- 1. Thời niên thiếu
- 2. Lập nguyện lớn
- 3. Trốn ra ngoài biên cương
- 4. Qua năm phong hỏa đài và sa mạc Qua Bích (Gobi)
- 5. Mối tình huynh đệ ngàn năm còn thắm thiết
- 6. Qua 24 nước Trung Á và vượt qua Tuyết Sơn
- 7. Viếng Bắc Ấn Ðộ
- 8. Trên đường đi đến các Thánh địa Phật giáo
- 9. Chiêm bái các Phật tích
- 10. Ở tu học tại chùa Na Lan Ðà
- 11. Chu du Ðông, Tây, Nam, Bắc Ấn Ðộ
- 12. Tranh luận với các phái Tiểu thừa và ngoại đạo
- 13. Ðại thí trường Vô già
- 14. Trên đường về Trung Quốc
- 15. Ngày khải hoàn
- 16. Phiên dịch kinh điển
- 17. Từ giã cõi đời
ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH
Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)
Ngài Huyền Trang đi dần về phía Trung Ấn Độ. Sau khi đi chừng 1.000 dặm và qua mấy tiểu quốc ở Bắc Ấn Độ, một hôm, đi ngang một khu rừng rậm rạp, Ngài và những người bạn đồng hành gặp phải một bọn cướp chừng 50 tên. Sau khi lấy hết cả đồ dùng, áo quần, vàng bạc, chúng nó còn nắm giáo mác đuổi theo Ngài và mấy người lữ hành. Chạy được một đoạn đường, mấy người lữ hành nhận thấy bên bờ một cái hồ khô nước, cây cỏ rậm rạp, có một cái hang rộng, có thể chứa được nhiều người. Họ ra dấu cho Ngài và mấy người cùng nhau chạy xuống đấy ẩn trốn. Bọn cướp đuổi theo sau, đến đây thấy mất tăm dạng các người lữ hành, chúng mới thôi, không đuổi nữa. Sau khi thoát nạn, họ chạy đến một làng gần đấy và kể lại tai nạn vừa xảy ra. Một người Bà-la-môn, có lẽ là xã trưởng, đánh trống hội họp dân làng cùng nhau đuổi theo tiêu trừ bọn cướp. Nhưng bọn này đã cao bay xa chạy vào rừng sâu. Các lữ hành mất hết của cải rất đau buồn, chỉ có Ngài là giữ được vẻ mặt tự nhiên tươi sáng, vì Ngài nghĩ rằng tánh mạng là điều quý nhất chưa mất, thì cái gì rồi cũng có thể tạo lại được.
Mà thật, khi đến một thành phố gần đấy, họ gặp được một vị Bà-la-môn già, có cảm tình với đạo Phật, triệu tập dân chúng và hô hào họ quyên góp vàng bạc, áo quần, vật dụng trao tặng lại cho những người đã bị cướp. Điều may mắn nhất cho Ngài là vị Bà-la-môn già ấy lại là đệ tử thông thái của một đại sư đã có công lớn trong sự kiện toàn môn Nhân Minh học, là môn luận lý học của Phật giáo. Ngài Huyền Trang bất ngờ mà gặp được vị đệ tử giỏi về môn học này rất vui mừng, và xin ở lại thụ giáo với vị này trong một tháng trời. Ngài Huyền Trang nhờ môn học này, mà đã thông hiểu một cách tường tận hệ thống triết lý Đại thừa và nhất là Duy Thức học Phật giáo.
Ngài đi dần về phía đông, và qua mỗi đoạn đường, Ngài lại gặp thêm nhiều minh sư, ích hữu, thu hoạch được rất nhiều kinh điển Đại thừa quý báu. Ngài ở chỗ này một năm, chỗ kia năm ba tháng để khảo sát, biên chép, hay thỉnh giáo với những vị học rộng biết nhiều.
Rồi Ngài đi dần về phía đông nam, đến thành phố Ma-siêu-la (Mathura) trong lưu vực sông Jumna là thành phố còn giữ rất nhiều di tích của các vị đệ tử tiếng tăm của đức Thích Ca, như Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Ưu Bà Ly, A Nan Đà, La Hầu La ...
Sau khi đến chiêm bái các nơi này. Ngài lại đi tiếp sang phía đông, đến thượng lưu sông Hằng. Đối với tín đồ Ấn Độ giáo, sông Hằng là một con sông linh thiêng, bắt nguồn từ trên cõi trời mà chảy xuống đất. Sắc nước luôn luôn thay đổi màu, sóng rất lớn. Nước ngọt và lòng sông toàn cát trắng rất mịn. Theo kinh điển Ấn Độ giáo, người ta gọi sông này là sông Hạnh phúc, ai tắm trong nước của nó thì được rửa sạch tội lỗi, ai uống nước của nó, hay chỉ súc miệng thôi, cũng đủ thoát nhiều tai nạn; ai trầm mình chết ở đấy sẽ tái sanh lên cõi trời. Vì thế dân chúng theo Ấn Độ giáo đêm ngày tụ tập lễ bái hai bên bờ sông. Và một số người tìm cái chết trong dòng nước thiêng ấy để hy vọng lên cõi trời. Rải rác từng khoảng gần hai bên bờ sông, Ngài thấy có những chiếc sào cắm xuống nước, phía trên đầu có những cái móc hay cái nạn để cho người tín đồ treo mình lên đấy. Từ sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu lên, Ngài Huyền Trang đã thấy một vài tín đồ ra sông, tự treo mình dọc theo cái sào ấy với một tay và một chân móc vào cái nạn, còn tay và chân kia thì dang thẳng ra, đôi mắt họ nhìn mặt trời và theo nó từ phía đông cho đến phía tây, từ khi nó mới mọc cho đến khi nó lặn xuống chân trời mới trở về nhà, để sáng hôm sau lại tiếp tục cái công việc ấy. Và cứ như thế, họ làm hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác, hết hàng chục năm này đến hàng chục năm khác, với mục đích là giải cho tâm linh thoát kiếp luân hồi!
Dọc theo sông Hằng, Ngài Huyền Trang đi đến thành Khúc Nữ (Kanauj) là kinh đô của nước Yết-nhược-cúc-đồ (Kayakubja). Nước này thuộc Trung Ấn Độ là miền rất có nhiều thánh tích đức Phật Thích Ca. Thời cổ gọi là "Đất Giữa" vì nó nằm ở giữa Ấn Độ. Khi Ngài Huyền Trang đến, thì Yết-nhược-cúc-đồ là một nước đang thời thịnh trị, dân cư giàu có, vui vẻ làm ăn. Vị vua đang trị vì nước ấy là Giới Nhật (Harsha) một anh quân, rất sùng mộ đạo Phật có thể so sánh được với A Dục vương thời trước. Kinh thành Khúc Nữ nằm trên bờ tây sông Hằng có đến 100 ngôi chùa, tăng lữ có trên vạn người. Khi Ngài Huyền Trang đến đây, vua Giới Nhật không có ở kinh đô, nên không được vua tiếp đón như những nước mà Ngài đã đi qua. Ngài ở lại đây ba tháng, trọ lại chùa Bạt-đạt-di-kha-la (Bhadravihârâ) để học hỏi Tam tạng kinh điển. Sau ba tháng ở thành Khúc Nữ, Ngài lại vượt sông Hằng đi về phía đông, đến một thành có nhiều di tích rất thân thiết đối với Ngài, là thành A Du Đà (Ayodhya, tỉnh Oude). Thành này còn rực rỡ oai danh của hai vị Bồ-tát có công lớn với Đại thừa Phật giáo và là những vị đã thành lập môn Duy Thức học, đó là hai anh em Ngài Vô Trước (Asanga) và Thế Thân Bồ-tát (Vasubandhu). Ngài Huyền Trang đến khu rừng Xoài, cách 5, 6 dặm về phía tây nam A Du Đà, là nơi có tịnh xá mà hai thế kỷ trước, hai vị bồ-tát này đã tu niệm và giảng dạy giáo phái của hai Ngài.
Câu chuyện của hai vị Bồ tát này cũng đáng để cho chúng ta suy gẫm trong vấn đề đi tìm sự thật:
Hai anh em Ngài Vô Trước và Thế Thân, gốc ở thượng lưu sông Hằng, đều là những vị thông minh xuất chúng. Nhưng trong lúc Ngài Vô Trước là anh, tu theo phái Đại thừa thì Ngài Thế Thân là em lại theo Tiểu thừa. Hai Ngài đều có trước tác những bộ luận để xướng minh giáo lý của phái mình, và tất nhiên không thể không có những sự xung đột về lý thuyết.
Một hôm, Ngài Vô Trước mời em đến tịnh xá của mình tại rừng Xoài chơi. Đêm đến, Ngài Vô Trước dẫn Ngài Thế Thân ra một cái gác dựng bên sông để em nằm hóng mát, còn mình thì trở vào. Đêm ấy là một đêm thu, có trăng rất đẹp. Trăng và nước hòa hợp trong một bầu trời thu, mênh mông, huyền ảo. Bỗng một giọng tụng niệm trong trẻo thanh thoát ngân lên, ngân lên, bay trong gió, hòa hợp trong không trung. Đó là một bài luận về Đại thừa. Qua ý nghĩa bài luận, thế giới vật chất như tan biến, mung lung, mộng ảo như ánh trăng, như hơi nước đang bàn bạc trên sông. Trước mắt Ngài, vật chất chỉ là thế, nghĩa là hư ảo, là duy tâm, là duy thức.
Ngài Thế Thân xúc động đến tận đáy lòng, và cảm thông được cái cao thâm huyền diệu của giáo lý Đại thừa, Ngài vừa xấu hổ, vừa hối hận, đi vào nhà, xin cắt lưỡi trước mặt anh để chuộc cái tội đã phỉ báng Đại thừa.
Ngài Vô Trước can em:
– Sao lại cắt lưỡi? Em đã dùng cái lưỡi ấy để công kích Đại thừa thì nay cũng nên dùng cái lưỡi ấy để xiểng dương Đại thừa, mới phải chứ!
Ngài Thế Thân nghe theo lời anh dạy. Trước kia Ngài đã viết 500 bộ luận về Tiểu thừa để kích bác Đại thừa, thì từ đấy, Ngài lại viết 500 bộ luận về Đại thừa để thuyết minh giáo lý Đại thừa. Do đó, người đời tôn xưng Ngài là "Thiên bộ Luận sư", vị luận sư tạo ngàn bộ luận.
Ngài Huyền Trang khi đến thăm tịnh xá của hai vị Bồ tát này, chắc không thể không xúc động mãnh liệt, vì giáo lý Duy thức mà hai vị này đã phát huy ra trước Ngài hai thế kỷ, chính là giáo lý mà sau này Ngài đã dùng làm cơ sở cho bộ luận Thành Duy Thức đồ sộ của Ngài, và là căn bản của Pháp Tướng tông.
Từ giã tịnh xá của hai vị Bồ-tát này, Ngài đi thuyền xuôi theo sông Hằng về phía đông để tiếp tục viếng các Phật tích. Trong thuyền có lối 20 hành khách. Thuyền xuôi theo dòng sông, độ vài chục dặm thì xảy ra một tai nạn lớn, có thể nói là lớn nhất trong cuộc hành trình của Ngài từ trước đến nay, và có thể làm Ngài bỏ xác nơi đây.
Thuyền đi vào một khúc sông, hai bên bờ có nhiều cây cối rậm rạp của rừng cây "A Dục". Dưới những tàn cây rậm rạp bổ ra sông, có mười chiếc ghe của bọn cướp đang ẩn núp đợi mồi. Khi thấy thuyền Ngài gần đến, bọn cướp hè nhau bơi thuyền ra chặn đường. Nhiều hành khách sợ quá nhảy ùm xuống sông và mất xác, những người còn lại bị đưa vào bờ và bị bọn cướp lột hết quần áo, của cải. Bọn cướp này thờ "Durga", một nữ hung thần thường bắt các đệ tử cuồng tín phải làm lễ hy sinh người sống cho mình. Thường năm, đến mùa thu, họ tìm một nạn nhân, phần nhiều là đàn ông có hình dáng cân đối, mặt mũi khôi ngô để lấy huyết và thịt dâng cúng cho nữ thần. Khi bọn cướp này nhận thấy Ngài Huyền Trang có khuôn mặt tuấn tú, hình dáng oai nghi, chúng nhìn nhau mừng rỡ. Chúng nói với nhau:
–Chúng ta đã trễ quá thời hạn làm lễ tế thần, vì chưa tìm được một kẻ hy sinh xứng đáng với nữ thần. Nhưng bây giờ chúng ta gặp được nhà sư mặt mũi khôi ngô, thân hình đẹp đẽ này, chúng ta hãy làm lễ tế ngay, để nữ thần ban phước.
Ngài nghe nói, bình tỉnh trả lời:
–Nếu thân xác của bần tăng này đáp đúng ý nguyện của các ngươi, để dâng cúng cho nữ thần, bần tăng thật tình không dám tiếc. Nhưng bần tăng từ phương xa lặn lội đến đây để chiêm bái các Phật tích, cung thỉnh các kinh điển và học hỏi giáo lý của đức Thích Ca. Sở nguyện thiết tha ấy chưa thành, mà nay các ngươi đành tâm giết bần tăng, thì bần tăng e rằng các ngươi đã không được phúc mà trái lại còn mang thêm nhiều tai họa.
Những người hành khách quỳ xuống xin bọn cướp tha chết cho Ngài. Có người lại xin thay mạng cho Ngài. Nhưng bọn cướp đều từ chối. Tên đầu đảng truyền lệnh cho bộ hạ vào rừng lấy nước trong và dựng một cái bàn thờ với đất bùn lấy ở dưới sông lên. Xong xuôi nó truyền hai tên thân tín rút giáo, lôi Ngài lên bàn thờ để làm lễ hy sinh ngay. Trong lúc đó sắc mặt Ngài vẫn không đổi, bình thản như thường. Bọn cướp lấy làm ngạc nhiên và không khỏi xúc động. Riêng Ngài, thì Ngài thấy giờ phút cuối cùng sắp đến, nên yêu cầu bọn cướp trì hoãn cho Ngài một lúc để Ngài cầu nguyện và đừng lôi kéo Ngài như thế. Ngài bảo:
–Các ngươi hãy để cho bần tăng được nhập Niết-bàn một cách thanh tịnh và hoan hỷ.
Nói xong, Ngài ngồi kiết già, xưng tán đức Di Lặc và chư Bồ tát trong mười phương, mong cầu được nhập vào hàng Thánh chúng để được nghe pháp và giác ngộ hoàn toàn. Rồi Ngài lại nguyện sau khi giác ngộ sẽ trở về cõi Ta Bà này khai thị cho bọn cướp, đưa chúng về con đường chính và làm các việc công đức để chuộc những lỗi lầm. Cuối cùng, Ngài nguyện sẽ hóa độ toàn thể chúng sanh, và đưa họ vào cảnh giới an lạc. Nguyện xong, Ngài nhập định và chú toàn tâm lực vào đức Bồ-tát Di Lặc.
Bỗng Ngài nhận thấy tâm hồn lâng lâng siêu thoát, như bay bổng đến núi Tu Di, và sau khi lên đến tầng trời thứ ba, Ngài thấy đức Di Lặc đang ngồi trên tòa sen rực rỡ và quanh Ngài, chư thiên đang ngồi nghe pháp. Trong khi tâm hồn Ngài đang phiêu diêu trong cảnh giới thanh tịnh ấy, Ngài không còn nhận thấy rằng mình đang ngồi trên bàn thờ tế nữ thần, bên cạnh bọn cướp khát máu đang nóng lòng chờ đợi cắt da, xẻ thịt mình, và dưới chân Ngài, chung quanh Ngài, những người đồng hội, đồng thuyền với mình đang than khóc tiếc thương Ngài.
Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, làm cây cối gẫy ngã, cát bụi tung đầy trời, sóng cuồn cuộn gầm thét và lật úp ghe thuyền trên sông. Bọn cướp hoảng sợ, hỏi những kẻ bộ hành cùng đi theo Ngài:
–Nhà sư này ở đâu đến và tên ông ta là gì?
Một người trong đám hành khách trả lời:
–Đó là một cao tăng từ Trung Hoa đi sang đây thỉnh kinh. Nếu các người giết vị sư ấy thì tai họa lớn lao sẽ đến với các người. Các người thấy chưa, gió bão đang nổi dậy đó chính là triệu chứng sự giận dữ của chư thiên trước hành động bạo tàn của các người. Các người hãy mau hối cải mới được.
Bọn cướp sợ hãi, sụp quỳ xuống bên chân Ngài, xin tha tội, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên tĩnh tọa, không nhận thấy sự thay đổi đột ngột, kỳ lạ xảy đến chung quanh Ngài. Một tên cướp xích lại gần, nắm chéo áo Ngài van xin tha tội, làm Ngài sực tỉnh.
Khi được biết bọn cướp đã hoảng sợ mà đổi ý, Ngài nhận tin ấy một cách bình tĩnh, không đổi sắc mặt. Ngài khuyên bọn cướp hãy cải tà quy chánh. Bọn cướp ngoan ngoãn xin tuân theo. Trận cuồng phong dịu dần rồi tắt hẳn.