Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Đại sư thứ sáu: THONGWA DHÖNDEN (1416-1453)

05/03/201115:25(Xem: 5253)
6. Đại sư thứ sáu: THONGWA DHÖNDEN (1416-1453)

CÁC VỊ ĐẠI SƯ TÁI SINH TÂY TẠNG
Nguyễn Minh Tiến biên soạn

Đại sư thứ sáu: THONGWA DHÖNDEN (1416-1453)

Đại sư Thongwa Dhonden sinh năm 1416 ở Ngomtư Shakyam, gần Karma Gưn thuộc miền đông Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là những người chuyên cần thực hành pháp môn Du-già. Không lâu sau khi sinh ngài ra, một hôm người mẹ đang dắt ngài đi trên đường thì tình cờ gặp đại sư Ngompa Chadral, một trong số các vị đệ tử của đức Karmapa đời thứ năm. Bấy giờ, cậu bé bỗng có dấu hiệu phấn khích kỳ lạ, khiến người mẹ lấy làm ngạc nhiên phải dừng lại. Đại sư Ngompa Chadral chú ý ngay đến cậu bé và bước đến hỏi: “Tên em là gì?” Cậu bé mỉm cười đáp: “Ta là Karmapa.”

Đại sư Ngompa Chadral liền xin phép cha mẹ cậu bé kỳ lạ ấy để được nuôi dưỡng em trong 7 tháng rồi đưa đến Karma Gưn.

Cậu bé Thongwa Dưnden ngay sau đó đã chứng tỏ khả năng giảng dạy của mình. Vị Shamar Rinpoche đời thứ ba là Chopal Yeshe đã tìm đến Karma Gưn trong giai đoạn này để tiến hành nghi lễ công nhận đây là hóa thân tái sinh của vị Karmapa đời thứ sáu. Sau đó, Thongwa Dưnden được học tập kinh điển cũng như nhận sự truyền thừa giáo pháp của dòng Karma Kagyu từ các vị Shamar Chopal Yeshe, Jamyang Drakpa, và Khenchen Nyephuwa. Đặc biệt, ngài được nhận truyền thừa toàn bộ giáo pháp mật truyền của dòng Karma Kagyu từ Ratnabhadra, người đang giữ cương vị đứng đầu tông phái.

Ngay từ những năm tuổi trẻ, Thongwa Dưnden đã bắt đầu biên soạn nhiều quyển luật nghi quy định lại một cách rõ ràng các nghi thức Tan-tra mà trước đó dòng Karma Kagyu thường chỉ vay mượn từ các tông phái khác. Các nghi thức này về sau được sử dụng trong truyền thống tu tập của phái Kamtsang. Ngài cũng là người đã hợp nhất các dòng Shangpa Karma Kagyu và Shijay vào với dòng Karma Kagyu.

Là một người hoạt động tích cực và năng nổ, ngài đã dành phần lớn công sức vào việc trước tác, biên soạn và giảng thuyết, khôi phục được nhiều trung tâm tu học tại Tây Tạng, xúc tiến việc in ấn kinh sách và củng cố tăng đoàn. Ngài cũng bắt đầu phát triển hệ thống Shedra trong dòng Karma Kagyu, một hệ thống đào tạo tăng sĩ tương tự như các Phật học cao cấp hiện nay.

Trước khi viên tịch một năm, đức Karmapa đời thứ sáu đã báo trước với các đệ tử của mình. Ngài ẩn cư trong một thời gian tại Kongpo, thuộc miền nam Tây Tạng. Trong thời gian đó, ngài chính thức giao quyền dẫn dắt tông phái cho vị Gyaltsab thứ nhất là Goshir Paljor Dưndrup trách nhiệm dẫn dắt phái Karma Kagyu trong thời gian chờ đợi ngài tái sinh, và để lại một di thư nói rõ nơi ngài sẽ tái sinh.

Đại sư Thongwa Dưnden, đức Karmapa đời thứ sáu của dòng Karma Kagyu, đã viên tịch vào năm 1453, khi ngài được 37 tuổi. Sau lễ hỏa táng, các vị đệ tử tìm được rất nhiều xá-lợi trong tro cốt của ngài.

Một trong các đệ tử kế thừa giáo pháp của đức Karmapa đời thứ sáu là Pengar Jampal Zangpo, tác giả tập “Nghi thức cầu nguyện Đại thủ ấn” được truyền tụng rộng rãi về sau, và tập “Lược tụng Kim cương thừa” được sử dụng trong tất cả các tự viện thuộc dòng Karma Kagyu.

Bengar Jampal Zangpo sống vào cuối thế kỷ 15 bước sang đầu thế kỷ 16, nhưng không rõ chính xác năm sinh và năm mất. Ngài sinh ra trong gia đình Nyemo Dzongpa, cha mẹ là các vị thành tựu giả ở Damshang, có lẽ thuộc miền đông Tây Tạng. Ngài bắt đầu việc học tập kinh điển từ rất sớm. Năm 20 tuổi ngài bắt đầu nghiên cứu các kinh điển Mật tông và Kim cương thừa với ngài Rongton. Sau đó, ngài được đức Karmapa truyền thụ giáo pháp dòng Karma Kagyu cùng với Sáu pháp thành tựu của ngài Naropa. Ngài thực hành chuyên nhất các phần giáo pháp này và đạt được sự chứng ngộ cao siêu, trở thành một bậc thầy uyên bác của dòng Karma Kagyu.

Ngài Bengar Jampal Sangpo là thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ bảy. Tuy nhiên, người chính thức truyền thụ toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cùng với quyền dẫn dắt tông phái cho vị Karmapa đời thứ bảy là đại sư Goshir Paljor Dhưndrup.

Goshir Paljor Dhưndrup sinh năm 1427 tại Nyemo thuộc miền trung Tây Tạng. Dưới sự dẫn dắt của đức Karmapa đời thứ sau là Thongwa Dhưnden, ngài được học tập giáo pháp của dòng Karma Kagyu, dòng Tengyu và của nhiều tông phái khác. Ngài đã nghiên cứu toàn bộ triết học Phật giáo và thực hành thiền định với sự chỉ dạy của đức Karmapa đời thứ sáu cùng với đại sư Bengar Jampal Sangpo và nhiều bậc thầy nổi tiếng khác. Sau đó, ngài được đức Karmapa chỉ định làm người trợ lý chính thức để trợ giúp đức Karmapa trong tất cả các hoạt động của ngài. Trong cương vị này, ngài đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động của đức Karmapa cũng như cho tông phái Karma Kagyu. Người ta tin rằng ngài Paljor Dhưndrup chính là hóa thân tái sinh lần thứ nhất của Gyaltsab Rinpoche.

Ngài Paljor Dhưndrup là người chính thức nhận sự truyền thừa từ đức Karmapa đời thứ sáu và sau đó truyền lại cho đức Karmapa đời thứ bảy, Chưdrak Gyatso. Ngài viên tịch vào năm 1489, khi đức Karmapa đời thứ bảy được 25 tuổi. Vào lúc ngài viên tịch, người ta nhìn thấy nhiều hiện tượng khác thường và mầu nhiệm cho thấy sự chứng ngộ của ngài.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com