CHỖ TRỌ QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ[1]
[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]
Tỳ kheo Yogagivacara Rahula (Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt
LỜI NGƯỜI DỊCH
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy Rahula hơn.
Anh văn là một ngôn ngữ vốn rất khó dịch. Tiếng Anh của Thầy Rahula còn khó dịch hơn, vì như viết trong phần Nhập Môn, Thầy muốn nói lên cảm nghĩ sống thực của mình lúc bấy giờ (tức hai thập niên 60 và 70) nên dùng văn cú và ngôn từ thường nghe trên hè phố California với nhiều tiếng lóng của giới híp pi[2]và ma túy. Ngoài ra, Thầy viết như nói nên bản dịch nhiều khi không thể đi sát với bản chánh, bởi lẽ nếu không có chút ít sắp xếp bản Việt ngữ sẽ rất khó đọc. Dám mong quý đọc giả lượng tình thứ dung.
Thầy Rahula còn dùng rất nhiều từ của những địa phương Thầy đã đến. Chúng tôi xin giữ lại các phương ngữ này và ghi thêm lời chú thích khi cần. Nếu là chú thích của chúng tôi, chúng tôi ghi (nd, người dịch), còn chú thích của tác giả được ghi rõ là (tg, tác giả).
Chúng tôi rất mong được quý đọc giả chỉ giáo thêm hầu bản dịch của những lần xuất bản tới rõ ràng và chính xác hơn. Trân trọng đa tạ.
Chúng tôi chân thành cám ơn đạo hữu Chơn Huy Trương Minh Nhựt đã gieo duyên, Thầy Yogavacara Rahula cho phép chuyển ngữ hồi ký của Thầy, và người vừa là bạn đời vừa là bạn đạo của chúng tôi là Chơn Quang Trương Nguyệt Thu đã góp nhiều ý cũng như lời và dò bản thảo của bản dịch này.
Người dịch: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi
*
LỜI TỰA
Nhiều người bị vướng vào cơn lốc ma túy của thập niên 60 phải thân tàn ma dại. Một số kịp đổi được đời mình và làm gương cho kẻ khác. Tỳ kheo Yogavacara Rahula vứt bỏ được các đam mê không lành mạnh của ông vào lúc trung niên, bằng cách nhìn thấy sự thật đúng lúc với đúng thầy. "One Night's Shelter" mô tả cách làm thế nào để thực hiện sự thay đổi lần hồi rất ngoạn mục ấy.
Ông giảng Kinh Phật dựa trên kinh nghiệm bản thân với tình dục, ma túy, nhạc rock and roll,và tự xét mình. Chuyển cuộc sống thác loạn ra bình thường đã là rất khó, vậy mà ông còn đi theo được nẻo đường tôn giáo và tu định. Làm nổi việc này ắt phải rất thành thật với chính mình và có nhiều nghị lực lắm. Tỳ Kheo Rahula làm được nhờ vào sáng kiến riêng hướng dẫn bởi nội tâm.
Trên một bình diện nào đó, quyển sách này có thể mở lối cho những ai bị sa bẩy sa đọa và thói hư tật xấu ảnh hưởng đến thân cũng như tâm. Họ sẽ thấy, bằng vào con đường học Phật, ông có thể từ bỏ các thói tật ấy để bước sang một đời mới. Không phải ông thành đạt trong nháy mắt, mà ông đã tỉnh thức kiên trì.
Tôi gặp Tỳ Kheo Rahula lần đầu tiên hồi năm 1985 ở Sri Lanka, khi tôi và ông tình cờ viếng chung một ngôi chùa tại Colombo. Lúc bấy giờ tôi bận tiếp khách nên không có dịp trò chuyện với ông lâu. Khi ông về phụ tá tôi ở Bhavana Society vào năm 1987, tôi lần lần biết ông nhiều hơn. Ông là một nhà sư không quan tâm lắm đến ăn uống và tiện nghi. Ông luôn dành thì giờ của mình để hành trì Phật pháp. Đức Thế Tôn gọi người như ông là: "Người mặc chiếc áo vá quàng, có thân hình ốm o nổi gân xanh, và hành thiền một mình trong rừng--tôi gọi người ấy là Phạm Thiên."
Đó là Tỳ Kheo Rahula. Ông "ốm o, nổi gân xanh đầy mình và hành lâm thiền" ở tu/thiền viện Bhavana. Những lúc ông không thiền, ông làm lợi sanh cho mọi người đến viện để thiền hay tu học. Ông không mong cầu được báo đáp hay khen thưởng. Trong dịp khánh thành một thiền đường mới tôi muốn đề cập đến ông, ông bảo: "Xin Thầy đừng nói gì về con hết. Con rất ngại nghe lời khen tặng."
Khi được tỏ ngộ rồi, Tỳ Kheo Rahula bắt đầu biết đâu là giá trị của tình cha mẹ và thầy bạn, cũng như Phật pháp và thế gian. Thời nay bên trời Tây, không có mấy người đánh giá cao công cha nghĩa mẹ. Hễ chưa biết công ơn của cha mẹ, người con không thể nào biết quý trọng những hy sinh mà cha mẹ đã dành cho. Đó chỉ là một phần của sự tỏ ngộ của ông đối với thế gian và cuộc sống của ông.
Làm người, ta phải trách nhiệm hoàn toàn cuộc sống của mình. Nhờ học Phật, tập thiền và luyện yoga[3]mà ông có được ngày hôm nay. Ông hiện là vị thầy giỏi về thiền và du già, từng chu du thế giới để giảng dạy. Ông từng kể ông được "tái sanh" như thế nào khi say mê nghe Phật pháp lần đầu tại Nepal. "Hôm ấy là ngày Tạ Ơn (25 tháng 11,1973), ngày đầu tiên của cuộc đời còn lại của tôi. Hiện nay tôi là người được tái sanh."
Đó thật sự là những gì mà ta sẽ nắm bắt được khi nhìn thấy chân lý Phật dạy. Không thể khác hơn. Ta phải tự hành trì. Dầu đã nghe được bao nhiêu lời hoặc đọc được bao nhiêu sách, ta vẫn không bao giờ có thể nói lên điều đó một cách tâm thành cho đến khi tỏ ngộ Phật pháp. "One Night's Shelter" có thể là nguồn cảm hứng giúp ta hiểu rõ vấn đề hơn.
Đại Lão Hòa Thượng Henepola Gunaratana Maha Thera
Trưởng Sangha Nayaka, Hoa Kỳ
Chủ Tịch Bhava Society Lâm Tự/Thiền Viện Bhava Society
Rt 1, Box 218-3
High View, West Virginia
Tôi là một người Mỹ sống cuộc đời của nhà sư Phật giáo. Tôi thường được hỏi bởi nhiều người địa phương cũng như du khách Tây phương "Tại sao tôi trở thành nhà sư?" Hầu hết những người hiếu kỳ muốn được trả lời ngắn gọn, gọn như các câu chuyện ở bến đợi xe buýt. Công bình mà nói, không thể có câu trả lời ngắn gọn cho chuyện dài như vậy. 'One Night's Shelter or From Home to Homelessness' có thể nói, là lời giải đáp gián tiếp hoặc sự mô tả quá trình đó. Tôi dùng từ "quá trình" bởi lẽ tôi nghiệm thấy không có gì dứt khoát khiến cho quá trình ấy có thể trở thành rõ ràng đối với đọc giả khi xem hết câu chuyện này.
Sách chia làm hai phần: phần đầu kể lại cuộc đời niên thiếu của tôi ở California trong hai thập niên 50 và 60, ba năm trong quân đội với một thời gian ở Việt Nam, sự đùa nghịch với ma túy của tôi, và lúc tôi làm hippi lang thang vòng quanh nửa trái đất tới Nepal, nơi mà duyên số đưa tôi gặp các Thầy. Phần này có các điểm chánh như sự chạy theo quần chúng, tính tự kỹ và lối sống buông thả. Phần hai ghi lại bước đầu của sự tìm hiểu mình cũng như chân lý--hành trình của giác ngộ được thể hiện bằng sự tự giác và đấu tranh chống lại các tập quán của cái tôi. Sách được kết thúc bằng sự xuất gia của tôi ở Sri Lanka. Tôi cố gắng giải thích để đọc giả có thể hiểu những gì đã xảy ra trong nội tâm tôi liên quan đến yoga và thiền mà tôi đã theo đuổi. Một ít vấn đề có thể khó hiểu đối với quý vị chưa quen hay ít quan tâm đến Phật pháp (học thuyết tinh thần Đông phương). Nhưng tôi kính mong quý vị kiên nhẫn. Tôi cũng xin quý vị hiểu cho nếu có lúc tôi tự chỉ trích tôi quá đáng là vì tôi muốn nhấn mạnh đến sự mê mờ ăn sâu nơi tâm khảm tôi và tầm quan trọng của vấn đề.
Trên bề mặt, sách có thể được đọc như một câu chuyện du lịch với nhiều chi tiết hữu ích nói về địa điểm, các sự việc xảy ra, và những mẫu người mà tôi đã gặp và học hỏi được trong chuyến đi. Tôi dùng văn cú và từ ngữ thường nghe trên hè phố California; có nhiều từ của giới hippi và ma túy. Tôi muốn thử kể lại cảm nghĩ của mình, cảm nghĩ sống thật trong thâm tâm tôi lúc bấy giờ. Để giúp đọc giả hiểu các phương ngữ và từ triết Đông phương tôi sẽ dùng chú thích khi cần và kèm theo một bản định nghĩa sơ lược ở cuối sách.
Dưới bề sâu, 'One Night's Shelter' mô tả đời sống tâm linh và sự chuyển hóa của tâm tôi từ ngổn ngang đến rạng rỡ. Sách phân tích tại sao môi trường có thể ảnh hưởng chúng sanh và tại sao tình huống và tình người mà ta đã sống với không đơn thuần chấm dứt trong tâm ta mà cứ đeo đẳng theo ta trong cuộc sống kỳ bí này. Mỗi niệm--như mong ước, mong muốn, kỷ niệm tốt xấu--đều tạm lắng đọng đó như một trạm nghỉ đêm (one night's shelter), dầu dòng đời có nối tiếp đổi thay liên tục. Tôi hy vọng quý đọc giả sẽ có cùng cảm giác khi đọc qua sách này và sẽ dùng nó như tấm gương cho chính mình. Vô thường và duyên khởi là chân lý của mọi người, mọi nơi và mọi thời trên thế gian này, chỉ có điều kiện biến đổi mà thôi. Sách được viết với ý định đem lại chút cười vui, tạo nên chút suy tư, và xác định cảm nghĩ, dục vọng, phóng túng, ngông cuồng và phiền não của tác giả. Nó cũng nhằm cho thấy cá thể mình trong đó và cuối cùng để hiểu rõ hậu quả của hành động mình.
Sách không có tham vọng làm thiên khảo cứu mà chỉ muốn phản ảnh trung thực và thành thật những gì tôi đã trải qua và chứng nghiệm. Có một khoảng lối mười-mười lăm năm của đời tôi không có kể trong sách. Vài chuyện về hành trình, nơi chốn, sự việc xảy ra, và người tôi gặp có thể đã lỗi thời hay không chính xác. Nhiều chi tiết, nhứt là nói về thiền--như thời khóa biểu, bài giảng, thầy giảng và cử tọa--chỉ có thể đúng theo như tôi đã nhớ lại, mà sự nhớ lại là cái nhớ của riêng tôi. Có thể có đọc giả đã đến cùng nơi hay học cùng lúc với tôi nhưng có cảm nghĩ và kinh nghiệm khác với tôi. Phải công nhận, trong việc nhận xét mình, có lúc tôi hời hợt còn lúc khác thì khắt khe, nhưng đó là để nói lên ảnh hưởng đương nhiên của 'cái tôi' của tôi.
Trong sách tôi thường đổi thì, từ quá khứ lúc tả cảnh qua hiện tại khi nói các việc đương nhiên hay giảng Phật pháp. Tôi cũng thường đổi ngôi, từ thứ nhứt qua thứ nhì hay ba vì tôi muốn đọc giả là tôi chớ không phải là người xa lạ đứng nhìn sự việc xảy đến cho tôi trong quá khứ. Một phụ lục với chú thích được đính kèm để bàn rộng thêm một số vấn đề hay đề tài chưa được biết, nhứt là những vấn đề nói về thiền, tâm lý Phật giáo, yoga, tục lệ địa phương, và con người.
Dám xin qúy vị thường lạc thưởng lãm.
Tỳ Kheo Yogavacara Rahula, Bhavana Society
*
Chương 1
NIÊN THIẾU
Tôi chào đời ngày đầu hè năm 1948, tại thành phố bụi mờ của miền Nam California, gần biên giới Mexico. Tôi có một chị lớn hơn tôi năm tuổi và một anh lớn hơn tôi một tuổi. Mẹ tôi làm cô giáo còn cha tôi bán máy kéo cho một công ty. Tôi không nhớ hết buổi thiếu thời của mình nhưng không thể quên một số sự việc nổi bật sau đây. Nhà tôi có sân sau khá lớn với nhiều thú như chó, mèo, gà, vịt, và chồn hôi. Anh tôi thích đùa với vịt bằng cách bắt vịt con thảy lên trời rồi chụp lấy. Có lần anh chụp hụt khiến con vịt rớt chết ngủm. Tôi rất đau lòng thấy con vịt nằm bất động. Má tôi bảo chúng tôi bỏ vịt vô hộp đựng giày đem đi chôn. Tôi vừa lấp đất vừa khóc sướt mướt. Một lần khác, con chó Sheppard Đức to của hàng xóm nhảy qua rào vườn chúng tôi rượt đám vịt chạy tán loạn. Chó chụp con lớn nhứt và vật chết. Tôi lại khóc nữa. Cạnh sự chết, tôi và anh chị tôi cũng đã có dịp chứng kiến sự sanh. Chúng tôi mừng thấy con mèo nhà đẻ con tí hon có lông xù và con chuột bạch đẻ tới tám-mười con một lứa. Những bài học về cuộc đời thực tế rất đáng giá ấy đã in sâu trong tâm trí non nớt của tôi.
Tôi sống cuộc đời niên thiếu khá đầy đủ, như được tham gia YMCA[4], vô hướng đạo, đi cắm trại, và được xem cả truyền hình, một phát minh mới của thời bấy giờ. Tôi đi nhà thờ Tin Lành Methodist và học đạo đều đều mỗi chủ nhựt với anh chị tôi. Tôi còn là một cây thể thao ở trường và biết trợt sóng từ năm 1962. Tôi được lái xe lúc tròn 16. Xe hơi đầu tiên của tôi là chiếc van hiệu Ford 1954 màu đen ốp pa nô. Trước đó, anh tôi được ba má tôi mua cho chiếc Chevy 1952 khi anh 16, chiếc xe 'Tôm Tít' mà chúng tôi chất lên để xuống Riverside cách nhà 50 dặm trợt sóng ít nhứt vài lần mỗi tuần. Có xe riêng, tôi hay cùng với bạn chạy rong thành phố, đi tiệc, và chở bạn gái. Chúng tôi uống bia, nhắm rượu chát, vui chơi rất thỏa thích. Được biết lúc bấy giờ giới trẻ California của chúng tôi sống rất phóng túng.. Đó là thời thịnh hành của nhạc popvà rock, mốt tóc dài, quần jeans Lewis bạc màu, áo thun chữ T, vân vân. Lối sống buông thả được khởi xướng và lan rộng ra từ đây mà! Nhiều người xem đó như một cuộc cách mạng văn hóa với sự xuất hiện của phong trào hippi và sự thưởng nghiệm cùng quảng bá chất ma túy và LSD[5]. Tôi bị cuốn hút vào thời kỳ đầy sóng gió này!
Trong một chuyến đi trợt sóng ở Tijuana, Baja California, lúc đi dạo dọc phố có nhiều hàng bán tranh màu, đồ sứ, khăn mền, đồ da, vân vân, tôi đi ngang một tiệm có nhiều tượng đất nung xếp rất tươm tất. Tôi thấy như có cái gì đó thu hút tôi. Đó là tượng người thếp vàng nằm ngất ngưỡng trên các tượng mèo, bò mộng, hiệp sĩ đấu bò, và nhiều thứ khác. Tượng sáng rỡ khiến tôi ngạc nhiên. Dường như tượng đang nói với tôi điều gì. Lúc bấy giờ tôi chưa biết đó là tượng của Đức Phật. Tuy nhiên, vì dáng an lành và vị trí cao chót vót của Ngài, tôi thỉnh Ngài về nhà. Tôi đặt Ngài trên máy truyền hình hư trong phòng và dùng để máng nón. Khi má tôi thấy, bà ngạc nhiên nói đó là tượng của Phật, vị khai sáng đạo Phật. Làm thế nào bà biết, tôi không biết. Tôi bèn lật tự điển bách khoa tìm đọc về Ngài và đạo của Ngài. Hay thì có hay nhưng tôi không thấy gì hấp dẫn. Tôi tiếp tục dùng tuợng như móc máng nón. Tuy nhiên, hình ảnh Ngài đã lần hồi in sâu trong tiềm thức tôi.
Tôi tốt nghiệp trung học năm 1966 lúc chiến tranh Việt Nam đang leo thang. Tôi vào đại học và theo ngành học mới, data processingvà vi tính. Năm này tôi bắt đầu biết ma túy. Tôi hút cần sa lần đầu tiên trong chuyến đi trợt sóng ở Mazatlan dưới Mexico, cùng với nhóm bạn trẻ cũng mới tốt nghiệp trung học như tôi. Lần lần quen, tôi hút thường hơn. Tôi xài cả reds lẫn speedvà uống bia thỉnh thoảng. Lúc ấy, phong trào phản chiến Việt Nam sôi động. Nhưng tôi không quan tâm lắm tới tánh cách hợp pháp hay đạo đức của cuộc chiến. Tôi cũng không hiểu gì nhiều về chiến cuộc này. Như bạn tôi, tôi chỉ nghe nói phải "chận bước tiến của con quỷ Cộng Sản." Nhiều bạn ở lứa tuổi 19 của tôi bị bắt đi quân dịch, tôi biết rồi sẽ tới phiên mình. Tháng 12, 1967 tôi đăng lính và vô quân đội một lượt với Dave. Tình nguyện đầu quân có nghĩa là tôi sẽ đi lính ba năm thay vì hai như các bạn đi quân dịch. Bù lại tôi được lựa ngành mình muốn. Hầu hết lính quân dịch bị đưa đi bộ binh còn tôi được chọn ngành điện tử.
Sau một thời gian huấn luyện quân sự và đào tạo chuyên môn, tôi được gởi đi NATO[6]ở Tây Đức. Tôi phục vụ một đơn vị thiết giáp, sửa chữa vô tuyến điện cho xe tăng. Tôi chuyên về đội F của tank outfit không khác xa mấy chương trình truyền hình có cùng tên. Ở đó tôi bắt đầu hút hashish[7]và hít LSD. Lúc đã thuốc, mặt tôi giống y mặt mèo Cheschire vì cái cười mỉm trên môi. Do đó bạn tôi gán cho tôi cái tên "Smiley" để chọc quê tôi. Ông trung sĩ nhứt của tôi cũng quen gọi tôi Smiley và quên luôn tên cúng cơm của tôi; tôi thích tên này. Có nhiều tay'khùng' trong đội F nên tôi chỉ là một thằng khùng thêm không có gì đáng nói. Từ California đến, để tóc dài, có hàm râu cá chốt và đeo chuỗi yêu[8], tôi bị kỳ thị và nhìn như một 'tên du côn Cali dị hợm[9]'. Tôi không giống lính, thiếu lòng yêu nước, và là một quân nhân ngỗ nghịch dưới mắt các trung sĩ và sĩ quan chuyên nghiệp[10]
Sau chín tháng trong quân ngũ, tôi quyết định dù[11], với ba bạn đồng đội. Một đêm nọ, chúng tôi trốn khỏi trại, ra thành phố Bamberg gần đó, và đáp chuyến 'xe lửa tìm tự do' lên Copenhagen. Ý định đào ngũ và đi Stockholm xin tị nạn chánh trị như vài lính Mỹ đã làm trước đây được nêu ra, nhưng tôi không tán đồng. Sau hai ươi chín ngày trốn ở Copenhagen, chúng tôi ra đầu thú với vị sĩ quan tùy viên quân sự của Tòa Đại Sứ và bị giải về Đức để chịu tội. Bốn chúng tôi bị ra tòa quân sự và giam ba tháng tại Nuremberg.
Tôi viết thư cho ba má tôi trước lúc vô tù để giải thích những gì tôi đã làm, cảm nghĩ của riêng tôi và án mà tôi đã lãnh. Tôi nhận thư hồi âm tháng sau đó và biết trước ba má tôi đã cảm nghĩ như thế nào. Thoạt tiên ông bà bị sốc, hoảng sợ và lo âu. Ông bà có nghe những câu chuyện tương tợ của các lính GI[12]khác nhưng không thể tưởng tượng con mình làm chuyện đó. Ba tôi khổ tâm nhứt bởi ông là sĩ quan rất yêu nước từng tham gia thế chiến. Ba mẹ tôi rất khó nói với người thân và dĩ nhiên không thể hé môi cho bạn bè biết vì xấu hổ. Lần lần ông bà bớt rầu và vượt qua cơn sóng gió.
Ra tù tôi bị thuyên chuyển tới một đơn vị khác, bộ chỉ huy của Đại Đội 7 gần nhà tù ở Furth. Trong thời gian ở đây tôi gặp nhiều bạn lính mới và sống thoải mái hơn lúc ở toán F. Tôi chuyển nghề vào làm cho phòng data processing, chạy máy IBM như collators, sortors, vân vân, mà tôi đã được huấn luyện một tuần tại trường quân đội trên núi Alps. Tôi làm việc ba-bốn giờ mỗi đêm và rảnh lúc ban ngày cũng như vào cuối tuần. Tôi có mua một xe van Volkswagen cũ. Cuối tuần, tôi cùng bạn lái xuống Munich chơi với tụi bụi đời hippi và thường vô vườn 'English Gardens' hít LSD. Tại đây tôi gặp nhiều bạn hippi Tây Mỹ đi Ấn và Ma Rốc về kể cho nghe các phiêu lưu kỳ thú; họ chỉ luôn chỗ mua cần sa hashishmạnh mà rẻ. Hè 1969, đọc báo thấy có Đại Nhạc Hội Great Woodstock Rock bên New York, tôi 'ganh' với những người có cái may được đi coi nhạc phóng đãng, đùa với ma túy và tự do luyến ái.
Suốt thời gian sáu tháng ở bộ chỉ huy đại đội tôi làm việc rất ăn khớp với mọi người, dĩ nhiên trừ vài 'quân nhân chuyên nghiệp.' Một ông trong số đó không ưa tôi vì biết tôi có án tù và nhứt là một thằng hút xách phản động. Ông rất khó chịu vì cho rằng tôi được thả lỏng và ham vui quá trớn. Không may cho tôi, ông là trung sĩ của phòng nhân viên phụ trách thuyên chuyển. Ông âm thầm làm giấy đổi tôi đi Nam Việt Nam. Tôi không được biết gì hết về tin bất ngờ này bởi tối ngày cứ theo cần sa ma túy lên cung trăng say mê vui thú. Tuy nhiên tôi bình tĩnh nhận lịnh và nghĩ rằng đây chỉ là một chương mới của trò đời đầy khôi hài.
Chỉ còn bốn tuần ở Âu châu, tôi quyết định lấy hai tuần đi London và Amsterdam, hai thành phố mà tôi rất muốn đến thăm. Tôi xin và được phép ngay vì trường hợp đặc biệt của tôi. Tôi rủ một anh bạn cùng đi. Hai đứa tôi ở mỗi nơi một tuần. Tại London, ngoài chuyện xem cảnh xem người, tôi còn được xem vở ca nhạc HAIR và phim Easy Ridermới ra lò, mà tôi rất cảm động. Tại Amsterdam, tôi đến vui chơi trong khu ma túy của dân hippi quốc tế, cũng là 'thiên đường hippi' của thành phố. Dân Hòa Lan có vẻ phóng khoáng dễ chấp nhận các tệ nạn để dân thường có thể sống chung với bọn nghiện. Tại đây tôi gặp thêm nhiều bạn trẻ khác. Họ kể tôi nghe những chuyện ly kỳ ở Ấn Độ và Nepal khiến tôi khát khao được đến đó một ngày trong tương lai.
Trước khi tới Fort Lewis, Washington trình diện để qua Việt Nam tôi được đi phép hai tuần. Trong khoảng thời gian ngắn này tôi gặp lại nhiều bạn bị bắt lính cùng lúc trước với tôi vừa mãn hạn và được giải ngũ về. Dave cũng về. Đi 'Nam' anh là một lính chiến. Không may, anh bị lựu đạn rơi nổ ngay trong hầm cá nhân, cắt cụt hai chơn tới đầu gối và miểng ghim khắp châu thân. Anh phải nằm nhà thương ở San Francisco nhiều tháng để được giải phẫu, gắn chơn giả và điều trị tâm thần. Tinh thần anh suy sụp nặng. Nhiều bạn khác cũng bị thương ở Việt Nam và một bạn tử vong. Tôi đi thăm vài bạn bị thương ấy và chúng tôi cùng nhau 'phê'. Tôi cảm thấy hơi sượng sùng khi nghĩ tới những tai nạn họ gặp phải trong lúc tôi sống phóng túng bên Đức. Tôi không có kể họ nghe tôi đi dù, bị ra tòa quân sự và vô tù. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số. Tôi nghĩ, những gì ta hứng lấy hôm nay là hậu quả của việc ta gây ra hồi trước. Tại sao tôi được đi Đức còn Dave phải qua Việt Nam và bị nạn như vậy? Phải chăng Thượng Đế tạo ra mọi thứ thảm cảnh trên đời? Tôi thật sự không biết. Chỉ về sau này khi đọc được triết lý Đông phương và luật nhân quả, tâm trí hay phân vân của tôi mới được soi sáng.
Tôi nghe các bạn nói lại rằng ai đi Việt Nam cũng đều có thể đến Fort Lewis trình diện trễ một-hai tuần. Thông thường trễ thì bị tù, nhưng trong trường hợp đặc biệt 'rồi cũng đi Nam thôi', lính qua Việt Nam không bị phạt mà chỉ bị tống đi ngay mà thôi. Tin vậy và vì thích phiêu lưu, tôi kéo dài ngày phép của tôi thêm một tuần nữa để thử xem sao. Tuy nhiên tôi không cho ba má tôi biết. Ông bà nghĩ tôi được phép lâu vì phải đi Việt Nam. Tôi cùng một số bạn, kể cả Dave đi chân giả, xuống chỗ trợt nước cũ gần Ensenada (Baja Mexico). Tụi tôi mướn một cái nhà dưới biển và chơi xả láng như hồi xưa. Tụi tôi lận theo khá nhiều cần sa pot[13]và thuốc LSD và xuống quán Hussong's Cantina, Ensenada nhậu thả giàn. Một cuộc hội ngộ đầy thú vị. Tụi tôi gặp nhiều cô sinh viên từ San Diego State qua nghỉ lễ, và tôi có dịp thỏa mãn mình tối đa. Bởi vì tôi sẽ đi đánh giặc ở Việt Nam và chưa biết chuyện gì sẽ đến, tôi chơi cạn láng biết đâu đây là cuộc vui chót của đời tôi.
Vào những ngày phép chót của tôi, Dave (có thể lái xe được rồi) đưa tôi đi Berkley thăm vài bạn gái cũ ở Riverside. Dave muốn ghé Veterans Hospital ở San Francisco nơi mà anh đã nằm nhiều tháng qua sau khi ở Việt Nam về. Anh muốn thăm vài bạn thân bị thương còn nằm tại đó. Chúng tôi vô trại thương phế binh, nơi có hằng trăm lính trẻ, kẻ mất tay người mất chân, có người mất cả tay lẫn chân. Một anh bị cụt cả hai tay lẫn hai chân. Một số ngồi xe lăn. Một số nằm trên giường cùng nhau đấu láo. Số khác đang học cách sử dụng tay chân giả. Có người thầm lặng đọc sách, hay nhắm mắt ngủ, hay nhìn vào khoảng không. Dave nói chuyện với vài bạn của anh còn tôi đứng đợi đằng xa. Ý tưởng 'Tôi có thể trở về như vậy' thoáng trong đầu tôi. Tôi bắt đầu bồn chồn và buồn nôn. Tôi lật đật chạy tìm nhà cầu. Tôi nóng rang và cảm thấy nhủn người. Tôi ngạc nhiên về các phản ứng này. Tôi ẩn nhẫn đợi Dave rồi chúng tôi ra về.
Hôm sau, tụi tôi rời nhà ở Berkley ra Muir Woods chơi. Muir Woods là một khu rừng bảo tồn nằm trên mạn Bắc đối diện Golden Bridge, Martin County. Tụi tôi đứa nào cũng nuốt một mớmescaline[14]trong lúc bách bộ giữa rừng ráng và rêu xanh rì, dưới tàng cây redwood[15]cao ngút ngàn. Tôi cảm thấy gần gũi với vẻ đẹp của thiên nhiên và nhận biết năng lượng tinh vi của lực sống chung quanh đang dâng trào. Tôi cũng biết rằng chân trần tôi đang dẫm lên nền rêu ẩm mát của rừng già. Tối lại tụi tôi vô Fillmore Auditorium nổi tiếng của San Francisco xem nhóm Steve Miller trình diễn. Nhạc của Space Cowboy và cần sa làm tôi ngất ngây. Tuyệt đỉnh của một ngày đẹp khôn tả. Ngày mai tôi bay đi Fort Lewis.
Tôi về Fort Lewis trình diện trễ một tuần. Quân đội vừa bắt đầu thi hành lệnh xử phạt lính trình diện trễ không tham gia tuần lễ hướng dẫn về Việt Nam. Ai trễ quá ba hôm đều bị cho 'Article 15', tương đương với khinh tội và bị phạt hai mươi đô la cho mỗi ngày trễ. Sau đó, tôi được xung vô tiểu đội mới và đi thụ huấn tác chiến một tuần lễ trong rừng rậm, tiêu chuẩn cho mọi lính mới đi Việt Nam lần đầu tiên. Tôi được huấn luyện cả cách tránh bẫy và mìn cá nhân, và cách cấp cứu. Tôi được phát đồ trận mới, giầy mới và nhiều món cần thiết cho cuộc chiến trong vùng nhiệt đới. Tôi phải mặc đồ trận mới ngay lúc lên máy bay để sẵn sàng chiến đấu bởi máy bay có thể bị địch bắn lúc hạ cánh. Tôi cho đó chỉ là những 'xạo ke' được đặt ra để hù lính mới bắt họ học tập nghiêm túc mà thôi.
Quá kinh nghiệm rồi nên tôi có để dành một liều LSD để xài trong khi bay. Tôi đáp chuyến bay dân sự do quân đội mướn để đưa rước quân nhân đi qua hay về từ vùng chiến. Tôi nuốt acít lúc vừa lên máy bay đặng được 'lên đỉnh' lúc cất cánh. Tôi tình cờ ngồi cạnh một đại úy. Có lẽ ông nghĩ tôi sợ đi Việt Nam nên khuyên tôi đừng lo mà nên hãnh diện rằng mình đi dẹp bọn Cộng Sản. Ông cho biết ông qua bên đó ba tua rồi. Tôi say miên man. Máy bay ghé Anchorage lấy xăng. Tất cả phải xuống ga lối một tiếng. Tôi say quá nên tưởng chừng mình đang đứng trên đỉnh địa cầu với núi non tuyết phủ. Mặt đất dường như đang uốn lượn và quay cuồng dưới chân tôi. Thay vì vô ga như mọi người, tôi đứng ngoài trời tiếp tục tận hưởng cái say của mình.
Máy bay đáp xuống lần nữa ở khu quân sự trong sân bay Tokyo. Hành khách lại phải xuống nữa. Trong phòng đợi có một nhóm quân nhân trên đường về Mỹ. Họ chữi thề nói với đám lính mới tò te tụi tôi rằng họ đã xong việc.
Tất cả lính mới tụi tôi đều chăm chú nhìn qua cửa sổ xem coi có Việt Cộng ngoài đó đợi chúng tôi đáp không. Tất cả đều yên lành dưới ánh nắng sáng rực trên đồi cát trắng tinh trong vịnh Cam Ranh của Biển Nam Hải. Tôi ở lại phòng tiếp tân một ngày chờ lịnh thuyên chuyển, vái van mình không phải ra tác chiến. Rất may, tôi được đưa tới đại đội tiếp tế y dược đóng ở Long Bình, một căn cứ quân đội lớn gần Sài Gòn và xa mặt trận. Nhờ có học data processingtrong đại học, tôi được chọn giao cho điều hành máy kiểm toán hàng trữ y dược. Trước khi bắt tay vào việc, tôi được gởi đi học một tuần để biết cách sửa máy NCR500. Chạy máy ấy được xem như một công tác quan trọng nên tôi được miễn các công tác khác. Tôi chỉ làm việc bốn-năm giờ mỗi ngày trong xe van có máy lạnh gắn đặc biệt cho máy móc điện tử. Công việc của tôi rất nhàn và dễ nên dầu phê tôi vẫn có thể làm được. Do vậy tôi cùng lính canh phòng hít ít nhứt một lần mỗi đêm.
Như ở Đức, lính Mỹ ở Việt Nam hút cần sa và ma túy với lý do để chống trầm cảm và để quên đi những rùng rợn của nơi mà họ không muốn đến. Chúng tôi biết chiến tranh là một trò hề và không đáng hy sinh tánh mạng và tài sản. Tôi cố làm mình phê càng nhiều càng tốt, đợi ngày hồi hương.
Ma túy rất dễ mua dưới thể bột trắng để hít. Nhiều bạn tôi xài nó để phê. Làm việc cho đại đội quân y, tôi dư thừa ống và kim chích mà nhiều tay chơi bạo rất cần. Tôi bắt đầu hít chớ không chích và không bao giờ dám đi quá trớn đến nghiện ngập. Lính sống ở Việt Nam thường bị mất tinh thần dầu ở tiền tuyến hay hậu phương. Lính hậu phương xa trận mạc không sợ hiểm nguy nên có thể còn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn vì có nhiều thì giờ suy ngẫm.
Đại đội của tôi nằm gần một bệnh viện quân đội lớn. Kế bên là nhà xác chứa nhiều tử thi của quân nhân tử trận. Bị xác[16]màu ô liu đến tấp nập đợi được xử lý; do đó tôi biết lính Mỹ chết đều đều mỗi ngày trong các vùng đồng ruộng xa xôi.
Một hôm nọ, tôi và một số bạn lấy xe đi Vũng Tàu, một bãi tắm cách Long Bình chừng năm mươi dặm. Chúng tôi chạy ngang đồng ruộng và vườn dừa ra biển. Trời nắng chang chang, gió thổi lồng lộng, ai nấy đều để mình trần trùi trụi, tay cầm lon bia, miệng bập cần sa. Dọc đường chúng tôi thấy một đoàn công voa thiết giáp và APC trên đường đi hành quân. Chúng tôi đưa lon bia lên vẫy. Vài anh lính vẫy lại. Chắc họ cho chúng tôi là đồ khùng đang lên cơn nên mới dám ẩu kiểu đó, không có cây súng hộ tống, không có mảnh giáp che thân. Tuy nhiên có thể họ rất khoái được khùng như chúng tôi.
Chúng tôi tắm biển, tắm nắng và dĩ nhiên tự do hút hít trọn ngày hôm ấy. Trong lúc thả nổi trên phao, tôi ngó lên núi thấy bốn tu sĩ chẫm rãi theo đường mòn xuống biển. Họ khoác áo vàng và để đầu trần trọc lóc láng lẩy dưới ánh nắng gay gắt. Tôi nhìn họ quên thôi. Tới bãi, họ chẫm rãi cởi áo dài ngoài, xếp lại tươm tất rồi cẩn thận đặt lên đá. Họ xuống nước với quần áo lót. Họ nằm để sóng nhè nhẹ đu đưa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy tu sĩ và không biết họ đang làm gì. Họ đang thiền? Thật tình tôi cũng không biết thiền là gì. Độ nửa giờ sau, cũng bằng những hành động tỉnh thức đó, họ leo dốc lên núi. Chiều lại, mấy thằng GI vô tư tụi tôi lái xe trở về căn cứ Long Bình, vô phòng tôi và tiếp tục vui chơi thường lệ tưởng chừng như chẳng có gì xảy ra trong ngày.
Tháng Giêng 1977, ba năm nhập ngũ của tôi sẽ chấm hết. Vào đầu tháng Chạp tôi được lệnh về Mỹ để giải ngũ. Trước khi xuất ngũ tôi được vinh thăng Spec 5[17]. Tôi cũng được thưởng mề đay Army Commendation Medalvì công trạng và cống hiến của tôi. Thật tình tôi không thể nín cười. Tôi đã làm được gì ngoài các thành tích dù, ra tòa quân sự, tù tội, và lợi dụng quân đội để đi đó đi đây, và sống đời trụy lạc. Tôi được đưa về Fort Lewis, Washington, để làm thủ tục chánh thức giải ngũ. Từ Washington tôi lấy máy bay dân sự về Los Angeles. Tới phi trường LAX tôi đi ngay vô nhà vệ sinh, thay áo quần và nhét đồ lính vô thùng rác. Tôi mặc chiếc quần jeans bạc màu và áo T-shirt (mà tôi đem theo qua Việt Nam) leo lên xe buýt RTD về Riverside. Tôi vừa đi vừa nghĩ : 'Mẹ kiếp, chuyện gì sẽ tới đây?'
*
Chương 2
NỚI RỘNG CHÂN TRỜI
Hai tuần sau khi giải ngũ tôi trở vô Đại Học Cộng Đồng Riverside (RCC[18]) ghi danh học tiếp. Tôi thử quay lưng lại ba năm lính để lao theo cuộc sống buông thả cũng như các cuộc vui chơi thời đại. Tôi bắt đầu để tóc và râu dài cho có dáng dấp hippi. Tôi tiếp tục hút và hít vì đó là chuyện tất nhiên khi gặp bạn. Cùng lúc tôi tham gia Thiền Tiên Nghiệm[19]phong trào đang lên. Dave, tôi và một bạn nữa, Tom, lấy cua TM ở Đại Học California, Riverside (UCR). Tôi rất thích các cua này. Tôi cũng thích lý giải của tiến trình tâm linh và các trạng thái tâm thức khác nhau trong lúc thiền. Tom và tôi kiên trì theo học còn Dave thì không hẵn. Chúng tôi được khuyên nên ngưng mọi thứ thuốc không phải của bác sĩ cho, không hút cần sa hay hít LSD trong vòng hai tuần mới được khai tâm. Tôi ngạc nhiên vì các điều kiện đưa ra nhưng không chùn bước vì muốn thử thách. Trái lại, Dave không muốn từ bỏ các thú vui lâu nay của mình, còn Tom bỏ cuộc khi nghe nói phải đem hoa và trái cây tới để làm lễ khai tâm.
Tôi vượt qua thử thách và thành công. Tôi không rớ tới cần sa hay hashsuốt hai tuần. Tôi còn chịu trả ba mươi lăm đô la lệ phí nữa. Tôi được khai tâm, nhận thần chú, và bắt đầu tu tập. Tôi ngồi thiền hai suất mỗi ngày, mỗi suất hai mươi phút. Tôi nhận thấy thiền có giá trị cao và rất hữu ích. Tuy nhiên, vì muốn giữ lấy hình ảnh hippi để lấy le và cũng vì muốn thỏa mãn thói quen hút hít của mình, tôi bỏ thiền sau một tháng tu học. Tôi chỉ miễn cưỡng tự nhủ sẽ quay lại một ngày nào đó.
Vào mùa nghỉ xuân tôi và một ít bạn lái xe xuống Palm Beach chơi. Trong lúc loay hoay tìm chỗ vui, tụi tôi gặp nhóm 'Con Chiên Ttái Sanh[20].' Họ sinh hoạt dưới mái lều to dựng trong một khuông viên rộng. Ngoài cổng có vài anh 'Jesus Freaks[21]' đón mời bà con vô lều nghe lời chứng của con chiên thuật lại. Tôi bước vào xem cho biết. Tôi nghe họ kể làm thế nào họ 'tìm thấy Chúa', và họ theo đạo Chúa như thế nào. Họ mô tả cuộc đời tối tăm đầy đau khổ của họ trước đây. Nhiều người cho biết họ sống bê tha, hút xách và rượu chè tối ngày. Nhưng bây giờ họ được cứu rổi rỗi và đang sống hạnh phúc nhờ vào đức tin đầy đủ nơi Đức Chúa Con của Trời. Họ còn tin rằng con đường họ đang đi là con đường duy nhứt dẫn họ lên Thiên Đàng sống đời đời với Chúa. Một anh tới ngồi xuống bên tôi và hỏi chớ tôi có tin Thượng Đế không. Lần đầu tiên trong đời tôi phải trả lời một câu hỏi hốc búa như vậy. Dầu tôi theo đạo Tin Lành Methodist tôi chưa bao giờ có đức tin mãnh liệt nơi Thượng Đế hay Chúa. Tôi nghĩ lâu nay tôi đi nhà thờ là một việc làm tự nhiên và bình thường. Bây giờ nhờ biết chút ít đạo lý Đông phương, tôi bắt đầu thấy sự khác biệt giữa hai khái niệm về Thượng Đế của đạo giáo phương Đông và phương Tây. Tôi trả lời: "Tôi không tin Thượng Đế là một người hay một đấng toàn năng ngự trị trên thiên đường và cai quản vũ trụ bằng bàn tay sắt đá, thưởng phạt nhân loại." Tôi còn nói thêm: "Thượng Đế là một năng lực hiền hòa và sáng suốt quanh đó vạn vật vận hành." Lời đáp của tôi không xuất phát từ nội tâm sâu kín hay niềm tin vững chắc của tôi mà từ những gì tôi học hỏi được hồi gần đây. Nhưng rất hay. Anh con chiên ngông không tin triết lý Đông phương một mảy may nào nên cứ ngắt ngang tôi và chêm vô những lời dạy của Thánh Kinh, lời mà anh cho là chứng cớ của Luật Siêu Phàm. Sau mười lăm phút trao đổi, tôi ngấy những lời khuyến dụ của anh nên bỏ ra tìm lại các bạn cùng đi, hút điếu cần sa và kiếm chỗ vui chơi.
Hè. Tôi dành trọn hai tháng rưỡi chu du Âu Châu, Tây Ban Nha và Ma Rốc bằng cách quá giang xe. Ở Amsterdam tôi gặp một cô tóc vàng tên Terri từ Santa Cruz qua. Cô theo tôi xuống Tây Ban Nha. Cô khỏe, đẹp, dạn dĩ nên dễ xin có giang. Chúng tôi đi một tuần ngang qua Đức và miền Nam nước Pháp trước khi tới Pamplona, nơi đang có lễ hội 'bò chạy.' Hằng năm vào lúc giữa tháng Bảy, Pamplona trở thành một thành phố sôi động 24 trên 24 với rượu ê hề và nhiều cuộc vui chơi trên khắp các nẻo đường và công trường đen nghẹt người. Sáng sáng, kẻ say và người hùng hay đúng ra là một bọn ngông tuôn chạy theo một hành lang đường phố ngăn sẵn, trước một đám bò mộng hung hăng. Người nào lỡ sẩy chơn sẽ bị bò dẫm ngay. Mỗi năm có vài ba người bị bò đạp chết oan như vậy. May cho tôi không đủ say hay quá say hay là 'gà chết[22]' nên không có thử chạy đua với bò để cho cái tôi của mình có cơ hội vênh váo với thiên hạ!
Sau hai ngày sống với cuồng loạn ở Pamplona, tôi và Terri đi tiếp xuống Barcelona lấy tàu qua Ibiza, một hòn đảo nhỏ rất thơ mộng ngoài khơi bờ biển Valencia. Chúng tôi tới một nơi vắng người bên mặt trong của đảo để dựng lều. Tôi có cái lò ga nhỏ có thể dùng pha cà phê hay hâm thức ăn. Hai chúng tôi ở lại đó năm ngày. Chúng tôi vui với rượu vang, cần sa, nắng, và làm tình trong những đêm đầy trăng sao. Sau đó chúng tôi chia tay. Terri lên Barcelona để lấy xe lửa đi Ý rồi về California cho kịp niên học khai giảng vào cuối tháng Tám. Còn tôi đi Ma Rốc, Bồ Đào Nha, rồi Amsterdam trước khi về Mỹ vào giữa tháng Chín.
Tôi và Terri có mối liên hệ của người mới gặp rất thú vị và có lúc thiệt thân mật nhưng không ràng buộc. Chúng tôi cùng nhau vui cái vui xác thịt lẫn tình cảm, và cùng nhau giải quyết nhu cầu cá nhân của mỗi người trong một giai đoạn. Đến lúc chia tay, chúng tôi không luyến tiếc, hay buồn phiền, hay cảm thấy tội lỗi gì hết. Tôi rất thoải mái với các cuộc gặp gỡ như vậy. Ba năm lính đã gò ép tôi hết mức và bắt tôi luôn luôn vâng lệnh nên giờ đây tôi rất chuộng tự do. Tôi không muốn hứa hẹn với bất kỳ ai hay trong bất kỳ tình huống nào; tôi cũng không muốn bị gò bó hay lãnh trách nhiệm. Tôi muốn sống cho tôi và tận hưởng sự phóng khoáng.
Tôi tiếp tục đi xuống Ma Rốc. Tôi ở hai tuần tại Essouira, trên bờ biển Đại Tây Dương, nơi có rất nhiều hippi Âu Châu. Tôi đến cắm trại gần một đám hippi Tây trong một làng hoang vắng nhỏ. Chúng tôi gặp nhau thỉnh thoảng và có hút hít với nhau đôi khi. Một anh kể tôi nghe chuyến phiêu lưu của anh trong vùng Trung Đông từ Istambul đến Ấn Độ. Anh chỉ tôi cách thức đi du lịch ở đó, các thứ thuốc ngon anh từng nếm, và người tốt cũng như xấu anh đã gặp.
Nghe phát mê, tôi quyết định sẽ qua đó vào năm tới khi xong chương trình 2-năm ở đại học cộng đồng. Còn bây giờ tôi phải trở lại Amsterdam vì vé khứ hồi đã sẵn. Trên đường đi tôi không sao không nghĩ tới hè sang năm, lúc mà tôi đã học xong, thu xếp mọi việc, không còn trách nhiệm, và tự do bay nhảy.
Ngay ngày hôm sau khi tới nhà, tôi ghi danh cho mùa thu. Tôi bỏ ngành data processing để lấy lớp bổ ích cho các chuyến đi sắp tới của tôi đồng thời cũng để cho đủ số tín chỉ cần thiết mà bằng giáo dục tổng quát 2-năm đòi hỏi. Tôi tiếp tục lớp Tây Ban Nha và lấy thêm các lớp nấu ăn, địa lý, nhân chủng học, và đạo giáo trên thế giới. Tôi nghĩ nếu tôi đi nửa vòng địa cầu qua Ấn hay xa hơn, ít ra tôi phải biết các khái niệm về địa lý, sử ký, phong tục, và tín ngưỡng của những nơi tôi muốn đến và của những người tôi muốn gặp.
Một ngày sau khi học kỳ mùa Đông bắt đầu, trong lúc ngồi hút cần sa chillum[23]và hứng nắng ấm với bạn, tôi tình cờ gặp được bạn mới, một cô sinh viên trẻ có mái tóc vàng óng và cặp kính thiệt bự. Cô đi thẳng tới tôi và lên tiếng nói: "Tôi thấy anh trong mộng." Ngạc nhiên, tôi đáp: "Mời cô ngồi rồi chúng mình nói chuyện mộng mị ấy chơi." Cô tên Gail, chưa hề gặp tôi. Cô kể đã thấy tôi xuất hiện trong giấc mộng của cô cách nay chừng hai tuần. Cô quả quyết đã thấy rõ ràng gương mặt của tôi. Cô học chung lớp Tây Ban Nha với tôi và khi thấy tôi trong ngày đầu tiên của lớp học, cô nhận ra mặt tôi ngay, cái mặt mà cô nhớ đã thấy trong mộng. Tôi có nghe nói tới hiện tượng tâm linh tương tự, nhưng lần này tôi nghĩ cô muốn bịa chuyện để bắt cầu làm quen. Cũng chẳng sao. Cô dễ thương thành thử cũng nên bắt bồ cho vui. Sau đó chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn.
Gail chỉ mới 19 song có một con gái ba tuổi rồi. Cô hiện sống một mình với con trong căn nhà mướn. Cô có mượn một người giữ con cho cô đi học và đi làm. Cô làm bán thời gian. Cha của con cô sống ở một thành phố khác. Hai người chưa bao giờ cưới hỏi nhau. Đó là một ví dụ cụ thể về cái gọi là 'tình yêu qua đường[24]' của giới vị thành niên và cũng là trường hợp điển hình của trai gái sống chung thường thấy trong xã hội Mỹ hiện nay, mà hậu quả là có nhiều người vợ không hôn thú, con không thừa nhận, phá thai, và đau khổ.
Tôi bắt đầu đi lại với Gail và ở ngủ hai đêm mỗi tuần, hai đêm trước ngày có lớp Tây Ban Nha. Sau một thời gian cô trở nên gắn bó với tôi thái quá và muốn tôi làm của riêng cô. Trong trường cô muốn tôi luôn luôn cặp kè với cô. Tôi hơi bực bội có lẽ vì đã quen với cách xử sự phóng khoáng của Terri mà tôi gặp hồi năm trước. Tôi cũng rất bận bịu với cô nên không còn thì giờ gặp bạn bè, những cuộc gặp gỡ cần thiết để tôi được đi rong, uống bia, vân vân. Nhưng tôi lại mâu thuẩn với chính tôi, vì tuy không thoải mái với Gail, tôi vẫn muốn có cô kề bên để thỏa mãn đòi hỏi sinh lý của mình. Dầu sao tôi chưa thể làm người có trách nhiệm thành niên chính chắn để sẵn sàng dâng hiến tình yêu đứng đắn cho một người đàn bà duy nhứt. Để gỡ mình ra khỏi hoàn cảnh khó xử, tôi nói với Gail tôi sẽ đi lang thang qua Ấn Độ trong một thời gian vô hạn định, ngầm báo cô biết liên hệ giữa tôi và cô không thể kéo dài mãi mãi.
Từ lúc ở Âu Châu về hồi cuối hè rồi, tôi đã bắt đầu rủ rê một số bạn bè cùng đi với tôi vào chuyến du lịch tới. Tôi kể tụi nó nghe nếp sống phiêu lưu phóng túng và các thú vui mà tôi được nếm ở các nơi ấy. Tôi nói thêm rằng đi như vậy sẽ giúp người ta sống có ý nghĩa hơn nhờ nới rộng tầm nhìn ra khỏi khuôn sáo nhàm chán của cuộc sống hiện tại cũng như của công việc lặt vặt hằng ngày. Tôi rốt cuộc rủ được ba đứa bạn tham gia 'Cuộc Du Hành Lớn sang Âu Châu' và có thể qua tới Ma Rốc. Bạn tôi không thể bỏ đi dài hạn như tôi được bởi tụi nó còn 'bận bịu' với công ăn việc làm, bồ bịch, hay học hành.
Trong hai tháng kế tiếp bốn đứa tụi tôi bận rộn hoạch định chương trình hành động. Là người duy nhứt từng sang Âu Châu, tôi được xem như kế hoạch trưởng, tha hồ đưa ý kiến và đề nghị. Ý sẵn có của tôi là muốn đi giang hồ và hưởng thụ. Tôi tính sẽ dấu theo một lượng LSD lớn để bán lại ở những đô thị như Copenhagen, Amsterdam và Muchich. Tôi định kiếm tiền mua chiếc mô tô BMW để chạy từ Âu Châu qua Trung Đông đến Ấn Độ. Tôi sẽ bỏ xe lại Ấn rồi đi bộ hay xe lừa tới một nơi huyền thoại và hấp dẫn nhứt. Ở đó tôi sẽ thả nổi và có thể sẽ không về Mỹ nữa nếu duyên nghiệp tôi định vậy.
Vào lục cá nguyệt chót, tôi lấy lớp tôn giáo thế giới để học triết lý và đạo lý Ky Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo/Yoga, và Phật giáo. Cô giáo là một bà đứng tuổi, luyện yoga, từng qua Ấn Độ nghiên cứu. Bà dành hai tuần dạy mỗi tôn giáo và bắt sinh viên viết bài về đạo mình thích. Tôi chọn Phật giáo vì đạo này hấp dẫn với tôi nhứt. Tôi vô thư viện của trường và của thành phố tìm tài liệu về lịch sử, đà phát triển và giáo lý của đạo Phật. Tôi rất tò mò và mê đọc những thuyết nói về nghiệp, luân hồi, tái sanh, khổ đau, niết bàn, và thiền. Lần đầu tiên tôi thật sự đi sâu vào những triết lý mà từ trước tới nay tôi chỉ được nghe qua loa. Các thuyết về đời sống, sanh và tử của phuơng Đông hình như dễ cảm nhận hơn các thuyết của đạo Do Thái và đạo Chúa. Do đó, tôi viết say mê như chưa bao giờ say mê viết như vậy. Tôi rất ngạc nhiên về sự say mê này của tôi. Và giờ đây tôi mới biết và quý trọng tượng Đức Phật để trong phòng tôi. Bài tôi được điểm cao nhứt, A+, và lời khen tôi hiểu biết sâu sắc vấn đề. Nhưng cảm hứng của tôi tàn nhanh và tôi lại bận rộn với việc tổ chức 'chuyến đi lớn' sắp tới.
Nhờ giao dịch tôi gặp được một người có thể cung cấp bốn ngàn tép LSD cam sáng[25], một loại acít tốt. Mỗi tép đủ cho bốn người phê ngon lành. Tôi muốn thứ này để đem qua bán bên Âu Châu hầu góp tiền mua chiếc mô tô đi Ấn Độ. Số hàng bốn ngàn tép quá thừa nhưng vì giá rẻ nên tôi lấy hết. Một thằng bạn xin mua lại một nửa, tôi chia ngay. Tôi định đem lậu đi bằng cách cuộn thuốc vô vớ nhét dưới đáy xách đeo vai.
Ba đứa bạn cùng đi với tôi là Barry, Fred và Rick. Tụi tôi tính đi bằng cách rẻ tiền mà khoái nhứt. Tụi tôi sẽ lái chiếc xe chủ mướn giao từ California qua bờ biển Đông. Rồi kiếm đại lý nào đó cần giao xe đi New York hay Boston để tụi tôi lái mướn một lần nữa mà qua đó. Tụi tôi chỉ phải trả tiền xăng mà thôi. Nếu chia cho bốn, mỗi đứa chỉ tốn hai mươi lăm đo la là nhiều. Từ New York tụi tôi bay qua Bắc Âu và bắt đầu đi phiêu lưu từ đó. Tụi tôi chọn đến Stockholm trước vì nhiều lý do. Thành phố này nằm trên đỉnh địa cầu chắc sẽ trắng xóa và đẹp lắm lúc tụi tôi tới. Lý do chính là tôi có một thằng bạn ở đó biết chỗ bán hết hay một phần số ma túy tôi đem qua với giá cao. Tôi sẽ khỏi phải mang nó kè kè và có thể lấy tiền một lần. Với nữa, hè đó giá vé đi Stockholm rẻ.
Mấy năm trước, tôi đem theo cả ký cần sa mua với giá bèo, bán lại một số để lấy vốn, giữ số còn lại kể như lời để hút. Nhờ vậy, tôi chẳng những có đủ xài mà còn chia cho bạn bè, giựt le[26]vấn điếu chillumbự trong nhiều cuộc vui chơi, và giúp tụi nó phê đều đều. Tôi khoái làm như vậy.
Bạn tôi thường đến nhà tôi mua một ít lá hay vài gram hash. Theo thông lệ, tụi nó vừa nghe nhạc vừa hút thử ngay trong phòng tôi, trước khi lấy hàng ra về. Ba má tôi không hay biết việc buôn bán dấu đút của tôi nhưng có bắt gặp tôi hút vì theo mùi khói thuốc. Hơn thế nữa, má tôi là hiệu phó của một trường cấp hai rất mất dạy ở Riverside nên bà biết rành về hiện trạng ma túy trong trường học. Bà thường phải đương đầu với đám con nít nghịch ngợm, hút xách, loạn động vì LSD hay angel dust[27],và với cả con gái mới 14 đã chửa hoang. Học sinh, trai cũng như gái, vô trường phê là chuyện thường. Chúng còn bán xì ke nữa là khác. Do đó má tôi nhìn qua cử chỉ của tôi là biết tôi hút nên bắt không sai.
Là phụ huynh rất lo lắng cho con cái, ba má tôi không bao giờ chấp nhận nhưng không sao ngăn cấm tôi hút được, nhứt là ông bà biết tôi đã trưởng thành với 22 tuổi đầu và đã có ba năm lính. Vả lại, ông bà thấy tôi hút nhưng không bị trở ngại trên đường đời cũng như trong lớp hoc (tôi học luôn luôn trên trung bình) nên dung thứ và cho tôi hút ngay trong nhà với chủ ý tránh cho tôi khỏi phê ngoài đường mà có thể bị nạn. Ông bà tin rằng sớm muộn gì (mà càng sớm càng tốt) tôi cũng sẽ bỏ thuốc và quay về lối sống kiểu mẫu với vợ với con. Có lẽ vì thói quen hút xách mà lần hồi tôi không còn tha thiết lên đại học 4-năm hay nghĩ tới tương lai dài nữa. Anh tôi không vướng vô tệ nạn này nên đã có đời sống trung lưu khá giả. Anh ra trường kỹ sư, có việc làm ngon, được lương cao, cưới vợ đẹp, sắp sanh con, và đã sắm đươc ngôi nhà trong vùng ngoai ô xịn.
Dĩ nhiên ba má tôi muốn tôi bắt chước anh tôi nhưng ông bà không bao giờ thúc hối tôi. Má tôi biết mỗi người có một trường hợp đặc thù và phải theo tiếng gọi riêng của mình nên bà để tôi quyết định đời sống của tôi. Tôi có cắt nghĩa cho ông bà biết tôi sẽ đi chu du để xem người khác sống thế nào, biết tôi hơn, và có thể tìm ra chân trời mới. Tôi nói tôi đi không biết bao lâu và nếu gặp gì hay tôi sẽ xa nhà năm-bảy năm và có thể đi luôn cũng không chừng. Ông bà không tin lời tôi mà nghĩ rằng tôi sẽ chán và nhớ nhà rồi quay về hoàn tất hai năm chót đại học.
Bốn đứa tụi tôi định sẽ khởi hành qua bờ biển Đông ngay sau khi học kỳ mãn. Như vậy là tôi sẽ xong bằng Associate in Arts (AA) mà lễ cấp bằng được định vào tối Thứ Sáu liền theo đó. Tôi không thể chờ để lãnh bằng vì cho rằng AA chẳng quan trọng gì mà phải tốn công dự lễ. Ba má tôi ngạc nhiên lắm!
Đêm trước khi lên đường, tụi tôi có tổ chức ăn nhậu chia tay đằng nhà của Barry và Rick. Mười thùng bia đã sẵn. Bỏ bít tết được nướng trên lò than dã chiến đào sau sân nhà. Khách lúc ban đầu chỉ gồm bạn bè thân cũ nhưng lần lần con số lên tới trăm vì tiếng đồn ra. Có cả thực khách mà tụi tôi chưa hề biết mặt. Tôi muốn thử acít orange sunshinenên tán nhuyễn hai chục tép và chuyền tay trên một dĩa nhỏ. Mọi người ăn no, nhậu đã, hút phê, và nghe nhạc hết ga. Ai cũng muốn 'gục'. Cuộc vui kích động quá đà và ồn ào quá mức khiến hàng xóm kêu mã tà tới 'dội nước giải nhiệt.' Tụi tôi phải hạ nhạc xuống và 'mời' các khứa không được mời mà tới đứng dậy ra về dùm. Sau cùng nhóm bạn thân còn lại chia nhau hút điếu chillumchót tiễn bốn anh em tôi lên đường làm 'Chuyến Thám Hiểm Âu Châu Lớn.'
*
Chương 3
XUYÊN ÂU CHÂU
Như đã tính trước, bốn đứa tụi tôi sẽ lái chiếc xe từ Riverside qua New York giao cho chủ. Ba má tôi và Gail tiển tôi tại lối xe trước cửa nhà. Chúng tôi xiết mạnh vòng tay và hun nhau luyến tiếc. Gail khóc. Sau đó chúng tôi lên xe, chiếc Buick có máy lạnh, ra lộ xuyên bang số 10, chạy ngang sa mạc Nam California. Thằng bạn bán xì ke tặng cho bốn đứa tôi một món quà quý--một ounce[28]potloại tốt và một gram cocaineđể giúp tạo thêm nghị lực cho chuyến đi xa. Tụi tôi mất bốn ngày mới tới New York; trên đường tụi tôi thay phiên lái và cùng nhau vui đùa thỏa thích.
Từ New York, tụi tôi bay qua vùng Đất có Mặt Trời Giữa Đêm và đáp xuống Stockholm đúng dịp lễ hội 'giữa hè' vào ngày 21 tháng Sáu, cũng là sinh nhựt của tôi. Lúc sắp hàng qua quan thuế, tôi rất bồn chồn vì các tép LSD dấu dưới đáy cái xách tôi mang trên vai. Bụng tôi đánh lô tô[29]khi thấy vài người đi trước tôi bị giữ lại để khám kỹ, nhưng tôi cố làm tỉnh. Tới lượt tôi, nhân viên quan thuế nhìn tôi, xem thông hành tôi rồi hỏi tôi có bao nhiêu tiền, định ở lại Thụy Điển bao lâu và yêu cầu tôi xuất trình vé lượt về. Tôi đưa ông xem năm trăm đô la bằng chi phiếu du khách và nói tôi dự tính ở Thụy Điển hai tuần. Ông có vẻ vừa ý, khoác tay cho tôi qua và chúc tôi vui vẻ. Fred đi sau tôi bị giữ lại và bị xét rất lâu. May là nó không có tép thuốc nào trong lưng hết. Một phút trớ trêu bắt đầu chuỗi thời gian ngông nghênh sắp tới!
Chuyện đầu tiên tôi phải làm là tìm tên Thụy Điển chịu mua các tép xì ke cam sáng của tôi. Tôi muốn tống nó đi cho khỏe thân vì tôi đang như ngồi trên đống chất nổ. Nhờ có địa chỉ nên tôi không mất nhiều thì giờ tìm hắn. Hắn ta đang ở chung với cô bồ cũng hippi như hắn. Hai người làm nữ trang để bán dạo ngoài phố. Hắn sáng mắt khi thấy các tép cam sáng tôi đem tới, Hắn muốn mua một ngàn tép và chịu trả một ngàn đô la hay số tiền cu ron tương tương. Thuốc cam sáng thứ tốt có thể bán tới mười đô la một tép vì quý hiếm ở Stockholm. Không có tiền sẵn, hắn yêu cầu tôi đợi vài ba hôm để hắn xoay sở với bọn ghiền của hắn. Tôi đồng ý đưa hắn một ngàn tép để hắn cất trong tủ lạnh và bán lần lần. Tôi hơi ngây ngô khi tin hắn, nhưng tôi không có chỗ cất và không thể mang tất cả kè kè bên mình. Còn chín trăm tép cũng là nhiều cho tôi bán dọc đường rồi. Bốn đứa tụi tôi định làm một vòng Thụy Điển-Na Uy-Thụy Điển trong một tuần, bằng cách có giang xe lên Sundswall, băng qua Na Uy xem một ítfjord[30]nổi tiếng của xứ này, xuống Oslo, rồi trở về Stockholm. Trước khi lên đường tụi tôi nhờ thằng Thụy Điển đưa đi mua mười gram lá hash. Để dễ có giang tụi tôi chia làm hai nhóm, tôi đi với Fred còn Barry đi với Rick. Không ngờ hai nhóm tụi tôi không có dịp gặp lại nhau cho đến khi về lại Stockholm một tuần sau đó theo chương trình đã được đồng ý trước.
Mưa tầm tã trọn một tuần nhưng tôi và Fred vẫn tiếp tục chương trình hoạch định, cứ dầm mưa xin quá giang. Về đêm thì ngủ hoặc trong trang trại hoặc ở chỗ nào có thể ngủ được dọc theo đường. Đêm nọ, sau một ngày dan mưa, tụi tôi lủi vô trú trong một chuồng bò sau nhà một nông dân. Bò không bị quấy rầy sẵn sàng yên giấc với tụi tôi. Một đỗi sau bác nông dân ra thăm chừng bò, kinh ngạc gặp bốn đứa tôi. Tôi nghĩ bác sẽ giận dữ tống cổ tụi tôi ra. Nhưng không, bác cười thân mật, xí xô xí xào và ra dấu (bác không biết tiếng Anh) biểu tụi tôi vô nhà bác ngủ cho ấm. Tôi và Fred không ngại mùi cứt bò, rất vừa ý với nệm rơm sẵn có và đang muốn hút một mẻ hashđể kết thúc ngày dài vừa qua nên chần chờ. Bác vừa bịt mũi vừa chỉ bò ra dấu bắt tụi tôi phải vô nhà. Tụi tôi xin đồng ý để bác vui.
Bác gái còn vui hơn khi thấy bác trai dẫn tụi tôi vô nhà. Bà liền hâm cho mỗi đứa một tô súp, cắt cho mỗi đứa một góc bánh pienhà nướng và rót cho mỗi đứa một ly sữa tươi. Tụi tôi cám ơn bà rối rít rồi ăn uống ngấu nghiến. Sau đó bà đưa tụi tôi vô ngủ trong phòng trước đây là của con bà. Mền lông dầy giúp tụi tôi quên đi cơn mưa lạnh đêm nay. Sáng dậy, tụi tôi được cho ăn điểm tâm với trứng luộc, bánh mì, bơ tươi và phó mát nhà làm. Trong chuyến đi tuần này tôi và Fred gặp nhiều dịp hên, được bà con giúp đỡ rất nhiệt tình. Quang cảnh Na Uy thật hùng vĩ; fjordvà làng đánh cá xem như tranh in trên bưu thiếp. Thêm vào, ngày hè dài 24 tiếng trên cực Bắc nên tụi tôi có thể thưởng lãm thiên nhiên liên tục nếu không muốn dừng chơn ngơi nghỉ.
Trở về Stockholm, tôi và Fred đi thẳng tới nhà của đôi bạn Thụy Điển. Tụi tôi sửng sờ khi nghe cô nàng cho biết anh chàng đã vô tù. Bằng giọng thiếu bình tỉnh và hấp tấp cô kể tụi tôi nghe câu chuyện cảnh sát vồ anh lúc anh bán LSD ngoài công trường thành phố, nơi tụ tập của hippi và du khách. Rồi phòng anh bị khám xét. Lúc thấy lính tới cô hoảng quá bèn tống hết các tép còn lại xuống cầu và dội nước. Cô khuyên tụi tôi mau rời khỏi chỗ này vì lính có thể còn đang theo dõi. Tôi bị sốc và chưa biết tính sao. Tuy nhiên vì an toàn, tôi phải đi ngay. Tôi liền băng qua đường vô công viên nhỏ gần đó tìm chỗ chôn các tép thuốc còn lại. Tôi cẩn thận làm dấu chỗ chôn. Xong, tôi và Fred xuống công trường nơi anh bạn Thụy Điển bị lính tóm. Tình cờ tụi tôi gặp lại Barry và Rick. Tất cả ngồi xuống bực thang gần đó để nghỉ và bàn về chuyện đã xảy ra. Lúc ấy tôi thấy ai như anh chàng Thụy Điển đó đi trên cầu vượt ngang công trường. Có lẽ anh thấy tôi nhìn nên lật đật lẫn mất. Tôi vụt chạy theo nhưng vô ích vì người qua lại đông quá. Tôi nghĩ ra rằng cô nàng kia đã nói láo. Tôi bèn gọi sở cảnh sát hỏi và được trả lời không có ai tên như anh trong tù hết. Tôi biết ngay rằng mình bị gạt một cách ngang nhiên rồi. Tôi hoang mang nhưng không thể kêu cứu vì chẳn lẽ nhờ mã tà bắt bọn cướp cạn LSD của tôi để 'lạy ông tôi ở bụi này' sao. Tôi không dám dính dáng với công lực. Fred và tôi căm lắm nhưng chẳng biết phải làm gì giữa thành đô điên loạn này.
Barry và Rick kể lại những vui buồn trong chuyến phiêu lưu vừa qua của hai đứa. Tôi kể chuyện bị gạt, Barry nghe nổi nóng đòi đi đập tụi lưu manh, tôi can vì tôi kể như mình bị mất và định quên hết để tiếp tục xuôi Nam. Chiều lại, tụi tôi gặp Jim, thằng bạn cùng ở Riverside vừa từ Los Angeles tới. Jim được công ty du lịch của nó đưa qua Âu Châu viếng một số đô thị để chuẩn bị đưa khách sang. Chuyến đi của nó nửa công nửa tư nên bị giới hạn nhiều về thời gian. Thêm Jim, nhóm Riverside có tới năm mạng. Nhóm định đi Copenhagen sáng mai vì không còn hứng thú ở lại Stockholm, một thành phố đắt đỏ (khó kiếm nhà trọ rẻ tiền), với dân (theo tôi) lạnh lùng lẫn rỗng tuếch, và bợm say nhan nhản ngoài đường cũng như trong hầm xe điện ngầm. Riêng tôi bị cướp cạn giữa ban ngày nên không có chút cảm tình nào với thủ đô này hết. Trước khi đi, tôi trở lại công viên đào lấy các tép LSD dấu hôm trước. Và để hiểu thêm chuyện mình bị lừa, tôi đi qua nhà cặp xỏ lá Thụy Điển, để bị thất vọng thêm vì đứng gỏ cửa hoài mà không ai mở nên bực mình bỏ ra về. Bị vố ấy, tôi hết mơ mua mô tô. Tôi phải tự bằng lòng với gì mình đang có, tìm cách bán lẻ chín trăm tép cam sáng và đi du lịch bằng phương tiện địa phương hay bằng lối có giang xe.
Tối, năm đứa tôi ra ngoại ô tìm chỗ ngủ ngoài trời. Tụi tôi dừng lại nơi sân cỏ trong khu nhà cao từng, trải nóp ra nằm. Thấy dân bụi đời, một ít thanh thiếu niên trong khu ra gạ mua LSD. Chúng là bọn con nhà trung lưu thừa tiền nhưng thiếu vui. Tôi ra giá mười lăm đô một tép để bù lại số bị giựt. Chúng móc túi trả tiền tỉnh khô cho năm tép rồi chạy dông vô nhà gần đây. Năm đứa tôi vừa cười chúng vừa hút chillum và thưởng thức một đêm ngoài trời ấm áp thú vị.
Barry, Rick và Jim lấy xe lửa xuống Copenhagen còn tôi và Fred chọn cách có giang xe. Tôi thích có giang vì ham phiêu lưu và muốn có cơ hội gặp bà con địa phương cũng như học hỏi về nơi mình đã đi qua. Có giang cũng là cách du lịch rẻ tiền, nhứt là ở Âu Châu và đặc biệt ở Bắc Âu. Tụi tôi đến Copenhagen gặp lại Barry và Jim ở điểm hẹn sau hai ngày quá giang bằng nhiều thứ xe. Barry cho tôi và Fred biết Rick có lẽ nhớ nhà nên đã bỏ cuộc và trở lên Stockhom lấy máy bay về Mỹ. Hai đứa tôi rất ngạc nhiên. Bốn đứa tụi tôi ở lại đây vài ngày để vui với sinh hoạt hè. Tôi nhớ mùa Đông năm 1968 lúc tôi dù lên đây. Mùa hè này trở lại tôi cảm thấy khác biệt lạ thường. Phải chăng vì bây giờ tôi là con người tự do có pha trộn chút vị ngon lành của "flower children[31]."
Vùng ngoại ô có nguyên một thành phố lều dựng lên đón dân hippi đi tứ xứ Đông Nam Tây Bắc.. Tụi tôi ngủ lại đây và có dịp nói chuyện với nhiều người. Được biết cuối tuần tới sẽ khai mạc đại nhạc hội rock ngoài Copenhagen. Nhạc hội và lễ hội là những dịp tốt để tiêu thụ ma túy. Barry muốn đến đó để bán bớt hai ngàn tép của nó. Tụi tôi tin rằng sẽ bán được nhiều với giá mắc và sẽ lấy lại cả vốn lẫn lời khẳm.
Ở Copenhagen có nhiều chỗ cho mướn xe đạp vì xe đạp là phương tiện di chuyển mà dân địa phương cũng như du khách rất thích. Xe cho mướn thường cũ kỹ, có vỏ mòn, và chỉ gắn một thắng. Tôi mướn một chiếc chạy quanh thành phố. Tôi nảy ra ý định mướn dài hạn để đạp đi Amsterdam, đạp thong thả chừng mươi ngày chắc cũng tới nơi. Như vậy tôi sẽ thấy được đồng trại và làng mạc kỳ thú của Đan Mạch và Hòa Lan. Hai xứ này có địa hình phẳng phiu nên chắc dễ đạp. Tôi quyết định thực hiện ý mình trong lúc ba bạn tôi chọn xe lửa cho có tiện nghi. Tôi đi mướn xe đạp. Không có chỗ nào cho mướn một vòng và không ai chịu cho đem xe ra khỏi xứ. Tôi có cách. Được biết ở Đan Mạch mướn xe không phải đăng ký hay dằn cọc vì chủ xe tin người mướn chơn thật và nhứt là vì xe cũ cà tàng không ai thèm lấy làm gì. Vậy thì tôi mướn một tháng, trước để đạp ra Roskilde dự nhạc hội rồi sau đó đạp luôn qua Amsterdam. Tiền mướn một tháng, tôi tính, sẽ còn nhiều hơn tiền mua chiếc xe đạp đầm cũ sét có cặp vỏ lán o mà tôi đã nhắm. Bây giờ ngồi ngẫm lại, tôi nhận ra đó là một ví dụ điển hình của cái tâm và cái tôi xão quyệt đã dựng lên cái ý niệm cho là hữu lý để làm chuyện trái luân thường.
Ngày khai mạc lễ hội, tôi mướn xe, chất túi đeo vai lên bọt-ba-ga sau, ràng kỹ, rồi đạp hai mươi dặm ra dự. Barry, Fred và Jim lấy xe lửa tới. Tụi tôi gặp nhau lại ngoài ga của thành phố nhỏ Roskilde. Cùng đến có cả mấy trăm người trẩy hội, hầu hết thuộc giới trẻ. Tôi khóa xe vô rào ngoài khu lễ hội. Rồi bốn đứa vô tìm chỗ. Tụi tôi chiếm được một ô sau cái quầy nhìn thẳng lên sân khấu, cắm dùi ở đó liền tù tì trọn hai ngày đại hội. Nhạc đã bắt đầu. Bà con kẻ nhún nhảy người âm thầm hút chillum; một số khác đùa nghịch trong hồ bơi dã chiến mà ban tổ chức dựng lên để giúp khách tạm quên đi phần nào cái nóng rang của mùa hè. Nhiều cô cởi trần đi nghễu nghến. Hội không có cảnh sát kiểm soát nên tha hồ buôn bán và hút hít ma túy. Tôi viết tấm bảng "California sunshine orange" và cắm trước chỗ đang ngồi để chào hàng. Trong vòng mười phút tôi bán được năm tép giá năm đô mỗi tép. Sau hai tiếng tôi và Barry mỗi đứa bán hơn năm mươi tép. Và đến cuối tuần tụi tôi bán trên năm trăm tép. Tụi tôi cũng có thí một ít cho mấy thằng cô hồn ghiền mà không có tiền mua. Và tụi tôi cũng xài một mớ để rung cảm với nhạc điệu đang lên của cái không khí hoang dã và loạn cuồng đang diễn ra ở đây. Tụi tôi có mua thêm hai mươi gram hash để theo cho kịp cuộc đua đường trường hút chillumvà cũng để phát không cho ông đi qua bà đi lại. Ôi vui thiệt là vui và mọi việc đều trôi chảy êm xuôi. Tôi rất thỏa dạ vì tôi đã thu lại vốn rồi mà còn lời những năm trăm tép, chưa kể số bị cướp cạn.
Trên đường đi Amsterdam, tôi ung dung đạp và đạp được những sáu bảy chục cây số mỗi ngày, dầu rằng cái xe thuộc loại cà tàng. Tôi thường phê và vui đậm với cảnh vật chung quanh. Tôi quên hết mọi việc kể cả xe cộ đi qua. Đến khoảng 6:00 giờ chiều tôi mới để ý tìm chỗ nghỉ đêm, có thể là một cụm cây bên lề, khu picnic dựa hồ, công viên làng, hay trang trại của nông dân. Tôi có ghé qua Isle of Sylt, một ốc đảo của giới khỏa thân Bắc Âu, ở hai ngày mong có dịp lấy lại cái sạm nắng California. Rất tiếc trời mù mịt và lạnh liên miên. Tuy nhiên cũng có khối dân Đan Mạch và Đức đến chơi. Họ nằm trần như nhộng trên ghế bật, dưới bóng dù cản tia hồng ngoại dầu mây đã che kín mặt trời. Không có nắng để phơi, tôi vô một chòi nhỏ nằm cho yên tĩnh. Chòi làm bằng cành cây khô và giấy bồi dựng dưới bãi. Tôi dấu xe sau bụi rậm, mở xách và xây ổ nằm thoải mái. Chập sau một đám trẻ con tới. Chúng ngạc nhiên thấy tôi chiếm chòi mà chúng đã bỏ công cất để chơi riêng trong những ngày dự trại hè thiếu niên. Tuy nhiên chúng vui vẻ theo nói chuyện để luyện Anh văn khi biết tôi là người Cờ Hoa chánh cống. Tối lại chúng còn đem cho tôi một ít thức ăn của trại.
Nghe bọn trẻ báo lại, cô giáo của chúng đến xem cho rõ thiệt hư. Cô trạc 20, có dáng điệu nội trợ. Cô không rành tiếng Anh nhưng cứ theo hỏi hết chuyện này tới chuyện khác. Tôi có cảm tưởng cô đang thiếu tình yêu. Cô trở lại tìm tôi lúc tối khi trẻ con đi ngủ. Hai tụi tôi đứa thì khát khao đứa lại sẵn sàng nên không thể chờ lâu. Chúng tôi lăn ra làm tình say sưa ngay trên cát và cả hai đều thỏa mãn như ý. Sáng, một em bưng cho tôi ít thức điểm tâm còn thừa của trại, bữa điểm tâm do người tình ngang xương gởi tới. Thấy trời cứ mù mù hoài tôi nhổ neo lên đường sợ cô giáo người tình đến thăm nữa. Làm vậy tôi khỏi phải bâng khuâng vì lời tạm biệt hay khó nghĩ với yêu cầu 'xin viết cho tôi.' Tôi muốn chuồn êm như lúc tôi đến.
Sau nhiều ngày đi qua vùng Bắc của hai nước Đức và Hòa Lan, tôi đạp tới bờ đê nhơn tạo, dài và lớn nhứt của xứ hoa tu líp, và vui mừng biết sắp đến Amsterdam. Bấy giờ tôi mệt nhoài và ngán các đoạn đường đất tới tận cổ, nhưng chiếc xe đạp cũ khả kính kia chưa thấy sao, tôi thiệt tình phục nó sát đất. Tôi gặp lại Barry và Fred ít giờ sau khi tới nơi hẹn, Vondel Park. Không có Jim vì nó phải tách ra đi công việc cho hảng. Vườn Vondel là nơi tụ tập quen thuộc của bọn hippi đi rong. Thành phố cho phép họ cắm trại tại đây bởi thiếu nhà trọ rẻ tiền. Vườn có chỗ gởi hành lý và một câu lạc bộ bán thức ăn uống; nhạc và ma túy cũng có luôn. Tôi dựng xe dựa gốc cây cho ai cần cứ lấy đạp, nhập bọn với Barry và Fred, và cắm lều dưới một tàng cây lớn bên bờ con kinh. Có nhiều nhóm nhỏ như nhóm tụi tôi sống rải rác trong khuông viên rộng. Các nhóm thường đi làm quen với nhau để trao đổi tin tức hay kể cho nhau nghe những phiêu lưu của mình.
Tôi và Barry có dịp bán số orange sunshinecòn lại, bán chạy như tôm tươi. Nhờ vào tiền kiếm được tôi khỏi phải rớ tới số chi phiếu năm trăm đô. Đã vậy tôi còn dư một số nữa. Để an ủi nỗi dầy vò ăn lời quá trớn, tôi phát không một ít cho bọn ghiền 'ca bài con cá' tại sao chúng không có tiền mua. Một lần nọ, nhơn dịp có nhạc miễn phí trong công viên, tôi tán nhuyển và thí những hai chục tép. Tôi rất vui khi thấy dân hippi phê trong những buổi chiều đầy nắng ấm và đầy nhạc vang vang. Phần tôi, hippi cũng không thua ai vì tóc vàng tôi đã dài tới vai và râu hun tôi ra rậm ri.
Ở đây tôi bắt đầu giở sách 'The Teaching of Don Juan[32]' ra đọc, cuốn sách mà tôi đổi bằng một liều acít. Sách kể chuyện của tác giả Carlos Castenada với thuốc peyote[33]và nhiều thứ cây thuốc gây ảo tưởng khác. Don Juan, nhà phù thủy Mễ Tây Cơ, dạy cho Carlos cách dùng chất gây ảo giác để khám phá bí mật của tâm và phát huy quyền năng tâm thần hầu đạt giác ngộ. Tác giả là một sinh viên nhân chủng học của Đại Học UCLA[34]. Anh thọ giáo thầy Don Juan và thu thập được nhiều kinh nghiệm ngộ nghĩnh quý báu mà anh thuật lại trong sách. Tôi thích sách vì câu chuyện chớ lúc bấy giờ tôi chưa hề biết gì về các chuyển biến của tâm linh. Tôi có thử peyotevà một ít thứ nấm quỷ thuật khác nhưng chỉ để phê hơn là để khám phá tâm. Tôi chỉ học hỏi được thêm sau khi đọc tiếp sách của cùng tác giả.
Vào một ngày chủ nhựt nắng ấm nọ, có một nhóm Krishna đông tới công viên. Tôi có nghe nói về nhóm Tinh Thần Krishna từng gây tranh luận sôi nổi này, nhưng chưa bao giờ được gặp mặt. Và qua lớp tôn giáo thế giới lấy ở Đại Học Cộng Đồng Riverside, tôi biết Krishna là vị thần Hindu mà tín đồ rất sùng bái và nguyện cầu bằng cách xướng tên ngài, 'Hare Krishna, Hare Rama'. Guru[35]tinh thần Hare Krishna được kiệu tới và đặt trên bục dành riêng cho ngài. Ngài là một cụ già ốm yếu, mặc áo dài vàng. Trán ngài điểm nhiều chấm màu. Ngài có nhiều thầy và rất đông tín đồ hộ giá. Hầu hết đều mặc áo vàng và cũng có chấm màu trên trán. Đầu họ cạo trọc chỉ chừa chùm tóc đuôi ngựa nhỏ sau ót. Lần đầu tiên đứng gần họ và nhìn thấy họ tận mắt, tôi hơi là lạ.
Sau khi được giới thiệu, nhóm bắt đầu đọc chú Đại Hare Krishna theo nhịp trống, chập chõa và vũ điệu của tín đồ. Lúc nhịp điệu lên cao tôi có cảm tưởng như bị cuốn hút theo không khí huyền bí chung. Tôi bắt đầu lẩm nhẩm rồi lần lần đọc ra tiếng các câu chú. Sau lối mười lăm phút, tôi và đám đông đều như bị nhập tâm và có cùng một chu kỳ tâm linh. Hầu hết uốn mình nhảy nhót chung với các thầy và tín đồ Krishna. Tôi cảm thấy lâng lâng lên chín từng mây xanh. Tôi có nghe nói tới ảnh hưởng mê hồn của lối đọc chú này nhưng không biết ma túy hay lời chú đã đưa tôi lên cao, bởi trước đó tôi có nuốt nửa tép cam sángvà hút nhiều chillum. Tiếp theo, các thầy và tín đồ xuống đám đông phát 'prasad', một thứ bánh ngọt hình viên tròn nhỏ, để chúc phúc, hạnh phúc ban bố từ chính Đấng Krishna. Bánh ăn ngon.
Ít hôm sau tôi tìm đến đền Hare Krishna gần công viên. Được nghe nói rằng ai viếng đền lúc ngọ trai đều được mời ăn bữa cơm trưa Ấn Độ cổ truyền. Tôi đến lúc trước trai thời. Tôi thấy họ đang đọc kinh. Đền thờ có nhiều tranh và tượng của Krishna cùng nhiều thần linh Ấn Độ khác. Tôi ghé xem vì tò mò hơn là vì sùng kính. Tuy nhiên tôi yên lặng tôn trọng mọi nghi thức trong lúc chờ cơm. Trước lúc cáo lui, tôi ngạc nhiên nghe vài thầy và tín đồ cải nhau về nhiệm vụ được giao phó vì tôi đinh ninh rằng các bậc tu hành ấy không thể bôi mặt đá nhau trước mặt khách thập phương. Tôi ra về mà lòng chưa thanh thỏa và không mấy thiết tha với lối tìm Giải Thoát như tôi vừa thấy lúc bấy giờ.
Trong số người tôi gặp ở công viên, có một cậu người Mỹ chỉ tôi chỗ của một đảo nhỏ tên Gomera trong quần đảo Canary Islands. Anh có ở đó rồi và cho biết đảo có đời sống rẻ nhưng là nơi thoát phàm lý tưởng vì còn trinh nguyên. Nhóm nhỏ tụi tôi vui mừng tiếp tục chương hai của cuộc phiêu lưu tự do--mùa Đông ở Canary Islands. Thiệt ra cũng là lúc nghĩ tới việc theo nắng ấm xuống miền Nam vì hè trên vùng Bắc Âu Châu sắp chấm dứt.
Không hiểu vì sao tôi lại muốn rủ Gail qua Amsterdam để cùng quá giang xe đi với tôi xuống Tây Ban Nha và Canary Islands. Có lẽ tôi có đủ tiền trả cho cô nàng cái vé khứ hồi và muốn cô nàng có cùng kinh nghiệm du lịch xuyên Âu Châu và sống ở Canary Islands trong mùa Đông sắp tới. Tôi không có ý định đưa nàng qua Ấn vì sợ nàng bỏ con lâu quá. Ngoài ra, hình như tôi đang thiếu bàn tay mềm dịu của người đàn bà và tình tri kỷ của một bạn đường như tôi đã từng được Terri dành cho trong kỳ hè vừa qua. Sau khi suy nghĩ kỹ tôi gọi Gail từ Amsterdam. Nàng hết sức vui mừng và nói sẽ xin thôi việc ở Sears ngay để đi càng sớm càng hay. Nàng cho biết có thể gởi con cho ngoại ba-bốn tháng và đang có vài trăm đô la trong quỹ tiết kiệm nên tôi chỉ gởi về năm trăm đô nữa là nàng có thể mua vé khứ hồi đi từ Los Angeles.
Barry và Fred định mua chiếc xe con bọ VW[36], láí xuống Cadiz, bán xe, rồi lấy tàu qua Canary Islands. Gail và tôi sẽ gặp tụi nó ở Cadiz và cùng nhau làm một chuyến du lịch bằng tàu..
Sau khi hai thằng bạn tôi đi, tôi ở lại công viên hai tuần tiếp tục bán acít. Tôi cố đào ra tiền càng nhiều càng tốt để trả cho chuyến đi của tôi và Gail. Lúc bấy giờ tôi gặp khá nhiều du khách trở về từ Ấn Độ. Tôi hỏi thăm cách xin chiếu khán, phương tiện rẻ tiền, chỗ nên đến hay nên tránh, nơi có thể mua thuốc tốt, vân vân. Ngần ấy giúp tôi hăng hái đi về phương Đông sau khi chuyến đi Canary Islands kết thúc vào mùa xuân tới.
Gail đến đúng giờ. Tôi rước nàng về công viên và lưu lại đó hai ngày trước khi xuống miền Nam. Nàng cho tôi biết nàng bị tổn thương nặng nề khi tôi rứt áo ra đi, cho nên giờ đây nàng không còn hứng thú ái ân với tôi nữa mà chỉ muốn làm bạn đường đi du lịch. Tôi ngạc nhiên về lời nói phũ phàng nhưng thành thật của nàng và nhận thấy nàng có thay đổi thiệt. Tôi thiếu đàn bà trong hai tháng dài và đang mong đợi Gail cho tôi những phút tùng phục thần tiên như trước đây. Nhưng trong đêm đầu với nhau tôi bị nàng lạnh lùng cự tuyệt. Tình tôi với nàng không còn nguyên vẹn nữa vì lời qua tiếng lại, ý nghĩ không hay và đau khổ. Tất cả tại tôi mong cầu quá trớn, gắn bó quá đậm và không chịu mở mắt nhìn nhận sự tự chủ và đổi thay nơi nàng!
Tôi và Gail mất một tuần quá giang xe đi từ Amsterdam đến Barcelona. Hai chúng tôi dừng đây hai ngày để lấy lại sức. Chúng tôi ăn hải sản, uống sangria[37]trong những quán bên lề đường. Nhiều lần tôi muốn làm tình nhưng nàng khăng khăng từ chối. Sau cùng nàng chìu lòng tôi nhưng dị biệt giữa chúng tôi vẫn còn nên chẳng ai hứng thú gì.
Lật đật xuống Cadiz, chúng tôi lấy xe lửa đi. Trên đường, chúng tôi có tạt qua Granada để xem Alhambra. Ở Cadiz, chúng tôi ra bến tàu hỏi chuyến đi Las Palmas và gặp lại Barry với Fred. Hai đứa tụi nó vui mừng lắm. Tụi nó đã mua vé rồi, đi chuyến ngày mai, và mong tụi tôi có thể cùng đi một lượt. Rất may, tàu còn chỗ. Cùng đi với Barry là cô nàng người Mỹ tên Penny gặp ở Paris lúc nó ghé ở vài hôm. Một tuần đợi tôi ở Cadiz, Barry và Fred có làm quen với một số thủy thủ Mỹ. Họ mua lại chiếc VW và cho tụi nó trọ với họ ở nhà riêng ngoài trại. Ráp lại, nhóm kéo nhau về nhà trọ mở tiệc hội ngộ và cũng để mừng nhóm Riverside có thêm Gail với Penny. Tất cả nhậu vang, húthashvà chơi xả láng.
Tàu thuộc loại đi biển lớn rất tiện nghi. Tụi tôi nằm trên ca-bin có giường ngủ, nơi mà tụi tôi thỉnh thoảng tụ họp để hút chơi. Sau hai ngày lênh đênh tàu vô bến Las Palmas. Hỏi ra biết hai ngày nữa mới có đò qua đảo Gomera, tụi tôi đi quanh đảo Gran Canaria để giết thì giờ. Nghe nói có trại bên kia đảo, cả đám kéo lên xe buýt đi qua. Tụi tôi dựng lều chung với nhiều du khách khác trong khu trại rộng và nghỉ lại đây trong đêm đầu tiên để ăn mừng đã đến Canary Islands.
Đò liên lạc với các đảo trong vùng ghé tại cầu cảng chính San Sebastian vào lúc trưa. Tụi tôi xuống đi qua Gomera, rồi từ đó lấy buýt về Valle Gran Rey, một làng nhỏ bên bờ đối diện với Gomera. Chỉ có một xe buýt duy nhứt nên tụi tôi phải chờ hai tiếng, đợi xe trở về. Xe chạy theo đường khúc khuỷu đồi dốc qua nhiều làng nhỏ đang say ngủ, nhiều ruộng từng trên cao, đồi xanh mơn mởn, và rừng già trên đỉnh đảo trước khi đổ dốc xuống đậu trước tòa hàng chánh trong phố.
Điểm đến của tụi tôi có bờ biển với một dãy nhà, tiệm ăn, quán rượu, và một ít khách sạn nhỏ trải dài chừng một dặm. Có thêm vài nhà cho mướn trong làng và hai nhà cho khách thích ở ẩn nằm xa trên sườn đồi. Chưa tìm được chỗ vừa ý--nhà rộng đủ chứa đám năm người ngay trên bờ biển--tụi tôi cấm lều cạnh bụi rậm trên bãi. Hai ngày sau tụi tôi dọn vô nhà ở gần quán của ông chủ vui tính Marciello, nơi mà tụi tôi đến mỗi đêm để uống bia và say sưa.
Du khách ở đây thường biết nhau hết bởi thung lũng quá hẹp và bờ biển không dài. Lúc tụi tôi đến có chừng hai chục người ngoại quốc thuộc giới trẻ sống từng nhóm nhỏ rải rác. Họ thường mở tiệc và mời qua mời lại hoài. Sau hai tuần với nhau, Penny bất thần khăn gói ra đi, cô trở về Âu Châu vì chán ngấy lối sống ăn nhậu đậm của nhóm đực rựa (Barry, Fred và tôi), và buồn lòng bởi Barry theo o bế các cô khác.
Một tháng sau, tôi cũng đi, dọn ra bìa thung lũng sống một mình. Tôi cần ngưng tiệc tùng cho tâm trí thảnh thơi và rời Gail một thời gian để bình tâm suy nghĩ kỹ về mối liên hệ giữa hai chúng tôi. Tôi mướn nhà của mẹ Marciello trong làng La Vizcaina, bên phía trái của thung lũng, tuốt trên đồi cao. Nhà bà cất cho thuê chưa hoàn tất, nhưng ở được nhờ đã xong một phòng ngủ với nhà tắm riêng và có chỗ làm bếp tạm dầu hơi bê bối. Từ phòng ngủ tôi có thể thấy toàn cảnh rất đẹp của thung lũng tận tới bờ biển cách đó chừng năm dặm và thấy cả mặt trời lặn trên hòn Hierro (đảo nhỏ nhứt của quần đảo Canary Islands) hai mươi dặm ngoài khơi về phía Nam.
Ở phía sau phòng tôi và trên cao một chút, có hai ông bà già Manuel và Henrietta sống rất nghèo nàn, chắc là nghèo nhứt trong làng này. Nhà ông bà là cái chòi đá đơn sơ một phòng với nhiều lỗ hang được trám bằng giấy báo cũ quấn nùi hay bịt cũng bằng báo cũ dán qua loa. Ông bà ở đây từ nhỏ tới bây giờ suốt hơn bảy mươi năm nay. Dầu tuổi đã cao, hằng ngày ông vẫn phải ra đám ruộng từng hay leo dốc lên đồi kiếm sống. Tôi thấy ông còng lưng ôm cỏ về cho dê ăn hoặc vác cây khô về làm củi đốt. Tôi phụ giúp ông mỗi khi gặp dịp và ông thỉnh thoảng mời tôi về nhà ăn tối bằng khoai lang ngọt với súp mở heo. Tôi rất thích thú. Ông bà có thêm con heo nuôi để xẻ thịt ăn trong mùa Đông. Chuồng heo chỉ cách phòng tôi chừng vài thước nên tôi nghe heo kêu ột ột tối ngày tưởng chừng nó có điều gì muốn nói với tôi. Nó còn ngáy rất to nữa chớ. Riết rồi quen, tôi thấy mến con heo và tự đặt cho nó cái tên Petunia. Nhưng chẳng bao lâu Petunia không còn nữa. Tôi buồn lắm. Định mệnh là đó! Mọi chúng sanh, gồm cả con người, luôn bị ngoại cảnh chi phối và là mồi ngon của tham.
Lần hồi tôi quen gần hết bà con trong làng và là bạn thân của nhiều nhà. Tôi thường được mời ăn tối và uống rượu chát. Uống 'rượu chát đồng quê--vino del campo' là thú vui của đàn ông nông dân. Họ khó thể bước chân ra khỏi nhà mà chưa cạn bốn-năm ly. Họ rất anh hùng rởm, nghĩ rằng đàn ông mà không uống nổi cở một lít rượu khi rời bàn tiệc thì không phải là đàn ông. Nhờ xã giao tôi nói được tiếng Tây Ban Nha nên dân làng khoái tôi lắm. Họ thân mật gọi tôi là 'El Rubio', chàng tóc hung, vì một số không phát âm được tên Scott của tôi. Có một ông thích tôi đến đỗi muốn gả con gái và cho tôi luôn cái nhà để tôi ở lại làng này. Đề nghị hấp dẫn nhưng rất tiếc tôi chưa sẵn sàng.
Sau ba tuần xa nhau, tôi muốn mời Gail lên La Viscaina ở chung, hy vọng môi trường mới sẽ giúp hàn gắn mối tình giữa hai chúng tôi. Tôi đã suy nghĩ kỹ và tự hứa sẽ thay đổi tánh chiếm hữu và tham dục của mình, cái tánh mà cô không chịu nổi. Tôi bắt đầu hiểu thế nào là tham lam quá độ và sức mạnh khó lường của nó. Gail chán tôi và trong những tháng qua cô đã gặp nhiều người khác khá hơn. Tôi biết lỗi về mình và cam phận chấp nhận sự đổ vỡ. Nhưng tôi không thể không suy tư và thường đặt vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau.
Cùng lúc, tôi đọc thêm quyển sách thứ nhì của Don Juan, 'A Separate Reality[38].' Sách mô tả ảnh hưởng vi tế của nhiều chất hữu cơ gây ảo giác. Tôi có thử so sánh kinh nghiệm của tác giả với kinh nghiệm tôi thu thập được khi sữ dụng mescalinehay nấm 'huyền diệu,' nhưng không thấy có gì giống nhau hết. Trong lúc tác giả bị phản ứng mạnh, dồn dập cộng với hồi hộp và sợ hãi, tôi có cảm giác thoải mái, an lành, và hạnh phúc với thiên nhiên. Một ví dụ khác. Don Juan đã có lần dùng rể cây cà dược Datura trong thí nghiệm gây ảo giác của ông. Tôi cũng thí nghiệm bằng cách lấy hột của cây cà dược mọc dọc bờ biển Gomera. Người ta nói hột chín đen của Daturanấu nước uống có phản ứng gây ảo giác mạnh. Tôi nấu nước rất đậm để uống thử nhưng cứ tỉnh bơ, trong lúc Fred cảm thấy như đang đi trong mộng và ảo giác đó kéo dài hằng giờ.
Đầu tháng Mười Hai, Barry được thư của em sanh đôi nó là Larry cho biết cậu sẽ bay qua nhập bọn trong hai tuần tới đây. Lúc nó tới tôi có xuống mừng. Thêm Larry, nhóm Riverside vui nhộn hơn bởi nó cũng là một tay thích chè chén, phì phèo và mèo mỡ không thua gì anh nó. Lấy lý do có Larry là bạn học cũ từ lớp 6 đến, tôi xuống chơi thường xuyên hơn.
Một cuốn sách nữa mà tôi được đọc là 'The First and Last Freedom[39]' của đạo sư nổi tiếng Ấn Độ, J. Krishnamurti nói về tâm, chấp trước, tự do tâm linh, thiền, và tỉnh thức. Lần đầu tiên tôi đọc được những kiến thức hay như vậy nên suy tư nhiều. Suy tư rất cần thiết vì tôi vừa trải qua giai đoạn đổ vỡ với Gail và còn trong tình trạng hỗn độn tinh thần với nhiều khó khăn, khổ đau, dục vọng, và chấp trước. Đọc Krishnamurti tôi muốn qua Ấn Độ ngay. Tôi (đã tốn nhiều thì giờ đi lang bang) ở Âu Châu và Canaries lâu rồi nên chân tôi bắt đầu thấy ngứa ngáy. Tôi bèn cùng Barry, Larry và Fred hoạch định chương trình sắp tới, sau khi rời Gomera vào ngày đầu năm.
Tụi tôi tính lấy tàu từ Las Palmas đi El Aiun, thành phố nằm trên bờ biển của Sahara Tây Ban Nha dưới phía Nam Ma Rốc, một vùng sa mạc đang tranh chấp. Đó là phương tiện đến Ma Rốc gần và rẻ nhứt. Còn bay thì quá mắc. Vả lại tụi tôi muốn đi phiêu lưu một phen cho biết con đường sa mạc từ El Auin lên mạn Bắc mà tụi tôi nghe nói nhiều lâu nay. Nhóm Riverside đi hết trừ Gail vì cô không đủ tiền còn tôi thì không thể giúp. Tôi ngưng giúp cô từ khi cô không chịu lên đồi ở với tôi. Tiền cô mang theo chỉ đủ cho cô lấy tàu về Tây Ban Nha và xe lửa lên Amsterdam để bay về Los Angeles bằng vé khứ hồi sẵn có mà thôi. Tôi khuyên cô làm vậy để trở về với con cô như tôi đã bàn với cô lúc trước. Con cô chắc đang trông cô lắm vì cô đi xa lâu quá rồi, lâu hơn dự định. Tôi nghĩ không giúp cô đi Ma Rốc sẽ bắt buộc cô trở về sớm. Lý luận của tôi lúc bấy giờ, sau này nghĩ ra, chỉ là một cách ngầm trả thù vặt cho cái ngã của tôi được chút thỏa mãn!
Sáng hôm Giáng Sinh, tôi lấy hết hai chục tép orange sunshinecòn lại cắt đôi và đem theo xuống bãi. Trên đường quanh co qua làng mạc, tôi ghé chúc các du khách bạn "Merry Christmas" và mời họ hút. Ai cũng hoan hỷ nhận. Tôi tiếp tục mời các bạn dưới bãi. Hôm ấy tất cả khách ngoại quốc trong thung lũng tụ tập hết ở bờ biển, nằm ngồi trên bãi cát hay đùa giỡn với sóng nước. Nắng lên sưởi ấm buổi sáng 'thiêng liêng.' Hầu hết đều lâng lâng vui. Một số trong đó có tôi lội ra mỏm đá ngoài khơi tắm nắng hay ngồi ngắm cảnh đẹp chung quanh--trời, biển, núi, đồi, bãi cát, vườn chuối, vân vân. Tôi cảm thấy đến sát thiên nhiên, và trước thiên nhiên cái ngã cũng như tâm hồn vụn vặt của tôi trở nên vô nghĩa và không thật.
Vài người hiếu kỳ theo dõi đám lội ra mỏm đá nói lại rằng tụi tôi trông như một bầy hải cẩu trên đá, thỉnh thoảng nhảy ùm xuống nước cho mát rồi leo trở lên. Tôi cười và đồng ý ngay, biết rằng acít có thể ảnh hưởng nhận xét của con người. Tôi không biết hải cẩu có vui như tụi tôi đang phê vì acít không hay là chúng vui nhờ được thiên nhiên luôn luôn cho phê.
Tối 30 Tết Tây, có tiệc lớn tại nhà của nhóm bạn người Đức. Tiệc cũng để tiễn nhóm Riverside tụi tôi sẽ rời Gomera vào sáng mai. Không cần nói ra ai cũng biết tất cả chủ khách đều nhậu say, hút đã. Đến giờ giao thừa trai gái ôm nhau xà nẹo, chúc nhau 'Happy New Year.' Nhiều cặp lăn ra sàn, hun hít, mân mê, và ... làm tình thả giàn. Có cặp còn đổi bồ nữa. Một màn cụp lạc hết cỡ nói kéo dài tới lúc không ai còn đủ sức chơi nữa mới chấm dứt!
Trưa hôm sau, tụi tôi ra đi, trừ Gail. Gail không muốn ở lại nhưng không nói sẽ đi đâu. Tôi chỉ biết cô sẽ tạm trú với vài bạn mới gặp. Lúc chia tay thiệt buồn. Ramon và Manual mà tôi rất thân buồn nhứt khi thấy tôi leo lên taxi. Họ hỏi "El Rubio" chừng nào trở lại. Tôi cố giải thích cho họ biết tôi phải đi Ấn Độ và có thể sẽ trở lại một ngày nào đó. Antonio đề máy và rồ xe phóng, trong lúc tôi ghi lại trong tâm những kỹ niệm đẹp của thung lũng ngoạn mục này.
*
Chương 4
MA RỐC, HY LAP VÀ TRUNG ĐÔNG
Tụi tôi đặt tên tàu hơi nước cổ lỗ sĩ đưa tụi tôi đi El Aiun là 'tàu chuối' vì nghĩ rằng tàu này được dùng để chở chuối từ Canaries qua Bắc Phi trong những thập niên 40 và 50. Tàu chạy rất mệt nhọc, nghiêng tới nghiêng lui nghiêng qua nghiêng lại giữa sóng đại dương cuồn cuộn. Hầu hết khách trên tàu là thanh niên Tây Mỹ như tụi tôi đang theo 'lộ trình hippi' đi từ thiên đàng này qua thiên đàng khác khi mùa thay đổi.
El Aiun là một phố nhỏ hay đúng ra là một khu đồn quân sự. Tại đây tụi tôi qua cổng quan thuế, rồi lấy taxi ra trạm biên giới Tarfiya giữa Sahara Tây Ban Nha và Ma Rốc. Nói là trạm chớ thật sự chỉ là một vài cái chòi lợp tôn, dừng bằng giấy bồi rách nát, nằm chơi vơi giữa đồng không mông quạnh. Tuy nhiên Tarfiya rất quan trọng vì mọi thủ tục di trú và quan thuế của khách và hàng ở Ma Rốc xuống Mauritana hay Senegal đều làm tại đây.
Vừa xuống taxi ở Tarfiya, tụi tôi gặp ngay một lão già trong chiếc áo jalaba[40]lếch thếch dơ hem cà rà theo gạ bán ma túy; tụi tôi mua một íthash.Nghe đồn hash Ma Rốc rất ngon và không thiếu nên tụi tôi đã xài hết trọi xì ke acít lúc ở Gomera. Lời đồn không sai.
Sau khi làm xong thủ tục di trú, tụi tôi thót lên xe landroverđang chờ khách đi Tan Tan, thành phố địa đầu của miền Nam Ma Rốc. Xe chất mười hai mạng, xếp như cá mòi. Tôi chọn ngồi trên mui với hành lý để nhìn sa mạc mênh mông và được thở không khí trong lành. Chuyến đi sẽ mất hai mươi bốn tiếng. Bác tài có tên Elydi và biệt hiệu 'con sói sa mạc' ba hoa rằng bác biết sa mạc này như lòng bàn tay bác và có thể chạy xe không cần mở mắt. Tôi thấy bác chạy phom phom trên đường mòn giữa đồng cát di động nên nghĩ bác nói không ngoa. Xe ngừng nghỉ lúc 11:00 giờ đêm. Tụi tôi trải nóp nằm ngủ ngay trên cát.
Bốn giờ khuya xe chạy lại. Khoảng 7:00 giờ sáng, tụi tôi bắt đầu thấy cừu và lều du mục. Elydi ngừng lại trước lều lớn của một gia đình Berbers. Một người đàn ông với bộ râu rậm muối tiêu và chiếc áo jalababạc màu nhưng đẹp mắt ra đón chào Elydi và đám khách. Vài đứa con nít ăn mặc lếch thếch thò đầu ra ngó. Ông chủ lều có vẻ rất quen với Elydi. Ông mời chúng tôi vô lều. Lều rất đơn sơ chỉ có một tấm thảm Ba Tư trải trên nền cát phủ các bao (gunny bags). Tất cả chúng tôi được mời ngồi xuống thảm. Một bà bịt mặt theo phong tục Hồi giáo ra pha trà. Trà được rót ra nhiều ly nhỏ từ cái bình xưa rất đẹp. Mùi trà bạc hà ướp lá xô thơm[41]rất ngon. Bác Elydi quả là một người hướng dẫn khéo!
Vừa xong tuần trà, tôi ra ngoài ngắm cảnh. Sa mạc mênh mông với cừu và lều du mục lấm tấm nhiều nơi. Elydi và ông chủ đến gần tôi nói chuyện gì đó bằng tiếng Á Rạp. Ông chủ nhìn tôi, lấy tay vuốt râu ông rồi chỉ râu tôi nói líu lo. Tôi tò mò chú ý. Elydi dịch đại để rằng ông chịu tôi, muốn gả con, và cho tôi lều với một đàn cừu nhỏ để tôi bắt đầu cuộc sống ở đây. Tôi nghĩ hai người nói đùa nhưng họ đang chờ câu trả lời của tôi. Hình ảnh của một cuộc sống tới già ở Sahara để chăn cừu và nhâm nhi trà bạc hà thoáng qua trong trí tôi. Nhưng trở lại thực tế với chuyến đi dở dang, tôi xin được khước từ. Và, lên xe tiếp tục đoạn đường còn lại, mọi người dự định sẽ tới Tan Tan trong vòng hai tiếng nữa.
Hôm sau bốn đứa tụi tôi lấy xe đò lên Goulimine, thành phố của 'Người Xanh--Blue Men', chuỗi Goulimine, và chợ lạc đà cuối tuần. Không thể kiếm chỗ trọ cho cả đám nên tụi tôi phải nằm tạm dưới sàn gỗ trên gác lửng của một quán đông khách rất ồn ào. Thôi thì để làm quen với không khí và tập quán Ma Rốc và học vài chữ Á Rạp vậy.
Barry, Larry, Fred và tôi mỗi đứa mua cái áo jalaba, y phục cổ truyền không người Ma Rốc nào mà không có. Áo chấm gót có tay dài và mũ đội, thường được may bằng len, hay sợi, hay cả hai. Jalabadùng để che nắng nóng và bão gió lúc ban ngày và chống lạnh vào ban đêm. Áo cũng có thể dùng để quấn ngủ như một loại nóp. Tụi tôi mặc jalabavì muốn thử và cũng vì muốn làm như dân địa phương để tránh làm du khách. Barry và Larry có râu tóc đen nên tương dối giống người Ma Rốc, còn tôi trông rất dị hụ bởi tóc vừa vàng vừa dài và râu lại màu hung. Nhưng không sao vì đàn ông địa phương rất khoái tụi tôi có lẽ bởi tụi tôi hạp với họ, biết uống trà bạc hà, hút kief[42], và biết nói tiếng Á Rạp chút chút, các câu tụi tôi mới học trong sách.
Từ Goulimine tụi tôi kêu taxi ra Sidi Ifni ngoài biển. Sidi Ifni trước kia thuộc Tây Ban Nha thành thử thổ dân biết tiếng Tây Ban Nha nên rất tiện cho tụi tôi giao dịch. Phía Bắc thành phố có bãi biển vắng, nơi đây tụi tôi gặp một chỗ mát dưới chân bờ đá để cấm trại. Không ngờ tụi tôi có thể ở lại đây tới hai tuần. Tôi vẫn còn cái lò ga dùng luộc rau, trứng và cá tươi mua mỗi ngày dưới chợ hay từ ghe câu lên. Tụi tôi còn bắt chước trẻ con đi soi mực dọc bờ đá. Mực nấu đúng cách làm súp ngon lắm. Cách chỗ tụi tôi cắm trại chừng một dậm trên bờ đá có trại lính nên lính thường xuống đi tuần làm tụi tôi khó chịu lúc ban đầu. Nhưng về sau biết họ vui gặp tụi tôi, có cử chỉ thân thiện và để ý bảo vệ tụi tôi, tụi tôi hết lo. Ngoài ra vài anh còn thích hútkiefnữa nên tụi tôi ráp với nhau dễ dàng.
Từ Sidi Ifni nhóm Riverside tụi tôi đi dọc theo bờ biển lên Mirlift, Agadir, Essouira, và Marrakesh, ở lại mỗi nơi vài ngày. Thành phố hồng Marrakesh là tâm điểm, còn được gọi là Mecca của dân hippi trên đất Ma Rốc. Họ tới đây vì ăn ngủ rẻ và muốn phê bằng thứ gì cũng có hết--kief, hash, thuốc phiện, ma túy, acít. Vài tiệm trà có cả bánh cúc ki[43]đặc biệt làm bằng hash. Chợ chính hay soukrất đặc thù, ngồ ngộ, đáng xem. Cả một khuông viên lộ thiên với hằng trăm sạp bán đủ thứ hàng nội địa và nhập cảng và vô số cửa hàng ăn. Có cả người chơi nhạc, vũ công, phù thủy rắn, vân vân. Nhiều người bán nước uống mang túi da đựng nước lớn có cách ăn mặc diêm dúa lạ mắt.
Từ đây tụi tôi chia hai nhóm đi hai đường khác nhau bởi một nhóm đông không tiện và có nhiều vấn đề xảy ra khi chung đụng lâu. Tôi và Larry đi hướng núi Atlas và hẹn sẽ gặp lại Barry và Fred một tuần sau đó ở Ketama, chỗ trồng gai dầu/hash nổi tiếng trên phía Bắc dãy Riff.
Một chiều nọ Larry và tôi lấy xe lửa từ Fez đi Tangier. Xe trống trơn, tụi tôi nằm dài trên băng cây cho khỏe. Tôi lấy xách kê đầu nằm trong khi Larry nằm kế bên với chiếc xách để dưới sàn xe. Tôi mốc ống vố ra hút vài vố hashđể quên cái lộc cà lộc cộc của xe và thiếp ngủ lúc nào không hay. Sáng dậy Larry la hoảng bị mất xách và chửi thề om tỏi. May là nó dấu tiền, thông hành và các giấy tờ quan trọng khác trong cái đãy da nhỏ nịt ngang eo ếch. Larry học một bài học đắt tiền và giận một thời gian khá lâu. Mất hết đồ đạc nhưng nó không thèm sắm lại, chỉ mua bàn chải đánh răng và ít áo quần lót rồi tạm dùng xách tôi đựng đở. Hai đứa thay phiên nhau quảy xách.
Bốn đứa tụi tôi gặp lại nhau ở Ketama như dự định và ở lại đó mấy hôm để cùng nhau phê đê mê. Cũng tại đây Barry và Fred rút lui vì đã du lịch tạm đủ và có việc nhà phải trở về California. Sẵn có thằng bạn Hòa Lan mới gặp lái xe van Volkswagen về Amsterdam, hai đứa có giang theo để từ đó bay về nhà. Tôi và Larry buồn khi chúc hai đứa về vui vẻ. Larry ở lại với tôi và hai đứa đi tiếp. Trước khi rời Ketama tôi mua năm gram hashđem theo tới Tunis.
Tụi tôi đi nhiều chặng xe đò mới tới được Ousda gần biên giới. Tụi tôi ở đây một ngày để làm thủ tục và qua Algerie trót lọt không gặp trở ngại nào nhờ đã dấu kỹ hashtrong giầy. Algerie khác Ma Rốc ở chỗ ảnh hưởng chiếm đóng của Pháp thấy rõ rệt. Thế hệ lớn tuổi và sinh viên nói rành tiếng Pháp. Họ chọn ăn mặc theo lối Âu Tây. Chỉ một số ít đàn ông trên mạn Bắc mặc jalabahoặc đóng khăn, còn đàn bà ít khi thấy che mặt. Dân chúng thích người từ Âu Mỹ qua và ham luyện tiếng Pháp hay Anh nên tụi tôi dễ làm quen và đễ xin quá giang.
Trên chuyến xe đò đi Algers tôi gặp một chuyện buồn cười. Hành khách trên xe hầu hết là nữ sinh mặc đồng phục trắng với cà vạt và tóc đen thắt bín. Hai đứa tôi ngồi tuốt phía sau và là hai người ngoại quốc duy nhứt. Tôi thản nhiên mở máy ghi âm nghe nhạc không biết mình là điểm tò mò của mọi người vì mớ tóc dài quá vai và vàng khè của tôi tương phản rõ rệt với tóc đen quen mắt của địa phương. Nhiều cô lơn lớn theo nhìn trộm tôi hoài. Các cô không dám hỏi mà chỉ cười khúc khích, vừa chỉ tóc tôi vừa bàn tán. Một cô, chắc vì bị bạn khích và cũng vì quá tò mò, đến xin rờ thử tóc tôi. Cô còn xin tôi một lọn nhỏ nữa để tỏ cho bạn biết mình 'chì[44]'. Tôi vui vẻ bứt một ít cho cô. Cô cẩn thận xếp tóc vô tập rồi trở lại chìa ra cho cả đám xem chiến lợi phẩm của mình.
Từ Algiers hai đứa tôi xuống miền Nam đến thành phố Ghardia và Quargla ở bìa sa mạc Sahara. Tụi tôi hy vọng sẽ được thấy quang cảnh khác của Algeria và lối sống Á Rạp cổ điển hơn. Cũng có thể tụi tôi sẽ gặp nhiều phiêu lưu cũng như nhiều thứ khác lạ hơn trên miền Bắc. Tụi tôi đến một thị trấn nhỏ lúc xế chiều sau nhiều lần quá giang xe tải. Trong lúc ngồi trong quán ăn trừu hầm rau với bánh mì, hai đứa tôi bị một đám học sinh vây quanh xem mặt, mặt của hai thằng ngoại quốc mà tụi tôi không dấu đâu được. Ăn xong, tụi tôi hỏi chúng chớ ở đâu có chỗ ngủ yên tĩnh. Chúng bàn tán rồi dẫn tụi tôi đi gặp thầy hiệu trưởng của chúng. Thầy hiệu trưởng cho tụi tôi ở lại trường trong một phòng có khóa để phòng ngừa kẻ gian phi. Tụi tôi muốn ngủ ngoài trời cho mát nhưng nhớ chuyện Larry bị mất cắp, đành vô lớp học khóa trái cửa, nằm dài trên bàn học sinh.
Sáng hôm sau tụi tôi đi ra ngoại ô và tình cờ gặp một lượt năm chiếc xe limo[45]bóng loáng đậu hàng dọc bên lề với tài xế râu tóc tươm tất và đồng phục sậm cộng cà vạt chỉnh tề đang đứng hút thuốc. Tụi tôi tới làm quen với ý định xin quá giang. Tôi hỏi anh tài xế biết nói chút chút tiếng Anh vậy chớ họ sẽ đi đâu. Họ nói sẽ lái lên ốc đảo Quargla cho đoàn của Tổng Thống Algeria đi kinh lý. Quargla là điểm cực Nam tụi tôi muốn viếng nên thử thời vận xin quá giang, nhưng anh tài xế nói không được phép. Larry khéo thuyết phục hơn làm các anh xiêu lòng cho tụi tôi có giang tới thị trấn kế tiếp cách đây năm mươi dặm. Họ giải thích rằng họ sợ bị phạt nhưng biết hai đứa tôi là du khách Mỹ nên cho đi tới đó là một thành phố ngả ba để tụi tôi dễ xin quá giang hơn mà đi tiếp. LimoMercedes Benz rộng rải, có nệm êm và máy lạnh tốt chẳng bù các chuyến xe tải nóng nực và bụi băm. Tụi tôi rất tiếc phải xuống xe chỗ thị trấn ngả ba như nói trên. Cảnh vật nơi đây khác xa cảnh đồi cát trùng điệp của Sahara Tây Ban Nha, mà lại hao hao giống vùng Cây Joshua ở California nhưng không có cây Joshua, chỉ có đá chồng và đồi đá tảng giữa cảnh trơ trụi.
Đưa tay lên tụi tôi được cho quá giang nữa, lần này tụi tôi ngồi chung với hai ông Á Rạp chít khăn đóng và năm con cừu trong một xe bít bùng. Cừu có đóng dấu đỏ chứng tỏ chúng đã được bán và sẽ bị làm thịt cho buổi chợ sáng mai. Tôi nghĩ năm con thú bốn chân này biết tử thần gần kề nên đang rầu. Thương hại chúng, tôi mở nhạc cho chúng nghe. Hai ông Á Rạp tưởng tôi điên nên mới đi lo cho số phận của các con thú này lúc tôi ra dấu cho họ biết tôi muốn cho chúng nghe nhạc. Tôi chẳng biết tôi thương thật tình năm con cừu hay tôi muốn đùa với hai ông Á Rạp để quên cái nóng và quên mình đang bị nhốt trong xe bít bùng. Tụi tôi đến chợ giao cừu lúc xế chiều. Nhiều người hiếu kỳ nhìn tụi tôi bằng con mắt khó chịu; tôi nghĩ không có mấy thằng Tây như hai đứa tôi đến đây hôm nay. Tụi tôi để râu tóc ra dài thòn và tròng áo jalabachắc làm họ thấy lạ lắm.
Trong lúc đang lo không biết sẽ ngủ đâu đêm nay, tôi chợt thấy cụm đá gần chợ liền đề nghị với Larry ra xem. Một đám con nít đi theo hai đứa tôi cho tới tối mới ra về và để tụi tôi yên. Từ trên chóp gộp đá tôi quan sát thấy trọn xóm nhà dưới chân, giữa đồng đá trơ trọi và dòng suối cạn khô. Có thêm ga xe lửa và một đoàn tàu dài đậu trong đó. Vì gần xóm nhà nên chỗ này có chút không hay: hầu hết bà con trong xóm ra đây đi cầu nên cứt đái vung vẩy tứ tung, tụi tôi phải cẩn thận lắm mới tìm được chỗ đủ trải nóp nằm. Xong, tụi tôi móc thuốc ra hút cho bán mùi phân người và phân cừu, xua đám ruồi bay vo vo, và quên mấy con heo đang rảo chung quanh. Tụi tôi xem tất cả như pha[46]và tự cảm thấy vui. Dầu sao tụi tôi đang sống tự do và xin cám ơn Thượng Đế đã dành cho một bầu trời vĩ đại đầy sao sáng.
Sáng dậy, tụi tôi xuống đồi ra ga với ý định quá giang đi Quargla. Tụi tôi thấy một xe lửa chở hàng dài đang chuẩn bị đi về hướng Nam, nghĩ chắc xe ấy chạy xuống Quargla vì trên bản đồ chỉ thấy có một đường rầy duy nhứt đi về hướng đó. Tôi và Larry làm chuyến mạo hiểm leo lên xe. Hai đứa vừa tìm được toa trống thì bị ông kiểm soát bắt gặp; ông quát tụi tôi phải xuống. Thay vì tìm cách thuyết phục ông như Larry đã thuyết phục năm bác tài limo, tụi tôi nhảy xuống, bỏ ý định đi Quargla để tiếp tục lên miền Đông Bắc đến Constantine và qua Tunisia.
Sau hai ngày lặn lội tụi tôi lên được quốc lộ Đông Tây chính của Bắc Phi, cách Constantine chừng 50 dặm. Gần một ngả ba chỗ vườn cam, hai đứa đứng đưa tay hằng giờ nhưng không có xe nào cho có giang hết. Trời sắp tối và mưa rỉ rả suốt ngày, tụi tôi lo không biết phải làm sao đêm nay. Bỗng bên kia đường có hai em nhỏ từ nhà ra, đi tới ngoắc dường như bảo tụi tôi theo chúng về nhà. Hai đứa chưa biết đích xác là gì nhưng sẵn sàng nhận mọi đề nghị nên theo hai cậu bé. Cha hai cậu mời tụi tôi ngồi xuống chiếu trải dưới sàn (phòng khách nhà không có bàn ghế). Ông biểu vợ ông đang đứng khép nép sau cửa đi pha trà đãi khách. Larry mù tịt tiếng Pháp, tôi chữ nhớ chữ quên, còn ông chủ chỉ biết chút tiếng Pháp chút tiếng Anh, vậy mà chúng tôi nói chuyện được. Ông cho biết thấy hai đứa tụi tôi xin quá giang suốt hai tiếng đồng hồ mà không được, vả lại trời sắp tối lại mưa, nên ông thương tình kêu tụi tôi về nhà nghỉ đêm. Ông nói thêm ông thấy tụi tôi hút cối thuốc hashlúc chờ xe nên muốn thử. Ở Algeria không có trồng cần sa nên không có kiefvà hash, mà cũng ít khi dân họ hút thứ này. Tuy nhiên ông biết thứ thuốc này nên rất muốn thử. Tụi tôi sẵn sàng nên rút ống vố ra và nhận liền một cối, trong lúc bà vợ và con ông đứng sau cửa đằng xa chăm chú nhìn. Tôi và Larry thấy chuyện hơi ngồ ngộ nhưng vui lắm. Sau khi rít vài hơi và ho vài tiếng ông ngây người. Tụi tôi vừa uống trà vừa cười với ông. Tối đó chúng tôi được đãi một bữa ăn tuy đơn sơ nhưng ngon miệng gồm cơm, rau, và cừu mà vợ và con gái ông dọn rất tươm tất.
Ông chủ nhà là vị quản lý vườn trại đóng gói cam. Ông thu xếp cho hai đứa tôi ra Constantine bằng xe giao cam hằng ngày. Constantine nằm trên ngọn đồi rất thơ mộng với con sông sâu vắt ngang giữa lòng. Thành phố có vẻ lịch lãm và quý phái. Có đại học lớn với nhiều nam nữ sinh viên trẻ, học thức, rất Âu Tây. Sinh viên ngoại quốc đông. Nhiều cô rất đẹp. Larry và tôi không được tắm gội và ăn uống đàng hoàng từ khi rời Algiers tới nay nên rất muốn vô khách sạn ở vài hôm cho thoải mái. Nhưng không biết vì sao tụi tôi hỏi đâu cũng đều bị trả lời là hết phòng. Chắc là hình dáng bụi đời và jalabađầy bụi đường của tụi tôi làm họ ngán. Sau nhiều lời như khẩn cầu, một khách sạn nhận tụi tôi nhưng miễn cưỡng nói là 'chỉ một đêm thôi.' Hai đứa vô phòng tắm nước nóng đã thèm và thót lên giường nghỉ ngơi khoái chí.
Chiều, tụi tôi xỏ bộ đồ sạch duy nhứt nhưng nhăn nheo đi dạo phố. Tụi tôi đi xem phong cảnh và rất mê con sông ngoạn mục chia hai thành phố. Sau đó, tụi tôi tìm chỗ ăn tối. Tụi tôi phân vân vì không biết ăn đâu cho khoái khẩu bởi có cả một rừng nhà hàng với đủ thứ bếp. Sau cùng hai đứa đồng ý ăn 'beggars banquet[47]' Ý với rượu chát đưa mồi.
Hôm sau, tụi tôi ăn sáng trễ: trái cây, sữa chua và bánh mì. Xong, tụi tôi rời thành phố ra biên giới Tunisia. Không hên, hai đứa chỉ quá giang được tới ngả ba còn cách biên giới tới hai mươi dặm. Tại ngả ba có viên cảnh sát đứng kiểm thông hành xe qua lại. Larry và tôi tới nói chuyện làm quen. Anh khuyên tụi tôi không nên ngủ ngoài trời vì lý do an ninh mà phải nghỉ đêm trong quán trà bên kia đường; để anh nói với ông chủ quán dùm cho. Rồi sáng mai anh sẽ thu xếp cho tụi tôi quá giang ra biên giới.
Ở những xứ Hồi giáo chỉ có đàn ông mới tới quán xá. Trong quán trà này họ ngồi chụm năm chụm bảy uống trà và đánh bài hay đánh cờ, thứ cờ như cờ vua. Hai đứa tôi vô ngồi vào một bàn nhỏ trong góc. Không ai thèm đá động tới cả, họ chỉ thỉnh thoảng nhìn bằng cái nhìn lạnh lùng không thiện cảm. Thấy còn tới một tiếng nữa quán mới đóng cửa và tụi tôi mới có thể ngủ, tụi tôi ra ngoài xem sao tán gẩu để giết thì giờ và cũng để hút liều thuốc chót cho thần kinh thư giãn. Tụi tôi muốn ngủ sau bụi cây ngoài trời nhưng sợ làm trái lòng anh cảnh sát tốt bụng nên thôi. Trở vô trong lúc tâm trí hơi lâng lâng, tôi có cảm tưởng quán trà này là chỗ gặp gở kín đáo của bọn đồng tình luyến ái. Tụi tôi đã tính sẵn cách đối phó nếu bị gạ gẫm, nhưng rất may không có gì xảy ra.
Như đã hứa, anh cảnh sát thương lượng với một xe cho tụi tôi theo lên Tunis, thủ đô/cảng của xứ nhỏ bé Tunisia. Tụi tôi hy vọng sẽ đến nơi kịp chuyến tàu đi Palermo, Sicilia, nhưng rất tiếc bị trễ vài tiếng. Giữa Tunis và Palermo chỉ có hai chuyến mỗi tuần, tụi tôi không muốn đợi hai ba ngày nữa nên định bay bằng các chuyến bay rể tiền hằng ngày. So với Marrakesh và Constantine, Tunis không hấp dẫn với tôi lắm. Vì vậy tụi tôi lấy vé đi ngay vào sáng mai. Chiều, tụi tôi đi dạo phố để ăn kem và bánh ngọt cho đã thèm, kem và bánh bán đầy các góc phố trong Tunis. Tại chợ bazaarchính Larry mua được cái túi đeo vai nhỏ đủ cho nó nhét tấm nóp, khăn lau mặt, và bộ đồ thay. Túi nhỏ nó khỏi mua đồ nhiều và sẽ đi du lịch nhẹ, điều mà nó rất khoái. Tôi cũng khoái vì từ nay tôi khỏi phải mang nặng nữa.
1 tháng Tư rồi. Tụi tôi hơi sốt ruột vì muốn sớm tới Hy Lạp để xích gần Afghanistan hơn. Trên chuyến bay ngắn đi Palermo, Larry bắt chuyện với hai ông bà người Mỹ và biết ông bà ở Naples đi nghỉ hè một tuần ở Tunis về. Tới Palermo ông bà sẽ thuê xe lái về Naples. Larry nói tụi tôi đang trên đường du lịch bằng cách quá giang, đã đi ngang Bắc Phi và sẽ qua Brindisi để đáp tàu đi Athens. Sau khi hỏi ý bà vợ, ông cho tụi tôi quá giang đến chỗ càng gần Brindisi càng tốt. Âu là cái may lớn vì trời đang mưa to và còn mưa trọn ngày mai nữa. Tụi tôi được đi xe tiện nghi ngang Sicilia, hòn đảo có cây cối xanh tươi hùng vĩ. Qua câu chuyện khào trên xe, tụi tôi nghe ông kể về Mt Athos, bán đảo dài nhô ra dưới cạnh Đông Nam của Thessalonika, Hy Lạp. Lần đầu tiên tôi được nghe nói tới nơi nổi tiếng ấy, nơi có nhiều tu viện Chính Thống rất nghiêm khắc. Chuyện ông kể về lối sống trầm mặc của các thầy dòng cũng như vẻ đẹp của các dốc đá cheo leo rất hấp dẫn. Tôi thoáng nghĩ sẽ đến đó khi tới Hy Lạp. Tuy nhiên hình như có nhiều điều kiện cho khách du lịch lắm, ví dụ chỉ có đàn ông mới được vô và tóc tai phải cắt ngắn. Nếu quả vậy, tôi xin rút lui vì tôi không thể cắt tóc và không muốn thay đổi hình ảnh hippi của tôi. Ngoài ra, tôi nào có ý đi tu! Nhưng có thể đó là cái duyên khuấy động tiềm thức tôi và là cái chốt cho tương lai tôi.
Ông bà thả tụi tôi chỗ đoạn đường cua lên Naples trên bán đảo Ý. Hôm sau tụi tôi đến cảng sầm uất Brindisi đúng lúc để lấy tàu đêm qua Hy Lạp. Tụi tôi trở về với văn minh Âu Tây sau sáu tháng tự tách rời khỏi lục địa Âu châu và khối người du lịch. Áo jalabapha màu cát bụi biến Fred và tôi thành hai tay có hạng trong giới hippi nên vị thuyền trưởng đang đứng coi chừng khách lên tàu nhìn tụi tôi với cặp mắt tò mò. Nụ cười toe toét sau hàm râu xồm xoàm trên gương mặt phong sương của tôi làm ông vui vẻ cười tươi. Tàu đầy hành khách. Phần đông là học sinh Âu, Mỹ và Gia Nã Đại đi tua giáo dục quanh Âu Châu và Hy Lạp vào mùa xuân. Chuyến tàu đêm rất thú vị. Tụi tôi nằm trên boong lộ thiên nói chuyện khào với nhiều hành khách. Không còn thuốc để hút vì liều chót đã hút hết ở Tunisia nên tụi tôi 'có dịp' không xài ma túy, nhưng vẫn vui. Sáng, tàu vô biển Aegean và đang lướt nhẹ trên biển xanh màu lam lục, giữa các đảo tuyệt vời của Hy Lạp. Rồi, tàu cặp bến Patrai.
Patrai nằm trên cửa Vịnh Corinth về cực Bắc của vùng Peloponneusus nổi tiếng. Tôi có học về văn minh Hy Lạp nhưng bây giờ mới thật sự biết vẻ đẹp có một không hai của kiến trúc và điêu khắc cổ Hy Lạp. Hảy còn sớm, tôi và Larry không muốn ở lại đây nên bèn theo dòng khách ra ga mua vé xe lửa tốc hành đi Athens. Vài giờ sau tụi tôi tới nơi. Tụi tui vui đến một thành phố tứ phương sinh động, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Larry và tôi dừng lại Athens một tuần, ở chỗ nhà nghỉ rẻ tiền trong lòng thành phố. Trong tuần tụi tôi lo đi xin hộ chiếu vô Iran và chích ngừa dịch tã. Riêng tôi đang đợi mẹ tôi gởi năm trăm đô la qua. Tiền bán ma túy tôi xài đã hết và xài thâm hai trăm đô chi phiếu du khách mà tôi đem theo lúc ra đi. Tôi cần có tiền sẵn để có thể đi tuốt qua Ấn Độ hay xa hơn. Tôi cũng cần tiền phòng khi bất trắc. Tôi viết thư về má tôi hai tuần rồi nhờ bà chuyển tiền dành dụm của tôi trong băng qua một chi nhánh của Bank of America ở Athens.
Sau chuyến đi dài tụi tôi muốn nghỉ ngơi nên chỉ đi xem Acropolis và một số đền đài tương tự và chỉ tham gia vài cuộc vui chơi thông thường của thành phố. Tụi tôi cũng thừa cơ hội này ăn uống lấy sức để còn đi tiếp. Tụi tôi chọn nhà hàng quốc tế ăn cho ngon miệng và cũng hay ăn vặt bánh kem, sữa chua với mật, và souvlaki. Tụi tôi thường ngồi quán cà phê vỉa hè nhiều giờ, nhâm nhi bia Hy Lạp retsina và nhìn bà con qua lại. Quán lộ thiên trước AMXđông du khách nhứt; hầu hết là thanh niên nam nữ từng đi tứ xứ. Họ ngồi uống cà phê, nước ngọt hay bia, đọc thư nhà. Gặp nhau, họ trao đổi tin tức, hoặc kể cho nhau nghe những mẫu chuyện đi rong, hoặc khoe với nhau những kỹ vật như áo quần, nữ trang và đồ lỉnh kỉnh họ sắm trên đường chu du. Nhiều người sạch túi và, như tôi, đang chờ tiền bên nhà gởi qua đặng đi tiếp.
Trước khi rời Athens tôi muốn cắt tóc ngắn bớt vì nghe nói Người Hồi giáo ở Trung Đông không ưa hippi tóc dài. Dĩ nhiên tôi không muốn gặp rắc rối nào cả; trái lại tôi muốn hòa mình càng nhiều càng tốt. Vả lại, để tóc dài phài mất nhiều công và thì giờ chải gội. Tôi bèn ra tiệm hớt tóc, chỉ kỹ càng cho thợ cắt. Vì tôi cứ lưỡng lự, thợ phải cắt ba phen mới xong. Tóc tôi bây giờ ngắn đi sáuinch[48], chỉ phủ tai và vừa chấm vai, tức vừa đủ để hình ảnh hippi của tôi còn nguyên vẹn. Ra khỏi tiệm, tôi không ngờ mình thấy nhẹ vì đã bớt được bộn tóc thừa.
Larry và tôi đang bàn đổi lộ trình. Tụi tôi định bỏ Istambul để đi thẳng xuống Marmaris dưới bờ biển Nam của Thổ Nhỉ Kỳ. Trên đường sẽ ghé qua đảo Rhodos của Hy Lạp trước. Từ Marmaris tụi tôi sẽ theo bờ biển đi về hướng Đông đặng gặp đường xe lửa chánh Istanbul-Teheran trên mạn Đông Bắc xứ Thổ. Theo các du khách mà tụi tôi gặp, Thổ và Ba Tư không được đánh giá cao lắm. Họ cho đàn ông Thổ khả ố còn đàn ông Ba Tư khùng. Ngoài ra, hai xứ này rất gắt về ma túy; bị bắt là chắc chắn phải ngồi tù rục xương. Do đó tụi tôi không muốn ở lại lâu mà sẽ qua Afghanistan càng sớm càng tốt.
Tụi tôi lấy đò địa phương qua đảo Rhodos trước khi lấy tàu lớn đi Marmaris. Bước lên Marmaris tụi tôi xem như đã đặt chân lên châu Á vĩ đại. Larry và tôi rất tiếc không còn thuốc để hút mừng. Ngoài ra, phải nhịn miệng trong nhiều ngày rồi nên bắt đầu nhớ, tụi tôi hy vọng sẽ kiếm được một ít cần sa Thổ để đem theo đi. Trong vài giờ chờ xe đò đêm để đi tiếp, tụi tôi rảo một vòng; chẳng phải đợi lâu có hai thằng bé tới bỏ nhỏ 'hashish, hashish', âm thanh quen thuộc mà tụi tôi rất thèm nghe. Nhìn thấy không có ai để ý, tôi biểu hai đứa cho coi hàng. Một đứa móc túi lấy ra một tờ hashép mỏng như giấy và được bọc cẩn thận trong bao nhựa. Thấy có vẻ đúng thứ thiệt, tôi trả cho nó tiền liretương đương với một đô la. Rồi tụi tôi đi thẳng xuống bờ biển vắng ngoài thành phố phê trước giờ lên xe.
Tụi tôi sang nhiều chuyến xe đò, đi dọc bờ biển về hướng Đông tới Iskenderun rồi lấy xe lửa lên Tatvan trên phía Bắc. Trong vùng tương đối xa xôi của miền Đông xứ Thổ, tôi và Larry là hai hành khách mũi lõ duy nhứt. Tụi tôi lên xe lửa và chọn một buồng trống vô ngồi. Larry móc thuốc ra vấn hai điếu để hai đứa phê đặng quên phần nào chuyến đi xa lên Tatvan. Tôi kéo cửa sổ trong và khóa cửa cái, chỉ để hở cửa sổ ngoài cho khói cần sa thoát ra mà thôi. Hút chừng nửa điếu, tụi tôi giựt mình nghe tiếng gõ cửa. Tôi vội quăng thuốc ra ngoài trong lúc Larry nhét điếu hút dở của nó và số thuốc còn lại dưới đít ghế. Nhìn ra thấy lính. Hai đứa sợ run nhưng không còn cách nào hơn là mở cửa. Bốn tên lính ngạc nhiên thấy hai thằng Mỹ hippi trên đoạn đường tưởng chừng không bao giờ có du khách Mỹ. Một trong bốn tên chắc chắn là tù vì bị còng dính vô tay thầy đội, còn hai tên kia mang súng đã lên đạn đi theo.
Bị động, tôi và Larry ngồi nép vô cho họ ngồi xuống và đang chờ xem. Thầy đội chỉ vào tóc và râu dài của tụi tôi vừa ra dấu vừa nói tiếng Thổ. Tôi hiểu (đúng) thầy muốn nói tụi tôi có cần sa và thầy muốn hút. Tụi tôi bối rối không biết phải xử sự như thế nào. Có lẽ mùi khói cần sa còn lảng vảng, hay là sự bối rối của tụi tôi, và cũng có thể vì tụi tôi khóa cửa mà thầy sanh nghi? Thầy cho biết thầy muốn hút "charees" và xin tụi tôi chia cho. Thầy trấn an tụi tôi chớ lo vì tất cả là anh em hết mà. Rồi họ nói cười với nhau, kể cả tên tù. Nhớ tới đời lính cũ, tôi nghĩ họ thật sự muốn phê như mọi người. Liếc qua Larry tôi biết Larry cũng nghĩ như tôi 'What the hell'.' Do đó, tôi khum xuống rút điếu thuốc ra đưa cho thầy đội. Thầy sáng mắt. Thầy ra lịnh cho một tên lính ra gát cửa. Larry mồi thuốc cho thầy và cùng tôi thở phào. Thiệt mỉa mai khi nhìn thấy cảnh này. Thầy đội và lính kể cả tên tù chuyền nhau hút, và tất cả bắt đầu lâng lâng. Thầy đội, lính, Larry và tôi cùng cười đùa và nói chuyện theo kiểu của mỗi người. Tôi lôi bản đồ ra chỉ họ xem đường qua từ Hy Lạp và nơi đến Afghanistan của hai đứa tôi. Họ ngạc nhiên thấy hai thằng Mỹ trẻ mà dám cả gan đi tới các xứ lạ. Thầy đội chỉ lên bản đồ chỗ thầy sẽ tới, Diyarbakir, nơi có nhà tù quân đội lớn mà tên lính này bị giải về vì tội hành hung cấp trên lúc say rượu. Thiệt là buồn cười cho Larry và tôi trong hoàn cảnh ngộ nghĩnh này và tụi tôi chắc sẽ còn cười trong tương lai dài.
Tatvan nằm về phía Tây của Hồ Van trên vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tụi tôi phải ở lại đây qua đêm đợi xe lửa tốc hành Istanbul-Teheran, đoạn đường nối dài sang Á Châu của tuyến xe nổi tiếng Orient Express(London-Istanbul) khi xưa mà bây giờ không còn nữa. Xe đến Tatvan đúng 7:00 giờ sáng. Hành khách đông như kiến; họ đi hành hương trong lễ Phục Sinh lúc giữa xuân. Phải tìm lâu và mỉm cười ngoại giao mãi tụi tôi mới có chỗ ngồi chen. Xe chạy ngang Mt. Ararat, ngọn núi đứng sừng sững trên đồng phẳng của đất Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia núi là Nga Sô. Theo Kinh Thánh Núi Ararat là chỗ thuyền Noah's Ark đỗ sau trận Hồng Thủy. Nghe nói có gặp chứng tích của thuyền rồi trên đỉnh cao những mười bảy ngàn bộ với tuyết phủ quanh năm.
Như nói trước đây, tụi tôi không thích Teheran vì đã nghe nhiều chuyện không hay về thủ phủ này, ví như cả thành phố chỉ có một khách sạn luôn luôn đầy nhóc tụi trẻ đi đi về về từ Ấn Độ. Larry và tôi ở đây hai ngày không phải để du lịch mà để săn tin chỗ ăn ngon, ngủ tốt, đi chơi vui, xin chiếu khán, vân vân. Một trong các tin hay là nên đi xe đò tiện nghi hơn là đi xe lửa đông nghẹt ra Mashad gần biên giới để xin chiếu khán vô Afghanistan. Xe đò chạy đường Đông Bắc, gần biên giới Sô Viết trước khi quẹo xuống Mashad. Mashad cũng là nơi có thể mua lam ngọc lấy trong núi chung quanh. Ở đây du khách có thể tìm thấy đủ thứ đồ lam ngọc làm ngay trong các cửa hiệu địa phưong. Sau hai ngày ở Teheran tụi tôi lấy xe đò đi Mashad.
Vừa xuống xe, hành khách chúng tôi bị đám trẻ bao vây mời đi xem cửa hàng ngọc, vì nghĩ chúng tôi sẽ mua nhiều. Larry và tôi đi coi. Theo tin nóng của giới đi du lịch, nên mua một 'thẻ' lam ngọc đem về. Môt thẻ gồm từ một tới mười tám viên dán vô một tấm bìa cứng. Số đó có thể đủ để làm một xâu chuỗi hay một bộ bông tai cà rá. Nhớ chọn ngọc trong sáng và đủ màu. Sẽ lời to nếu bán lại được ở những đô thị lớn. Hai thẻ có thể đủ tiền cho một chuyến xuôi Đông.
Larry và tôi thăm vài cửa hàng, xem kỹ ngọc, rồi mỗi đứa mua một thẻ. Tụi tôi cũng xem ngọc rời nữa. Thấy ngọc quý, lòng sanh tham, sự ham muốn tuy tìm ẩn nhưng rất lớn. Dẫu suy tư của mỗi đứa mỗi khác, Larry cũng như tôi đều chọn một viên lớn và thích nhứt lén đùa vào túi trong lúc người bán hàng đang lo tiếp khách khác. Ăn cắp! Để bù lại tôi trả mua một thẻ và để biện minh tôi thầm nhủ 'Chỉ một viên mà ăn nhằm gì.' Về sau khi biết ra hai đứa có ý nghĩ ăn cắp giống nhau và xài chiêu ăn cắp như nhau, hai đứa cười to. Một ví dụ của tâm bất chánh hành động như nhau ở mỗi người khác nhau để thỏa mãn dục vọng của cái tôi chung.
Sau khi được chiếu khán và đi xem vài thánh đường đẹp ở Mashad tụi tôi lấy xe đò ra biên giới. Tụi tôi qua hai trạm di trú và quan thuế của hai bên dễ dàng vào xế chiều hôm đó. Tụi tôi nghỉ đêm tại Islam Quala, ngay biên giới bên phía Afghanistan dẫu rằng thị trấn lớn Herat cách đây không đầy hai mươi dậm. Nghe nói giới xe đò và nhà nghỉ ăn công ký không chở khách ra Islam Quala sau 5:00 giờ chiều. Nhờ vậy nhà nghỉ có khách còn giới xe đò được tiền chia và chuyến xe sáng đầu tiên luôn luôn đầy khách. Ở lại phố nhỏ Islam Quala này đối với tụi tôi không phải là điều bất lợi hoàn toàn bởi hai đứa được mua cần sa (charees tiếng địa phương) vừa dễ vừa rẻ; nhà nghỉ có đủ thứ và tụi trẻ đi gạ bán không thiếu gì.
*
Chương 5
VÔ TÙ Ở AFGHANISTAN
Larry và tôi ở lại Herat ba hôm để làm quen với lối sống và con người rất khác biệt của Afghanistan. Chuyện đầu tiên tôi làm là mua một áo hippi Afghan, kiểu mà tôi ước mơ từ lúc thấy du khách mặc ở Athens. Theo trí tưởng tượng của tôi, tôi đi đặt may một cái quần ống chưn voi màu cam và một cái áo Afghan màu hồng. Tôi mua thêm áo vét thêu bông màu mè và khăn đóng trắng. Vét tôi mua may sẵn còn khăn đóng tôi mua của một ông đang đội. Chắc ông cho tôi là thằng khùng nên mới đòi mua khăn cũ của ông. Phần tôi, tội cho ông phải đi đầu trần. Tiền chi phối tất cả, kể luôn sự ngần ngại lột khăn bán của ông lúc ban đầu. Vậy mới biết cái tâm tham vi tế làm đủ mọi trò để đạt điều nó muốn. Tôi có thể mua mười thước vải trắng rẻ mạt làm khăn giống như khăn ông, song tôi chỉ muốn cái khăn của ông đang đội mà thôi.
Trong ba ngày ở đây Larry và tôi thường tới lui trên phố và thỉnh thoảng dừng lại nói chuyện với chủ tiệm buôn. Có lần tụi tôi được ông chủ xư·ng dệt mời ra đằng sau hút hooka(điếu nước to) với công nhân trong lúc họ nghỉ tay. Họ rất vui gặp tụi tôi nên mời luôn tuần trà. Họ cho biết họ hút cần sa để dễ tập trung vào việc, ngồi cả ngày mà không chán, và quên đi buổi làm lụng dài. Tôi đồng ý lắm vì tôi từng làm vậy trong ba năm quân ngũ. Và, tôi còn đang làm vậy để giúp che dấu sự không vừa ý của tôi với cuộc đời hay với chính tôi.
Kandahar là một thị trấn nhỏ dễ thương nằm trong sa mạc dưới miền Nam Afghanistan. Tụi tôi ở lại đây hai tuần, mướn một phòng rẻ tiền của khách sạn Paradise trên đường vô phố. Có nhiều chỗ đến chơi được, không xa lắm, chỉ trong vòng hai-ba dặm đường kính. Tôi và Larry mướn xe đạp ra khu picnic bên bờ sông chảy siết, ra chỗ con kinh và ra hồ nước trử của thành phố. Tụi tôi đi bơi, tắm nắng, ăn picnic, ngủ trưa, và dĩ nhiên phê.
Ngày nọ, tụi tôi gặp một nông dân trên đồng trồng cây thuốc phiện. Bác rủ tụi tôi về nhà coi cách bác chích mủ thuốc phiện từ các trái đúng lứa no tròn. Bác không quên cho tụi tôi thử thuốc vì nghĩ rằng hai đứa tôi là khách hàng sộp của gia đình bác. Nhưng Larry cũng như tôi không hứng mấy với thuốc phiện. Tụi tôi tìm cách nói ra và cho bác biết tụi tôi chỉ thích charees. Bác liền bảo bác có một 'ông chú' (một cách nói rất thông thưuờng ở đây) có trồng đai và xư·ng chế hash. Dầu không có ý định mua nhiều, ít ra là trong lúc này, tụi tôi vẫn lấy tên của 'ông chú';ông có tiệm may nhỏ gần khách sạn.
Sau chuyến viếng bác nông dân, Larry định trở về Mỹ vì cạn tiền và cũng vì cần về để phụ ba nó và Barry coi tiệm rượu của gia đình. Hơn thế nữa, là một tay mê gái, nó bắt đầu nhớ bồ ở Riverside rồi. Phần tôi đang nuôi ý ngông mua một kí cần sa Afghan loại tốt, đem theo qua Ấn Độ lên một chỗ cô tịch trên Hy Mã Lạp Sơn hút và phê cho đã điếu chừng nào hết mới hạ san. Tôi biết Pakistan, Ấn Độ và Nepal có nhiều cần sa giá rẻ, nhưng tôi muốn thứ thượng hảo hạng của Afghanistan, thứ mà tụi ngông bên Tây thèm chảy nước miếng. Larry cũng muốn liều mạng đem hai trăm gram qua Hy Lạp để bán phân nửa lấy tiền đi Tây Ban Nha chơi trước khi bay về Mỹ. Còn lại một trăm gram nó đem về Riverside hút và đãi bạn.
Tụi tôi định đem lậu qua Pakistan bằng ngả biên giới phía Nam dưới Kandahar sáu mươi dặm. Tụi tôi nghĩ đó là con đường dễ ăn nhứt vì hẻo lánh và ít khách du lịch . Tại Quetta, sáu mươi dặm trong nội địa Pakistan, hai đứa sẽ chia tay. Larry sẽ đi về hướng Tây, ngang miền Nam Pakistan, qua Iran khoảng Zahedan, rồi tiếp tục tới Athens. Tôi lên Lahore, qua Ấn khoảng Amristar, rồi tiếp tục lên Hy Mã Lạp Sơn theo ý ngông của tôi.
Tụi tôi bắt đầu đi lục lọi cần sa thứ tốt và dĩ nhiên không quên tiệm may được giới thiệu. Tiệm may chỉ là bề mặt của nơi buôn lậu ma túy. Tiệm chỉ có vài ba cái áo sơ mi đầy bụi treo lổng chổng trong căn phòng trống trơn. Ở phía sau thấy có bình điếu hookavới bầu nước bằng sứ to đậy bởi cái nắp cũng bằng sứ và cái cần điếu bằng tre dài cao ngang tầm ngực. Tiệm nằm trên con đường dẫn ra ngoại thành có nhiều nhà nghỉ dành cho dân hippi mà khách sạn Paradise là một. Anh chủ tiệm thường đón du khách Tây đi ngang mời vô hút điếu nước để gạ bán cần sa.
Larry và tôi vô tiệm anh hai ba lần rồi để hút thử chareescủa anh. Quả ngon thiệt và chỉ mười lăm đô la một ký lô. Tôi và Larry muốn mua nhưng không hình dung nổi cách đi lậu an toàn qua biên giới nên hỏi anh. Anh nói anh bảo đảm vì anh đã nhiều lần giúp du khách như tụi tôi đem cần sa qua biên giới rồi. Anh bày kế là sẽ may nửa ký vô áo vét mà hải quan không sao biết được. Kế này, anh nói, hiệu nghiệm nhiều lần lắm rồi. Nửa ký còn lại tôi sẽ may vô đít cái xách đeo vai. Còn hai trăm gram của Larry, nó sẽ dấu dưới dái nó. Bàn thảo xong, tụi tôi nói sẽ đi Kabul một tuần rồi trở về lấy hàng.
Chiếc xe buýt du lịch lớn màu cam đưa tôi và Larry lên thủ đô Kabul. Tụi tôi vô một trong vô số nhà nghỉ rẻ tiền của bọn quỷ hippi. Họ chọn ở lại đây để nghỉ ngơi sau chuyến đi Ấn xa và mệt mỏi, hay dưỡng sức vì bị viêm gan, hay sửa soạn cho chuyến tới, hay phê, hay chỉ vì không còn gì làm. Các nhà nghỉ này có bán nhiều thức ăn Tây Mỹ và chơi toàn nhạc rockxưa, hai thứ mà nhiều dân hippi cảm thấy thiếu trong các chuyến đi xa xứ. Thêm vào, khách có thể hút chillumthoải mái từ sáng tới tối.
Larry và tôi ra ngoài rất thường. Tụi tôi đi bát phố, vô chỗ bán đồ cổ, thảm, áo quần Afghan, nữ trang, và nhiều thứ khác kể cả đồ nhập cảng bên Tây và Mỹ. Tụi tôi đặt mua mỗi đứa một chiếc vòng bạc chạm, to, nạm viên lam ngọc bự (mà tụi tôi chôm ở Iran). Tôi còn mua thêm nhiều vòng ở những nơi tôi đến để khoe mình đã đi du lịch nhiều nơi và cũng để làm đẹp hình ảnh hippi của tôi. Larry may năm bộ kaftanthêu rất ngộ và cái áo vét Afghan trắng để làm quà cho gia đình và bạn bè.
Trở xuống Kandahar, hai đứa về lại khách sạn Paradise rồi tới viếng anh chàng 'bán kẹo' ngay. Cần sa đã sẵn sàng, tụi tôi chuẩn bị để lên đường.
Theo kế hoạch đã lên, cái áo vết của tôi trông rất bình thường, chỉ hơi cứng và nặng một chút; lúc mặc vào, nó có vẻ 'vô tội' lắm. Còn nữa ký tôi may dưới đáy xách cũng khó ai biết được. Larry may cái túi hình dây bằng vải dày, nhét hai trăm gram thuốc vô, rồi đeo để điều chỉnh cho khuất dưới dái; nó khoe không còn chỗ nào an toàn hơn. Trong lúc chuẩn bị tôi hơi lo nhưng rồi cố quên. Tôi tự nhủ đã trễ rồi, chỉ còn nước xấn tới mà thôi.
Tới lúc này suy lại, tôi nghĩ trí óc của hai đứa lúc bấy giờ đã bị đần bởi hút quá nhiều thuốc, nên tụi tôi thiếu sáng suốt và cẩn thận khi lao vô việc buôn bán nguy hiểm này. Tụi tôi cũng quên để ý hỏi mấy thằng quỷ kia chớ hippi có bị xét kỹ và thuốc có thể qua lọt biên giới ở Spin Buldak không. Tụi tôi ngây ngô nghĩ rằng việc tụi tôi làm 'dễ như trở bàn tay'. Và, tụi tôi cũng không có tự hỏi chớ lời của 'anh tiệm may' có tin nổi hôn.
Sáng, lúc tụi tôi rời Kandahar, trời bắt đầu nóng và khi tới biên giới lúc giữa trưa, nắng như thiêu. Larry và tôi ngồi tuốt đằng sau xe buýt bị nắng dọi nên đổ mồ hôi như tắm. Nắng sưởi cần sa làm chiếc áo vết tôi lên mùi mà Larry là người nghe trước tiên và lo lắng cho tôi biết. Tôi thử hửi và nghe đúng như vậy. Vừa lúc ấy, xe đò bắt đầu vô trạm quan thuế Afghan. Là hai người ngoại quốc, Larry và tôi phải xuống xe, xách hành lý vô làm thủ tục hải quan. Một tên Tây ba-lô[49]bên trong ra cười chào tụi tôi trước khi lên xe đi về phía Pakistan. Anh đáp chuyến xe buýt trước và vừa được khám xét xong. Larry và tôi liếc nhau rồi nhún vai thầm nhắc mùi thuốc còn phảng phất đó. Nhưng đã trễ rồi, thôi thì chỉ vái cho hai đứa đều qua trót lọt.
Hai đứa tôi được đưa vô phòng khám trong ấy có sẵn bốn nhân viên đang chờ. Câu hỏi đầu tiên, theo lệ thường và rất thành thật, là 'Ông có đem theo hashishkhông?' Câu hỏi bất ngờ và thẳng quá làm tụi tôi mất bình tĩnh và trong hai đứa không biết đứa nào phải trả lời. Tôi đớ lưỡi. Larry biết vậy nên vọt miệng nói với giọng điềm tĩnh và thuyết phục rằng: "Thưa ông, chúng tôi không có dùng thuốc, chúng tôi chỉ muốn qua Pakistan." Viên sếp không tin và không lòng vòng lôi thôi anh bắt đầu xét xách của Larry. Hai đứa bối rối và cảm thấy tội lỗi vì lời nói láo. Tôi đứng qua một bên nhìn họ khám với sự sợ hãi càng lúc càng lên cao.
Không thấy gì trong xách, nhân viên quan thuế bắt đầu khám người Larry. Để làm giảm sự chú ý, Larry kiếm chuyện nói huyên thuyên. Tuy nhiên ông không bị chi phối mà cứ tiếp tục khám kỹ, lần tay tới cứ địa. Rồi tay ông lướt qua tưởng chừng như bỏ sót, Larry mừng. Nhưng sau một phút ngập ngừng ông quay lại và đặt tay lên hạ bộ của Larry. Mắt sáng lên, ông la 'Hashish.' Tim tụi tôi ngừng đập!
Tôi biết sẽ tới phiên mình, bụng tôi đánh lô tô mạnh. Viên sĩ quan quay qua tôi và hỉnh mũi hữi gió. Trong chớp mắt ông tìm thấy cần sa trong áo và xách của tôi. Hết trốn rồi, hai đứa tôi bị bắt tại trận và sẽ bị tù suốt đời. Tụi tôi xoay qua hối lộ--tiếng bản xứ là baksheesh.Thoạt tiên tụi tôi xin hiến năm mươi đô la rồi lần lần lên tới một trăm. Ông nói ông rất tiếc sự việc đã xảy ra và ông chỉ biết làm phận sự của ông thôi. Ông nói thêm rằng tụi tôi chớ lo, ông sẽ cố gắng giúp đở để mọi việc được suông sẻ. Trọn ngày và đêm đó tụi tôi bị tạm giam tại trạm và qua sáng hôm sau bị giải về sở cảnh sát ở Kandahar. Tôi bắt đầu đặt nghi vấn. Nếu viên sĩ quan muốn giúp tụi tôi sao ông không nhận baksheeshthả tụi tôi đi cho rồi. Tôi cố tin ông để nghĩ mình sẽ được thả trong một hai ngày tới, nhưng thâm tâm tôi biết chuyện không đơn giản.
Tại sở cảnh sát Kandahar tụi tôi bị ông đại úy phỏng vấn. Bằng tiếng Anh thông thạo, ông từ tốn nói ông rất tiếc báo cho chúng tôi biết rằng chúng tôi phải ra tòa về tôi buôn lậu và bây giờ cho đến ngày ra tòa chúng tôi sẽ bị nhốt tại nhà lao địa phương này. Như vậy, tụi tôi hết trông mong được gặp lại viên sĩ quan hứa giúp đỡ chúng tôi rồi.
'Cái khám nhỏ' mà dân địa phương thường gọi, nằm bên kia đại lộ đối diện với bộ chỉ huy cảnh sát. Lúc bị hai cảnh sát giải tới, tụi tôi chỉ thấy có bờ tường bằng đất với hai lằn kẻm gai rỉ sét kéo bên trên. Cổng là hai cánh cửa cây mục khóa bằng sợi xích với ống khóa. Anh lính gác xúng xính trong bộ quân phục Nga Sô cũ đang ngủ gục cạnh bên cây súng trường có gắn lưỡi lê. Phía trong, sau bàn viết, có một anh lính khác ngồi kiểm tù ra vô. Nhìn chung nhà tù này trông chẳng khủng khiếp lắm.
Vừa vô trong, điều đầu tiên mà Larry và tôi thấy là một nhóm đàn ông đứng dưới gốc cây duy nhứt trong sân đang ho khan, tiếng ho quen thuộc của người hút hooka. Đám khói thuốc còn lảng vảng trên đầu trong bầu không khí nóng bức và đứng gió của xế chiều. Thấy tụi tôi, họ liền gọi đến hút với họ. Chẳng có lý gì mà không, tôi nháy mắt Larry, thầm hỏi 'Đây là khám sao? Nếu vậy được hưởng gì thì cứ hưởng.' Rồi tụi tôi đi thẳng tới nhập cuộc. Các tù nhân được một trận cười vui khi thấy hai thằng ngoại quốc đồng bịnh ghiền như họ.
Khám là một khuông viên vuông, không mái che, sàn đất, với nhiều phòng cất dọc theo chu vi tường đất. Có cái cầu tiểu khai òm ở một góc và khu tắm giặt sạch hơn với giếng nước mát nằm giữa sân. Tù nhân sống bằng cách tự đem theo chiếu mền và nồi chảo, chớ khám không cung cấp gì cả. Họ cũng phải đem thức ăn uống vô hay nhờ cai ngục ở đây mua giùm. Tù nhân không tiền phải làm tạp dịch cho đám có tiền. Họ tự chia nhóm để ăn, chơi, ngủ, nghỉ với nhau.
Tụi tôi bị giữ thông hành và tất cả chi phiếu du khách, chỉ còn một ít tiền Afghan để xài vặt. Tụi tôi cho tiền nhờ một anh chủ ngục đi chợ mua bánh mì, đậu phộng, trái cây, xà lách, và nước nho để ăn uống. Tụi tôi may gặp một 'lão làng' nói chút chút ttiếng Anh. Được biết trước đây anh ta là đại úy trong quân đội Afghan. Anh bị án khổ sai chung thân vì tội giết vợ. Anh hiện là 'đại ca' trong khám này. Anh có phòng riêng trải thảm Ba Tư đàng hoàng. Anh có cả cây đàn sitarcủa một tù Tây mua từ Ấn Độ cho. Larry và tôi gọi anh là Ali Baba. Ali Baba tội nghiệp tụi tôi nên thâu hai đứa tôi dưới trướng và cho ăn uống đầy đủ cũng như dạy cho quen với luật lệ sống trong khám này. Được biết Tây Mỹ vô đây khá nhiều, nhiều nhứt vì tội nhập lậu ma túy. Có hai thằng Tây vừa được thả tuần trước. Nghe nói thường thường tù ngoại quốc bị nhốt từ hai tuần tới một tháng là nhiều. Tin này của Ali Baba làm tụi tôi hy vọng vì nhà tù ở đây có lệ không cho tù nhân biết gì ráo trọi. Tụi tôi có nghe nói về nhà tù ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ: người ngoại quốc có thể bị nhốt cả năm khi phạm tội như tụi tôi và khám ở hai xứ đó kinh khủng lắm.
Là Mỹ, tụi tôi được xem như thứ lạ nên được tù nhân địa phương coi như VIP's (very important prisoners, tù nhân trọng yếu). Mỗi nhóm nhỏ thay phiên mời tụi tôi cơm tối, thường là ăn thịt trừu, rau cải, bánh mì, và trái cây. Tôi và Larry hay góp rau để nấu chung. Thật là một sự đãi đằng tiện lợi cho đến một hôm hai nhóm cãi nhau về việc tới phiên ai mời tụi tôi. Và, tuần lễ sau đó, nhãn hiệu VIP của tụi tôi không còn ăn khách nữa, tụi tôi phải tự lo liệu lấy.
Larry bực dọc nhiều và muốn được về California. Nó tự rủa nó và oán tôi đã rủ rê. Để thư giãn nó mượn sitarcủa Ali Baba chơi. Nó biết đánh tây ban cầm nên chỉ sau vài lần mò mẫm nó chơi được sitar. Tôi thì dễ dãi hơn vì đã chọn thái độ 'take it or leave it[50].' Tôi biết tôi tự đẩy mình vô tròng nên chuẩn bị tinh thần để nhận hết hậu quả (nghiệp). Tôi cũng biết rằng đời sống trong 'khám nhỏ' này không đến đỗi nào và có thể ra tù trong vài tuần tới.
Mỗi sáng, tôi và Larry bị đưa qua sở cảnh sát để hoặc trả lời ông đại úy hỏi cung, hoặc điền hồ sơ, hoặc lấy dấu tay, hoặc chụp hình, vân vân. Vị đại úy cho biết hồ sơ tụi tôi sẽ được chuyển về Washinghton, đúng ra là về FBI và Quan Thuế Hoa Kỳ. Dụng cụ lấy dấu tay và chụp hình cũng như các còng, tôi thấy đều có hiệu 'Made in USA[51].' Ông nói thêm hút chareestrong lãnh thổ Afghanistan thì được nhưng đem lậu ra ngoài là bất hợp pháp và sẽ bị tội. Cần sa và thuốc phiện bị liệt vào danh sách hàng quốc cấm phải chăng để chứng minh chi phí viện trợ mà Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận của Hoa Kỳ để giúp xứ này giải quyết tệ nạn ma túy. Chớ thật ra ngay trong nhà tù này tù nhân đang trồng cần sa và cây thuốc phiện, và người nhà của nhiều tên tù đem vô cho họ mủtươi để họ ép thành khối mà xài. Họ dạy hai thằng ngáo tụi tôi cách làm; tụi tôi thường giết thì giờ bằng cách chăm sóc 'vườn cần sa' và dĩ nhiên hút hash.
Điếu thuốc nước hookabự được để thường xuyên dưới gốc cây như một dụng cụ bất di bất dịch sẵn sàng cho ai muốn xài thì xài. Điếu được một tên tù tạp dịch dọn dẹp hằng ngày như thay nước, lau chùi ống hút, vân vân. Tôi và Larry có tới hút hookathỉnh thoảng với các nhóm nhưng tụi tôi thích hút píp Ma Rốc, hay chillum, hay thuốc lắc hơn. Tụi tôi cứ đê mê phê thuốc hoài trong suốt hai tuần bị nhốt ở đây. Phê rất đỡ, ví như nhờ phê mà tôi hết bị sôi ruột và khỏi phải chạy vô nhà xí hoài như lúc không phê; tôi bị đau bụng có lẽ vì ăn trừu hầm có nhiều mỡ quá.
Trong trại tù có một trò vui ngộ nghĩnh. Bọn tù bắt thằng tù khùng cột vô gốc cây để nó chạy quanh kêu la inh ỏi rồi ngồi chung quanh cùng nhau cười. Họ còn chọc cho nó hung lên để nó dở nhiều trò hơn để cười nhộn hơn. Một trò chơi bệnh hoạn, hành hạ, tàn bạo, nhưng tôi chẳng biết làm sao ngăn cản. Văn hóa và đạo lý mỗi nơi mỗi khác và bị ảnh hưởng nhiều bởi đạo giáo và xã hội. Con người cũng khác biệt. Tôi suy tư nhiều.
Nhiều lần trong ngày, tù Hồi giáo tụ trên bục hướng về Mecca đọc namuz(cầu nguyện của họ). Hình ảnh này cổ súy tôi nghĩ đến đạo giáo và nghi thức lễ lạc mà lâu nay tôi ít để ý. Tôi cũng có nghĩ tới ý nghĩa của cuộc sống và cái gì sẽ xảy ra sau khi chết. Lúc châm chillumtụi tôi hay đọc bốn chữ 'Bom Shiva, Bon Shankar' dùng bởi các đạo sư tu trên Hy Mã Lạp Sơn để ban hồng ân cho sự đê mê do hút cần sa ganjagây ra. Tôi nghe tụi hippi Tây đọc chú này trong công viên ở Amsterdam nên lập lại như két vậy chớ thật tình tôi không có ý niệm đạo giáo gì hết.
Hai tuần trôi qua, sáng nay Larry và tôi đi hầu tòa. Tòa án là một kiến trúc ba từng nằm bên kia thành phố trong công viên rộng có nhiều cây cao bóng mát. Tụi tôi được dẫn lên lầu hai. Vị chánh án là người đứng tuổi, có râu bạc, đẹp lão. Chiếc khăn đóng làm ông thêm thanh nhã. Ông ngồi oai nghi trong ghế bành to trên bục cao. Hai đứa tôi được lịnh ngồi xuống thảm trải trước bục. Chúng tôi nhận tội. Tôi bị phạt năm trăm đô la vì mang lậu một ký lô cần sa, còn Larry bị phạt hai trăm vì một trăm gram của nó. Chúng tôi đóng phạt ngay. Rất may chúng tôi còn tiền, nếu không chắc phải ở tù thêm cho đến khi nào đóng hết tiền phạt mới được thả.
Bấy giờ Larry chỉ còn đủ tiền đi Madrid để trở về Mỹ. Còn tôi phải quyết định ngay chương trình sắp tới. Tôi còn vừa đủ tiền đi Ấn Độ và sống như đã tính nên có nhiều cách du di hơn Larry. Tôi có thể ở lại Kabul rồi viết thư về nhờ má tôi gởi dùm qua năm trăm đô la hoặc qua New Delhi rồi nhờ má tôi gởi tiền qua đó. Tôi có nghe nói tiền gởi qua Kabul hay New Delhi có thể bị lạc hai-ba tuần hoặc hai-ba tháng hay mất luôn cũng không chừng, nên không muốn nhà chuyển tiền qua hai nơi đó.
Không muốn đợi chờ trong nghi ngờ và lo âu ở những nơi như Kabul, New Delhi, hay cả Teheran, tôi quyết định đi Athens với Larry sau khi bàn tính. Tôi tin Athens vì tôi đã có lần nhận tiền ở đó rồi. Từ Athens tôi sẽ lấy xe lửa và xe đò nhanh nhứt đi thẳng qua Ấn Độ; dĩ nhiên tôi không thèm cà rà ở Afghanistan làm gì nữa. Tôi viết thư kể rõ mọi chuyện luôn cả chuyện ở tù và xin má tôi gởi dùm qua Bank of America ở Athens năm trăm đô la rút trong chương mục tiết kiệm của tôi.
Trong hai ngày chờ đi Athens, Larry và tôi nghĩ ra kế làm tiền để kiếm thêm cho chuyến đi. Một trong những lối lường gạt thông thường trong giới chợ đen du lịch là bán nửa giá chi phiếu du khách không ký tên cho một tay buôn chợ đen nào đó, rồi báo là mất để được hoàn lại tổng số trị giá. Larry bán chi phiếu năm mươi đô của nó cho một chỗ đổi tiền trong chợ vải với giá hai mươi lăm đô. Còn tôi nghĩ một cách khác có lợi nhiều hơn. Tôi nhờ Larry ký tên tôi vô chi phiếu một trăm đô của tôi rồi đem vô nhà băng đổi. Sau đó tôi và Larry qua Teheran báo mất chi phiếu du lịch. Làm vậy, American Express Company sẽ nghĩ rằng tôi mất chi phiếu thiệt và chi phiếu mất cấp của tôi bị kẻ gian giả mạo chữ ký. Sở dĩ hai đứa tôi làm được vì khi Larry lãnh tiền, nhà băng không có kiểm thông hành của nó. Có thêm 'tiền đen' hai đứa sẽ khỏi lo thiếu lúc qua Hy Lạp.
Đến Teheran, tụi tôi đi liền tới văn phòng của American Express làm đơn đòi bồi hoàn và nhận được tiền dễ dàng trong vòng hai tiếng đồng hồ. Có tiền rồi tôi không vội đi Athens nữa. Tôi biết ba má tôi phải hai-ba tuần nữa mới được thư gởi từ Kabul, qua cơn khũng hoảng, rồi mới gởi tiền cho tôi được. Mà có thể ông bà không thèm gởi tiền qua cũng không chừng. Ông bà cũng có thể nghĩ tôi bị ma túy đầu độc quá rồi nên muốn tôi trở về. Không có tiền gởi qua chắc là tôi phải bỏ chuyến đi Ấn Độ. Tôi chẳng còn cách nào hơn là về lại Riverside, sống bình thường, và làm lại cuộc đời như hoàn tất hai năm chót đại học chẳng hạn. Chuỗi ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu tôi trong lúc tôi chiêm bao trên chuyến xe lửa từ Teheran qua Istanbul.
Tại Istanbul tôi và Larry chia tay. Tôi nấn ná bằng cách đi lòng vòng xem Hy Lạp trong hai tuần để đợi tiền qua, còn Larry phải đến Athens ngay cho kịp chuyến tàu nghe nói sẽ đi Barcelona trong vòng bảy ngày tới. Tôi và Larry cùng chia ngọt sớt bùi trong khoảng thời gian khá lâu, giờ đây mỗi đứa đi mỗi ngả để lo việc mình. Mọi thứ trên đời đều đổi thay theo tình huống, kể cả tình cảm cá nhân. Một mặt nào đó, tôi muốn có thay đổi vì cùng đi chung với nhau lâu ngày không sao tránh khỏi đụng chạm, bởi mỗi người có cái tôi riêng. Nói vậy chớ tôi và Larry không bao giờ để tâm tới chuyện lớn nhỏ nào, nhứt là sau khi cùng nhau hút một điếu hay cùng nhau cười đùa. Phút chia tay đến, hai đứa siết chặt nhau, rơm rớm nước mắt, và chúc nhau những điều tốt lành nhứt.
Qua câu chuyện với một khách lữ hành, tôi quyết định dừng lại trên hòn đảo nhỏ Skyros để tắm biển trước khi lên Athens. Trên tàu từ Thessalonika qua Skyros, tôi gặp một số bạn trẻ trở về từ nhiều nơi xa xôi bên Á Châu, như Sri Lanka và Bali. Họ khoe áo quần và trang sức lạ của họ mới sắm. Tôi cũng khoe bộ đồ hồng, áo vét Afghan, và chiếc nhẫn lam ngọc của tôi. Thỉnh thoảng tôi vấn thêm chiếc khăn đóng, để chót khăn phe phẩy với mớ tóc vàng của tôi trong gió chiều. Tôi khoái chí lắm. Một đêm trăng nọ, trên tàu qua Skyros, tôi bắt chuyện với một anh người Đức rồi hai đứa làm bạn đồng hành. Lên đảo tụi tôi ra chỗ cũng có cùng tên Skyros, ngoài thành phố, tương đối vắng, cách phố chính chừng một phần tư dặm. Thấy có một cặp đang trần truồng, tôi nghĩ ở đây hay ít ra trên đoạn bờ biển này khỏa thân được, nên liền tuột hết đồ ra tắm nắng rồi tắm biển--biển màu lam ngọc rất đẹp. Tôi ở lại chỗ ưng ý này trọn một tuần lễ để nghỉ ngơi.
Mỗi chiều, hai đứa đều vô phố ăn bữa tối no và mua bánh mì với trái cây cho bữa sáng mai. Một chiều nọ, trong lúc nhâm nhi rượu chát trong quán vỉa hè, tụi tôi gặp hai cô sinh viên từ New York qua. Tụi tôi mời hai cô. Hai cô cho biết qua đây nghỉ hè một tháng và đang ở với hai bà người Hy Lạp và hai con của hai bà trong một nhà nghỉ lớn dưới biển. Hai bà đi xã hơi, muốn tạm xa các ông chồng và công việc nhà một thời gian. Hai bà thấy hai cô đơn côi nơi xứ lạ nên thương tình đem về nhà ở coi như con.
Tôi làm thân với cô tên Linda có gương mặt xinh xinh, thân hình cân đối, tóc đen huyền, và giọng New York. Để tìm hiểu thêm, tôi mời hai cô xuống trại dự một tiệc vui nho nhỏ. Manfred, bạn tôi, mua một đùi cừu để nướng trong hỏa lò dã chiến đào dưới bãi biển. Tôi mua ít chai rượu chát để đãi khách và cũng để đưa mồi trừu. Tôi có đem ra chút hashtôi mua ở Istanbul để mọi người cùng hút trong dịp đặc biệt này. Tôi bắt đầu thấy tình mình đang dậy, bởi sau lần ngủ với Gail ở Gomera hơn tám tháng nay, tôi có gặp ai nữa đâu. Linda cũng lâng lâng và coi mòi khoái tôi lắm. Tiệc vui kéo dài cho đến khi thời điểm chín muồi tới. Tôi và Linda bèn đi dọc bờ biển tìm một chỗ vắng. Hai đứa 'yêu nhau' trọn một tiếng đồng hồ, giúp nhau thỏa mãn những thèm khát xác thịt bị đè nén lâu nay. Cát vẫn còn ấm vì nắng ngày nhưng nước đêm mát lạnh, và trăng tròn rất thơ mộng.
Trước khi rời Skyros, Linda và tôi thu xếp để gặp nhau lần nữa, gặp nhau nhứt thời, bất chợt chớ không gắn bó. Lần này tại nhà trọ của cô lúc bạn cô, Penny, và các người khác đi tắm biển xa. Giường êm nệm ấm đưa chúng tôi vào cuộc hoan lạc say sưa.
Tình cờ tôi gặp hai bà Hy Lạp cùng đi trên một chuyến đò; hai bà trở về nhà ở ngoại ô Athens. Một trong hai bà mời tôi đến ở với bà ít hôm nếu tôi muốn. Tôi hân hạnh nhận lời. Linda và Penny đến ở với bà kia. Đò cặp bến Kimi cách Athens vài tiếng lái xe. Chồng của một trong hai bà đón tại bến tàu. Ông lái chiếc station wagon[52]to nên đủ chỗ cho mọi người. Nhà của ông bà rất to và tráng lệ. Tôi ở đó ba hôm trong lúc Manfred ở một mình bên Skyros. Biết ông là tổng giám đốc của một công ty hàng hải Hy Lạp lớn, tôi có ý định xin làm công cho một tàu hàng đi Ấn Độ để được biết Kinh Đào Suez, Mombassa (Đông Phi) và Bombay. Tôi còn nghĩ sẽ dời chuyến đi Ấn Độ để đi vòng quanh thế giới trong một năm, đi tới chỗ nào mà tàu sẽ đến. Thơ mộng ha! Tôi xin ông giúp, ông trả lời ngay là khó lắm vì tôi không có giấy tờ thuyền viên. Tôi nghe nói có thể mua giấy tờ giả nên cố thuyết phục ông nhưng ông không sốt sắng lắm. Ông và tôi khác nhau một trời một vực nên hai tư tưởng không thể gặp nhau. Ông là một tay cự phú kẻ hầu người hạ còn tôi là một thằng hippi lang thang. Ông gình giàng to lớn rượu thịt hằng ngày còn tôi ốm tong ăn uống thất thường; dưới mắt ông tôi không thể nào đảm đang nổi công việc thuyền viên. Tôi và ông không gần nhau được nên ông không thể tin tưởng tôi để giúp tôi có việc như tôi mơ mộng. Tôi đành trở về thực tại và lo đi Ấn Độ càng sớm càng tốt.
Bấy nhiêu kinh nghiệm cho tôi thấy cái tâm có thể nhớ và xếp hạng người, việc, và nơi chốn theo một số sắc thái hay hành vi ghi nhận. Và, cái tôi rất tinh khôn trong việc lèo lái để trục lợi. Tôi cũng nhận thấy tính không hằng thường của tâm cũng như sự thay đổi thường xuyên của các ước muốn của tâm--như một niệm (đi Ấn Độ) dấy lên rồi đi qua nhường chỗ cho một niệm khác (làm thuyền viên) tiếp theo liền.
Tôi nhận được thư của ba má tôi (má tôi luôn luôn viết thế cho ba tôi) lúc đến American Express. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra nên mở thư đọc mà sờ sợ. Má tôi viết bà điếng hồn khi nghe tôi nói bị tù vì buôn lậu ma túy. Đồng thời bà ngạc nhiên sao tôi có thể ra tù dễ dàng và nhanh như vậy. Bà tưởng tượng tôi sẽ phải bị tù rục xương như báo chí thường tường thuật các trường hợp của đồng hương ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ tôi đợi tới lúc ra tù rồi mới viết thư về nhà, nếu không ba má tôi chắc phải chết đứng!
Ngoài ra, má tôi còn cho biết ba má tôi bị sốc lớn khi nhận được thư của American Express báo rằng tôi đã lập kế gạt lấy một trăm đô la bằng cách đổi chi phiếu du khách rồi khai là bị mất. Văn phòng chính của AMEX không tin lời khai của tôi và buộc tôi tội gian (rất đúng vậy). Tôi phải trả lại một trăm đô ngay nếu không sẽ bị đưa ra toà. Ba má tôi sợ quá nên lật đật trả AMEX một trăm đô cho yên việc dầu ông bà không biết đầu đuôi như thế nào. Hai chuyện động trời của tôi xảy ra liên tiếp làm ba má tôi rất buồn lòng. Ông bà nghĩ tôi đã mất hết lương tri, không biết phải quấy, nhục vinh, và xuống mức hạ tiện thấp nhứt. Ông bà vô cùng thất vọng và nhục nhã. Tuy nhiên, má tôi vẫn gởi tôi tiền và tiền đến vài ngày sau đó.
Bây giờ mọi việc đã qua, tôi cảm thấy nhẹ người sau bao ngày mang nặng lo âu và tội lỗi trong tâm cũng như trên người. Tôi thầm nghĩ mình phải nhứt quyết từ bỏ mọi hành vi bất chánh trong tương lai để tránh tù tội, bị dầy vò, và làm cho ba má tôi sầu lo. Tôi hy vọng ông bà sẽ quên đi mọi chuyện, quên cả buồn phiền và đau khổ, như ông bà đã quên sau khi tôi ra tòa quân sự lúc trước.
Trong vài ngày ở Athens tôi gặp một người Đức tên Stephen vừa về từ Gomera. Anh biết Gail và cho tôi hay Gail có mang với anh chàng ở Valley Gran Rey mà tôi cũng quen và làm đám cưới với anh ấy rồi. Tôi ngạc nhiên và thầm nghĩ 'nhanh quá,' chỉ mới có bảy tháng sau khi tôi xa Gail. Tôi tiếc cho cô và đoán rằng cô làm vậy vì hận và cũng vì muốn tỏ ra mình luôn luôn tự chủ. Tôi tự hỏi không biết cô có trở về với đứa con gái bốn tuổi của cô chăng, con cô chắc thế nào cũng hỏi bà ngoại nó câu 'Mẹ con ở đâu?' Một lần nữa, ý nghĩ tội lỗi đến với tôi. Gail và tôi bắt đầu rất thơ mộng (bằng cuộc làm tình hồn nhiên sau khi gặp nhau ở RCC) nhưng kết thúc thật là bất hạnh!
Một xế nọ, tôi muốn làm ra vẻ nên đóng bộ đồ hippi luôn cả khăn đóng đi ra công viên Syntagma. Đây là lần chót tôi bận bộ đồ này vì sau đó tôi đóng thùng gởi tất cả về nhà; tôi chỉ giữ lại cái áo jalabavà chiếc cà rá lam ngọc. Và trong số đồ đạc tôi đem theo từ California tôi chỉ giữ cái quần Levis, đôi giày huarachesMễ Tây Cơ, cái quần ngắn nhà binh bằng len màu xanh lá cây, và cái ponchomà tôi nghĩ sẽ có dịp xài ở đất lạnh Hy Mã Lạp Sơn. Tôi gởi đồ về để làm kỹ niệm và cũng để khỏi mang theo nặng. Vả lại, tôi không còn ạo ực của lạ như lúc trước nữa. Tôi muốn đi du lịch nhẹ như nhiều du khách tôi thấy ở phuơng Đông về.
Con đường ngắn và nhanh nhứt để tới Afghanistan mà tôi chọn sẽ phải đi ngang Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi sẽ bay từ Athens qua Istanbul bằng vé rẻ của sinh viên, lấy xe lửa tốc hành Istanbul-Teheran, rồi xe đò đi Kabul. Sáng hôm đến Istanbul tôi đọc báo thấy tin dữ. Hồi tối hôm qua tại phi trường Athens, bọn khủng bố đã liệng lựu đạn vô quày vé của hảng hàng không Thổ, chuyến bay đi Tel-a-viv, làm hai người chết và bốn bị thương. Lựu đạn nổ ngay chỗ tôi đứng ghi vé hai giờ trước đó. Giai đoạn bất ổn 1972-73 này có rất nhiều vụ nổ bom và không tặc do bọn khủng bố chủ mưu; cuộc tàn sát đoàn Olympic Do Thái năm 1972 ở Munich là ví dụ điển hình. Đoc xong tin, tôi thầm nghĩ duyên nào đã giúp tôi thoát nạn trong gang tấc như vậy?
Sáng hôm sau tôi đi phà qua eo Bosphorous đến ga xe lửa. Xe dài nhưng đông nghẹt. Tôi ngồi chung phòng với năm người: hai anh người Đức, một anh người Áo và cô bạn gái người Pháp của anh, và anh người Anh. Một trong số hai người Đức tên Klaus từng buôn ma túy lớn ở Berlin, chỉ buôn hashAfghan nhưng chưa hề đến Afghanistan cho tới chuyến đi hôm nay. Anh có vẻ rất vui thích. Anh có đem theo một ít chareesvà vui vẻ chia cho bà con cùng xài. Khi xe ra khỏi ga chúng tôi bắt đầu hút điếu thứ nhứt để chúc mừng Klaus. Không khí hứng khởi và vô tư trong phòng làm tôi bồn chồn. Nếu ma túy trong phòng bị người soát vé, hay cảnh sát, hay lính phát giác, cả đám sẽ gặp nguy, kể cả tôi tuy tôi không có ma túy trong tay. Giờ tôi chỉ mong tới Ấn Độ an bình càng sớm càng tốt. Lần lần tôi bớt lo, vui theo, mừng gặp bạn, và thật sự phê. Ở Teheran chúng tôi đổi qua xe đò đêm tiện nghi hơn để đi Mashad rồi ra biên giới sau khi xin được chiếu khán.
Khi xe tới gần biên giới, Klauss hứng lên hơn vì thấy sắp đến 'đất của charees.' Nhưng sau khi qua khỏi rào Afghan, Klauss bỗng dưng im lặng và ngồi một chỗ. Lúc ấy là 5:00 giờ chiều. Như lần trước, tôi và năm bạn mới phải ngủ lại đêm ở đây đợi sáng mai vô 'Tâm'. Klauss vô nhà ngủ và bất tỉnh ngay trên chiếc giường đan dây. Anh xanh như tàu lá và yếu hẵn đi; anh không còn thiết tha với chillummừng đến nơi như hôm qua nữa. Thấy anh không thèm thuốc, chúng tôi biết anh không khỏe rồi. Bạn thân anh, Hanz, lo lắng nhứt, phải thức suốt đêm canh anh. Sáng dậy, Klauss đỡ nhưng vẫn chưa muốn hút điếu chillummừng đến đất Afghan. Sau khi đi xe đò vô 'Tâm', chúng tôi vô khách sạn ở chỗ ngả ba chính. Lúc ngồi ăn sáng, Klauss trông trắng bạch như ma trơi và lơ láo như mất vía. Thình lình anh gục và rớt xuống đất. Tất cả điếng hồn. Hanz kêu inh ỏi nhờ khách sạn tìm bác sĩ. Bác sĩ đến 20 phút sau nhưng chỉ để cho biết anh đã chết rồi. Một tai họa bi thảm!
Tôi hoang mang hơn và sợ cảnh sát đến lấy cung sẽ nhốt hết chúng tôi. Tôi vừa bị một vố mà thông hành còn ghi ràng ràng đây nên không muốn dính dấp với mã tà nữa. Tôi bèn lỏn ra đi lang thang quanh phố. Hai giờ sau tôi trở về khách sạn, tôi chỉ thấy có mình cô đầm Monique đang đợi tôi. Bằng tiếng Anh bồi và với giọng sợ hãi cô thuật tự sự cho tôi nghe. Cảnh sát đến làm tờ trình theo thủ tục, hỏi Hanz một số câu hỏi thông thường về bạn của anh.
Hanz muốn đưa xác Klauss về Đức cho cha mẹ anh bên Berlin qua ngả Kabul. Thông thường có một chuyến bay từ 'Tâm' về Kabul của hảng hàng không Ariana Airlines, nhưng vì trục trặc kỹ thuật (rất thường xảy ra) và không có máy bay thay thế nên phải lấy taxi. Chiếc hòm Hanz mua liệm Klauss dài quá khổ của ta-xi nên phải dở nệm sau và đút hòm từ sau xe vô mới lọt. Viên cảnh sát hộ tống ngồi ghế trước cạnh tài xế, còn Hanz và Ronald ngồi trên hòm. Xe đi phải mất ít lắm mười tới mười một tiếng và chạy trong nắng gắt ban trưa nên Monique không thể đi, còn Ronald không thể bỏ bạn trong giờ phút cuối nên đã đi theo. Phần tôi, thằng tồi bỏ bạn!
Hôm sau tôi chịu đi với Monique lên Kabul khi cô hỏi ý tôi. Chúng tôi đến nơi lúc chiều và gặp lại Hanz với Ronald trong nhà ngủ. Hai anh đang hút chillum. Qua câu chuyện, được biết chuyến đi Kabul của Klauss mất tới mmuời hai tiếng vì tài xế và viên cảnh sát ghé lại nhiều trạm để uống trà, ăn cơm và nói chuyện với bạn dọc đường. Trời nóng xác dễ sình, mà hòm lại mỏng, mùi bắt đầu thoát ra, Ronald và Hanz phải hút chillumliên tục. (Tôi không thể nín cười, mong bạn Klauss tha thứ). Tới Kabul lúc 10:00 giờ đêm, Ronald và Hanz ra phi trưòng liền nhưng không thể đưa hòm đi vì xác đã nặng mùi và không có máy bay nào ra khỏi Kabul cho đến ngày mai. Hanz phải lên toà Đại Sứ Đức sáng nay để báo cáo sự việc và đánh điện về ba má Klauss báo tin chẳng lành: ông bà không còn dịp thấy mặt con nữa!
Hồi trưa này, Hanz nhờ xe ngựa kéo hòm đi chôn tại nơi có biệt danh là 'Boot Hill'', một khu trong nghĩa địa Kabul dành an nghỉ du khách. Có khá nhiều du khách Tây Mỹ chôn ở đây; họ chết vì lậm thuốc, bị giết, hay bệnh hoạn bất thần như Klauss. Hanz cho chúng tôi biết Klauss có bịnh tim, di căn từ bên nội. Chắc ảnh chết vì bị nhồi máu cơ tim; trái tim suy yếu của ảnh có thể không chịu nổi những cảm xúc mạnh mà ảnh đã trải qua hôm trước. Chôn Klauss xong xuôi, Hanz và Ronald về lại phòng đây ngồi nghỉ và hút chillumđể tang cho Klauss. Monique và tôi tham gia, cũng để tang cho Klauss, theo lối hippi !
Tôi đang ở chỗ mà tôi đã đến hồi ba tháng trước và rất mong được hoàn tất đoạn đường chót của chuyến đi. Hôm sau tôi lấy xe buýt màu bạc đi Peshawar; tôi được dịp đặt chân lên ngọn đèo nổi tiếng Khyber vô Pakistan. Rồi một xe buýt khác chạy đêm đưa tôi qua Lahore. Tôi phải dừng lại Lahore để xin chiếu khán 3-tháng vô Ấn Độ. Tôi ở chung phòng với hai du khách Anh trong một khách sạn hai từng lớn. Một trong hai người từng du lịch ở Ấn Độ nên rành ngõ ngách và biết cách sống rẻ bên đó. Anh đi rất nhẹ, chỉ có cái quần vải và áo anh đang mặc, chiếc mền mỏng đeo trên lưng, và cây đờn tây ban cầm. Thêm cái túi nhỏ đựng của quý, chillumvà charees. Tóc anh cắt thật ngắn để đỡ nóng và chân anh đi giày vá. Tôi học nơi anh kiện tướng này rất nhiều qua một đêm ngủ chung phòng. Anh biết hết những chỗ mà dân hippi có thể đi xem, mua thuốc rẻ mhưng ngon, và sống tự do--Manali và bãi biển ở Goa là hai chỗ anh thích nhứt.
Chiều hôm sau, khi lấy xong chiếu khán, tôi lên xe đò đi một đoạn đường ngắn ra biên giới Wagah. Viên sĩ quan di trú xem thông hành tôi cho biết tôi thiếu giấy phép mà du khách nào cũng phải có để đi từ trạm Pakistan qua trạm Ấn Độ. Năm 1947 lúc India chia đôi và Pakistan lập quốc, có rất nhiều tranh chấp biên giới. Do đó dải đất rộng một phần tư dặm giữa hai quốc gia được xem như vùng đất không người mà du khách phải có giấy phép đặc biệt mới qua được. Giấy phép được cấp miễn phí tại Lahore. Tôi có nghe nói tới giấy phép này nhưng quên lửng không xin. Viên sĩ quan bảo tôi về Lahore xin hay là để ông giúp với điều kiện tôi phải giúp lại ông bằng một "bakseesh" nhỏ, hối lộ ông mười rup (chừng một đô la), cái giá chuẩn dành cho du khách. Giấy phép không bao giờ phải trình cho ai nữa nên thiệt tình tôi chẳng cần có trong tay. Tuy nhiên, ông làm ra vẻ quan trọng vì ông có quyền cấm tôi qua đoạn đường ông kiểm soát, đoạn đường cụt ngủn liệng đá cũng tới. Để tránh rắc rối và khỏi phải về Lahore, tôi làm 'thủ tục đầu tiên[53]'và buớc qua Ấn Độ.
Bước chân trên đoạn đường có hàng cây cao đến trạm kiểm soát Ấn Độ, tôi cảm thấy hân hoan. Tôi còn nhận thấy nhiều đổi thay ngay trước mắt. Mấy anh cu-li ai cũng quần khaki áo đỏ. Không khí êm ả. Nhân viên công lực cười tươi thư giãn. Viên sĩ quan kiểm giấy thông hành vui vẻ chúc tôi những ngày thoải mái ở Ấn. Tôi mường tượng mọi việc sẽ tốt lành. Và, tới nay tôi đã rời Hoa Kỳ đúng một năm hai tháng.
*
Chương 6
ẤN ĐỘ
Theo những tin hành lang của giới du lịch, tôi đi thẳng đến Amristar (có nghĩa là 'Rượu Thiêng Linh Ứng hay Bất Tử'), đặc biệt đến thăm Đền Vàng[54]. Đền Vàng là đền thiêng nhứt của dân Sikhs. Đền là tâm điểm của Đạo Sikh, có thể nói tương đương với Mecca của Đạo Hồi, Vatican của Đạo Ky Tô, Jerusalem của Đạo Do Thái, và Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) của Đạo Phật. Đạo Sikh là một chi của đạo Hồi. Đạo Sikh rất hiếu khách và không bao giờ kỳ thị vì tin tưởng rằng mỗi chúng sanh là một phần của Thuợng Đế Duy Nhứt. Đền Vàng bố thí[55]chỗ ăn ở cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Do sự tiếp đãi nồng hậu này mà Đền là nơi dừng chân của nhiều du khách ba lô. Du khách chỉ cần kính trọng phong tục tập quán của đạo là đủ, ví như không để đầu trần và không mang giày lúc vào viếng các nơi linh thiêng trong Đền. Chánh điên là một vòm thếp vàng lộng lẫy, nằm giữa hồ nước vuông vĩ đại, nối liền với bên ngoài bằng chiếc cầu nhỏ. Vào đúng lúc trong ngày, vòm chiếu xuống nước tạo hình ảnh tuyệt mỹ.
Chánh điện là nơi các thầy và tín đồ tụng kinh, còn chung quanh hồ là chỗ cho đạo hữu, già như trẻ, lâm râm cầu nguyện hay âm thầm thiền định. Không khí thành tâm mộ đạo bao trùm cả không gian, cái không khí mà tôi hân hoan được thở lấy. Không khí ấy cũng từng nuôi dưỡng tinh hoa của Ấn Độ xưa, nơi được xem như cái nôi của đạo giáo mà ta cần vào để nhìn thấy Thượng Đế--thực chất của đời sống. Chuyến viếng thăm ngắn ngủi của tôi ở đây đã để lại trong tâm tôi ấn tượng càng lúc càng chán cái xã hội ganh đua xô bồ và cái tâm bấn loạn của tôi.
Ngoài Đền Vàng, Amritsar đại để cũng bụi bặm, ồn ào, đông người như các thành phố lớn của Ấn Độ. Nghĩ tới miền núi mát lạnh ở Manali, tôi liền dỡ bản đồ ra xem để chọn đường lên đó nhanh nhứt: phải đi xe lửa tới Ludhiana rồi xe đò ngang qua Simla và vô bang Himachal Pradesh của Manali. Sáng hôm sau tôi ra ga đi, cuốc xe lửa đầu tiên của tôi ở Ấn. Tôi tới trễ và không biết phải mua vé ở quầy nào vì là lần đầu tiên tới ga này, nên tôi lính quýnh chạy đại ra sân và nhảy đại lên xe lúc xe chuyển bánh. Xe quá đông kẻ chen người lấn, tôi phải đeo ngoài cửa. Tôi có nghe nói ở Ấn Độ có thể đi xe lửa khỏi tốn tiền nếu đi hạng nhì. Bấy giờ tôi đang đeo trên một toa hạng nhì và biết tại sao. Vì xe đông quá, người xét vé không thể và làm biếng len chân đi kiểm từng người. Không có ý định lợi dụng, tôi rất ái ngại và sợ bị bắt nên mắt cứ lom lom dòm chừng người xét vé mà tôi có lần kiếm khi xe ngừng ở một ga nọ. Đi đuợc nửa đường, lúc xe bắt đầu rời một ga lớn, có ông xét vé nhảy lên toa tôi và đeo ngay trước mặt tôi. Ông hỏi vé, tôi điếng hồn và lặng câm. Giây sau, tôi cố giải thích với chút mắm muối dậm thêm: "Tôi định mua vé nhưng...." Tôi cố làm như một du khách nghèo mới đến chưa am hiểu cách đi xe lửa ở đây, hy vọng chứng minh được là tôi không có ý định đi chui. Dẫu tả oán thế mấy ông vẫn không tin và chẳng chút động lòng. Bằng giọng khẳng định, ông buộc tôi phải gặp ông xếp ga khi xe đến ga tới. Rồi ông nói thêm, nếu tôi không muốn mất thời giờ thì tôi phải trả tiền vé cộng với một baksheeshlà mười lăm rúp. Tôi biết mình có lỗi rồi và vì không muốn bỏ lỡ chuyến xe để vô phân trần với ông xếp ga nên tôi chọn con đường nhanh và dễ nhứt, cũng như tôi đã từng làm ở chỗ biên giới. Sau đó tôi có vé chánh thức đi tới Ludhiana một cách danh chánh ngôn thuận..
Sau cùng, tôi chen vô được bên trong và được một cậu Sikh cho ngồi ké vô để cậu có dịp tập nói tiếng Anh với tôi. Cậu lịch sự hỏi tôi một lô câu hỏi như tôi thường nghe ở Thổ Nhĩ Kỳ, cộng thêm câu tìm hiểu: "Ông đi vì công việc gì?" Nhiều người Ấn nghĩ rằng khách ngoại quốc đến Ấn Độ với mục đích gì đó, chớ ít khi biết có người chỉ muốn đến đây để du lịch. Tôi trả lời: "Mục đích của tôi là không có mục đích gì cả." Thiệt tình tôi không có mục đích rõ ràng nào trong đầu hết, dầu tôi đang trên đường lên Manali để được khí hậu mát mẻ hơn.
Manali nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, rất ngoạn mục như tôi đã hình dung qua nhiều mô tả trước đây. Xe đò ngừng ở trạm nằm trên khoảng giữa của con đường dài chính rất đông đúc. Dọc hai bên đường là hai dải tiệm nước, tiệm ăn, tiệm buôn, và nhà nghỉ. Sau cuộc xâm lăng của Trung Quốc hồi 1959, nhiều người Tây Tạng di cư đến đây lập nghiệp; họ còn giữ lối sống và trang phục cổ truyền rất đậm nét. Việc đầu tiên tôi làm là tìm một khách sạn rẻ tiền để nghỉ đêm. Chỗ đầu tiên tôi đến là một phòng ngủ chung trong ấy có anh chàng người Mỹ bị bịnh vàng da đang ở. Mắt và móng tay anh ta vàng chạch. Anh mệt mỏi trông thấy và đang được vài bạn tới lui thăm viếng giúp đỡ. Tôi không muốn sống với anh ấy trong phòng chung đó nhưng đành phải tạm mướn một giường trống sẵn có đó để đồ rồi sẽ đi tìm nhà riêng hay phòng trong nhà riêng mướn một tháng đặng có thể phê một mình.
Qua một ngày lục lọi, tôi mướn được phòng trong một căn nhà gỗ lớn trên lưng đồi không xa thành phố lắm, với giá rất nhẹ, mười đô la một tháng. Sáng hôm sau tôi dọn vô; tôi ở từng dưới còn gia đình ông bà chủ người Tây Tạng ở từng trên. Nhiều bạn Tây khác cũng mướn nhà riêng như tôi và đang ở rải rác quanh đây.
Manali là nơi nghỉ ngơi mà dân hippi Tây Mỹ rất thích vì có đồng cần sa bốn phía. Chỉ cần ra khỏi nhà, nhổ một bụi cây trồng, phủi phấn hoa rin rít, là có thể có hashhút rồi. Tuy nhiên nếu muốn có vài gram nhựa để hút một ngày, phải mất nhiều thời gian mới chích được đủ. Nhiều dân địa phương cũng như bọn ghiền Tây sống bằng nghề này; họ bán cho tụi làm biếng như tôi chẳng hạn. Tôi mua một cục lớn. Là dân California, tôi có thể hút bằng cách vấn hoa với phấn già theo kiểu thông thường hay trộn với hashlàm chillum.
Dọc con đường mòn lên rừng, theo suối đi qua xóm nhà lá của dân tị nạn Tây Tạng, bên kia cầu, có nguồn nước nóng/nhà tắm. Với món tiền vô cửa nhỏ, khách có thể ngâm mình để mồ hôi và dơ bẩn trên người trôi đi, hoặc cho vết ong độc chích bớt nhức. Trên núi có thiền viện của một Lạt Ma Tây Tạng già mà du khách Tây Mỹ thường lên để học hành thiền. Lúc bấy giờ tôi không thấy cần thiết lên đó gặp ngài, nhưng tôi có dành nửa ngày đi xem vùng núi đồi chung quanh sau khi hít một liều với thằng bạn ghiền. Từ lúc rời Gomera tới nay đây là lần du ngoạn đầu tiên của tôi; tôi cảm thấy tâm trí thênh thang nhẹ nhàng.
Sau hai tuần sống trên núi, tôi bỗng cảm thấy người uể oải, lờ đờ. Đồng thời nước tiểu tôi biến màu nâu sậm. Tôi nghi tôi bị 'hep[56]'. Trong hơn hai tháng qua, tôi sống chung chạ với nhiều người có triệu chứng của bịnh này hay có thể đã bị bịnh mà triệu chứng chưa lộ ra, nên tôi không ngạc nhiên nếu mình bị đau gan. Để biết chính xác hơn, tôi xuống bệnh xá truyền giáo địa phương nhờ ông bác sĩ người Anh thí nghiệm nước tiểu. Da, mắt và móng tay móng chân tôi trở vàng rất nhanh, còn phân có màu trắng bệt. Sinh lực tôi mất đi rất nhiều. Theo lời khuyên của bác sĩ cũng như các bạn, tôi uống 'Liver 52', không ăn dầu mỡ, đồ chiên xào, cử rượu, và nghỉ ngơi. Không có cách trị liệu nào khác hơn cho bệnh viêm gan hepatitisnhẹ này. Tôi thường bị mệt nên chẳng nấu nướng gì nhiều, chỉ cắt rau đậu thảy vô nồi súp nấu để vừa ăn trưa vừa ăn tối. Ronald có tới mỗi ngày một lần giúp nấu nướng hay đi chợ mua dùm rau củ. Tôi gặp lại nó trước khi bị bệnh; nó đi Afghanistan về và mướn nhà ở gần đây. Cô bạn Monique của nó đã đi đường khác không biết vì lý do gì mà nó không có nói. Tôi cũng đề phòng trước nên có trử một số thuốc xài cho mươi ngày. Tôi được khuyên không nên hút nhưng vì đã quen quá lâu thành thử không cai được. Sau bữa ăn sáng tôi thường ra sân truớc làm điếu joint haychillum. Tôi ngồi đây ngắm rạng cây, thung lũng và thành phố dưới chân đồi cho đến khi mệt mới thôi. Vô nhà, tôi ngủ một giấc cho đến giờ ăn trưa mới dậy. Tôi lập lại thời khóa biểu này cho tới bữa ăn tối, rồi từ tối tới lúc tôi buồn ngủ.
Sau một tuần, da và mắt tôi bớt vàng và tôi bắt đầu lại sức. Vài ngày tiếp theo, tôi khỏe hẳn và không thấy còn các chứng bệnh cũ nữa. Bấy giờ chân tôi bắt đầu ngứa ngáy, tôi muốn lên đường. Tôi và Ronald định đi chung chuyến đi hippi này qua Nepal trong lúc thu sang.
Hai đứa xuống ở dưới New Delhi vài hôm để xin chiếu khán. Sau đó tụi tôi đi Agra như nhiều du khách khác để xem Taj Mahal. Sáng hôm sau tụi tôi lấy xe lửa đi theo hướng Đông tới Benares. Benares còn gọi là Varanasi là thành phố cổ nhứt nhưng còn sinh động lắm. Đó cũng là thành phố mà dân Ấn xem như linh thiêng nhứt nên ai cũng ước ao được gởi xác lại đây. Thành phố nằm trên bờ Tây sông Hằng (Ganges), dòng sông mà người Hindu trên toàn quốc mong được đến để nhúng mình trong nước tin tưởng là trong lành đặc biệt. Người chết nào mà được tẩy trần bằng nước sông Hằng và hỏa thiêu trên bờ sông Hằng thì phúc đức vô lượng. Nếu chết trong đêm, sáng hôm sau thi thể sẽ được kiệu ngay tới giàn hỏa để thầy Brahmin làm các lễ tang sau cùng. Càng giàu bao nhiêu thì nghi lễ càng rườm rà bấy nhiêu. Mỗi ngày từ sáng đến tối có cả trăm đám hỏa thiêu trên bờ sông này.
Tụi tôi ở lại Benares vài ngày và mỗi ngày tôi đến bờ sông xem hỏa táng. Lúc bé, nhiều tối nằm trên giường chờ ngủ, tôi tưởng tượng chết rồi chắc mình sẽ không còn biết thế giới về sau như thế nào, tôi đâm sợ. Nhưng bây giờ thấy thân người cháy thành tro bụi trong khoảnh khắc, tôi suy tư nhiều về bản chất của con người. Tôi nghĩ tới lý sanh tử, sự vô nghĩa của thể xác lúc tử thần gần kề và sự tan hoại tiếp liền sau đó. Tôi nhận biết tính mong manh của thể chất và khoảng thời gian mà mọi sinh vật sanh sống, nhưng không biết lúc nào chấm dứt, và sau cái chết việc gì sẽ nối tiếp. Tôi phân vân không biết tâm sẽ đi đâu, đến một cõi khác hay sẽ mất và chấm hết. Tôi chẳng biết làm sao giải đáp thỏa đáng các câu hỏi bí truyền nát óc ấy.
Tôi cũng thường xuống mé sông ngồi trên bực thang dưới bến nhìn đám đông. Họ vừa giặt đồ hay ngâm mình trong nước thiêng, vừa nghe kinh và các khúc hát đạo phát ra từ nhiều loa đặt trên nóc đền. Tôi tìm cách hòa mình với hàng ngàn tính đồ đang hướng tâm lên Thượng Đế. Một hôm tôi vô tiệm bán hàng vải gần đó mua cái khăn choàng mỏng in nhiều biểu tượng và câu chú Hindu và Phật giáo, phù hiệu tôn giáo đầu tiên của tôi. Tôi thấy nhiều Tây ba lô choàng khăn này nên muốn mình cũng có một cái cho có vẻ duy linh. Tôi lục nhiều thùng để chọn màu và biểu tượng mà tôi thích. Sau cùng tôi mua khăn màu vàng với hàng chữ Phạn OM và hình Đức Phật đang tọa thiền. Tôi bắt chước choàng khăn lên vai. Thỉnh thoảng tôi dùng khăn cột mớ tóc dài.
Một xế nọ, tôi lấy xe đò đi ra khu di tích lịch sử Saranath, nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên 'Chuyển Pháp Luân,' sau khi Ngài ngộ đạo. Công viên Saranath rộng, ít người, trong lành, và được gìn giữ tươm tất. Sau khi đi quanh xem các phế tích và lâu đài nguy nga, tôi đến đền chánh. Đền không có mở cửa. Tôi bèn ngồi xuống gốc cụm tre, móc điếu thuốc vấn sẵn ra hút. Thoạt tiên tôi nghĩ không biết có vô lễ hay phạm thượng không nếu hút ma túy trong chốn thiêng liêng, dầu tôi có biết một số người Hindu tu khổ hạnh hút ganjavì tin rằng thuốc giúp họ thiền định. Tôi tự hỏi tại sao tôi cần hút trong lúc tôi cảm thấy rất thoải mái và an lạc rồi; tôi tự nhận rằng tại vì thói quen và vì tôi luôn luôn muốn phê ở những nơi xa lạ hoặc nổi tiếng là có thần lực đặc biệt. Mặc dầu tôi hỏi và có ý thiên về phía không nên hút, tôi không thể cưỡng lại. Tôi bật lửa mồi thuốc trong lúc mắt đảo quanh xem có ai nhìn mình không.
Nhơn lúc ở tại đất Phật, tôi thử nhớ lại những gì đã học hay nghe về Đức Phật, kinh Phật, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, vân vân, nhưng tôi không còn nhớ gì nhiều. Nói về sự ngộ đạo, tôi đoán: "Phải chăng là cái lâng lâng thường xuyên và cái phê tối hậu?" Tôi hơi bi quan vì biết mình đã hút hít lâu nay và nhứt là vì không biết mình sẽ đi về đâu. Lúc học hành Thiền Tiên Nghiệm (Transcendental Meditation), tôi có được dạy rằng ma túy xung khắc với thiền; thâm tâm tôi hoàn toàn đồng ý với lời dạy ấy. Tôi hy vọng sẽ sớm bỏ hút và trở lại thiền như tôi đã có lần tự nhủ sau khi tạm ngưng TM. Đã hơn hai năm qua, tôi nhận thấy mình hút nhiều nhưng vui ít. Tuy nhiên tôi chưa có lựa chọn nào khác đủ khả năng quyến rũ, hay những điều kiện có thể khuyến khích tôi bắt đầu xa lánh ma túy.
Ronald và tôi chọn vô Nepal qua ngả biên giới ít người lui tới trên phía Bắc Gorakpur rồi đi thẳng đến Pokhara. Đó là con đường ngắn nhứt từ Benares đến. Trong địa phận Nepal, cách đây lối hai mươi dặm là Lumbini, nơi Phật đản sanh. Đã viếng Lộc Uyển ở Saranath, tôi muốn ghé qua di tích thiêng liêng thứ nhì của Phật giáo dầu rằng đức tin nơi Phật của tôi chưa hẳn đủ mạnh thúc đẩy tôi làm việc này. Bấy giờ sự việc tùy thuộc nơi chiếc xe đò đi Pokhara đang đợi khách ngoài biên giới. Nói là đợi khách chớ thật sự xe đã đầy nhóc đến đỗi vài khách phải ngồi trên mui. Tôi và Ronald leo lên mui vì chỉ trên đó mới còn chỗ. Vã lại, chúng tôi cũng muốn được nhìn phong cảnh hoành tráng của Hy Mã Lạp Sơn, thở không khí trong lành, và hút thoải mái. Annapurna Himal tuyệt vời với Núi Machhapuchhre như cái 'Đuôi Cá[57]' vượt cao chọc trời trên năm-sáu ngọn núi khác. Tất cả đều cao hơn hai mươi hai ngàn bộ.
*
Chương 7
NEPAL
Pokhara ẩn mình trong vị trí vô cùng quyến rũ, cuối thung lũng dài và rộng, dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Ngoài thành có hồ Phewa Tal to với nhiều đồi chập chùng.. Dọc bờ hồ mọc lên nhiều hàng quán, khách sạn và tiệm buôn phục vụ du khách ba lô; họ đến đây để du lịch dã ngoại. Nước hồ trong xanh và phẳng lặng quanh năm. Có nhiều ca nô và thuyền mà khách có thể mướn để dạo chơi--thú tiêu khiển của khách và nhiều dân địa phương vào những chiều chủ nhựt. Sau chuyến đi dài, Ronald và tôi định ở lại đây vài hôm để thưởng thức cảnh đẹp cùng không khí trong lành và cũng để chuẩn bị cho cuộc leo núi sắp tới. Phòng chúng tôi mướn nằm ngay trên bờ hồ, nơi có nhiều cậu bé lảng vảng gạ bán charees vấn tay và nhiều phụ nữ, già có trẻ có, lẻo đẻo theo mời khách mua "nấm kỳ diệu Hy Mã Lạp Sơn." Không thể tự chế, tôi có mua mỗi thứ một ít để xài cho chuyến đi sắp tới.
Du lịch dã ngoại ở đây rất thú nhờ có sẵn từ nhiều thế kỷ nay hệ thống đường mòn ngang dọc nối liền các làng mạc rải rác trên đồi núi chung quanh. Dân địa phương dùng các đường mòn này để khuâng, vác hay cho lừa chở các vật dụng cần thiết ra/vô làng. Do đó cảnh người, lừa và du khách nối đuôi trên đường nhan nhản hằng ngày. Trong hầu hết các làng đông dân cư và ở nhiều ngả ba quan trọng còn có nhà nghỉ và tiệm ăn với giá rất phải chăng. Nhờ vậy, du khách không cần phải mang theo đồ ăn và đồ cắm trại nặng nếu họ muốn.
Ronald và tôi định lấy đường từ Pokhara đi Jomsom, đi về chừng trăm dặm và mất khoảng mươi ngày. Có thể tụi tôi không đi hết, mà chỉ đi tới đâu thấy vừa đủ là thôi, để khỏi mang theo nhiều đồ lỉnh kỉnh. Ngoài ra, tôi không có giày bốt leo núi mà chỉ có đôi xăn đan huarachesđế cao su nên rất sợ bị phồng chưn nếu phải đi xa; thường ngày tôi chỉ thích đi dép. Áo quần lạnh của tôi--gồm cái jalabavà cái ponchomà tôi sẽ dùng để quấn ngủ--chắc không đủ ấm. Để phòng hờ, tôi sẽ ra bazaar mua thêm cái mền mỏng.
Chiều,, tụi tôi đến làng lớn Naudanda. Làng nằm trên đỉnh của dãy núi sau Pokhara. Ở phía đằng xa, dãy Annapurna với ngọn Machhapauchare đứng sừng sựng như bức trường thành vĩ đại.. Tụi tôi dừng lại, mướn nhà nghỉ. Rồi với vài bạn đường mới gặp, chúng tôi cùng nhau hút điếu chillumvà thưởng thức cảnh hoàng hôn đang lịm tắt. Ronald có vẻ mệt mỏi nên là người muốn phê sớm để đi ngủ sớm. Nó nói nếu sáng mai không khỏe, nó sẽ không dậy đi sớm được. Còn tôi ngông nghênh tưởng tượng cảnh mình sẽ được phê ngay trên dãy Hy Mã Lạp Sơn dưới ánh trăng liềm, bằng liều acít mang theo từ Manali.
Sáng dậy, tôi gọi Ron vào lúc 4:00 giờ.. Bằng giọng chếnh choáng, nó nói không đi và muốn ở lại để nghỉ ngơi thêm. Từ chiều hôm qua tôi nghi nó bị viêm gan nhưng không dám nói ra. Cái thói quen 'chỉ-nghĩ-tới-mình' không cho phép tôi nghĩ dùm Ron. Hơn thế nữa, tôi không có mảy may ý định hoãn chuyến đi này, dầu chỉ hoản đôi giờ để chờ xem Ron thế nào sau khi được ăn sáng đầy đủ. Tôi đã sẵn sàng rồi. Tôi phải đi--chuyến 'đi với acít' mà tôi chỉ có mỗi một dịp trong đời. Biết tôi muốn đi, Ron miễn cưỡng bảo tôi cứ đi một mình trước rồi nó sẽ theo sau khi nó khỏe ra. Tôi nói tôi sẽ đi chầm chầm, sẽ nghỉ nhiều lần, và sẽ chờ nó ở làng trên. Trời bắt đầu sáng. Tôi ực liều acit và quảy xách ra đi. Vầng trăng vành chênh chếch trên đỉnh non cao.
Đi được mươi lăm phút, tôi dừng lại ngồi ngắm các ngọn núi sáng trăng và hút điếu thuốc cho ấm lòng và cũng để tăng thêm lượng acít.. Sảng khoái, tôi tiếp tục lên đường. Tôi hân hoan bước đi trong hoàng hôn dưới bóng của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Không một bóng người, thật tĩnh mịch. Không khí yên lặng chỉ bị khuấy động bởi các niệm dấy lên trong tôi và tiếng gà gáy nơi làng xa. Mặt trời ửng hồng. Tôi dừng lại lần nữa để chiêm nghiệm sự bừng tỉnh của thế gian và ngắm nhìn các tia nắng mới đang chiếu rọi đồng đều xuống vạn vật. Giữa các suy tư ấy, tôi tự dưng cảm thấy ân hận đã bỏ Ron chèo queo nơi nhà trọ. Tuy nhiên, tôi tự an ủi ngay bằng cách nói rằng nó sẽ không sao và nó sẽ dậy đi vào sáng hay chiều nay. Tôi hơi nghi ngờ, nhưng tôi cũng sẽ thử đợi nó ở Birethandi, chỗ làng ngả ba quan trọng cách đây chừng vài giờ.
Tôi đợi Ron suốt năm tiếng liền, nhưng chỉ gặp được vài bạn mới biết hồi tối dưới nhà nghỉ. Họ nói Ron bị viêm gan (tôi đoán mò mà đúng y) và nó đã mướn lừa chở xuống Pokhara để điều trị. Lúc bấy giờ tôi hết phê nhưng vẫn còn ngây. Tôi bắt đầu lo cho Ron và nửa muốn trở lại, nữa muốn tiếp tục đi lên..
Sau cùng tính ích kỷ đã thắng: tôi tiếp tục đi lên. Tôi tự biện hộ bằng cách nghĩ rằng Ron sẽ được nhiều người trong khách sạn giúp, như nó từng giúp tôi hồi ở Manali; họ sẽ nấu mướng dùm và nó sẽ có đầy đủ thức ăn chín hợp vệ sinh. Tôi còn lý luận thêm: "Ron chắc không muốn bệnh của nó gây phiền toái cho tôi và làm hư chuyến leo núi mà tôi đã trù tính lâu nay." Tuy nhiên thâm tâm tôi luôn bảo tôi cần phải trở về, nếu phải chỉ về để hỗ trợ tinh thần Ron hay là chỉ để cho Ron có người chuyện trò.
Tiếp tục leo núi hai ngày nữa, tôi đến làng Tatopani (Nước Nóng). Làng có suối nước nóng lưu hoàng là nơi dừng chân quen thuộc của nhiều khách mệt mỏi sau những ngày đi vất vả. Có một số nhà nghỉ bán cả pancakes, spaghetti, apple pie, corn flakes, trứng luộc, bánh mì tây, sữa chua, trái cây, mật ong, cà phê, vân vân. Trên đường lên, tôi gặp một anh phu vác thùng nước ngọt coca; anh phải mất ba ngày đi về mới xong một chuyến hàng từ dưới lộ cái lên trên này. Thấy vậy mới biết quyền lực của tập quán và ý chí mạnh đến dường nào; thiếu nó làm gì anh có thể làm chuyện khó tưởng tượng ấy. Tôi được giới thiệu vào một nhà nghỉ có phòng trên lầu hai nhìn ra rạng núi trước mặt và sông dài dưới lũng. Sau mấy ngày leo núi ăn uống thất thường--chỉ với dhal, bat, subji,bánh tây, quít và chuối--tôi rất thèm những bữa 'như-ở-nhà' để ăn cho hả hê.
Sáng sớm hôm sau lúc chưa ai tới, tôi xuống suối nước nóng ngâm đôi chân mỏi. Tôi cũng hút một điếu cho đã trước khi chuồi xuống nước nóng ngâm mình; tôi khoái cảm và tưởng chừng thời gian ngừng trôi. Sau hai mươi phút tôi bắt buộc phải trèo lên vì biết rằng nước lưu hoàng có thể hại cơ thể nếu ngâm lâu.
Tôi chọn ở lại đây ít hôm và định ngày mai sẽ ăn 'nấm kỳ diệu' mà tôi mua ở Pokhara. Hôm ấy trời nóng và trong rất thuận tiện cho món ăn giàu chất hữu cơ này. Tôi nhờ khách sạn làm cho cái trứng chiên với nấm, trông rất hấp dẫn. Rồi tôi soạn đem theo vật dụng cần thiết như jalabađể lót ngồi, khăn lông, ít trái quít, chillum, chareesvà ống quẹt. Hên là chưa có ai đến nên tôi muốn ngồi đâu tùy thích. Tôi chọn bờ cát sát vũng nước cạn; vũng nước cách dòng sông chính đang ầm ầm chảy bằng nhiều tảng đá to. Từ đáy thung lũng nhìn lên, tôi thấy cả một cảnh trí tuyệt vời với nhiều đỉnh núi tuyết trắng bông. Tôi vui sướng ngây người tưởng chừng như đang phê thuốc. Sinh lực tràn trề và hư không vĩ đại của thiên nhiên lộng lẫy và hiền hòa đủ để làm lắng đọng tất cả mọi phiền não.
Sau khi ngồi xuống, việc làm đầu tiên của tôi là trịnh trọng vấn điếu chillumrồi châm lửa mồi. Tôi niệm câu chú "Bom Shankar" để hoàn tất nghi thức cầu đảo trước khi ăn nấm và hút thuốc. Tôi cầu Thần Shiva dẫn dắt đến cõi tỉnh thức. Không biết thiệt hư thế nào nhưng nghi thức khẩn cầu chứng minh thiện ý phê của tôi. Tôi phê chừng ba mươi phút trong khung cảnh thiên nhiên. Hoan lạc tột đỉnh!.
Tôi xuống ngâm mình dưới suối nóng, tung mình lội trong sông, rồi lên bãi sải tay tắm nắng ấm. Bấy giờ có môt anh Tây đến; anh xuống ngồi gần bên. Chúng tôi chào xã giao và bắt đầu nói chuyện khào. Được biết anh tên Jim, là một nguời Anh sinh sống ở Ấn Độ. Anh vừa tới Tatopania sáng nay, và đến xứ Nepal này lần đầu tiên như tôi. Trong câu chuyện, Jim kể tôi nghe về khóa tu thiền minh sát[58]10-ngày của sư Mién Điện Goenka mà anh vừa dự ở Ấn. Anh học được kinh nghiệm tập trung sự chú ý lên thân thể để nhận biết những cảm giác khác nhau đang xảy ra. Sự chú ý thoạt tiên được tập trung trên đỉnh đầu, cho tới khi một số cảm giác như ngứa, nhột, nóng, hay bất kỳ cảm giác nào khác xuất hiện. Từ đỉnh đầu anh đưa sự tập trung chú ý từ từ xuống tai, mắt, mũi, miệng, và ghi nhận cảm giác ở mỗi nơi. Sau phần đầu, anh tiếp tục chú ý tới vai, tay, ngực, lưng, bụng, chân, kể cả đầu ngón chân. Anh cho biết sau năm ngày thực tập, anh có kinh nghiệm tập trung rất tốt và bắt đầu cảm nhận được nhiều cảm thọ vi tế mà anh gọi là vi ba của thân thể, thứ vi ba tự đến, tự đi, tự hiện, và tự mất. Anh thấy thân anh như một khối xốp trong ấy các nguyên tố có sự sanh diệt như các nguyên tử. Có lúc anh tưởng chừng tấm thân vật chất sờ mó được của anh như biến mất; anh không thể giải thích lý do vì, như anh nói, kinh nghiệm ấy khó có thể diễn tả bằng lời. Anh thuyết nghe phát ham; tôi say mê theo dõi và quên hẳn là mình đang có cái thân xương thịt cho đến khi tôi sực nhớ tới nó. Jim còn cho biết trong suốt mười hôm học, mỗi đêm Thầy Goenka đều có dạy Phật pháp mà trọng tâm là vô thường và Tứ Diệu Đế. Sau phần Phật pháp, ngày học được kết thúc bằng sự rải tâm Từ đến mọi chúng sanh do Thầy chú đọc. Hành pháp rải tâm Từ để giúp dẹp bỏ tự ngã, diệt bớt sân hận và dỗ giấc ngủ cho an lành..
Nghe Jim xong, tôi nói với anh rằng trước đây tôi có thực tập thiền tiên nghiệm (TM) nhưng vì thói quen hút hít nên tôi phải tạm ngưng. Hôm nay trong lúc đang lâng lâng vì món nấm, tôi bị động mạnh khi nghe anh tả phương pháp thiền của anh. Tôi cũng có tâm sự với anh rằng nay tôi không còn thiết tha với hút hít nữa, tôi nghĩ có lẽ thiền sẽ là cách làm cho trí óc tôi minh mẫn và vui thú tự nhiên. Anh đồng ý. Anh cho biết Thầy Goenkaji của anh, anh kính cẩn gọi như vậy, dạy thiền minh sát ở nhiều nơi trên miền Bắc Ấn, mỗi khóa mười ngày; tôi nên dự một khóa khi trở lại Ấn Độ.
Theo Jim biết, sẽ có một khóa tu thiền Tây Tạng dài một tháng khai giảng vào ngày 11 tháng 10, tức ba tuần nữa, ở gần Kathmandu. Thầy chủ trì là hai Lạt Ma Tây Tạng, rành tiếng Anh, từng dạy thiền cho nhiều người phương Tây trong năm năm qua. Quý ngài có nhiều đệ tử Tây phương thọ giới sư và ni. Nghe nói các khóa 1-tháng này là những lớp khai tâm về Phật Giáo Đại Thừa có tác động mạnh khả dĩ thay đổi lối sống của nhiều khóa sinh. Dầu hiểu biết của tôi về Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Hinayana rất lờ mờ, tôi rất tâm đắc và mong được dự khóa thiền ấy. Tôi có cảm tưởng như tâm tôi được khai mở, như tôi được một cái gì mà tiềm thức tôi mong muốn bấy lâu nay. Tôi không biết chuyện gì sẽ đến nhưng tôi tin chắc đó là cái mà tôi cần học hỏi.
Tôi hỏi Jim thêm về khóa tu thiền Tây Tạng, nhưng anh không thể nói gì hơn vì chưa dự. Anh có ý muốn dự song chắc là không, vì đang tập hành thiền minh sát và đang đạt kết quả tốt. Ngoài ra, anh muốn theo sát lời khuyên của Thầy Goenkaji là không nên thực tập nhiều phương pháp thiền trong một lúc.
Câu chuyện của Jim kể rất lý thú khiến ba mươi phút qua nhanh. Giờ trở lại chuyện (làm hơn nói) của mình, tôi cảm thấy còn đang lâng lâng và rất muốn nghỉ ngơi để cảm nhận thiên nhiên và thử hình dung xem thiền thật sự như thế nào. Trước khi thu về nội tâm, tôi theo phép lịch sự mời Jim hút điếu chillum, tôi muốn Jim hút cho anh vui hơn là cho tôi vui. Anh từ tốn khước từ nói rằng đã bỏ thói quen hút hít khi bắt đầu thiền vì biết thuốc ảnh hưởng tới khả năng tập trung tư tưởng. Thế là hai chúng tôi ngồi im lặng, Jim thiền còn tôi vui với ý nghĩ mình là một phần của thiên nhiên chung quanh. Tôi tự hỏi phải chăng đó là tâm trạng của Người Ngộ. Sau đó, Jim xuống ngâm mình trong nước suối nóng rồi tắm lại nước sông trước khi lên đường tiếp tục qua Jomsom khi trời hãy còn sáng. Tôi gặp Jim chỉ một lần, Jim chợt đến chợt đi, nhưng lần gặp nhau ngắn ngủi đúng lúc ấy đối với tôi như là một tia sáng soi rọi con đường mà tâm thức tôi muốn theo đuổi để thay đổi hướng đi của đời mình.
Tối hôm đó tôi nằm mà chỉ nghĩ tới chuyện trở về Pokhara để lên Kathmandu xin học lớp thiền của sư Goenkaji. Tôi nôn nóng muốn ghi danh sớm vì sợ lớp đầy nếu đến trễ. Tôi quyết định lên đường ngay vào sáng mai; tôi chỉ mất hai ngày đi ngang Beni và Kusma là tới Pokhara. Đến khách sạn, tôi hỏi về Ronald và được biết nó đi Kathmandu hôm qua. Nó đã bình phục sau sáu ngày tịnh dưỡng vì ca viêm gan của nó nhẹ. Sáng sớm hôm sau tôi lấy xe đò đi Kathmandu liền.
Tôi tới Kathmandu lúc xế chiều. Hôm sau, tôi đi bộ ra Boudnath, ngoại ô Kathmandu. Boudnath cũng là tên của cái tháp cổ rất lớn nằm bên đường giữa nhiều hàng quán. Sau tháp có tu viện Tây Tạng mới xây giữa đồng ruộng. Nơi mà khóa tu học sẽ khai giảng được gọi là Kopan nằm trên đồi, cách tu viện chừng một dặm bằng con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua nhiều ruộng rẫy và nhà cửa. Kopan gồm tu viện, trường và văn phòng chánh của Học Viện Mahayana Quốc Tế, cơ quan tổ chức các khóa tu học hằng năm. Lúc tới nơi, tôi không thấy ai ngoài một ít người đang làm việc rải rác đó đây. Tôi đi tìm phòng ghi danh và được một nữ tu niềm nở tiếp đón và trả lời tường tận những gì tôi muốn biết về khóa học sắp tới. Sư cô là một tu sĩ Gia Nã Đại, còn trẻ, đầu cạo trọc bóng, mặc áo màu rượu chát của dòng Tibetan Monastic Order.Cô vui vẻ ghi danh tôi. Biết khóa có thể nhận đến 175 học viên và thấy danh sách mới có ba mươi người, tôi biết lo âu đến sớm sợ hết chỗ của mình hơi quá đáng!
Sư cô cho tôi biết về thể lệ của khóa tu học. Không được dùng thuốc; không được có cử chỉ thân thiện với người khác phái; chỉ đươc nói chuyện tối thiểu; không được rời khu đồi xuống phố nếu không có phép của vị giáo thọ--chỉ được đi trong trường hợp khẩn cấp; phải tuân mười giới (như không sát sanh, không trộm cắp, không nói láo, không đeo trang sức, không ăn sau ngọ, vân vân), vào hai tuần chót phải học rút; và lúc bấy giờ chỉ có trà hay cà phê dùng sau ngọ mà thôi. Sư cô nói các thể lệ này nhằm giúp học viên loại trừ các tật xấu, sự chấp trước và tâm tự cao tự đại có thể gây trở ngại cho việc hành thiền.
Các giới luật này rất hợp lý đối với tôi, nhứt là giới không được dùng thuốc, một thử thách quan trọng cho thói quen hút hít của tôi trong sáu năm qua. Đôi lúc tôi tự hỏi tôi có bị nghiện không. Tranh luận về sự nghiện ngập do cần sa và hashishgây ra chưa thiệt sự ngã ngũ. Trong bốn năm gần đây tôi hút hít rất nhiều nhưng tôi nghĩ tôi có thể bỏ được--tôi chưa muốn bỏ mà thôi chỉ vì lúc nào tôi cũng có lý do hay cơ hội tốt. Vậy đó có phải là ghiền không? Nhưng thôi, tôi sẽ không đem theo thuốc và không tìm dịp tự cám dỗ mình để ngưng hút hít trong một tháng; dễ dàng thôi. Sau khóa học, được tự do trở lại, tôi có dở thói quen tật cũ chăng là chuyện sắp tới. Không biết chừng đây là cơ hội mà tôi mong đợi lâu nay, cơ hội để tôi thay thói quen hút hít bằng tập quán nào đó mỹ mãn và có ý nghĩa hơn?
Tôi đi lòng vòng trên đồi khoảng một tiếng đồng hồ để làm quen với chỗ mà sẽ là nhà tôi trong một tháng dài sắp tới. Phong cảnh thật tuyệt vời: phía trước là thung lũng Kathmandu và phía sau là một phần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tuy chưa biết thiền là gì nhưng tôi nghĩ chỗ này chắc thiền tốt lắm. Tôi chuẩn bị tinh thần để thâu đạt những gì tôi sẽ được dạy. Tôi thật sự không biết gì hết và không muốn đoán trước hay có định kiến về khóa học cũng như đề tài mà học viên sẽ thiền. Trong lúc lang thang, tôi gặp một ít người ngoại quốc đến để giúp chuẩn bị cho khóa học; họ dựng lều, đào hố tiêu tiểu, vân vân. Có rất nhiều việc phải làm để thích nghi số người đông sắp đến. Lều rất cần thiết vì số phòng trên đồi và dưới thung lũng không đủ chứa hai đám học viên nam nữ riêng biệt. Nghe nói vài người cạn tiền tình nguyện làm phụ việc để được học miễn phí. Tôi biết vậy nhưng không tình nguyện được. Vả lại, vì thói quen chì nghĩ tới mình, tôi lo tính những vui chơi trong hai tuần sắp tới trước khi nhập học.
Tôi trở lại Kathmandu vài ngày đi tham quan thành phố ngộ nghĩnh này. Kathmandu được giới du lịch Á châu cho là nơi không thể thiếu. Đó là một thành phố cổ nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ như một viên ngọc quý với vô số đền Hindu và chùa Phật. Đó còn là một thiên đường cho du khách thấm mệt dừng chân thưởng thức bánh sô cô la cũng như bánh pietáo nhà làm trong các nhà hàng/nhà nghỉ dầy đặc trong phố. Lúc ở Amsterdam tôi có nghe nói tới ngôi đền nổi danh Swayambunath hay 'Đền Khỉ' nơi mà khỉ sống từng đàn chung quanh khu chùa và tháp trên đỉnh đồi. Đền xưa trên hai ngàn năm, rất thiêng, rất oai nghiêm, với 'Tuệ Nhãn Siêu Việt' vẻ trên chóp. Trên cầu thang dài dẫn lên đền hút hít hoàn toàn tự do. Nghe nói có nhiều sư thích hút đến đây để được hút chillum ngoại nhập do du khách đem sang,; đổi lại, khách được học nghi thức cầu "Bom Shiva, Bom Shankar"do sư dạy.
Nhân lúc ở Kathmandu, tôi có ý tìm gặp Ronald để xin lỗi đã bỏ rơi nó lúc nó cần tôi, và cũng để xem nó có buồn hay giận tôi không. Tôi biết là đã trễ rồi nhưng vẫn muốn gặp nó cho đỡ bức rứt. Tôi cũng muốn dành một tuần để leo núi chung quanh đây và trở về trước khi khóa học khai giảng. Ngoài ra, tôi còn phải xin gia hạn chiếu khán nữa, gia hạn ít lắm là một tháng. Đó là những dự tính của tôi trong khoảng thời gian hai tuần tôi còn 'tự do'.
Chiều đó tôi xuống 'Đường Dân Ngông[59]', một trong những con đường ngang dọc ở khu gần Công Viên Durbar. Đường có nhiều nhà nghỉ rẻ tiền và nhiều tiệm buôn. Họ bán từ áo quần và đãy dệt may tại Nepal hay Tây Tạng, tới hành trang leo núi, và đủ thứ tranh ảnh đạo giáo kể cả các pháp khí lớn nhỏ. Có rất nhiều hippi tóc dài đi nghểu nghến và dĩ nhiên có nhiều thứ ma túy giá rẻ. Nhiều quán cà phê nặc nồng khói thuốc (nhiều quán cho phép hút tự do) và đậm đặc nhạc rockđiếc tai (để giúp khách hippi phê). Do đó, không ai lấy làm lạ khi biết con đường này có hổn danh 'Đường Dân Ngông'. Và tôi đang là một tên ngông góp phần làm cho con Đường Ngông thêm ngông nghênh hơn.
Luôn luôn có ý tìm Ron nên chẳng bao lâu tôi gặp lại nó dưới phố. Tôi bước tới chào và dò xem phản ứng nó trước khi hỏi thăm và nói chuyện nhiều hơn. Như tôi dự đoán, nó không còn vồn vã cởi mở như dạo trước. Nó nghiêm nghị trách tôi ích kỷ; là bạn mà tôi đã bỏ nó trong lúc nó bịnh như vậy. Rồi nó cay đắng nhắc lại chuyện nó đã săn sóc tôi ở Manali cho đến khi tôi mạnh, mặc dầu tôi có thể lây bịnh cho nó. Tôi biết tôi đáng bị trách cứ nên đứng lặng thinh để nó nói cho hả giận. Câu chuyện xảy ra chừng ba phút, ở giữa đường, trước đám đông. Sau đó hai đứa vô quán cà phê ngồi nói chuyện bình tĩnh và lâu hơn. Tôi xin lỗi Ron và cho nó biết về khóa thiền mà tôi sẽ dự. Nó mỉa mai nói thiền có thể giúp tôi mở tâm để hiểu biết tình cảm và nhu cầu của người khác cũng như trách nhiệm của mình, và nó chúc tôi gặp nhiều may mắn lúc tu học. Ron rời đây đi Nepal rồi theo bờ biển Đông của Ấn Độ tới Puri và sau cùng đến Goa để tham gia các cuộc vui mùa Đông ở đó. Hai đứa tạm biệt không có siết tay mà cũng không có nước mắt.
Sư việc này ảnh hưởng tôi sâu đậm; tôi sực tỉnh biết mình phải đối đãi tử tế với mọi người. Sự thiếu hiểu biết của tôi cũng là nguyên nhân của rạn nứt và đổ vỡ giữa tôi với Gail. Sự việc còn giúp tôi nhìn thấy tình người và các tình cảm khác rất mong manh, hay thay đổi và tùy thuộc vào nhiều yếu tố không lường được. Tôi chẳng biết khóa thiền có mở tâm tôi trong những lãnh vực nói trên không?
Trưa hôm sau tôi đi thăm Swayambunath. Từ phố lên, tôi theo con đường vừa chật vừa dơ, qua cái cầu bắt ngang dòng nước xú uế nặng mùi, rồi tiếp tục đi sâu vô chân đồi. Lối đi lót bằng đá cục. Dọc theo lối có nhiều hàng bán áo quần và túi xách Nepal. Cuối lối có bực thang đá/xi-măng dẫn lên Swayambunath. Dốc cao và đứng. Có nhiều tượng Phật và tháp nhỏ rải rác dọc theo dốc. Đồi rợp bóng.cây im mát.
Ngay trên dốc này tôi hú vía bởi mấy con khỉ nghịch ngợm. Số là vì không biết và không được ai cho biết trước nên tôi vô tình tháo túi đậu phộng mua đem theo ăn dọc đường. Bất chợt hai con khỉ to nhảy sổ xuống đón đường tôi. Chúng nhe răng gầm gừ và vói tay đòi đậu phộng. Tiếp theo nhiều con khác tới bao vây tôi. Rồi con bự nhứt đi lần lần tới gần tôi, chụp lấy gói đậu--nó chụp thiệt chớ không phải làm trò khỉ! Tôi không biết phản ứng thế nào và rất lo nếu không muốn nói là rất sợ. Tôi nghĩ nếu tôi cho nó đậu, mấy con kia sẽ tấn công tôi ngay; tôi không nghĩ chúng sẽ để tôi yên. Trong phút vô vọng, tôi tung gói đậu lên trời. Đám khỉ tranh nhau giựt. Tôi thoát vòng vây chạy mau lên nhiều bực cấp. Rất may chúng không rượt theo. Tôi tiếp tục leo lên cao hơn trong lúc tim đập thình thịch. Thỉnh thoảng tôi ngó ngoái lại xem chừng. Đây là một bài học về lòng tham mà bọn khỉ vướng bận; chúng quyết đoạt cho được gói đậu phộng của tôi. Còn tôi, bài học cho thấy sức mạnh của bản năng sống còn bằng cách dùng phản xạ sợ hãi để làm tiết adrenalin trong các trường hợp lo âu hay bất an.
Tháp ở Swayambunath nhỏ hơn tháp ở Boudhanath nhưng được trang trí bằng nhiều hoa văn mạ vàng và phướng nguyện cầu cổ điển của Tây Tạng. Quanh chân tháp có nhiều ống kim khí tròn gọi là chuông quay cầu nguyện để khách hành hương quay lúc đi vòng tháp. Khách phải đi quanh tháp theo chiều kim đồng hồ vì nếu đi ngược lại sẽ bị xui xẻo và bị xem như phạm thượng. Phướng cầu nguyện và sớ nhét trong các chuông cầu nguyện luôn luôn có viết các câu thần chú, thường là câu OM MANI PADME HUM[60]. Nghe nói quay chuông sẽ làm thần chú linh ứng khả dĩ dẹp sạch tà ma, xoa dịu khổ đau của nhân loại và giúp chúng sanh giác ngộ. Tôi đi ba vòng vì bắt chước, quay chuông để mà quay, chớ chẳng có chút hiểu biết hay tin tưởng nào. Tháp được xây từ lúc Đức Phật nhập diệt để thờ xá lợi của Ngài sau khi Ngài được trà tỳ. Mục đích là để nhớ lại sự giác ngộ, trí huệ và lòng từ bi của Đức Thế Tôn. Do đó, tháp được xem như biểu tượng của chính sự Giác Ngộ.
Cạnh tháp có một tu viện với một ít sư Tây Tạng đang hành lễ pujathường kỳ. Lễ gồm có lời kinh xen kẻ với tiếng nhạc của trống, chập chõa và kèn trầm; nhạc được tấu bởi các tu sĩ mặc áo nâu ngồi trên bục. Cộng thêm, khói nhang dày mịt bốc lên nồng nặc biến không khí tu viện trở nên xa lạ, huyền bí dị thường. Tường và trần tu viện được trang trí bằng nhiều tranh ảnh Phật giáo dầy màu sắc sặc sỡ mà người không rành không thể hiểu biết nổi. Lễ pujađược cử hành nhiều lần trong ngày để niệm tưởng các vị Phật và Bồ Tát và cũng để trừ tà ma hầu giúp các sư có nơi tinh khiết mà tu tập. Sau khi lễ tất, tôi bước vô trong xem lại các tranh ảnh kỹ càng hơn. Tôi còn thấy thùng phước sương để giúp điều hành chùa và nuôi ăn các thầy.
Tôi đi lang thang trên đồi vài tiếng đồng hồ chờ mặt trời lặn. Tôi hy vọng được gặp vài vị đạo sư Hindu mà tôi có dịp nghe nói để mời họ chillumtrong lúc ngắm cảnh chiều hôm chìm dần xuống thung lũng Kathmandu thênh thang. Tôi mong tưởng tượng của mình thành sự thật, nhưng tôi chưa thấy sư nào hết. Tôi chỉ thấy khỉ chạy rong và nhảy cùng khắp trên tháp, chùa tưởng chừng nơi này là giang sơn của chúng không bằng--thì đã gọi là 'Đền Khỉ' mà. Nhiều khách du lịch thảy cho chúng thức ăn; chúng không hung hăng như các anh em chúng ở dưới đồi.
Tôi không gặp đạo sư nhưng gặp một quái kiệt người Pháp đang muốn phê như tôi. Là một tay kỳ cựu, anh biết rõ ngõ ngách quanh đây. Anh dắt tôi leo tường ra ngoài chỗ hai đứa có thể ngồi xếp bằng ngắm toàn cảnh thành phố. Hai đứa tán dóc trong lúc tôi nhồi thuốc. Sau đó tôi trao điếu mời anh.. Lúc tôi đưa diêm lửa lên mồi, anh xướng 'Bom Shiva, Bom Shankar'và trì nhiều chú khác mà tôi chưa từng nghe. Khi anh trao thuốc lại cho tôi, ý nghĩ 'chừng nào sẽ dứt' khởi trong đầu tôi cho đến khi tôi đọc 'BomShiva'. Tụi tôi phê đậm đến đỗi không ai còn thiết nói với ai và ngồi bất động gần nửa tiếng. Do sự tình cờ thiên định, lúc bấy giờ các thầy trong tu viện bắt đầu khóa lễ puja chiều nên âm thanh thích thú của trống, kèn, chuông, chập chõa, và giọng kinh trầm lắng lan tỏa mọi phương. Tôi không biết Phật và Bồ Tát có nghe chăng? Và tôi tự hỏi: " Thật sự có sự khác biệt giữa các thần linh của hai đạo Ấn giáo và Phật giáo không? Các vị ấy có thật chăng hay chỉ là biểu tượng của cái gì đó cao thượng hơn, một đồng nhất tâm linh?" Màn đêm đang bao trùm thung lũng huyền diệu, một thực tế mà tôi tỉnh giác quay về sau khi lễ pujachấm dứt. Tụi tôi bèn xuống dốc, men theo đường, trở lại thành phố.
*
[1]Biên dịch từ ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk, 3rd Revised Edition, Electronic Version của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula, Bhavana Society.
[2]Híp pi hay hippi là hai từ dùng thay đổi trong bản dịch này. Đó là phong trào thịnh hành vào thập niên 60 của nhiều người, nhứt là giới trẻ, không chấp nhận định chế xã hội thường lệ và có lối sống cũng như ngôn từ và cách ăn mặc khác lạ mà đa số quần chúng cho là lập dị (nd).
[3]Yoga hay du già là hai từ được dùng thay đổi trong bản dịch nầy nd).
[4]Young Men's Christian Association(nd).
[5]Lysergic acid diethylamide (C20H25N3O) gọi tắt là LSDlà một loại thuốc thuộc nhóm gây ảo tưởng. LSD được khám phá 1938 và là một trong những loại hóa chất làm thay đổi tâm thần. Nó được chế tạo từ acid lysergictìm thấy trong ergot, một thứ nấm mọc trên lúa mạch và nhiều loại gạo nếp khác (nd).
[6]North Atlantic Treaty Organization, Khối Bắc Đại Tây Dương (nd).
[7]Lá non của cây thầu dầu phơi khô để hút hoặc nhai có tác dụng như thuốc ngủ (nd).
[8]Love beads--Xâu chuỗi to mà dân hippi thường đeo lủng lẳng trên cổ biểu thị yêu thương và hòa bình (nd).
[9]queer punk California(tg).
[10]lifer(tg).
[11]Vắng mặt không có lý do--AWOL, absence without leave(nd).
[12]Quân nhân Hoa Kỳ (nd).
[13]Potiguaya, tiếng Mễ chỉ cần sa (nd).
[14]Thuốc gây ảo giác rút từ xương rồng Lophophora williamsii(nd).
[15]Sequoia semperviren(nd).
[16]Body bag(tg).
[17]Specialist Fifth Class(nd).
[18]Riverside Community College (nd).
[19]Transcendental Meditation, viết tắt là TM (tg).
[20]'born again Christians' (tg).
[21]Freaklà người bị xem như bất bình thường vì cách ăn mặc, hình dáng, hay tư tuởng. Ngông. Thay vì dịch Jesus Freak là Con Chiên Ngông, chúng tôi dùng nguyên văn của tác giả cho đầy đủ ý nghĩa hơn (nd).
[22]Tiếng lóng có nghĩa nhát gan (nd).
[23]Lá cây gai dầu Cannabis sativa có tác dụng như cần sa (nd).
[24]Chỉ thoáng qua chớ không bền lâu. Nguyên văn là puppy love(nd).
[25]Orange sunshine, loại LSD màu cam (nd).
[26]Tiếng lóng có nghĩa là rất hãnh diện theo kiểu cao bồi (nd)
[27]Thuốc gây ảo giác phencyclidine(nd).
[28]Một ouncebằng 28,35 gram (nd).
[29]hồi hộp (nd).
[30]Fjord:cửa sông sâu do băng tạo nên bằng cách mài mòn vách núi đá (nd).
[31]Chỉ đám hippi của thời 1960 dùng hoa làm biểu tượng hòa bình và tình yêu mà họ tôn thờ (nd).
[32]'Lời Giáo Huấn của Don Juan' (nd).
[33]Thuốc gây ảo giác rút từ một loài xương rồng Lophopora williamsii (nd).
[34]University of California, Los Angeles(nd).
[35]Đạo sư. Bậc thầy lãnh đạo tinh thần của người Hindu (nd).
[36]Chữ tắt của Vokswagen, một hiệu xe Đức (nd).
[37]Một loại rượu pha chế với chát đỏ và nước trái cây (nd).
[38]'Một Thực Tế Riêng Rẽ'(nd).
[39]'Sự Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng" (nd).
[40]Áo dài cổ truyền của Bắc Phi (nd).
[41]Lá mùi Salvia officinalis dùng để nêm (nd).
[42]Thuốc lá đen pha cần sa (nd).
[43]Từ chữ cookie, bánh ngọt nướngcủa Mỹ (nd).
[44]Gan, lì (nd).
[45]Limousine, loại xe vừa to vừa sang (nd).
[46]Không để ý, không lấy làm quan trọng (nd).
[47]Lối ăn với thức ăn vừa nhiều vừa ngon nhưng không đắc lắm (nd).
[48]Một inchbằng 2,54 phân tây (nd).
[49]Chỉ bọn khách đi du lịch rẻ tiền, chỉ mang theo một xách đeo lưng, thường thấy ở Việt Nam trong thập niên 90 khi Việt Nam mở cửa (nd).
[50]Dịch nôm na là: 'chơi hay không chơi' (nd).
[51]Làm tại Mỹ Quốc.
[52]Loại xe du lịch lớn có thùng dài đằng sau rất thịnh hành ở Mỹ trong những thập niên 60-80 (nd).
[53]Nói lái đầu tiên là 'tiền đâu', tức hối lộ, một câu thường nghe ở Việt Nam sau 1975 (nd.)
[54]Golden Temple (tg).
[55]Xem thêm mục III, Phụ Bản I (nd).
[56]Hepatitis, bịnh viêm gan (nd).
[57]The Fish Tail(tg).
[58]Vipassana meditation (tg).
[59]Freak Street(tg).
[60]Án Ma Ni Bát Di Hồng (nd).
-ooOoo-
Chương 8
NGƯỠNG NHÌN PHẬT PHÁP
Tôi đến Kopan lúc xế chiều của ngày khai giảng và được chỉ định tạm trú nơi nhà dưới chân đồi, cách đỉnh chừng năm phút đi bộ. Nhà có hai phòng lớn, trống rỗng trừ lớp rơm phủ nền đất làm nệm. Nhà mướn của dân làng cho khóa sinh sử dụng. Tôi có cảm tưởng nhà này không phải để ở mà để chứa lúa hay nhốt trâu bò vào mùa lạnh. Hai mươi người sẽ sống tạm tại đây; ai tới trước được chọn chỗ trước và giữ chỗ đó suốt tháng học. Cạnh bên nhà có vòi nước công cộng mà chúng tôi sẽ dùng chung với dân làng; họ tới đây giặt giũ hay gánh nước. Ngoài nhà tôi ở, còn có nhiều nhà khác cũng mướn và nhiều lều dựng trên đồi gần khu bếp để chứa khoảng một trăm năm mươi khóa sinh tất cả.
Theo chương trình hôm nay, các khóa sinh dùng bữa ăn nhẹ giữa 5:00 và 6:00 giờ chiều rồi qua lều thiền dự lễ khai giảng lúc 6 giờ rưỡi. Trong lều, ngay phía trước thấy có bàn thờ to phủ vải vàng với nhiều lễ vật như hoa, quả, nhang, đèn, vân vân. Ở giữa có một ghế bành lớn lợp nệm dầy và vải quý trông như cái ngai đặt trên bục cao sau cái thang nhỏ. Sau ngai là bức che vải bố với nhiều tranh màu vẽ Phật, Bồ Tát, và Bánh Xe Pháp Luân; mỗi tranh (thankas) được viền bằng vải vàng và nhiều tua tụi. Phía trên và chính giữa có hình to của Đức Đạt Lại Lạt Ma với dải khăn trắng dài phủ cạnh trên và thả lòng thòng hai bên.
Lều đầy nhóc, tổng cộng gần một trăm bảy mươi người. Tất cả ngồi xuống nền rơm, trên gối, hay nóp cuốn tròn, hay mền của mình đem theo. Là học viên mới và hơi nhát, tôi chọn một chỗ gần cuối để không ai thấy nhưng ngó thẳng lên ngai để nhìn rõ thầy Lạt Ma. Hầu hết người mới ngồi ở nửa lều sau cùng và hai bên dưới, còn các vị sư, ni phương Tây và đệ tử của Lạt Ma ngồi gần đằng trước. Mọi người ngồi lặng im chờ Đức Lạt Ma đến. Khung cảnh tĩnh mịch với khói hương phảng phất trông thiêng liêng và huyền bí.
Lúc Đức Lạt Ma bước vô lều, mọi người đứng lên và những người đứng phía trước cung kính chấp tay vái chào. Vì không quen với nghi thức phương Đông, tôi và nhiều người khác ở đằng sau chỉ lấy mắt nhìn thầy đi vô lên bàn thờ. Thầy đứng lại ngước nhìn thankasvà hình Đức Đạt Lại Lạt Ma rồi sụp lạy ba lạy với hai gối và trán chấm đất. Sau đó thầy tiến lên ngai. Thầy ngồi xuống theo thế kiết già, sửa lại y để lộ vai phải; y thầy màu rượu chát lợt. Lúc bấy giờ các đệ tử và tăng ni trên các hàng đầu bắt đầu lạy ba lạy dài với thân người nằm sấp xuống đất. Một lần nữa, những người mới đứng nhìn với sự dè dặt và hiếu kỳ.
Theo ngôn từ Tây Tạng, Lạt Ma chỉ nhà sư có quá trình tu học thâm sâu thuộc bực Thầy hay Guru. Một từ nữa, Rinpoche có nghĩa 'ngọc quý,' dành tôn vinh các Lạt Ma có tâm linh thượng thừa. Rinpoche là bậc tôn sư đang đi theo con đường Bồ Tát; ngài có khả năng tái sanh ở nơi đâu ngài muốn để tiếp tục cứu độ chúng sanh.
Lạt Ma Zopa[1]trông rất trẻ, như lối 25, nhỏ con, tóc đen ngắn (chừng 1/4 in), đeo kiến trắng. Thấy ngài tôi liên tưởng ngay đến các thần đồng hay học sinh gạo cội ở trường. Ngài đặt bọc kinh vải cam nhỏ xuống trước mặt rồi ngồi cuối đầu trầm lặng. Tôi không biết ngài đang làm gì, chỉ đoán là ngài đang thiền hay đang suy nghĩ trước khi mở lời. Lúc ngài nói, ngài nói bằng tiếng Anh khá rõ ràng; ngài đã dạy khóa tu học này trong năm năm qua.
Lạt Ma Zopa có viết quyển sách tham khảo như sách giáo khoa bằng Anh ngữ mà chúng tôi được phát lúc đến nơi. Sách có bìa màu vàng, tựa đề 'The Wish-fulfiling Gem and the Golden Sun of Mahayana Thought Training', và hình vẻ đơn sơ của mặt trời đang lên với tia sáng chiếu rọi. Sách gồm nhiều đề tài triết lý và thiền mà Đức Lạt Ma sẽ dùng để giảng trong khóa. Phần nói về thiền được viết để chỉ rõ tính chất của khổ đau bắt rễ từ tâm của mỗi người, khuyên mọi người nên chấm dứt các khổ đau vô ích do mình tạo ra, và giúp nhơn loại thoát khỏi khổ đau. Điểm được nhấn mạnh ở đây là hạnh Bồ Tát (Bodhicita). Hạnh Bồ Tất là động lực vị tha của người giác ngộ hay đã thoát khỏi khổ đau đang dẫn dắt người khác trên đường chính đạo. Phải cứu vớt mọi chúng sanh bằng cách hành trì vị tha và bác ái. Đó là phương châm của trường phái Phật giáo Mahayana. Lạt Ma Zopa khai thị bằng cách giới thiệu các đường nét chính nói trên, những đường nét mà chúng tôi sẽ học hỏi tỉ mỉ trong những ngày sắp tới.
Bấy giờ tôi mới có chút ít khái niệm về những gì tôi sẽ học. Tuy nhiên, tôi không muốn đoán trước nội dung của các bài giảng sắp tới, cũng không muốn có thành kiến tốt hay xấu mà chỉ muốn mở rộng tâm mình. Tôi nghĩ nếu là tốt cho các vị Lạt Ma và số đông đệ tử đến từ phương Tây ắt phải tốt đối với tôi. Tôi đem suy tưởng ấy theo xuống đồi dưới bầu trời đầy sao lấp lánh và cùng vài đồng môn về nhà nằm nghỉ trên nệm rơm.
Hai tuần đầu không có gì khó khăn lắm vì giới luật, thực phẩm cũng như giờ giấc không mấy gắt gao. Ngoài ra, đó là giai đoạn chuẩn bị cho hai tuần học rút sắp tới. Chúng tôi dậy lúc 6:00 giờ sáng, rửa mặt súc miệng rồi tự thiền ngay trong nhà hay trên lều thiền. Sau đó chúng tôi ăn sáng và đọc sách vàng tới 9:00 giờ, lúc Lạt Ma bắt đầu giảng giờ đầu tiên trong ngày. Sau phút nghỉ xả hơi ngắn, chúng tôi được thầy hướng dẫn thiền tập thể theo nội dung bài vừa học. Tiếp theo là giờ ăn và nghỉ trưa cho đến 3:00 giờ; lúc này chúng tôi có thể đọc thêm sách hay ngồi thiền tùy ý. Lúc 3:00 giờ chúng tôi nghe thầy giảng bài hai và vào thiền tập thể lần nữa. Sau bữa ăn tối nhẹ, thầy thuyết pháp và hướng dẫn nhóm vào thiền lần chót trong ngày. Buổi học được kết thúc bằng thời kinh tiếng Phạn.
Bài giảng trong những ngày đầu đề cập tới bản chất của tâm và của khổ đau do tâm gây ra--các khổ đau vô tận, dưới mọi hình thức và mọi cấp độ. Nguồn gốc của khổ đau cá nhân và tiếp theo là của khổ đau tập thể đều do ba độc mà ra; ba độc ấy là vô minh, tham lam và sân hận. Sở dĩ có vô minh vì bị ảo tưởng của cái tôi, cái tôi hiện hữu riêng biệt không có liên hệ chủ/vật thể. Vì vô minh mọc gốc mọc rễ nên tâm bị gắn chặt với chấp trước và tham cầu những gì ưa thích và ghét bỏ những gì không ưa thích. Khi tập quán hình thành, bản ngã hay 'cái-tôi-yêu-dấu' sẽ làm mọi việc, kể cả việc phi luân phi đạo, để thỏa mãn lòng tham lam và sân hận. Tâm bị đầu độc như thế và bị lèo lái bởi ba độc vừa kể sẽ cùng với các cơ chế do nó tạo nên tự lăn quay trong vòng sanh tử gọi là luân hồi (samsara). Vòng luân hồi không có khởi điểm; vòng ấy quay từ 'lúc-không-có-lúc-đầu.' Dầu luân hồi không có khởi điểm trong không gian và thời gian, Đức Phật đã tìm thấy điểm chấm dứt sau cùng của luân hồi sanh tử mà Ngài gọi là Giải Thoát, Giác Ngộ hay Niết Bàn. Chân lý ấy vượt ngoài tầm của bản ngã và được thọ đắc bằng cách diệt tận gốc vô minh, chấp trước và sân hận từng ăn sâu trong tâm vốn trắng trong. Tâm Giác Ngộ sẽ trở lại trong ngần nhờ được giải thoát khỏi các giới hạn và bệnh tật của đời sống do duyên khởi.
Đức Lạt Ma giải thích tiếp cặn kẽ thuyết nghiệp chướng (định luật thiên nhiên của nhân và quả) và sự vận hành của nghiệp trong thân/tâm theo tiến trình chung của luân hồi. Hành động tiêu cực của thân, khẩu và tâm do tam độc (tham, sân, si) gây nên. Chúng tạo nhân xấu mà quả là khổ đau thể chất lẫn tinh thần có thể gặp phải ngay trong đời sống hiện tại. Nhân xấu còn có khả năng gây quả tái sanh trong cõi thấp nhứt, cõi động vật. Hành động tích cực, ngược lại, bắt nguồn từ trí tuệ, sự không chấp trước và không thù hiềm/tình bằng hữu/tình thương. Chúng đem lại hạnh phúc trên đời và tạo quả tái sanh trong ba cõi cao hơn mà cõi người là một. Theo học thuyết Tây Tạng, có sáu cõi luân hồi[2]mà sách vàng mô tả rất tỉ mỉ. Tất cả đều duyên khởi, vô thường, tạm bợ, phức tạp, và được xác định bởi các hành động chồng chất (nghiệp) của mỗi người. Hành trì Phật pháp là tự tách rời mình ra khỏi tất cả các nghiệp của cuộc sống duyên khởi để đến Niết Bàn bất diệt[3].
Tôi nghĩ tôi có đọc các điều nói trên rồi khi viết bài cho lớp Phật giáo ở đại học; nhưng tôi đã quên gần hết. Với các chi tiết vừa học được, tất cả như mới đối với tôi. Là người phương Tây sống trong môi trường Thiên Chúa giáo, tôi không sao không hoài nghi triết lý vô thần, nhưng tôi thử không lý luận, không so sánh, không bác bỏ, mà cũng không nhắm mắt tin tưởng. Tôi nghĩ tôi cần bình tâm suy nghĩ. Mục đích của các thời thiền sau bài giảng là để chúng tôi có thì giờ, cơ hội và sự hỗ trợ của nhóm đặng mà suy ngẫm các chân lý ấy. Không có gì làm, không có nơi để đi, chúng tôi đến vì khóa học, nhưng chúng tôi không mong đợi gì cả; do đó, tâm rỗng nên dễ thu nhận thực chất của vấn đề.
Trong lúc thiền, tôi dễ dàng nhận thấy sự tham lam và chấp trước của tôi đã gây nên nhiều sự việc không hay cho tôi và người chung quanh. Sự đổ vỡ giữa tôi với Gail là một trường hợp mới ràng ràng đó; chính lòng tham và sự chấp trước của tôi đã làm thay đổi cuộc sống của cô. Và việc làm điên rồ của tôi ở Afghanistan phần lớn là do sự tham lam và cái ngã của tôi. Các hành động tiêu cực ấy trở lại đối diện với tôi và ảnh hưởng cả cha mẹ tôi ở xa tới nửa vòng trái đất. Rồi mới đây là chuyện với Ron mà sự thiếu suy nghĩ và ích kỷ của tôi đã làm hỏng tình bè bạn.
Tôi có quan sát thời cuộc trong quá khứ cũng như hiện tại và thấy rằng luật nghiệp quả, nhứt là đối với các nghiệp tiêu cực, đã lập lại tai hại trên thế giới. Xét tất cả các yếu tố vừa nói, tôi bắt đầu biết rằng tâm lực--thúc đẩy bởi cái tôi tham lam và ham sống--rất mạnh và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ luân hồi; tâm không phát xuất từ con số không mà cũng không tan biến sau cái chết. Thuyết luân hồi bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi hơn thuyết Thượng Đế tạo ra thế giới của Thiên Chúa giáo. Bấy giờ tôi bị lôi cuốn vào vòng thật tình.
Mỗi lần Đức Lạt Ma vào lều, ngài đều lạy ba lạy trước bàn thờ trước khi lên ngồi vào ghế. Sau đó khóa sinh lạy ba lạy dài theo hướng của ngài. Đêm đầu tiên tôi chỉ đứng nhìn vì hiếu kỳ; tôi không hiểu tại sao phải lạy kỳ cục như vậy. Tôi không muốn lạy và chắc cũng sẽ không lạy vì nghĩ rằng làm vậy mình tự hạ mình và tùng phục thầy quá.
Nhưng hôm sau, tôi tự buộc mình vượt qua rào xúc động để cố hòa mình. Hơn thế nữa, một ni người Âu giải thích rõ ràng ý nghĩa và cách lạy. Cô nói lạy có nhiều mục đích, mà đại để là để kỉnh Phật, Pháp và Tăng--Tam Bảo mà chúng ta quy y; để nhún mình trước biểu tượng của từ bi, trí tuệ và sự trắng trong tuyệt đối; và để từ bỏ cái tôi, nguyên nhân của tham và sân và là chướng ngại to lớn nhứt. Tượng Phật, thankhas, kinh sách, tháp, và gurus đều tượng trưng cho Đức Phật hay Giác Ngộ và dĩ nhiên là đáng cho chúng ta bái lạy. Điều quan trọng khi lạy là chúng ta phải ý thức sự từ bỏ bản ngã, chấp trước, tị hiềm, sân hận và những tật xấu khác đang ngăn bước của chúng ta vì chúng ngăn che ánh quang minh mà chúng ta rất cần.
Sau vài ngày thiền đầu tiên và suy ngẫm về bản ngã, tôi bắt đầu thầm cám ơn và xin tự nguyện lạy ba lạy dài. Hầu hết những người không lạy trong ngày đầu bây giờ cũng bắt đầu lạy như tôi; hình như có từ lực vi tế nào đó buộc chúng tôi quỳ và lạy nằm dài trên sàn. Tôi cảm thấy thích thú và mong được lạy; bản ngã của tôi chừng như được thuần hóa và tôi bớt ngạo mạn để hấp thu mọi lời thầy dạy.
Đề tài thiền thứ hai là 'Tái Sanh Làm Người Toàn Hảo[4]' nói về phước đức được làm người. Được sanh vào cõi người là vì trong các kiếp trước người ấy đã gieo trồng nghiệp lành, gìn giữ giới hạnh, và hành trì từ bi. Sống trong cõi người là dịp tốt nhứt để tạo căn lành và phát huy trí huệ. Trong đời, các cảm giác sướng khổ, vui buồn, có hay không có hạnh phúc luôn luôn hòa quệnh mà chỉ có con người mới biết phân biệt và chọn lựa. Chúng ta có thể thay đổi khuôn mẫu của ý tưởng cũng như hành động của chúng ta khi thấy chúng sai trái. Thú vật không thể làm thế. Ngoài ra, làm người ta mới có thể trì hành Phật pháp. Nhiều người sanh ra tàn tật hay thiếu thông minh có rất ít cơ hội để phát triển tâm linh hay thiền. Và, hơn nửa dân số trên thế giới sanh ra trong nghèo khó hay ở những nơi đèo heo phải đầu tắt mặt tối lo cuộc sống thì còn thì giờ đâu đọc triết, học đạo. Cho đến chúng ta là những người có đầy đủ phương tiện nhưng mấy ai biết tận dụng các phương tiện ấy. Bên phương Tây, nhiều người giàu có chỉ biết sống cho riêng mình, chạy theo dục lạc, và đắm chìm trong vòng chấp trước, thiên kiến và ích kỷ. Khi nghe nói đến Phật pháp (thứ pháp cần trì giới và lấy từ bi và vị tha làm trọng) họ thối lui ngay. Bỏ qua cơ hội tuyệt đối vì mải mê theo các thói quen tiêu cực và kéo dài khổ đau trong luân hồi là xa lìa thượng giới.
Lạt Ma Zopa giảng rất sâu và dành nhiều ngày để chúng tôi thiền về đề tài Tái Sanh này. Tôi ghi chép hết những điểm quan trọng, đọc kỹ các chương liên hê, và học thuộc lòng "Bát Freedomsvà Thập Receptaclescủa thuyết Tái sanh." Hiểu được, tôi say mê suy nghiệm ảnh hưởng của từng yếu tố một. Tôi quên mất thời gian, hoàn toàn bị thu hút trong suốt giờ thiền và quên cả mình đang ở trong lều với nhiều bạn đồng khóa khác. Lý do dành nhiều ngày cho một đề tài là để người mới học chưa biết định tâm hiểu thấu ý nghĩa sâu xa, những ý nghĩa không thể giải thích bằng lời mà chỉ chứng bằng cách hành thiền. Thật vậy, chẳng bao lâu tôi hiểu được đâu là chân lý.
Lúc thiền hay nghe giảng tôi cố gắng ngồi kiết già. Thoạt tiên tôi bị mỏi rất khó chịu nếu ngồi hơi lâu; tôi phải thay đổi thế hay sửa gối kê thường xuyên. Nhưng sau một thời gian tôi quen dần, có thể ngồi lâu và tập trung tư tưởng. Trong những lúc suy tư thoải mái ấy, tôi cảm thấy vui sướng và thích thú lạ thường. Tuy nhiên, tôi luôn luôn tỉnh thức cảnh giác để cái tâm tiêu cực không thể quay trở lại. Thỉnh thoảng tôi có xao lãng, nghĩ tới trưa hay tối nay sẽ ăn gì hoặc nghĩ tới chuyện đã qua. Tôi cũng có nghĩ xằng bậy tới các bà, các cô bạn đồng môn. Tôi cũng có tò mò muốn mở mắt xem các bạn chung quanh đang làm gì; tôi so sánh họ với tôi xem ai thiền giỏi hơn ai. Tôi quên rằng đó là sự trở về của bản ngã và cái tâm bị động.
Mỗi chiều trước khi ngủ hay mỗi sáng trước khi xuống đất, chúng tôi được khuyến khích ngồi trên giường nghiền ngẫm đề tài đang học. Thường tôi tập trung tư tưởng rất tốt và ngồi rất lâu. Thỉnh thoảng, bản ngã tôi muốn tôi là người nằm xuống hay ngưng thiền sau cùng. Những dịp này giúp tôi soi thấy tôi là ai và phát triển sự hiểu biết cũng như tin tưởng.
Trong lúc xếp hàng đợi cơm hay đi/về, tôi muốn hỏi thăm bạn tôi "Thế nào?" câu hỏi mà nhiều học viên không thể không hỏi. Vài bạn từng học và hành thiền ở chỗ khác có lời so sánh và ý kiến riêng đối với cách học và thiền ở đây. Nhiều bạn khác than phiền về chỗ ngủ, nhà cầu, sàn giặt, thức ăn, chương trình, vân vân. Những chuyện như thế tôi không sao không nghe lóm khi chúng lọt vô tai. Rồi tôi nhận thấy tôi cũng có ý kiến riêng, cũng khó chịu vì những tiêu cực, và cũng đồng tình đôi khi. Tôi biết rằng nói chuyện là một thói quen khó tránh, vì bản ngã muốn khoe cái ta của mình hay muốn nịnh kẻ khác. Không thể tự chế, tôi thỉnh thoảng nói chuyện với vài bạn thân nhứt trong nhà. Nhưng tôi chỉ nói về Phật pháp, hay hỏi cảm nghĩ của họ về một đề tài nào đó, hay muốn biết họ thiền thế nào thôi. Tôi cần trao đổi và mong được nghe lời nói mình đang đi đúng đường.
Dầu đã nhứt định rồi, vậy mà vào giờ chót tôi vẫn đem theo một chút cần sa đủ cho một điếu. Tôi biết tôi không muốn hút nhưng tôi nghĩ nên có cho chắc ăn'. Trong vài ngày đầu, thú phê thuốc còn lảng vảng trong đầu nên tôi vẫn nhớ tới của dấu để dưới đáy túi đeo vai. Nhưng sau khi tôi bắt đầu thiền, tất cả các dư âm ấy đều tan biến. Như vậy mới biết khi tâm muốn thoát khỏi tình trạng buồn chán, người ta mới tìm thú phê tạm bợ. Với tôi, thiền đã là nguồn vui trám hết những chỗ trống không, nên tôi không còn thèm khát nữa.
Vào tuần thứ hai chúng tôi được dẫn giải chi tiết về vô thường và tử biệt. Chúng ta biết mọi công trình thiên nhiên và nhân tạo đều bị thay đổi, biến hoại, tiêu tan, hay tiêu diệt. Tuy nhiên, chúng ta không để ý tới nên sống thản nhiên. Sách cũng như Đức Lạt Ma giảng rằng khi chết chúng ta không thể đem xuống mồ hay qua thế giới bên kia bất kỳ của cải gì, cả một sợi tóc cũng không. Hành trang cho cuộc đời sắp tới chỉ là vô minh hay trí huệ, tham cầu, và chấp trước mà chúng ta đã tích tụ lâu nay; những hành trang làm nhân này sẽ đơm trái tương ứng. Ngoài ra, chúng ta nào ai biết tử thần sẽ đến lúc nào. Thân xác này, được tạo nên bởi tứ đại[5], rất mong manh và tùy thuộc nhiều yếu tố bên ngoài cũng như nghiệp quả trồng bấy lâu nay, có thể chết bất cứ lúc nào. "Ai biết được ngày mai hay đời tới sẽ đến trước," là câu mà một vị hiền triết Tây Tạng từng thốt lên từ lúc xa xưa.
Để thực hành những điều học hỏi, chúng tôi thực tập thiền định về một trường hợp tử vong đặc biệt. Chúng tôi tưởng tượng mình đã chết một giờ qua, rồi lại được tái sanh với những ý nghĩ hay tập quán quen thuộc nhứt. Cũng có thể tưởng tượng mình tái sanh thành thú trong giới hạ tiện hay con ma đói trong chín từng địa ngục. Chúng tôi đã được cho đọc biết cảnh thiếu thốn và các khổ đau trong các cảnh ấy. Lúc thiền, chúng tôi sẽ tưởng tượng mỗi cảnh khổ một và tưởng tượng ra càng nhiều chi tiết càng tốt. Chúng tôi sẽ tưởng tượng luôn những cảm giác khổ đau. Mục đích là để chúng tôi biết chết như thế nào và giúp chúng tôi gạt bỏ những ý tưởng tiêu cực, ý tưởng sẽ dẫn dắt sự tái sanh.
Thoạt tiên, tôi rất hoài nghi việc thực tập thiền này và nhớ tới những nguy hiểm do thao tác tâm linh mà nhiều nhà phân tâm học Tây phương từng mô tả trước đây. Họ cho biết thao tác tâm linh có thể tạo sốc tâm lý cùng nhiều xáo trộn thân tâm nơi một số người. Tôi không tin tất cả những gì đã viết hoặc là tin có địa ngục trần gian, những điều kỳ quặc đó. Tôi nhận thấy rằng, dầu thật hay không, những suy ngẫm ấy là một cách buộc chúng ta thức tỉnh trong lúc đang mê. Tôi đã biết lợi ích của thiền do các buổi thực tập trước đây nên bắt đầu theo Thầy Lạt Ma. Tôi tin tưởng những gì Thầy nói là Thầy biết vì Thầy có nhiều kinh nghiệm bản thân, thành thử tôi chú tâm thiền trọn vẹn.
Nơi một số người sự thăm dò tiềm thức có thể gây phản ứng tâm/thân tai hại. Trong một buổi thiền tập thể tôi nghe một thiền sanh khóc nức nở và rất lâu. Về sau biết ra qua đôi mách là một cô. Thiền như vậy thấm nhập thâm sâu và chạm tới tầng thần kinh dễ xúc cảm nhứt khiến người ta khóc mùi mẫn. Thêm nữa, một thiền sinh người Anh lên cơn, bỏ đồi đi Kathmandu. Nghe nói anh ra đi chỉ vỏn vẹn với bộ đồ lót, vô một quán ăn trên 'Đường Dân Ngông' leo lên bàn đứng đái vung vẩy xuống sàn. Anh bị mấy anh 'con chiên hay làm phúc[6]' giữ trước khi cảnh sát đến dẫn vô 'nhà của kẻ mất hồn[7]' mà nhóm 'Con Chiên Tái Sanh[8]' dựng lên ở Kathmandu. Đó cho thấy rằng người ta phải giải tỏa hết khổ đau tàn trữ trong tiềm thức mình mới có thể đạt được trạng thái tự do tâm linh, tức chấm dứt khổ đau.
Qua hai tuần đầu, những gì tôi đọc, thấy và nghe bắt đầu có lý và ảnh hưởng tôi nhiều. Nếu lúc trước tôi có ý tưởng Phật giáo 'trong đầu', bây giờ tôi có 'trong tâm'; chúng chuyển từ não xuống tim thành những cảm nhận không lời và bắt đầu thay đổi cái tâm thông lệ của tôi. Mỗi bài pháp, mỗi đề tài suy tư mới, mỗi khóa thiền như mỗi miếng ghép được ráp vào đúng vị trí của nó trong trò chơi ghép ráp, hay như cái nhọt đang trong thời kỳ chín muồi. Tôi có cảm tưởng như có cái gì đó lâu nay ở kín dưới đáy sâu đang từ từ trồi lên mặt. Cảm tưởng ấy mơ hồ, vi tế, không thể nắm bắt, và không thể tả bằng lời.
Như mọi ngày, hôm lễ Tạ Ơn tôi ngồi mải mê nghe thầy Lạt Ma giảng ý nghĩa sâu xa của đạo. Bỗng nhiên tôi chợt thấy mình như là miếng ghép chót được ráp đúng vào hình ghép ráp, hay như là cái nhọt đang vỡ. Sau phút sửng sốt, tôi tự thốt lên "Úi chào, úi chào, úi chào! Tôi chẳng hiểu biết gì cả trong những năm qua của cuộc đời mình." Ý nghĩa bí truyền hay mục đích của cuộc đời chừng như đang rạng tỏ. Những câu mà tiềm thức tôi muốn hỏi từ bấy lâu nay đang được trả lời rõ ràng. Tôi ngồi đó nhưng không còn để ý nghe lời giảng của Lạt Ma nữa. Tôi chỉ nghĩ tại sao lâu nay tôi có thể ngu xuẩn, dốt nát và mù quáng như vậy, và tại sao tôi tham cầu chạy theo dục vọng của cái tôi và bị vướng vô vòng nhân duyên như thế đó. Sau khi Lạt Ma giảng xong, mọi người ra nghỉ xả hơi, còn tôi nằm dài tại chỗ tiếp tục tận hưởng dư âm khai ngộ mà tôi vừa mới biết. Tôi có cảm tưởng như khối đá ngàn cân mà tôi đeo trên vai nay mới được vứt xuống. Rồi tôi viết lên quyển sổ xanh của tôi: "Hôm nay là Ngày Tạ Ơn, ngày đầu tiên của chuỗi đời còn lại của tôi. Hôm nay tôi được tái sanh."
Khi tôi bước ra ngoài dưới ánh trăng thanh, tôi có cảm tưởng không có chỗ nào khác hơn để đi hay còn việc gì để làm; mọi việc hầu như toàn hảo và không còn nhuốm màu thời gian. Số thiền sinh còn lại đang trên đường về lều. Tôi không buồn ngủ mà trái lại rất tỉnh táo và thấy mình gần với khoảng không gian bao la yên lành của vũ trụ. Tôi không biết các bạn đồng khóa có cảm giác như tôi không hay chỉ có mình tôi thôi. Cảm giác này giống như cảm giác phê khi tôi xài thuốc gây ảo giác, nhứt là mescaline.
Tôi bắt đầu nghĩ đến việc mình phải làm ngay bây giờ: thanh lọc tâm và cố tìm đường giải thoát là thiết yếu nhứt. Tôi dường như không còn thiết tha gì đến thế giới bên ngoài hay cuộc sống thường ngày nữa. Tham vọng chu du để thỏa tính tò mò của tôi trước đây bất thần tan biến. Tôi có ý muốn làm một tu sĩ Đại Thừa. Nhưng thâm tâm tôi dạy "Khoan đã, nên giữ tình thế này một thời gian; chờ xem; vui mừng và tin tưởng lúc ban đầu có thể bộc phát nhứt thời và có thể, vào ngày mai hay vài hôm nữa tôi sẽ không còn cảm hứng này." Đó là ví dụ của cái tôi thuần lý xưa đang xen vào để cứu tôi. Tôi rảo bước xuống đồi mang trong tâm cái quyết định tạm thời là vậy. Tôi trở về chỗ ở được dành cho trong thế giới vô thường này, biết rằng phải lâu lắm tôi mới tới đuợc đây và đoạn đường tôi sẽ đi còn dài lắm. Tôi thầm cung kính và cảm ơn Thầy Lạt Ma Zopa đã giúp tôi mở mắt, đưa đuốc soi đường, và chỉ đúng lối cho tôi đi.
Đến nay còn chừng một trăm năm mươi khóa sanh tham dự. Lối hai mươi người bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì khóa tu học không thích hợp, thiên về giáo lý quá, quá tôn xưng thầy, và khuyến khích diệt bản ngã tận tình quá. Thực tình, ai coi cái tôi trọng sẽ khó chịu với các nghi thức như lạy, vân vân. Đó là trường hợp 'phân biệt người hay với người dở' trên phương diện tin tưởng và kiên tâm. Tới đây, nếu ai không chuyên cần thì không nên ở lại làm gì, vì trong hai tuần tới chúng tôi sẽ nghiêm túc học hạnh Bồ Tát, hạnh tối cần cho việc hành trì Phật Giáo Đại Thừa Tây Tạng. Chúng tôi sẽ suy ngẫm các đề tài về phương thức giúp mọi chúng sanh hiểu thế nào là khổ để diệt bằng đạo từ bi. Và, nhiệm vụ tiên quyết của chúng tôi là phải bẻ gãy 'cái-tôi-thân-yêu', cái bản ngã thổi phồng của mình.
Hai tuần lễ sau cùng của khóa tình cờ bắt đầu vào hôm sau đêm Lễ Tạ Ơn. Chúng tôi sẽ chính thức quy y và thọ Thập Giới. Mười giới mà chúng tôi sẽ lập lại mỗi sáng lúc 5:30 gồm có:
(1) không sát sanh hay giết bất cứ sanh vật nào
(2) không trộm cắp hay không lấy những gì không đuợc cho
(3) không tà dâm
(4) không nói láo và nói lời không thật
(5) không uống rượu hay dùng thuốc đầu độc tâm
Năm giới trên chỉ là những điều luân lý thông thường dựa trên luật nhân quả và cần cho cuộc sống cộng đồng. Năm điều ấy cũng là nền tảng của hầu hết các tôn giáo lớn và triết lý sống mà các nhà hiền triết xưa từng thuyết giảng. Còn năm giới sau dành cho thiền định, giúp giữ tâm đơn thuần và sở nguyện:
(6) không ăn nặng sau 12:00 giờ trưa
(7) không ca hát, nhảy nhót, xem chiếu bóng, thể thao, vân vân
(8) không đeo vòng vàng, dùng dầu thơm và các trang điểm khác
(9) không dùng ghế giường cao và xa hoa
(10) không giữ tiền bạc và làm thương mại.
Người vào thiền cần trì các giới này để giảm bớt ngạo mạn, chấp trước và hôn trầm. Bắt đầu mỗi ngày bằng Tam Quy và Thập Giới là cách gia tăng tỉnh thức và tinh tấn.
Để giữ giới không đeo vòng vàng, tôi phải tháo hai chiếc nhẫn đang mang. Tôi phải cắt luôn mớ tóc dài để vứt bỏ quá khứ hippi. Ngày tôi thọ giới, tôi cho nhẫn; mỉa mai thay có người nhận. Thoạt tiên tôi muốn bán nhưng sau đó tôi không muốn bận tâm với các thứ vật chất này. Mà chúng tôi đâu đuợc buôn bán với tiền bạc nếu muốn giữ giới thứ 10. Về việc cắt tóc, tôi hơi do dự hy sanh những lọn tóc vàng của mình, dẫu biết rằng nếu thật sự muốn thực tập không chấp trước thì tốt nhứt tôi phải thí phát. Lúc bấy giờ tôi bị dằn vật bởi bản ngã cố hữu và hạnh Bồ Tát vô ngã vừa chớm nở nơi tôi. Tôi bèn lý luận: "Không dám cắt bỏ mớ tóc này thì làm sao tôi có thể thành Phật, người chịu mọi gian khổ và hy sanh?" Không biết may hay rủi, hôm ấy đầu tôi bắt đầu ngứa ngáy. Thì ra tôi bị chí cắn; một người bạn xem dùm nói vậy. Thật là một bất tiện lớn trong lúc ngồi thiền vì tôi không thể không gãi đầu thỉnh thoảng. Thế là tôi bị đặt trước một quyết định lớn--phải làm sao bây giờ?
Giải pháp trước tiên là gội đầu cho chết chí nhưng không diệt hết trứng chí được. Có người chỉ tôi nhúng tóc vô dầu hôi để giết cả chí lẫn trứng. Nhưng tôi sực nhớ tôi vừa thọ giới không sát sanh kia mà. Tôi phải hỏi một sư cô việc này. Cô tán đồng điều mà tôi đã biết trước: "Vâng, chí là chúng sanh." Bấy giờ tôi chỉ có hai cách giải quyết: cạo đầu để khỏi giết chí hoặc để nguyên trạng rồi sẽ quen dần về lâu về dài. Tôi không cần đợi lâu mà quyết định ngay trong buổi thiền sau đó lúc tôi ngồi cắn răng chịu đựng cho chí cắn. Tôi nghĩ đó là cái điềm hay sự thúc hối tôi giải quyết khó khăn mà tôi đang vật lộn với.
Vào giờ nghỉ trưa, tôi nhờ một người bạn lấy kéo cắt mớ tóc của tôi, cắt càng ngắn càng tốt. Thấy tóc rơi tôi bất chợt nhớ tới một số kỷ niệm cũ. Nhưng tôi quên mau khi bắt đầu thấy nhẹ gọn và nghe hơi gió thoảng qua màng tang, tai, cổ, và đầu. Tôi cảm thấy khỏe khoắn như được thoát khỏi một cục nợ. Tôi vò chưn tóc còn lại để gạt chí nhưng cẩn thận không dám làm chúng chết, trước khi gội đầu bằng xà bông. Tuyệt. Sự tương phản rất lớn, lớn đến nỗi tôi không còn muốn để tóc dài nữa. Ngoài ra tôi không còn phải bận bịu với những khó chịu. Tôi có cảm tưởng tâm thân tôi nhẹ nhàng và tôi vui sướng vì tôi đã làm tạm đủ. Tuy nhiên tôi vẫn còn núm níu hình ảnh cũ của bộ râu và chiếc jalabamà tôi từng có rất lâu. Sau cùng, tôi nghĩ mình cần có gì đó để mặc vào những ngày lạnh và tôi cũng cần có hàm râu không chí.
Rất có thể tôi bị lây chí trong các chuyến đi vì tôi đã ngủ trên chiếu hay giường rơm, mà cũng có thể từ phòng ngủ ở Kathmandu. Trên đường qua các làng mạc tôi thường thấy nhiều bà ngồi trước cửa nhà bắt chí cho nhau, chứng tỏ cái nạn lây chí ở đây thông thường. lắm, một nạn mà du khách Tây phương rất sợ, khi họ bước vô nhà nghỉ rẻ tiền ở Á châu. Viêm gan, bệnh đường ruột và lây chí là những chứng dân hippi đi qua Á châu thường mắc phải. Tôi bị hết cả ba rồi; bây giờ còn đi chảy thỉnh thoảng đây!
Tôi vô hội rồi! Trong buổi thiền hồi xế tôi có nhận xét và tự hỏi chớ bà con có nhìn ra tôi không và họ nghĩ sao về tôi. Trừ vài người, còn hầu hết hình như không để ý; tâm trí họ có thể đã quá bận rộn. Những ngày sau đó tôi thấy thêm một ít đầu cạo trọc nữa, nam có nữ có. Tôi không biết vì sao nhưng thiền định hình như có ảnh hưởng.
Trong việc hành thiền hạnh Bồ Tát--đập tan vỏ bản ngã và mở rộng tâm--đề tài quan trọng đầu tiên là nhớ ơn cha mẹ. Chúng ta phải biết rằng cha mẹ chúng ta đã yêu thương và hy sinh cho chúng ta rất nhiều. Mẹ cho con bú mớm, ru con, dành cho con biết bao tình, và bảo bọc con lúc con còn non dại. Cha mẹ tảo tần suốt hai mươi năm khó nhọc để dưỡng dục và chu cấp cho con mọi thứ. Thông thường người làm con coi đó như chuyện dĩ nhiên và không tỏ lòng biết ơn. Một thực tế trong xã hội phương Tây ngày nay! Chúng tôi cũng nghĩ tới việc không sao con có thể trả hết công ơn cha mẹ. Dẫu có phải cõng cha mẹ trên lưng và đút cho cha mẹ ăn uống đến ngày cùng, con cũng không thể trả hết.
Suy tư ấy làm tôi rơi nước mắt; tôi rất am hiểu khi tôi nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Tôi thích thú nhớ tới những chuyến đi chơi hè do ba má tôi tổ chức cho chúng tôi học hỏi, lúc ba má tôi khuyến khích chúng tôi học tập, các hội hướng đạo, YMCA mà ba má tôi ghi danh cho chúng tôi tham giai, vân vân. Tôi nhớ các ngày đi trợt sóng; những ngày ấy ba tôi dậy sớm lo điểm tâm và xe cộ trong lúc chúng tôi ngủ vùi. Lúc bấy giờ tôi coi đó là chuyện bình thường, ít khi nghĩ tới việc làm gì để trả công ơn cha mẹ. Trái lại, tôi còn làm cha mẹ lo âu, buồn bực, thất vọng vì không nghe lời, hay đi chơi rong với bạn, tinh nghịch và làm nhiều điều vô trách nhiệm mà ông bà không sao hãnh diện nổi. Bây giờ có thiền định về công ơn cha mẹ tôi mới biết thay đổi thái độ và hiểu cha mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, vì không còn ở với cha mẹ nữa nên tình cảm của tôi đối với cha mẹ thay đổi dễ dàng hơn.
Một khía cạnh khác của thiền định về báo hiếu là đưa đường cho cha mẹ vào Phật pháp. Cả trời châu báu không thể sánh bằng mở tâm cha mẹ để cha mẹ hấp thu giáo lý giải thoát và tu hành Phật đạo. Do đó, một cách báo hiếu tốt nhứt là tôi cố gắng hành trì Phật pháp rồi chuyển nhân lành sang ba má tôi. Buổi thiền chấm dứt bằng cách cho thiền giả tưởng tượng đang chiếu bạch quang vào cha mẹ đứng trước mặt mình. Tôi vui sướng chiếu bạch quang vào ba má tôi trong lúc tôi tưởng tượng ông bà đang ngồi trong phòng khách ở Riverside. Tôi tưởng tượng ông bà đang xem truyềnh hình, hay ăn cơm hay làm bất cứ việc gì đó, biết rằng tôi cách ông bà những mười hai tiếng đồng hồ. Tôi còn tưởng tượng tôi đang đứng trước ông bà trong khòng khách để nói: "Đừng sợ, con đã được giải thoát và đang đến giúp ba má đây." Tôi không biét ông bà có thể nào cảm nhận được luồng điện tâm linh mà tôi gởi về chăng?
Trò tâm linh nói trên và các trò khác mà chúng tôi thử nghiệm đều mơ hồ và ảo tưởng, chắc không có ảnh hưởng gì đến ai trừ tôi. Tôi thực nghiệm một cách chân tình và đúng với lời Thầy dạy. Ngoài ra, chúng có thể là một hình thức vi tế của sự tự lừa dối mình, làm gia tăng hơn là diệt bản ngã.
Tiếp tục con đường đang đi, chúng tôi nới rộng phép trì hành Bồ Tát hạnh bằng cách suy ngẫm về 'Tất Cả Mẹ Chúng Sanh'. Từ lúc vô thỉ chúng ta và tất cả chúng sanh đều lăn quay trong sáu cõi luân hồi, một thời gian khá đủ dài để chúng ta có thể là cha mẹ lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta phải quý mọi chúng sanh như quý người mẹ hiện hũu của chúng ta; phải kể luôn cha, anh, chị, em, bà con, bạn bè, thầy, người dưng, hành khất ngoài đường, người mình không ưa, và kẻ thù. Chúng ta phải quên mình trong hiện tại để kính trọng, thương yêu, và tội nghiệp họ. Như vậy, tất cả những dị biệt, thiên kiến và dã tâm đối với các chúng sanh khác sẽ tan biến và chỉ còn lại thiện ý, từ bi và bác ái. Buổi thiền kết thúc cũng bằng cách tưởng tượng cha mẹ mình đang đứng giữa chúng sanh trong sáu cõi, đang được chiếu rọi bạch quang, và đang được giải thoát.
Để việc hành trì Bồ Tất đạo được đúng mức, chúng tôi thực tập 'Nhận và Cho'. Tất cả chúng sanh trong mười phương được hình dung như ngồi chung quanh ta. Dùng hơi thở, chúng ta hít vô bằng mũi nghĩ rằng mình đang nhận tất cả khổ đau, thân cũng như tâm, của các chúng sanh ấy, để làm họ bớt khổ qua ngả chuyển đổi tâm linh. Tiếp theo, bằng sự tinh khiết và quyền lực của cái tâm giác ngộ của chúng ta, chúng ta biến đổi các khổ đau kia thành bạch quang và gởi lại họ sự tinh khiết/tuệ quang ấy qua hơi thở ra mũi của chúng ta. Sau cùng, chúng ta ngồi trên tòa sen giữa trời với chúng sanh mà tất cả bây giờ đều là Phật cùng ngồi trên tòa sen. Và toàn thể chúng sanh trong vũ trụ đều ngộ theo giai điệu 'và đều sống hạnh phúc mãi mãi về sau'.
Trong hai tuấn lễ chót, tôi rất tán thán Mười Giới Cấm, nhứt là giới không ăn sau 12:00 giờ trưa. Tôi nhận thấy như vậy sẽ giúp tâm chẳng những bớt tham ăn mà còn bớt tham các ham muốn khác. Tôi rất vừa lòng với thiểu dục và cảm thấy thân mình nhẹ nhàng hơn. Không ăn sau ngọ còn cho thấy ăn quá trớn sẽ làm thân tâm chậm chạp và thiếu nhạy cảm. Tôi tỉnh táo hơn lúc về đêm và có thể ngồi thiền lâu hơn trên giuờng trước khi đi ngủ.
Sáng dậy tôi thảnh mảnh và có thể bước ngay xuống giường. Đứng xếp hàng lãnh phần ăn sáng, tôi có dịp quan sát bản ngã/cái tôi thao tác. Tôi thấy nó hiếu kỳ muốn biết sáng nay ăn gì, làm như đó là điều quan trọng lắm. Bữa ăn luôn luôn ngon, bổ dưỡng và đầy đủ nên không phải lo thiếu chất lượng dầu ăn chỉ hai lần mỗi ngày. Nhà bếp chẳng những nấu đủ cho mọi người mà còn dự trù dư cho ai muốn ăn thêm. Có người lo xếp hàng trước để ăn phần đầu tiên rồi lãnh thêm phần nữa trước khi người khác lãnh phần họ. Thoạt tiên tôi cũng có ý tham đó nhưng tôi không bắt chước làm theo mà chỉ ăn một phần của mình.
Vì muốn chế ngự bản ngã mình và nghĩ tới người khác, tôi cố ý chờ cho mọi người xếp hàng trước rồi mới vào đứng sau dưới đằng đuôi. Nhiều khóa sinh khác cũng làm như tôi, nên chúng tôi ngầm tranh nhau xem ai đi chậm và đến sau. Để tránh trò chơi bản ngã tinh tế này, tôi không làm như lúc trước nữa mà đứng vô chỗ tùy theo lúc đến. Giữ Mười Giới giúp tôi thấy thân tâm có rất nhiều liên hệ hỗ tương dưới chiều sâu. Tôi nhận thấy nơi tôi cũng như nhiều người khác, thân tâm rất tùy duyên và tùy thuộc ngoại cảnh cùng ký ức của chúng. Tôi hiểu và biết chấp trước cùng với tham ái làm thế nào tạo ra 'cái tôi', để rồi tách 'tôi' ra khỏi tổng thể, canh giữ tâm và che giấu Sự Thật.
Khóa học chỉ còn vài hôm nữa là kết thúc. Cảm hứng và tin tưởng nơi Phật pháp đến với tôi trong đêm Lễ Tạ Ơn vẫn còn đầy, tuy nhiên lòng hâm mộ bồng bột của lúc đầu bây giờ đã lắng dịu. Tôi vẫn muốn hành trì kinh Phật hơn là đi tìm các thú vui tầm thường khác, nhưng không còn ý định làm tăng nữa. Tôi rất mừng được học các pháp Tây Tạng, những pháp khả dĩ đã ít nhiều biến tôi thành con Phật. Tôi tin tôi đã tìm được đường đi cho đời tôi, con đường mong cầu và thỏa đáng. Tôi hằng nhớ lần gặp Jim, chiếc chìa khóa mở đường tôi lên Kopan, và câu chuyện hứng thú của anh về thiền minh sát. Từ dạo đó, tôi luôn nghe nói thiền minh sát là phương cách của tông Nguyên Thủy (Hinayanahay Theravada) nhằm khám phá thân tâm của hành giả một cách trực tiếp và thâm sâu nhứt. Tôi mong được thử phương cách bổ sung này để mở rộng tầm nhìn và biết thân tâm mình hay nói cách khác để khai nội tâm/trí huệ.
Vào sáng ngày chót, Lạt Ma cho bài thuyết giảng rất rõ ràng về ý nghĩa của Tam Quy (quy Phật, quy Pháp và quy Tăng). Hầu hết chúng ta không biết chỗ nương tựa bèn dựa vào thế giới vật chất để định danh, cầu an toàn và tìm lạc thú. Chúng ta tự tạo một thế giới hạn chế riêng quanh gia đình, công ăn việc làm, bạn bè, tiền tài, liên hệ xã hội, thể diện, và tham ái trong cộng đồng đầy tranh đua này. Rất tiếc các điều vừa kể đều vô thường, tức biến đổi liên miên, nên không thể là chỗ nương dựa tin cậy được. Nhiều lắm là chúng giúp cho "một đêm nương tựa" , một sự thỏa mãn cấp thời và tạm bợ, sau đó chúng ta lại phải rong tìm nữa. Chỉ có Tam Bảo mới là nơi nương tựa đáng tin cậy, vì Tam Bảo không đổi thay theo thời gian, không gian và điều kiện. Phật, Pháp và Tăng là ba khía cạnh của một Sự Thật làm mầm trong mỗi chúng sanh. Sự thật ấy chính là Giác Ngộ Nguyên Thủy hiện diện như môt tiềm năng cố hữu mà chúng ta phải công nhận và nên nhận làm chỗ tựa. Tất cả các Phật, Guru của quá khứ, hiện tại và tương lai đều là những hình thể của Sự Thật Tối Hậu đó.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thế giới của tương đối và tâm chúng ta chưa đủ vững vàng, chúng ta cần có chỗ nương hiện thực để bám víu. Do đó, trên thực tế Tam Bảo rất hữu ích vì Phật, Pháp và Tăng hướng chúng ta đi đúng đường, giúp chúng ta nguồn cảm hứng và là động lực thúc đẩy của chúng ta. Chúng ta về nương tựa nơi Đức Thích Ca Mâu Ni, mà các Lạt Ma và Guru là hiện thân. Chúng ta về quy y Pháp bằng cách xem kinh điển như ngọn đưốc soi sáng ý niệm, lời nói, hành động và pháp hành thiền của chúng ta. Chúng ta về quy y Tăng là quý sư ni đã dâng hiến thân tâm cho Phật Pháp. Tăng giữ Pháp đúng như Sự Thật đã được xác minh và là Lữ Chúng mà chúng ta tìm đến để được khuyến khích, hứng khởi và hướng dẫn.
Lạt Ma cũng có giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngũ Giới trong tiến trình phát triển tâm thân. Năm giới ấy là những tự chế đặt ra để giúp chúng ta tỉnh thức trong cuộc sống, giúp chúng ta hài hòa với luật nhân quả, và lành mạnh hóa tâm thân của chúng ta. Nếu lỡ phạm một giới chúng ta chớ nên buồn rầu cho rằng thế là chấm hết mà nên biết lỗi và quyết tâm tu sửa để tránh sai phạm về sau.
Sau khi nghe thuyết pháp, chúng tôi có cơ hội chánh thức quy y và chọn trong ngũ giới những giới nào có thể giữ được để thọ trọn đời. Thọ giới, hành giả chánh thúc trở thành Phật tử, và nếu muốn, Lạt Ma sẽ đặt cho pháp danh Tây Tạng luôn, một truyền thống xưa của Phật giáo Đông phương. Đó biểu thị sự tự lìa bỏ nhân dạng quá khứ, mê muội, tập quán xấu, vân vân. Trên bình diện tâm linh, người thọ giới được xem như tái sanh, và pháp danh mới thường có ý nghĩa liên quan đến những đức tính chớm nở của người đệ tử mà Thầy đã nhìn thấy được.
Từ đêm Tạ Ơn ấy, tôi đã tự xem mình như người đi cầu tìm tâm linh rồi. Nhưng bây giờ tôi mới chánh thức quy y vì được thêm nhiều sự khuyến khích và cũng vì muốn tỏ lòng biết ơn các Lạt Ma. Tôi chọn những giới mà tôi sẽ thành tâm thọ trọn đời mình. Tôi biết hai giới mà tôi tin chắc có thể giữ được trọn đời: đó là không bao giờ có ý giết hại và sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Còn hai giới không tà dâm và không uống rượu hay hút hít, tôi không chắc lắm nên không dám khấn. Không phải tôi muốn phạm hai giới đó, nhưng nào ai biết được những cái bất ngờ, sức mạnh của tập quán, và tâm chưa hẳn quyết của tôi. Tôi nhận thấy trong lúc đi đó đi đây bên Á Châu, người ta cần nói ít chuyện không thật nhưng không hại. Ví dụ, tôi nói láo về việc tôi không có giấy phép khi leo núi, hay tôi không có mua vé khi
lên xe lửa ở Ấn Độ. Tôi không dám khẳng định tôi sẽ không tái diễn. Và tôi không hiểu rõ nghĩa của tà dâm là gì--phải chăng là chỉ được ăn nằm với một người vợ chánh thức mà thôi? Như vậy thì tôi không dám khấn sợ lỡ gặp người đàn bà nào đó ở chỗ nào đó mà tôi muốn thì sao. Về việc uống rượu đến say tôi chắc chắn là không có; còn hút hít tôi không dám nói chắc. Tôi hỏi một tăng Tây phương về chuyện hút cần sa ganja, hashish,và các chất gây ảo giác nhưmescaline, LSDvà nấm kỳ diệu. Ông nói các thứ ấy không có trong danh sách nhưng Lạt Ma xem chúng là đồ cấm kỵ. Tôi biết tôi có thể cai thuốc, nhưng một lần nữa, tôi không dám quả quyết rằng tôi sẽ không muốn phê nữa. Tôi không dám khấn trọn đời những giới mà tôi chưa chắc giữ được. Do đó, tôi nghĩ nên tạm hoãn thọ ba giới ấy cho đến lúc tôi sẵn sàng.
Tự xem mình như được tái sanh và đang lần hồi trở thành con của Phật, tôi xin nhận pháp danh. Pháp danh được viết sẵn và bỏ trong tô lớn mà Lạt Ma sẽ chọn để đặt cho mỗi người. Trong buổi lễ chúng tôi tụng Tam Quy như từng tụng mỗi sáng trong hai tuần qua. Lúc thọ giới, mỗi người chỉ đọc giới mình chọn thọ mà thôi. Không theo một thứ tự nhứt định nào nên hể ai muốn nhận pháp danh thì cứ đứng lên đến trước Lạt Ma. Pháp danh được xem như phải thích hợp cho mỗi người nhưng nhìn cách rút từ trong tô ra như rút thâm tôi không biết làm sao chọn được. Pháp danh Thầy đặt cho tôi là Thubten Torgme.Thubten là họ mà mọi người đều có như nhau, còn Torgme là tiếng Tây Tạng có nghĩa 'không kháng cự'. Tôi rất thích pháp danh này vì có nghĩa tôi sẽ không cưỡng lại việc đạt mục tiêu tâm linh cầu nguyền của tôi. Thực hư thế nào chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.
Lễ bế giảng của khóa học được cử hành trọng thể với sự tham dự của nhiều Lạt Ma Tây Tạng. Như lễ ở Sawayambunath, có kèn, trống, chuông, chập chõa, và kinh kệ. Cũng có rất nhiều thực phẩm cúng dường. Không khí trong lều thiền tưởng chừng tràn đầy thần lực khả dĩ khởi động trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy nhiều Phật và Bồ Tát từ bốn phuơng về tham dự đầy lều và ban ơn lành cho các bồ tát mới còn non nớt như chúng tôi. Đây là màn kết thúc rất đích đáng của tháng học đầy xúc cảm, hướng thượng, và khai phóng mà tôi được dự. Tôi tiếc khóa học đã mãn và tôi phải rời khu đồi mà tôi rất mến và quen thuộc này. Tuy nhiên tôi cũng đã sẵn sàng rời môi trường an lành và bao che của khóa học để trở về thế giới riêng của tôi. Tôi tò mò muốn xem tôi có thể tự giữ sự tỉnh thức và lòng cam kết của mình đối với Phật pháp không trong lúc không có ai ngoài tôi nhắc nhở lấy tôi. Tôi nghĩ đó mới là thử thách thật sự coi tôi có thể giữ được mình như thế này chăng, tức không còn cần hút hít hay những khoái lạc của thế giới bên ngoài nữa.
Bây giờ khóa học đã két thúc, chúng tôi được tự do chuyện vãn và giao tiếp. Chúng tôi có thể giao hảo thân thiện với ngưới mình thích nhưng trước đây không thể mở lời được. Ngọn đồi bỗng nhiên trở thành sanh động với một trăm năm mươi người đang chuẩn bị đi về mọi ngả. Nhiều người lo trao đổi địa chỉ, lập hành trình hay tìm bạn đường. Tôi không vội vã nên ở lại gặp và nói chuyện với nhiều người trong lúc thử tìm quyết định cho hướng đi mới.
Nghe đồn vào đầu tháng giêng Đức Đạt Lại Lạt Ma cùng hằng ngàn đệ tử sẽ đến Bodhgaya. Ngài sẽ làm lễ thọ giáo Kalachakra cho ai tham dự. Kalachakra là một lễ kết nạp đặc biệt chỉ có Đức Đạt Lại Lạt Ma mới có quyền chủ trì và ngài chỉ cử hành chừng vài ba lễ trong đời khi ngài thấy thế giới sắp bị khủng hoảng. Quyền lực tạo ra bởi Kalachakra được
tin là có thể hóa giải các trở lực tai hại và ngăn chận thảm họa. Hầu hết quý thầy, cô và cư sĩ Tây phương đều đi dự lễ hiếm có và ân lành này. Nhân dịp này, Đức Đạt Lại Lạt Ma sẽ thọ phong cho các tăng ni Tây phương theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Hầu hết là khóa sinh của lớp tu thiền này. Một lần nữa tôi lại nghĩ tới làm tăng sĩ Đại Thừa vì đây là cơ hội đặc biệt được Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ 14 thọ phong. Nhưng khi soát xét lại tâm mình, tôi thấy chưa ổn thỏa để gia nhập nhóm mà tôi cho là tinh túy nhứt này. Tôi cần thời giờ để cho riêng mình và để tiếp tục thực tập cũng như theo các nhu cầu nội tâm mà tôi tin rằng
tôi có thể biết. Dầu thế nào đi nữa, tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi xuống Ấn Độ về Bodhgaya vào dịp đó và có thể dự luôn lễ Kalachakra. Chiều, sau khi các khóa sinh ra đi gần hết, tôi buồn nói lời từ biệt khu đồi, rồi thơ thẩn băng đồng lúa qua Boudnath và vô Kathmandu.
*
Chương 9
CHUYẾN ĐI BODHGAYA
Vậy mà tôi ở lại Kathmandu tới hai tuần. Tôi mướn một phòng trong nhà ngủ nhỏ và tiếp tục ngồi thiền mỗi ngày. Qua ngày thứ hai tôi cảm thấy cần vô quán cà phê của dân híp pi để hút hết chút thuốc mà tôi giữ bao lâu nay. Tôi thầm nói với chính mình không nên vì làm vậy sẽ không sao tránh khỏi bị lôi trở về thói quen cũ. Tuy nhiên, tôi lý luận, cũng nên vô quán nghe nhạc rockcủ của một thời thử xem phản ứng tâm lý mình như thế nào. Và tôi cũng muốn biết mình có còn phê như lúc trước không hoặc có cảm giác mới nào khác hôn. Chút cần sa hashbắt đầu bốc cháy trong túi tôi, hay đúng ra là trong tâm tôi, vì tôi biết mình đã ra khỏi môi trường cấm đoán của khóa học rồi. Tôi chịu thua và chọn vô quán cà phê trên con đường nhỏ dưới đầu phố, nơi có nhạc quen thuộc nhưng không có dân Tây Mỹ. Tỉnh thức, tôi cảm thấy hơi tội lỗi và hy vọng không gặp bất cứ ai trong khóa học rồi. Tôi nhận thấy tâm tôi nhớ lại dễ dàng và tật cũ trở lại mau chóng khi tôi vấn điếu cần sa và bắt đầu mồi.
Thuốc hình như không còn mấy ma lực đối với tôi. Nó chỉ làm tâm tôi mờ và chán. Các điệu nhạc cũng không đem lại cho tôi hứng thú nào mà chỉ làm tôi chói tai, hai tai vừa mới được lên dây lại. Tôi nghĩ rằng đây là một thử nghiệm chứng tỏ tôi không còn cần các thứ ấy nữa và thiền đã có hiệu lực nơi tôi. Không vừa lòng với hiện tại, với trạng thái hoặc tình huống hiện hữu của tâm, người ta muốn thay đổi nên phê. Còn tâm tôi đang bận với Phật pháp và thiền đang giúp tôi thoải mái, tôi không muốn thay đổi cũng không muốn phê. Thật sự, tôi đang trong tâm trạng phê đây mà. Tôi bắt đầu biết rằng con đường Phật pháp là phương tiện hữu hiệu để thay thế cái phê thuốc. Lý thú!
Ngay trong tuần lễ đầu tôi viết thư liền về nhà. Lúc trước khi nhập khóa, tôi có viết về rồi nhưng chỉ nói qua loa ý định tôi theo học thiền. Lần này tôi cũng định không nói rõ những thay đổi sâu xa tôi đang chứng nghiệm mà chỉ nói tôi sẽ tiếp tục chu du Ấn Độ chừng một năm nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ lại, nếu không nói thật cho ba má tôi biết cảm nghĩ tôi về cuộc sống mới và lý do chính mà tôi nán lại Ấn Độ--để tiếp tục hành thiền và học hỏi thêm--tôi bị xem như lẫn tránh vấn đề mà sớm muộn gì tôi cũng phải nói. Hơn thế nữa, tôi cho rằng không nói hết sự thật là một hình thức nói dối. Tôi không có thọ giới không nói láo nhưng tôi biết những gì sẽ xảy tới vì phản ứng dây chuyền, và tập quán có thể hình thành do các 'chuyện lặt vặt' như vậy, những tập quán mà tôi mong được tránh.
Vì sự tôn kính sâu xa dành cho cha mẹ mà tôi đã học được qua thiền quán về đề tài này, tôi mong được chia xẻ với ba má tôi cũng như gia đình về con đường mới mà tôi đang dấn bước. Tôi chỉ hơi lo ba má và gia đình tôi không hiểu tại sao tôi ngoảnh mặt với Chúa để lao theo Phật! Tín ngưỡng Thiên Chúa cộng với sự hiểu biết nông cạn và méo mó về Phật giáo có thể sẽ là những cản trở cho sự cảm thông giữa tôi và gia đình. Thêm vào, mấy lúc gần đây báo chí không mấy thuận lợi đối với các tín ngưỡng Đông phương cũng như nhiều
đạo ở phương Tây. Nhiều tin tức không đúng sự thật được gán cho một số nhóm, như Hare Krishnaăn xin ở phi trường và nhảy múa ngoài đường; Moonicó Guru quá khích; Jesus Freaksbị tố giác bắt cóc và tẩy não đám con nít trung lưu. Đạo ngoài dòng và tín ngưởng mới như vừa nói thường bị đa số người Mỹ bảo thủ nghi ngờ và không thiện cảm. Vì các lý do đó, tôi lo không biết gia đình tôi sẽ phản ứng thế nào khi biết tôi đã quy y thành một Phật tử Đại Thừa Tây Tạng. Rất có thể họ sẽ điên tiết hay ít lắm là kinh ngạc. Dĩ nhiên tôi không muốn tình trạng này xảy ra bởi lẽ ba má và gia đình tôi vừa mới hoàn hồn sau tai họa Afghanistan của tôi. Thêm một vố nữa chẳng khác nào như 'thêm một giọt để làm tràn ly nước'.
Tôi quyết định bật mí nhưng bằng cách vòng vo và nhẹ nhàng hơn. Tôi viết tôi rất thích khóa thiền vì khóa này đã giúp tôi hồi tưởng thiền tiên nghiệm mà tôi có thực tập một thời gian ngắn lúc trước. Tôi nói thêm tôi sẽ trở lại Ấn Độ để tập thiền và học triết Đông phương trong lúc đi viếng một số thắng tích xưa của xứ bao la và cổ kính này. Sự thật gần như vậy và thư tôi viết có vẻ không sai ý định của tôi lắm.
Nói chuyện với một số Tây Mỹ vừa từ Ấn Độ về, tôi được biết thầy S.N. Goenka hiện đang hướng dẫn khóa tu thiền tại Bodhgaya. Thầy sẽ tổ chức một khóa nữa ở thị trấn có tên Prataphgarh, gần Lucknow vào giữa tháng giêng; tôi có ý muốn tham gia khóa kế tiếp này. Còn bây giờ tôi muốn đi hành hương ở Bodhgaya. Ngày tôi sắp đi, tôi nhận được thư của Larry. Nó nói nó đang làm cho tiệm rượu/thịt nguội của gia đình và công việc làm ăn đang khắm khá. Nó vui trở về quê cũ nhưng vẫn thèm được du lịch dã ngoại ở Nepal và lang thang ở Ấn Độ như tôi. Nó đang tính chuyện buôn bán lam ngọc với thị trường kim hoàng của thổ dân Mỹ và có thể sẽ làm một chuyến qua Á Châu để mua ngọc. Tôi hơi ngờ ngợ vì đọc thấy nó còn đam mê vật chất quá; tôi bây giờ ngày càng lánh xa các ham muốn đó. Tôi không biết Larry có hiểu nổi chăng nếu tôi cho nó hay tôi đã thay hình đổi dạng rồi.
Sau gần ba tháng ở trong giang sơn núi non quyến rũ này, tôi không muốn ra đi. Nhưng tôi nghĩ mục đích của tôi đến đây đã đạt, một chương của đời tôi sắp khép lại để nhường chỗ cho chương mới mở ra. Tôi biết đời chỉ là một dòng sự việc tuần tự đến rồi đi; mỗi tình huống, người và cảnh trí mà chúng ta gặp đều cho chúng ta cơ hội học hỏi và trưởng thành dầu chúng ta có biết hay không biết. Mỗi kinh nghiệm là một chỗ nghỉ tạm, 'chỗ tạm trú qua đêm' của cái tôi/tâm. Khi mục đích đã đạt, chúng ta chớ nên trì huỡn mà nên bước tới lúc thuận tiện để theo dòng. Biết vậy, tôi rời Kathmandu hôm Giáng Sinh để bắt đầu giai đoạn tới của chuyến đi vô định.
Chuyến xe đò dừng lại lúc đến nửa đường trên rạng núi phân ranh Kathmandu và Ấn Độ. Tại địa danh Daman này có trạm nghỉ chân và điểm vọng cảnh với chiếc kính viễn vọng. Vào một ngày trời trong mây tạnh dãy Đông Hy Mã Lạp Sơn với ngọn Everest có thể thấy rõ mồn một. Tôi hy vọng được nhìn đỉnh Sargamartha[9]lần đầu tiên trong đời, nhưng thiên nhiên không chìu lòng. Sau khi vô đất Ấn tôi dừng lại ở thị trấn đầy cát bụi có tên Raxaul. Tại đây tôi ăn cơm tối với cà ri, sữa chua, chapattisvà chuối. Sau đó, tôi rời phố ra ngoài tìm chỗ ngủ. Tôi trải poncho, jalaba và chiếc mền làm bồ đoàn ngồi tịnh tâm dưới gốc cây pipa, một loại cây mà Thái Tử Siddhartha Gautama ngồi tham thiền và giác ngộ ở Bodhgaya. Dầu
thích Nepal, tôi cảm thấy vui sướng được trở lại Ấn Độ. Nhưng lần này tôi có cảm giác và hứng thú mới lạ hơn vì tôi đi hành hương. Với ý nghĩ ấy và trong đêm an lành, tôi rải ánh quang đến mọi chúng sanh trước khi vươn vai xả thiền. Tôi lâng lâng hạnh phúc.
Tôi thức giấc với tiếng chim hót và gà gáy lúc rạng đông. Tôi ngồi thiền và tập yoga dưới tàng cây thân thiết. Sau khi ăn sáng với bánh chapattisnguội và chuối mà tôi để dành hôm qua, tôi đi dọc xuống đường đón xe quá giang. Có chiếc xe tải đến, tôi ngoắc, xe ngừng. Tài xế biểu tôi ngồi bên trong phòng lái cùng với hai bạn đường khác. Nhưng tôi xin ngồi đằng sau để tránh khói thuốc trong ca bin chật. Anh nói đằng sau không có chỗ nào sạch ngồi được. Tôi nài nỉ và nói sẽ ngồi trên poncho,không sao đâu. Anh đành chìu để tôi leo lên phía sau ngồi dưới tấm bố đóng khói đen ngòm dùng trùm một mớ bao xi-măng bự. Cuốc xe đến Muzzaffapur dài ba tiếng, lắc lư và bụi bặm, nhưng tôi chịu được. Tôi xuống xe; anh tài xế chẳng những không lấy tiền mà còn mời tôi uống trà với hai bạn của anh nữa. Tôi cám ơn và nhận lời ngay vì đang khát sau chuyến đi dài. Có thể vì tôi là người ngoại quốc đơn độc trên xứ bao la như Ấn Độ nên anh thương hại tôi. Với những kinh nghiệm tuơng tự, tôi nhận thấy tính hiếu khách ngoại quốc bắt nguồn từ văn hóa cổ Hindu quý khách như quý thần thánh. Tôi cám ơn anh trong lúc anh chỉ hướng đến Patna mà tôi muốn tới.
Hãy còn sớm, tôi lửng thửng đi bộ giữa ánh nắng trưa, trên con đường làng rợp bóng cây. Cuối cùng tôi dừng lại một quán ở đầu làng ăn cái bánh samosavà uống ly trà sữa. Samosa làm bằng khoai tây chín bọc bột và chiên trong dầu--có khẩu vị na ná như khoai tây chiên bên Mỹ. Kế, tôi ra đứng nơi đầu làng xin quá giang tiếp tục. Nửa giờ qua nhưng không kết quả. Bấy giờ có một thanh niên, mặc áo tay dài và chiếc dhoti[10]cổ truyền, đến gạ chuyện. Anh nói rành tiếng Anh. Anh là bác sĩ có phòng mạch trong làng nhỏ này, đến đây làm việc vài hôm mỗi tuần rồi về nhà bên một làng khác cách đây vài cây số và đông dân hơn. Tại đó anh có bệnh viện chính. Anh rất dễ mến. Anh mời tôi vô văn phòng anh nghỉ chân.
Phòng khám bệnh của anh rất đơn sơ. Anh mời tôi ngồi xuống chiếc ghế cây và bảo cậu bé pha trà. Cùng lúc anh mời tôi ăn chuối. Trong câu chuyện, anh hỏi nhiều điều mà tôi thường gặp, như tôi có bao nhiêu anh chị em và tôi đến đây với nhiệm vụ gì. Lần này, tôi nghĩ, tôi có mục đích rõ ràng nên trả lời rằng tôi đi tìm hiểu Phật Giáo và hành hương ở Bodhgaya. Câu trả lời của tôi làm người có học như anh bác sĩ này rất vừa lòng. Hơn thế nữa, anh gốc Hindu nhưng rất quý trọng Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Anh cho biết
người Hindu tin Phật là vị Avitarthứ Chín hay là hiện thân của Thần Vishnu. Theo họ, Phật Thích Ca chỉ là một nhà cải cách của đạo Hindu vì Người chỉ có công đả phá tệ nạn kỳ thị cũng như nghi thức giết súc vật tế thần rất thịnh hành của thời bấy giờ. Người Hindu không nghĩ Phật có chơn lý nào khác ngoài chơn lý của đạo Hindu (trong kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư[11]). Lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy và tôi nghĩ không đúng với những gì tôi vừa học. Tuy nhiên, tôi không đủ kiến thức và kinh nghiệm trong vấn đề nên không dám có ý kiến. Về sau, tôi biết ra rằng tín ngưỡng nghĩ Đức Phật là mộtAvitarcủa Thần Vishnu bị các nhà Phật học chính tông xem như dị giáo và bác bỏ thẳng thừng.
Anh bác sĩ mời tôi về nghỉ đêm trong làng. Anh cho tôi biết cách đây chừng vài dặm phía bên kia làng có điểm hành hương Vaishali. Nếu tôi muốn viếng, anh sẽ nghỉ một ngày để hướng dẫn. Tôi nghĩ đây là dịp đi hành hương và để biết thêm chút ít đồng quê cũng như văn hóa Ấn Độ. Thường anh đạp nhưng hôm nay anh dắt xe đi bộ để trò chuyện với tôi. Con đường làng quanh co qua nhiều thửa ruộng xếp như bàn cờ và nhiều đám mía ửng vàng trong nắng chiều. Nhìn bầy trâu và các nông phu đang cày sâu cuốc bẫm, tôi nghĩ đến luật nhân quả và thuyết luân hồi rồi thầm cám ơn tôi được 'sanh làm người toàn hảo.' Có ba bạn của anh bác sĩ đạp xe tới. Ba anh xuống xe dắt đi bộ với chúng tôi một đỗi để tìm hiểu tôi là ai trước khi lên xe đạp tiếp.
Ngay lúc đến làng của anh bác sĩ, tôi bất chợt trở thành mục tiêu tò mò của đám đông. Chắc từ lâu lắm rồi không có người ngoại quốc nào trừ tôi đặt chơn tới làng nghèo nàn này. Anh bác sĩ líu lo giải thích cho đám đông biết tôi là ai và đến đây làm gì. Có ít nhứt năm mươi người đến xem mắt 'ngài' râu đỏ quảy túi đeo vai. Anh bác sĩ thu xếp cho tôi ngủ trong phòng rộng nhứt của bệnh xá anh. Tôi xếp hai ghế dài làm giường và dùng cái bàn với ghế ngồi làm chỗ đọc sách trước khi ngủ. Tôi ngạc nhiên thấy làng hẻo lánh này có điện. Anh bác sĩ về nhà bên kia đồng lúa rồi bưng cơm tối đến cho tôi. Tôi không muốn làm phiền anh và tôi không cần ăn tối hôm đó. Tuy nhiên tôi cám ơn anh đã đem lại chapattisvà cà ri khoai tây. Trước lúc ngủ tôi thiền về 'Mẹ của tất cả chúng sanh' và kết thúc bằng cách hồi huớng công đức đến người chủ tốt bụng và các nông dân nghèo, nguyện cầu tất cả được giác ngộ.
Sáng ra, anh bác sĩ đem lại chapatttis, dahl và một ly sữa tươi cho tôi điểm tâm. Anh còn đem theo ông hiệu trưởng trường trung học[12]để giới thiệu với tôi. Ông sẽ cùng đi Vaishali với hai chúng tôi. Ông cũng rất sùng kính Phật nên yêu cầu tôi nói về đạo Phật cho học sinh trường ông nghe vào ngày mai. Thiếu tự tin, không đủ kiến thức Phật học và chưa có kinh nghiệm nói trước đám đông, tôi xin từ chối. Ngoài ra, tôi thật tình trình bày tôi còn cần đi Patna trưa nay rồi tiếp tục đi Bodhgaya. Không dè bảy năm sau tôi trở lại và thuyết pháp như một nhà sư.
Di tích Vaishali nằm ngoài thành. Chúng tôi đạp xe đi thăm mỗi nơi trong khu cổ tích rộng lớn đó. Vừa đi, các bạn hướng dẫn vừa giải thích những bia ký Phật tích. Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp trên lãnh thổ Bắc Ấn, Đức Phật dừng lại đây rất nhiều lần, nên có xây một tu viện để Ngài và tăng đoàn của Ngài trú ngụ. Sau 2500 năm, giờ đây tu viện chỉ còn là một gò đất thấp và những trũng với nhiều mảnh gạch ngói rải rác đó đây.
Ba chúng tôi cùng ăn picnic trưa dưới bóng cây bên cạnh nhà điều dưỡng. Sau đó, các bạn đưa tôi ra bến xe dưới phố để tôi đợi xe đò đi Patna cách đây chừng hai mươi dặm. Tôi cám ơn, nhứt là anh bác sĩ đã dành cho tôi sự đón tiếp chân tình và nồng hậu trong suốt thời gian qua. Tôi nói rằng tôi là người Mỹ có cái may duy nhứt được các anh đưa đi xem tận mắt đời sống thôn quê và nhiều chi tiết về sử ký, triết lý và tín ngưỡng của xứ Ấn. Nếu đi với các bạn đồng hành trên các tuyến du lịch chính, làm sao tôi có được các cuộc gặp gỡ với 'bà con chất phát' ở đây. Kinh nghiệm này cho tôi thấy giá trị của câu nói 'đi một ngày đàng học một sàng khôn.'
Xe đò đưa tôi đến Hajipur trên bờ Bắc sông Hằng. Từ đây tôi lấy đò ngang qua Patna, thủ đô của Bihar. Sông rất rộng nên đò phải mất trọn một tiếng đồng hồ mới qua tới bến bên kia. Đò đông khách hành hương Tây Tạng. Họ ngồi bẹp xuống sàn cạnh bên nhiều đống hành lý chất ngổn ngang. Tôi phải tìm mãi mới đuợc một chỗ gần đám người đông. Đò cặp bến lúc mờ tối. Hầu hết khách chất lên nhiều chiếc taxi 3-bánh và đi về hướng ga xe lửa. Sau phút lưỡng lự, tôi chọn thả bộ ngang thành phố ra ga. Có lẽ tôi sẽ ngủ lại đó đợi sáng mai mới lấy xe đi Gaya. Tôi lựa vài em có vẻ sáng sủa để hỏi đường rồi bắt đầu ra đi.
Trong ga, tôi thấy ngoài các khách hành hương Tây Tạng tôi gặp trên đò, vô số hành khách khác đang nằm ngồi la liệt trên sàn. Họ quây quần thành nhóm, cùng uống trà bơ và nấu ăn trên lò dầu đem theo. Trong lúc tôi đi tìm chỗ, có mấy người Tây Tạng nhận ra tôi bèn gọi tôi lại nhập bọn với họ. Tôi chen vô trải tấm nóp và vui vẻ nhận tách trà bơ họ mời. Tôi cám ơn họ đã đối đãi với tôi rất thân thiện. Trước khi nằm xuống tôi tính ngồi thiền, nhưng thôi vì sợ con mắt dòm ngó của bà con và cái tôi của tôi bị thổi phồng. Sàn xi măng cứng và tiếng ồn ào khiến tôi lăn trở nhiều lần mới chợp mắt được. Sáng sớm, tôi phải vất vả lắm mới chen nổi lên xe; xe chật ních nên mạnh ai nấy lấn vì không có hệ thống giữ chỗ trước. Bốn tiếng sau, xe ghé vô ga Gaya; tôi mừng hết lớn--trong đời tôi chưa có lần nào tôi mừng được xuống xe như lần này. Xe 3-bánh đi Bodhgaya đợi cho tới khi hết nhét nổi khách--thường là mười người--mới chuyển bánh. Chặng đường dài chừng mười cây số, hẹp, chạy sát theo lòng sông rộng. Dọc đường tôi chỉ thấy được chút ít phong cảnh vì ngồi đằng sau bị cái mui xe che khuất tầm nhìn rất nhiều.
Làng nhỏ và khu chùa kế cận rất tấp nập. Tôi ngồi lại trong một quán bên cổng vừa ăn bánh ngọt uống trà vừa ngắm cảnh tượng bận rộn. Dân chúng ra vô nườm nượp. Xe 3-bánh chất đầy nhóc khách Tây Tạng liên tục đỗ về. Nhiều đám người rách rưới lang thang trên đường đến trại Tây Tạng. Họ vác, họ gánh tất cả những gì họ có trên vai. Buýt du lịch nhìn thấy nhan nhản khắp mọi nơi và từng đoàn du khách ra vô không ngớt. Hành khất cũng rất nhiều; họ bu theo du khách lợi dụng lòng từ bi của con nhà Phật. Đền Sri Maha Bodhi, cao 50 m, xây từ thế kỷ thứ 7 trước dương lịch, uy nghi điềm nhiên tọa thị trước cảnh ồn ào náo nhiệt này.
Sau khi ngồi trong quán một đỗi, tôi nghĩ nên vô chùa chiêm bái gốc Bồ Đề nơi mà Thái Tử Siddhartha ngộ đạo. Chùa và cội Bồ Đề ở giữa một vùng rộng có tường và rào bao quanh. Từ cổng chánh xuống phải bước mấy bực thang; ở bực chót có treo một đại hồng chung để khách hành hương thỉnh theo lời cầu nguyền riêng của mỗi người. Thường khách thỉnh chuông để nói lên số lần đến đây hành hương. Noi gương Bồ Tát, tôi thỉnh ba tiếng, ba tiếng mà chư Vị gióng lên để hóa giải u minh của chúng sanh. Qua cổng và lớp cửa gỗ tôi bước vô chánh điện, nơi thờ tượng Đức Bổn Sư; tượng sơn son thếp vàng, rất to. Nhiều Phật tử Tây Tạng đang thành khẩn kính lạy trong lúc lâm râm đọc chú; họ cầm hai thanh gổ và lạy trườn mình theo nghi thức cổ truyền. Nhiều người khác đi nhiễu vòng quanh tháp cao theo chiều kim đồng hồ; Phật tử Tây Tạng vừa đi vừa quay ống cầu nguyện và đọc chú Án Ma Ni Bát Ni Hồng (Om Mani Padme Hum). Để dép ở ngoài, tôi mang túi xách bước theo đám đông và nhiếp tâm đi ba vòng.
Cây Bồ Đề đứng sau đền trong rào và được trang trí bằng nhiều cờ Phật giáo. Trong vòng rào, giữa gốc cây và chùa có khối xi-măng mang tên Vajrasana chỉ định chỗ mà Thái Tử Siddharta Gautama tham thiền trong đêm quyết định ấy. Hầu hết Phật tử dừng lại đây thắp nhang đèn hay chắp tay xá. Có người vói đưa đầu chạm vào thành của bệ để lễ vật đặt trước
khối xi-măng. Sau ba vòng đi nhiễu quanh tháp, tôi để xách ở ngoài, vô giữa chánh điện, lạy ba lạy trước Đức Thế Tôn. Rất đông: người lạy, người ngồi thiền, người đọc chú. Tôi hân hoan chứng kiến và tham gia vào sanh hoạt thấm nhuần đạo hạnh đang diễn ra quanh đây. Có thêm một ít du khách Ấn, có lẽ là Hindu. Họ rảo quanh; có người vô ý đi ngược dòng, nói cười thiếu thận trọng, và trố mắt nhìn Phật tử Tây Tạng đang lạy theo lối trườn hay ngồi thiền đó đây. Nhìn chung, quang cảnh gồm một đám người xô bồ đến từ mọi nơi, kể cả một số Tây Mỹ như tôi.
Bodhgaya quan trọng vì là nơi tiêu biểu cho sự dò tìm Chân Lý hay ý nghĩa của sự sống. Tại đây, dưới gốc Bồ Đề này, Thái Tử Siddhartha dừng bước chân du tìm không hiệu quả để ngồi lại thiền. Ngài nhứt định không đứng lên nếu chưa tìm ra chánh quả. Trong một đêm trăng tròn Ngài vượt khỏi vòng vô minh và giác ngộ. Đó là đêm mà Ngài không còn phải đi lần tìm nữa, Ngài thành Phật.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn tìm cách thỏa mãn ước mơ và khát vọng. Chúng ta đổi bạn, thay nguời yêu, nghề nghiệp, nhà cửa, quê quán, và cả xứ sở nữa hy vọng tìm thấy một trạng huống tuyệt hảo và hạnh phúc. Nhưng cái đích tuyệt đối đó không bao giờ đạt được nếu chúng ta chỉ thay đổi ngoại cảnh. Trái lại, nếu một ngày nào đó chúng ta dừng lại và bắt đầu quán chiếu vào nội tâm để tìm nguồn gốc của bất mãn cũng như thỏa mãn thì chúng ta sẽ thấy sự thật. Đó là những gì Thái Tử Siddhartha đã làm dưới cội Bồ Đề này nên Bodhgaya mang một ý nghĩa đặc biệt; Bodhgaya là nơi mà Bồ Đề hay Trí Huệ Tối Thượng hay Chân Lý được tìm thấy. Tất cả chúng ta đều có Bodhgaya trong tâm, tức có nhân Giác Ngộ mà chúng ta cần phải vun trồng. Đó là cuộc hành hương tối hậu, chuyến trở về nguồn của sự tự do thiệt thọ và hạnh phúc lâu bền. Tôi miên man suy nghĩ như trên trong lúc ở lại đây thêm một tiếng đồng hồ nữa, ngồi dưới bóng của gốc bồ đề gần bên.
Sau đó tôi đi xem các chùa chiền trong khu Bodhgaya. Hầu hết các quốc gia Phật giáo trên thế giới đều có xây chùa hay nhà nghỉ trong vòng nửa dặm của khu dân cư để đón du khách hành hương. Vào những lúc trái mùa, khách có thể ở lại đó một thời gian ngắn nếu nhà có dư chỗ chứa.
Trong khu chùa Tây Tạng, dân tháo vát của xứ này có dựng một thành phố dã chiến bằng lều nhà binh lớn để làm nhà nghỉ và tiệm ăn. Cạnh bên thành phố lều có cái nghĩa địa cổ với tường bao bọc, trong đó tôi thấy có một ông và hai cậu bé Tây Tạng căng lều ở dưới một gốc cây lớn. Tôi nghĩ đó là chỗ ngon lành cho tôi tạm dựng lều và tha hồ thiền hay luyện du già dầu ở giữa mồ mả. Tôi không biết địa phương có cho phép ngủ trong nghĩa địa chăng, nhưng tôi biết các nhà du già khổ hạnh thường khuyến khích làm như vậy để tập không sợ cái chết. Tôi bèn leo tường vô, tìm một điểm xa mả, khuất giữa bụi rậm, trải nóp ra. Tôi thầm cám ơn đã có chỗ ngủ nghỉ. Quang cảnh này yên tĩnh ngồ ngộ nhờ được tách rời khỏi không khí bon chen của khu du lịch chính. Tôi hy vọng tôi không bị tống ra hay bị lấn chiếm bởi những người có cùng ý nghĩ như tôi.
Còn một tuần nữa Đức Đại Lại Lạt Ma mới đến và hai ngày nữa là Tết Tây. Nhiệt độ trong vùng Bắc Ấn tương đối ôn hòa, ngày ấm và đêm mát. Áo jalabacủa tôi rất tiện nhứt là về đêm khi tôi ngồi thiền. Mỗi ngày tôi thức dậy lúc hừng đông. Tôi ngồi thiền ngay trên nóp rồi tập yoga hay làm ngược lại. Xong, tôi dọn đồ vô xách quảy ra tiệm ăn sáng. Thường tôi ăn miếng bánh mì Tây Tạng, chén tàu hủ, chuối, và uống tách trà. Tôi gởi xách lại quán đoạn đi ra Đền Maha Bodhi. Tôi mang theo cái túi đeo vai đựng thông hành, chi phiếu du khách, tiền mặt, chiếc mền để ngồi, và chai nước--tất cả hành trang tôi dùng trong ngày. Tới chùa tôi thỉnh ba tiếng chuông trước khi vô chánh điện lạy Phật ba lạy; đôi khi tôi ngồi lại thiền. Sau đó tôi ra đi nhiễu vòng quanh Chùa/Bồ Đề ít nhứt ba vòng. Thỉnh thoảng tôi ngồi lại ngay dưới tàng cây linh thiêng để thiền hay chứng nghiệm làn sóng thiêng liêng.
Một số 'con Phật lang thang' Tây Mỹ sống trong Nhà Nghỉ Miến Điện (Burmese Vihar). Nhà có nhiều phòng cá nhơn dùng như cốc và một thiền đường trên lầu. Đó là nơi mà U.N. Goenka chủ trì các khóa thiền minh sát; khóa sau cùng mới bế giảng cách nay một tuần nên nhiều học viên còn tiếp tục hành thiền tại đây. Tôi có nghe nói tới ông Joseph, người gốc New York, từng hành thiền minh sát nhiều năm nay và rất có tiếng. Ông hiện ở Bodhgaya và đang thuyết giảng tại Burmese Vihar tối nay. Tôi theo vài người khách lên lầu nghe.
Ông Joseph ngồi kiết già trên sàn với cử tọa ngồi chung quanh. Ông ốm cao. Tóc ông màu nâu, hớt ngắn. Râu ông được cắt tỉa tươm tất. Bằng giọng nói chẫm rãi rõ ràng, ông thuyết đề tài tỉnh thức và nội thức. Ông giải thích sự cần phải quán chiếu từng phút từng giây hành động của thân và hoạt động của tâm để hiểu mình sâu xa hơn. Nếu ta sinh hoạt chậm lại và quan sát cử động của thân như ta xem phim quay thật chậm, ta sẽ thấy và hiểu rõ mối liên hệ giữa thân với tâm. Ông chứng minh bằng cách đưa tay lên xuống thật chậm và chỉ cho thấy thân tùy thuộc hoàn toàn vào tâm khi cử động. Đưa tay lên hay xuống vài phân đòi hỏi nhiều sự sai khiến hỗ tương giữa thân tâm và nhiều cử động tinh vi. Hướng ý thức đến tiến trình đó giúp ta trực tiếp nhận biết các khía cạnh của thân và tâm. Có một hình thức thiền tọa hoặc thiền hành đặc biệt khả dĩ giúp ta thực tập cách quan sát tinh tế đó. Mục đích của sự thực tập như vậy, ông Joseph nói, là để cho ta thấu hiểu chân lý tối thượng mà Đức Phật đã khám phá: vô thường, khổ và vô ngã. Thực tập như vậy cũng sẽ giúp ta hiểu ý nghĩa sâu xa của Tứ Diệu Đế. Nếu hành trì tinh tấn, ý thức duy trì đó sẽ tạo nên không gian và kỹ năng tâm linh khả dĩ hóa giải những tập quán xấu, những khó khăn tâm lý và những hạn chế tự đặt, để đạt đến kết quả tối hậu là giác ngộ.
Bài giảng làm tôi thêm thích thiền minh sát. Trong tiến trình phát huy trí tuệ, phương pháp thiền này đặc biệt huấn luyện tâm một cách trực tiếp, chớ không thần bí và không nghi thức như thiền Tây Tạng. Nói cách khác, không có đề cập đến chư Phật và chư Bồ Tát, không cần cứu rỗi chúng sanh, và cũng không trì chú hay gợi những tưởng tượng phức tạp. Đó là phương pháp Tiểu Thừa chỉ nhằm giải thoát mình mà tôi có dịp nghe nói như là ích kỷ và không cao thượng. Tôi không biết giữa hai lối thiền có khác biệt nào khi nhìn dưới khía cạnh từ bi và giải thoát khỏi khổ đau. Tôi có nghe nói Thầy Goenkaji rải tâm từ mỗi đêm trong lúc người thuyết giảng.
Có hai phương pháp thiền minh sát. Phương pháp của Thầy Joseph khác với phương pháp của Thầy Goenka, mỗi bên có gốc độ nhìn mỗi khác. Tôi định sẽ dự khóa thiền của Thầy Goenka, tôi muốn học phương pháp của ông trước. Còn bây giờ tôi tiếp tục hành thiền Tây Tạng bởi tôi đã hiểu và đang thích thú với pháp đó.
Ngày đầu năm đến rồi đi, không có gì quan trọng và cũng không có lễ lạc gì bởi ở Ấn Độ người ta ăn Tết theo âm lịch và người Hindu mừng Tết vào tháng Tư. Chỉ có một buổi hội ngộ nhỏ nơi Chùa Nhựt Bổn với lễ thỉnh chuông và tiệc mì nửa đêm. Mọi người đều đuợc mời dự, nhưng tôi chọn ở lại chỗ của mình trong nghĩa địa để chiêm nghiệm 108 tiếng chuông được thỉnh. Tôi mừng năm mới theo tinh thần mới. Tôi nghĩ đến luân hồi (samsara) và luật tái sanh tuyệt hảo của con người. Tôi mừng năm mới với quyết tâm hành trì Phật pháp. Nhớ lại những điều ngu xuẩn mà tôi đã làm trong năm qua vì vô minh, tôi cương quyết tu tập để xa lánh các hành động tệ hại và phát huy tỉnh thức/trí tuệ.
Lúc bấy giờ Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa vừa đến với đạo tràng Tây Mỹ của hai ngài. Đoàn dựng hai lều trong một góc của Khu Birla Dharmasala. Hằng trăm dân từ cao nguyên Nepal, Sikkhim và Bhutan lục tục kéo tới. Lều moc như nấm gặp mưa. Một thành phố lều nữa được dựng lên trên khoảng đất trống gần viện bảo tàng. Tinh thần đạo hạnh mỗi lúc mỗi dâng cao trong khi bà con ráo riết chuẩn bị lễ Kalachakra. Lễ sẽ được tổ chức ngoài trời trong sân rộng trước nhà nghỉ; lễ đài đang được dựng lên để nghinh đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi ngày vào lúc 5:00 giờ chiều, khoảng một trăm tu sĩ Tây Tạng tập họp dưới cội Bồ Đề để làm lễ puja với chiên trống và nhiều linh khí khác. Hằng trăm ổ bánh mì được bày trên bàn cúng để rồi cúng dường chư tăng và phát cho đồng bào tham dự. Chiều tối, có vô số chiếc đèn dầu nhỏ thắp sáng một bãi đất vuông; đèn được canh chừng liên tục và châm dầu thường xuyên. Khách hành hương cắm nhang đèn thắp cùng trong khu chùa. Quang cảnh thật ngoạn mục với cả ngàn ánh sáng lung linh và mùi hương bay thơm khắp mọi nơi. Hằng trăm tín đồ đi nhiễu quanh khuông viên theo ba vòng khác nhau. Tăng ni và dân Tây Tạng nhiệt thành bái lạy từ giờ này sang giờ khác. Nhiều ông bà lạy trườn mình bằng cách nằm sấp xuống đất vói thẳng tay tới trước rồi đứng lên đến điểm tay đã vói tới bắt đầu lạy trườn mình tiếp. Họ vừa lạy vừa trì chú và từ từ lạy hết một trong ba vòng nhiễu quanh chùa. Họ thành tâm đến nỗi nhiều lúc nằm trườn trên nước, trên bùn. Mục đích của phương cách lạy này là để thuần hóa bản ngã và định tĩnh tâm. Thật hứng khởi khi chứng kiến các Phật tử biểu lộ công khai nhiệt tâm vì đạo pháp. Tuy nhiên tôi chọn cách khác ít ngoạn mục và kín đáo hơn. Mỗi tối tôi đi vô chùa vài giờ để dự lễ và thể nhập không khí thiêng liêng.
Vì có quá nhiều khách thập phương đến Bodhgaya nên các nhà nghỉ kể cả Burmese Viharđều đầy nhóc; nghĩa địa không sao tránh khỏi bị chiếm đất. Tôi có khuynh hướng xem nơi này như 'của riêng mình' thành thử tôi có cảm giác bị xâm lấn mỗi khi có du khách đến cấm trại gần. Tôi biết tôi ích kỷ và để tránh tánh xấu này tôi vui vẻ mời hai nguời Tây đang đi tìm chỗ ở lại đây. Hai người cám ơn và nhận lời.
Trong những ngày lễ hội chính, nhiều hành khất trong làng kế cận cũng đến hành hương. Nhưng họ không hẳn tin nơi Đức Phật mà nhắm vào mục đích làm tiền nhanh. Biết rằng một trong những đức tính Phật dạy là lòng nhân, họ, những người thật sự què quặt hay chỉ là dân nghèo trong làng, đến đây đóng kịch để tạo sự xót thương của tín đồ giàu lòng bác ái. Họ xếp hàng dài ngoài cổng chìa lon xin tiền. Họ ăn mặc rách rưới bần cùng nhứt (có thể là bộ đồ duy nhứt của họ cũng không chừng) và làm ra vẻ thảm não nhứt. Nhiều dân Ấn làm ăn cũng tới. Họ đặt bàn đổi tiền lẻ để bố thí. Khách đổi giấy 1-, 5- và 10-rupeera đồng 5-,10- và 25-paiseđể mỗi khi cho họ có cảm tưởng xài số lớn, vì mỗi rupee(bằng 10 xu US vào 1974) có thể cho mười người, mỗi người mười paise hoặc hai mươi người mỗi người năm paise.
Nhiều hành khất khác, bất lực có phung cùi có, len lỏi vô tiêm buôn vật kỹ niệm, quán trà/ăn, và nhà nghỉ để xin khách đang ăn hay đang mua sắm. Sự có mặt của họ làm khách tự cảm thấy có chút tội lỗi khi đang ăn sung mặc sướng hay đang bỏ tiền mua sắm. Nếu khách không cho, họ đứng lì ra đó khua lon hay bám theo van lơn thảm thiết. Có thể bực bội lắm, nhưng là dịp tốt để quan sát tâm lý phản ứng, chấp trước, xua bỏ, và dè xẻn của con người. Ai cũng biết chúng ta đang xài cho cá nhân mình gắp mười hay trăm lần nhiều hơn tiền của của các người bất hạnh ấy có, và nếu cho họ hai mươi lăm hay năm mươi paisethì có là bao. Nhưng chúng ta thường vẫn bị dằn co; thiệt là oái oăm. Nhiều lúc chúng ta cho không phải vì rộng lượng hay từ bi mà chỉ vì muốn xua người ăn xin đi khuất mắt cho rồi. Cũng có trường hợp ngược lại, tức cho rồi nhưng hành khất chưa vừa ý theo năn nỉ xin thêm. Dĩ nhiên người cho không sao không buồn lòng.
Rất tốt cho tôi được ở trong hoàn cảnh như vậy để tôi quan sát phản ứng của mình. Tôi hay thử xét xem người xin có đáng được cho hay không, và nếu cho thì sẽ cho bao nhiêu. Đôi khi tôi thấy tôi keo kiệt và chỉ biết nhớ tới mình, nghĩ rằng với số tiền cho tôi có thể sắm cho mình món gì đó. Vài lúc khác tôi không cho, lý luận rằng làm vậy tạo cho họ thêm tùy thuộc vào du khách. Có thể đúng, tuy nhiên có người thật sự không có nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền nhỏ họ ăn xin. Có lúc tôi muốn mua cho họ thức ăn bồi dưỡng hơn là cho tiền vì tôi có thấy hành khất lấy tiền mua bậy bạ hay thuốc lá; điều làm tôi rất khó chịu. Tình huống như vậy khiến tâm phải bất ngờ đối đầu trực tiếp với những khía cạnh mà bình thường tâm không nhìn thấy. Nhiều khi không phải dễ chấp nhận. Nếu ý tưởng tiêu cực không được nhìn là tiêu cực thì sẽ không thấy có tội lỗi và được phản ứng bình thường tức không chú ý đến hậu quả lâu dài. Trong trường hợp ngược lại, sẽ có phản ứng phải giải quyết và trận chiến nội tâm bắt đầu để phân biệt phải trái, tốt xấu dựa theo nghiệp quả. Đó cũng là khởi điểm của ý thức lành mạnh hóa tâm hay con đường tâm linh theo quan điểm Phật giáo. Nhiều người dừng ở thời điểm này và không muốn suy tư sâu hơn; tâm họ khéo léo nại ra nhiều lý do để khỏa lấp sự không muốn thay đổi của họ.
Ngày 5 tháng Giêng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với nhiều nghi thức trịnh trọng. Hai hôm sau lễ Kalachakra khai mạc. Ngài nói pháp nhiều lần trong suốt hai ngày đầu. Bài pháp của ngài luôn luôn rất dài và bằng thứ tiếng tôi không hiểu được nên tôi dễ chán và thường bỏ qua. May cho tôi là lễ đài được dựng ngay trước nghĩa địa mà chỗ tôi nhìn thấy rất rõ, tôi có thể nằm ngồi tùy ý, thành thử cũng đở. Nhưng đến phần quan trọng--lễ thọ giáo và truyền thừa--tôi nhiếp tâm và thể nhập với những gì Ngài tụng. Tôi tụng chú theo Ngài nhờ bài được in ra giấy và phát không cho mọi người trước. Tụng để người tu Bồ Tát giới thể nhập thần lực của bài chú đặc biệt này, thần lực khả dĩ trừ tà ma trong nội tâm và ngoài cõi Ta Bà. Tôi chưa thật lòng tin nhưng tôi làm theo và cảm thấy rất hân hoan. Vài hôm tiếp theo được dành riêng để Đức Đạt Lai Lạt Ma ban hồng ân cho cá nhân. Rất nhiều người, nhứt là người Tây Tạng, xếp từ ngai Ngài ngự trong Gompa ra ngoài, dài hằng cây số ngàn. Hàng nhích như rùa bò nên phải đợi nhiều giờ dưới nắng nóng. Tôi cũng muốn vào kính lễ Ngài nhưng đợi qua hôm sau lúc hàng ngắn bớt. Chiều ngày thứ hai, hàng xếp không dài quá cổng nhà nghỉ tức chỉ chừng mươi phút đợi, tôi vào hàng. Theo thông lệ, mỗi người được trịnh trọng đưa tới trước ngai của Ngài đặt cao trên tầm vai, dưng lên Ngài dải khăn trắng truyền thống và thành kính nghiêng mình xá. Ngài có thể để tay lên đầu tín
đồ hay nói vài câu ngắn. Đến lượt tôi, tôi dâng khăn và kính cẩn xá với ước nguyện được Ngài rờ đầu để tôi hân hạnh được nhận nhân điện của Ngài. Ngài có đặt tay lên đầu tôi nhưng tôi không thấy gì khác lạ. Tôi cảm thấy vui sướng vì tôi đã làm xong một bổn phận tâm linh.
Tôi bắt đầu nghĩ tới việc sẽ làm gì sau khi xong khóa học của Thầy Goenka vì khóa chỉ có mười hôm. Một trong những tưởng tượng đầu tiên của tôi là sống lõa thể trên bãi biển Goa. Đó là động cơ quan trọng nhứt thúc đẩy tôi đến Ấn Độ. Nhưng động cơ này bị khỏa lấp bởi những cảm hứng và bận rộn muốn làm con Phật lúc tôi tới Nepal và Bodhgaya.
Nay trở lại bình thường, ý tưởng đi Goa hóa thành hấp dẫn. Một mái chòi tranh trên bờ biển Goa rất có thể là nơi lý tưởng để tôi sống giản dị mà hành thiền và luyện yoga. Tuy nhiên tôi băn khoăn không biết mình có thể sống thuận với đạo pháp không, bởi ở đó tôi có thể sẽ lao theo nhiều cái vui dục thú. Tôi còn biết ở đó sẽ không thiếu cần sa ma túy và tôi có thể bị cám dỗ dễ dàng. Nhưng, nếu tôi không bị sa ngã, tôi sẽ thành công trên đường tu học vậy.
Tôi còn có nhiều lý do khác để đi xuống phía Nam ngang qua Goa. Tôi nghe nói ở Tích Lan có nhiều trung tâm thiền minh sát rất thuận tiện cho việc học hỏi thâm sâu. Một trong những trung tâm này còn có thầy nói tiếng Anh và dạy phương pháp như ông Joseph mô tả trước đây. Ngoài ra, việc xin chiếu khán 6-tháng vô Tích Lan không khó nếu là để học Phật. Người Tích Lan (còn gọi là Sinhalese) rất sùng đạo Phật và chánh quyền có chánh sách nâng đở người ngoại quốc tìm học đạo. Thêm vào, đời sống ở Tích Lan rất rẻ. Chiếu khán ở Ấn của tôi sẽ mãn hạn vào cuối tháng Ba, tôi phải ra đi một nơi nào đó. Goa là điểm đến xem ra thuận lợi nhứt. Đi Goa tôi sẽ có dịp ghé viếng các động ở Ajanta mà tôi từng nghe nói tới rất nhiều. Các động này nằm trên đường đi Bombay, thành phố mà tôi sẽ đi thăm. Trong hiện tại tôi tạm quyết định như vậy. Tôi nói tạm vì tôi còn tùy thuộc vào khóa học của Thầy Goenka. Lúc viếng Burmese Vihar ở Bodhgaya, theo sự chỉ vẽ, tôi có gởi bưu thiếp đi Pratagarth để xin ghi danh trước vì nghe nói khóa chỉ nhận tối đa bảy mươi học viên. Tới nay tôi chưa nhận được thư trả lời; các bạn khác cũng vậy. Nhưng chúng tôi quyết định cứ đi Pratapgarth, hy vọng sẽ có người bỏ chỗ vào giờ chót.
Trước khi rời Bodhgaya, tôi thi lễ trước cây Bồ Đề và bái lạy cũng như ngồi thiền trong chánh điện. Tôi muốn đem 'tinh thần Bodhgaya' theo với tôi bất kỳ ở nơi nào, dầu tôi biết tôi sẽ trở lại đây trong tương lai. Bodhgaya rất có duyên và luôn lan tỏa sự an lành mặc dầu đông đúc và bon chen theo kiểu thương mại. Lần đầu tiên tôi đến trên chiếc xe 3-bánh, tôi chưa kịp chuẩn bị tư tưởng; tôi đến vội và như người mù nên tôi không thể tự tạo được thái độ kính cẩn cần có trong chuyến hành hương. Hôm nay, để bù lại, tôi muốn ra đi với tinh thần thanh tịnh bằng cách đi bộ mười cây số trở lại Gaya trong không khí mát dịu của ban mai, dọc con suối đang cạn khô. Tôi có dịp thuởng lãm cảnh đồng quê hoang dã và tưởng tượng lúc Phật tại thế, cách nay 2.500 năm.
*
Chương 10
ANICCA, ANICCA, ANICCA[13]
Đường tới Pratapgarth đi ngược về Benares, nơi mà tôi đến vào lúc chiều tối. Tự xem mình là một Phật tử hành hương, tôi vô trú trong Burmese Vihar ở Benares, nhà nghỉ nằm gần ga xe lửa rất thuận tiện. Còn ba hôm nữa khóa học mới khai giảng nên tôi muốn lưu lại đây thêm một thời gian để thể nhập không khí đạo hạnh nhan nhản trong thành phố, nhứt là dọc theo bờ sông. Tôi trở lại bãi hỏa đàn để suy ngẫm về sự chết qua nhản quan Phật giáo mới của tôi; tôi thích thú lắm. Một chiều nọ tôi mướn xuồng qua bờ cát bên kia sông.. Bờ vắng, trừ vài người đang giặt hay phơi đồ dưới nắng nóng. Tôi cũng xuống giặt đồ và tắm mát; nước ở đây có vẻ sạch hơn bên phía thành phố. Tắm trong sông Hằng đuợc xem như đã tẩy tịnh. Tuy nhiên, đó không phải là động lực khiến tôi xuống nước và cũng không phải là ước vọng của tôi.
Ngày chót, tôi đi xuống Sarnath một lần nữa, lần này khác với lần trước vì những hiểu biết và lòng mộ đạo mới của tôi. Đền thờ chính mở cửa. Tôi vào xem các tranh vẽ trên tường mô tả các thời điểm quan trọng trong đời của Thái Tử Siddhartha. Tôi có cảm tưởng tôi gần gũi với con người của Đức Phật hơn và hiểu Ngài nhiều hơn khi Ngài xúc cảm cũng như đấu tranh để đạt sự toàn mỹ.
Có hai tu sĩ Tích Lan đang trụ trì tại chùa này. Tôi kể cho vị nói rành tiếng Anh rằng tôi dự tính sang viếng xứ ông để học thêm Phật pháp và nhứt là để học thiền. Ông rất niềm nở và khuyến thich tôi. Ông cho tôi tên của vài chùa lớn mà tôi nên viếng. Ông nói một trong các chùa này có thờ nha xá lợi (chiếc răng của Đức Phật) và đề nghị tôi đến lễ bái di vật thiêng liêng. Trước khi đi tôi ra góc phố tìm mua một số sách loại toát yếu nói về triết lý Theravada để đọc trên xe lửa và xe đò.
Trở lại Vihar chiều hôm ấy, tôi gặp một số hành khách sẽ đi cùng chuyến xe lửa tới Pratapgarth tối nay. Một trong số khách này là anh Stephen người Đức tôi có dịp gặp rồi lúc ở Athens và cũng là người đưa tin về Gail ở Gomera. Anh cũng đã đi Ấn và du lịch dã ngoại ở Nepal. Anh cũng vừa theo khóa thiền của Thầy Goenka ở Bodhgaya và, như nhiều người khác, đang dự tính theo học thêm khóa thiền minh sát kế tiếp. Anh ghi danh trước nên đã có thư chấp thuận rồi. Nhưng anh không thấy khỏe trong người nên sợ sẽ không theo nổi vì khóa học cần ngồi lâu.
Khóa sẽ khai giảng vào xế hôm sau. Có tin nói rằng khóa đã đầy và người đến trễ có thể sẽ không được nhận. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Trên chuyến xe tối nay có nhiều nhóm nhỏ người Tây Mỹ cùng đến Pratapgarth với mục đích như tôi. Khóa được tổ chức tại trung tâm thiền mới cất ở ngoại ô thành phố bụi bặm này, bên kia cầu. Đến nơi, chúng tôi vào hàng dài chờ ghi danh--trả mười lăm đô la học phí và được chỉ định cho một chỗ ngủ nghỉ. Trong vài trường hợp học viên phải tự tìm xem mình được chấp thuận chưa. Tôi có tên trong danh sách chờ, đứng số 2 trong mười người. Tôi được khuyên nên chờ vì có thể sẽ có người bỏ chỗ vào giờ chót. Tôi phấn khởi bởi hy vọng nhiều. Tôi nằm lại ngay trên đống rơm, nóng lòng chờ đợi. Một tiếng sau, tôi nghe gọi tên cho biết tôi được nhận.
Nơi bàn ghi danh tôi gặp lại Stephen. Anh nói vừa rút tên vì cảm thấy yếu người và nghĩ mình bị viêm gan thành thử không nên dự. Như vậy sẽ có thêm một chỗ cho người trong danh sách chờ. Stephen nói anh sẽ về lại Benares tịnh dưỡng. Tôi hiểu ngay và chúc anh mau mạnh. Sau đó tôi đi về lều chỉ định, trải nóp ra trên thảm rơm như hồi ở Kopan, rồi ngả lưng. Tôi tự hỏi phải chăng nhờ Stephen bỏ mà tôi có chỗ. Tôi tội nghiệp anh nhưng tôi biết đó là sự vận hành của nghiệp quả.
Đây là lần đầu tiên khóa tu học được tổ chức nơi mới xây này, nơi mà công trình chưa thiệt sự hoàn tất. Do đó, học viên hoặc sống trong hai mươi phòng cá nhơn 4'x8' hoặc trong lều nhà binh lớn như ở Kopan. Mỗi lều chứa mười người; tôi ở trong một lều đó. Thiền đường chung là toà nhà chưa xong nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Nền chỉ là một lớp rơm dày trải trên đất và xà ngang của trần còn nhiều cây tre cao chống đỡ.
Chuông rung mời mọi người đến thiền đường. Chúng tôi mỗi người đem theo gối và đệm của mình để lót ngồi trên nền rơm. Trong thiền đường nam nữ chia ngồi hai bên theo chiều dài. Chia hai phái là để tránh tình trạng các niệm không hay có thể dấy lên khi gần gũi. Người có sắc dục mạnh ngồi gần người khác phái có thể sẽ nảy sanh nhiều ý tưởng hay tưởng tượng vô bổ khả dĩ ngăn cản sự tập trung chú ý. Dầu chuyện không có xảy ra ở Kopan, tôi hiểu vấn đề rất rõ.
Học viên chúng tôi ngồi ngó lên phía có cái bục cao và đang im lặng đợi Thầy Sri U.N. Goenka đến. Thầy đến với bà. Bà mặc sà ri. Cả hai bước lên bục ngồi đối diện học viên. Tôi ngạc nhiên thấy bà tới với Thầy. Phải chăng là để cho biết thiền quán không có nghĩa là bỏ mặc gia đình hay thế giới như một số người lầm tưởng. Thầy lùn, tròn, tóc thưa chải gọn ghẽ, và râu cạo nhẵn nhụi. Thầy vận sà rong dài tới gót chân, loại y phục cổ truyền của Miến Điện và nhiều xứ Á Châu khác. Sà rong là một kiểu dhoti biến cải trang trọng của người Ấn. Nhìn chung Thầy có dáng dấp của nguời có học, tươm tất, đứng đắn, và đàng hoàng. Tuy nhiên tôi cảm thấy là lạ không biết tại sao người bụ bẫm và không có gì lôi cuốn như ông mà có thể là guru của hằng vạn tín đồ.
Thầy Goenkaji bắt đầu bằng cách tóm lược nhu cầu quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới như cách để đối trị bản ngã và làm tâm không những không quá khích mà còn dễ chấp nhận những điều học hỏi. Chúng tôi lập lại theo Thầy ba lần chú nguyện cổ truyền bằng tiếng Pali của tông Therevada. Chú nguyện này khác với chú nguyện ở Kopan. Kế, Thầy nói về các giới luật trong khóa học. Phải tuyệt đối giữ im lặng trong lúc thiền--để giữ tâm tập trung và hướng nội. Không nên tập lối thiền nào khác hay luyện du già. Tôi có nghe nói tới các luật này lúc ở Bodhgaga nên đã chuẩn bị trước. Tôi có thể thấy lợi ích không nên pha trộn các cách thiền quán nhưng tôi không hiểu tại sao luyện yoga lại có hại. Thầy nói làm vậy sẽ tạo nên sự phân tâm vô ích và làm loãng phép nhứt-điểm-tập-trung[14]. Tôi không tin lắm nhưng tôi làm theo dầu có hơi chống đối lúc ban đầu; nghĩ cũng ngồ ngộ. Chiều, chúng tôi
được ăn chút trái cây và uống ly sữa chớ không có ăn cơm. Tôi đã quen và rất thoải mái vì vào hai tuần chót tại Kopan tôi có ăn cơm tối lần nào đâu.
Thầy chia khóa 10-hôm ra làm hai giai đoạn. Ba hôm đầu giúp khóa sinh phát triển nhứt-điểm-tập-trung còn bảy ngày sau học thiền minh sát. Thiền minh sát có nghĩa dùng định lực quán chiếu vào tánh chân thực hay cơ bản của thân, tâm và vạn thể, nhìn chúng thật như là chúng chớ không phải như mình đã được dạy, lý gỉải, hay mong cầu. Cái nhìn tường tận và xuyên thấu ấy đòi hỏi sự tỉnh thức an tịnh và rốt ráo khả dĩ khám phá được những gì đang xảy ra trong thân một cách liên tục và từng giây từng phút. Kỹ thuật dùng để phát huy sự tỉnh thức đó là Anapanasati[15], từ Pali có nghĩa cảm nhận luồng không khí thở ra thở vô ngay ở chót mũi. Chúng tôi bắt đầu tập thở như vậy ngay trong đêm học đầu tiên.
Sau phần nhập môn khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi nghỉ giải lao bằng sữa và trái cây. Tiếp theo, chúng tôi trở vô thiền đường để tập thở anapanasati lối một tiếng, như đã được chỉ dẫn. Chúng tôi phải tập ngồi tréo chưn trong thế hoa sen, lưng thẳng đứng, đầu nhìn tới trước, hai bàn tay chồng lên nhau và đặt lên đùi. Chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến cảm giác do hơi thở ra vô ngay trên chót của hai lỗ mũi. Cảm giác ấy có thể là hơi ấm của khí thở khi khí chạm vách trong của hai lỗ mũi hay là ngay trên môi trên. Cũng có thể là cảm xúc như kim châm làm ngưa ngứa vùng mũi vừa nói. Chúng tôi không được nghĩ ngợi, diễn giải, hay có phản ứng, mà chỉ quan sát hay cảm nhận mỗi khi cảm giác hiện biến, đến rồi đi. Khi tâm bị xao lãng vì mơ màng, tê nhức, hay bất kỳ lý do nào khác, chúng tôi phải đưa định lực tỉnh thức trở lại chót mũi và bắt đầu quan sát tiếp. Đối với thiền sinh mới, Thầy cho biết, tâm thường lao xao rất nhiều lần trong một giờ thiền, nhưng xin đừng bực bội và nản chí. Công phu thực tập sẽ giúp tâm thư giãn và lắng đọng, cũng như sự tập trung hơi thở vào chót mũi sẽ gia tăng.
Tôi quen ngồi thiền Tây Tạng hằng giờ để suy tư và tưởng tượng. Bây giờ tôi không được nghĩ mà chỉ nghe và cảm nhận một cách tỉnh thức. Tôi còn thói quen suy nghĩ nên thỉnh thoảng bị vướng vô các chuỗi suy tư lê thê. Trong giờ thiền đầu tiên, tôi chỉ tập trung được tổng cộng chừng mười lăm phút, khoảng 15-30 giây mỗi lần. Rất may có Thầy Goenka
kế bên nhắc nhở phải ý thức hay cảm nhận hơi thở đang ra vô nơi đầu chót mũi, nếu không tôi đi lạc tuốt !
Một giờ gần cạn, có nhiều tiếng trở mình. Tôi cũng bị khó chịu và có đổi thế ngồi nhưng kín đáo chớ không nghe thành tiếng như một số bạn khác. Chuông báo hiệu giờ thiền đã mãn. Mọi người đồng thanh xướng "Sadhu, Sadhu, Sadhu" bằng giọng kéo dài. Sadhu[16]là tiếng Miến Điện và Tích Lan mà Phật tử địa phương dùng để nói lên sự tốt lành. Đó là cách thông thường chúng tôi chấm dứt buổi thiền tập.
Trước khi kết thúc buổi học tối, Thầy Goenkaji tụng vài đoạn kinh Pali và chú nguyện từ bi (lời của Thầy viết ra) gọi là 'Metta.' Sau đó Thầy nguyện: "Mọi chúng sanh xa lìa sân hận, tà tâm, ganh ghét, kiêu căng, và tự phụ. Mọi chúng sanh được tốt lành, an bình và hạnh phúc." Lời Thầy du dương và truyền cảm. Chúng tôi ngồi lặng thinh trong trạng thái thiền định. Tâm cảm nhận của chúng tôi dường như bị thu hút bởi lời nguyện đầy chân tình và giọng nói hiền hòa của Thầy. Mọi buồn phiền đối với bất cứ ai hầu như tan biến. Tâm cảm nhận của chúng tôi dường như bị thu hút bởi lời nguyện đầy chân tình và giọng nói hiền hòa của Thầy. Mọi buồn phiền đối với bất cứ ai hầu như tan biến bởi tiếng cầu xin chân thật và thiết tha của Thầy: Thầy xin tình thân hữu và tình thương hòa đồng của mọi chúng sanh. Đó là 'Từ--Metta,' một hình thức thiền định phổ thông trong các quốc gia tu Phật theo tông Theravada. Chúng tôi mở rộng tâm nhận Metta và chuyểnMettađến vạn hữu. Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với công phu tu hạnh Bồ Tát.
Trong hai ngày kế tiếp, khả năng chú ý đưa hơi thở lên mũi của tôi khá dần ra. Tâm tôi bớt lao xao và thân tôi thêm thư giãn. Nhịp thở của tôi chậm lại rất nhiều và tôi khó nhận ra luồng không khí ra vô qua mũi. Trong những lúc an tịnh sâu lắng như vậy, tôi cảm thấy thân tâm mình nhẹ bỗng như lông hồng. Dường như không còn phiền não và mọi việc đều tuyệt hảo. Thỉnh thoảng tôi cảm nhận như có luồng sinh lực ấm áp lan tỏa khắp châu thân tương tợ những làn sóng nhỏ trườn nhẹ lên bãi. Đôi khi tôi cảm thấy có đốm sáng như sao trên vòm trời đen hay như lửa đom đóm trong đêm tối hiện ra sau làn mi nhắm kín. Lần khác tôi thấy một thứ ánh sáng dịu lóe trong đầu. Những hiện tượng ấy hiện biến trong vòng đôi giây nhưng khá thường xuyên ở khoảng nửa tiếng sau của giờ thiền.
Trong thời vấn đạo, tôi hỏi Thầy về các hiện tượng nói trên. Thầy nói đó cho thấy tâm tôi tương đối tĩnh lặng và tôi tương đối thành công trong việc tập trung tâm ý. Nhiều bạn khác tường trình nhiều hiện tượng tương tự, có khi còn tuyệt diệu hơn. Thầy khuyên chúng tôi nên thận trọng và đừng vội quan trọng hóa vấn đề vì làm vậy chúng tôi sẽ bị phân tâm và sẽ gặp trở ngại trong công phu thiền.
Trong những ngày đầu tiên ấy, Thầy Goenkaji nói pháp liên hệ đến sự phát triển của tâm theo quan điểm Theravada. Thầy giải thích tỉ mỉ sự chuyên cần giữ năm giới và cho biết tại sao đời sống luân lý thích ứng với công phu hành thiền và cuộc sống hằng ngày nói chung. Thầy nhấn mạnh đến sự phải có đức tin vững chắc nơi Tam Bảo để giữ đúng con đường đạo pháp.
Thầy nói đến những khác biệt giữa lời dạy của Phật và kinh sách thần quyền, lưu ý chỗ Tứ Diệu Đế được đặt trên sự quán xét nội tâm và thực tại một cách trực tiếp và thâm sâu. Phật giáo không hướng về tương lai, không tìm hạnh phúc ở thế giới xa xăm của ngày mai. Phật giáo quan tâm đến việc tạo dựng thiên đàng ngay trên quả đất này, bằng cách đem sự toại nguyện,, sung sướng và hạnh phúc trọn vẹn ngay tại đây và hôm nay. Thâm tâm của chúng ta là một phòng thí nghiệm lưu động trong ấy chúng ta có thể quán chiếu bản thể chân thật của chúng ta. Hai dụng cụ tâm linh giúp chúng ta trong việc quán chiếu này là sự tập trung hay an định tâm (samatha) và sự minh sát (vipassana) khả dĩ thấu hiểu những gì đang xảy ra. Tập trung giống như điều chỉnh kính hiển vi để nhìn thấy rõ mẫu vật quan sát. Quán định như là đôi mắt giúp nhà khoa học quan sát và xét nghiệm những yếu tố tiềm ẩn và những cử động của mẫu thí nghiệm. Bằng cách như vậy, Đức Phật đã đạt được sự quán sát sâu thẳm vào bản thể của thân và tâm, và ngộ được sự thật tối hậu của cuộc sống.
Đến chiều ngày thứ ba, khóa học chuyển sang thiền minh sát. Thầy Goenkaji hướng dẫn chúng tôi quán xét thân y như tôi đã nghe Jim mô tả lúc ở Tatopani. Chúng tôi bắt đầu bằng cách tập trung định lực vào một điểm lớn bằng chừng đồng tiền 25 xu trên đỉnh đầu. Đồng thời chúng tôi thức tỉnh xem có cảm giác gì khác lạ không. Tiếp theo chúng tôi đưa định lực này xuống tai mặt và quan sát như đã dạy. Rồi sang tai trái, mũi, mắt, miệng, cằm, cổ, ót, hai vai, hai tay, đến các ngón tay. Bằng giọng nói trầm cảm như thôi miên, Thầy hướng dẫn tiếp, đi từ ngực xuống bụng, sang hai bên mông, hai chân cho tới các ngón chân. Ở mỗi nơi chúng tôi quan sát mọi thay đổi nếu có. Quán xét trọn thân thể mất chừng một tiếng.
Nhờ có Thầy chỉ dẫn từng ly từng tí nên tôi theo rất dễ và tôi có thể đưa định lực mình trở về điểm tập trung mỗi khi Thầy nhắc nhở. Tôi cảm thấy tâm tôi như lao tới lao lui giữa các điểm. Thầy Goenkaji hướng dẫn thêm vài lần nữa cho tới khi chúng tôi nhớ hết diễn tiến.
Khi khả năng nhận biết các cảm giác đã nhuần nhuyễn, chúng tôi được dạy đưa định lực tỉnh thức mình một cách tổng quát hơn mà Thầy gọi là 'quét--sweeping.' Chúng tôi 'quét' từ đầu xuống châu thân không dừng lại một điểm nào cả. Khi đến đầu ngón chân, sự quán sát được đưa trở lên đỉnh đầu và 'quét' lại. Chừng tập thuần thục rồi, chúng tôicó thể 'quét' từ chân lên đầu hay từ đầu xuống chân và 'quét' nhiều lần như vậy. Sau khi 'quét' lên xuống một đỗi, chúng tôi có cảm tưởng như toàn thân thể chỉ là một khối cảm giác đang thay đổi.
Một đêm nọ, trong buổi nói pháp, Thầy Goenkaji giảng kỹ về quan niệm Vô Thường. Vô thường là tiến trình của sự thay đổi không ngừng hay là của những thay đổi không ổn định mà tất cả hiện tượng vật chất hay tinh thần đều phải trải qua. Vật chất kể cả thân thể gồm bốn nguyên tố căn bản là Đất, Nước, Gió, và Lửa. Những nguyên tố này phối hợp theo nhiều tỷ lệ khác nhau tạo nên nguyên tử, phân tử, tế bào, mô, xương, vân vân của thân thể. Chúng thay đổi triền miên và tế bào sanh diệt hằng giây. Sự tiếp xúc, cử động và phản ứng với nhau tạo ra cảm giác và cảm thọ mà chúng ta chứng nghiệm.
Nhờ vào định lực tỉnh thức của thiền minh sát, chúng ta quay về quán xét thấu trong thân, đến tận lãnh vực hoạt động của tế bào hay nguyên tử. Và, chúng ta chứng nghiệm được tánh vô thường của thân. Chúng ta thấy rằng thân của con người cũng như tất cả thế giới vật thể chỉ là những tập hợp của bốn nguyên tố vô ngã ấy. Mục đích của sự quán xét này là để giúp chúng ta thức tỉnh hầu hiểu biết tiến trình thay đổi của vạn vật và cảm nhận chớ không nắm bắt cảm giác đến rồi đi của khổ cũng như lạc. Thậm chí chúng ta cũng không nên cố giữ cảm thọ vui sướng[17]vì chúng cũng chỉ thoáng qua. Nắm giữ chúng chỉ tạo thêm khó xử, phiền toái, khổ đau, và thất vọng. Theo định luật thiên nhiên, có sanh thì có diệt. Tất cả đều vô thường. Tâm buông xả, không vướng mắc vào vô thường là tâm thật sự an tịnh.
Ngoài tính vô thường của thân, thiền minh sát còn giúp chúng tôi hiểu thế nào là tính vô thường của tâm. Lúc 'quét' chúng tôi nhận thấy nhiều ý tưởng, cảm thọ, cảm giác và tập quán tự dưng đến không sao kiểm soát hay kiềm chế nổi. Do đó, chúng tôi bắt đầu nhìn cuộc sống dưới một góc độ khác: cuộc sống phải thuận với quy định tự nhiên trong nội tâm và ngoại tại. Và, chúng tôi có cảm tưởng mình ít bị kiến chấp chi phối hơn để có thể tạo thêm không gian tâm linh và trí huệ khả dĩ giảm thiểu buồn phiền và sầu muộn mà chúng tôi tự mang vào thân mỗi ngày. Trong lúc thiền tập thể, Thầy Goenkaji thường dùng chữ Anicca, Anicca, Anicca--mỗi khi chúng tôi quên hay đi lệch hướng. Lúc kết thúc Thầy thuờng tụng một bài kệ bằng tiếng Pali mô tả trí huệ liên quan đến thiền quán: "Vạn vật tùy duyên đều vô thường; ai thấy được bằng huệ nhãn, người ấy đang trên đường tẩy tịnh."
Trong lúc hành thiền 'quét', tôi cảm thấy thân tôi thêm thư giãn và tâm tôi thêm định lực. Tôi cảm nhận được cảm giác trong nhiều lãnh vực và dưới nhiều mức độ khác nhau. Dường như tôi đang khám phá và khảo sát một thực tế toàn diện riêng biệt trong thân tôi và tôi rất thích thú được quán sát nó. Tôi thể nghiệm nhiều cảm thọ vui sướng cũng như buồn đau. Cảm giác đau thường thấy nơi bàn tọa, đầu gối, mắt cá, và xương sống vì ngồi lâu. Lúc hành thiền Tây Tạng, tâm tôi bận rộn với suy tư và không để ý tới thân, nên tôi quên hẳn đau nhức. Hay là tôi tự động trở mình nên không bị khó chịu. Trong phép thiền minh sát này, mục đích là quán xét thân với tất cả cảm giác nhỏ nhặt nhứt, nên chi đau nhức hóa ra dễ nhận diện, chớ không thể bỏ qua hay quên đi. Tôi nhận thấy tâm tôi có kháng cự và tôi phải vất vả đè nén.
Mỗi sáng thức dậy lúc 5:00 giờ, chúng tôi ngồi lại tại chỗ để tập 'quét' ít nhứt một tiếng cho đến lúc ăn sáng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi cũng 'quét', nhưng nằm. 'Quét nằm' giúp tạo nên một dòng cảm thọ tịnh lạc khắp thân tâm và được xem như tẩy tịnh cũng như quét rác ra khỏi nhà. Tôi có cảm giác dễ ngủ hơn. Thầy Goenkaji cho rằng thiền quán như vậy có thể chữa được một số bịnh, nhứt là chứng nhức đầu đông. Nghe nói nhiều người thực tập phương pháp 'quét' này hằng ngày thấy áp huyết hạ và khối u xẹp.
Tiếp theo, Thầy Goenkaji giảng về 'quyết tâm ngồi'. Vào thời điểm này chúng tôi phải nguyện quyết tâm giữ thân hoàn toàn bất động. Tập không cử động một mảy may nào trong suốt một giờ ngồi thiền, Thầy nói, là để làm tăng sự tập trung và nâng cao sự tỉnh thức. Tê nhức chắc chắn sẽ khó chịu vì chúng ta ép xác, nhưng về lâu về dài chúng ta sẽ đạt được sức mạnh tinh thần. Nếu không nhiếp tâm nguyện--chuyện thường xảy ra cho người mới học thiền--sự tỉnh thức và dũng cảm sẽ không đủ cao để có thể khắc phục ý muốn thông thường là 'loại bỏ đau nhức'. Nhứt quyết ngồi như vậy cũng sẽ giúp chúng ta quán chiếu sâu vào trong bản chất tối hậu của cảm giác đau nhức. Tôi nhận thấy công phu thiền quán này rất sâu sắc và hữu ích. Trong thời gian nguyện tôi có dịp trực diện với tê nhức và nhận thức rằng hoặc rán ngồi với cái đau hoặc tìm cách loại nó. Như đã được dạy, tôi tinh cần quán xét thân thể như là một tập hợp vô ngã của bốn nguyên tố (tứ đại) và cảm giác sanh rồi diệt. Nhờ vậy tôi thấy càng lúc càng bớt khó chịu, đau nhức mỗi lúc mỗi bớt dần và 'không gian tâm linh' càng ngày càng phát lộ. Trong khoảng không gian ấy tôi có thể nhìn thấy rõ ràng hơn các mối liên hệ giữa tâm và thân trong vấn đề đau nhức. Nếu chúng ta xem thân như 'cái tôi' hay 'của tôi', tâm chúng ta sẽ có những phản ứng tự phát thông thường với mọi kích thích và cảm giác xảy đến. Qua duyên khởi, tâm sẽ nhận diện một số cảm giác như thoải mái và một số khác như không thoải mái và phản ứng thuận hay nghịch tùy trường hợp.
Quán sát tâm như một tập hợp của tứ đại còn làm giảm thiểu mối liên hệ giữa thân và tâm. Biết vậy, tôi bắt đầu thực nghiệm sự giảm bớt đau nhức. Cảm giác vẫn còn nhưng không rõ nét và sâu đậm vì đến rồi đi vào trong hậu trường của sự tỉnh thức vô tham (detached awareness). Tôi không còn để ý tới chúng nữa và có thể ngồi hằng giờ không cần xoay trở. Tôi thầm cám ơn và vui thích nghe lời Thầy nhủ Anicca, Anicca, Anicca vì hiểu rằng quan niệm về đau và phản ứng với đau (vui thú cũng vậy) chỉ do nơi tâm mà ra. Thế mới biết tại sao con người có thể tự tạo ra thiên đường hay địa ngục cho chính mình ngay trong cuộc đời này. Với những nhận thức đó, tôi bắt đầu thấy được đâu là cốt lõi của công phu hành thiền mà tôi đi tìm bao lâu nay. Tôi cảm thấy sung sướng và say sưa theo đuổi. Tôi quyết xem mỗi giờ tọa thiền như một lời nguyền. Và tôi thật sự cảm kích lời bi nguyện mà Thầy Guruji hồi hướng hằng đêm.
Sau một giờ ngồi thiền thường lệ, nếu ai muốn ngồi thêm cho đến lúc giải lao thì cứ tự tiện. Nhiều lúc tôi ngồi lại lâu hơn vì muốm xem tôi có thể chịu đựng tới mức nào, chịu đựng các đau nhức như buốt nơi đầu gối và sau lưng mà tôi thường thấy sau bốn mươi lăm phút hay một giờ ngồi bất động. Một lần nữa 'cái tôi' của tôi bắt tôi vào cuộc tranh đua xem ai ngồi lâu hơn ai. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ cuộc ra ngoài. 'Cái tôi' của tôi tâng tôi lên làm 'ông vua ngồi' và buộc tôi phải ngồi lâu hơn ít ra là một bạn nữa. Tuy biết đó là một sự nung chí không chánh đáng nhưng tôi có dịp tập ngồi lâu hơn--mọi thứ đều có thể giúp ích. Tôi cố ngồi càng lâu càng tốt, nhưng đến lúc không kham nổi tôi cũng 'ao[18]' và ra ngoài tìm không khí mới.
Một lần nọ, tôi thành nhà vô địch. Tôi ngồi suốt hai tiếng với định tâm và tỉnh thức cao. Tôi có bị tê nhưng tôi bình tâm cố nén. Bất thần sự tỉnh thức của tôi vượt qua khỏi rào đau nhức vào trong cõi an tịnh. Tôi không còn cảm thọ nào về tự thể và cả các cảm giác sanh diệt của mình. Tôi có cảm tưởng như đang lơ lửng giữa không trung và không có trọng lượng. Tôi thấy luồng ánh sáng dịu lóe trong đầu dẫu ranh giới giữa đầu và thân không còn nhận ra. Tôi không thể cử động cũng không thể suy nghĩ. Tôi đang thức tỉnh kỳ diệu trong im lặng dầu không có gì nhiều để tỉnh thức.
Vào những ngày chót của khóa học, bịnh đường ruột của tôi trở lại. Tôi bị bịnh này hồi ở Afghanistan nhưng đã được chữa khỏi rồi, chỉ còn đi chảy đôi khi mà thôi. Nay không biết sao nó lại tái phát. Tôi hơi lo vì sợ phải bỏ lỡ khóa học nếu bịnh tệ hơn. Ngoài ra, cầu tiêu ở đây không mấy tiện nghi bởi được xây gấp rút cho khóa học và không đủ chỗ cho số đông--chỉ có ba cầu. Sáng sớm hay khi nghỉ giải lao thường có hai ba người chờ trước mỗi nhà cầu rồi. Một sáng nọ, tôi dậy theo tiếng chuông báo thức, tôi cần đi cầu và lật đật xách khăn chạy u ra nhà vệ sinh gần lều để rồi thất vọng vì đã có người đợi rồi. Không thể chần chờ, tôi ngó quanh tìm chỗ và thấy một bụi sau lều. Tôi chạy đại ra đó không cần nghĩ suy. Nhưng hỡi ôi không còn kịp nữa; chiếc quần vải của tôi đã bị ... rồi không còn cứu vãn nổi. Không muốn giặt để xài lại, tôi bèn dùng quần lau sạch và chôn luôn quần sau đám cây. May tôi có quơ theo cái khăn nên lấy quấn đỡ rồi rón rén về phòng hy vọng không ai thấy hay nghe mùi lạ. Tôi mừng thấy các bạn mình hoặc còn ngủ hoặc đã ra ngoài. Tôi vội tròng chiếc jalabavô và ra phòng tắm. Xong, tôi trở về lều cùng các bạn ngồi thiền. Không cần nói ai cũng biết tôi không sao tập trung được. Tôi nơm nớp lo mùi lạ từ bụi rậm bay vô hay cái quần dơ bị chó đánh mùi bươi lên; hai niệm này phát khởi và tồn tại chớ không ra đi.
Trọn buổi sáng tôi không tài nào tập trung quán niệm. Tôi cứ nhớ tới việc đã xảy ra và cảm thấy lo lắng. Có lần tôi thấy câu chuyện hơi khôi hài và bật cười một mình cùng lúc tôi quay lại khúc phim khôi hài đó trong đầu. Tôi thật tình hy vọng đoạn phim kia sẽ không bao giờ tái diễn. Không có, nhưng tôi không dám ngồi rán nữa vì phải lo xếp hàng để giải quyết nhu cầu thiết yếu trước.
Vào ngày chót, Thầy Goenkaji thuyết về Bát Chánh Đạo và Đạo Đế của Tứ Diệu Đế. Đó là toa thuốc của Phật kê đơn sự suy tư và quán niệm tuyệt diệu khả dĩ giúp hành giả chứng ngộ sự tự do tối thượng trong đời sống và sự giác ngộ tối hậu. Có cả thảy tám hình thức tu luyện thân tâm, thể hiện trọn vẹn sự hành trì Phật pháp trên bình diện thực tiễn. Con đường tu (Đạo) của Phật dạy bắt đầu bằng Chánh Niệm. Hành giả phải có ít nhứt tri giác để hiểu Tứ Diệu Đế, đặc biệt là hiểu luật nhơn quả cùng những giềng mối liên hệ đến tâm và khổ. Chánh niệm được xem như động lực tiên khởi thúc đẩy việc tìm cầu tâm linh hay ít ra là để làm sáng tâm và cuộc đời. Chánh niệm được nối tiếp bởi Chánh Kiến. Hành giả phải thường xuyên nghĩ tới Phật pháp, mong cầu đạt sở nguyện và gạt bỏ mọi ý tưởng cũng như hành động không lành. Hiểu đúng và mong cầu tốt phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày bằng cách hành trì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng.
Bát chánh đạo được ví như tám cây căm của bánh xe. Tất cả phải tốt như nhau để bánh xe có thể lăn êm ái và hữu hiệu. Nếu một căm bị yếu hay thiếu, bánh xe sẽ khập khểnh. Hành trì Bát chánh đạo cũng thế, phải tốt như nhau vì tám đường chánh hỗ trợ lẫn nhau. Khi sự hiểu biết và tinh cần phát triển thì sự hành trì Phật pháp sẽ có đà tiến tới cho đến khi đích là Niết Bàn được đạt. Đức Phật đã gọi buổi thuyết pháp đầu tiên của Ngài trong Vườn Lộc Uyển ở Sarnath là 'Chuyển Pháp Luân'.
Được nghe những lời dạy đơn giản, rõ ràng và đầy ý nghĩa của Tiểu Thừa và được hành thiền như đã học hỏi, tôi hiểu đạo Phật và cuộc đời một cách thâm sâu hơn. Bát chánh đạo là một tiến trình từng bước rất hợp lý và toàn vẹn giúp tâm đạt được giác ngộ. Tuy nhiên hành giả phải tự bắt đầu và tự đi; Phật chỉ là người chỉ đường. Thật vậy, trước khi nhập diệt, Đức Phật từng nói lời sau cùng với các tỳ kheo và cư sĩ đang khóc biệt ly rằng: "Ta đã trình bày tỉ mỉ Phật pháp bằng nhiều cách, không có gì dấu diếm; hảy về nương tựa nơi Phật pháp; đốt lên ngọn đèn Phật pháp trong tâm; đừng nhờ ai cứu rỗi. Duyên sanh vạn hữu đều vô thường; hãy tinh tấn tự cứu mình." Đó là con đường tôi bắt đầu thấy và sẽ theo. Tôi lần hồi nghiêng về Theravada hay Hinayana, có thể Lạt Ma Zopa và Lạt Ma Yeshe sẽ phải lắc đầu, nhưng tôi không biết làm sao hơn.
Ngày giờ hình như đi qua quá nhanh. Tôi bàng hoàng khi nghĩ tới lúc ra đi trong vài hôm sắp tới. Tôi sẽ phải rời môi truờng định tỉnh của trung tâm thiền này để trở lại quang cảnh thành đô hỗn độn của xứ Ấn, đôi co với phu xe, và bon chen trong nhà ga xe lửa. Ngay ngoài vòng rào của khu này đã có nhiều người Ấn Độ hiếu kỳ thường xuyên chỏ mắt nhìn vào rồi. Họ đứng hằng giờ để xem chúng tôi trong này đi tới lui lúc giải lao, xếp hàng chờ cơm, hay ngồi chụm năm chụm bảy dùng bữa ngoài sân. Tôi tức cười khi nghĩ các người dân quê mùa mộc mạc này lấy làm lạ không biết bọn da trắng ngoại quốc chúng tôi đang làm gì trong rào. Nhiều lúc tôi thấy thương hại họ và tôi không quên cầu phước cho họ trong lời chú nguyện Bồ Tát khi kết thúc ngày học. Trong lúc Thầy Goenkaji ru hồn chúng tôi bằng Metta, tôi xin phép được thêm vào lời niệm Phật. Tôi nghĩ chắc không có gì sai trái, ngược lại tôi có cảm tưởng phối hợp lời nguyện Bồ Tát và Phật rất cao đẹp.
Vào đêm chót Thầy Goenkaji thuyết về tâm Từ (Metta)và hướng dẫn chúng tôi thiền quán về đề tài này. Bài giảng của Thầy rất hứng khởi và buổi thiền tập dài hơn mọi khi. Chúng tôi chú tâm nghe và thực tập tinh tấn. Tôi vô cùng vui sướng đến rơi nước mắt. Nhiều bạn đồng khóa khác cũng có cảm giác tương tự vì giọng nói truyền cảm của Thầy làm tình cảm của mọi người dâng trào. Hơn thế nữa, Thầy chúng tôi đang chân thành và rộng tâm hồi hướng công đức từ bi cho chúng tôi cùng tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà này.
Sáng hôm sau, Thầy Goenkaji kết thúc khóa học bằng những lời khuyên thiết thực giúp chúng tôi tiếp tục tự hành thiền minh sát về sau. Thầy nói hiện nay có nhiều thầy dạy nhiều cách thiền quán khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không nên pha trộn vì pha trộn sẽ không ích lợi mà khó đạt thành chánh quả bởi hành giả sẽ phải đổi cách liên tục, bị rối tâm, và khó quy tụ định lực. Nếu thấy rằng phương pháp thiền minh sát này có tác dụng phá chấp và giúp soi rọi được nội tâm, chúng tôi nên giữ lấy và triển khai triệt để thay vì bôn ba chạy tìm học các phương cách khác.
Thầy đề nghị chúng tôi nên ngồi thiền hai lần mỗi ngày dầu chúng tôi có đi đâu, như hồi hương, tiếp tục du lịch, hay trở về đời sống hằng ngày. Lý tưởng nhứt là ngồi thiền một tiếng ngay sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Đừng quên phần hồi hướng từ bi khi kết thúc giờ thiền. Bấy nhiêu tạm gọi đủ để duy trì lợi lạc, nuôi dưỡng định lực và tăng gia trí huệ cũng như phá chấp. Mỗi năm nên tham gia ít nhứt một khóa học tập trung chừng mười hôm có thầy dạy hay một khóa tự học để bồi dưỡng kiến thức và hành trì chuyên sâu hơn. Thực tập tối thiểu như vậy được xem như đầy đủ đối với người cư sĩ tu tại gia bởi họ không thể thiền quán liên tục như các vị xuất gia vào rừng tu. Thầy cũng khuyên chúng tôi nên giữ năm giới trong đời sống hằng ngày để cuộc sống bớt tội lỗi và cho tâm được thoải mái hơn.
Trước khi mãn khóa, mỗi chúng tôi đều có cơ hội gặp riêng Thầy để cám ơn người đã rộng lòng dạy dỗ Phật pháp cho chúng tôi và cũng để mỗi người chúng tôi có dịp giải tỏa thắc mắc nếu có. Tôi thưa với Thầy rằng phương pháp thiền 'quét' đã thay đổi trọn vẹn cách hành thiền của tôi và tôi chân thành cảm tạ Thầy. Tôi cũng có hỏi chớ tôi có thể dạy lại người khác không--tôi nghĩ tới ba má tôi. Được, Thầy trả lời, nhưng tôi không nên thay đổi mảy may nào mà nên chỉ dẫn đúng y như tôi đã học từ nơi Thầy. Thầy còn khuyên tôi không nên tự xem mình là thầy mà nên kiên tâm thực hành cho mình để đạt kết quả mong muốn. Tôi cung kính chắp tay cúi đầu theo thông lệ và cáo từ trong niềm vui mới. Bây giờ tôi sẵn sàng lên đường.
Trong những ngày học chót, những lo lắng chuẩn bị cũng như các ước mơ sẽ làm gì trong thời gian sắp tới thuờng đến với tôi dầu tôi cố đẩy chúng ra một bên. Nhưng sau cùng tôi quyết định đi Goa. Đã vào đầu tháng Hai rồi. Tiết Đông dịu mát và dễ chịu sắp chấm dứt nhường chỗ cho khí trời nóng bức và ẩm thấp tràn về miền biển phía Nam Ấn Độ. Tôi hy vọng sẽ được một tháng thoải mái, sống lõa thân trên bờ biển và tiếp tục thiền quán. Tôi cũng sẽ luyện du già mà tôi phải bỏ hồi gần đây vì khóa học. Thầy Goenkaji nói luyện du già không sao, nhưng không nên quá bận tâm với thể xác mà không còn đủ thì giờ cho thiền quán. Từ Goa, tôi có thể sẽ đi Tích Lan để theo học thêm trong những trung tâm thiền. Nhưng việc trước nên làm trước: tôi sẽ cùng một số bạn đồng khóa lấy xe lửa đi Benares và trở lại ở đằng Burmese Vihar.
Tôi có gặp một ít du khách Tây Mỹ và được họ chỉ cho đường đi tốt nhứt xuống Goa và tôi đã xếp đặt xong xuôi mọi việc. Tôi sẽ đi xe lửa xuống Bombay rồi từ đó lấy tàu qua Panjim, thủ phủ của Goa. Trên đường xuôi Nam tôi sẽ tạt qua viếng các động cổ Phật giáo vĩ đại ở Ajanta mà hầu hết du khách đều ngợi khen và cho rằng không thể bỏ qua nếu đang ở trong vùng. Tôi nghĩ tôi là một Phật tử đi hành hương nên chuyện đến viếng Động Ajanta rất là hợp lý và thú vị vậy.
*
Chương 11
ĐỘNG AJANTA, AURANGABAD
Xe lửa vô ga Jalgoan đúng giờ, lúc sáng sớm. Tôi vui mừng. Sân ga yên tĩnh. Bà con còn ngon giấc đó đây. Nhìn quanh thấy có chỗ trống trong phòng đợi hạng nhì, tôi bèn tới đó trải chăn ra. Thừa lúc ban mai vắng vẻ tôi ngồi một giờ thiền 'quét' và rải tâm từ, trước khi hành khách bắt đầu lao xao ồn ào đón xe đến. Tôi cảm thấy hình như tôi muốn ngồi nán lại lâu hơn để cho thiên hạ biết tôi là một nhà thiền yoga. Tôi nghĩ đó là điều tốt giúp dân Ấn quanh đây thấy có người, mà là người ngoại quốc, đang tu tập truyền thống của họ mà họ đã quên hay giả quên. Tôi thử phân tích lý do khiến tôi có ý phô trương. Phải chăng đó là sự hãnh diện hoàn toàn tự kỷ của tôi muốn chứng tỏ mình đạo hạnh hơn họ hay là lòng từ bi chơn thật của tôi muốn họ chớ quên tập tục cổ truyền cao đẹp của họ rồi tự vấn lương tâm. Có thể là cả hai cộng với ước muốn làm lợi lạc cho chính tôi nữa. Đây là một hình thức tự xét mà tôi cần phải lập đi lập lại nhiều lần trong tương lai.
Ajanta cách đây chừng trăm dặm, tôi sẽ quá giang xe đến đó, nhưng bây giờ tôi phải ăn chén khoai tán lót lòng trước đã. Trên đường rời thành phố tôi đi ngang một chùa Chà sơn phết sặc sỡ. Tôi dừng lại xem sinh hoạt của chùa. Hai đạo sĩ Bà La Môn vận khố dhotiđể ngực trần đang làm lễ puja sáng, tắm các tượng thần cùng lúc rung chuông, thắp hương và đọc chú tiếng Phạn. Một số tín đồ đứng sẵn chờ nhận phấn xám và đỏ điểm lên trán. Không khí thiêng liêng thành kính bao trùm ngôi chùa nhỏ. Tôi bất giác nghĩ đến lý do của các nghi thức cúng tế linh thần. Mà Thần Linh là ai? Có phải là tinh lực sáng tạo hay nguyên lý ý thức phổ bác điều hành thế giới chuyển biến duyên sanh hiện hữu? Nếu vậy thì sao lại cần đến các hình tượng, puja, phấn màu, vân vân. Tôi không am tường đạo Hindu nên khó có thể nhận xét đúng mức. Tôi hy vọng có thể hiểu biết hơn sau khi được vào một Ashram[19]Du Già. Còn bây giờ tôi nghĩ thiền minh sát có lẽ trực tiếp và giản dị hơn.
Các Động Ajanta được khoét sâu trong khối đá hoa cương hình vòng cung giữa thế kỷ thứ VI-XII trước Tây lịch. Công tác vĩ đại này được khởi xướng và thực hiện bởi nhiều tu sĩ nhiệt tâm và sùng đạo. Có hai mươi chín động tất cả. Hầu hết được dùng làm tịnh xá, thiền đường và chánh điện. Nhiều hình Phật to được khắc thẳng lên vách động. Cũng có nhiều tranh hay bích họa nói về Phật pháp mà tôi ngạc nhiên thấy một số còn nguyên vẹn.
Các động nằm trên vách đứng của một con sông hẹp. Sông chảy ngoằn ngoèo và bắt nguồn chỗ cái thác đổ từ trên con lạch sâu xuống hồ dưới chân thác. Cạnh hồ là vườn cây xanh mướt với nhiều bàn ăn ngoài trời. Dòng sông khoét thành hẻm núi sâu xuống lòng đất. Nhìn quang cảnh thơ mộng chung quanh, tôi ước ao mình được ngủ đêm nay tại đây dưới ánh trăng tròn. Tôi thấy có một ít nhân viên kiểm lâm đang trèo dốc lên điếm canh trên đỉnh bờ đá đối diện các động. Tôi bắt chước leo theo lên đỉnh. Tôi tới một điểm quan sát; điểm có mái che và ghế đá. Cảnh trí nhìn từ đây--ngang qua sông đến các động--thật huyền hoặc. Bờ đá vành móng ngựa uốn cong theo hẻm núi với các cửa động được nhìn thấy rõ ràng từ đầu đến cuối. Nguồn của hẻm núi với dòng thác đổ, công viên và hồ nước trông đẹp tuyệt từ góc nhìn này. Tôi tưởng tượng lúc trăng lên, ánh trăng sẽ biến toàn khu vực thành tiên giới. Không do dự, tôi quyết định sẽ thưởng thức trăng tròn đêm nay tại đây. Tôi bèn đi tìm gom một mớ cỏ khô để làm đệm tạm ngả lưng lúc cần.
Con đường mòn dọc theo bờ đá đứng dẫn từ đây đến nguồn thác rồi băng qua bên kia tới một làng nhỏ cách thác chừng nửa dặm. Hầu hết các nhân viên kiểm lâm và phu rừng đang lần lượt về làng; nhà cửa họ ở đó. Vài anh tạt qua chỗ tôi ngồi ngắm mặt trời lặn để hỏi chuyện. Họ nói tiếng Anh khá. Họ cho biết nơi này không thể nghỉ lại đêm vì lạnh và có nhiều rắn rít lắm. Họ hỏi tôi ăn uống thế nào. Tôi lấy chuối và đậu phộng chỉ họ coi. Họ tỏ vẻ thương hại tôi kham khổ. Một anh thân mật mời tôi theo về nhà anh ăn tối với cơm sốt, chapattis, dhalsvà rau sống, và ngủ lại trên giường đan giây của anh. Tôi cảm kích lắm nhưng xin từ chối lòng hiếu khách chơn thành của anh. Tôi không muốn rời cảnh quang hùng vĩ và đang chờ trăng lên. Biết tôi tha thiết muốn ở lại nơi này, anh hứa sẽ đem ra cho tôi ít sữa và chapattissáng hôm sau khi anh trên đường đi làm.
Lúc trăng vừa ló khỏi chân trời, ánh sáng dịu bắt đầu tỏa khắp hẻm núi; cửa các động được nhìn thấy rõ ràng và vườn cây xanh cùng hồ dưới chân thác trở nên tuyệt mỹ. Đây là một cảnh trăng lên đẹp nhứt mà tôi không bao giờ quên, như tôi chưa thể quên hình dáng Hy Mã Lạp Sơn trên dãy Naudanda sau Pokhara. Tôi chợt mơ: "Ước gì mình được phê." Rồi tôi liền biết đây là một thói quen cũ. Tôi như bị thôi miên và tự dưng thấy tâm mình an bình trước cảnh xinh đẹp đang phơi bày trước mắt. Tôi nghĩ chắc không có thuốc nào có thể giúp tôi bay cao hơn. Tôi say sưa cảnh trí thiên nhiên và cảm thấy mình như được tăng cường sinh lực mới, trạng thái mà tôi chưa bao giờ có được trừ lúc phi mescaline. Tôi thầm nghĩ đó là do lực hồi sanh của trăng tròn cộng với công phu hành thiền và du già mà tôi tập luyện trong hai tháng qua. Tôi bèn tréo chân vào thế hoa sen nhắm mắt vào thiền, nhưng tôi không thể nào không thấy cảnh trí tuyệt vời này.
Tôi thử tưởng tượng lại thời kỳ vàng son lúc mà hằng trăm sư sãi tụ tập sanh sống quanh các hang động đây. Họ tự trồng trọt trên các bờ vực này. Tôi không thể ngờ có tôn phái hay giáo chủ nào đó đã động viên thành công tín đồ mình để thực hiện các chương trình rất tốn công và khó thực hiện như vậy. Vĩ đại! Lúc trăng trên đỉnh bắt đầu ngả về Tây, sinh lực nội tại của tôi cũng bắt đầu vơi. Đêm trở lạnh trên Cao Nguyên Deccan. Tôi ngả lưng xuống lớp nệm cỏ và kéo tấm jalabaquen thuộc đắp lên mình. Tôi thanh thản!
Tôi dậy lúc hừng đông vừa hé với cảm giác sảng khoái. Tôi liền ngồi thiền lối một tiếng. Tôi bắt đầu bằng lời chú linh cảm Tây Tạng và làn thở thanh lọc ánh sáng trắng/khói đen trước khi thiền quán. Tôi chấm dứt bằng cách rải tâm từ đến mọi chúng sanh. Đúng lúc tôi xả thiền, có tiếng người đi lại từ phía làng ở bên kia thác. Họ theo đường mòn trên bờ vực vừa đi vừa huýt gió và ca hát có vẻ tự tại và hạnh phúc lắm. Anh bạn hứa đem cho tôi bữa ăn sáng đến với chiếc giỏ xách sữa bò và một ít chapattislạnh. Tôi cám ơn, nhận quà, rồi điềm nhiên ăn trong lúc họ nhìn tôi với nụ cười trên gương mặt gầy gò sạm nắng. Tôi bắt đầu hiểu ảnh hưởng của bản sắc văn hóa đạo giáo mà dân tộc Ấn đã gìn giữ trong tâm, nhứt là ở vùng thôn quê. Họ cố gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của họ để đón chào khách như họ kính trọng Thượng Đế.
Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của vạn vật chung quanh nên quyết định ở lại thêm một ngày và một đêm. Tôi đi dạo một lần nữa--đi chẫm rãi--quanh các động đẹp nhứt, và thỉnh thoảng ngồi thiền ở một góc kín đáo. Lúc tôi đang thiền bên trong một phòng nhỏ, có một nhóm du khách tới. Tôi nghĩ nếu họ gặp tôi chắc họ sẽ ngạc nhiên lắm. Một em bé nhìn vào thấy bóng tôi và nhận ra tôi là người thật chớ không phải là tượng đá, em kêu cha mẹ em đến chỉ phát hiện lạ kỳ của mình. Cả gia đình tới nhìn người ngồi như tượng Phật và thì thầm bàn tán. Tôi không thể không mỉm cười sự ngây ngô của họ. Tôi muốn hí mắt nhìn họ nhưng thôi. Tôi nghĩ nếu họ thấy tôi mở mắt họ sẽ không còn giữ hình ảnh tôi đang chìm sâu trong thiền định nữa, hình ảnh mà tôi muốn được họ thấy. Tôi nhận biết đây là sự phô trương kỹ xảo của cái tôi nhưng tôi tiếp tục ngồi lặng yên cho đến khi họ bỏ đi. Trong những trò đùa nho nhỏ này thật khó cho tôi biết rằng những gì tôi vừa làm để giảm thiểu 'cái tôi' thật ra là đã gia tăng nó. Sự phô trương 'cái tôi' như vầy chỉ được chế ngự sau khi tôi công phu tu tập và có thêm nhiều kinh nghiệm. Bây giờ cho đến lúc ấy, tôi phải mò mẫm thực tập mới được, như tôi từng thực tập trong các lãnh vực khác.
Chiều, tôi ra công viên bên dòng sông; nước chảy ùng ục. Tôi xuống thác tắm. Có một khách đang du ngoạn trong vườn. Anh tên Charles, Pháp kiều. Trong câu chuyện trao đổi, anh cho tôi biết trên mạn Bắc của Goa có một bãi biển ít người khá tĩnh mịch. Cạnh bãi chừng năm mươi bộ có hồ nước ngọt với nhiều chòi nhỏ của du khách dựng xài rồi bỏ lại mà ai cũng có thể dùng. Tôi nghĩ đây là một địa điểm lý tưởng đáp ứng mong đợi của tôi.
Trong lúc nói chuyện, Charles mở hồ bao vấn điếu cần sa Kerala[20]. Thấy cần sa tôi muốn hít một hơi. Tôi biết chắc rằng anh sẽ không từ chối san sẻ nếu tôi ngỏ ý. Tuy nhiên, tôi tự hỏi mình có thật muốn không và nếu muốn, mình có phạm giới thứ năm cấm rượu chè hút xách chăng. Tôi biết hai thầy Lama Zopa và Goenkaji sẽ không bao giờ chấp nhận và tôi cũng biết tôi sẽ bị rơi vào vết xe cũ nếu tôi muốn. Lúc ở Kathmandu, có lần tôi hút lại cần sa trong một quán cà phê, nhưng tôi không thấy thú vị. Có phải đó là triệu chứng cho thấy tôi không còn thích cần sa nữa? Mà có lẽ tôi không cần thứ đó nữa đâu. Đêm qua tôi đã lâng lâng bay bổng, tôi phê vì thiên nhiên chớ nào có nhờ vào thuốc. Tôi biết chắc bây giờ tôi không còn thèm hay tùy thuộc vào cần sa, tôi cũng không có ý tìm kiếm nó. Tuy nhiên, tôi lý sự rằng cũng là điều hay cho tôi nên thử để xem sau một thời gian dài ngưng cai, tôi có còn bị mê hoặc nữa không và nếu có thì như thế nào. Nói cho cùng, đó chỉ là một loại cỏ không tai hại như thuốc lá, nhưng biết đâu tôi lại được một phút sảng khoái mà tôi sẽ có thể thí nghiệm so sánh với tham thiền. Vả lại, tôi đâu có quy y và thọ giới cấm thứ năm, và tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ đánh mất sự tự chủ của mình. Tôi chỉ xã giao trong thời điểm hiện hữu. Từ chối hút có thể làm mất nhịp cầu tri kỷ và Charles có thể nghĩ tôi là một kẻ xu thế xảo biện. Ngoài ra, từ chối còn gây thêm ác cảm trong tâm tôi--ác cảm với hút xách.
Tất cả những niệm--thuận và chống--dấy lên trong khoảnh khắc Charles vấn xong điếu thuốc bự. Tôi kinh ngạc không hiểu sao trí óc mình có thể ôn lại những sự việc quá khứ và nảy sanh nhiều cảm nghĩ kể cả giải đáp, một cách nhanh chóng và tài tình như cái máy vi tính không bằng. Tôi chào thua chút tập quán cũ còn rơi rớt lại và thử không để bất cứ định kiến nào cản ngăn khả năng tiếp thu những gì phải đến, dẫu là những định kiến về một 'nhà thiền' hay một 'thánh nhân'. Với khói thuốc tôi cảm thấy thư giãn và lâng lâng. Nhờ vậy, phần lớn những dằng dai nơi tôi lắng xuống và tôi trở nên nhạy cảm hơn đối với âm thanh và biến động của thiên nhiên. Tâm tôi đang trong trạng thái như tôi vừa đứng dậy và bước ra sau hai tiếng 'thiền quét' của khóa học trước đây. Tôi đi đến kết luận chung chung rằng, ít ra trong khoảnh khắc này, khói thuốc đã thay sự đấu khẩu dằng dai của cái tôi ba hoa giúp tôi đạt trạng thái lâng lâng. Nhưng tôi biết chắc chắn khói thuốc sẽ không thể nào thay thế được thiền.
Tiếp theo, tôi thấy hình như thâm tâm tôi muốn gần Charles, có thể hai chúng tôi sẽ cùng nhau ngủ trên vọng điểm để tôi được hút thêm một liều nữa với anh tối hôm nay. Đó là dịp cuối cùng! Tôi nhứt định từ đó tôi sẽ đi đường tôi trước khi tập quán mới lại nảy sanh. Một lần thì được nhưng hút thêm lần thứ hai là bị vướng mắc. Tôi nhận ra mình chưa hẳn có đủ nghị lực để đối phó với vấn đề này. Rất dễ từ hay quên việc gì khi nó vắng mặt, nhưng lúc nó có cơ hội tới, tất cả lại xảy ra nhanh chóng, đôi khi dồn dập. Tôi mô tả say mê cảnh quang trên đỉnh và cảm giác mình trong đêm trăng hôm qua, rồi khuyến khích Charles lên ngủ thử. Charles tin rằng trên ấy tuyệt và chắc sẽ lên đó ngủ. Còn tôi sẽ ngủ cạnh hồ dưới chân thác.
Trước khi trời sụp tối chúng tôi xuống bãi đậu xe mua một ít trái cây để ăn đến ngày hôm sau. Lúc trở về tôi chỉ Charles con đường mòn lên điểm vọng cảnh rồi chúc anh một đêm tuyệt vời. Anh đề nghị vấn cho tôi điếu thuốc để tôi hút tối nay, nhưng tôi dứt khoát từ chối bằng lời nhã nhặn "Không, xin cám ơn" và bước đi nhanh sợ mình đổi ý. Hồi trước, lúc chưa hiểu Phật pháp, tôi không hề bận tâm với những quyết định luân lý như vầy hoặc tìm cách kiểm soát tâm mình. Tôi chỉ làm những gì đến với tôi, không cần gạn hỏi hoặc xét xem trúng hay trật, tốt hay xấu. Còn bây giờ, đang tập thiền và đang hăng say an tịnh hóa tâm, mọi công việc dò xét và lắng đục tìm trong đều quan trọng. Nó trở thành công tác lý thú cấp bách đáng để bắt tay.
Tôi lấy xe buýt địa phương ra xa lộ cho tiện. Rồi từ đó tôi sẽ quá giang xe xuống miền Nam xứ Ấn. Sau năm mươi dặm đi bằng xe tải, tôi được chiếc Jeep của một công sở Ấn cho quá giang đến Aurangabad. Tôi ít nghe nói tới thành phố này nên tưởng tượng chỉ bách bộ qua bên kia là có thể đến các động Ellora trong cùng ngày. Lúc đi ngang qua phố tôi thấy một khu ngồ ngộ chừng như là điểm du lịch. Khu có tường cao bao quanh một kiến trúc giống như một đền thờ Hồi giáo. Hiếu kỳ và vì chưa cần đi vội, tôi trả năm mươi paisemua vé vô xem. Thì ra đó là đền thờ thánh Hồi giáo Panchakki. Để tránh cái nóng giữa ngày, tôi vào trong một phòng mát, nơi có ngôi mộ của một vị nào đó, rồi ngồi xếp bằng hoa sen trên thảm. Thấy có nhiều ông Hồi hồi đang trầm tư, tôi nghĩ ở đây tôi có thể ngồi thiền trong giây lát. Cùng lúc, có nhiều người ra vô.
Khi tôi trở ra đường chừng một giờ sau đó, có anh thanh niên Ấn theo làm quen. Anh nhã nhặn, nói tiếng Anh thông thạo. Anh nói thấy tôi ngồi thiền trong mộ và hỏi tôi có phải là người theo Hồi giáo không. Tôi trả lời tôi không phải là người Hồi giáo mà là Phật tử. Anh mừng rỡ nói anh cũng là Phật tử và rất hân hạnh được gặp tôi. Anh mời, tha thiết mời tôi về nhà gặp bạn anh để luận bàn Phật pháp. Tôi giải thích cho anh biết tôi muốn đi Ellora trong ngày, nhưng anh cố nài nỉ tôi nán lại đôi hôm. Anh nói không có mấy người ngoại quốc đi ngang qua đây, nhứt là Phật tử Tây Âu, và tôi đem tới anh cái duyên may. Anh nói thêm Aurangabad là thành phố dễ thương, tự do tín ngưỡng, có nhiều đạo giáo sống chung hòa đồng, dân tình dễ mến và có nhiều thắng cảnh du lịch. Còn có thêm trường Phật giáo và một đại học mới mà anh sẽ đưa tôi tới viếng.
Anh thanh niên tên Sardar. Anh có học, lễ độ và rất nhiệt tâm. Anh tỏ vẻ thành thật và là một Phật tử người Ấn đầu tiên tôi có dịp gặp. Bởi không có gì gấp gáp, tôi quyết định thả nổi và đồng ý theo anh. Anh dẫn tôi đi bộ chừng mươi lăm phút ra ngoại ô nơi anh ở. Trên đường anh nói không nghỉ, kể tôi nghe về anh, các bạn Phật tử của anh và thành phố anh. Sardar đang theo học tại Đại Học Marathwada mới thành lập. Anh vừa học vừa làm việc vặt cho ông Phó Viện Trưởng. Phần lớn sinh viên của Đại Học Marathwada và trường Milinda kế bên là Phật tử. Trường Milinda do cố Tiến sĩ B. R. Ambedka sáng lập. Từ 1956 đến nay Tiến sĩ Ambedka đã giúp hằng triệu dân cùng đinh Ấn quy y Phật. Họ quy y hầu hết là vì lý do kinh tế-xã hội chớ không nhất thiết là vì họ tin Phật pháp hay Đức Chí Tôn. Trong những bước đầu, phần đông không biết hoặc biết rất ít về Tứ Diệu Đế, thậm chí có người không biết Phật là ai. Họ chỉ muốn thay cuộc sống, dầu phải đổi tín ngưỡng thành Phật tử trước rồi học Phật sau.
Sardar ở trọ trong gia đình Hồi hồi. Anh rất muốn tôi gặp người bạn thân Hồi giáo của anh. Ông Quaz-Sir là một nhà giáo Muslim thuần thành nhưng rất tôn kính các đạo giáo khác. Ông muốn nghe quan điểm Phật giáo của tôi và muốn học cả thiền định. Ông mời tôi ở lại dùng cơm tối với ông; tôi không thể từ chối. Tối hôm đó tôi ngủ lại trên sân thượng để được một mình và cũng để có nơi yên tịnh mà thiền cùng thưởng thức bầu trời về đêm với ngàn sao lấp lánh. Tôi nghe một giáo sư hóa học nói, theo ông, không khí vùng Aurangabad có lượng oxy cao nhứt và tinh khiết nhứt xứ Ấn, nếu không muốn nói nhứt thế giới.
Sáng hôm sau Sardar đưa tôi viếng trường Milinda và Đại Học Marathwada. Anh giới thiệu tôi với nhiều giáo sư và sinh viên bạn anh. Tôi được gặp ông Phó Viện Trưởng và một số nhân viên hành chánh đại học. Tôi có hỏi về học trình và cấp bằng Phật học cũng như các lớp dạy tiếng Pali và Sanskrit của đại học này và nảy ý muốn theo học ở đây một thời gian trong tương lai gần. Nhưng tôi không biết đại học có được chuẩn nhận để tôi có thể dùng trợ cấp GI của tôi chăng. Tôi còn tới ba năm trợ cấp và tôi biết GI có thể xử dụng ngoài nước Mỹ. Tôi muốn xài tiền miễn phí này để học tiếng Pali và Phật học. Được vậy ba mẹ tôi chắc sẽ hài lòng và tôi sẽ có tiền ở lại châu Á thêm vài năm nữa. Theo yêu cầu tôi được đưa đi viếng thư viện. Thư viện to, đầy ấp sách, và có nhiều sinh viên đang cặm cuội học tập. Thật lý thú khi tôi thấy tâm trí mình lao vù tới tương lai và dấy lên ước mơ trở lại đại học. Tôi hỏi vị Phó Viện Trưởng về việc chuyển các tín chỉ tôi đã lấy ở đại học cộng đồng để tôi có thể ghi danh ngay vô năm thứ ba. Ông nghĩ có thể được nhưng tôi phải tự thu xếp để gởi học bạ đến cho trường xem trước. Ông cũng cho tôi biết xin chiếu khán sinh viên vô Ấn Độ phải cần thời gian.
Vị giáo sư Hoá học--người nói với tôi về sự tinh khiết của khí trời Aurangabad--rất muốn học thiền nhưng không có ai ở đây có thể giúp ông. Ông yêu cầu tôi chỉ cho ông những điều căn bản; tôi thông cảm giúp ông. Một giáo sư khác mong tôi thuyết trình về phương pháp thiền cho lớp Triết Phật của ông. Không như lúc trước, bây giờ tôi thấy mình có chút khả năng và kinh nghiệm khả dĩ nói về vấn đề này một cách rõ ràng và chính xác. Tôi hy vọng giúp họ hiểu sâu hơn những gì mà họ mới biết. Tôi cũng nghĩ đây là cơ hội giúp tôi kinh nghiệm thuyết giảng trước đám đông, cũng như cho phép tôi đo lường khả năng, nổi lo lắng bồn chồn và các phản ứng khác của tôi. Tôi chưa lần nào lên bục thuyết trình, trừ các buổi thực tập trong lớp Nói ở đại học cộng đồng, nên chi tôi nhận lời mời ngay và nói chuyện liền vào sáng hôm sau.
Tối lại, tôi tới nhà ông giáo sư Hóa để chỉ ông tập thiền định bằng phương pháp sổ tức mà tôi đã học được trong ba ngày đầu tiên trong khóa của Thầy Goenka. Hai chúng tôi ngồi lặng yên trong mười lăm phút. Tôi thỉnh thoảng nhắc ông đưa tỉnh thức mình về chót mũi nếu tâm ông lăng xăng. Ông rất thích thú. Tôi khuyến khích ông ngồi lâu hơn, hai mươi hoặc ba mươi phút, lúc tảng sáng và chiều tối. Tôi nghĩ bấy nhiêu là đủ cho ông rồi nếu ông tiếp tục được, bởi tôi biết ông rất bận rộn với công vụ và gia đình.
Thật buồn cười, khi không tôi được đưa lên hàng giáo sư về thiền và được mời giảng dạy. Tôi chỉ mới làm Phật tử chừng ba tháng nay trong khi nhiều người ở đây đã quy y nhiều năm rồi. Mới biết kiến thức đạo pháp của họ rất hời hợt và họ rất mong được chỉ vẽ cũng như khuyến khích. Phật pháp của họ hầu hết là dưới dạng tri thức và a tòng theo quần chúng. Thật ra không phải là lỗi của họ. Tôi cảm thông với họ nhưng không thể giúp nhiều hơn. Tôi luôn nhớ lời khuyên của Thầy Goenkaji lúc tôi rời khóa tu học. Thầy khuyên tôi không nên làm thầy sớm quá. Tôi biết tôi còn nhiều việc phải làm nên không thể dấn thân vào chuyện mà tôi chưa sẵn sàng. Do đó tôi quyết định tiếp tục con đường không vấn vương sau buổi nói chuyện sáng sớm hôm sau.
Tôi dành nhiều thì giờ trong đêm để chọn xem phải nói gì và làm sao giới thiệu đề tài thiền. Đây là lần đầu tiên tôi sẽ phải ứng khẩu trước cử tọa; tôi biết bụng tôi thế nào cũng 'đánh lô tô'. Tôi không phải là một học giả Phật giáo mà cũng chưa được giác ngộ. Tôi chỉ có được một mớ lý thuyết cộng với chút kinh nghiệm; kinh nghiệm thực hành còn lý thuyết nói suông. Hầu hết Phật tử ở đây quen với Tiểu Thừa hơn Đại Thừa hay Phật Giáo Tây Tạng. Do đó, tôi nghĩ nên giới thiệu đề tài qua lăng kính Tiểu Thừa và nói về thiền minh sát. Trước tiên tôi sẽ dẫn giải Tứ Diệu Đế để họ thông hiểu. Kế tôi mô tả thiền minh sát theo chút kinh nghiệm sẵn có của tôi--chỉ họ phương pháp tỉnh tâm bằng cách tập trung (định) để tỉnh thức. Dàn bài là vậy còn lời giảng sẽ được tùy nghi ứng khẩu.
Sáng ra, Sardar đi với tôi đến trường Milinda. Tin một tu sĩ Mỹ thuyết trình về thiền được truyền đi nhanh chóng. Lúc 10:00 giờ, khi bước chân vô hội trường, tôi hết sức ngạc nhiên thấy gần một trăm năm mươi thính giả phần đông thuộc lớp trẻ đang ngồi chờ. Buổi nói chuyện dự tính cho một lớp bỗng chốc thành một buổi thuyết trình cho toàn trường, ai muốn đến nghe cũng được. Nhiều lớp khác đóng cửa để sinh viên có thể tham dự dịp hiếm có này. Tôi lo lo và bụng bắt đầu đánh lô tô khi Sardar đưa tôi lên bục giảng.
Sardar giới thiệu tôi và nói lý do sao ông gặp được tôi cũng như ông đã thuyết phục tôi nán lại hai ngày, vân vân. Cùng lúc, tim tôi đập thình thịch, trí tôi lu mờ và tôi không còn biết đầu đuôi ra sao. Phản ứng tâm và sinh lý ấy đến với tôi đột ngôt, khiến tôi không còn biết mình có thể nói năng mạch lạc chăng và cử tọa có biết sự bối rối của tôi không. Tôi bèn nhắm mắt, hít nhiều hơi dài và tự nhủ phải bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh. Dường như có hiệu quả. Dàn bài tôi soạn hồi đêm qua từ từ trở lại với tôi và nhịp tim tôi đập chậm dần.
Tôi ấp úng bắt đầu bằng những lời cám ơn vị chủ tọa, ông Sardar vừa giới thiệu tôi và vị giáo sư đã mời tôi cũng như tổ chức buổi thuyết trình hôm nay. Rồi tôi vô đề bằng cách nói qua đời sống của Hoàng Tử Siddharta, nhấn mạnh điểm Ngài từ bỏ nhung lụa để đi tìm nguồn gốc của khổ đau và cách diệt tận gốc khổ đau. Sau vài phút đầu tiên, tôi cảm thấy bớt căng thẳng và lời ra tự nhiên hơn. Tôi ngạc nhiên thích thú.
Tôi tiếp tục trình bày rằng mọi khổ đau thể chất cũng như tinh thần của chúng ta đều bắt nguồn từ tâm. Mức độ tham, sân, si của mỗi chúng ta định đoạt mức khổ đau hay hạnh phúc của cá nhân đó. Kế, tôi giải thích tại sao thiền có thể làm phát triển tỉnh thức và tỉnh thức có thể giúp chế ngự bình diện thiếu lành mạnh của tâm và nuôi dưỡng huệ để đạt giải thoát. Tôi kết thúc bằng sự mô tả thiền về Từ Bi, ví từ bi và trí huệ như hai cánh hỗ trợ lẫn nhau trên đường giải thoát. Tôi chúc phúc mọi người và cầu mong ai cũng hân hoan trong niềm tin mới. Tôi cũng khuyến khích mọi người tu tập thiền định.
Một sinh viên đứng lên hỏi tôi có thể ở lại đây một thời gian để dẫn dắt họ thực tập thiền không? Tôi đáp rằng tôi còn non kém lắm và chưa đủ khả năng giảng dạy chính thức. Tôi đang trên đường tự vấn nội tâm và thực tập Bát Chánh Đạo, mong làm bất cứ điều gì có thể giúp tôi trưởng thành tâm linh. Trong hiện tại tôi đang thử thả mình theo dòng vô thường bằng cách trôi giạt đó đây và cố không dính mắc vào bất cứ gì trong hành trình cũng như tư tưởng. Tôi không có đề cập tới ý định sẽ đi đến bờ biển Goa để sống đời lõa thể. Tôi có tin họ biết về Thầy U. N. Goenka và các khóa tu học ngắn hạn 10-ngày của thầy. Tôi khuyến khích họ viết thư mời thầy đến hướng dẫn các buổi học tập tổ chức ngay tại địa phương. Sardar kết thúc buổi thuyết trình bằng cách cám ơn tôi đã hoan hỷ chia xẻ những hiểu biết về Phật pháp của tôi và đã đem đến cho họ nguồn hứng khởi. Mọi người cảm kích và tôi rất vừa lòng với kết quả.
Tôi rất vui được ghé lại thành phố dễ mến Aurangabad, dầu rằng cuộc viếng thăm quá ngắn ngủi và bận rộn. Và lần viếng thăm này không phải là lần sau cùng. Tuy nhiên về sau, tôi biết ra rằng Đại Học Marathwada không nằm trong danh sách các đại học nhận tiền GI nên tôi bỏ ý định ghi danh như nói trước đây. Vả lại, lãnh thêm bằng cấp Phật học không phải là mong ước sâu xa của tôi, tôi cũng không nghĩ rằng bằng cấp quan trọng cho sự tu tập Phật pháp.
*
Chương 12
GOA
Theo hành trình, tôi đến thành phố náo nhiệt Bombay lúc xế trưa. Mục đích tôi tới đây để lấy tàu đò đêm xuống Panjim. Tuy nhiên tên Bombay gợi trong trí tôi nhiều hình ảnh ngoại lai, tôi muốn ghé qua để gọi là mình có đến đây. Tôi ít được nghe gì hay ở Bombay trừ một số khách sạn rẻ tiền rải rác ở Cửa Ngõ vào Ấn Độ. Việc đầu tiên tôi làm là đi thẳng xuống bến hỏi thăm chuyến tàu đi Goa. Tôi vui mừng biết chuyến tới sẽ khởi hành vào xế mai. Tôi mua được vé đi hạng nhì. Rồi tôi bách bộ xuyên thành phố đồ sộ này đến Cửa Ngõ của Ấn Độ. Tôi có thấy mấy khách sạn tôi muốn ở và tôi đã giữ được một giường chót trong một nhà nghỉ đông khách.
Sáng ra tôi đi xuống khu thương mại mới. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì các đường sá thênh thang, văn phòng tân kỳ và cửa tiệm đầy ấp hàng hoá. Trong một nhà sách tôi có thấy quyển Yoga Self Taught (Tự Học Yoga)của giáo sư yoga Ấn Sri Yogendra. Sau khi xem sơ tôi mua liền. Sách viết có vẻ công phu và có nhiều hình ảnh. Tôi có tập yoga rồi nhưng thấy sách này chỉ nhiều thế khó hơn và hữu dụng. Tôi muốn thử các thế ấy để cho thân thể dẻo dai thêm. Sách còn giảng ngắn gọn và rõ ràng triết lý của yoga--là công phu luyện tập tổng thể nhằm thanh tịnh hóa và hợp nhất thân với tâm để đi đến Giác Ngộ hay Moksha[21]. Các thế và cách tập được chỉ vẽ tường tận bằng hình ảnh. Hô hấp nhịp nhàng điều hòa hít thở với động tác cũng được dẫn giải. Sách xem chừng rất hay và có thể đem đến nhiều điều mới lạ mà tôi chưa biết. Thế là tôi sẽ có sách để đọc lúc dư thì giờ trong khung cảnh tuyệt hảo của bãi biển Goa. Nghĩ tới đó tôi rất hứng khởi.
Tôi đến cầu tàu hơi sớm để làm người tới trước hầu mong được chỗ tốt trên sàn tàu đặng nghỉ qua đêm. Đã có nhiều người xếp hàng rồi vì họ cũng nghĩ như tôi; một số là dân Âu Mỹ nôn nao muốn tới thiên đàng sớm. Tàu không đầy, còn trống nhiều chỗ, nên ai muốn ngồi đâu cũng được hết. Tôi chọn một góc khuất các khách Tây; họ đang vấn thuốc để mừng chuyến ra khơi đến thánh địa híp pi.Tàu nhổ neo đúng giờ, lìa cảng Bombay để lại đằng sau Cửa Ngõ của Xứ Ấn.
Tôi đứng dựa lan can tàu nhìn chân trời Bombay nhỏ dần ở phía sau. Tôi đang vào cõi mộng của chuyến xuôi Nam trên sóng nước nhiệt đới của Biển Á-Rạp để đến bãi Goa rạp bóng dừa. Tôi chợt nhớ lại những ngày ở Gomera lúc nhóm nhộn Riverside trù tính chuyến du hành hoành tráng này. Với một chút tự hào, tôi nghĩ không biết giờ này mấy thằng bạn trung học cũ của tôi đang làm gì ở cái vùng Riverside đầy khói ô nhiễm đó. Để không quên tụi nó, hồi sáng nay tôi vừa gởi cho Barry và Larry cái bưu thiếp vẽ Cửa Vô Ấn Độ và ghi vài lời về điểm đến mong đợi của tôi. Tôi cũng có thêm lời an ủi rằng tôi sẽ vui dùm tụi nó bằng những thú vui mà bọn tôi đã cùng nhau hoạch định trước đây. Tức là tôi sẽ vì tụi nó mà trịnh trọng hút một điếu chillumkhi đến nơi và sẽ 'mây mưa' thả dàn trong bữa tiệc ngoài bãi lúc trăng tháng Ba vừa tròn.
Tàu chạy dọc bờ. Vài làng chài còn đèn sáng lấm tấm đó đây. Trong tâm trạng suy tư, tôi thức ngắm sao giăng và trăng khuyết trên tiểu châu lục đang say giấc điệp. Sau đó tôi quấn tròn trong chiếc jalabaấm và để cho nhịp tàu đong đưa dỗ giấc. Sáng sớm tôi thức dậy ngồi thiền. Trăng còn trên chân trời ở phía Tây. Tôi kết thúc giờ thiền bằng những dòng Từ trải ra mọi phía. Vừng cầu hồng vừa lên khỏi rạng dừa dọc duyên tạo bức tranh tuyệt đẹp. Tàu gần tới bến vì mới đi qua bãi Bắc đón mời của xứ Goa để vào trong cảng nhiệt đới bình dị và cũng là thủ phủ Panjim.
Tỉnh Goa nhỏ hơn các tỉnh khác của Ấn Độ, với bờ biển dài không quá sáu mươi dặm. Tuy nhiên vùng nhỏ hẹp này có một số bãi đẹp nhứt xứ. Không biết bằng cách nào mà vào thập niên 60 bọn du thực Âu Mỹ đã khám phá ra thiên đường xa xôi này. Rồi từ dạo đó các bãi này khét tiếng là nơi có cuộc sống buông thả với nhiều khu lõa thể và cần sa. Những bãi mà dân Tây phương thường tụ tập nằm dài trên mạn Bắc của Panjim. Mùa Đông, vào những lúc trăng tròn, ở đây có lệ vui hoang dại suốt đêm. Nghe nói những đêm trăng sáng trong mùa Giáng Sinh có nhóm nhạc rockÂu châu đến và chơi miễn phí cho các cuộc vui. Và dĩ nhiên họ cũng đem theo bộn LSD. Họ còn để lại loa và dụng cụ âm thanh cho các cuộc vui kế tiếp trong tương lai. Vào những tháng khác không có nhạc sống thì có máy phát âm với nhiều băng nhạc rock của thời 60/70. Bãi Anjuna luôn có nhiều cuộc vui chơi. Tuy không thích tham gia tôi vẫn muốn đến cho biết, ít ra vì tò mò.
Điểm tới đầu tiên của tôi là bãi vắng trên chót Bắc của Goa gọi là Hồ Arambol mà Charles đã giới thiệu với tôi trước đây. Còn ba tuần nữa trăng mới đầy. Tôi nghĩ tôi có đủ thời giờ lên đó để tham thiền và tập yoga trước khi xuống bãi Anjuna xem dạ tiệc trăng tròn. Sau đó, chiếu khán tôi còn được hai tuần, tức đủ cho tôi đi xuống chót Nam của Ấn Độ và lộn qua bờ Đông đến Rawesmaran lấy đò sang Tích Lan. Đó là chương trình tôi tạm nghĩ ra cho những ngày sắp tới.
Trước khi lên Hồ Arambol, tôi đi mua hai thước hàng vàng mỏng làm sà rong ngắn thay thế cái quần vải của tôi. Tôi xuống xe buýt ở một làng nhỏ. Theo lời chỉ đường của Charles, tôi đi qua một dãy chòi lá cách bãi chừng nửa dặm. Tôi thấy nhiều heo Goa chạy rong lục lạo phân người hay những đồ dơ khác để ăn. Tôi thầm nhủ không biết nghiệp dữ nào đã khiến xui chúng phải tái sanh trong hoàn cảnh như vầy.
Cái nhà hàng duy nhứt mà tôi sẽ ghé ăn một bữa mỗi ngày nằm ngay bìa giữa vườn dừa và bãi biển. Nó là túp lều lá với một khu ăn và khu gọi là bếp ở phía sau. Tôi vô nghỉ, ngồi vào bàn và gọi một dĩa sà lách ăn bữa ăn cuối cùng trong ngày cho đến trưa hôm sau mới ăn lại. Quán trông rất tồi tàn và vắng hoe, với độc nhứt một cậu bé Ấn trông coi. Cậu không có gì khác hơn là trái cây và sa lách. Không có nước ngọt cũng không có trà. Charles có cho tôi biết trước, nhưng thay vì phải cộ thức ăn và bận bịu với nấu nướng, tôi quyết định đi một đoạn ngắn mỗi ngày ra đây ăn trưa, và chỉ ăn một bữa với trái cây và sa lách. Như vậy mới gọi là một lối ăn tốt của nhà yoga. Ngoài ra, sa lách chỉ tốn có một rupee.
Dĩa sa lách lớn gồm cải nồi, cà rốt, dưa leo và cà chua xắt nhỏ trộn với chút chanh và muối. Ngon! Tôi khen cậu coi quán và nói sẽ ra đây mỗi ngày khoảng trưa để ăn bữa cơm hằng ngày của tôi. Tôi hỏi cậu để châm đầy chai nước uống mỗi ngày và được cậu ưng thuận. Nước, cậu xách từ cái giếng không xa ở trong làng. Trước khi ra về, tôi hỏi cậu cho biết hiện giờ có bao nhiêu du khách ngoại quốc trong khu hồ, mong rằng chỉ một số ít thôi. Tôi yên tâm khi nghe cậu nói chưa tới mười người. Tôi cám ơn cậu bé dễ thương và hẹn sẽ trở lại hôm sau. Tôi tiếp tục đi hết đoạn đường còn lại vòng mỏm đá.
Theo con đường mòn ngoằn ngoèo quanh các tảng đá, tôi thấy nhiều chòi đơn sơ cất cheo leo trên dốc đứng cao. Trong một chòi tôi nhận ra hai người đang hút chillum, còn ba bốn chòi khác hình như trống. Lúc ra tới bãi tôi dừng lại tuột hết áo quần để được thoải mái. Bãi ngắn, nhỏ. Chỉ có vài ba người rải rác trên bờ cát. Phía đầu trên, chừng trăm thước xa, có một vách đá chận biến bãi biển thành nơi rất hẻo lánh. Bên mặt, có hồ nước ngọt cách bờ biển chừng ba mươi thước. Tôi dừng lại đây quan sát địa thế quyến rũ chung quanh.
Quanh hồ dưới mé nước thấy có nhiều lều và mái che đơn sơ với một ít người. Khói từ một đống củi un âm ỉ vươn lên cao và tan dần trong hư không. Hồ tròn, nhỏ, không quá ba mươi bộ đường kính. Nó nằm giữa hai dãy bờ cao có nhiều cây chạy song song từ ngoài biển vô chừng nửa dặm, tạo thành thung lũng hẹp rợp bóng. Nước ngọt chảy vô hồ bắt nguồn từ một con suối nhỏ trên đầu thung lũng. Toàn vùng có một vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, nhưng không mấy ai biết tới để thưởng thức. Thật lạ kỳ nếu so với hằng trăm người chen chúc ở Anjuna cách đây không xa. Tôi không biết tại sao nhưng tôi mừng. Có thể đây là chỗ đặc biệt trời dành cho những ai có số tốt mới được hưởng.
Cho tới lúc niềm thích thú ban đầu của tôi lắng xuống, tôi mới đi vòng quanh hồ tìm chỗ cắm trại để cất giữ đồ đạc. Tôi dừng lại ở một điểm mà chưa ai đụng tới ở bên kia bờ, một ô trống nhỏ gần mé nước có lùm bụi che khuất với bên ngoài. Tôi nằm nghỉ lưng một đỗi rồi ra bãi biển lúc trời lặn để ngồi thiền. Năm sáu người ở đằng xa đang phi chillum. Nghe hai tiếng "BomShiva" quen thuộc, tôi chợt mỉm cười nghĩ rằng mình đã qua thời kỳ ấy rồi. Và với hình ảnh mình là nhà 'Yogi[22]thật sự', tôi ngồi vào thế thiền định và lắng nhìn vừng thái dương đỏ ối chìm dần xuống Biển Á Rạp. Lúc sập tối tôi trở về trại lấy áo jalaba, mền và nước đem ra ngủ ngoài bãi. Tôi thấm mệt nên chỉ thiền về Từ một thời gian ngắn trước khi nằm soài ra nhìn sao sáng long lanh trên trời.
Tôi thức dậy lúc rạng đông vừa ló dạng. Tôi ngồi 'thiền quét' lối một tiếng rồi tập yoga. Không khí ban mai rất ấm áp. Bên bờ Tây Ấn Độ mặt trời lên trên tiểu lục nên chỉ thấy được vào lúc 7:30 hay 8:00 giờ sáng khi nó qua khỏi các bờ vực cao. Tập xong, tôi nằm nghỉ đợi những tia nắng sớm đến sưởi ấm toàn thân trần truồng mình. Thoải mái. Tôi ngủ lại cho tới lúc thấy nóng. Tôi chạy u lao mình xuống biển tắm mát.
Để rửa lớp muối khô trên da, tôi qua hồ kế bên ngâm mình trong nước ngọt. Một cảm giác tương phản ngồ ngộ. Hồ cạn và có nhiều rong nên tôi không bơi được. Tôi bèn ngồi xếp bằng xuống đáy cát, chỗ nước sâu vừa và cách bờ chừng vài bộ để được sự mát lạnh của lớp nước đáy trong lúc nắng phản chiếu gương hồ hắt lên mặt tôi. Tôi được hai khoái cảm cùng một lúc và thử hòa chúng thành một kinh nghiệm duy nhứt. Có một cô gái đi xuống hồ tới chỗ đám lau cao. Cô thả tấm nệm hơi lên nằm sắp tắm nắng. Quang cảnh thật tĩnh mịch.
Trở lên ngồi trên chiếc khăn đi biển, tôi bắt đầu đọc chương một của quyển sách yoga. Sách hay. Tôi lật coi hình và miệt mài cả tiếng. Tác giả đề cập đến sự phối hợp giữa hai khía cạnh của con người, thân và tâm, thành một chủ thể sinh học đáp ứng mọi mặt. Khi chúng đồng điệu, sức khỏe tuyệt hảo và tinh thần khoan khoái sẽ là kết quả đương nhiên. Nói cao hơn, chúng sẽ dẫn đến Giải Thoát--cá nhân con người không còn khác biệt với tổng thể mà chính là tổng thể, theo quan niệm của ý thức vũ trụ chung[23]. Hô hấp sâu và nhịp nhàng giúp thanh lọc hệ thần kinh và tạo nền tảng cho nhiều động tác cũng như cử chỉ của thân thể. Tác giả giới thiệu một hệ thống hô hấp điều hợp với động tác của thân. Các động tác khác nhau làm cơ thể co giãn nhiều cách. Bài viết có giá trị khoa học và nhiều hình ảnh kèm theo nên rất rõ ràng và hấp dẫn. Tôi định sẽ bắt đầu áp dụng một ít vào chiều tối hôm nay.
Ăn trưa xong, tôi về lều để tránh cái nắng nóng ban trưa. Xế chiều, tôi tập một số thế yoga mới học bằng cách phối hợp với nhịp thở như đã được chỉ dẫn. Thế đứng giúp làm giãn cột sống và các khớp xương khác một cách khác thường mà tôi chưa từng biết trước đây. Những động tác này rất thông thường--cũng là khom tới, ngửa lui, nghiêng trái, nghiêng phải--nhưng được hòa nhịp với hơi thở sâu và nhịp nhàng nên tạo ra nhiều kết quả thêm sức rất lợi lạc. Tôi có thể nghe thấy nhiều luồng cảm giác mà tôi gọi là khí lực pranalan tỏa khắp châu thân. Tôi tập nửa giờ rồi nghỉ thư giãn năm phút như sách đã dạy. Lần đầu tiên này tôi không nghĩ tôi tập đúng một trăm phần trăm nhưng tôi tin sẽ làm được trong tương lai khi tôi chú ý phối hợp tất cả để tâm không còn cơ hội giao động. Tôi cảm thấy mình đang thực sống trong hiện tại, trong tâm trạng nửa thực nửa thiền nhưng hoàn toàn tỉnh thức. Tôi rất phấn khởi. Sau lúc nghỉ thư giãn, tôi ngồi vào thế hoa sen và dễ dàng đi thẳng vô 'thiền quét' cũng như chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn.
Trong suốt ba tuần lễ kế tiếp tôi giữ nguyên thời khóa biểu cũ. Tôi ngủ ngoài bãi dưới bầu trời đầy sao và thức dậy lúc rạng đông để ngồi thiền một tiếng đồng hồ. Tiếp theo, tôi dành lối một tiếng nữa để tập yoga theo sự chỉ vẽ của sách; mỗi bữa tôi thêm hai ba thế mới cho tới lúc đủ hết mười hai thế mà sách đã dạy. Sau đó tôi nằm nghỉ tắm nắng mai--những tia nắng mới chan hòa chiếu thẳng từ các ngọn cây xuống mình nhộng của tôi. Rồi tôi xuống biển bơi hay thả nổi ngoài các làn sóng vỗ. Thì giờ của buổi sáng còn lại tôi dùng để đọc sách, tắm nắng hay đôi khi đi quan sát chung quanh.
Sau bữa ăn trưa tôi về lều nghỉ trong bóng mát. Lúc bấy giờ tôi hay ngồi thiền. Nhưng tôi không khỏi hoang mang ghi nhận rằng tâm mình thường tìm cớ để rút ngắn giờ ngồi. Cớ thông thường nhứt là mệt mỏi mà tôi ít khi cố gắng vượt qua. Tôi nằm xuống với ý định tiếp tục 'quét' nhưng thuờng ngáp dài và ngủ tuốt. Thức dậy, tôi cảm thấy mình có chút tội, nhưng tự an ủi rằng vì cách ăn uống nhẹ làm tôi yếu sức và mau mệt vào lúc xế trưa; thương thân mình tôi cần nghỉ ngơi vậy. Đó chắc không sai lắm. Nhưng mẹ nó! tại sao mỗi lần tôi muốn thiền thì buồn ngủ lại kéo tới?
Tôi nhớ bài giảng của Thầy Goenkaji trong tập sách tôi vớ được ở Sarnath nói về năm chướng ngại của thiền. Lười biếng hay hôn trầm là một trong những chướng ngại lớn nhứt. Nó được biểu thị bằng hôn mê và trì độn nhứt là trong lúc thiền, nó làm ngưng hẳn sự tỉnh thức. Nó như đám mây đen che phủ tâm thân. Nhiệm vụ của nhà thiền là phải nhận diện nó và loại nó ra khỏi tâm hay dập tắt nó bằng sự tỉnh thức can cường để vượt qua bờ bên kia. Nếu thành công, tâm sẽ minh mẫn, nhẹ nhàng và sáng suốt.Tôi thử thực hành như lời dạy nhưng không thành công mấy. Trong nhiều trường hợp khác, vì bồn chồn hay không thể kiềm chế những mơ mộng viễn vong, tôi cắt bớt giờ thiền, viện cớ cần đọc sách, ra suối giặt đồ, hay đặt nhiều điều khác. Bồn chồn cũng là một trở ngại nữa. Tôi biết tất cả các lý do giả tạo kia là dấu hiệu của sự thối thoát ngồi lâu bởi vì tôi đã từng ngồi được lâu, thật lâu trong các giờ giảng xế chiều của Thầy Goenka mà.
Các kinh nghiện ấy cho thấy ích lợi của thiền tập thể và giúp nhìn thấy rõ một khía cạnh khác nữa của tâm. Trong thiền tập thể, ai cũng phải ngồi hết giờ quy định, do đó tâm cam chịu thử thách. Còn thiền một mình không có thầy bạn dòm ngó, rất dễ chìu những thói quen thâm căn cố đế do các chướng ngại tạo nên trước đây. Đại để, thiền giả luôn muốn thoát hay trốn những khó chịu, bất an, hoặc khổ não của một tình huống đặc biệt. Và đó là những gì mà tâm, ý thức hay thường là không ý thức, muốn làm trong hầu hết mọi cấp độ từ vi đến thô. Cái nhìn sâu vào hội chứng tìm khoái lạc/tránh khổ đau--khổ đế rao giảng bởi Đức Phật--sẽ đến với tôi rõ ràng hơn về sau, khi tôi có thêm kinh nghiệm. Còn hiện giờ tôi đang tìm cách giải quyết các trở ngại được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Cuối ngày, tôi thường cởi bỏ hết áo quần xuống biển ngồi hay nằm để sóng nhồi. Tôi để sóng đu đưa lên xuống, không mảy may cưỡng lại, như tôi để cho tất cả đi qua và không thèm bám víu vào đâu hết. Như thế, tôi thư giãn và nhận thức nội tâm cho đến lúc có ngọn sóng to chụp lên, tung cát nước lên đầu, mắt, mũi, tôi mới choàng dậy để tránh sặc và phủi cát. Bù mắt và mồng cũng thường theo thử tánh kiên nhẫn của tôi và giúp tôi nhận thức cảm nhận cũng như cảm xúc của mình.
Một ngày nọ tôi gặp ba người Đức trẻ, hai cô và một cậu. Họ mặc toàn đỏ hoặc cam và mỗi người mang một tràng hạt gỗ với hình một vị yogi râu ria xồm xoàm. Tôi bắt chuyện và được biết họ là đệ tử của Guru Ấn nổi tiếng Rajneesh. Trước đây tôi có thấy vài tân sannyassinsđắp y màu cam nhưng không biết gì nhiều hơn. Họ rao giảng cho tôi nghe chủ thuyết Tantra[24]cấp tiến của thầy họ. Guru Rajneesh thuyết rằng tình dục là ức chế lớn nhứt của chúng ta và đau khổ sở dĩ xảy ra là vì xã hội và các đạo giáo lớn đã đặt ra cho chúng ta nhiều điều kiện quá. Hầu hết các điều kiện này trấn áp hay gạt bỏ bản tính tự nhiên căn bản của con người, nghĩ rằng tình dục là tội lỗi hay tồi tệ dưới mắt Thượng Đế hoặc một thần quyền nào đó. Ý tưởng ấy dẫn đến chứng loạn thần kinh thường thấy ở Âu Mỹ và cả bên Á châu nữa. Do đó, để tránh tình huống ức chế tình dục, ông có lý giải riêng về Tantra, lý giải bao gồm tình dục công khai và thỏa mãn.
Guru Rajneesh có ashramchính tại Poona, nằm về phía Đông Bombay. Ba người Đức này sống ở đó một thời gian trước khi tới Goa. Ông còn có một chi nhánh nữa ở bãi biển Anjuna. Khách đến ashramcủa ông thường được khuyến khích đến phòng Tantrictrước; phòng chỉ có nệm dưới sàn và là nơi mà nam nữ sống lõa thân chung đụng với nhiều phối ngẫu khác nhau. Mục đích là để làm nhàm chán khát vọng dâm dục hay ít ra là để vượt mọi dè dặt hoặc ngại ngùng. Do đó, Đạo sư Rajneesh nổi tiếng là "Guru Tình Dục" tiếng phong bởi nhiều tác giả. Ngoài ra ông còn dạy tai chi, vũ Sufi, karate, yoga, Zen và cả thiền định, cộng với trị bịnh tập thể, mà mục đích là để tinh hóa định lực và tỉnh thức.
Ba cô cậu 'tân sannyassins' định lưu lại hồ Arambol nhiều ngày để tránh đám đông ở bãi Anjuna. Chiều hôm đó, một trong hai cô gái nhìn thấy tôi luyện yoga, việc mà tôi ít khi dấu diếm. Chờ tôi tập và tắm biển xong, cô hớn hở nhảy chân sáo đến trong lúc trên thân chỉ vỏn vẹn có tràng chuỗi với hình Guru chồng chềnh giữa đôi vú nhỏ sạm nắng. Cô rất tự nhiên tưởng chừng như trên đời không có gì có thể quấy rầy hay cản ngăn cô. Cô mở lời "Chào" rồi ngồi bệt xuống cát bên cạnh tôi. Cô nói thấy tôi luyện yoga cô muốn nhờ tôi dạy dùm vì cô mới vừa bắt đầu học môn này. Cô nhờ tôi chỉ cô những gì tôi biết. Hóm hỉnh, tôi không biết cô muốn luyện thứ yoga[25]nào? Tôi trả lời tôi cũng mới học nhưng sẵn sàng chỉ cô. Tôi biểu diễn một ít động tác làm giãn chân và xương sống và uốn cột sống sang trái sang phải trong lúc giải thích sự nhịp nhàng của hơi thở đi theo động tác. Tôi nói những động tác này giúp chuyển dòng năng lượng hoan lạc đến toàn thân nhằm gây cảm giác sảng khoái nhứt thời. Cô tập thử vài động tác theo sự chỉ dẫn của tôi. Cô thich thú. Cô cám ơn tôi và cho biết tập như thế sẽ làm tăng kundalini[26]của cô.
Cô bạn người Đức ở lại chơi với tôi khá lâu. Cô thích trò chuyện và hỏi tôi theo đạo nào. Tôi nói rõ rằng tôi là Phật tử. Nghe tới đây cô liền tung chủ thuyết tantriccủa thầy Rajneesh của cô: chúng ta cần để sở thích mình tự nhiên phát triển dưới bất cứ dạng thức nào cũng được và phải sống đời sống hưởng thụ lạc thú. Cô nói Guru Bagwan của cô coi nhẹ sư ni Phật giáo vì họ đã từ bỏ bản tánh thọ hưởng thế gian (đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh tình dục và nếp sống độc thân mà họ đã khấn hứa). Cô nói tiếp rằng tình dục rất đẹp đẻ mà thế gian phải được biết qua và nên thọ hưởng, đừng mặc cảm tội lỗi. Trong lúc nói chuyện tôi cảm thấy tình mình đang dâng trào, trong đầu cũng như trên cơ thể, và tôi phải kín đáo chuyển thế ngồi để dấu con chim đang dậy, nhưng chắc tôi không qua được mắt cô. Tôi trả lời với cô rằng cách trì giới vô chấp trước và không đam mê của Phật giáo hữu ích đối với một số người vào một số thời điểm nào đó của đời họ. Và tôi đang phải kiếm cách giải quyết vấn đề 'đứng lên' của chính mình.
Cô tha thiết mời tôi đêm nay đến chòi cô dưới bờ hồ để cùng nhau hút điếu cần sa mừng lạc thú của cuộc đời. Bộ ba của cô rõ ràng là không cân bằng và cô bé này là người đơn côi nhứt. Tôi nhận ra rằng những thèm khát tình dục vẫn còn tiềm tàng nơi tôi. Chúng đang lẩn quất trong đầu tôi cũng như đang âm ỉ đun nóng hạ bộ tôi. Không muốn tỏ ra mình ham hố, tôi lơ lửng trả lời rằng tôi có thể sẽ đến sau khi thiền xong. Cô vui ra mặt và nói: "OK, sẽ gặp lại anh." Khỏi cần nói, buổi thiền đêm đó của tôi bị ngắt quãng và làm hỏng bởi các ý tưởng hồi chiều, những ý tưởng ấy trở tới trở lui liên tục.
Tôi biết tôi đang bị dục vọng lôi kéo nên bối rối không biết phải làm sao. Tôi đã quy y Phật và Chánh Pháp của Ngài, bây giờ lại nghe các lời tantriccủa Guru Rajneesh. Hai lối đi đều có lập luận căn bản hấp dẫn, còn tôi chỉ là một tay mơ trên khía cạnh diệt tham ái cũ. Nhưng thôi, tôi muốn mở rộng tầm nhìn để học hỏi những điều mới lạ; đó là một cách mà tôi thấy tôi cần làm để tôi học cho tôi. Do đó, tôi định bụng rằng nếu có cơ hội làm tình với một trong hai cô tân synnyassinskia, tôi có thể sẽ không bỏ qua, nhưng tôi không nhứt thiết phải tốn thì giờ và công sức mưu tìm.
Khi trời vừa tối, bộ ba nhóm lửa trại trước lều họ. Phút sau, tôi vận tấm vải vàng lửng thửng qua. Anh chàng đang bận vấn điếu thuốc Tây bự gồm cần sa pha với thuốc lá, còn hai cô nàng đang pha cà phê sữa chế vô bình thủy để dùng về sau; hai cô chỉ vấn có chút xíu vải bó sát người. Sau khi chào hỏi nhau tôi ngồi cạnh bên bếp lửa chờ họ xong việc. Tôi định bụng trước là sẽ hút với họ nếu họ mời, sẽ thả nổi theo họ, sẽ không có ý nghĩ gì khác hơn, và cũng sẽ không cảm thấy tội lỗi gì cả. Khi họ ngồi vào, họ đưa cho tôi điếu thuốc để tôi mồi đúng điệu chủ khách. Tôi nhận nhưng hơi do dự. Để nhập bọn, tôi trịnh trọng bật lửa và hô to 'BomShiva, BomShankar' theo nghi thức gần như thiêng liêng của dân híp pi. Tôi ngạc nhiên thấy mình phê ngay sau vài hít và cũng không bị thuốc lá hành như trước đây.
Bốn chúng tôi ngồi quanh lửa vừa uống cà phê vừa nói chuyện cho tới tối mịt. Khi lửa gần tàn, ý nghĩ làm tình với Grita, cô nàng trẻ nhứt trong đám và cũng là người tôi dạy yoga,chợt đến với tôi. Rồi như cô hiểu ý tôi, cô đề nghị tôi với cô xuống bãi biển đi dạo mát. Tôi đồng ý ngay vì tôi đã biết ý cô và cũng đang cần không khí mới. Hai người kia, hình như là bồ bịch với nhau, cũng đi nhưng đi đường riêng của hai người.
Hai chúng tôi lên đầu bãi đằng xa rồi ngồi bệt xuống cát nhìn sao đêm trên vòm trời nhiệt đới. Không để mất thì giờ, Grita tiến ngay bước đầu. Tôi quy phục. Rồi tôi đáp lại. Chúng tôi măn mê nhau mê man và sau cùng đi tới giai đoạn hoàn thành. Một luồng khoái lạc bộc khởi làm đê mê cả người tôi, tôi biết và cố để nó dâng trào, dâng càng cao càng tốt. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi không thật sự tận hưởng mà lại để xuất tinh. Tôi thử nhìn vấn đề bằng con mắt khách quan và thật tình vô chấp nhưng tôi chẳng mấy thành công. Grita không phải là người dễ thỏa mãn vì cô từng có hai tháng kinh nghiệm sống ở ashramrồi. Tôi hơi mệt và chán chường sau hiệp đầu nên không hứng thú tiếp tục. Tôi chào thua dục tình chưa thỏa mãn của Grita. Làm tình với cô tôi có ý muốn biết xem nỗi khát khao tình dục tiềm tàng sâu trong tôi ở mức độ nào và tôi hy vọng tận diệt chúng.
Nghỉ ngơi lấy sức, tôi cố chơi thêm hai hiệp nữa. Sau đó tôi đo ván và chán ngán cuộc truy hoan. Tôi tự hỏi phải chăng tôi muốn giải quyết vấn đề một lần cho xong. Ít ra tôi đã biết rằng ngần ấy thừa đủ cho tôi trong một thời gian dài và rằng thiền minh sát Nam Tông có thể giúp tôi giải quyết những vấn đề còn lại. Hai ngày sau đó cho đến khi Grita và hai bạn của cô rời đi, tôi không dám bén mảng đến họ bởi sợ bị lôi cuốn lần nữa.
Vào tuần thứ ba, tôi có vẻ thành thạo các thế yogamới học mà kết quả rất khả quan bởi tôi cảm thấy mình nhẹ nhàng, giàu sinh lực và an sinh hơn. Lối ăn uống theo yoga, nhẹ và giới hạn bằng sa lách với trái cây tươi mà tôi chú tâm đeo đuổi hồi gần đây, cũng đã đóng góp phần nào vào những lợi lạc này. Hai yếu tố nói trên giúp tôi nhiếp tâm khi thiền và vượt qua nhiều trở ngại cũng như phiền não. Tôi có thể đạt và giữ tâm mình vững vàng, giống như hồi những ngày chót tôi theo học với Thầy Goenka.
Vào tuần chót có hai anh người Úc đến trú ở một trong các lều bên kia hồ. Họ cũng muốn học yoga và tìm hiểu những vấn đề tâm linh nên đến gặp tôi. Chúng tôi kết bạn. Họ có mời tôi qua lều họ dùng cơm tối vài lần--ăn chapattisvà rau mà họ nấu nóng trên lửa trại. Vào những lần này tôi bỏ lệ ăn một bữa mỗi ngày, nghĩ mình nên thông cảm xã giao và có thể cũng vì món chapattismới làm ngon quá. Họ chỉ mới biết sơ kinh phương Đông thành thử tôn tôi làm thầy. Chắc tôi có dáng dấp của ông thầy thiệt bởi tôi mặc áo vàng, sống một mình, luyện yoga và thiền, và chỉ ăn một bữa nhẹ mỗi ngày.
Tôi giới thiệu họ những gì tôi biết về Phật pháp và dạy họ yoga và thiền. Mỗi ngày, sáng và chiều, tôi chỉ họ một ít thế yoga và những điều căn bản của quán sổ tức để giúp họ đi bước đầu. Họ học rất chăm chỉ và tôi cảm thấy vui vui đã có dịp chia sớt với họ những gì mình biết. Tình anh cả/bạn tinh thần nảy nở làm đôi bên đều được lợi lạc. Tuy nhiên tôi cần phải hết sức thận trọng để đừng nghĩ sai rằng mình biết nhiều và xem mình là kẻ cả thật sự, mà có thể bị rơi vào cạm bẫy của cái ngã tự phong mình làm guru, "Ông Thầy Tinh Thần."
Hai anh người Úc cũng định sẽ dự dạ tiệc trăng tròn ở bãi Anjuna. Họ trở về đó hai ngày trước còn tôi chỉ sẽ đến một ngày trước khi dạ hội bắt đầu; chúng tôi hẹn sẽ gặp lại. Thật sự tôi không có mục đích và cũng không có ý muốn tham gia vào cuộc truy hoan nên định sẽ đứng bên lề để quan sát. Làm vậy tôi hy vọng sẽ thỏa mãn và dập tắt mong ước ngông cuồng tuy yếu ớt song vẫn tiềm tàng nơi tôi bấy lâu nay, mãi từ lúc tôi rời Amsterdam. Tôi cũng nghĩ rằng làm vậy để giữ đúng triết lý của Guru Rajneesh. Tôi cũng còn chút ý định sẽ hút tối hôm ấy nếu có cơ hội. Tôi nghe nói bằng cách này hay cách khác sẽ có rất nhiều LSD trong cuộc vui ở đó; thuốc sẽ đến tìm mình nếu mình không đi tìm nó. Tôi không biết nó có giúp hiểu tâm tôi thêm sâu sắc hay làm tâm tôi trải rộng ra hơn không, cái tâm đang hướng tới chân trời tâm linh.
Ngày trước khi trăng tròn, tôi sửa soạn ra đi sau khi xong các sinh hoạt thường nhựt. Tôi do dự không muốn rời và để lại cho người khác hưởng cái thiên đường vô cùng duyên dáng và đẹp đẽ đã thích nghi tôi tuyệt hảo. Mang xách lên vai ra bãi, tôi dừng lại, lưu luyến nhìn hồ và thung lũng kỳ diệu lần chót trước khi đi khuất sau mỏm đá. Tôi quyết định đi bộ tới Anjuna nên phải đi dọc theo bờ biển xuống phía Nam chừng mười dặm rồi lội băng lạch lấy đò chèo qua sông cái Chapora. Tới bên kia sông tôi vô quán nghỉ chân và ăn bánh ngọt uống nước, bánh Ấn Độ ngon và nước ngọt mát. Thật thích thú vì tôi kiêng cữ đã lâu ngày. Thế mới biết thèm muốn cũ vẫn còn, và tôi tạm thời đứng phía Thầy Bhagwan tức không dẹp bỏ mà thỏa mãn chúng.
Anjuna còn lối hai dặm nữa mới tới, đi bằng con đường mòn qua ngọn đồi ngang vài xóm nhà và tiệm ăn cho Tây ba lô. Tại đây tôi chạm một mặt quen--Ronald. Chúng tôi ngạc nhiên gặp lại nhau và dừng lại nói chuyện. Tay anh còn băng bột; anh kể tôi nghe chuyện không hay xảy ra. Lúc say thuốc--mà anh đang bị vướng vô--anh té xuống đá, chống tay nên bị gãy. Anh đi với một nường nghiện người Pháp từ Nepal xuống Calcutta và theo bờ biển Đông tới Puri. Cô nàng là người tập anh có thói quen tai hại này. Tại Puri cô ăn cắp hộ chiếu, tiền bạc và cả túi thuốc của anh trốn đi, bỏ anh thất tha thất thểu giữa đường. Từ đó anh đi lần tới Goa bằng cách ăn xin du khách. Trường hợp anh cũng là cảnh ngộ của nhiều con nghiện Tây Mỹ ở Ấn Độ. Tiều tụy, hốc hác và mất hết tư cách, Ron biến thể thành một nạn nhơn nữa của bi kịch á phiện Á châu.
Ron sỗ sàng xin tôi một ít tiền làm như tôi thiếu nợ anh không bằng. Tôi cho anh năm mươi rúp vì thương hại anh mà cũng vì chút tội lỗi còn sót lại trong tôi. Đây cũng là dịp tôi thực hành bác ái, một khía cạnh của sự hành trì Phập pháp. Tôi hầu như không có xài gì trong ba tuần rồi nên có phương tiện chia sớt. Tôi không buồn kể chuyến đi của tôi từ Nepal khi anh không hỏi. Tôi có nói tôi đang trên đường đi Tích Lan nhưng hình như anh không để ý tới. Ngay sau khi được tiền anh lật đật đi như đã trúng tủ mong muốn. Một lần nữa, tôi ngẫm nghĩ thấy rằng mỗi người có mỗi nghiệp dẫn dắt họ đi mỗi ngả khác nhau. Tôi suy tưởng lại sự sanh tuyệt hảo của con người và tôi mừng cho ơn phước mình có được.
*
Chương 13
ĐÊM VUI TRĂNG TRÒN Ở BÃI ANJUNA
Tôi đến bãi Anjuna để xem trại khỏa thân lớn nhứt thế giới mà tôi có ý mong đợi lâu nay. Bãi biển thênh thang với nhiều ngọn dừa đu đưa trong gió. Hằng trăm thân hình trần trụi sạm nắng đang nằm, ngồi, đi, đứng khắp nơi. Để khỏi 'dị', tôi cởi chiếc quần đùi vắt vai rồi thơ thẩn dọc theo bãi. Đó đây, có nhiều nhóm nhỏ đang chụm nhum hút cần sa chillum. Có luôn một cặp đang làm tình giữa thanh thiên bạch nhựt. Nhiều chòi lá bán thức ăn nằm rải rác giống như ở Hồ Arambol. Tôi đến đầu dưới chỗ dốc đá cao ngồi nghỉ mệt sau ngày đi dài. Tôi chợt chú ý tới một người có dáng quen quen đang nằm sấp gần bên. Anh vừa ngồi dậy đưa mắt nhìn chung quanh. Như bị nam châm hút, hai chúng tôi ngó nhau và nhận ra nhau cùng một lúc. Thì ra đó là Martin, người bạn Mỹ mà tôi có dịp gặp trong một tiệc vui ở Ma Rốc cách nay hơn một năm. Tôi nhận ra anh ngay vì mớ tóc hung dài bồng bềnh và bộ râu rậm ri của anh. Còn anh nhận ra tôi sau vài giây lưỡng lự bởi nay tôi không còn mái tóc vàng dài dưới vai, tôi đã thay đổi rồi nên không còn dễ coi mặt đặt tên nữa. Chúng tôi ráp vô liền, kể cho nhau nghe chuyện của mình hồi năm qua và hỏi thăm tin tức của các bạn cũ. Martin và người bạn tên Bill của anh cũng có đi Ấn Độ bằng ngả Afghanistan, đến Manali và nhiều nơi khác trước khi tới bãi Anjuna hai tháng nay. Trên đường đi họ 'cáp độ' với hai cô bạn rất xinh. Tất cả đang sống trong cái chòi nhỏ sau bụi rậm lớn gần đây. Tôi kể anh nghe tôi đã đổi lối sống, thiên về thiền và đã gần như bỏ hút hẳn. Tôi cho anh biết thiền có thể giúp người ta lâng lâng tự nhiên và lâu bền chớ không như ma túy làm người ta phê vì nghiện, dẫu rằng tôi chưa đạt đến trạng thái tuyệt mỹ đó. Martin nói anh rất tin lời tôi nhưng trong hiện tại anh chưa thể theo được vì anh còn đang vui cái thú phê thuốc. Anh cho biết thêm anh đã dự hai cuộc liên hoan trên bãi Anjuna rồi và từng chứng kiến nhiều cảnh hoang dại với mọi người say thuốc kích động và lắc lư theo nhạc rockinh ỏi của các loa cực mạnh. Tôi nói với anh tôi đến đây là vì muốn mắt thấy tai nghe các thứ đó, những thứ mà tôi đã đuợc nghe kể hồi trước.
Martin mời tôi ở lại nhưng tôi xin phép từ chối. Tôi không muốn làm cuộc vui của anh và bạn anh bớt hứng thú. Vả lại, tôi muốn ngủ ngoài trời dưới bãi để ngắm sao. Tuy nhiên, tôi có tới lều để chào Bill và gặp hai cô bạn của anh. Bill ngạc nhiên khi thấy tôi; hai đứa có nói chuyện một lúc. Anh có đề nghị tôi hút mừng tái ngộ nhưng tôi hẹn khi khác. Vì không có ăn từ sáng nên tôi đói và muốn kiếm gì lót lòng. Tôi để xách lại lều và đi ra dò xem chung quanh. Tôi thấy có nhiều lều bán trà, nước ngọt, khoai tây chiên, sà lách, sà lách trái cây và sữa chua. Tôi vô quán gần bên ăn sà lách và sà lách trái cây trộn sữa chua. Khá ngon miệng. Theo lối cát mòn đi vô phía trong, tôi gặp nhiều nhà và lều quán ẩn mình dưới rạng dừa cao, những hình thức kinh doanh nhằm phục vụ nhóm híp pi thường tới lui khá đông trong vùng này. Nhiều người ngoại quốc đến đây mướn nhà ở qua mùa Đông từ tháng 10 tới tháng 4. Phía trong xa hơn là làng Anjuna. Làng nhỏ nhưng có trạm bưu điện, bến xe buýt, nhiều chỗ cho mướn xe đạp, và một ít tiệm bán đồ dùng hằng ngày. Nếu cần mua sắm nhiều cho cả tuần, các nhà nội trợ híp piđi chợ Mapusa cách đây hai dặm. Làng Mapusa lớn hơn và có đường xe đò đi đến hầu hết các địa điểm chánh ở Goa. Tôi đự định sẽ lên đây trong vài ngày tới để lấy xe buýt xuống miền Nam.
Chiều tối, tôi nhận lời Martin và Bill hút điếu cần sa. Tôi hút nhưng không thấy có gì tội lỗi vì tôi hút để kỷ niệm thời xưa và nhớ lại bạn cũ như Barry, Larry và Fred. Cần sa Afghan làm tôi phê ngon lành. Lát sau, nghe có nhạc tây ban cầm và tiếng hát vọng lại từ quán trà gần. Tôi thấy bà con bắt đầu kéo về phía quán, nơi có tiếng kèn túi. Martin cho tôi biết đó là tín hiệu mời cơm miễn phí và mời cùng hát do đám Con Chúa Ngông tổ chức mỗi chiều tối. Họ gồm mười người, tất cả đều là Tây, sống trong căn nhà nằm dưới phía Nam của bờ đá, cách đây chừng hai mươi phút đi bộ. Nhà họ là cứ địa của 'cuộc thập tự chinh ồ ạt' vào 'ổ tội lỗi' trong vùng (bãi biển Anjuna). Mỗi đêm nhóm nấu một nồi thức ăn lớn, thường là súp hay hầm, ăn với cơm và chapatti để phát không cho ai tham gia. Trong lúc soạn bữa ăn, một người trong bọn họ chơi tây ban cầm và hướng dẫn cùng-hát để cổ động. Thấy vui vui, tôi đến xem. Tôi ngồi xếp bằng chừng như đang ngồi thiền. Vì còn say cần sa, tôi chỉ ngồi nhắm mắt, nghe hát dân ca trong lúc theo dõi phản ứng của thân mình và hơi thở.
Tôi đặc biệt thích bài hát có câu 'You must be like a tiny baby to get into the kingdom of heaven--Bạn phải giống như một em bé nho nhỏ để bước lên chốn thiên đàng.' Chợt nghe câu hát ấy tôi liền mở mắt và thấy em bé đang được một người đàn bà trong nhóm đu đưa trên tay. Em trông ngây thơ và trong trắng với nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi hiểu câu hát này theo quan niệm Phật giáo của tôi. Trong năm đầu sơ sanh, bé chưa bị hoen ố bởi ích kỷ, thù hằn, thành kiến và những quy định thuờng thấy ở đời. Do đó, chúng ta cần quay lui về thời ấu thơ; tâm ta cần được tịnh hóa khỏi cái bản ngã yêu quý và các độc tố tâm linh hầu đạt sự tự do thật sự hay Niết Bàn. Đó là "Niết Bàn trong ta". Tôi lắng nghe hết tất cả các bài hát trong tâm trạng phóng khoáng đó và không quan tâm đến những từ như Chúa, Thượng Đế, tội, thiên đường, cứu rỗi, vân vân, theo nghĩa của kinh thánh; tôi hiểu ý bóng của lời hát. Tôi không cần hát theo nhưng hiểu ý nghĩa thâm sâu; đó mới là điều quan trọng. Tôi thấy tâm hồn mình dâng trào niềm vui lớn và tôi ngồi trong lặng yên gần nửa tiếng đồng hồ. Thật buồn cười khi thấy hầu hết bọn hâm mộ ăn mặc hở hang chỉ xuất hiện trước khi cơm dọn ra và chuồn lẹ ngay khi vừa ăn xong để khỏi nghe những lời phúc giảng phục sinh hùng hồn. Mặc dầu tôi mới ăn vài giờ trước đó, tôi không thể bỏ qua món rau hầm với cơm, bữa ăn mà tôi nghĩ rất tốt cho tấm thân sụt ký của tôi. Sau đó mỗi người trong nhóm chia đi nói chuyện với từng khách một. Tôi biết truớc họ sẽ nói gì bởi tôi có chút kinh nghiệm với đám Jesus Freaksở Palm Spring rồi. Để tỏ ra lịch sự đối với sự chu đáo mà họ đã dành cho và cũng vì tin tưởng nơi căn bản Phật pháp mới học, tôi ngồi lại trong lúc các híp pi khác tan hàng sớm. Một anh ngồi xuống và hỏi tôi có tin Chúa không? Tôi trả lời: "Tôi tin vì Ngài là một vị Bồ Tát lớn và là người đã ngộ." Anh nhìn tôi hoang mang và nói "Mà anh có nhận Ngài là con của Thượng Đế và là vị cứu rỗi của anh không?" Tôi trả lời rằng nếu ai theo gương và lời chỉ giáo của Ngài, ví như quên mình, hy sinh và thương yêu mọi người, người ấy tự cứu rỗi bằng hành động và ý niệm, và như thế là nhận Ngài như đấng cứu rỗi vậy. Anh kinh ngạc và lật đật rút Thánh kinh ra chỉ cho tôi đoạn nói: "Tôi là Sự Thật, Ánh Sáng và Con Đường; không ai có thể đến với Thượng Đế trên Thiên Đàng mà không qua Tôi; Tôi và Đức Thánh Cha là Một." Anh nhấn mạnh điểm không ai có thể tự cứu rỗi chỉ bằng sự cố gắng của mình, dẫu có nghĩ rằng mình trong trắng thế mấy đi nữa. Tôi cố thuyết để anh hiểu Đức Chúa đã nói rằng: "Thiên Đàng ở trong anh", do đó anh có thể tự tìm thấy bằng cách thiền. Tôi nói thêm Đức Phật cũng từng nói như thế nhưng bằng lời lẽ khác mà thôi. Trước khi tôi nói hết câu, anh cướp lời và biện bác thêm bằng nhiều đoạn Thánh Kinh dí dỏm. Anh vặn lại bằng cách nói rằng người vô luân không thể thấy và đạt được Thiên Đàng bằng công sức riêng và thiền không thể giúp tự cứu rỗi.
Tôi có thể tranh luận với anh tiếp, nhưng kinh nghiệm cho biết tôi chỉ phí sức nên lặng thinh. Sau thêm vài phút giảng Thánh kinh bằng lời lẽ 'đao to búa lớn', anh kết luận tôi chưa thể cải hóa được trong lúc này. Anh cố khuyên tôi nên suy nghĩ lại kỹ càng và nhận Chúa trước khi quá trễ. Tôi cám ơn anh và nói tôi sẽ suy nghĩ. Anh đứng lên từ giã tôi để đi tìm một 'linh hồn lạc lõng' khác.
Sau khi ghé Martin lấy xách, tôi xuống biển tránh đám đông. Tôi ngồi 'thiền quét' một đỗi để thể nghiệm sự vô thường trong và quanh tôi và kết thúc bằng cách rải tâm Từ. Sau đó, tôi nằm dài trên cát ấm dưới bầu trời vô tận. Tôi thức dậy lúc chạng vạng, ngồi thiền một giờ rồi tập du giàVừa lúc tôi kết thúc và định xuống biển tắm có đôi nam nữ đến. Cả hai đều trần trụi trừ mảnh khăn vắt trên vai và xâu chuỗi malaquấn quanh cổ. Người đàn ông xách cái trống thon thon bịt da hai đầu. Họ đi thẳng tới trong lúc tôi còn ngồi trên bồ đoàn. Họ hỏi tôi có thể giúp họ không. Tôi chợt nhận ra hình của Bagwan Sree Rajneesh trên xâu chuỗi của họ, hình ảnh mà tôi có dịp thấy Grita và các bạn của cô đeo lúc ở đằng Hồ Arambol. Đôi nam nữ này là người Đức và cũng là đồ đệ của Guru Rajneesh. Họ giải thích họ sẽ hành một lối 'thiền hỗn loạn' theo tiếng trống. Họ chỉ cần tôi giúp đánh trống theo nhịp điệu của họ, trước chậm sau nhanh. Họ sẽ đứng múa trước và khi họ sà xuống cát ngưng tác động thì tôi ngưng trống. Tôi nói tôi chưa biết nhưng tôi sẵn lòng giúp. Người đàn ông trao cho tôi chiếc trống dài và nói tôi cứ đánh tùy hứng hay tự nhiên theo động tác của họ. Tôi ngồi vào thế hoa sen, để trống ngang trên chân trong lúc họ gỡ chuỗi thảy lên trên hai thẻo vải để dưới cát.
Tôi bắt đầu đánh trống chầm chậm như đã chỉ còn hai anh chị bắt đầu hít thở sâu. Chẳng bao lâu họ xoay thân hình trần truồng của họ qua trái qua phải, mỗi người theo điệu riêng của mình và theo tiếng trống của tôi. Khi nhịp trống lên nhanh, họ nhảy múa, quơ tay, lắc đầu, rơi ngồi trên gối, cung tay đập xuống cát, gào thét, và để mọi thứ bốc ra như người ta thường nói. Tôi không biết tại sao các động tác 'ngây ngất' ấy phát sanh và tôi cũng 'bị lây' trong lúc đánh trống. Ba chúng tôi dường như vô tình hòa quện vào nhau và tôi không biết họ theo tiếng trống của tôi hay tôi theo nhịp điệu của họ. Tôi không còn điều khiển được tay tôi nữa. Tôi tưởng chừng cả ba bị dẫn dắt bởi một lực siêu nhiên đi lần lên cực điểm.
Chừng mươi lăm phút sau chúng tôi bất thần dừng lại cùng một lúc. Tôi vỗ nốt chót và hai anh chị ngưng hẳn mọi động tác rồi từ từ quỵ xuống cát nằm bất động. Tôi cũng mệt lả, để trống lăn khỏi chân, nằm chuồi ra cát. Ánh nắng nhẹ của ban mai dịu hiền chiếu xuống ba tấm thân kiệt lực. Tâm tôi yên tĩnh, ngập tràn an lạc. Thân tâm tôi như được trẻ lại từ trong ra ngoài. Một cảm giác hòa điệu hoàn toàn với thiên nhiên lan tỏa khắp người tôi. Cả ba nằm mơ màng trong khoảng mươi lăm phút mới thức tỉnh. Hai anh chị cám ơn tôi đã tham gia và họ cho biết họ đã cảm nhận luồng nhân điện của tôi. Tôi trả lời: "Tôi rất hân hạnh." Đoạn, ba chúng tôi xuống biển bơi tuốt ra khơi, khỏi vùng sóng đỗ.
Đôi bạn người Đức này đã có lần sống trong ashramở Anjuna đây, nơi mà Grita và hai bạn của cô đã ở. Dĩ nhiên họ biết nhau. Họ giải thích cho tôi biết rằng lối 'thiền hỗn độn' là một liệu pháp gào thét căn bản dùng để trút mọi cảm xúc bị dồn nén hay mọi đau buồn của thời thơ ấu. Theo Guru Rajneesh của họ, thực hành lối thiền này để làm vơi mọi căng thẳng tinh thần hay thể chất trước khi hành các môn thiền thông thuờng. Mọi người sống trong ashramcủa ông đều hành 'thiền hỗn độn' mỗi sáng. Họ có lập lại những điều mà Grita đã có lần nói với tôi về triết lý Tantric và "phòng Tantric' ở ashram. Họ còn cho biết thêm ashramđịa phương đang bán hạ giá một số sách cũ và mời tôi tới xem. Sau đó, họ cáo biệt ra về theo hướng lúc họ đến.
Tôi xách đồ trở lại lều của Martin. Martin mời tôi ở lại ăn cháo trái cây mà hai cô bạn anh vừa nấu. Tôi thuật lại câu chuyện 'thiền hỗn độn.' Martin cười và nói đồ đệ trời ơi của Rajneesh thường tới rẻo bờ biển yên tĩnh này, theo lời anh, để 'nhảy ngựa'. Anh nói đây là nơi lý tưởng để họ hành 'thiền hỗn độn', thỏa mãn tình dục và hút cần sa thả giàn. Anh cho biết thêm rằng đám con gái neo-sannyassinsnổi tiếng là dễ chung chạ và là mồi ngon của bọn con trai kể cả những đứa không phải là sannyassinmuốn 'chơi không'. Martin từng sống nơi đây ba tháng nay nên biết rành các trò của họ. Anh không tán đồng và nghĩ họ rất dị cũng như các Jesus Freaks.
Sau bữa ăn sáng, tôi thả lên bãi Bắc, thân trần truồng như nhộng. Trên đường đi tôi thỉnh thoảng xuống nước ngâm mình. Tôi cảm thấy tuyệt diệu khi sống tự nhiên--không cần dấu diếm mà cũng chẳng phải hổ thẹn nhận những gì thiên nhiên đã dành cho. Thật đẹp đẽ biết bao khi nhìn thấy mọi người đến từ mọi nẻo cùng gặp và cùng chung sống với nhau, dẹp bỏ mọi phiền toái của xã hội để trở về cội nguồn. Trên đường trở lại lều tôi gặp một người quen: Antonio, anh bạn Tây Ban Nha có mớ tóc dài mà tôi biết hồi ở Gomera và Kabul. Anh đi cùng nguời bạn tên Pablo. Pablo mời tôi đến căn lều nhỏ của anh ở gần đây để hút điếu chillumvới các bạn. Tôi không muốn vì đang lâng lâng tự nhiên, nhưng tôi nhận lời vì bản tính xã giao cũ. Tôi theo về. Pablo vấn một điếu lớn dùng cần sa Manali và nhiều thuốc lá, thứ thuốc lá mà tôi rất sợ. Sau hai hơi tôi buồn nôn và có cảm tưởng như bị bịnh tới nơi. Nhưng không muốn mang tiếng 'hút rồi chạy', tôi ráng ngồi lại một thời gian cho đến khi hết chịu nổi. Tôi bèn cám ơn cáo từ rồi rút lui ngay để kịp hít không khí trong lành bên ngoài; tôi qua mắt được họ. Đi một chút tôi thấy khỏe lại dầu đầu còn nặng và tôi chưa thật thoải mái như trước. Tôi trách tôi sao quá điên rồ đã cưỡng lại nhận xét chính đáng của mình. Tôi sực nhận ra rằng có một xu lực khá mạnh ẩn náu trong tiềm thức luôn luôn đấu tranh với những thiện ý để dành phần thắng. Tôi cũng nghĩ tôi đã học được một bài học là phải quyết tâm từ bỏ hẳn cái tật xấu kia đi. Tôi chợt nhớ lại lời của Guru Rajneesh khuyên nên chìu tham dục cho đến khi nó nhàm hay chán để không còn đòi hỏi nữa.
Tôi đi vô làng nhỏ Anjuna, đến thăm trung tâm của Guru Rajneesh. Tôi được anh chàng người Đức gặp hồi sáng đưa đi xem. Phòng tiếp tân có treo rất nhiều hình của Guru Rajneesh chụp trong nhiều dịp khác nhau. Tôi đứng lại xem một hồi. Ông có dáng dấp của một guru Ấn Độ, ngoại trừ cái trán sói. Áo dài trắng, tóc râu hoa râm, gương mặt trong lành, và đôi mắt có thần của ông làm ông trông rất kỳ bí, một sự kỳ bí tiềm tàng sự ngộ đạo của ông. Trên bàn để trong góc thấy có nhiều sách cũ được bày bán. Tôi lựa ba cuốn, hai cuốn do ông viết là From Sex to Super Consciousness--Từ Tình Dục đến Siêu Ý Thức và The Book of Secrets--Sách về những Bí Mật' và cuốn thứ ba tựa đề "The Way of Zen--Thiền Zen' của Alan Watts, một người trước theo Chúa sau trở thành đồ đệ Zen. Sách bị rách nhiều chứng tỏ đã qua tay nhiều người đọc rồi. Rất rẻ. Tôi mua hai cuốn và bỏ lại 'The Book of Secrets'vì cuốn này dày và nặng không tiện mang theo. Như vậy, tôi có sách hay để đọc trên đường xuống phương Nam sắp tới. Anh người Đức có chỉ tôi xem 'phòng Tantra' nơi dành cho những ai có đòi hỏi sinh dục mạnh mà theo Guru cần phải được xả bớt. Đồng sự để giúp những người có nhu cầu đó có thể không khó tìm.
Đặt nặng vấn đề sinh dục như nói trên đối với tôi có vẻ quá đáng. Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh bởi thứ sinh dục công khai mà Guru Rajneesh cũng như các 'thầy áo vàng' của ông và nhiều người khác từng quan tâm. Dĩ nhiên, tôi có nhu cầu nên đã giao du với Gail trước đây hay với Linda ở Skyros và Grita hồi gần đây. Thật tình, tôi có nghĩ phớt qua thỉnh thoảng khi thấy một cô gái Âu Mỹ khêu gợi hay một bà Ấn Độ đẹp và tôi có bị mộng tinh đôi lần. Tuy nhiên tôi không có nghĩ tới ái ân hay bị dục tình ám ảnh triền miên. Trong giờ thiền, nếu có niệm ấy dấy lên tôi xem nó, Anicca, như một phản xạ tập quán, đến rồi đi. Ai cũng biết đó là những biểu hiện của dục vọng tiềm tàng và bản năng thâm căn mà nam nữ đang tuổi thanh xuân không sao không có. Trong trường hợp của tôi, tôi thật tình không biết đó là biểu hiện của sự tự chế hay đàn áp của tiềm thức. Mà tôi không muốn đặt thành vấn đề làm gì. Có thể sách 'From Sex to Super Consciousness'giúp tôi hiểu rõ hơn. Giờ đây, tôi cần sẵn sàng cho lễ hội trăng tròn sắp đến. Bà con đang lo đặt máy phát âm và loa lớn trên bục cây dựng trên bãi cát cách chỗ của Martin không quá hai trăm mét.
Sập tối, tôi ngồi vào thế hoa sen, thở sâu và nhịp nhàng để vận chuyển năng lực. Tôi quán chiếu mình như một nhà du già đang cảm thọ khí lực pranamà hơi thở mang vô toàn thân. Phương cách này làm con người tôi thoải mái nhờ máu được tiếp tế nhiều oxy và não bộ được kích thích. Khi tôi xong đâu vào đấy rồi nhạc rock cũng vừa trổi lên. Vài phút sau có anh chàng Ngông tóc dàitới nhoẻn cười qua hàm râu rậm ri và đưa cho tôi một ô giấy nhỏ với lời chúc 'happy trails--lên đường cực lạc'. Trên người anh chỉ vỏn vẹn có cái xi-líp cột dây chữ G và cái đãy đeo vai. Anh xuất hiện bất thần làm tôi mất hồn nên không kịp có lời cám ơn; mà cũng không cần. Tôi mất định hướng và không rõ thời gian một chập. Khi hoàn hồn tôi đã nuốt tọt ô giấy a cít rồi, còn anh thì đã biến mất.
Tôi không thể tưởng tượng việc gì đã xảy ra và cũng không thử tìm hiểu. Chẳng bao lâu, tôi lâng lâng và không còn cảm giác mình gắn liền với thân nữa; hình như tôi chỉ còn là một cái túi không khí. Nhạc trở nên huyền diệu chừng như đang nhảy múa trong không trung và bầu trời trở thành một bức tranh phấn màu làm tôi mê say. Hơi thở sâu mà tôi bắt đầu lúc nãy bây giờ cứ tự nhiên tiếp tục. Toàn thân tôi ngứa rang và rộn ràng với một nguồn khí lực vi tế, dầu rằng hình dạng nó không rõ ràng. Tôi không thể nghĩ suy và 'cái tôi' của tôi đã tạm vắng mặt. Tôi cũng không thể tự cử động. Xác thân tôi trở thành mỏng manh và kỳ lạ nhưng đồng thời rất tươi đẹp.
Hình như lối ba mươi phút sau, nhạc Led Zepplin trổi lên, tôi sực tỉnh. Nhóm acid rockđộc đáo và quen thuộc mà tôi rất yêu thích này tác động ký ức tôi khiến tôi say sưa mãnh liệt. Tuy nhiên tôi cố kiểm soát mình để có thể tự đứng lên và đi tới phía phát ra âm thanh cám dỗ ấy. Túi đeo vai đựng đồ cần thiết và chiếc khăn màu cam thắt ngang lưng giờ thành thừa thãi, nếu không muốn nói kỳ dị. Tôi không biết làm sao và muốn liệng chúng đi cho rảnh nợ. Nhưng một thoáng lý lẽ nhắc tôi trở về thực tại. Tôi nhét khăn vô xách và xách xách theo. Tôi đi mà có cảm tưởng như mình lướt chầm chậm và nhẹ nhàng trên cát.
Trời tối nhưng khu vui chơi rực sáng đền và lửa trại. Bà con đã xuôi ngược và tụ năm tụ bảy trong khu vực. Nhạc nghe càng lúc càng lớn khi tôi xích tới gần nhưng không quấy rầy tôi chút nào hết. Tôi dừng lại chỗ đèn không chói lắm, sát khán đài, rồi ngồi bệt xuống cát; thân tôi không muốn đứng. Tôi ngồi tréo chưn và cứ ngồi như vậy, không còn để ý tới nữa. Cái ngã của tôi đã chìm khuất, chỉ còn có không trạng tỉnh thức, tình trạng không gian không thuộc về ai, trong ấy dấu vết lơt lạt của 'cái tôi' chỉ lơ lửng ở phía sau xa xôi. Khá đông trai gái Ngông nhảy múa man dại, uốn éo thân trần truồng theo nhịp trống phát ra từ các loa điện tử.
Thâu đêm tôi được nghe nhiều khúc nhạc của thời vàng son xưa như The Doors--'Light My Fire';Jefferson Arplane--The Moody Blues--'InSearch of the Lost Chord'; The Beatles--'Magical Mystery Tour'; Jimi Hendrix--"Are You Experienced'; và Led Zepplin--'Stairway to Heaven'. Chắc là ai đó có nhiều kinh nghiệm lắm trong việc lựa chọn và điều hành việc chơi nhạc đêm nay. Tôi cảm động khi được nghe lại các điệu cổ điển xưa nhờ sự hiểu biết rộng rãi của người điều khiển đó. Tôi có thể khám phá, thâm nhập và thưởng thức ý nghĩa bí truyền của các lời nhạc một cách sâu xa và thắm thiết mà trước đây tôi chưa nghe biết. Tôi từng nghe các bản này nhiều lần rồi trong lúc phê, nhưng ít khi được nghe trong tình trạng tâm an định khả dĩ phân biệt từng câu từng chữ và hiểu hết ý nghĩa duy linh. Và ví dầu tôi có hiểu đi nữa thì chỉ hiểu lờ mờ, vì lúc bấy giờ tôi đâu có thiêng về siêu hình hay thật sự tin vào tâm linh. Chung chung, tôi biết rằng các âm điệu đó nói lên những gì cao xa ngoài trí thông thường, nhưng cũng chỉ là những khúc hát phóng đại tiêu biểu cho giới híp pi đương thời.
Ngoài đám nhảy múa, có nhiều nhóm nhỏ ngồi hút cần sa, và 'Bom Shiva, Bom Shankar' được nghe xướng lên đó đây từng chập. Nhóm gần tôi nhứt cách tôi chừng vài thước. Một người trong nhóm vói đưa tôi điếu thuốc, nghĩ rằng tôi đang cô đơn vì ngồi có một mình. Thiệt tình không phải vậy, tôi biết tôi: tôi không cần gì hết trong lúc này. Tôi có cảm tưởng lực sống/tỉnh thức của tôi không khác cái lực điều động các người đang nhảy múa; lực này do khói cần sa kích thích bầu không khí lễ hội. Tỉnh thức mà tôi đang vui hưởng là một phần hòa nhập hay là phần căn bản của quang cảnh chung, 'quang cảnh khiêu vũ vũ trụ của cuộc sống[27]'. Đó là cảnh mộng lành và là trạng thái tỉnh thức cao nhứt, bao la nhứt mà tôi chưa hề cảm thọ.
Cảm thọ ấy dâng cao một lúc. Khi tôi có thể suy tư trở lại, tôi không biết trạng thái giác ngộ có giống vậy chăng. Tôi không nghĩ Niết Bàn có thể bao la và đẹp đẽ hơn, ngoại trừ tính thường hằng. Vì mục tiêu đó, tôi hành thiền, luyện du già và hút cần sa ma túy; cần sa ma túy, tôi nghĩ, có thể giúp tôi một cách tuyệt diệu. Tôi biết tôi sẽ trở lại thực tại, nhưng nếu còn hưởng được lúc nào tôi tận hưởng lúc đó, chỉ tận hưởng mà không tham lam vướng mắc. Kinh nghiệm huyền diệu ấy làm tôi tin nơi công phu tập luyện tâm linh hay hành trì Phật pháp; nó 'put the icing on the cake--phết kem lên bánh',như người ta thường nói; nó giúp hiểu rằng không còn gì phải nghi ngờ kết quả thu đạt được do công phu nói trên. Con đường tôi đang đi được xác quyết rõ ràng và tôi nhứt định đi tới để đạt sự tỉnh thức hay trạng thái tương tợ. Và từ hôm nay tôi tin tôi không cần tới ma túy nữa.
Trở lại bình thường vào lúc nửa đêm, tôi chợt nghĩ nên ra bãi ngắm trăng. Nước biển long lanh như mời gọi, tôi bèn xuống nhúng mình để hưởng lấy cái long lanh ấy. Tôi có cảm giác kỳ lạ tưởng chừng như mình với nước cùng là một thể. Nước dường như thấm thấu qua màn trong suốt và phi vật thể của thân tôi. Tôi tự cảnh giác không để bị cuốn trôi và mất liên lạc với thế giới hiện hữu. Tôi bèn lên bờ chỉ sau vài phút xuống nước để tránh có thể bị đắm.
Có tiếng gọi to "Joseph, Joseph[28]". Tôi quay lại và thấy hai bạn người Áo. Họ cũng đã nuốt acít và cũng đã phê. Họ tìm tôi để hỏi về những cảm giác kỳ lạ mà họ vừa chứng nghiệm; họ dùng thuốc gây ảo giác lần đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Một trong hai anh thuật lại cảm giác thân anh như tan biến và anh không còn nhận ra thời gian và không gian được nữa. Anh sợ anh không thể trở về với xác thân mình và có thể chết hay mất trí. Anh kia không có cảm giác mạnh đó nhưng lây sợ vì thấy bạn anh quá sợ. Hiện giờ họ tỉnh vì thuốc đã tan. Họ nghĩ tôi biết tại sao và nhờ tôi cắt nghĩa dùm. Tôi còn đang lơ mơ theo mây theo gió nên chưa thể suy tư chính chắn được. Tôi chỉ có thể nói rằng: "Tất cả đều là trống không, là ảo giác; và tất cả do tâm mình mà ra." Tôi lập đi lập lại hai ba lần trong sự kinh ngạc của riêng tôi.
Trăng đang chìm sâu dần và nhạc đang trên đà kết thúc. Lối hai mươi người còn đang thức qua đêm; họ ra bãi đi dạo, tắm biển, làm tình (những người có cặp), hay chỉ nằm nhoài xuống cát vì chưa tỉnh. Còn tôi thì lúc ngồi, lúc nằm, lúc đi dọc mé nước; tôi chiêm nghiệm quá khứ, hiện tại và vị lai theo nhân quả; tôi chiêm nghiệm lý do mà mỗi người tiến hay thối trên bước đường sanh tử theo nghiệp của mình. Khi trăng khuất dưới chân trời, tôi xuống biển tắm sáng. Mặt trời lên tôi tắm nắng mai. Sau đó tôi ngủ một giấc say. Tôi không luyện du già hay ngồi thiền sáng nay vì tôi chưa thật là mình trong lúc bấy giờ. Vả lại, trọn đêm hôm qua là thời thiền của tôi đó.
Hôm sau tôi giã từ không khí híp pi trên bãi Anjuna và tiếp tục xuôi Nam về vùng đất mũi. Tôi lấy xe đò địa phương chạy đường dọc duyên qua Kerala. Tôi nghỉ lại mỗi chiều để xuống biển. Làm vậy, tôi có thể tiếp tục thiền và tập du già mỗi sáng và tối, và khỏi tốn tiền phòng ngủ.
Một chiều nọ, tôi gặp một chuyện thật dị kỳ khi lửng thửng vô làng nhỏ dưới biển. Có nhiều người đằng trước đứng ngó tôi chòng chọc. Khi đến gần, tôi thấy họ xầm xì với nhau và ánh mắt họ không mấy thiện cảm. Rồi, họ kêu thêm dân làng ra. Không biết làm sao, tôi cứ lầm lủi đi tới. Họ chận tôi lại. Họ nhắm tôi hét lớn nhưng tôi nào đâu hiểu được tiếng địa phương của họ. Họ chỉ vô xách và như đòi tôi mở ra cho họ xem. Bị động nhưng cố làm tỉnh, tôi tìm lối đi quanh. Họ hè nhau vây tôi; vài người xô tôi, vài người khác tìm cách giựt xách đeo vai của tôi. Tôi rất sợ vì không biết tại sao họ có thái độ dọa nạt như vậy. Đúng là họ quan tâm tới những gì tôi mang trong xách nên không ngớt chỉ vô đó. Tôi đành mở xách cho họ xem để họ hết tò mò--sự tò mò rất ầm ĩ. Người chủ chốt trong đám lục xách nhưng không tìm thấy gì họ muốn tìm nên đám đông lần lần dịu xuống.
Lúc bấy giờ có một thanh niên đến giải cứu. Anh ăn mặc khá tươm tất và nói được tiếng Anh. Tôi hỏi anh chuyện gì vậy. Anh hỏi lại đám đông và được biết họ tưởng tôi là tên thầy ác ôn vì thấy tôi để râu xồm và mặc áo màu cam. Họ nói bọn giả dạng thầy tu đi rong để rình bắt cóc con nít thường xảy ra ở đây lắm. Họ nghi tôi có giấu một em bé trong xách. Thật là chuyện hoang đường! Tôi không ngờ đám dân quê chất phác này thật sự nghĩ tôi có thể nhét một đứa bé trong xách nhỏ của tôi rồi dám ngang nhiên đi ngang qua họ giữa thanh thiên bạch nhựt. Hết sức phi lý. Tôi không biết làm gì hơn là thương họ phải sống trong sự sợ hãi như vậy.
Anh bạn trẻ mời tôi về nhà không xa đó. Anh tiếc tôi đã bị đám đồng bào khiếm nhã của anh làm phiền và tha thiết mời tôi về đằng anh nghỉ ngơi sau câu chuyện rởn tóc gáy đó. Đã bốn giờ rồi, tôi thấy cần có chỗ qua đêm nên vui vẻ nhận lời và thành thật cám ơn anh. Anh tên Dinesh, sống với mẹ già, một em trai và hai em gái, trong căn nhà đơn sơ theo tiêu chuẩn Ấn Độ. Dinesh là ca sĩ có dĩa thu thanh, thường ca hát trong các hàng quán hay đình đám ở Kerala. Anh rất mừng nghe nói tôi thiền và biết du già bởi ba anh từng là một đồ đệ du giàcho tới khi mất vài năm trước đây. Ở Ấn người ta thường nghe nói tới bạn bè hay thân thuộc luyện môn này chớ ít khi gặp người thật sự luyện. Dinesh đưa tôi khăn và xà bông rồi chỉ tôi ra tắm ngoài giếng sau nhà. Tôi không được tắm nước ngọt với xà bông lúc gần đây nên chụp ngay cơ hội ra dội nước giếng và kỳ cọ toàn thân.
Tối đó tôi được mẹ và hai em gái của anh dọn cho bữa ăn linh đình với cơm, dhal, chapattisvới tàu hủ,hai ba món cà ri chay, và chuối tráng miệng. Sau đó anh đưa tôi vô làng xem liên hoan và lễ hội tôn giáo hằng năm đang diễn ra trọn tuần này. Có voi với thảm phủ đầu, đèn màu, nhạc ầm ĩ, trò chơi, quầy thức ăn, và đám người đông đến từ các làng kế cận. Dinesh giới thiệu tôi với một số bạn của anh và gọi tôi là 'nhà du già người Mỹ'. Sau nửa giờ rảo quanh tôi đâm chán và xin về; anh cũng về theo. Được thấy cách vui chơi của dân quê Ấn cũng là điều hay hay, tôi nghĩ. Rồi tôi nghĩ thêm không biết các người nhà quê thiếu thốn này phản ứng thế nào nếu được xem xiệc của The Ringling Bros hoặc những pha xiệc ngoạn mục khác.
Tôi đến Mũi Comorin vào lúc xế hôm sau. Người Ấn gọi mũi đất này là Kanyakumari, có nghĩa Nữ Thần Đồng Trinh. Ở đây có đền Hindu lớn thờ Bà, người mà thần thoại Hindu gọi là Parvati, phu nhân của Thần Shiva. Đền thờ là một điểm du lịch thu hút rất đông khách. Khách đến đây còn được ngắm trời lặng và trăng lên cùng một lúc. Kanyakumari cũng là nơi trăng mật lý tưởng của các cô dâu chú rể Ấn.
Mũi Comorin là giao điểm của ba biển: Ấn Độ Dương, Biển Á Rạp và Vịnh Bengal. Ngoài khơi chừng vài trăm thước có một đảo nhỏ với đền kỷ niệm Swami Vivekananda, người con nổi danh của xứ Ấn có công đầu phổ biến tư tưởng Đông phương sang Tây phương hồi gần đây. Ngài đại diện cho Ấn Độ và Ấn giáo trong Đại Hội Tôn Giáo Hoàn Cầu tổ chức tại Chicago năm 1893, Ngài mạnh dạn đề cập đến sự tương quan và hài hòa giữa các đạo giáo trên thế giới. Chính tại mỏm đá giữa ba biển này Ngài thọ nhận linh cảm tham dự Đại Hội Lành ở Chicago và quyết tâm đưa Phật Pháp sang phương Tây. Ngài là đồ đệ bậc nhứt của Thánh Paramahansa Ramakrishna, Người đạt giác ngộ khi quán chiếu bản thể của các đạo giáo. Thông điệp hiệp nhứt tôn giáo và tâm linh của sư phụ được Ngài truyền bá qua sự hình thành các Hội Truyền Giáo Ramakrishna mà hiện nay có rất nhiều trụ sở trên toàn thế giới.
Tôi chọn ở trong một khách sạn gần bến xe buýt. Tôi vô khách sạn để có chỗ cất giữ đồ đạc an toàn trong lúc đi chơi. Vả lại không có chỗ nào dưới hay gần biển có thể ngũ nghỉ được bởi dọc biển, ngoài bờ đá, tất cả các bãi được dùng để xây đền rất to, tượng đài ông Mahatma Gandhi, và bến tàu. Xế, tôi ra xem toàn khu và viếng đền. Trong đền có quầy sách lớn của Hội Truyền Giáo Ramakrishna với nhiều sách do Swami Vivekananda viết. Tôi dành khá nhiều thì giờ lục lạo và mua được hai quyển nhỏ có vẻ hay hay. Một trong hai cuốn đó là 'Raja Yoga' của Swami mà khi lật sơ qua tôi thấy sâu sắc và đáng đọc. Sách sẽ giúp tôi hiểu du già trọn vẹn và sâu xa hơn nhờ làm sáng tỏ các bước dẫn tới Moksha.
Chiều lại tôi lấy tàu ra đài kỷ niệm nơi có đền thờ và tượng của Ngài Swami Vivekananda. Đền được chăm sóc tươm tất còn tượng trông rất uy nghi. Tôi vào phòng thiền trong đền ngồi vào thế hoa sen thiền một đỗi. Trong lúc đang cảm thọ các vi ba thiêng liêng, tôi bỗng giựt mình vì có cái chi đó đụng vào đầu gối tôi. Hé mắt, tôi thấy một bà cụ lết tới và dùng hai tay xoa đầu gối tôi. Bà tưởng tôi là đạo sư nên làm vậy để tỏ lòng tôn kính theo truyền thống của đạo Hồi. Bà cụ sùng đạo cũng có lẩm nhẩm vài tiếng mà tôi nghĩ chắc là sadhu (đạo sư). Tôi giữ thế hoa sen và không động đậy vì không muốn làm cụ mất đi hình ảnh đẹp của tôi đang tĩnh tọa. Lát sau tôi ra ngoài đứng nhìn khối nước xanh thẳm mênh mông của Ấn Độ Dương; về hướng Nam bên kia đại dương là Nam Cực. Biển y có sức thu hút đặc biệt, thảo nào Ngài Swami Vivekananda đã bất kể gian nguy lội ra hòn đá nhỏ này ngồi quán chiếu thực tại.
Sáng sớm hôm sau, tôi sang nhiều chuyến xe đò để tới Rameswaram, một thành phố nằm trên hòn đảo cách chừng một dặm dãy đất hình ngón tay cong nhô ra từ lục địa Ấn Độ. Ngoài khơi là Eo Palk rộng lối ba mươi dặm phân chia Ấn Độ với Sri Lanka. Muốn qua hòn đảo hình giọt nước mắt của Sri Lanka, ngoài cách bay chỉ có đường phà từ Rameswaram. Chiếc phà cũ S.S. Ramanujan đi về mỗi tuần ba lần, lượt nào cũng nghẹt khách. Thoạt tiên, đường này được dùng để hồi cư hàng ngàn dân Tamil đi làm cho các vườn trà ở miền Bắc đảo. Đó cũng là con đường tiện lợi mà nhiều Phật tử Tích Lan dùng để sang Bắc Ấn hành hương và nhiều du khách tiện tặn như tôi dùng để tới lui giữa Ấn Độ và Tích Lan.
Tôi xuống bến phà sáng hôm có chuyến đi. Vé đã bán hết rồi và bà con đang xếp hàng dài xọc chờ qua cổng di trú/hải quan. Tôi phải mua vé--vé hạng ba--cho chuyến sau sẽ ra khơi vào hai ngày tới và đành nằm chờ nơi giống-như-ốc đảo này trong lúc chiếu khán của tôi chỉ còn đúng hai ngày. Tôi đi trở lại xóm ga và vô Dhammasala (nhà nghỉ của khách hành hương) gởi xách đeo vai. Đoạn tôi đi xem phố phường, chùa chiền và vùng lân cận trọn ngày hôm đó.
Về phía Nam của thành phố có nhiều đồi cát vươn cao khắp vùng, nơi lý tưởng cho tôi luyện du già,ngồi thiền và cả ngủ đêm. Trước khi chiều xuống, tôi trở về Dhammasala--đầy nghẹt khách--lấy xách rồi ra nhắm làng chài dưới chân núi cát to đi tới. Trên đường tôi ghé mua ít chuối, nước, đậu phọng, và bánh mì ngọt cho buổi ngủ ngoài trời đêm nay. Tôi lội qua nhiều đồi cát để đến ngọn cao nhứt và cũng là ngọn gần biển nhứt. Từ đây tôi nhìn thấy trọn thành phố và khu bến tàu với vô số thuyền câu giăng khắp nơi. Quang cảnh thật tuyệt vời. Thêm vào, gió biển nhè nhẹ thổi làm dịu mát cái nóng ẩm địa phương. Chỉ có một bất tiện duy nhứt là những đồi cát vắng vẻ quanh xóm chài thường là nơi phóng uế của dân chúng và là chỗ kiếm ăn của bầy heo đi lục lạo dọn dẹp dùm một cách bất đắc dĩ. Sau một lúc tìm kiếm tôi thấy một chỗ tương đối sạch trên đỉnh đồi; tôi trải nóp ra.
Cảnh hoàng hôn nơi đây thật ngoạn mục vì chân trời nhìn được trọn vẹn, 360 độ. Trong lúc tập du già và thiền tôi có cảm tưởng mình trơ trọi, biệt lập và quá nhỏ nhoi giữa biển cát ngút ngàn. Tôi tưởng tượng tôi chỉ là một hột cát trong tỷ tỷ hột, như là một kiếp người trong đại dương vô lượng của luân hồi. Cảm nhận đó làm tôi hân hoan khôn tả và tạo cho tôi một nội lực, vì tôi biết rằng trong những giới hạn và tiêu cực của cuộc sống hiện tại có con đường siêu việt.
Cảnh rạng đông cũng cực kỳ đẹp mắt với mặt trời tỏ dần lên từ chân trời Đông. Tôi ngồi thiền và tập du già thật lâu, từ lúc hừng đông cho tới lúc mặt trời lên khỏi chân trời-nước. Tôi thở sâu và hít vào buồng phổi không khí trong lành của buổi ban mai. Nhiều dân chài đi vệ sinh sáng cùng đám heo đi theo đem đến cho tôi những bạn đồng hành đầu tiên trong ngày. Họ lấy làm lạ thấy người như tôi lên đây một mình; họ tò mò đến gần trố mắt nhìn. Khoảng 8:30 giờ sáng, lúc bắt đầu nóng, tôi cuốn nóp leo xuống đồi, vô thành phố ăn sáng và ở lại trong đó.
Trong quán trà, tôi gặp một người Anh vừa từ Madurai tới hồi sớm bằng xe lửa để đi Tích Lan. Anh cao lỏng thỏng với râu tóc hớt cạo tươm tất. Chúng tôi vừa ăn sáng, vừa uống trà, vừa nói chuyện một đỗi lâu. Anh tên Chris, đi một mình, chỉ mang có cái xách đeo vai. Anh xuống từ phương Bắc và đã tới những nơi mà tôi từng đi qua. Anh rất thích thiền và du già nhưng chưa có học mà cũng chưa có tập. Tôi thuật anh nghe kinh nghiệm thiền tôi thọ giáo với Thầy Goenka ở Kopan và trong khóa tự học tại Goa. Như thường lệ, tôi cố tránh phóng đại vì sợ rơi vào cao ngạo. Chris rất thích nghe chuyện tôi kể và nói sẽ bắt chước.
Tôi cho Chris biết tôi qua Tích Lan để học Phật và tôi định sẽ tìm vô một trung tâm thiền có thầy giảng bằng tiếng Anh. Anh rất nhiệt tình và xin theo. Anh nghĩ nếu đi riêng một mình anh sẽ bị xao lãng và có thể sẽ đổi ý trước khi tới thiền viện. Anh gặp trường hợp này rồi khi anh định tới học với Thầy Goenka vài tháng trước đây. Lúc bấy giờ anh không có ai nâng đỡ tinh thần nên bỏ cuộc và đi tìm thú vui khác. Anh tin rằng anh sẽ không bị lạc hướng nếu được theo tôi. Tôi thích anh cao lêu nghêu với giọng Đông Luân Đôn này, nên nếu có thể giúp tôi chẳng những sẽ sẵn lòng mà còn khuyến khích anh theo tôi qua Colombo. Chris đã có khách sạn rồi, còn tôi sẽ ra đồi cát để thưởng ngoạn cảnh đẹp và có nơi thiền tĩnh mịch.
Sáng ra, tôi đi ăn sáng với Chris trong cái quán đã chọn trước khi ra bến tàu. Đúng như dự đoán, quang cảnh của trạm quan thuế rất hỗn tạp. Các ông bà Ấn Độ và Tích Lan trở về xứ hay la lối, chen lấn và thiếu kiên nhẫn nhứt. Họ tay xách nách mang nhiều hành lý cồng kềnh. Họ đem về đồ ngoại, tức đồ khó kiếm ở xứ họ vì lúc bấy giờ chánh quyền xã hội Sri Lanka rất giới hạn nhập cảng. Hàng hóa tôi thấy họ thích đem về nhứt là các ống nhựa màu, thùng xách nước và sà-ri dệt ở Ấn. Ngoài khách Nam Á có thêm chừng mười tới mười lăm Tây ba lô tìm đường qua nơi mà một tờ quảng cáo nọ gọi là 'Hòn Đảo Rực Rỡ[29]'. Chúng tôi lên được đò sau ba tiếng xếp hàng và làm thủ tục!
Trên chuyến đò dài gần bốn tiếng qua Sri Lanka, Chris và tôi gặp hai anh em người Tích Lan. Hai người nói thạo tiếng Anh, rất thích nói và nói chuyện với chúng tôi một hồi lâu. Khi biết tôi theo đạo Phật, họ nói họ 'sanh ra là con Phật'. Tôi không biết làm sao họ sanh ra là con Phật, nhưng tôi đoán họ cũng như nhiều người Tây phương thường tự cho mình là con Chúa từ lúc mới lọt lòng. Tôi chỉ được hiểu rõ ràng hơn lúc về sau này.
Hai anh em Fernando mời tôi và Chris cùng về Negombo, cách Colombo chừng hai mươi dặm, ở với họ để có dịp làm quen với phong tục Tích Lan. Âu là một lời mời hào phóng, nhưng tôi không dám nhận. Tôi định tới thủ đô Anuradhapura trước tiên, nơi có rất nhiều di tích Phật giáo và cội bồ đề cổ mà tôi mong được kính viếng và đảnh lễ. Ngoài ra, tôi muốn làm một cuộc du lịch tự do trên đất Tích Lan và xuống miền Nam cho biết dân tình cùng phong cảnh ở đó. Tôi xin địa chỉ họ và hứa sẽ ghé lại thăm nếu có dịp đi ngang.
Trên chuyến đò này tôi còn gặp một người Tích Lan nữa. Ông mời tôi và Chris đến thăm một người bạn Phật tử của ông đang ở tại Colombo. Ông nói hai chúng tôi có thể ở lại nhà ông bạn đó vài hôm khỏi phải tốn kém gì cả. Tôi cũng lấy địa chỉ để nếu có dịp. Như vậy, trước khi đặt chơn lên hòn đảo nổi tiếng thân thiết Sri Lanka, chúng tôi có những hai lời mời rất hiếu khách. Một bước đầu rất may mắn.
*
[1]Lạt Ma Zopa Rinpoche sanh năm 1946 tại Thami, trên Hy Mã Lạp Sơn, Nepal, không xa động Lawudo nơi mà bậc tiền bối của ngài từng thiền định trong 20 năm. Ngài hiện là vị lãnh đạo tinh thần của The Foundation for the Preservation of the Mahayana Traditionvà trông coi mọi hoạt động của hội này (tg).
[2]Trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh, và địa ngục (nd).
[3]Từ đây nhiều từ tiếng Sanskrit và Pali được dùng vì các từ này không có từ tương đương trong tiếng Anh. Ngoài ra, các từ này cần được lập đi lập lại nhiều lần để rõ nghĩa hơn (tg).
[4]Perfect Human Rebirth (tg).
[5]Thuyết nhà Phật cho rằng thân thể con người được tạo nên bởi sự kết hơp của bốn chất là đất, nước, gió, và lửa (nd).
[6]'good Samaritan Christian'(tg).
[7]'home for lost souls' (tg).
[8]'Born Again Christians' (tg).
[9]Tên của đỉnh cao nhứt thế giới mà người Nepal thường gọi.
[10]Xà rong cổ truyền dài tới đầu gối (nd).
[11]Vedas or Upanishads (tg).
[12]Trường trung học ở đây được gọi là college (tg).
[13]Tiếng Phạn có nghĩa Vô Thường (nd).
[14]Nguyên văn của tác giả là one-pointed concentration.
[15]Sổ Tức Quán, Quán Hơi Thở (nd).
[16]Tiếng Hán Việt là Thiện Tai. Cũng thường nghe nói Lành thay. (nd)..
[17]Lạc thọ.
[18]Tiếng Anh Out có nghĩa là ra ngoài (nd).
[19]Ashram có thể dịch là viện nhưng không sát nghĩa lắm; do đó chúng tôi chọn dùng chữ ashram hơn là viện (nd).
[20]Cần sa Kerala trồng ở tiểu bang Kerala, nam Ấn Độ (nd).
[21]Niết Bàn của Ấn Giáo. Sự thoát vòng sanh tử. Còn gọi là Brahma Nirvana (nd).
[22]Yogilà người luyện yoga (nd).
[23]Nguyên văn của tác giả là pervading Cosmic-Consciousness.
[24]Mật Tông. Chúng tôi giữ nguyên văn Tantra để đưọc sát nghĩa hơn (nd).
[25]Yoga có nghĩa đen là sự kết hợp hay cái ách. Dầu tôi nghĩ tới Tantric yoga (tg).
[26]Trong khoa Yoga,tiềm lực tinh thần nằm ở chót cột sống được khai triển bởi một số động tác yoga. Sẽ được giảng giải thêm về sau (tg).
[27]Nguyên văn của tác giả là the cosmic dance of life (nd).
[28]Tên mà tôi dùng từ khi rời Gomera. Joseph là tên đệm của tôi (tg).
[29]Resplendent Isle (tg).
-ooOoo-
Chương 14
SRI LANKA
Lịch sử của Sri Lanka khá lạ lùng và ngộ nghĩnh. Theo truyền thuyết, Đức Phật trước khi nhập diệt có tiên đoán rằng Phật pháp sẽ được thừa truyền trọn vẹn qua Lanka và Lanka sẽ là nơi chu toàn. Ngài có nguyện cầu Thần Hindu Vishnu gia hộ cho xứ sở này. Ngày Đức Thế Tôn nhập diệt có hoàng tử Ấn Độ tên Vijaya đổ bộ lên Lanka cùng sáu trăm thuộc hạ với sứ mạng đem văn minh đến các bộ lạc sống trong rừng và đem đàn bà sang để gầy dựng một dân tộc. Hai trăm năm sau, một đệ tử trung thành của Đức Phật, Hoàng Đế Asoka của miền Bắc Ấn gởi sang đây Hoàng Tử Bồ Tát Mahinda để truyền bá Phật pháp và ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Phật.
Từ đó Phật giáo trở thành tôn giáo chính và là lực lượng đoàn kết của dân tộc Tích Lan mà họ rất hãnh diện. Trong nhiều thế kỷ qua, họ thỉnh thoảng có bị Nam Ấn đô hộ nhưng luôn luôn được giải thoát nhờ biết tập trung sau lưng vua mình. Dân viễn chinh Tamil có đem sang Tích Lan Ấn giáo nhưng đạo này chỉ phát triển giới hạn. Vào đầu thế kỷ thứ 16, Bồ Đào Nha thôn tính Tích Lan để độc chiếm thị truờng gia vị và vơ vét tài nguyên. Họ là người phương Tây đầu tiên tới đây và gọi hải đảo này là Ceilao, có thể là tên đọc trại của Sri Lanka. Hòa Lan đánh đuổi Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ 17 và đặt lại tên Ceylan cho dễ gọi. Vào đầu thế kỷ 19, Anh Quốc đuổi Hòa Lan và đổi ra tên Ceylon.
Trong suốt thời gian Tích Lan bị Tây Âu xâm chiếm, Phật giáo bị các nhà truyền giáo Thiên Chúa tị hiềm và phá hoại nhưng vẫn tồn tại. Đạo Phật phát triển mạnh trở lại vào đầu thế kỷ 20 và xứng danh là đại đạo của đa số người Tích Lan. Các đạo khác như Hindu (Tamil), Muslim, và Chúa còn tự do hoạt động nhưng thuộc thiểu số. Các đạo chung sống tương hòa và tương kính. Những xung đột nội bộ đôi khi xảy ra, nhứt là trong lúc gần đây, không phải vì tôn giáo mà vì những yếu tố kinh tế và chánh trị.
Tàu SS Ramanujan cập đầu dưới của cầu Talimannar lúc xế chiều và chỉ có một nhúm nhỏ người ra đón. Hành khách hạng nhứt và nhì xuống trước, kế tới khách ngoại quốc hạng ba và sau cùng là khách hạng ba Ấn và Tích Lan. Trật tự phân hạng như vậy giúp chúng tôi có dịp đến quầy di trú/hải quan trước khi 'đám dân đi buôn' với núi hành lý ùa vô.
Viên sĩ quan di trú hỏi có phải tôi qua Tích Lan học Phật? Tôi nghĩ có lẽ ông thấy tôi cắt tóc ngắn, choàng khăn Benares và đeo chuỗi Tây Tạng nên mới có câu hỏi đó. Nghe tôi trả lời đúng vậy, ông rất vui và chúc tôi mọi điều tốt đẹp. Ông cấp tôi chiếu khán một tháng, tiêu chuẩn dành cho du khách ngoại quốc, và cho biết tôi có thể gia hạn dễ dàng ở Colombo.
Sau giờ tàu đò đến, có chuyến xe lửa đêm đi xuống nhiều nơi dưới miền Nam tới thủ phủ Colombo. Rất tiện lợi. Vừa xong mọi thủ tục nhập cảnh, Chris và tôi ra đổi tiền rúp Tích Lan rồi mua vé đi Anuradhapura. Xe sẽ chạy lúc 10:00 giờ đêm, tức còn tới bốn tiếng nữa. Chúng tôi qua bên kia đường rầy, vô các hàng quán bán thức ăn thử món egg hoppers and string hopperscủa Tích Lan.
Cội bồ đề ở Anuradhapura là một nhánh của cây mẹ ở Bodhgaya được Công Chúa Sanghamitta thuộc triều đại Asoka đưa sang hồi thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Công chúa tu Phật và đạt quả vị A La Hán. Người được phái đến Tích Lan với báu vật để thực hiện chương trình hoằng dương Phật pháp ở lân bang. Như đã kể trên, Hoàng Đế Asoka cũng đã gởi Hoàng Tử A La Hán Mahinda đến đảo này trước đó để xây dựng đạo pháp cho các sắc dân bản xứ.
Lúc trời hừng sáng, Chris và tôi bách bộ tới khu thiêng liêng xưa và ở lại đây trọn ngày vãng cảnh như du khách. Tôi cảm thọ niềm vui vô biên khi biết được lòng mộ đạo tuyệt vời từng thúc đẩy vua chúa và thứ dân Tích Lan tôn tạo trung tâm Phật giáo đầu tiên to lớn này. Tôi lễ bái cổ thụ Sri Maha Bodhi ba lạy rồi ngồi xuống gần đó thiền định ba mươi phút trong lúc Chris đi xem xung quanh một mình.
Trong vườn thiêng còn có tháp Ruvanveliseya vĩ đại, một nguồn cảm hứng khác. Tháp do vua Dutugemunu dựng cách nay hai ngàn năm để thờ xá lợi Phật như hầu hết các tháp đươc xây lúc bấy giờ. Cũng có người nói rằng tháp này thờ thánh tích của hằng trăm vị A La Hán. Dầu thờ ai, tháp vẫn đứng sừng sững trên một trăm năm chục bộ cao và được bao bọc bởi một tường đá chạm voi đứng sát nhau quanh một khuông viên lớn. Trong hai ngàn năm qua tháp nhiều lần bị dày xéo bởi quân xâm lược, nhưng rồi lại được trùng tu và nay trở lại rạng ngời qua lớp vôi sáng phản chiếu ánh nắng mai. Tôi kính cẩn đi ba vòng nhiễu thường lệ rồi ngồi xuống một góc thành quán chiếu luật vô thường.
Trọn khu linh thiêng của thủ đô xưa khá rộng, phải cần hai ngày mới mong đi giáp hết. Mặc dầu Sri Lanka hôm nay theo tôn phái Theravada, vào thuở xa xưa đảo Phật giáo này có cả Mahayana và Hinayana với nhiều tu viện và đông đệ tử. Di tích tháp cũng như chùa chiền của hai phái còn nhan nhản khắp mọi nơi. Chánh quyền Sri Lanka và nhiều tổ chức văn hóa thế giới đang khai quật một số điểm để thâu thập thêm chứng tích của một thời vàng son; kết quả rất ư ngoạn mục.
Bây giờ là cuối tháng Ba không phải thời điểm du lịch nên ở đây có vẻ hoang vắng. Đi bộ dưới cây cao bóng mát trong hoa viên được chăm sóc tươm tất và qua ngôi bảo tàng lộ thiên thiên nhiên đây thật là an lành và thư giãn. Do đó, tôi và Chris quyết định lưu lại nơi này thêm một ngày nữa mong được tận hưởng an lạc. Chúng tôi trải nóp xuống thảm cỏ êm dưới một tàn cây to để ngủ qua đêm. Nhơn dịp, tôi dạy Chris ngồi thiền, bắt đầu bằng thuật quán hơi thởđơn giản. Thật là đúng nơi và đúng lúc. Hôm sau, tiếp tục dạo trong công viên, chúng tôi gặp một hồ sen và có xuống ngâm đôi chân mỏi của mình. Nắng xế nóng ran.
Chung chung, chúng tôi được làm quen với một nền văn hóa và lịch sử rất kỳ thú. Và hai ngày đầu tiên ở nơi đây làm tôi hứng khởi và rất thỏa mãn với Sri Lanka, đất nước mà tôi sẽ chọn làm nhà trong lúc xa quê hương trong nhiều năm tới.
Lật bản đồ ra xem, Chris và tôi chọn theo con đường dọc biển đi về hướng Nam, xuống Negombo để ghé thăm anh em của Fernando. Hai anh em này rất mừng. Tưởng rằng chúng tôi sẽ ở lại chơi nhiều ngày, họ lo dời hai em trai của họ để phòng cho chúng tôi nghỉ. Nhà rất khiêm tốn, gồm một ít phòng chưng dọn sơ sài, một nhà ngoài và cái giếng ở đằng sau. Ông thân họ đã qua đời, chỉ còn bà mẹ với hai em gái và hai em trai nói trên. Theo truyền thống Á Châu, hai anh trai lớn có nhiệm vụ lo cho nhà cửa và gia đình.
Sau khi cất đồ đạc xong, Chris và tôi thay phiên ra giếng tắm. Bà con chung quanh, nhứt là con nít, xúm xít đằng xa đứng dòm và cười hai thằng "sudik", cái tên mà dân địa phương gọi khách da trắng. Họ hỏi nhà chớ chúng tôi là ai, ở xứ nào, vân vân. Tôi hơi khó chịu vì bị dòm ngó trong lúc tắm nên phải lấy chiếc khố màu cam quấn che. Bên châu Á, các giếng đều được xây lộ thiên trong khu đông dân cư nên có chút bực mình là tắm giếng phải bận đồ. Như vậy, không thể nào kỳ cọ khắp châu thân được và phải phơi đồ sau khi tắm. Nhưng tắm giếng cũng có cái thú của nó, nhứt là trong vùng nhiệt đới. Hai anh em nói là hàng xóm muốn nhìn vì ít khi được thấy người ngoại quốc. Dầu bị quấy rầy, tôi không sao giận hay nỡ khoác tay cho họ đi được, vì sắc mặt của họ rất ngây thơ và nụ cười của họ rất hồn nhiên.
Đêm ấy chúng tôi được đãi một bữa ăn thịnh soạn gồm cơm, mấy thứ cà ri rau đậu, và cà ri cá nấu kiểu Tích Lan có nước cốt dừa và nhiều ớt đỏ. Hơi cay đối với tôi, nhưng rất ngon và khác với cơm cà ri thường ngày của Ấn Độ. Tối lại, hai anh em nói hai em gái của họ, 19 và 20, muốn học du già nhưng mắc cỡ không dám hỏi tôi dầu rằng họ biết chút đỉnh tiếng Anh. Hai cô hơi có da có thịt nên nghĩ rằng du già có thể giúp họ sụt ký. Theo cử chỉ của họ tôi có cảm tưởng hai cô muốn xem tôi biểu diển hơn là muốn học cho họ. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là việc tối thiểu tôi cần làm để cám ơn lòng tốt của gia đình họ. Tôi nói sáng mai trước giờ điểm tâm tôi sẽ dạy vì đó là lúc tôi tập luyện hằng ngày.
Sáng dậy, tôi trình diễn một số thế du già. Gia đình tò mò theo dõi còn Chris thừa cơ học. Tôi không có cắt nghĩa khía cạnh tâm linh của du già biết rằng họ không thể hiểu nổi mà chắc họ cũng không thiết tha tìm hiểu. Tôi bắt hai cô tập xong bài trước rồi mới qua bài kế. Họ mắc cỡ và cứ cười khúc khích trong lúc tập lấy lệ các thế thông thường. Nếu tôi không buộc như vậy chắc hai cô chỉ lấy mắt ngó và cười chớ không ra sức đâu. Tôi tin rằng sau hôm nay họ sẽ quên hết. Để biểu diễn chút chơi, tôi làm một số thế khó cho họ vui mắt. Sau màn du già,tôi và Chris được đãi một bữa ăn sáng gồm hai món truyền thống là hoppers và string hopperstrong nước dừa sambalrắc ớt bột; nước chấm làm bằng nước cốt dừa. Rất ngon miệng. Xế chiều, Chris và tôi xin phép tạm biệt đi Colombo, để tránh lạm dụng lòng tốt của gia đình.
Sau bữa cơm trưa cà ri cũng rất ngon, chủ nhà nói chúng tôi nên ngủ trưa một giấc đã. Ngủ trưa là lệ thường trong vùng nhiệt đới, nhứt là sau bữa cơm có cà ri cay thường làm thân tâm uể oải. Sau lối một giờ nghỉ ngơi, hai anh em cùng đi với hai chúng tôi ra bến xe đò trong trung tâm thành phố và cẩn thận đưa chúng tôi lên đúng xe đi Colombo. Chris và tôi cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của họ. Họ mời chúng tôi ghé lại nữa nếu có dịp đi ngang qua đây.
Chúng tôi không biết tại sao phải đi Colombo sớm như vậy. Lúc ở Anuradhpura tôi có ý định đến thủ phủ của Kandy để viếng Đền Răng mà tôi từng nghe nói trước đây; thủ phủ nằm trên vùng đồi núi ở giữa đảo. Không biết vì lý do gì tôi đổi ý lấy đường dọc biển. Tất nhiên tôi có một vài vấn đề cần giải quyết ở Colombo nhưng không phải gấp lắm. Tôi xài gần hết năm trăm đô la nhận được hồi ở Athens rồi; tôi đang cần nhà gởi dùm thêm để đủ xài cho các tháng tới. Tôi có ý sẽ ở lại ít lắm là sáu tháng cho lần đầu tiên này, mà chánh phủ Tích Lan thời bấy giờ buộc mỗi du khách phải tiêu và có biên lai của nhà băng chứng nhận đã đổi tối thiểu sáu mươi đô mỗi tháng. Một lý do nữa để tôi đi Colombo là đăng ký với Aliens Registration Bureau của Criminal Investigation Department (CID), thủ tục mà mọi người không có quốc tịch Liên Hiệp Anh đều phải làm. Thủ tục này dùng để quản lý người ngoại quốc và xác định chổ ở của những thành phần bất hảo. Sau khi làm xong hai thủ tục thế sự đó, mà tôi đoán chắc chỉ cần một hai ngày, Chris và tôi dự tính đến trung tâm thiền minh sát Kanduboda và xin ở lại đó tu học. Tôi không biết khóa học sẽ kéo dài bao lâu.
Không biết làm gì và đi đâu trong Colombo, tôi nghĩ nên ghé qua địa chỉ mà anh bạn gặp trên đò cho hôm trước. Người mà tôi sắp viếng là anh Samararatna, gọi tắt là ông Sam. Anh ở ngoại ô Bambalapitya. Bằng cách hỏi thăm và lấy chuyến xe buýt đông dưới phố, chúng tôi tìm ra dễ dàng con đường tẽ từ lộ chánh Galle. Địa chỉ mà chúng tôi đến nằm trong cuối một ngõ hẹp đầy lỗ hang và chen chúc nhà. Nhà nhỏ, khiêm tốn, cất cách ngõ chừng sáu thước, có một ít cây ăn trái như chuối, đu đủ và một sân đất nhỏ với bờ viền trồng bông. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn bà ôm ốm đi ra; cô ngạc nhiên thấy hai người ngoại quốc chúng tôi. Cô liền trở vô rồi trở ra với một người đàn bà lớn tuổi hơn, mẹ của cô. Người mẹ nói được chút ít tiếng Anh. Tôi thưa là muốn gặp anh Samararatna. Đúng rồi. Bà mời Chris và tôi vào. Hai người tưởng chúng tôi có biết anh Sam trước nên lo đi pha trà đãi khách theo thông lệ. Anh Sam đi làm sắp về.
Anh Sam vô cửa, Chris và tôi đứng dậy chào. Anh hơi ngạc nhiên thấy chúng tôi trong nhà nhưng tươi cười chào hỏi và mời chúng tôi ngồi lại xuống ghế. Tôi liền tự giới thiệu và kể chuyện gặp bạn anh là Tissera trên tàu đi từ Rameswaram và được cho tên cùng địa chỉ của anh. Tôi nói tôi đến Sri Lanka để học thiền Phật giáo và hy vọng sẽ lên Trung Tâm Thiền Kanduboda trong vài ngày tới. Anh Sam không có dịp gặp lại Tissera từ lúc đi Ấn về nên không hay chuyện chúng tôi sẽ ghé thăm. Tuy nhiên anh rất vui được gặp chúng tôi và mừng nghe tôi nói muốn tập thiền. Dầu chúng tôi không nói ra và cũng chẳng mở hơi, nhưng anh sẵn sàng giúp chúng tôi trong khả năng của mình. Anh mời hai chúng tôi ở lại nhà anh bao lâu cũng được trong lúc viếng Colombo. Chúng tôi rất cảm kích và tôi có lời cám ơn anh đã đối đãi quá tốt với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi không dám làm phiền anh. Anh khẳng định rằng không có gì phiền toái cả, trái lại anh rất hân hạnh được đón tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ này và được giúp chúng tôi trong lúc chúng tôi tìm học đạo. Anh và con anh bèn đi dọn chỗ chứa đồ ngoài nhà hiên. Ông trải tấm nệm lớn xuống sàn; nệm trông đủ rộng cho hai chúng tôi nằm thoải mái. Chừng ấy đủ cho chúng tôi rồi. Kinh nghiệm tôi mới học hồi gần đây cho thấy người Đông Nam Á rất thân mật và hậu hỷ với khách lạ, cái thân mật và hậu hỷ mà người phương Tây chỉ dành cho người thân. Tôi khâm phục ảnh hưởng lâu đời của truyền thống đạo giáo Đông phương.
Tối hôm đó, chúng tôi dùng bữa cơm cà ri do chị Sam và mẹ của chị nấu. Như lúc ở nhà Fernando, anh Sam mời chúng tôi ăn trước. Tình cờ có Tissera đến và anh mời anh ấy ăn với anh sau khi chúng tôi xong bữa. Sau đó, chúng tôi ngồi chuyện trò trong phòng khách, phòng chưng dọn đơn sơ. Có thêm anh Tilak, bạn học cũ của anh Sam đang ở trọ trong phòng nhỏ ở đằng sau. Anh Tissera vui mừng thấy Chris và tôi đến tìm Sam, bạn của anh. Cũng như anh Sam, anh hiếu kỳ muốn biết tại sao chúng tôi quan tâm đến Phật pháp. Ba anh, như hầu hết người Sinhalese, được 'sanh lại là con Phât', rất thích luận bàn Phật giáo. Tuy nhiên, kiến thức của họ chỉ giới hạn trong sách vở và gia tài văn hóa của họ. Họ không có chánh thức tu tập thiền. Họ theo đạo như là người biết lễ, làm điều lành, sống trong khuôn mẫu của năm giới cấm, đi chùa thỉnh thoảng, tụng vài câu kinh mộ Phật truyền thống, và đọc một ít sách dư về thiền hay triết lý Phật giáo. Họ nói rằng tu như vậy giúp họ tạo phước để rồi lần hồi giải khỏi cái chấp vật chất và giải nghiệp. Họ mong trong kiếp sau họ sẽ được thành tu sĩ và đạt đến niết bàn. Anh Tilak giải thích rằng hầu hết người thường không thể thoát nghiệp để lên niết bàn trong kiếp này. May ra họ chỉ có thể được tái sanh trong thời kỳ của Đức Di Lặc, vị Phật tương lai sẽ xuất thế trong vòng hai ngàn năm trăm năm tới. Đó cũng là niềm tin của đa số Phật tử Tích Lan, kể cả nhiều tu sĩ.
Thái độ tu hành thư thái và không câu nệ vừa nói làm tôi rất ngạc nhiên. So sánh, tôi thấy tôi có khuynh hướng xem Tứ Diệu Đế quan trọng quá và tôi luôn quan tâm mong muốn chấm dứt khổ đau càng sớm càng tốt. Thì ra vì tôi chịu nhiều ảnh hưởng của Lạt Ma Zopa và Thầy Goenkaji trong các khóa tu học trước đây. Có thể tôi đã nghĩ sai rằng tất cả Phật tử, nhứt là người theo Theravada, đều ngồi thiền hai ba giờ liên tiếp mỗi ngày. Tôi tưởng như là họ đã ngồi lủng nhiều gối thiền lắm rồi; họ cố ngồi hầu đạt giác ngộ trước khi cuộc sống của họ trên cõi Ta Bà này chấm hết.
Sáng hôm sau, tôi lấy buýt xuống phố Fort, nơi có tất cả các nhà băng và công sở. Thoạt tiên tôi tới bưu điện mua bưu tín viết về cho ba má tôi. Tôi mô tả tỉ mỉ lộ trình và những điều tai nghe mắt thấy từ sau thư chót và nói tôi đang ở Sri Lanka và sẽ ở lại đây một thời gian để học thiền. Tôi nhờ mẹ tôi rút năm trăm đô trong số một ngàn đô còn nơi mục tiết kiệm và chuyển dùm qua tôi bằng thư tín. Tôi cho bà địa chỉ của sở kiều hối trong Bank of Ceylon. Tôi nói thêm rằng tôi có thể sẽ ở lại Sri Lanka ít nhứt là sáu tháng nếu đổi được chiếu khán; sau đó thì chưa biết thế nào. Từ bưu điện tôi đi vòng qua tòa nhà CID để lên lầu tư làm thủ tục đăng ký cho du khách không phải là công dân Liên Hiệp Anh. Khách phải điền đúng theo chi tiết ghi trong hộ chiếu, chỗ tạm trú tại Sri Lanka và mục đích đến đây. Vì định sẽ tham dự khóa tu học ở Kandubola, tôi ghi địa chỉ này và mục đích là học thiền. Khách còn phải nộp một hình hộ chiếu, nếu có sẵn. Tôi còn dư vài tấm nên đưa ra liền cho ông nhân viên phụ trách vui lòng. Trên đường đi dạo phố, tôi có ghé Văn Phòng Du Lịch lấy tập san du khách mỏng tựa đề 'Những gì xảy ra ở Colombo trong tháng này' để có gì đọc cho tối nay.
Nhìn qua lịch trình tối hôm đó, tôi thấy có lớp huấn luyện yoga 1-tháng của Tiến sĩ Swami Gitananda ở Pondicherry, Nam Ấn Độ. Khóa bắt đầu hôm qua ở chỗ cách nhà anh Sam chừng một dặm. Tôi liền có ý tương tự như hồi tôi nghe nói tới khóa thiền Tây Tạng. Mắt tôi sáng ra. Không ngờ tôi lại có dịp mong đợi--là được học du già với một bậc thầy kinh nghiệm. Thật là cái duyên may. Tôi liền đưa tin cho Chris coi, anh mừng lắm. Chúng tôi chưa có bị kẹt với Kanduboda chuyện gì hết, trừ đã khai báo là đến đó nhưng chắc không có gì hệ trọng lắm. Tôi nghĩ chắc cảnh sát không kiểm tra đâu. Khóa do một thầy du già Ấn Độ chính thống giảng dạy; ông còn là một tiến sĩ nữa. Dẫu khóa đã bắt đầu nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể được nhận bởi trễ chỉ mới có hai ngày. Chris và tôi quyết định sẽ đến hỏi ngay vào sáng sớm mai.
Tối đó tôi không thể ngờ mình có duyên số tốt như vậy. Tôi cứ nghĩ phải chăng nhờ tôi đã vô tình đến Colombo sớm và như có sao chiếu mạng mách bảo. Khi anh Sam đi làm về, tôi vui mừng đưa tin và nói ý muốn theo học. Anh đồng ý đây là một cơ hội rất tốt. Anh có nghe một người bạn nói về thầy Swami. Hình như Tiến sĩ Swami Gitananda có viết một bài gây nhiều tranh luận về sự từ bỏ các lý tưởng và thực hành tâm linh xưa để ôm lấy những suy đồi của nền văn minh Âu Tây. Bài ấy đăng trong bản tiếng Anh của tờ nhựt báo Ceylon Daily News.
Chúng tôi đến Ashram Yoga Ananda ở thành phố Havelock lúc 9:00 giờ sáng, trong lúc khóa đang nghỉ giải lao. Một phụ nữ người Mỹ tên Meenakshi tiếp chúng tôi. Bà là vợ của Tiến Sĩ Swami. Sau khi nghe chúng tôi phân trần, Bà cho biết khóa học đã đầy. Thường thì Thầy Swami không nhận học viên đi trễ, tuy nhiên để bà vô hỏi thử thầy xem sao. Vài phút sau bà trở ra và bảo chúng tôi vô thưa thẳng với Thầy Swamiji. Tôi hơi lo khi phải đối diện với Thầy và đang nghĩ tới phép xã giao đúng mức để lễ một Guru Ấn Độ. Tôi không có hoa quả để kính dâng như thông lệ và không biết lễ bái có được hay không. Tôi nghĩ sẽ thi lễ bằng cách chấp tay cúi đầu rất kính cẩn. Tôi đến gõ cửa và được mời vào. Chúng tôi đẩy cửa bước vô và kính cẩn chấp tay cúi đầu lễ Thầy. Ông đáp lại bằng nụ cười thân mật và chỉ tấm thảm dưới sàn mời chúng tôi ngồi. Thầy Swami ngồi chễm chệ trên ghế xem như một nhà du già Ấn Độ mà tôi đã hình dung. Ông có mái tóc bạc bồng bềnh ngang vai rất hợp với bộ râu rậm và mặc chiếc áo màu cam của sannyassin. Thân to lớn và vạm vở chiếm trọn chiếc ghế trông ông như ông già Noel trong y phục màu cam. Da ông mịn và trắng hồng, có một hình xâm trên một tay. Ông nói tiếng Anh không pha chút giọng Ấn Độ nào hết. Tôi hết sức ngạc nhiên nhưng tôi liền biết mình còn óc so sánh và phê phán.
Chris theo dõi mọi cử động của tôi trong lúc tôi nói, nói hầu hết mọi chuyện lúc đàm thoại với ông. Mặc đầu biết rằng bà Meenakshi đã trình bày rồi, tôi lập lại ý định xin theo học. Ông thật tình cho biết nguyên tắc của ông là không nhận người đến trễ sợ làm đảo lộn hiện trạng và vì chúng tôi đã mất một số chỉ dẫn quan trọng lúc ban đầu. Tuy nhiên, ông đồng ý thâu nhận chúng tôi nếu chúng tôi hứa sẽ học đến ngày cuối và đi đứng đúng giờ kể từ buổi học tới sắp bắt đầu trong chốc lát đây. Tôi thưa là chúng tôi xin tuân theo các điều lệ rất dễ hiểu vừa nêu. Ông hỏi chúng tôi có biết gì về du già chưa. Tôi thưa là có biết chút ít qua sách vở. Ông xem ra không để ý tới lắm và nói rằng du già chính thống cần phải được dạy bởi một thầy có kinh nghiệm, mà thầy bà như vậy thời này hiếm lắm. Tôi đồng ý với ông ngay và thưa vì vậy nên chúng tôi mới đến tìm ông. Sau đó, ông gọi bảo bà Meenakshi giải thích cho chúng tôi biết thời khóa biểu và nhiều chi tiết khác và thâu học phí.
Học phí là ba mươi đô la mà Chris cũng như tôi không có sẵn trong túi nên chúng tôi xin đem tới vào xế nay. Thật tình, chúng tôi phải chạy ra nhà băng đổi chi phiếu du khách mới có đủ. Bà Meenakshi giải thích rằng học phí không bao gồm tiền ăn vì khóa học không có ở lại. Chúng tôi ăn uống ở ngoài và phải thu xếp để tới đây đúng giờ học lúc sáng cũng như chiều đến tối. Lớp đầu tiên trong ngày học hatha yoga và điều tứcbắt đầu từ 6:00 đến 7:45 giờ sáng. Sau đó là ăn sáng. Lớp kế tiếp học từ 10:00 đến 12:00 giờ trưa; lúc bấy giờ Thầy Swami nói về sức khỏe theo du già và dạy cách thư giãn theo du già. Từ ngọ tới 3:30 xế là cơm trưa. Lớp chiều học về thuật chữa trị tư thế và cách thở. Lúc 5:00 giờ chiều có nửa tiếng tụng kinh. Sau đó là cơm chiều. Tối, từ 7:00 giờ học viên tham gia buổi satsangha. Satsanghacó nguyên nghĩa là 'cộng đồng của hành giả tìm sự Thật' và được hiểu như buổi tham vấn với Thầy Swamiji hay là một buổi luận đàm về một đề tài tâm linh liên hệ nào đó. Bà Meenakshi cho biết chúng tôi có thể đến sớm hơn lúc 5:00 giờ để thiền hay ngồi không cũng được. Chúng tôi có thể ở lại viện trong những giờ cơm nếu chúng tôi không muốn đi ăn hay ra ngoài. Thứ Hai không có lớp để học viên có thì giờ lo việc riêng hoặc muốn đi đâu tùy ý, như đi biển chẳng hạn.
Lối mười lăm phút trước khi lớp 10:00 giờ bắt đầu, học viên đi ăn sáng về lục tục kéo vô. Có nhiều người Mỹ, một ít người Âu, số còn lại là người Tích Lan. Khi mọi người vào ngồi hết trên tọa cụ mình, Thầy Swamiji đi ra từ cửa sau và lên ngồi trên thảm riêng trải dưới sàn. Ông bắt đầu giảng về bản tính của thư giãn thân và tâm, mô tả sự liên hệ giữa chúng và giải thích rằng cả hai phải được xem như một nếu muốn thư giãn có kết quả. Tiếp theo, tất cả chúng tôi nằm ngửa xuống sàn trong lúc Thầy hướng dẫn phương pháp thư giãn tỉnh giác. Chúng tôi được dạy phải dùng tỉnh thức để biết nơi nào trên thân thể bị căng thẳng hầu chỉ thị tâm tỉnh thức đến giải tỏa. Bà Meenakshi tới từng học viên, nắm tay họ lên thả xuống, quan sát cánh tay rơi để xem họ có thật sự thư giãn chưa hay còn cần được chỉ vẽ thêm. Sự giải thích và thực tập có vẻ rất khoa học và hợp lý. Tôi có thể thư giãn hoàn toàn. Phải công nhận thiền minh sát giúp tôi rất nhiều.
Bài giảng buổi chiều nói về sức khỏe tổng hợp theo quan niệm du già. Thầy Swamiji giải thích rằng con người, nhứt là người phương Tây, 'tự hành xác mình' vì ăn uống không đúng phép dinh dưỡng, thở không khí bị ô nhiễm, sinh hoạt trong tư thế không tự nhiên, vân vân. Những sai trái ấy làm sức khỏe suy giảm và gây nên nhiều chứng bịnh kinh niên--bệnh do lối sống cá nhân và cộng đồng. Thầy nói thân thể con người là một sinh vật phức tạp nhưng tuyệt vời có thể sống khỏe mạnh một thời gian dài nếu được chăm sóc đúng mức theo phương pháp thực tiễn của du già. Thầy kể ví dụ của một số nhà du già Ấn Độ sống trên trăm tuổi, sự việc mà sách báo Phật giáo cũng từng đề cập. Thầy Swamiji không nói suông mà luôn luôn dẫn chứng và đặt câu hỏi nên bài giảng của Thầy có tánh cách khoa học và cập nhựt. Trước đây Thầy học y bên Anh và làm bác sĩ giải phẫu trong Hải Quân Hoàng Gia, nên những hiểu biết sâu về y và khoa học phối hợp với những hiểu biết rộng về du già làm các bài giảng của Thầy trong sáng, chân thực và hấp dẫn.
Trong thời kinh 5:00 giờ chiều, Thầy giảng nghĩa chữ ÁN (OM hay AUM) và chỉ cách tụng lời chú này trong bảy luân xa[1]từ gốc của sống lưng (xương cụt) lên đỉnh đầu. Theo kinh Vệ Đà cổ, ÁN là âm ba của lực sáng tạo không hiển thị của vũ trụ mà Du Già gọi nôm na là Tỉnh Thức Vũ Trụ[2]và truyền thống thần bí của Thiên Chúa Giáo gọi là Thiên Chúa[3].Trong Phật học, ÁN có thể hiểu là Thiền na (Jhanas)vô sắc hay Niết Bàn trong nghĩa được giải thoát khỏi mọi ràng buộc và giới hạn của cái ngã, tương đương với sự tinh khiết hoàn toàn của tâm. Trì tụng chữ ÁN một cách đặc biệt qua mỗi huyệt được xem như giúp tịnh hóa các trung tâm năng lực tâm linh đó. Tôi phải lập lại nhiều lần mới định đuợc vị trí của các huyệt và trì tụng qua đó. Tuy nhiên tôi nhận thấy chỉ trì tụng không cũng đã rất lý thú rồi. Sau mười lăm phút tôi đi vào trạng thái tập trung và cảm thấy vô cùng hoan hỷ. Tôi có cảm giác mình đang cảm thọ một thứ từ tính giữa hai mi và một ánh sáng lợt lạt trong đầu. Tụng xong tôi tiếp tục ngồi kiết già, mong kéo dài cảm giác mô tả rồi vào thiền minh sát, trong lúc các bạn đồng khóa ra đi ăn cơm chiều. Tôi không ăn chiều nên có thì giờ thiền, như tôi từng làm trước đây.
Tới giờ tọa đàm Satsanghachúng tôi ngồi xuống sàn quanh ghế của Thầy Swamiji. Mớ tóc dài, bạc, và mới gội nổi bềnh bồng ngang vai Thầy. Bộ râu rậm che hết thân ngực của Thầy. Thầy mặc chiếc áo swamimàu cam (áo dài tay kiểu Ấn Độ) và ngồi trong tư thế tham thiền. Sau khi các học viên tụng xong Bhajans(kinh hiến dâng--devotionalsongs) bằng tiếng Tamil, Thầy bắt đầu trả lời các câu hỏi về những gì vừa học hay về du già và tâm linh nói chung. Một bà Tích Lan, mặc sa ri trông rất chững chạc, hỏi về cách thở khí lực Thầy dạy hồi sáng (bài mà Chris và tôi không có dự). Thầy không chỉ trả lời mà còn giải thích cặn kẽ về thể chất và phạm vi của sinh lực prana. Thầy nói dưới nhiều góc độ và như thế trả lời câu hỏi bằng nhiều cách. Thầy giảng cả tiếng đồng hồ; đó là cái tật rất dễ nhận của Thầy. Thầy không có sắp xếp trước mà chỉ ứng khẩu. Tuy nhiên các dữ kiện, hình ảnh và sự hiểu biết du già thâm sâu của Thầy biến lời giải của Thầy rất dễ hiểu.
Sau ngày học kết thúc tôi biết tôi đã gặp đúng Thầy Du Già và tôi tin đó không phải là sự ngẫu nhiên. Chris rất khâm phục Thầy vì sự hiểu biết sâu rộng và lối dạy năng động của Thầy. Hai chúng tôi về đến nhà lúc 9:30 giờ tối. Anh Sam đang chờ và nóng lòng muốn biết. Chris và tôi thay phiên kể lại những gì xảy ra trong ngày rồi tôi xin anh cho chúng tôi được trọ lại đây một tháng, thời gian của khóa học, và chúng tôi xin được gởi tiền ăn ở để tránh tốn kém cho gia đình anh. Không cần suy nghĩ, anh thuận ngay và không nhận tiền bạc gì cả. Anh nói có giúp gì được trong phạm vi hạn hẹp của anh thì anh sẵn lòng vì đó là nhiệm vụ của người Phật tử. Anh còn nói thêm chúng tôi cứ xem đây như nhà của mình và tự do đi về sao cho hợp với thời khóa biểu thì thôi. Chúng tôi làm đúng y như vậy trong suốt bốn tuần.
Chris và tôi dậy lúc 5:00 giờ sáng, ngồi thiền tại phòng rồi lên ashramlúc 6:00 giờ. Trong hai giờ nghỉ điểm tâm chúng tôi cùng vài bạn Tây kéo nhau ra quán gần đó ăn sáng--tôi thích ăn chuối, đu đủ và sữa chua với hoppershay stringhoppers. Sau đó, chúng tôi theo đại lộ Galle, ra con đường tẽ đi qua rầy xe lửa, xuống biển ngồi chơi trên những tảng đá làm bờ chắn sóng, chờ vô lớp thứ hai trong ngày bắt đầu lúc 10:00 giờ. Trưa, chúng tôi về nhà. Trên đường chúng tôi hay mua trái cây và sữa chua cho 'bữa ăn trưa du già'. Chiều, vào giờ cơm, tôi ở lại viện ngồi thiền còn Chris đi ăn với các bạn. Chúng tôi về nhà sau khi xong phần tọa đàm. Thời khóa biểu này rất thuận, chỉ có điều là không tiện cho anh Sam, Chris và tôi gặp nhau. Đêm nào hai chúng tôi về tới nhà trước 9:30 hay 10:00 giờ thì mới có dịp chuyện trò với anh. Anh lên giường ngủ lúc 10:00 giờ tối và ra đi làm lúc 5:40 sáng. Giờ làm việc của anh là từ 8:00 giờ sáng đến 5:00 giờ chiều. Anh làm thư ký cho Bộ Tư Lịnh SLAF của Không Quân dưới phố.
Trong tuần lễ đầu chúng tôi học được rất nhiều phương cách tẩy độc kiểu du già, kể cả sự xổ toàn bộ hệ thống tiêu hóa bằng nước muối. Đó là 'sự tẩy độc mùa Xuân'. Tiếp theo là thời gian nhịn ăn. Theo Thầy Swamiji, sự tẩy độc và nhịn ăn định kỳ là sự tịnh hóa căn bản mà người luyện du già phải làm để thân trong sạch hầu tâm thiền hiệu quả. Phân nửa số bịnh tật là do đường tiêu hóa gây ra và ăn nhiều quà tạp là bệnh của người phương Tây. Thầy còn nói thêm rằng không ai có thể đạt đến trí tuệ thiền quán (thiền tuệ) cao còn gọi là Tỉnh Thức Vũ Trụ nếu ruột gan bị bào bọt. Lối giải thích của Thầy làm tôi buồn cười, nhưng nhìn chung thì rất khoa học và có lý. Tôi biết hệ tiêu hóa của tôi không ổn nên tôi muốn thử phương thức này. Trong vài ngày đầu, tất cả học viên phải theo một số thủ tục do bà Meenakshi và phụ tá Tây phương của bà chỉ dẫn.
Thử phương pháp mới học, tôi có cảm tưởng 'cái bẩn' trong tôi bị tống ra làm tôi thanh khiết và nhẹ nhàng hơn. Tôi hy vọng từ đây tôi sẽ không còn bị những bất ổn tiêu hóa như từng bị trong những năm vừa qua. Tôi không còn thèm những thức ăn như thịt, đồ hộp và quà vặt nữa. Dĩ nhiên tôi không nghĩ là tôi sẽ kiêng cữ tuyệt đối mà tôi chỉ hy vọng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có điều tôi được cái nhìn mới về mối liên hệ giữa thân và tâm. Tôi tẩy độc rồi nhịn ăn, chỉ uống nước. Do đó bộ tiêu hóa của tôi có dịp nghỉ ngơi và các tế bào có dịp thủ tiêu những thứ ngoại lai cùng mớ mỡ thừa.
Nhịn ăn là một cách tốt giúp thân thể tẩy các vật gây hại và thêm sức khỏe nếu được làm đúng mức. Thời gian nhịn ăn tùy theo nhu cầu của thân thể mỗi người mà Thầy Swami gọi là chu kỳ nhịp sinh học cá nhân. Chris phải nhịn ăn ba hôm theo chu kỳ 3 của anh. Còn tôi, bốn hôm. Tôi chưa lần nào tự mình nhịn đói (tôi có bỏ bữa một hai ngày vì bịnh), nên nhịn ăn bốn ngày liền là một vấn đề. Lúc ở Goa, tôi có ăn chỉ một bữa trong ngày với rau trái và có thấy nhẹ người, nhưng tôi không biết nhịn cả ngày có tốt hơn không--người ta thường nói 'càng nhiều càng vui càng thích' kia mà. Lời dạy của Thầy đến bất ngờ, phải thực hiện ngay trong ngày, nên tôi không có dịp tính toán hơn thiệt mà cũng không kịp lo mình sẽ không được ăn trong suốt bốn ngày. Khi nghĩ ra thì tôi đã làm xong thủ tục lạ kỳ kia và đã vào thời kỳ nhịn ăn rồi.
Ngày đầu tiên khổ sở nhứt vì tâm luôn nghĩ tới cơm và bụng bị đói cào, nhưng qua ngày thứ hai những khổ ấy không còn nữa. Tôi chỉ cảm thấy hơi yếu nên nằm nhà nghỉ một hai tiếng trong giờ cơm trưa là mọi việc đều ổn. Đến sáng ngày thứ tư khi thời gian nhịn ăn chấm dứt, tôi không thấy đói bụng và cũng không muốn ăn. Tôi có cảm tưởng mình có thể nhịn ăn lâu hơn.
Lúc ăn trở lại, chúng tôi được dạy nên ăn từ từ, bằng cách trong ngày đầu chỉ nên uống nước trái cây loãng hay ăn trái cây mềm tùy theo thời gian nhịn lâu hay mau. Sang ngày thứ hai, tôi bắt đầu ăn như thường lệ: sữa chua và rau trái--nhẹ theo lối du-già. Tôi thấy sự thèm khát có trở lại, nhưng tôi tự chế không ăn đồ ngọt cũng như quà vặt và không ăn tối. Tuy nhiên tâm có lý do chính đáng của nó: tôi phải ăn nhiều hơn để bù đắp cho thân thể đang thiếu thốn. Tôi chịu thua thành thử có lúc ăn thêm một hai miếng trái cây vào buổi tối, sau thời kinh và thiền.
Thầy Swamiji dạy thêm cách xổ mũi và các xoan mũi. Có thể hít nước muối rồi khạc ra đằng miệng hay hít không khí vô đầy phổi rồi khịt mạnh ra bằng một lỗ mũi theo cách chỉ dẫn. Thầy là người chuộng toàn hảo nên dẫn giải rất tỉ mỉ và muốn mỗi học viên phải làm đúng y các chi tiết Thầy dạy. Thầy nhấn mạnh điểm Du Già là một khoa học chính xác và là một tiến hóa tri thức. Thầy chỉ trích các sư du già rởm bên Âu Mỹ đã tự động đơn giản hóa du già để thích nghi rồi nói 'Chúng ta cần môn Du Già Tây phương'. Thầy gọi lối luyện tập bừa bãi đó là 'bhoga yoga' hay 'du già trên ghế bành'.
Vào tiết du già hathavà điều tức[4], chúng tôi học nhiều cách thở và thế mới. Theo giải thích khoa học của Thầy Swami thì nền tảng của mọi phép tu tập du già đều có nền tảng của khí lực prana. Thầy nói khí lực là sinh lực vô hình ở mọi nơi có khả năng duy trì mọi sinh thể--người, động vật, cây cỏ, và cả đất đá. Thầy gọi đó là 'plasmavũ trụ' hay là một thứ điện lực loãng kết dính tất cả các nguyên tố sáng tạo và cho chúng sự sống. Khí lực cần thiết cho thân thể được cung cấp hầu hết qua hơi thở và một ít qua sự ăn uống, nhứt là ăn thức ăn sống và uống nước lạnh. Khí lực di chuyển khắp châu thân trong một hệ thống khí lực lớn trong ấy có nhiều kênh siêu trần và vô hình gọi là huyệt[5]. Bình thường khí lực chảy trong huyệt theo mô hình định sẵn để thực hiện nhiều chức năng sinh học khác nhau, nhưng không như máu trong hệ tuần hoàn, khí lực có thể được hướng dẫn bởi tâm. Một sự tập trung lớn khí lực ở một nơi đau bịnh nào đó có thể chữa trị bịnh ở nơi đó. Do đó, điều tức là cách điều động khí lực có ý thức và được kiểm soát để làm thân tâm khỏe mạnh. Điều tức không chỉ đơn thuần là hô hấp sâu mặc dầu khí lực thâm nhập theo hơi thở, mà còn là sự nhận thức khí lực lúc năng lương ấy được hướng dẫn qua huyệt. Tôi say mê nghe Thầy Swami giảng mục điều tức này.
Theo Tiến sĩ Swami Gitananda, điều quan yếu của du già là phải biết rõ cách thở bằng ba buồng phổi. Có nghĩa là phải biết thở theo nhịp điệu và qua ba buồng chính của mỗi lá phổi, tức dưới, giữa và trên. Thầy cắt nghĩa sinh lý của cách thở ấy dựa trên dòng chảy của khí lực và của máu trong hai hệ thống tuần hoàn và hô hấp. Mỗi buồng phổi điều hành sự luân lưu của khí lực và máu của một khu vực trong thân thể. Nếu chúng ta không thở vào một buồng phổi nào đó thì khu vực tương ứng kia sẽ không có đủ khí lực, oxy, và máu để sanh sống bình thường. Thầy nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính của bệnh tật và sự trục trặc của cơ quan có thể do sự điều phối không hữu hiệu của khí lực, máu và oxy bởi vì thở không đúng cách. Các tật bịnh này có thể chửa được bằng cách thở theo phép điều tức song song với sự tập luyện một số động tác du già và cách ăn uống.
Trong những ngày đầu khóa lúc tôi đang nhịn ăn, Thầy dạy cách thở và một số thế du già nhằm giúp đem không khí vô sâu tới ba buồng phổi. Thật tình, lâu nay tôi đâu có biết thế nào là thở sâu và phổi có tới ba buồng. Tôi nghĩ phổi chỉ là cái bị đàn hồi dùng để thở vô thở ra mà thôi. Âu là một khám phá mới của tôi, và tôi thấy khác biệt khi thực tập và thực chứng.
Thầy Swami cũng có nói nhiều về tầm quan trọng của cách thở nhịp nhàng theo các thế đứng ngồi và dạy chúng tôi một lô động tác liên hệ. Tôi có đọc qua một ít trong sách rồi nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với những lời Thầy dạy hôm nay. Lúc ban đầu chúng tôi học những động tác dễ như đưa một chân rồi hai chân lên trong lúc nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp. Chúng tôi thực tập các thế cổ điển-- như thuyền, rắn, chào, cày, kiều, mộc và nhiều thế khác. Chúng tôi học thêm hai ba thế mới mỗi ngày. Thầy Swami cũng có dạy một ít cách thở phức tạp như mudras, bandhasvà kriyas, cạnh các phương pháp điều tức thông thường. Nhưng rất tiếc chúng tôi không đủ thì giờ để tập hết hầu thu đạt nhiều lợi lạc hơn.
Thời kinh chiều là thời gian tôi thích nhứt trong ngày. Thầy Swami dạy chúng tôi nhiều bài chú và cách trì. Mỗi ngày có một bài chú riêng ứng với một linh thần Ấn Độ. Tôi đắc ý nhứt với bài OM NAMA SHIVAYA. Theo Thầy, Shiva mà người ta thờ như một vị thần, chính ra có nghĩa là 'Tốt Lành' hiểu như sự trong trắng của tâm. Khi trì OM NAMA SHIVAYA chúng ta tỏ lòng kính trọng và làm phát khởi tính tốt lành ấy trong tâm ta. Như thế Shiva không khác Phật Tánh của Thiền Zen và Niết Bàn là mấy, theo tôi nghĩ. Tôi rất hoan lạc trong lúc trì chú và có thể ngồi lâu hơn trong thế kiết già để thiền định hầu hợp nhứt tâm với nội quang và cảm thọ bản chất vô biên hay tự tại.
Trong các bài giảng, Thầy Swami có nói phớt qua về sáu hay tám nhánh của khoa Du Già. Cách Thầy giải thích và kết hợp các khía cạnh của sự tịnh hóa thân tâm làm tôi nghĩ Thầy là một bậc sư rất am tường khoa học. Qua đó, tôi bắt đầu thấy sâu mối liên quan cơ bản giữa thân và tâm; chúng chỉ là hai mặt của một sự việc và cần phải được đề cập như vậy trong quá trình phát triển tâm linh và chứng ngộ. Tôi thử tìm hiểu các điểm dị đồng của Du Già và Phật giáo khi luận giải sự Giác Ngộ và sự Giải Thoát khỏi Luân Hồi. Không như Du Già, Phật giáo không quan tâm đến sự tịnh hóa trực tiếp và trước tiên của thân. Phật giáo đặc biệt chú trọng trước hết đến sự tận diệt trực tiếp các độc hại trong tâm bằng pháp hành thiền để diệt khổ và đạt Niết Bàn. Phật giáo không đề cập đến thần linh hay siêu nhân nào trong tiến trình diệt khổ. Du Già, trái lại, nhận Ngã Vô Thượng là nền tảng chính của Chơn Tánh và gọi Thương Đế dưới nhiều danh từ khác nhau như Brahma, Vishnu, Shiva, vân vân. Trên bề mặt, hình như có sự tương phản giữa thuyết Vô Ngã hay thuyết Không của Phật giáo và Giải Thoát của Du Già và Hồi giáo, nhưng thật ra cả hai đều hướng đến giải thoát khỏi nhục thể và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi không biết giữa hai thuyết ấy có khác biệt nào quan trọng không. Làm thế nào có thể có hai Chơn Tánh hay hai Thực Tế Tối Hậu khác nhau? Hiểu biết của tôi lúc bấy giờ còn nông cạn lắm. Tôi không có tư cách để phê phán và tôi cũng không cần phải phê phán. Trong trường hợp nào tôi cũng còn phải đi một đoạn đường dài nữa mới mong thấu hiểu. Dầu có hay không những dị biệt quan trọng, thời gian và sự học tập chuyên cần của tôi sẽ giúp trả lời sau này. Trong hiện tại, tôi rất thỏa mãn với việc luyện du già để tịnh hóa và tăng cường thân tâm tôi và hành thiền để diệt trừ tâm độc, giải bớt chấp trước và phát sanh trí tuệ.
Vào tuần chót, tôi rất thích thú với nhiều thế du già mới, nhưng rất tiếc khóa học sắp mãn. Thời giờ quá ít trong lúc có nhiều thứ cần học quá. Do đó, tôi không tài nào nhớ hết các chi tiết của các phương pháp và của khối dữ kiện và kiến thức được dẫn giải hối hả vừa qua. Thầy Swami nói rằng khóa học chỉ là phần nhập môn cấp thời nói về sự đa dạng, phạm vi và áp dụng thực tiễn của các khía cạnh khác nhau của Du Già. Những tài liệu giảng dạy trong tháng qua được cô đọng từ một khóa thông thường dài sáu tháng mà Thầy dạy ở ashramPondicherry mỗi năm. Cũng các tài liệu này cộng với một số nữa được giảng dạy chẫm rãi và chi tiết hơn để học viên có đủ thì giờ vừa học vừa tập các phương thế mới. Thầy Swami nói sáu tháng mới đủ cho học viên có căn bản vững chắc khả dĩ dạy lại được nếu muốn và nếu học tập chuyên cần. Và ai theo học hết khóa 6-tháng mới được Thầy cấp giấy chứng nhận dạy Du Già. Thầy khuyến khích chúng tôi lên Pondicherry theo học và khóa mới được tổ chức mỗi năm vào ngày 1 tháng Mười.
Cuối khóa, tôi quyết định đi Pondicherry theo học khóa 6-tháng vào ngày 1 tháng Mười. Tôi thưa với Thầy và Thầy vui vẻ tiếp nhận tôi. Chris rất phục Thầy Swami và cũng muốn theo học khóa 6-tháng. Hai người Âu mới biết Thầy Swami Gitananda cũng định đi. Còn tới năm tháng nữa, tôi ở lại Sri Lanka học thiền minh sát mà tôi vẫn còn thích, và tập du già cho khỏe để theo khóa 6-tháng sắp tới. Đó là dự tính của tôi cho trọn năm tới. Tôi thích thú biết tâm trí mình sẽ bận rộn trong thời gian tôi ở bên phương Đông này.
Đêm sau cùng được dành cho lễ Guru Dakshima còn gọi là 'lễ dâng Guru', một tập tục cổ truyền của du già. Trong buổi lễ học viên trình diện và dâng lên thầy một lễ vật để tỏ lòng biết ơn dạy dỗ. Thầy Swami thích hoa trái nhưng dĩ nhiên Thầy không thể dùng hết ba bốn mươi vật lễ chỉ toàn là hoa trái. Bà Meenakshi đề nghị dâng một ít tiền để Thầy có phương tiện chi tiêu đi về Ấn Độ. Bà cho biết học phí thu được chỉ đủ để mướn chỗ, mua thức ăn, trả tiền điện nước, vân vân. Thầy cần có một số tiền cho những chi tiêu cá nhân.
Đề nghị của Bà Meenakshi rất thực tế và hữu lý, nhưng hiện giờ tôi chỉ còn có mười đô la vì tiền bên nhà gởi qua chưa tới. Tôi mang ơn Thầy rất nhiều vì đã được Thầy truyền cho nhiều kiến thức mới và động viên tinh thần, nên tôi muốn dâng Thầy trọn mười đô la rồi sẽ mượn Chris cho chi tiêu của tôi sau. Cái tánh ích kỹ dùng lý lẽ cạn tiền của tôi đang giằn co trong tâm tôi. Tôi phân vân không biết nên dâng bao nhiêu hay tôi chỉ cần mua một ít trái cây và vòng hoa dâng Thầy. Tôi rùng mình vì tính nhỏ nhen đó nhưng tôi không làm sao cản nó được. Sau cùng, tôi nhận thấy nên dâng hết mười đô; tôi nhẹ nhõm. Tình cờ, tiền gởi qua vừa tới ngày hôm sau.
Đêm đó, tôi theo dõi mỗi người khi lên trước Thầy Swami và quan sát sự cung kính của họ đối với Thầy. Một số, nhứt là người Tamil, chân thành tin tưởng và tùng phục bằng cách choàng vòng hoa lên Thầy rồi lạy xuống để tay đụng chân Thầy. Một số khác dè dặt hơn, có lẽ vì cái tôi, chỉ làm bộ chấp tay cúi đầu xá Thầy trong lúc đặt bao thư lên dĩa để gần đó. Một ít không cúi đầu, rõ ràng vì bị cái tôi kiềm hãm. Tôi thì đã quen rồi và vì luôn khiêm nhường trước guru nên tôi lạy Thầy theo lối Theravada canh cải[6]và đụng tay vào chân trần của Thầy. Nhưng dầu thành thật hay vô ngã như tôi nghĩ, tôi vẫn còn thấy một chút trình diễn khi cúi lạy. Lậu hoặc hãycòn núp bóng trong vùng sâu thẳm của tâm chưa giải thoát của tôi.
*
Chương 15
TRUNG TÂM THIỀN MINH SÁT KANDUBODA [7]
Khóa học đã mãn, Chris và tôi lại phải nghĩ tới việc làm sắp tới--đi Kanduboda. Tôi đã viết thư gởi Thầy Saviili báo tin chuyến viếng thăm và ý muốn thọ giáo ông về pháp thiền minh sát. Bây giờ chúng tôi phải xuống sở di trú xin gia hạn chiếu khán, việc mà chúng tôi không thể chần chờ. Với chút nói khéo chúng tôi được gia hạn ba tháng không khó khăn. Tiếp theo, chúng tôi ra nhà băng đổi một rrăm tám mươi đô la và đem trình họ biên nhận; may là tiền đến đúng lúc nên tôi không gặp trở ngại nào hết. Rồi tôi xuống phố mua hai sà rong trắng và vài áo thun trắng sát nách để đem theo. Nghe nói ở trung tâm thiền nguời ta thường mặc trắng, và nếu được, nên mặc y phục cổ truyền với sà rong dài chấm gót và áo có tay. Màu trắng, theo phong tục Đông phương, là biểu tượng của sự trong trắng, nên sà ri trắng cho nữ giới và áo dài trắng cho nam giới là trang phục thích hợp nhứt trong các lễ hội hay khóa tu học. Tuy nhiên, vì khí hậu ở đây quá nóng và ẩm tôi không thích mặc áo dài tay nên mua áo thun sát nách trắng thay thế; nghe nói mặc như vậy cũng được.
Vì biết tôi quan tâm đến thiền minh sát, tôi được mách cho hai tựa sách hay về môn này: 'Thiền Phật Giáo Căn Bản[8]' của Thầy Nyanaponika Thera, một sư người Đức sống ở Sri Lanka và 'Thiền Minh Sát Thực Hành[9]' của Thiền sư Miến Điện Mahashi Sayadaw. Một sáng chủ nhựt rỗi rảnh nọ tôi xuống phố và may mua được luôn cả hai quyển trong một nhà sách. Tôi bắt đầu đọc liền quyểnThiền Phật Giáo Căn Bản vì nghe nói khóa học Kanduboda không cho phép đọc sách bởi chương trình học rất nặng. Sách nói về sự cần phải có tỉnh thức trong đời sống hằng ngày vì tỉnh thức giúp khám phá những u tối sâu thẳm trong tâm não, nhổ tận gốc mọi phiền trược, làm phát sanh bình an nội tại, và dẫn đến giải thoát. Tôi rất thích những lời dạy trực tiếp và rõ ràng này nên bắt tay thực tập luôn. Thiền minh sát mô tả trong sách khác với 'thiền quét' của Thầy Goenka nhưng giống phương pháp tôi nghe Joseph nói qua lúc ở Bodhgaya; đó cũng là đề tài mà tôi sẽ học ở Kanduboya. Xong quyển Thiền Phật Giáo Can Bản, tôi định đem quyển Thiền Minh Sát Thực Hành theolên Kanduboda để lén đọc khi có dịp. Tôi nghĩ chắc không sao bởi sách chỉ nói về phương pháp mà tôi sẽ thực tập chớ không phải là gì khác.
Trung Tâm Kanduboda Vipassana Bhavana nằm trong vùng quê xanh tươi, cách Colombo không xa, chừng muời lăm dặm; vậy mà chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ, vì xe ngừng nhiều trạm và đường đầy ổ gà. Tới nơi, Chris và tôi đi thẳng vô phòng tiếp tân nơi chỗ cổng vào gặp thơ ký. Tôi cho biết tôi có viết thư trước rồi, nhưng ông nói chúng tôi phải gặp Thầy truớc đã và cho chú tiểu đưa hai chúng tôi đi. Lối đi và các sân đều lót cát và được chăm sóc tươm tất. Chúng tôi đi qua khu có nhiều nhà thấp quét vôi trắng, nhiều hàng dừa cao thấp khác nhau với trái nặng trĩu và nhiều bông hoa nhiệt đới đủ sắc đủ màu. Khuông viên đượm không khí tĩnh mịch, linh thiêng. Thầy Sivali đang ngồi một mình trên sàn thảo am, thấy chúng tôi tới, mời vô. Chúng tôi cởi dép, bước lên, vái Thầy ba lạy, rồi ngồi xếp bằng xuống bồ đoàn đặt trước mặt Thầy.
Thầy Sivali trạc tuổi trung niên nhưng trông rất trẻ. Thầy điềm đạm, khiêm tốn và định tâm. Khi nhìn thẳng vào tôi, mắt Thầy sáng hẳn lên tưởng chừng như có biết tôi rồi. Thầy bèn hỏi: "Anh có phải là anh Joseph không?" Nghe tôi trả lời rằng đúng, Thầy kể câu chuyện sau. Hai tuần lễ trước, CID có tìm tôi không biết có chuyện gì. Họ đến đây vì tôi đã khai Kanduboda là nơi tạm trú trong thời gian ở Sri Lanka. Viên công lực có trình hình tôi cho Thầy xem và có hỏi Thầy về tông tích của tôi. Thầy nói tôi có gởi thư nhưng chưa đến. Ông có vẻ bực và yêu cầu Thầy chuyển lời CID gọi tôi lên trình diện ngay. Bấy giờ, Thầy tỏ ra hơi lo âu và hỏi tôi việc gì đã xảy ra khiến cảnh sát phải tìm tôi. Tôi cũng bối rối như Thầy và thưa thật rằng tôi không biết. Tôi trình bày tự sự rằng tôi có đăng ký đến Kanduboda hồi tháng rồi, nhưng không đến liền được vì khóa du già mà không có khai báo lại. Thầy nói tôi phải trở lên Colombo để làm cho xong thủ tục mới có thể dự khóa thiền của Thầy được. Đã xế chiều song Thầy đề nghị tôi nên đi liền và ở lại Colombo tối nay. Tôi nghĩ đây chỉ là thủ tục thông thường và Thầy lo hơi xa, nhưng Thầy có lý riêng của Thầy. Chris không phải lên lại Colombo vì công dân Anh không cần đăng ký. Chris được Thầy cho phép ở lại và bắt đầu học. Tôi thưa với Thầy là tôi sẽ cố gắng làm xong thủ tục nhanh và trở về trong một hai hôm. Thầy bảo tôi phải xin cho có cái giấy của CID Thầy mới có thể nhận tôi. Tôi đành trở ra bến xe ở ngả tư Delgoda và lên buýt với tâm trạng không mấy an. Tôi đi thẳng tới nhà anh Sam và đợi sáng mai lên CID sớm.
Anh Sam đã có ở nhà rồi trước khi tôi đến. Anh ngạc nhiên thấy tôi trở về. Tôi kể lại câu chuyện, anh đồng ý chỉ là một thông lệ, nhưng tôi hơi lo âu. Sáng hôm sau, tôi lên văn phòng trên lầu tư của CID lúc 9:00 giờ và được bảo ngồi chờ trên ghế dài dọc tường. Sau chừng mười lăm phút tôi được gọi vào bên trong và phải ngồi đợi thêm mười phút nữa. Sau cùng, viên sĩ quan ra với tập hồ sơ và hình của tôi trên tay. Ông hỏi: "Anh có lần nào bị bắt vì tội đem lậu cần sa vô Afghanistan không?" Câu hỏi bất ngờ làm tôi sửng sốt và tôi phải mất mấy giây mới trả lời được. Tôi nghĩ ông đã được thông báo, nếu không làm sao ông biết, và do đó ông muốn gặp tôi. Trấn tỉnh, tôi hỏi lại sao ông hỏi tôi như vậy. Ông cho biết tên và tội danh tôi có trong danh sách Interpol của các người bị nghi buôn lậu ma túy. Tôi trả lời rằng: "Hồi năm qua tôi có thử cái trò điên khùng đó và bị bắt ở tù. Tôi đã học được bài học đích đáng." Chuyện ấy, tôi nói thêm, xảy ra hồi năm trước khi tôi còn là một tên ngu, còn bây giờ tôi đã sang trang, đang tu làm Phật tử và học thiền. Tôi nói một cách quả quyết rằng tôi đã bỏ thuốc và là người sạch. Nghĩ ông là Phật tử, tôi tin ông hiểu lời tôi và tha cho tội tôi trong quá khứ.
Viên sĩ quan có vẻ thỏa mãn với lời khai của tôi. Ông hỏi tôi chớ học thiền ở đâu? Tôi thưa tôi đang chuẩn bị theo khóa tu học của Thầy Sivali ở Kanduboda. Ông phản ứng ngay: "Ồ! Đó là chỗ ưa thích nhứt của người phương Tây." Ông nói bà nhạc của ông là một dyaka (người hỗ trợ) của trung tâm và thỉnh thoảng có tới đó thiền. Ông không có đề cập đến việc người của CID đến đó tìm tôi. Trong lúc ông thu xếp giấy tờ tôi hỏi ông chớ còn chi nữa không. Ông nói: " Thế là xong đối với chúng tôi. Tôi không nghĩ chúng tôi phải quan tâm đến vấn đề nữa và anh có thể ra về." Nhớ tới lời yêu cầu của Thầy Sivali, tôi xin ông cấp cho tôi một chứng từ để làm yên lòng Thầy, nhưng ông nói là không cần thiết. Tôi phải giải thích thêm cặn kẽ, ông mới thuận viết mấy chữ trong một miếng giấy rồi ký tên và đóng mộc cho tôi cầm về. Sự không quan tâm của ông đối với vần đề thật là kỳ lạ. Tôi ghi nhận một lần nữa lối sống thoải mái của người phương Đông. Tôi thầm cám ơn nhưng nghĩ rằng thái độ đó không tốt lắm đối với những tội phạm chính tông. Trên đường trở lại nhà anh Sam, tôi chiêm nghiệm luật nhân quả và nhận biết rằng hành động của tôi làm từ hơn một năm rưỡi nay vẫn luôn luôn đeo đuổi tôi.
Tôi về lại Kanduboda xế hôm ấy với văn thư giải oan trong tay. Sau khi đọc kỹ văn thư, Thầy Sivali nói tôi có thể ở trong ba tuần. Thời gian ba tuần được ấn định vì trung tâm cần chỗ cho học viên khác; trung tâm của Thầy luôn luôn đầy người phương Tây đến học. Chỉ trong trường hợp đặc biệt hay vào đôi lúc ngoài mùa du lịch, thời gian ba tuần mới được gia hạn với sự cho phép của Thầy. Tôi ngồi xuống bồ đoàn nghe Thầy Sivali giải thích các điều lệ phải theo: giữ mười giới như đả học ở Kopan, không được đến gần khu nữ; không được nói chuyện, viết thư hay đọc sách; và không nên tập yoga. Thầy nói những điều cấm ấy chỉ có gây xao lãng cho hành giả đang cần tu tập tỉnh thức thuần thành và liên tục theo phương cách mà Thầy sẽ giảng sau. Thầy dành thời giờ vào mỗi buổi chiều để học viên tham vấn hay hỏi về tiến triển của mình. Kanduboda không chỉ là một trung tâm dạy thiền cho cư sĩ tại gia mà còn là một tu viện với một số tăng sĩ theo học. Nam học viên sẽ ăn sáng và trưa chung với Thầy trong trai đường. Và theo giới luật của tu viện, chúng tôi không có cơm sau ngọ mà chỉ có trà đen vào lúc xế và tối.
Thầy tiếp mô tả phương thức thiền. Thầy giải thích động tác phồng xẹp của bụng khi thở bình thường. Tôi phải tự nói 'phồng, phồng' lúc hít vô và 'xẹp xẹp' khi thở ra. Đó là mục tiêu cần chú ý đầu tiên trong lúc ngồi. Giữa hai hơi thở hoặc lúc nhận thấy hơi thở hơi yếu, phải biết chỗ hai gối và mông chạm sàn để tự nói 'chạm sàn, chạm sàn'. Nếu tâm bị dấy niệm, không thể ngồi và thở tỉnh thức nữa, lúc bấy giờ phải tự nhắc 'nghĩ, nghĩ' rồi trở về tỉnh thức bằng cách lập lại 'phồng, phồng' và 'xẹp, xẹp'. Nếu bị khuyấy động bởi tiếng ồn, tự nói 'nghe, nghe' cho đến lúc không còn nghe tiếng động nữa mới trở lại 'phồng, xẹp'. Sự ghi nhận trong tâm thức vừa mô tả có thể áp dụng cho các cảm giác khác như thị giác, xúc giác, khứu giác, và vị giác. Trong việc thực tập này, chỉ thuần túy ghi nhận chớ không phân tách hay luận bàn sự việc xảy ra. Chúng tôi ngồi thiền với tư duy sâu lắng như vậy suốt một tiếng và nhiều lần trong ngày. Giữa các thời tọa thiền, chúng tôi tập thiền hành, một hình thức tiếp nối của thiền tọa trong đó động tác phồng xẹp của bụng được thay thế bởi động tác của chân đi. Mỗi khi dở chân lên, tự nói 'dở, dở', đưa chân bước nói 'bước, bước', và đặt chân xuống nói 'đạp, đạp'. Tỉnh thức này áp dụng cho mỗi buớc trong khi chân đi liên tục và chẫm rãi. Để chế ngự tâm buông lung, chúng tôi áp dụng những gì đã học cho thiền tọa. Và đặc biệt nên nhớ chỉ ghi nhận hiện tuợng cảm nhận thô tiên khởi chớ không có phân tách hay bàn luận.
Những chỉ dẫn căn bản nói trên trùng hợp với những gì tôi đọc trong sách Thiền Phật Giáo Căn Bảnvà được mô tả tỉ mỉ trong Thiền Minh Sát Thực Hành. Thầy Sivaili bảo tôi nên ngồi thiền một giờ rồi đi thiền nửa giờ, thay phiên các thời tỉnh thức ấy càng nhiều càng tốt, từ sáng đến tối. Thầy khuyên tôi làm chậm lại các công việc hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, đi cầu, vân vân; Thầy sẽ giải thích tại sao sau này. Để trả lời câu tôi hỏi về phép quán hơi thở bằng cách nghe hơi thở qua chót mũi mà tôi học với Thầy Goenka, Thầy nói theo dõi sự phồng xẹp của bụng là một cách của sổ tức quán và cách này giúp hành giả phát huy tỉnh thức nội tại dễ dàng hơn. Thầy nói thêm rằng không cần tập thêm gì khác nữa, chỉ nên bắt đầu chầm chậm, thư giãn, và để mọi việc đến tự nhiên. Tôi cảm thấy hữu lý và thỏa mãn. Sau đó, Thầy, vị thầy rất ôn tồn và nhỏ nhẹ, đưa tôi qua khu nam sinh, cấp cho tôi một phòng nhỏ ở đó, và chỉ tôi nơi vệ sinh cùng giếng tắm giặt.
Tôi dành một giờ để xếp đặt chỗ ở mới của mình. Có hai mươi đơn vị xếp dọc hai bên trong một kiến trúc vuông dài với hành lang chạy quanh. Trong hành lang, dùng làm lối thiền hành, tôi thấy Chris và một yogi phương Tây đang bước đi chầm chậm, mắt nhìn về phía trước xuống đầu chân mình. Họ trông như hai xác không hồn lửng thửng đi rất chậm. Mỗi đơn vị chỉ rộng chừng 5x7 bộ có một bệ xi-măng cao sát vách dùng làm giường ngủ với tấm nệm bằng xơ dừa, gối, và vải trải giường. Có thêm cái ghế thấp bằng cây tôi kê vô góc phòng để làm bàn thờ. Trên bàn thờ tôi trải chiếc khăn linh Benares rồi đặt lên đó bức hình vẽ Đức Thích Ca Mâu Ni theo lối Tây Tạng và ảnh của Lạt Ma Zopa tôi thỉnh ở Kopan. Tôi làm lư nhang bằng cách đổ cát vô cái ly nhỏ tìm gặp trong góc phòng. Nhang tôi có đem theo trong xách, còn đèn cầy và diêm quẹt có sẵn trong phòng, phòng bị những lúc không có điện. Đoạn tôi trải xuống sàn cái mền mỏng và áo jalabalên nệm và bồ đoàn bằng rơm tôi đem theo. Tôi xếp bàn chải, kem đánh răng, sà bông, và khăn tắm ngay ngắn dưới chân giường. Và tôi dấu quyển Thiền Minh Sát Thực Hành dưới nệm. Tôi biến căn phòng nhỏ buồn bèo và ảm đạm thành một cốc khá tươi sáng và ấm cúng.
Bây giờ tôi đã sẵn sàng, tôi ngồi xuống giường để thiền. Ngay lúc ấy, Chris tới và lặng lẽ đứng dựa bên cánh cửa lưới. Tôi ngoắc vô và thì thầm kể lại chuyện ở CID, còn Chris cho biết một số điểm đặc biệt của thời khóa biểu. Có ba thời thiền tập thể hằng ngày, mỗi thời dài một tiếng, vào lúc 8:00-9:00 giờ sáng sau điểm tâm, 12:00-1:00 giờ trưa ngay sau ngọ thực, và 6:00-7:00 giờ tối. Lúc thiền các học viên yoga ngồi ngoài hành lang trước cửa cốc mình, và Thầy Sivali sẽ đến ngồi chung với mọi người. Mỗi sáng khi kiểng báo thức lúc 3:00 giờ khuya, mọi học viên thức dậy, rửa mặt nếu muốn, rồi ra hành lang bắt đầu tập ngồi và đi tỉnh thức. 5:00 giờ, có chú tiểu xách vò cháo đến mỗi phòng rót cho mỗi học viên một chén đầy. Chén dĩa do trung tâm phát và mỗi người tự giữ để đem theo lên trai đường ăn ngọ. 10:00 giờ có nước dừa; xế và tối có trà. Chris cho biết thêm là cơm rất ngon. Giữa câu chuyện có chú tiểu đem đến cho tôi chén dĩa, Chris rút lui êm và tiếp tục đi tỉnh thức. Cũng sắp tới giờ trà giải lao rồi giờ thiền tập thể, tôi phải hoãn ngồi thiền.
Trong thời ngồi tập thể, tôi bắt đầu làm quen với cái mới--sự chú ý nơi bụng. Nhờ biết cách thở sâu của yoga với sự chuyển động cách mô của du già, tôi thấy động tác phồng xẹp của bụng không khó lắm. Tuy nhiên sự chú ý của tôi không liên tục vì tâm còn nghĩ đến những chuyện xảy ra hôm nay, chuyện mà tôi cố gạt bỏ bằng cách tự nói 'nghĩ', nghĩ'; các niệm dấy lên có vơi phần nào. Lúc kiểng báo chấm dứt, tôi tự ngồi lại cho đến giờ đi ngủ quy định là 11:00 giờ đêm. Ngủ từ 11:00 đến 3:00 giờ tức chỉ có bốn tiếng; tôi hơi lo và không biết có chịu nổi không. Tôi có đọc sách thiền minh sát và biết rằng thành tâm tu tập tỉnh thức sẽ làm mất ngủ. Nhưng được biết Đức Phật chỉ ngủ có hai tiếng mỗi đêm, tôi an tâm. Vả lại, Chris có cho biết thêm không ai kiểm soát mình ngoài mình nên học viên có thể tăng giảm giờ giấc tùy ý.
Giờ đây tôi đang nôn nóng muốn tập thiền hành. Tôi ra hành lang đứng qua một bên để không cản trở năm sáu học viên khác đang đi thiền. Tôi cẩn thận và chầm chậm vừa dở chân mặt lên cách mặt sàn chừng năm phân vừa nói 'lên, lên', rồi 'dở, dở', và 'đạp, dập'. Tôi lập lại với chân trái và đi chầm chậm tới[10]. Tôi hơi bỡ ngỡ lúc đầu và cố giữ thăng bằng trong lúc đi quá chậm như vậy. Cố gắng, tôi thấy lần lần dễ ra và tôi có thể chú tâm mình vô đó rồi như quên hết thời gian. Phải mất rất nhiều phút mới đi hết một vòng hành lang, và sau hai vòng đi chân bắt đầu mỏi. Tôi bèn vô phòng lên giường ngồi tiếp tục chú ý tới bụng phồng xẹp, nhưng 'tâm viên[11]' không định nữa và giấc ngủ ùa đến. Chỉ mới là ngày đầu nên tôi dễ viện lý do là đã chạy đôn chạy đáo ở Colombo suốt buổi sáng này. Tôi nằm duỗi ra định tiếp tục tập thở phồng xẹp, nhưng ngủ hồi nào không hay. Lúc ấy mới 9:00 giờ.
Tiếng kiểng lọt vô tai nghe văng vẳng làm tôi tỉnh giấc. Tiếp theo là ba tiếng chuông của chiếc đồng hồ treo ngoài hành lang. Tôi quan sát cái tâm say ngủ đang nắm bắt tiếng kiểng 3:00 giờ và đang phản ứng lại sự phải dậy sớm. Tôi nghĩ tôi có thể nằm lại và tỉnh thức theo dõi sự 'phồng xẹp' nhưng rất tiếc, tôi đã ngủ lại. Tôi giựt mình nghe chuông đồng hồ đổ bốn tiếng và bật ngồi dậy với chút ân hận đã ngủ quá giờ. Sau khi tắm rửa, tôi tập vài thế yoga thư giãn với hô hấp sâu để thật tỉnh giấc rồi xếp gối làm bồ đoàn ngồi bắt đầu buổi tập căn bản sáng. 5:00 giờ: tôi nghe tiếng chú tiểu phát cháo. Tâm tôi theo chú từ phòng này tới phòng khác và bị chế ngự bởi dục trông chờ và tưởng tượng. Sau vài phút tôi mới biết mình đã xa rời tỉnh thức và lạc trong dòng suy tư. Tôi vội nói ' lạc rồi, lạc rồi' và trở về 'phồng, phồng', 'xẹp, xẹp'. Tôi để chén đựng cháo gần cửa như Chris dặn để khỏi phải đứng dậy trong lúc thiền. Khi chú tiểu mở cửa lưới múccháo vô chén tôi nói 'nghe, nghe'. Mắt tôi nhắm nhưng tôi hình dung rất rõ và tôi nói 'nghĩ, nghĩ'.
Candalà tiếng Sinhalese chỉ một loại nước uống xanh đặc, làm bằng gạo, nước dừa, rau mùi, và đuờng được dùng trong các thiền viện trước bữa ăn sáng. Hôm nay tôi nhấm candalần đầu tiên và cảm thấy mình bị 'cám dỗ' ngay vì khá ngon miệng. Sau khi cạn ly tôi rất thỏa dạ và có cảm tưởng như đã dùng sáng xong. Tôi nảy ra ý không ăn sáng nữa mà chỉ ăn ngọ thời. Tuy nhiên khi nghe kiểng đổ tôi xách chén dĩa ra đi.
Tất cả các học viên du già cư sĩ xếp hàng một sau hai tăng sĩ Tây phương cũng dự khóa này. Mắt nhìn xuống tới gót chân của người đứng trước, chúng tôi bước chầm chậm và tỉnh thức trên thềm xi măng vô trai đường. Các tăng Tích Lan trú ở khu vực khác trong thiền viện đã vào bàn ngồi dọc theo tường, với Thầy Sivali ngồi đầu bàn. Hai tăng Tây phương vô ngồi đầu dưới của hàng tăng sĩ. Cư sĩ chúng tôi ngồi vào hàng ghế đối diện. Thức ăn đã bày sẵn trên bàn. Trong lúc chờ đợi, mọi người ngồi yên lặng, ngó xuống hay nhắm mắt. Ăn cũng là hành thiền nhưng tôi chưa được chỉ dẫn chi tiết ngoại trừ phải ăn chậm. Tôi ngồi chú ý tới động tác phồng xẹp của bụng trong lúc cố gắng cưỡng lại thị dục muốn biết hôm nay ăn món gì.
Trai thời của Kanduboda do một số thí chủ cung cấp và chiêu đãi. Họ đi quanh bàn múc thức ăn vô dĩa của học viên hay bình bát của tăng sĩ; mọi người hoan hỷ chấp nhận, không chọn lựa mà cũng không ưu tư. Khi thấy vừa đủ cho mình, chỉ cần đưa tay lên dĩa hay bát là thí chủ sẽ ngưng và quay sang tiếp người kế bên. Vì chưa biết thủ tục, tôi để dĩa mình đầy nhóc thức ăn mà tôi chắc không thể nào ăn hết. Vả lại, tôi không thấy đói lắm vì ly candalớn một giờ trước đó. Nhưng không thể bỏ mứa và muốn thử vì hiếu kỳ, tôi ăn mọi thứ. Tiếp theo, chuối, đu đủ, thơm, và xoài xắt miếng được bưng ra. Mắt tôi hoa lên vì tôi đã no tới cổ rồi. Vậy mà tôi không thể không ăn nên ăn thêm trái chuối và miếng đu đủ. Tiếp theo, mỗi người được trao cho một tô nước để rửa tay mặt mình bị dính thức ăn; nước dơ được đổ bỏ trong thùng/ống nhổ do thí chủ mang tới. Sau khi mọi người đều xong, Thầy Sivali đi đầu dẫn các vị tăng ra trước rồi tới các học viên chúng tôi.
Trong giờ thiền tập thể lúc 8:00 giờ tôi nghe bao tử làm việc, kêu ọt ọt, và cảm thấy buồn ngủ chắc tại tôi ăn no quá. Tôi xem những vấn đề này như những kinh nghiệm giúp tìm hiểu phân lượng đúng cho bữa ăn, giấc ngủ và thời thiền. Sau thời thiền tập thể chúng tôi được tự do cho tới 11:00 giờ, lúc tất cả sẽ tập họp cho bữa ăn trưa. Chúng tôi có thể đi tắm, hay giặt đồ, hay tiếp tục ngồi và đi thiền. Thầy Sivali chỉ mới cho tôi biết đại khái nên tôi mong được hiểu rõ chi tiết; do đó tôi dùng khoảng thời gian này để đóng cửa phòng lén đọc tiếp quyển Thiền Minh Sát Thực Hành..
Sách dạy nhiều phương pháp cụ thể kèm theo một ít lý thuyết. Quan sát bụng phồng xẹp là cách đưa tỉnh thức và vô thường vào một nhịp điệu chung: chu kỳ hít thở tượng trưng cho vòng sanh diệt của các hoạt động thân tâm. Áp dụng tỉnh thức vào hoạt động căn bản của đời sống, ta tự dưng nhìn thấy được nhiều hiện tượng khác rõ ràng. Sự chú tâm giữ tâm thức linh hoạt trong tình huống hiện tại và giúp phá trừ chấp trước một cách khách quan. Sự chú ý 'đơn thuần' ấy rất hữu hiệu trong việc thiết lập khoảng không gian tâm linh khả dĩ làm tiêu tan nhiều phản ứng tự phát thông thường của thân và tâm, và như thế, làm vơi nhiều khổ đau tương ứng. Đó là một phép tự chữa bịnh bằng tâm lý vậy.
Nói về 'ghi nhận', sách đề cập đến hầu hết các sinh hoạt của thân xảy ra hằng ngày. Lúc quay cổ, nói 'quay, quay'; nháy mắt, nói 'nháy, nháy'; bưng lên, để xuống, dang tay, co chân, nói 'lên, lên', 'xuống, xuống', dang, dang', 'co, co', vân vân. Mỗi động tác cần được thực hành trong tỉnh giác, và như vậy bị kéo chậm lại rất nhiều. Khi động tác làm vừa đủ chậm và tỉnh thức, buớc đầu và bước cuối của động tác, cũng như thời gian hành động, được phân biệt minh bạch. Và mỗi động tác có chủ đích luôn luôn được tâm thức điều động. Ai cũng biết cái thân tứ đại không thể hành động nếu không được tâm chỉ huy. Lúc ăn, ta cũng có thể tập tỉnh giác. Lúc nhìn thức ăn, nói 'nhìn, nhìn'; vo thức ăn trong tay, nói 'vo, vo'; đưa thức ăn lên miệng, há miệng, bỏ thức ăn vô miệng, nhai, thưởng thức, và nuốt, ta ghi nhận các hành động riêng rẽ ấy theo như cách tỉnh thức nói trên. Cùng lúc, nếu có sự thích hay không thích, ham muốn hay mong cầu điều gì khác, đừng quên ghi nhận.
Sách còn liệt kê nhiều tâm trạng có thể thấy dấy lên trong lúc hành thiền; cũng phải quan sát và ghi nhận tất cả. Sau đây là một số thông thường: tưởng tượng, băn khoăn, lo âu, ham muốn, ghét, giận, chán, mệt, nản, hiếu kỳ, so sánh, phê phán, hãnh diện, tự cao, thèm, ghen, sợ, nghi hoặc, ngã lòng, hỗn loạn, bực mình, bằng lòng, hoan hỷ, an tịnh, trắc ẩn, thương, vân vân. Nếu chúng phát sanh, phải quan tâm xác định chúng bằng phương pháp ghi nhận khách quan cho đến lúc chúng ra đi. Làm vậy là để trưởng dưỡng sự quán chiếu vào thực thể của sự phối hợp giữa thân với tâm và vào các yếu tố bao hàm hầu hiểu rõ tính vô thường, duyên khởi và vô ngã. Trong lúc tôi say mê đọc sách, chú tiểu đến đem cho nước dừa của giờ giải lao sáng. Tôi lật đật dấu sách và giả bộ đang thiền. Khi chú đi khỏi, tôi định tỉnh ghi nhận ý muốn uống chất nước ngon ngọt đó và làm các động tác vói bưng ly, đưa lên miệng, đổ vô, thưởng thức vị ngon ngọt, nuốt, để ly xuống--và lập lại tiến trình này cho đến khi ly cạn.
Biết thêm một số chi tiết, tôi hăm hở vào cử thiền trước thời quá đường. Tôi đứng lên, duỗi chân cho máu lưu thông rồi ngồi xuống trong thế hoa sen và bắt đầu thở sâu theo lối du già. Lúc trở lại hô hấp bình thuờng, tôi bắt đầu chú ý đặc biệt đến lúc khởi, khoảng thời gian ngắn và lúc kết của cử động phồng xẹp của bụng. Tôi nhận biết tỉnh thức giúp giữ tâm linh hoạt, và tôi cũng ghi nhận được rõ ràng cảm xúc của nhiều phần thân thể khác; chúng đến rồi đi cũng như các tiếng động bên ngoài. Khi tôi phóng tâm, tôi cũng ghi nhận được ngay nên không bị lạc. Lúc tôi thấy gối, mông và mắt cá mỏi bởi thế ngồi kiết già, tôi không thèm quan tâm mà chỉ ghi nhận 'đau, đau', như sách đã dạy.
Tôi hầu như thành công hầu trọn vẹn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên sau khoảng nửa giờ ngồi kiết già, tôi phải kéo một chân xuống, ngồi lại thế bán già. Tôi theo sách và cố làm chầm chậm trong lúc ghi nhận mỗi động tác riêng biệt. Vì chưa quen với cách chuyển thế và vì còn lật đật, tôi ghi nhận thiếu nhiều chi tiết. Ngoài ra, tôi đang nghĩ tới cơm trưa nên khi kiểng đổ tôi không kịp nói 'nghe, nghe'. Nhưng trễ còn hơn không, tôi liền nói 'nghĩ, nghĩ', 'mong, mong' và 'nghe, nghe'. Tôi biết tôi còn phải học nhiều, nhưng tôi thích thú và tin tưởng nơi khả năng của phương pháp ấy và của sự tu học nói chung.
Tất cả xếp hàng và tiến chầm chậm vô trai đường như hồi sáng. Lúc đi ngang bàn giữa, tôi không thể không ngó qua các nồi, chảo, tô, dĩa để đầy trên đó. Có tới hai ba thứ cơm, đủ thứ rau và cá, cộng với cả đống chuối và trái cây xắt miếng, cùng nhiều thau đậu hũvà nhiều dĩa bánh ngọt. Tôi thấy mình đang toan tính, nhưng cố làm ngơ. Tôi chưa thấy đói bởi bữa điểm tâm quá nặng. Tôi cũng không muốn làm lại lỗi lầm hồi sáng. Tuy nhiên, vì đang tập hành động chậm trong chánh niệm, tôi không kịp đưa tay ngăn đám đông thí chủ đứng múc thức ăn vô dĩa tôi đầy vun. Tôi cố không để ý tới những gì nối tiếp xảy ra; nhưng tôi lại nhận thấy sự cần liếc trộm. Tôi đặc biệt chú ý đến cách tập ăn theo lối thiền tả trong sách và thấy kết quả tốt. Tôi ăn thật chậm, và như thế phải ăn ít lại. Dầu đã biết rồi, tôi vẫn còn tham chọn ăn món tôi thích hay lạ nhứt và vẫn cân nhắc chừa bụng để ăn trái cây, tàu hũ và bánh ngọt, trong lúc miễn cưỡng ghi nhận 'muốn, muốn'. Cơm tôi ăn không hết được trút vô thùng lớn mà các thí chủ xách đi quanh bàn; cơm thừa sẽ đem cho súc vật ăn.
Trong vòng mười lăm phút trở về phòng tôi lật đật đánh răng để còn ra hành lang ngồi dọc theo vách thiền tập thể. Tôi biết tôi đã ăn nhiều nên cảm thấy nặng nề và không còn nhanh nhẹn; tôi sẽ phải chống lại sự buòn ngủ như đám mây đen đang xâm chiếm tâm tôi. Chỉ ít phút sau đầu tôi theo trọng lực gục xuống; trước khi tôi giựt mình, cằm tôi đã chấm ngực và tôi đã ngủ gục rồi--buồn cho hình ảnh của một thiền giả du già. Tôi phải mất vài phút để nhận diện sự hôn trầm và tập trung ý chí gượng dậy để rồi lại gục xuống liền theo đó. Tôi cứ gượng lên gục xuống trong suốt thời gian ngồi thiền và buổi tọa thiền ấy chẳng đem lại cho tôi lợi lạc nào cả. Đấy mới biết tại sao hôn trầm được liệt kê là một trở ngại lớn của thiền quán.
Tò mò nhìn quanh xem các bạn thế nào, tôi hơi yên tâm khi thấy hầu hết gục gặc như con do do--cả Thầy Sivali ngồi đằng đầu hành lang. Tôi không hiểu tại sao phải thiền ngay sau bữa ăn và chợt mừng khi nghe đồng hồ gõ một tiếng báo giờ thiền đã vãn. Tôi chú ý làm từng động tác một, lúc đứng lên và bước đi, động tác giúp tôi xả bỏ sự mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần.
Chiều giữa 3:00 và 5:00 giờ, như thường lệ, Thầy Sivali lên ghế trong hành lang chính để bắt đầu buổi tham vấn hằng ngày. Đợi các bạn xong rồi tôi mới lên. Tôi lễ Thầy bằng các lạy thông thường trước khi ngồi vào bồ đoàn trước mặt Thầy. Thầy hỏi tôi chớ đã học được kinh nghiệm gì chưa. Tôi thưa rằng tôi đang trong vòng thích nghi, tâm còn lăng xăng quá, và buồn ngủ sau bữa ăn. Thầy cười và giải thích tại sao tâm viên cũng như tâm uể oải là hai trong năm trở ngại thông thường của người mới học. Thầy cho biết sự tập trung vào hơi thở sẽ giúp làm lặng tâm lăng xăng, còn muốn chống lại sự buồn ngủ sau bữa ăn thì phải gắng ngồi lâu. Sự cố gắng và quyết tâm giúp vượt qua những khó khăn này để đến trạng thái nhẹ nhàng và sáng sủa hơn. Thầy nói ăn quá no là nguyên nhân chánh của hôn trầm và Thầy để tôi tự giải quyết chuyện ấy.
Thầy giảng chi tiết của cách làm chậm lại và cách ghi nhận tất cả những gì xảy ra cho thân và tâm, hiểu theo lý vô thường và duyên khởi như tôi đã đọc qua. Thầy lặp lại rằng tôi phải trưởng dưỡng tâm tỉnh thức từ lúc mở mắt tới lúc đi ngủ, trong hành động đi, đứng, nằm, và ngồi. Đi cầu, rửa tay, đánh răng, và cả tắm giếng, Thầy nói, cũng là những dịp tốt để hướng về nội tâm. Thầy khuyên tôi nên tự nhiên trong lúc thực hành, bắt đầu chầm chậm rồi để việc gì tới sẽ từ từ tới, không nên quan tâm đến kết quả. Bấy giờ có một số hiểu biết lý thuyết rồi, tôi chỉ cần thời gian thực tập và cố chuyên cần. Không còn gì để hỏi, tôi bái tạ Thầy và đi xuống trong tỉnh thức.
GIA TĂNG NỘI QUÁN
Trong tuần lễ kế tiếp tôi đã quen với thông lệ và thấy sự tập trung/tỉnh thức của mình tăng dần. Tôi bắt đầu hiểu sâu thế nào là vô thường. Khi lưu ý tới sự phồng xẹp của bụng, tôi nhận biết mỗi phồng xẹp bao gồm nhiều động tác riêng biệt, như động tác bắt đầu, động tác ngưng và thời gian giữa hai động tác đó. Quán xét như vậy, tôi chia cái tổng thể xem chừng như bất khả phân thành nhiều phần nhỏ riêng biệt. Sự tỉnh thức cao giúp tôi nhận biết nhiều cảm giác khác nữa khi chúng đến và đi; có khi chúng đến và đi rất bất ngờ. Vào thời điểm bận rộn, tôi không kịp ghi nhận hết bởi chúng vụt qua quá nhanh. Tôi bực bội đôi khi. Rồi tôi chú ý làm chậm lại bằng cách trở về với 'phồng xẹp' của bụng và để cho các tác nhân kích thích tiếp tục dồn đống theo đà của chúng.
Với tất cả chuyện xảy ra đó, tôi nhận biết thế nào là bản tánh của tâm khởi, cái tâm nhận vô, xác định và phản ứng với một số tác nhân kích thích quen thuộc và lờ bỏ cho số tác nhân kích thích còn lại trôi qua. Khi tâm chọn một cảm quan nào đó, tác nhân kích thích đó trở thành trọng tâm chú ý và đảm nhiệm vai trò chủ đề. Quán chiếu như vậy và sâu thêm, tôi biết ra rằng tất cả trong thế giới vật lý chung quy chỉ là cảm giác hay vi ba năng lượng--màu sắc, âm thanh, mùi vị, và xúc giác--mà tâm khởi tưởng tượng dựng lên để nhận thế giới đó là thật. Theo cùng một tiến trình tâm linh như vậy, các niệm thích/không thích, khoái lạc/đau khổ, tốt/xấu đều có bản chất tương tợ. Do nơi được giáo dục từ tấm bé, chúng ta có thói quen dính mắc và phản ứng với một số cá thể đặc biệt, tức nhóm người và vật mà tâm ta quen mặt. Cuộc sống của chúng ta thiệt sự chỉ xoay quanh những cảm thọ tâm linh được xác định trước đó; tâm thức của chúng ta tìm cách nhận và giữ những gì ưa thích hay tốt lành và gạt bỏ những gì không hạp, khó ưa, hay xấu xa. Lúc quán chiếu tổng thể tiến trình ấy, tôi nhận biết rằng quan niệm chẳng qua là do ảo giác tạo tác chớ vật thể tự nó không có thật. Từ đó, tôi hiểu lời nói của Du Già và Phật Giáo rằng: "Thế giới là ảo ảnh do tâm tạo." Tôi cũng hiểu thêm thế nào là Không.
Những quán xét nội tâm ấy còn giải lộ đặc tánh vô ngã (anatta) của tiến trình. Tôi không quyết định được chuyện gì xảy ra cả; cảm giác cũng như hoạt động tâm linh tự đến rồi tự đi, để lại dấu vết tương ứng--không được tôi đồng ý mà còn nghịch ý tôi nữa. Tôi chỉ muốn theo dõi hơi thở mình một cách tĩnh lặng, nhưng tôi kinh ngạc thấy máy chiếu phim trong tâm tôi cứ chiếu hết tuồng này tới tuồng khác. Vài tấn tuồng xảy ra hằng ngày giúp chứng nghiệm sinh hoạt tâm linh và chứng thực tánh vô ngã. Một trong những tuồng đó không hay lắm nhưng cứ lập đi lập lại hoài là tuồng chú tiểu đem candatới hồi sáng. Chỉ bằng vào tiếng động, tâm biết lúc nào chú đến, mở cửa, rót canda, rồi ra đi. Lắm lúc câu chuyện như là một chuỗi ý tưởng, lúc khác như cuốn phim màu sặc sỡ. Thường nó gây sự chờ đợi, mong muốn, nôn nóng, và phân vân. Tôi tự hỏi nên để candađó, lờ sự thèm khát, hay ngắt thiền để uống trước khi nó trở lạnh.
Đồng hồ gõ cũng tạo nên hoạt động lập trình. Tôi hầu như luôn nghĩ tới lúc đó là mấy giờ và cùng đếm tiếng chuông hay thử tiên đoán. Nếu là 3:00 giờ sáng, tôi tự thuyết phục mình nằm chợp mắt thêm, hoặc vừa nằm vừa tập theo dõi hơi thở, và định bụng sẽ dậy đúng lúc 3:30. Nhưng tôi thường ngủ quên tới 4:00 giờ để rồi tự giận mình và tự nguyện sẽ không làm như vậy nữa. Lúc chuông đổ 5:00 giờ, tôi nghĩ tới candavà 5:30 lại nghĩ có nên đi ăn sáng không hay chỉ ăn cháo là đủ rồi. Nhiều lần tôi bỏ ăn sáng để tiếp tục ngồi thiền, nhưng tôi lại lý luận rằng mình đang ốm tong nên cần ăn để thêm ký lô--má tôi chắc thích tôi làm như vậy. Có lúc tôi muốn nhịn ăn ngọ hay nhịn ăn nguyên ngày để làm một chàng du già lý tưởng dưới mắt của các bạn đồng khóa. Nhưng vô ích, tôi luôn luôn đi ăn quá đường. Và, thay vì tập bỏ dính mắc, tôi vẫn tiếp tục chọn thứ rau đậu tôi thích nhứt (sống, luộc sơ sơ, và ít cay), tránh thịt và chừa bụng cho trái cây và đậu hũ tráng miệng. Tôi bào chữa mình bằng cách tự nói rằng tôi phải chọn thức ăn vì tôi ăn theo cách du già và muốn giảm sự hôn trầm trong lúc thiền sau bữa ăn. Tôi còn muốn, dầu chỉ là chút muốn khiêm nhường, làm mình hơn thiên hạ, kể cả Thầy, khi cố ngồi ngay ngắn với tâm tỉnh thức--kết quả rất như ý!
Một dịp tốt khác để quan sát phản ứng duyên khởi là lúc tôi bị ruồi muỗi vo ve bên tai hay đáp xuống quấy rầy; chúng ở quanh đây rất nhiều. Chỉ mới nghe tiếng chúng tới là còi báo động trong tôi ré lên rồi; và tấn tuồng được diễn ra như sau: "Con gì đó, mong rằng nó không đáp xuống tôi." Nếu là ruồi tôi sợ lây vi trùng. Nếu là muỗi, tôi sợ bị chích đau và bị lây sốt rét. Nếu nó đáp xuống, tôi tự hỏi nên đuổi hay cắn răng chịu cho nó cắn đến lúc nào nó chán thì thôi. Tôi thọ giới thứ nhứt nên cố tránh đập chúng chết, nhưng không phải lúc nào tôi cũng kiểm soát được mình. Nhứt là khi ruồi sà xuống môi hay khóe mắt tôi, hoặc nhiều muỗi đua nhau hút máu tôi cùng một lúc, tôi có thể đuổi nhẹ chúng đi. Tất cả những niệm ấy dấy lên chỉ vì thính giác hay xúc giác của tôi bị xúc tác!
Tôi cố quan sát các chuyện ấy với tâm càng ít chấp trước càng tốt và dùng phép ghi biết khi thuận tiện; kết quả rất khả quan. Đôi lúc tôi không khỏi cười thầm cái vô lý, sợ hãi và phản ứng của mình. Lúc khác tôi chán ghét sự ti tiện và đần độn của tôi trong nhiều dằn co nội tâm. Tỉnh thức thâm sâu ấy làm phơi bày nhiều khía cạnh của tâm lý mà tôi chưa hề ý thức và nghĩ cần phải giải quyết. Lâu nay tôi chỉ xem chúng là tự nhiên và không có suy tư nào cả. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu biết rằng các tập quán đó do yếu tố tâm linh thiếu lành mạnh tạo nên và nuôi dưỡng để rồi con người bị giầy vò bởi những bâng khuâng, lo lắng, sợ hãi, vân vân.
Với tôi, kẻ quậy phá nhứt là "cái-tôi-thân-yêu" rất ương ngạnh luôn luôn hiện diện với nhiều ma thuật tinh vi. Nhận diện được nó, tôi lần hồi hiểu rõ hơn thế nào là Khổ Đế và Tập Đế. Mọi chứng nghiệm của chúng ta trong thế giới vật chất và tinh thần đều liên tục đổi thay và vượt ngoài vòng kiểm soát của chúng ta; nắm bắt chúng với ham muốn ích kỷ và thiếu hiểu biết, chúng ta chỉ chuốt lấy phiền não. Khi nắm bắt được, cái được đã thay đổi rồi hay có khi không còn nữa. Và, cái tâm không kiên định đã hết ham thích cái bắt được rồi và muốn có cái gì khác để thay thế. Túi tham không bao giờ có đáy! Tập quán ung đúc bởi tham, sân, si tác tạo biết bao hành động hạ tiện và ác độc khiến đau khổ chồng chất. Đó là Khổ (Dukkha) mà Đức Phật đã nói tới trong Tứ Diệu Đế. Khám phá và quán xét Khổ là việc làm sáng suốt cũng như hấp dẫn, nhưng nhận Khổ thuộc nội tâm thật rất khó và đáng sợ.
Bây giờ tôi thấy được một cách sâu thẳm hơn những gì tôi phải đương đầu với. Tôi không biết tri kiến của con nguời có giới hạn nào không. Tôi cũng nhận biết giữa hai phương pháp minh sát thông thường có sự khác biệt. So với những gì tôi đang theo học tại đây, thiền quét của Thầy Goenka được xem như là một chương mở đầu vào đại trí tuệ của nhà Phật. Trong lúc thiền quét đặt trọng tâm nơi vô thường, điều tôi đang thực tập (với sáu căn tỉnh thức trong bốn thế đi, đứng, nằm, và ngồi) đi thẳng vào và phát hiện tất cả ba đặc tánh vô thường, duyên khởi và vô ngã, nhứt là hai tánh sau. Đức tin và niềm tin của tôi vào Phật pháp ngày càng lớn mạnh. Hứng khởi, tôi quyết lập lại các chú nguyện Tây Tạng mà tôi xao lãng từ lúc rời Goa, với cảm và ứng mới.
Nơi cuối hành lang là một điện thờ nhỏ, trong ấy có tượng Đức Thích Ca, nhang, đèn dầu, đèn cầy, và diêm quẹt để ai muốn tới lễ tùy ý. Lúc đi thiền ngang qua, tôi thoang thoáng thấy có người phương Tây đang thiền hay làm lễ puja gì đó.Với tín tâm mới phục hồi, tôi về điện mỗi đêm: tôi khêu sáng đèn lu, thay mới nhang tàn, và đảnh lễ Phật. Khi mồi đèn, tôi cầu nguyện 'Mọi chúng sanh nhóm lên đốm lửa trí tuệ trong tâm mình để xua bóng tối vô minh, như tôi đang thắp ngọn đèn này.' Lúc đốt nhang, tôi nguyện 'Như khói hương đẩy lùi ô uế trong phòng này, mọi chúng sanh và tôi xa lìa tam độc và trưởng dưỡng đức hạnh của Thế Tôn.' Rồi tôi lạy Phật; số lạy thay đổi tùy theo tâm tư tôi lúc bấy giờ, hay số niệm tiêu cực của tôi trong ngày, hay thấy ngã chấp mình còn quá nặng. Tôi lễ bái với tâm nguyện xả bỏ bản ngã và chấp trước, mong tới gần bờ giác, và cũng xin hồi hướng công đức mình. Tôi chấp tay quỳ nguyện quy y Tam Bảo và hành Ngũ Giới. Kế, tôi ngồi kiết già và xướng toàn bộ lời nguyện Tây Tạng mà tôi còn nhớ trong lúc chiêm nghiệm sự tái sanh. Không khí làm tôi hồi tưởng Kopan-- sự hồi tưởng sống động và đầy cảm xúc đến đỗi tôi phải bật khóc đôi khi. Tôi kết thúc lễ bằng sự rải tâm Từ đến ba má tôi, các vị sư Goenkaji, Swami Gitananda và Lạt Ma Zopa, và tôi hồi hướng công đức tới mọi chúng sanh. Trước khi rời điện Phật, tôi cúi đầu xá rồi ra đi thiền chầm chậm.
Mỗi đêm, sau lối một giờ phát tâm tỉnh giác trong điện Phật, tôi cảm thấy mình ngập tràn suối nguồn sinh lực an bình và cảm thọ linh hoạt. Tôi có thể tiếp tục kinh hành và tọa thiền dễ dàng trong sự tỉnh thức cao độ. Tôi về lại cốc khoảng giữa 10:00 và 11:00 giờ đêm. Tôi nằm nghiêng bên mặt theo 'thế nghỉ sư tử' của Phật, chú tâm tỉnh giác cho tới lúc chợp mắt. Kiểng đổ 3:00 giờ sáng, tôi 'nghe, nghe', 'mở, mở' mắt và thức dậy ngay. Bằng những động tác riêng biệt rõ ràng, tôi ngồi dậy, vương vai, rồi đứng lên. Làm vậy, tôi xua đưổi sự buồn ngủ đang níu kéo tôi và tôi có thể giữ tâm tỉnh thức trong suốt buổi sáng.
Tôi sử dụng các thời tọa thiền để tập gia tăng thời lượng ngồi kiết già. Mục tiêu của tôi là phải ngồi cho được tư thế hoa sen trong suốt một tiếng đồng hồ sau ba tuần lễ tới. Mỗi thời tôi rán chịu tê ngồi thêm một hai phút. Điểm đau nhứt là chỗ hai xương ống chân tréo đè lên nhau; tôi bị nhức rang sau khi ngồi chừng ba mươi phút. Một điểm đau nữa là chỗ mặt chân trái đè lên vế mặt. Bị đau là một dịp để tôi tìm cách đối trị. Tôi thấy nếu tách rời được cái niệm đau khỏi tâm, tôi có thể vượt mọi đau đớn, kể cả sự tấn công của đám muỗi. Tôi liền 'thắt dây an toàn', cắn răng, và ráng chịu đau thêm một chút. Sau hai tuần tôi đạt được mục tiêu đề ra là ngồi liền một tiếng. Ít ngày sau đó tôi ngồi thoải mái trong suốt ba suất thiền tập thể, và tôi dùng các suất này để 'quyết tâm' kéo dài thời gian ngồi kiết già. Một chứng cớ cho thấy những gì trong tầm tay, tôi đều có thể nắm bắt nếu tôi trì chí. Hãnh diện, tôi nói với tâm vỗ nhẹ lên vai tự khen mình.
Tiếp tục đọc quyển Thiền Minh Sát Thực Hành,tôi bị thu hút bởi tiến trình từng bước làm thế nào để tới bờ giác ngộ[12]. Tiến trình mô tả gồm chín bước nội quán nối tiếp tuần tự, và bước thứ chín dẫn đến Niết Bàn. Chín bước ấy tương ứng với chín thiền tuệ[13]thấy và biết rõ (1) danh pháp và sắc pháp sinh diệt liên tục, (2) chúng tan hoại dễ dàng, (3) sự tan hoại của chúng thật đáng kinh sợ (Bố Úy Trí-Bhayanàna)), (4) chúng đầy tội chứng và là mối hiểm nguy (Quán Hoạn Trí-Ádinavanàna), (5) chúng đáng nhàm chán (Yếm Ly Trí-Nibbidànàna), (6) muốn giải thoát khỏi chúng (Dục Thoát Trí-Muncitukamyatànàna), cần minh sát trở lại, (8) có tâm xả hoàn toàn với chúng (Hành Xả Trí-Sankhàrupekkhànàna), (9) sự chứng ngộ Niết Bàn. (xem ghi chú IV). Trên lý thuyết, đường đi có vẻ trực tiếp và rõ ràng như một công thức hay một lộ trình tới bờ giác được vẽ sẵn trên họa đồ. Đã rành rành như vậy, thế mà tôi chưa thấy biết trong số sách Phật tôi đã đọc. Tôi bèn đọc đi đọc lại và nôn nóng muốn tập thiền quán ngay theo pháp chỉ dẫn. Dẫu chưa biết nhưng đã sẵn có chút kinh nghiệm trong một số bước, tôi nghĩ chắc không mấy khó thực hiện.
Trong suất ngồi thiền theo sau đó, tôi vừa chú tâm vào động tác phồng xẹp của bụng vừa từ từ nới rộng tâm tỉnh thức sang các cảm giác khác, đặc biệt để ý đến cái lúc mà cảm quan tác động. Tôi tò mò tìm xem có thể thật sự phát hiện khoảnh khắc mà một cảm thức xuất lộ như một hiện tượng riêng biệt rồi biến mất hoàn toàn, nhường cho cảm thức khác đến (như sách đã nói). Mỗi cảm thức có một khoảnh khắc riêng của mình, nhưng chuỗi cảm thức đến với tôi như một đoạn phim trong ấy các hình riêng biệt được chiếu liên tục. Sách có nói diễn tiến xảy ra cực kỳ nhanh, nhưng với tỉnh giác cao ta có thể nhận ra từng cảm thức đó lúc đến cũng như lúc đi. Bấy giờ tôi chưa nhận thức được như vậy một cách rõ ràng, nhưng tôi có cảm tưởng mình kinh nghiệm được một dòng với nhiều cảm thọ nối đuôi nhau hiện biến. Lúc không còn kiểm soát được nữa, tôi đổi qua bước thứ nhì và chú ý quán xét sự tan hoại của các pháp thế gian. Những tan biến tức khắc nối đuôi nhau từng loạt như những tràng đạn lửa mất hút trong đêm tối mà tôi nhớ đã thấy lúc tập bắn súng liên thanh M-60 hồi mới nhập ngũ. Cũng vậy, tôi đang chứng nghiệm một dòng cảm nhận nối đuôi tan biến trong tâm tôi. Tôi không thể phân biệt được đó là cảm thọ gì, xúc giác hay thính giác; chúng bay vù qua và mất hút nhanh đến đỗi tôi không đủ thì giờ phân biệt. Nhiều tư tưởng ngẫu nhiên (không mời mà tới) cũng có đến nhưng cũng biến nhanh.
Tuy chứng kiến thụ động nhưng tôi có cơ hội hiểu rằng các pháp ấy vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Rồi tôi chiêm nghiệm thấytrọn tiến trình (sinh diệt) không gì hơn là đau khổ, một mối nguy tiềm tàng đáng sợ (nếu ta bị dính mắc hay bám víu vào) như sách đã dẫn. Biết vậy rồi tôi sang bước nhàm chán. Tôi có thể nhận thấy tâm không còn ưa hay ghét sắc pháp hay danh pháp nào cả và cảm thấy chút thanh thản, nhẹ nhàng và hoan lạc vi tế. Một lần nữa, như sách đã đề cập, tôi chiêm nghiệm Niết Bàn như trạng thái an bình thật sự và hạnh phúc toàn vẹn trong ấy tâm không còn ao ước hay vương vấn bất kỳ sự việc gì trên thế gian này. Tôi cảm thấy vui hơn nữa. Ý tưởng Niết Bàn đối với tôi rất hấp dẫn, dầu chỉ mới nghĩ đến, nhứt là trong tâm trạng nhàm chán. Tới đây, tôi đi được năm bước trên chín bước thiền tuệ, tức khá xa và tôi rất thỏa mãn. Ngoài ra, tôi đã ngồi thiền hơn một giờ rồi. Chưa thật sự mệt mỏi nhưng tôi muốn xả thiền một đỗi. Chén trà xế chú tiểu đem đến đã nguội.
Xế chiều, lúc vào tham vấn với Thầy Sivali, tôi cảm thấy không thể không hỏi Thầy về thiền tuệ. Dầu tôi không nêu đích danh nhưng Thầy có vẻ biết tôi muốn nói gì. Sở dĩ tôi không đề cập thẳng vì sợ Thầy sẽ hỏi tôi học ở đâu mà biết, trong lúc tôi muốn dấu chuyện đọc sách lén. Thầy hỏi tôi đã trải qua kinh nghiệm nào rồi. Tôi thưa có thấy thân mình như một tập hợp vật thể thay đổi liên tục liên tục và tâm mình như một dòng mảnh vụn cảm thọ, nhận thức, ký ức, cảm xúc, tư duy quen thuộc của bản ngã, vân vân. Tôi cũng có nói tôi nghĩ rằng bản ngã là nguyên nhân và cũng là chủ nhân của tất cả các tham ái, ghét bỏ, bâng khuâng, sợ hãi, vân vân. Đại để, tôi nói những gì mà tôi nghĩ Thầy muốn nghe hay làm Thầy nghĩ tôi đang đi đúng đường , dầu các chứng nghiệm toi đạt được đều thật. Nghe xong, Thầy điềm tĩnh gật đầu và khuyên tôi tiếp tục thực tập như vậy nhưng đừng kỳ vọng kết quả bởi mong cầu là một chướng ngại.
Trong nhiều thời thiền tiếp theo, tôi có thể quán xét năm bước đầu một cách nhanh chóng và tiếp tục qua bước giải thoát. Theo sách, tôi minh sát mọi pháp của thế gian khởi sanh[14]như một khối đau khổ đang bừng cháy, đáng sợ như một đống than hồng, và tôi mong được xả bỏ tất cả. Chiêm nghiệm như vậy giúp tôi xa lánh và cách ly tâm thiền quán của mình khỏi các cảm thọ ùa đến hằng loạt từ bên trong lẫn bên ngoài[15]. Tôi mặc nhiên không còn muốn dính dáng với chúng nữa và tâm tôi quay lưng tránh xa chúng. Ý thức về 'cái tôi' mờ lần sau hậu trường, làm suy giảm mối liên hệ giữa vật và chủ đối với tiến trình của thân và tâm. Bản ngã trở nên rất mong manh trong khi sự tỉnh thức còn đó rất rõ ràng. Tâm không còn bị lôi kéo hay uốn nắn bởi chủ thể kích thích nào hết. Tôi nghĩ đó là trạng thái bình thản hay gần bình thản. Trạng thái ấy, rất tiếc, không kéo dài lâu vì tâm tôi chưa đủ mạnh lúc bấy giờ. Tôi cần thiền nhiều thời nữa mới có thể làm quen với trạng thái tâm linh tinh vi và tế nhị đó. Trong trạng thái bình thản, bản ngã bắt đầu thoái hóa dần. Lúc nầy, thế giới quen thuộc của chủ/vật bị đảo lộn và rã rời như kẹo bơ (taffy) hiểu theo nghĩa bóng. 'Cái tôi' bị khủng hoảng bởi đất dụng võ của nó sụp đổ và giềng mối buộc giữ nó với cái thế giới duy nhứt mà nó biết bị cắt đứt. Nó rất lo. Nó sợ cái xa lạ nên lùi về cái quen thuộc. Đó là những gì tôi chứng nghiệm và hiểu được. Chứng nghiệm của tôi đạt được tới mức mà tôi có thể bước vô giai đoạn của tâm xả hoàn toàn đối với các pháp thế gian (tức bước thứ tám, Hành Xả) trong vòng 10 tới 15 phút. Tôi cũng có thể giữ tuệ hành xả này dễ dàng trong suốt buổi thiền 1-tiếng đồng hồ hay lâu hơn.
Theo sách, bước tới là chứng ngộ Niết Bàn. Tôi đoán biết Niết Bàn sẽ đạt được khi mối dây buộc 'cái-tôi-thân-yêu' với thế giới an toàn bị cắt đứt, khi có bước nhảy vọt lượng tử qua cái không biết, tức cõi Siêu Tam Thế[16]. Trong cõi nầy bậc chứng ngộ đầu tiên là Thánh Nhập Lưu (Sotapanna) có nghĩa là bậc đã thoát tục, vừa nhập vô dòng Tứ Thánh[17], và không quay lui mà tiến tới theo dòng đến mục tiêu tối hậu là Niết Bàn trong thời gian ngắn.
Dẫu đã được Thầy Sivali khuyến cáo chớ nên kỳ vọng, tôi vẫn có chút mong cầu được chứng quả, trong lúc bản ngã tôi lại có chút e dè. Mỗi khi tiến gần đến mức nhảy vọt, hình như sự do dự hay sợ hãi tiềm tàng ra tay ngăn cái bước nhảy vọt ấy lại. Có lúc tôi nghĩ 'cái tôi' như được cân bằng ở điểm nhảy vọt ấy, nhưng tôi không thể để nó mất. Phải chăng tôi cố gắng quá hoặc có nhiều kỳ vọng quá. Dầu sao đi nữa, tôi vẫn nghĩ rằng đó là phương pháp phát triển tốt nhứt mà tôi cần trì hành để hóa giải mọi nghi ngờ, sợ sệt và chấp trước vi tế tiềm tàng đang lôi kéo 'cái tôi' lại. Và tôi chấp nhận tôi cần thời gian. Tôi chiêm nghiệm luân hồi trong ấy con người từ vô thỉ vô chung phải qua sáu đường và đã tích tụ biết bao tạp nhiễm. Mong rửa sạch trong thời gian ngắn (sáu tháng) quả là một ảo tưởng. Đối với tôi bây giờ không có chọn lựa nào mà cũng không có gì cấp thiết nên nếu có phải chờ cả đời tôi để hoàn thành lộ trình đó, tôi vẫn cứ chờ.
Chiêm nghiệm lại sự tái sanh làm người của mình, tôi nghĩ rằng mình là một cá nhân mà nghiệp đạo đã chín muồi--hình như tôi chỉ có đường vô chớ không còn lối ra. Trong suốt thời kỳ tu học năng nổ qua, tâm tôi không sao tránh khỏi bị một ít tư lự lấn chiếm. Thỉnh thoảng tôi có nghĩ tới vài người bạn và tới chuyện về thăm nhà hay đi du lịch thêm. Tuy nhiên, đó chỉ là những tưởng nhớ vụn vặt sót lại trong ký ức hay tập quán mà thôi; chúng tan biến nhanh trước khi tôi lưu ý tới.
Đi thiền (thiền hành) và hoạt động chẫm rãi giúp tôi đạt kinh nghiệm nội tâm dưới một hình thức khác. Cử động với dụng ý thật chậm đòi hỏi sự chú ý mẫn cán và dĩ nhiên sự tỉnh thức cao độ. Mỗi lần dở chân lên, đưa chân tới trước và đạp chân xuống hay mỗi lần quay đầu, duỗi tay, vân vân, tôi có thể phân biệt lúc bắt đầu, lúc kết thúc và khoảng thời gian giữa hai lúc một cách rõ ràng. Tôi có để ý và nhận thấy cử động xảy ra cùng lúc với tâm thứcvận hành. Ít ra là có một lần, tôi chứng nghiệm tâm thức vận hành 'như nhảy theo' cử động. Nó lóe lên rồi mất ngay trong khoảng trống không của tâm. Đó cho thấy tỉnh thức vận hành như chiếu phim hát bóng, khúc phim là một dây liên tục gồm nhiều ảnh (tâm sở) riêng biệt mà mỗi ảnh riêng không có vai trò quan trọng nào hết.
Minh sát thâm sâu như vậy cho thấy bản chất rắn đặc của vật thể trong thế giới vật lý chỉ là ảo ảnh; thật sự chúng chỉ là cái rỗng không. Tôi thích thú nhớ lại và so sánh sự vận hành của thân/tâm với hoạt động của máy vi tính mà tôi có chút kinh nghiệm. Thân (phần cứng) chỉ có thể hoạt động nếu có hệ thống thần kinh chuyển vi ba (dữ liệu) từ giác quan (thiết bị nhập liệu) đến não (bộ nhớ); tại đây, dữ liệu được lập trình và xử lý (phần mềm); rồi thân được chỉ thị đi, ngồi, ăn, nói, vân vân (thiết bị xuất).
Sau chừng mươi ngày, sự cử động chậm vào sâu trong tiềm thức tôi; nó trở thành tự nhiên, liên tục và không cần cố gắng. Ngày ngày, bắt đầu từ lúc mở mắt đến lúc nhắm mắt, tôi luôn luôn tỉnh giác trong mỗi hành động và không cần vận dụng trí năng nữa. Một trong những sinh hoạt ưa thích hằng ngày của tôi là tắm giếng mà mỗi cử động sau đây đều được thực hành một cách khoan thai, chẫm rãi: nhìn thấy gàu, vói lấy, thả xuống giếng sâu, kéo nước lên, giơ cao khỏi đầu, xối, nghe ướt mát lạnh--lập lại tiến trình này nhiều lần cho đến khi toàn thân sũng ướt. Kế tiếp, theo cách tỉnh giác vừa nói, tôi thoa xà bông khắp châu thân, dội thêm nhiều gàu nước nữa cho trôi hết bọt, lấy khăn, lau khô, vận chiếc xà rong mới và giặt xà rong cũ nều cần. Như cái xác không hồn nhưng rất tỉnh thức, tôi nhận thấy mọi vật rõ ràng, trong sáng và sống động--gàu, nước, tường che với vết nứt có cây đơm rễ, xà bông trên người tôi, và lớp da của tôi. Rồi trong những sinh hoạt khác như đại tiểu tiện, đánh răng, dọn dẹp phòng, vân vân, tôi cũng làm bằng cách chẫm rãi tỉnh thức đó.
Tôi say mê theo dõi tiến trình. Tôi có cảm tưởng như mình đang xem ai đó trong phim chiếu bóng; nhiều lúc tôi như trong mơ dầu tỉnh thức. Cảm thọ mới này không khác gì mấy cảm thọ mà tôi trải nghiệm khi hút ma túy. Thực tập theo kiểu này là một phương cách hữu hiệu để đưa thiền vào mọi hoạt động lớn nhỏ hằng ngày. Nói cách khác, hành thiền không phải chỉ là trong lúc ngồi tĩnh lặng mà là trong mọi công việc chúng ta làm hằng ngày.
Tuy không được phép nhưng mỗi sáng tôi đều tập vài thế yoga. Tôi thuờng bắt đầu bằng năm mười phút thở sâu ba từng để đem oxy vô máu, rồi tiếp theo là thế gập nguời về phía trước và ngửa người ra phía sau để làm giãn sống lưng, một ít thế giãn thân, và một hai thế đứng một chân để tạo thăng bằng và chú ý. Tôi tập theo lối tỉnh thức nói trên nên không làm gián đoạn sự hành thiền minh sát. Tôi nghĩ chắc không có gì tai hại. Trái lại, tôi nhận thấy lề thói ấy rất có ích cho sự tuần hoàn và làm tăng năng lượng. Tôi còn lập lại hoặc tập vài thế mới vào buổi chiều trước giờ thiền tập thể. Dĩ nhiên tôi tập lén trong phòng lúc mà chú tiểu không có mặt.
Thỉnh thoảng, tôi không thể bỏ lỡ dịp tốt nên có thì thầm chuyện trò với Chris cũng như hai nhà sư phương Tây. Tôi muốn biết Chris nghĩ thế nào về khóa tu thiền đầu tiên của anh và anh đã chứng nghiệm được gì rồi. Anh nói anh đang cần cù theo học phần căn bản, cố dìm cái 'tâm viên' của anh, và thường thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, anh thích khung cảnh tĩnh mịch, không khí vắng lặng, sự cô độc, cơm ngon, và các khám phá mới về anh. Với hai nhà sư, một nguời Anh và một người Gia Nã Đại, tôi được biết sự thọ giới ở Sri Lanka không khó lắm. Chánh quyền và dân chúng rất cảm thông tình trạng của khách ngoại quốc nên sẵn sàng hỗ trợ cho ai muốn thành tăng. Người muốn học Phật hay vừa học Phật học thiền lâu dài đều được cấp giấy tạm trú một năm. Tin này làm tôi phấn khởi và tôi ước ao được thọ giới để trở thành tăng sĩ sống đời khổ hạnh.
Khóa tu sẽ mãn trong ít ngày nữa, tôi bắt đầu nghĩ đến chương trình sắp tới. Tôi hơi ngứa chân và sẵn sàng thay đổi không khí. Tôi cảm thấy đã có chút kinh nghiệm và thỏa mãn với sự tu tập. Tôi nghĩ sẽ tiếp tục lối tu tập này và sẽ tự tập thêm yoga, có lẽ ở một bãi biển vắng nên thơ nào đó của Tích Lan. Một chương trình khác là xuống Kataragama dưới miệt Đông Nam của đảo Sri Lanka nơi nghe nói có ashramyoga của Đạo Sư Hindu Swami. Ashram nằm trên bờ con sông cái và Đạo Sư Swami có một số phòng và cốc cho người phương Tây.
Tuy nhiên, trước mắt Chris và tôi phải trở lại Colombo ở với Sam trong dịp lễ Vesak. Tôi muốn thấy tận mắt dân Sinhalese cử hành lễ Phật quan trọng nhứt này. Sam có kể rằng sẽ có pandalkhổng lồ với màu sắc rực rỡ dựng trên nhiều đường phố và đèn Vesaktreo trước mọi nhà mà Sam muốn chúng tôi xem cho biết. Sam mong chúng tôi sẽ về lại thủ đô ở với anh ít ngày để anh có dịp hướng dẫn chúng tôi đi xem lễ hội.
Hôm chia tay, tôi thu xếp đồ đạc, vào điện lễ Phật lần chót, đứng nhìn cảnh vật chung quanh, rồi mạnh dạn lên đường. Chris cùng đi với tôi đến liêu của Thầy Sivali để cám ơn về những chỉ dẫn minh triết và bổ ích cũng như thạnh tình và lòng kiên nhẫn mà Thầy đã dành cho. Tôi thưa rằng tôi đã học được nhiều phương pháp thâm sâu, thực tiễn và hữu ích mà bấy lâu nay tôi chưa từng biết có trong thiền Phật giáo. Với giọng ôn hòa và điềm đạm Thầy chúc hai chúng tôi mọi điều tốt đẹp trên đường học Phật. Chúng tôi bái Thầy, lui ra, và Thầy trở về thế giới tĩnh lặng riêng của Thầy. Theo thói quen, chúng tôi bước chậm và tỉnh thức, qua vòm ngọ môn, đi lối một phần tư dặm xuống bến xe buýt ở góc Delgoda--chúng tôi trở lại thế giới Ta Bà.
*
Chương 16
VỊNH UNAWATUNA
Chúng tôi không có báo cho Sam ngày trở lại, nhưng anh biết chúng tôi có thể về bất cứ lúc nào. Anh rất vui gặp lại hai chúng tôi và muốn biết kết quả của khóa tu học vừa xong. Thật rất khó cho tôi tường thuật đầy đủ chi tiết vì biết trình độ thiền của anh chưa đến mức chuyên sâu. Do đó tôi chỉ mô tả sơ lược để tránh cái lỗi lầm đi giảng tỉ mỉ môn vật lý nguyên tử bằng vài câu ngắn gọn cho người có trình độ toán học hạn hẹp. Chiều tối, vài bạn của Sam ghé chơi, theo thói thường trong những ngày lễ lạc. Mọi người có dịp chuyện trò và tôi được nghe biết thêm về Vesakvà tục lệ Tích Lan.
Vesaklà lễ Phật giáo tuơng tợ lễ Giáng Sinh của đạo Chúa. Đó là ngày vui nhứt của ba sự việc tốt lành xảy ra trong đời Đức Phật: đản sanh, thành đạo và nhập diệt hay đạt Vô Dư Niết Bàn (Paranibbana). Theo truyền thống Theravada ba sự việc trên đều xảy ra trong ngày trăng tròn tháng Năm của niên lịch Nguyên Thủy[18]. Vì vậy ngày trăng tròn tháng Năm, gọi là ngày Vesak, được xem như tam-lễ-nhựt và là một lễ quốc gia Sri Lanka nghỉ tới ba hôm.
Đúng ngày trăng tròn hầu hết Phật tử thuần thành đều dành thì giờ để suy nghiệm, lễ bái và thiền định. Họ đi chùa, vô lâm tự (chùa trong rừng) hay đến một địa điểm đặc biệt nào đó làm lễ 'sil'. Họ đến với y phục trắng cổ truyền gọi là 'bộ sil'. Họ bắt đầu từ lúc 6:00 giờ sáng, tham dự chương trình lễ cả ngày gồm nhiều tiết mục như: thọ Tam Quy và Ngủ/Bát/Thập Giới do sư trụ trì truyền, pháp thoại do sư của chùa hay khách (có thể là sư hay cư sĩ) mà chùa mời tới giảng, puja,tụng kinh, và thiền. Tại các trung tâm thiền có tiếng như Kanduboda và nhiều viện trong rừng xa, Phật tử chí tâm đến từ ngày hôm trước và ở lại hai ba hôm để lễ bái và nhứt là để thiền. Một số đông khác đến chùa địa phuơng vài tiếng để dưng bông, tụng kinh, viếng sư, và nghe bana.Số khác làm lễ pujahay ngồi thiền trước bàn thờ tại nhà. Sam cho biết thêm ở Sri Lanka, ngoài Vesak, Phật tử còn hành lễ tương tợ vào tất cả những ngày trăng tròn mà dân chúng gọi là ngày Poya.
Sau cơm tối, Sam cùng Tilak và hai bạn nữa đưa chúng tôi xuống đại lộ Galle Face xem pandals. Pandallà những kiến trúc bằng gỗ sơn phết sặc sỡ mô tả đời sống của Đức Phật hay tiền kiếp của Ngài (Kinh Jakata). Nhiều pandalrất to, cao tới ba mươi bộ, được kết đèn hoa chớp nháy muôn màu. Có thêm nhạc phát thanh inh ỏi nhằm thu hút sự chú ý của khách nhàn du. Đi xem pandallà một dịp để bà con ra khỏi nhà, dạo phố, gặp bạn, và chuyện trò. Trên đường đi dạo, tôi quan sát thấy không mấy người thật sự suy ngẫm về Tứ Diệu Đế dầu họ nhìn say mê các pandals trang hoàng lòe lẹt. Theo ý tôi, tiền dựng và trang trí đèn hoa cho pandalsnên dành để nuôi người nghèo hay cho các công tác từ thiện thì hơn. Tôi thầm cười không biết Phật nghĩ thế nào khi thấy dân chúng kỷ niệm Ngài và lời dạy muôn thuở của Ngài như vậy. Từng quen sống với nội tâm và chiêm nghiệm vô thường, tôi không thể bỗng nhiên hướng ra ngoài để vui với các thú vui này. Tuy nhiên, đây là một dịp đi ra cho biết dân tình và văn hóa địa phương.
Hôm sau tôi và Chris đến một ngôi chùa lớn để viếng vị thầy uyên bác khả kính mà Sam có lần nhắc tới. Chùa có tên là Vajirarama và thầy là Sư Narada. Ông viết nhiều sách Phật, chu du khắp Đông Nam Á Châu, có công phát huy tông Theravada ở nhiều nơi. Ông vừa là vị sư, bực thầy và người bạn tâm linh rất được kính nể tại quê nhà ông. Lúc tới nơi, chúng tôi thấy ông ngồi trên chiếc ghế trước cửa thư viện chùa, đang nói chuyện với hai đạo hữu, nên đứng đợi đằng xa. Đến lượt mình, chúng tôi bước lại thi lễ. Thầy mời chúng tôi ngồi xuống chiếu trải dưới thềm. Thầy là vị sư già có nụ cười rất thân thiện. Bằng tiếng Anh lưu loát, Thầy hỏi ngay chớ chúng tôi từ đâu đến, ở Sri Lanka bao lâu rồi, và có tập thiền không.
Sau lời chào mừng, tôi thưa rằng đã gia nhập tông Mahayana ở Nepal, có học chút ít thiền minh sát với Thầy Goenka, và vừa xong khóa tu học ở Kanduboda. Thầy trầm tư theo dõi, mỉm cười nói 'Tiếp tục, Tiếp tục'. Tôi tiếp tục trình bày tại sao quán niệm tánh vô thường đã dẫn tôi đến nhận định bản chất Không và không thỏa mãn của ngũ uẩn và tại sao nay tôi không còn ý muốn theo đuổi trần thế mà muốn trở thành tu sĩ. Nghe tôi xong, Thầy nói 'Tốt, Tốt', với tia sáng trên khóe mắt. Thầy tặng tôi quyển kinh Pháp Cú Dhammapadacủa Thầy dịch ra Anh ngữ từ tiếng Pali. Lần đầu tiên tôi được đọc lời dạy minh triết, ngắn gọn và chính xác của Đức Phật, tôi rất vui mừng. Tôi chân thành cảm tạ Thầy.
Thầy Narada cho chúng tôi biết thêm có một sư người phương Tây tên Samitta đang lưu tại chùa Vajirarama trong vài hôm. Sư từng theo khóa học Kanduboda và đang chọn tu khổ hạnh. Tôi mong muốn được gặp sư để biết thêm về các tu sĩ Tây phương sanh sống tại đây; lúc ở Kanduboda tôi không có dịp nói chuyện tự do với hai thầy người phương Tây tại đó. Thầy Narada nói chúng tôi có thể gặp sư nếu sư rảnh và cho người vào mời sư ra. Trong lúc chờ đợi, Thầy bảo chúng tôi có thể vô xem qua thư viện nếu muốn.
Sư Samitta đến. Ông trông rất thanh thản và tỉnh thức. Ông bước chẫm rãi ngang sân, đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Thầy Narada giới thiệu chúng tôi với sư rồi để chúng tôi trò chuyện với nhau. Thầy đứng lên đi dạo quanh các tháp mới quét vôi trắng trong khu cổng vào, nơi có một số Phật tử đang tề tựu. Sư Samitta nói ông không thể nói chuyện lâu hay bàn thế sự vì không muốn bị phân tâm. Ông nói thêm rằng Phật pháp chơn chính phải được hành trì chớ không phải là những câu chuyện suông. Tôi hiểu và thầm cám ơn ông. Ba tuần tu học ở Kanduboda cho tôi thấy nói chuyện lâu với Sam và bạn anh chỉ thêm phiền và mệt. Sư Samitta thọ giới sáu tháng trước đây ở Kanduboda. Ông đang trên đường tìm những nơi hẻo lánh để tự tu một mình. Ông nói ông muốn đến những rừng có thú và rắn rít hầu thực tập chú tâm và trấn an. Tôi hỏi sư về số người Tây phương tu ở Tích Lan, sư trả lời không biết rõ vì họ đến rồi đi liên tục; sư đoán chừng hai muơi hai mươi lăm vị sống rải rác trên toàn đảo, trong những cốc nhỏ hay những chùa trong rừng. Sư nêu tên một tự viện nổi tiếng, Island Hermitage, và nói tu sĩ Tây phương thường trú tại đó hồi gần đây, có khi hai ba vị một lúc. Tự viện nằm trên hòn đảo nhỏ giữa đầm nước lớn, gần Galle, dưới chót đuôi bờ biển Nam.
Vì thấy tôi quá nhiệt tâm, sư Samitta tiếp tục câu chuyện lâu hơn dự định và cho biết thêm tin tức về một số tỳ kheo[19]ngoại quốc thuộc thế hệ gần đây. Đặc biệt, có một cố tỳ kheo người Anh, Nyanavira, được biết từng tu tới hàng thánh (Nhập Lưu[20], bậc đầu tiên của Bồ Tát giới). Ngài sống một mình một thời gian dài trong cái cốc nhỏ trong rừng gần làng Bundala trên bờ biển Nam. Dầu được xem như đã đến bờ giác nhưng Ngài lại tự hủy mình bằng cách dùng bao nylon trùm đầu cho đến chết ngộp. Nghe nói Ngài bị đau bao tử và không chịu nổi các cơn đau hoành hành. Hành động tự tử làm nhiều người nghi ngờ tánh giác của Ngài, bởi người đã nhập lưu không thể tự hủy mình--tự tử là phạm giới cấm thứ nhứt. Sư Samitta kể thêm trường hợp của một tỳ kheo người Mỹ sống ở cốcNyanavira hai năm trước đây. Ngài đạp phải và bị rắn độc cắn lúc đi đêm trong rừng không có đèn bấm. Ngài chết ngay vài giờ sau đó. Cốc của ngài hiện do một tu sĩ người Pháp ở; sư Samitta có đến viếng ông vài lần. Ông chọn sống cuộc đời khổ hạnh của tỳ kheo nơi hoang dã để thử thách tâm và để cho những mối lo sợ sâu thẩm, bản ngã cũng như nhiều chướng ngại khác xuất lộ. Được nghe chuyện của các tu sĩ Tây phương chuyên tâm tu học và hiến thân cho Đạo pháp tôi rất phấn khởi. Đã nói khá đủ cho một ngày, sư Samitta xin kiếu về phòng ngồi thiền chiều. Tôi cám ơn sư đã dành cho nhiều thì giờ và đã đưa nhiều tin. Trước khi tạm biệt tôi xin đuợc gặp lại sư, và sư trả lời: 'Rất có thể.'
Hôm sau đúng là ngày trăng tròn Vesak. Chris và tôi ở lại nhà, vô phòng nhỏ của chúng tôi ngồi thiền và đọc sách. Chiều, chúng tôi theo Sam và gia đình anh đến chùa gần nhà để họ dâng hoa và lễ bái dưới cội bồ đề cũng như trong chánh điện. Tôi ngồi trên lối cát rộng, dưới gốc cây thiêng, quán niệm sự đấu tranh của Thái Tử Siddharta với Mara[21]lúc Ngài thiền định dưới cội bồ đề. Kế bên có thêm một ít bà lão ngồi đọc kinh hay âm thầm tham thiền. Một số khác, gồm nhiều phụ nữ mặc trắng và trẻ con, vừa đi nhiễu quanh cây vừa niệm chú hay xướng Sadhu, Sadhu, Sadhu.
Tôi cảm thấy mình có chút tự phụ 'thánh thiện hơn[22]' và mình đang cố ngồi kiết già cho thật chỉnh. Tôi biết ý nghĩ cho rằng mình hiểu đạo hơn nhờ thiền và yoga là một chướng ngại nhưng tôi không làm sao gội rửa sạch. Sau hơn hai mươi phút để tâm viên nhảy quanh như vuợn, tôi không biết ai hành trì đạo pháp chuyên chánh hơn ai. Có phải là tôi đang ngồi như vị thánh sống mà tâm trí bị nhiễm độc tố tự phụ hay là các bà đang đi nhiễu và xướng Sadhu, Sadhu, Sadhu với tâm chơn chất nhưng thành khẩn? Tình huống này tôi gặp phải rất nhiều lần rồi nhưng khó mà giải quyết một cách thật tình.
Chung chung, hôm ấy là một ngày yên lành và cũng là ngày giúp tôi hiểu thế nào là Phật giáo Tích Lan mà tôi sẽ có dịp tiếp xúc trực tiếp hơn về sau. Trước khi vào giấc ngủ, tôi mơ mình làm một tỳ kheo khổ hạnh, ở một mình trong rừng, sống đời lý tưởng của một nhà sư, và quay lưng lại thế giới bên ngoài. Tôi nào có biết đúng ngày Vesaknày năm sau tôi thọ giới sa di (samanera).
Từ lúc rời không gian yên lành và thích hợp của Kanduboda, tôi tự nhiên mất dần sự tỉnh thức trong từng cử động một và quay lại trạng thái cảm thọ thông thường. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm tàng trong tôi chút cảm quan về nội tại mà tôi có thể phản hồi dễ dàng để đưa tâm trở lại quán chiếu sự không vuớng bận bất kỳ những gì tôi nghĩ tới hay hành động. Khả năng này, tôi nghĩ, cần được gìn giữ, và nếu giữ được ngay trong lúc du lịch, sinh hoạt cộng đồng, hay sanh sống hằng ngày, thì là một thành đạt đáng kể.
Trong hai ngày ở Colombo, Chris và tôi có bàn chương trình sắp tới. Lúc ở Kanduboda Chris có quen một yogi người Anh tên Gordon, chính là anh chàng rời viện trước chúng tôi một tuần đó. Gordon mướn nhà sống với bạn gái trong vịnh Unawatuna. Vịnh có bãi cát dài hình liềm rất vắng lặng, cách Galle vài dặm về phía Nam. Nghe tả tôi có cảm tưởng đó giống Hồ Arambol, một nơi lý tưởng cho việc tự tu của tôi. Chris cũng nghĩ như vậy. Hai chúng tôi quyết định dến đó càng sớm càng tốt. Nhà của Sam hơi chật và không tiện cho việc tu tập của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi không muốn làm phiền anh lâu hơn và muốn giữ tình chủ khách mãi đậm đà. Mỗi lần chúng tôi đến ở là nhà anh phải có một người--bạn, người thân, hay là người làm--phải trải chiếu ngủ ngoài phòng khách; tôi khó chịu dẫu Sam nhấn mạnh là ok. Tôi có thử đặt mình vào vị trí chủ của anh và có biết đâu là giới hạn.
Trước khi rời Colombo, tôi xuống nhà sách Lake House dưới phố tìm mua ít cuốn đem theo đọc. Tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều thì giờ dư lắm. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết thêm về Phật học và các môn liên hệ. Tôi muốn kiếm loại sách mỏng chuyên đề của Wheel viết về triết lý Theravada. Sau một hồi lục lọi và vài phút do dự, tôi chọn các đề tài Luân Hồi và Tái Sanh, Duyên Khởi, Kinh Satipatthana, Năm Yếu Tố Giác Ngộ, và Bát Chánh Đạo. Tôi còn mua thêm quyển Living by Zen[23]của D.T. Suzuki. Nhơn lúc ở dưới phố, tôi ghé qua Pettah mua thêm một sà rong mới. Quen với cách ăn mặc thoải mái này, bây giờ tôi thích vận sà rong và thấy không còn cần quần dài nữa. Thay vì sà rong thường, tôi để ý kiểu mà các tu sĩ hay mặc với ngoại y. Loại sà rong này, còn gọi là 'y trong' để mặc bên trong ngoại y, may theo lối vá quàng với nhiều ô vải màu vàng và cam mà tôi rất thích. Tôi không cần đắn đo có nên mặc sà rong tu sĩ hay không, dẫu có nhớ tới bộ râu xồm xàm còn trên cằm và mình chưa phải là thầy tu. Tôi vô tiệm hỏi, nguời bán hàng bán liền không thắc mắc gì ráo.
Chris và tôi cám ơn anh chị Sam và mẹ của chị đã tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu và cho chúng tôi ở không[24]những lúc chúng tôi cần. Anh Sam nói nhà anh sẵn sàng đón tiếp chúng tôi bất cứ lúc nào chúng tôi dến Colombo; chúng tôi hết lòng đa tạ anh. Thiệt rất tiện cho chúng tôi có được một chỗ dùng làm điểm liên lạc và gọi là nhà. Từ rày thư từ của tôi có thể đến đây thay vì phòng thư lưu ở sở bưu điện và tôi khỏi mất thì giờ đi xuống GPO[25]; ngoài ra, sách báo gởi tới tôi cũng khỏi sợ bị thất lạc. Nhưng điều quý nhứt là được ở với một gia đình trung lưu địa phương để có thể học hỏi về nếp sống và tình nghĩa của họ cũng như chia xẻ với họ kinh nghiệm xa lạ của chúng tôi.
Chạy khỏi Hikkaduwa vài dặm, xe buýt tới làng Dodanduwa. Vừa qua Dodanduwa tôi thấy đằng phía xa cái đầm lớn, giữa đầm có hòn đảo nhỏ với nhiều cây cối, đảo Hermitage. Trên đảo có mái ngói đỏ lờ mờ (mà sau này biết ra là mái thư viện của tu viện). Tu viện nằm trong khung cảnh lý tưởng mà tôi muốn viếng một ngày trong tương lai. Tôi tưởng tượng nơi đó có nhiều tu sĩ/yogi mặc sà rong ngồi dưới gốc cây tham thiền về vô thường hay sanh tử.
Tại Galle chúng tôi đổi xe đi xuống phía Nam chừng ba dặm để tới nhà của yogi Gordon ở Unawatuna. Theo bản đồ mà Gordon vẻ cho Chris, nhà nằm sâu vô trong, cách đường cái lối nửa dặm. Chúng tôi đi qua làng rợp bóng dừa, lòng vui thơi thới. Một đám trẻ con theo nhìn đăm đăm hai anh chàng 'sudik' mang xách lủng lẳng trên vai. Ra tới vịnh, mắt tôi hoa lên bởi làn nước màu ngọc thạch phẳng lặng như gương trải dài chừng một phần tư dặm tới mỏm đồi dừa đằng xa. Dưới chân đồi, trên chót bãi cát cong, nhiều nhà nhỏ màu vàng xếp thành một khu rộng sau bức tường rào. Khu nhà riêng biệt một mình, bãi cát mênh mông không một bóng người, quang cảnh yên lành khôn tả. Tôi như bị thôi miên, tuởng chừng đã có gặp cảnh nên thơ này đâu đó rồi và có cảm tưởng một mối dây liên hệ đang buộc chặt tâm tôi với nơi đây. Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn cảnh mộng và thấy lòng mình say mê như phê thuốc.
Thấy Chris không bị chi phối nhiều và đang kiên nhẫn chờ tôi cùng đi đến nhà Gordon cách đây không xa, tôi nói Chris đi trước rồi tôi sẽ theo sau. Tôi muốn đi vòng cái vịnh nhỏ để nhìn cho rõ nhưng chợt tỉnh nên tới gặp bạn trước. Nhà của Gordon và Mona màu trắng, khá lớn, có sân rộng, nằm khuất sau con đường làng. Hai anh chị mừng gặp chúng tôi. Sau những lời chào hỏi thân mật anh chị mời chúng tôi vào nhà uống trà. Trong câu chuyện, tôi hỏi anh chị có biết khu tường bên kia là gì không. Mona trả lời hình như là một cái đền Hindu hay Phật giáo gì đó. Theo sự không rành của chị thì đó được gọi là kovil haydevale,nơi thờ thần Hindu, nhưng cũng có một tượng Phật lớn trong ấy. Đền không có người ở và thường được khóa chặt. Mona rất tiếc không biết hơn nên nói tôi có thể tìm hiểu thêm với dân làng mà có vài người nói sỏi tiếng Anh. Tôi kể lại cảm nghĩ của mình khi thấy khu đền ấy và nghĩ rằng nơi đó rất tốt cho tôi tạm trú trong lần tới đây.
Tôi chưa hết mê say với cảm giác ban đầu nên mong được sớm đi hỏi thăm. Tôi bèn xin kiếu, còn Chris chọn ở lại chơi với hai bạn mới. Tôi trở ra bãi. Vẻ đẹp thiên nhiên của đầm làm tôi mê say thêm lần nữa. Trọn bãi dài mênh mông, chỉ có vài ngư phủ đứng trên đám hoa đá dưới nước lắp xắp chưa tới đầu gối và một ít thuyền catamaran hai thân bản xứ phơi mình trên cát. Gió biển nhẹ thổi qua tàu dừa tạo âm thanh như nhạc reo. Tôi theo bờ cát đi lần tới điểm đến. Khu đền nằm ngay dưới chân mỏm đồi đá có nhiều bụi thấp và dừa rải rác. Cổng đền không có khóa. Tôi vô trong, nhìn quanh, rồi đến xem ba ngôi nhà mà cửa đóng chặt. Không một bóng người; lá rơi đó đây trên sân; hoang sơ in dấu trong nhiều gốc. Nhìn qua lỗ khóa vô trong tòa nhà lớn nhứt, tôi thấy tượng Phật to ngồi trong nội điện nhỏ không cửa sổ.
Ra bờ tường sau tôi đứng nhìn sóng Ấn Độ Dương xô về, cuộn vòng mỏm đá vô bờ. Dọc bờ vịnh có con đường xuyên làng với nhiều hàng dừa cao. Đường xa đây gần nửa dặm nên tiếng xe cộ không ồn ào mà âm ỉ hòa quện với tiếng sóng vỗ lên ghềnh. Tôi quanh quẩn trong khuông viên đền thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên xa lạ trong sự tĩnh mịch huyền bí 'siêu thực'; tôi chợt nhớ tới chuyện Robinson Crusoe trên đảo hoang nhiệt đới. Một luồng năng lực vi tế đặc biệt thấm nhập toàn khu. Mặt trời vừa lặn bên kia đồi. Ráng hồng lơ lửng bay. Không gian trở nên diễm ảo. Tôi 'được ban sủng hồng ân.'
Tôi quyết định dừng chân lại đây, ngay bên trong hay cạnh đền, để thiền định một thời gian. Tôi có thể luyện yoga trên ô cỏ gần cổng dựa mé nước và ngủ luôn trên bãi cũng đuợc. Nếu mưa, tôi có nền xi măng dưới mái hiên quanh chùa. Tôi hy vọng sẽ được phép mở cửa vô chánh điện lễ pujavà ngồi thiền. Còn thiền hành, tôi xin đi trên những lối cát trong khu. Tôi toan tính hơi nhiều, có lẽ tôi phải bắt đầu từ chỗ khởi đầu. Trước tiên tôi phải tìm người giữ chìa khóa để hỏi xem phong tục địa phương về thờ tự có cho phép tôi ở trong hay gần đền chăng, chớ tôi không thể làm càng rồi xin phép sau. Ngoài ra, tôi cũng cần hỏi Chris vì rất có thể Chris cũng muốn ở đây với tôi để có anh có em và cùng nhau thiền. Bây giờ đã tối không làm gì hơn được, tôi sẽ nhận lời Gordon và Mona ở lại đằng nhà anh chị đợi sáng mai tính sau.
Để rút gọn câu chuyện, tôi xin nói ngay là sau đó tôi được vị sư trong làng cho phép sử dụng đền devale. Thầy đưa tôi cả chìa khóa vô chánh điện để chúng tôi vào ngồi thiền. Mỗi ngày chúng tôi lại nhà Gordon và Mona ăn cơm theo lời mời của anh chị. Trong vài ngày đầu Chris và tôi nhịn ăn để dễ vào lối tu khổ hạnh.
Thấy chúng tôi theo đường làng xuống vịnh, bà con ra cửa đứng tò mò nhìn, bởi không mấy khi có du khách Tây phương đến đây. Bãi biển và devaleđều vắng vẻ như chiều hôm trước. Tôi mở cửa vô điện thờ Phật xem kỹ. Ngài ngồi thế kiết già với áo choàng màu cam đặc biệt của Tích Lan. Tượng được đúc bằng gạch và xi măng choáng hết khoảng không gian của điện thờ; đế tượng chỉ cách cửa chừng nửa thước. Trước tượng có chiếc bàn để đèn cầy, đèn dầu, nhang, và hoa. Trong góc có thùng phuớc sương. Chris và tôi bắt đầu làm lễ puja: lên đèn, thắp nhang, lạy ba lạy, quy y Tam Bảo bằng tiếng Pali, và đọc kinh Tây Tạng để động viên tâm linh và hồi hướng công đức đến mọi chúng sanh.
Lễ xong, Chris và tôi trải nóp ngoài hiên sau chùa khuất tầm nhìn của khách thập phương. Tôi vận chiếc xà rong tu sĩ vàng lần đầu tiên và cởi áo để được thoải mái hơn trong bầu không khí nóng ẩm của vùng nhiệt đới.
Chiều, hai chúng tôi dành trọn buổi đi xem vùng lân cận. Chúng tôi leo lên đồi nhìn quang cảnh rực rỡ chung quanh. Nơi chúng tôi đứng là mỏm đá của một dãy núi kéo dài hai dặm từ Galle, làm bờ chắn thiên nhiên ngăn sóng lớn từ biển Ấn Độ vô vịnh. Mỏm có biển bao quanh trừ dãi đất không quá năm mươi bộ nối với đất liền. Trong vịnh, bờ biển được viền bởi một rạng san hô khiến sóng đỗ ngoài khơi và tạo một làn nước êm màu ngọc thạch dọc bãi. Nước, nước trong ngần khắp nơi. Với ngọn dừa xanh du đưa trong gió và bãi cát trắng hình vòng cung trải dài xuống phía Nam. Thành phố Galle với thành lũy cổ do Hòa Lan xây từ thế kỷ 17 và hải đăng mới dựng có thể nhìn thấy đằng xa, cách đây lối một dặm. Nhìn chung, cảnh quang phô bày một nét đẹp khôn tả, nét đẹp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo này sẽ chế ngự tâm tư tôi trong những tuần sắp tới.
Giấc mơ tôi đã thành sự thật. Tôi không thể không nghĩ duyên kiếp nào đã đưa đẩy tôi đến thiên đàng xa xôi này. Tôi đang ngồi đây, trên bãi biển vắng lặng, giữa vùng duyên hải tuyệt trần mà tôi chưa bao giờ biết; tôi mê say--không phải bằng ma túy. Tôi dừng chân nơi này, phải chăng để thăm xã giao hai bạn Gordon và Mona hay vì một nguyên nhân sâu xa hơn? Theo cách tôi bị mê hoặc, tôi nghĩ nơi này có lực vô tình thu hút tôi như khối nam châm to. Và, bây giờ đến rồi, tôi sẽ ở lại đây bao lâu? Vấn đề này cũng ngoài vòng kiềm tỏa của tôi, tôi xin phú cho trời vậy. Khi tôi đã học đủ những gì tôi cần đưọc truyền dạy, tôi sẽ ra đi theo duyên định đoạt bởi nghiệp số mà tôi đã tạo trong quá khứ và hiện tại. Tiếp tục suy tư, tôi nghĩ đến những biến chuyển trong đời, nhứt là trong những năm sau trung học, đã dẫn dắt tôi tới phương Đông này. Tôi có cảm tưởng bước đường trong quân ngũ với ma túy ảnh hưởng nhiều đến tiềm thức tôi để tôi bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của cái gọi là xã hội thông thường và sự mưu cầu hạnh phúc. Rồi từ đó, tôi bị cuốn hút vô Thiền Tiên Nghiệm và tiếp theo là đi Ấn Độ với nhiều vấn đề riêng tư (như giao du với Gail, buôn lậu ma túy, tù ở Afghanistan, vân vân) mà tôi rút tỉa kinh nghiệm cho mình. Từ ngả ba Kopan, tôi chuyển hướng sang tìm nội tâm hay sự Thật. Tôi thực sự muốn tìm với tất cả tâm huyết mình và cả sự thôi thúc tiềm tàng trong tâm tôi. Chuỗi biến chuyển này, tôi sẽ chiêm nghiệm nữa hầu hiểu rõ hơn thế nào là Tái Sanh Làm Người Toàn Hảo.
Chris và tôi thức dậy lúc rạng đông. Chúng tôi lên đèn, thắp nhang rồi ngồi thiền ngay trước cửa điện Phật chừng một tiếng đồng hồ. Lúc bấy giờ ánh nắng ban mai chiếu vô cửa và tiếng quạ đánh thức chúng tôi ra khỏi tham thiền hay giấc mơ ngày. Tới giờ tập yoga ngoài bãi, giờ tập mà chúng tôi luôn hằng mong. Thay quần ngắn, chúng tôi xách đệm ra trải trên đám cỏ gần bãi cát. Triều lên, nước lắp xắp dưới chúng tôi chừng vài bộ. Sau khi xướng AA-OO-MM vô ba buồng phổi như đã học, chúng tôi tập các thế hữu cực (polarity)trong vòng một tiếng. Chúng tôi không hối hả vì đã có ý định nhịn ăn hôm nay rồi. Nắng ấm sáng nhẹ chiếu lên toàn thân, tôi cảm thấy mình đang thấm nhập nguồn năng lượng thư giãn nhưng đầy sinh lực.
9:30 giờ sáng: nắng nóng. Tôi vô núp dưới hiên. Chris đang ngồi đọc sách ở đây. Tôi lục xách nhưng chưa biết phải lấy tập sách Wheel nào. Sau phút lưỡng lự ban đầu, tôi rút tập Kinh Satipatthana Sutra. Đây là kinh Phật dạy về cách phát triển và thực tập nội kiến/trí tuệ dưới hình thức bốn trụ cột của tỉnh thức (xem tr. 323, q.II). Được biết phương pháp đặc thù và thông dụng của minh sát được trích từ các lời dạy bao hàm này. Tôi theo Chris ngồi xuống dựa cột lật sách đọc; tôi rất mong đuợc biết nguyên bản của lời Phật dạy.
Sau một giờ đọc rất thích thú, hai chúng tôi vào thiền cũng một tiếng. Trước khi xả, tôi nghe có tiếng người vô devale. Tôi cố đẩy tiếng động ra khỏi tâm bằng 'nghe, nghe' nhưng vô hiệu. Họ theo lối lên điện Phật, đến gần chúng tôi, vừa thì thầm vừa bày biện gì đó lên bàn trong góc. Tò mò muốn biết họ làm gì, tôi hé mi và chạm phải ánh mắt họ chăm chú nhìn tôi. Tôi liền nhắm mắt lại và tiếp tục nghĩ. Có hai bà lớn tuổi, một ông và hai em bé với một vài giỏ xách để trên bàn. Rõ ràng họ muốn chúng tôi lưu ý; tôi nghì rằng mình sẽ thất lễ nếu làm lơ và thiền giã đò.Biết họ biết tôi thấy họ rồi, tôi mở mắt ngó Chris; anh đang đợi tôi hành động trước. Các bà con lay hoay lấy chén dĩa và hộp đựng thức ăn trong giỏ ra. Tôi biết ngay họ muốn đem cơm đến cho chúng tôi. Không ai nói được tiếng Anh, tôi phải dùng mớ Sinhalese tôi biết và ra dấu bảo chúng tôi nhịn ăn hôm nay. Đoán họ tưởng lầm chúng tôi là sư sãi nên cúng dường, tôi bèn chỉ râu tóc mình và nói 'Không phải sư, không phải sư.' Nhưng vô vọng. Các dân làng chất phác này không hiểu lời giải thích vô bổ của tôi hoặc họ không tin hay không cần biết. Đối với họ, chúng tôi chỉ phải ăn, sư hay không phải sư không cần biết, họ cứ múc cơm và cà ri vô đầy dĩa. Trễ rồi. Chris và tôi ngó nhau bối rối. Tôi nói chúng ta chắc phải ăn một chút để làm vừa lòng họ. Họ là những Phật tử thuần thành rất thật thà. Hai bà chuẩn bị lăng xăng nhứt. Và họ đang múc một dĩa nhỏ cúng Phật, cúng Phật trước rồi mới cúng tăng, tục lệ là như vậy. Kế, họ quỳ trước bàn Phật tụng một thời kinh cúng duờng[26].
Cúng xong, họ bưng tới chúng tôi hai ly nuớc để chúng tôi uống và rửa tay trước khi đem lại hai dĩa cơm vun chùn. Rồi hai bà bước trái ra sau đứng chấp tay chừng như đợi chúng tôi nói lời gì. Vì không rành lời nguyện cổ truyền của sư sãi, tôi nói "Bohoma stuti "(Rất đa tạ). Họ có vẻ khoái chí khi nghe tôi nói tiếng mẹ đẻ của họ, họ cười. Họ nhìn chúng tôi và chờ chúng tôi bắt đầu ăn. Tôi nhắm mắt và trải tâm Từ đến các vị hảo tâm trong nửa phút rồi quán chiếu một lúc lý do của sự ẩm thực (cho thân lành mạnh để tri hành Phật pháp) trước khi ăn trong tỉnh thức. Cà ry chay nhưng nhiều thứ, thứ nào cũng có ớt cay. Tôi biết rằng bữa cơm sáng nay sẽ làm tan cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng mà tôi đang trải nghiệm nhờ không ăn sáng và có thể sẽ làm tôi buồn ngủ vào chiều nay.
Tôi không ăn nhiều cơm và chọn món ít cay.Tôi có trộm ngó Chris và thấy anh ăn ngon lành. Tôi cũng có liếc qua bàn và thấy bình tàu hũ với một dĩa chuối đầy mà tôi tin là để la sét; tôi chừa bụng vậy. Hai bà chăm sóc chúng tôi rất tận tình làm tôi cảm động nhiều. Tôi bèn muốn ăn nhiều để đáp lại công lao của họ đã xới bưng tới. Họ đứng dan ra nhưng luôn sẵn sàng đến để múc thêm thức ăn vô dĩa. Khi tôi ra dấu đã đủ, người đàn ông đứng bất động đằng kia nãy giờ bưng tới tô nước cho chúng tôi rửa mấy ngón tay dính thức ăn. Kế hai bà chia nhau bưng cho mỗi chúng tôi một chén tàu hủ đầy rồi chế nước đường[27]lên, và sau đó là chuối. Chưa đủ, người đàn ông còn đem ra một bình thủy với tách và dĩa. Tôi nói thầm 'Ối chào, trà hay cà phê nữa sao?' Vâng, họ rót cho mỗi chúng tôi một tách cà phê đen có đường; tôi nghĩ cà phê sẽ giúp tiêu hóa.
'Tiệc' xong, họ thu dọn thức ăn thừa và chén dĩa vô giỏ xách. Tôi có biết thông thường sư hồi hướng công đức cho giới đàn na thí chủ, nhưng tôi không biết phải làm sao. Thôi tùy cơ ứng biến vậy. Tôi chờ xem họ có đợi gì nơi chúng tôi không, nhưng hình như các bà không cần gì cả. Nghĩ chúng tôi là người ngoại quốc không rành phong tục của họ nên có thể cho chúng tôi, hai tên yogi đói khát, một bữa ăn no trong ngày là họ mãn nguyện rồi. Từ bi của họ tự nó tạo nên công đức chớ họ không cần được ai ban bố. Trước khi họ ra về, tôi chấp tay vái chào hai bà với lời Bohoma stutinồng nhiệt. Các thí chủ chấp tay vái chào lại với ba tiếng quen thuộc Sadhu, Sadhu, Sadhu!
Sau khi các thí chủ ra về, Chris và tôi thử tìm hiểu câu chuyện. Chúng tôi chỉ có một giải đáp là ai đó đã đưa tin có hai yogi đến devale để luyện yoga và thiền. Và nghĩ rằng chúng tôi không có gì ăn nên các thí chủ này tự động đem cơm cho chúng tôi. Chúng tôi rất cám ơn thâm tình của họ dầu rằng chúng tôi định nhịn ăn. Chúng tôi không biết chuyện có xảy ra nữa không nhưng không dám mong.
Như đã biết trước, bữa cơm làm tôi buồn ngủ thiệt. Tôi không cưỡng lại như hồi ở Kanduboda và nằm xuống ngủ trưa. Thức dậy, tôi rút sách Foundations of Mindfulness đọc thêm vài trang.Sách mô tả sự chiêm nghiệm thân như gồm ba mươi hai phần bắt đầu từ tóc, móng, răng, da, xương, vân vân. Không nên nhìn thân là đàn ông hay đàn bà, đẹp hay xấu, mà như một tập hợp gồm nhiều thứ có thể vỡ, tan và hoại. Nên phân tích thân như được tạo bởi bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, và Lửa. Như vậy, người yogi không còn ý niệm về các phần của thân và tránh dược sự chấp trước cũng như sự xác định thành phần của thân.
Ý tưởng này rất mới đối với tôi, tôi bèn ngưng đọc để chiêm nghiệm. Tôi nhìn thấy rõ ràng khía cạnh thực tiển của tâm lý sau các chiêm nghiệm đó. Nếu xem thân, hay một vật thể nào đó, là thật, cá biệt, đẹp, thích thú hay không thích thú, tâm sẽ còn phân biệt, vướng mắc, và tham ái. 'Cái-tôi-thân-yêu' sẽ còn bị mê hoặc bởi cái thân mình và khao khát các thân cũng như các đồ vật khác.
Tôi thử nghiệm các phương cách ấy trước tiên trong lúc đi thiền và sau đó bằng ngồi thiền dưới mé hiên khuất mọi người. Tôi tưởng tượng thân tôi chỉ là một bộ xương đi tới đi lui; thật rất hữu hiệu, nhứt là khi tôi đi với mắt nhắm. Bằng vào kết quả của các tia X tinh thần kia, tôi cảm khích vô biên Đức Phật Toàn Giác, Người đã dạy những phương pháp tinh tế khả dĩ đánh thức hành giả đang phiêu du những bước mộng mị trong cõi Ta Bà.
Xế chiều có anh dân làng tên Eustace đến thăm. Anh biết chúng tôi ở đây qua tin đồn. Anh đem cho một bình thủy trà mà chúng tôi rất hoan hỷ đón nhận. Anh nói trong làng không có mấy người nói được tiếng Anh nên anh muốn làm bạn với chúng tôi để thực tập; tiếng Anh của anh khá. Được dịp may, tôi liền hỏi anh bạn mới mình vì cớ gì dân làng đem cơm cho chúng tôi hồi sáng. Eustace nói họ nghe có hai người ngoại quốc mới đến dưới kovilvắng để thiền và luyện yoga nên họ rất quý. Dân quê phần đông là chất phác và rất mộ đạo nhưng chẳng mấy ai biết thiền thật sự là gì, họ chỉ hiểu lờ mờ rằng đó là con đường dẫn đến Niết Bàn vậy thôi.
Nghĩ rằng mình đang trong vòng tục lụy, dân thường không tin họ có thể lên Niết Bàn trong kiếp này. Nhưng là Phật tử, họ biết họ có bổn phận hộ trì ai tu học để đạt tới đích đó. Nếu người họ hộ đến được bờ giác, họ sẽ được vô lượng công đức. Tôi hỏi Eustace chớ họ có biết chúng tôi không phải là thầy tu không, anh nói họ không cần biết, chỉ thấy chúng tôi chú tâm thiền định là họ mừng rồi. Anh nói thêm, bây giờ họ thấy sư sãi của họ xa dần đường tu khổ hạnh của các tỳ kheo xưa để bon chen trong giới học giả, xã hội hay cả chính trường nên họ mất nhiều tin tưởng.
Eustace nói dân làng đặc biệt vui mừng thấy chúng tôi là người phương Tây, dám bỏ hết để đi nửa vòng trái đất tới chốn thôn dã này, theo chân Phật. Rất nhiều gia đình muốn làm đàn na thí chủ nên dọ hỏi nhau chớ chúng tôi có ăn chay không. Tôi nói với Eustace rằng riêng tôi, tôi có ước nguyện và tôi thích cơm gạo đỏ bản xứ với rau đậu luộc sơ và trái cây; và chúng tôi không thích ớt cay. Anh nói anh sẽ chuyển lời.
Chiều, chúng tôi lại leo lên đồi nữa để ngắm măt trời lặn và thở vô ba buồng phổi. Hạt nước từ các ngọn sóng đập vô ghềnh theo gió biển bay lên tắm mát mặt tôi, tôi cảm thấy vô cùng phấn chấn. Trên trời, mây xám từ phía Tây Bắc lơ lửng bay về che khuất vầng thái dương vẽ một bức tranh vô cùng ngoạn mục. Lúc trời sụp tối chúng tôi leo xuống, về ngồi thiền trên bãi cỏ trước kovil. Cảnh nước yên sóng lặng trong vịnh và tiếng vi vu của lá dừa trong gió thoảng đưa tâm chúng tôi vào hoan lạc một thời gian dài cho đến lúc trời tối sẩm. Giờ trăng lên, tôi đi thiền chiêm nghiệm ba mươi hai phần và bốn yếu tố của cái ảo tưởng gọi là 'tôi'. Tôi nhận thấy ý thức ấy thật là sắc bén và hữu hiệu. Tôi tưởng chừng như thân tôi tự đi còn tâm tôi là một vùng trời thênh thang, trong sáng, tràn đầy hạnh phúc. Tầm hiểu biết của tôi như được rộng mở thêm.
Trước khi đi ngủ, tôi ngồi dưới chân Đức Phật. Tôi hình dung mẹ, cha và thầy tôi rồi gởi nhiều đợt sóng Từ tha thiết đến các bậc sanh thành dưỡng dục này. Tôi cũng nguyện trải lòng Từ đến mọi chúng sanh trong hoàn vũ hầu tâm phân biệt tan biến hết trong ánh hào quang của vũ trụ. Tôi chấm dứt một ngày với Từ tâm và nhận thấy cách này giúp phần thiền minh sát của tôi rất nhiều trong việc diệt tánh Nhị Nguyên.
Tôi không có hớt tóc sáu tháng nay, từ ngày duyên định ở Kopan. Tóc tôi bây giờ dài tới năm-sáu phân và làm tôi rất bực bội trong không khí nóng ẩm. Nhớ tới cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ của cái đầu mới hớt và sau một lúc phân vân, tôi quyết định đi hớt tóc. Cắt tóc ngắn giúp tôi dẹp bớt sự hãnh diện tiềm tàng trong đầu và làm tôi trông giống thầy tu hơn, nhứt là trong lúc tôi ở tại devalenày. Còn râu, tôi không định cạo dầu tôi biết tôi còn chấp trước. Tôi lý luận, nếu cạo râu, mỗi ngày tôi phải mất công châm sóc nó. Chris cũng muốn đi hớt tóc vì bị ngứa đầu mấy ngày nay. Sau cơm trưa, hai chúng tôi lấy xe xuống Galle tìm tiệm hớt tóc. Lần đầu tiên ra khỏi ốc đảo của mình, chúng tôi ghé thăm Gordon và Mona. Anh chị mừng gặp lại chúng tôi. Anh chị nói muốn xuống devalethăm chúng tôi nhưng nghĩ rằng còn sớm nên để chúng tôi vui với cảnh tĩnh mịch một thời gian đã. Anh chị cho chúng tôi biết dân làng đồn rằng chúng tôi là 'yogi tốt' chỉ biết lo thiền và tập yoga, nên họ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi đi tới Niết Bàn. Sau tuần trà và mươi lăm phút chuyện vãn, Chris và tôi tiếp tục lên đường xuống Galle tới đường Matara. Bà con ra cửa đứng nhìn và tỏ vẻ như biết chúng tôi là ai. Họ thì thầm: 'Hai yogi ở devale.'
Chúng tôi tìm mãi mà không gặp tiệm hớt tóc. Tình cờ chúng tôi thấy cái chòi nhỏ bên đường có một cái ghế nằm chông chênh trên nền đất trước tấm kiến lớn trên vách, tôi nghĩ là chỗ hớt tóc. Tôi hỏi cậu trai vận sà rong trắng đứng trước cửa có phải là thợ không, bằng cách chỉ đầu tóc tôi và ra dấu kéo cắt với hai ngón tay nhấp nhấp. Anh cười, gật đầu và mời chúng tôi vô; chòi anh rất thấp. Chris nhường tôi hớt trước và ra ngoài đợi. Đồ nghề của anh thợ chỉ gồm có: một kéo, một lược và một dao cạo loại 'cắt cổ' mà tôi không muốn anh dùng để cạo đầu tôi. Tôi ra dấu cho anh xài kéo và cắt ngắn được chừng nào hay chừng nấy mà thôi. Tôi không muốn trọc như thầy chùa, vì cái đầu mới cạo lán bóng đi với y nửa sư nửa dân và bộ râu rậm màu hunh của tôi thế nào cũng làm dân làng 'không biết đâu mà rờ.'
Chris, trái lại, tẩy trọc cho hết gàu. Nhờ anh mặc áo banyantrắng và vận sà rong thường nên không có dáng dấp thầy tu. Tuy nhiên, lúc chúng tôi đi qua Galle đến xem Đồn cổ Hòa Lan và mua sắm chút ít vật dụng, nhiều người lấy làm lạ theo ngó chúng tôi hoài. Và lúc về ngang làng, bà con, nhứt là con nít vui tánh, theo chỉ chọc và cười khúc khích, chừng như hai chúng tôi thay hình đổi dạng lạ kỳ lắm. Chúng tôi lại ghé qua Gordon và Mona nữa để xin tắm giếng và châm nước cho đầy bình; anh chị cho rằng bộ vó mới của chúng tôi thích hợp hơn.
Trong sáu tuần lễ tiếp theo chúng tôi cứ hừng đông là tập yoga, rồi thiền, và chạng vạng làm lễ puja.Dân làng thay phiên nhau bưng cơm trưa mỗi ngày, có khi họ bưng cho ăn sáng nữa. Thật rất cảm động khi thấy dân quê nghèo lo cho nguời dưng. Sự bao dung của những người nghèo tiền nghèo bạc này làm tôi phải tự dừng, tự kiểm và tự thúc đẩy mình. Tôi có xứng đáng nhận sự chăm sóc tận tình này không? Tôi có khả năng vật chất hơn họ nhưng tôi đang ngửa tay nhận bố thí, chia miếng ăn của chính họ. Họ đang đầu tư tâm linh nơi chúng tôi, tin chúng tôi có thể lên Niết Bàn. Vậy tôi phải làm sao cho xứng đáng chớ không thể ích kỷ ăn bám họ. Bất giác tôi rơi vào tình huống khó xử nhưng tôi thức tỉnh--biết mình không thể đi lui và thể nghiệm sự tái sanh làm người toàn hảo. Dầu ý thức rõ như vậy mà tôi vẫn không an tâm. Tuy nhiên chúng tôi không thể làm khác bởi Eustace từng cho biết chúng tôi sẽ làm họ thất vọng nếu từ chối của họ cúng dường.
Mỗi ngày chúng tôi ngồi thiền một tiếng trước bữa cơm trưa và lúc 3:00 giờ chiều. Chúng tôi tập yoga lúc 5:00 giờ rồi lên đồi thở sâu và ngồi thiền lúc trời lặn. Sau đó chúng tôi ngồi ngoài bãi cát trước devalecho đến khi buồn ngủ. Trong thời thiền đêm, có một cụ già ở trong xóm gần xách tới cho chúng tôi bình trà nóng. Chương trình của chúng tôi đôi khi cũng phải thay đổi, nếu chúng tôi có khách hay có việc cần làm. Gordon và Mona thỉnh thoảng đến lúc chiều tà và ngồi thiền với chúng tôi. Còn Chris và tôi chia nhau thỉnh thoảng ra nhà anh chị để tắm và lấy nước uống. Chúng tôi không mấy khi bị quấy rầy bởi khách thập phương. Họ đến đây, có khi từng đoàn, để cầu nguyện hay làm lễ puja vì devale là đền công cộng. Khi gặp chúng tôi ngồi thiền, họ xì xào và tò mò tới gần ngó cho biết và chúng tôi trở thành lạ mắt đối với họ.
Tiếng đồn vang xa, tới Galle và Matara hai mươi dặm dưới phía Nam. Nhiều người đến chỉ nhằm mục đích để nói chuyện với hai nhà 'yogi ngoại quốc'. Họ luôn luôn tìm cách gặp chúng tôi nếu chúng tôi không ngồi thiền. Chúng tôi thích trò chuyện với những người lễ độ và có học về đạo pháp hay các đề tài tương tợ. Và chúng tôi có dịp gặp một ít vị hoạt bát, ý thức, rất hay, mà chúng tôi đàm đạo thích thú hằng giờ. Cũng có nhiều người dùng cơ hội để tập nói Anh văn. Chuyện họ chỉ quanh quẩn trong các câu thông thường như: Ông ở đâu, xứ nào? Ông có anh chị em không? Ông lập gia đình chưa? Tại sao ông chọn sống chỗ vắng vẻ này? Những câu như vậy cứ lập đi lập lại riết trở thành phiền toái và có khi lố bịch, nhưng chúng tôi học được sự kiên nhẫn và từ tâm.
Một vài lần chúng tôi bị đánh thức lúc nữa đêm vì có người vô đền lễ pujahay cúng giải tà. Ở Sri Lanka người ta tin có tà ma và ai bị tà ma nhập có thể tới devale để cúng giải[28]. Devale này lại nổi tiếng là nơi trừ tà linh nghiệm nên được bà con rất chiếu cố, nhưng không hiểu sao họ chỉ cúng lúc nửa đêm!
Tò mò, Chris và tôi có thức xem cúng giải tà vài lần. Người bị tà nhập luôn luôn tới với một pháp sư. Họ đem theo nào hoa, quả, nhang, đèn dầu dừa, và cả dừa trái nữa. Họ dâng bông và nhang lên Phật trước, có lẽ để cầu Ngài (nếu thực sự có thể cầu đuợc), trước khi cầu thần thánh. Kế họ ra đền chánh thần chuẩn bị lễ trừ tà. Họ mồi các đèn dầu dừa nhỏ rồi đem đèn đặt nhiều nơi trong khuông viên, đặc biệt là dưới chân tảng đá lớn mà họ tin là 'thần linh'. Tại đó, họ đập bể trái dừa để nước văng tung tóe ra. Sau đó, bịnh nhân trở vô đền thần và pháp sư bắt đầu giải tà. Pháp sư mặc lễ phục và đeo mặt nạ. Ông lắc lục lạc, rung chuông, và nhảy quanh trong lúc miệng đọc thần chú. Thỉnh thoảng ông nhắm bịnh nhân hét lớn hay quất nhẹ lên thân. Tôi cho tất cả là một trò dị đoan bịp bợm. Tuy nhiên sau khi nói chuyện với một số bịnh nhân tôi nghe họ nói bớt bịnh, cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Phải chăng mọi sự tại tâm?
Tiếp tục đọc các tập sách Wheel, tôi thấy thích thuyết Duyên Khởi. Lúc ở Kopan tôi có nghe thuyết về Mười Hai Nhân Duyên vần xoay đời người. Tôi cũng có đọc đâu đó rồi nhưng chưa biết rõ. Thuyết Mười Hai Nhân Duyên của Phật là thuyết duy nhứt thấy trong lãnh vực đạo giáo và là cốt lõi của Trí Tuệ thâm diệu của Đức Phật. Thuyết dẫn giải tại sao luân hồi không dứt, vì vô minh và tham ái.
Trên bề mặt, thuyết mô tả tiến trình của sanh và tử nối tiếp liên tục trong vòng luân hồi. Dưới bề sâu, thuyết trình bày sự sanh diệt của ý thức với mỗi thời điểm thích hợp liên tục của tâm trong ấy tất cả mười hai yếu tố vừa làm nhân vừa làm quả diễn động. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc lòng và dành nhiều giờ thiền định để chiêm nghiệm sự lý giải cũng như quan sát tiến trình xảy ra trong tâm. Khi tôi quán sát sự khởi sanh và tan biến của cảm quan, tôi thử tìm và ý thức các mức độ vô minh khác nhau, và xem cảm quan đó tạo nên tâm hành như thế nào. Tôi quán sát xem làm thế nào cảm giác có thể tự phát sanh cảm thọ vui hay buồn cùng lúc với chấp truớc, ghét bỏ, mong cầu, tham ái, và tâm hành mới--đổi chân cho bớt tê hay đuổi con muỗi đi.
Trong đời, cái tôi lọc lừa luôn tạo sinh lực cho tâm để cái tâm bị cám dỗ bởi tham dục tôi luyện các thói quen, và thói quen tạo tiêu cực mà hậu quả là đau khổ cho người có cái tôi lọc lừa lẫn người chung quanh. Tôi nghĩ rằng nếu cái tâm tham dục kia không được uốn nắn và nếu sinh lực ấy không được chuyển qua một hướng tâm linh khác, ý thức của cái tôi tất sẽ có những bước vô định trong vòng luân hồi. Tôi hiểu rằng tùy theo nhịp độ lập lại của suy tư nhiều hay ít, thói quen sẽ ghi nét đậm hay lợt; và nếu suy tư dựa trên vô minh, tập quán sẽ tiếp nối không dứt, còn với trí tuệ tập quán sẽ chấm dứt và vòng luân hồi bị phá vỡ. Thật là thuận lý và càng quán xét nơi mình cũng như người, tôi càng thấy thỏa mãn với công thức sanh tử ấy của Đức Phật.
Trong các câu chuyện với Eustace và dân làng, chúng tôi có nghe đề cập vài lần tới việc Chris và tôi xuất gia thành sư chánh thức. Dân chúng trong vùng muốn thấy chúng tôi, hai người ngoại quốc, khoác áo nhà sư. Ý tưởng này không lạ đối với tôi vì nó đã sẵn có trong đầu tôi từ lúc ở Kopan. Nó trở nên rõ ràng hơn mấy lúc sau này, dạo tôi nói chuyện với Sư Samitta và hai sư Tây phương ở Kanduboda. Nhưng từ lúc đến Unawatuna tôi quên bẵng đi và sống như vầy, một lối-sống-gần-như-của-sư-sãi. Nay câu chuyện được đề nghị, chúng tôi cần suy nghĩ kỹ đã. Theo thời gian, tôi nhận thấy mình không còn ý nghĩ đi lui về cuộc sống bình thường hay đi lang thang vòng quanh trái đất nữa. Nhưng tôi cũng sẽ dành thì giờ 'hỏi lại tâm,' còn thân thì đã thay đổi nhiều rồi. Chẳng đợi lâu, tôi ý thức rằng tôi như đã sẵn sàng; quyết định và động lực đã có nên bước sắp đến chỉ là bước tự nhiên. Còn Chris, tuy chưa biết thật tâm nhưng vẫn muốn bước vô cửa thiền vì đời sống tu sĩ hấp dẫn đối với óc phiêu lưu và lãng mạn muốn 'thử xem sao' của anh.
Được vậy thì rất tốt cho đàn na thí chủ đã không bỏ công hỗ trợ chúng tôi. Hơn thế nữa, họ tin sẽ được hạnh lành và đức cao nếu có thể tiếp tay giúp chúng tôi thọ giới. Eustace hoan hỷ mô tả lễ thọ giới với đám rước cổ truyền linh đình có cả voi đi qua làng từ Galle tới Matara. Tôi nghĩ nếu được thọ giới tôi sẽ mời các bà con nhiệt thành ấy chia xẻ phước báu với tôi. Eustace cho biết cách đây không xa có ValleDevale do một Sư Trưởng trụ trì (Ngài coi luôn đền Yaddehimulla trong làng) là nơi mà chúng tôi có thể xin thọ giới. Anh hứa đưa Chris và tôi tới thỉnh ý của Sư.
Vài ngày sau, Eustace đến để đi gặp Sư Ông. Chúng tôi đi gần bốn dặm ngang qua đồng ruộng vô trong sâu. Tự viện còn là trường đào tạo sư, đang dạy chừng hai mươi chú tiểu. Eustace giới thiệu Chris và tôi với Sư Trụ Trì và chúng tôi vái chào bằng ba lạy. Sư chỉ chúng tôi ngồi xuống trong lúc Eustace trình bày sự sinh sống của chúng tôi ở devalevà ước nguyện thọ giới của chúng tôi. Sư biết chúng tôi đang ở dưới devale nhưng ngạc nhiên nghe nói chúng tôi muốn xuất gia. Sau phút trầm tư, Sư nói Sư hân hoan được biết chúng tôi muốn theo chân Phật, nhưng Sư không biết chúng tôi phải đi đường nào bởi chúng tôi là người ngoại quốc. Sư phải có thì giờ suy nghĩ truớc đã.
Vài ngày sau, Sư Cả trả lời cho biết rằng Sư rất tiếc không thể làm lễ thọ giới cho chúng tôi được. Sư không tin là chánh quyền cho phép Tăng lữ của Sư nhận người ngoại quốc. Theo Sư, chúng tôi nên đến Đảo Hermitage hay Vajirarama ở Colombo thì hơn. Ngoài ra, Sư không có phương tiện để giáo hóa chúng tôi vì không ai ở đó, kể cả Sư, biết Anh ngữ. Sư giải thích thêm rằng muốn thành tăng sĩ, hành giả phải ở với giáo thọ/thầy ít nhứt năm năm để học giới luật tỳ kheo, tiếng Pali, và kinh sách, kể cả thuộc lòng nhiều đoạn. Dĩ nhiên Chris và tôi có thể làm như vậy, chúng tôi chỉ mong được tiếp tục sống với thiền trong devalemà thôi. Chúng tôi tưởng chỉ là chuyện dễ dàng, tức thọ giới, đắp y, rồi tự do như Sư Samitta chớ chưa hề nghĩ tới việc phải vô chùa tu học một thời gian mới thành sư. Hồi chờ tin về tôi có đặt nhiều hy vọng, nhưng tôi không thất vọng lắm khi nghe Sư giải thích. Chúng tôi chỉ buồn cho dân làng đã rất phấn khởi (về viễn tượng tốt đẹp do Eustace đồn ra) giờ phải thất vọng. Hai chúng tôi xem những ngày vừa qua như giấc chiêm bao và tiếp tục cuộc sống thường ngày.
Hạn lưu trú của chúng tôi sẽ hết vào hai tuần tới. Chúng tôi phải lên Colombo xin gia hạn thêm hai tháng. Sống ở devalekhông còn mới mẻ đối với chúng tôi nữa và tôi cũng đã đọc hết sách đem theo rồi. Ngoài ra, các trận mưa lớn và dai dẳng của mùa gió chướng làm cuộc sống ngoài trời của chúng tôi không còn thoải mái nữa. Có lúc Chris và tôi phải ngồi đục mưa cả ngày trong điện Phật hay ngủ sau cửa mới khỏi ướt và lạnh. Tuy còn mê cảnh quyến rủ này nhưng tôi tin, trong thâm tâm tôi, sự bồn chồn tiềm tàng và nhu cầu di chuyển bắt đầu khuyấy động. Tôi có ra đi cũng là đúng lúc.
Tôi quyết định đi Kataragama vì tôi đang ở nửa đường. Từ đó tôi sẽ lên Colombo hai ba ngày trước khi chiếu khán hết hạn. Còn Chris chọn ở lại Unawatuna với Gordon và Mona thêm một thời gian ngắn rồi sẽ lên sau. Chúng tôi hẹn trên nhà Sam để cùng đi gia hạn chiếu khán. Chúng tôi tin Eustace và dân làng hay quyết định ra đi--đi theo con đường định mệnh đã sẵn bày cho chúng tôi. Họ thông cảm. Tôi nói với Eustace nơi này rất đặc biệt đối với tôi; tôi sẽ trở lại một ngày trong tương lai. Và, bông đùa tôi nói: 'Có thể tôi sẽ trở lại với chiếc y đắp trên thân.' Không ngờ đó là sự thật!
Khi tôi đến Colombo, Chris đã có mặt ở nhà Sam rồi. Sam đi trực cuối tuần trên Bộ chỉ huy Không Quân chiều mới về. Mới đó mà chúng tôi xa nhau đã hai tháng. Nhân dịp có ba mẹ Sam cùng gia đình của hai em đang ở trên nhà từ đường trong vùng đồi núi ngoài thành phố Kandy, Sam mời chúng tôi lên đó ở một lúc cho biết cố đô. Một trong ba nhà mà ba mẹ già của Sam ở còn một phòng trống mà chúng tôi có thể ở nếu muốn lên. Sam cho biết thêm, ba anh rất hoạt bát và rành tiếng Anh; ông còn là một Phật tử sùng đạo luôn ngồi thiền và thích đàm luận Phật pháp cao thâm. Chúng tôi rất hoan hỷ nhận lời. Đươc biết Kandy là nơi mà Thầy Nyanaponika, một vị sư nổi tiếng người Đức, từng sống tu trong rừng. Chính Thầy viết quyển The Heart of Buddhist Meditation[29]tôi đọc trước đây. Tôi rất mong được tham vấn Thầy.
Sáng hôm sau, Chris và tôi xuống phố, đến Sở Di Trú, và được phép gia hạn thêm hai tháng nữa một cách dễ dàng. Đuợc biết đây là gia hạn chót và chúng tôi phải rời đảo khi hết hạn. Nhơn dịp ở dưới phố, tôi có viết ít chữ về nhà cho Ba Má tôi nói tôi còn theo thiền và yoga và sẽ qua Ấn Độ ở sáu tháng. Còn về lâu về dài, có lẽ tôi sẽ trở lại Sri Lanka sau khi học xong yoga.
Xế, chúng tôi đến Đền Vajirarama để kính chào Thầy Narada và cũng để xem Sư Samitta còn ở đó không. Chúng tôi gặp Sư trong chùa đi ra, ngay tại cổng chánh. Sư cho chúng tôi hay Thầy Narada đang đi du thuyết Phật pháp hằng năm ở Viễn Đông và hiện dạy tại Indonesia; Thầy chỉ trở về sau khi ba tháng mưa chấm dứt. Còn Sư vô 'Vas[30]' ba tháng, trong một ẩn cư hẻo lánh cách Colombo ba mươi dặm; hôm nay Sư lên Colombo chửa răng và trên đường ra nha sĩ.
Trong lúc chúng tôi đứng nói chuyện, có một ông lão tới quỳ bái Sư; Sư Samitta ban phước lành cho lão bằng tiếng Sinhalese. Tiếp theo, ông lão quay qua bái tôi, tôi ngạc nhiên lùi ra trong lúc Sư Samitta nói với lão tôi không phải là sư. Ông lão không nghe và không cần biết cứ tiếp tục lạy tôi ba lạy rồi lạy Chris cũng ba lạy, dầu ông lạy rất khó khăn vì gối mỏi chân chồn của tuổi già. Sư Samitta đắp y màu sẫm đàng hoàng đúng bậc chân tu, còn tôi chắc ông lầm là sa di (swami) hay chi chi đó vì mớ tóc còn ngắn của tôi và màu vàng của sà rong cũng như màu cam của áo tôi đang mặc. Lúc lão ông đi khuất vô chùa, Sư Samitta có lời trách tôi mặc chiếc y trong của sư sãi khiến người ta dễ lầm như lão ông vừa rồi; tôi chưa thọ giới chớ nên ăn mặc như vậy, không chỉnh. Sư nói thêm sư không muốn gặp tôi nữa và tôi đừng tìm quấy rầy sư nếu tôi tiếp tục ăn mặc như vậy. Sư còn đề nghị tôi không nên mặc áo màu cam. Tôi bị sốc, dầu là sốc nhẹ, nên chỉ có thể phản ứng 'OK' với giọng dìu dịu. Rồi sư nói cụt ngủn: 'Tôi phải đi đây,' và bỏ ra đường, để tôi và Chris đứng nhìn nhau với nhiều câu hỏi trong đầu. Trong suốt thời kỳ qua tôi mặc sà rong vàng này trước công chúng, trước mặt cả các sư Sinhalese trong chùa, có ai phê phán gì đâu--ít ra là thẳng với tôi?! Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ lại và vì tôn trọng sư Samitta cũng như Tăng đoàn, tôi không mặc chiếc sà rong vàng của tu sĩ nơi công cộng nữa.
*
Chương 17
GOTHAMA TAPOVANAYA
Cố đô Kandy nằm trong vùng có khí hậu dịu mát hơn so với khí hậu nóng ẩm của duyên hải. Sự thay đổi đem cho Chris và tôi cảm giác rất thoải mái. Gia đình Sam luôn hiếu khách, dành cho chúng tôi một phòng lớn trong nhà từ đường. Rất thích thú! Nhưng chỉ hai hôm sau Chris phải vô nhà thương vì bị sưng chưn. Bác sĩ chưa biết bịnh gì nên giữ anh lại để làm thêm một số thí nghiệm và chụp quang tuyến. Chris không dám về bởi từng nghe nói nhiều tới các chứng bịnh nhiệt đới nên sợ.
Trại Chris nằm là một ba rắc cũ trống trơn, không có cả lưới cản ruồi muỗi, còn giường nằm xếp thành dãy dài không kín đáo gì hết. Mền gối chỉ được thay một tuần một lần và cơm bịnh không có gì hấp dẫn. Chỉ được có cái là tất cả đều miễn phí. Trong xứ nghèo thật khó thể đòi hỏi gì hơn! Trong suốt mười hôm Chris nằm nhà thương, tôi vô thăm mỗi ngày để xem kết quả thử nghiệm và ở chơi vài tiếng cho anh có bạn. Tôi cũng có đem cho anh trái cây và thức ăn bồi bổ, và một ít sách Wheel mua ở Buddhist Publications Societycho anh giải khuyây. Đây là dịp tôi hành hạnh từ, một điểm yếu của tôi mà tôi kịp nhận thấy khi đối xử với Ronald ở Nepal.
Cùng trong lúc này, tôi đến viếng danh sư Nyanaponika Thera ở Forest Hermitage. Thầy sống trong một nhà lớn nằm sâu giữa rừng già sát cố đô. Đường đến Thầy rất ngoạn mục: có cái hồ nhỏ với tre cao vút và cây cối um tùm; khỉ ra từng bầy, đùa giỡn tự do trên cây chằng chịt dây leo như trong phim Tarzan. Lúc tôi tới, vị sư già uyên bác đang bận rộn với công việc viết lách của Thầy; tuy nhiên, Thầy vẫn ôn tồn mời tôi vào. Tôi thưa với Thầy rằng tôi đã đọc sách Thầy, thực tập thiền quán sổ tức bằng cách thở bụng, và đạt kết quả rất như ý. Thầy nói tập tỉnh thức dựa vào sự 'phồng xẹp' của bụng rất thuận lợi cho việc tạo sự tập trung nhứt thời mà thiền minh sát sử dụng. Phương pháp này được xem như thích hợp cho nhiều khí chất khác nhau và tạm đủ để phát triển nội tâm dẫn đến khai ngộ. Phương pháp chính thống của quán sổ tức, tức chú ý hơi thở qua chót mũi hay môi trên, được dùng nhiều để đạt phép nhứt-điểm-chú-tâm sâu xa dẫn đến tình trạng thiền na. Tôi mô tả sự thí nghiệm của riêng mình đối với hai phương pháp và rất tán đồng quan điểm của Thầy Thera.
Trước khi cáo biệt, tôi xin Thầy chỉ cho một ít thiền viện ở Sri Lanka, ngoài thiền viện Kanduboda, dạy phương pháp thiền minh sát Mahasi Sayadaw. Thầy cho tôi tên Gothama Thapovanaya và nói Thầy Vangisa Maha Thera ở đó có học riêng với nhiều sư Miến Điện đến đảo hồi 1956; Thầy này nói tiếng Anh không giỏi nhưng có người dịch. Thapovanaya là thiền viện duy nhứt phục vụ người phương Tây và chỉ cách Colombo có sáu dậm, trong một rừng cao su. Trước khi qua Ấn Độ, tôi muốn dành sáu tuần ở đây để thiền chớ không làm gì khác hơn nên định sẽ đi viếng 'rừng khổ hạnh' Thapovanaya khi nào Chris ra nhà thương.
Sau cùng, bác sĩ định bịnh cho biết Chris bị chứng đầu voi nhẹ. Bịnh này do muỗi truyền nhiễm và thường thấy miệt dọc biển. Chris bị nhiễm có lẽ lúc ở Unawatuna. Tôi ngạc nhiên không biết sao không bị, nhưng không mong. Chris chích thuốc kháng sinh, chưn anh xẹp dần, kể như hết bịnh, và được xuất viện sau đó. Trong lúc anh ở lại vùng Kandy mát mẻ này để dưỡng sức, tôi chỉ ở thêm vài hôm rồi xuống Colombo để tới Gothama Thapovanaya hỏi xin tạm trú và học thiền minh sát một tháng. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Colombo truớc 28 tháng Chín, ngày mà chúng tôi định lấy tàu trở qua Rameswaram hầu tới Pondicherry ngày 1 tháng Mười.
Đến Colombo tôi ở với Sam một ngày để báo anh biết những gì đã xảy ra và chương trình sắp tới của chúng tôi. Sau đó tôi đi liền ra Gothama Thapovanaya. Thiền viện ở giữa rừng cao su, rộng, có nhiều đường ngang dọc mới được quét sạch bóng. Thầy Vangisa Maha Thera trạc trung niên, thấp và tròn. Thầy tươi cười mời tôi vô tiền sảnh. Tôi kính bái Thầy và ngồi xuống sàn. Tôi thưa muốn học thiền dưới sự chỉ giáo của Thầy và không có đề cặp tới khóa học Kanduboda vì muốn xem mình là một học trò mới hoàn toàn. Thầy đồng ý cho phép tôi ở lại liền. Thầy gọi thị giả đưa tôi ra khu yogi và cho tôi một cốc với gối mền đầy đủ. Thầy nói tôi cứ lo thu xếp chỗ ở trước rồi Thầy sẽ cho gọi lên khi vị thông ngôn tới.
Một giờ sau, tôi lên gặp Thầy và bà thông ngôn. Thầy nói về phương pháp quán minh, cũng giống như phương pháp tôi học ở Kanduboda và đang tập lâu nay. Thầy bảo tôi thực hành chẫm rãi, nên đi và ngồi thiền xen kẽ, và thiền liên tục suốt ngày từ sáng đến tối. Tôi có thể tham vấn Thầy vào buổi chiều mỗi hai hoặc ba ngày khi có thông ngôn. Nếu có vấn đề gì gấp, tôi có thể đến liêu Thầy và Thầy sẽ giải quyết cho; Thầy không giỏi nhưng nói được tiếng Anh và trong viện cũng có một số đệ tử lâu năm biết tiếng Anh. Tôi trở về cốc bắt đầu thực tập. Tôi cũng lén tập điều tức và yoga, hai môn mà nơi đây không hẳn cấm đoán.
Cách sắp xếp ở viện này hơi khác cách sắp xếp ở Kanduboda. Khu nam yogi là một toà nhà duy nhứt gồm hai dãy cốc nhỏ với một hành lang chính giữa; mỗi dãy có mười cốc, còn hành lang được chia làm ba làn dùng cho thiền hành. Đầu trên hành lang có một phòng riêng biệt dùng làm điện thờ Phật. Đầu dưới là khu vệ sinh công cộng. Chung quanh tòa nhà có con đường đất mà học viên cũng có thể đi thiền. Toàn khu là rừng cây cao su rợp bóng mát. Ngay đối diện với cổng vào là giảng đường Phật học mới cất mà viện dùng làm nơi 'cắm trại sil'' trong những ngày poya trăng tròn.
Hiện tại, ngoài tôi chỉ có một yogi người phương Tây sống trong cốc ở đầu dưới. Anh cũng ở Mỹ qua, tên Allen. Chúng tôi có gặp nhau vài lần và có trò chuyện nhưng không có nói gì nhiều. Allen đến học thiền hai tuần nay và sẽ rời đây đi Ấn Độ trong vài ngày sắp tới. Anh cho biết viện rất yên tĩnh, ngoại trừ đám đông đến lễ trong những ngày trăng tròn và các em mồ côi do viện bảo trợ tới chơi giỡn trong sân.
Thời khóa biểu gần giống như ở Kanbuboda trừ mục thiền tập thể. Kiểng đánh thức lúc 4:00 giờ sáng (hợp lý hơn 3:00 giờ ở Kanduboda) và không có kiểng báo giờ đi ngủ; cũng không có đồng hồ trong nhà. Mỗi yogi được tự do đi hay ngồi thiền lúc thuận tiện (chớ không bị bắt buộc theo giờ giấc nhứt định). Giếng tắm giặt không xa nhà lắm. Có mười hai sa di tuổi từ 8-12 và bốn năm tỳ kheo; tất cả đều là đệ tử của Thầy Vangisa. Các chú tiểu thường xuyên học kinh sách và một ít phải ra ngoài học ở pirivenas(trường dành cho tu sĩ). Nhiều chú muốn học Anh văn nên thường kiếm yogi người phương Tây xin dạy cho bập bẹ vài tiếng, dầu rằng Thầy Vangisa không cho phép họ quấy rầy chúng tôi. Không có sư nào tập thiền quán, chỉ lo làm lễ pujahay đọc kinh dài lê thê.
Cơm dọn trong pháp đường và mọi nguời theo thứ bậc mình mà ngồi như sau: yogi ngồi trên chiếu dưới sàn; sa di ngồi theo hàng dọc nối tiếp trên băng dựa vách; tỳ kheo ngồi bàn bên kia cách bên này một khoảng; Thầy Vangisa ngồi đầu bàn. Tu sĩ ăn trong bình bát bằng thiếc đen. Yogi ăn trong dĩa như ở Kanduboda. Khác với đằng Kanduboda, thức ăn không phải do thí chủ mà do các chú tiểu múc; các chú múc mỗi thứ một muỗng đổ vô mỗi dĩa hay bình bát một cách không tỉnh thức chút nào hết. Tiểu trẻ ăn nhanh, chừng mười phút là xong nhưng phải ngồi chờ. Khi được Thầy Vangisa ra lịnh, các chú rửa nhanh tay dơ trong tô nước rồi đồng loạt đứng dậy ra ngoài đổ thức ăn thừa cho thú vật ăn trước khi rửa bình bát bằng nước vòi. Đối với tỳ kheo, tôn ti, trái lại, được Thầy Vangisa giữ rất nghiêm nhặt. Riêng tôi, thực tập ăn chậm nên tôi chỉ mới ăn được năm-sáu miếng là mọi người đã xong. Rất may, Thầy khoan dung bảo tôi cứ ngồi ăn trong tỉnh thức đến chừng nào xong thì thôi, do đó tôi luôn luôn là người ăn ra sau cùng.
Trước đây, Thầy Vangisa có thọ giới cho một tỳ kheo người Mỹ. Pháp danh người là Sudhamma. Thầy Sudhamma sống riêng biệt trong đầu dưới của một ẩn cưlớn có nhiều cốc độc lập dành cho hàng tỳ kheo cao cấp và sa di ngoại quốc. Giờ cơm, thầy đến nhận phần rồi đem về ăn trong cốc của thầy. Yogi không được phép đến khu ẩn cư đó nhưng tôi có lần được gặp thầy trong khu kế cận và có nói đôi ba câu chuyện với thầy. Tôi rất muốn hỏi thầy về đời sống tu sĩ ở đây và muốn biết phải làm thế nào để được thọ giới. Thầy thọ giới mới sáu tháng nay và là đệ tử Tây phương đầu tiên của Thầy Vangisa. Thầy nói Thầy hơi nản vì phải thiền hoài ở nơi vắng vẻ trong lúc các tiểu có thể đi quanh trò chuyện. Thầy cũng rất nhớ nhà ở Ohio. Thầy Sudhamma dự tính sẽ ra đi trong tuần tới và yêu cầu tôi đừng nói với ai câu chuyện này. Vài hôm sau, có tin Thầy Sudhamma đã 'nhảy rào,' để lại hành lý và không một lời từ giã, cả với Thầy Vangisa. Thầy cũng không lưu lại một chữ nào.
Sự ra đi bất thần của thầy Sudhamma làm viện buồn lòng, vì trong sáu tháng qua các tỳ kheo và Thầy Vangisa đã giúp thầy rất nhiệt tình. Các thầy hỏi tôi chớ sao thầy Sudhamma làm vậy. Tôi không ngạc nhiên nhưng nào dám có câu trả lời; vả lại, thầy đâu có nói với tôi rằng sẽ ra đi bất thần và bí mật như vậy. Tôi nghĩ tâm thầy đã bị phân hai và thầy sợ nếu thố lộ, thầy sẽ bị nói vô thêm rối trí, nên đi lén là hơn.
Một đêm nọ tôi đạt một chứng nghiệm độc đáo. Suốt ngày hôm trước, từ sáng cho tới tối lúc đi ngủ, lúc nào tôi cũng chú tâm tỉnh giác cao độ lên tất cả chi tiết của mọi động tác. Khuya, lúc 2:00 giờ sáng tôi thức giấc đi tiểu, tôi bỗng có cảm giác như mình đang xem chiếu bóng quây chậm: tôi có thể nhìn thấy từng 'hình' một khởi rồi tắt, nối tiếp liên tục. Nhận thức ấy bắt đầu từ lúc tôi mở mắt và ngay trong lúc tôi ngồi, đứng, đi vô phòng vệ sinh, tiểu, trở về cốc, nằm xuống, và nhắm mắt. Cũng giống như hồi ở Kanduboda, nhưng lần này thay vì một lóe riêng biệt của tâm thức, nó xảy ra liện tục và tự nhiên (không cố gắng) trong năm phút. Tôi quan sát trọn tiến trình lạ thường này một cách trầm tĩnh. Sáng dậy tôi trở lại trạng thái tỉnh thức bình thường. Một đôi lần khi tôi không bao giờ nghĩ tới, tâm thức tôi lại bừng sáng lạ kỳ, có thể nhận thức mọi chi tiết nhỏ nhặt như cử động của ngón chân, ngón tay, cái nháy mắt, tiếng chim kêu, hay làn gió qua tóc. Đó là những nội thức trực tiếp lên các khía cạnh của nhận thức bị che lấp bởi nhiều lớp màn dày do những cử động nhanh, sự trông chờ của 'cái tôi' và chấp trước.
Sau một tháng ở Gotama Thapovanaya tôi quyết định sẽ xuất gia khi ở Ấn Độ trở về. Tôi rất hạp với Thầy Vangisa và các tỳ kheo trẻ ở đây. Tôi cũng rất thích không khí tu học này. Tôi xin Thầy Vangisa được thọ giới tỳ kheo với Thầy khi tôi trở lại vào sáu tháng tới. Tôi trình bày: chương trình qua Ấn Độ của tôi được định từ trước, theo đó tôi sẽ học cho xong yoga bởi nhận thấy yoga giúp tôi sống khỏe, làm khí huyết điều hòa và trí lực gia tăng khả dĩ hữu ích cho công phu thiền định. Thầy rất đồng ý với tôi và nói tôi có thể trở lại Thapovanaya sống một thời gian trong lúc chờ Thầy quyết định việc thọ giới. Có lẽ Thầy chưa quên chuyện thầy Sudhamma nên dè dặt với người ngoại quốc. Tôi rất kính trọng và biết ơn Thầy.
*
Chương 18
ANANDA ASHRAM
Dưới phố Pondichery, Aurobindo Ashramlàm chủ nhiều khu phố lớn quan trọng dọc biển nên có nhiều ảnh hưởng lớn và nhiều người biết đến. Còn Ananda Ashramcủa Thầy Swami Gitananda chưa nổi tiếng nên dân taxi và xe 'tút tút' thường nghĩ du khách nói đi ashram là muốn tới Aurobindo hay chi nhánh của Aurobindo là Auroville. Vì vậy, Chris và tôi gặp không biết bao nhiêu là rắc rối mới tới được Ananda Ashram trong khu ngoại ô Lawspet. Nếu Lawspet khô khan, thiếu cây cối và trống vắng, Ananda Ashram lại là một ốc đảo xanh mướt với nhà cửa tươi sáng và nhiều lối cát sạch rợp bóng. Vừa đến nơi, chúng tôi được bà Meenakshi đón tiếp ngay, dầu bà rất bận với công việc thu xếp cho học viên đang lũ lượt về. Bà nhận ra chúng tôi liền là hai học viên của khoá ở Colombo trước đây.
Đêm hôm sau, 30 tây, khóa học bắt đầu. Khóa sinh vào ngồi xong, Thầy Swamiji ra khai mạc. Theo thời khóa biểu giờ tối này là giờ của satsangha, và satsanghađầu tiên tối nay được dùng để thầy trò tìm hiểu nhau và thông báo thời khóa biểu cũng như quy luật của khóa học. Chương trình học khá nặng, không khác gì chương trình của một lục cá nguyệt đại học, nên cái tên The Yoga Vedanta University of South IndiaThầy Swami đặt cho Ananda Ashramkhông có gì là quá đáng. Có từ sáu đến tám tiết học mỗi ngày bắt đầu từ 4:00 giờ sáng gọi là Giờ Thiền Thiêng hay Brahma Mahurta và kết thúc sau khi xong satsanghađêm. Ngoài hatha yoga/điều tức dạy hằng ngày vào lúc 7:30 sáng, còn có các đề tài sau: thư giãn yoga và kỹ thuật tập trung, sức khỏe, phép ăn uống, vệ sinh, vật lý trị liệu yoga, tâm lý học, ngôn ngữ Sanskrit và Tamil, hát bhajan(mộ đạo), tụng chú, vân vân. Thầy Swamiji đặc biệt nhấn mạnh đến hai mục trì giới (hành ngũ giới) và đúng giờ. Thứ Hai nghỉ, khóa sinh có thể đi phố, nhà băng, mua sắm vặt, ra biển, hay nằm nhà tùy ý. Phần lớn các tiết được học trong sân cát, nơi vườn chính, dưới bóng các cây điều, ở đằng sau. Trong khu hai mẫu vuông đươc rào cẩn thận của ashramthấy có nhiều cây trái như đu đủ, chuối, dừa, điều, và nhiều thứ khác nữa. Có thêm nhiều giồng trồng rau, hoa, cây thuốc, và nhiều chậu bông bản xứ. Tất cả được sắp xếp và châm sóc tươm tất. Thầy Swami Gitananda chọn khu đất hoang vu khô khan này để lập ashram'Vườn Địa Đàng' chắc có biết trước mạch nước ngầm dồi dào ở đây, mạch nước mát và giàu chất sắt mà ashramđang hoan hỷ tận dụng.
Trong tuần đầu, tất cả khóa sinh đều phải học tẩy hệ tiêu hóa bằng nước muối và nhịn ăn một thời gian dài ngắn tùy theo chu kỳ sinh học của mỗi người. Tôi nhịn ăn bốn ngày và cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng, đầy sinh khí.
Theo thời khóa biểu, ngoài giờ thiền tự do từ 4:00 đến 6:00 giờ sáng, trong ngày học không có lúc nào rảnh có thể tự thực tập thêm, nên chúng tôi có cảm tưởng không đủ thì giờ để hiểu hết mọi điều Thầy dạy, dầu khóa kéo dài những sáu tháng. Chúng tôi bắt đầu dùng khoảng sau cơm chiều, giữa giờ tụng chú và satsangha, để tự tập các thế điều tức chuyên sâu như đứng bằng đầu và nhiều thế khó khác.
Chúng tôi ra bãi biển trên phía Bắc Pondicherry vào hai sáng thứ Ba và Sáu. Rời ashramrất sớm, chúng tôi tới bãi trước hừng đông để mừng mặt trời lên, tụng AA-OO-MM, tập thế Suriya Namaskar (Lễ Mặt Trời) hay một thế đặc biệt khác, và luyện mắt dùng những tia sáng đầu tiên trong ngày. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngồi thế kiết già hay bán già thành hàng dọc dài ngay mé nước, tập điều tức để sóng vỗ nhẹ vô chân. Thầy Sawmiji đứng phía trước hướng dẫn; Thầy vẫn như hồi thuở nào, cũng mặc chiếc dhotivàng, ngực trần to, mớ tóc bạc dài, và bộ râu rậm ri. Hình ảnh Thầy làm tôi nhớ tới thầy đội (drill) trong quân trường theo sửa thế cho tân binh và quát tháo om sòm thỉnh thoảng. Nhóm chúng tôi gây sự tò mò chú ý của nhiều dân đánh cá và dân leo dừa[31]ra bãi sớm để làm lễ tắm[32]hay làm việc, hoặc cả hai. Tập xong (một tiếng rưỡi đồng hồ), chúng tôi xuống biển nhảy sóng tắm mát; biển xanh Coromandel tuyệt đẹp. Sau đó, chúng tôi trở về ăn sáng trước khi lên lớp 9:00 giờ.
Ngày rằm mỗi tháng, tất cả ashramra cắm trại ngoài một bãi biển khác, vắng vẻ và xa hơn, trên mạn Bắc. Chúng tôi mướn xe đạp đi, còn Thầy Swami và bà Meenakshi lấy taxi ba bánh, chở theo bữa ăn nhẹ để dùng sau thời tụng chú. Sinh hoạt của chúng tôi luôn luôn có mục đắp mạn đà la hình ngôi sao, trái tim hay một biểu tượng lành khác trên cát gần mé nước. Lúc trăng lên, chúng tôi mừng trăng bằng nguyệt chú[33]và bhajan. Một lúc sau triều lên. Chúng tôi đứng nhìn các mạn đà la trôi theo sóng nước, học một bài học về chu kỳ thiên nhiên của sanh tử, vũ điệu của sáng tạo và hủy diệt mà chúng ta không ai tránh khỏi.
Mỗi tối, chúng tôi ngồi quanh Thầy trong satsanghađể nghe Thầy nói chuyện và trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Chuyện của Thầy kể lúc nào cũng dài sọc nhưng hấp dẫn, còn các câu trả lời luôn luôn súc tích và bổ ích. Từ 10:30 đến 11:00 giờ: mọi người bắt đầu đi ngủ. Riêng tôi thích thức ít nhứt là tới khuya để tắm trăng; tôi thiết tưởng trăng có năng lượng huyền bí đặc biệt. Tôi cũng thường ngồi thiền, áp dụng phép điều tức(để tăng khí lực), tập những thế yoga khó (dùng cát êm làm trợ cụ), hay vừa suy tư vừa đi dạo dọc bãi. Tôi hãnh diện--dầu là hãnh diện rất nhỏ nhoi--thấy mình còn thức trong lúc các bạn ngủ say.
Một đêm nọ chúng tôi tình cờ được chứng kiến một đám tang theo tục lệ cổ truyền. Lúc chạng vạng, thấy có một đoàn người đi từ trong làng gần đó ra bãi, với chiếc kiệu khiêng cao trên ấy người chết nằm bất động. Đoàn đánh trống thổi kèn inh ỏi. Đoàn dừng lại cách chúng tôi chừng vài trăm thước và bà con bắt đầu dựng dàn hỏa bằng củi rút trong xe kéo theo. Xong, họ trịnh trọng đặt xác chết lên dàn, làm lễ theo nghi thức đạo Hồi, rồi châm lửa. Lửa cháy phừng, bà con lục tục kéo nhau trở vô làng. Lửa tiếp tục cháy và than tiếp tục hừng cho tới khuya. Khi mọi người trong đám chúng tôi ngủ say, tôi đến nơi hỏa táng đã vắng tanh, ngồi nhìn đống than hồng. Thấy vài đốt xương sống cháy xèo xèo, những gì còn lại của người nằm xuống, tôi lấy cây khều xương cho cháy thành tro, xem đó như một cách thiền và là một hành động của người tìm phước báu. Rồi tôi lấy cát phủ lên tro và trịnh trọng đặt lên vài viên đá. Tôi quay về trong tỉnh thức, tưởng tượng thân mình rồi cũng đồng chung số phận!
Nói về tín ngưỡng, Ananda Ashramcó không khí đậm nét Hindu. Hình tượng của các linh thần như Thần Ganesha đầu voi, Thần Krishna thổi sáo và Thần Vũ Công Shiva thấy nhan nhản ở nhiều nơi. Các tượng đều được đạo sĩ sống gần đây đến làm lễ lau rửa mỗi sáng, chấm phấn màu lên trán, cúng hoa mới, và đọc chú Sanskrit. Riêng sáng chú nhựt, có thêm chúng tôi (tắm gội và ăn mặc tử tế) lên dự lễ puja, không khác chi con chiên Công giáo đi nhà thờ vậy. Thầy Swami và bà Meenakshi hướng dẫn chúng tôi đọc kinh hướng lên Thần Shiva và đọc bhajan, trong lúc đạo sư làm lễ rửa tượng đồng Thần Vũ Công Shiva và bộ lingam/yoni trong đền. Tiếp theo, chúng tôi được trao cho một thứ bánh ngọt gọi là prasad(bánh thiêng), hơ tay trên đèn long nảo và chấm phấn màu lên trán, nếu muốn. Các nghi thức vừa nói đều được vị đạo sư đem đến từng người. Thỉnh thoảng, chúng tôi dự thêm lễ pujađặc biệt như puja kỹ niệm ngày sanh hay tử của các Thánh, ngày lễ Hindu, và sinh nhựt của Guru Swami Gitananda. Vào những ngày lễ lớn này, bá tánh được mời tới dự và dùng cơm theo lối cổ truyền, tức ngồi dưới đất và ăn trong dĩa bằng lá chuối.
Các bài giảng của Thầy Swamiji về khoa yoga và đề tài liên hệ là suối nguồn kiến thức vô tận. Tuy nhiên, có một số điều Thầy trình bày hơi quá lố, như khi Thầy chỉ trích hay chế giễu văn hoá, khoa học, y khoa và một ít nhân vật của phương Tây, khiến nhiều khóa sinh khó chịu. Tôi biết Thầy đi hơi xa, nhưng tôi cũng biết Thầy muốn nhấn mạnh tới điểm ta cần từ bỏ những gì giả tạo, nhứt là hóa chất và thuốc men của thời hiện tại, được sử dụng đầu tiên bên phương Tây và đang lan truyền qua phương Đông. Thầy nói các thứ này được biết gây thêm nghiện ngập không lành mạnh và nhiều phức tạp y tế. Thầy nói thêm, ô nhiễm do con người gây ra--một hình thức cưỡng hiếp thân tâm của địa cầu--sẽ tận diệt loài người. Và, là con người sống tùy thuộc môi trường, chúng ta phải theo lối sống của yoga mới mong có được thân tâm khỏe mạnh, trong sạch và hạnh phúc trong thế giới hầu như bịnh hoạn, không lành mạnh và thiếu hạnh phúc hiện nay. Các điểm nhấn đó và sự chân thành của Thầy là nguồn cảm hứng rất quan trọng đối với tôi. Tôi rất quý thái độ không dung hòa trong lãnh vực luân lý, y tế, tập quán, vân vân của Thầy.
Với thời gian, chúng tôi học được phép tẩy độc, kích động và trẻ hóa các phần của thân và tâm bằng nhiều phương cách bổ sung khác nhau. Tôi hiểu thế nào là các chức năng của cơ thể và ảnh hưởng của các chức năng ấy tới tâm--điều mà truớc đây tôi chưa biết (xem VIII, phụ bản 1). Động lực và tính đàn hồi của phổi cũng như tiến trình hô hấp với tỷ lệ hô hấp và chuyển động của khí lực pranacó lẽ là khám phá quan trọng nhứt của tôi trên bình diện cơ thể. Và trong những tiết học chiều về trị liệu, chúng tôi học được nhiều điều như sự di động của xương sống, sự thư giãn sống lưng, mông, vai, cổ, sự nắn bóp chân, và nhiều phép xoa bóp khác. Học được phương pháp nào, chúng tôi thực hành liền phương pháp nấy trên đối tác tự chọn, dưới sự quan sát của Thầy. Lối học này rất cụ thể và thực nghiệm mà khóa sinh có thể áp dụng ngay trong đời. Thiết tưởng tôi có thể giúp mẹ tôi khỏi phải đi bác sĩ nắn bóp chữa bịnh viêm khớp xương nhẹ và đau lưng của bà. Chúng tôi cũng được học cách trị liệu dáng điệu có thể giúp các người bị suyễn, tiểu đường, cao máu, táo bón, và nhiều bịnh mãn tính khác, kể cả luyện mắt để nhìn thấy khá hơn. Thật rất hữu ích và thâm diệu.
Tuần lễ từ ngày Giáng Sinh đến Tết Tây, Thầy đưa khóa sinh đi viếng các ashram, đền chùa và nhiều điểm hành hương khác ở miền Nam nước Ấn. Tôi không muốn đi theo nên sẽ tới thành cổ Gingee, cách Pondicherry lối năm mươi dặm. Bà bà Meenakshi có đến thăm đôi lần rồi và có kể sơ cho tôi nghe. Thành được xây trên một khu cao, bằng phẳng, khô cằn, có vẻ như là một núi đá, có bực cấp dẫn lên đỉnh trên ấy còn vài đền bằng đá nguyên trạng. Có thêm cái hồ dưới lũng nhỏ mà nước có thể uống được nếu quậy thêm chút iodine hay viên khử nước. Thành đá Gingee là thắng cảnh của miền Nam Ấn Độ. Không ai được phép qua đêm tại đây; nhưng tôi nghĩ, nếu tôi muốn ở lén, chắc cũng không ai biết đâu. Có du khách nhưng khu vẫn yên tĩnh và như thế có thể là cảnh lý tưởng cho tôi ở lại ít ngày. Ý kiến hay! Tôi sẽ ở lại và biến năm ngày nghỉ Giáng Sinh thành một khóa học mini. Tôi sẽ thực tập thiền minh sát bù cho những giờ thiền chưa thấy đủ và có thể chỉ ăn trái cây trừ cơm hay nhịn đói cũng được. Thêm vào, lúc bấy giờ sẽ là mùa trăng hạ tuần nên hy vọng tâm không bị động mấy.
Ngày Giáng Sinh, tôi ra dự lễ puja sáng và ăn bữa cơm trưa cổ truyền với dĩa bằng lá chuối, bữa cơm đầy đủ chất lượng sau cùng trước khi tôi cất bước lên đường. Với xách đeo lưng đựng áo jalaba, poncho, chiếu và chai nước, tôi lấy buýt vô hướng nội địa. Xuống xe, tôi ghé lại làng Gingee mua một mớ đủ thứ trái cây và bịch đậu phọng cho những ngày cắm trại; tôi không mua nước vì định sẽ nhịn khi chai nuớc đem theo cạn. Tôi đến cửa trả năm mươi paiselấy vé và đi vô như mọi du khách khác. Tôi nhởn nhơ theo các bực thang đá ngoằn ngoèo leo lên đỉnh. Quang cảnh chung quanh mênh mông. Tôi vô một trong các đền, dấu xách trong góc khuất và tìm chỗ núp nắng ban ngày. Đêm đến tôi đem đồ (chiếu, jalabavà poncho) ra ngủ ngoài trời. Không khí mùa Đông dưới miền Nam xứ Ấn trong lành và đầy sinh lực; tôi lợi dụng để luyện điều tức,tập mudra[34]và ngồi thiền. Tôi cũng dành nhiều giờ ngồi lặng nhìn cảnh đồng quê xa tít tới chân trời để suy nghiệm. Nay, tôi có thói quen ưa tìm xem sự việc xảy ra cho tôi và trên thế giới có ăn khớp với quan điểm Phật giáo và Yoga chăng. Tôi có đọc báo Anh ngữ thỉnh thoảng và biết một ít tin tức thế giới mà Thầy Swami bình luận đôi khi (Thầy đọc báo mỗi ngày) và nhận thấy Chân Pháp rất huyền diệu. Tôi nghĩ hầu hết người đời đều ngông cuồng, bị lèo lái bởi bản ngã vô minh, tham, sân, si; cả Tổng Thống Mỹ, người được xem như lãnh đạo của thế giới tự do, rất tiếc cũng không thoát khỏi tam độc[35]! Tôi quán tưởng quá khứ--làm thế nào tôi đến đây, và suy đoán tương lai--tôi sẽ về đâu. Sau ba tháng trong ashram, tôi cảm thấy thoải mái ở một mình nơi đây và tôi thích thú.
Cuối tháng Ba, chỉ còn mười học viên đi trọn con đuờng sáu tháng. Vào những tuần chót Thầy Swami dạy nhóm 'gạo cội' chúng tôi phương pháp tầm cao hundred syllable mantra layavà Laya Yoga kriyas.Các thế phức tạp này đưa tinh khí kundalinilên tâm rỗng của cột sống (sushumna nadi), ngang qua bảy huyệt đến huyệt 'hoa sen ngàn cánh[36]' trên đỉnh đầu. Khi Tâm Thức Vũ Trụ hình thành trọn vẹn nơi luân xa đỉnh đầu này hành giả yoga sẽ được khai ngộ và thoát vòng luân hồi. Đó là Niết Bàn Brahma, chỉ đạt được bằng Laya Yoga kriyas,được xem như những phép mật lý trọn vẹn nhứt và cao tột. Những phương pháp khác như điều tức, quán luân xa, vân vân, chỉ nhắm mục đích tịnh hóa hệ thống huyệt/thần kinh hầu tiến tới tình trạng tối hậu.
Chứng nghiệm 'việc đánh thức kundalini'có thấy được mô tả trong một số sách như một tia sét xẹt lan truyền nhanh hay một một luồng điện nóng có khi đau nhức lan truyền dần, từ dưới lên trên trong cột sống. Kryađòi hỏi sự chú tâm cao độ và sự kiểm soát thận trọng khí lực prana; tôi có kiên tâm tập nhiều tuần nhưng không gặp trở ngại nào như đã mô tả. Trái lại, sau ba mươi-sáu mươi phút tập, tôi cảm thấy sảng khoái, cái sảng khoái mà tôi chứng nghiệm sau một giờ tập thiền minh sát.
Tôi luôn luôn xem thiền quán Phật giáo như con đường dẫn tới Giác Ngộ và Yoga như phương tiện hỗ trợ sự tẩy hóa 'ngôi đền thân thể.' So sánh với thiền minh sát, những phương pháp như điều tức, chú tâm và tham thiền, krya, vấn đề luân xa và sự làm gia tăng kundalinicó vẻ quá phức tạp và có thể không cần thiết. Tuy nhiên, tôi ráng học được chừng nào hay chừng nấy hầu đạt được bao nhiêu kinh nghiệm và lợi lạc hay bấy nhiêu--trí óc tôi lúc nào cũng rộng mở. Tôi biết tất cả đều có cái hay bởi nếu không thì làm sao được nâng lên thành hệ thống khoa học chính xác cao. Do đó, tôi không nghĩ kết quả đạt được bằng các phương pháp ấy là ảo tưởng. Tôi cũng biết không phải chỉ có con đường duy nhứt đó, và đường đó (với tất cả chi tiết và gốc độ) không phải là con đường tôi chọn.
Nhìn chung, khóa học đã đem đến cho tôi nhiều kết quả tốt. Tôi học được rất nhiều về yoga, lý thuyết cũng như thực hành. Tôi cũng hiểu được bản chất và phạm vi của môn này. Về lối sống ở đời mà Thầy Swami đã chỉ giáo, tôi không nghĩ tôi sẽ áp dụng hết bởi tôi đang hướng tâm đến đời sống của tu sĩ, nhưng không phải không bổ ích nếu xem chúng như kinh nghiệm hỗ trợ. Ý nguyện thọ giáo để trở thành một nhà sư tu trong rừng đang thúc đẩy tôi trở lại Sri Lanka càng sớm càng tốt, và tôi đã sẵn sàng.
Chris cũng theo khóa học tới cùng, nhưng anh đã đổi ý không muốn xuất gia nữa. Anh định lên Nepal để du lịch hoang dã trong mùa xuân tới. Sau đó, anh sẽ đi Úc hay Tân Tây Lan để xem có thể ở luôn bên ấy chăng. Được biết đó cũng là ý định đầu tiên của anh lúc rời Anh quốc; sau này khi gặp tôi, anh đi lệch đường chỉ vì muốn theo tôi. Bây giờ anh quyết định trở lại đường cũ dầu đã hơi trễ, nhưng năm qua không hẵn là không thú vị và không giúp anh học hỏi thêm nhiều điều mới lạ.
Trong satsanghasau cùng, có hai đệ tử phương Tây lâu năm của Thầy Swami thọ giới sannya. Lễ làm đơn sơ do Thầy chủ trì. Thầy trao cho mỗi sannyamột xâu chuỗi 108 hột Rudraksha, chiếc áo vàng cam và danh hiệu Yogiraj để đi kèm với danh tự Sankrit sẵn có của mỗi vị. Tôi hơi ganh, nhưng chợt nhớ mình đang trên đường tu Phật, và tôi mong ngày ấy mau tới. Thầy cũng cho mỗi học viên còn lại có dịp khấn hứa bán chánh thức và nhận tên Sanskrit với bài chú liên hệ. Tôi rất quý trọng Thầy Swami Gitananda và xem Thầy là một Guru của tôi như Lạt Ma Zopa, Lạt Ma Yeshe, kể luôn cả hai Thầy Goenkaji và Sivali. Do đó, tôi quyết định xin nhận tên Thầy đặt để nhớ mãi tình thầy trò. Tên tôi là 'Rahul.' Được biết Rahula (tiếng Pali) là tên của con Phật; Ngài chứng ngộ lúc còn rất trẻ. Trước đây tôi có một tên Tây Tạng rồi, do Lạt Ma Yeshe đặt, nhưng tôi không dùng vì thấy không thích hợp với hoàn cảnh lắm. Còn tên Rahul, tôi rất thích, nhưng tôi nghĩ chắc cũng không có mấy dịp dùng, vì thế nào rồi tôi cũng có một pháp danh Pali do Thầy Bổn Sư tôi đặt khi tôi xuất gia.
*
Chương 19
HƯỚNG THƯỢNG
Tôi lấy xe lửa và tàu đò trở lại Colombo vào thượng tuần tháng Tư. Tôi ghé ở nhà Sam vài ngày trước khi đi Gothama Thapovanaya. Sam tỏ ý tiếc không thấy Chris cùng đi với tôi và không còn ý định xuất gia. Sam nói thêm anh không ngạc nhiên lắm vì nhận thấy Chris có vẻ không thành khẩn như tôi.
Lúc gặp lại Thầy Vangisa tôi thưa đã quyết tâm muốn theo chân Thầy. Thầy nói Thầy mừng thấy tôi không bị cuốn theo Ấn Giáo và đã trở về. Chúng tôi cười. Tôi thưa rằng qua kinh nghiệm Ấn giáo và Yoga, tôi rất trân quý phép tu hành trực tiếp của tông Theravada và đặc biệt tán thưởng phép thiền minh sát.Tôi trình bày thêm rằng yoga cũng có nhiều kỹ thuật hữu ích cho sự tham thiền như làm gia tăng chú tâm, điều hòa khí huyết, tịnh hóa hệ thần kinh, và trao dồi sức khỏe. Thầy miễn cưỡng chấp nhận lợi ích về sức khỏe của yoga, và yêu cầu tôi dạy cho các tu sĩ trẻ. Thầy Vangisa đang bị chứng tiểu đường mà một số thế yoga, tôi thưa, có thể trị được. Nhưng Thầy không tin lắm và chuyển đề tài nói chuyện khác.
Về chuyện xuất gia của tôi, Thầy bảo tôi theo Thầy một thời gian rồi Thầy sẽ quyết định khi Thầy thấy tôi sẵn sàng và thời gian thuận lợi. Tôi không nên vội vã; bây giờ tôi cần tiếp tục tập hành thiền minh sát trước đã. Thiệt tình tôi không có gì vội; tôi đã có sẵn chiếu khán gia hạn thêm ba tháng rồi, làm trước khi đi qua Ấn Độ. Thầy trao cho tôi một số sách đạo bằng Anh văn, cả quyển Vinaya[37](quy luật đạo đức và phép tu hành của tu sĩ) mà Thầy bảo tôi học để thấm nhuần luật đạo mà tu sĩ nào cũng phải biết. Tôi được cấp cho cái cốc tôi ở trước đây trong khu dành cho yogi thế tục. Sau khi thu xếp việc ăn ở xong, tôi chuyên tâm tham thiền và luyện tập cách thở sâu theo tỷ lệ cũng như tư thế của thân thể.
Trong lúc tôi ở dài hạn tại đây, có hai ba bạn người phương Tây đến một hai tuần rồi đi. Một trong những bạn này có để lại cho tôi quyển III của bộ sách Carlos Castenada tựa đề Journey to Ixtlan; tôi đã đọc xong hai quyển I và II rồi lúc trước khi vào thời kỳ thiền tập trung. Với kinh nghiệm thâu thập được qua thiền minh sát, tôi nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa nhà thiền minh sát và hiền triết MỄ Tây Cơ Don Juan trong sách.Sách luận bàn 'con Đường của Chiến Binh': vì chỉ 'nhìn' mà 'không hành động' để 'làm ngưng thế giới' đang quAy, người chiến binh trở thành 'người tri thức'. Yogi quán minh thực hiện cái 'không làm' bằng cách khai triển sự chú ý đơn thuần và 'làm ngưng thế giới' bằng cách áp dụng sự thông hiểu, khai triển tâm xả, và chứng nghiệm 'sự ngưng lại'; người yogi trở thành 'người tri thức' hay theo thuật ngữ Phật giáo là người giác ngộ. Bằng vào vũ khí thụ động là tâm thức/thông tri/trí tuệ, hành giả chiến đấu âm thầm chống tâm ô trược; như chiến binh, người phải luôn luôn kiên trì mới mong đến đích.
Journey to Ixtan là ẩn dụ mô tả tình trạng khó xử của chiến binh, thiền giả, hay người đi vào nội tâm. Ixtlan đại diện cho thế gian ảo tưởng tùy duyên--gồm lý tưởng, danh tánh, hình ảnh, gia đình, nhà cửa, xứ sở, vân vân. Trong thế gian luôn thay đổi và không thường còn đó, mọi người đều hy vọng đạt và giữ được cái gọi là hạnh phúc và an lành. Còn nhà thiền, khi chứng nghiệm được Vô Ngã/Tánh Không, thấy vạn sự dưới một nhản quan khác và không còn tham lam bấu víu vào nữa; mọi thứ mà người đời cho là thật có và thân thiết đều vô nghĩa đối với họ. Nguời ấy sẽ không bao giờ trở lại các thói quen cũ một cách mù quáng như trước đây. Cảm nghĩ và ký ức cũ có thể còn sót lại nhưng chúng chỉ là những 'bóng ma của quá khứ'; hành giả sẽ không bao giờ trở lại con đường vô minh dầu thế giới bên ngoài có cám dỗ thế mấy.
Sách kết thúc với ý nghĩ tuyệt vời và tôi thấy tôi đang trong trạng huống ấy. Tôi sẽ không bao giờ thật sự hạnh phúc hay thỏa mãn nếu phải sống cuộc đời bình thường, làm một cái răng trong vành răng cưa, một thành phần trong dòng đời của Hoa Kỳ. Làm tu sĩ, tôi sẽ là người không quốc gia, không nhà và không còn danh tánh cũ; tôi sẽ dành trọn thời gian lên 'đường của chiến binh'. Nhiệm vụ của tu sĩ không còn gì hơn là 'hoàn chỉnh tâm linh,' một công tác vô cùng cao quý. Nhiều người Tây phương cho rằng tu sĩ trốn tránh cái gọi là thế gian thực tại và không đương đầu với cuộc sống. Tôi có suy nghĩ nhiều tới lời buộc tội này, nhưng tôi nhận thấy những lời ấy vô nghĩa. Người nói như vậy có thể trong tiềm thức họ có chút ganh tị vì họ không có cách nào ra khỏi cái thế gian mà họ thật tình muốn thoát ra.
Người Đông phương quan niện khác. Họ xem sự rời thế sự vào con đường thiền cô tịch để tịnh hóa tâm khỏi tham sân si là một quyết định cực kỳ khó khăn. Kinh nghiệm của bản thân tôi cho biết phải có ý chí, dũng cảm, trí tuệ và tâm thành mới mong ngồi thiền được một giờ để đối đầu với bản ngã, chấp trước, ghét bỏ, và sợ hÃi khi chúng dấy lên. Không có chỗ để đi, truyền hình để coi, máý thu thanh để nghe, bia để nhậu, ma túy để phê, bạn để gọi, không có lối thoát khỏi tâm thức thực tại là cả một vấn đề. Còn các trò tiêu khiển như uống rượu, hút cần sa ma túy, du hí để quên lãng vấn đề, hay thỏa mãn bản ngã là cách chạy trốn dễ dàng nhứt. Thâm chí lối sống thông thường như có vợ có chồng, nuôi dạy con cái, đi làm việc, giao du bạn bè, hay đi phép hằng năm đại để cũng chỉ vì tự kỷ.
Người ta sống thường là cho mình, gia đình, bạn, hay nhóm mình; họ chỉ làm vừa đủ để 'qua cầu', cảm thấy an tâm, hay gây ấn tượng tốt. Nhiều người mới xem qua thấy có vẻ toại nguyện và hạnh phúc lắm (sống hữu ích, hay cứu giúp, đóng góp nhiều cho xã hội), nhưng kỳ thật dưới lớp gọi là hạnh phúc ấy họ có không biết bao nhiêu đau khổ. Có người không bao giờ biết niềm vui thật sự và chết tay trắng, bất tịnh. Thế gian đó các nhà hiền triết khai ngộ gọi là ảo ảnh và người sống trong thế gian đó đang mộng du.
Hai tuần sau, Thầy Vangisa gọi tôi lên bảo Thầy sẽ cho tôi xuất gia vào dịp lễ Vesak trăng tròn sắp tới, ngày mà Thầy cho là tốt lành và tôi sẽ sẵn sàng trên phương diện tâm linh cũng như giáo lý. Tôi chưa hề dám nghĩ đến nhưng tin tưởng ngày ấy là tốt nhứt cho tôi. Thầy nói thêm rằng tôi sẽ thọ giới sa di, cấp thấp nhứt để thử thách tâm lý và trau giồi tu hạnh trước khi lên cấp tỳ kheo cao hơn và có lối sống khổ hạnh hơn. Sa di chỉ hành mười giới và tuân bảy mươi lăm luật (như về việc ăn mặc, đối xử trong tu viện và trước công chúng, lễ kính huynh trưởng, vân vân). Tỳ kheo, trái lại, phải tuân hành hai trăm hai mươi bảy luật chi phối trọn vẹn đời sống của tu sĩ. Bộ luật về hạnh kiểm ấy, gọi là Vinaya[38],nhằm mục đích giúp tu sĩ tỉnh thức trong ba lãnh vực thân khẩu ý hầu loại trừ các tạp niệm và tập quán gây phiền não. Tôi rất quan tâm đến vấn đề này nên tự đặt mình vô khuôn khổ và tự xem như mình sẽ thọ giới tỳ kheo, tức giới nghiêm khắc hơn.
Tới giờ này, tôi đã đọc khá đầy đủ về đời sống lý tưởng của một tỳ kheo thiền giả sống bán khổ hạnh, cuộc sống mà tôi hình dung cho đời khất thực của mình sau này. Tôi mơ ước được sống tu tập trong một hang động nơi khu rừng xa xôi hẻo lánh nào đó, hay trong devaleở Unawatuna và đi khất thực hằng ngày. Tuy nhiên, sau nhiều lần tâm tình, tôi thấy mơ ước ấy của tôi không được giới tu sĩ địa phưong kể cả các thầy ở Thapovanaya chia xẻ; tu thiền là lối tu của người Tây phương. Phải chăng vì thế mà thầy Sudhamma đã 'nhảy rào' sau sáu tháng ở đây. Biết vậy tôi tự nhủ nên chấp nhận tình huống tuy có chút trớ trêu và theo thọ giáo Thầy Vangisa ở Thapovanaya. Tôi phải gác lại một số ý kiến riêng tư và hòa mình vào hiện thực chung quanh, hiểu rằng tất cả chỉ do tâm tạo. Tôi có thể dùng cơ hội này để nhìn sâu vào bản ngã/chấp trước tiềm tàng và các ức chế của mình. Các thầy trẻ trong viện rất vui mừng thấy tôi sắp gia nhập Tăng già và hy vọng tôi sẽ dạy họ Anh văn, một việc làm mà tôi tha thiết vì thấy mình hữu dụng và mình có thể học lại tiếng Sinhalese của họ. Tôi biết tôi sẽ ở lại Sri Lanka ít nhứt vài năm nên cần biết tiếng bản xứ để dễ giao tiếp khi cần.
Còn rất nhiều việc phải làm trong tháng cuối. Tôi phải học thuộc lòng một số câu tiếng Pali mà tôi sẽ đọc lại trong lễ thọ giới; Thầy cho một sa di dạy tôi cách phát âm chuẩn. Tôi còn phải viết một số thư nữa. Tôi đang tìm lời viết sao cho ba má và bạn bè tôi không bị sốc, mà trái lại, vui vẻ chia xẻ niềm hân hoan của tôi. Tôi không muốn bị hiểu lầm rằng đã thất bại lần này hay phải đương đầu với cuộc sống. Thật ra có cả luật nói về sự cho phép của mẹ cha để tránh làm họ thất vọng hay đau buồn khi nghĩ mình sẽ mất con. Nếu cha mẹ không thuận vì một lý do gì đó, như không ai nối dõi chẳng hạn, họ có quyền từ chối (xem XI). Tôi biết ba má tôi không thể và sẽ không ngăn cản tôi xuất gia làm sư, nhưng vì kính nể, tôi không muốn hai bậc sanh thành ra tôi bị tổn thương hay từ tôi. Qua những thư trước, ba má tôi biết tôi rất mê yoga và tham thiền nhưng chưa bao giờ nghe tôi nói đến quyết định quan trọng này. Tôi nghĩ rằng khi tin tới ba má tôi không sao khỏi bị giao động mạnh, nhưng rồi chắc cũng sẽ qua như hồi tôi ở tù bên Afghanistan. Tôi biết tin tôi đi tu sẽ làm cho Barry, Larry, Fred và bọn Riverside bị sốc nặng, nhưng chúng nó sẽ vui vui--thằng bạn cũ, Scott, là một nhà sư.
Tôi sẽ viết cho Eustace báo tin và mời anh cùng dân làng Yaddhemulla qua Thapovanaya dự lễ. Và tôi cũng sẽ viết cho hai anh em Fernando ở Negombo để mời luôn. Với Sam và các bạn trong xứ, tôi sẽ đích thân lên Colombo mời. Tôi gặp Sam tuần sau đó. Sam và Tilak yêu cầu tôi để hai anh dâng y và bát; dĩ nhiên tôi đâu dám chối từ. Theo tục lệ, vinh dự dâng y bát luôn luôn được dành cho người thân như cha mẹ hay bà con.
Vào những ngày Rằm hằng tháng, Gothama Thapovanya đã có nhiều khách thập phương rồi; đến ngày Vesak tới đây, tôi nghĩ, chắc sẽ đông lắm. Nghe nói Thầy Bổn Sư có mời cả Đại Sứ Mỹ nữa, tôi ngạc nhiên không biết tại sao lại mời đại sứ đến dự buổi lễ mà chắc họ không mấy quan tâm. Sau này tôi biết ra rằng đó là thủ tục phải làm mỗi khi có người phương Tây thọ giới. Vả lại, sự hiện diện của đại sứ chẳng có hại gì mà còn có lợi cho viện trên phương diện đối ngoại. Thầy Vangisa bảo tôi nên dọn sẵn bài diễn văn ngắn bằng Anh ngữ để đọc trong buổi lễ; diễn văn nói về cảm nghĩ và ước nguyện của tôi. Thoạt tiên tôi hơi khó chịu song suy nghĩ kỹ tôi thuận ý của Thầy. Tôi định sẽ trình bày vài khía cạnh Phật pháp với vị đại sứ và cử tọa nói tiếng Anh.
Một hôm nọ trong tuần lễ trước ngày Vesak, trên đường thọ trai trở lại cốc, tôi thấy một người Sinhalese ngồi dưới gốc cây ôm bình bát ăn cơm. Ông mặc xà rong và sơ mi dài tay trắng với mảnh cờ Phật giáo nhỏ gắn trên tay. Râu ông đen và tóc ông dài bới thành một nắm trên đỉnh đầu. Ông ngồi kiết già trên thảm và ăn một cách rất đạo mạo và tỉnh thức. Sau chừng nữa giờ, ông đến cốc tôi xin được nói chuyện. Tôi mời ông vô. Té ra là ông phát thư trong làng Anuradhapura dạo trước. Đã làm tròn bổn phận trong gia đình và đóng góp xong cho xã hội, bây giờ ông về hưu, sống đời Phật tử khất thực đó đây hay anagarika(đời không nhà). Ông hành mười giới và không ăn sau ngọ. Trên đường khất thực ngang đây ông chợt thấy tôi nên muốn được làm quen. Ông nói tiếng Anh giỏi, biết nhiều về Phật pháp, rành văn hóa Tây phương, và hiểu nhiều khía cạnh tâm lý. Khi nghe tôi báo tin sẽ xuất gia, ông vui mừng và hứa sẽ cố gắng đến dự lễ. Ông nói ông hiểu tại sao người phương Tây chán ngán với xã hội của họ và muốn quay qua phương Đông tìm hiểu Phật pháp và truyền thống Á châu. Nhưng rất tiếc không có mấy người bên phương Đông có thể thuyết giảng tận tường kinh sách Phật bằng tiếng mẹ đẻ của lớp người Tây phương đó. Ông hy vọng những ai đã học Phật rồi nên trở về xứ mình để xiển dương; tôi rất tán đồng quan điểm của ông.
Trong câu chuyện dài dòng của chúng tôi, ông có mời tôi theo ông làm một chuyến hành hương lên đỉnh Adam. Ông nói chuyến đi sẽ là một duyên lành cho tôi trước giờ Khấn Hứa. Ý kiến rất hấp dẫn; tôi không nghĩ nhiều tới việc bái lạy dấu chân linh thiêng mà chỉ muốn đặt chân mình lên khoảng không gian truyền thống. Khí trời khô ráo và là mùa hành hương nên có nhiều người sùng đạo lên đây để niệm 'Shadhu, Shadu, Sadhu'và ngắm rạng đông. Còn với tôi đây là dịp cuối cùng đi ra ngoài và gặp người ngoài. Tôi có nhièu cảm tình với ông anagarika, một người mà tôi chưa từng gặp trong lớp dân dã Sinhalese, và tôi rất thích được đi hành hương với ông. Ông có biết Thầy Vangisa nên hai chúng tôi cùng đến gặp Thầy xin phép. Thầy đồng ý ngay và ban cho tôi ân lành trước khi lên đường.
Hai chúng tôi lên đường chiều hôm đó, lấy xe đò đi xuyên Hatton và Maskeliya đến chân núi thiêng lúc 1:00 giờ khuya. Ông bạn hướng dẫn viên của tôi định giờ như vậy để đến nơi trước rạng đông. Chúng tôi theo đám hành hương leo núi. Ông anagarikadạy tôi cách thiền hành riêng của ông là vừa leo vừa xướng hồng danh Đức Thế Tôn, bắt đầu bằng 'Ipiti so,' rồi 'Bhagava,' rồi 'Arahan,' 'Sammasambuddho,' vân vân. Tôi lập đi lập lại một hồng danh đến lúc thuộc làu mới qua hồng danh kế tiếp. Với vài lần nghỉ dọc đường, chúng tôi lên tới đỉnh lúc vừa sáng và bấy giờ tôi thuộc hết cả câu[39]. Âu là một cách chú tâm hiệu nghiệm giúp quên thì giờ và mệt nhọc. Ngoài ra, hiểu được áo nghĩa của các từ Pali ấy, tôi xem đó như một hình thức thiền thật sự, thiền mộ đạo.
Còn chừng vài trăm bộ nữa tới đỉnh, tất cả khách hành hương đều phải dừng lại trên tam cấp xi măng vì lối lên đã nghẹt người. Không còn cách nào hơn, hai chúng tôi đành đứng lại đợi. Rất may, sáng hôm nay trời quang đãng nên vừa thấy vầng hồng ló dạng, tất cả khách hành hương đều chấp tay l kính và niệm 'Sadhu, Sadhu, Sadhu'vang dội. Ông bạn tôi giải nghĩa rằng từ thời cổ đại, ở Á châu dân tộc nào cũng cúng kính mặt trời bằng hình thức này hay hình thức khác. Dân Tích Lan tin tưởng nếu ai được nhìn vừng thái dương lên trên đỉnh Sri Pada, người ấy sẽ được vạn hồng ân, và một số Phật tử còn nói trời mọc mỗi ngày là để tỏ lòng tôn kính đối với dấu chân Phật. Tôi không dám nghĩ đến các sự mê tín đó nhưng tin rằng mặt trời là nguồn sống nên rất đáng được thờ kính. Tôi đảnh lễ pranam. Sáng hôm ấy chúng tôi còn may được thấy đỉnh núi phản chiếu trên mây nhờ được điều kiện khí hậu thuận lợi. Một cảnh quang tuyệt diệu!
Một lát sau, khách trên đỉnh đi lần xuống; bớt người, chúng tôi đi lần lên để chiêm ngưỡng hai dấu chân in trên xi măng trong một đền nhỏ xây trên chót đỉnh. Nhiều khách sùng đạo cúi đầu chạm bệ chân và gieo tiền vô lòng bàn chân cầu phước. Thật tình tôi không có cảm tưởng hay ấn tượng gì đáng kể cả; tôi chỉ đứng nhìn sự nhiệt thành của khách thập phương biết rằng tất cả do tâm tạo. Sau đó, ông anagarika, đưa tôi vô nhà bếp để được mời điểm tâm, ăn cơm với dahl, trước khi trở xuống; ông đúng là người biết đâu là đường đi nước bước. Trên đường về Colombo, ông xin tạm biệt để ghé thăm cô em trước khi trở lại đường du thực; tôi chào ông bằng cái xá dài lúc ông xuống xe. Rồi tôi tiếp tục đoạn đuờng còn lại về Thapovanaya chiều hôm đó.
Hôm sau, tôi cạo bộ râu mà tôi để dài từ bao lâu nay. Tôi đã chuẩn bị tư tưởng trước vì biết vết tích của thời híp pi thế nào rồi cũng không còn. Tôi muốn cạo hôm nay, tức trước ngày hành lễ vài hôm, để cho quen và cũng để mặt tôi có đủ thì giờ ăn nắng cho đều. Tôi cảm thấy là lạ và thỉnh thoảng vẫn còn thói quen đưa tay lên vuốt râu; râu không còn thôi thì vuốt cằm vậy. Tôi được giới tăng trẻ cho là trẻ ra và tôi cũng cảm thấy mình trẻ thiệt. Tôi định cạo đầu luôn vì tóc ra dài cả tất rồi, nhưng Thầy Vangisa bảo tôi khoan đã. Nghi thức thọ giới có phần thầy tổ cắt nhúm tóc tượng trưng của trò trước khi trò được cạo trọc sau lễ; riêng tôi sẽ được cạo ngay trong buổi lễ.
Tôi đang chuẩn bị một cách rất nhiệt tình. Tôi lo hỏi Thầy cũng như các tăng trẻ từng chi tiết một của buổi lễ. Tôi lo dợt lại các câu tiếng Pali để đọc lúc hành lễ. Tôi cũng lo tìm lời hay ý đẹp để phát biểu; tôi viết xuống những ý hay chợt đến để khỏi quên. Tôi đề cập vấn đề pháp danh mà cho tới nay chưa nghe Thầy nói; tôi mong được giữ lại tên Rahul nhưng chắc Thầy sẽ tự chọn cho tôi tên mới khác. Không trình lý do, tôi chỉ gợi ý pháp danh Rahula và ngạc nhiên nghe Thầy nói: 'Rahula, Rahula, con trai của Đức Phật, à... một pháp danh rất tốt.' Rồi Thầy nói tôi cần có thêm một tiền ngữ chỉ định đứng trước pháp danh. Ở Sri Lanka, tiền ngữ của mỗi sư là tên của quê quán họ để phân biệt các sư có cùng một tên Pali giống nhau, như có rất nhiều sư mang tên Ananda hay Rahula. Thầy muốn gọi tôi là Rahula Hoa Kỳ hay California Rahula nhưng tôi không muốn tên như vậy; tôi cũng không bao giờ nghĩ tới tên Riverside Rahula. Tôi thưa rằng tôi mong được bỏ hết dĩ vãng lại phía sau; Thầy đồng ý. Rồi Thầy đề nghị 'Yogavacara' là tên mà Đức Phật dùng để chỉ các tỳ kheo sống trong rừng dùng thiền định để đạt quả. Trọn pháp danh Yogavacara Rahula có âm điệu rất hay mà tôi rất thích. Có chữ yoga rất thích hợp cho công phu tu tập của tôi gồm phân nửa yoga phân nửa thiền quán. Tôi sẽ là một người mới thay thế anh híp pi đã đi qua, người mà tôi nghĩ cuộc sống sẽ tích cực và có nhiều ý nghĩa hơn.
Trong những ngày sắp tới lễ, các tiểu tăng và Phật tử rất bận rộn trang hoàng tu viện cho chương trình Vesak. Chánh điện và các lối đi đâu đâu cũng đều được treo cờ Phật, kéo đèn và kết hoa. Chiều ngày 14, đã có cư sĩ áo trắng lần lượt vào sớm để giữ chỗ tốt trong chánh điện rồi. Và khu nhà yogi vắng vẻ trước đây hôm nay đầy ấp thiện nam tín nữ đến để hành thiền, có nguời tới trước những hai ba hôm, khiến ông bạn Tây phương vừa đến ở trong đó không khỏi ngạc nhiên thấy viện sao quá tưng bừng thay vì yên tĩnh như ông tưởng của cảnh thiền; ông cũng lấy làm lạ khi biết tôi sắp thọ giới xuất gia. Một khách địa phương cho biết lễ thọ giới của tôi có đăng trên báo và chắc sẽ có nhiều quan khách tham dự, nên lễ Vesak năm nay có thể có cả ngàn người chớ không ít.
Để lễ có thêm ân đức tôi trai tịnh ngày Rằm hôm ấy. 8:00 giờ sáng, tôi lên liêu Thầy Vangisa để Thầy làm lễ thí phát, bằng cách cắt tượng trưng một chùm tóc trên đầu. Cùng lúc tôi được dạy quán chiếu lý vô thường của tóc và của toàn thân bằng cách niệm các từ tóc, răng, da, và móng bằng tiếng Pali. Tiếp theo, một vị sư dùng dao cạo đầu tôi trọc lóc. Lần đầu tiên đầu tôi trọc; tôi cảm thấy mát mẻ và thoải mái. Sau đó tôi ra giếng tắm rồi vô cốc đắp bộ y trắng truyền thống: chiếc sà rong trắng tôi mới giặt, còn chiếc sơ mi trắng tôi mượn của Phật tử qua một sa di. Xong, tôi ngồi đợi trong cốc, nhớ lại các câu tiếng Pali, chuẩn bị bài diễn văn và bắt đầu phập phòng.
Sam và gia đình cùng Tilak và một ít bạn tới lúc trước 9:00 giờ. Họ đem đến bộ y mới màu nâu, bình bát, và một ít vật dụng cần thiết mà họ sẽ dâng cho tôi trong buổi lễ (xem X). Tilak cho tôi biết có thấy chiếc xe hơi bóng láng của Tòa Đại sứ Mỹ vô viện và một số người ngoại quốc đang lu bu chuẩn bị máy quay phim. Truớc khi ra chánh điện, Sam trao cho tôi điện tín anh nhận được hôm qua. Điện tín viết 'Tụi tao luôn luôn bên cạnh mầy--mở đài LSD của Jashua Tree vào ngày trăng tròn--Thương, Barry, Larry, Fred, và các bạn.' Nước mắt tôi dâng trào.
Đến giờ, tôi theo sau đoàn bảy tỳ kheo do Thầy Vangisa dẫn đầu vào chánh điện, lên trước bàn Phật. Đoàn ngồi xuống gối xếp sẵn dưới sàn, Thầy Bổn Sư ngồi giữa, các thầy chứng lễ ngồi bên trái, còn tôi ngồi bên phải trong thế kiết già và ngay dưới ánh đèn sáng rực. Tôi tránh không ngó xuống cử tọa nhưng không thể và tôi thấy chánh điện hôm nay đông nghẹt với nhiều quan khách ngoại quốc ngồi trên hàng ghế đầu, hàng ghế duy nhứt trong điện. Vài nguời rọi đèn và anh quay phim với chiếc máy to tướng trên vai đang lay hoay tìm góc lấy hình.
Vào lễ chánh thức, tôi dâng khay hoa và nhang, mồi chiếc đèn dầu dưới chân Đức Phật, và lạy ba lạy. Kế, tôi đến bái Thầy Bổn Sư Vangisa và các Sư Chứng Minh. Quỳ trước Thầy Bổn Sư, tôi chấp tay đọc các lời Pali nguyện cầu Thầy từ bi gia hộ cho tôi Xuất Gia (Going Forth--Pabbaja). Nghĩa của các câu Pali là tôi, một tâm hồn đau khổ, cầu nguyền được giải thoát khỏi tham sân si bằng cách về nương tựa nơi cửa Phật. Tôi lập lại lời nguyện này ba lần theo như chỉ dẫn. Thầy Bổn Sư rải tâm từ hoan hỷ chấp thuận tôi làm đệ tử của Ngài. Tiếp theo, Sam và Tilak, ngồi sẵn bên góc, được mời dâng y bát; hai anh bước lên, cúi đầu thi lễ tăng đoàn, rồi dâng y bát lên Thầy Vangisa; Thầy đặt y lên tay tôi và trịnh trọng quấn lên cổ tôi một vạt y trong lúc máy quay phim và máy chụp hình bấm lia lịa. Tôi đứng lên ôm y vào lòng, cúi đầu đi chẫm rãi qua tòa nhà bên cạnh để được các tăng trẻ phụ đắp y, chiếc y của nhà sư mà tôi được chính thức đắp lên thân lần đầu tiên.
Tôi chưa biết phải đắp như thế nào để ngoại y rộng có thể quấn quanh thân, chỉ phủ lên vai trái, và để lộ vai phải. Khi đắp được rồi tôi lại không biết làm sao giữ mảnh y trên vai cho khỏi bị tuột xuống, và cứ nơm nớp lo khi đi ngang đám đông lúc trở lại nơi hành lễ. Khi tôi vừa bước vô chánh điện, âm lành 'Sadhu, Sadhu, Sadhu' vang lên và đèn quay phim chiếu tôi sáng rực. Tôi hồi hộp (tôi biết) và vẫn còn lo về chiếc y trên vai. Tôi cúi đầu bước lên trong lúc máy quay phim, máy chụp hình và âm Shadhu tiếp tục theo. Tôi cố giữ bước đi cho trang nghiêm và cố giữ tâm cho khỏi bị giao động. Tới truớc Thầy Bổn Sư, tôi chắp tay quỳ xuống để làm lễ quy y Tam Bảo và thọ Thập Giới, nghi thức cổ truyền của lễ xuất gia. Tôi lập lại lời nguyện theo Thầy rồi đảnh lễ tăng đoàn, trước khi ngồi xuống bồ đoàn đối diện ánh đèn chói chang và cử tọa đông đảo.
Thầy Vangisa khai thị bằng tiếng Pali. Thầy nói về ý nghĩa của lễ xuất gia và lý do tôi đến Gothama Thapovanaya để tập thiền dưới sự hướng dẫn của Thầy và sau cùng xin được gia nhập đoàn tăng lữ. Theo Thầy, rất khó cho người phương Tây xuất thế để trở thành tăng sĩ vì tín ngưỡng ấy quá xa lạ đối với Tây phương, nơi mà người như tôi có thể bị gán cho nhãn hiệu dị giáo, trốn chạy thực tại hay gàn, và tỳ kheo khó có thể được hỗ trợ đúng mức. Thầy kêu gọi Phật tử Sri Lanka nên giúp đỡ tinh thần cũng như chỗ nương tựa cho mọi khách ngoại quốc đến học Phật và tập thiền. Thầy nói người như tôi đã dám hy sinh rời quê quán, gia đình và đời sống tiện nghi, vân vân, để sống cuộc đời tu sĩ nghèo khó, cô độc, khổ hạnh nơi xa xôi như Sri Lanka. Thầy khuyên dân Sri Lanka chớ nên vội bắt chước Âu Tây mà hãy xem gương của người như tôi: được nuôi dưỡng theo tập quán ích kỹ và trong văn hóa vật chất mà tôi vẫn biết thế nào là sự phù du của cuộc đời. Trong suốt thời gian Thera[40]thuyết, chánh điện lắng nghe im phăng phắc; còn tôi nén nước mắt cảm động, chú tâm, và cố nhớ chi tiết của lời mình sắp thưa.
Tới phiên, tôi bắt đầu:
Kính bạch Hòa Thượng và Tăng Già
Kính thưa quý Quan Khách
Kính thưa quý Phật tử
Vâng lời Thầy Bổn Sư, tôi trân trọng kính thưa cùng Quý Liệt Vị cảm nghĩ tại sao tôi chọn con đường xuất gia theo chân Đức Phật. Đối với quý vị Phật tử, vấn đề này rất dễ hiểu. Nhưng với người không phải là Phật tử, quý vị có thể ngạc nhiên tự hỏi tại sao một người Mỹ sanh trưởng trong gia đình Do Thái giáo lại cải tâm sang tư tưởng Đông phương, tư tưởng mà bề mặt trông có vẻ rất khác biệt. Văn hóa và khoa học Tây phương hầu như hoàn toàn hướng ngoại và có xu hướng vật chất. Thế giới của trí và vật được xem là tâm điểm của mọi sống còn, là có thật và quan yếu; hạnh phúc được đặt nền tảng trên thế giới khách quan, tức trên cái mà con người tưởng có thể nắm lấy và sống nhờ; hành trang vật chất, thỏa mãn bản ngã, theo đuổi trí thức và nghệ thuật là thước đo của thành công và hạnh phúc. Toàn thể xã hội và văn hóa Tây phương đều phát triển quanh các nguyên tắc và lý tưởng đó. Tư duy của Phật giáo hay của Phương Đông, trái lại, chứng nghiệm rằng thế giới khách quan của trí thức và vật chất không phải là tất cả. Thế giới tùy duyên thật ra là một hiện tượng luôn luôn thay đổi rất phức tạp, trong ấy không thể tìm thấy an bình và hạnh phúc vĩnh cửu. An trú vào những gì vô thường chỉ gặt hái thất vọng, buồn phiền và khổ đau mà thôi. Niềm an vui và sung sướng thật sự chỉ có thể nẩy nở trong tâm hồn vị tha, không vướng bận và không tham ái. Sanh sống ở miền Nam California, tôi quen và mặc nhiên chấp nhận lối sống vị kỷ và hướng ngoại mà, tôi nghĩ, đã làm tôi thỏa mãn. Tuy nhiên, khi tôi lớn lên và biết đời hơn, kể cả ba năm trong quân đội với cần sa ma túy, thâm tâm tôi bắt đầu vỡ mộng. Rồi những thử nghiệm với đủ thứ ma túy đã đưa tôi vào nhiều tình huống tâm linh mới và đã thúc giục tôi đi tìm Sự Thật. Tôi nghĩ đời còn có nhiều khía cạnh khác chớ không phải chỉ có lo cho tấm thân, tranh dành hơn thua, biết có vật chất, hay thỏa mãn bản ngã mà hầu hết người phương Tây kể cả tôi, dường như bị gắn chặt vào, mỗi người mỗi cách.
Sự việc ấy hối thúc tôi rời California chu du thế giới hầu tìm hiểu thêm nhiều nền văn minh, dân tộc và tôn giáo khác. Tôi muốn được nhìn tận mắt con người sống thế nào ở những nơi khác nhau trên quả đất; và đại để tôi thấy cũng cái vòng lẩn quẩn hay mạn lưới tranh giành giăng khắp mọi nơi, nếu có khác chỉ khác về mức độ tùy theo môi trường thiên nhiên, điều kiện xã hội, và tín ngưỡng của mỗi nơi mà thôi. Ước vọng thầm kín của tâm tôi sau cùng đưa tôi đến Nepal, nơi đó tôi gặp thiện duyên được hai vị Lạt Ma Tây Tạng khai tâm vào Phật pháp. Lành thay, tâm trí tôi lúc bấy giờ đã hiểu được phần nào đại ý và vận hành của Tứ Diệu Đế. Và, tôi đã chuyển hướng đi của mình; tâm linh tôi có thể nói như được tục sanh. Rồi tâm này nhứt thiết chỉ muốn đào sâu và thâm nhập vào các khía cạnh vi tế của các Chơn Đế đó. Tôi dường như không thể nào không tiến lên con đường truy tầm các hiểu biết cao xa hơn cùng những thay đổi tâm linh để phù hợp với đạo Pháp và để cho đạo quả tối hậu của đạo Pháp thành tựu.
Theo pháp siêu hình Đông phương, không có một chủ thể cá biệt, tuyệt đối, bất diệt nào chủ trì hay điều hành cuộc sống tùy duyên của thân/tâm con nguời. Chỉ có tiến trình phức tạp và huyền bí xác định bởi tham, sân, si ở nhiều cấp độ khác nhau, hay bởi các đối kháng của chúng là trí tuệ, vô trước và từ bi từng được tích tụ liên tục qua các kiếp luân hồi, mà bậc Giác Ngộ gọi là Anatta. Tưởng rằng có một chủ thể thật và riêng lẻ, một kẻ trải nghiệm, hay một chủ nhân sở hữu/chi phối là một ảo tưởng kỹ xão, ma thuật, thâm căn cố đế xuất xứ từ vực sâu u tịch của vô minh. Thiền quả tôi trải nghiệm đã minh chứng phần nào rằng điều đó thật không sai.
Bây giờ, tôi xin thưa qua một tin lành. Dầu không có một tự ngã tuyệt đối, có một lãnh vực của Chân Như Tối Hậu có thể nói Không Sanh mà cũng Không Tùy Duyên. Chúng ta vốn có tiềm năng thức tỉnh từ giấc chiêm bao triền miên gọi là kiếp nguời, một đời sống cá nhân có nhiều hạn chế và khổ đau đáng quan tâm. Chúng ta có thể đánh thức cái tính Chuyên Nhứt ân sủng, cái tính Đồng Nhứt của đời sống, hay cái trạng thái Giải Thoát Tối Hậu. Chính tiềm năng đó, hiện hữu trong mỗi chúng sanh, sẽ dẫn dắt mọi người trên đường tâm linh. Kinh nghiệm ngày mỗi gia tăng của tôi cho biết tôi đã được báo hiệu sẽ trở về nguồn; hiệu báo ấy dẫu ở sâu trong tiềm thức nhưng liên tục dẫn dắt tâm tôi hướng nội để quay về cội nguồn tiên khởi. Dùng một ẩn dụ khác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Chúng ta hảy ví bản ngã tỉnh thức[41]như là một hỏa tiễn điều khiển đang được nhử, huớng dẫn và lao tới mục tiêu, mục tiêu đây là Nhứt Nguyên[42]hay Niết Bàn đang phát sóng Sự Thật thu hút hỏa tiễn bản ngã tỉnh thức.
Đường đời mà tôi đã và đang đi dựa vào và tùy thuộc nơi số kinh nghiệm tôi thu thập, số hành động (tác nghiệp) của thân, khẩu và ý tích tụ trong nhiều kiếp từ truớc đến nay. Do đó, lý do khiến tôi xuất gia thật sự không phải là một lý do thật có, rõ ràng, dứt khoát hay là gì cả. Đó chỉ là một phần của tiến trình tùy duyên, một giai đoạn của đời sống giục tôi đi tìm con đường ngắn nhứt và có thể nói là thuận lợi nhứt, như nước mưa chảy xuống sườn non đến điểm dừng chót, Niết Bàn. Hiểu một cách rốt ráo, không có ai đằng sau tiến trình đang đi lần tới quyết định hợp lẽ của tôi hết.
Đức Thế Tôn Thù Thắng đã nói không phải dễ được 'sanh làm người hoàn hảo,' được gặp thầy tâm linh uyên bác và hơn thế nữa, được nghe với tâm rộng mở, hiểu, hành, hoán tâm, và chứng nghiệm Phật pháp cao thâm. Do đó, nếu tôi quay lưng đi hay bỏ qua cơ hội lý tưởng, mà tôi tin tôi đang nắm giữ, chẳng khác nào tôi 'nhổ nước miếng[43]' lên Thiên Đàng để rồi không sao tránh khỏi phải lao ngay vào vòng đau khổ. Tôi không thấy có lý do nào để giữ tôi làm người thiển cận, tối tăm và tự xiềng vào lối sống thông thường của phương Tây, nghĩa là có gia đình, con cái, và năm bảy công ăn việc làm, sống rập khuôn theo định chế xã hội, vân vân. Bây giờ, tôi nhận thấy con đường tốt đẹp nhứt cho đời tôi là xuất gia. Tôi tiến lên 'từ chỗ có nhà đến chỗ không nhà[44]'; tôi sẽ trì giới, hành thiền, theo đường Bát Chánh, và nhứt tâm trực chỉ. Tôi mong được ở lại Sri Lanka tu hành hầu cầu tìm Chứng Ngộ cho đến khi tôi tin là đã đến điểm không thể thối lui. Chừng thấy mình đã vững tin và có cơ hội chia xẻ, tôi có thể sẽ trở lại phương Tây. Tôi sẽ san sớt thành quả thâu lượm được--có thể là tuệ giác, từ bi, hỷ lạc, vui sướng, hay hành xả--trước tiên với cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của tôi, rồi sau đó, theo hạnh Bồ Tát, tôi sẽ cố bằng mọi cách độ nhân sanh trong cõi Ta Bà, như đem lại niềm vui hay ánh đạo vàng cho đời họ.
Tôi thật có ân phuớc rất lớn được thọ giới hôm nay với Đại Lão Vangisa Maha Thera tại Gothama Thapovanya. Tôi còn được Thapovanya giúp cho nơi nương tựa trong cảnh rừng rất duyên với ai đang trên đường tu tập giải thoát muốn chiêm nghiệm các thực tại của cuộc đời. Tôi trân trọng kính xin Hoà Thượng Bổn Sư, Tăng già Thapovanaya, quý vị cộng sự trong tu viện và tất cả ân nhân nhận lời cám ơn hèn mọn và chân thành của tôi.
Thành tâm hồi hướng công đức đến toàn thể quý vị và nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo từ bi gia hộ cho quý liệt vị luôn được phước lành.
Thiện âm Sadhu! Sadhu! Sadhu!vang vang từng tràng.
*
Chương 20
LỜI BẠT
Tôi lưu lại Sri Lanka hai năm sau khi xuất gia, đi đó đi đây để học Phật và tham thiền. Nơi tôi đến nhiều nhứt là một động nhỏ nằm dưới chân núi Dolukanda hẻo lánh, cách Colombo chừng sáu giờ xe đò. Núi có nhiều rắn độc và vô số khỉ. Ở đó tôi xuống làng cách xa một-hai dặm để khất thực và ở đó tôi sống đời thiền khổ hạnh; tôi hy vọng lối sống ấy giúp tôi chế ngự sợ hãi, nhứt là tử thần. Tôi cũng có dịp quán chiếu tâm tham của con người qua sự quan sát cách tranh giành thức ăn của bầy khỉ; không có món gì để trong động mà chúng không moi lấy, chúng giựt cả thức ăn trong bát tôi. Mỗi sau hai tháng ở Dolukanda, tôi lại về Thapovanaya chừng đôi ba tuần để tường trình kết quả tham thiền với Thầy Bổn Sư Vangisa và học kinh Pali (qua bản dịch Anh ngữ). Một địa điểm khác mà tôi cũng thường hay đến là Unawatuna; tôi trở lại tu trong devalevà xuống làng khất thực. Dân làng rất hân hoan thấy tôi bây giờ chính thức là một tăng sĩ. Thầy Vangisa rất hài lòng thấy tôi đạt thiền quả tốt và trau giồi kinh kệ tinh tấn.
Ba má tôi, trái lại, miễn cưỡng chấp nhận cuộc đời mới của tôi và không khỏi lo âu, nhứt là khi nghe tôi tả những ngày sống trong động hẻo lánh với rắn độc và đám khỉ háu ăn luôn chực chờ giựt thức ăn tôi khất thực. Năm 1977 bà bay sang Sri Lanka để biết chắc rằng tôi chưa khùng. Bà ở trong Viện Thapovanya suốt tuần lễ đầu để thấy tận mắt lối sống của tăng sĩ, và cũng để tôi dạy bà thiền. Sau đó, bà du ngoạn quanh đảo, viếng nhiều thắng cảnh, và đến cả động Dolukanda và làng Unawatuna. Lúc rời Sri Lanka bà hiểu thế nào là đời tu sĩ/tâm linh và hoan hỷ chấp nhận đời sống mới của tôi. Bà rất cảm kích tính hiếu khách và cởi mở của người Tích Lan và thành thật cám ơn họ đã hỗ trợ tôi trên đường tu học. Cảm tưởng đẹp bà ghi nhận được thế nào cũng sẽ giúp cha, anh, chị, bà con, và bạn bè tôi hiểu tôi hơn.
Năm sau, tôi về thăm nhà và cũng để xem Phật giáo phát triển thế nào trên đất Mỹ. Ở California, tôi ngụ trong Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế (The International Buddhist Meditation Center, IMBC) trên đường New Hampshire, Los Angeles. Trung tâm cách Riverside chỉ năm mươi dặm nên tôi có dịp thăm viếng ba má tôi thường xuyên--có khi cả tuần mỗi tháng. Thiền chủ của IBMC là Hòa Thượng Thích Thiện Ân, một nhà thiền Zen Việt Nam; Thầy cũng là giáo sư dạy triết lý Phật giáo ở Los Angeles City College. IBMC theo truyền thống Đại Thừa, nhưng Thầy Thiện Ân (mà người Mỹ thuờng gọi là Dr. Thiện Ân) muốn có tăng ni thuộc mọi tông phái để gieo duyên và trao đổi kinh nghiệm.
Thầy Thiện Ân mời tôi ở lại Trung Tâm để tông Theravada có mặt, vì vị tăng Theravada duy nhứt ở đây vừa qua đời truớc khi tôi đến. Từ từ, tôi bắt đầu nói pháp với nhóm thiền chủ nhựt và dạy yoga cũng như thiền mỗi tuần một lần. Lúc bấy giờ thiền và nhiều chương trình liên hệ khác do IBMC và College of Buddhist Studies bảo trợ khá phổ thông và có nhiều người tham gia. Đây là duyên tiên khởi dẫn tôi vào việc giảng dạy thiền và Pháp, và cũng là duyên may giúp tôi học hỏi thêm về Đại Thừa. Trung tâm thường tổ chức lễ lạc nên có nhiều tăng Tây Tạng, Theravada và các tông phái khác dừng chân tham dự hay thuyết giảng. So với môi trường tu học của tôi ở Tích Lan, Trung Tâm rất nhộn nhịp, nhưng tôi hoan hỷ chấp nhận thay đổi, ít ra là trong một thời gian.
Ngày Vesak 1979, tôi thọ giới upasampada[45]tại một chùa Thái ở Bắc Hollywood và bước lên bậc thang chót của đời tăng sĩ. Lễ do một số tăng Tích Lan trong vùng Los Angeles tổ chức với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè củ của tôi. Ba má tôi bây giờ rất cảm thông và sẵn sàng bưng y bát đi nhiễu ba vòng quanh chùa trong tiếng chuông trống và tụng niệm trang nghiêm của Phật tử.
Sau hai năm ở IBMC tôi trở lại Tích Lan bởi nhớ núi rừng tĩnh mịch và đời sống lâm tăng; tôi nhớ động Dolukanda với rắn với khỉ, và nhớ làng biển lý tưởng Unawatuna. Tôi cũng muốn lánh những sinh hoạt đe dọa tâm an tại của tôi, như cảnh bon chen, những gặp gỡ thường xuyên Phật tử khác phái và giới luật không mấy nghiêm khắc của Trung Tâm. Tôi về lại bán đảo Ấn Độ vào đầu hè 1980. Thoạt tiên tôi bay qua Calcutta rồi đi Bodhgaya. Tại Bodhgaya tôi tạm trú trong các tu viện miễn phí và đến tham thiền thường xuyên dưới gốc cây thiêng. Tháng 9, tôi rời Bodhgaya đi hành hương ở những nơi có dấu chân Phật, như Rajir/Nalanda, Vaishali, Kusinara, Sravasti, và Lumbini trong lãnh thổ Nepal. Trên đường, tôi khất thực, ngủ nghỉ trong chùa/ashramhay ngoài trời dưới bóng cây bên đường. Ngày 1 tháng Mười Một tôi đến Lumbini để đảnh lễ nơi đản sanh của Đức Phật mà tôi không có thiện duyên đến viếng trong chuyến đi Nepal trước đây. Tiếp theo tôi đi Pokhara và du hành lên Đại Sơn[46]gần đó.
Tại Pokhara tôi sống tạm trong một tu viện Theravada trước khi hành hương lên hai thánh đường Muktinath và Annapurna. Tôi rất thích chuyến hành hương dã ngoại này và xem đó như một duyên lành cho tôi phát huy đời tăng sĩ/tâm linh. Tôi trở lại Bodhgaya vào trung tuần tháng Mười Hai để có dịp được tưới thắm đạo tâm bất thối chuyển của hằng ngàn người Tây Tạng về đây trong tháng này.
Giữa tháng Giêng, tôi đến Sri Lanka và lưu lại đó những sáu năm liên tiếp. Tôi sống trong Trung Tâm Thiền Nilambe do nhân sĩ nổi tiếng Godwin Samaratne mới thành lập trên vùng đồi núi trồng trà mát lạnh phía trên Kandy. Trung tâm dành cho dân chúng đến thiền nhưng tăng sĩ cũng có thể ở nếu muốn. Ông Samaratne mời tôi phụ dạy thiền (thỉnh thoảng dạy một khóa chừng muời ngày) và nhờ tôi trông coi trung tâm mỗi khi ông đi xa (ông đi dạy thường xuyên và ở nhiều nơi).
Thế là tôi dạy thiền ở Nilambe, dạy trong suốt năm năm, mỗi năm đôi ba khóa. Đầu tiên chỉ có du khách phương Tây nhưng lần hồi có thêm nhiều người Tích Lan đến học. Giữa các khóa, tôi xuống ở dưới Unawatuna. Unawatuna bây giờ đã đổi khác, trải rộng từ bờ biển vô tận trong sâu. Trong ba năm tôi đi xa, nhiều nhà nghỉ và nhà hàng bình dân mọc lên như nấm trên bãi, trong làng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của du khách phương Tây; không khí yên lành năm xưa không còn nữa. Nhưng rất may, tôi tìm được một nơi có bụi rậm và bóng mát trên đồi và nhờ dân làng phụ dựng một cốc bằng cây nhỏ để tu tập.
Trên đồi không mấy khi có du khách, trừ những người muốn lên để ngắm hoàng hôn, nên rất yên tịnh. Cốc tôi nằm khuất nên không ai biết có tôi ở đó. Sau cốc tôi có khai một lối đến tảng đá to nhìn ra biển Ấn Độ mà sóng ngoài khơi kéo về vổ ì ầm dưới chân không đầy năm thước. Tôi có thể ngồi ngay trên mặt đá bằng để tham thiền trong lúc vừng Tây chìm dần dưới chân trời trước mặt. Mỗi ngày tôi xuống vô xóm khất thực. Tôi sống lại Unawatuna nhiều hơn ở Nilambe và chính tại nơi đây tôi nảy ra ý định viết những trang hồi ký này.
Tôi không có về lại Thapovanaya. Trong lúc tôi đi xa, Thầy Vangisa viên tịch và tu viện được phát triển lớn thành truờng dạy tăng sĩ. Dĩ nhên quang cảnh yên tĩnh quen thuộc của tôi không còn nữa!
Tháng Tư 1985, tôi trở lại Ấn Độ và kinh hành sáu tháng ở Hy Mã Lạp Sơn. Tôi bắt đầu từ Rishikesh (nơi nổi tiếng mà nhóm Beatles từng hành thiền với Yogi Maharishi Mahesh), đi bộ đúng theo padayatracổ truyền (hành hương bằng cách đi bộ), viếng nhiều đất thánh Hindu như Badrinath, Kedernath, Gangotri, Yamunotri, và động Amaranath ở Kashmir, cùng nhiều đền linh thiêng.
Lúc gió nồm của mùa mưa bắt đầu thổi, tôi qua khỏi đèo Zoijila, vô vùng ít mưa Ladakh, và sau cùng đến Leh. Tôi đi trong thung lũng Indus suốt hai tháng. Trong khoảng thời gian này tôi tạm trú trong nhiều tu viện kiểu Tây Tạng rải rác trên bình nguyên hoang vắng. Cuối tháng Mười tôi trở lại Srinagar, rồi lấy xe lửa và xe đò xuống miền Nam Ấn Độ qua Aurangabad và Động Ajanta đến Rameswaram. Từ Rameswaram tôi lên chiếc tàu đò cũ SS Ramanujam lần chót qua Sri Lanka. Sau đó SS Ramanujam không còn đưa khách qua lại Ấn Độ và Sri Lanka nữa vì sự quấy rối của quân nổi dậy Tamil.
Sau chuyến kinh hành dài ở Ấn Độ, tôi bắt đầu đọc sách báo Phật giáo quốc tế của Buddhist Publication Society ở Kandy cầu tìm duyên lành mới. Tôi thấy bài nói về một lâm tự Theravada đang được xây cất ở West Virginia. Trên nước Mỹ, tu viện Zen và Tây Tạng cũng như chùa Theravada không thiếu nhưng đều nằm trong thành phố; đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến một thiền viện theo trường phái Theravada lập trong rừng.
Từ lâu, tôi có ý định hoằng dương Phật pháp và phổ biến thiền đến phương Tây; những ngày ở IBMC là bước đầu của sở nguyện tôi. Tuy nhiên lúc bấy giờ tôi còn non nớt quá nên nào dám. Bây giờ, nhờ sáu năm lặn lội thêm bên châu Á và mớ kinh nghiệm dạy Pháp ở Nilambe, tôi cảm thấy tự tin hơn. Do đó, khi đọc được tin trên tôi rất quan tâm chú ý. Hơn thế nữa, lâm tự được gọi là Bhavana Society, lại do một tăng Tích Lan gây dựng, Thầy Henepola Gunaratana. Tu viện được xây trong khu rừng rộng mười ba mẫu Anh trên khu cán gáo của West Virginia, cách Washington, D.C. hai giờ xe. Được biết tu viện đang cần nhiều bàn tay xây dựng, tôi liền viết thư qua Thầy H. Gunaratana, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Washington Buddhist Vihara ở thủ đô, để tự giới thiệu và xin góp sức vào công quả quan trọng của Thầy. Không bao lâu tôi được thư Thầy trả lời, mời tôi qua phụ giúp.
Mùa Xuân 1987, tôi lên Washington Buddhist Vihara gặp Bhante (Thầy) Gunaratana. Thầy còn ở đây vì tòa nhà đầu tiên trong rừng do các đệ tử góp sức chung xây vào những ngày nghỉ cuối tuần chưa ở được. Lúc đến nơi, tôi thích ngay quang cảnh và tin tưởng công trường chắc chắn sẽ thành một aranya (lâm viện hay tu viện trong rừng) xinh đẹp. Tôi ở lại công trường một mình và bắt tay làm việc mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi đi gặp bà con (rất ít) trong vùng, và dĩ nhiên không bao giờ quên thiền.
Mùa Thu 1988, tòa nhà chánh với một thiền đường nhỏ, đường sá, và ba cốc bằng cây được xem như xong. Lúc bấy giờ viện mua thêm mười mẫu Anh kế bên. Và tháng Mười 1988, Bhavana Society Forest Monastry and Meditation Center được long trọng khánh thành. Từ đó trung tâm không ngừng phát triển và tâm linh tôi không ngừng khai mở.
Mỗi năm từ 1988 đến nay, tôi đi Âu châu hai tháng hè để gieo duyên với các bạn mà tôi gặp truớc đây ở Sri Lanka. Tôi cũng thường mở nhiều khóa thiền ở Đức, và đôi khi ở Đan Mạch, Thụy Điển, Ý và Pháp.
Nay cẩn ký.
Dịch xong Chủ Nhựt 13.11.2005
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi
*
PHỤ BẢN I
I. Khước sĩ (Sannyassin) là người có lối sống như tu sĩ/đạo sĩ Hindu, khước từ dục lạc thế gian và nguyện giữ hạnh thanh bần và độc thân. Theo truyền thống, họ mặc màu vàng, vàng nghệ, hay cam là biễu thị của sự khước từ; các màu ấy cũng là màu biễu tượng của họ ngày hôm nay ở Ấn Độ. Khước sĩ rất được người Ấn sùng tín kính trọng. Tuy nhiên tân khước sĩ (neo-sannyassin) của Đạo Sư Rajneesh có khác và từng là đề tài bán tán ở Poona khi họ đi rong trong thành phố nầy với y màu cam/đỏ và chuỗi mala lủng lẳng trên cỗ. Nam và nữ, thường là người ngoại quốc, được thấy quấn quít và hun hít ở những nơi công cộng, làm mất thuần phong mỹ tục Hindu nên dân chúng rất khó chịu. Họ còn vào quán rượu, nhà hàng, ăn uống nhảy nhót vung vít. Không cần nói ai cũng biết hạnh kiểm lố bịch ấy (của một người gọi là khuớc từ dục lạc) không thể được lễ giáo Hindu chấp nhận. Nhưng vỉ họ chi tiền nhiều nên địa phương làm lơ cho. Một sáng trong năm 1980, có một người phóng dao ám sát hụt Đạo Sư Rajneesh trong lúc ông đang thuyết giảng ở Poona. Một dấu hiệu cho biết dân Poona chán ngáy Đạo Sư và đám đệ tử tân khước sĩ của ông. Vì vậy, theo tôi nghĩ, Đạo Sư đã phải dọn đi nơi khác, ra khỏi Ấn Độ luôn. Ông và "bộ lạc hoan hỷ" của ông hiện sống tại Mỹ, trên miền Đông Bắc của tiểu bang Oregon. Họ đang tạo dựng thành phố mang tên Rajneeshpuram và khai sanh đạo mới, đạo Rajneeshism.
II. Trung Tâm Thiền Minh Sát Kanduboda (The Kanduboda Vipassana Bhavana Center) hình thành năm 1956 nhân dịp có một số nhỏ du sĩ Miến Điện đến Sri Lanka dạy thiền. Quý vị tỳ kheo (bikkhu) ấy là đệ tử của Ngài Mahasi Sayadaw, tác giả quyển Practical Insigh Meditation và cũng là bậc A La Hán đã khởi xướng pháp phồng xẹp bụng. Quý vị được mời sang để khơi lại pháp hành thiền đã bị ảnh hưởng Thiên Chúa giáo lấn áp trong nhiều trăm năm bị phương Tây đô hộ. Năm 1956 là một thời điểm quan trọng vì là năm kỷ niệm thứ 2500 của Đức Phật nhập Niết Bàn. Trước khi nhập diệt, Đức Phật có nói rằng Pháp của Ngài sẽ mạt sau năm ngàn năm; lúc bấy giờ sẽ có Phật Di Lặc thị hiện giáo hóa chúng sanh. Do đó, năm 1956 đánh dấu nửa lộ trình của Phật Pháp và được thế giới Phật giáo long trọng kỷ niệm. Đó cũng là năm ngọn đuốc thiền quán Phật giáo được thắp sáng lại. Ngay trước đó, Ngài Mahasi Sayadaw và Bổn Sư của Ngài Goenka là Ngài U Ba Khin có thiết lập hai trung tâm thiền tại Rangoon. Khi đến nơi, quý vị tỳ kheo Miến Điện nhập hạ và dạy thiền minh sát khiến nhiều tu sĩ và cư sĩ Tích Lan có duyên mai học được pháp thiền nầy. Tiếp theo, nhiều trung tâm thiền khác được thiết lập để đáp ứng nhu cầu của người muốn học thiền ngày càng đông. Kanduboda là một trong những trung tâm mới này do một tỳ khưu từng du học ở Miến Điện lập nên và giảng dạy. Đó là Ngài Sumathipalo, thầy của Ngài Sivali. Hai vị thầy này và Thầy Mahasi Sayadaw viên tịch năm 1982.
III. Bố Thí (Dana) là một pháp quan trọng trong việc hành trì Phât pháp. Đại để, bố thí có nghĩa là chia xẻ cái mình có để giúp người đang thiếu và cũng để làm giảm thiểu tâm tham ái và chấp thủ của mình. Theo truyền thống Phật giáo, bố thí là cúng dường chư tăng ni bốn thứ vật dụng cần thiết hằng ngày là thức ăn, y, chỗ ở và thuốc men. Trai đường là nơi tu sĩ nhận vật thực cúng dường do thí chủ (dayaka) mang đến tu viện. Cúng dường tu sĩ được tin như là tạo phước báu làm tăng trưởng căn lành và hạnh phước; cúng dường cho bậc mà công đức tu tập càng cao dày, phước báu tạo nên càng to lớn. Do đó, các trung tâm thiền có tiếng như Kanduboda thuờng nhận được nhiều vật thực cúng dường. Một lợi điểm nữa của Kanduboda là có nhiều người ngoại quốc ở tu học; dân chúng địa phương nghĩ rằng người phương Tây nào dám hy sinh tiện nghi vượt bực của Âu Mỹ để đến phương Đông hành thiền trong điều kiện tu học khắc khổ là người đã thực sự hy sinh nên cần được giúp đở nhiều hơn. Đó cũng là dịp để họ nhìn thấy tận mắt các đệ tử của Phật từ phương Tây qua.
IV. Để đơn giản vấn đề, tám bậc ấy được xếp vào ba giai đoạn tùy theo chức năng tổng quát của chúng. (1) Giai đoạn thứ nhứt là làm tỏ lộ tánh vô thường của năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, được thực hiện bằng cách dùng nội quán nhìn trước vô sự sanh và diệt của các pháp hữu vi rồi sau đó chỉ vô sự diêt[47]mà thôi. (2) Giai đoạn thứ hai đòi hỏi sự quán chiếu thâm sâu và sự tin tưởng rằng các pháp của thân tâm và của toàn thế gian hữu vi đều bất toại nguyện và là nguồn gốc của khổ đau; do đó, chúng ta không còn sự ham muốn (xả bỏ) pháp thế gian nữa. Đôi lúc quán chiếu sự sanh diệt chưa đủ để xả bỏ. Trừ trường hợp được quan sát tỉ mỉ bằng ánh sáng của khổ đau, thực tánh bất toại nguyện (khổ) của thế gian luôn bị che án bởi tham, sân và si. Dầu biết là khổ nhưng chúng ta vẫn tìm cầu. Sự hiểu biết và nhu cầu phải xả bỏ được thực hiện bằng cách phát triển ý thức về hoảng sợ[48]và hiểm nguy. Nhưng sự hoãng sợ nói đây không phải là sự sợ hãi tiêu cực mà là biểu hiệu xác nhận rằng sự vật đang tan hoại và không có trú quán (dầu chỉ cho một đêm), không có sự thanh tịnh cho bất kỳ tâm chấp thủ nào. (3) Trong giai đoạn thứ ba tâm thực sự quay lưng lại sáu căn, sáu trần, và cả hành giả là "cái tôi". Đó là giai đoạn mà quả của cố gắng trước đây hình thành và được chứng nghiệm qua sự xả ly, thanh tịnh, tuệ tri, và hạnh phúc tối thượng gọi là Niết Bàn. Giai đoạn này được thực hiện bằng sự phát huy tâm vô tham dục, hành xả và giải thoát khỏi mọi pháp. Giai đoạn thứ ba được nối tiếp bởi sự chuyển đổi từ Tam Giới Hợp Thế (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) lên Niết Bàn siêu tam thế. Trong kinh điển Nam Truyền, pháp Trí Tuệ Thanh Tịnh[49]và trạng thái Niết Bàn phát sanh từ các pháp thanh tịnh trình bày một phần của lộ trình (đạo) thanh tịnh hóa tâm. Toàn bộ được giải thích trong Bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một loại phóng tác của Giáo Pháp tiếng Pali giảng giải bởi Ngài Phật Âm (thế kỷ thứ 5). Giáo Pháp vĩ đại ấy mô tả tỉ mỉ sự phát sanh và tịnh hóa Giới Thanh Tịnh, (Silavisuddhi), Định Thanh Tịnh (Samadhivisuddhi) và Tuệ Thanh Tịnh (Pannavisuddhi). Chi tiết về Thiền Tuệ nằm trong phần Tuệ Thanh Tịnh. Bản dịch Anh ngữ của Tỳ Kheo Nanamoli Thera được xuất bản bởi Buddhist Publications Society, Kandy, Sri Lanka, và bởi Shambala Publications, California (hai quyển).
V. Kinh Phật mô tả mười kiết sử ngăn che Chứng Ngộ. Chúng cần phải được bứng tận gốc bằng pháp Thiền Minh Sát (Thiền Tuệ). Sự đoạn diệt dần dần các kiết sử tuần tự làm phát triển sự chứng đắc Tứ Thánh Đạo là Thánh Đạo Nhập Lưu, Thánh Đạo Nhứt Lai, Thánh Đạo Bất Lai và Thánh Đạo A La Hán. Phần nầy cũng được giảng giải tỉ mỉ nơi mục Thiền Tuệ trong Bộ Thanh Tịnh Đạo nói trên ghi chú IV.
VI. Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà Hoàn (Sotapanna) là bậc Thánh chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên và mới nhập vô dòng Thánh (Ariya). Vì còn nghiệp nên bậc Nhập Lưu sẽ tái sanh bảy lần nữa trước khi chứng đạt bậc A La Hán. Nhờ tâm đã được thanh tịnh hóa[50], bậc Nhập Lưu không còn phải tái sanh vô ba cõi thấp (súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục). Do nghĩ mình đã chứng đạt bậc Nhập Lưu, Thầy Nyanavira tự kết liễu đời mình để chấm dứt khổ đau hiện tiền và mau đến bậc A La Hán (nhờ sớm bớt đi một kiếp). Lý luận của Thầy được trình bày trong bức thư gởi cho người bạn và được biết sau khi Thầy tự vẫn. Trong những năm sau cùng, Thầy có ghi chú nhiều điều về tâm thức, ghi chú được đúc kết thành tập 'Ghi Chú về Đạo Pháp--Notes on Dhamma'. Thầy Samitta không có gặp Thầy Nyanavira nhưng có đọc thư và tập Ghi Chú của Thầy. Thầy tin rằng Thầy Nyanavira đã có cái nhìn trực tiếp đến Niết Bàn. Thầy rất quý tập Ghi Chú và xem Thầy Nyanavira như một hiền triết cao thâm. Những gì tôi viết ra đây là do tôi lượm lặt được qua các câu chuyện với Thầy Samitta và những người hiểu biết. Tôi có dịp nghiên cứu tập Ghi Chú và học được nhiều tư tưởng mới lạ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi không dám nói gì hơn về sự tự vẫn của Thầy bởi kinh nghiệm Phật Pháp của tôi còn quá ít oi.
VII. Ở Tích Lan, Phật tử không xem mình là người của Ấn giáo song họ thờ cúng thần thánh. Thờ cúng thần thánh, họ mong được may mắn và an lành trong cõi thế; còn lạy Phật nghe Pháp, họ tìm lối giải thoát cho tâm linh trong kiếp tới. Khi lời cầu nguyền linh ứng, họ thường đi hành hương ở chùa hay một nơi thiêng liêng. Tôi có dịp gặp một thanh niên nguyện sẽ leo lên Sri Pada hành hương nếu thi đậu vô đại học. Anh được toại nguyện và vừa đi tạ thần thánh về. Một bà mẹ khác (trong gia đình mà tôi biết) vái nếu cuộc giải phẫu mắt của con bà thành công, bà và con bà sẽ sang bái cội Bồ Đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ. Cuộc giải phẫu đuợc như ý, bà cùng con đã đi hành hương. Tôi thiết nghĩ sự tin tưởng nơi thần thánh (tha lực) không đúng theo Giáo Pháp, nhưng tôi không thắc mắc, như tôi đã từng không phủ nhận việc giải tà, coi tay, coi bói, vân vân.
VIII. Trong khoa Yoga, tuyến nội tiết được xem như liên hệ với hệ 7-luân xa (chakra) hay trung tâm sinh lực. Ba hạ luân xa (tinh/noản hoàn, tuyến thượng thận và tuyến tụy) điều hòa các chức năng sinh dục, sinh sản, tiêu hóa, chuyển hóa, và những cảm xúc thô của bất thiện tâm tham, sân, si, vân vân. Trung tâm thứ tư hay tâm luân xa với tuyến thymus có chức năng chuyển đổi lên thiện tâm cao quý như tâm từ (metta) và tâm bi (karunà). Ba thượng trung tâm với tuyến giáp trạng, tuyến yên và tuyến tùng ảnh hưởng đến tâm định, tuệ thức và các kinh nghiệm siêu tam thế. Ai bị dằn vật bởi vấn đề sinh dục hay tham vật thực của thế gian được xem như bị các hạ luân xa chi phối. Nghệ sĩ, thi sĩ, các nhà trí thức, các tâm sùng đạo được xem như sống dưới sự động viên của tâm và thượng luân xa. Các bậc thánh và giác ngộ chỉ tùy thuộc vào thượng luân xa. Nhánh Kundalini Yoga của khoa Yoga chú trọng phát triển sự điều tức bằng một số thế đặc biệt để đưa sinh khí từ hạ luân xa thấp nhứt (chỗ xương cụt) theo ống tủy lên tận luân xa 'sen ngàn cánh' trên đỉnh đầu. Nếu một hay nhiều tuyến liên hệ với các luân xa không hoạt động (rất thường xảy ra), sự di chuyển sinh khí bị nghẻn. Vì vậy, khoa Yoga rất quan tâm đến việc tịnh hóa, kích thích và trẻ hóa các hệ thống chánh yếu của thân thể (như các hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, và nội tiết) để khai thông sự chứng đạt tỉnh thức. Tiến sĩ Swami Gitananda luôn luôn bảo rằng thân và tâm phải cùng hoạt động để hỗ trợ lẫn nhau. Tìm cách chứng đạt Giác Ngộ chỉ bằng cách tịnh hóa thân mà không phát triển tâm thức là một việc làm vô bổ. Cũng vậy, tìm cách phát triển tỉnh thức bằng thiền quán mà không lo cho thân thể lành mạnh chỉ tốn thì giờ vô ích. Trong pháp Yoga, thân và tâm là hai mặt của một đồng tiền. Tâm tỉnh thức (thiền tâm) của nhà thiền không phải từ trên trời rớt xuống (có thể là ngẩu nhiên trong một số rất ít trường hợp) mà là do một quá trình tu tập bao gồm sự thư giãn và tịnh hóa cả thân lẫn tâm một cách đúng đắn.
IX. Có một câu chuyện ngồ ngộ về luật nầy. Sau khi thành đạo, Đức Phật có trở về cung điện của Vua Tịnh Phạn, nơi mà vợ con Ngài đang sinh sống. Vì Đức Phật đã khước từ vương tước, nên hoàng tử Rahula sẽ đương nhiên là người kế vị ngai vàng. Khi Đức Phật về viếng hoàng cung, công chúa Yasodhara (vợ của Ngài thuở trước) bảo hoàng tử Rahula (lúc bấy giờ mới được bảy tuổi) ra tâu xin cha truyền cho ngôi báu. Vì tâm từ bi, Đức Phật thay vì truyền ngôi vua lại trao Rahula cho Ngài Xá Lợi Phất (đại đệ tử A La Hán của Đức Thế Tôn) để được giáo hóa và thọ giới sa di. Sự việc nầy gây không biết bao phiền não vì ngôi vua không người kế vị. Vua cha Tịnh Phạn bạch Phật chỉ nên thâu nhận đồ đệ khi có sự ưng thuân của cha mẹ của người xuất gia. Đức Phật thuận lòng vua cha và luật ấy được Ngài chấp thuận. Như có nói rồi, Hoàng tử Rahula chứng ngộ A La Hán lúc còn rất trẻ.
Cũng nên biết thêm rằng bà dì Maha Pajàpati từng nuôi dưỡng Hoàng Tử Sidharta từ lúc ra đời mới bảy ngày (lúc Hoàng Hậu Maya mất) cho đến khi khôn lớn, là vị tỳ kheo ni (bikkhuni) đầu tiên, và Công Chúa Yasodhara cũng thọ giới tỳ kheo ni sau đó; hai bà đều chứng đắc Thánh quả A La Hán khi còn tại thế. Vua Tịnh Phạn cũng đắc quả A La Hán dầu không có thọ giới tỳ kheo và vẫn giữ ngôi báu.
X. Một tỳ kheo Theravada chỉ được phép sở hữu tám vật dụng cho cuộc sống hằng ngày: ba y (hai y ngoài và một y trong), bình bát, kim và chỉ, một lọc nước, một dao cạo, và một dây nịt (để giữ y trong). Y ngoài và các vật dụng được xếp gọn trong bình bát, và bình bát được đựng trong cái xách đeo vai. Nhờ được trang bị gọn gàng, tỳ kheo có thể đi đâu cũng dễ dàng.
*
PHỤ BẢN II
Anatta:Vô Ngã tức là không có cái tôi, không vì mình. Một trong ba[51]đặc điểm của cuộc sống duyên khởi.
Anicca:Vô thường. Một đặc điểm khác của cuộc sống duyên khởi. Tất cả các hiện tượng, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ở trong tình trạng luôn luôn thay đổi, liên tục sanh và diệt ngoài sự kiểm soát của con người.
Arahat:A La Hán. Là vị Bồ Tát ở bậc cao nhứt[52]. A La Hán đã diệt (bằng thiền quán) hết mười kiết sử (ràng buộc)[53]buộc chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử. Ngài đã chứng ngộ Niết Bàn hay Bất Sanh Bất Tử, không còn trở lại cõi Ta Bà vô thường và đau khổ nữa.
Avijja:Vô Minh tức là không biết, không thấy, tâm chưa được khai ngộ. Vô minh được ví như bức màn che không cho thấy tánh thật hay thực tính của vạn vật (tâm, thân và thế giới danh sắc). Màn vô minh dày nên che khuất sự thật khiến con người tin vô thường là thường còn, những gì không toại nguyện hay đau khổ là toại nguyện hay khoái lạc, những gì không có thực chất hay không có tự thể là có thực chất hay có tự thể, những gì sai (không lành mạnh, không kỷ năng) là đúng (lành mạnh, có kỹ năng), và những gì đúng là sai. Vì vô minh nên hành giả không thấu triệt được Tứ Diệu Đế của Đấng Chí Tôn.
Bhavana:Thiền; sự phát triển tâm linh. Thiền Phật giáo có hai phương pháp: thiền chỉ (chú tâm và yên lặng) và thiền minh sát (thiền quán chiếu nội tâm).
Bikkhu:Tỳ Kheo; Tỳ Khưu. Nguyên nghĩa là 'thu lượm mảnh vụn'. Người sống nhờ vào sự bố thí của đàn na thí chủ; tiếng Pali Bikkhu chỉ tăng sĩ Phật giáo.
Bodhi:Bồ Đề; Tuệ Giác Tối Thắng; Khai Ngộ; Giác Ngộ. Tu Sĩ Siddhartha Gotama ngồi tham thiền và chứng đắc đạo quả dưới gốc cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Boghgaya).
Bodhicita:Bồ Đề Tâm; Giác Tâm. Là tâm của các Bồ Tát đã chứng đắc nhưng chưa rời cõi Ta Bà vì hạnh nguyện cứu vớt mọi chúng sanh khỏi vòng luân hồi. Bồ Tát hành trì Tâm Bồ Đề không chọn con đường chỉ tu hành cho riêng mình mà cho mọi chúng sanh. Nhiều người (vì hiểu lầm, nd.) đã vội trách tông phái Theravada hành trì Phật pháp cho cá nhân mình mà thôi.
Bodhisattva:Bồ Tát; 'Chúng Sanh Chứng Ngộ'. Bậc thánh hy sinh đời mình để cứu rỗi chúng sanh. Bồ Tát giới là lý tưởng của Đại Thừa (đối với lý tưởng A La Hán của Theravada). Bậc Bồ Tát nguyện chỉ nhập Niết Bàn sau khi mọi chúng sanh kể cả cọng cỏ, (sic) nhập Niết Bàn[54].
Buddha:Phật; Bụt. Bậc giác ngộ.
Buddhi:Phật Tâm. Khả năng tối thắng của tâm giúp người khai mở Tâm Bồ Đề và đạt quả A La Hán hay Phật. Thông thường khả năng này bị vô minh che lấp và chỉ phát huy được nhờ vào sự hành thiền và trì Phật pháp.
Chakra:Luân Xa. Thuật ngữ Yoga có nghĩa là 'bánh xe' và được xem như trung tâm chứa năng lượng pranabên trong. Nguồn năng lượng pranalan tỏa khắp cơ thể theo một mạng kinh mạch (nadi) và chi phối các hoạt động đặc biệt của thân và tâm. Có sáu luân xa chánh nằm dọc trên đường sống lưng, bắt đầu từ đốt xương khu. Các luân xa này liên hệ với hệ thần kinh chính và các tuyến nội tiết trong vùng. Hệ thống gồm luân xa, tuyến và mạng kinh mạch chịu trách nhiệm về các tình cảm, trạng thái tâm linh và nhân cách từ thô đến vi tế. Ba luân xa dưới điều hợp những nhu cầu thế tục, còn ba luân xa trên ngang tầm tim, cổ và chân mày trách nhiệm các xúc cảm tinh thần như từ, bi, hỷ, xả, thiền, và tỉnh thức. Luân xa thứ bảy, hoa sen ngàn cánh, nằm trên đỉnh đầu là trung tâm toàn giác. Hầu hết những người thế tục (không thiên về tâm linh) sống theo cảm giác và đam mê của thân xác bị chi phối bởi các luân xa thấp; luân xa cao của họ bị đóng kín nên không chứng nghiệm được những đặc tính cao quý như từ, bi, hỷ, xả, vân vân. Mục đích của yoga là khởi động các luân xa cao để phát triển sự tỉnh thức tâm linh và các đặc trưng liên hệ.
Deva:Đề Bà; Thiên. Thuật ngữ Phật học chỉ người trở thành thiên nhơn của cõi thiên, nhờ đã sống đời người đức hạnh và từ bi.
Dharma:Pháp. Pháp có rất nhiều nghĩa. Nghĩa thông thuờng dùng trong sách này là Phật pháp, tức những lời chỉ dạy dẫn đến Sự Thật Tuyệt Đối, Giác Ngộ hay Niết Bàn. Trong Yoga và Ấn giáo, Dharma chỉ con đường phát triển tâm linh (riêng biệt của mỗi người) được xác định từ lúc sanh ra đời. Trong A Tỳ Đạt Ma, A Tỳ Đàm, hay Vi Diệu Pháp, Dharma là một Pháp trong vũ trụ. Có hai loại Pháp: duyên sanh và vô duyên sanh. Pháp duyên sanh gồm năm uẩn, yếu tố danh sắc[55]cấu tạo thế gian và có tánh vô thường, khổ và vô ngã. Pháp vô duyên sanh là Niết Bàn. Phật pháp là lời dạy của Đức Phât giúp hành giả thấu hiểu các pháp duyên sanh để đi đến pháp vô duyên sanh, Niết Bàn, chấm dứt đau khổ.
Dukkha:Đau Khổ; Bức Bách; Khó Chịu. Chính xác hơn, đó là những gì thuộc hai lãnh vực thân và tâm có sanh có diệt, không thường còn và vô ngã. Vì vô minh con người chấp lấy thân, tâm và thế gian nên sanh ra chấp thủ, ái dục, phiền não, ưu sầu và khổ đau. Đó là một Sự Thật và là đế thứ nhứt của Tứ Diệu Đế[56].
Hatha Yoga:Phương pháp yoga mà căn bản là tịnh hóa thân, hệ thần kinh, làm cân bằng sinh lực, vân vân, hầu giúp đạt các cấp cao của thiền quán. Cân bằng dòng chảy của sinh khí prana bằng các thế và phép điều tức[57]là Hatha Yoga (Ha=khí dương của mặt trời; Tha=khí âm của mặt trăng).
Hinayana:Tiểu Thừa hay Cổ Xe Nhỏ, một tên không mấy đẹp do Phật giáo Đại Thừa đặt ra để chỉ tông Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) mà mục tiêu được xem như tu tập để tự giác tức chỉ giải thoát cho riêng mình trong lúc mục tiêu tu tập của Đại Thừa là giải thoát chúng sanh. Vì không chính xác nên Phật tử Việt Nam đã thay thế từ Hinayana bằng Theravada (nd).
Karma:Nghiệp. Nghiệp được tạo tác bởi thân, khẩu, ý và bắt đầu từ ý. Ý hành giữ dấu vết trong hệ thần kinh và tiềm thức; hai nơi này có khả năng tạo nên tác dụng có hậu quả giống y như nguyên nhân. Hành động tạo nghiệp có thể tốt hay xấu và đem lại kết quả tốt hay xấu tương ưng. Nghiệp dữ do tam độc tham sân si dẫn dắt. Nghiệp lành là kết quả của tuệ, vô trước và từ bi. Nghiệp được xem như năng lực định hướng số phần tái sanh.
Kundalini:Thuật ngữ Yoga chỉ tinh khí tiềm ẩn dưới chót đuôi (xương cụt) của đường sống lưng có thể khơi động nhờ luyện tập yoga. Nó được ví như 'Xà lực', con rắn nằm khoanh nơi luân xa muladhara chi phối tình dục. Khơi động kundalini là đưa sanh khí tiềm ẩn ấy theo kinh mạch sushuma tức theo ống tủy trong đường sống lưng, ngang qua sáu luân xa, đến luân xa 'sen ngàn cánh' . Lúc tỉnh thức trụ trong luân xa ấy, hành giả yoga sẽ đạt Moksha hay Giác Ngộ.
Mantra:Thần Chú. Câu thần bí thường bằng Phạn ngữ Sanskrit mà hành giả của các đạo Ấn, Phật, và Yoga trì để trau dồi sự chú tâm và những tâm linh khác. Một số tông phái chỉ dùng độc nhứt chú như phương pháp tham thiền, mà Mantrayana (Chú Thừa) của Kim Cương Thừa Tây Tạng (TibetanVajrayana) là một.
Moksha:Tiếng Sanskrit chỉ Niết Bàn tức được giải thoát khòi vòng luân hồi sanh tử. Trong Ấn giáo và Yoga, Moksha tương đương với Vô Dư Niết Bàn của Phật giáo. Moksha đồng nghĩa với Niết Bàn Phạm Thiên (Brahma Nirvana).
Mahayana:Đại Thừa; Cổ Xe Lớn. Tông phái Phật giáo chánh ở Trung Hoa, Nhựt, Đại Hàn, Taiwan, và Tây Tạng. Mahayana cũng là tông Phật giáo chánh ở Việt Nam (nd).
Manaskar Mudra:Xá. Hình thức thi lễ bằng cách chấp tay trước ngực với hai bàn tay và mười ngón tay sát vào nhau và cúi đầu. Xá là để thi lễ Phật tính có sẵn trong mỗi chúng sanh. Tôi xá ông có nghĩa là tôi vái chào Phật tính trong ông. Xá rất thông dụng trong giới đệ tử theo Ấn Giáo và Phật giáo.
Nirvana (Sanskrit) hayNibbana (Pali):Niết Bàn. Nguyên nghĩa là thoát vòng đam mê, tận diệt Vô minh, Chấp Trước/Tham Ái và Si Mê. Một số từ tương đương là: Vô Sanh, Vô Duyên Khởi, Vô Nhị Nguyên, sự Chấm Dứt Khổ Đau, Giải Thoát, và Hạnh Phúc Tối Thắng. Có hai bậc Niết Bàn: Hữu Dư Niết Bàn của Bồ Tát đã giải thoát tâm nhưng thân còn trong sắc giới và Vô Dư Niết Bàn của Phật đã hoàn toàn giải thoát, tức thân tâm đều trong cõi vô sắc giới.
Paticca-samuppada:Duyên Sanh; Duyên Khởi; Nhân Duyên. Giáo lý Phật gồm mười hai chi phần[58]vừa làm nhân vừa làm duyên chi phối sự sanh diệt của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thuyết dùng để giải thích sự tái sanh nối tiếp kiếp này sang kiếp khác trong luân hồi. Sự sanh diệt liên tục của ý thức trong đời sống cũng được giải thích bằng thuyết này.
Pranayama:Điều Tức. Thuật ngữ yoga Prana có nghĩa là sinh lực hay năng lượng sống lan tỏa trong khắp vũ trụ, chi phối mọi khía cạnh danh sắc của đời sống. Prana được thấm nhập vô thân thể qua hơi thở và một ít qua ăn uống, và chảy trong các kinh siêu trần nadi. Điều tức là sự kiểm soát sinh lực qua hơi thở mà các yogi của Hatha Yoga sử dụng nhằm mục đích gia tăng sự thu nhập sinh khí và điều phối sinh khí theo những mô hình đặc biệt, thường là dọc sống lưng để tịnh hóa và tăng cường hệ thần kinh chuẩn bị đánh thức kundalini và đạt bậc thiền cao nhứt.
Sadhu:Thiện Tai! hay Lành Thay! Từ thông dụng để chỉ đạo sư Hindu hay tăng sĩ Phật giáo. Được dùng để diễn đạt niềm hân hoan thù thắng lúc đi hành hương, hay lúc viếng tăng hoặc Phật tích (như Tượng Phật, tháp, gốc Bồ Đề, vân vân.) Sadhu đôi khi cũng được xướng lên sau khi tụng kinh hay xả thiền (để công nhận lực thù thắng của thiền và huệ trí thành đạt).
Samadhi:Định; Thiền Chỉ; Tam Muội. Định tâm vào một điểm hay một chủ thể như lời chú hay hơi thở để tâm an ổn, không bị bấn loạn.
Samsara:Luân Hồi. Sanh, tử tiếp nối liên tục hết kiếp này sang kiếp khác trong sáu cõi[59]. Cũng chỉ sự sanh diệt liên tục của các niệm trong tâm với sự vướng mắc và tham ái.
Satipatthana:Bốn nền móng của tỉnh thức là những lời dạy căn bản của Đức Phật về thiền quán để đưa đến sự phát triển tuệ giác, nhìn thấy mọi sự vật như-là. Pháp của Phật được chi tiết hóa trong Kinh Satipatthana bằng tiếng Pali. Phương pháp quán minh phổ cập được đặt trên nền móng này.
Sotàpanna:Nhập Lưu. Người tu đã vào dòng tức chứng ngộ Niết Bàn. Bồ Tát Nhập Lưu không còn tác nghiệp nhưng còn phải qua bảy kiếp người nữa mới thật sự chứng ngộ bậc A La Hán. [60]
Tantra:Mật Tông. Một trường phái tâm linh bí truyền của hai đạo Ấn và Phật. Thay vì dùng phương pháp thiền thụ động và phương cách chế ngự cảm giác như trong thiền định và thiền minh sát, Mật Tông dùng giác quan một cách rộng rãi trong nhiều phép tập luyện khác nhau hầu khai ngộ. Mật Tông Tây Tạng dùng năng lực của tưởng tượng và trì mật chú. Yoga dùng phương pháp Mật tông để đánh thức kundalini. Phương pháp Mật tông gây nhiều chú ý nhứt có lẽ là phép giao cấu giữa nam nữ mà mục đích là dùng tính chất duy nhứt của cảm giác khoái cảm tột độ để xả bỏ hoàn toàn cảm nhận có hai nhân vật giao cấu cũng như để triệt tiêu ý thức tự ngã hầu chứng ngộ tính bất nhị nguyên. Guru Bhagwan Shree Rajneesh thường dùng phương pháp này để dạy đồ đệ của ông.
Theravada:Nam Tông; Tông Nguyên Thủy. Nguyên nghĩa là 'Lời của bậc trưởng lảo'. Lời Phật dạy theo truyền thống Pali và được xem như nguyên gốc so với những kinh sách khác. Phật Giáo Theravada chiếm đa số ở Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện[61].
Vajrayana:Kim Cương Thừa. Pháp của Kim Cương Thừa Tây Tạng gồm có cách hành trì theo Mật Tông với năng lực tưởng tượng sáng tạo và tu hạnh Bồ Tát.
Vipassana:Thiền Minh Sát; Quán Minh;, Thiền Minh. Nguyên nghĩa là 'nhìn thấy riêng rẻ", nhìn sự vật như-là. Thiền Minh Sát dựa trên kinh Satipatthana với bốn căn bản tỉnh thức của Theravada, theo đó tâm được luyện để nhìn thấy mọi sự vật đều vô thường và xả bỏ chấp trước, tiêu diệt mười kiết sử, và chứng ngộ.
Yoga:Du Già. Nguyên nghĩa là 'kết nối'. Phương pháp rèn luyện tinh thần đặc biệt thuộc Ấn giáo mà mục đích là đạt Moksha. Kết nối được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Thoạt tiên là sự kết nối thể xác với tinh thần để đạt sự hòa hợp. Sau là sự kết nối tự ngã cá biệt với vũ trụ ngã bất nhị nguyên để đạt Moksha.
Zen:Tiếng Nhựt có nghĩa là Thiền một cách trọn vẹn. Thiền Zen nỗ lực đi thẳng xuyên qua tự ngã nhị nguyên không cần kinh sách, trí tuệ hay lễ nghi. Phật Giáo Zen phát sanh từ Trung Hoa và truyền sang Nhựt từ thế kỷ thứ 12; tại đây Zen phát triển thành một tông Phật Giáo độc đáo. Trong các tu viện Zen, tu sĩ dược dạy xóa bỏ hẳn tự ngã để chứng đạt vô ngã. Bản ngã giữ con người trong thế nhị nguyên. Thiền sư Zen dùng nhiều phương pháp thô bạo kể cả la hét và đánh đập môn sinh. Zen là tông phái Phật Giáo Đại Thừa được truyền đến Tây Âu trước tiên và được thích nghi với môi trường mới để thành Zen Âu Mỹ như hiện nay.
*
TÁC GIẢ: TỲ KHEO YAGACAVARA RUHALA
Tỳ Kheo Yogavacara Ruhala có tên tộc là Scott Joseph DuPrez. Sanh năm 1948 tại California, Scott lớn lên trong lúc phong trào híp pi đang thịnh hành. Anh gia nhập quân đội ba năm từ 1967 đến 1970 và có sang phục vụ ở Việt Nam mười tháng. Năm 1972, anh làm một chuyến mạo hiểm bụi đời nửa vòng trái đất, đến Bắc Âu rồi xuống tận Ấn Độ và Nepal; chuyến đi với đủ thứ cần sa và ma túy, kể cả LSD, đã đưa anh vô thế giới 'phê' thường xuyên. Tại Nepal anh có duyên gặp hai vị Lạt Ma Tây Tạng là hai bậc Thầy đầu tiên của anh trong một khóa tu học thiền. Sau khi mãn khóa, anh đổi hướng sang Phật giáo hay ít ra là có tâm thành mưu tìm Chân Lý. Công phu này đưa anh đến miền nam Sri Lanka nơi mà anh xuất gia năm 1975. Tỳ Kheo Yogavacara Rahula lưu lại Sri Lanka đến 1977 mới trở về Mỹ viếng song thân và xiển dương Phật pháp. Năm 1980, Tỳ Kheo trở lại Sri Lanka và tu học thêm đến 1986. Tỳ Kheo bắt đầu giảng dạy yoga và thiền trong các khóa tu học ngắn hạn 10-ngày ở Trung Tâm Thiền SMS nằm trên vùng núi gần Galaha, California và sống trong Kuti Unawatuna dựa biển. Từ 1988 Tỳ Kheo về tu tại Bhavana Society Forest Monastery and Meditation Center ở West Virginia, Hoa Kỳ. Ngoài hồi ký này, Tỳ Kheo còn viết nhiều sách khác như The Way to Peace and Happinessnói về Phật pháp và Traversing the Great Himalayalà một tập hình của chuyến hành hương lên Hy Mã Lạp Sơn.
*
HẾT
[1]Nguyên văn là chakrađược tác giả giải thích là "trung tâm năng lực của thân siêu trần (etheric). Xem thêm mục VIII, Phụ Bản I (nd).
[2]Nguyên văn của tác giả là Cosmic Consciousness (tg).
[3]Nguyên văn của tác giả là Godhead (tg).
[4]Pranayama (tg). Prana là nguồn sinh lực thấm đượm cả vũ trụ và con người ở mọi cấp độ. Ayanalà sự tích trữ và phân phối prana.(Người dịch ghi chú theo Kỹ Thuật và Thực Hành Yoga Toàn Tập của B.K.S. Iyengar, tổng hợp và biên dịch bởi Nguyễn Thị Hồng Vân, NXB Phụ Nữ, 2004)
[5]nadi(tg).
[6]Bằng cách quỳ gối, chấp hai tay, cúi xuống để đầu và các chót tay chân chấm đất, rồi ngưỡng lên lập lại ba lần (tg)..
[7]Xem mục II, Phụ Bản I (nd)
[8]The Heart of Buddhist Meditation (tg).
[9]Practical Insight Meditation (tg).
[10]Từ đây, tôi không gọi thân mình hay sinh hoạt của mình là 'của tôi' nữa mà chỉ nói trổng là thân hay sinh hoạt để nhấn mạnh tánh duyên khởi, vô ngã, vô chủ, và tự nhiên của thân-tâm theo nhãn quan của vipassana (tg).
[11]Thành ngữ 'tâm viên' có nghĩa là tâm lăng xăng như con vượn đu từ cành nầy sang cành khác không ngừng nghỉ (nd).
[12]Xem thêm mục IV, Phụ Bản I (nd).
[13]Gọi là thiền tuệ hay trí tuệ thiền thấy và biết rõ các danh pháp và sắc pháp (nd).
[14]Tức là các danh pháp và sắc pháp của thế gian duyên khởi (nd).
[15]Nói về danh pháp và sắc pháp (nd).
[16]Tức trên ba cõi dục giời, sắc giới và vô sắc giới (nd).
[17]Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn (Sotapanna), Tư Đà Hàm hay Nhất Lai (Sakadàgàmin), A Na Hàm hay Bất Lai (Anàgàmin), và A La Hán (Arahat). Xem thêm mục VI, Phụ Bản I (nd).
[18]Phật Giáo Đại Thừa ở Trung Quốc, Nhựt, Đại Hàn và Việt Nam cử hành lễ Đản Sanh vào rằm tháng Tư và lễ Thành Đạo vào mồng 8 tháng Mười Hai (tg).
[19]Tiếng Pali chỉ tu sĩ; có nguyên nghĩa là người lượm vụn vặt hay người sống nhờ thí thực (tg).
[20]Xem thêm mục VI, Phụ Bản I (nd).
[21]Tiếng Pali có nghĩa Tâm Trạng (The Temper); sự ngu muội và khuynh hướng trong tiềm thức tìm cách lôi kéo thiền giả khỏi chơn thiền (tg).
[22]'holier-than-thou'(tỉnh từ): có thái độ đạo hạnh trên người; tự cho mình đạo đức hơn (tg).
[23]Sống với Zen' (nd).
[24]không lấy tiền trọ (nd)
[25]General Post Office: Bưu Điện (nd).
[26]Xem thêm mục III, Phụ Bản I (nd).
[27]Nước đường dùng ở đây có tên treacle. Treaclelà nước đường đen trích từ cây kitul. Tàu hủ chế treacledược dùng tráng miệng mỗi ngày ở Kanduboda nên tôi quen và rất thích (tg).
[28]Xem thêm mục VII, Phụ Bản I (nd).
[29]'Tâm Thiền Phật Giáo' (nd).
[30]Tiếng Pali là Vassa hoặc Vassana có nghĩa nhập hạ, an cư kiết hạ (nd).
[31]Họ leo lên cây dừa để dò thăm rượu toddy, thứ như rượu chát mà tôi có uống thử ở Kerala (tg).
[32]Dịch từ tiếng Anh ablution (nd).
[33]Moon mantra, bài chú về trăng (nd).
[34]Thủ ấn (nd).
[35]Muốn nói đến Tổng Thống Richard Nixon và vụ Watergate (tg).
[36]The Thousand Petalled Lotus (tg).
[37]Tì Ni (nd)
[38]Tì Ni (nd)
[39]Ipiti so Bhagava Arahan, Sammasambudho, Vijjacaranasampanno, Sugato, Lokavidu, Anuttaro, Purisadammasarathi, Satthadevamanussanam, Buddho, Bhagava (nd).
[40]Đại Lão (nd).
[41]ego consciousness (tg).
[42]Non-Duality(tg).
[43]Có nghĩa bóng là khinh miệt hay chối bỏ (nd)
[44]Theo nghĩa cao nhứt, từ có nhà đến không nhà là buông xả hết mọi tâm sở (tg).
[45]Cụ Túc Giới, là giới cao nhứt của tăng ni. Giới tỳ kheo và tỳ kheo ni (nd).
[46]Hy Mã Lạp Sơn (lời chú của nd)
[47]"Sự biến đổi dễ nhận hơn sự trở thành" (Theo Phật Pháp Giảng Giải của tác giả U. Thittila, dịch giả TK. Pháp Không, Viên Không, 2002 (lưu hành nội bộ).
[48]Bố Úy Trí (Bhayanàna) (nd).
[49]Visuddhi (nd).
[50]Đã diệt được ba kiết sử Thân Kiến (Sakkhàyaditthi), Hoài Nghi (Vicikicchà) và Giới Cấm Thủ (Sìlabbatàparàmàsa) (nd).
[51]Một trong Tam Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã) của Phật giáo (nd).
[52]Bồ Tát Giới có bốn bậc là: Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn (Sotàpanna), Nhứt Lai hay Tư Đà Hàm (Sakadàgàmì), Bất Lai hay A Na Hàm (Anàgàmì) và A La Hán (Arahat) (nd).
[53]Mười kiết sử gồm: Thân kiến (Sakkàyaditthi), Hoài nghi (Vicikichà), Giới cấm thủ (Sìlabbataparàmàsa), Dục ái (Kàmàraga), Sân (Patighi), Ái sắc (Rùpaàaga), Ái vô sắc (Arùparàga), Ngã mạn (Màna), Trạo cử (Uddhacca), và Vô minh (Avijjhà) (nd).
[54]Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ (nd).
[55]Sắc chỉ thân xác vật lý; Danh chỉ thọ, tưởng, hành, và thức (nd).
[56]Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế (nd).
[57]Là phép kiểm soát hơi thở (nd).
[58]Mười hai chi phần Đức Phật thuyết minh (Kinh Tương Ưng Bộ II hay Samyutta Nikayà) gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, và lão-tử. (nd).
[59]Sáu cõi gồm: trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh, và địa ngục (nd).
[60]Thánh Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà Hoàn, đã diệt được ba trong số mười kiết sử là Thân kiến (Sakkayaditthi), Hoài nghi (Vicikicha) và Giới Cấm Thủ (Silabbataparamasa) (nd).
[61]Và Campuchia (nd).
-ooOoo-
(Trung Tâm Hộ Tông)