- 01. Triết lý quanh đèn
- 02. Cái nhìn
- 03. Vấn đề sáng tạo trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo
- 04. Chữ Hiếu và Tình người
- 05. Vài nét về thái độ giáo dục của Ðức Phật
- 06. Ðạo đức Phật giáo
- 07. Triết lý chiếc nôi
- 08. Các điểm giáo lý gặp gỡ giữa Kim Cương và Nikàya
- 09. Nét chính của tư tưởng Nguyễn Du qua truyện Kim Vân Kiều và ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo qua thi phẩm này
- 10. Sự đóng góp vào sự nghiệp dân tộc của tư tưởng Phật học thời Lý, Trần
[07]
Triết Lý Chiếc Nôi
-ooOoo-
Sau nhiều năm tháng học hỏi triết lý phương Tây, tư duy nhị nguyên và hợp lý đã để lại trong đầu óc tôi một cảm giác mệt mỏi. Khi trở về trầm ngâm với những câu ca dao và chuyện cổ Việt Nam, đầu óc tôi lại cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái. Đây là cảm nhận và là sự phản ứng có thực của khối lượng chất xám trong đầu; nói đúng hơn, đó mới chỉ là phản ứng của võ não.
Tôi gọi triết lý chiếc nôi là triết lý về những lời ru con của những bà mẹ Việt Nam, và triết lý quanh đèn là triết lý được chuyên chở trong các truyện cổ tích Việt Nam đã được ông, bà, bố, mẹ kể cho nghe quanh đèn sau một ngày lao động vất vả. Ở đó có đủ triết lý về xã hội, về dân tộc, về giá trị, về chọn lựa, về tình yêu, về luân lý và về hành động. Các triết lý ấy đã ướp vào tâm hồn trẻ Việt Nam từ thuở còn nằm nôi. Chiếc nôi của dân tộc đã đong đưa biệt bao tư tưởng về con người và cuộc đời. Vì thế lớn lên người Việt thường có khuynh hướng sống triết lý hơn là nói triết lý.
Lời mẹ ru rằng:
- Ra đi mẹ đã dặn lòng
Cam chua mua lấy, ngọt bồng chớ mua.
Đó là lời dạy về giá trị để chọn lựa; thà là cái chua của cam còn hơn là cái ngọt của bồng. Oâi! hình ảnh của lời ru đã gợi lên trong tôi biết bao là ý nghĩa: chẳng hạn, ý nghĩa về "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", chua của mình hơn là ngọt của người. Triết lý ấy được đặt vài hình ảnh cam, bồng rất thiên nhiên và rất quê hương.
Mẹ lại ru:
- Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Lời ru bàng bạc tình quê hương để lại một tình cảm sâu sắc khó nói hết ra lời, hệt như lời ru:
- Cứ chi vườn ngọc ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay.
Nhớ lại lời ru này là tôi muốn buông hết công việc, bay về quê liền để chở hết những lời ru và những hình ảnh quê hương của mình vào ngay nơi thư viện của mình ở thành phố. Một bài khảo luận thật hay liệu có hay bằng lời ru của mẹ? Tôi tự hỏi.
Mẹ dạy cho thêm tình đồng bào để lớn lên mà xử sự:
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.- Máu chảy ruột mềm....
Những lời ru này ngày nay xuất hiện trong đầu óc tôi như là một điều khoản của bản hiến chương dân tộc.
Về tình nhà, mẹ ru:
- Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.- Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.- Trời cao đất rộng
Em vọng lời nguyền
Đất trời còn đó, em giữ thuyền thủy chung.- Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Về tâm lý xã hội con người, mẹ dạy:
- Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.- Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời trọc phú mà thương dân nghèo.
Sao những lời ru này đánh thức dậy trong tôi nhiều tư tưởng lạ! Lời ru đã để lại một giá trị kinh nghiệm sự thật về tình đời, đúng là khuôn vàng thước ngọc. Tôi tưởng tượng ra nếu tôi ở vào bất cứ vị trí nào trong cuộc đời này thì lời ru trên của mẹ vẫn là khuôn vàng thước ngọc.
Mẹ còn trao thêm cho lời ru khuôn vàng thước ngọc khác của một triết lý hành động nữa:
- Ru hời ru hởi là ru
Bên cạn thời chống, bên sâu thời chèo.
Tôi nhận ra đây là triết lý sống của mình, tự điển giải rằng: sống ở đời phải bám chặt mục tiêu, nhưng phải biết tùy duyên mà sống, như chèo thuyền trên sông thế nào cho thuyền đến bến thì thôi, đừng có cố chấp là chống hay chèo, đúng như lời mẹ dạy:
Người đời hay bảo: mèo gì cũng được, hể bắt được chuột thì thôi, hẳn là cùng một ý. Nhưng hẳn là hình ảnh mẹ ru thì hiền lành, nhẹ nhàng và mát mẻ hơn hình ảnh "mèo bắt chuột" nghĩ vậy tôi hết lòng thán phục người mẹ Việt Nam của mình.
Giờ tôi chỉ còn mường tượng rằng lời ru của mẹ tôi đã dạy đủ tất cả, đã trao đủ tất cả vốn liếng cho tôi vào đời dù hoạt động ở phương trời nào. Hình như mẹ đã tính trước chuyện nghèo nếu như không có được điều kiện: "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Thì chỉ một chiếc nôi của mẹ cũng đủ sống dài cả thiên niên kỷ. Mai kia nếu tôi có trở thành một nhà giáo dục thì tôi tin rằng chiếc nôi của mẹ cũng đủ dựng lên một triết lý giáo dục hiện đại không thua kém người. Có lẽ tôi phải lục lọi cho đủ hết lời ru của người mẹ Việt Nam mới đủ làm chứng cho lòng tin của mình.
Dạy về lòng biết ơn, biết nghĩa, mẹ ru:
- Uống nước nhớ nguồn...
- Ăn trái nhớ kẻ trồng cây....
- Uống bát nước ngọt, nhớ ơn người xây giếng tròn.
Về lòng nhân, mẹ ru như truyền sang niềm tin đạo đức về một sự thật ở đời:
- Ở cho có đức có nhân...
- Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức muôn phần vinh hoa.- Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
Về đức tính nhường nhịn, khiêm tốn để xử sự với anh em làng nước:
- Ai nhất thì tôi nhì
Ai mà hơn nữa, tôi thì thứ ba.
Về tình cảm lời ru sau đây gợi lên thật nhiều thứ tình cảm trong tôi mà tôi phân vân không biết đặt tên cho nó là gì:
- Đói lòng ăn nữa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Triết lý của mẹ thật là kỳ! Nghe thì lưng mà đầy! nghe như thiếu mà đủ! sống là đi tìm người thương. Mỗi người đi tìm một người thương ở phương trời của mình. Dù là ai, dù là ở phương trời nào thì cái triết lý "ăn nữa trái sim" và "uống lưng bát nước" vẫn tuyệt! và cái hình ảnh "đi tìm người thương" vẫn chứa đầy những tư tưởng lạ!
Mà cuộc sống hầu như là một cuộc tìm kiếm. Và kỷ thuật chờ đợi, mẹ dạy là "ăn nữa trái sim" và "uống lưng bát nước". Thú thực, dù đã lớn rồi, tôi vẫn chưa hiểu hết ý mẹ trong lời ru đó. Nhưng cứ như có cái gì thu hút tôi vào, chìm vào trong lời ru ấy.
Cái hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp ở lời ru trên là hình ảnh chịu thương, chịu khó và thật là tình người.
Mẹ Việt Nam còn ru biết bao lời ru khác nữa. Mẹ hát ru cả những lời ca dao mà nếu kiết tập lại thì có lẽ ta có được một pho sách lời ru của mẹ, hay là triết lý chiếc nôi, tợ như bộ kinh thi của Trung Hoa, làm nên trái tim văn hóa dân tộc. Mẹ không hề ở chính trường, mà lời ru của mẹ đi theo vào chính trường để trao cho người con thân thương của mẹ một khuôn vàng thước ngọc nào đó. Chẳng hạn như lời ru:
- Thế gian chẳng sợ anh hùng,
Thế gian chỉ sợ người khùng người điên.
Phải chăng mẹ dạy hãy coi chừng kẻ khùng điên! Hãy nhớ tránh xa! Hãy đừng có dồ ai đến tâm lý khùng điên, hậu quả sẽ không lường được, nhất là đối với nhân dân.
Mẹ không phải là một nhà đạo học hay là một nhà hiền triết nhưng kinh nghiệm sống của mẹ thì thật là hiền triết:
- Kinh đô cũng có người rồ
Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên.
Tôi liên tưởng đến một câu nói của Lão Tử rằng: "thấy cái xấu mà không thấy cái tốt của cái xấu ấy là không thật thấy. Thấy cái tốt mà không thấy cái xấu của cái tốt ấy cũng không phải thật thấy". Tôi thấy lời ru ở đây của mẹ hiền lành mộc mạc mà chẳng kém phần triết lý, chẳng kém phần thâm trầm, đẹp ơi lời ru của mẹ!
Đề tài ru của mẹ thì có rất nhiều. Mẹ hát cả lời ca dao. Vì thế nhiều câu cao dao đủ thể loại đã thành lời ru của mẹ như là:
- Hởi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Mẹ không phải là nhà thơ, mà lời ru cũng tràn đầy thi vị. Chỉ điểm qua một ít lời ru còn sót lại trong ký ức mà tôi đã cảm thấy mình như đang có một pho sách triết quí giá rồi. Phương chi thuở nhỏ tôi ước mơ lớn lên sẽ học mãi cho đến khi thông thái để có đủ lời lẽ mà ca ngợi mẹ. Thật là hổ thẹn, giờ tôi đã lớn rồi, lớn nhiều rồi mà vẫn chưa hiểu tim và óc của mẹ, lời cũng không đủ để nói lên cho hết những lời ru của mẹ, học qua cấp đại học rồi mà vẫn chưa viết nổi một triết lý về chiếc nôi của mẹ. Tôi tự nghe buồn lạ!