Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phật

14/03/201105:45(Xem: 8796)
2. Phật

ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I.PHẬT LÀ GÌ

2. Phật

Phật, hay Phật đà, Bụt đà là tiếng phiên âm theo Phạn Buddha. Tức là bậc được giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn.

Về tiếng Phật, người Á Đông hiểu rộng hơn người Âu Tây. Nghe đến tiếng Phật, họ thường chỉ nghĩ đến đức Phật Thích-ca. Còn đối với người Á Đông, tiếng Phật chẳng những là chỉ đức Thích-ca, mà còn chỉ chung cho những vị đã đắc đạo hoàn toàn nữa. Chư Thánh từ bậc A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát cho chí đức Phật Như Lai, đức Thế Tôn, những người bình dân đều gọi chung là Phật hết. Có khi cũng gọi riêng là Phật A-la-hán, Phật Duyên giác, Bồ-tát, Phật Như Lai, Phật Thế Tôn. Như vậy là hiểu nôm na, cho rằng các vị ấy dầu khác bậc nhau, chớ đều đắc quả Phật hết. Chư vị A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát đều là những vị đã thành tựu, đắc quả, song còn phải qua nhiều thời gian về sau mới lên ngôi Chánh giác, Phật Như Lai, Thế Tôn.

Nói cho chính xác, tiếng Phật để chỉ riêng đấng hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn thành tựu, giống như đức Thích-ca Như Lai. Thầy chung của chúng ta. Ngài thành Phật cách đây trên hai ngàn rưỡi năm.

Từ xưa đến nay, từ đời vô thỉ đến bây giờ, đã có rất nhiều vị Phật ra đời. Thỉnh thoảng trong năm ba ngàn năm. Một vài mươi ngàn năm, có một đấng siêu phàm giáng thế, tỏ sáng hoàn toàn cái trực giác nơi mình, bèn dìu dắt, giáo hóa chúng sanh. Từ trước đến nay, đã có biết bao người thành Phật rồi, giả như: Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá, Ca-la Ca-tôn-đại, Câu-na-hàm Mâu-ni, Ca-diếp, Nhiên Đăng.v.v... Chư vị ấy gọi là Phật quá khứ.

Và hiện nay, trong các cõi thế giới, cũng có biết bao các đấng thành Phật. Ở cõi Ta-bà này, có đức Thích ca Mâu-ni. Và ở trăm ngàn vạn ức cõi thế trong vũ trụ, có vô số chư Phật khác. Người ta gọi các vị này là Phật hiện tại.

Rồi về sau, trên cõi thế giới của chúng ta với trên các cõi khác, sẽ có những bậc siêu phàm khác xuất hiện và thành Phật. Những đấng này hiện thời là chư đại Bồ-tát hằng đi khắp nơi mà cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh và đem đạo lý mà giáo hóa họ. Các ngài đã đắc nhập quả Phật, sẽ lần lượt lên ngôi Bát-nhã của đức Như Lai. Giả như ở cõi của chúng ta đây, người sẽ thành Phật tiếp theo đức Thích-ca là đức Di Lặc, hiện là một vị Đại Bồ-tát. Chư Phật này, người ta gọi là Phật vị lai.

Các nhà học Phật gọi chung chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai là chư Phật Tam thế. Những người tụng niệm, trì kinh hằng ngày khấn nguyện chư Phật trong các đời đã qua, hiện tại và sẽ tới. Người ta tin rằng chư Phật Tam thế thường hộ trì những người thành kính, nhất tâm tưởng Phật. Nhất là các ngài thường tiếp trợ những ai đứng ra bênh vực, truyền bá pháp Phật. Người học Phật Đại thừa nhận rằng vũ trụ là một cảnh tương tế, bao giờ chư Phật trong ba đời cũng sẵn lòng độ cho chúng sanh được về bến giác. Bao giờ ánh sáng của chư Phật cũng soi thấu các nơi, tư tưởng lành của chư Phật cũng tỏa ra các nơi, người tu tập thành tâm thành tín nhờ đó mà dễ tỏ sáng và lướt đến cõi lành.

Đối với chư Phật Tam thế, có chư Phật mười phương. Mười phương trong vũ trụ: Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương kế cận Đông bắc, Tây bắc, Tây nam, Đông nam, và hai phương trên, dưới, đều có chư Phật hết, cõi Ta-bà của chúng ta ở về phương Đông bắc, có đức Thích-ca Như Lai. Lại ở các cõi thế giới khác trong các phương, cũng có chư Phật khác. Và vô số chư Phật ở khắp mười phương trong vũ trụ, hằng tiếp dẫn và cứu độ chúng sanh. Từ trước tới nay và về sau, đã có, hiện có và sẽ có biết bao các vị Phật ngự nơi ngôi Bát-nhã trên các cõi thế giới trong mười phương.

Cho nên gọi chung chư Phật, người ta gọi là chư Phật ba đời và mười phương. Ấy là chư Phật khắp cả các nơi và từ trước tới sau. Nói ngay ra, ở chỗ nào cũng có Phật, và bao giờ cũng có Phật hết. Cái ánh sáng ấy, cái sức lành ấy ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Nó soi tỏ, nó kích thích cho tất cả chúng sanh, nó ở vào trong tất cả chúng sanh. Cho đến những hạng sa đọa như các loài ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, cũng đều có quả Phật nơi mình. Cho nên người ta cũng gọi mười cảnh tấn hóa của các chúng sanh là mười cảnh Phật. Mười cảnh ấy, bắt từ trên kể xuống là: 1. Phật, 2. Bồ-tát, 3. Duyên giác, 4. Thanh văn, 5. Tiên 6. Thần, 7. Người, 8. Ngạ quỷ, 9. Địa ngục, 10. Súc sanh. Chúng sanh trong mười cảnh Phật này đều chứa cái quả Phật nơi lòng. Cái quả Phật ấy, cái tánh Phật ấy, cái chân như ấy, với kẻ còn mê dục thì nó chưa tỏ ra; mà với kẻ từ bi, thông thái thì nó sáng rỡ. Và đến chừng nó tỏ rõ hoàn toàn thì mình thành Phật, Phật Như Lai, Phật Thế Tôn. Các chúng sanh, dẫu trụy lạc, sai lầm thế mấy, cũng có cái quả Phật ở trong, nên có ngày sẽ giác ngộ. Cái cảnh hiện thời của họ là cái tạm thời, họ sẽ nương từ đó mà lướt lên, lướt mãi cho đến ngày đến bậc Chánh giác. Vì vậy nên những nhà học Phật thâm thúy mới gọi rằng: “Mê dục tức Bồ-đề, Luân hồi tức Niết-bàn”. Người ta cũng nói rằng: “Chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh”. Hoặc là: “Chúng sanh là Phật chưa thành.”

Chúng ta đây, mỗi người đều có sẵn cái gốc lành, cái quả Phật. Vậy chúng ta hãy tập ăn ở cho lành, làm việc phước thiện, siêng năng đọc tụng kinh sách, và chúng ta hãy thường tưởng Phật, chiêm nghiệm, suy nghĩ, tham thiền để mau mở thông cái quả Phật ấy nơi ta.

Rồi đến một ngày nọ, một đời nọ, chúng ta sẽ được toàn giác, như thầy của chúng ta là đức Thích-ca Mâu-ni chớ chẳng không.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]