Niệm Phật cầu vãng sanh
Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước
Ai trong chúng ta được sinh ra trong đời này rồi, một ngày nào đó cũng phải từ giã tất cả những gì có liên hệ với ta trong một thời gian nhất định của cuộc đời này để phải ra đi. Có kẻ đi lên, có người đi xuống; có kẻ đi ngang và có người lại ngược dòng sinh tử, trở lại thế giới này để cứu khổ độ mê. Tất cả đều do nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người trong chúng ta.
Bồ Tát vào đời vì độ sinh mà nguyện vào nhà ngũ trược ác thế này để làm những việc khó làm. Còn đa phần chúng sinh vì nghiệp lực quá sâu dày; cho nên do nghiệp chiêu cảm ở đâu, con người phải theo đó để đi đầu thai. Cũng có thể tốt hơn, mà cũng có thể xấu hơn, tùy theo cái nhân mà mình đã gây ra trong quá khứ. Nếu người nào tu 10 điều thiện, thực hành Bồ Tát hạnh, thì khi lâm chung chắc chắn thần thức sẽ dẫn đi lên để đầu thai vào những thế giới cao hơn, có đời sống tuổi thọ lâu dài hơn; nhưng nếu không biết tu, sau khi đã hưởng hết phước lạc của cõi chư Thiên, cũng có thể trở lại làm người; hoặc làm thân Lạc đà và đôi khi phải bị đọa vào chốn địa ngục nữa. Nếu kiếp này giữ tròn 5 giới thì kiếp sau sẽ làm người đoan chánh, tướng mạo đoan nghiêm, lời nói dễ có người nghe và tạo nhân duyên cho những việc thiện tiếp theo sau nữa; nhưng nếu những người nào phạm vào tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu) hay Nhất xiển đề (những kẻ không tin Tam Bảo, nhân quả và tội phước) thì chắc chắn sau khi thần thức rời khỏi thân trung ấm phải đi đầu thai vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Từ những nổi khổ và niềm vui của chúng sanh trong cõi dục giới này như vậy; cho nên đức Phật A Di Đà hay chư vị Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương v.v.. đã lập ra những đại nguyện để cứu khổ mê đồ; nhưng nếu chúng sinh nào không có nhân duyên, thì các Ngài cũng không thể nào cứu độ được. Điều này cũng giống như ánh sáng mặt trời, tuy có thể chiếu rọi khắp nhân gian, nhưng những nơi có tàng cây rậm rạp, che khuất một không gian, thì nơi ấy mặt trời không thể chiếu thẳng vào được. Cũng như thế ấy, tuy rằng A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang, là hào quang vô lượng; với ánh sáng ấy có thể chiếu khắp vào các nơi chốn, ngay cả địa ngục; nhưng với những chúng sanh đầy ngu si, tội lỗi và chấp thủ… thì ánh sáng ấy vẫn không thể ảnh hưởng được những chúng sanh này. Do vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy rằng: Ta có thể độ được tất cả chúng sanh; ngoại trừ những kẻ thiếu nhơn duyên là vậy.
Trong lời nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà khi Ngài còn làm một Pháp Tạng Tỳ kheo, Ngài thệ nguyện rằng:
“Giả sử khi Ta thành Phật, nếu có chúng sanh nào trong 10 phương vô biên quốc Độ niệm danh hiệu Ta từ 01 đến 10 niệm nhất tâm, nếu ta không tiếp dẫn chúng sanh này về thế giới của Ta, thì Ta sẽ không ở ngôi chánh đẳng, chánh giác; ngoại trừ những kẻ phạm ngũ trọng tội và Nhứt xiển đề”.
Nếu chúng ta đọc thật kỹ lời nguyện này thì sẽ thấy chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mà chư Tổ Tịnh Độ như Ngài Thế Thân, Thiện Đạo, Thân Loan đều y cứ vào đây để thực hành câu Phật hiệu và cầu sau khi lâm chung sẽ sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
Câu: “giả sử khi Ta thành Phật” theo Ngài Thân Loan, Tổ sư Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản ở vào thế kỷ thứ 13 nói rằng: không cần đặt ra nữa, vì khi còn là một Pháp Tạng Tỳ kheo, đức A Di Đà mới nói là “giả sử”; còn bây giờ Ngài đã thành Phật trong vô lượng kiếp rồi thì đâu cần dùng chữ “giả sử” để làm gì. Từ đó chữ “nhất tâm niệm” cũng không cần thiết nữa. Chỉ cần niệm một niệm là đủ. Niệm ấy gồm đủ trong ba chữ hồng danh A Di Đà rồi. Thế nhưng sự vãng sanh ấy là do bổn nguyện lực của đức Phật A Di Đà tiếp dẫn, chứ không phải là do tự lực của chúng ta; cho nên gọi đây là niệm Phật Tha lực.
Hầu hết trong những kinh điển của Phật Giáo đều cho rằng: những kẻ phạm tội ngũ nghịch và nhất xiển đề đều phải bị đọa địa ngục, ngay cả trong lời nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà cũng ghi chép việc này. Thế nhưng, những kinh sau này cho rằng: nhứt xiển đề và những người phạm tội ngũ nghịch vẫn có khả năng thành Phật. Đó là:
Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển hai, phẩm Phạm Hạnh, đức Phật dạy rằng: nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật, vì tất cả các pháp đều bất định; cho nên nhứt xiển đề cũng bất định. Thế nào là các pháp bất định? Các pháp ấy ngày hôm qua đúng; nhưng hôm nay lại sai và ngày mai lại đúng. Từ việc này chúng ta có thể thấy rằng: Hôm nay nhứt xiển đề không tin nhân quả, tội phước v.v.. nhưng ngày mai nhứt xiển đề thay đổi. Việc này có thể chứng minh qua A-xà-thế, Đề-bà-đạt-đa và Vô-não. Họ là nhưng người đầu tiên hủy báng giáo pháp của đức Phật, nhưng sau này họ là những người làm hưng thịnh giáo pháp. Ví dụ như sau khi A-xà-thế quy ngưỡng đức Phật, chính ông là người đứng ra bảo trợ cho kỳ kiết tập kinh điển lần đầu tiên tại động Thất Diệp sau khi đức Thế Tôn nhập diệt 100 ngày. Đây là một hành động sám hối; một hành động hiểu đạo; một hành động tiếp nối những việc làm tốt đẹp của vua cha Tần-bà-sa-la lúc đương thời.
Vô-não cũng vậy, tuy theo ngoại đạo, nhưng khi nghe Phật hỏi, cũng là câu trả lời: Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi, chính ngươi mới là kẻ đáng dừng lại! Từ đó, Vô-não đã chợt tỉnh cơn mê sinh tử và chứng liền quả Dự Lưu, trở thành người xuất gia của Phật Giáo.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm quán thứ 16 về Hạ phẩm hạ sanh. Tuy kinh này các nhà học giả Tây phương cho rằng không phải do đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni nói, vì bản tiếng Sancrist không còn, mà chỉ còn lại bản chữ Hán. Điều này hẳn cũng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vì lẽ, ngày xưa đức Phật cũng đâu nói bằng ngôn ngữ Sancrist, mà đức Phật nói ngôn ngữ địa phương lúc bấy giờ. Rồi từ đó, lan truyền bằng miệng, qua lời nói và sự lặp đi lặp lại của chư Thánh đệ tử. Đến năm 85 trước Thiên Chúa, ba tạng kinh, luật, luận bằng tiếng Pali mới ra đời. Chúng ta cũng có thể tin rằng, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng có bản tiếng Sancrist, nhưng khi được truyền qua Trung Quốc thì bản gốc bị thất truyền do nhiều lý do khác nhau; và ngày nay chỉ còn lại toàn văn chữ Hán. Điều quan trọng là nội dung của kinh văn không đi ngược lại lịch sử cũng như đi ngược lại đạo đức và luân lý thuở bấy giờ; nên câu chuyện của Hoàng Hậu Vi-đề-hy trở thành câu chuyện thật cho bao thế hệ sau này noi theo đó mà tu dưỡng.
Nhưng hai điều kiện quan trọng để cho những chúng sanh phạm vào tội ngũ nghịch hay nhứt xiển đề được sinh về nơi “Thai cung biên địa” trong cửu phẩm Liên hoa phải là: có tâm tàm quý tức là biết xấu hổ những gì mình đã gây ra trong quá khứ như A-xà-thế hay Vô-não thì mới được. Nhưng điều quan trọng thứ hai không thể thiếu, đó là những Thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu A-xà-thế không có đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni khai thị cho, thì những người này khó mà tỏ ngộ, khó mà chừa bỏ, khó mà ăn năn. Do vậy, Thiện hữu trí thức rất cần trong mọi trường hợp và cần nhất là những trường hợp không tự mình khai ngộ được chân tâm, mà phải nhờ người thứ ba trợ duyên vậy.
Như vậy hai điều kiện quan trọng để được vãng sinh về “thai cung biên địa” ở hạ phẩm hạ sinh là sự hối hận nghĩ lỗi đã làm trong vô lượng kiếp và Thiện hữu tri thức cần phải có. Nếu thiếu nhân tố thứ hai này, chắc chắn người ấy cũng khó mà vãng sinh. Ví dụ, kẻ bị phạm tội như vậy, đến giờ phút lâm chung, khi thân trung ấm đi đến chỗ yếu ớt, mõi mệt, nếu không có những người bạn đạo ở bên cạnh để giúp đỡ niệm Phật, hay khơi lại những việc tốt đẹp khi còn sinh tiền, cũng như khuyến khích người còn nằm trong trạng thái lâm sàng phải phát tâm quy kính Tam Bảo, sám hối tội lỗi… thì khó được vãng sinh. Trong trường hợp nếu người sắp lâm chung không muốn vãng sinh và không muốn hối hận những việc tội lỗi đã làm trong quá khứ thì cánh cửa thứ ba chắc chắn sẽ được mở ra, để dành cho thần thức ấy và thần thức ấy sẽ chìm đắm vào trạng thái hôn mê trong cõi u đồ.
Trong trường hợp Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia phá giới; hay những người quy y Tam Bảo, Thập Thiện rồi phạm giới, họ cũng là những người phải có hai điều kiện như trên để được vãng sanh về Hạ phẩm trung sinh.
Trong trường hợp những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm vào các giới trọng, theo luật Tứ phần thì bị đọa. Nhưng theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm quán thứ 16 thì những người này vẫn có khả năng sinh về Hạ phẩm thượng sinh, nhưng cũng cần phải có hai điều kiện như bên trên.
Những ai sinh về Hạ phẩm thường chẳng nghe, thấy được Phật hay các vị Bồ Tát thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh mà đa phần phải ở lâu trong hoa sen, có nơi đến 500 tiểu kiếp, lúc ấy mới thác sinh lên phẩm cao hơn. Khi ấy, mới nghe được pháp âm của chư vị Bồ Tát. Cái lợi điểm của việc thác sinh về Hạ phẩm là không còn trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi nữa và không bị nghiệp lực đọa đầy vào chốn u đồ; nhưng nhân quả thì phải trả. Khi nào nghiệp sạch mới giải thoát được.
Những bậc sinh vào Trung phẩm là những người giữ giới thanh tịnh, làm phước bố thí cúng dường, in kinh ấn tống, giúp đời cứu người v.v.. khi sinh về đây, các chúng sinh này gặp được đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí cũng như nghe các Ngài thuyết pháp.
Nhưng ai sinh về Thượng phẩm thì gặp trực tiếp đức Phật A Di Đà, nghe Ngài thuyết pháp; sẽ hóa sinh, ngồi đài liên hoa rộng mở, tuyên nói pháp âm nhiệm mầu của chư Phật và chư vị Bồ Tát; nhưng những chúng sinh này phải hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào những giáo lý Đại Thừa và nội dung 12 bộ kinh phải quán triệt.
Điều cần nói ở đây là sự cứu vớt của đức Phật A Di Đà đối với những người tội nặng. Còn những người tội nhẹ hay đầy đủ phước đức vãng sinh thì họ đã tự thăng tiến tâm thức của họ, khi thần thức vừa rời khỏi thân Trung ấm rồi.
Là người Phật tử, chúng ta có những điều cần lưu ý như sau:
Khi đi hộ niệm cho người lâm chung, nên thiết tha và cầu nguyện trong khi niệm Phật.
Không nên đứng phía dưới chân của người sắp ra đi mà nên đứng hai bên thành giường người bệnh; vì thần thức của người bệnh có thể bị ngăn cản khi chúng ta đứng dưới chân giường.
Tượng Phật hay Bồ Tát nên được thiết trí thờ bên trên đầu giường người sắp ra đi. Vì đây là hình ảnh tiếp dẫn của vị dẫn đường; khiến cho người sắp lâm chung an tâm hơn khi nhắm mắt lìa đời.
Nên nói những kỷ niệm đẹp của người sắp mất; không nên gợi lại những chuyện dở xấu xa xưa hoặc của mình, hoặc của người sắp mất. Điều ấy sẽ khiến tâm thức người sắp mất buồn phiền, có thể dễ đi vào cõi ác nhiều hơn.
Những người khi sinh tiền không thích nhau thì trong giờ sắp mất không nên có mặt bên cạnh, vì khi người sắp lâm chung thấy mà không nói được, sự tức giận sẽ khiến cho người đang ở trong trạng thái lâm sàng khổ tâm hơn và cũng có thể khiến cho họ đi đầu thai vào chỗ thấp hơn. Nếu muốn gặp mặt, ít nhất sau 8 tiếng đồng hồ người kia tắt thở thì tốt hơn, vì thần thức của người ấy đã xuất ra khỏi thân Trung ấm rồi.
Hãy làm những gì mà người sắp ra đi đã dặn dò trước khi mất, không nên làm trái ý lại, khiến cho người sắp mất kia có thể giận dữ và làm cho họ khó đi đầu thai vào chỗ cao cả hơn.
Từ khi tắt hơi thở cho đến 8 tiếng đồng hồ tốt nhất là không nên khóc lóc nhớ thương nhiều, điều đó sẽ làm bận lòng người muốn ra đi rồi mà phải còn ngoái nhìn lại gia đình, con cái, tử đệ của mình nữa. Điều này chúng ta nên hoàn toàn xa lánh, không nên lặp lại sự bi lụy để người mất khó thác sinh về cảnh giới cao cả hơn.
Hãy nên mời chư Tăng, chư Ni đến tụng kinh hộ niệm, rồi gia chủ làm phước, bố thí, cúng đường để hồi hướng phước báu cho thân nhân của mình; nhờ đó người mất cũng sẽ hưởng được một phần lợi lạc.
Có những tâm thức đã rời khỏi cơ thể vật lý rồi, nhưng nhập lại vào thể xác ấy và đôi khi sống thêm 5 hay 10 ngày nữa. Trường hợp này, Việt Nam chúng ta gọi là “mượn xác hoàn hồn”; nhưng Tây Tạng gọi đây là “những người còn phước báu nhân duyên ở cõi đời này”. Lý do là trong khi thần thức đi vào cõi vô thức, chuẩn bị đi đầu thai, nhưng thân nhân trên cõi thế vì người mất đã làm phước, bố thí, cúng dường, in kinh ấn tống, xây chùa, đúc tượng để hồi hướng phước báu cho người mất ấy. Như vậy, người mất kia được hưởng phước cấp kỳ và được các sứ giả đưa thần thức vào lại thân thể xưa.
Trong kinh Địa Tạng cũng nói rất rõ. Nếu người sống vì người chết làm phước, bố thí cúng dường, thì người mất sẽ hưởng được một phần bảy của sự lợi ích đó.
Trong những ngày ăn mặn dùng ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ) vẫn tụng kinh trì chú được; nhưng phước báu không bằng những ngày ăn chay.
Từ những điểm căn bản bên trên theo những dẫn chứng của kinh điển từ thời đức Phật và sự chủ xướng của chư vị Tổ Sư Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam v.v.. tất cả đều nương theo ba kinh Tịnh Độ (kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ) và thực hành theo bản nguyện lực của đức Phật A Di Đà thì việc vãng sinh về Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa.
Có người hỏi rằng: Ai tu Tịnh Độ cũng đều muốn vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Vậy còn ai ở lại đây để mà độ sinh?
Theo Ngài Thân Loan thì có hai loại vãng sinh. Một loại gọi là Hoàn Tướng và loại kia gọi là Vãng Tướng. Hoàn Tướng có nghĩa là: sau khi sinh về Cực Lạc rồi phát tâm trở lại cõi Ta bà để độ sinh. Còn Vãng Tướng có nghĩa là một khi đã sinh về Cực Lạc rồi thì ở mãi đó tiếp tục tu học để chờ ngày hoa khai kiến Phật và gặp gỡ những vị Bồ Tát để làm bạn nơi cõi Liên Trì.
Tịnh Độ thì có vô số, nhưng Cực Lạc thì chỉ có một. Cõi này do lời nguyện của đức Phật A Di Đà nên thành tựu. Còn những cõi Tịnh Độ khác thì do các vị Phật khác qua sự thệ nguyện mà thành Phật ở cõi minh. Ví dụ như thế giới Phương Đông có đức Phật A Súc; cõi Tịnh Độ của Ngài vẫn còn người nữ hiện diện. Trong khi đó, cõi Tây phương Tịnh Độ thì không có người nữ. Tất cả các cõi nước Tịnh Độ đều lệ thuộc vào lời nguyện của vị Phật đó.
Ví như cõi Tịnh Độ ở Đẩu Suất, phần nội cung được dành riêng cho những vị Bồ Tát Nhứt sinh Bổ xứ, chờ một đời nữa mà thôi, các vị này sẽ đi làm Phật ở nhiều quốc độ khác nhau. Cũng có nhiều loại và cõi như:
Thường Tịch Quang Tịnh Độ
Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ
Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ
Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ
Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cõi ấy chỉ toàn là ánh sáng, dệt nên những tia quang phổ khi chúng sinh được sinh về đây. Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ là y báo và chánh báo trang nghiêm pháp thân của người được sắp về đây. Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ vẫn còn dùng đến phương tiện như của đức Phật A Súc chẳng hạn. Còn Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ là cõi giải thoát sinh tử luân hồi; nhưng vẫn còn những chúng sinh chưa hoàn toàn rời khỏi những báo chướng và tội chướng. Nơi ấy cũng giống như là hóa thành để chúng sinh nương vào đó tu tập để được sinh vào cảnh giới cao hơn.
Bồ Tát cũng vậy; từ sơ địa cho đến đệ bát địa, quả vị của Bồ Tát Thập Trụ vẫn còn phàm phu chi phối; vì còn những kiến hoặc và tư hoặc. Nhưng đối với những vị Bồ Tát đã sanh vào Đệ cửu địa (Càn Huệ Địa) và Đệ thập địa (Pháp Vân địa) thì những nghiệp vi tế hoàn toàn dứt hẳn. Lúc ấy sẽ chứng được vô sinh pháp nhẫn. Từ đây ngoái lui lại con đường sinh tử dài lâu, các vị Bồ Tát không hề chán nản mà còn phát nguyện Độ sinh như Bồ Tát Địa Tạng nguyện rằng: Khi nào trong địa ngục không còn một chúng sinh nữa thì Ta mới thành Phật.
Duy chỉ có cõi Ta Bà này là chư Phật thường xuất hiện; nhưng nếu lỡ sinh vào các cõi khác thì những pháp âm vi diệu và giáo lý khổ, không, vô thường, vô ngã này chắc chắn rất khó được nghe. Nay chúng ta đã được thân người mà không biết tu tạo phước đức, làm lành lánh dữ, quyết định cầu vãng sinh sau khi lâm chung, thì quả là điều đáng hối tiếc vô cùng.
Đức Phật đã dạy cho chúng ta nào là: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ, quán nhân duyên, quán từ bi v.v.. nhưng có khi nào chúng ta quán về sự chết của mình ra sao chưa? Đa phần chúng ta chỉ biết sống và muốn sống cho thiệt là lâu; nên hầu như chẳng ai chuẩn bị cho sự chết. Vì ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng: sự chết nó chưa đến với mình; nhưng trên thực tế, sự chết nó rất gần kề với chúng ta. Nó có thể đến với chúng ta trong nay mai, ngay bây giờ hay ngày mốt, ngày kia, hoặc nhiều năm sau nữa; nhưng ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Do vậy, chúng ta nên niệm Phật, cầu Phật vãng sinh ngay tự bây giờ để chúng ta có thể chứng cảnh Cực Lạc hiện tiền trong lúc sống, đâu cần phải đến lúc lâm chung mới niệm Phật hiệu.
Ngay từ bây giờ ta thử xem khi mình chết, mình sẽ ra sao? Thần thức của chúng ta sẽ như thế nào và mọi người chung quanh, thân bằng quyến thuộc sẽ đối xử với phần xác và phần hồn của mình ra sao, khi mình không còn là mình bình thường như ngày hôm qua nữa? Có lẽ chúng ta mỗi người sẽ tự đặt ra một công án như vậy để giải quyết chuyện sinh tử này qua câu Phật hiệu A Di Đà, để từ đó chúng ta sẽ có một niềm tin dõng mãnh hơn so với từ lực của đức Phật Vô Lượng Quang và sự linh nghiệm của câu “hữu cầu tắc ứng” đối với đức Phật Vô Lượng Thọ vẫn đang đứng đó để chờ tiếp dẫn chúng ta.
Viết xong vào ngày 1 tháng 8 năm 2012 tại Birmingham, Anh quốc
nhân khóa Tu học Phật pháp Âu Châu kỳ thứ 24 tại đây.