Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lục Hòa Cộng Trụ

25/05/201101:50(Xem: 5708)
Lục Hòa Cộng Trụ
thichcaphat_11

LỤC HÒA CỘNG TRỤ
Thích Nhật Hiếu

I. DẪN NHẬP:

Phật giáo là một tổ chức cộng đồng (Samasambhaga) ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại (vào thế kỷ thứ 5 BC). Đó là cộng đồng Tăng già (Sanïgha); bao gồm cả Phật tử tại gia (The Laity). Cộng đồng này được gọi chung là “Tứ chúng đồng tu” (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ: Bhikkhu, Bhikkhuni, Upàsaka, Upàsìka). Một cộng đồng không xây dựng trên nguyên tắc phục tùng uy quyền của thần linh, Giáo chủ, thủ lĩnh, hoặc pháp định, mà được xây dựng trên ý thức của mỗi cá nhân với 6 nguyên tắc sống hoà hợp (Lục hoà cộng trụ), thích ứng với mọi lợi ích cho cá nhân và lợi lạc cho cộng đồng.

II. NỘI DUNG:

A. Định danh Lục hoà:

Lục hoà là 6 nguyên tắc sống hoà hợp, đoàn kết trong tình thân thương đầy thánh thiện của cộng đồng những người đệ tử của đức Phật tại gia cũng như xuất gia. Đó là:

  1. Giới hoà đồng tu : Hoà đồng trên nguyên tắc Kỷ luật
  2. Thân hoà đồng trụ : Hoà đồng trên nguyên tắc Hành động
  3. Khẩu hoà vô tránh : Hoà đồng trên nguyên tắc Ngôn luận
  4. Lợi hoà đồng huân : Hoà đồng trên nguyên tắc Quyền lợi
  5. Ý hoà đồng duyệt : Hoà đồng trên nguyên tắc Ý chí
  6. Kiến hoà đồng giải : Hoà đồng trên nguyên tắc Nhận thức

(Trung bộ III, số 104, Kinh Sàmagàm; Trung bộ I, Kinh Kosambi;

Kinh Tăng chi IIB, số 157, Kinh Hoàng lô viên)

B. Giải thích Lục hoà:

1. Giới hoà đồng tu: Nguyên tắc thứ nhất này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Kỷ luật”; cộng đồng đệ tử Đức Phật giữ gìn Giới luật không để bị nhiễm ô, sứt mẻ đối với những người bạn đồng tu cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau. Như vậy, nguyên tắc này được xem là bí quyết cho sự an lạc, hạnh phúc cho cá nhân và thịnh vượng cho tổ chức. Đức Phật dạy: Phật tử tại gia giữ 5 giới; Xuất gia như: Sa di, Sa di ni giữ 10 giới; Tỳ kheo giữ 250 giới; Tỳ kheo ni giữ 348 giới,v.v...

Mục tiêu giá trị cần phải đạt được của tất cả mọi người con Phật chúng ta là giải thoát tâm linh. Lộ trình đưa đến mục tiêu ấy là Trì giới. Nó giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn, thân chứng chân lý giải thoát. Giới luật là hàng rào bảo vệ an toàn phẩm hạnh nhân cách, ngăn ngừa điều sai trái, dứt trừ điều xấu xa (phòng phi chỉ ác). Hơn nữa, Giới luật của Phật giáo chính là nền luân lý, đạo đức; ngoài việc thánh thiện hoá cho cá nhân ra, còn được xem là những nguyên tắc thăng hoa cho cộng đồng xã hội. Theo tinh thần Duyên sinh vô ngã, Phật giáo cho rằng, cá nhân không thể tách rời cộng đồng, và cộng đồng không ngoài cá nhân; vì vậy, sự trong sạch tư cách của cá nhân chính là sự thăng hoa và thịnh vượng của cộng đồng tổ chức.

Chúng ta cũng biết, quốc gia không luật pháp, quốc gia suy vong; tổ chức không kỷ luật, tổ chức ô hợp; tôn giáo không giáo luật, tôn giáo tục lậu. Cũng vậy, Phật giáo là một tổ chức cộng đồng có một nền giới luật chặt chẽ và nghiêm minh, nhưng có một tính chất ưu việt hơn các tổ chức xã hội cũng như tôn giáo khác là Giới luật không xem như là một Giáo luật hay Tín điều đầy uy quyền do một đấng tối cao nào, hoặc cơ quan chuyên chế pháp định nào đó ban hành, mà nó được xem là một bản thoả thuận chung của cộng đồng đệ tử của Đức Phật. Thời Đức Phật còn tại thế, sự kiết giới và chế định luật nghi, Ngài không áp đặt, mà là dựa trên nguyên tắc “Tuỳ phạm tuỳ kiết”, nghĩa là trong thực tế những sự kiện nào đã gây ra sự bất ổn, bất hạnh cho cá nhân và cộng đồng thì Đức Phật dựa vào đó mà chế định ra Giới luật. Do đó, Giới luật được xem là hàng rào, là thành luỹ bảo vệ an toàn cho cuộc sống phạm hạnh, cuộc sống đầy thánh thiện, giúp cho mọi người Phật tử Tại gia cũng như Xuất gia chuyển hoá phiền não, khổ đau để thoát ly mọi hệ lụy của tham lam, sận, si mê,… hướng đến thanh tịnh, từ bi và trí giác; nhằm đem lại sự thanh bình và an lạc cho cuộc đời. Vì vậy, mọi người đệ tử của Đức Phật phải giữ gìn cẩn thận, xem đó như con thuyền vượt bể khổ trần gian nhắm bờ giải thoát.

2. Thân hoà đồng trụ: Nguyên tắc thứ 2 này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Hành động”; mọi hoạt động, hành vi trong cộng đồng đệ tử Đức Phật đều hợp nhất: đi cùng đi, ở cùng ở, ăn cùng ăn, làm cùng làm, nghỉ cùng nghỉ,… không lập dị kiểu cách, không phách lối quan liêu, biết hoà mình, đồng sự đối với mọi người, không sống đóng khung, cô lập, để rồi gây rạn nứt, sứt mẻ mối thâm giao tình cảm đối với những Pháp lữ, Đồng môn cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành mối tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau. Như vậy, nguyên tắc này được xem tương ứng với “Đồng sự nhiếp” trong Tứ nhiếp pháp, và cũng là bí quyết cho sự an lạc, hạnh phúc cho cá nhân và thịnh vượng cho tổ chức.

3. Khẩu hoà vô tránh: Nguyên tắc thứ 3 này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Ngôn luận”; luôn dùng lời ái ngữ dễ mến, tạo niềm tin yêu thật sự cho người nghe: “Không nói lời lọc lừa mà lời nói thành thật; không nói lời thêu dệt mà nói lời ngay thẳng; không nói lời hung ác mà nói lời từ ái; không nói lời gây chia rẽ và hận thù mà nói lời mang ý nghĩa xây dựng và hoà giải;…”; không gây rạn nứt, sứt mẻ mối thâm giao tình cảm đối với những pháp lữ, đồng môn cả trước mặt lẫn sau lưng,… để tạo thành tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau, nhất trí không tranh luận; ngoài ra, với ý nghĩa của Pháp hoà này, Đức Phật còn dạy về nguyên tắc để dập tắt sự tranh cải (Thất pháp diệt tránh) một cách rất tinh tế; và Ngài còn dạy thêm về sự hợp mặt của Tăng đoàn nếu có thì nên “Nói năng như chánh pháp và im lặng như chánh pháp” (Trung bộ kinh, Kinh Thánh cầu). Ở đây, nguyên tắc thứ 3 này được xem tương ứng với “Ái ngữ nhiếp” trong Tứ nhiếp pháp. Như vậy, nguyên tắc này được xem là bí quyết cho sự an lạc, hạnh phúc cho cá nhân và thịnh vượng cho tổ chức.

4. Lợi hoà đồng huân: Nguyên tắc thứ 4 này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Quyền lợi”. Với những Pháp lữ đồng tu trong tổ chức truyền thống cộng đồng đệ tử Đức Phật, mọi quyền lợi từ vật chất cùng như tinh thần đều cùng nhau san sẻ đồng đều bình đẳng với nhau; biết nhường nhịn lẫn nhau, không so đo, tính toán; không ganh ghét đố kỵ, tư hiềm tranh quyền đoạt lợi,…; nhất là đối với hàng ngũ xuất gia đệ tử Đức Phật đã sống cuộc đời không gia đình, cô thân chiếc ảnh, độc hành đi trên con đường lý tưởng đã chọn, như cảm hứng ngữ từng ca ngợi:

“ Một bát cơm ngàn nhà

Thân đi muôn dậm xa

Chỉ vì việc sanh tử

Giáo hoá tháng ngày qua.”

Với những con người đã xem “Thân ngũ uẩn giai không” như vậy thì sá gì công danh và quyền lợi. Như Kinh Thừa tự Pháp, Trung bộ I, Đức Phật đã dạy, với một đệ tử thực thụ của Ngài thì chỉ xem trọng phần “thừa tự pháp” chứ không coi trọng “thừa tự tài vật”. Chính vì vậy mà mấy ngàn năm qua kể từ sau khi Đức Phật diệt độ, Tăng đoàn của đức Phật vẫn giữ được phong độ xuất thế của mình trong vai trò “Vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì lợi lạc thế gian mà làm cán cân đạo lý cho ngàn đời”. Cộng đồng đệ tử xuất gia của Đức Phật là những người Vô sản, những người không gia đình (Homelessness Persons), không riêng tư. Những người từ bỏ tất cả, để rồi đến với tất cả. Tóm lại, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật”. Cái lợi ở đây, Phật giáo xem “lợi tha hơn là tự lợi, vị tha hơn là vị kỷ (vì người hơn là vì mình)”. Vì vậy, tính bao dung, hy sinh và phụng sự được xem là tính chất đặc trưng của Phật giáo. Ở đây, tính chất thứ 4 này được xem tương ứng với “Bố thí nhiếp” trong Tứ nhiếp pháp.

5. Ý hoà đồng duyệt: Nguyên tắc thứ 5 này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Ý chí”; với người đệ tử của Đức Phật, không những không có một hành động xâm hại nào đối với mọi người bị lên án, mà còn không có một ý niệm hoặc tâm tưởng nhỏ nhoi nào nghĩ đến sự xâm hại với sinh linh được chấp nhận. Như chúng ta đã biết, Đức Phật dạy rằng: “Nhất thiết duy tâm tạo”, hoặc “Tâm như công minh hoạ, năng hoạ chủng chủng pháp” (Tâm như người nghệ sĩ, có thể vẽ nên mọi hình ảnh). Thật vậy, khổ đau, hạnh phúc, thiện báo, ác báo,… trong cuộc đời này đều do tâm niệm thanh tịnh hay nhiễm ô, giác ngộ hay mê muội mà thôi. Vả lại, Ngài còn dạy thêm: “Ái trước và thủ chấp là nguyên nhân của mọi phiền não sinh tử, khổ đau”. Ở đây, Đức Phật muốn nói đến sự ô nhiễm tâm hồn được xem như là những áng mây u ám vần vũ trên bầu trời tâm thức của mọi chúng ta. Nếu Đức Phật là mẫu người thành tựu tuyệt đối nhân cách viên mãn về từ bi, trí tuệ và phúc thiện, thì những người đệ tử của Ngài được xem như là những hạt nhân, chủng tử của sự giác ngộ và giải thoát đang nảy mầm, tươi tẩm và sinh trưởng không ngừng, mà mảnh đất tươi tẩm cho hạt bồ đề ấy nảy mầm sinh sôi chính là mảnh đất tâm. Nếu mảnh đất tâm này có nhiều cỏ dại của tham lam, sân hận và si mê thì những hạt giống bồ đề của từ bi, trí tuệ ấy không sao nảy mầm tươi tốt cho được. Đức Phật dạy:

“Trong tất cả các pháp “Trong tất cả các pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu đem tâm ô nhiễm Nếu đem tâm thanh tịnh

Nói năng hay hành động Nói năng hay hành động

Khổ não sẽ theo sau Hạnh phúc sẽ theo sau

Như xe theo chân vật kéo”. Như bóng không rời hình”.

(Kinh Pháp cú số 1-2)

Trong cộng đồng đệ tử của Đức Phật, sự hoà hợp ý chí, tâm tư và nguyện vọng, thâm tình đồng môn hoà mục chung sống được xem là vấn đề tối trọng. Một khi một người đã từ bỏ thân thuộc trong gia đình để đi xuất gia, thì còn niềm vui nào hơn là niềm vui đoàn thể Pháp lữ, cùng san sẻ bùi ngọt, vui buồn với nhau. Nhiều người cho rằng, những người đi tu là những người yếm thế, chán đời, lánh tục,… là những kẻ vô hại nhưng cũng là những người bất lợi cho xã hội; hơn thế nữa, có người cho rằng họ là những kẻ bỏ đi. Hàng ngũ thầy tu Phật giáo là những thành phần phi sản xuất. Thế nhưng, họ có biết rằng những con người như vậy đã suốt cuộc đời sống hy sinh, sống quên đi hạnh phúc cá nhân của mình để giữ lấy lý tưởng phạm hạnh, giữ lấy đạo lý, lẽ phải để mà soi sáng cho đời, như vậy mà bị đánh giá là lãnh đạm, lánh đời,…, là bất lợi cho xã hội được hay sao?!! Có biết chăng, bên trong cánh cửa nhà Phật là một thế giới của những con người ngày đêm nỗ lực không ngừng đào luyện tài năng, tô bồi phẩm hạnh để xứng đáng bậc thầy đưa đường chỉ lối cho trời người. Thật vậy, ngót 3 ngàn năm qua, mái chùa, cửa Phật luôn là nơi cưu mang các bậc anh tài, khai phóng tinh thần dân tộc trong buổi đầu lập quốc, là nơi chở che hồn thiêng dân tộc trong buổi quốc loạn thời suy. Nếu không phải là nơi tổ chức hội đoàn có truyền thống giáo dục chặt chẽ thì làm sao Phật giáo Việt Nam ghi được những trang sử vàng sáng ngời như vậy được. Từ ấy, chúng ta nhận thấy, tổ chức Phật giáo không phải là tổ chức ồ ạt về số đông, nhộn nhịp về cơ cấu, chặt chẽ về ban ngành,…; tuy nhiên, đây là tổ chức đoàn thể mang tính tự ý thức giác ngộ, sống đời tỉnh thức, với tinh thần tự giác, không mang tính cưỡng chế pháp định hoặc giáo quyền nào. Với ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm về bất cứ những hành vi, hành động tốt hay xấu, thiện hay ác do chính mình tự tạo ra. Do đó, ở điểm này Phật giáo được hiểu là một lẽ sống mang tính nhân bản hơn là một Tôn giáo. Hơn nữa, nếu ở lãnh vực Tôn giáo thì Phật giáo mang tính Tôn giáo của từ bi, cứu khổ, của sự sống tâm linh hơn là Tôn giáo của thần linh mặc khải. Còn nếu Phật giáo được hiểu là một tổ chức thì được hiểu là tổ chức của những người sống đời sống tỉnh thức, trí tuệ và từ bi hơn là một hội đoàn thông thường luôn mong muốn mình lớn mạnh, vươn cánh tay bạch tuộc bành trướng, thị oai, thao túng, cạnh tranh, trấn áp, lấn lướt, như tất cả những hội đoàn đời thường khác. Có thể nói: “Phật giáo là cộng đồng tổ chức của những người tỉnh thức, vui sống trong tình thân hữu, không màn đến những vấn đề được mất, hơn thua,… vui với những niềm vui của người, buồn với những cái đau thương của đời; không thấy đâu là ranh giới giữa người và ta; không ranh giới trên phương diện hình thức lãnh thổ quốc gia, gia đình, tổ chức,… không cả ranh giới ý thức hệ lẫn tâm hồn, trãi dài cả pháp giới mênh mong trong vô lượng vô biên vi trần quốc độ”.

6. Kiến hoà đồng giải: Nguyên tắc thứ 6 này có nghĩa là “Hoàđồng trên nguyên tắc Nhận thức”; thành tựu mọi tri kiến, hợp nhất mọi nhận thức trong cộng đồng đệ tử Đức Phật, không những nâng đỡ nhau về đời sống vật chất mà còn giúp nhau trong cuộc sống tinh thần về tri thức, tri kiến và hiểu biết. Đạo Phật được nhìn nhận là đạo của trí tuệ và từ bi; chính vì vậy mà ngay cả Đức Phật, Ngài cũng không độc quyền chân lý giác ngộ mà Ngài dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”; thành Phật trước hoặc thành Phật sau đều cùng một ý nghĩa là giác ngộ chân lý, thoát ly mọi hệ lụy khổ đau của cuộc đời. Mọi Phật tử luôn luôn với tâm nguyện: “Đệ tử và tất cả chúng sinh đều trọn thành Phật đạo”. Đây là nguyên lý cuối cùng của Lục hoà cộng trụ, nhưng cũng là nguyên lý bao quát nhất trong tất cả các nguyên lý trên trong nguyên tắc ứng xử trong đời sống cộng đồng đệ tử của Đức Phật.

III. KẾT LUẬN:

Nhìn chung, tinh thần Lục hoà là bí quyết của hành vi ứng xử cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đẹp để xây dựng đời sống cộng đồng. Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này được xem như là bản hiến pháp đầu tiên trong Phật giáo, với tinh thần thoả thuận chung rất cởi mở, tự do và ý thức. Thiết nghĩ, nguyên lý sống này không riêng gì nếp sống đạo mà nó thích ứng trong mọi gia đình, học đường và bất cứ hoạt động tổ chức xã hội nào. Cho dù các nhà xã hội học có vận dụng phương thức hiện đại về tổ chức như thế nào đi chăng nữa cũng không sao vượt qua được các nguyên tắc trình bày trên. Cách đây 25 thế kỷ về trước mà Phật giáo đã có một tinh thần xã hội mang tính hiện đại như vậy. Chúng ta không thể không nghiêng mình bái phục khả năng xuất chúng trong việc vận dụng và điều hành cộng đồng Giáo hội Tăng già một cách thông suốt, chặt chẽ, tinh nghiêm, tự giác, nhất là tính dân chủ rất cao. Ngót 3 ngàn năm qua mà tinh thần truyền thống cộng đồng Tăng già này vẫn còn được bảo lưu rất tốt ở các nước Nam truyền cũng như Bắc truyền Phật giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com