- Lời Dịch Giả/ Dẫn Nhập của Tác Giả
- Chương I: Duyên Kỳ Ngộ
- Chương II: Hiện Hữu Hay Không Hiện Hữu
- Chương III: Đi Tìm Một Người
- Chương IV: Vũ Trụ Trong Một Hạt Cát
- Chương V: Như Một Tia Chớp Trong Đám Mây Mùa Hạ - Sự Vô Thường Giữa Lòng Thực Tại
- Chương VI: Vấn Đề Thời Gian
- Chương VII: Nhị Nguyên (Tâm và Vật)
- Chương VIII: Về Rô Bốt
- Chương IX: Lý Trí Và Thiền Định
- Chương X: Vẻ Đẹp Trong Khoa Học Và Trong Phật Giáo
- Chương XI: Từ Thiền Định Đến Hành Động
- Kết Luận Của Nhà Khoa Học
- Kết Luận Của Nhà Sư
TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
LỜI DỊCH GIẢ
Quyển sách này chúng tôi biên dịch theo cuốn “L’infini dans la paume de la main”, còn có tựa là “Le moine et l’Astro physician” của hai tác giả Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận.
Matthieu Ricard thì chúng ta đã biết qua quyển “Đạo sư và Triết gia” còn Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn người Việt rất được ngưỡng mộ hiện nay trên thế giới. Giáo sư Thuận hiện là giáo sư diễn giảng ở Đại học Virginia Mỹ.
Quyển sách đề cập đến nhiều vấn đề mà Phật Giáo hằng quan tâm: sự hình thành của vũ trụ, hiện hữu hay không hiện hữu, nguồn gốc của Tâm, tánh không của các Pháp, tái sinh và luân hồi v.v...
Quan điểm của Phật Giáo và Khoa học có nhiều điểm tương đồng và cũng rất nhiều điểm dị biệt. Muốn dung hợp những quan điểm có phần siêu hình của Phật Giáo với quan điểm thực nghiệm của Khoa học là một việc không dễ dàng gì. Do đó, cuốn sách khó đọc, khó hiểu, khó dịch cho sát nghĩa và như đã trình bày trong quyển “Đạo sư và Triết gia”, với vốn học Phật cũng như vốn ngoại ngữ còn rất hạn chế, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn trong khi biên dịch. Chúng tôi đã tự động lược bỏ những chương, những đoạn mà chúng tôi thấy khó nắm bắt, cũng như không phù hợp với một cái nhìn chung về những vấn đề đã nêu.
Do đó, chắc chắn quyển sách sẽ có nhiều sai sót và lỗi phiên dịch, vì vậy một lần nữa kính nhờ các bậc tôn túc trong và ngoài Đạo vui lòng chỉ giáo và bổ chính.
Bác sĩ Hồ Hữu Hưng
Cẩn bút
Vũ Trụ Trong Lòng Bàn Tay
Dẫn nhập của M.Ricard
Ta phải sống như thế nào? Sống thế nào cùng với xã hội? Ta phải biết điều gì? Đó là ba câu hỏi làm bận lòng nhân loại qua các thời đại. Thật là lý tưởng nếu cuộc đời chúng ta đưa đến một sự hoàn mãn từng phút từng giây cho đến ngày chúng ta lìa bỏ cõi đời này.
Sống cùng với xã hội là cần phải đi đến việc cùng chung có một tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Còn kiến thức thì giúp chúng ta khám phá thiên nhiên đồng thời với nội tâm của chúng ta.
Những câu hỏi trên cũng nằm ở trung tâm điểm của khoa học, triết học, nghệ thuật, hoạt động xã hội và tâm linh, chưa kể các lĩnh vực trên như đã xảy ra trong hiện tình xã hội ngày nay, làm thu hẹp tầm nhìn của chúng ta về cuộc sống. Nếu chúng ta không có sự minh triết và lòng vị tha, khoa học và chính trị sẽ là những con dao hai lưỡi, đạo lý sẽ bị bỏ quên, nghệ thuật trở nên nhảm nhí và tâm linh thì hão huyền.
Từ thế kỷ 17, thời điểm của cách mạng khoa học, cho đến ngày nay, một số người ngày càng nhiều đã xem khoa học đồng nghĩa với sự hiểu biết. Sự thu nhập thông tin được nuôi dưỡng bởi khoa học càng ngày càng bành trướng và chưa có dấu hiệu chậm lại. Song song, tôn giáo càng ngày càng suy tàn trong các xã hội dân chủ và ngoại đạo, cũng như bị quy định trong các xã hội khác. Cốt lõi của tôn giáo là tình yêu và lòng bi mẫn đã từng chịu nhiều thử thách trong lịch sử nhân loại. Những truyền thống tâm linh, giáo điều hay thực nghiệm, ngoài cái khía cạnh siêu hình, thường đem đến những lời khuyên đạo lý, sáng suốt nhưng đôi khi cũng có tính ràng buộc. Ngày nay, những lời khuyên ấy cũng mất dần giá trị, con người không còn tư tưởng hay hành động theo lời dạy của các tôn giáo dù rằng họ là tín đồ của các tôn giáo đó. Con người tin tưởng hơn vào khoa học và kỹ thuật mà họ nghĩ rằng nó giúp họ giải quyết mọi vấn đề của tương lai. Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng cao vọng của khoa học là biết hết mọi thứ là điều rất viễn vông. Căn bản của khoa học bị giới hạn bởi lĩnh vực của tự nó đặt ra. Và nếu kỹ thuật đem đến những lợi ích to lớn, thì nó cũng đồng thời gây ra những thiệt hại không nhỏ. Hơn nữa khoa học không chỉ dẫn gì được cho cách phải sống như thế nào. Trên thực tế, khoa học không tốt cũng không xấu. Đưa nó đến tận mây xanh hay kéo nó xuống đất đen cũng không có nghĩa hơn việc tôn vinh hay chỉ trích sức mạnh. Một cánh tay đồng thời có thể giết người hay cứu người. Những nhà khoa học không tốt cũng không xấu hơn những người bình thường khi chạm trán đến những vấn đề đạo lý do những phát minh của họ gây ra.
Khoa học không đem đến sự minh triết. Nó có thể tác động lên thế gian, nhưng chỉ những đức hạnh con người mới hướng dẫn được cuộc sống của họ. Những đức hạnh chỉ có thể nảy sinh được từ một khoa học tâm linh, mà tâm linh không phải là một món đồ xa xỉ, nhưng là thật sự cần thiết. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học theo sự gợi ý của đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhân vật Phật giáo khác. Từ năm 1987 theo đề xướng của một nhà doanh nghiệp Adam Enfle và bác sĩ chuyên khoa thần kinh sinh vật Francisco Varela nhiều cuộc hội thoại đã được thường xuyên tổ chức giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhà bác học nổi tiếng (bác sĩ chuyên khoa thần kinh, sinh vật học, tâm lý học, vật lý và triết học). Một người trong nhóm đã nói: “Một trong những đặc tính lạ lùng của những cuộc hội thoại này là thái độ cởi mở nhưng hết sức nghiêm túc giữa những nhà khoa học và các Phật tử, tất cả đều mong ước mở rộng tâm linh bằng cách học hỏi các phương pháp và quan điểm của nhau. Từ những cuộc gặp gỡ được đặt tên là “Tâm và cuộc sống”, nhiều quyển sách đã được viết. Vài quyển được dịch ra tiếng Pháp như: “Những cây cầu nhỏ” (Passerelles), “Khi tâm đối thoại thân”, “Ngủ, Mơ và Chết” cũng như những bài viết của Allan Wallace “Khoa học và Phật giáo”
Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc giải thích bản thể của tâm bằng thiền định. Trải qua nhiều thế kỷ các Phật tử đã tìm ra cách tiếp cận thật nghiêm chỉnh việc tìm hiểu các trạng thái tinh thần và bản thể rốt ráo của “tâm”. Tâm đứng đằng sau mọi hoạt động trong đời sống, là cửa sổ giúp ta cảm nhận thế giới. Chỉ cần một thay đổi nhỏ ở trung tâm thì thế gian này sẽ hoàn toàn đảo lộn. Dù những khám phá của Phật giáo có sâu sắc đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng nên luôn luôn nhớ rằng giáo lý Phật giáo không hề có tính cách giáo điều. Nó gần như một bản đồ chỉ đường để chúng ta đi theo người hướng dẫn. Phật giáo sẵn sàng sửa sai nếu biết mình lầm lỗi. Không phải vì nó nghi ngờ tính chân thật của những khám phá hay chờ đợi các khám phá đó được công khai nhìn nhận, nhưng vì chúng đã thật sự được trải nghiệm. Trong việc đi tìm kiến thức, Phật giáo không trốn tránh sự mâu thuẫn, trái lại còn nuôi dưỡng nó. Trong những cuộc hội thảo siêu hình mà Phật giáo tham dự trải qua nhiều thế kỷ với các triết gia Ấn Độ cũng như với giới khoa học và các tôn giáo khác, Phật giáo đã có cơ hội tu chỉnh, mở rộng các quan điểm triết học, luân lý của mình trong việc tìm hiểu thế gian.
Nhưng thái độ cởi mở của Phật giáo không phải là một thái độ cơ hội rẻ tiền. Những đóng góp lớn lao cho Triết học, những thảo luận về thiền định sâu sắc, gợi cảm và việc thực hành thiền định đòi hỏi một quyết tâm cao với một sự kiên nhẫn không gì lay chuyển được. “Không nên hy vọng một sự thành tựu mau chóng, nhưng cứ tiếp tục thiền định đến hơi thở cuối cùng”. Đó là lời của Tổ Milarepa. Sự chuyển hóa nội tâm dẫn đến Giác Ngộ, thuộc về một lĩnh vực hoàn toàn khác hẳn với công việc tìm tòi triết học hay khám phá khoa học.
Phật giáo cơ bản là một khoa học của sự tỉnh thức. Những cuộc đối thoại sau đây không nhằm mục đích mang lại cho khoa học một dáng vẻ thần bí hoặc bênh vực cho Phật giáo dựa vào các khám phá khoa học. Thật ra là để đặt lại vị trí của Khoa học trong bối cảnh một quan điểm rộng rãi hơn về đời sống tâm linh mà kinh nghiệm đóng một vai trò cốt yếu, cũng là để nối kết cách nhìn các hiện tượng xuất hiện cũng như thực chất của chúng, để có thể chỉ ra là Phật giáo có thể giải quyết được sự đối kháng giữa thực tại, chủ trương rằng các hiện tượng là có thực và các khám phá vật lý đi ngược lại cách nhìn này.
Cuộc đối thoại này cũng phản ánh lại hai mảng đời: một là của nhà vật lý thiên văn Á Đông muốn đối chiếu những kiến thức Khoa học của mình với các kiến thức triết học và hai là của một nhà khoa học Tây phương trở thành một tu sĩ Phật giáo mà những kinh nghiệm cá nhân đã đưa đến sự so sánh giữa hai cách tiếp cận thực tại.
Có ba nền văn hóa giao lưu của Trịnh Xuân Thuận ở Việt, Pháp và Mỹ. Sinh tại Hà Nội năm 1948 giữa cuộc chiến tranh thuộc địa, sáu năm trước thảm bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, ông học ở các trường Tiểu và Trung học Pháp tại Sài Gòn. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, năm 1966 ông quyết định sang Pháp để theo học ngành vật lý vì ông nghĩ sẽ tìm ra câu trả lời cho ông về bản thể của thế giới. Nhưng bài diễn văn quan trọng của Tướng De Gaulle kêu gọi quân đội Mỹ rút khỏi Đông Nam Á đã làm đảo lộn kế hoạch của ông. Chính phủ Việt Nam thời ấy cắt đứt quan hệ với Pháp nên người Việt không còn có thể sang Pháp du học. Sau một năm ở Thụy Sĩ trong trường Đại học Bách khoa Lausaune, ông sang Mỹ và được nhận vào Caltech (Đại học Kỹ thuật California) đỉnh cao của các nhà vật lý thiên văn. Vào năm 1967, Trung tâm Caltech có viễn vọng kính Palomar lớn nhất thế giới. Cũng tại đây, với sự hiện diện của Edwin Hubble, người ta đã khám phá ra thiên hà và sự trương nở của vũ trụ.
Thời gian theo học của giáo sư Thuận trùng hợp với việc khám phá nhiều hiện tượng mới về bầu trời. Chính giáo sư cũng đã từng nói: “Ở giữa các khám phá rộn ràng ấy, tôi không thể không trở thành nhà vật lý thiên văn được”. Từ đấy ông không ngừng quan sát vũ trụ và trở thành một chuyên viên tầm cỡ trong việc giải thích sự hình thành các thiên hà. Hiện nay, ông là giáo sư diễn giảng ở Đại học Virginia.
Còn tôi, tôi theo đuổi việc nghiên cứu khoa học nhiều năm ở Viện Pasteur theo ngành di truyền tế bào của Giáo sư Francois Jacob giải Nobel về y học. Năm 67 tôi đi Ấn Độ để gặp đạo sư Kangyour Rinpotche và nhiều năm sau đó, cứ đến hè là tôi trở lại không khí vắng lặng, nơi ẩn cư của thầy tôi ở Darjeeling. Tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học.
Nhưng đến năm 72, sau khi đã bảo vệ luận án tiến sĩ tôi quyết định sống ở Hi Mã Lạp Sơn. Tôi đã sống ở Ấn Độ, ở Bhoutan và ở Nepal. Nơi đây, tôi sống cạnh người thầy thứ hai của tôi Khyentse Rinpotche trong 12 năm. Tôi có dịp đi theo ông qua Tây Tạng học nhiều lần. Hiện nay, tôi sống ở Tu viện Shéchèn gần Katmandou. Vào mùa hè 1997, lần đầu tiên tại đại học Audorre, tôi đã gặp giáo sư Thuận và có cuộc thảo luận sôi nỗi trong những lần đi dạo trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Piernées. Từ những cuộc trao đổi thân tình ấy, quyển sách này có dịp ra đời.