Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đây ánh quang minh chiếu diệu.

08/04/201316:28(Xem: 5858)
Đây ánh quang minh chiếu diệu.
Sakya_Muni_14

ĐÂY ÁNH QUANG MINH CHIẾU DIỆU

Thích Tâm Tôn

Có một cuộc hành trình hùng tráng và vi diệu đã được thực hiện trong chính thế gian này mà lịch sử nhân loại đã đón chào và ghi nhận như một niềm tự hào về tư tưởng. Đây là một bản thiêng hùng ca hơn cả những sử thi huyền thoại vì mang giá trị thật hoàn toàn chứ không hề vẽ tô một chút sắc màu hư cấu. Đó chính là cuộc hành trình đi tìm nguồn sáng tâm linh của đức Phật.

Không như những khách lữ du phương hay những hành hiệp giang hồ ngoạn thủy du sơn, đức Phật thực hiện cuộc hành trình của Ngài mà không mang theo trong tay một thứ vật dụng hành trang hay một gang khí giới phòng thân, bởi vì cuộc hành trình đó được thực hiện nhằm chinh phục lấy cái thế giới nội tại nhiệm màu chứ không phải phiêu lưu với bầu trời ngoại tại . Thế nên, với Ngài chỉ cần có tư lương của ý chí hùng cường hướng tâm tầm cầu ánh sáng giác ngộ hoàn toàn là trọn vẹn.. Cái "hoài bão ước vọng giác ngộ”nơi Ngài không phải do biến cố thất bại trong kiếp sống của đời người, mà đó là lí tưởng đã được xác định bằng trí tuệ tuyệt vời hướng tới mục tiêu xuất ly vĩ đại sau những gì đã được kiểm nghiệm từ thực tế của cuộc đời với bát ngát tình thương và mật ngọt. Schopenhauer nhìn nhận rằng: “Một tôn giáo nếu lấy biến cố làm nền tảng và còn tự hào coi biến cố ấy làm thời trục cho thế giới và cho mọi hiện hữu, là một tôn giáo có một nền tảng quá mong manh, và sẽ không thể tồn tại được một khi con người đã bắt đầu biết suy tư đôi chút.”

Đức Phật là hiện thân của mật ngọt và tình thương giải thoát trong cuộc đời, điều đó cũng có nghĩa là khi nào và nơi đâu có sự hiện hữu của tình thương và mật ngọt thì khi ấy và nơi ấy có sự hiện hữu của Ngài. Đúng như lời của John Ruskin- nhà cách tân giáo dục xã hội Anh nói: “Chỉ có đời sống mới là thứ của cải giá trị nhất. Đời sống bao gồm các giá trị cuả yêu thương, của vui tươi và nhận thức.Nơi nào nuôi dưỡng được nhiều nhất những con người có tâm hồn cao quí và sung mãn thì nơi ấy giàu mạnh nhất. ”Đó chính là một phần sắc màu kì diệu được toả chiếu từ muôn ánh hào quang trong đêm thành đạo của đức Phật Thích Ca mà chúng ta cùng hướng đến trong niềm tôn kính vô tận này.

Điểm Sáng Bắt Đầu Từ Thánh Hạnh - Siddhattha.

Thực ra đức Phật không bao giờ có ý tưởng hướng đến một sự tôn vinh nào đó dành cho chính Ngài bằng những gì Ngài đã thực thi cho cuộc đời này. Và dù cho cuộc đời này có tận dụng hết mọi khả năng và phương cách để tôn vinh Ngài thì cũng không sao tô vẽ được một cách vẹn toàn những nét đẹp sâu thẳm ở nơi Ngài. Tất cả mọi ngôn ngữ đều là bế tắc, còn biểu tượng thì cũng không sao biểu hiện được đến chỗ tận cùng. Ở đây chỉ biết xin tạm mượn ngôn ngữ của khái niệm “ ánh sáng” để tôn vinh một phần thánh hạnh tuyệt vời với trí tuệ và tình thương bao la của đức Phật như muốn bày tỏ một niềm tôn kính Ngài trong đêm thành đạo vậy.

Các pháp của thế gian thì luôn phải chịu chi phối bởi những giới hạn của những phạm trù ước lượng, chỉ có duy nhất những gì được thành tựu nơi đức Phật mới vượt ra ngoài những kiến giải của nhị biên để biến hiện châu viên cùng khắp.“Mặc trời chiếu sáng ban ngày. Mặt trăng chiếu sáng ban đêm. Nhung giáp và gươm đao chói sáng khi nhà vua xung trận. Lúc thiền định, hào quang chư Phạm Thiên chiếu sáng. Nhưng đêm cũng như ngày, đức Phật sáng ngời với giới hạnh thanh cao”.(Kinh Pháp Cú)

Không phải không có căn cứ khi học giả H.G. Wells nhận định: “ Nơi đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị, có tâm đạo nhiệt thành, một mình phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi người chứ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong những truyền thuyết hoang đường…Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ và bất hạnh trong đời đều do lòng ích kỉ sanh ra. Trước khi có thể trở nên vắng lặng con người cần phải ngừng sống cho giác quan mình, nghĩa là cho chính mình.Từ đó vượt lên trên tất cả mọi người và sống cuộc đời của bậc siêu nhân.”

Phẩm chất của đức Phật trong suốt cuộc hành trình ở thế gian này là như thế. Ngài hiện hữu cũng như bao hiện hữu của những con người, có khác chăng là ở tánh đức của một thứ từ bi vô hạn. Nó xuất phát hình như tự uyên nguyên của trái tim không chỉ rung động trong phạm vi địa hạt của một con người mà còn thổn thức đến khôn cùng thế giới khổ đau của muôn loại và cũng không hề có một ý niệm phân biệt nào sanh khởi .Trái tim đó đã từng thông cảm và xót xa cho cả nỗi đau của chú Thiên nga gặp hoạn nạn: “Thiên Nga ơi! Con đã bị giam cầm trong đôi tay âu yếm của ta kể từ khi con bị nạn. Tuy được ta nâng niu nhưng làm sao được hưởng cái thú tiêu dao với muôn ngàn nước mây ngoài phương trời cao rộng. Hôm nay cánh con đã lành mạnh, giữa bầu trời quang tạnh gió thuận từ phương Bắc thổi về, ta thả con ra để con bay về rừng Hy-mã cùng đàn con sum họp.Ta gởi theo con đây một tấm lòng thương mến, con hãy về mách lại với đàn con rằng ở đây có một người nguyện sẽ đem cả cuộc đời ra bênh vực và cứu giúp những kẻ yếu hèn…” (Ánh Đạo Vàng).Và đó hình như không phải là một hứa hẹn trong cuộc hội ngộ tình cờ rồi quên lãng, mà đó lại là dấu ấn đã khắc tận vào sâu thẳm tâm tư mà rồi Ngài sẽ mang theo suốt cuộc hành trình đi tìm phương dược để xoa dịu đau thương.

Chỉ là một hoàng Thái Tử trẻ tuổi mà trong lòng luôn trĩu nặng những suy tư mà chưa một ai có thể trăn trở được như thế. Chỉ từ hình ảnh và những cảnh tượng diễn ra trong một buổi lễ Trạch Điền mà Ngài chứng kiến, bao trăn trở của tình thương vạn vật đã khơi dậy thật mênh mông như muốn nguyện mở lòng yêu thương đến cùng khắp: “Chao ôi! Bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã nhỏ trong chén cơm của người đi cày! Bao nhiêu sức lực của đôi bò chỉ đem ra để đổi lấy một nắm cỏ! Và khốc liệt thay, sự tương tàn giữa vạn vật sinh linh. Ôi! không lẽ chúng sanh lại cứ ăn thịt nhau mãi như vậy sao?”Nếu không phải là trái tim của Bồ Tát hiện thân, hay thánh hạnh siêu trần của một bậc xuất thế thì làm sao biết xót thương và thông cảm với nỗi khổ đau tột cùng của muôn loài đến như vậy. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật cũng bày tỏ: “Nỗi thống khổ của người cũng chính là nỗi thống khổ của ta, và niềm hạnh phúc của người cũng chính là niềm hạnh phúc của ta vậy.”

Những Plato, Socrates, hay Aristotle và nhiều nhà hiền triết khác, chỉ là những triết gia, những nhà tư tưởng và những nhà đi tìm chân lý; họ thiếu tình yêu thương cảm kích đối với nỗi khổ đau của nhân loại. Tất cả những triết gia, tâm lý gia, khoa học gia, nhà duy lý, những nhà cải cách xã hội, những tư tưởng gia vĩ đại và những vị đạo sư của các tôn giáo khác làm sao có thể so sánh được với sự vĩ đại của đức hạnh, tinh thần phục vụ, trí tuệ, lòng từ bi và sự giác ngộ nơi đức Phật.Chính vì vậy mà triết gia người Đan Mạch, ông Fausboll đã bày tỏ sự tôn kính đức Phật như sau: “Càng hiểu biết Ngài tôi càng quí mến Ngài.Càng quí mến, tôi càng hiểu biết Ngài.”

Còn gì hơn khi Siddhattha có quyền hưởng trọn một cung điện huy hoàng được dựng lên giữa trần gian thật nguy nga lộng lẫy để không thấy được những gì đang diễn ra ở cảnh ngoài thành’. “Khi vén rèm bước vào phía trong cung điện, người ta không còn nhớ nữa thời gian. Ở đây ngày đêm không phân biệt. Một thứ ánh sáng màu sữa chảy lai láng giữa những bức màn nhung tía, trên những đệm gấm có điểm từng chấm sao vàng, trên những mặt bàn có chạm ngà bóng loáng đặt những án lư trầm.Trầm hương bay đêm ngày hoà trong ánh sáng, tiếng đàn buông quấn quít khói hương bay. Những khay vàng được dâng đưa trên đôi bàn tay cẩn trọng và từng đĩa ngọc đơm những trái cây còn đọng lại sương mai.Những món giải khát hoà với tuyết đem về từ Hy-mã, đựng trong chén ngà bóng loáng tinh nguyên.Những điệu hát tình suốt đêm ngày ru đưa để ru hồn say sưa cho Thái Tử. Những mỹ nữ bàn chân đeo lục lạc, thơn thơn lướt trên điệu nhạc đơn vui. Những bàn tay mềm dẻo nối theo nhau, chuyển từng gợn sóng để dìu giọng tiêu cao vút.” (Ánh Đạo Vàng)

Thế nhưng cái thánh đức từ bi đã đượcthấm nhuần từ thuở nào trong mạch sống của Ngài lại theo cùng Ngài mà hiện vào soi tỏ tất cả mọi sự giả tạm của cảnh sa hoa. Điệu nhạc mê li của những cung đàn kì diệu trong tai Ngài lại trở thành những tiếng thở than đau khổ của bao nỗi niềm tự tình đầy trăn trở: “Ôi lang thang! Chúng tôi là gió lang thang của muôn ngàn thế kỉ, đang đi tìm mọi sự an nghỉ không thể có ở trần gian./Chúng tôi bay từ đâu lại, khởi từ lúc nào, và bao giờ được yên nghỉ, và sẽ đi về đâu? Nào chúng tôi có biết!/ Vì thế có khi chúng tôi đã kêu gào trên biển cả, gầm thét trên núi đồi; nhưng ôi đau đớn! sự giận hờn của chúng tôi nào có ai hay!/ Có lúc qua ngàn thông cao chúng tôi vừa bay vừa khóc; có những lúc vừa nhọc vừa buồn, chúng tôi đã để tuôn từng luồng sầu hận./ Đau đớn, giận hờn, van lơn, khóc lóc; thôi đã đành phận gió. Nhưng đó cũng là số phận của kiếp người./ Một kiếp người qua, một hơi gió thoảng! Chúng tôi đã trải qua biết bao sông núi, chứng kiến biết bao sự tiêu vong nên chúng tôi chỉ biết kể lể những nỗi đau buồn./ Chúng tôi đã thấy đầy dẫy những tấm thân quằn quại trong đau thương, những cánh tay vươn chơi vơi lên cao trước khi chìm trong thất vọng, những cổ họng khát khao đã kêu gào trong tăm tối!/Chúng tôi đã mang về đây những lời thối khét của những thây ma thiêu trên giàn hoả, chúng tôi đã mang về đây mùi tanh hôi của những vũng máu đọng thành hồ trên bãi chiến!/ Và Ngài hãy nghe đây, tiếng rạt rào của bao làn sóng lệ, những niềm kể lể của những con tim héo tàn!/ Ôi trần gian một tiếng than dài vô kể, làm sao Ngài có thể say mê hoài giữa những khoái lạc mong manh./ Dậy đi thôi! Chúng tôi mong Ngài tỉnh dậy.Trần gian mù quáng đang sờ soạn quanh mình,hỡi người con của Ma gia, hãy đưa nhân loại ra khỏi vũng lầy tăm tối ấy!/Đi đi thôi! Chúng tôi mong Ngài đi tìm một con đường giải thoát cho nhân loại noi theo! Dậy đi thôi! Đi đi thôi! Ôi Thái tử.”(Ánh Đạo Vàng)Đây chính là lời tự sự trăn trở cho sự thật của kiếp người và cũng là sự thôi thúc của ý chí xuất trần đã được nuôi dưỡng từ lâu trong chính trái tim conngười của Thái tử.

Nếu những sự rung động của cái đẹp thơ ca trong tâm hồn của thi sĩ được trào vọt ra từ trái tim tràn đầy hoan lạc của những truy tìm cảm giác sau bao thuở lang thang phiêu bạt tận nơi gốc bể chân trời, thì ở đức Phật được nhận thấy từ sự trầm lắng hùng hồn của trái tim giàu tình thương và hiểu biết đến tận cùng sâu thẳm uyên nguyên. Như vậy, từ bản tình ca của bao nhiêu niềm hoan lạc, trái tim Ngài chuyển hoá thành tiết điệu của bản hùng ca giải thoát. Vì sao thế? Có lẽ vì Ngài đã xác định:

Ta là một bông hoa

Từ lòng đất nở ra

Mang hương thơm đi khắp

Xông ngát nẽo gần xa.

-Sông Thu-

Hướng Về Một Ánh Quang Minh

Có thể nói chuyến duhành ra bốn cửa thành của Thái tử là một dấu mốc lịch sử cho sự xác định lí tưởng và chí hướng xuất gia cũng như thành đạo sau này. Đây có thể là chuyến du hành từ bóng tối của những giới vức vô minh mà đi vào vùng sáng với những thứ quang minh trí tuệ giác ngộ tuyệt luân.

Thái tử Siddhattha suy niệm: “Chính ta phải chịu sanh, già, bịnh, chết, phiền não và ô nhiễm. Tại sao vẫn mải mê chạy theo những điều mà bản chất cũng còn như vậy. Vì chịu sanh, lão, bệnh, tử, phiền não và ô nhiễm; ta đã nhận thức sự bất lợi của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa thành đạt, cái tối thượng và tuyệt đối châu toàn là Niết Bàn.

Đời sống tại gia rất tù túng chật hẹp, là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược, nhưng đời của người xuất gia quả thật là cảnh trời mênh mông bát ngát! Người đã quen với nếp sống gia đình ắt thấy khó mà chịu được đời sống đạo hạnh thiêng liêng với tất cả sự hoàn hảo và trong sạch của nó.”(Kinh Trung A Hàm). Đây là cái nhìn bắt đầu mở ra phương hướng cho hành trình đi tìm nguồn sáng cho thế gian.

Và con đường từ đâyNgài vạch rõ: “Ta sẽ dấn thân trong cát bụi.Trong im lặng của đêm đen, ta đọc thấy thân phận ta viết bằng chữ bạc của trăng sao! Ta phải đi! Ta sẽ ruồng bỏ ngôi báu. Ta không muốn chinh phục đất cát bằng lưỡi kiếm nhọn. Ta không muốn làm một kẻ chinh chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến trường để lưu lại cho hậu thế một kỉ niệm gớm ghê! Ta muốn để chân trinh bạch trên đường chông gai, lấy đất làm giường, lấy cỏ cây làm áo, kiếm hạt cơm bố thí để nuôi thân. Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng từ bi của ta chỉ muốn xoá bỏ những cảnh khổ của nhân loại. Ta phải hi sinh tất cả và phấn đấu cho đến ngày tìm ra được phương thuốc cứu khổ. Ta tin rằng phương thuốc ấy thế nào cũng có, nhưng ta tìm chưa ra đấy thôi...Nay ta ra đi, bỏ hết những lạc thú ở cung điện, mang một tình thương rộng lớn, một thân thể cường tráng, chưa hề bị tật bệnh tàn phá, một trí tuệ minh mẫn chưa hề bị dục vọng làm lu mờ, ta tin chắc thế nào cũng tìm ra được ánh sáng, thấy rõ con đường chánh để đưa chúng sanh đi.” (Ánh Đạo Vàng).

Rồi cuộc hành trình của Ngài bắt đầu từ bên dòng A-nô-ma nhiều sóng, tựa như một báo hiệu những phong ba chướng ngại mà Ngài sẽ phải đối mặt trong chuyến đi này. Hành trình của Ngài đi không phải được trải sẵn thảm đỏ với hoa tươi cỏ lạ mà luôn phải trực diện với những cam go thử thách. Chỉ có ý chí quật cường của một vị anh hùng không bao giờ biết khuất phục trước thế lực cám dỗ của ác ma mới xác quyết khẳng khái như vầy: “ Nầy con người xấu xa quỉ quyệt, thân quyến của tội lỗi và lười biếng! Ngươi đến đây chỉ vì lợi ích của riêng ngươi…Máu có cạn, mật lại khô, thịt hao mòn; nhưng tâm ta vẫn thanh tịnh, vẫn sáng suốt và an trụ vững vàng….Đội quân của ngươi chỉ lưu trú bên trong những hạng người xấu xa và nhu nhược…Ta thà chết trên chiến trường còn hơn sống mà chịu thất bại bởi các ngươi.” Đó là lời Ngài đã tuyên thệ bên dòng Ni-Liên-Thiền khi trực diện trước bao đạo binh thử thách của Ma Vương.

Ta như voi xung trận,

hứng chịu nhiều cung tên,

chịu đựng mọi phỉ báng,

Ác giới rất nhiều người.”(Kinh Pháp Cú 320)

Đây là một tinh thầnquả cảm cao độ, một ý chí cương quyết như viên ngọc tỏa sáng lung linh nhiều màu sắc. Trước hết, Ngài từ bỏ ngôi nhà thế gian không phải vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích và giải thoát sự khổ đau của nhân loại. Với Ngài, toàn thể nhân loại là một gia đình. Có chứng kiến được những buổi chia tay đầy lưu luyến, có thực hiện những chuyến đi thật xa... thì chúng ta càng cảm phục ý chí cương quyết, quả cảm của Ngài. Trải qua biết bao nhiêu thử thách như từ cách tu khổ hạnh hành thân cho đến những khi bị các thứ ác ma nội ngoại quấy phá, cuối cùng Ngài xét thấy: “ Một thân thể tiều tuỵ sẽ không có một tinh thần minh mẫn, tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể khoẻ mạnh,”. Để tiếp tục cho cuộc chiến chinh phục mục tiêu giác ngộ, Ngài tiến đến bờ sông Ni-liên-thiền để tiếp thêm nguồn sống. Và trong nguồn sống đó, nơi Ngài khởi lên một tia sáng của niềm tin sẽ thành đạo. Từ nơi làn gió nhẹ thổi đưa những con sóng của dòng sông, ngài thoảng nghe tiếng vọng của âm ba vang lên nguồn giải thoát: “Hỡi người con rất anh linh của vũ trụ, đấng vương giả mà xa hoa không thể ràng buộc, muôn ngàn dục vọng không thể làm mù quáng! Ngài đã đem ý chí mạnh mẽ như thác đổ, vững chắc như núi đồi, để thắng vượt những nỗi ràng rịt của xác thịt và nhất là tình cảm. Ngài đã đem trí tuệ sáng như mặt trời để tìm con đường giải thoát, Ngài sắp đến đích! Nhanh lên! Còn phải thắng trong một cuộc chiến đấu cuối cùng, và công đức của Ngài sẽ được trọn vẹn! Nhanh lên! Bóng tối từ muôn vạn đời của trời đất đang đợi Ngài rọi ánh sáng vào đây.”Và chính nơi đây, lời nguyện cuối cùng của ý chí giác ngộ đã được Ngài tuyên thệ: “Dù máu ta có khô, xương ta có mục, ta cũng sẽ không rời chỗ này, nếu ta chưa tìm ra được đạo.Đây chính là nhiên liệu để nhen nhóm cho nguồn sáng được bừng toả rạng ngời trong đêm thành đạo và chiếu đến mãi tận sau này mà chúng ta cũng đã được triêm hưởng.

Nguồn Sáng Bừng Sinh Khi Bao Tinh Hoa Thánh Hạnh Đã Hội Đủ Sức Toả Chiếu Lung Linh.

Như vậy đến đây nguồn sáng dường như đã được hội tụ vẹn toàn và đã đủ nhân duyên toả chiếu.Nguồn sáng mà trong đó hội tụ của những gì nhỏ nhặn nhất, nhưng lại tinh anh nhất từ nơi muôn ngàn thế giới của thời gian vô hạn bao la. Và cũng chính từ những tinh ba nhỏ nhặn này lại là những tia sáng có sức mạnh lan toả đến tận cùng mà không gì có thể làm trở ngại.

"Vi trần nơi Bạt địa

Kết tụ thành Huyền môn

Nhiếp tâm nhờ Lục diệu

Tuệ chiếu tỏ Càn Khôn".

- Giác Hiệp -

Từ trong bản thể sâu thẳm toả ra một hào quang lan rộng diệu huyền đến khắp vô biên. Cả sơn hà đại địa và những tinh tú càn khôn vũ trụ sáng chiếu dịu dàng với những sắc màu tinh khôi lung linh toả ra từ nguồn vĩnh cữu. Một phương trời được thêu dệt bằng ánh sáng của hàng ngàn hào quang rực rỡ. Nguồn sáng này là sự toả chiếu rạng ngời cho hàng ức triệu thế giới vận hành nhịp nhàng trong vầng sáng uyên viên. Toàn thể không trung chỉ còn là một bầu sáng ngời vô hạn.

Sự vĩ đại của nguồn sáng diệu kì ấy vẫn còn lan toả và phát tán mãi cho đến ngày nay giống như mặt trời chói sáng rực rỡ hơn mọi ánh sáng mờ đục của những vật sáng kém khác. Bóng tối đêm trường bấy lâu nay vây phủ con người bởi si mê lầm lạc đã bị xua tan, ánh sáng của vầng thái dương xuất hiện để dẫn lối đưa đường cho tất cả sinh linh đi tìm nguồn sống mới giá trị hơn.

Chắc không phải là vô tình mà đức Phật lại hốt nhiên đại ngộ vào lúc sao mai mới mọc. Phải chăng đó là giây phút đẹp nhất? Giây phút mà vũ trụ vừa thức tỉnh sau một đêm dài bị bóng tối vây phủ. Giây phút màu nhiệm mà những hội tụ viên mãn của thứ ánh sáng diệu kì khi không còn một chỗ ngự trị của thứ bóng tối vô minh vụt bừng sáng. Cái ánh sáng ấy phát tán ra từ nơi sâu thẳm nhất của sự đen tối chứ không từ một vùng sáng ở bên ngoài vào.Đấy là giây phút hiện bày tất cả những uyên nguyên mà từ vô thỉ bị khuất che u ám bởi bóng ma của si mê lầm lạc. Có lúc Ngài im lặng trước sự thách đố mà ác ma luôn tuyên chiến với sứ mệnh của Ngài “Này Thái tử! Ánh sáng của người được bao nhiêu mà dám đem ra soi đường cho nhân loại?...Người càng tìm ra ánh sáng, chúng ta lại càng trút thêm bóng tối. Mỗi ngày mỗi ít, chúng ta đã gieo rắc qua mấy muôn triệu năm rồi những hạt si mê và bây giờ tất cả thế gian đều ngập lụt”(Ánh Đạo Vàng).Tưởng chừng đây là sự im lặng của một kẻ đã chấp nhận sự thất bại. Nhưng nào hay sự im lặng lúc này là cần thiết đối với Ngài nhằm huy động mọi sức mạnh để tiếp cho nguồn sáng. Đức Phật đã tận dụng được lợi thế này và chính đó là sự chinh phục ngoạn mục mà ác ma không thể nào xoay trở và chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng. Và thế là điều kì diệu mà Ngài đã vô cùng mong đợi từ rất lâu và đã phấn đấu hết khả năng nay đã được thành tựu. “ Bình minh bừng dậy. Ánh sáng làm mờ hẳn sao mai- kẻ soi đường cho người đi khuya- vừa lại ở ven đường. Bóng đêm rạn vỡ tan biến rất nhanh.Nắng vàng bắt đầu xối chảy xuống trần gian. Nắng vàng gội rửa những chóp núi cao, nắng vàng tuôn tràn ra hai bên sườn, eo chảy xuống chân núi, lan dần ra trên đồng bằng, khoả một lớp mỏng trên mặt sông, mặt biển, làm lấp lánh những ánh kim cương trên muôn ngàn làn sóng”(Ánh Đạo Vàng).

Như vậy, giây phút mà đức Phật giác ngộ đó, nếu ta nhìn theo cách nhìn của thi nhân thì đó là giây phút mà đức Phật đã nắm bắt được cái đẹp thiên thu của vũ trụ chính trong lòng bàn tay của ngài. Đến đây Ngài có thể điều khiển và chuyển hoá tất cả bằng sức mạnh nội tâm mà Ngài đã đạt được không hề bị ngăn ngại bất cứ một thứ gì.

Carl Jung, một nhà tâm lý học, phát biểu rằng: "Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là." Nhưng ở Đức Phật chướng ngại của mọi bóng tối vô minh với những kiến chấp của những phạm trù “đang có”, “đang là”kia đều bị xua tan đi mà không còn một chút vết tích hiện hữu. Đó chính là yếu tố không thể thiếu trong nguồn sáng rạng ngời mà không bị chướng ngại đã được đức Phật thắp lên cho thế gian này.

Một văn hào Âu châu nhận định rằng: "Không có nơi nào trong thế giới tôn giáo, sùng bái và tín ngưỡng mà chúng ta có thể tìm thấy một vị giáo chủ sáng ngời như thế ! Trong hàng loạt các vì sao, ngài là vì tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất. Một số các khoa học gia, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên bố về ngài "Con người vĩ đại nhất chưa từng có." Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại nầy soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại." (Phật Giáo dưới Mắt các Nhà Trí Thức). Và cái nguồn sáng làm thế gian phải vô vàn kính phục được xuất hiện như thế:

Đêm trăng tròn ánh sao mai vừa điểm

Cây Bồ đề rực rỡ ánh hào quang

Khắp nơi nơi ngào ngạt tỏa thiên hương

Nhạc thành đạo cả bầu trời vang động

Sáu ngã luân hồi vui không xiết kể

Mười phương hướng về chào đón Thế Tôn

Hoa Từ Bi lòng người đều bừng nở.” - Quảng Thiệp-

Đó là sức mạnh của nguồnsáng chơn không. Vì là chơn không nên không có gì có thể ngăn ngại:

“Là chơn không, rỗng sáng vô biên

Là cõi Tâm vắng lặng diệu huyền”

-Huyền Linh-

Và cứ như thế, từ ánh sáng sao mai bừng toả giữa đêm trường dưới chân dãi Himalaya, một con đường với ánh sáng đầy hoa thơm cỏ lạ và nhữngđiều bí diệu được khai mở.

Nếu trong giờ phút Đản Sanh của Thái tử Tất-đạt-đa đã xảy ra những sự lạ khác thường với bao nhiêu kỳ hoa dị thảo trong vườn Lâm-tỳ-ni khoe sắc đua màu, hương thơm ngào ngạt khắp nơi, chim chóc ríu rít hoan ca hoà cùng với lòng người rộn rã để cùng đón Đấng cứu khổ của chúng sanh xuất hiện, thì trong giờ phút Thành Đạo lại là sự toả sáng chiếu diệu thiêng liêng mầu nhiệm xua tan cảnh màng đêm u tịch để bừng sinh cả một vũ trụ với hết thảy đều lung linh mang nét đẹp của chính mình.

Một bản khải hoàn đã được đức Phật thực hiện thật viên mãn, một vầng thái dương được bắt đầu toả chiếu mọi tâm linh: “Quả thật vậy, khi các chân lí phát hiện hiển nhiển trước bậc thánh nhơn đã có cố gắng và thiền định thì Ngài vững vàng phá tan vây cánh của Ma Vương cũng như ánh thái dương phá tan đêm tối và rọi sáng bầu trời.”

Bài học sâu sắc về việcchinh phục nội tâm của Đức Phật, có lẽ Hoà thượng K. Sri

Dhammananda cảm nhận trọn vẹn: "Ngài dạy mỗi người chúng ta con đường có thể chinh phục thế giới riêng tư của mình – cái thế giới chủ quannội tâm trong địa hạt riêng tư của mỗi cá nhân. Bằng một ngôn ngữ đơn giản, Ngài nói cho chúng ta biết rằng cả cái thế giới này là ở trong chúng ta và thế giới được chỉ huy bởi tâm thức, cho tâm thức được huấn luyện và thanh lọc một cách đúng đắn."

Và có thể nói, cái ảnh hưởng lớn nhất và đẹp đẽ nhất của nguồn ánh sáng kia là toả sáng bao tâm linh nhân loại đang loay hoay trong những lớp bụi vô minh mịt mù của vòng sanh tử.

Nguồn Sáng Diệu Kì Mang Ánh Huy Hoàng Toả Rạng Bất Diệt Với Muôn Phương.

Vượt qua vô tận không gian những bến miền khắt nghiệt của thứ giá băng dục vọng và những cánh đồng hoang vu của những kiến thủ lạc lầm, đức Phật là tiêu biểu tuyệt vời của sức mạnh trí tuệ và tình yêu với tinh thần vô uý mang cho khắp nhân gian . Sự thành đạo và giáo thuyết của Ngài không những đã tác động không nhỏ cho sự hoàn mỹ một thế giới bên ngoài, mà còn âm thầm ngấm ngầm mạnh mẽ vào tận sâu thẳm tâm tánh huyền diệu của muôn ngàn thế hệ chúng sanh để chuyển hoá. Cùng với vô biên thời gian vẫn vang vọng mãi khúc nhạc tấu thanh tao đi vào nguồn sống mênh mông của Á Châu với muôn sắc màu huyền diệu.

“Ôi! những vì sao như mắt ai

Từ vô lượng kiếp

Đón chờ một bình minh …

Phía trời Đông

Ánh sao Mai xuất hiện

Từ đường chân trời lấp lánh nói cùng ai

Ánh quang minh

Tràn ngập thế gian này

Không như mặt trời

Chỉ soi sáng một nửa thời gian.

Một nửa kia là bóng đêm ngự trị

Không như đóa hoa

Bừng hương sắc

Và tàn lụi.

Nụ cười Cồ Đàm từ trí giác vô biên.

Đêm bình an cho ba ngàn thế giới

Đêm vời vợi

Ai về tắm gội hồng ân.”- Thích Nữ Giới Hương -

Trong kinhKutadanta xưng tụng đức Phật: “Thật vi diệu thay tôn giả Cồ Đàm! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể nhìn thấy được sắc.(Trung Bộ Kinh).

Để rồi, từ những căn nhà nghèo khổ tăm tối nhất của tiện nhân ẩn mình tận trong chốn hoang vu sâu thẳm của núi rừng mê vọng, Ngài vì sự thống khổ của muôn loài mà xây dựng những cung điện nguy nga tráng lệ của tâm thức tỏ ngộ nguồn chơn. Đôi mắt sâu thẳm của Ngài luôn mãi nhìn vào tận xa xăm những cảnh giới đen tối mà nuôi dưỡng tình thương và đi vào trao cho nguồn sáng diệu kì. “Này các Tỳ Kheo! Các Thầy hãy ra đi để mang lại sự tốt đẹp cho nhiều người, mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp và hạnh phúc cho chư Thiên và nhơn loại… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy thì hạnh nguyện của các Thầy đã hoàn mãn.”(Tương Ưng Bộ Kinh)

Và như thế, từ thuở pháp âm giải thoát vang lên nơi vườn Lộc Uyển, Núi Linh Thứu, Tịnh Xá Kỳ Viên cho đến các cung điện nguy nga của cảnh Thiên chúng,...và cuối cùng dưới bóng mát của rừng Sa La song thọ sau hơn 2550 năm trước đã được xiễn dương khắp mọi phương xứ và cứ thế mà tiếp tục vang vọng mãi đến khôn cùng.

“Ta đi mãi giữa rừng nhiều lá chết

Tiếp chồi xanh và thú dữ, hoang tàn

Những cảnh sống thâm u và cô độc

Những mảnh đời trần tục khác thế gian

Những thác loạn

Màu đen và vực thẳm

Những hố sâu vô đáy thiếu trăng vàng…

… Ðể gội nhuần và độ khắpnhân gian…”

-Như Tạng-

Hiểu về cuộc hànhtrình vi diệu của Đức Phật để chúng ta xác định được hoạt dụng đa phương của ý nghĩa viễn ly mang tính xuất trần để đi tìm những giá trị giải thoát. Ý nghĩa ấy là ánh sáng mặt trời xua tan những vầng mây chấp thủ, làm nóng chảy những tảng băng tham luyến về sắc chất thế nhân.

Tiếp nhận cuộchành trình vi diệu của Đức Phật để chúng ta hòa nhập vào đại thể bao la của biển lớn tỉnh thức. Đó là sự kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi – Trí – Dũng tỏa ngát muôn phương. Hương thơm vi diệu ấy được tiếp nối và truyền thừa trong mạch sống của sứ mệnh Tăng già về sau, theo dấu chân và mang hạnh nguyện Ngài mà đi vào khắp tận cùng mọi xứ sở để trấn tĩnh và làm lắng đọng tâm tư những trái tim hiếu chiến và thấm nhuần hương đức hiếu sinh. Tinh thần ấy được thể hiện trọn vẹn trong bài kệ khất sĩ:

Nhứt bát thiên gia phạn,

Cô thân vạnlí du,

Kì vị sanh tử sự,

Giáo hoá độxuân thu.”

Bậc đạo sư vĩ đại tuy đã nhập diệt, song thông điệp về tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn còn hiện hữu trong hình thức thuần khiết bất diệt tinh khôi. Thông điệp này vẫn có ảnh hưởng quan trọng đối với vận mệnh của nhân loại. Ngài là bậc thầy từ bi nhất đã làm toả sáng thế gian này bằng tình thương và lòng nhân từ.Mong sao đêm Thànhđạo này dưới ánh sáng lấp lánh lung linh của ngàn sao chiếu sáng trên trời, dưới ánh nến cháy đỏ thiêng liêng bất diệt của hàng ngàn trái tim đang toả sáng bên cội Bồ đề, cầu nguyện cho tất cả hữu tình và vô tình trên khắp thế giới đều được đượm nhuần hồng ân ánh sáng giác ngộ của Ngài.

Linh Sơn Pháp Bảo- Cuối Thu- PL 2551-

THÍCH TÂM TÔN

---o0o---
Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2025(Xem: 603)
Kính lạy bậc kỳ vĩ xuất hiện, từ ngàn năm trong thế giới (1) Gây âm vang chấn động, mở ra một kỷ nguyên Mang ánh sáng đi vào đời, với phương pháp tịnh Thiền Giúp người người tìm về Chánh Pháp mầu nhiệm
22/06/2024(Xem: 1968)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 2814)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
06/06/2024(Xem: 1277)
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
04/06/2024(Xem: 4081)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
23/05/2024(Xem: 655)
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, đã thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con phật cũng khát khao được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy!
04/05/2024(Xem: 1069)
Sen vàng tháp cổ quyện trầm hương Thị hiện Như Lai giữa nẻo thường Cõi mộng nhân gian Thầy xua lối (*) Cơ duyên chánh đạo pháp soi đường Triêm ân chỉ hướng nguyền xin tỏ Rõ lý qui nguồn xả hết vương Bát Nhã đèn thiền luôn sáng rạng Mê lầm hóa giải thoát tai ương.
16/04/2024(Xem: 915)
Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạo rất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…
14/04/2024(Xem: 580)
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: -Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật? Sư đáp: -Nếu tu để ngộ được tâm Phật, an nhiên tự tại như chư Tổ và các thánh tăng thì khác. Còn muốn trở thành một vị Phật lại khác. Về hình dáng: Phải cao. dung mạo phải đẹp đẽ, oai nghi, không khiếm khuyết bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể. Về thân thế: Phải là vua, hoặc thái tử, hoàng tử của một vương quốc. Nếu là các nước cộng hòa thì phải là tổng thống, thủ tướng. Phải có chức vụ cao tột đỉnh như vậy để sau này không còn ham mê danh vọng nữa. Phải là con của một tỷ phú thừa kế một tài sản khổng lồ để sau này không còn ham mê tiền bạc. Một vị Phật không thể xuất thân từ một gia đình thấp kém, bần hàn, là con mồ côi hay con của một gia đ
24/03/2024(Xem: 2885)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]