- 01. Triết lý quanh đèn
- 02. Cái nhìn
- 03. Vấn đề sáng tạo trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo
- 04. Chữ Hiếu và Tình người
- 05. Vài nét về thái độ giáo dục của Ðức Phật
- 06. Ðạo đức Phật giáo
- 07. Triết lý chiếc nôi
- 08. Các điểm giáo lý gặp gỡ giữa Kim Cương và Nikàya
- 09. Nét chính của tư tưởng Nguyễn Du qua truyện Kim Vân Kiều và ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo qua thi phẩm này
- 10. Sự đóng góp vào sự nghiệp dân tộc của tư tưởng Phật học thời Lý, Trần
[03]
Vấn đề sáng tạo trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo
-ooOoo-
Một trong những vấn đề giáo dục đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà giáo dục đương thời là vấn đề sáng tạo và tinh thần sáng tạo của sinh viên đại học.
Tiểu luận ngắn này sẽ đề cập giới hạn đến một số vấn đề sáng tạo trong lãnh vực giáo dục. Để có nhiều kết quả khảo sát về sáng tạo hầu chúng ta dễ có một nhận định rõ ràng vấn đề, người viết chú ý nhiều đến phần trưng dẫn.
I.- Định nghĩa về sáng tạo qua các cuộc khảo sát giáo dục:
- Guiford (1950) đã phân biệt giữa tính cách độc đáo và tính cách sáng tạo dựa vào những cuộc khảo sát, phân tích của ông: "Độc đáo là một trong những nét chính của sáng tạo. Sáng tạo là cái gì tổng quát gồm có không những độc đáo, mà còn linh động, lưu loát, và các đặc tính khích động hay thay đổi".
- "Một sáng tác gọi là sáng tạo nếu nó là mới mẻ hay tân kỳ đối với cá nhân sáng tạo, nếu nó là sáng tạo phẩm của riêng người đó, nếu nó phong phú đối với người đó hơn là được quy định bởi người khác. Nó không cần hữu ích hay độc đáo. Sự thừa nhận có tính cách xã hội và sự gắn liền với văn hóa của nó có thể là số không, nhưng nếu nó là kinh nghiệm cá nhân độc đáo, nó là sáng tạo."
- "Để được gọi là sáng tạo, một công trình phải đem lại một cái gì tân kỳ và hữu ích cho cá nhân cũng như cho văn hóa".
Krishnamurti và Suzuki lại có những định nghĩa khác hơn.
Một trong những bài viết về vấn đề tự tri (self-awareness), J. Krishnamurti bảo: "... chỉ có thể có vấn đề sáng tạo trong vấn đề tự tri. Hầu hết chúng ta không phải sáng tạo, chúng ta là những cái máy lập lại, những cái máy hát ghi, chơi đi chơi lại vài bài hát kinh nghiệm, vài kết luận, và vài ký ức của riêng chúng ta hay của người khác".
Và:
"Người ta không nên lầm lẫn giữa khả năng và sáng tạo, khả năng không phải là sáng tạo. Phải chăng sáng tạo là một trạng thái hoàn toàn khác ? Nó là một trạng thái trong đó vắng mặt cái bản ngã của con người, trong đó trí não không còn là quy điểm của kinh nghiệm, của những tham vọng, của những dong ruổi, của những ham muốn của chúng ta. Sáng tạo không phải là trạng thái liên tục, nó ở từng lúc hiện tại, nó ở trong lúc mà cái "tôi" và cái "của tôi" vắng mặt, mà suy tư không có tập trung vào bất cứ một kinh nghiệm, tham vọng, kết quả, mục đích, động lực, đặc biệt nào".
- "Nếu chúng ta hiểu mình như mình đang là qua từng lúc mà không có một quá trình tích lũy nào, rồi chúng ta sẽ thấy bằng cách nào có sự vắng lặng không phải của tưởng tượng, cũng không phải của đào luyện, và chỉ có sáng tạo trong trạng thái vắng lặng đó."
Trong chương sách Creative Discontent, Krishnamurti viết: "Sáng tạo có gốc rễ trong sáng kiến mà nó hiện hữu chỉ khi có sự không bằng lòng sâu xa".
Suzuki trong một bài bàn về Đông và Tây(East and West)thì viết:
"Tuy nhiên, bây giờ, trong việc hiểu biết cánh hoa, tôi hiểu tôi như hiểu biết cánh hoa. Tôi gọi cái con đường vào thực tại nầy là con đường Thiền (zen), con đường đứng trước khoa học siêu khoa học, và ngay cả chống khoa học. Con đường thấy biết thực tại nầy có thể gọi là sáng tạo".
Ba định nghĩa về ba sáng tạo đầu là ba định nghĩa về ba khía cạnh khác nhau của sáng tạo, kết quả của các công trình khảo sát về sáng tạo. Mỗi định nghĩa nói lên một cái gì liên hệ đến những tính chất của một quá trình, của sản phẩm sáng tạo, hay của con người sáng tạo, mà không phải là của sáng tạo chính nó (của chính sáng tạo). Những tính chất ấy chỉ là những dấu hiệu cho biết sự có mặt của sáng tạo. Chúng ta thật dễ rơi vào mâu thuẩn hay nghịch lý trong nỗ lực định nghĩa sáng tạo. Định nghĩa có nghĩa là gán cho sáng tạo một ý nghĩa, một tính chất nào đó và xem sáng tạo như là một thực thể bất biến, trong khi sáng tạo là một dòng trôi chảy liên miên. Thật khó có một định nghĩa chân xác về sáng tạo.
Suzuki và Krishnamurti thì quả thực đã định nghĩa sáng tạo một cách sáng tạo. Như là một dòng sáng tạo đang tuôn chảy ra trong định nghĩa của họ. Hệt như thi nhân Hàn Mặc Tử đã nói về "Nàng thơ"một cách rất là sáng tạo rằng: Nàng thơ đến bất chợt như tiếng hét của một đứa trẻ thốt ra khi thình lình bị một con roi quất mạnh vào mông. Quả thực bây giờ ý thức chưa kịp can thiệp vào việc thốt ra tiếng hét !
II. Sự khởi sinh của sáng tạo:
Vấn đề ở đây là tìm hiểu, trong điều kiện có thể, tại sao có sáng tạo ? Sáng tạo bung vỡ như thế nào ? Có sự liên hệ nào giữa sáng tạo với suy tư ? Giữa sáng tạo với thông minh ? Giữa sáng tạo và con tim ?
Qua các công trình khảo sát thực nghiệm về sáng tạo của các nhà giáo dục, sáng tạo có thể được xem như là khả năng bên trong con người có thể cung cấp cho con người nhiều tư tưởng sáng tạo độc đáo và nhiều ý nghĩa. Mỗi người có lối suy tư và cảm xúc khác nhau nên nguồn sáng tạo cũng thường được phát hiện ra khác nhau. Thật khó mà nói tại sao có sáng tạo, khi mà chính ta không phải là người của sáng tạo, chính người viết không phải là người sáng tạo ! Tuy nhiên, trong một giới hạn nào đó chúng ta có thể phát biểu về "điều kiện đủ" để sáng tạo xuất hiện. Sáng tạo có mặt đòi hỏi ít nhất hai điều kiện của thực tại:
1.- Mọi hiện hữu (tâm lý và vật lý) phải là không có tính tự ngã (nó là selfless). Nếu mọi hiện hữu có tự ngã thì chúng ta sẽ mãi mãi là tự ngã ấy, sẽ không có sự phát hiện tân kỳ nào, và sẽ không bao giờ có sáng tạo. Đây cũng là niềm tin của giáo dục mở trường dạy đủ các môn học và dạy cả những người chậm trí.
2.- Sáng tạo tự thân nó là không có tính tự ngã (không có selfless). Nếu sáng tạo có ngã tính thì từ khi nó được phát hiện nó sẽ mãi mãi là thế, sẽ không có các phát hiện sáng tạo khác, bởi tự thân sáng tạo không đổi mới tì tự nó sẽ không thể thấy được khía cạnh mới mẽ, tân kỳ của các hiện hữu khác.
-Theo kết quả khảo sát của Weitheimer thì:
"Toàn bộ quá trình của sáng tạo là một quá trình liên tục như suy tư"
-Theo Arieti: "Freud đã góp phần vào thiên khảo cứu về sáng tạo, về sự xáx định lại tính quan trọng về những quá trình vô thức"
-Theo Freud: "Sáng tạo có gốc từ những mâu thuẩn phát xuất từ những động lực sinh lý nền tảng, và gồm những nỗ lực giải quyết những mâu thuẩn ấy".
Và: "Vai trò dục tính trong vấn đề sáng tạo luôn luôn nổi bật"
Như trên, mỗi nhà giáo dục khảo sát về sáng tạo có một cái nhìn khác nhau về sự sinh khởi của nguồn sáng tạo. Chúng ta không lạ gì về các cái nhìn khác nhau ấy, bởi vì nguồn sáng tạo là vô ngã tính nên nó đã hiện ra dưới đất nhiều dạng ngã tính khác nhau.
Freud thì luôn luôn nhìn mọi hoạt động của con người dưới sự chi phối của dục tính (libido). Nhưng dục tính không phải là động cơ duy nhất làm sinh khởi sáng tạo. Trước mắt chúng ta, không có một sự vật nào được sinh ra từ chỉ một nguyên nhân, thì sáng tạo cũng không thể sinh khởi vì chỉ một nhân tố dục tính. Freud đã lầm ! Freud đã nhận lầm giữa mầm nhân chính của sáng tạo và các trợ duyên của sáng tạo. Ví như tiếng ồn chỉ là trợ duyên đánh thức tôi dậy ra khỏi giấc ngủ, mà tiếng ồn không thể là chính sự thức tỉnh của tâm thức tôi. Ở đây, dục tính chỉ là một yếu tố, nhưng tiếng ồn, đánh thức nguồn sáng tạo, mà không phải là gốc của sáng tạo.
Weitheimer chỉ khảo sát sáng tạo bên ngoài hiện tượng của nó. Sáng tạo phải được nhìn sâu hơn nữa, sâu đến tận đầu nguồn của nó, đến tận bản chất của nó. Suzuki, Krishnamurti và Hàn Mặc Tử đã có những phát biểu theo hướng nhìn nầy.
Cũng có nhiều phát biểu khác, gồm cả Silvano Arieti, liên hệ sáng tạo với lòng tin khó cắt nghĩa của tôn giáo. Kinh nghiệm và lòng tin tôn giáo vào một chiều hướng mới của thực tại, khác với chiều hướng thực tại đang cảm nhận, có thể là một nhân tố khác đánh thức nguồn sáng tạo.
Hãy thử nhìn ngôn ngữ của một số tôn giáo như là ngôn ngữ biểu tượng, và phương trời cảm thức của một số nhà tôn giáo lớn là một phương trời mới mẻ của tâm lý, hay gọi là phương trời sáng tạo, chúng ta hy vọng sẽ phát hiện ra một số điểm về tông tích của sáng tạo như là một nguồn sáng vô tận của tâm lý ẩn khuất ở đằng sau ý thức.
Phật giáo là một tôn giáo trí tuệ, xem con người có điều kiện tối thắng để khai mở nguồn khả năng vô tận của tâm lý mình, giải phóng nguồn khả năng tâm lý ấy ra khỏi các nhân tố ngăn che. Sự giải phóng ấy có thể thực hiện thành công ngay tại đời nầy. Nguồn khả năng ấy Phật giáo gọi là Phật tính, hay khả năng giác ngộ và lộ trình giải phóng khả năng ấy nhà Phật gọi là đạo đế của Tứ Thánh đế hay gọi là con đường thực hành thiền định Phật giáo (nói đủ là con đường thực hiện giới, định, tuệ).Những lời dạy phổ biến và tiêu biểu của đức Phật như là:
-"Trong tâm chúng ta có một đấng giác ngộ phát ra ánh sáng có năng lực soi tỏ sáu cảm quan bên ngoài và làm trong sạch chúng" [1]
-"Ngươi hãy làm công việc của người chỉ dạy con đường".
-"Ngươi chính là nơi an trú của ngươi không có một nơi ẩn trú nào khác".
Đấy là con đường tự trách nhiệm bản thân, tự tính tự tu tự tri, tự chấp nhận, độc lập và hướng nội của Phật giáo gồm đủ các đặc tính về tâm lý của một nhà sáng tạo mà các nhà giáo dục đã khám phá.
Khi những người Pharasees đến với đức Jesus Christ (New Testament)có đoạn Thánh kinh chép:
-"Người ta đem trẻ con đến trước Ngài và để Ngài rờ chúng môn đồ bèn rầy họ, nhưng Jesus Christ thấy vậy bèn nổi giận mà phán với họ rằng, hãy để trẻ con đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước của đức chúa trời là của những ai giống như chúng nó. Thật thế, ta nói cùng các ngươi, bất cứ ai nếu không đón nhận nước chúa như đứa trẻ nhỏ, sẽ không vào được nước chúa".
Và: "Và khi những người Pharasees hỏi Jesus khi nào thì nước chúa sẽ đến, Ngài dạy, nước chúa sẽ không đến dưới sự quan sát nào. Người ta sẽ không nói được đây này hay đó kìa, bởi vì, này nước chúa ở trong ngươi".
Qua các lời lẽ trên của New Testament, thì nước chúa là biểu tượng chỉ nguồn sáng vô tận và khả năng vô tận có mặt trong mỗi người. Nguồn sáng đó và khả năng đó không có mặt trong kiến thức của cái thấy biết liên hệ giữa chủ thể và đối tượng, nên nó không thể được chỉ trỏ đây này hay đó kia. Nó phải được đón nhận dưới một cái nhìn trí tuệ có nét nhìn như một nét nhìn của một đứa trẻ, cái nhìn trong sáng không bị che khuất bởi kiến thức và dục vọng.
Trong tiếng Anh, nguồn sáng tạo được gọi là Creation, và Thượng đế thì được gọi là Creator, phải chăn có sự ám chỉ nào đó xem Creator là nguồn sáng tạo, là cội nguồn sáng tạo, mà không phải là đấng hữu ngã theo nghĩa một "nhân vật" (Personage) trong ngôn ngữ này?
Khổng Tử thì bảo:
"Đại học chi đạo tại minh minh đức..."
Con đường đại học của Khổng Tử, theo quan niệm của Khổng Tử, là làm sáng cái đức sáng vốn có trong mỗi người. Và việc làm sáng cái đức sáng ấy là con đường tự tu tập, huấn luyện bản thân, theo sách đại học: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản" (từ vua đến dân đều chỉ lấy việc tu sửa thân mình làm gốc). Việc tu tập bản thân, theo sách đại học, căn bản vẫn là "thành ý, chính tâm" vượt ra khỏi nhân dục.
Cái "minh đức" ấy đã được gợi cho chúng ta cái nguồn sáng, hay nguồn sáng tạo, bên trong mỗi người. Và, việc giải phóng nguồn sáng ấy hay gọi theo ngôn từ của Socrate là "hộ sinh trí não" phải là công phu của "thành ý, chính tâm". Đay cũng là vấn đề mà các nhà giáo dục hiện đại cần quan tâm trong việc mở hướng giáo dục sáng tạo đầu tư cho một học đường mới mẽ và tiên tiến.
Lão Tử thì nói:
-"Thị dĩ Thánh nhân, xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo" [2]
Và:
-"Thị nhơn giả trí, tự tri giả minh, thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường" [3]
Thể hiện vô vi của Thánh nhân (người rõ đạo) là đồng nghĩa với chủ trương của Lão: "Vô dục, vô kỷ" (không bị trói buộc bởi chấp có cái ta và lòng ham muốn cho cái ta). Làm tất cả mọi việc với tinh thần vô dục và vô kỷ đó. Con đường đi vào rõ đạo ấy cũng đặt căn bản ở việc: "tự tri" và tự thắng các dục vọng vị kỷ trong mình.
Phải chăng "đạo" của Lão Tử đề cập ám chỉ cùng nguồn sáng trong tâm lý mỗi người ? Và phải chăng việc làm bung vỡ nguồn sáng ấy là con đường quay trở về chính mình để thấy rõ mình bằng cái tâm "vô dục, vô kỷ" ?
Ấn giáo cũng đề cập đến nguồn sáng tạo ấy với một lời nói bóng bẩy mang nét tôn giáo của tín ngưỡng rằng:
"Hởi các đại hiền triết, hãy tìm về bên trong, và thực hiện tại chính tâm mình cơ sở vũ trụ mà Ngài kiến thiết" [4]
Phải chăng lời nói nầy cũng thấp thoáng bóng hình của nguồn khả năng vô tận của tâm lý con người mà đã được nhân loại gọi bằng những tên gọi khác nhau ?
Phải chăng kinh nghiệm sống của đời sống tôn giáo gợi ý cho các nhà giáo dục một phương cách để giải phóng nguồn sáng tạo đầu tư vào học đường ngày nay ?
III. Sáng tạo và liên hệ giữa sáng tạo với suy tư và thông minh:
Khảo sát về mối liên hệ giữa sáng tạo và thông minh, Guilford (1950) kết luận:
"Sáng tạo được định nghĩa như có liên hệ đến tính cách hữu ích của xã hội, và nó hợp lý rằng hầu hết những tư tuởng sáng tạo hữu ích đều như là có những người thông minh nhất. Thông minh cao độ không bảo đảm có sáng tạo, nhưng kém thông minh hẳn là chống trái với sáng tạo".
Theo kết quả khảo sát 7.648 em nam và nữ học sinh ở tuổi 15 của "Project Talext" (Hoa Kỳ) thì:
"Một loại sáng tạo có liên hệ nhiều với thông minh, nhưng có vài loại sáng tạo độc lập với thông minh"
Theo kết quả khảo sát các học sinh trung học ở cấp độ giỏi hơn của Holland (1961), người ta đánh giá rằng thông minh có rất ít liên hệ, hay không có liên hệ, với những kết quả sáng tạo thuộc lãnh vực nghệ thuật và khoa học, kết quả ghi nhận như sau:
Chỉ số thông minh (IQ) trung bình của nhóm thông minh là 150, trong khi chỉ số thông minh (IQ) trung bình của nhóm sáng tạo là 127"
Chúng ta có thể thấy rằng, các văn, thi sĩ sáng tạo (không phải mọi văn, thi sĩ đều có sáng tạo) thường có trí tưởng tượng phong phú, linh hoạt, óc quán sát và tri giác nhạy bén, họ thường làm việc nặng nề về cảm quan hơn là óc phân tích của trí não, nên sáng tạo của họ có thể có liên hệ hay độc lập với óc thông minh. Còn sáng tạo khoa học thì không bung vỡ giữa một quá trình quan sát, phân tích và tư duy của tri giác.
Chẳng hạn như trường hợp Archimede trực nhận sức đẩy của nước, Newton trực nhận sức hút của quả đất qua hình ảnh kích động của quả táo rơi...
Một số nhà khoa học bảo rằng các sáng tạo thuộc lãnh vực khoa học, điển hình như trường hợp của Newton và Archimede, là loại "quy nạp qua trực giác", "quy nạp qua trí tưởng tượng" hay "quy nạp qua ức đoán".
Chúng ta có thể đưa ra nhận xét rằng: "đó là cái thấy sự vật, hay nguyên lý của sự vật, qua sáng tạo (tâm sáng tạo). Tâm sáng tạo nầy bung vỡ sau một quá trình làm việc của ý thức (tư duy).
Người ta có thể đặt thành nghi vấn rằng: tại sao những người khác, kể cả Archimede trước khi có sáng tạo, đã bao lần dầm mình trong nước mà không trực nhận ra sức đẩy của nước ? cũng thế, tại sao những người khác, gồm Newton trước lần phát hiện, bao nhiêu lần trước đó thấy táo rơi lại không phát hiện ra có sức hút của trái đất ?
Chúng ta có thể, từ kinh nghiệm bản thân trong những lần bắt gặp một số hình ảnh nằm sâu trong tiềm thức, hình dung ra rằng: có một vài chiếc lá vàng chìm dưới lòng một lu nước. Sau một hồi với cánh tay ngắn của mình quấy tròn trong lu nước tạo nên sức xoáy để làm vờn mấy chiếc lá lên mặt nước, nhưng vô hiệu. Đến lúc thấm mỏi ta ngưng tay quấy nước và ngồi nghỉ. Bấy giờ giữa sự yên lặng nghĩ ngơi của mình, chiếc lá vàng vờn lên mặt nước của lu.
Dù là tay không còn quấy nước, nhưng đã tạo ra một sức quay vòng xoáy sâu vào đáy lu, sức quấy ấy tiếp tục hoạt động giữa lúc ta nghĩ ngơi, và kéo chiếc lá vàng lên mặt nước của lu. Cũng thế, con người sau nhiều ngày tháng tư duy, năng lực tư duy ấy quấy sâu vào tiềm thức và có thể khơi ra ngoài bề mặt ý thức một số các chiếc lá vàng của sáng tạo. Thế có nghĩa là, bằng một nhân duyên nào trước đó, sáng tạo có liên hệ với hoạt động của ý thức, hay tư duy. Sáng tạo cần được sửa soạn bởi một quá trình tư duy được huấn luyện như là các khả năng chuyên môn. Ngay cả khi nguồn sáng tạo bung trào thì người sáng tạo cũng cần có khả năng ghi nhận nó phiên dịch nó và phát huy nó.
IV. Về những người sáng tạo:
1) Về trẻ em sáng tạo:
Theo kết quả khảo sát của các trẻ em sáng tạo của Torranu (1962) thì có các dấu hiệu ghi nhận được như sau:
"Các thầy giáo và các đồng nghiệp đều đồng ý rằng các trẻ em có óc sáng tạo cao, đặc biệt các bé trai, thường có những ý tưởng táo bạo và điên rồ. Việc làm của các trẻ ấy được phân biệt bởi các sản phẩm của ý tưởng "sống ngoài khuôn khổ".
2) Thiếu niên sáng tạo:
"Chúng nhấn mạnh ý nghĩa hài hước, khả tính tự diễn đạt, độc lập, chúng có khuynh hướng nổi loạn và phiêu lưu".
3) Người lớn sáng tạo:
a/ Các nhà khoa học: Theo Gough (1961), "Họ thường được ghi nhận ở cấp độ thông minh cao, nhạy cảm, có khả năng tư duy độc lập, dấn thân hướng nội, tự tín, ý tưởng phong phú, và sống hơi bất thường"
b/ Văn, Thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch gia: "Những người này nổi tiếng về óc tưởng tượng và tri giác thẩm mỹ, nỗ lực hướng về lạc thú tư tưởng đặc biệt, ký ức mãnh liệt, và quan sát nhạy bén".
Theo Cox (1932), trong công cuộc khảo sát 200 người được ghi nhận là thần đồng thì cho biết:
"Những giá trị đạo đức cá nhân được ghi nhận cũng tốt đẹp như những giá trị của họ".
Me-kinon thì bảo: "Những cá nhân sáng tạo thì ít chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt hay những khía cạnh thực tiễn, cụ thể, nhưng lưu tâm nhiều hơn đến những ý nghĩ, những lời nói bóng bẩy những biểu tượng đáng giá của những sự vật và tư tưởng".
Chúng ta hẳn tại đây đã thấy hình như có một sự liên hệ khá mật thiết giữa con người sáng tạo và tính tình biểu hiện ngay thẳng tự nhiên của họ: họ tốt bụng, có cái gì đáng mến dù hơi thất thường, họ thường gặp một số bất hạnh gây ra bởi thái độ sống và tư duy của họ đầy cá tính và độc đáo, và có khi bất mãn có tính cách sáng tạo nữa.
Ở trường học, thầy cô giáo thường ưa thích các học sinh thông minh và dễ bảo, giữ kỷ luật hơn là các cá nhân sáng tạo.
Ngoài xã hội họ thường bị ngộ nhận, và có khi bị cư xử bạc, bởi tánh nết đặc biệt, sáng tạo và có khi khá ngông nữa. Họ dễ rơi vào tình cảm cô đơn, lẽ loi vì thiếu sự chia xẻ cách tư duy của họ. Tình cảm này có thể cản trở cho việc khai triển khả năng sáng tạo của họ.
V. Giáo dục và việc phát triển óc sáng tạo:
Vấn đề quan tâm nhất của các nhà giáo dục dân tộc và nhân bản là làm thế nào để phát hiện sớm các khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khả năng ấy ?
Theo Rogers, nhà giáo dục lớn của Hoa kỳ trong ba thập niên trước đây (từ 1959) thì có hai điều kiện thích ứng cho những hoạt động sáng tạo là: "sự an toàn tâm lý", và "sự tư do tâm lý". Rogers xem sự tự do tâm lý chỉ là hậu quả của sự an toàn tâm lý và xếp các đặt tính của một người cảm thấy an toàn tâm lý như sau:
1). Họ có thể chấp nhận tự thân như tự thân họ đang là, mà không bị chế nhạo hay chê cười.
2). Ít nhất họ có thể nói lên một cách biểu tượng những xúc động và những tư duy của họ mà không bị buột phải đè nén, bóp méo hay che dấu chúng.
3). Họ có thể nắm giữ các tri giác, khái niệm và lời lẽ của họ mà không cảm thấy tội lỗi.
4). Họ xem những gì không được biết đến, hay bí mật, như là một thử thách nghiêm trọng cần khám phá, hoặc như một trò chơi cần phải chơi.
Theo đó, các tập quán biểu quyết các ý kiến theo nguyên tắc đa số của một số tập thể thường dễ gây cho họ một cảm giác bối rối. Họ thì thường muốn bẻ gãy cái lề thói tư duy cũ, giữa khi đa số của tập thể thì có khuynh hướng bảo thủ. Đây là một sự thật xã hội hầu như khó tránh, và vì vậy ý kiến bảo thủ của đa số trong tập thể thường là nhân tố vẽ nên "phận bạc" của người "tài hoa".
Chỉ còn trông chờ vào học đường của nền giáo dục tiên tiến và quý trọng sáng tạo sớm có các kỷ thuật chuyên môn phát hiện các khả năng sáng tạo, mà hầu như ở đâu và ở thời đại nào, lứa tuổi nào cũng có mặt, và tạo môi trường riêng cho các khả năng ấy phát triển thích hợp. Đặc biệt phải có chủ trương giáo dục đề cao sáng tạo.
Gia đình cũng có ảnh hưởng và trách nhiệm đối với việc giáo dục cá nhân sáng tạo.
John Curtis Gowan, trong cuốn Educating the Ablest đã đề nghị 25 điều mà các bậc cha mẹ của các trẻ em có dấu hiệu sáng tạo cần quan tâm trong việc giáo dục trẻ. Đại để có 5 nét tổng quát cần được thực hiện:
- Giúp trẻ nuôi dưỡng các tình cảm tốt đẹp.
- Giúp trẻ phát triển tư duy độc lập.
- Giúp trẻ phát triển thính giác và thị giác (như chơi họa và âm nhạc)
- Giúp trẻ biết các vấn đề của người lớn như vấn đề chết, bệnh, tài chánh, chiến tranh, vấn đề phái tính...
- Tỏ thái độ kính trọng trẻ và thường khích lệ trẻ.
Người viết thiết nghĩ học đường nên nghiên cứu đến cản lãnh vực giáo dục từ bào thai, mà không phải chỉ "dạy con từ thuở còn thơ", tình cảm và thức ăn của bà mẹ sẽ có những ảnh hưởng nào đến vấn đề phát triển trí tuệ và tình cảm về sau. Ở mặt này, các nhà giáo dục cần đến kết quả khảo sát của các chuyên viên y học.
Một cách thật tổng quát, một đường hướng giáo dục quan tâm nhiều đến tinh thần giáo dục sáng tạo là một đường hướng giáo dục tốt, nhân bản. Nhấn mạnh tinh thần sáng tạo là nhấn mạnh tinh thần tự tri, tự trách nhiệm, tự chủ, tự tính, tự hướng dẫn tinh thần độc lập..., những tinh thần giáo dục con người trở về chính mình. Đó là một trong hai mục tiêu giáo dục muôn thuở của học đường:
- Giáo dục con người xã hội, đáp ứng các mục tiêu tức thời và lâu dài của xã hội.
- Giáo dục con người chính nó.
Một đường hướng giáo dục như vậy gọi là đường hướng đề cao sáng tạo, biết vận dụng tất cả túi khôn của nhân loại trong đó con đường sống, huấn luyện tâm lý và tình thương của tôn giáo là một, và giáo dục gia đình là một vận dụng khác nữa kết thành một khối không rời nhau./.
(1974)
Ghi chú:
[1] Hamphreys, Christmas. The Wisdom of Buddhism. New York: Harper Colophon Books, 1970, p. 37
[2] & [3] Đạo đức kinh, cuốn I, bản dịch Nguyễn Duy Cần, Khai trí, 1968, tr 28 và 174
[4] Lịch sử Triết học Đông phương, tập III, Nguyễn Đăng Thục.