói Thiền vào đất Nhật là dưới thời Hakuhô (cuối thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8, thời đại bắt đầu với hai thiên hoàng nói trên), lúc Nhật Bản tiếp nhận văn hóa xán lạn và thanh tân của thời Sơ Đường. Tăng Dôshô (Đạo Chiêu, 629-700, trở lại Nhật năm 660) đã mang nó theo. Cuốn lịch sử Thiền nhan đề Genkô Shakusho [3] do thiền sư Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346) viết năm 1322 cho biết Dôshô đã theo học Pháp Tướng Tông với Huyền Trang Tam Tạng ( 602-664) cũng như học Thiền với Huệ Mãn (năm sinh năm mất không rõ), một người học trò đàn cháu (đồ tôn) của Nhị tổ Huệ Khả (năm sinh năm mất không rõ). Nếu bảo Dôshô là học trò của Huệ Mãn thì hãy còn không lấy gì làm chắc nhưng việc khi về nước, ông ta có xây một thiền viện ở Hôkôji (Pháp Hưng Tự) và truyền bá tư tưởng Thiền có lẽ dễ được chấp nhận hơn. Lại nữa, việc đệ tử của ông là Gyôki (Hành Cơ, 668-749) [4] làm nhiều công tác xã hội là điều đáng chú ý bởi vì hành động như Gyôki cũng là một cách áp dụng Thiền vào thực tế. Tuy vậy, công bình mà nói thì những điều dạy bảo của thầy trò Dôshô đã ảnh hưởng đến hệ tư tưởng Nhật Bản như thế nào, hầu như chưa ai biết rõ. 

Thiền đã du nhập vào Nhật thời Nara như thế nào? 

Năm 710, nữ thiên hoàng Gemmei (Nguyên Minh, thứ 43, 661-721, con gái thứ 4 Thiên hoàng Tenji) thiên đô về Heijôkyô ở Nara mở đầu cho một thời đại mới gọi là thời Nara (710-784). Cùng với việc thiên đô, bà liền thực hiện những công trình quan trọng như chuyển các chùa lớn ở Asuka như Daianji (Đại An Tự), Yakushiji (Dược Sư Tự), Gangôji (Nguyên Hưng Tự) về kinh đô mới.Tuy vậy, sự kiện đáng kể nhất trong giai đoạn này phải nói là sự nghiệp hoằng dương Phật pháp đại qui mô của Thiên hoàng Shô.mu (Thánh Vũ, thứ 45, 701-756, trị vì 724-749). 

Shômu đã giáng chiếu thành lập các chùa gọi là kokubunji (quốc phân tự) [5] vào năm 741. Qua năm 743, ông lại hạ chiếu chỉ cho kiến tạo các tượng Phật cỡ lớn (daibutsu). Cứ mỗi koku (quốc = ngày xưa chỉ dùng để gọi một khu vực hành chính chứ không phải cả nước) lại lập một ngôi chùa nam và một ngôi chùa nữ (ni tự). Cấp trung ương thì có Tôdaiji (Đông Đại Tự) ở kinh đô Nara đóng vai trò chùa tổng quản (gọi là sôkokubunji). Như vậy, ông đã cụ thể hóa được những qui định về vai trò của Phật giáo như một thành tố của chính trị nhà nước trong xã hội luật lệnh nghĩa là có sứ mạng che chở (chingô = trấn hộ) cho quốc gia. 

Thiên hoàng muốn đặt ra những giới luật nghiêm khắc để kiểm tra trình độ của tăng lữ, những người đang đảm nhận trọng trách điều hành Phật giáo của nhà nước, do đó phải đi mời những bậc thầy giỏi về giới luật đến dạy. Hai cao tăng Đạo Tuyền (702-760, đến Nhật năm 736) và Giám Chân (687-763, đến Nhật năm 753) nhân đó mới từ Trung Quốc qua. Giám Chân đã thành lập được một viện giới luật (năm 755) ở chùa Tôdaiji. Ngoài ra, nhiều du học sinh đã nhập Đường để cầu học, trong số đó có những người như Dôji (Đạo Từ, ? - 744, về nước năm 718) và Genbô (Huyền Phưởng, ? - 746, về nước năm 735)...Chính các thiên hoàng cũng khuyến khích học vấn cho nên những tông phái Phật giáo coi trọng giới luật như Tam Luận, Thành Thực, Pháp Tướng, Câu Xá, Hoa Nghiêm, Luật (gọi là Nam đô lục tông) thảy đều hưng thịnh. 

Tuy vậy, việc quá thiên vị Phật giáo như thế lại mang đến nhiều hậu quả không tốt trong đó là việc xuống cấp về phẩm chất của giới tăng lữ.Ví dụ trường hợp quái tăng Dôkyô (Đạo Kính (?-772), được sự tín cẩn của nữ Thiên hoàng Kôken (Hiếu Khiêm, thứ 46, 718-770, trị vì 749-758), đã làm những chuyện không hay. [6] Ngoài ra, cùng với sự phổ cập của Phật giáo, người ta đã đem gắn vào trong hệ thống Phật giáo một số thần bản địa với tư cách là những vị thần hộ pháp (gohôshin) [7] . Đó là nguồn gốc của tư tưởng "gộp chung Thần Phật" (shinbutsu shuugô = Thần Phật tập hợp) về sau. 

Khi đề cập đến cách thức tiếp nhận Thiền Tông vào thời Nara (710-784), ta không thể nào bỏ qua một sự kiện quan trọng, đó là việc thiền tăng Trung Quốc là Đạo Tuyền đã đến Nhật vào năm 736. Ông được mời từ bên nhà Đường qua để dạy giáo luật, còn trước cả danh tăng Giám Chân, nhưng thực ra, ông là một đệ tử của Phổ Tịch (651-739), người kế thừa chính thống của Thần Tú ( ? - 706), ông tổ của Thiền Bắc Tông. 

Dấu vết của Đạo Tuyền để lại trên đất Nhật không còn lại bao nhiêu, chỉ biết ông có dựng thiền viện Daianji và viết Bonmo Kyôsho (Phạm Võng Kinh Sớ) để trình bày rõ ràng quan điểm về giới luật của ông. Việc ông thu nhận được một học trò giỏi là Gyôhyô (Hành Biểu, 722-797) cũng đáng chú ý. Như vậy ta có thể xem rằng tư tưởng của Đạo Tuyền là sự kết hợp giữa Thiền Bắc Tông và giới luật, nhưng chuyện này không lấy gì làm lạ bởi vì ở chùa Ngọc Tuyền (Kinh Châu, nơi Thần Tú trụ trì) người ta đã làm một việc giống như vậy nghĩa là tạo nên một hệ tư tưởng mang tên Ngọc Tuyền Thiên Thai (Đạo Tuyền rất tinh thông giáo lý Thiên Thai). Do đó, ta có thể suy luận rằng là một người bước ra từ trào lưu đó, Đạo Tuyền đã biết nương theo để gây dựng ra một lối suy nghĩ cho riêng mình. 

Về sau, Đạo Tuyền lánh về Hisosanji (Tỉ Tô Sơn Tự) ở vùng Yoshino và dốc tâm tu Thiền, đã để lại ảnh hưởng cho lớp nhà tu lấy rừng núi làm nơi tu dưỡng. Gyôhyô cũng là một trong những người ấy. Một nhà tu nổi tiếng đã xuất hiện từ cửa của Gyôhyô, ấy là Saichô (Tối Trừng, 767-822). 

Việc nhận định có một hệ phổ truyền từ Đạo Tuyền qua Gyôhyô đến Saichô là một điều rất quan trọng. Riêng Saichô thì ai nấy đều rõ, ông là khai tổ tông Tendai (Thiên Thai Nhật Bản). Tư tưởng "tứ chủng tương thừa" (shishusôjô) tức là thừa kế cùng một lúc bốn hệ tư tưởng Viên (Thiên Thai), Mật (Mật Giáo), Thiền (Thiền Tông), Giới (Đại Thừa Giới) của ông có lẽ đã bắt nguồn từ cơ sở tư tưởng Ngọc Tuyền Thiên Thai do Đạo Tuyền đem qua và truyền lại. Hơn nữa, tư tưởng này sẽ là động cơ giúp cho Thiền Tông được di chuyển dần dần qua Nhật vào thời Heian (Bình An, 794-1185) đến sau. 

Lại nói về thời Nara thì tăng lữ thuộc Thiền Tông từ bên nhà Đường sang, ngoài Đạo Tuyền, không nghe nói đến ai khác nhưng thật ra, Thiền Tông du nhập vào đất Nhật không chỉ giới hạn qua sự trung gian của con người (thiền tăng) mà thôi. Biết bao nhiêu sứ giả được gửi sang nhà Đường (gọi là kentôshi = khiển Đường sứ) trở về nước đã mang theo sách vở và trong đó, dĩ nhiên có cả những trước tác liên quan đến Thiền Tông, lúc bấy giờ rất phồn thịnh ở Trung Quốc. Cũng có thể là những trước tác thuộc các bộ môn khác nhưng liên hệ mật thiết với Thiền Tông. Ngày nay ở Shôsôin (Chính Thương Viện) [8] chúng ta còn có thể thấy một số văn kiện chú thích kinh văn (gọi là "truyện") như sau: 

1 - (Truyện) Lăng Già Kinh Sớ, 5 quyển, do Bồ Đề Đạt Ma soạn. 

2 - (Truyện) Lăng Già Kinh Khoa Văn (hay Lăng Già Kinh Khai Đề Văn) 2 quyển, do Bồ Đề Đạt Ma soạn. 

3 - (Truyện) Quan Thế Âm Kinh Tán, 1 quyển, do Kim Cương Tạng Bồ Tát soạn. 

4 - (Truyện) Kim Cương Bát Nhã Kinh Chú, 1 quyển, Kim Cương Tạng Bồ Tát soạn. 

Dĩ nhiên tên tuổi của các soạn giả đều là "giả thác" (bề ngoài) mà thôi nhưng nhìn qua tên tuổi các "soạn giả giả thác" đó cũng như nội dung các cuốn "truyện" nói trên, thì hầu như không còn gì để ngờ vực nữa, đây chính là sáng tác của giáo đoàn Thiền Tông buổi đầu. Có chăng chỉ là chút nghi vấn chung quanh việc ai đã mang nó về Nhật thôi. Theo Ômi no Mifune (Đạm Hải Tam Thuyền, 722-785), quí tộc và văn nhân thời Nara trong "Tống Giới Minh hòa thượng trạng" của ông, thì Kim Cương Bát Nhã Kinh Chú đã được Kashiwa no Omidaikyuu (Thiện Thần Đại Khâu, người sống giữa thế kỷ thứ 8) cùng với sứ bộ nhập Đường năm 752, khi về nước năm 753 đã mang theo nó cùng với tập Thích Ma Kha Diễn Luận [9]. Thế nhưng về 3 tập kia (Lăng Già Kinh Sớ, Lăng Già Kinh Khoa Văn, Quan Thế Âm Kinh Tán) thì không ai biết rõ. Theo văn thư thông tin của Shôsôin thì tổ bản của các bản ấy đều được bảo tồn trong một bộ sưu tập có tên là "Tây Trạch bản" (Nishizawa-ban) cho nên có thể phỏng đoán chúng đã được một nhân vật nào đó đem về cùng lúc. Nhân vật đó là ai thì không rõ nhưng xác xuất người ấy chính là Đạo Tuyền cũng rất lớn. 

Ngoài ra trong trước tác của Saichô cũng đã nhắc đến nhiều các tên sách nhưng đáng kể hơn cả có lẽ là: 

5 - Đàm Lâm Tập Nhị Nhập Tứ Hạnh Luận do Bồ Đề Đạt Ma soạn. 

Qua tính cách của sách ấy, có thể nghi rằng đây là trước tác mà Đạo Tuyền đã đem qua Nhật, truyền cho Gyôhô rồi đến Saichô. Trong Bodai Shingi Yômon (Bồ Đề Tâm Nghĩa Yếu Văn, 997), một quyển sách ra đời sau thời Saichô, tăng Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) đã trích dẫn một trước tác khác đến từ Trung Quốc, đó là: 

6 - Lăng Già Sư Tư Ký do Tịnh Giác (683-750?) soạn. 

Đây lại là một tác phẩm thuộc hệ Thiền Bắc Tông và có thể cũng đã đến Nhật theo lộ trình như trên. 

Trong những tác phẩm trên đây, chỉ có Nhị Nhập Tứ Hạnh Luận dương như đã có trước khi pháp môn Đông Sơn thành hình, còn kỳ dư đều được xem là thuộc hệ Thiền Bắc Tông. Chúng không còn được bảo tồn nguyên vẹn và quả là đáng tiếc vì khi đọc, ta không sao nắm được đầy đủ nội dung. Dù thế nào đi nữa, điều chắc chắn là vào thời Nara, nghĩa là giữa thế kỹ thứ 8, ở Nhật đã sở hữu rất nhiều văn kiện liên quan đến Thiền Tông. 

Vấn đề đặt ra ở đây là thời ấy, người trong nước đã tiếp nhận những văn kiện đó với thái độ nào. Về ba quyển Lăng Già Kinh Sớ, Lăng Già Kinh Khoa Văn và Quan Thế Âm Kinh Tán chẳng hạn, theo tài liệu của Shôsôin cho biết thì đã có nhiều lần chúng được cho mượn ra ngoài để người ta sao chép lại. Đặc biệt hai cuốn Lăng Già Kinh Sớ và Lăng Già Kinh Khoa Văn đã được một học tăng tên gọi Kyôrin (Giáo Luân) dùng như tài liệu tham khảo khi đi giảng về kinh Lăng Già. Thế nhưng, vấn đề là nội dung của những cuốn kinh ấy có ảnh hưởng đến mức độ nào đối với giới trí thức và tôn giáo đương thời thì hãy còn là nghi vấn. Lại nữa, theo Ômi no Mifune [10] , cuốn Kim Cương Bát Nhã Kinh Chú cũng từng bị người ta công kích, cho là vật ngụy tạo nên hầu như không ai đem ra sao chép. Còn Nhị Nhập Tứ Hạnh Luận và Lăng Gia Sư Tư Ký thì trước khi được Saichô và Genshin nhắc đến, không thấy ai sử dụng chúng bao giờ. Nói tóm lại, cho dù các truớc tác về Thiền có lưu truyền đây đó nhưng không thấy phong trào muốn tìm hiểu về chúng, ít nhất là người ta chưa hề nhận ra điều đó trong giới tăng lữ có học vấn. Thế nhưng, không thể vì vậy mà bảo rằng tư tưởng Thiền chẳng được ai quan tâm đến cả. Ta nhận ra sự chú ý về nó qua truyền thuyết ngọn núi Kataoka (Phiến Cương Sơn) chẳng hạn. Vì có mục đích thần thánh hóa Thái tử Shôtoku (574-622) cho nên người ta đã vẽ vời ra câu chuyện Thái tử đã gặp Đạt Ma trên núi đó. 

Truyền thuyết về cuộc gặp gỡ trên núi Kataoka (Kataokayama) 

Trong Nihonshoki tức Nhật Bản Thư Kỷ (720) phần nói về việc xảy ra năm thứ 21 đời nữ Thiên hoàng Suiko, có nhắc về Thái tử Shôtoku (cháu gọi bà bằng cô, giữ chức Nhiếp Chính): 

1) Trong lúc Thái tử đi tuần thú ở núi Kataoka, đã gặp một người ngã gục bên đường, mới cho cơm ăn và áo mặc. 

2) Ngày hôm sau, ông gửi sứ giả đến viếng thì thấy người ấy đã chết bèn lấy xác đem đi mai táng. 

3) Thái tử thầm nghĩ đây là một nhân vật phi phàm nên lại cho sứ giả tới đào bới mộ lên xem thì thấy chỉ có manh áo là còn chứ người đã biến mất. 

Câu chuyện này có lẽ lấy cảm hứng từ tư tưởng "thi giải" (chết không để lại xác) của Đạo giáo. Thế nhưng về sau, nó lại dẫn đến truyền thuyết Thái tử là kiếp sau của thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư. Thuyết Thái tử Shôtoku là Nam Nhạc Huệ Tư (515-577) đầu thai đã được chép trong Enryaku Sôroku (Diên Lịch Tăng Lục, 788) của Shitaku (Tư Thác), một đệ tử của Giám Chân. Còn như thuyết kết hợp Nam Nhạc Huệ Tư với Bồ Đề Đạt Ma thì lại thấy chép trong Huệ Tư Thất Đại Ký (Bảy kiếp của Huệ Tư), theo đó, Đạt Ma khuyên Huệ Tư nên thác sinh về vùng Hải Đông (Triều Tiên-Nhật Bản). Học trò của Saichô là Kôtei (Quang Định, 779-858) trong Truyền Thuật Nhất Tâm Giới Văn đã nêu ra và sau đó, truyền kỳ ấy được phổ biến khắp nơi qua tác phẩm Shôtokutaishi Denryaku (Thánh Đức Thái Tử Truyền Lịch, 917). Tóm lại, theo chuyện đó thì Thái tử Shôtoku, người đi tuần thú ở núi Kataoka chính là thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư, còn người ngã gục bên đường là Đạt Ma hóa thân. Bởi trước kia có lúc Đạt Ma khuyên Huệ Tư thác sinh về Nhật Bản nên đây là cuộc hội ngộ lần thứ hai giữa hai người. 

Chuyện này mới xem ra thì thấy kỳ quái nhưng thật tình nó không khác truyền thuyết ở Trung Quốc trong Truyền Pháp Bảo Ký (khoảng năm 720) nói rằng khi Đạt Ma chết và được đem chôn, lúc đào mồ lên chỉ thấy một chiếc dép cỏ (chích lý) chứ trong áo quan chẳng có người (Chích lý qui thiên thuyết thoại - Truyện chân mang một chiếc dép về nước - về trời). Có lẽ vì Saichô ghi lại câu chuyện đó trong Naishô Buppô Sôjô Ukechimyaku Fu narabini Jo (Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ Bình Tự) tức là sách nói về việc tiếp nhận mối đạo cho nên về sau người ta mới dựa vào để tạo ra câu chuyện gặp gỡ giữa Đạt Ma và Shôtoku ở núi Kataoka. Truyện về Đạt Ma sau đó còn thấy trong các tác phẩm văn học Nhật khác như Konjaku Monogatari (Kim Tích Vật Ngữ, tiền bán thế kỷ 12) và Kikigaki-shuu (Văn Thư Tập, cùng thời đại). Chúng cũng đều dựa trên tác phẩm nói trên của Saichô như một điểm xuất phát. 

Truyền thuyết kia cho ta thấy tự thời Nara, người ta đã chú ý đến nhân vật Bồ Đề Đạt Ma, nhưng họ chỉ chú trọng đến ông vì lý do tôn giáo nghĩa là nhân cách siêu việt chứ không phải tư tưởng của ông. Tuy vậy, đến đời Kamakura, khi Thiền Tông đã xác định được chỗ đứng ở Nhật thì như Koken Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346) đã viết trong Genkô Shakusho (Nguyên Hưởng Thích Thư, 1322), truyền thuyết cuộc gặp gỡ ở núi Kataoka sở dĩ có chỉ vì người thời ấy muốn nhấn mạnh quyền uy của Thiền, cho rằng mối quan hệ không thể nào bình đẳng giữa Thiền và Nhật Bản. Vì lý do đó, đến đời Edo, thuyết này đã bị các Nho gia như Hayashi Razan (Lâm, La Sơn, 1583-1657) lên tiếng chỉ trích và ba thiền sư là Mangen Shiman (Vạn Nguyên Sư Man, 1626-1710), Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch, 1636-1715), Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương, 1683-1769) phản công lại. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]