Ngài Thần Tú là một trong những vị đệ tử lớn của ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Từ trước đến nay, khi nhắc đến ngài Thần Tú thì người ta thường nghĩ rằng, Ngài là một vị thiếu năng lực, không ra gì, không xứng đáng để được truyền tổ vị. Sự thực thì không hẳn như thế. Là người có lý trí, chúng ta nên tìm hiểu rõ vấn đề rồi mới đưa ra lời nhận định. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu trong các sử liệu và chịu khó suy ngẫm thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng, tuy ngài Thần Tú không được truyền tổ vị nhưng Ngài vẫn là một người rất vĩ đại. Ngài có rất nhiều điểm để cho hậu thế chúng ta học hỏi và rất đáng để chúng ta khát ngưỡng, kính phục.
Ngay từ khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn còn tại thế, ngài Thần Tú đã là một vị lãnh chúng, lãnh đạo cả một đồ chúng mấy trăm người và làm giáo thọ sư của họ. Trong đồ chúng tại Huỳnh Mai thời bấy giờ, ngài Thần Tú rất được mọi người kính nể. Chúng ta hãy đọc lại những dòng tâm sự của đồ chúng khi nghe Ngũ tổ bảo mọi người làm kệ để trình lên Ngài: “Tất cả chúng ta không cần phải lắng lòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi ích gì? Thượng tọa Thần Tú, hiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được. Chúng ta về sau y chỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ”. Như thế là tất cả mọi người đều đặt niềm tin vào ngài Thần Tú và muốn được nương vào Ngài để tu học. Ngài Thần Tú phải là một người rất có năng lực, lại có đạo hạnh nên mới được đại chúng kính nể như thế.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đọc lại những suy nghĩ của ngài Thần Tú đối với việc trình kệ: “Các người đều không trình kệ vì ta là Giáo thọ sư của họ, ta cần phải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệ thì Hòa thượng đâu biết được kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu? Ý ta trình kệ, cầu pháp thân thì tốt, cầu làm Tổ thì xấu; vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướp được ngôi vị Thánh không khác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rất khó! Rất khó!”. Ngài Thần Tú đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc trình kệ. Và Ngài đã trình kệ với tâm cầu pháp chứ không phải là để cầu tổ vị. Khi bài kệ của Ngài được Ngũ tổ truyền bảo đại chúng tụng đọc và nương theo đó mà tu tập để vượt thoát luân hồi sinh tử, Ngài cũng không vì thế mà sinh lòng tự kiêu. Lúc Ngũ tổ gọi Ngài đến hỏi: “Bài kệ viết trên vách có phải là của ông không?” Ngài thưa rằng: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa thượng từ bi xem đệ tử có chút ít trí tuệ chăng?” Ngài thật là khiêm tốn làm sao! Khi được Ngũ tổ chỉ điểm thì Ngài cung kính vâng lời và không hề có ý oán trách ai, chỉ tự hổ thẹn với lòng mình nên trong lòng hoảng hốt, bất an. Đấy là tâm niệm của một người đệ tử, một người học đạo. Rất đáng để cho hậu thế chúng ta noi theo. Ngày nay, mấy ai có được lòng khiêm tốn và tự trách lấy mình, tự hổ thẹn với chính mình như thế?
Về sau, khi Ngài biết ngài Huệ Năng đã được Ngũ tổ truyền trao y bát và trở thành vị tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa, Ngài vẫn không có tâm đố kỵ, ngược lại còn kính trọng và bội phục Ngài Huệ Năng. Đến khi cả hai Ngài đều ra hoằng hóa, mỗi Ngài nổi tiếng ở một phương, người đời gọi là Nam Năng, Bắc Tú. Về phía đồ đệ của ngài Thần Tú thì họ không cam lòng, họ chê ngài Huệ Năng là người thất học, không biết chữ, không có năng lực. Ngài Thần Tú khuyên rằng: “Kia (Tổ Huệ Năng) được trí vô sư, thâm ngộ được pháp thượng thừa, tôi không bằng vậy. Vả lại Thầy tôi là Ngũ Tổ, chính Ngài truyền y pháp, há lại suông ư? Tôi hận không thể đi xa để thân cận, luống thọ ân Quốc vương, vậy những người các ông không nên kẹt ở đây, nên đến Tào Khê tham hỏi.” Ngài Thần Tú quả thật là cao thượng! Ngài không hề có một mảy may đố kỵ với ngài Huệ Năng, Ngài thật lòng kính phục ngài Huệ Năng và rất tin tưởng vào sự sáng suốt của Thầy mình. Ngài tự biết khả năng của mình, tự biết điểm yếu kém của mình và luôn có tâm cầu học. Chỉ có những bậc thánh hiền mới có được tâm lượng như vậy. Và càng đáng để chúng ta kính phục hơn là sau đó Ngài đã bảo với đệ tử tên Chí Thành rằng: “Ông thông minh nhiều trí, nên vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp, nếu nghe được điều gì, hết lòng ghi lấy, trở về nói lại cho ta nghe.” Một người chưa chứng ngộ mà có tâm lượng như thế thì thật là hết lời để tán dương. Ngài đã làm một việc mà rất hiếm người làm Thầy nào có thể làm được. Ngài chẳng những không sợ mất thể diện mà còn vô cùng khiêm hạ. Mà thực ra Ngài làm thế thì mọi người càng kính phục Ngài bội phần.
Ngày nay, thật là ít có được những bậc thầy có tâm khiêm hạ, hoan hỷ cho học trò của mình đến cầu học với người khác để rồi có thể về chỉ bày lại cho mình. Phần lớn mọi người đều mang lòng tự cao và muốn giữ thể diện của mình, lúc nào cũng tự khen mình, chê người; chưa thoát ra được lòng bỉ ngã, chưa gạt được thói thường tình: “Kiến tha thắng sự, tâm sanh tật đố” (thấy sự thành tựu của người thì sanh lòng đố kỵ). Những điều đó còn chưa thoát ra được thì làm gì có chuyện hoan hỷ cho đệ tử của mình đến cầu học với người khác, huống nữa là cho học trò đi học với người khác rồi về chỉ bày lại cho mình.
Có một lần, ngài Thần Tú được vua Trung Tông đời nhà Đường thỉnh vào cung để cúng dường và để vua có thể hỏi đạo những khi vua rảnh việc. Ngài Thần Tú đã khiêm nhượng bảo với vua rằng: “Nam phương có ngài Huệ Năng là người mật thọ y pháp của Tổ Sư Hoằng Nhẫn, truyền tâm ấn của Phật, hoàng thượng nên thỉnh Ngài mà hỏi”. Trước một vị vua có uy quyền, trước bao vinh hoa phú quí và sự cung phụng tột bậc như thế mà ngài Thần Tú đã khiêm nhượng, lại còn hết lời ca ngợi và tiến cử ngài Huệ Năng với vua, điều đó cho chúng ta thấy được tâm lượng của Ngài. Ngài quả thật rất cao thượng, cao thượng vô cùng. Giả như đặt chúng ta vào trường hơp của ngài Thần Tú thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là chúng ta tự khen mình, tự nói tốt cho mình chứ không bao giờ có ý khiêm nhượng với người khác, dù cho người đó là ai.
Mặc dù ngài Thần Tú không có sự chứng đắc như ngài Huệ Năng, cũng không được kế thừa tổ vị, nhưng xét về phương diện nhân cách thì Ngài quả thật không kém gì ngài Huệ Năng. Ngài được vua quan cùng dân chúng thời bấy giờ kính phục và nương theo Ngài để tu tập. Tâm lượng và cung cách ứng xử của Ngài rất đáng để cho hậu thế chúng ta học tập. Chính vì lẽ đó mà chúng ta cũng không lấy làm lạ là mặc dù sức chứng ngộ của Ngài không được như ngài Huệ Năng, nhưng đạo tràng của Ngài không kém gì ngài Huệ Năng.
Tài liệu tham khảo:
1) Kinh Pháp bảo đàn giảng giải - HT. Thích Thanh Từ dịch - 1992.
2) Ngài Huệ Năng - Hòa Thượng Trí Quang.
Nguồn: Tập San Pháp Luân 21