- 1. Tiểu sử Đức Phật Thích Ca
- 2. Đời là bể khổ
- 3. Xuất gia tìm đạo
- 4. Thành đạo
- 5. Hóa độ chúng sinh
- 6. An Cư Kiết Hạ và Tịnh Xá
- 7. Pháp Nạn
- 8. Tam tạng kinh
- 9. Đức Phật nhập diệt
- 10. Lời Tán Thán Đức Phật
- 11. Phổ Hiền Bồ Tát
- 12. Văn Thù Sư Lợi Bổ Tát
- 13. Nghiệp và Nghiệp Quả
- 14. Luân Hồi
- 15. Sự Thờ Cúng và Lễ Bái
- 16. Nhân Quả
- 17. Giới thiệu Kinh Pháp Hoa
- 18. Nhẫn nhục
- 19. Từ Bi Hỷ Xả
- 20. Bố Thí Ba-la-mật
- 21. Ý Nghĩa Chữ Vạn Trong Phật Giáo
- 22. Trì Giới Ba-La-Mật
- 23. 32 Tướng Tốt Của Đức Phật
- 24. Quy y Tam Bảo
- 25. Sự Tích Kinh Lăng Nghiêm
- 26. Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức
- 27. Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm
- 28. Vô Thường – Vô Ngã
- 29. Con Người Từ Đâu Đến
- 30. Kinh Kim Cang Bát Nhã
- 31. Tứ Diệu đế
- 32. Khổ đế
- 33. Tập đế
- 34. Diệt đế
- 35. Niết bàn
- 36. Đạo đế
- 37. Tứ niệm xứ
- 38. Tứ chánh cần
- 39. Ngũ căn – Ngũ lực
- 40. Thất Bồ-đề
- 41. Bát chánh đạo
- 42. Bồ-tát Di Lặc
- 43. Tổ Bồ Đề Đạt Ma
- 44. Thiền
- 45. Đức Phật A Di Đà
- 46. Đại Thế Chí Bồ Tát
- 47. Quán Thế Âm Bồ Tát
- 48. Pháp tu Tịnh độ
- 49. Ăn chay
- 50. Quan Thánh
- 51. Nho Giáo
- 52. Đạo giáo
Lê Sỹ Minh Tùng
Trong suốt cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, Ngài lúc nào cũng nuôi một hoài bảo là làm thế nào để cứu chúng sinh ra khỏi cuộc đời đau khổ. Với tâm niệm này, Ngài đã hy sinh 11 năm của cuộc đời son trẻ để tìm mọi phương cách tu học ngõ hầu có thể đạt đến cứu cánh nầy. Mặc dù mang một ý chí sắt đá, cũng như trải qua không biết bao nhiêu là gian khổ, cuối cùng Ngài đã đạt thành chánh quả và trở thành Phật Thích Ca Mâu-ni. Trong giờ phút lịch sử của đêm mùng 8 tháng chạp đó, Ngài đã liên tiếp chứng được Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, và Lậu tận minh. Chính Lậu tận minh này đã giúp Ngài thấu hiểu nguồn gốc của tất cả những sự khổ đau và phương pháp diệt trừ những đau khổ này đề tìm ra chân hạnh phúc. Mặc dù giáo lý của Ngài thì cao siêu, thâm diệu, còn căn cơ của phần lớn chúng sinh thì thấp kém không thể nào lãnh hội những giáo lý đó dễ dàng được. Nhưng không vì thế mà Ngài không làm tròn trách nhiệm cao cả là hóa độ chúng sanh để dìu dắt họ ra khỏi bể khổ trầm luân và cuối cùng nắm tay đưa họ lên bờ giác ngộ.
Việc đầu tiên sau khi đắc đạo là Ngài tìm đến hai vị thiền sư đã dạy Ngài thủa trước với thiện tâm là đem chân lý mà Ngài vừa mới đạt để truyền cho họ, nhưng tiếc thay họ đã quy thiên. Không nản chí, Ngài liền tìm đến vườn Lộc Uyển (Deer Park) để thuyết pháp cho 5 người bạn đồng tu ngày nọ. Nhóm ông Kiều Trần Như sau khi nghe Ngài thuyết giảng về Tứ Diệu Đế thì tất cả đều khai ngộ và tất cả đều chứng được quả vị A-la-hán và đây chính là 5 vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Tứ Diệu Đế kể từ đó được xem là giáo lý căn bản của Phật giáo dùng để giác ngộ không biết bao nhiêu chúng sinh cho tới ngày nay.
Nếu chúng ta muốn có một kết quả chắc chắn, thì Tứ Diệu Đế là cứu cánh của chúng ta. Pháp môn này, tuy tiến chậm, nhưng khi đạt được bước nào là chắc chắn bước nấy. Nó được xem là nền tảng căn bản trong giáo lý của Đức Phật, bởi vì nếu không thông hiểu nó thì khó lòng mà đạt được những bước cao hơn. Vì tính chất căn bản đó, Tứ Diệu Đế chỉ có thể đưa con người đến quả vị A-la-hán là tối đa. Nhưng một khi đã vượt ra khỏi Lục đạo Luân hồi, cộng thêm với sự tinh tấn và quyết tâm tu hành thêm những pháp môn khác, thì cõi Bồ-tát cũng như cõi Phật cũng không còn xa mấy.
Vậy thế nào là Tứ Diệu Đế?
Tứ là bốn, Diệu là đẹp, là toàn hảo, Đế là sự thật chắc chắn và rõ ràng đứng đắn nhất. Vậy Tứ Diệu Đế là bốn sự thật chắc chắn và toàn hảo nhất. Đức Phật đã cẩn thận chia chân lý nầy ra làn bốn đoạn: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Nhưng tại sao lại phải phân chia ra như vậy? Ngài có dụng ý gì trong vấn đề dạy dổ chúng sinh?
1) Khổ đế (Dukkha) (Suffering): Trong cuộc sống của chúng ta, không một ai là không biết khổ. Đói cũng khổ, no cũng khổ, trẻ thì khổ theo trẻ, còn già thì khổ theo già. Độc thân có cái khổ của những kẻ cô đơn, còn người lập gia đình thì có cái khổ của kẻ thành gia thất. Sinh khổ, tử khổ, bịnh khổ, lão khổ, và cuối cùng đến chết cũng chưa hết khổ. Bởi thế, nếu mà kể hết những nỗi khổ trên thế gian nầy, thì biết chừng nào mà nói cho xong. Do đó, Đức Phật đã gọi thế gian là biển khổ và chúng sinh thì đang lặn hụp trong biển trầm luân này.
2) Tập đế ( Sameda dukkha) ( Arising of Suffering): Sau khi cho chúng sinh biết đời là biển khổ, thì bước kế tiếp mà Đức Phật muốn cho chúng ta thấu hiểu là nguyên nhân nào đã tạo ra những nỗi khổ ở trên. Bất cứ nỗi khổ nào trên thế gian cũng có nguyên nhân phát sinh ra nó và tìm ra những nguyên nhân đó là toàn bộ nội dung của phần Tập đế này.
3) Diệt đế (Nirodha Dukkha) (Cessation of Suffering): Đã biết đời là khổ và chúng ta cũng đã biết lý do mang đến sự đau khổ này thì bây giờ Đức Phật lại chỉ chúng ta làm thế nào để tận diệt những nỗi khổ này đi. Cuộc đời của chúng ta cũng chẳng khác nào như đồng tiền hai mặt, một bên thì chúng ta phải đối diện với đau khổ, những đen tối của cuộc đời, còn mặt kia thì huy hoàng sáng lạng bởi vì một khi đã tận diệt được những khổ đau rồi thì trong chúng ta Niết Bàn sẽ từ từ hiện ra. Đây chính là chân hạnh phúc ở thế gian nầy vậy.
4) Đạo đế (Nirodha Gamadukkha) (The Noble Path): Muốn đạt được chân hạnh phúc này, chúng ta phải theo một số phương pháp để diệt trừ mọi đau khổ. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của Tứ Diệu Đế bởi vì chúng ta một khi đã chán ngán những cảnh khổ đau trên trần thế nầy và đã hiểu rõ nguồn căn của sự khổ đau thì chúng ta tha thiết mong sao được giải thoát khỏi cảnh khổ để đạt đến một cảnh an vui tốt đẹp nhất. Nhưng nếu chúng ta không có phương pháp hiệu nghiệm để thực hiện ý muốn này thì những hiểu biết và mong muốn kia sẽ trở thành vô nghĩa và dĩ nhiên là chúng ta sẽ khổ đau thêm.
Trong phần Đạo đế, ngoài Ngũ Căn, Ngũ Lực, còn có Thất Bồ-đề và sau cùng là Bát Chánh Đạo có thể giúp chúng ta đạt đến mục tiêu tối hậu là chứng được Niết Bàn cũng như đạt đến quả vị A-la-hán. Chính quả vị A-la-hán này sẽ bảo đảm chúng sinh thoát ra khỏi lục đao luân hồi và từ đấy con người sẽ không còn lo lắng về sự sinh tử nữa. Cứu cánh của người tu Phật là phải hiểu nguồn căn gốc rễ của các chân lý nầy. Tại vì sao? Khi chúng ta muốn tu Phật, trước nhất là chúng ta muốn tạo cuộc sống hiện tiền thêm phần ý nghĩa. Chữ ý nghĩa ở đây là không phải là thêm giàu thêm của mà là phải noi theo đạo pháp để biến cuộc sống này thành an vui, tự tại. Biết dùng trí tuệ để khắc chế tham, sân, si và cuối cùng dùng lòng từ bi để mang hạnh phúc cho mọi người tức là tự đem hạnh phúc cho chính mình vậy.
Sau cùng, Đức Phật chứng minh cho chúng ta là Ngài đã làm tròn nhiệm vụ của kẻ dẫn đường để đưa chúng ta đi từ cõi đời đau khổ đến một cảnh giới an vui tự tại. Vâng, chính Ngài đã đặt vào tay của chúng ta một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng về cuộc hành trình và những phương tiện cần thiết để chúng ta có thể đạt được mục đích này.
Trên đây là phần khái lược của Tứ Diệu Đế để giúp chúng sinh có một ý niệm tổng quát về những điều mà Đức Phật muốn dạy cho chúng ta.