Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày tóm tắt nội dung của bài kinh Ganaka Moggallana và trình bày con đường tu tập tuần tự của một vị xuất gia để làm nỗi bật lên quan điểm của Đức Phật đối với sự chứng ngộ.
DẪN NHẬP
Đạo Phật ngay từ khi xuất hiện tại Ấn Độ đã để lại vô vàn những điều lợi ích. Từ khi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Nai (Migadaya) với bài pháp Tứ Thánh đế, cho năm anh em ông Kiều Trần Như, đó là mốc son lịch sử khởi đầu cho công cuộc hoằng dương chánh pháp của Ngài và Tam bảo được hình thành từ đó. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đạo Phật vẫn tồn tại cho đến hôm nay và đã lan truyền qua nhiều nước trên thế giới. Có những giai đoạn đạo Phật cũng gặp những biến cố tang thương, nhiều lớp người đã xả bỏ tấm thân vô thường để mong cho chân lý của Đức Phật mãi trường tồn trên thế gian này.
Trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, ngài đã thuyết rất nhiều bài kinh, đã độ rất nhiều người, nhiều thành phần xã hội, đã trả lời chất vấn của biết bao ngoại đạo mà ngài vẫn vững lòng và không để lại một sơ hở nào. Với trí tuệ thấy biết như thật, ngài đã giúp cho thính chúng nhận chân ra được chân lý hiện hữu của cuộc sống thông qua những hình ảnh ẩn dụ, những ngôn từ xúc tích nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Chân lý ấy được ngài thuyết giảng, phân tích, giải thích một các tỷ mỷ từ đại cương cho đến chi tiết theo một tuần tự phù hợp với căn cơ và trình độ lĩnh hội của thính chúng. Như trong kinh Ganaka Moggallana, Đức Phật đã trả lời thắc mắc của Bà-la-môn Ganaka Moggallana về việc tu hành của các Tỳ kheo đệ tử Phật có tu tập theo quá trình tuần tự hay không, thì Phật đã không ngại ngần mà thuyết giảng cho ông biết, như một công trình xây dựng, như việc học bốn bộ Vệ-đà, như người học toán số, như người bắn cung… thì bước đường tu tập của một vị Sa môn muốn hướng đến thánh quả cũng phải có lộ trình như thế. Vậy tuần tự lộ trình tu tập ấy thế nào, người viết xin “Trình bày con đường tu học tuần tự trong kinh Ganaka Moggallana”để nói lên sự tu tập của một hành giả muốn hướng đến quả vị của bậc thánh, muốn thoát khỏi sự ràng buột của sanh tử luôn hồi và đạt đến trí tuệ vô lậu. Con đường tuần tự tu học ấy được Phật xác định một cách chắc chắn nếu hành giả thực hành đúng theo như vậy sẽ đi đến Niết bàn.
Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày tóm tắt nội dung của bài kinh Ganaka Moggallana và trình bày con đường tu tập tuần tự của một vị xuất gia để làm nổi bật lên quan điểm của Đức Phật đối với sự chứng ngộ. Con đường tu tập ấy được trình bày từ những dữ kiện trong kinh điển đề cập kết hợp sự giải thích và phân tích của Phật giúp cho người hành giả phân biệt được giáo pháp của Phật khác với giáo pháp của ngoại đạo. Với phương pháp nghiên cứu những tài liệu đã có sẵn, những bài viết cùng với giáo trình đã học trên lớp, người viết sẽ có những nhận định khách quan cũng như chủ quan để làm nổi bật nội dung của bài viết. Với kiến thức và kinh nghiệm ít ỏi, người viết hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức để mọi người hiểu hơn về đề tài này.
NỘI DUNG
1. TÓM TẮT BÀI KINH GANAKA MOGGALLANA
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Pubbarama, nơi lâu đài của Migaramatu (Đông Viên Lộc Mẫu Giảng đường). Bấy giờ Bà-la-môn Gananka Moggallana đi đến chỗ Thế Tôn. Ông ta hỏi về đạo lộ tu học tuần tự, Đức Phật trả lời về sáu giai đoạn điều phục của một người xuất gia.
Bà la môn Ganaka Moggallana hỏi Thế Tôn rằng: Ví như có một công trình xây dựng hoặc học tập bốn bộ Vệ đà, hay một nghề như Bắn cung, hoặc học môn Toán học… đều phải đi theo một tiến trình tuần tự từ thấp đến cao. Vậy, sự giảng dạy về giáo pháp của Thế Tôn có theo tuần tự nào không? Thế Tôn trả lời rằng có sự học tập tuần tự trong pháp và luật của ngài, như việc huấn luyện ngựa hay. Gồm có 6 giai đoạn điều phục một người:
1. Vị tỳ kheo được dạy, giữ gìn giới hạnh, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, thọ trì học tập các giới bổn.
2. Vị tỳ kheo được dạy, phải hộ trì các giác quan; khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngữi mùi,… không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến cho tham ái khởi lên, thì chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì giác quan và thực hành sự hộ trì các giác quan.
3. Vị tỳ kheo được dạy, hãy tiết độ trong ăn uống, quán chiếu sự ăn uống không phải để vui chơi, mê đắm hay để làm đẹp thân xác mà chỉ để thân này khỏi tổn hại, để giữ gìn phạm hạnh, ăn để trù cảm giác đói mà không sinh cảm thọ tham luyến, để không phạm lỗi lầm và sống yên ổn.
4. Vị tỳ kheo được huấn luyện, phải chú tâm tỉnh giác, ban ngày cũng như ban đêm, gột sạch các pháp chướng ngại ra khỏi tâm ý trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi.
5. Vị tỳ kheo được dạy, phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác trong mọi động tác của mình, khi đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nhai, nuốt, co, duỗi tay chân…
6. Vị tỳ kheo được huấn luyện, ngồi thiền ở một nơi thanh vắng, kiết già lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, gột sạch năm triền cái, chứng từ sơ thiền cho đến tứ thiền.
Đức Phật kết luận đó là sự giảng dạy của ngài cho các tỳ kheo còn lại ở giai đoạn hữu học, tâm chưa thành tựu. Còn các tỳ kheo đã chứng quả A la hán thì những pháp ấy đem lại hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.
Bà la môn hỏi rằng, khi được dạy dỗ như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả các tỳ kheo đều chứng quả không hay chỉ có một số chứng được?
Phật dạy rằng, chỉ có một số chứng được, một số thì không chứng được.
Bà la môn hỏi rằng, vì sao có mặt Niết bàn, có mặt con đường đưa đến Niết bàn, có mặt người chỉ đường là Đức Phật, mà có số chứng, số khác thì không?
Đức Thế Tôn lấy ví dụ, có cái thành Vương Xá, có con đường đi đến thành và có người chỉ đường rành rẽ mà có người đến nơi, có người lại không đến nơi được. Đó không phải lỗi của người chỉ đường.
Khi được nghe Thế Tôn nói như vậy, Bà la môn Ganaka Moggallana tán thán lời dạy của Thế Tôn là cao nhất trong những lời dạy của lục sư ngoại đạo. Ông xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và chúng tỳ kheo từ đây cho đến khi mạng chung.
2. CON ĐƯỜNG TU HỌC TUẦN TỰ CỦA NGƯỜI XUẤT GIA TRONG KINH GANAKA MOGGALLANA
Đó là sáu giai đoạn tuần tự trong việc tu học của một người xuất gia:
2.1. Giữ gìn giới hạnh
- Bước đầu tiên của người xuất gia muốn hướng đến lộ trình giải thoát là phải sống phòng hộ với giới bổn. Sở dĩ đạo Phật được quảng bá trên thế gian được lâu dài không chỉ nhờ vào kho tàng kinh điển đồ sộ mà còn nhờ vào tinh thần giới bổn. Chính giới bổn đã làm cho đạo Phật khác với tôn giáo khác. Giới luật được xem là thức ăn, nước uống để bổ dưỡng cho pháp thân. Giới luật như tròng con mắt của chính mình nên hãy thận trọng giữ gìn, như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát giới có câu:
“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tăm tối
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp”.
Giới luật được xem là quan trọng hàng đầu của Phật giáo: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn; Giới luật mất là Phật pháp mất”. Phật giáo là “chân lý thực tại”, mà cốt lõi chính là đạo đức và giới luật làm nền tảng. Khi Phật còn tại thế, ngài chế giới là để ngăn ngừa sự bại hoại của tăng đoàn. Khi ngài sắp nhập diệt, ngài dạy các đệ tử đời sau nên lấy giới luật làm thầy. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giới là gốc của vô thượng bồ đề”, tinh thần căn bản của Phật giáo là ở sự tôn nghiêm của giới luật”.Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy rằng: “Tất cả các ma vương ngoại đạo, không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt”. “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử mà thôi”.
Đời sống của người tu hành khác với một người thế gian là biết lấy giới luật làm lẽ sống. Tùy theo căn cơ tu hành và sự gia nhập tăng đoàn sớm hay muộn mà nhận lãnh giới pháp để thọ trì, đây cũng là một trong Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ mà Đức Phật đã dạy trong đó giới là đứng đầu. Một người xuất gia mà không giữ giới thì không còn là người xuất gia nữa. Sở dĩ người xuất gia khác với người thế gian là có giữ gìn giới hạnh, đây là rào cản để ngăn ngừa những ác nghiệp có thể xảy ra làm ngăn trở thánh đạo.
Giới luật cũng là nền tảng để phát triển của Phật giáo. Do vậy Tăng đoàn phải là nơi tôn nghiêm và trong sạch, nếu không như thế sẽ gây mất niềm tin nơi Phật tử và giáo chúng, đạo Phật sẽ không thể tồn tại và phát triển trong điều kiện như vậy được. Thử nghĩ xem một tập thể mà không có những quy định, những điều luật thì tập thể đó có tôn ty trật tự không nhỉ, hay một tổ chức xã hội mà không có những nội quy thì tổ chức ấy sẽ sớm tan rã. Một đất nước nếu không có pháp luật thì đất nước đó sẽ loạn vì những tội ác, tệ nạn xã hội, sự băng hoại đạo đức một cách lệch chuẩn. Cũng vậy, tăng đoàn là cũng là một tổ chức, một xã hội với nhiều người bao gồm nhiều thành phần, giai cấp, trình độ học vấn, văn hóa, cũng như những thói quen, những quan điểm sống khác nhau vì thế mà việc giữ gìn những điều quy định thông qua giới bổn là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc áp dụng giới luật, cũng phải linh hoạt và tùy duyên, chính điều này đã làm cho giới luật Phật giáo ngày càng được hoàn thiện và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử. Phật đã cẩn thận căn dặn: "Này các Tỳ kheo, tuy là những điều do Ta chế định, nhưng nếu không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đó, thì không nên áp dụng. Trái lại, có những điều không do Ta quy định, nhưng vốn là phong tục tập quán của địa phương ấy thì không thể không thi hành"[1]. Rồi Đức Phật bổ túc: "Tỳ kheo khi làm việc gì, nên đem đối chiếu với kinh, luật, nếu việc làm đó phù hợp với tinh thần của kinh, luật thì hãy làm. Ngược lại, nếu việc làm đó trái với tinh thần của kinh, luật, thì không nên làm".[2]
Giới luật Phật giáo làm cho con người giải thoát tất cả mọi ràng buộc ở đời cũng như cải tạo những hành vi bất thiện mà con người gây ra trong xã hội. Tinh thần của Phật giáo là "Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên". Có thể linh động áp dụng giới luật sao cho tốt nhất để đạt đến mục đích giải thoát, nhưng phải thận trọng trong việc đề xuất những quy định mới, và nhất là không nên tùy tiện sửa đổi giới luật của Phật. Chính sự linh hoạt này đã góp phần vào việc phát triển đạo Phật, vì nếu không linh hoạt, không thay đổi để phù hợp với sự phát triển và thay đổi của xã hội thì đạo Phật cũng không thể tồn tại và phát triển được.
Một người xuất gia không những hộ trì giới bổn mà còn phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh là trang nghiêm tự thân, kính trên nhường dưới, từ ái với mọi người. Vì Tăng Ni chính là đoàn thể tiêu biểu cho ý nghĩa thanh tịnh, luôn nêu cao tác phong đạo đức của người xuất gia, xứng đáng là mô phạm của mọi người, bậc gương mẫu của bốn chúng, hướng đến giải thoát sanh tử. Bước đầu xuất gia học đạo, tâm ý Tăng Ni rất thành kính mạnh mẽ và cao thượng nên được thầy thâu nhận, cho tập sự, dạy bảo rất chân tình. Đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, thưa hỏi, xá chào, ăn uống, ngủ nghỉ đều trong qui củ của thiền môn.
Thân khi đi luôn ngay thẳng, mắt chẳng ngó liếc hai bên, ung dung tự tại. Đứng thì trang nghiêm, chân không kiểng, bên cao, bên thấp, tay không chống nạnh. Ngồi lưng thẳng, đầu ngay không chồm phía trước, ngữa phía sau, không ngồi bó gối, không gác chéo, gác ngang, gác lên bàn, cũng không nương tựa bất cứ nơi nào. Nằm theo thế kiết tường, nghiêng bên phải, luôn không sái thời. Khẩu không nói vọng ngữ, thêu dệt dù một việc rất nhỏ, không chưa nói đã cười hoặc vừa nói vừa cười, luôn nói lời hòa nhã từ tốn với mọi người, nói lời đúng như chánh pháp khiến cho mọi người kính tin Tam Bảo, phát nguyện tu trì. Ý thường thấy lỗi mình - không thấy lỗi người, không khinh người sơ tâm học đạo. Vì luôn luôn có chánh niệm.
Do sống trong tòng lâm, tự viện, nương với đại chúng, mọi sinh hoạt đều theo thiền môn thanh quy mà hành sự. Ban chức sự, thanh chúng giờ nào việc đó, ai có bổn phận nấy. Sống trong đại chúng, thân cận với bậc minh sư theo thiện tri thức nhắc nhở Tăng Ni giữ gìn giới luật đã thọ, tôn trọng thanh quy giúp ích cho Tăng Ni chúng ta tăng trưởng đạo hạnh trang nghiêm, oai nghi tế hạnh được vẹn toàn. Trong khế hợp với chân như, ngoài hiển bày được phạm hạnh của người xuất gia.[3]
Ngày tháng qua mau nếu phạm hạnh không tròn, một khi mất thân người rồi thì bị đọa lạc trong chốn tam đồ muôn kiếp khó được lại, người xuất gia hãy nỗ lực tinh cần hạ thủ công phu thì oai nghi, tế hạnh tự hiển bày, tâm luôn an trụ trong chánh niệm mới mong có ngày giác ngộ giải thoát. Không những thế, người hành giả còn phải thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, không thấy lỗi nhỏ thì sẽ hệ lụy đến đức lớn. Những lỗi nhỏ chính là những nguyên nhân gây tạo nghiệp và chính nghiệp đã dẫn dắt chúng sanh đến luân hồi. Người xuất gia muốn thoát khỏi luân hồi thì phải tránh tạo nghiệp mà muốn tránh tạo nghiệp thì phải cẩn thận với những lỗi nhỏ. Nói đi cũng phải nói lại, vì ta còn là phàm phu những lỗi lớn thì dễ thấy còn những lỗi nhỏ, vi tế khó có thể mà thấy được, tuy nhiên nếu tránh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Người xuất gia không nên nhìn lỗi của người khác mà từng giờ từng phút phải luôn thấy được những lỗi nhỏ nhặt của mình để hoàn thiện bản thân. Tu có nghĩa là sửa đổi những gì chưa tốt thành tốt, những gì chưa hoàn thiện thành hoàn thiện nên phải chú ý đến các lỗi nhỏ của mình để mà sửa đổi, để mà hoàn thiện tự thân. Nếu không cẩn thận trong những lỗi nhỏ sẽ ảnh hưởng đến đức lớn, nếu đức lớn bị tổn thì con đường thánh đạo bị dừng lại không thể tiến xa hơn được.
Người hành giả muốn tiến tu trên đường thiền định trước hết tâm phải thuần thiện sau đó mới nói đến tâm thuần định, chính vì vậy mà sự hộ giữ gìn giới luật, oai nghi tế hạnh và sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ sẽ làm cho tâm thuần thiện để hướng đến sự định tâm. Đây là bước đầu mà cũng là bước quan trọng trong tiến trình tuần tự tu tập của người xuất gia, nếu bỏ qua bước này thì hành giả sẽ không có nền tảng để đi qua những tuần tự khác được và sự tu hành xem như là vô nghĩa.
2.2. Hộ trì các giác quan
Đây là bước tiếp theo rất đặc biệt, kiểm soát các giác quan, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngữi mùi, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Trong Tăng Chi Bộ kinh, phẩm Đáng được cung kính, Đức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng …..khi mũi ngửi hương….khi lưỡi nếm vị…..khi thân xúc chạm…..khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.”[4]
Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu không hộ trì thì tham sân si, ác nghiệp được tạo ra nhưng nếu có chánh niệm tỉnh giác, không nắm bắt, không chạy theo thì ba nghiệp được thanh tịnh. Các giác quan khao khát thức ăn, mắt thấy sắc đẹp thì ưa thích, tai nghe tiếng hay mới thỏa mãn,.. thân xúc chạm những vật trơn láng thì dễ chịu, tham đắm… sự kiếm tìm hạnh phúc trong những giác quan, dục lạc là không bao giờ có bờ mé. Tâm thức con người mê đắm, hưởng thụ hay ghét bỏ, nhàm chán là vì sự dụng công của các giác quan do các căn tiếp xúc với trần cảnh mà tạo nên. Sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà tạo ra sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đối với Phật giáo phát triển thì có thêm Mạc na thức và A lại da thức và hai thức này được đề cao trong những hoạt động về ý của con người. Những lưu trữ và tiềm tàng trong tâm thức của những ý niệm xấu dễ xuất hiện khi gặp cảnh và con người bị cuốn theo những thói quen tật xấu mà tâm thức đã hằn chất chứa, nuôi dưỡng.
Có nhiều người không hộ trì được các giác quan còn tham muốn dục vọng thì không thể tiến trên đường đạo. Con mắt thả lỏng tạo nên tham ái trong tâm, tai nghe tiếng hay dễ đắm nhiễm, và các căn khác cũng vậy, cho nên phải hộ trì các căn để không phải tham đắm về sắc, thanh, hương, vị , xúc, pháp. Phải nhớ rằng hộ trì các giác quan chứ không đóng kín các giác quan. Ta vẫn sống trong cuộc đời với đầy đủ sắc màu, vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ nhưng thực sự làm chủ để không vướng mắc vào nó. Thương hay ghét, thích và không thích cũng đều bị kẹt giữa hai khái niệm ấy. Sự an nhiên hay các căn được hộ trì là ở chỗ vượt lên sự thấy biết theo nghiệp bình thường để thấy biết với tâm chánh niệm tỉnh giác. Chính tâm “trú xả”, buông bỏ, không dính mắc khi đối duyên xúc cảnh là tác nhân chính yếu để hình thành nhân cách của bậc thánh. Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu chỉ cần hộ trì vững chãi sáu căn. Khi sáu căn được hộ trì, nghiệp mới được đoạn giảm, phước đức càng tăng thêm, không chỉ xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử mà còn là cơ sở để người xuất gia bước lên những thánh vị, đạt được giải thoát và an lạc không chỉ trong đời này mà cho cả đời sau.[5]
2.3. Tiết độ trong ăn uống
Ai cũng tưởng ăn uống là chuyện nhỏ nhưng đâu biết rằng đây lại là vấn đề quan trọng và là tiến trình thứ ba trong lộ trình thánh đạo. Người thế gian ăn uống không tiết độ, miễn sao họ thích ăn thì tìm đủ mọi cách để ăn. Sự tham ăn dẫn đến ác nghiệp như sát hại chúng sanh để ăn thịt, đâu biết rằng luân hồi nghiệp báo phải trả quả, ân oán tương báo, chiến tranh diễn ra lại kêu than trời đất mà đâu biết rằng chính nghiệp lực con người đã tạo ra từ hậu quả sát sanh để ăn. Chính vì Đức Phật nhìn được điều này nên mới dạy cho đệ tử của mình biết tiết độ trong ăn uống. Thời Phật còn tại thế, xã hội Ấn Độ còn nghèo, ngài và tăng đoàn đi khất thực ai cho gì ăn đó và chỉ ăn một bữa trước giờ ngọ. Ngày nay xã hội phát triển hơn, tăng chúng được ở trong các tự viện, có Phật tử cúng dường nên không còn phải cực khổ khất thực nữa. Vả lại cũng theo thời đại, chư tăng bây giờ không chỉ có việc tu hành, bái sám như trước mà còn những công tác Phật sự, những công việc xãhội, học hành, lao động chấp tác… nên được ăn ít nhất là hai bữa và phải ăn chay. Tuy nhiên còn có những hệ phái theo truyền thống nguyên thủy thì có gì ăn đó. Việc ăn uống như thế nào không quan trọng tùy theo mỗi hệ phái mà việc biết tiết độ trong ăn uống mới là quan trọng. Ăn uống đầy đủ dư thừa quá dục vọng sẽ cao, làm cho ngũ ấm xí thạnh, không điều hòa được thân tâm, không quân bình được âm dương gây ra những chứng bệnh. “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”nghĩa là: tai họa từ miệng mà ra và bệnh tật từ miệng mà vào. Ý nói tai họa do không cẩn thận từ trong những lời nói và bệnh tật là do không biết tiết độ trong ăn uống mà nên.
Trong tứ sự cúng dường của người xuất gia có một điều đó là sự nhận thức ăn cúng dường của thí chủ. Phải nghĩ rằng khi ta ăn một bữa ăn ngon thì đàn việt càng vất vả hơn trăm ngàn lần. Vì vậy ta phải biết chế ngự thân tâm, chỉ cần có cơm ăn để giữ gìn tấm thân này mà làm phương tiện qua sông. Lạc thú của sự ăn uống rất mạnh, nó sẽ cuốn ta vào sự tham đắm nếu ta không cẩn trọng về. Ăn nhiều cũng dễ phát sinh nhiều bệnh, dần gian có câu: “Vòng bụng to ra, vòng đời ngắn lại”, có tưởng ăn nhiều là khỏe nhưng không ngờ ăn nhiều sẽ sinh ra các chứng bệnh như béo phì, nhiều mỡ, thân thể mập mạp làm gì cũng chậm chập, huyết áp tăng cao, v.v…
Ðối với việc ăn uống, người xuất gia phải tiết độ. Nghĩa là phải ăn uống có chừng mực, vừa đủ không tham thích món ngon vật lạ. Phải luôn luôn xét nghĩ: ăn uống để duy trì mạng sống, tiến tu đạo nghiệp chứ không phải vì để ngon miệng béo thân. Hằng xét nét như vậy để dứt trừ các cảm thọ yêu thích mùi vị. Câu chuyện Đức Phật nói với vua Pasenadi khi ông ăn nhiều làm cho ông khó chịu sau mỗi khi ăn xong và khó ngủ. Ngài dạy: “Này Ðại vương! Ăn uống quá độ thường mang lại sự khổ nhọc.”Rồi ngài nói lên bài kệ:
“Người ưa ngủ, ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi.”
Đức Phật dạy tiếp: “Ðại vương, cần phải giữ tiết độ khi ăn uống. Đó là điều tốt.”Ngài nói tiếp câu kệ:
“Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.”
Từ đó Vua Pasenadi trước khi ăn thường gọi cháu mình là vương tử Sudassana đọc bài kệ mà Đức Phật nói để nhắc nhở vua. Nhờ được nhắc nhở, vua Pasenadi tuần tự hạn chế sự ăn uống, cho đến khi chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika (một chén cơm). Sau một thời gian, thân thể nhà vua được khỏe mạnh, nhà vua tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: "Ôi, Đức Thế Tôn thật sự thương tưởng, nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!"
Với người tại gia còn phải biết tiết độ trong ăn uống để có được sự khỏe mạnh còn người xuất gia đang tu tập phạm hạnh cũng như sự giải thoát thoát thì còn phải biết tiết độ hơn nữa. Đừng để việc ăn uống làm mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mà nên để nhiều thời gian vào việc tu học, nghiên cứu. Tiết độ trong ăn uống là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe và tăng trưởng khả năng tâm linh trên bước đường tu tập đạo giác ngộ.
4. Chú tâm cảnh giác
Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy chú tâm cảnh giác! Ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp”
Người xuất gia ban ngày khi kinh hành, ngồi thiền phải luôn chú tâm tỉnh giác, gọt sạch các chướng ngại trong tâm ý, như một kiếm khách lão luyện thấy được sự nguy hiểm khi kẻ thù vây quanh. Kẻ thù ở đây là các bất thiện pháp, các chướng ngại pháp hiện hữu trong tâm làm tâm bị phiền não. Ban đêm lúc đầu hôm đi kinh hành hoặc ngồi gội sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp, nghĩa là giữ tâm vắng lặng không để một pháp bất thiện xen vào, không cho vọng tưởng khuấy nhiễu. Giữa đêm nằm nghỉ đúng pháp của Như Lai, cuối đêm thức dậy kinh hành và hằng tỉnh giác, để xa lìa mọi pháp chướng ngại, có nghĩa là trú dạ lục thời đều phải tỉnh giác, an trú trong hiện tại từng phút từng giây luôn thấy rõ tâm mình.
Đây là một phương pháp tu tập tâm ly dục ly ác pháp, vì dục và ác pháp làm cho tâm chúng ta thường chướng ngại và khổ đau. Thời gian tu tập ở đây Đức Phật xác định rõ ràng ban ngày và ban đêm canh đầu, canh giữa và canh cuối tu tập như thế nào, khi đi, khi ngồi, khi nằm. Như vậy những lời dạy trên đây giúp cho chúng ta không lầm pháp của Phật và pháp môn của ngoại đạo và giáo pháp của ngoại đạo tu hành không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Ban ngày khi đi kinh hành biết mình đi, chú ý vào tâm mình, quan sát thấy tâm mình có chướng ngại nào thì tẩy sạch ra khỏi tâm. Cũng như khi ngồi chỉ theo dõi tâm mình khi thấy có chướng ngại pháp gì thì cũng tác ý tẩy sạch chúng. Và như vậy sự tu tập theo Phật giáo với giai đoạn này chỉ có một việc làm duy nhất là tẩy sạch mọi chướng ngại trong tâm của mình, không để một phút giây nào tâm có chướng ngại, luôn luôn lúc nào cũng phải giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là một điều duy nhất để bảo vệ chân lí giải thoát vô lậu của Phật giáo.
Nhờ tẩy sạch các chướng ngại pháp trong tâm nên mới thực hiện đạo đức làm người làm thánh sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Điều này vừa đem đến cho mình một thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự vừa đem đến cho xã hội một trật tự an ninh, phồn vinh và hạnh phúc, nếu ai cũng biết gạn lọc những điều bất thiện trong tâm mình.
Phật còn dạy người xuất gia ban đêm “nằm nghiêng chánh niệm tỉnh giác”có nghĩa là nằm nghỉ ngơi, chứ không được ngủ, vì ngủ thì không còn chánh niệm tỉnh giác, nương vào hơi thở ra vô thường tác ý nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.”Tác ý xong rồi im lặng nhìn hơi thở ra biết hơi ra, hơi thở vô, biết hơi thở ra vô, nhưng không nên vận dụng hơi thở dài ngắn chỉ thở hơi thở bình thường. Nhờ nương vào hơi thở mà tâm tỉnh thức. Ở đây ta phải hiểu chánh niệm là niệm hơi thở, còn tu cao hơn nữa thì chánh niệm là tâm bất động thanh thản, an lạc và vô có những ý nghĩ trong tâm. Bài pháp này đức Phật dạy chánh niệm tỉnh giác là tỉnh giác nơi tâm bất động, thanh thản, an lạc và không ý nghĩ, chứ không phải hơi thở. Tâm luôn phải nghĩ đến thức dậy, không nên ham ngủ. Đó là lời dạy bảo rất cận thận của Phật, ta phải nhớ lời dạy này không được quên.
Khi nằm nghiêng nghỉ ngơi trong chánh niệm tỉnh giác thì phải luôn nghĩ đến thức dậy, chứ không được lười biếng nằm ráng. Hễ thấy hết mỏi mệt thì nên thức dậy ngay liền để tu tập rèn luyện tẩy trừ tâm khỏi các chướng ngại pháp tức là ly dục ly ác pháp. Nếu người nào siêng năng tu tập như vậy thì việc chứng đạo không còn khó khăn mệt nhọc. Trước khi nằm ngủ phải tác ý nhắc tâm tỉnh thức rồi mới nằm nghỉ ngơi chứ không được ngủ. Ngủ là một trạng thái si mê cần nên phải cảnh giác khi nằm xuống không được nằm xuống là ngủ ngay liền, phải nhớ lời Phật dạy: “phải luôn luôn thức dậy”. Ban đêm canh cuối tức là buổi khuya phải thức dậy đi kinh hành, nếu không buồn ngủ thì ngồi tu tập xả tâm tẩy sạch tâm tư những chướng ngại pháp, nếu buồn ngủ thì, luôn luôn phải siêng năng đi kinh hành chứ không được ngồi. Ngồi thì lười biếng ham ngủ, và ngồi thì bị gục hôn trầm thùy miên tới tấp làm ta si mê lạc lối.
Đây là phương pháp tu tập tâm vô lậu thật tuyệt vời đem đến lợi ích, nên người xuất gia phải nỗ lực tu tập để cứu mình ra khỏi mọi sự khổ đau nhất là sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.[6]
5. Chánh niệm tỉnh giác
Phật dạy: “Một vị Tỷ kheo đã thành tựu về chánh niệm tỉnh giác? Ở đây vị Tỷ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y, bình bát đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, đứng lặng đều tỉnh giác. Như thế đó, một vị Tỷ kheo đã thành tựu chánh niệm tỉnh giác”.
Sau khi chú tâm vào tỉnh giác, Phật dạy chúng ta phải thành tựu "chánh niệm tỉnh giác". Nghĩa là đối với mọi động tác hằng ngày phải nhiếp tâm trong chánh niệm. Khi đi biết mình đang đi, khi đứng biết mình đang đứng, khi ăn cơm biết mình đang ăn cơm, khi rửa bát biết mình đang rửa bát v.v... không xen một niệm khác. Nghĩa là biết rõ mình từng phút giây không một niệm lãng quên.
Khi thành tựu "chánh niệm tỉnh giác". Phật dạy người tu tập phải xa lìa năm món "triền cái" hằng che đậy tâm tánh, trí tuệ do đó mà không tăng trưởng được. Năm triền cái là: tham dục (tham mê ngũ dục), sân hận (giận tức, buồn phiền), thùy miên (ngủ nghỉ, lười biếng), trạo hối (xao xuyến và hối hận), nghi (nghi ngờ, do dự đối với chánh pháp) và dứt bỏ lòng tham ưu thế gian, khởi tâm đại bi thương xót tất cả chúng hữu tình. Ðã dứt "năm triền cái"xong, Phật dạy chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục. Nghĩa là đối với hoàn cảnh phải nhẫn chịu mọi sự lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, rắn, rết... cho đến kham nhẫn mọi tiếng dèm pha mắng chửi... tức là đối với tự thân phải nhẫn chịu mọi thứ đau đớn thống khổ bức bách, gội sạch uế nhiễm, tham, sân, si. Phương pháp thực hành Phật dạy trên gọi là "chánh hạnh", nó phù hợp với chánh pháp "bát chánh đạo" là con đường ly dục tịch tịnh an lạc giải thoát. Vì thế người muốn đạt đến quả vị Niết Bàn phải ngay nơi đây mà thực hành, khỏi phải tìm kiếm con đường nào khác nữa.
Mọi động tác của mình luôn phải chánh niệm tỉnh giác, nếu không có chú tâm tỉnh giác thì không có chánh niệm tỉnh giác, nếu chú tâm tỉnh giác thuần thục thì chánh niệm tỉnh giác có mặt. Một vị tỳ kheo phải chánh niệm trong từng cử chỉ, từng hành động, khi đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, dũi tay cho đến việc cầm y, mang bát đều phải luôn chú tâm, ý thức trong từng cử chỉ nhỏ nhặt. Đức Phật của chúng ta được ca ngợi với ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh vì trong tất cả các động tác cử chỉ chuyển động của ngài đều toát lên một vẻ giải thoát lạ lùng, không có động tác thừa, không có cử chỉ thô. Điều này đã khiến cho rất nhiều người khi nhìn thấy ngài mà tâm được thanh tịnh, phát tâm tu hành, dù lúc đó ngài chưa nói lên bài pháp nào. Còn chúng ta là người xuất gia vẫn chưa được như Phật cho đến sự chánh niệm tỉnh giác trong từng cử chỉ cũng chưa thể thành tựu bởi vì ta chưa thành tựu bước thứ tư là chú tâm chánh niệm, không có chú tâm chánh niệm thì không thể đạt được chánh niệm tỉnh giác.
Nếu ta không tu tập ba bước đầu để dọn dẹp khu vườn tâm của mình thì không thể đến các bước tiếp theo. Tại sao ta không thể nhiếp tâm được vì ta không giữ gìn giới bổn thanh tịnh, không thực hành đúng chánh hạnh, không thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt để tránh, không hộ trì các giác quan của mình, không biết tiết độ trong ăn uống nên chưa thể chú tâm tỉnh giác được huống chi là thành tựu chánh niệm tỉnh giác vì làn sóng dục vọng trong thân tâm ta còn quá lớn, nó ngăn trở tâm ta quá mạnh làm cho ta không thể đạt được chánh niệm tỉnh giác.
Làn sóng dục vọng có thể cuốn ta trôi lăn trong biển nghiệp lực và dễ bị vướng mắc vào những hệ lụy. Khi gặp đối tượng dễ thương thì tâm tham khởi lên, khi gặp đối tượng dễ ghét thì sân khởi lên, khi gặp đối tượng không dễ thương không dễ ghét thì si khởi lên. Đó là vì ta không có tuệ giác mà trong tâm chất chứa toàn là si mê. Tuệ giác và si mê trái ngược nhau, khi tuệ giác hiện hữu thì si không có mặt mà khi si mê có mặt thì tuệ giác không hiện hữu. Tuệ tâm nằm ở trong tâm của mình và si tâm cũng nằm ở trong tâm của mình. Tuệ hay si cũng do tâm ta tạo ra và ta nhận lại hậu quả của tâm mình đã gây tạo. Sự chánh niệm tỉnh giác làm cho tâm ta an tĩnh, gạn lọc các bất thiện pháp, tránh được sự tạo nghiệp. Sự tỉnh giác hiểu biết rõ ràng rằng các cảm xúc, tình cảm, tâm hay pháp là thiện hay bất thiện, để giúp chúng ta chuyển hóa những bất thiện pháp thành những thiện pháp, để từ đó nhận ra các thiện pháp phát triển thành thuần thiện mà tu tập cho đến thuần tịnh.
Thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết, không chỉ trong lúc hành thiền. Nếu không có chánh niệm ngoài giờ hành thiền, thì cũng không thể có chánh niệm trong lúc hành thiền, vì chúng đi đôi với nhau. Vì thế ta nên thực hành căn bản chánh niệm, đầu tiên này bằng cách quán sát thân, ý thức về những gì mình đang làm, dầu đó là đi, đứng, ngồi, nằm, ưỡn vai, cúi đầu... hay bất cứ điều gì.
Lợi ích của việc chánh niệm về thân là trong khi thực hành là giữ tâm được yên, không cho phép nó lăng xăng, thanh tịnh hóa về tâm, những phiền não ngay trong giây phút như bực bội, sân hận hay tham đắm được kiểm soát một cách gay gắt không cho chúng có điều kiện sanh khởi. Nếu thực hành được như thế, ta sẽ nhận thức được trong một thời gian ngắn sự có mặt của thanh tịnh, cũng như sự vắng mặt của bao tâm lý não phiền. Đây là bước quan trọng để tiến sâu vào con đường thiền định, khi tâm đã thuần thiện đến thuần tịnh thì mới có thể đạt các trạng thái của thiền.
6. An trú chánh niệm bằng thiền tọa
Phật dạy: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm.Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên; từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc; từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp.
Khi đoạn trừ năm triền cái ấy, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm trí tuệ yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.”
Vị Tỳ kheo ngồi thiền ở nơi thanh vắng, an trú chánh niệm trước mắt, đắc được các cấp độ, trạng thái của thiền. Đây là đỉnh cao của con đường tu tập vì trước đó vị Tỳ kheo đã giữ gìn giới hạnh, do nguyên nhân giữ gìn giới hạnh và kiểm soát được tâm vị phát sanh định qua sự tu tập thiền định. Từ giai đoạn một, hai, ba, bốn và năm đều là thành phần của giới luật. Năm cấp độ này một người hành giả cần phải xem trọng nó vì nếu không thành tựu năm cấp độ này thì không thể nào tiến cấp độ thứ sáu đó là thiền định. Thiền định là cấp độ cao nhất trong lộ trình tu tập qua sự thực hành chứ không phải là triết lý. Con đường Bát chánh đạo giúp cho hành giả có được một sự tu tập theo từng bước và bổ sung cho nhau, đó là sự thực tập trong chứ không phải nói trên lý thuyết. Đạo Phật đề cao sự thực hành và chỉ có sự thực hành mới kiểm nghiệm được chân lý mà Phật đã nói. Chân lý nếu không được kiểm nghiệm thì độ tin cậy của chân lý đó không xác thực.
Người hành giả phải thực hành phải kiểm nghiệm lời Phật dạy một cách thấu đáo thông qua việc tọa thiền. Khi năm triền cái vắng mặt thì vào sơ thiền với một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, vị ấy tiếp tục tu tập cho đến chứng và trú thiền thứ hai đến thiền thứ tư. Khi đã dứt được năm triền cái, vị ấy đối với hoàn cảnh phải nhẫn chịu mọi sự lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, rắn, rết... cho đến kham nhẫn mọi tiếng gièm pha mắng chửi... tức là đối với tự thân phải nhẫn chịu mọi thứ đau đớn thống khổ bức bách, gội sạch uế nhiễm, tham, sân, si. Phương pháp thực hành Phật dạy trên gọi là "chánh hạnh", nó phù hợp với chánh pháp "bát chánh đạo" là con đường ly dục tịch tịnh an lạc giải thoát. Vì thế người muốn đạt đến quả vị Niết Bàn phải ngay nơi đây mà thực hành, khỏi phải tìm kiếm con đường nào khác nữa.
Thành tựu thiền định là sự thành tựu về mặt giải thoát, đó là đỉnh cao của thánh chánh định và cần phải được duy trì trong đời sống hàng ngày . Nhiều người mang những trạng thái tâm tiêu cực nặng nề đến nỗi họ cảm thấy rất khó thay đổi, không thể chuyển hóa những điều bất thiện thành thiện, những tâm trạng hờn dỗi, ghen tỵ hay sân hận đưa đến những suy nghĩ bất thiện, thì không thể nào xâm nhập vào thiền định được.
Chánh niệm là sự thuần chú tâm không kèm theo phán đoán. Đó chính là sự tỉnh giác hiểu biểt rõ ràng rằng các cảm xúc, tình cảm, tâm hay pháp là thiện hay bất thiện, để giúp chúng ta chuyển hóa thân tâm. Mỗi người đều có khả năng hiểu biểt rõ ràng và có đủ trí tuệ để làm điều đó. Dĩ nhiên, ai cũng có tất cả những yếu điểm của một con người phàm phu, những yếu tố luôn mang đến sự bất hạnh, lo âu sân hận, phiền não, nhưng ta không cần phải bám giữ chúng vì chúng làm cho tâm ta bị vướng lụy. Với tâm tỉnh giác, ta có thể nhận ra điều này và bắt đầu hoán chuyển những điều bất thiện thành thiện, thực hành điều này khi hành thiền, rèn luyện để các suy nghĩ lăng xăng qua đi và đem sự chú tâm trở lại với đề mục thiền quán trong đời sống hàng ngày để biến chúng thành năng lượng để hóa độ chúng sanh.
Dấu hiệu chung của tất cả các dạng tu tập thiền định là sự hướng dẫn con người đạt một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như là một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động. Thiền sẽ dẫn hành giả đến một tâm trạng Bất nhị, nơi mà những ý nghĩ nhị nguyên được chuyển hóa; hành giả đạt sự thống nhất với cái tuyệt đối, những khái niệm về không gian và thời gian đều được chuyển biến thành cái hiện tại thường hằng, hành giả chứng ngộ được sự đồng nhất của thế giới hiện hữu và bản tính. Nếu kinh nghiệm này được trau dồi thâm sâu và hành giả áp dụng nó vào những hành động của cuộc sống hằng ngày thì đó chính là trạng thái mà tất cả những tôn giáo đều gọi chung là "Giải thoát".
Sự giải thoát của một hành giả không ngoài thực hành Tam vô lậu học mà Đức Phật đã dạy. Giới luật là những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho sự giải thoát mọi khổ đau, cắt đứt mọi tham ái ràng buộc. Người muốn hướng đến Sa môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này. Thân mạng của ta phải được thanh tịnh, phải hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác. “Nhơn giới sanh định, nhơn định phát tuệ”, muốn cầu được trí tuệ tất phải tu thiền định và trước hết phải giữ gìn giới luật. Nếu giới luật mà khiếm khuyết thì thiền định sẽ khó thành. Thiền định không thành thì trí tuệ cũng không do đâu mà phát sinh. Bởi thế, Tam vô lậu học là pháp môn căn bản của người học Phật, cũng như chiếc đỉnh ba chân, thiếu một chân thì không thể đứng được. Cũng vậy trên đường đi đến giải thoát, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên đạo quả sẽ khó thành tựu được.
Mặc dù có mặt của Niết bàn, có con đường đi đến Niết bàn, có người dẫn đường tận tình nhưng có người đến được Niết bàn có người thì không, đó không phải do người chỉ đường mà do người đi đã không đi đúng con đường mà người chỉ đường đã hướng dẫn. Cũng vậy, Đức Phật chỉ là người dẫn đường thôi, còn ta là người đi đường có đi đến Niết bàn hay không chuyện ấy phụ thuộc ở ta chứ Phật không có lỗi. Qua bài kinh Đức Phật kết luận rằng sự giảng dạy của ngài đối với các vị tỳ kheo hữu học, còn những vị Tỳ kheo đã chứng quả A la hán rồi là hiện tại lạc trú, không còn tái sanh, luân hồi nữa.
KẾT LUẬN
Cuộc sống con người với vô vàng phiền não, hệ lụy trói cuộc, những rào cản ngăn trở con người hướng đến sự thánh thiện, thì giáo pháp của Đức Phật đã đưa con người thoát khỏi những phiền não, hệ lụy ấy. Với con đường tu tập tuần tự theo một tiến trình hợp lý giúp người tu hành có hướng đi đúng đắn hơn. Không ai trong chúng ta đầy đủ trí tuệ, đầy đủ sáng suốt để vạch ra cho mình một con đường tu tập nên phải nương theo những lời dạy của Phật một cách tuyệt đối mới mong đi đến đích mà ta đã hướng. Vì Phật với trí tuệ siêu việt của một bậc giáo ngộ, thấy biết như thật, nên có lòng thương tưởng đến chúng sanh mà chỉ ra lộ trình tu tập để giải thoát. Nếu ta ngạo mạn tự cho mình đã thông minh, biết được đường đi nước bước mà tự mình đi thì có khi không đi được đến đích mà còn lại gặp phải những nguy hiểm khó lường.
Cũng tương tự như những nghề nghiệp của thế gian phải học theo một trình tự từ thấp đến cao thì con đường tu tập cũng thế. Đừng ai nóng vội bỏ qua các bước tạo nên nền tảng mà bước các bước tiếp theo. Khi chưa biết đi thì không nên chạy, thà chậm mà chắc còn hơn vội vàng mà lỡ việc. Điều may mắn cho một người xuất gia là đệ tử của Đức Phật, một bậc Đạo Sư đúng nghĩa đã chỉ đường cặn kẽ cho ta đi. Tuy nhiền Phật chỉ là người chỉ đường, không thể cầm tay ta để dắt đi, ta đủ lớn để có thể tự mình đi trên đạo lộ đó theo sự chỉ bảo của ngài. Đến được con người đó hay không tùy vào ý chí quyết tâm của mỗi người và sự thực hành đúng lời dạy bảo của Phật, nếu không như thế thì con đường phía sẽ còn rất xa mà không biết hướng đi về đâu. Hơn bao giờ hết ta cứ đi tuần tự từ bước một nhưng đi cho đúng rồi đường đến Niết bàn cũng sẽ đến trong một kiếp nào đó không xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Đại tạng kinh Việt Nam, Trung Bộ kinh II, Kinh Ganaka Moggallana, Viện nghiên cứu Phật học ấn hành năm 1999.
2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ kinh III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính, Viện nghiên cứu Phật học ấn hành năm 1996.
3. Phật Học Khái Luận, TT. Thích Chơn Thiện - Ban GD Tăng Ni ấn hành 1993
4. Ni sư Trí Hải, Toát yếu kinh Trung Bộ III, http://daitangkinhvietnam.org
5. Thích Quảng Tánh, Lời Phật dạy, Nhà xuất bản Tôn Giáo
6. Thích Thông Lạc, Thời khóa tu tập trong thời Đức Phật, http://daoduc.net
7. Hòa thượng Thích Đổng Minh – Thích Đức Thắng dịch, Tứ Phần luật, http://phatgiaovnn.com
8. Như Hiếu, Oai nghi – tế hạnh của người xuất gia, http://daophatngaynay.com
[1] Ngũ Phần luật, ĐTK.1421, tr.153a
[2] Tứ Phần Luật, ĐTK.1428, tr.970a
[3] Như Hiếu, Oai nghi – tế hạnh của người xuất gia, www.daophatngaynay.com
[4] (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính [1], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.9)
[5] Thích Quảng Tánh, Lời Phật dạy, kinh Ganaka Moggallana, Nxb Tôn Giáo
[6] Thích Thông Lạc, Thời khóa tu tập thời Đức Phật, http://daoduc.net/content/thoi-khoa-tu-tap-trong-thoi-duc-phat-4