Bát Nhã Tâm Kinh - Đối tượng quan sát
Nhìn sâu ngũ uẩn tướng là không
Sắc Thọ Tưởng Hành Thức cũng không.
Biết rõ rằng không không khác sắc
Sắc thì lập tức biến thành không
Thể không và sắc xem như một
Huyễn hóa sát-na sắc biến không.
Khổ ách vọng tâm, đang thoát khỏi
Niết bàn giác ngộ đẳng tâm không (1)
(1). Đẳng tâm không là pháp đẳng không. Phật ba đời là Phật Tánh hay Tánh Không của Tự Tính Tuyệt Đối của tâm. Vì ba đời, là quá khứ đã qua không thật; vị lai chưa đến cũng không thật; hiện tại không nắm bắt được: ba thời đều bất khả đắc, tam thời bình đẳng, tâm không. Đó là Pháp Đẳng Không. (Xin xem Cái Nhìn Bát Nhã qua Lăng Kính Thời Không đăng trong website HLT)
Bát Nhã Tâm Kinh - Lý Vô Ngã
Nhận rõ rằng là không có ta
Duyên từ năm uẩn hợp thôi mà
Tạm thời hội tựu xem như thật
Đến lúc nhận chơn huyễn hóa à.
Sắc có tướng không là một thể
Huyễn sau: sắc trước đã qua mà.
Biết ra thật tánh từ muôn thuở
Thanh thoát an nhiên tôi biết ta.
Bát Nhã Tâm Kinh - Không tướng các pháp
Sự vật trên đời có tướng không
Bất sanh bất diệt tướng là không
Không nhơ không sạch vì không tướng
Không giảm không tăng thể tướng không
Sáu cảnh sáu căn duyên sáu thức
Nhân duyên thập nhị cũng đều không
Bốn chơn, đạo đế: con đường đúng
Trí đắc: tri hành, tướng vẫn không.
Bát Nhã Tâm Kinh - Quả Đạt Được (1)
Thoát khỏi khổ ách
Thời gian huyễn hóa tánh là không
Khổ ách vọng tâm nhứt thiết không:
Sợ hải thọ từ không thật có
Nhận hành điên đảo có quên không
Cái không mộng tưởng tưởng là có
Chướng ngại vượt qua mọi tướng không
Khổ ách qua rồi không thật có
Thời gian huyễn hóa có thành không.
Bát Nhã Tâm Kinh - Quả Đạt Được (2)
Giác ngộ niết bàn
Thực hành bát nhã được tâm không
Cái biết sát- na pháp đẳng không
Quá khứ vị lai tâm chẳng động
Bây giờ tuệ quán ở trung không
Tam thời bất đắc vì không tướng
Bình đẳng hư không dụng pháp không
Bát nhã hành trì, vô thượng giác
Niết bàn giác ngộ đẳng tâm không
Bát Nhã Tâm Kinh - Tán tụng
Bát Nhã Ma Ha pháp tánh không
Chính là thần chú vốn vô song
Chiếu minh, vô thượng thật không dối
Kỹ thuật chơn tâm pháp đẳng không
Năng lực siêu phàm trừ khổ nạn
Tác năng vô tận tuyệt tâm không
Khổ ưu giải thoát tiêu phiền não
Giác ngộ niết bàn dụng pháp không
Phổ Nguyệt
Bát Nhã Tâm Kinh - Thần chú
Đến bến bờ kia chẳng ngại gì
Dứt ngay vọng tưởng thật nhanh đi
Vượt qua bỉ ngạn không còn vướng
Cứu cánh niết bàn đạt chẳng nghi. (9/02/10)
Phật liền đọc (nói): Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha, là chấm dứt ngay mọi vọng tưởng, đạt cứu cánh niết bàn
Dù thần chú có nghĩa là -- Vượt qua, vượt qua, đến bờ bên kia một cách nhanh chóng-- nhưng hành giả chỉ cần thể nhận nơi thực tướng (Biết âm thanh đọc) mà không cần biết ý nghĩa của thần chú là ngôn ngữ giả lập.
Phổ Nguyệt