- 1. Thời gian là vốn quý
- 2. Giá trị của nụ cười
- 3. Cơm no, áo ấm, không khí trong lành...
- 4. Cuộc sống chính là hiện tại
- 5. Suy nghĩ những gì có lợi...
- 6. Chọn lọc môi trường sống
- 7. Ngồi thiền
- 8. Nhìn sâu vào mỗi sự vật...
- 9. Bước đi không cần nơi đến...
- 10. Nhịp điệu của cơ thể
- 11. Nét đẹp trong cuộc sống
- 12. Có nên mong đợi một ngày mai?
- 13. Những sợi dây vô hình
- 14. Những nguồn năng lượng tinh thần
- 15. Không còn sợ hãi...
- 16. Hạnh phúc trong sự hòa hợp
- 17. Nuôi dưỡng tâm hồn
- 18. Tình cảm chân thật và sự hiểu biết
- 19. Một là tất cả
- 20. Nghệ thuật phản đối
- 21. Đối diện khổ đau
- 22. Thiên đàng và địa ngục
- 23. Gia đình hạnh phúc
- 24. Yêu thương và sở hữu
- 25. Người giàu cũng khổ...
- 26. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
- 27. Sống đơn giản
- 28. Lời nói và việc làm
- 29. Hạnh phúc là điều có thật
HẠNH PHÚC LÀ ĐIỀU CÓ THẬT
Tác giả: Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)
NXB: Văn hóa Thông tin
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 144 trang
Tác giả: Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)
NXB: Văn hóa Thông tin
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 144 trang
Ngồi thiền
Ở các nước phương Tây ngày nay, người ta đã khuyến khích việc ngồi thiền như một biện pháp hữu hiệu để đối trị đời sống căng thẳng. Chúng ta ở phương Đông, là cái nôi phát sinh của phương pháp này, nhưng lại rất ít người biết vận dụng nó trong cuộc sống hàng ngày. Nói đến ngồi thiền, người ta thường nghĩ đến các thiền sư trong hang cùng núi thẳm với những công án hóc búa không sao hiểu nổi. Người ta không biết rằng ngồi thiền cũng là một phương thức giản đơn có thể được vận dụng rất tốt ngay trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người.Các thiền sư tu tập thiền định để đạt đến sự chứng ngộ, giải thoát. Những điều đó thường là khá cao siêu đối với nhiều người trong chúng ta, những kẻ còn quay cuồng trong đời sống bon chen thế tục. Nhưng chúng ta có thể tìm đến phương pháp ngồi thiền với những mục đích đơn sơ mà ta có thể đạt được ngay trong một thời gian khá ngắn.
Thường thì chúng ta mãi loay hoay, hối hả trong cuộc sống bận rộn đến mức rất hiếm khi được ngồi yên. Chỉ một việc dành ra năm ba phút để ngồi yên, bạn đã có thể tạo được cho mình một niềm vui đơn giản. Và việc ngồi thiền cũng không phải điều gì phức tạp ghê gớm lắm, mà khởi sự của nó cũng chính là việc học biết cách ngồi yên.
Bất kể là cuộc sống đang bận rộn đến đâu và có bao nhiêu trách nhiệm mà bạn đang nhận lãnh, chắc hẳn là bạn cũng phải có được ít nhất năm ba phút mỗi ngày để dừng lại hết thảy mọi việc và ngồi yên. Nếu bạn làm được, bạn sẽ cảm nhận ngay một số lợi ích tức thì, mà có thể tạo ra rất nhiều thay đổi tốt đẹp cho kinh nghiệm bản thân của bạn. Việc ngồi yên cho bạn một khoảng dừng trong thời biểu căng thẳng, tạo một cơ hội để thư giãn và hồi phục lại tâm trí, thể lực. Việc ngồi yên cho bạn một dịp để thanh lọc đầu óc và phản tỉnh, một điều kiện để cảm hứng có thể được gợi lên.
Thường thì một trong những phản ứng phụ của việc loay hoay quá nhiều là chúng ta nuôi dưỡng thói quen quá khích của mình, và vì thế để cho mọi việc dễ gây ra sự bực dọc. Khi ngồi yên, chúng ta có một cơ hội để chặn đứng đà phát triển của bất cứ khuynh hướng tiêu cực nào đã tích lũy trong suốt một ngày hoạt động sôi nổi; một cơ hội để củng cố và khởi sự tiếp tục mọi việc. Khi bạn ngồi yên và tâm trí lắng đọng, thường sẽ là lúc mà giải pháp cho một vấn đề nào đó chợt đến với bạn, hoàn toàn bất ngờ. Do một nguyên nhân nào đó, việc ngồi yên và lắng đọng tâm trí có một hiệu quả êm ả tác động lên hệ thần kinh, tạo ra khuynh hướng mang lại sự khôn ngoan và sáng suốt.
Chỉ cần bạn chọn một nơi yên tĩnh thích hợp trong nhà, có thể là một góc nhỏ, có thể là một căn phòng, tùy theo điều kiện trong ngôi nhà bạn. Dẹp bỏ tất cả mọi lo toan, suy nghĩ, ngồi xuống và khởi sự việc thực tập của mình.
Ban đầu, bạn có thể ngồi theo bất cứ cách nào bạn thấy là thoải mái nhất. Ngồi trên ghế tựa buông thõng chân, ngồi xếp hai chân bắt tréo nhau hoặc chân trên chân dưới... Ngồi cách nào cũng được, nhưng cần phải giữ lưng thẳng đứng và vững chải, không tựa lưng ra sau hoặc để lưng cong xuống. Hai tay đặt trên đùi hoặc trước bụng, lòng bàn tay ngửa lên.
Ngồi yên như thế rồi, bạn bắt đầu chú ý vào hơi thở của mình. Thở ra, thở vào đều để tâm nhận biết, không để tâm ý buông lung suy nghĩ theo bất cứ điều gì. Trong những lần đầu tiên, bạn sẽ thường xuyên bị lôi cuốn vào những suy tưởng này khác... Nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần nhận biết ra và lại quay về chú tâm vào hơi thở. Lâu ngày thuần thục, bạn sẽ có thể giữ tâm chú ý vào hơi thở trong suốt thời gian ngồi thiền mà không còn bị các suy tưởng vọng động lôi cuốn đi nhiều nữa.
Mục đích của việc ngồi thiền hàng ngày không nhắm đến một kết quả sâu xa huyền bí nào, mà là một phương thức thiết thực để giúp bạn dừng lại dòng suy nghĩ rất thường là quá tải sau một ngày làm việc. Khi bạn đã quen thuộc với những giây phút định tâm yên lắng này, tự bản thân bạn sẽ cảm nhận được những ích lợi sâu xa của nó.
Thiền cũng có thể được vận dụng vào môi trường sống hàng ngày để giúp chúng ta tỉnh thức hơn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào có thời gian, bạn có thể dừng lại đôi ba phút và chú tâm vào hơi thở, nhận thức rõ sự tồn tại của mình và mọi việc diễn ra chung quanh. Nếp sống tỉnh thức như thế chính là thiền, và bạn có thể thực tập nó bất cứ khi nào có thể.
Gửi ý kiến của bạn