Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Trì giới

14/03/201105:45(Xem: 8991)
2. Trì giới

ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

IV.SÁU BA-LA-MẬT

2. Trì giới

Tiếp theo đức bố thí là đức trì giới, cũng có thể làm cho người tu đắc đạo, chứng quả, thành Bồ-tát và vào Phật quốc. Giới hạnh, tức là phần lớn trong phong hóa nhà Phật, là một nền tảng đã từng độ cho con người thoát khỏi bến mê, bước lên bờ giác.

Phật từng cho rằng giới hạnh tức là chân cẳng của nhà tu hành. Tỷ như người thiếu chân thì chẳng đi đến đâu được. Người chẳng trì giới cũng như thế, không làm sao lên cõi trời, về cảnh Phật được.

Giới hạnh cũng tỷ như chiếc xe. Giả như một kẻ ngồi trên cỗ xe xấu tệ, khi đi tới chỗ đường gập ghềnh, nguy hiểm, thì chiếc xe bể bánh hoặc gãy chốt! Người thiếu giới hạnh cũng như thế, tự mình phải sa lạc trong rừng ma quỷ, nguy khốn tại đèo phiền não, mà chẳng tới cảnh thành thị an ổn là Niết-bàn.

Giới hạnh lại tỷ như chiếc phao nổi. Người đương bị nạn giữa biển, nhờ ôm phao mà lội, nương theo đó mà vào tới bờ. Trong khi còn chơi vơi giữa biển, nếu để cho phao ấy tổn hại đi một chút, dầu nhỏ như mũi kim, thì dần dần phao xẹp hết hơi, mạng mình phải mất! Giới hạnh cũng như chiếc phao ấy vậy. Nếu người tu hành hủy phạm giới, dù chỉ là phần nhỏ, thì chìm nơi biển luân hồi, chẳng mong tới bờ Niết-bàn.

Về giới hạnh, hạng tại gia trì Tam qui Ngũ giới, trì danh hiệu Phật A-di-đà nếu mình là người tu tịnh độ, trì Tám giới, Mười giới, hoặc làm Mười điều lành. Cũng có người trì giới Đại thừa là Bồ-tát giới, giới chung cho cả hạng xuất gia và hạng tại gia. Giới này tất cả là 10 điều nặng và 48 điều nhẹ. Hạng xuất gia có người thọ trì Bồ-tát giới. Nhưng phần nhiều thì giữ giới tỳ-kheo là 250 giới, giới tỳ-kheo ni là 348 giới.

Trong giới tỳ-kheo và tỳ-kheo ni hay là cụ túc giới có bốn giới quan trọng là: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói láo. Người tu nếu để phạm vào bốn giới ấy, tức làm mất tịnh hạnh, bỏ rơi địa vị của mình. Nhưng dầu là bốn giới hay bao nhiêu giới cũng vậy, đều dồn lại còn cái giới thanh tịnh, trong sạch không mà thôi. Vậy thì giữ giới đặng cho thanh tịnh, thanh tịnh nơi thân thể, thanh tịnh nơi lời nói và nhất là thanh tịnh nơi tâm ý. Người trầm tỉnh mà sống theo giới hạnh sẽ thấy mình trong sạch, thơm lành. Các thể hiệp lại nơi mình, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều tĩnh mịch, an nhiên, không còn nhiễm các sự dơ bẩn, cấu trược ở cõi trần. Con mắt nhờ thanh tịnh bèn mở thông, trông ra thấy các cõi trong trời đất, thấy khắp nơi khắp chốn và từ vật nhỏ nhặt đến vật to tát, thấy qua các lớp, không còn cái chi án khuất hết. Lỗ tai nhờ thanh tịnh, bèn mở thông, nghe ra các thứ tiếng trong hoàn cầu. Nghe qua hiểu biết; và dù xa, gần hay đâu đâu, người thanh tịnh cũng nghe rõ hết. Lỗ mũi nhờ thanh tịnh mà mở thông, nhận ra các thứ mùi trong vũ trụ, nhận biết các bậc chúng sanh ở đâu hoặc làm gì. Người biết tới con trai hay con gái ở trong thai và ngày sau trẻ ấy sẽ làm những gì. Cái lưỡi nhờ thanh tịnh mà mở thông, các món ăn vật uống để lên miệng đều hóa ra thơm, lành, ngon ngọt. Người thanh tịnh ăn các vật, chẳng biết cái chi là dở, là hôi, cho đến các món độc để lên lưỡi người cũng thấy là ngọt ngào, tươi dịu. Thân thể, tay chân, nhờ thanh tịnh bèn trở nên sáng suốt như mảnh gương. Trông vào thân, thấy ra các nơi trong vũ trụ và các hạng chúng sanh. Vì tất cả các nhân vật đều rọi vào cái thân trong trẻo của nhà tu hành. Còn đến cái ý của người trì giới hoàn toàn thì càng quí hóa hơn nữa. Người thanh tịnh nghe thấy sự gì tuy ít mà biết ra nhiều, chữ nghe một mà nghĩa biết ra trăm ngàn vạn ức. Các tục lệ của đời, những câu ca dao, những lời nói quen miệng, người xem thấy có ăn nhập với đạo lý hết. Người trì giới nhờ cái ý mở thông mà sáng suốt, tấn hóa vô cùng.

Kẻ tu hành cần phải trì giới, giữ mình cho thanh tịnh. Có thanh tịnh mới đắc đạo được. Trong người nhờ thanh tịnh, tâm ý lành của mình mới từ từ vươn lên, trải qua các nơi trong châu thân mà làm cho sáng suốt, tinh anh.

Những người tu hành, dẫu là bậc sư trưởng mà chưa được thanh tịnh, hãy còn tham lam, sân hận, thì không thế nào đắc đạo, chứng quả. Kìa như Đề-bà-đạt-đa vì một lúc giận Phật mà mất các phép linh. Lại như một vị tiên nhân vì mê nghe tiếng ca, nhạc của một cô thần nữ mà lạc mất phép hay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]