Việc Tu tập
Ngay từ khi còn bé, Rinpoche đã không giống những đứa trẻ khác. Mọi người nhận thấy cậu bé này thật đặc biệt. Những khuynh hướng đức hạnh đã thức dậy trong cậu. Thật tự nhiên, cậu chỉ ước muốn vứt bỏ của cải và những thú vui của một cuộc đời tầm thường và tuyệt đối tuân thủ thực hành tâm linh ở một động đá nào đó trong núi non cô tịch. Cậu có khuynh hướng bi mẫn, lòng sùng mộ và sự thông tuệ vĩ đại. Lòng bi mẫn đối với chúng sinh khiến cậu rơi lệ, đặc biệt là đối với những người bị ưu phiền và đau khổ đè nặng. Cậu cũng có niềm tin và lòng sùng mộ mãnh liệt đối với các Lạt ma mà với các ngài cậu đã tạo nên một sự nối kết bằng cách nhận từ các ngài những quán đảnh làm thuần thục tâm linh và những giáo lý giúp đạt được giải thoát.
Từ thân phụ và những người khác, Rinpoche học viết, đánh vần, lễ puja, Phật sự và những môn khác bằng trí nhớ. Nhờ trí nhớ toàn hảo, mỗi ngày Rinpoche có thể học thuộc lòng bốn mươi trang sách. Khi Rinpoche còn rất trẻ, thân phụ của ngài đã phải làm việc cực nhọc để dạy ngài đọc, viết và hiểu biết Giáo Pháp. Bởi thân phụ ngài hết sức nhiệt tâm trong những việc trì tụng hàng ngày, những khóa thiền và nhập thất của riêng ông nên Rinpoche cũng phải thức khuya, dậy sớm, lấp đầy một ngày bằng những khóa thiền định, thực hành, nghiên cứu và tu tập. Ngài hết sức thông tuệ và có khả năng tự nhiên về ngôn ngữ (biện tài). Ngài nhận Đức Tara Trắng và Quán Thế Âm là các Bồn Tôn của ngài. Năm Rinpoche mười ba tuổi, ngài chính thức đi vào Giáo lý quý báu của Đấng Chiến Thắng. Vị Tai-Situ thứ mười một là ngài Padma Wangchuk cho ngài thọ giới và ban Pháp danh là Karma Rangjung Kunchab – Tự-Sinh và Trùm Khắp. Về sau này, ai cũng nói rằng đó là một danh hiệu thích hợp.
Năm mười lăm tuổi, Rinpoche nhập hạ tại Tu viện Bengen ở Hor. Trước một tập hội gồm hàng trăm tăng, ni, và cư sĩ, ngài giảng về ba cách thọ giới.(1) Bởi ngài thuyết giảng với sự vô úy và xác quyết bắt nguồn từ một sự hiểu biết vững chắc, bài giảng của ngài chinh phục được trái tim của mọi người. Hội chúng bình luận về sự thông tuệ chói ngời, lối nói chuyện tuyệt vời, và cách trình bày chính xác của ngài. Rinpoche đi tới Tu viện Pepung (Palpung), tu viện chính của phái Karma Kagyu và bản doanh của các hóa thân Tai-Situ, ở đó ngài được Situ Rinpoche là Pema Ongchuk Gyalpo chăm sóc với lòng bi mẫn. Vị này tuyên bố ngài là một hiện thân trí tuệ của Jamgong Kongtrul. Rinpoche được các đệ tử đích thực của Jamgong Kongtrul là Kes-ong Tashi Chospel và những vị Thầy khác dạy nhiều môn học và thực hành các giáo lý Kinh điển và Mật điển. Từ Thiền sư thành tựu viên mãn Norbu Dundrub, ngài nhận toàn bộ những giáo lý làm thuần thục và giải thoát của Karma và Shangpa Kagyu. Từ Situ Rinpoche, Gyaltses Khentse Oser, Pepung Khentse Rinpoche và nhiều vị Thầy khác ngài đã nhận lãnh liên tục và đầy đủ những giáo lý của Năm Kho tàng Vĩ đại. Năm mười sáu tuổi, Rinpoche thực hiện khóa nhập thất ba năm, ba tháng tại trung tâm nhập thất vĩ đại tại Tsa-dra Rinchen Drak (Kunzang Dechen Osal Ling). Ẩn thất này từng là trụ xứ chính của Jamgon Kongtrul, là vị Đạo sư mà Đức Phật đã tiên tri trong nhiều Kinh điển và tantra (Mật điển). Trong thời gian này, niềm tin nơi các Lạt ma và Giáo Pháp, và nhiệt tâm của ngài đối với việc thực hành thật không bờ bến. Để bảo đảm là có thể thức dậy sớm vào buổi sáng, ngài đã ngủ ngồi, lưng tựa vào cửa phòng. Vào buổi sáng, khi vị tu sĩ đá vào những cánh cửa phòng để đánh thức những người nhập thất, Rinpoche hối hả chạy vù qua phòng mình. Khi ngài cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, ngài ngồi ở rìa cửa sổ. Trong tư thế này ngài sẽ ngã xuống sàn nhà ngay khi lơ mơ ngủ.
Tại trung tâm nhập thất này, Rinpoche hoàn tất khóa nhập thất truyền thống ba năm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Lạt ma Norbu Dondrup, Đạo sư nhập thất, mà từ vị Thầy này Rinpoche đã nhận toàn bộ sự trao truyền của các Dòng Karma Kagyu và Shangpa Kagyu. Trong thời kỳ này, Kalu Rinpoche bắt đầu có nhiều giấc mơ trong đó ngài viếng thăm những cõi Tịnh độ và nhận giáo lý từ chư Phật và Bồ Tát. Khi ngài mô tả những kinh nghiệm này, Bổn sư của ngài tỏ vẻ ít quan tâm, nói với ngài một cách giản dị rằng các giấc mơ chỉ là một ảo tưởng, không tốt mà cũng chẳng xấu, và giải thích “Các giấc mơ này là những kinh nghiệm phát sinh trong thực hành, nhưng điều quan trọng là phải thiền định và chứng ngộ bổn tâm con là Mahamudra (Đại Ấn). Những giấc mộng sẽ chẳng bao giờ là nguyên nhân của giác ngộ.” Được cảm hứng sâu xa bởi những lời dạy này, Kalu Rinpoche quyết định từ bỏ mọi hoạt động thế tục và hiến mình cho việc thành tựu sự giác ngộ viên mãn.
Sau khi hoàn tất khóa nhập thất ba năm tại Thiền đường Pepung, ngài tới Tu viện Bengen ở Hor, quê hương của ngài. Năm hai mươi lăm tuổi, Rinpoche hoàn toàn từ bỏ mọi công việc, mọi ràng buộc và tiện nghi của cuộc đời thế tục. Ngài sống trong những ẩn thất cô tịch trong núi non ở Lhapu (thuộc miền Derge), trong hang động và những nơi không có bóng người. Trong thời gian mười hai năm, ngài đã thực hành khổ hạnh nghiêm nhặt với sự nhẫn nại không bờ bến. Ngài hài lòng với những gì ngài có, không phân biệt, và thoát khỏi mọi mối bận tâm thế tục. Mọi vật cúng dường ngài nhận được từ những người có niềm tin nơi ngài nhân danh những người đã mất, ngài đều sử dụng cho những mục đích tâm linh. Cuộc đời của Rinpoche trong thời gian mười hai năm này rất ít được biết tới. Ngài sống ở những nơi cô tịch với rất ít thực phẩm. Trong những năm này, đôi khi Rinpoche rời ẩn thất để viếng thăm và tham vấn Lạt ma Norbu Dondrub, Bổn sư của ngài. Một số trong những nơi này không thể đến được vào mùa đông. Đã có lần Lạt ma Gyaltsen, thư ký của Rinpoche, viếng thăm Rinpoche khi ngài còn trẻ. Ông nhớ lại rằng hang động của Rinpoche còn nhỏ hơn chỗ lõm trong một tảng đá, hoàn toàn trống trải ở hướng bắc và lồng lộng gió suốt ngày đêm. Lạt ma Gyaltsen cảm thấy hang động đó là một nơi khủng khiếp và thật sung sướng khi được rời khỏi nơi đó sau một thời gian ngắn. Thật không thể tưởng tượng nổi là Rinpoche có thể ở một nơi như thế trong vài tháng.