Hòa Hợp Tôn Giáo, Lòng Bi Mẫn và Hồi Giáo
Milan, Ý, 9 tháng Mười Hai, 2007
Alexander Berzin sao chép và hiệu đính sơ
Tôi muốn nói một vài điều về sự hòa hợp tôn giáo. Đôi khi, sự xung đột liên quan đến niềm tin tôn giáo. Thí dụ, trước đây ở Bắc Ái Nhĩ Lan, mặc dù sự xung đột đơn giản chỉ là vấn đề chính trị, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành một vấn đề tôn giáo. Điều này thật không may. Ngày nay, những tín đồ Hồi giáo Shia và Sunni đôi khi cũng tranh đấu với nhau. Điều này cũng thật không may. Ở Tích Lan cũng thế, mặc dù sự xung đột ở đấy cũng là về chính trị, thế mà trong vài trường hợp, người ta có cảm giác rằng sự xung đột ấy là giữa những tín đồ Ấn giáo và Phật tử. Điều này thật vô cùng khủng khiếp. Vào thời xưa, tín đồ của các tôn giáo hầu hết có đời sống biệt lập, nhưng hiện nay, họ đã tiếp xúc gần gũi với nhau hơn và vì thế, chúng ta cần một nỗ lực đặc biệt để khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo.
Vào ngày kỷ niệm lần thứ nhất thảm họa ngày 11 tháng Chín, một buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức tại Thánh Đường Quốc Gia ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Tôi đã tham dự buổi họp mặt ấy và đề cập trong bài nói chuyện của mình rằng, đáng tiếc thay, ngày nay, một số người đã tạo nên cái cảm giác là chỉ vì một số ít người Hồi giáo có ác ý, mà tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là chiến binh bạo động. Rồi thì họ nói về sự mâu thuẫn của các nền văn minh giữa phương Tây và Hồi giáo. Điều này không thực tế.
Việc gán ghép một đặc tính xấu cho cả một tôn giáo, chỉ vì một số ít tín đồ của tôn giáo ấy có ác ý, là một điều hoàn toàn sai lầm. Đây là sự thật đối với tất cả các tôn giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Ấn giáo và Phật giáo. Thí dụ, một số tín đồ tu tập theo hộ pháp Shugden đã giết ba người gần nơi tôi cư ngụ. Một người trong số ấy là một vị thầy giỏi, đã phê bình về Shugden, và ông đã nhận lãnh mười sáu nhát dao. Hai người kia là học trò của ông. Những kẻ sát nhân ấy thật là tàn nhẫn, nhưng nếu chỉ vì điều này mà ta nói rằng toàn thể tín đồ của Phật giáo Tây Tạng đều hiếu chiến, thì sẽ không ai tin điều này. Vào thời Đức Phật tại thế cũng vậy, cũng có một số người ác ý ở đấy, nên chẳng có gì đặc biệt.
Từ sự kiện ngày 11 tháng Chín, mặc dù là một Phật tử, một người ngoại Hồi giáo, tuy nhiên, tôi tự nguyện có những nỗ lực như một người bảo vệ Hồi giáo Vĩ Đại. Nhiều anh em Hồi giáo của tôi, rất ít các chị em, giải thích với tôi rằng nếu có bất kỳ người nào tạo ra những cuộc đổ máu, đó không phải là Hồi giáo. Lý do là một người Hồi giáo chân chính, một tín đồ đúng đắn của đạo Hồi, nên có tình yêu thương tất cả tạo vật trên thế giới, giống như người ấy yêu kính thánh Allah. Tất cả mọi sinh vật đều do thánh Allah sáng tạo. Nếu một người tôn kính và yêu quý đức Allah, người ấy phải thương yêu tất cả những tạo vật của Ngài.
Một phóng viên thân hữu của tôi đã dành một thời gian ở Tehran vào thời của Ayatollah Khomeini. Sau này, ông ta kể cho tôi nghe việc các vị mullah ở đấy đã thu thập tiền bạc từ những gia đình giàu có ra sao, rồi đem phân phát cho người nghèo để giúp cho chương trình giáo dục và cảnh nghèo khó. Đây thực sự là tiến trình xã hội chủ nghĩa. Ở các quốc gia Hồi giáo, tiền lãi ngân hàng không được khuyến khích. Thế nên, nếu chúng ta hiểu biết về Hồi giáo và nhìn thấy các tín đồ Hồi giáo thi hành giáo lý một cách chân thành ra sao, thì giống như tất cả những tôn giáo khác, tôn giáo này thật tuyệt vời. Nói chung, nếu chúng ta thấu hiểu tôn giáo của người khác, ta có thể phát triển được sự phong phú, tôn trọng và khâm phục lẫn nhau. Vì thế, chúng ta cần sự nỗ lực liên tục để khuyến khích sự thông hiểu về tín ngưỡng liên tôn giáo.
Gần đây ở Lisbon, tôi đã tham dự một cuộc họp liên tôn giáo trong một đền thờ Hồi giáo. Đó là lần đầu tiên mà một hội nghị liên tôn được tổ chức trong một đền thờ Hồi giáo. Sau cuộc họp, tất cả chúng tôi đi đến phòng thờ chính và hành thiền trong yên lặng. Điều này thật là tuyệt vời! Thế nên, ta hãy luôn luôn nỗ lực cho sự hòa hợp liên tôn giáo.
Một số người nói có Thượng Đế, một số nói không có Thượng Đế - điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là luật nhân quả. Điều này giống nhau trong tất cả các tôn giáo – không giết hại, không trộm cướp, không ngược đãi tình dục và không nói dối. Các tôn giáo khác nhau có thể sử dụng những phương pháp khác nhau, nhưng họ có cùng mục tiêu. Ta hãy nhìn những kết quả, đừng xem các nguyên nhân. Khi bạn đến một nhà hàng, thì chỉ nên thưởng thức tất cả các thức ăn, hơn là tranh cãi về việc những thành phần của thực phẩm này đến từ món này hay món kia. Tốt hơn là chỉ ăn và thưởng thức các món ăn.
Thế nên, đối với những tôn giáo khác nhau – thay vì tranh cãi rằng triết lý của bạn tốt hay xấu, hãy nhận thấy rằng tất cả các tôn giáo đều giảng dạy về lòng bi mẫn, như mục tiêu và lý tưởng của họ, và tất cả đều là tôn giáo tốt. Việc sử dụng những phương pháp khác nhau cho những hạng người khác nhau là điều thực tiễn. Chúng ta phải có một sự tiếp cận và quan điểm thực tế.
Hòa bình nội tại liên quan đến lòng bi mẫn. Tất cả những tôn giáo lớn có cùng một thông điệp, đó là từ ái, bi mẫn và tha thứ. Chúng ta cần có một phương pháp dựa trên nền đạo đức thế tục để tăng trưởng lòng bi mẫn. Đối với những người theo đạo và những ai chân thành, nghiêm chỉnh với đạo giáo, tôn giáo của họ có một tiềm năng lớn để giúp cho lòng bi mẫn của họ tăng trưởng thêm. Đối với những người không có tín ngưỡng – những ai không có sự quan tâm về tôn giáo hay một số người thậm chí không ưa thích tôn giáo – đôi khi họ cũng chẳng lưu ý đến lòng bi, vì họ nghĩ rằng bi tâm là một vấn đề tôn giáo. Điều này hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn muốn nhìn vào tôn giáo như điều gì tiêu cực, đấy là quyền của bạn. Nhưng không có lý do gì để có một thái độ tiêu cực đối với lòng bi mẫn.
Trước nhất, chúng ta sinh ra từ những bà mẹ của mình. Những người khác và thú vật cũng bắt nguồn từ những bà mẹ và tồn tại nhờ sự chăm sóc của những bà mẹ của họ. Có một nhân tố sinh học nào đấy đưa chúng ta đến gần nhau. Đó là một nhân tố sinh học. Một thí dụ là mẹ của tôi rất tử tế. Thế nên hôm nay, hạt giống bi mẫn đầu tiên của tôi đến từ mẹ tôi, không phải từ Phật giáo. Sau khi tôi tu học về Phật giáo, nó chỉ đơn thuần tăng trưởng thêm thôi. Nếu tôi không có một bà mẹ như thế hay nếu cha mẹ tôi đã ngược đãi tôi, thì hôm nay có lẽ tôi sẽ gặp khó khăn trong việc thực tập lòng bi. Thế nên hạt giống bi mẫn là một nhân tố sinh học. Chúng ta cần có nó để tồn tại.
Tình thương là một nhân tố thiết yếu trong việc nuôi nấng trẻ con một cách đúng đắn. Các nhà khoa học đã từng thí nghiệm với những chú khỉ con. Những khỉ con có mẹ luôn luôn nô đùa và chỉ gây gổ một vài lần thôi. Các khỉ con bị cách ly khỏi khỉ mẹ thường bị căng thẳng, không vui, và luôn gây gổ với nhau. Vì thế, sự trưởng thành được liên kết với tình thương của người khác. Theo những nhà nghiên cứu y học, họ thấy rằng nếu ta càng thực tập tâm bi nhiều hơn, ta sẽ giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng và cảm thấy bình an hơn. Sự tuần hoàn máu huyết sẽ tốt hơn và huyết áp của ta sẽ hạ xuống. Trong vài trường hợp, hệ thống miễn nhiễm sẽ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, lòng sân hận và thù hằn liên tục sẽ tàn phá hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Vì vậy, lòng bi mẫn và tha thứ rất hữu ích cho sức khỏe và sự trường thọ.
Chúng ta có thể dạy điều này cho tất cả mọi người, từ lúc ở nhà trẻ, như một yếu tố của việc chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần khuyến khích các giá trị nhân bản một cách đúng đắn, không chỉ bằng tôn giáo, mà với nền giáo dục dựa trên căn bản đạo đức thế tục. Nền giáo dục hiện đại không chú ý đủ đến sự nồng hậu. Điều này còn thiếu sót. Một số trường đại học đang tiến hành nghiên cứu cách giới thiệu tầm quan trọng của lòng nồng hậu vào trong hệ thống giáo dục hiện đại. Điều này rất tốt.
Chúng ta cần có một phương pháp để khuyến khích nền đạo đức thế tục. Thế tục không có nghĩa là chống lại tôn giáo hay không tôn trọng tôn giáo. Khi tôi nói “thế tục”, nó giống như trong hiến pháp của Ấn Độ. Thánh Gandhi đã nhấn mạnh tôn giáo thế tục: Ngài đã tụng đọc những bài cầu nguyện của tất cả các tôn giáo. “Thế tục” có nghĩa là không coi trọng một tôn giáo nào hơn một tôn giáo khác, mà có sự tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo, bao gồm cả những người không có tín ngưỡng. Vì thế, chúng ta cần có một nền đạo đức thế tục với những phương pháp thế tục, dựa trên căn bản của nền giáo dục về kinh nghiệm phổ thông và bằng chứng khoa học.
Hỏi:Chúng ta quá thiên về chủ nghĩa duy vật trong thế giới ngày nay. Còn những con người có tinh thần duy vật thì sao? Làm sao chúng ta đối phó với điều này?
Đáp:Những phương tiện vật chất chỉ cung ứng tiện nghi cho thân xác, chứ không mang lại sự thoải mái của tinh thần. Não bộ của một người có tinh thần duy vật và não bộ của chúng ta đều như nhau. Vì thế, tất cả chúng ta đều cảm nghiệm nỗi khổ tâm, cô đơn, sợ hãi, nghi ngờ và ganh tỵ. Chúng quấy rầy tâm thức của bất cứ ai. Ta không thể dùng tiền bạc để loại trừ những nỗi khổ tinh thần này. Một số người uống thuốc vì quá căng thẳng và rối loạn tinh thần. Họ có thể tạm thời giảm thiểu sự căng thẳng, nhưng thuốc men sẽ mang lại nhiều phản ứng phụ. Quý vị không thể mua sự bình an trong tâm hồn. Không ai bán nó, nhưng mọi người, ai cũng muốn có sự bình an. Vì thế mà nhiều người dùng thuốc an thần, nhưng liều thuốc thật sự dành cho một tinh thần căng thẳng là lòng bi mẫn. Vì thế, những người có tinh thần duy vật cần bi tâm.
Sự bình an trong tâm hồn là liều thuốc tốt nhất cho một sức khỏe tốt. Nó đem lại sự quân bình nhiều hơn cho các yếu tố trong cơ thể ta. Điều này cũng đúng đối với việc ngủ nghỉ đầy đủ. Nếu chúng ta ngủ trong sự bình an, thì sẽ không có sự quấy nhiễu và ta không cần phải dùng thuốc ngủ. Có quá nhiều người tốn công sức để có một gương mặt đẹp. Nhưng nếu quý vị giận dữ, thì dù quý vị có tô điểm bao nhiêu son phấn trên mặt, nó cũng chẳng giúp ích được gì. Quý vị vẫn nhìn xấu xí như thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta không giận hờn mà mĩm cười, thì gương mặt ta sẽ trở nên hấp dẫn và thanh lịch hơn.
Nếu chúng ta phát tâm bi mẫn một cách mạnh mẽ, thì khi tâm sân hận đến, nó chỉ có mặt trong một khoảnh khắc ngắn mà thôi. Giống như khi ta có một hệ thống miễn nhiễm mạnh mẽ, dù một con vi trùng có xâm nhập cơ thể, ta sẽ không gặp nhiều rắc rối. Vì thế, chúng ta cần có lòng bi mẫn và cái nhìn bao quát. Thế rồi, với sự quen thuộc và phân tích về sự liên kết giữa mọi người, ta sẽ có thêm sức mạnh.
Tất cả chúng ta đều có tiềm năng của sự thiện hảo. Thế nên, hãy nhìn lại chính mình để thấy tất cả những tiềm năng tích cực ở trong ta. Những điều tiêu cực cũng ở đó, nhưng tiềm năng của những điều tốt lành cũng ở đấy nữa. Bản chất cơ bản của con người có nhiều sự tích cực hơn tiêu cực. Đời sống của chúng ta khởi đầu bằng lòng bi mẫn. Vì thế, hạt giống của bi tâm mạnh hơn hạt giống của tâm sân hận. Thế nên, hãy nhìn chính mình một cách tích cực hơn. Điều này sẽ mang lại cho ta một tâm hồn tĩnh lặng hơn. Rồi khi những vấn đề xảy ra, ta sẽ đối phó với chúng một cách dễ dàng hơn.
Tịch Thiên (Shantideva), một đạo sư Ấn Độ cao cả, đã viết rằng khi chúng ta sắp đối diện với một nan đề, nếu ta phân tích nó và tìm ra cách để tránh hay vượt qua nó, thì không có gì để ta phải lo lắng. Nếu ta không thể vượt qua nó, thì lo lắng cũng không có ích gì. Hãy chấp nhận thực tế.
Thế nên, nếu quý vị quan tâm đến những gì tôi nói, thì hãy tự mình thể nghiệm những điều này. Nếu quý vị không có hứng thú gì với ý kiến của tôi, thì không cần nghĩ đến làm gì. Ngày mai, tôi sẽ ra đi, nhưng những nan đề của quý vị vẫn sẽ ở lại với quý vị.